Love is a puzzle posed by the emotions and not likely to be solved by reason.

Anon

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - Nghiên Cứu
ồi cái gì phải đến cũng đến, và Hans Castorp có cơ hội trải nghiệm những điều mà trước đây ít lâu chàng có mơ cũng không thấy: mùa đông băng giá, mùa đông ở trên này, mùa đông mà Joachim đã được nếm mùi thử thách vì khi chàng lên đây hồi đầu năm nó vẫn còn thống trị khắp nơi, mùa đông mà Hans Castorp ngấm ngầm e sợ mặc dù chàng đã được trang bị đến tận răng. Joachim tìm cách trấn an em.
“Cậu không việc gì phải mường tượng ra những cảnh hãi hùng quá”, chàng bảo, “rốt cuộc đây không phải là Bắc cực. Nhờ độ ẩm thấp và gió lặng nên người ta gần như không cảm thấy lạnh. Cứ quấn chăn thật kỹ vào là cậu có thể nằm ngoài ban công đến khuya. Nghe nói ở độ cao trên tầng sương mù nhiệt độ lại tăng lên được một chút, nên ở trên này có thể ấm hơn, trước đây người ta chưa biết điều ấy. Chỉ có lúc trời mưa thì đúng là lạnh thấu xương. Nhưng mà cậu đã có túi ngủ lót lông rồi còn gì, và trong phòng cũng được sưởi ấm chút đỉnh, người ta không để chúng mình chết rét đâu mà sợ.”
Thêm vào đó cũng không thể bảo rằng mùa đông ập đến bất ngờ với tất cả sức mạnh tàn bạo của mình, nó đến rất nhẹ nhàng, mới đầu không khác gì những ngày xấu trời trong mùa hè. Gió nam nổi lên vài hôm, mặt trời trốn biệt tăm cả ngày, thung lũng phía dưới như ngắn và hẹp lại, những dãy núi xa xa như cánh cổng chặn trước cửa thung lũng tiến lại gần, nhô lên lởm chởm trơ trụi. Rồi mây đùn lên trên đỉnh Piz Michel và đỉnh Tinzenhorn, dày đặc tràn sang hướng đông bắc, thung lũng tối sầm u ám chỉ còn là một cái khe. Rồi mưa đổ xuống. Dần dần mưa chuyển sang màu xám nhờ, tuyết đã trộn lẫn vào trong nước, cuối cùng chỉ còn có tuyết, cả thung lũng mịt mù trong bão tuyết, vô vàn bông tuyết lồng lộn quay cuồng, mà cảnh ấy kéo dài không phải chỉ ngày một ngày hai, trong lúc ấy nhiệt độ cứ tàn tàn tụt xuống thấp một cách đáng sợ, và vì thế tuyết không tan được, nó chuyển thành nước đá đọng lại trên mặt đất, khiến cả thung lũng như bị trùm trong tấm áo choàng trắng mỏng ướt sũng, lỗ chỗ những vết thủng đen ngòm do ngọn thông trên sườn núi đâm lên. Lò sưởi trong phòng ăn được mở lên âm ấm cả ngày. Bấy giờ là đầu tháng mười một, ngày lễ vong linh[138], và khung cảnh trên đối với những người ở đây thực ra chẳng có gì là lạ. Trong tháng tám cũng đã có lúc thiên nhiên khoác màu tang tóc như vậy, và đã từ lâu người ta đánh mất thói quen coi tuyết là đặc quyền của mùa đông. Vì suốt cả bốn mùa, bất kể thời tiết thế nào, tuyết luôn hiện diện trước mắt người ta, dĩ nhiên chỉ thấp thoáng ngoài xa: trong các khe nứt và hang hốc của dãy Rhätikon không khi nào thiếu những dải tuyết lưu cữu sáng trắng trên sườn núi đá như tấm bảng quảng cáo trước lối vào thung lũng, và những đỉnh núi hùng vĩ xa xôi phía trời nam cũng gửi đến lời chào băng giá quanh năm với dải khăn trắng toát quấn trên đầu. Điều đáng nói ở đây là sự dai dẳng của cả hai hiện tượng, tuyết cứ rơi không ngừng không nghỉ và nhiệt độ cứ tụt xuống mãi. Bầu trời xám lợt nặng như chì treo là là trên thung lũng, tan ra thành vô vàn bông tuyết thầm lặng và chăm chỉ buông xuống đất với một sự hào phóng quá hạn lệ khiến người ta hoảng sợ, và nhiệt độ mỗi lúc một thấp hơn. Một sáng Hans Castorp tỉnh dậy thấy nhiệt kế trong phòng chỉ bảy độ, sang ngày hôm sau chỉ còn có năm độ. Cái lạnh dừng lại không tiến thêm nữa, nhưng nó cũng không chịu rút lui. Đầu tiên ban đêm nước đóng thành băng, giờ thì băng đóng cả ban ngày, từ sáng tới tối, trong khi trời vẫn tiếp tục xuống tuyết, chỉ ngừng lại nghỉ hơi vài lần vào ngày thứ tư, ngày thứ năm và ngày thứ bảy. Tuyết dồn lại thành đống lớn, cản trở mọi sinh hoạt. Người ta phải xúc tuyết dọn một lối đi để bệnh nhân an dưỡng có thể ngày mấy lần dạo chơi theo bổn phận trên con đường lên chỗ băng ghế và máng nước trên sườn núi cũng như chặng đường xe ngựa xuống thung lũng; nhưng lối đi hẹp đến nỗi khi gặp nhau không còn chỗ tránh, người ta phải leo lên đống tuyết bên lề và không hiếm khi bị thụt chân xuống tuyết sâu tới gối. Ở khu điều dưỡng dưới ‘Phố’ người ta để một bánh xe lu do ngựa kéo có người nắm dây cương dắt chạy qua chạy lại cả ngày đầm tuyết trên đường, và một cỗ xe trượt màu vàng dáng dấp cổ lỗ như xe ngựa trạm từ thế kỷ trước với lưỡi ủi tuyết gắn trước mũi lộn đi lộn lại dọn khúc đường giữa khu điều dưỡng và cụm dân cư phía bắc thung lũng được biết đến dưới cái tên ‘Làng’. Thế giới, cái thế giới nhỏ hẹp, nằm cách biệt trên cao của những kẻ trên này, được khoác lên một tấm áo choàng dày cộm, không có cây cột và ngọn tháp nào mà trên đầu không được đội một chiếc mũ trắng xóa, bậc tam cấp dẫn lên cổng chính viện an dưỡng biến mất hoàn toàn dưới tuyết, chỉ còn là một mặt phẳng nghiêng, những cành thông trĩu xuống lặc lè dưới sức nặng của những chiếc gối tuyết hình thù ngộ nghĩnh, chốc chốc lại có một chiếc rơi bộp xuống, vỡ tan ra thành bụi trắng bốc lên giây lát giữa đám thân cành. Những dãy núi chập chùng vây quanh thung lũng cũng mù mịt tuyết, dưới chân lởm chởm cây, lên đến trên ngọn chỉ còn tuyết phủ. Ban ngày mà tối thui, mặt trời đứng như một quầng sáng bạc sau lớp màn tuyết. Nhưng bản thân tuyết cũng gián tiếp tỏa ra một làn ánh sáng dìu dịu, mơ hồ, làm đẹp thêm cả thiên nhiên lẫn con người, mặc dù mũi ai cũng đỏ ửng lên dưới những chiếc mũ len sặc sỡ.
Trong phòng ăn, bên bảy dãy bàn chuyện nở như pháo ran xoay quanh chủ điểm mùa đông, mùa làm ăn chính ở vùng này. Nghe đâu rất nhiều du khách và vận động viên thể thao đã đến ở chật các khách sạn dưới ‘Làng’ và ‘Phố’. Người ta đánh giá lớp tuyết mới xuống đã cao khoảng sáu mươi phân, và độ xốp thì lý tưởng cho bộ môn trượt tuyết. Đường trượt xe bobsleigh trên sườn núi phía tây bắc dẫn từ Schatzalp xuống thung lũng được cấp tốc chuẩn bị, dự tính trong vài ngày tới có thể đưa vào hoạt động, với một điều kiện là gió phơn không nổi lên biến tất cả thành công dã tràng. Người ta nôn nóng theo dõi sinh hoạt của những người khỏe mạnh, đám khách từ dưới đồng bằng lên, đoán già đoán non xem năm nay họ còn bày ra những trò gì, và tính trước cách vi phạm nội quy của viện để lẻn đi dự hội hè và những cuộc thi thể thao. Hans Castorp nghe họ bàn tán về một phát minh mới từ Bắc Âu đưa xuống, lướt ván trên tuyết, một cuộc thi trong đó người tham gia đứng trên ván trượt tuyết để cho ngựa kéo đi. Người ta nhất quyết trốn giờ nằm nghỉ đi xem bằng được trò này. Và cả lễ giáng sinh cũng đã được nhắc tới.
Giáng sinh! Lạy Chúa, lễ giáng sinh thì Hans Castorp chưa hề nghĩ tới. Nói khơi khơi hay viết trong thư thì dễ lắm, rằng theo chỉ định của bác sĩ chàng sẽ phải ở lại trên này qua mùa đông cùng với Joachim. Nhưng giờ đây chàng mới sực nhớ ra, như thế có nghĩa là chàng sẽ phải ăn giáng sinh ở trên này, và nhận thức ấy làm chàng điếng hồn, bởi vì, mà cũng không phải chỉ vì lẽ ấy, từ xưa tới nay chàng chưa bao giờ ăn lễ giáng sinh xa quê hương, ngoài vòng tay êm ấm của gia đình. Thôi thì nhân danh Chúa, đành chấp nhận chứ biết làm sao. Chàng đâu còn là một đứa trẻ lên năm lên ba, và Joachim có vẻ như cũng đã chịu phục tùng số phận không còn giãy dụa phản kháng nữa, vả lại người ta vẫn ăn mừng giáng sinh ở khắp nơi và trong mọi hoàn cảnh đấy thôi!
Mặc dù vậy chàng vẫn thấy trước kỳ trông đợi[139] mà đã tính chuyện giáng sinh thì quá sớm; từ giờ đến lúc ấy còn tới sáu tuần lễ nữa cơ mà. Nhưng thời gian ở đây lướt như bóng câu qua cửa sổ, sáu tuần là chuyện quá nhỏ, có thể bị nuốt trôi và bị nhảy cóc dễ dàng trong phòng ăn - một quá trình thuộc về nội tâm mà Hans Castorp đã lĩnh hội được từ kinh nghiệm bản thân, dầu rằng chàng vẫn chưa tập được cái vẻ điềm nhiên phớt đời của những người đồng cảnh ngộ có thâm niên cao ở trên này. Những cái mốc đánh dấu từng chặng trong dòng thời gian một năm, ví dụ như lễ giáng sinh, đối với họ cũng giống như điểm tựa hay chiếc xà để họ vịn vào mà nhào lộn, mà lấy đà nhảy qua khoảng trống hoác ra ở giữa. Bọn họ thảy đều hâm hẩm sốt, có cường độ trao đổi chất gia tăng, nhịp điệu sinh học của cơ thể trở nên gấp gáp - tất cả những điều đó rốt cuộc có thể là hậu quả của việc họ ngốn những khoảng thời gian khổng lồ với một tốc độ kỷ lục như vậy. Chàng sẽ chẳng thèm kinh ngạc nếu bọn họ coi giáng sinh như là chuyện đã rồi để tiếp tục bàn về năm mới hay lễ hội hóa trang vào mùa xuân. Nhưng trong phòng ăn ở ‘Sơn trang’ người ta không đời nào xử sự một cách hồ đồ và thiếu phép tắc như vậy. Giáng sinh là một cột mốc để dừng chân, là một dịp đòi hỏi nhiều lo toan và sắp đặt. Người ta bàn cãi về món quà chung của bệnh nhân theo tục lệ tặng cho viện trưởng, ông cố vấn Behrens, vào đêm giáng sinh, và tổ chức quyên góp một vòng. Năm trước quà tặng là một chiếc vali du lịch, những người có thâm niên cao hơn một năm ở trên này truyền đạt lại như vậy. Năm nay người ta đưa ra cân nhắc một chiếc bàn phẫu thuật, hay bộ giá vẽ, chiếc áo choàng lông, chiếc ghế xích đu, hay một chiếc ống nghe bằng ngà voi có thể “khảm thêm gì đó”, khi được hỏi ông Settembrini đề nghị nên tặng một bộ từ điển bách khoa toàn thư sắp xuất bản nhan đề ‘Xã hội học luận về đau khổ’; tuy nhiên lên tiếng ủng hộ đề nghị này chỉ có mỗi một tay buôn sách gần đây thấy ngồi ăn ở bàn cô ả Kleefeld. Mãi họ vẫn không nhất trí được với nhau. Việc trao đổi với các khách an dưỡng người Nga gặp nhiều trở ngại. Hội nghị đi đến chỗ bất hòa. Đám dân Moscow tuyên bố sẽ tự mua quà riêng tặng Behrens. Bà Stöhr tỏ ra đặc biệt lo lắng từ nhiều ngày nay về khoản tiền mười franc quyên góp để mua quà mà bà ta đã nhẹ dạ nộp giùm bà Iltis và bị bà kia “quên” không trả. Bà ấy “quên” - bà Stöhr nhấn mạnh từ này ở nhiều cung bậc khác nhau, nhưng không ngoài mục đích biểu lộ nỗi bất bình sâu sắc trước một sự đãng trí khó tin nhường ấy, mặc dù bà Stöhr đoan chắc là mình đã không bỏ lỡ cơ hội thuận tiện nào mà không gợi ý hay nhắc nhở một cách bóng gió xa xôi, thế mà trí nhớ bà kia vẫn trơ ra không thèm hoạt động. Bà Stöhr cũng đã nhiều lần tuyên bố cho qua món nợ và coi như tặng quách bà Iltis khoản tiền ấy. “Kể như tôi đóng góp cả phần mình và phần bà ta”, bà Stöhr bảo, “được thôi, kẻ đáng hổ thẹn chắc chắn không phải là tôi!” Nhưng rồi cuối cùng bà ta không cưỡng lại được sự cám dỗ của một giải pháp mà bữa nọ bà ta tự hào thông báo với cả bàn trong sự nhẹ nhõm chung: bà ta tới thẳng ‘văn phòng’ lĩnh ra mười franc và đề nghị họ ghi khoản nợ ấy vào hóa đơn tính tiền của bà Iltis - bằng cách ấy bà ta cao tay gài con nợ hay quên kia vào tròng, thật là kẻ cắp gặp bà già.
Tuyết đã ngừng rơi. Bầu trời hé ra đôi ba chỗ, những đám mây xám màu chì miễn cưỡng rút lui để mặt trời rụt rè ghé mắt nhìn xuống, nhuộm lên quang cảnh một làn ánh sáng xanh dìu dịu. Rồi nắng bừng lên rực rỡ. Không khí buốt giá trong suốt và tinh khiết, mùa đông khoe ra tất cả vẻ đẹp lộng lẫy của nó vào giữa tháng mười một. Bức tranh phong cảnh bên ngoài mái vòm ban công, những cánh rừng phủ tuyết trắng như rắc phấn, những khe sâu được lấp đầy một lớp đệm tuyết êm ái, thung lũng trắng xóa chan hòa ánh nắng dưới bầu trời xanh biếc, thật tuyệt vời. Đêm đến càng thêm mầu nhiệm, vầng trăng trước rằm rải ánh xanh mờ ảo xuống thế gian đẹp mê hồn. Đâu đâu cũng thấy băng tuyết sáng trong như pha lê, lấp lánh như kim cương. Những vạt rừng chỉ còn hai màu trắng đen tương phản. Đằng sau vầng trăng gần tròn là vòm trời đen thẫm nhấp nháy vô vàn tinh tú. Nhà cửa, cây cối, cột dây điện thoại đổ lên mặt đất trắng tinh những cái bóng đen kịt rõ ràng, sắc nét, có vẻ còn thật hơn cả vật chủ. Vài tiếng sau khi mặt trời lặn nhiệt độ tụt xuống chỉ còn bảy, tám độ âm. Tấm áo choàng tinh khiết của băng giá phủ lên mặt đất che đậy hết những nhơ nhuốc ngày thường và làm cho thế gian như bị bỏ bùa, ngưng đọng lại trong một giấc ngủ trăm năm đầy phép màu quyến rũ của tử thần.
Hans Castorp thường nằm đến khuya ngoài ban công, phía dưới là thung lũng mùa đông bị phù phép, mặc cho Joachim đã vào phòng đi ngủ từ lúc mười giờ hoặc sau đấy không lâu. Chàng đẩy chiếc ghế nằm tiện lợi với tấm nệm ba phần và cái gối tròn kê gáy lại gần hàng lan can gỗ đội một lớp tuyết dày sụ; trên chiếc bàn trắng bên cạnh là ngọn đèn nhỏ đứng bên một chồng sách và một ly sữa, tiêu chuẩn mỗi tối lúc chín giờ được đưa đến tận phòng cho bệnh nhân ở ‘Sơn trang’, Hans Castorp đã pha vào đó một chút rượu cognac cho dễ uống. Để chống lại cái lạnh chàng phải huy động tất cả những gì có trong tay, toàn bộ trang thiết bị mùa đông của chàng đã được đưa ra sử dụng. Cả người chàng từ chân lên đến ngực được bọc trong một chiếc túi lông đóng mở bằng nút bấm mà chàng đã sắm kịp thời trong một tiệm đồ chuyên dụng ở khu điều dưỡng dưới thung lũng, bên ngoài là cả hai chiếc chăn lông lạc đà quấn theo đúng nghi thức trên này. Trên vai chàng còn trùm thêm một chiếc áo choàng lông ngắn phủ ra ngoài bộ đồ ngủ ấm dùng trong mùa đông, đầu đội mũ len, chân đi ủng dạ và bàn tay thì đeo một đôi găng độn dày cộp nhưng chẳng giúp được gì nhiều mấy ngón tay tê cóng.
Cái gì giữ chàng lại ngoài này lâu đến thế, tới tận nửa đêm hoặc thậm chí quá nửa đêm (đôi vợ chồng Nga bên hàng xóm đã rời khoang ban công của họ từ lâu rồi)? Một phần cũng bởi vẻ huyền diệu của đêm đông, phần nữa tại âm nhạc dưới thung lũng tối nào cũng vẳng lên đến tận mười một giờ khuya, nhưng nguyên nhân chủ yếu là cảm giác uể oải và kích động chế ngự khắp người chàng, cả hai cùng tồn tại song song và kết hợp với nhau: đúng ra là sự mỏi mệt lười vận động của thân thể cộng với sự háo hức tìm tòi của trí tuệ nhắm vào một lĩnh vực mới đầy hấp dẫn gần đây bắt đầu thu hút mối quan tâm của chàng trai trẻ, khiến đầu óc chàng căng lên làm việc không chịu nghỉ. Thời tiết này làm chàng mệt muốn chết, băng giá gặm nhấm sức đề kháng và làm tiêu hao cơ thể chàng. Chàng ăn rất nhiều, không bỏ qua một món nào trong thực đơn thịnh soạn ở ‘Sơn trang’, sau ngỗng quay có ngay bò bít tết, và ăn với một sự ngon miệng đáng sợ nhưng nghiễm nhiên được coi như chuyện thường ngày ở đây, mùa đông có vẻ cảm giác háu đói còn tăng lên hơn cả mùa hè. Đồng thời dạo này chàng lại sinh ra nghiện ngủ, bất kể ngày nắng hay đêm trăng, cuốn sách dày cộp trong tay - sách gì thì chúng tôi sẽ đề cập đến ở phần sau - chàng thường chập chờn thiếp đi giây lát, rồi cũng đột ngột như khi chìm vào giấc ngủ chàng lại choàng tỉnh dậy tiếp tục việc nghiên cứu của mình. Các cuộc chuyện trò sôi nổi - khác với hồi ở dưới đồng bằng, ở đây chàng dễ sa đà vào lối nói hấp tấp, thẳng thắn đến mức hớ hênh - các cuộc chuyện trò sôi nổi với Joachim trong những lần đạp tuyết đi dạo theo bổn phận làm chàng mệt nhoài, người váng vất run rẩy, đầu nặng trĩu như say rượu, trán nóng hổi. Từ khi mùa đông tràn về biểu đồ nhiệt độ của chàng lại vọt lên, và ông cố vấn cung đình Behrens đã nói đến chuyện có thể phải chích thuốc, đó là biện pháp ưa thích của ông ta đối với những ca sốt dai dẳng, và hai phần ba khách điều dưỡng ở đây, kể cả Joachim, phải thường xuyên theo chỉ định này. Nhưng lý do tăng cường tỏa nhiệt của cơ thể, như Hans Castorp thầm nhận xét, rất có thể nằm ở sự phấn chấn tinh thần và động não, công việc tìm tòi nghiên cứu giữ chàng nằm lại ngoài ban công trong đêm lấp lánh băng tuyết tới tận khuya lắc khuya lơ. Càng vùi đầu vào sách vở chàng càng cảm thấy lời giải thích trên có lý.
Trong phòng điều dưỡng chung cũng như ngoài ban công các phòng riêng ở an dưỡng đường quốc tế ‘Sơn trang’ người ta đọc không phải là ít - tuy nhiên chủ yếu là đám người mới đến và khách điều dưỡng ngắn hạn; vì những kẻ phải bóc lịch nhiều tháng hay thậm chí nhiều năm ở trên này đã từ lâu nhập tâm nghệ thuật giết thời gian mà không cần đến một biện pháp tiêu khiển hay vận động trí óc nào, phải, họ còn công khai cười nhạo những kẻ dại khờ bám lấy sách vở. Một cuốn sách hờ hững mở ra trên đầu gối hay nằm lăn lóc trên bàn, thế là đã dư sức để người ta cảm thấy được cung cấp đầy đủ món ăn tinh thần. Để phục vụ nhu cầu ấy đã có thư viện của an dưỡng đường mà một phần đáng kể trong đó là họa báo phát hành bằng nhiều thứ tiếng, về chất lượng không hơn sách báo ở phòng đợi của một ông nha sĩ mấy tí. Tiểu thuyết các loại lâu lâu được trao đổi với thư viện công cộng dưới ‘Phố’. Thi thoảng có một cuốn sách hay một tờ tạp chí được người ta giành nhau đọc, ngay cả những kẻ đã chính thức giã từ sách vở cũng chìa tay đòi với một vẻ thờ ơ giả hiệu. Vào thời điểm chúng tôi đề cập ở đây họ đang chuyền tay nhau một tập sách in tồi do ông Albin tuồn vào, có nhan đề là ‘Nghệ thuật quyến rũ’. Nó được dịch một cách thô thiển từng lời từ tiếng Pháp, thậm chí văn phạm ngồ ngộ của thứ tiếng này cũng được bê nguyên xi sang tạo nên ít nhiều bản sắc và vẻ hấp dẫn riêng, trong khi nội dung là sự phát triển triết lý về tình yêu xác thịt và đam mê nhục dục trên tinh thần tự do hưởng thụ một cách trần tục. Bà Stöhr chẳng mấy chốc đã đọc xong và thấy cuốn sách rất “phê”. Bà Magnus, chính là người đàn bà mắc chứng thoát đạm, hăng hái lên tiếng ủng hộ bà nọ. Chồng bà ta, ông chủ hãng bia, cũng muốn thủ lợi một ít cho bản thân, nhưng rất tiếc bà Magnus tiếp thu nhanh quá, theo ông ta cuốn sách dạy toàn cách “chiều chuộng” phái nữ và gợi ý cho họ có những nguyện vọng kém phần khiêm tốn. Nhận xét này đã góp phần không nhỏ làm tăng lượng độc giả của cuốn sách. Giữa hai quý bà mới lên nhập viện hồi trung tuần tháng mười, bà Redisch, phu nhân một ông chủ nhà máy người Ba Lan, và một bà góa tên Hessenfeld người Berlin, cả hai có ghế nằm nghỉ trong phòng điều dưỡng chung dưới vườn, người nào cũng khẳng định là mình đăng ký mượn cuốn sách trước, có lần đã diễn ra một màn không mấy đẹp mắt sau bữa tối, thậm chí còn kết thúc trong bạo lực, mà Hans Castorp trên ban công phòng mình là khán giả bất đắc dĩ được chứng kiến từ đầu chí cuối, đến lúc một trong hai bà - có thể là bà Redisch mà cũng có thể là bà Hessenfeld - rống lên như bị chọc tiết và người ta phải khiêng về phòng mới yên. Đám trẻ đã nhanh tay thưởng thức áng văn chương trứ danh này trước mấy bà sồn sồn. Đôi khi họ còn cùng nhau nghiên cứu trong phòng riêng vào những giờ muộn màng sau bữa tối. Chính mắt Hans Castorp đã thấy gã thiếu niên móng tay dài lén lút tuồn cuốn sách cho một cô bé bệnh nhân nhẹ mới tới, Fränzchen Oberdank, một tiểu thư con nhà lành tóc vàng rẽ ngôi giữa vừa được bà mẹ đưa lên gửi gắm ở đây chưa bao lâu.
Có lẽ vẫn có những trường hợp ngoại lệ, rất có thể có những người trong lúc nằm nghỉ theo quy định vẫn tập trung trí óc mình vào một vấn đề không phải là vô bổ, vào một nghiên cứu hữu ích nào đó, dầu rằng chỉ để cố giữ mối dây liên hệ với cuộc sống dưới đồng bằng hay để tạo cho thời gian một sức nặng và chiều sâu nhất định, tránh cho nó cái số phận đơn thuần chỉ là thời gian trống rỗng và vô nghĩa. Có lẽ ngoài ông Settembrini với nỗ lực tiêu diệt khổ đau và chàng Joachim trung hậu ngày ngày vật lộn cùng cuốn sách ngữ pháp tiếng Nga vẫn còn có người này người nọ cố gắng học hỏi điều gì có ích, nếu họ không thuộc về đám thực khách dưới phòng ăn - khả năng này gần như có thể loại trừ - thì nhất định là một trong những ca liệt giường hay đang hấp hối, Hans Castorp rất muốn tin vào điều này. Về phần chàng, vì đã ngán ‘Tàu thủy viễn dương’ đến tận cổ, nên cùng với đồ dùng mùa đông chàng tiện thể nhờ người nhà gửi lên một số sách vở liên quan đến nghề nghiệp của mình, sách khoa học kỹ thuật, sách dạy đóng tàu. Nhưng giờ đây những cuốn sách ấy nằm lăn lóc một xó, bị bỏ rơi vì những cuốn sách thuộc một lĩnh vực khoa học khác hẳn mà chàng trẻ tuổi Hans Castorp đang dành trọn mối quan tâm nghiên cứu. Đó là những sách về giải phẫu học, về hoạt động sinh lý của cơ thể và nói chung là về sự sống được soạn thảo bằng nhiều ngôn ngữ, tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh. Một ngày nọ chàng nhận được cả một chồng do tay chủ hiệu sách dưới thung lũng gửi lên, rõ ràng không phải y cao hứng tự ý gửi mà làm theo đơn đặt hàng của Hans Castorp, chàng đã ngấm ngầm đặt mua trong những cuộc dạo bộ một mình xuống ‘Phố’ lúc vắng mặt Joachim (vì anh chàng phải đi chích thuốc hoặc kiểm tra cân nặng). Joachim kinh ngạc nhìn chồng sách trên tay em họ. Toàn là sách đắt tiền, sách khoa học bao giờ cũng đắt, giá tiền còn in rành rành trên bìa sách và giấy bọc. Chàng hỏi Hans Castorp, nếu đã muốn đọc sao không mượn ông cố vấn cung đình là người chắc chắn phải có rất nhiều sách loại này. Nhưng Hans Castorp trả lời rằng, chàng muốn sở hữu hẳn những sách ấy, vì cảm giác khi đọc sách của mình khác hẳn sách đi mượn; hơn thế nữa chàng có thói quen gạch chân và đánh dấu vào sách trong khi đọc. Rất lâu sau đấy Joachim còn nghe tiếng dao rọc giấy soàn soạt[140] bên phòng em họ.
Những tập sách dày cộp ấy rất nặng nề và khó cầm trên tay, khi nằm đọc Hans Castorp phải để mép dưới quyển sách tựa vào ngực, đè lên quãng bao tử. Làm như thế rất tức bụng, nhưng chàng chấp nhận; miệng hé mở chàng đưa mắt lướt theo những dòng chữ cao siêu từ trên xuống dưới, gần như không cần tới ánh sáng lọc qua cái chao màu đỏ của ngọn đèn bàn, vì ánh trăng rõ như ban ngày tưởng chừng nhìn thấy từng dấu chấm dấu phẩy. Đầu chàng chuyển động theo ánh mắt đến khi cằm hạ xuống chống vào ngực, và chàng dừng lại ở tư thế ấy giây lát trước khi lật sang trang mới, vừa chập chờn suy nghĩ vừa thiêm thiếp ngủ hoặc giả trong khi ngủ thiếp đi vẫn chập chờn đuổi theo ý nghĩ. Chàng miệt mài nghiên cứu, mặc cho vầng trăng lặng lẽ theo quỹ đạo bất di bất dịch của mình lướt qua thung lũng miền sơn cước lấp lánh băng tuyết trong như pha lê, chàng cặm cụi đọc về chất hữu cơ, về các đặc tính của chất nguyên sinh, thứ vật chất nhạy cảm làm nên sự sống tồn tại ở trạng thái đặc biệt lơ lửng giữa sinh và diệt, chàng nghiến ngấu như nuốt từng lời về sự hình thành những tế bào sống sơ khai vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay, chàng đọc với một mối quan tâm tha thiết dành cho sự sống và những bí mật vừa thiêng liêng vừa nhơ nhớp của nó.
Sự sống là gì? Chẳng ai biết. Một cơ thể sống ý thức được rất rõ ràng sự tồn tại của bản thân ngay từ lúc mới manh nha thành hình, không còn nghi ngờ gì nữa, nhưng nó không biết cái gì làm nên sự sống trong nó. Ý thức thông qua cảm nhận các kích thích bên ngoài, không còn nghi ngờ gì nữa, đã thức tỉnh và đạt tới một mức độ nhất định ngay cả ở những sinh vật cấp thấp có cấu tạo đơn giản nhất; và ta không thể khiên cưỡng quy kết sự xuất hiện của ý thức cho một cái mốc nào đó trong quá trình tiến hóa chung của vạn vật hay riêng của từng cá thể, chẳng hạn như cho rằng một sinh vật chỉ có thể có ý thức nếu như nó đã có hệ thần kinh. Vì những động vật cấp thấp đã làm gì có hệ thần kinh dù là ở hình thức đơn giản nhất, phức tạp như bộ não lại càng không thể có, nhưng ai dám nói rằng chúng không có khả năng cảm nhận kích thích tác động lên mình. Thậm chí người ta còn có thể gây mê và làm tê liệt sự sống, bản thân sự sống chứ không phải chỉ một vài cơ quan chức năng do nó tạo ra, tức là các giác quan và hệ thần kinh, mà thôi. Người ta có thể khiến các tế bào sống - cả trong giới thực vật lẫn trong giới động vật - tạm thời mất đi khả năng nhận biết kích thích, có thể dùng chloroform, chloral hydrate hay morphine để gây mê tế bào trứng và tinh trùng. Vậy thì ý thức chẳng qua chỉ là một chức năng của vật chất hữu cơ là những chất được coi như những viên gạch xây lên sự sống. Và khi đạt tới mức độ phát triển cao hơn thì cái chức năng ấy lại quay ra phản chủ, nó sa đà vào việc dò xét và lý giải các hiện tượng dẫn đến sự hình thành chính nó, một cố gắng tuyệt vọng-hy vọng của sự sống mong tự kiểm nghiệm bản thân, một sự dằn vặt trong lòng thiên nhiên hòng giải thích chính mình, mà kết cục vô vọng là điều không tránh khỏi, vì rốt cuộc thiên nhiên không thể nhận thức được hoàn toàn, sự sống không thể dò xét đến tận cùng nguồn cội.
Sự sống là gì? Nào có ai hay. Không ai rõ đâu là thời điểm nó nảy sinh và bắt đầu nhen nhóm trên trái đất. Chúng ta không có trong tay một bằng chứng trực tiếp hay gián tiếp nào của sự sống gắn liền với thời điểm ấy; nhưng bản thân sự sống khi ra đời đã làm một bước nhảy vọt khổng lồ. Nếu như chúng ta có thể nói gì về điều đó, thì đây: nó phải có cấu tạo ở mức độ phát triển cao đến thế nào mới có thể tách mình ra khỏi đồng loại để trở thành một dạng vật chất khác hẳn với thế giới chết quanh mình. Sự khác biệt giữa con trùng biến hình amip và động vật có xương sống vẫn còn là rất nhỏ, là không đáng kể nếu đem so sánh với sự khác biệt giữa hình thức đơn giản nhất của sự sống và thế giới tự nhiên, cái môi trường bao gồm toàn chất vô cơ thậm chí không đáng được gọi là thế giới chết. Bởi cái chết đúng ra chỉ là sự phủ định biện chứng của sự sống; trong khi giữa sự sống và thế giới vô cơ nứt ra toang hoác một vực sâu thăm thẳm mà khoa học cho tới giờ vẫn hoài công tìm cách bắc cầu nối giữa hai bờ. Người ta gắng sức xây dựng vô số lý thuyết hòng lấp đầy vực thẳm ấy, nó thản nhiên nuốt trôi tất cả mà không hề giảm sút mảy may cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Để tìm kiếm một mắt xích liên kết giữa thế giới vô cơ và thế giới hữu cơ thậm chí người ta còn nhắm mắt chấp nhận giả thuyết phi lý về một loại vật chất sống sơ khai, một chất vô cơ được hữu cơ hóa, tự hình thành trong môi trường giàu protein - giống như tinh thể thạch anh tự kết tủa trong dung dịch muối kiềm - phi lý, vì chỉ một chút khác biệt tinh tế ấy thôi giữa hữu cơ và vô cơ lại chính là điều kiện tiên quyết và hình thức tiêu biểu của sự sống, và không một sinh vật nào ra đời mà không có ít nhất một bên cha hoặc mẹ, dù là bằng hình thức sinh sản hữu tính hay vô tính mặc lòng. Những reo hò phấn khởi khi người ta tưởng vớt lên được bọt biển nguyên sinh từ dưới đáy đại dương, một bằng chứng cho thuyết sự sống tự hình thành, đã kết thúc trong nỗi hổ thẹn bẽ bàng[141]. Như kết quả nghiên cứu sau đó cho thấy, người ta đã nhầm lẫn trầm tích khoáng thạch là chất nguyên sinh. Để không phải chấp nhận đó là một phép màu - thực ra sự sống, điều kỳ diệu được hình thành từ một vài nguyên tố nhất định rồi sau đó lại tan rã thành chính những nguyên tố đó, từ cát bụi trở về cát bụi, chính là một phép màu - người ta buộc phải tin vào thuyết khởi sinh, tức là tin vào sự hình thành chất hữu cơ từ chất vô cơ, điều mà xét cho cùng cũng là một phép màu. Từ đó người ta mới thêu dệt thêm những bậc trung gian và bước chuyển tiếp dẫn đến vật chất hữu cơ như nó đang tồn tại ngày nay, giả sử đó là những cấp bậc thấp hơn mọi hình thức của sự sống có trong thiên nhiên, và giả sử bản thân chúng lại có tiền sử là những hình thức sơ khai hơn nữa, những hạt sống chưa từng được nhìn thấy dưới ống kính hiển vi, và trước nó hẳn phải là sự hình thành các chuỗi liên kết protein tổng hợp…
Vậy thì sự sống là gì? Đó là hơi ấm, sản phẩm nhiệt tồn tại dưới dạng không bền, một hình thức sốt của vật chất, trong đó quá trình phân hủy và tái tạo diễn ra liên tục, với sự hình thành những chuỗi phân tử protein đẹp như những tác phẩm nghệ thuật. Đó là cái hữu trong lòng cái vô, một sự cân bằng mong manh hiện diện trong quá trình hủy diệt và tái sinh vừa chính xác vừa hiểm nghèo đến mức ngọt ngào đau đớn. Nó không phải là vật chất, mà cũng chẳng phải tinh thần. Nó là dạng trung gian ở giữa hai thứ ấy, một hiện tượng phi vật chất phát sinh từ vật chất, như cây cầu vồng trên thác nước hay như ngọn lửa. Nhưng cũng giống như mọi thứ phi vật chất, nó chứa đầy nhục cảm đến mê li và bỉ ổi, với sự trơ trẽn của vật chất tự kích thích và bị kích thích, một hình thức tồn tại vô đạo đức. Đó là cơn động dục thầm kín và mãnh liệt trong cõi lòng giá băng trinh tiết của vũ trụ, một cơn thèm muốn vụng trộm của nhu cầu hấp thụ và bài tiết, một hơi thở nồng nặc mùi xú uế đầy các loại thán khí chẳng rõ cả nguồn gốc lẫn thành phần. Nhờ sự cân bằng bấp bênh trong trạng thái không bền vững của mình, tuân theo các định luật tự nhiên, nó sinh sôi nảy nở như có phép màu trợ giúp; từ thứ chất liệu mềm nhũn gồm nước, đạm, muối, mỡ mà người ta quen gọi là máu thịt nó nhào nặn hình hài, dựng lên dáng vóc, tô điểm nhan sắc, trở thành đối tượng của ham muốn và nhục dục. Bởi hình thức và nhan sắc của nó không chuyển tải một giá trị tinh thần như những tác phẩm văn học và âm nhạc, cũng không thông qua vật chất để thể hiện cảm xúc một cách vô tư và hồn nhiên như những tác phẩm điêu khắc tạo hình. Vượt ra ngoài khuôn khổ ấy, hình thức và nhan sắc của nó được thai nghén theo cách thức bí ẩn nào đó thành ra một sự vật chất hóa nhục cảm, là hiện thân của thứ vật chất hữu cơ chứa trong mình cả sinh sản và hoại tử, là thịt da bốc mùi chết chóc…
Chàng trai trẻ Hans Castorp, nằm cuộn tròn trong chăn ấm nệm êm bên trên thung lũng lấp lánh ánh băng tuyết lạnh lẽo, dưới vòm trời le lói hào quang những vì tinh tú chết, mường tượng ra trước mắt mình bức chân dung sự sống. Nó chập chờn lơ lửng đâu đó trong không trung, vừa xa vời vừa gần gũi, một tấm thân, một cơ thể trắng nuột nà tỏa hơi nồng nàn nhớp nháp, làn da với tất cả những dấu vết và khuyết tật tự nhiên, lấm tấm tàn nhang, nốt ruồi, mụn cóc, nứt nẻ và loang lổ, được phủ lên một lớp lông tơ mịn óng tàn tích của tổ tiên xuất thân vốn là loài vật… Nó bồng bềnh trong làn hơi ấm tỏa ra từ chính bản thân, tách biệt khỏi cái lạnh giá chết chóc của vũ trụ quanh mình, ung dung tự tại và đầy bí ẩn, mang trên đầu vòng vương miện kết bằng những sợi biểu bì hóa sừng tập trung dày đặc các hạt sắc tố, hai tay đưa lên chắp sau gáy, uể oải đưa ánh mắt lim dim dưới hàng mi khép hờ nhìn thẳng vào mặt người quan sát, cặp mắt mí lót do hậu quả của hiện tượng lại giống nheo nheo vừa dài vừa hẹp, đuôi mắt xếch lên cao, cặp môi mọng hơi hé mở, một chân đứng thẳng chịu sức nặng của cả thân mình khiến khung xương chậu nổi gồ lên bên hông bên, một chân hơi chùng, đầu gối khuỳnh ra, mũi chân chống xuống, lòng bàn chân áp vào bắp chân kia. Nó đứng hững hờ như thế, thấp thoáng một nét cười trên khóe mép, nghiêng nghiêng duyên dáng từ từ quay, hai bên cùi chỏ trắng muốt giương ra cân đối, cả người là một tổng thể hài hòa tuyệt đỉnh. Khoảng hõm tối om trong hốc nách làm thành một cặp phạm trù với hình tam giác thăm thẳm bóng đêm nơi ngã ba bí ẩn giữa hai đùi, đôi mắt một mí tương xứng lạ kỳ với cái miệng mòng mọng đỏ, hai núm hồng hồng của cặp nhũ hoa kết hợp với lỗ rốn hẹp dài như một khe nhỏ xẻ ra giữa bụng. Nhờ các chức năng của cơ quan thần kinh trung ương và tủy sống, lồng ngực nó tự động nâng lên hạ xuống đều đều phù hợp với cử động co giãn của buồng phổi, hơi thở tuôn ra từ làn môi hé mở đã được lớp niêm mạc phế quản truyền cho hơi ấm và độ ẩm, đã chứa đầy thán khí, chất phế thải của các tế bào, sau khi trao cho đội ngũ hồng cầu đi qua các phế nang chút dưỡng khí quý báu trong mình. Vì Hans Castorp đã biết thêm nhiều điều về cơ thể ấy, về sự hài hòa bí ẩn trong cái vật thể được nuôi dưỡng bằng máu huyết, với một mạng lưới thần kinh, tĩnh mạch, động mạch, mao mạch dày đặc vận chuyển và thẩm thấu huyết tương, với bộ khung ghép từ những ống, những đòn, những bản, những đốt xương bên trong chứa đầy dịch tủy, những xương cốt này chẳng qua cũng là mô mỡ sụn nhờ muối canxi và các chất nhầy kết dính rắn chắc lại mà thành; rồi những lớp niêm mạc trơn nhẫy bên trong, những dây chằng, những lớp sụn cấu tạo nên các khớp, và hơn hai trăm cơ bắp giúp bộ máy ấy chuyển động, lại thêm những cơ quan nội tạng với chức năng tiêu hóa, hô hấp, nhận và truyền tín hiệu kích thích tới các giác quan, với lớp da bao bọc bên ngoài che chở bảo vệ, với khoang bụng khoang ngực chứa đầy nội dịch, với những tuyến bài tiết, nội tiết, những ống những khe chằng chịt, cửa ngõ của cơ thể thông ra ngoài: đó là một cá nhân, một đơn vị sống đã đạt tới mức độ phát triển cao, cao hơn rất nhiều những động vật đơn bào mà toàn bộ lớp da bên ngoài đảm nhiệm cả chức năng hô hấp, tiêu hóa và thậm chí có thể cả tư duy nữa; cơ thể này được cấu tạo nên từ vô số tế bào nhỏ bé, mỗi tế bào mang một chức năng riêng đã được quy định từ lúc phôi thai, được nhân lên bằng hình thức tự phân chia, được xếp loại với những nhiệm vụ riêng biệt, có những hình thức và tính năng chuyên môn cũng là điều kiện quyết định sự hoạt động và phát triển của chúng.
Tấm thân lơ lửng trước mắt chàng kia, một cá thể và sinh vật có bản ngã riêng, hóa ra lại là một phức hợp khổng lồ gồm vô số cá thể không ngừng hô hấp và tiêu hóa, những cá thể có cấu tạo phù hợp với chức năng đặc biệt của mình, để đảm bảo sự hoạt động của cái bộ máy phức tạp là tổng thể kia đã hy sinh tự do và khả năng tồn tại độc lập của bản thân, trở thành những phần tử của một kết cấu duy nhất, đã giới hạn nhiệm vụ của mình trong một phạm vi nhất định, loại này chỉ tiếp nhận tín hiệu ánh sáng, âm thanh, cảm giác hay nhiệt độ, loại khác chỉ còn biết thông qua cơ cấu co giãn để thay đổi hình dạng hay tiết ra chất dịch, lại có những loại chỉ đơn thuần mang một chức năng bảo vệ, chống đỡ, vận chuyển hay sinh sản mà thôi. Nhưng trong thiên nhiên cũng có những hình thức kết hợp lỏng lẻo hơn, đó là trường hợp nhiều cá thể cấp thấp nối lại với nhau trong một liên kết ngẫu nhiên không bền vững, làm thành một tập hợp hữu cơ có dạng đơn vị sống ở cấp cao hơn. Nhà nghiên cứu của chúng ta hồi hộp theo dõi sự hình thành những tập đoàn tảo, khi các con trùng đế giày, các tế bào riêng lẻ, chỉ được bọc trong một lớp màng mỏng và thường nằm rải rác cách xa nhau, bỗng có khả năng nối lại thành một chuỗi đa tế bào, chỉ có điều không ai biết nên gọi chúng là một nhóm cá thể riêng rẽ hay là tập đoàn cá thể đã hợp nhất lại làm một, và nếu có cơ hội tự lên tiếng kể về mình thì có lẽ bản thân chúng cũng chẳng biết nên xưng là tôi hay là chúng tôi nữa.
Ở đây thiên nhiên cung cấp cho ta một ví dụ minh họa về dạng trung gian giữa kết hợp của một tập thể gồm nhiều phần tử riêng lẻ làm thành những cơ quan chức năng của một bản thể cao hơn và sự tồn tại tự do riêng rẽ của những cá thể ấy: tập hợp đa bào chỉ là một hình thức tạm thời trong quá trình tuần hoàn của sự sống và là một mắt xích trong chuỗi sự kiện lặp đi lặp lại từ lần sinh sản này đến lần sinh sản sau. Hoạt động sinh sản, sự phối ngẫu bằng cách hòa trộn chất nguyên sinh và nhân của hai tế bào, là mở đầu cho sự hình thành mỗi một cá thể đa bào, cũng như mở đầu cho sự hình thành một thế hệ phần tử hữu cơ riêng lẻ và kết cục là tái tạo chính bản thân mình. Vì hoạt động sinh sản cũng được duy trì qua nhiều thế hệ tế bào không cần phối ngẫu, cứ tự phân chia mà nhân lên, cho đến một thời điểm nhất định, khi các cá thể ra đời bằng hình thức sinh sản vô tính chấm dứt hoạt động sinh sôi nảy nở theo cách này để tiến hành giao hợp thì vòng tuần hoàn trở nên khép kín và mọi sự bắt đầu lại từ đầu. Đó là chu kỳ sống của một cơ thể sinh vật gồm nhiều phần tử phức hợp, xuất thân từ sự chung chạ nhân của hai tế bào cha mẹ, trải qua một giai đoạn sinh sản vô tính của rất nhiều thế hệ tế bào đơn lẻ, trong đó sự phân chia tế bào nhằm tăng nhanh số lượng các cá thể quyết định tốc độ phát triển của tổng thể, và vòng sinh sản hữu tính khép lại khi các tế bào sinh sản, các phần tử được hình thành với mục đích đặc biệt để duy trì nòi giống, chín muồi trong cơ thể phức hợp kia, lại tìm đến chung chạ với nhau để tái tạo sự sống.
Cuốn sách chứa đầy những điều cao siêu về sinh sản nặng trình trịch đè trên ngực, nhà nghiên cứu trẻ chăm chú lần theo các bước phát triển của sự sống từ lúc một con tinh trùng - con nhanh nhảu nhất trong cả đám - quẫy đuôi bơi tới rúc đầu chui qua lớp vỏ lầy nhầy của một tế bào trứng, về phần mình cái trứng cũng dồn chất nguyên sinh làm căng các nếp gấp trên vỏ, nổi lên những gò thụ tinh để đón tiếp đám tinh trùng. Thiên nhiên phong phú và đầy sáng tạo đã không bỏ qua một mánh khóe và thủ thuật kỳ quái nào trong hành vi duy trì nòi giống này. Có những loài sinh vật mà con đực sống ký sinh luôn trong ruột con cái. Lại có những loài khi giao hợp con đực phải thò cả cánh tay qua họng con cái để đặt tinh trùng của mình vào bụng nó, rồi sau đó, đã hoàn thành nhiệm vụ và bị cắn đứt rời ra khỏi thân mình, cánh tay ấy tự thân vận động bò lồm cồm trên những ngón tay, một hiện tượng thậm chí lừa được cả giới khoa học, suốt một thời gian dài người ta cứ tưởng nó là một cơ thể sống độc lập và còn đặt cho nó một cái tên rất kêu bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp cổ. Hans Castorp tưởng như nghe thấy các nhà bác học thuộc trường phái trứng và trường phái con lớn tiếng tranh luận với nhau, một bên quả quyết rằng trong tế bào trứng đã có đầy đủ mầm mống của một con ếch, con chó hay con người, và tinh trùng khi giao hợp chỉ đóng vai trò kích thích tố để cái mầm ấy bắt đầu phát triển; trong khi bên kia nhìn thấy ở con tinh trùng một sinh vật có cấu tạo hoàn chỉnh đủ cả đầu đuôi, còn cái trứng chỉ là môi trường cung cấp chất dinh dưỡng nuôi sống nó trong giai đoạn đầu tiên khi mới thụ tinh - cho đến khi họ buộc phải nhất trí với nhau đi đến kết luận rằng, tế bào trứng và tinh trùng, vốn được hình thành từ những tế bào sinh sản chẳng khác gì nhau, đều đóng một vai trò quan trọng và có công ngang nhau trong vụ này. Chàng thấy cơ thể đơn bào là cái trứng đã thụ tinh trên đường biến chuyển thành đa bào, bằng cách thắt lại ở giữa và phân chia liên tục theo cấp số nhân, chàng thấy từng đám tế bào dính lại với nhau thành những lớp niêm mạc, thấy cái phôi cuộn tròn rỗng ruột như cái cốc, và trong lòng nó bắt đầu quá trình hấp thụ dinh dưỡng cũng như tiêu hóa. Đó là con ấu trùng khoang tràng, loài động vật nguyên sinh, tên khoa học là gastrula[142], hình thức cấu tạo cơ bản của mọi loài động vật đa bào, mầm mống của vẻ đẹp hình thể. Hai lớp lá mầm của nó, bên ngoài và bên trong, với chức năng xúc giác của da và chức năng tiêu hóa của ruột, chính là những cơ quan nội tạng còn sơ khai, sau một hồi biến hóa mới phát triển thành các tuyến, các mô, các giác quan, các bộ phận cơ thể. Một chuỗi tế bào trên lá mầm ngoài dày lên, cuộn lại thành ống, hình thành một bó dây thần kinh, phát triển thành cột sống, thành bộ não. Và từ lớp niêm mạc phôi dần dần kết thành những sợi gân, lớp sụn, trong đó thay vì chất nhầy các chất keo bắt đầu được tiết ra để đông dính thành mô liên kết, chàng nhìn thấy ở một vài vị trí chúng bắt đầu thu gom các phân tử muối canxi và mỡ trôi nổi trong khối nhũ tương bao quanh mình để gắn lại thành xương. Bào thai của con người bắt đầu thành hình, vẫn còn dấu vết một khúc đuôi, nằm co quắp, không khác gì bào thai heo với cái bụng ỏng phình to và tứ chi ngắn ngủn, gương mặt ấu trùng múp míp cúi gục xuống cái bụng tròn thây lẩy, và nhìn từ góc độ khoa học quá trình phát triển của nó - được hình dung theo một thực tế trần trụi khiến người ta phải ngấm ngầm hổ thẹn - là sự lặp lại chớp nhoáng cả quá trình tiến hóa của động vật. Trong một giai đoạn nhất định bào thai còn có cả mang như loài cá. Dường như nó được phép và cần thiết phải trải qua tất cả các bước tiến hóa có vẻ thiếu nhân bản ấy, rồi mới đạt được mức độ cấu tạo cao của một con người hoàn chỉnh trong thời thượng cổ. Da người nguyên thủy còn được bao phủ bởi một lớp lông dày và được trang bị những cơ bắp co giật liên hồi để xua đuổi côn trùng, niêm mạc khứu giác dàn ra đặc biệt rộng, đôi tai - còn tham gia tích cực được vào những cử động thay đổi nét mặt - vểnh ra hai bên thu tín hiệu âm thanh thính nhạy hơn ngày nay rất nhiều lần. Mắt người thời ấy còn nằm bên thái dương nhìn sang hai phía, chỉ trừ ngoại lệ là con mắt thứ ba ngó lên trời đề phòng nguy hiểm trên không trung, được che chở bằng mi mắt đóng mở liên hồi, mà tàn tích còn lại đến bây giờ là tuyến quả thông trên đỉnh đầu. Ngoài ra còn một vài khác biệt, chẳng hạn như ruột người nguyên thủy dài hơn hẳn ruột người ngày nay, họ có rất nhiều răng sữa và những túi khí trong thanh quản để có thể cất tiếng rống to, thêm vào đó cơ quan sinh dục của nam giới còn nằm trong ổ bụng.
Giải phẫu học lột da và trưng bày cấu tạo tứ chi của một con người ra trước mắt nhà nghiên cứu, cho chàng ta thấy từ hình dáng bên ngoài đến những cơ bắp, gân cốt và dây chằng nằm sâu bên trong: từ đùi xuống bàn chân, từ cánh tay xuống cẳng tay; dạy chàng những cái tên khoa học rất kêu bằng tiếng Latinh mà ngành y - một trong các ngành khoa học nhân văn - bày đặt tặng cho từng bộ phận cho có vẻ cao siêu và sang trọng, hé mở cho chàng thấy tận cốt lõi của nó là bộ xương, mà trong khi mày mò tìm hiểu chàng bỗng vỡ lẽ ra nhiều điều mới mẻ, thể hiện tính nhất quán và tất cả các nguyên tắc trong mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Bởi đến đây đột nhiên chàng liên tưởng tới các kiến thức khoa học trong nghề nghiệp của mình - hay nói đúng hơn là nghề nghiệp cũ ở dưới đồng bằng, kỳ thực chàng cũng chưa hành nghề ấy ngày nào và chỉ đưa ra để tự quảng cáo lúc mới lên trên này (với bác sĩ Krokowski, với ông Settembrini) mà thôi. Trong trường đại học chàng tin rằng trách nhiệm của mình là học - học cái gì không quan trọng - nên đã gắng nhồi nhét vào đầu một đôi điều về cơ kết cấu, về khả năng chịu lực của cột trụ, về tải trọng và cấu trúc hợp lý để tận dụng tối ưu các đặc tính cơ học của vật liệu. Tất nhiên sẽ rất ấu trĩ nếu đem các quy tắc cơ học để tính kết cấu áp dụng trực tiếp lên cơ thể sống, nhưng cũng không thể bảo rằng khoa học kỹ thuật chẳng liên quan gì với thế giới hữu cơ. Các định luật tự nhiên tồn tại trong đó và thể hiện ra ở mọi nơi mọi chỗ. Nguyên tắc ống rỗng lòng đóng vai trò quyết định trong cấu tạo xương ống chân ống tay, kết quả là một lượng chất rắn tối thiểu cũng đủ để đảm bảo mọi yêu cầu về rắn chắc và ổn định. Hans Castorp đã được học rằng, một bộ khung lắp ghép từ các thanh và dây chằng làm từ chất liệu thích hợp có thể chịu được một tải trọng bao gồm lực kéo và lực đẩy tác dụng lên mình nó không thua gì một khối đặc với cùng một loại vật liệu và có thể tích tương đương. Vậy là khi hình thành những khúc xương ống, đồng thời với việc hình thành lớp vỏ rắn chắc bên ngoài, phần bên trong - về mặt cơ học không cần thiết - được chuyển hóa thành một dạng mô mỡ gọi là tủy. Xương đùi con người gắn vào khung xương chậu như một cơ cấu cần cẩu, được thiên nhiên tặng cho kết cấu và hình dáng ăn khớp như in với biểu đồ nội lực mà Hans Castorp có thể vẽ ra cho một cỗ máy chịu những tải trọng tương tự. Chàng rất thú vị với nhận xét này, vì chàng thấy trong kết cấu xương đùi, hay nói rộng ra là trong cả giới tự nhiên, một mối quan hệ ba chiều: đó là sự kết hợp giữa thi ca với y học và kỹ thuật - sự phấn chấn của chàng mỗi lúc một dâng cao; và chàng thấy mối quan hệ ba chiều này là tổng hòa của tất cả những gì được coi là nhân bản, là hiện thân của một khao khát duy nhất và cháy bỏng, mong muốn phục vụ con người…
Nhưng trong tất cả những điều hay ho ấy thì vai trò của chất nguyên sinh vẫn chưa được giải thích một cách thỏa đáng, có vẻ như sự sống chịu bó tay trong quá trình tự tìm về nguồn cội của mình. Không những chẳng ai biết số lượng các phản ứng hóa sinh diễn ra liên tục trong lòng nó, mà cả tính năng tác dụng của chúng cũng còn là điều bí ẩn. Người ta gần như không biết gì về sự hình thành và liên kết giữa các đơn vị nhỏ nhất của sự sống dưới cái tên gọi “tế bào”. Phân tích và liệt kê thành phần hóa học của cơ thể sau khi chết là một việc hoàn toàn vô dụng. Cơ thể sống đương nhiên không thể đem ra làm đối tượng nghiên cứu các tính chất hóa sinh; nhưng chỉ cần nhìn những thay đổi do hiện tượng cứng tử thi là đủ để thấy các thí nghiệm tiến hành sau đó chẳng được tích sự gì nữa. Không ai hiểu rõ quá trình trao đổi chất, không ai biết hệ thần kinh hoạt động như thế nào. Do đâu khi ăn người ta cảm thấy ngon? Tại sao các chất khác nhau gây ra những tác động khác nhau lên thần kinh khứu giác? Mà thực ra làm sao người ta ngửi được chứ? Cơ thể động vật và con người tỏa ra những mùi đặc trưng nhờ tính chất xạ hương của những hợp chất chẳng ai biết là gì. Thành phần của chất dịch bài tiết mà người ta quen gọi là mồ hôi chưa được xác định rõ ràng. Những tuyến nhờn tiết ra chất dịch này đồng thời cũng là nơi sản xuất mùi hương, một chức năng đóng vai trò quan trọng không thể chối cãi đối với động vật có vú, nhưng ý nghĩa của nó trong đời sống con người lại chưa được nghiên cứu và làm sáng tỏ. Chức năng sinh lý của nhiều bộ phận trong cơ thể người vẫn hoàn toàn chìm trong bóng tối. Tạm thời khoan xét đến ruột thừa, bộ phận có vẻ như vô dụng đối với cơ thể, ấy vậy mà khi quan sát người ta đã gặp phải những hiện tượng khó lý giải, ví dụ ở loài thỏ người ta thấy mẩu ruột thừa luôn luôn chứa đầy một chất sền sệt như bột nhão mà không ai biết nó chảy vào đó theo đường nào hoặc giả do cơ quan bộ phận nào tiết ra. Thế nhưng chất xám và chất trắng trong não bộ là gì? Khu vực đồi thị, nơi thường xuyên trao đổi thông tin với thần kinh thị giác, có cấu tạo ra sao? Và còn những chất tập trung ở “cầu não”, bộ phận nối liền tiểu não và hành tủy? Bộ não và tủy sống dễ bị phân hủy đến nỗi khó lòng nghiên cứu một cách chính xác sự hình thành và cấu tạo của nó. Cái gì ra lệnh cho vỏ đại não giảm hoạt động khi cơ thể chìm vào giấc ngủ? Cái gì ngăn cản dạ dày không tự tiêu hóa chính bản thân mình, hiện tượng đôi khi xảy ra sau khi chết? Ta có thể trả lời rằng: sự sống; rằng: một năng lực đặc biệt của chất nguyên sinh. Nhưng như vậy là ta lại nhắm mắt đưa ra một lời giải thích mập mờ đầy bí ẩn. Chỉ một hiện tượng hết sức thông thường, ví dụ như triệu chứng sốt, mà ta đã lý giải một cách đầy mâu thuẫn. Sự tăng cường trao đổi chất khiến nhiệt lượng được giải phóng ra cũng tăng lên. Nhưng tại sao cơ chế tỏa nhiệt của cơ thể lại không đẩy mạnh hoạt động của mình một cách tương ứng như lẽ thường phải thế? Chức năng tiết mồ hôi bị tê liệt phải chăng là kết quả của tình trạng co rút các tuyến dưới da? Thế mà quan sát cho thấy các tuyến này chỉ co lại trong trường hợp sốt rét, còn thì da lúc nào cũng nóng hổi khi bị sốt. Người ta chỉ biết quy kết cho hệ thần kinh trung ương là thủ phạm gây ra hiện tượng “ấm đầu” cũng như các phản xạ của da, và tự bằng lòng với kết luận cho đó là một tình huống bất thường đối với cơ thể, vì thực ra người ta chẳng biết giải thích bằng cách nào khác.
Nhưng điều nan giải này thật chẳng nhằm nhò gì so với nỗi hoang mang khi đối diện với các hiện tượng như là ký ức hay xa hơn và đáng kinh ngạc hơn nữa là các tính năng được di truyền qua nhiều thế hệ. Ở đây người ta tuyệt đối không có khả năng tìm ra lời giải thích khoa học dù là chỉ cho một phần nào các hoạt động hóa sinh diễn ra trong tế bào. Con tinh trùng, tác nhân mang vô số tính chất đặc điểm cá biệt và phức tạp của người cha đến đóng góp vào tế bào trứng của người mẹ, có thể nhìn thấy được trong kính hiển vi. Nhưng ngay cả những kính hiển vi có độ phóng đại lớn nhất cũng chỉ đủ để ta nhận ra nó như một thực thể đồng nhất, mà không cho phép ta xác định thành phần, nguồn gốc của nó; bằng chứng là nhìn bề ngoài tinh trùng của động vật nào cũng giống động vật nào, chẳng khác gì nhau. Từ đó theo phép suy diễn biện chứng ta phải đi đến nhận định tất yếu rằng, tế bào cũng không khác gì cơ thể lớn mà nó là một nhân tố cấu tạo nên; tức là bản thân tế bào cũng là một cơ thể do nhiều phần tử sống, các đơn vị riêng biệt nhỏ hơn hợp lại mà thành. Như vậy người ta đã đi từ giả thiết đơn vị nhỏ nhất của sự sống là tế bào đến chỗ chia nó ra thành các phần tử còn nhỏ hơn nữa, bí quá người ta đã phân chia nguyên tố ra thành các nguyên tố cấp thấp hơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, cũng như thế giới động vật là tập hợp của muôn loài, như cơ thể người và động vật được tạo nên từ cả một thế giới tế bào đủ loại, mỗi một tế bào lại là tập hợp của cả một thế giới phần tử nhỏ bé, các đơn vị sống phong phú và đa dạng có kích thước nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy qua kính hiển vi, và cả đội quân tí hon ấy cũng có cuộc sống độc lập, không ngừng lớn mạnh, tự phân chia để nhân lên thành nhiều phần tử giống hệt như mình, và nhất nhất tuân theo nguyên tắc tổ chức lao động trong cơ thể lớn để cần cù phục vụ sự sống ở mức độ cao hơn.
Đó là gen di truyền, là mầm sống, là nhân tố quyết định sự hình thành các thế hệ kế tiếp - Hans Castorp thấy lòng rộn lên ấm áp khi được làm quen với chúng trong cái đêm băng tuyết lạnh lẽo này. Chàng chỉ thắc mắc không biết tính nguyên tố của chúng có bị phương hại gì không nếu ta hiểu rõ hơn về bản chất và cấu tạo của chúng. Do chứa trong mình sự sống, hẳn chúng phải là chất hữu cơ - vì sự sống hình thành từ chất hữu cơ; nhưng đã là chất hữu cơ thì chúng không thể mang tính nguyên tố được, vì chất hữu cơ không phải là nguyên tố mà là hợp chất. Chúng là những đơn vị sống dưới cấp tế bào, phần tử sinh học cao hơn do chúng cấu tạo nên bằng những liên kết hữu cơ. Nhưng nếu thế, mặc dù nhỏ đến mức không xác định được, bản thân chúng cũng phải có “cấu tạo” hữu cơ, vì tất cả những gì thuộc về sự sống đều cấu tạo từ chất hữu cơ; bởi chưng khái niệm đơn vị sống đồng nghĩa với sự hình thành một phần tử sống từ những phần tử nhỏ hơn thuộc cấp thấp hơn, tức là từ những đơn vị sống sơ đẳng hơn. Chừng nào các phần tử hữu cơ này còn có khả năng tự phân chia, tức là còn mang những đặc tính quan trọng nhất của sự sống: trao đổi chất, phát triển và sinh sản, thì chưa thể coi chúng thuộc về cấp thấp nhất, là đơn vị nhỏ nhất của sự sống. Chừng nào ta còn gọi nó là một đơn vị sống thì không thể đồng thời coi nó là một nguyên tố, vì khái niệm đơn vị ở đây nghiễm nhiên bao hàm cả những đơn vị ở cấp thấp hơn cấu tạo nên nó, và như thế sự sống dưới dạng nguyên tố, tức là một phần tử sống không thể phân chia nhỏ hơn được nữa, là điều không thể có.
Mặc dù không thể giải thích một cách logic nhưng sự tồn tại của nhân tố nhỏ nhất làm nên sự sống là điều không thể chối cãi được, xét cho cùng thuyết khởi sinh - cho rằng sự sống xuất hiện từ môi trường không có sự sống - là điều không thể phủ nhận được, và như thế vực sâu ngăn cách giữa hữu cơ và vô cơ, mà ở ngoài thiên nhiên cho tới giờ mọi cố gắng lấp đầy chỉ là vô vọng, nay người ta lại phải tìm cách vượt qua hoặc nối liền trong lòng thế giới hữu cơ. Cứ phân tách mãi đến một lúc nào đó người ta sẽ phải gặp được “đơn vị” nhỏ nhất của sự sống, những phần tử mặc dù đã có cấu tạo phức hợp nhưng vẫn chưa hoàn toàn tổ chức chặt chẽ thành một cơ thể sống, là nhịp cầu trung gian giữa sinh vật và vô sinh vật, là những nhóm phân tử làm nên chặng chuyển tiếp giữa sinh học và hóa học. Nội việc nghiên cứu một phân tử hóa chất vô cơ đã đủ khiến người ta cảm thấy như đứng bên bờ một vực thẳm còn có phần bí ẩn hơn cả vực thẳm giữa thế giới hữu cơ và thế giới vô cơ: đó là vực sâu phân cách giữa vật chất và phi vật chất. Vì phân tử do các nguyên tử hợp thành, và nguyên tử thì nhỏ đến nỗi không có khái niệm nào thích hợp để miêu tả kích thước nhỏ bé của nó. Chỉ có thể hình dung nó là một khối vi lượng, tí xíu, non yểu, một tập hợp chuyển tiếp bao gồm các phần tử phi vật chất, nhưng đã rất giống vật chất, một tập hợp năng lượng chưa đạt tới hoặc đã vượt ra khỏi phạm vi vật chất, chỉ có thể coi là điểm trung chuyển hoặc ranh giới giữa vật chất và phi vật chất. Và như thế ở đây lại nổi cộm lên một câu hỏi khác, nan giải và xa vời hơn câu hỏi về sự khởi đầu của chất hữu cơ rất nhiều, đó là: sự ra đời của vật chất từ phi vật chất. Trên thực tế vực thẳm giữa vật chất và phi vật chất cũng yêu cầu phải được lấp đầy, thậm chí yêu cầu này còn cấp thiết hơn cả trong trường hợp hữu cơ và vô cơ. Lại cần phải có một dạng hóa học phi vật chất, một liên kết gồm các phần tử không phải là vật chất theo như nhận thức của chúng ta, để từ đó có thể nảy sinh ra vật chất; cũng như sự ra đời của chất hữu cơ từ các liên kết vô cơ, các nguyên tử có thể coi như những hạt mầm đơn sinh của vật chất - đã mang những tính chất cơ bản của vật chất nhưng chưa thể tồn tại độc lập ngoài thiên nhiên. Nhưng theo định nghĩa “nhỏ đến mức không thể nhỏ hơn được nữa” thì kích thước của chúng đã lọt ra khỏi phạm vi đo được; “không thể nhỏ hơn được nữa” cũng mơ hồ và không thể nắm bắt được như “lớn vô cùng tận”; và bước tiến khoa học phát hiện ra nguyên tử có thể nói không ngoa là một phát minh tai hại vào bậc nhất. Vì trong giây phút phân tách vật chất ra thành những phần tử nhỏ nhất bỗng người ta lại thấy mở ra trước mắt mình cả vũ trụ bao la với vô số thiên hà!
Nguyên tử là một hệ thống năng lượng vận hành theo các quy luật vũ trụ, trong đó các thiên thể không ngừng quay cuồng xung quanh một mặt trời ở trung tâm, lướt đi với tốc độ tính bằng năm ánh sáng giữa khoảng không gian ngăn cách chúng với nhau, bị nội lực của hạt nhân ở trung tâm khống chế vào một quỹ đạo hình elip. Thực ra đó không còn là một so sánh, mặc dù ta hay nói rằng một cơ thể đa bào “giống như một nhà nước gồm các tế bào”. Vì một thành phố, một quốc gia, một cộng đồng xã hội được tổ chức theo nguyên tắc phân chia lao động không phải chỉ giống như một cơ thể sống, mà chính là sự rập khuôn của nó. Và như thế, thẳm sâu trong lòng thiên nhiên, cấu tạo của mỗi nguyên tử cũng là một sự rập khuôn thế giới vĩ mô của các vì tinh tú với những dải ngân hà, những cụm, những khóm, những chùm sao chầm chậm lướt qua đầu nhà nghiên cứu tài tử trùm chăn kín mít nằm ngó xuống thung lũng băng tuyết lấp lánh dưới trăng suông. Chẳng lẽ không được phép nghĩ rằng, trong số các thiên thể xoay quanh mặt trời nguyên tử - có cả một đội quân những dải ngân hà bao gồm vô số hệ mặt trời như thế cấu tạo nên vật chất - có hành tinh này hay hành tinh khác của thế giới vật chất vi mô ở vào tình trạng như trái đất của chúng ta với những điều kiện thích hợp để sự sống có thể nảy sinh? Đối với nhà nghiên cứu nghiệp dư trẻ tuổi của chúng ta, trí não bốc đồng vì cơn sốt và làn da quên mất chức năng “tản nhiệt”, không từ bất kỳ thử nghiệm nào dù cho có phải dấn thân vào lĩnh vực cấm đoán, thì nhận định trên không có gì là phi lý, mà ngược lại còn tỏ ra đặc biệt ăn khớp, tỏ ra là một giả thuyết đầy logic với vô số minh chứng từ sự thật. Kích thước “nhỏ bé” của các thiên thể trong thế giới vi mô chỉ là một trở ngại không đáng kể, vì thước đo lớn nhỏ đã không còn tồn tại nữa kể từ khi tính chất vũ trụ của các phần tử “nhỏ nhất” được phơi bày, và các khái niệm bên ngoài hay bên trong cũng đồng thời mất đi tính tuyệt đối. Thế giới trong một nguyên tử cũng là vũ trụ bên ngoài, và dải thiên hà có trái đất mà chúng ta sinh sống, nếu xét trên phương diện hữu cơ, rất có khả năng lại nằm sâu trong lòng một cơ thể nào đó. Chẳng phải đã có một khoa học gia mơ mộng và liều mạng lên tiếng phỏng đoán về những “sinh vật thiên hà” - những quái vật vũ trụ khổng lồ mà thịt xương, tim óc do các hệ mặt trời hợp lại mà thành? Nếu thế, Hans Castorp tự nhủ, đến lúc người ta tin rằng mình đã dò tìm được tới tận cùng thì mọi sự lại bắt đầu lại từ đầu! Và cứ thế suy diễn, biết đâu trong chốn thẳm sâu nhất và tận cùng trong từng tế bào của chính chàng lại chẳng có một Hans Castorp, hay thậm chí hàng trăm Hans Castorp, càng ngày càng nhỏ, quấn mình trong chăn ấm nằm trên một cái ban công hướng ra phong cảnh trời đêm lạnh lẽo trăng thanh miền sơn cước, mặt nóng bừng đưa những ngón tay buốt cóng lật từng trang sách, miệt mài nghiên cứu về sự sống với một mối quan tâm sâu sắc thấm nhuần tư tưởng y học và nhân đạo?
Từ những dòng chữ khô khan được minh họa bằng nhiều hình ảnh trong cuốn sách giải phẫu bệnh lý mà chàng cầm nghiêng sang bên ghé vào quầng sáng đỏ hồng của ngọn đèn bàn chàng đã học được nhiều điều về tập đoàn tế bào sống ký sinh và về các thể loại u viêm nhiễm. Đó là các mô - mà là loại mô xâm lược, lan tràn đặc biệt nhanh - xuất hiện khi có tế bào lạ đột nhập vào một cơ quan trong cơ thể, được cơ quan này nồng nhiệt đón tiếp và chẳng hiểu bằng cách nào - có lẽ phải nói rằng: với một thái độ dễ dãi đáng chê trách - đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng sinh sôi nảy nở. Nguy cơ chính không nằm ở chỗ các tế bào ăn bám này giành mất chất dinh dưỡng nuôi vật chủ, mà là những chất chúng thải ra trong quá trình trao đổi chất như mọi tế bào sống khác, những hợp chất hữu cơ độc hại một cách không ngờ đối với các tế bào của vật chủ, dẫn đến sự hủy diệt không tránh khỏi của môi trường tiếp nhận và dung túng chúng. Người ta đã tìm cách chiết xuất độc tố từ một số vi sinh vật chế thành dung dịch có nồng độ tập trung, và đi đến một khám phá đầy bất ngờ: chỉ cần một liều cực nhỏ của các chất này, những liên kết hữu cơ cùng một loại như các chuỗi phân tử protein, đem truyền vào hệ tuần hoàn của động vật cũng có thể gây ra những biểu hiện ngộ độc ghê gớm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Một hình thức biểu lộ của hiện tượng lũng đoạn hữu cơ này là sự sinh sôi không kiểm soát được của các mô, còn gọi là u bệnh lý. Đó là phản ứng của các tế bào đối với những kích thích tố do các trực khuẩn trà trộn vào giữa chúng tiết ra. Trong cơ thể hình thành những nốt cỡ hạt kê do các tế bào gần giống tế bào niêm mạc tập hợp lại, trở thành những cái ổ êm ái bao bọc các trực khuẩn, được đám này khuyến khích chúng phát triển vô hạn độ, tăng kích thước đến mức phì nộn, tích tụ một lượng khổng lồ chất nguyên sinh và không chỉ có một mà rất nhiều nhân. Sự hiếu khách và dễ dãi của tế bào chủ nhanh chóng đưa nó đến chỗ diệt vong, vì tới một lúc nào đó các nhân tế bào bệnh bắt đầu teo lại và phân hủy, chất nguyên sinh của chúng đông cứng không gì cứu vãn nổi, các mô khỏe mạnh ở xung quanh bị ảnh hưởng lây, quá trình ấy ngày càng lan rộng làm hư hại cả các mạch máu kế bên, bạch cầu dồn về tập trung ở vùng viêm nhiễm, hoại tử càng lúc càng nặng; trong khi ấy chất độc do các vi trùng liên tục tiết ra đã thấm vào máu đi khắp nơi đầu độc hệ thần kinh, cơ thể tăng nhiệt độ lên để chống cự nhưng thực ra đến nước này có thể ví nó như người khổng lồ ưỡn ngực lảo đảo đâm đầu vào chỗ chết.
Đó là bệnh lý học, môn khoa học về bệnh tật, hình thức đề cao sự đau đớn của cơ thể, nhưng đề cao thể chất cũng có nghĩa là đề cao dục vọng - vậy nên có thể gọi bệnh tật là một hình thức biểu lộ vô đạo đức của sự sống. Thế còn sự sống? Phải chăng nó chỉ là một hình thức viêm nhiễm, một kiểu bệnh tật của vật chất - và từ đó suy ra sự hình thành vật chất có thể gọi là một căn bệnh, một sự phát triển ung nhọt của phi vật chất? Không còn nghi ngờ gì nữa, bước đầu tiên dẫn đến cái ác, đến dục vọng và diệt vong cũng khởi đầu từ những cảm giác nhột nhạt sinh ra do sự thâm nhập của một yếu tố lạ, những kích thích thần kinh, dấu hiệu tinh thần tỏ ra ưu ái khối u ác tính trong các mô, các tế bào của nó, những phản ứng nửa chống đối nửa vồ vập, tiền đề cho thực thể, bước chuyển tiếp từ phi vật chất đến vật chất. Đó là tội tổ tông. Cuộc sinh nở thứ hai, sự ra đời của chất hữu cơ từ chất vô cơ, chỉ là một bước sa đọa hơn nữa đề cao vật chất, cũng như bệnh tật là sự nâng cao đến mức bốc đồng và ích kỷ đến mức đồi bại của thể xác: một bước tiến tai hại của sự sống trên con đường phiêu lưu mạo hiểm khi đã rũ bỏ ý thức về danh dự, phản xạ râm ran hổ thẹn của vật chất đã biết thức tỉnh dục vọng, cảm giác ham muốn tiếp nhận kích thích tố…
Sách nằm chồng chất lên nhau nơi chiếc bàn có ngọn đèn nhỏ kê cạnh ghế nằm ngoài ban công, một cuốn rơi lăn lóc trên tấm thảm trải dưới nền, đối tượng nghiên cứu dựng đứng trên bụng, đè nặng lên bao tử cản trở nhịp hô hấp của Hans Castorp, nhưng sự tập trung cao độ khiến các nếp nhăn trên vỏ não không gửi tín hiệu cần thiết đến các cơ bắp thích hợp để nó nhấc cuốn sách xuống khỏi người chàng. Chàng đã đọc đến cuối trang, cằm đụng vào ngực, mí mắt sụp xuống che kín cặp mắt xanh chân chất. Lồ lộ trước mặt chàng là hình ảnh tươi đẹp của sự sống, một thân thể mỹ miều, vẻ đẹp thuần túy xác thịt. Nó nhấc hai bàn tay chắp sau gáy dang rộng sang bên, đôi cánh tay mở ra để lộ đường tĩnh mạch xanh mờ nổi lên trên làn da mỏng nơi nếp gấp phía trong khuỷu tay, đôi cánh tay ngọt ngào không sao tả xiết. Nó tới bên chàng, cúi xuống trên người chàng, chàng ngửi thấy mùi hương hữu cơ tỏa ra từ thân thể nó, chàng nghe thấy nhịp đập trái tim phập phồng trong ngực nó. Dịu dàng nóng bỏng choàng lấy cổ chàng, và, tưởng mình chết đi trong cơn ham muốn hãi hùng, chàng ngập ngừng đặt tay lên mé ngoài cánh tay nó, chạm vào làn da mát rượi nổi gai ốc chỗ bắp thịt hơi nổi vồng lên, cùng lúc ấy chàng cảm nhận được sức hút ẩm ướt của nụ hôn nó đặt lên môi mình.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần