Chướng ngại chỉ đe dọa được bạn một khi bạn rời mắt khỏi mục tiêu.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - Từ Điển Bách Khoa Toàn Thư
ếu như những ám chỉ nào đó của ông Settembrini có làm Hans Castorp nổi xung lên thì xét cho cùng chàng cũng chẳng có quyền ngạc nhiên và không thể buộc tội ông văn sĩ là hay bới lông tìm vết. Bởi một người đui cũng phải thấy tình trạng của chàng, thêm vào đó bản thân chàng lại chẳng làm gì để che giấu tình trạng ấy, một cảm giác kiêu hãnh và lòng tự ái ngây thơ ngăn cản chàng giấu diếm tình cảm thật của mình, chí ít nhờ thế chàng cũng khác - và có ưu thế hơn, theo ý chàng - gã đàn ông tóc lưa thưa người Mannheim với cung cách âm thầm lén lút của y. Chúng tôi xin lưu ý quý vị một lần nữa, rằng trạng thái tâm lý của chàng về nguyên tắc là một khao khát và thúc ép bẩm sinh muốn được bày tỏ, được thú nhận và công nhận, tự tin đến mức mù quáng và coi trời bằng vung - vì vậy một người ngoài cuộc tỉnh táo đôi khi phải lấy làm lạ trước cái vô nghĩa, vô lý và vô vọng rành rành của tình cảm ấy. Khó mà nói được những người đang yêu bắt đầu tự làm lộ mình từ lúc nào; có vẻ như họ không thể đừng được mà cứ phải tự tố cáo tình trạng của mình - nhất là trong khi xung quanh, theo nhận xét của một trí tuệ tỉnh táo, người ta chỉ quan tâm đến hai điều: thứ nhất là nhiệt độ cao và thứ hai lại cũng là một hình thức tăng cao nhiệt độ, thí dụ như họ bận tâm với câu hỏi bà phu nhân tổng lãnh sự Wurmbrandt người Vienna chọn ai làm nguồn an ủi thế chỗ cho ông đại úy Miklosich bạc tình: tay lực sĩ đã hoàn toàn bình phục người Thụy Điển hay ông công tố viên Paravant người Dortmund, hay là cả hai cùng một lúc. Bởi sợi tơ hồng nhiều tháng trời nay vấn vít giữa ông công tố viên và bà Salomon người Amsterdam đã được hai bên đồng tình tháo gỡ trong hòa hảo, và bà Salomon, đang ở vào độ tuổi hồi xuân, ngấm ngầm chuyển hướng quan tâm sang những đối tượng thuộc lớp măng non, nghe đâu bà ta đã đón nhận gã Gänser môi vều ngồi ở bàn cô ả Kleefeld vào vòng tay che chở của mình - theo cách nói văn hoa rợn tóc gáy của bà Stöhr là “đã truyền cho mấy độc chiêu” - điều này được chấp nhận như một sự thật hiển nhiên ở an dưỡng đường, cho nên ông công tố viên hoàn toàn rảnh tay để tính chuyện chiến tranh hay hòa bình với gã lực sĩ người Thụy Điển.
Đấy là những hoạt động rất được ưa chuộng trong giới bệnh nhân điều dưỡng của ‘Sơn trang’ nói chung và ở nhóm người trẻ tuổi ngây ngấy sốt nói riêng, trong đó cái thú lượn ngoài ban công (nhảy qua vách ngăn bằng kính đi dọc theo ban công từ khoang này sang khoang khác) đóng một vai trò đáng kể, những sinh hoạt ấy chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần ở đây, trở thành một phần không thể thiếu như khí trời để thở - sợ rằng nói thế vẫn chưa đủ để diễn tả hết những gì tích tụ trong bầu khí quyển trên này. Hans Castorp có một cảm tưởng lạ lùng, rằng một vấn đề thiết yếu mà tầm quan trọng của nó đã được cân nhắc quá đầy đủ và được công nhận khắp nơi trên thế giới, một cách nghiêm túc hay trào phúng mặc lòng, thì lên tới trên này lại được nhấn mạnh thêm về độ sâu, tầm vóc và giá trị, trở nên nghiêm trọng và được gán cho một ý nghĩa mới, đến nỗi vấn đề ấy bỗng được nhìn nhận dưới một ánh sáng hoàn toàn mới mẻ nếu không muốn nói là kinh khủng thì cũng kinh khủng vì sự mới mẻ của nó. Trong khi diễn giải điều này chúng tôi bất giác thay đổi nét mặt, và chợt nhận ra rằng, nếu như từ trước tới giờ chúng tôi vẫn tường thuật về mối quan hệ rất có vấn đề này bằng giọng bông lơn nhẹ nhàng thì đó là bởi những nguyên nhân thầm kín không hiểu sao vẫn khiến người ta không dám thú nhận tính nghiêm trọng của vấn đề, chỉ xin quý vị đừng coi đó là bằng chứng cho sự phù phiếm của các mối quan hệ trên này; vì trong môi trường đang được nói đến ở đây các mối quan hệ ấy lại càng phức tạp hơn ở bất cứ nơi nào khác. Trước kia Hans Castorp cứ tưởng mình đã hiểu hết ý tứ những chuyện tiếu lâm về đề tài thầm kín này, và không phải là chàng không có lý. Nhưng giờ đây chàng mới nhận ra rằng, hiểu biết của chàng ở dưới đồng bằng về lĩnh vực này còn vô cùng thiếu sót, đúng ra chàng chẳng khác gì ếch ngồi đáy giếng - lên đến trên này những kinh nghiệm bản thân như chúng tôi nãy giờ tìm cách tế nhị truyền đạt tới quý vị, những cơn xúc động thỉnh thoảng khiến chàng phải thốt lên “Ôi lạy Chúa!”, tất cả những điều đó mới mở mắt cho chàng, giúp chàng cảm nhận được những cung bậc cao vời vợi của cuộc phiêu lưu tình cảm vô danh vô hạn độ, giúp chàng vỡ lẽ ra rằng đó là số phận chung của những kẻ trên này mà mỗi người phải tự gánh chịu một mình. Nói thế không có nghĩa là ở đây người ta không đùa giỡn về chuyện này. Nhưng khác với dưới kia, thái độ cười cợt ấy rất thiếu tự nhiên, nó có cái gì đó vụng về và hấp tấp khiến ta nghĩ tới lớp vải thưa che mắt thánh, chẳng che giấu nổi nỗi đau hay thậm chí còn vạch trần nỗi đau không sao che giấu nổi. Hans Castorp nhớ lại nét mặt tái nhợt loang lổ của Joachim trong cái lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chàng giở giọng đùa cợt vô tư dưới đồng bằng ám chỉ thân hình cô Marusia. Chàng nhớ lại cảm giác lạnh toát trên chính gương mặt mình, khi bóng tối nhá nhem của buổi chiều tàn gỡ bỏ xiêm y trên tấm thân một Madame Chauchat trong tâm tưởng chàng - và chàng còn nhớ đã thấy vẻ mặt khó tả ấy ở cả những người lạ, trong những dịp khác trước hay sau đấy: thông thường trên gương mặt hai người trong cuộc, ví dụ như bà Salomon và gã thiếu niên Gänser, vào những ngày giữa họ có mối thâm giao được bà Stöhr diễn tả một cách sinh động như đã nói ở trên. Chàng nhớ đến những điều ấy và hiểu ra rằng, trong hoàn cảnh này không những khó lòng giữ cho khỏi “lộ mặt”, mà cố gắng bưng bít theo chiều hướng ấy cũng chẳng được ích lợi gì. Nói cách khác, chàng quyết định chơi bài ngửa không phải chỉ vì bản tính thật thà trung hậu, mà phần lớn do ảnh hưởng của bầu không khí và phong tục chung ở trên này. Dầu sao chăng nữa mặc lòng, Hans Castorp chẳng cần đếm xỉa đến việc kiềm chế và che giấu tình cảm của mình.
Nếu như không có lời cảnh cáo từ đầu của Joachim về nỗi khó lòng làm quen với các bệnh nhân khác ở đây, khó khăn mà chủ yếu là tại hai anh em họ bản thân đã là một nhóm nhỏ khép kín và tại chàng Joachim với kỷ luật quân ngũ của mình chỉ chăm chăm lo thực hiện lịch điều dưỡng cho sớm khỏi bệnh mà lảng tránh mọi cơ hội tiếp xúc, nếu không có những cản trở đó hẳn Hans Castorp đã không bỏ lỡ thời cơ để trưng bày ra với mọi người một cách vô tư và hồn nhiên nhất những tình cảm thầm kín của mình. Đã canh chừng kỹ lưỡng mà trong một tối giao lưu Joachim vẫn bắt quả tang Hans Castorp, mắt long lanh, giọng lạc đi vì cảm động, đứng diễn thuyết về những đường nét khác thường trên gương mặt Madame Chauchat trước cử tọa bốn người gồm Hermine Kleefeld, hai thành viên ở bàn cô ta là Gänser và Rasmussen và cậu thiếu niên mang kính một mắt có móng tay dài như ống máng. Trong cơn ngẫu hứng chàng chẳng nhận ra những cái liếc mắt đầy ngụ ý, những cú huých cùi chỏ và tiếng cười khúc khích đầy châm biếm của họ.
Cảnh tượng ấy làm Joachim muốn độn thổ; nhưng tác giả của bấy nhiêu trơ trẽn không còn biết ngại ngùng khi vạch áo cho người xem lưng, có thể bảo rằng quan điểm của chàng là, kẻ nào không ra mặt bày tỏ nguyện vọng của mình thì sẽ chẳng bao giờ đạt được nguyện vọng. Chắc chắn là ở đây có nhiều người đồng tình với quan điểm ấy. Để đổi lại chàng nhắm mắt làm ngơ trước những tiếng chê cười lẻ tẻ. Không phải chỉ những người ngồi cùng bàn với chàng, mà người ở những bàn khác cũng quay cả lại rình xem chàng hết tái lại đỏ mặt ra sao trong mỗi bữa ăn khi cánh cửa kính sập đánh rầm và rung loảng xoảng, nhưng chàng lại lấy thế làm khoái chí, vì chàng cho rằng như vậy là cơn say của chàng đã gây được một sự chú ý nhất định, một sự hưởng ứng và công nhận từ bên ngoài, chàng cảm thấy được nhận thêm khuyến khích, cổ vũ cho niềm hy vọng đúng ra là vô vọng của mình - và thấy mình bay bổng như được lên tiên. Đến nỗi dần dà người ta xếp hàng để xem chàng như xem diễn trò. Đó là những buổi hóng mát ngoài hiên sau bữa trưa, hay những chiều chủ nhật bệnh nhân tụ tập trước phòng gác cổng để nhận thư, vì ngày chủ nhật thư từ không được đưa lên giao tận phòng. Nhiều lần người ta đã chứng kiến tại đây cảnh chàng bốc lên không còn biết thế nào là mắc cỡ, nên họ thường túm tụm thành một đám nào là bà Stöhr, cô Engelhart, ả Kleefeld có cô bạn gái mặt như con heo vòi lẵng nhẵng bám theo, ông Albin vô phương cứu chữa, cậu công tử móng tay dài và một vài bệnh nhân hiếu sự khác, họ nhăn mũi chu mỏ xầm xì liếc mắt về phía nhân vật chính đang đứng lóng ngóng hí hửng cười một mình, gò má nóng bừng hơi nóng đã hành hạ chàng từ ngày đầu tiên bước chân đến chốn này, cặp mắt sáng rực tia sáng nhen nhóm lên từ khi nghe tiếng ho của ông hiệp sĩ người Áo, ánh mắt đắm đuối không rời một hướng…
Đúng ra phải thấy là ông Settembrini đã rất tử tế khi chủ động tới trò chuyện với Hans Castorp trong những tình huống như vậy, làm bộ hỏi han để kéo chàng ra khỏi tình trạng đáng hổ thẹn kia; nhưng chúng tôi ngờ rằng anh chàng si tình vô ơn chẳng biết đường cảm kích trước cử chỉ nhân đạo quên mình ấy. Vào một chiều chủ nhật như thế, trong tiền sảnh mọi người đang chen chúc nhau trước cửa phòng bảo vệ nhao nhao chìa tay ra nhận thư. Cả Joachim cũng len lên phía trước. Em họ chàng hơi lùi lại sau, ngất ngư trong trạng thái miêu tả ở trên, đầu óc chỉ nghĩ đến mưu kế làm sao thu hút được một ánh mắt của Clawdia Chauchat - nàng đang đứng tán dóc với mấy người cùng bàn cách đấy không xa, đợi cho đám đông trước cửa phòng bảo vệ giãn ra một chút. Đó là một trong những giờ khắc hiếm hoi mà tất cả bệnh nhân ở an dưỡng đường trà trộn cùng nhau, một cơ hội tốt được chàng trai trẻ Hans Castorp hồi hộp mong chờ.
Tám ngày trước cũng ở chỗ này đây chàng đã xáp lại gần Madame Chauchat đến nỗi được xơi một cùi chỏ của cô ta, rồi còn được nàng ngoảnh đầu ném cho một câu “Pardon”[110] - trong lúc cuống cuồng không hiểu chàng kịp lấy đâu ra sự nhanh trí để trả lời:
“Pas de quoi, Madame!”[111]
Cuộc đời mới đẹp làm sao, chàng nghĩ bụng, vì chiều chủ nhật nào người ta cũng phải xuống tiền sảnh lấy thư! Có thể nói rằng chàng nuốt trọn cả tuần chỉ để chờ đợi giờ khắc này quay lại, bảy ngày một lần; và chờ đợi có nghĩa là nóng lòng sốt ruột mong cho tuần chóng qua, tức là thời gian và hiện tại không còn là tặng vật mà bị coi là trở ngại, giá trị của chúng bị phủ nhận và hủy diệt, bị bỏ lơ hoàn toàn trong tâm trí. Người ta thường bảo thời gian chờ đợi buồn tẻ và dài dằng dặc. Nhưng ngược lại, nó cũng có thể trở nên ngắn ngủi nếu ta chỉ tìm cách vượt qua thời gian mà không tận hưởng nó, sử dụng nó. Có thể ví rằng, người chờ đợi cho hết thời gian cũng giống như người ăn mà bộ máy tiêu hóa chỉ còn là ống dẫn và không hấp thụ được chút nào chất dinh dưỡng của đống thức ăn được ngốn vào vô tội vạ kia. Cũng có thể đi xa hơn nữa mà bảo rằng, giống như thức ăn không được tiêu hóa không làm cho người ta khỏe mạnh, thời gian trôi đi vô bổ trong chờ đợi không làm cho người ta già thêm. Dĩ nhiên trong thực tế chẳng thể nào có sự chờ đợi thuần túy để người ta trẻ mãi không già.
Vậy là một tuần bị ngốn trọn và giờ chia thư chiều chủ nhật lại phát huy hiệu lực lên tinh thần Hans Castorp, chẳng khác nào vẫn giờ khắc đó của tuần trước, vì bảy ngày vừa qua không để lại dấu vết gì. Đó là khoảng thời gian hồi hộp nhất, bởi mỗi một phút một giây đều tiềm ẩn những khả năng, cơ hội để chàng làm quen với Madame Chauchat: những cơ hội khiến trái tim Hans Castorp thắt lại bồi hồi thổn thức hay lồng lên đập liên hồi kỳ trận, nhưng dù thế này hay thế khác chàng để cho những cơ hội ấy trôi qua mà không tận dụng bao giờ. Bởi sâu thẳm trong thâm tâm chàng không dám dấn thêm bước nữa, sự ngần ngại của chàng phần vì kỷ luật quân sự của người anh nhưng cũng có phần nào lý do dân sự: một mặt sự hiện diện thường xuyên của chàng Joachim trọng danh dự cũng như ý thức giữ gìn danh dự của bản thân không cho phép Hans Castorp quá sàm sỡ, mặt khác nguyên do nằm sâu trong tình cảm của chính chàng, linh tính báo cho chàng biết rằng một khi đã thiết lập mối quan hệ xã hội với Clawdia Chauchat - một mối quan hệ theo đúng phép xã giao, tức là trịnh trọng cúi chào, gọi nàng bằng “bà” và rất có thể phải dùng tiếng Pháp - một mối quan hệ như thế không phải là mong ước của chàng, hoàn toàn không cần thiết và thậm chí còn trái lẽ… Chàng đứng nhìn nàng nói nói cười cười, hệt như Přibislav Hippe trước kia vẫn nói cười ngoài sân trường: miệng ngoạc ra, cặp mắt xếch màu xanh xám ngự trên đôi gò má sát chồng híp lại chỉ còn là hai khe nhỏ. Hình ảnh ấy không thể gọi là “đẹp” được; nhưng biết làm sao, ở người đang yêu thì năng lực thẩm mỹ cũng thấp cổ bé họng như đạo đức…
“Ông cũng xuống đợi lấy thư ư, ông kỹ sư?”
Trên đời này chỉ có mỗi một người nói năng như thế, một kẻ chuyên phá rối. Hans Castorp giật thót mình như bị bắt quả tang, vội quay về phía tiếng nói: ông Settembrini đang tươi cười đứng trước mặt chàng. Vẫn nụ cười mỉm tinh tế thấm đẫm chất nhân văn như nụ cười chào người mới đến hôm nào nơi băng ghế và dòng nước ri rỉ bên đường, và cũng như hôm ấy, không hiểu sao Hans Castorp bỗng thấy hổ thẹn khi đối diện với nụ cười này. Nhưng mặc dù trong mơ chàng vẫn cố công đẩy “ông già quay đàn thùng” đi, vì ông ta “chỉ phá rối trên này” thôi - con người lúc tỉnh khôn ngoan hơn, và cùng với nụ cười thâm thúy này không phải chỉ có khả năng hổ thẹn cùng sự tỉnh táo quay trở lại với Hans Castorp, mà cả cảm giác hàm ơn của người được cứu vớt. Chàng bảo:
“Lạy Chúa, thư từ ư, ông Settembrini. Tôi không phải là đại sứ để thường xuyên được nhận thư từ! May ra thì có một tấm bưu thiếp gửi cho một trong hai chúng tôi mà thôi, anh họ tôi đang đợi trên kia.”
“Tôi thì đã được lão quỷ già khập khiễng trao tận tay từ trước những thư từ gửi đến cho tôi rồi”, Settembrini bảo và thọc tay vào túi cái áo khoác lừ xừ muôn thuở của ông ta. “Phải thú nhận rằng đó là những tin tức đáng quan tâm, có ý nghĩa không nhỏ trong lĩnh vực văn học và xã hội. Một tổ chức nhân đạo có nhã ý mời tôi tham gia dự án soạn một bộ từ điển bách khoa toàn thư… Tóm lại, tin tốt lành.” Ông Settembrini đổi đề tài. “Còn về phần ông thế nào?” Ông ta hỏi. “Sức khỏe ông ra sao? Quá trình thích nghi với khí hậu trên này tiến triển đến đâu rồi? Ông ở đây với chúng tôi chưa lâu đến nỗi câu hỏi này có thể coi là thừa thãi.”
“Cảm ơn ông, ông Settembrini, nhưng trước sau tôi vẫn gặp khó khăn. Tôi e rằng những khó khăn này còn tồn tại cho tới ngày cuối cùng tôi ở lại đây. Có những người không thể nào quen được với thung thổ trên này, anh họ tôi đã bảo ngay từ hôm tôi mới đặt chân lên đến nơi. Nhưng dần dà người ta cũng thích nghi với chuyện mình không thể thích nghi được.”
“Thật là rắc rối”, ông người Ý mỉm cười. “Một kiểu hội nhập lạ đời. Nhưng tất nhiên tuổi trẻ có khả năng làm mọi việc. Ông chưa thích nghi được, nhưng ông đã bắt đầu bén rễ ở đây.”
“Xét cho cùng thì đây đâu phải trại tù khổ sai Siberia.”
“Đúng thế. Nhưng ơ kìa, ông có vẻ ưa thích những so sánh Đông phương nhỉ. Cũng dễ hiểu thôi, châu Á đang phình ra nuốt trọn chúng ta. Nhìn đâu cũng thấy những gương mặt Tatar[112].” Và ông Settembrini kín đáo hất đầu qua vai. “Cháu chắt Thành Cát Tư Hãn”, ông ta tiếp tục, “với những cặp mắt sói đồng hoang, tuyết băng và rượu vodka, tiếng roi ngựa vun vút trong không trung, những pháo đài trên sông Neva[113], và Cơ Đốc giáo. Lẽ ra phải lập bàn thờ nữ thần Pallas Athena[114] ở ngoài tiền sảnh này - để tự vệ trước sự bành trướng của họ. Ông coi kìa, đằng trước có một Ivan Ivanovitsch quần áo đen tuyền đang gân cổ cãi nhau với ông công tố viên Paravant. Ai cũng cho rằng mình xếp hàng trước và có quyền nhận thư trước người kia. Tôi không biết ai phải ai trái, nhưng theo cảm tính chủ quan của tôi thì ông công tố viên được sự bảo trợ của nữ thần Athena. Paravant thực ra chỉ là một con lừa, nhưng ít nhất y là một con lừa biết tiếng Latinh.”
Hans Castorp bật cười khanh khách - điều không bao giờ thấy ở ông Settembrini. Người ta không thể hình dung ra cảnh ông người Ý phá lên cười một cách tự nhiên, ông ta không bao giờ phô diễn nhiều hơn một nếp nhăn tinh tế và căng thẳng nơi khóe mép. Ông ta đứng nhìn chàng trai trẻ cười hồn nhiên và hỏi:
“Ông đã nhận được tấm phim chụp X-quang của mình chưa?”
“Tôi nhận được rồi!” Hans Castorp trả lời giọng quan trọng. “Mới đây thôi. Ông xem này.” Và chàng đưa tay lục tìm bên trong túi ngực.
“A, ông mang theo trong ví. Như một loại giấy tờ tùy thân… thẻ căn cước hay là thẻ hội viên. Hay lắm. Để tôi xem nào!” Và ông Settembrini đưa ngón cái và ngón giữa bàn tay trái kẹp tấm kính nhỏ xíu viền trong khung giấy đưa lên soi trước ánh sáng - một cử chỉ thường thấy, rất quen thuộc ở trên này. Gương mặt ông ta với đôi mắt đen láy hình trái hạnh hơi nhăn lại khi nhìn vào bức hình đen mờ tang tóc, không hiểu tại cố tập trung nhìn cho rõ hay còn nguyên nhân nào khác.
“Rồi, rồi”, cuối cùng ông ta nói. “Chứng chỉ của ông đây, xin cám ơn.” Và ông ta đưa tấm phim trả về cho chủ, nhưng lại đưa sang bên vòng qua cánh tay phải, mặt ngoảnh đi.
“Ông có nhìn thấy những chuỗi đen không?” Hans Castorp hỏi. “Và những nốt trên đó?”
“Ông biết tôi đánh giá tính chính xác của món đồ này như thế nào rồi”, ông Settembrini dài giọng trả lời. “Ông cũng thừa biết đại đa số những vết đen và mảng tối trong nội tạng có nguyên nhân tự nhiên do cấu tạo cơ thể. Tôi đã xem hàng trăm tấm phim từa tựa như của ông, và những căn cứ để quyết định xếp nó vào hàng “chứng chỉ” hoàn toàn tùy hứng người quan sát. Trong lĩnh vực này tôi chỉ là một kẻ nghiệp dư, nhưng dù sao cũng là một kẻ nghiệp dư giàu kinh nghiệm.”
“Thế chứng chỉ nội tạng của ông nhìn có tệ hơn của tôi không?”
“Có, tệ hơn chút đỉnh. Tuy nhiên theo chỗ tôi được biết thì vị chúa tể ở đây cũng không hoàn toàn dựa vào món đồ chơi này khi chẩn đoán bệnh. Vậy là ông nhất định ở qua mùa đông trên này với chúng tôi?”
“Vâng, có Chúa nhân từ biết… Tôi bắt đầu thích nghi với ý nghĩ rằng tôi sẽ phải ở lại đây cho đến lúc có thể cùng xuống núi với anh họ tôi.”
“Thế có nghĩa là, ông thích nghi dần với chuyện ông không thể thích nghi… Ông có cách diễn đạt rất tếu. Tôi hy vọng ông đã nhận được đầy đủ những thứ cần thiết - quần áo ấm, giày đi tuyết?”
“Đủ hết. Không thiếu một thứ gì, ông Settembrini. Tôi nhắn tin cho thân nhân ở dưới kia, và bà quản lý nhà chúng tôi lập tức gửi chuyển phát nhanh lên đây tất tần tật. Giờ thì tôi đã được trang bị đầy đủ để qua mùa đông.”
“Thế thì tôi yên tâm rồi. Nhưng gượm đã, ông còn cần một cái túi ngủ, một cái túi lót lông ấm - đầu óc ta để đâu thế nhỉ! Mùa hè rớt muộn màng như thế này tính khí thất thường lắm, trong vòng một giờ đồng hồ nó có thể trở mặt chuyển sang đông ngay lập tức. Ông sẽ phải trải qua những tháng đại hàn ở trên này…”
“Vâng, túi ngủ ấm”, Hans Castorp bảo, “chắc hẳn là một món đồ cần thiết. Tôi cũng đã nghĩ đến chuyện trong mấy ngày tới phải rủ anh họ tôi xuống dưới kia tìm mua một cái. Sau này chắc chẳng bao giờ cần đến nữa, nhưng để dùng trong bốn hay sáu tháng ở trên này thì cũng đáng mua.”
“Đáng lắm, đáng lắm… Ông kỹ sư!” Ông Settembrini hạ giọng và bước lại sát bên chàng trai trẻ. “Chẳng lẽ ông không biết rằng thái độ vô tình của ông khi vung tay ném qua cửa sổ nhiều tháng trời như thế là kinh khủng lắm hay sao? Kinh khủng, vì không thể vin vào cớ tuổi trẻ ham học hỏi mà phung phí thời gian như thế, điều đó trái lẽ tự nhiên và không phù hợp với bản chất con người ông. Ây dà, lòng ham học của tuổi trẻ! Đó là nỗi đau khổ của người làm thầy, vì đôi khi nó trở nên thái quá và tiếp thu vô tội vạ không phân biệt tốt xấu. Xin ông đừng viện dẫn bầu không khí và môi trường ở trên này, ông bạn trẻ, mà hãy thử ngẫm xem sống thế nào mới xứng với phong cách của một người Âu! Bầu không khí ở đây sặc mùi châu Á, chẳng phải vô cớ mà khắp nơi nhan nhản đám con cháu Nguyên Mông thần dân của Nga hoàng! Những kẻ này” - ông Settembrini hất cằm qua vai chỉ về phía sau lưng - “xin ông đừng hướng cái tâm mình theo họ, đừng để cung cách của họ nhiễm sang mình, hơn thế xin ông hãy huy động bản chất tốt đẹp, cao quý của mình ra để chống lại họ, để đề cao những gì thiêng liêng nhất đối với ông, đứa con của phương Tây, phương Tây thần thánh - là một đứa con của nền văn minh, xin ông hãy trân trọng những điều vẫn được coi là thiêng liêng do nguồn gốc và tính tất yếu của nó, ví dụ như thời gian! Sự phung phí, sự hào phóng một cách dã man đối với thời gian là cung cách Á châu - đó cũng có thể là lý do tại sao đám con cháu phương Đông sống đề huề đến thế ở chốn này. Ông có bao giờ nhận thấy, khi một người Nga nói ‘bốn tiếng đồng hồ’ thì nghe cũng chỉ như chúng ta nói ‘một tiếng’ thôi? Thực ra cũng dễ hiểu, nếu ta xét đến mối tương quan giữa sự vô tư phung phí thời gian của những người này với đất nước rộng lớn của họ. Ở đâu dư thừa không gian, ở đó cũng dư thừa thời gian - như người ta thường nói, họ là một dân tộc không thiếu thời gian và có thể chờ đợi bao lâu cũng được. Người Âu chúng ta thì khác, chúng ta không thể chờ đợi được. Chúng ta có quá ít thời gian, như lục địa nhỏ nhắn quý báu của chúng ta chẳng có được bao nhiêu tấc đất, chúng ta buộc phải tìm cách sử dụng một cách hiệu quả nhất cả cái này lẫn cái kia, sử dụng và không ngừng sử dụng, ông kỹ sư! Hãy lấy ví dụ những thành phố lớn, những trung tâm sinh sống của nhân loại và điểm nóng của nền văn minh, như những cái nồi hơi chứa đầy tư tưởng! Ông có nhận thấy không, ở đâu đất đai càng đắt giá, không ai dám phung phí, thì thời gian lại càng trở nên quý báu. Carpe diem![115] Đó là ca từ của một người dân đô thị lớn. Thời gian là món quà quý báu thần linh ban cho loài người để sử dụng - ông kỹ sư, phải sử dụng, để phục vụ nhân sinh và tiến bộ của toàn nhân loại.”
Từ đầu tới cuối bài diễn văn, mà những từ ngữ trúc trắc của nó là thử thách không nhỏ đối với một cái lưỡi vùng Địa Trung Hải, ông Settembrini vẫn phát biểu một cách lôi cuốn như mọi khi: rõ ràng mạch lạc, lên bổng xuống trầm và có thể nói không ngoa là rất hình tượng. Hans Castorp chỉ biết đáp lễ bằng cách cúi đầu lắng nghe, tư thế gò bó đầy căng thẳng của cậu học trò bị mắng. Chàng cãi làm sao lại ông ta? Bài học luân lý ông Settembrini kín đáo truyền đạt cho một mình chàng, họ đứng tách riêng ra quay lưng lại tất cả những người khác, ông ta hạ giọng nghiêm túc gần như bí mật, lời lẽ rất thực tế không có một chút gì tính chất xã giao thông thường, vì vậy cũng không thể vâng dạ phụ họa cho qua chuyện. Học trò chẳng thể bảo thầy rằng: “Ông nói hay lắm!” Trước kia Hans Castorp đã đôi lần sử dụng mánh khóe ấy để tìm cách khôi phục phần nào thế cân bằng giữa người nói và người nghe; có điều chưa bao giờ con người nhân văn kia lên tiếng dạy dỗ bằng giọng thấm thía như lần này, đến nỗi chàng không còn cách nào khác hơn là cúi đầu nhận lỗi, tiu nghỉu như một cậu trò hư bị rót vào tai bao nhiêu là đạo đức.
Nhìn nét mặt ông Settembrini người ta có thể thấy, mặc dù đã ngừng lời nhưng những ý nghĩ vẫn hối hả quay vòng trong đầu óc ông. Và ông vẫn đứng sát trước mặt Hans Castorp, gần đến nỗi chàng ta bất giác nghiêng người né tránh, và cặp mắt đen đăm chiêu của ông lại có cái nhìn bất động như xoáy vào mặt chàng trai trẻ.
“Ông đang đau khổ, ông kỹ sư!” Settembrini đột ngột lên tiếng tiếp tục. “Ông đang khổ sở như một người lạc đường loanh quanh kiếm lối - ai mà chẳng thấy điều đó? Nhưng cả khi đau khổ ông cũng phải giữ tư cách của một người Âu châu, đừng có học đòi theo lối Đông phương, vì nhu nhược và buông thả, khiếp sợ bệnh tật nên người xứ ấy tràn ngập những chốn như chốn này… Thương cảm và nhẫn nhục là cách họ đương đầu với khổ đau. Chúng ta, nói đúng ra là ông, không thể và không được phép làm như thế! Lúc nãy tôi vừa đề cập đến lá thư mới nhận được… Ông xem đây… Hay tốt hơn ông theo tôi! Ở đây không thể nào… Chúng ta tìm một chỗ nào kín đáo hơn, kia, tới đằng kia. Tôi sẽ trình bày để ông rõ… Ông theo tôi!” Và vừa quay đi ông ta vừa kéo Hans Castorp ra khỏi tiền sảnh, lôi chàng vào gian phòng giải trí đầu tiên ngay cạnh cửa chính, một căn phòng nhỏ được bài trí làm nơi viết thư hay đọc sách báo giờ này vắng tanh không có mạng nào. Phòng khá ấm cúng với bốn vách tường ốp gỗ sồi dưới trần nhà cuốn vòm sáng sủa, vài giá sách, một cái bàn chất đầy báo kê chính giữa phòng với mấy chiếc ghế vây quanh, vài cái bục làm chỗ viết thư đứng kín đáo trong những hốc cửa sổ cuốn vòm như tổ tò vò. Ông Settembrini bước lại bên một cái bục kê cạnh cửa sổ, Hans Castorp lẽo đẽo theo sau. Cửa ra vào vẫn để ngỏ.
“Những giấy tờ này”, ông người Ý bảo và hấp tấp thọc tay vào một bên túi sâu như cái bao bố bên hông tấm áo khoác rộng vải lừ xừ, lôi ra một bó giấy tờ chứa trong một phong bì lớn đã mở và soạn cả ra trước mắt Hans Castorp, “những giấy tờ này là văn bản bằng tiếng Pháp mang con dấu của ‘Hiệp hội quốc tế bảo trợ tiến bộ’. Tài liệu này được gửi cho tôi từ Lugano[116], ở đó có một trụ sở làm việc của hội. Chắc ông đang thắc mắc về mục đích, tiêu chí của hội? Tôi xin giải thích ngắn gọn trong hai câu. Hiệp hội bảo trợ tiến bộ đặt cơ sở lý luận trên quan điểm triết học dựa theo thuyết tiến hóa của Darwin[117], cho rằng trọng tâm sứ mạng tự nhiên của con người là sự tự hoàn thiện bản thân. Từ đó suy rộng ra rằng, mỗi người nếu muốn hoàn thành sứ mạng tự nhiên của mình thì phải có nghĩa vụ đóng góp công sức cho quá trình tiến hóa của nhân loại. Vô số người đã hăng hái đi theo tiếng gọi ấy; số lượng hội viên ở Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, và cả ở Đức không phải là nhỏ. Bản thân tôi cũng vinh dự có tên trong danh sách hội viên. Hội đang theo đuổi một dự án có quy mô lớn chưa từng thấy, đó là việc soạn thảo một chương trình cải tổ chi tiết và khoa học bao gồm tất cả các khả năng hiện có để hoàn thiện con người. Vấn đề sức khỏe con người rất được coi trọng, người ta nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả các biện pháp có thể để chống lại hiện tượng thoái hóa, một hiện tượng đáng quan ngại và không còn nghi ngờ gì nữa là một hậu quả trực tiếp của mức độ công nghiệp hóa ngày càng cao. Xa hơn nữa hiệp hội còn thúc đẩy việc thành lập các trường đại học bình dân, để bằng cách cải thiện xã hội và nâng cao dân trí mà loại bỏ dần đấu tranh giai cấp, tiến tới mục tiêu tối hậu là xóa bỏ hận thù dân tộc, giải quyết chiến tranh bằng luật pháp quốc tế. Như ông thấy đấy, hội liên hiệp có những mục tiêu cao cả và bao quát. Rất nhiều tờ báo và tạp chí ra đời từ những hoạt động của hội - các nguyệt san xuất bản bằng ba hay bốn ngôn ngữ phổ biến trên thế giới thường xuyên đưa những tin tức quan trọng về quá trình phát triển và tiến bộ của nền văn minh nhân loại. Vô số các tổ chức địa phương được thành lập ở nhiều nước khác nhau, để tiến hành những hoạt động tuyên truyền và giác ngộ về lý tưởng tiến bộ thông qua hình thức các đêm tranh luận hay các buổi hội họp ngày chủ nhật. Nhưng trên hết Hiệp hội cố gắng cung cấp tài liệu cho các đảng phái chính trị tiến bộ ở tất cả các nước… Ông vẫn nghe tôi nói đấy chứ, ông kỹ sư?”
“Dĩ nhiên!” Hans Castorp quả quyết và hấp tấp đáp. Chàng có cảm tưởng như người trượt chân đang cố lấy lại thăng bằng.
Ông Settembrini có vẻ hài lòng.
“Chắc những điều tôi vừa hé mở cho ông thấy hoàn toàn mới lạ đối với ông?”
“Vâng, phải thú thật đây là lần đầu tiên tôi được biết về những… những cố gắng theo chiều hướng này.”
“Giá mà”, Settembrini đăm chiêu khẽ nói, “giá mà ông đã được biết từ trước! Nhưng bây giờ cũng chưa quá muộn.
Vậy là, những trang giấy in này… Chắc hẳn ông đang nóng lòng muốn biết trong đó viết gì… Xin ông kiên nhẫn nghe tiếp! Mùa xuân năm nay Hiệp hội tổ chức một phiên đại hội trọng thể ở Barcelona[118] - như ông có lẽ cũng biết, thành phố này nổi tiếng là cái nôi của những tư tưởng chính trị tiến bộ. Chương trình nghị sự kéo dài một tuần liền với những nghi thức tiệc tùng rất long trọng. Lạy Chúa lòng lành, tôi đã định đi dự đại hội, tôi không khao khát gì hơn là được tham dự những phiên họp bàn ở đó. Nhưng cái tên khốn kiếp mang danh cố vấn cung đình kia đã cấm không cho tôi đi và còn lôi cả cái chết ra đe dọa tôi - ông biết không, tôi sợ chết và đành ở lại. Hẳn ông cũng hình dung được tôi tuyệt vọng đến độ nào trước ngón đòn chí mạng tấm thân ốm yếu này chơi cho tôi! Không còn gì đau đớn hơn khi cái phần vật chất hữu cơ, cái phần con trong con người ngăn cản chúng ta phục vụ lý trí. Vì vậy nỗi hân hoan của tôi càng dâng lên gấp bội khi nhận được lá thư này từ trụ sở hội ở Lugano… Ông tò mò muốn biết nội dung thư? Tôi tin là như vậy! Nhưng trước hết phải có một vài thông tin ngắn gọn… ‘Hiệp hội bảo trợ tiến bộ’, với mục tiêu thực tiễn tự đặt ra cho mình là trách nhiệm dẫn dắt nhân loại đến bến bờ hạnh phúc, nói cách khác là bằng những hoạt động xã hội nhằm mục đích đấu tranh chống lại những khổ đau của nhân loại để cuối cùng hoàn toàn loại bỏ chúng; với mục tiêu xa hơn - mục tiêu này chỉ có thể đạt được với sự trợ giúp của khoa học xã hội và nhân văn - là thành lập nên một chính quyền hoàn thiện để tổ chức và quản lý xã hội, tại đại hội Barcelona Hiệp hội đã thông qua quyết nghị về dự án soạn thảo một bộ sách tra cứu gồm nhiều tập dưới tiêu đề ‘Xã hội học luận về đau khổ’[119], trong đó mọi đau khổ của con người được liệt kê và phân tích, được hệ thống hóa một cách khoa học với các lớp lang, thể loại đầy đủ và chính xác nhất từ trước tới nay. Ông sẽ phản đối: Hệ thống hóa với lớp lang và thể loại thì giúp ích gì được cho ai! Tôi xin trả lời: Trật tự và có hệ thống là bước khởi đầu để nhận biết để đi đến chế ngự, vì kẻ thù đáng sợ nhất đối với chúng ta là kẻ thù giấu mặt. Phải dẫn dắt loài người ra khỏi giai đoạn sơ khai đầy sợ sệt và ù lì cam chịu để đưa họ đến giai đoạn hành động một cách có ý thức. Phải giải thích cho họ rõ rằng, chỉ có thể tiêu diệt được hậu quả nếu như trước tiên nhận ra được để rồi sau đó xử lý các nguyên nhân, rằng hầu như mọi nỗi đau khổ cá nhân đều là hậu quả của những căn bệnh xã hội. Phải, đây chính là mục đích của bộ sách này, một tác phẩm luận về ‘bệnh lý học xã hội’. Trong khoảng hai chục tập của bộ từ điển bách khoa toàn thư này các tác giả sẽ liệt kê và đưa ra giải pháp điều trị tất cả các loại khổ đau mà người ta có thể hình dung ra được, từ những khổ tâm riêng tư và thầm kín nhất cho đến những xung đột lớn, những nỗi khổ nảy sinh do lòng hận thù giai cấp và các tranh chấp quốc tế, nói một cách ví von là chúng tôi muốn giới thiệu tất cả các nguyên tố hóa học cơ bản từ đó hình thành vô vàn hợp chất thể hiện mọi nỗi khổ có thể gặp trên đời; để bảo toàn nhân phẩm và hạnh phúc con người chúng tôi muốn hiến cho nhân loại một phương tiện, một công cụ giúp họ tiêu diệt hết những nguyên nhân gây ra đau khổ. Các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực trong giới trí thức châu Âu, các bác sĩ, chuyên gia kinh tế, chuyên gia tâm lý được kêu gọi tham gia vào dự án, đóng góp cho việc soạn thảo bộ bách khoa toàn thư về khổ đau, và trụ sở biên tập ở Lugano sẽ là nơi thu thập tư liệu, là chỗ hội tụ thông tin. Tôi đọc thấy trong mắt ông câu hỏi, không biết tôi đóng vai trò gì trong tất cả những chuyện này? Xin ông kiên nhẫn nghe tôi nói hết đã! Công trình đồ sộ này không quên vai trò của văn học nghệ thuật, nếu đối tượng sáng tạo trong tác phẩm là nỗi đau khổ của con người. Vậy nên có một tập được dự định dành riêng để giới thiệu tới những người đau khổ - hy vọng bản thân điều đó đã là một niềm an ủi đối với họ - tập hợp tất cả những phân tích tóm tắt từng xung đột được miêu tả trong các tác phẩm văn học bậc thầy của thế giới; và đó chính là nhiệm vụ mà Hiệp hội tin cậy giao phó cho kẻ hèn này.”
“Sao tới giờ ông mới nói, ông Settembrini! Cho phép tôi được chân thành chúc mừng ông! Thật là một nhiệm vụ đầy vinh dự, và theo ý tôi không ai có thể hoàn thành tốt hơn ông. Tôi không nghi ngờ một giây nào rằng hội liên hiệp khi chọn người sẽ nghĩ ngay đến ông. Và ông hẳn sung sướng lắm khi được đóng góp sức mình vào công cuộc tiêu diệt đau khổ cho nhân loại.”
“Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề”, ông Settembrini trầm ngâm, “đòi hỏi rất nhiều công sức và một khối lượng kiến thức khổng lồ. Trên hết”, ông ta nói tiếp với ánh mắt mơ màng như chìm đắm vào sự phong phú đa dạng của nhiệm vụ được giao phó, “trên hết phải tính đến một thực tế là sự đau khổ gần như luôn luôn được lấy làm đối tượng sáng tác trong nghệ thuật, có thể nói nó không vắng bóng ngay cả trong các tác phẩm hạng hai hay hạng ba. Cũng chẳng sao, thậm chí lại càng hay! Nhiệm vụ dù bao quát đến đâu thì cũng thuộc loại công việc mà tôi có thể giải quyết ở nơi gian cầm khốn nạn này, mặc dù tôi vẫn hy vọng không phải ngồi chết dí tại đây cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Tuy nhiên”, ông ta lại bước tới sát cạnh Hans Castorp và hạ giọng gần như thủ thỉ, “tuy nhiên những trách nhiệm mà cuộc sống đặt lên vai ông lại khác, ông kỹ sư! Đây là cốt lõi của vấn đề mà tôi nhắm tới nãy giờ, là điều tôi muốn cảnh tỉnh ông. Như ông biết đấy, tôi rất ngưỡng mộ nghề nghiệp cao quý của ông, nhưng đó là một nghề thực hành chứ không phải lao động trí óc thuần túy, nên khác với tôi ông chỉ có thể hành nghề ấy trong thế giới dưới kia. Chỉ có ở dưới đồng bằng ông mới có thể làm một người Âu văn minh, thi thố tài năng để đấu tranh chống lại khổ đau, hỗ trợ tiến bộ, sử dụng thời gian một cách hữu ích. Tôi kể cho ông nghe nhiệm vụ tôi được giao phó là để nhắc nhở ông, để giúp ông thức tỉnh, giúp ông chỉnh đốn lại đầu óc do chịu ảnh hưởng bầu không khí trên này có vẻ như đã trở nên hỗn độn và lầm lạc. Tôi khẩn khoản yêu cầu ông: Hãy giữ vững cốt cách của mình! Hãy bảo vệ lòng tự hào và đừng đánh mất bản thân cho những điều xa lạ! Ông hãy xa lánh cái vũng lầy tội lỗi này, hòn đảo của phù thủy Circe[120], ông không phải là Odysseus để có thể lưu lại đây mà không hại đến thân. Rồi sẽ đến lúc ông chuyển sang bò bốn chân, ông đã bắt đầu khom lưng hạ hai chi trước xuống rồi đấy, chẳng bao lâu nữa ông sẽ hộc như heo - xin ông hãy cảnh giác giữ mình!”
Ông văn sĩ kết thúc lời kêu gọi của mình bằng một cái lắc đầu đầy lo ngại. Rồi ông ta lặng thinh, mắt nhìn xuống, chân mày chau lại. Không thể trả lời bấy nhiêu nghiêm túc bằng một câu nói đùa hoặc đánh trống lảng như mọi khi, Hans Castorp đành vứt bỏ ý định ấy sau khi cân nhắc chớp nhoáng trong nháy mắt. Cả chàng cũng đứng im cụp mắt nhìn xuống. Cuối cùng chàng nhún vai hỏi bằng giọng gần như thầm thì:
“Tôi phải làm gì bây giờ?”
“Làm như điều tôi đã khuyên ông.”
“Tức là: đi về?”
Ông Settembrini im lặng.
“Ý ông muốn bảo tôi hãy về nhà đi?”
“Tôi đã khuyên ông như vậy ngay từ buổi tối đầu tiên ông tới đây, ông kỹ sư.”
“Vâng, nhưng lúc ấy tôi còn tự do muốn đi thì đi muốn ở thì ở, mặc dù tự tôi cũng thấy mới hơi gặp khó khăn vì chưa quen khí hậu mà đã xếp giáo quy hàng thì thật khó coi. Từ bấy đến nay sự tình đã đổi khác nhiều rồi. Tôi đã khám bệnh, và ông cố vấn Behrens đã nói toạc móng heo rằng nếu tôi cứ khăng khăng đòi về thì sau một thời gian ngắn cũng sẽ phải quay trở lại đây, và rằng nếu tôi cứ tiếp tục cuộc sống cũ dưới kia chẳng chóng thì chầy lá phổi của tôi cũng sẽ đi đời nhà ma.”
“Tôi biết, giờ ông đã có chứng chỉ trong túi.”
“Vâng, mặc dù ông nói với nghĩa trào phúng… tất nhiên đây là cái trào phúng đích thực, không một phút một giây nào khiến người nghe có thể hiểu sai ý nghĩa vấn đề, là công cụ cổ điển và chính đáng của thuật hùng biện - ông thấy đấy, tôi còn ghi nhớ những lời ông nói. Nhưng giờ đây, khi đã có tấm phim này, đã có kết quả chiếu điện và chẩn đoán của ông cố vấn cung đình, liệu ông có thể chịu trách nhiệm cho lời khuyên trước kia của mình nữa không?”
Ông Settembrini ngập ngừng giây lát. Rồi ông ta ưỡn ngực đứng thẳng người, ngước mắt hướng cái nhìn quả quyết đen láy vào Hans Castorp và trả lời bằng giọng thống thiết rất bi kịch:
“Được, ông kỹ sư. Tôi xin chịu trách nhiệm.”
Đến lượt Hans Castorp cũng vươn vai ngẩng cao đầu. Chàng đứng nghiêm, hai gót chân khép sát vào nhau, mắt nhìn thẳng vào mắt ông Settembrini. Đây là một cuộc đọ ý chí. Hans Castorp không chịu lùi nửa bước. Nguồn động lực ở gần bên như “tiếp sức” cho chàng. Trong này là ông thầy đạo đức, còn ngoài kia là người đàn bà mắt một mí. Chàng không mở đầu bằng một lời xin lỗi, chàng nhất định không chêm vào ‘Tôi nói ông đừng giận’. Chàng bảo:
“Thế thì ông cẩn trọng đối với bản thân hơn là với người khác! Ông không dám trái chỉ định của bác sĩ để đến Barcelona dự hội nghị về tiến bộ. Ông sợ chết nên đã ở lại đây.”
Không còn nghi ngờ gì nữa, lập luận này làm tư thế hiên ngang của ông Settembrini suy sụp một cách đáng kể. Ông ta khó nhọc nặn ra một nụ cười và bảo:
“Tôi rất biết đánh giá cao một lời đối đáp thông minh, mặc dù lý luận của ông không xa ngụy biện là mấy. Tôi ghê tởm cái thói khoe khoang bệnh tật và cái tôn ti trật tự quái gở mà họ tranh giành ở trên này, nếu không tôi đã có thể trả lời ông rằng tôi bệnh nặng hơn ông nhiều - rất tiếc là trên thực tế nặng tới mức tôi chỉ còn nuôi một chút hy vọng leo lét, chủ yếu là tự lừa dối bản thân, rằng một ngày nào đó mình có thể rời bỏ chốn này trở về thế giới dưới kia. Đến lúc hết hy vọng, không còn lý do chính đáng nào để có thể vin vào nữa thì tôi sẽ quay lưng từ bỏ cái viện an dưỡng này và tìm một chỗ trọ dưới thung lũng để sống nốt những ngày tàn. Nghe thì có vẻ thê thảm, nhưng vì công việc của tôi thuần túy là lao động trí óc và khá tự do nên tôi thấy không có gì cản trở mình phục vụ nhân loại cho tới hơi thở cuối cùng, đấy cũng là cách tôi chống lại bệnh tật. Tôi đã lưu ý ông về điểm khác biệt cơ bản này giữa chúng ta. Ông kỹ sư, ông không phải là người có thể thi thố tài năng ở trên này, tôi đã thấy thế ngay từ lần đầu gặp gỡ. Ông trách tôi sao không dám đi Barcelona. Tôi phải phục tùng lệnh cấm của bác sĩ để không hủy hoại thân mình quá sớm. Nhưng tôi đã làm thế một cách vô cùng miễn cưỡng, trong khi trí tuệ tôi vừa tự hào vừa đau đớn kháng cự lại sự áp đặt của tấm thân bệnh tật khổ não. Không biết trong lòng ông có trỗi dậy tinh thần phản kháng ấy không, khi ông cúi đầu tâm phục khẩu phục những thế lực trên này - hay tiếng nói cuối cùng lại thuộc về cơ thể với ham muốn xấu xa mà ông quá sẵn lòng ngả theo…”
“Tại sao ông phỉ báng cơ thể?” Hans Castorp cắt ngang lời ông ta và trừng mắt lên nhìn, đôi mắt xanh tròng trắng vằn tia máu đỏ. Bản thân chàng cũng choáng váng vì thái độ táo tợn của mình, điều đó thể hiện rõ trên nét mặt chàng. ‘Mình nói cái gì thế nhỉ?’ Chàng tự nhủ. ‘Chết thật. Nhưng mình đã lỡ cưỡi lên lưng cọp, đành phải cố mà đọ sức với ông ta. Tất nhiên cuối cùng thế nào ông ta cũng thắng, nhưng thây kệ, mình sẽ học hỏi được nhiều điều. Mình khiêu chiến bằng cách cãi lại ông ấy.’ Và chàng bồi thêm:
“Ông tự nhận là người nhân đạo cơ mà? Tại sao ông có thể coi cơ thể là xấu xa đê tiện?”
Settembrini mỉm cười, lần này không gượng gạo mà đầy tự tin.
“Tại sao ông phản đối phân tâm học?” Ông ta nhái lại một câu hỏi cũ của chàng, đầu nghiêng nghiêng chế giễu. “‘Ông thấy phân tâm học là xấu hay sao?’ - Ông sẽ thấy tôi lúc nào cũng sẵn sàng tranh luận với ông, ông kỹ sư”, ông ta vừa nói vừa làm bộ cúi chào, vung tay quét sát đất, “nhất là khi những lý lẽ ông đưa ra có chiều sâu. Cú đỡ vừa rồi của ông phải công nhận là ngoạn mục. Nhân đạo - đúng thế, tôi là một người theo chủ nghĩa nhân đạo. Ông sẽ không bao giờ tìm thấy ở tôi những dấu hiệu diệt dục khổ hạnh. Đúng thế, tôi yêu quý và trân trọng cơ thể, và đúng thế, tôi cũng trân trọng và tôn thờ cái đẹp, hình thức, tự do, vui thú và hưởng thụ - cũng như tôi luôn đại diện cho tất cả những gì là ‘thế tục’, cho những mối quan tâm của cuộc sống, để chống lại tư tưởng ủy mị xa lánh cõi đời - nói một cách bao quát là cổ điển chống lại lãng mạn. Theo tôi xác định quan điểm như thế là đã rõ ràng. Nhưng có một quyền lực, một nguyên tắc được tôi ủng hộ vô điều kiện, được tôi trân trọng và tôn thờ tuyệt đối, đó là quyền lực, là nguyên tắc trí tuệ. Tôi kinh tởm đến lợm giọng trước hình ảnh tưởng tượng ma quái nhợt nhạt đẫm ánh trăng mà người ta mệnh danh là ‘linh hồn’, được đưa ra như một phản đề của cơ thể - tôi hiểu tinh thần theo nghĩa khác. Trong cặp phạm trù đối lập thể xác và tinh thần thì thể xác được coi là cái ác, chịu sự sai khiến của quỷ dữ, vì thể xác thuộc về thiên nhiên, mà thiên nhiên - tôi nhắc lại là theo nghĩa đối ngẫu, đại diện cho những gì đối lập với tinh thần, với trí tuệ - bị coi là hung ác, hung ác và đầy bí ẩn. ‘Ông tự coi là người nhân đạo!’ Dĩ nhiên tôi là người nhân đạo, vì tôi yêu quý con người, như Prometheus[121] xưa kia, cao thượng và đầy lòng nhân ái. Sự cao thượng ấy biểu lộ ra bằng tinh thần, bằng trí tuệ, cho nên ông sẽ chỉ hoài công nếu muốn tìm lý lẽ buộc tội chúng tôi sử dụng chính sách ngu dân Cơ Đốc giáo…” Hans Castorp xua tay phản đối.
“Ông sẽ”, Settembrini vẫn tiếp tục, “hoài công buộc tội chúng tôi, nếu một ngày nào đó lòng tự tôn khiến người nhân đạo coi sự ràng buộc giữa tinh thần với thể xác, với thiên nhiên là một sự hạ thấp và phỉ báng nhân phẩm mình. Ông có biết rằng, Plotinus[122] vĩ đại đã từng tuyên bố ông ta hổ thẹn vì có một tấm thân?” Rõ ràng đây không phải là một câu hỏi tu từ, vì Settembrini nghiêm trang chờ đợi câu trả lời, nên cuối cùng Hans Castorp đành lên tiếng thú nhận đây là lần đầu tiên chàng được nghe điều này.
“Điều đó được lưu truyền trong những ghi chép của Porphyrius[123]. Một tuyên bố điên khùng, ông có thể bảo như vậy. Nhưng cái điên khùng ấy mang một nội dung tinh thần cao quý, và xét cho cùng không có gì bần tiện hơn việc quy kết một hành động là điên khùng, chỉ vì hành động ấy bộc lộ tinh thần phản kháng, nhằm nêu cao phẩm giá của mình, không chịu khuất phục thiên nhiên. Ông đã nghe nói đến trận động đất ở Lisbon[124] chưa?”
“Chưa - có động đất ư? Tôi không biết, ở đây chẳng thấy báo chí gì…”
“Ông hiểu lầm ý tôi. Tiện thể cũng phải nói thêm rằng, rất tiếc - mà đó lại là tình hình chung - ở đây báo chí quả thực khan hiếm. Nhưng ông hiểu sai ý tôi, cái thảm họa tự nhiên mà tôi nhắc đến không phải mới đây, mà đã xảy ra gần một trăm năm chục năm trước…”
“À ra thế! Ôi, gượm đã - đúng rồi! Tôi đã đọc được ở đâu đó, rằng khi ấy Goethe bị thức giấc trong phòng ngủ và bảo với người hầu…”
“A - không phải trận động đất ấy”, Settembrini ngắt lời chàng, mắt nhắm nghiền, bàn tay nhỏ nhắn rám nắng xua xua trước mặt. “Ông lẫn lộn các sự kiện với nhau rồi. Ông nghĩ đến trận động đất ở Messina[125]. Tôi lại muốn nói đến thảm họa tàn phá Lisbon năm 1755.”
“Xin lỗi ông.”
“Khi ấy Voltaire[126] đã vô cùng phẫn nộ.”
“Thế ạ… Ông bảo sao? Ông ấy phẫn nộ là thế nào?”
“Đúng thế. Ông ấy lên tiếng phản kháng đầy phẫn nộ. Ông ấy không chịu cúi đầu chấp nhận sự thật nghiệt ngã, số phận tàn bạo giáng lên đầu nhân loại, ông ấy khước từ nó. Voltaire nhân danh tinh thần và trí tuệ phản đối thiên nhiên hung ác và tráo trở, phản đối thảm họa bất ngờ xóa sổ ba phần tư một kinh thành thịnh vượng và cướp đi hàng ngàn sinh mạng… Ông kinh ngạc ư? Ông thấy tức cười? Ông cứ việc ngạc nhiên, nhưng tôi mạn phép khuyên ông chớ nên cười cợt. Phản ứng của Voltaire là hành động của bậc chính nhân quân tử, hậu duệ của dòng giống Gallia[127] ngoan cường, những anh hùng ngày xưa từng bắn tên lên trời chống lại thiên tai… Ông thấy không, ông kỹ sư, đó là tinh thần bất khuất của trí tuệ trước thiên nhiên, là lòng tự hào và ý chí cương quyết chống lại sức mạnh hung tàn phi lý của nó. Vì thiên nhiên có quyền lực, và chúng ta sẽ trở thành nô lệ nếu ta cúi đầu chấp nhận quyền lực của nó, chịu sự thống trị của nó… đương nhiên là thống trị về mặt tinh thần. Ông phải thấy trong thái độ chống đối ấy tinh thần nhân đạo, không tự mâu thuẫn với bản thân, không theo giáo lý dạy cam phận của đạo Cơ Đốc, mà kiên quyết vạch mặt cái ác, cái thù địch nằm trong thể xác. Tất cả những mâu thuẫn ông bắt bẻ tôi thực ra chỉ là một. ‘Tại sao ông phản đối phân tâm học?’ Tôi không phản đối… nếu đó là môn khoa học để giải phóng con người và phục vụ tiến bộ. Nhưng tôi cương quyết phản đối… nếu nó sặc mùi hoại tử của hầm mộ. Với cơ thể cũng vậy. Người ta phải trân trọng và bảo vệ nó, giúp nó tự giải phóng để phô bày cái đẹp, vì tự do hưởng thụ của các giác quan, vì hạnh phúc, vì thú vui nữa. Nhưng người ta phải khinh bỉ nó, chừng nào nó được coi là trọng lực và sức ì níu kéo ta lại, cản trở ta tìm tới ánh sáng; phải ghê tởm nó, chừng nào nó đại diện cho bệnh tật và chết chóc, nhất là khi nó lại mang tinh thần sai trái, tư tưởng thối tha, dâm đãng và nhục nhã…”
Settembrini tiến sát lại bên Hans Castorp và nói rất nhanh những lời cuối cùng bằng giọng gần như thì thầm. Vì cứu tinh của Hans Castorp đang đến: Joachim bước vào phòng đọc, trên tay cầm hai tấm bưu thiếp. Dòng thuyết giảng của ông văn sĩ bị chặn đứng, và thái độ tự nhiên của ông ta khi chuyển sang giọng xã giao thường ngày thu được sự thán phục không nhỏ nơi đệ tử - nếu ta đã có thể coi Hans Castorp là học trò của ông Settembrini.
“A, ông thiếu úy! Chắc ông đi tìm em họ - xin ông thứ lỗi vì tôi đã bắt cóc mất ông ấy. Chúng tôi vừa có một cuộc trao đổi khá sôi nổi, có thể gọi là tranh cãi cũng được. Em họ ông là một nhà hùng biện không tồi, và gặp lúc cao hứng ông ấy có thể là một đối thủ đáng gờm khi tranh luận.”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần