Books are the quietest and most constant of friends; they are the most accessible and wisest of counselors, and the most patient of teachers.

Charles W. Eliot

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - “Lạy Chúa, Con Thấy!”
ột tuần lễ sau Hans Castorp mới được bà y tá trưởng von Mylendonk gọi đi chiếu điện. Chàng không muốn lên tiếng hối thúc. Ở ‘Sơn trang’ người ta đang bận tối mắt tối mũi, cả các bác sĩ lẫn nhân viên phục vụ đều quay như chong chóng. Trong mấy ngày vừa qua có một đợt khách an dưỡng mới tới: hai sinh viên người Nga râu tóc rậm rịt mặc áo sơ mi đen gài cúc kín lên tận cổ, cả người không bói đâu ra một mẩu vải sáng màu; một cặp vợ chồng người Hà Lan được xếp ngồi cùng bàn với Settembrini; một người Mexico gù lưng ngay hôm đầu tiên đã lên cơn tắc thở làm những người ngồi cùng bàn sợ hết vía: ông ta đưa bàn tay khẳng khiu như cây cờ lê xiết chặt lấy người bên cạnh, bất kể đó là đàn ông hay đàn bà, những ngón tay cứng như sắt bấu riết vào da thịt nạn nhân đang vừa giãy giụa vừa oai oái kêu cứu, lôi họ vào nỗi kinh hoàng không thể tả trong cơn đau đang hồi kịch liệt của mình. Tóm lại, gian phòng ăn lớn gần như kín chỗ, mặc dù kỳ an dưỡng mùa đông phải sang tháng mười mới bắt đầu. Và ở vào trường hợp Hans Castorp, với mức độ bệnh tật của chàng, người ta không có quyền đòi hỏi một sự ưu đãi hay quan tâm đặc biệt. Bà Stöhr chẳng hạn, dù có dốt nát vô học đến đâu cũng là một ca nặng hơn chàng nhiều, tiến sĩ Blumenkohl thì khỏi phải nói. Ai còn biết thế nào là lễ độ và chưa đứt hết dây thần kinh xấu hổ thì ở vào địa vị của chàng cũng phải khiêm tốn chờ tới lượt, vì tôn ti trật tự được coi như luật bất thành văn ở trên này. Người bệnh nhẹ chẳng là cái thá gì, chàng vẫn ngầm hiểu thế qua các mẩu chuyện lượm lặt được nơi đây. Người ta nói đến họ bằng giọng khinh thường, theo thước đo giá trị bệnh tật họ bị nhìn bằng nửa con mắt, và không phải chỉ những người bệnh nặng có thứ bậc cao mới cư xử như thế, ngay cả những người “nhẹ” cũng a dua theo tự hạ mình chấp nhận thước đo ấy để cứu vãn chút lòng tự ái của bản thân. Đó là bản tính con người. “Ôi chà, tay ấy!” Họ có thể nói về nhau như vậy. “Thực ra y có làm sao đâu, không đáng để lên trên này. Chẳng có lấy một ổ lao…” Đó là luật lệ ở đây, nó phân chia bệnh nhân thành nhiều đẳng cấp có tôn ti trật tự đàng hoàng, và Hans Castorp cúi đầu tuân phục theo thói quen cố hữu nhắm mắt tôn trọng luật lệ ở xứ chàng. Nhập gia tùy tục. Khách sẽ tỏ ra thiếu lịch thiệp nếu không biết tôn trọng tục lệ của chủ nhà, và phong tục tập quán thì mỗi nơi mỗi khác. Thậm chí đối với Joachim, Hans Castorp cũng tỏ thái độ kính nể và tôn trọng ở một mức độ nhất định - không phải vì anh họ chàng đã ở đây lâu hơn và là người dẫn dắt chàng vào thế giới này, mà chủ yếu là vì Joachim rõ ràng “nặng” hơn chàng. Vì vậy cũng không có gì là khó hiểu khi bệnh nhân cố ý thổi phồng bệnh tật của mình cho có vẻ trầm trọng hơn, vì người ta ai cũng muốn tỏ ra quan trọng và được xếp vào hạng nặng hoặc mon men đến gần tầng lớp ấy. Cả Hans Castorp khi xuống ăn cũng thường gian lận nói tăng nhiệt độ của mình lên cao hơn thực tế một hai vạch và ngấm ngầm sung sướng khi được những người ngồi cùng bàn thân mật đưa ngón tay lên dọa, tỏ ý chấp nhận chàng vào cùng hội. Nhưng mặc dù đã ăn gian thêm vài ba vạch chàng vẫn thuộc về đẳng cấp thấp, nói theo ngôn ngữ trên này, và vì vậy kiên nhẫn cũng như khiêm tốn là thái độ phải phép nhất người ta chờ đợi ở chàng.
Chàng nhanh chóng lấy lại nhịp sống quen thuộc của ba tuần đầu tiên ở đây, giờ nào việc ấy được quy định rõ ràng và phân chia đều đặn, sớm tối cặp kè bên Joachim; và ngay từ ngày thứ nhất sinh hoạt của chàng đã diễn ra trôi chảy hệt như trước đó, như thể không hề bị gián đoạn. Mà thực ra ba tuần gián đoạn ấy đâu có nhằm nhò gì; chàng cảm nhận rõ ràng điều đó trong lần đầu xuất hiện trở lại bên bàn ăn. Mặc dù Joachim, từ trước tới nay vẫn đặc biệt coi trọng các sự kiện có thể coi như cột mốc đánh dấu thời gian, đã lo liệu để có mấy bông hoa trang trí chỗ ngồi của người vừa bình phục, nhưng sự đón chào của những bệnh nhân ngồi cùng bàn không nồng nhiệt hơn bình thường mấy tí, chẳng khác gì họ gặp lại chàng không phải sau ba tuần mà chỉ sau ba tiếng đồng hồ giữa hai bữa ăn: thực ra không phải vì họ thiếu quan tâm đối với con người bình dị dễ mến là chàng và quá bận tâm với bản thân, tức là với cơ thể có những hoạt động nhộn nhịp lý thú của họ; mà chủ yếu là vì họ vô tình không để ý đến khoảng thời gian gián đoạn nên quên bẵng mất nó dài ngắn ra sao. Và Hans Castorp theo dõi câu chuyện giữa họ chẳng chút khó khăn, chàng lại ngồi vào chỗ cũ ở đầu bàn, giữa cô giáo lỡ thì Engelhart và Miss Robinson, cứ như thể mới ngày hôm qua còn ngồi ở đó.
Nếu như ngay tại bàn mình người ta đã không thu hút được sự chú ý đáng kể sau thời gian vắng mặt thì đối với cả phòng sự xuất hiện trở lại của anh ta lại càng không đáng nhắc tới. Đúng ra cả phòng ăn không ai buồn để ý đến sự trở lại của Hans Castorp, chỉ trừ có Settembrini, ông này sau bữa ăn đã tàn tàn ghé qua bàn chàng nói mấy câu chào mừng nửa trịnh trọng nửa thân mật. Hans Castorp còn ghi nhận một ngoại lệ khác nữa mà tính chính xác của nó chúng ta phải tạm thời gạt qua một bên. Chàng tin rằng Clawdia Chauchat có nhận ra sự xuất hiện trở lại của mình, ngay bữa đầu tiên khi chàng đã ngồi yên vị và cô ta vừa bước vào phòng - vẫn đến muộn như thường lệ - sau khi cánh cửa kính sập cái rầm và rung loảng xoảng, đôi mắt một mí của cô ta đã dừng lại một thoáng nơi chàng, bắt gặp ánh mắt chàng; và vừa ngồi xuống ghế cô ta đã hơi cười cười quay nhìn lần nữa qua vai về phía chàng: nụ cười mím chi giống hệt ba tuần trước, lúc chàng sắp đi khám. Đó là một cử chỉ lộ liễu, bày tỏ sự tò mò một cách công khai - công khai đối với chàng và đối với tất cả thực khách trong phòng - và chàng không biết nên vui mừng hay nên bực bội, phải hiểu đó là sự quan tâm hay là thái độ coi thường. Chỉ biết rằng trái tim chàng như bị bóp nghẹt trong ánh mắt ấy, cái ánh mắt theo chàng là tuyên ngôn hùng hồn buộc tội thái độ thờ ơ lạnh nhạt giữa chàng và người ấy là giả dối - đúng ra trái tim tội nghiệp của chàng đã run rẩy trong hơi thở gấp từ lúc cánh cửa vừa sập lại, vì thâm tâm chàng vẫn chờ đợi khoảnh khắc này.
Phải nói thêm rằng, mối quan hệ nội tâm của Hans Castorp đối với nữ bệnh nhân ngồi ở bàn Nga thượng lưu, sự chú ý mà các giác quan và trí tuệ không mấy cao siêu của chàng dành cho con người có thân hình thon thả, dáng đi nhẹ nhàng uyển chuyển và cặp mắt Kirgizstan ấy, tóm lại là mối tình chàng dành cho cô ta (từ này rốt cuộc tỏ ra thích hợp nhất mặc dù đó là một từ của người “dưới kia”, thường được dùng trong cuộc sống dưới đồng bằng và gợi nhớ đến bài hát “Với anh không gì xao xuyến hơn”), tình cảm ấy trong thời gian chàng nằm một chỗ đã có những tiến bộ vượt bậc. Hình ảnh cô ta chập chờn trước mắt chàng vào những sớm tinh sương, khi gian phòng ngập ngừng trút bỏ màn đêm; hay vào những buổi chiều nhập nhoạng, khi bóng tối buông xuống mỗi lúc một dày đặc (cả trong khoảnh khắc Settembrini xuất hiện dưới ánh sáng chói chang đột ngột, trên ngưỡng cửa phòng chàng, cô ta cũng đang hiện diện rõ mồn một, và đó là lý do khiến chàng đỏ mặt khi nhìn thấy ông văn sĩ ưa phá đám). Trong những giờ phút ngắn ngủi của một ngày bị chặt thành nhiều khúc chàng đã mơ đến khóe miệng này, đến đôi gò má cao, đến cặp mắt một mí, với đầy đủ chi tiết về màu sắc, hình dáng, vị trí mà chàng nhớ như in trong dạ; chàng nghĩ đến tấm lưng mềm, mái đầu hơi chúi về phía trước, đốt sống nổi gồ lên sau ót trong cổ áo sơ mi xẻ rộng, đến đôi cánh tay được che giấu hững hờ trong lớp vải mỏng tang - nếu như chúng tôi ỉm đi không nói trắng ra rằng nhờ những tơ tưởng này mà ngày giờ cấm cung của chàng trôi vùn vụt thì cũng chỉ vì chúng tôi thông cảm với tâm trạng của chàng, vừa hoang mang hối hận do bị lương tâm cắn rứt vừa bàng hoàng hạnh phúc nhờ những hình ảnh ấy. Đúng, đó là nỗi kinh hoàng gắn liền với niềm hy vọng phập phồng trong một cuộc phiêu lưu vô biên và vô định, là niềm vui và nỗi sợ đồng thời, là cảm xúc không tên đôi khi bất ngờ bóp nghẹt trái tim chàng trai trẻ - trái tim thực sự với nghĩa giải phẫu học trong lồng ngực chàng - khiến chàng phải một tay đưa lên vị trí của nó, tay kia che trước trán (như để che đôi mắt) mà rên rỉ thốt lên:
“Ôi lạy Chúa!”
Vì bên trong vầng trán ấy là những tư duy hay mảnh vụn tư duy mà nhờ có chúng hình dáng và gương mặt Madame Chauchat mới trở nên ngọt ngào quyến rũ đến thế, và đối tượng của chúng là thói lơ đãng cẩu thả của người phụ nữ này, là bệnh tật của nàng, là mức độ tự do của cơ thể nhờ bệnh tật, là sự vật chất hóa con người nàng thông qua bệnh tật mà giờ đây, nhờ chẩn đoán của các bác sĩ, Hans Castorp đã trở thành bệnh nhân và có thể chia sẻ tất cả những cái ấy cùng nàng. Bên trong vầng trán trí óc chàng lĩnh hội được cái tự do mạo hiểm khiến Madame Chauchat bằng ánh mắt và nụ cười gạt bỏ thái độ lạnh nhạt vờ vịt giữa họ, như thể họ chẳng phải là hai cá nhân trong một xã hội đầy phép tắc xã giao ràng buộc, thậm chí như thể họ chẳng cần đến lời nói mới có thể trao đổi cùng nhau… Và đó chính là điều khiến chàng giật mình kinh sợ: nỗi kinh sợ giống như cảm giác của chàng hôm ấy trong phòng khám, khi ánh mắt chàng vội vã rời đôi vai trần của Joachim hướng lên trên tìm kiếm ánh mắt người anh - chỉ khác một điều là hôm ấy chàng thấy hãi hùng vì thương xót, còn ở đây nguyên nhân là một loại tình thương hoàn toàn khác.
Vậy là cuộc sống ở ‘Sơn trang’ - một cuộc sống nhàn tản được cung phụng đầy đủ diễn ra trên một sân khấu chật hẹp - trở lại nhịp điệu đều đều quen thuộc của nó, và Hans Castorp, thấp thỏm chờ đợi giờ phút được nhìn thấy lục phủ ngũ tạng của mình, trong lúc chia sẻ cuộc sống ấy với anh họ, chàng Joachim trung hậu; giờ này qua giờ khác họ sát cánh cùng nhau thực hiện nhiệm vụ chữa bệnh, và sự gắn bó ấy cũng có tác động tích cực đến chàng trai trẻ. Bởi mặc dù đây chỉ là sự gắn bó giữa hai người bệnh, nhưng trong đó hàm chứa rất nhiều kỷ luật quân ngũ: một cách vô tình họ tự khép mình theo kỷ luật ấy, lấy việc thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng để thay thế cho những trách nhiệm của cuộc sống dưới đồng bằng và nghiễm nhiên coi đó như bổn phận chính của mình - Hans Castorp không khờ đến mức chẳng nhận ra điều đó, nhưng chàng cảm nhận được tác động kiềm chế của nó đối với tâm hồn dân sự của mình, thậm chí có vẻ như nhờ sự gắn bó ấy, vì phải làm gương cho nhau và kiểm soát lẫn nhau mà chàng tránh được những bước đi mạo hiểm và hành động mù quáng. Vì chàng dư sức nhận thấy anh họ mình, chàng Joachim trung hậu, ngày ngày phải chịu đựng thử thách trong bầu không khí ngột ngạt mùi nước hoa cam, dưới hình thức một đôi mắt nâu tròn, một viên ngọc ruby xinh xinh, những trận cười vô cớ và một bộ ngực nhìn bề ngoài rất hoàn hảo; và cái cách người anh, đầy lý trí và cao thượng, lẩn tránh bầu không khí cám dỗ ấy khiến chàng về phần mình cũng phải nghĩ ngợi, bắt chàng giữ đúng phép tắc và ngăn cản chàng, nói một cách ví von là chạy đến chỗ cặp mắt một mí “mượn một cây bút chì” - hành vi mà nếu không vì sự gắn bó mang tính kỷ luật với người anh họ hẳn chàng đã không ngần ngại thử ngay, theo kinh nghiệm bản thân.
Joachim không bao giờ nhắc tới cô Marusia hay cười, và vì vậy Hans Castorp cũng không thể nào mở miệng tâm sự với anh về Clawdia Chauchat. Chàng tự đền bù bằng cách lén lút trao đổi với cô giáo lỡ thì ngồi bên phải mình, trêu ghẹo cô gái già đến mặt đỏ tưng bừng bằng những lời ỡm ờ ám chỉ mối cảm tình của cô ta với nữ bệnh nhân quyến rũ kia, trong lúc chuyện trò bắt chước ông nội Hans Lorenz Castorp tựa cằm vào cổ áo một cách long trọng. Nửa đùa nửa thật chàng dụ cô gái già kể chuyện về đời tư Madame Chauchat, cô ấy quê quán ở đâu, chồng cô ấy là người như thế nào, cô ấy bao nhiêu tuổi, bệnh tình cô ấy ra sao, và thu được một mớ thông tin bổ ích. Cô ấy có con cái gì không, chàng muốn biết. - Ô không, cô ấy không có con. Một người như cô ấy có con thế nào được? Rất có thể các bác sĩ đã cấm cô ấy có con - thử tưởng tượng xem: nếu cô ấy có con thì những đứa trẻ tội nghiệp sẽ ra sao? Hans Castorp tỏ ý đồng tình. Vả lại ở tuổi cô ta mà muốn có con thì cũng muộn quá rồi, chàng phỏng đoán một cách thực tế đến mức tàn nhẫn. Thỉnh thoảng, ở tư thế nhìn nghiêng chàng có cảm tưởng nét mặt cô ta đã hơi góc cạnh. Cô ta đã ngoài ba mươi chưa nhỉ? - Cô Engelhart phản đối ngay lập tức. Clawdia mà ba mươi tuổi? Cùng lắm là hai mươi tám. Và cô cấm người ngồi cạnh không được nói như vậy về nét mặt nhìn nghiêng của Clawdia. Nét mặt Clawdia là hiện thân ngọt ngào của tuổi thanh xuân, mặc dù tất nhiên đó là một vẻ đẹp độc đáo không phải bất kỳ ả vịt xiêm nào cũng có. Và để trừng phạt chàng cô Engelhart đưa ra một đòn chí tử: theo chỗ cô ta được biết thì Madame Chauchat thường xuyên có khách đàn ông đến thăm, một người đồng hương ở dưới ‘Phố’. Ông ta hay lên tận phòng thăm cô ấy vào các buổi chiều.
Trúng tim đen. Hans Castorp tái mặt, mặc dù đã cố hết sức để giữ tự chủ, và những câu “thế à” và “thật không thể tưởng tượng được” chàng buông ra để phụ họa cũng nhợt nhạt chẳng khác gì gương mặt chàng. Không đủ sức để lờ đi sự tồn tại của người đàn ông đồng hương nọ, chàng cứ vòng vo gặng hỏi về ông ta với cặp môi giật giật liên hồi. Một người còn trẻ? - Còn trẻ và bảnh trai, nghe nói thế, cô gái già khẳng định; nhưng bởi cô ta chưa được nhìn tận mắt nên không thể đánh giá được. - Bệnh nhân? - Nếu có thì chỉ rất nhẹ thôi! - Hy vọng, Hans Castorp giở giọng cay độc, ông ta có một tủ áo phong phú hơn mấy người đồng hương khác ở bàn Nga hạ lưu - và cô Engelhart, vẫn đang hăm hở trả thù, đứng ra đảm bảo cho tủ áo của người lạ mặt. Vậy là chàng đành thú nhận, không thể coi nhẹ chuyện này được, và nghiêm trang giao cho cô gái già nhiệm vụ tìm hiểu xem cái ông đồng hương ra vào tự do phòng Madame Chauchat là người như thế nào. Nhưng đáng lẽ phải báo cáo cho chàng biết kết quả điều tra theo hướng này thì vài ngày sau cô gái già lại tung ra một tin giật gân mới.
Cô ta nghe nói Clawdia Chauchat đang được vẽ chân dung - và hỏi Hans Castorp xem chàng có biết điều đó không. Nếu không thì xin chàng cứ yên trí về tính chính xác của tin này, cô ta thu được nó từ một nguồn đáng tin cậy. Đã một thời gian dài người đẹp của chàng ngồi làm mẫu cho người ta vẽ chân dung - và làm mẫu cho ai kia chứ? Cho ông cố vấn cung đình! Vì mục đích này gần như ngày nào cô nàng cũng đến căn hộ riêng của ông cố vấn Behrens.
Tin này làm Hans Castorp choáng váng còn hơn tin trước. Từ đấy về sau chàng hay buông ra những câu đùa cay đắng về chuyện này. Ừ, dĩ nhiên rồi, ai chẳng biết ông cố vấn cung đình có cái thú vẽ tranh sơn dầu - cô giáo già phản đối gì nào, vẽ đâu phải là một tội, ai cũng có quyền tự do vẽ vời chứ. Thế ra cô ấy ngồi làm mẫu trong căn hộ độc thân của ông cố vấn cung đình góa vợ? Hy vọng ít nhất những lúc ấy tiểu thư von Mylendonk cũng có mặt. - Bà ta làm gì có thời gian. - “Nhưng Behrens cũng đâu có nhiều thời gian hơn bà y tá trưởng”, Hans Castorp nghiêm khắc cự lại. Và mặc dù với nhận định này có vẻ như đề tài ấy đã được giải quyết xong, nhưng Hans Castorp vẫn không nghĩ đến chuyện dừng lại ở đó, chàng gặng hỏi tỉ mỉ hết gần lại đến xa: đó là tranh thể loại chân dung ư, khổ là bao nhiêu, chỉ thể hiện khuôn mặt hay cả người từ đầu gối trở lên; chàng còn hỏi cả về thời gian một buổi vẽ - cô Engelhart chẳng biết đằng nào mà trả lời chi tiết cho vừa ý chàng, và đành phải dỗ chàng kiên nhẫn chờ kết quả điều tra thêm.
Sau khi nhận tin này Hans Castorp đo được 37 độ 7. Sự kiện này còn làm chàng đau đớn và lo ngại hơn cả chuyện Madame Chauchat tiếp khách trong phòng riêng. Cuộc sống và những hoạt động cá nhân của Madame Chauchat, chỉ nhắc đến nó chưa cần biết tới nội dung cũng đã đủ làm ruột gan chàng như xát muối rồi, và như thế phải biết chàng đau đớn khổ sở tới mức độ nào khi lời ong tiếng ve về nội dung của cuộc sống ấy lọt tới tai chàng! Đành rằng có thể mối quan hệ giữa ông khách Nga và người phụ nữ đồng hương hoàn toàn vô tư và vô hại; nhưng từ ít lâu nay Hans Castorp đã có thói quen coi vô tư và vô hại là những điều vớ vẩn - cũng như chàng không thể tự thuyết phục được mình rằng cái trò vẽ chân dung sơn dầu chỉ hoàn toàn mang tính nghệ thuật trong quan hệ giữa một người đàn ông góa vợ bạo miệng và một phụ nữ trẻ mắt một mí bước đi rón rén. Thị hiếu của ông cố vấn cung đình thể hiện qua việc chọn người mẫu không ngờ lại phù hợp với gu của chính chàng đến nỗi chẳng thể tin vào một lựa chọn vô tư được, và hình ảnh cặp má tím xanh như chàm đổ với đôi mắt lồi đỏ hoe của ông ta làm cho điều đó càng khó tin hơn.
Một sự kiện mà chàng tình cờ quan sát được trong những ngày này lại có tác động theo chiều hướng khác, mặc dù đó cũng có thể hiểu là một bằng chứng nữa cho gu thẩm mỹ của chàng. Ở chiếc bàn kê ngang của bà Salomon và cậu học trò láu ăn đeo kính, bên trái bàn hai anh em chàng, cạnh cánh cửa trổ bên hông phòng ăn, có một bệnh nhân theo chỗ Hans Castorp được biết là người gốc Mannheim, trạc ba mươi tuổi nhưng đã hói lơ thơ trên đỉnh đầu, có hàm răng sún đen và lối nói ngập ngừng đứt khúc - chính là anh chàng thỉnh thoảng chơi đàn piano trong những buổi tối giao lưu dưới phòng giải trí, và cũng chỉ chơi độc có một bản ‘Hành khúc đám cưới’ trong vở ‘Giấc mộng đêm hè’ mà thôi. Nghe nói anh ta rất mộ đạo, một hiện tượng dễ hiểu và không hiếm thấy trong giới bệnh nhân ở trên này. Chủ nhật nào anh ta cũng đi dự lễ nhà thờ ở dưới ‘Phố’, và khi nằm điều dưỡng thì đọc toàn những sách phúc âm, loại sách có hình ly rượu thánh hay cành cọ in ngoài bìa. Nhân vật này, như một hôm Hans Castorp bất ngờ nhận thấy, cũng dán mắt vào chỗ mà mắt chàng như dính chặt vào - nơi có sự hiện diện của tấm thân mềm mại của Madame Chauchat - đã thế còn với một thái độ vừa rụt rè vừa tha thiết đến mức quỵ lụy như nô lệ. Sau phát hiện này Hans Castorp không ngăn được mình chốc chốc lại lén nhìn anh ta để cay đắng thấy nhận xét của mình lần nào cũng được khẳng định là đúng. Tối tối chàng thấy anh ta đứng trong phòng giải trí giữa đám bệnh nhân, ánh mắt bơ vơ thẫn thờ như đeo lấy người phụ nữ bề ngoài khả ái mặc dù bên trong mục ruỗng ngồi trên chiếc ghế sô pha trong phòng khách nhỏ vui vẻ tán gẫu với Tamara (đấy là tên cô gái tóc xù vui tính), tiến sĩ Blumenkohl và ông ngực lép ngồi cùng bàn ăn với nàng; thấy anh ta quay đi, lảng tránh để rồi một lát sau lại từ từ quay đầu ngoái cổ ra đằng sau, mắt liếc xệch qua vai, môi trên dẩu ra một cách khó nhọc nhìn về phía ấy. Chàng thấy mặt anh ta biến sắc mỗi khi cánh cửa kính sập đánh rầm, đầu cúi gục giây lát để rồi sau đó ngẩng lên nhìn càng đắm đuối hơn Madame Chauchat uyển chuyển đi như lướt về chỗ ngồi của mình. Và nhiều lần sau bữa ăn chàng còn thấy anh chàng tội nghiệp đứng chắn giữa đường từ bàn Nga thượng lưu ra cửa, đợi Madame Chauchat đi qua sát bên mình và đưa đôi mắt tối tăm tràn ngập nỗi sầu nhìn ngấu nghiến như muốn nuốt lấy người phụ nữ vô tư và vô tình không biết đến sự tồn tại của anh ta.
Phát hiện này hành hạ chàng trẻ tuổi Hans Castorp không ít, mặc dù sự ngưỡng mộ âm thầm của gã người Mannheim không làm chàng lo ngại như mối quan hệ riêng tư của Clawdia Chauchat với ông cố vấn Benrens, một người cả về tuổi tác, uy tín và địa vị đều cao hơn hẳn chàng. Clawdia chẳng thèm đếm xỉa đến gã người Mannheim - nếu có thì hẳn với những giác quan tinh nhạy đột xuất của mình chàng đã nhận ra rồi, vả lại trong trường hợp này linh hồn chàng quằn quại không phải vì những mũi gai nhọn ghen tuông. Nhưng chàng đã phải trải qua tất cả các cảm xúc sinh ra từ cơn say và nỗi đam mê, dưới mọi hình thức có thể gặp ngoài đời, nó cho chàng cái cảm giác kỳ lạ nửa ghê tởm nửa đồng lõa với kẻ kia. Không thể lý giải và mổ xẻ tất cả những gì diễn ra trong tâm hồn chàng, nếu chúng ta không muốn tắc tị tại đây. Nói tóm lại tất cả những cái ấy, kể cả phát hiện thông qua quan sát hành vi gã người Mannheim, rõ ràng là quá tải đối với tâm hồn bình dị của chàng Hans Castorp tội nghiệp.
Tám ngày trôi qua như thế cho đến lúc Hans Castorp được đi chiếu điện. Trước đó chàng không hề biết mình sẽ phải đợi bao lâu, cho đến một buổi sáng bà y tá trưởng xông vào giữa bữa điểm tâm truyền đạt lệnh gọi chàng buổi chiều đi chiếu điện (bà ta đã lại bị lên lẹo nữa rồi, một cái khác chứ không phải cái lần trước chàng thấy, lần này có vẻ vô hại hơn nhưng không chịu thua kém cái trước một chút nào về quy mô và ảnh hưởng trên khuôn mặt), thì bấy nhiêu thời gian đã tiêu tan. Hans Castorp và anh họ chàng phải có mặt ở địa điểm đó khoảng nửa giờ trước bữa trà chiều; vì nhân dịp này họ muốn chụp hình lục phủ ngũ tạng cho cả Joachim - tấm hình lần trước có lẽ đã lạc hậu rồi.
Vậy là họ rút ngắn ba mươi phút của cữ nghỉ trưa ngày hôm nay, lúc đồng hồ điểm ba rưỡi họ đã leo hết mấy bậc thang đá “xuống” tầng hầm giả tưởng và ngồi yên vị trong gian phòng đợi nhỏ ngăn giữa phòng khám với phòng chiếu quang tuyến - Joachim ngồi bình tĩnh đợi vì trò này đối với chàng chẳng có gì là lạ nữa, còn Hans Castorp bồn chồn nôn nóng, vì chàng chưa bao giờ được nhìn vào lục phủ ngũ tạng mình. Trong phòng không phải chỉ có mình họ, lúc vào họ thấy đã có mấy bệnh nhân ngồi đợi với những cuốn tạp chí cũ nát trên đầu gối: một thanh niên người Thụy Điển tướng tá như lực sĩ mọi bữa vẫn ngồi cùng bàn ăn với Settembrini, nghe nói khi anh ta đến hồi tháng tư tình trạng anh ta tệ đến nỗi họ không muốn cho nhập viện, thế mà bây giờ anh ta lên được tám chục pound[99] và tấp tểnh đợi ra viện với chứng chỉ đã khỏi hẳn; xa hơn chút nữa là một phụ nữ ngồi bàn Nga hạ lưu thân hình còi cọc với thằng con trai xấu xí mũi dài còn còi cọc hơn tên gọi Sascha. Những người này đã ngồi đợi từ khi nào rồi, hẳn họ đã được hẹn xuống khám trước hai người, có vẻ như trong phòng rọi quang tuyến đã có một sự dồn toa đáng kể, thế có nghĩa là họ có nguy cơ phải uống trà nguội.
Trong phòng chiếu điện người ta đang rất bận rộn. Ngoài phòng đợi cũng nghe thấy tiếng ông cố vấn cung đình oang oang ra lệnh. Ba rưỡi hay muộn hơn một chút cánh cửa phòng chiếu điện bật mở, một tay trợ lý kỹ thuật chuyên làm việc dưới này ló đầu ra gọi anh chàng lực sĩ Thụy Điển may mắn - chắc hẳn người vào khám trước đó được họ cho ra bằng cửa khác. Giờ thì mọi việc trong đó có vẻ đã trôi chảy hơn. Mươi phút sau người ta nghe thấy ngoài hành lang tiếng bước chân thình thịch của tay lực sĩ xứ Scandinavia đã khỏi hẳn, hình ảnh sống quảng cáo cho bầu không khí chữa bệnh ở đây nói chung và viện an dưỡng này nói riêng. Rồi bà mẹ Nga cùng với Sascha được gọi vào. Cũng như lúc cửa mở ra cho anh chàng Thụy Điển, Hans Castorp thoáng thấy trong phòng chiếu điện tối mờ mờ, tức là chỉ được rọi sáng rất hạn chế - giống như phòng phân tâm của bác sĩ Krokowski bên kia. Các cửa sổ kéo rèm kín mít không cho ánh mặt trời lọt vào, chỉ có mấy ngọn đèn điện tỏa sáng yếu ớt. Trong lúc hai mẹ con Sascha được đưa vào và Hans Castorp mải nhìn theo thì cánh cửa phía hành lang cũng bật mở và người bệnh tiếp theo bước vào phòng đợi, quá sớm, vì ở đây có hiện tượng dồn toa. Người mới vào là Madame Chauchat.
Đúng là Clawdia Chauchat bằng xương bằng thịt hiện ra bất thình lình trong phòng đợi; Hans Castorp trố mắt ra nhìn và cảm thấy máu rút hết khỏi mặt mình, đồng thời hàm dưới trễ xuống khiến miệng chàng có nguy cơ không đóng lại được. Sự xuất hiện của Clawdia quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng của chàng - bỗng dưng nàng ngồi đó chia sẻ không gian chật hẹp của căn phòng đợi với hai anh em họ, mới một phút trước đã làm gì có. Joachim liếc nhanh sang Hans Castorp rồi không chỉ cụp mắt nhìn xuống mà còn vớ lấy cuốn tạp chí chàng vừa mới vứt lên bàn, mở ra đưa lên che mặt. Hans Castorp không đủ sức nhấc tay động chân làm gì. Sau khi tái nhợt đi mặt chàng lại đỏ lựng lên, và tim chàng đập như trống trận.
Madame Chauchat buông mình ngồi xuống một chiếc ghế bành cũ kỹ tròn quay với đôi tay vịn đã mòn trơ gần cửa phòng chiếu điện. Cô ta ngồi thụt sâu trong ghế, hờ hững vắt chéo chân lên nhau và nhìn chăm chăm lên không trung, cặp mắt Přibislav một mí - vì biết có người quan sát mình - không tập trung được vào một hướng mà trở nên hơi hiếng. Cô ta mặc áo len trắng với váy màu xanh lam, trên gối đặt một quyển sách - có vẻ như sách mượn ở thư viện - bàn chân đặt xuống sàn nóng nảy nhịp nhịp.
Mới khoảng một phút rưỡi cô ta đã đổi tư thế, đứng lên nhìn quanh vẻ phân vân như không biết nên làm gì hay nên hỏi ai, và cất tiếng. Cô ta hướng vào Joachim mà cất tiếng hỏi, mặc dù chàng có vẻ đang chăm chú đọc báo, còn Hans Castorp vẫn ngồi không thì không được đếm xỉa đến - môi cô ta uốn cong nhào nặn từ ngữ và cần cổ trắng muốt truyền cho những từ ngữ ấy âm thanh, những âm thanh không hẳn là trầm, hơi khàn khàn nhưng đặc biệt êm ái, giọng nói rất quen thuộc đối với Hans Castorp - quen thuộc từ một thời xa vắng lắm, có lần nó đã vang lên sát bên tai chàng và dành cho chính chàng: “Được thôi. Nhưng hết giờ học cậu phải trả lại cho tớ đấy.” Có điều khi đó giọng nói ấy trôi chảy và tự nhiên hơn, còn bây giờ nó hơi chậm và ngắt quãng, vì người nói chỉ mượn tạm ngôn ngữ này nên không chế ngự được hoàn toàn nó, như Hans Castorp một đôi lần đã nghe lỏm với một cảm giác gần như kiêu hãnh, một niềm tự hào ấm áp lan tỏa quanh tim. Một tay thọc trong túi áo len, tay kia đưa lên sửa bím tóc sau đầu, Madame Chauchat hỏi:
“Xin lỗi, ông được hẹn lúc mấy giờ?”
Và Joachim, liếc nhanh về phía em họ, vừa trả lời vừa kéo hai gót chân dập vào nhau trong lúc vẫn ngồi: “Lúc ba rưỡi.” Cô ta tiếp tục nói:
“Còn tôi có hẹn lúc ba giờ bốn lăm. Có chuyện gì hay sao? Đã gần bốn giờ rồi. Vừa mới có người vào trong đó, phải không?”
“Phải, hai người”, Joachim trả lời. “Họ xếp hàng trước chúng tôi. Khám xét thế nào mà bị ùn lại. Có vẻ như tất cả đều bị trễ khoảng nửa giờ.”
“Bực thật!” Cô ta nói và bồn chồn nắn nắn bím tóc.
“Biết làm sao”, Joachim đáp. “Chúng tôi cũng đã đợi gần nửa giờ đồng hồ rồi.”
Họ nói chuyện với nhau, và Hans Castorp ngơ ngẩn ngồi nghe như trong mơ. Joachim đối đáp với Madame Chauchat thì cũng chẳng khác gì chính chàng được lên tiếng - hay là có khác, thậm chí khác xa một trời một vực? Mấy tiếng “biết làm sao” cộc lốc khiến Hans Castorp hơi phật ý, chàng thấy nó thiếu lễ độ sao ấy, chí ít cũng có vẻ lạnh nhạt quá trong hoàn cảnh này. Nhưng xét cho cùng Joachim có thể ăn nói như thế - anh họ chàng có thể chuyện trò thoải mái với cô ta và có lẽ còn ngấm ngầm cảm thấy tự hào vì hơn chàng ở chỗ có quyền thốt ra mấy tiếng “biết làm sao” đầy kiêu ngạo ấy - giống như chàng trước kia đã vênh váo ưỡn ngực trước Joachim và Settembrini mà trả lời “ba tuần” khi được hỏi chàng dự định ở chơi bao lâu. Cô ta chọn Joachim mà hỏi, mặc dù anh họ chàng cầm tờ báo che ngang mặt - tất nhiên bởi vì anh ấy có thâm niên ở đây lâu hơn, quen mặt hơn đối với cô ta; nhưng cũng có thể sự lựa chọn của cô ta có một nguyên nhân khác, đó là vì hai người ấy hoàn toàn có thể trao đổi bằng lời với nhau theo đúng phép tắc xã giao, vì giữa họ không tồn tại một mối ràng buộc vô hình, hoang dại, sâu thẳm, hãi hùng và đầy bí ẩn. Nếu ngồi đây cùng họ ngày hôm nay là mắt nâu đeo nhẫn mặt ngọc ruby và xức nước hoa cam thì hẳn chính chàng, Hans Castorp, mới là người lên tiếng bảo “biết làm sao” - một cách trong sáng và vô tư, như tâm trạng của chàng đối với cô ta. ‘Đúng thế, thật đáng bực mình, thưa cô!’ chàng sẽ nói vậy và có lẽ còn vung tay rút tấm mùi xoa trong túi áo ngực ra hỉ mũi. ‘Phải kiên nhẫn thôi, biết làm sao. Chúng tôi cũng đâu có sung sướng gì hơn.’ Và Joachim sẽ kinh ngạc thấy chàng cư xử tự nhiên như vậy - nhưng rất có thể anh ấy không mong muốn được ở vào địa vị của chàng. Không, trong hoàn cảnh này cả Hans Castorp cũng không muốn ghen tị với Joachim, mặc dù anh ấy có cái diễm phúc được nói chuyện với Madame Chauchat. Chàng chấp nhận để cô ta bắt chuyện với người anh chứ không phải với mình; bằng cách ấy cô ta tỏ ra giữ ý, và như thế tức là nàng cũng ý thức được hoàn cảnh khó xử giữa họ… Tim chàng đập rùng rùng.
Sau câu trả lời ráo hoảnh của Joachim - Hans Castorp thậm chí còn cảm thấy có một thoáng ác cảm trong thái độ của người anh đối với cô bệnh nhân đồng cảnh ngộ, và nhận xét ấy khiến chàng dù đang ôm một mớ tơ lòng rối bòng bong cũng phải bất giác mỉm cười - “Clawdia” loay hoay đi đi lại lại trong phòng; ngặt nỗi gian phòng đợi bé như cái lỗ mũi không đủ chỗ, nên cuối cùng nàng cũng đành lượm một tờ họa báo trên bàn và lại ngồi xuống chiếc ghế bành tròn có chỗ để tay chỉ còn là tàn tích của cặp tay vịn. Hans Castorp ngồi nhìn nàng, cằm tựa vào ngực theo cách của ông nội, và chàng bỗng giống ông thượng nghị sĩ già đến mức nực cười. Madame Chauchat vắt chân chữ ngũ, dưới làn vải xanh nổi lên một bên đầu gối tròn trĩnh và đường lượn thon thả của bắp đùi. Nàng có dáng người tầm thước, không cao lắm - trong con mắt Hans Castorp thì đây chính là chiều cao lý tưởng của phụ nữ - nhưng cặp chân rất dài và hông không quá rộng. Nàng không dựa vào lưng ghế mà ngồi hơi chồm mình về phía trước, hai tay bắt tréo để trên đùi, chân vắt lên nhau, lưng hơi chùng và vai hơi xo khiến đốt sống cổ lại nổi lên, thậm chí dưới chiếc áo len bó sát người có thể thấy gần như cả cột xương sống hơi cong cong như hình cánh cung, và bộ ngực nàng, không đầy đặn vun cao như của Marusia mà gọn gàng như ngực thiếu nữ, bị đôi vai rủ xuống chèn ép gần như không thấy. Đột nhiên trong đầu Hans Castorp xẹt qua ý nghĩ, rằng nàng ngồi đây cũng để đợi chụp quang tuyến bộ ngực. Ông cố vấn cung đình vẽ hình nàng; ông ta tái tạo dung mạo bề ngoài của nàng bằng màu trộn với dầu trên một tấm vải. Nhưng ở đây, trong ánh sáng nhá nhem ông ta sẽ soi sáng bên trong người nàng và lục phủ ngũ tạng nàng sẽ bày ra hết trước mắt ông ta. Nghĩ đến đấy Hans Castorp nhăn mặt quay đi lấy vẻ bất bình đạo mạo, để biểu lộ tư cách chính nhân quân tử mà theo chàng duy nhất phù hợp trong hoàn cảnh này.
Sự chung chạ không gian chật hẹp của căn phòng đợi giữa ba người kéo dài không lâu. Có vẻ như trong kia người ta giải quyết khá nhanh gọn mẹ con Sascha, người ta phải tăng tốc để bù lại thời gian chậm trễ. Gã nhân viên kỹ thuật mặc áo choàng trắng lại mở cửa, Joachim đứng dậy vứt tờ báo lên bàn, và Hans Castorp đứng lên theo anh, không phải không ngần ngừ lưỡng lự. Những ý nghĩ hào hoa phong nhã đổ xô đến trong đầu giục chàng theo đúng phép lịch sự xã giao mà cất tiếng nhường cho Madame Chauchat vào trước; có lẽ chàng nên thử nói tiếng Pháp; và chàng hối hả lùng tìm từ ngữ để ghép thành một câu. Nhưng chàng không biết luật bất thành văn ở đây có dung thứ cho hành vi nịnh đầm ấy không, hay thứ tự xếp hàng được đặt lên trên hào hoa phong nhã. Joachim chắc phải biết điều đó, nhưng mặc dù Hans Castorp đã hướng ánh mắt khẩn khoản và tha thiết xoáy vào người anh, anh họ chàng vẫn tỉnh bơ không có vẻ gì là muốn nhường lượt cho người còn ngồi đợi. Thế là chàng đành lót tót theo anh đi qua chỗ ngồi của Madame Chauchat, lúc đi ngang còn ráng liếc mắt nhìn lần nữa dáng lưng cong chùng xuống của nàng, rồi đã thấy mình bước qua cửa vào phòng chiếu điện.
Chàng còn quá bồi hồi vì những gì phải bỏ lại sau lưng, vì cuộc phiêu lưu mười phút vừa qua trong phòng đợi, để có thể chuẩn bị tinh thần thích nghi với những thay đổi đột ngột trong phòng chiếu điện. Chàng hầu như không nhìn thấy gì hoặc chỉ thấy lờ mờ khung cảnh nửa sáng nửa tối của gian phòng. Chàng vẫn còn nghe giọng nói ấm áp, hơi khàn khàn của Madame Chauchat: “Có chuyện gì hay sao… Vừa mới có người vào trong đó phải không… Bực thật…” Âm hưởng của nó lùng bùng trong tai chàng, chuyển thành một cơn rùng mình ngọt ngào chạy xuống dọc sống lưng. Chàng vẫn còn nhìn thấy đầu gối nàng tròn trĩnh nổi lên dưới lần vải xanh, thấy cần cổ hơi cúi xuống, lòa xòa những cọng tóc vàng óng ánh màu đồng xổ ra từ bím tóc quấn cao, thấy đốt sống cổ nàng hơi gồ lên, và cơn rùng mình một lần nữa lại chạy suốt lưng chàng từ trên xuống dưới. Chàng thấy ông cố vấn Behrens đứng trước một cái tủ hay cái kệ lớn làm thành vách ngăn lửng giữa phòng, quay lưng lại phía những người vừa mới bước vào, chăm chú quan sát một bản mỏng màu đen mà ông ta giơ lên soi trước ngọn đèn mờ. Họ đi qua chỗ ông ta vào sâu trong phòng, và gã trợ lý kỹ thuật đi vượt lên trước lăng xăng chuẩn bị máy móc. Không khí nồng nặc một thứ mùi lạ, khen khét như mùi ozon. Cái tủ hay cái kệ lớn đứng giữa hai ô cửa sổ kéo rèm đen thui chia căn phòng thành hai phần lớn nhỏ không đều. Có thể nhận ra các dụng cụ vật lý, bình thủy tinh, bảng điều khiển, nhiều dụng cụ đo xếp nhấp nhô, cả một cái hộp như cái máy chụp ảnh đặt trên giá di động, những tấm phim dương bản lồng kính gắn thành một dãy trên tường - người ta không biết mình lọt vào cửa hiệu của một tay thợ chụp ảnh, một buồng tối để tráng phim, phòng thí nghiệm của một nhà sáng chế hay lò luyện đan của một pháp sư.
Joachim chẳng nói chẳng rằng bắt đầu cởi ngay áo để trần nửa thân trên. Gã trợ lý kỹ thuật, một thanh niên địa phương lùn tịt má đỏ hồng mặc áo choàng trắng bảo Hans Castorp làm theo anh họ. Nhanh lắm, tới lượt chàng ngay ấy mà… Trong lúc Hans Castorp cởi áo gi lê thì Behrens sải bước từ nửa phòng nơi ông ta đang đứng sang nửa rộng hơn phía hai anh em.
“Xin chào!” Ông ta cất tiếng. “Thì ra là hai vị thần song sinh của chúng ta, Castorp và Pollux[100]… Không cần phải tỉ tê giãi bày gì cả! Cứ đợi đấy, chúng tôi sẽ nhìn thấu tim đen các vị ngay bây giờ đây. Tôi có cảm giác, Castorp, ông sợ phải mở lòng ra với chúng tôi? Xin ông cứ bình tâm, tôi tiến hành việc ấy một cách rất mỹ thuật. Đây, ông đã thấy phòng triển lãm của tôi chưa?” Và ông ta kéo tay Hans Castorp tới trước dãy khung kính tối thui, bật công tắc. Ánh điện bừng lên soi sáng những tấm hình. Hans Castorp thấy đủ cả: tay, chân, đầu gối, bắp vế và ống đồng, cánh tay và phần ngang hông. Nhưng hình dạng tròn trịa quen mắt của những bộ phận cơ thể này chỉ hiện lên lờ mờ, như sương mù hay ánh sáng bàng bạc bao quanh cái lõi xương cốt nổi bật lên một cách rõ ràng, sắc nét với đầy đủ chi tiết.
“Rất lý thú”, Hans Castorp bảo.
“Dĩ nhiên là lý thú!” Ông cố vấn đáp. “Một dịp mở mang kiến thức bổ ích cho những người trẻ tuổi. Giải phẫu học quang tuyến, ông hiểu không, thành tựu vẻ vang của thời đại mới. Đây là một cánh tay đàn bà, ông có thể nhận ra qua hình dáng yêu kiều của nó. Với cánh tay này người ta xiết chặt tình nhân trong lúc ái ân, ông hiểu không.” Và ông ta cười khùng khục, vành môi trên với hàng ria tua tủa như cọc rào chuồng vịt vén cao về một bên. Những tấm hình phụt tắt. Hans Castorp quay sang anh họ, Joachim chuẩn bị được chiếu điện.
Sự kiện được tiến hành trước vách ngăn như cái tủ hay cái kệ mà lúc đầu ông cố vấn cung đình đứng ở phía bên kia. Joachim lên ngồi trên một thứ như cái ghế thợ giày, trước một tấm bảng mà chàng phải áp ngực vào và quàng cả hai tay ôm lấy; gã trợ lý kỹ thuật lượn quanh đưa tay uốn nắn sửa sang tư thế người bệnh, ấn vai chàng ra đằng trước, xoa xoa bóp bóp sau lưng. Rồi gã ra sau cái hộp như máy chụp hình, cúi lom khom, hai chân chàng hảng như một tay phó nháy chính cống, kiểm tra khuôn hình, lầm bầm tỏ ý hài lòng và vừa bước sang bên cạnh vừa ra lệnh cho Joachim hít vào một hơi thật sâu rồi nín thở cho đến lúc chụp xong. Tấm lưng Joachim cong như lưng tôm giãn ra rồi ngưng lại bất động. Cùng lúc ấy gã thợ bấm lên bảng điều khiển. Suốt hai giây đồng hồ máy móc huy động ra một năng lượng kinh hồn để đưa tia sáng xuyên qua vật chất, điện năng lên tới hàng ngàn volt, có lẽ hàng trăm ngàn volt, như Hans Castorp về sau nhớ lại. Hầu như không thể chế ngự được để chỉ phục vụ một mục đích chính, năng lượng ấy tìm đường giải tỏa bằng mọi cách khác. Điện phóng ra nổ đanh như tiếng súng. Các dụng cụ đo phát tia lửa xanh tanh tách. Những tia chớp nhoáng nhoàng chạy dọc tường. Đâu đó nhấp nháy một ngọn đèn đỏ, không khác gì một con mắt, lừ lừ đầy đe dọa. Sau lưng Joachim một bình cầu bỗng ngập khói xanh lè. Rồi tất cả lặng êm trở lại; các tia sáng biến mất, và Joachim thở hắt ra một hơi dài. Sự kiện kết thúc.
“Tội nhân tiếp theo!” Behrens gọi và thúc cùi chỏ vào sườn Hans Castorp. “Thôi đừng tìm cách trì hoãn nữa! Ông sẽ được nhận một tấm hình miễn phí, Castorp. Sau này ông có thể chiếu lên tường cho con cháu xem những bí mật trong lòng dạ mình!”
Joachim đã rời khỏi chỗ, gã trợ lý kỹ thuật đổi tấm bảng. Ông cố vấn Behrens đích thân hướng dẫn bệnh nhân mới ngồi vào chỗ. “Ôm lấy!” Ông ta bảo. “Ôm lấy tấm bảng! Ông muốn tưởng tượng đó là cái gì khác cũng được! Và nhớ áp ngực cho chặt vào, như thể mọi nguồn hạnh phúc trong đời ông gắn liền vào đấy! Đúng rồi. Hít vào! Nín thở!” Ông ta oang oang ra lệnh. “Nào, tươi lên nhé!” Hans Castorp hấp háy mắt nín thở đợi, phổi căng phồng không khí. Sau lưng chàng cơn giông tố năng lượng lại nổ ra, lách tách, lẹt xẹt, đùng đùng, nhoáng nhoàng rồi tắt ngấm. Ống kính đã nhìn thấu vào trong ruột gan chàng.
Chàng đứng dậy, hoang mang ngơ ngác chưa trở về ngay được hiện thực, mặc dù cơ thể chàng không có một tí cảm nhận nào lúc năng lượng xuyên qua. “Giỏi lắm”, ông cố vấn bảo. “Giờ ta sẽ được nhìn tận mắt.” Và Joachim thành thạo bước về phía cửa đứng lại gần một chiếc giá ba chân, xoay lưng lại dãy máy móc với một cái bong bóng thủy tinh lưng lửng nước có ống dẫn hơi bốc lên thoát ra ngoài; phía trước, ngang tầm ngực chàng, là một màn hình đóng khung treo vào ròng rọc di động. Bên trái chàng, giữa một tấm bảng điều khiển và một mớ dụng cụ các loại có một bóng đèn nhỏ màu đỏ. Ông cố vấn cung đình cưỡi lên một chiếc ghế đẩu trước màn hình di động, đưa tay bật ngọn đèn đỏ. Đèn trên trần tắt ngúm, chỉ còn ánh sáng đỏ lừ của ngọn đèn nhỏ hắt lờ mờ lên cảnh vật. Rồi bằng một động tác dứt khoát ông thầy phù thủy tắt nốt ngọn đèn này, và bóng tối đen như mực nuốt chửng lấy những kẻ thí nghiệm.
“Phải đợi cho mắt quen dần với bóng tối”, người ta nghe tiếng ông cố vấn cung đình. “Trước hết con ngươi phải nở lớn ra, như mắt mèo ấy, rồi thì mới có thể nhìn được. Chắc các ông cũng hiểu, cặp mắt quen nhìn đời trong ánh sáng ngày không được tích sự gì nhiều ở đây. Để thưởng thức vẻ đẹp của đêm trước tiên ta phải xua ra khỏi đầu tất cả những hình ảnh tươi vui của ban ngày.”
“Đương nhiên”, Hans Castorp đáp. Chàng đang đứng sau lưng ông cố vấn, hai mắt nhắm nghiền, vì dù nhắm hay mở cũng chẳng khác gì trong cái hũ nút này. “Ta phải rửa mắt mình bằng bóng tối rồi mới mong nhìn thấy gì trong đó, cái ấy đã rõ. Tôi thấy như thế càng hay, vì ta có dịp tập trung tinh thần, có thể coi như một phút cầu nguyện thầm lặng vậy. Tôi đứng nhắm mắt, tâm hồn an tịnh, dễ chịu đến mức hơi buồn ngủ. Nhưng ở đây có cái mùi gì lạ thế?”
“Dưỡng khí”, ông cố vấn cung đình bảo. “Cái ông đánh hơi được trong không khí là mùi ôxy. Sản phẩm của cơn giông nhân tạo trong khí quyển, ông hiểu không… Mở mắt ra!” Đột nhiên ông ta ra lệnh. “Phép màu bắt đầu.” Hans Castorp vội tuân theo.
Có tiếng một cái cần được gạt lên. Một cỗ động cơ nổ máy rú lên inh ỏi và được một bàn tay điều chỉnh cho chạy đều đều. Sàn nhà rung bần bật. Ngọn đèn đỏ lừ tỏa ánh sáng thành một vạch thẳng đứng, lặng lẽ nhấp nháy đầy vẻ đe dọa. Đâu đó nháng lên một tia chớp. Và rất từ từ, với ánh sáng mờ mờ như rọi qua một đám sương mù dày đặc, trong bóng tối dần dần hiện lên một khung cửa sổ, mỗi lúc một rõ hơn. Ông cố vấn cung đình ngồi như cưỡi ngựa trên chiếc ghế đẩu kê trước màn hình, hai đầu gối dang ra, tay nắm lại chống xuống đùi, dí sát cái mũi như củ khoai tây vào tấm kính cho phép người ta nhìn thấu lục phủ ngũ tạng một con người.
“Thấy không, ông bạn trẻ?” Ông ta hỏi… Hans Castorp nhoài người nhìn qua vai ông ta, nghĩ thế nào chàng lại ngẩng lên quay đầu về phía có lẽ là đôi mắt Joachim, đôi mắt dịu dàng buồn u uẩn như trong buổi khám bệnh lần trước, ngần ngại hỏi:
“Cậu cho phép tớ?”
“Xin cứ tự nhiên”, câu trả lời rộng lượng của Joachim bay ra từ trong màn đêm đen kịt. Và trong nhịp rung đều đều của mặt sàn, trong tiếng sấm rung chớp giật của năng lượng được thả xổng, Hans Castorp lom khom cúi nhìn qua ô cửa sổ sáng mờ, dòm vào bộ xương trống hoác của Joachim Ziemßen. Xương mỏ ức nhập vào với xương sống thành một cột xù xì sẫm màu. Những rẻ xương sườn phía trước ngực bị những rẻ sau lưng, mờ hơn, chồng chéo cắt lên. Hai cái xương quai xanh nổi lên đưa sang hai bên, và trong lớp vỏ thịt mờ mờ hiện rõ khớp vai nối với một khúc xương cánh tay trên. Trong lồng ngực rất sáng, nhưng người ta vẫn có thể nhận ra các mạch máu với những vệt thẫm màu và một mớ bùng nhùng tối đen.
“Rõ lắm”, ông cố vấn cung đình khen. “Đấy là vì cơ thể không có mỡ thừa, nhờ tuổi trẻ và kỷ luật quân sự. Tôi đã từng phải nhòm vào những cái bụng phệ - dày đặc mỡ, gần như không thấy gì cả. Còn phải đợi đến lúc nhân loại phát minh ra một loại tia xuyên qua được lớp mỡ dày như thế… Bộ ngực này thì chuẩn. Ông có nhìn thấy cơ hoành không?” Ông ta đưa ngón tay chỉ một vòng cung sẫm màu cứ liên tục nâng lên hạ xuống ở phần dưới khung cửa sổ. “Ông thấy cái cục nổi lên phía bên trái kia không? Đấy là chỗ viêm phế mạc anh họ ông mắc phải hồi mười lăm tuổi. Thở sâu!” Ông ta ra lệnh. “Sâu hơn! Tôi bảo là sâu cơ mà!” Và cơ hoành của Joachim võng xuống thật thấp, thấp hết mức có thể[101], trong khi phần trên hai lá phổi sáng lên thấy rõ. Nhưng ông cố vấn vẫn chưa hài lòng. “Không đủ!” Ông ta cằn nhằn. “Ông có nhìn thấy chỗ cuống mạch hõm xuống kia không? Ông thấy sẹo nhăn nhúm đắp cả lên nhau đấy không? Còn cái ổ lao này nữa, ông thấy chưa? Chất độc từ đó tiết ra đấy, rồi phân tán khắp cơ thể làm ông ta choáng váng.” Nhưng sự chú ý của Hans Castorp đã bị thu hút vào chỗ khác, nơi có cái gì đó gần giống hình cái túi, nhưng cứ động đậy liên tục như một con thú nhỏ, một khối tối sẫm không ra hình thù gì khuất sau những bộ phận được chiếu sáng và nằm hơi lệch về phía bên phải người quan sát - cái vật ấy liên tục nở ra co lại đều đều, giống như một con sứa đang bơi.
“Ông có thấy trái tim ông ấy không?” Ông cố vấn hỏi và nhấc bàn tay khổng lồ chống trên đùi lên trỏ vào cái vật phập phồng liên hồi kia… Chúa ơi, hóa ra đó là trái tim, trái tim trung hậu của Joachim, và Hans Castorp nhìn thấy nó đập!
“Tớ nhìn thấy tim cậu!” Chàng nói, giọng lạc đi.
“Cứ tự nhiên”, Joachim lại trả lời, rất có thể anh ấy còn tủm tỉm cười trong bóng tối. Nhưng ông cố vấn bắt họ im lặng, đây không phải lúc trao đổi cảm xúc. Ông ta bận nghiên cứu những vết và những vạch, cái khối bùng nhùng màu đen trong ngực bệnh nhân, trong khi vị khán giả xem ké ngắm nhìn không biết chán bộ hài cốt của Joachim một ngày nào đó sẽ nằm trong mồ, những khúc xương trần trụi khẳng khiu vẫn được coi là hình ảnh của thần chết. Kinh sợ và kính cẩn dâng lên tràn ngập lòng chàng. “Phải rồi, phải rồi, tớ nhìn thấy rõ lắm”, chàng lặp đi lặp lại. “Lạy Chúa, con đã thấy!” Chàng sực nhớ câu chuyện có lần được nghe kể về một người bà con họ xa đằng nhà Tienappel, một bà cô già đã chết từ lâu, lúc còn sinh thời được trời phú cho cái tài - hay là bị trừng phạt cũng nên - thể hiện ra ở khả năng đặc biệt mà bà ta khiêm tốn giấu kín, đó là những người sắp lìa đời bất kể vì lý do gì trong con mắt bà ta chỉ còn có bộ xương thôi. Vậy mà giờ đây Hans Castorp thấy Joachim trong hình hài ấy, mặc dù được sự hỗ trợ và dàn dựng của khoa vật lý quang học, và như thế có thể yên tâm rằng ở đây không có gì là thần bí siêu nhiên, nhất là chàng lại đã được chính Joachim cho phép. Nhưng thâm tâm chàng bỗng tràn đầy cảm thông với số phận đáng buồn của bà cô già có cái nhìn tiên tri nặng nề kia. Hết sức xúc động bởi những gì vừa chứng kiến, hay đúng ra là bởi chàng đã được phép chứng kiến, lòng chàng bỗng nhói lên một mối hoài nghi âm ỉ, chẳng biết làm như vậy có nên không, chẳng biết người trần mắt thịt có được phép làm như vậy không trong bóng tối rung động tích đầy năng lượng; và nỗi hiếu kỳ không sao cưỡng nổi hòa chung vào với cảm giác thương xót và sùng kính quặn thắt trong ngực chàng.
Nhưng ít phút sau chính bản thân chàng phải lên đoạn đầu đài đứng trong cơn giông điện, trong khi Joachim - lại đầy đủ thịt da - được mặc áo vào. Ông cố vấn lại ghé mắt lom lom nhìn qua khung kính mờ mờ sáng, lần này ánh sáng soi thấu tâm can Hans Castorp, và qua những tiếng lầu bầu, những câu rủa đứt đoạn và những lời ví von người ta có thể nhận ra rằng phát hiện lần này không ngoài dự đoán của ông ta. Sau đó, thể theo lời năn nỉ của Hans Castorp, ông ta còn đủ tử tế cho phép bệnh nhân đưa bàn tay vào chiếu điện. Và đúng như mong đợi của mình, chàng nhìn thấy cái mà người trần mắt thịt lẽ ra không được phép thấy, bản thân chàng cũng chẳng bao giờ ngờ rằng mình có quyền thấy hình ảnh định mệnh này: chàng nhìn vào xương cốt của chính mình trong mộ. Năng lực quang học đã làm trước công việc của sự phân hủy hữu cơ sau này, thịt da bao bọc xung quanh đã bị phân rã, làm cho tiêu tan, hủy hoại, chỉ còn như sương mù bảng lảng, để lộ ra cốt lõi bên trong là những đốt xương nhỏ mỏng manh của bàn tay phải, ngón áp út còn đeo chiếc nhẫn ấn tín chàng thừa kế của ông nội, trên màn hình chỉ thấy một vòng đen sẫm lỏng lẻo lơ lửng quanh đốt xương: một vật rắn của thế giới này mà con người dùng để trang điểm cho thân xác mình, thân xác một ngày nào đó sẽ mục rữa dưới đất để cái vật kia lại được tự do đi trang điểm cho thân xác khác một thời gian nữa. Chàng nhìn cái bộ phận quen thuộc của cơ thể mình bằng con mắt của bà cô quá cố bên dòng họ Tienappel, con mắt nhìn thấu suốt, nhìn thấy trước điều tất yếu kia, và lần đầu tiên trong đời chàng hiểu ra rằng chính mình cũng sẽ có ngày trở thành cát bụi. Khi ấy chàng lại có cái vẻ mặt thường thấy khi thưởng thức âm nhạc - ngơ ngẩn, thẫn thờ và kính cẩn, miệng hé mở và đầu ngoẹo sang một bên vai. Ông cố vấn cung đình bảo:
“Ma quái quá hả? Đúng, phải thừa nhận hình ảnh này khá là ma quái.”
Rồi ông ta ngắt nguồn năng lượng. Mặt sàn hết rung, hình ảnh bàn tay biến mất, ô cửa sổ màu nhiệm lại chỉ còn là một khung chữ nhật tối thui. Đèn trên trần bật sáng. Và trong lúc Hans Castorp lo mặc lại áo, Behrens thông báo với hai người trẻ tuổi một vài nhận định của mình về cơ thể họ, hạ cố sử dụng những từ ngữ dễ hiểu vì khả năng tiếp thu hạn chế của người không có chuyên môn. Trong trường hợp Hans Castorp thì phát hiện bằng mắt khẳng định sự chính xác của phát hiện bằng tai, khoa học đã được bảo toàn danh dự. Có thể thấy cả chỗ nám cũ lẫn chỗ mới tươi rói, và các “tuyến” kéo dài từ phế quản xuyên khá sâu vào trong phổi - “tuyến và một chuỗi nốt”. Hans Castorp có thể tự kiểm tra điều đó trên tấm phim dương bản lúc nào làm xong người ta sẽ trao tận tay chàng, như đã hứa lúc đầu. Còn bây giờ thì bình tĩnh, kiên nhẫn, giữ kỷ luật, đo nhiệt độ, ăn uống ngủ nghỉ, chờ đợi và uống trà. Ông ta quay lưng tỏ ý đã hết chuyện với họ. Hai người đi ra. Hans Castorp đi sau Joachim, còn ráng ngoái cổ lại nhìn qua vai. Được gã trợ lý kỹ thuật mở cửa, Madame Chauchat bước vào phòng.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần