To read without reflecting is like eating without digesting.

Edmund Burke

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 5 - Súp Vĩnh Cửu Và Sự Sáng Tỏ Thình Lình
ới đây chúng ta gặp một hiện tượng khiến người kể chuyện ngạc nhiên không ít và quyết định phải có đôi lời giải thích để độc giả về phần mình khỏi hoang mang. Đó là, trong khi bài trần thuật của chúng tôi về ba tuần đầu tiên của Hans Castorp ở trên này (hai mươi mốt ngày hè theo dự tính ban đầu của nhân vật chính, thời hạn mà chuyến đi này nhất quyết không nên vượt quá) đã choán mất khá nhiều thời gian và không gian - thành thật mà nói độ dài của câu chuyện rất hợp với mong muốn không dám thú nhận ra của chúng tôi - trong khi ấy thì ba tuần tiếp theo của lữ khách lại có thể gói trọn vào mấy dòng ngắn ngủi, đúng ra chỉ cần vài lời trong chớp mắt là đủ, chẳng thể so sánh được với nhiều trang giấy mực, công việc của nhiều giờ nhiều ngày trước đó: ngoảnh đi ngoảnh lại chúng tôi đã thấy mình thuật lại hết ba tuần kế tiếp rồi.
Quý vị có thể lấy làm lạ, nhưng điều đó thực ra không có gì trái lẽ và hoàn toàn phù hợp với các quy tắc nghe và kể chuyện. Nó đúng lẽ và hợp quy tắc ở chỗ, đối với người nghe và người kể thời gian dài hay ngắn, các tình tiết dàn trải hay thu hẹp cũng giống hệt như đối với chàng trẻ tuổi Hans Castorp, nhân vật chính bất ngờ bị số phận cầm chân trong câu chuyện này; thiết nghĩ đó cũng là chuyện đương nhiên nếu chúng tôi dài dòng chuẩn bị trước cho độc giả, vì khi cùng nhân vật chính lần theo bí mật của thời gian chúng ta sẽ còn gặp phải nhiều sự lạ và nhiều hiện tượng kỳ bí khác nữa ở trên này. Trước mắt chỉ xin quý vị nhớ lại kinh nghiệm chắc ai cũng đã có lần trải qua, đó là khi đau yếu nằm trên giường bệnh thì cả một chuỗi ngày, đúng thế, cả một chuỗi ngày ‘dài’ trôi đi nhanh như gió thoảng: ngày nào cũng giống ngày nào, như thể chỉ có một ngày lặp đi lặp lại triền miên; tuy nhiên nếu chỉ có một ngày thì nói rằng ‘lặp đi lặp lại’ sẽ không đúng nữa; đúng ra phải bảo rằng thời gian đã ngừng trôi, đã đông đặc lại thành hiện tại bất biến hay là vĩnh cửu. Buổi trưa người ta bưng súp lên cho bạn, như trưa hôm qua đã bưng lên và trưa ngày mai sẽ lại bưng lên. Trong giây lát bạn như bị chấn động tâm can mà không rõ do đâu và từ đâu tới; bạn thấy nôn nao choáng váng khi nhìn đĩa súp được bưng lên, các thì quá khứ, hiện tại và tương lai nổi lềnh bềnh hòa quyện vào nhau, thời gian lộ rõ chân tướng là một khoảnh khắc bị kéo dài vô hạn định và trong khi nó đứng khựng lại thì người ta cứ bưng hoài bưng mãi món súp lên. Nhưng nếu quy kết cho hiện tượng vĩnh cửu này là tẻ nhạt thì mâu thuẫn quá; mà mâu thuẫn lại là điều chúng tôi muốn tránh, nhất là khi kể về cuộc đời nhân vật chính này.
Vậy là Hans Castorp chuyển sang tư thế đo giường kể từ chiều thứ bảy, theo chỉ định của ông cố vấn cung đình Behrens, uy tín tối cao trong cái thế giới khép kín trên này. Chàng nằm dài hai tay chắp sau gáy, mình bận chiếc áo ngủ túi ngực thêu mấy chữ cái đầu tên, trên chiếc giường trắng toát đã được khử trùng, giường lâm chung của cô người Mỹ và có lẽ của không ít người khác nữa, đôi mắt xanh mộc mạc bị vi trùng cúm quậy cho vẩn đục trân trân ngó lên trần nhà, tâm trí dồn cả vào tình cảnh hiện tại của mình. Nói thế không có nghĩa là cặp mắt chàng nếu không bị cúm sẽ có cái nhìn trong sáng, tinh anh và ít phân vân, vì tâm hồn chàng, dù có thật thà chất phác đến đâu chăng nữa, giờ đây không có vẻ gì là sáng suốt mà trái lại rất mông lung, rối như mớ bòng bong, thiếu minh bạch và đầy nghi vấn. Chàng nằm đó, thi thoảng một tiếng cười đắc thắng cuồn cuộn dâng lên từ đáy lòng làm rung chuyển cả lồng ngực, khiến trái tim nhói buốt như muốn ngừng đập vì một niềm hy vọng và nỗi vui sướng cuồng điên chưa bao giờ biết tới trong đời; lại có lúc chàng tái người đi trước một linh cảm hãi hùng, và lương tâm nghiêm khắc lạnh lùng lên tiếng đay nghiến, trong khi trái tim lại hồi hộp lồng lên như ngựa phi nước đại, thoi thóp giộng liên hồi vào những rẻ xương sườn.
Ngày đầu tiên Joachim để cho chàng nghỉ ngơi và tránh chuyện trò. Chàng chỉ rón rén vào phòng bệnh hai ba lần, gật đầu tỏ ý thông cảm với bệnh nhân nằm trên giường và hỏi thăm vài câu thường lệ. Có vẻ như chàng nhận ra thái độ lảng tránh của Hans Castorp và không muốn trái ý em, vì theo chàng có lôi vấn đề ra mổ xẻ ngay lúc ấy cũng chỉ làm cho tình hình xấu đi và trở nên khó xử hơn mà thôi.
Nhưng sang đến sáng chủ nhật, sau khi trở về từ cuộc dạo chơi mỗi sáng - giờ đây lại lủi thủi một mình một bóng như trước kia - Joachim không trì hoãn lâu hơn nữa cuộc chuyện trò theo ý chàng đã trở nên cấp thiết. Chàng đứng bên giường người bệnh, thở dài bảo:
“Chà, chúng mình không thể nhắm mắt làm ngơ mãi mà phải đi đến một quyết định dứt khoát. Ở nhà mọi người đang mong cậu về.”
“Chưa đâu”, Hans Castorp trả lời.
“Hôm nay thì chưa, nhưng mà trong vòng mấy ngày tới, muộn nhất là thứ tư hay thứ năm.”
“Ôi dào”, Hans Castorp bảo, “họ không biết tớ định về ngày nào đâu. Họ thiếu gì việc, chẳng ai hơi đâu đếm từng ngày đợi tớ về. Nếu tớ về ngồi chễm chệ ở nhà, ông trẻ Tienappel sẽ bảo: ‘Về rồi hả con!’ Cậu James sẽ bảo: ‘Thế nào, đi chơi vui không?’ Còn nếu tớ chẳng về thì cậu cứ yên tâm là còn lâu họ mới nhận ra. Tất nhiên sớm muộn gì rồi cũng phải báo tin cho họ…”
“Cậu phải biết rằng”, Joachim nói và lại thở dài, “chuyện này làm tớ áy náy lắm! Làm thế nào bây giờ? Dĩ nhiên tớ cảm thấy mình cũng phải chịu một phần trách nhiệm ở đây. Cậu lên đây là để thăm tớ, tớ là người hướng dẫn cậu ở trên này, thế rồi bây giờ cậu kẹt lại đây và có trời mới biết bao giờ cậu có thể về nhà để bắt đầu đi làm được. Cậu phải công nhận rằng tớ ở vào cái thế khó xử vô cùng.”
“Tớ nói cậu đừng giận”, Hans Castorp bảo, hai tay vẫn khoanh sau gáy. “Tại sao cậu cứ tự làm khổ mình như thế? Vớ vẩn. Tớ lên đây đâu phải chỉ để thăm cậu? Ừ thì một phần là như thế, nhưng mục đích chính là để hồi phục sức khỏe của tớ, theo chỉ định của bác sĩ Heidekind. Thế rồi bây giờ mới vỡ lẽ ra rằng sức khỏe tớ có vấn đề hơn là ông ấy và cả nhà tưởng rất nhiều. Chắc chắn tớ không phải là người khách đầu tiên chỉ tính tạt qua chơi mà cuối cùng phải ở lại.
Cứ xem cậu con trai thứ hai của bà cụ ‘Tous-les-deux’ đấy, cậu ta lên đây với ý định gì và rồi kết cục ra sao - lắm lúc tớ tự hỏi chẳng biết cậu ta có còn sống không, hay đã bị người ta khiêng đi trong lúc chúng mình ngồi dưới phòng ăn rồi. Thực tình tớ cũng không ngờ là mình mắc bệnh, trước tiên tớ phải làm quen với thực trạng này và chấp nhận hoàn cảnh mới, tự coi mình là một bệnh nhân và một thành viên giống như các cậu ở đây chứ không phải chỉ là khách ghé thăm như từ trước đến nay nữa. Nhưng nghĩ cho cùng thì phát hiện này gần như chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì nói đúng ra tớ chưa bao giờ cảm thấy mình có một sức khỏe dồi dào, thêm vào đó cha mẹ tớ lại mất sớm như thế - tớ thừa hưởng ở đâu được một sức khỏe dồi dào cơ chứ! Cả cậu cũng hơi ọp ẹp, đúng không nào, và dù cho cậu có sắp khỏi hẳn rồi thì mình vẫn phải nhìn nhận một cách khách quan rằng căn bệnh ấy có truyền thống trong gia đình mình, Behrens đã kín đáo ám chỉ như thế trong lúc khám cho tớ. Tóm lại là tớ nằm đây từ hôm qua tới giờ và nghĩ ngợi rất nhiều, về tâm trạng và quan niệm sống của tớ, cách nhìn nhận cuộc đời, cậu biết đấy, và những đòi hỏi của cuộc sống. Bản chất tớ vẫn chuộng sự trang nghiêm và ghét những gì ồn ào nhí nhố - mới đây trong câu chuyện của bọn mình tớ có nói là thỉnh thoảng tớ còn muốn trở thành linh mục, vì tớ thấy việc an ủi và nâng đỡ tinh thần con người ta khi đau buồn là rất quan trọng, chẳng hạn như một tấm khăn đen, cậu biết đấy, bên trên nổi bật một cây thánh giá bạc, hay là mấy chữ R.I.P… Requiescat in pace…[96] Đấy là mấy chữ đẹp nhất đối với tớ, êm tai hơn những câu khẩu hiệu kiểu ‘Cuộc sống muôn năm’ nhiều, tớ không ưa những trò ồn ào quá. Tớ nghĩ rằng mối thiện cảm ấy nảy sinh do chỗ bản thân tớ cũng ọp ẹp và biết thế nào là bệnh tật - điều đó có dịp thể hiện rõ trong hoàn cảnh này. Nhưng nếu như sự thể đã thế, thì phải công nhận rằng sự tình cờ khiến tớ mò lên đây và để cho người ta khám là may mắn chứ; cậu không việc gì phải tự trách mình. Chính cậu cũng nghe thấy Behrens nói đấy: nếu tớ cứ tiếp tục sống như vậy một thời gian nữa dưới đồng bằng thì sớm muộn gì cả lá phổi cũng sẽ đi đời nhà ma.”
“Chưa chắc!” Joachim cãi. “Vấn đề là ở chỗ, không thể nào biết chắc được! Trước kia cậu đã có vài chỗ nám, chẳng ai biết để mà chạy chữa rồi tự nó cũng lành, và bây giờ chỉ còn là sẹo cũ vô hại mà thôi. Như vậy thì rất có thể vết nám kỳ này của cậu cũng sẽ tự khỏi, nếu cậu không lên đây thăm tớ - ai mà biết được!”
“Đúng, không thể nào biết trước được”, Hans Castorp trả lời. “Thế thì lại càng không nên phỏng đoán những điều tệ hại ngay từ bây giờ, nhất là phỏng đoán thời gian tớ phải ở lại làm gì cho mệt. Cậu bảo có trời mới biết lúc nào tớ được ra viện để vào làm việc trong xưởng đóng tàu, nhưng cậu nói thế với ý bi quan, và theo tớ bi quan là quá sớm, vì ai mà biết được. Behrens không đưa ra thời hạn nào cả, ông ta là người thận trọng, một nhà khoa học chứ không phải thầy bói. Vả lại tớ cũng chưa được rọi quang tuyến và chụp hình phổi, là những khám nghiệm khách quan để có thể đánh giá đúng tình hình bệnh tật, và biết đâu lúc ấy người ta phát hiện ra điều gì khả quan hơn hay là thậm chí tớ đã khỏi sốt và có thể giã từ các cậu được rồi thì sao. Theo tớ chúng mình không nên cầm đèn chạy trước xe và thông báo ngay tin thất thiệt về nhà. Chỉ cần viết mấy chữ - tớ tự viết được, ở đây có bút và tớ chỉ cần ngồi dựa vào gối, không cần ra khỏi giường - báo rằng tớ bị cảm lạnh và bị sốt nên chưa thể lên đường về nhà được. Sau đó thì hạ hồi phân giải.”
“Được rồi”, Joachim bảo, “trước mắt hãy cứ thế đã. Còn những việc khác mình có thể từ từ giải quyết sau.”
“Còn việc gì khác nữa?”
“Đầu óc cậu để đâu thế! Cậu chỉ mang theo cái vali xách tay với ít đồ đủ để ở chơi ba tuần thôi. Bây giờ cậu cần thêm quần áo thay đổi, đồ lót, áo ấm mùa đông, và cả giày dép nữa. Rốt cuộc cậu còn cần ở nhà gửi thêm tiền lên nữa chứ.”
“Nếu”, Hans Castorp bảo, “nếu tớ thực sự cần đến tất cả những thứ ấy.”
“Thôi được, cứ đợi thêm một thời gian nữa. Nhưng chúng mình không nên…” Joachim cất bước bồn chồn đi lại quanh phòng. “Chúng mình không được phép bám lấy những ảo tưởng huyễn hoặc! Tớ ở đây lâu rồi, tớ biết. Nếu Behrens đã bảo rằng có một chỗ nám, gần như có tiếng rít nữa thì… Nhưng dĩ nhiên mình vẫn có thể đợi đến lúc mọi sự rõ ràng hơn.”
Lần này câu chuyện giữa họ dừng lại ở đó, nhường chỗ cho những sự kiện thay đổi đều kỳ hai tuần một lần điểm xuyết cho chuỗi ngày đơn điệu trên này. Mặc dù phải đo giường Hans Castorp vẫn có thể tham dự vào những sự kiện ấy, nếu không trực tiếp thì cũng gián tiếp, thông qua các báo cáo của Joachim trong những lần người anh ghé thăm và ngồi lại chuyện trò mươi mười lăm phút bên giường bệnh của chàng.
Chiếc khay đựng bữa điểm tâm người ta bưng lên cho chàng sáng chủ nhật được trang điểm thêm một bình hoa nhỏ, và người ta cũng không quên đưa lên những bánh trái đặc biệt được làm thêm ngày hôm ấy. Muộn hơn chút nữa trong vườn ngoài sân đã nghe xôn xao tiếng nói cười, và kèn sáo véo von mở đầu buổi hòa nhạc chủ nhật được tổ chức đền đặn mười bốn ngày một lần. Joachim thưởng thức chương trình giải trí cùng em họ: chàng đứng ngoài ban công, trước cánh cửa mở toang nhìn xuống những màn biểu diễn bên dưới, trong khi Hans Castorp nửa nằm nửa ngồi trên giường, chăm chú nghiêng đầu về một phía, cặp mắt mơ màng vừa trìu mến vừa trân trọng chìm vào những giai điệu êm ái từ dưới vọng lên, trong bụng vẫn còn tức anh ách mỗi khi nghĩ đến lời Settembrini kết tội âm nhạc là “đáng ngờ về chính trị”.
Ngoài ra, như đã nói, chàng đòi Joachim tường thuật lại tất cả các hiện tượng và sự kiện xảy ra trong những ngày này, gặng hỏi tỉ mỉ về cách phục trang mang tính chất hội hè của ngày chủ nhật, chẳng hay các bà các cô có mặc áo đăng ten không (trời này mặc áo đăng ten thì chết rét); buổi chiều người ta có thuê xe ngựa đi dạo chơi nữa không (có chứ sao không, ‘Hội nửa phổi’ kéo cả đám đi dã ngoại ở Clavadel); và ngày thứ hai chàng khăng khăng bắt anh họ kể về nội dung buổi thuyết trình của bác sĩ Krokowski khi Joachim đi nghe diễn thuyết về ghé qua thăm chàng trước cữ nằm nghỉ buổi trưa.
Joachim tỏ ra đặc biệt ít lời và lảng tránh đề tài này - cũng như bài nói chuyện kỳ trước đã không bao giờ được đưa ra làm đối tượng bàn soạn giữa họ. Nhưng Hans Castorp nhất định đòi biết tất cả mọi chi tiết. “Tớ nằm một chỗ nhưng vẫn phải trả toàn bộ viện phí”, chàng bảo. “Tớ muốn được hưởng mọi quyền lợi và chế độ của viện.” Chàng nhớ lại cuộc dạo chơi một mình với hậu quả tai hại vào sáng thứ hai cách đây mười bốn ngày, và cho rằng chính cuộc dạo chơi ấy đã gây tác động tiêu cực lên cơ thể chàng tạo điều kiện cho căn bệnh nằm vùng bộc phát ra.
“Người trên này”, chàng tâm sự với anh, “dân địa phương ấy, họ có cách nói chuyện hay lắm, rất giản dị mà lại trang trọng, nghe cứ như thơ. ‘Thôi chào anh, tôi đi đây’!” Chàng nhái lại câu nói của người đàn ông đốn củi. “Lúc ở trong rừng tớ nghe họ nói với nhau như thế, câu này tớ sẽ còn nhớ đến già. Những kỷ niệm ấy gắn chặt với các ấn tượng in sâu vào ký ức, cậu biết không, và cho đến cuối đời mỗi khi gợi lại người ta vẫn còn nghe nó vang vọng trong tai. Vậy là kỳ này Krokowski lại nói về ‘tình yêu’?” Chàng hỏi và bất giác nhăn mặt khi thốt ra cái từ nọ.
“Chứ còn gì nữa”, Joachim đáp. “Không thì còn nói về cái gì. Rốt cuộc đấy là đề tài thuyết trình của ông ta.”
“Thế hôm nay ông ta nói gì?”
“Ôi dào, chẳng có gì đặc biệt. Cậu biết luận điệu của ông ta rồi đấy, cũng y như lần trước thôi.”
“Nhưng phải có cái gì mới chứ?”
“Chẳng có gì mới cả… Thật đấy, hôm nay ông ta nói thuần túy về hóa học”, Joachim miễn cưỡng đáp. Đại khái “đó” là một dạng ngộ độc của cơ thể, một hình thức tự đầu độc của các tế bào, theo lời bác sĩ Krokowski, diễn ra khi một chất chưa phát hiện được là chất gì phân hủy trong thân thể; các sản phẩm của quá trình phân hủy này kích thích cơ quan thần kinh trung ương và tủy sống, làm người ta rơi vào trạng thái hưng phấn mê li không khác gì tác động của các chất ma túy quen thuộc như morphin hay là cocain.
“Và thế là người ta bị sốt!” Hans Castorp bảo. “Thấy chưa, cũng đáng nghe đấy chứ. Sao cái gì ông ta cũng biết thế nhỉ - đúng là món ruột của ông ta có khác. Cứ đợi đấy, một ngày nào đó ông ta còn tìm ra cả cái chất chưa ai biết đến trong cơ thể con người kia, và chế ra được độc tố tác động lên thần kinh trung ương như một thứ ma túy, thế là ông ta có thể kích động tâm lý người ta theo ý mình. Không chừng trước kia đã có người nắm được bí mật này rồi cũng nên. Bằng vào cách giải thích của ông ta thì có vẻ những câu chuyện về rượu tình hay bùa mê thuốc lú trong thần thoại cũng có phần sự thật… Cậu đã định về rồi sao?”
“Ừ”, Joachim bảo, “tớ phải nằm một lúc mới được. Từ hôm qua tới giờ biểu đồ nhiệt độ của tớ lại đi lên. Tình trạng của cậu cũng ảnh hưởng không ít đến tớ…”
Đấy là chủ nhật và thứ hai. Ngày tiếp theo của Hans Castorp trong ‘chuồng’, ngày thứ ba, từ sáng đến tối là một ngày bình thường không có sự kiện nào đặc biệt. Nhưng đó là ngày chàng đặt chân lên đến đây, thế là chàng ở trên này đã trọn ba tuần, vậy nên chàng cố gắng viết một lá thư về nhà, chí ít cũng thông báo sơ qua cho những người bà con dưới đồng bằng biết về tình hình hiện tại của mình. Ngồi trên giường dựa lưng vào tấm chăn lông ngỗng cuộn tròn, chàng hì hục viết lên một tờ giấy viết thư có tiêu đề của viện an dưỡng rằng chàng chưa thể lên đường trở về như dự tính. Chàng bị một trận cảm lạnh kèm theo sốt quật cho đo ván, và ông cố vấn cung đình Behrens, một người thận trọng, đã quyết định không được coi nhẹ căn bệnh này vì ông ngờ rằng có một mối liên hệ giữa tình trạng hiện nay và thể trạng người viết thư tức là chàng. Bởi ngay từ lần gặp mặt đầu tiên ông bác sĩ viện trưởng đã chẩn đoán chàng bị thiếu máu trầm trọng, và trên hết có vẻ như thời hạn mà chàng, Hans Castorp, tùy tiện đặt ra cho kỳ nghỉ phục hồi sức khỏe của mình đã không được cân nhắc cho đầy đủ. Đại khái thế. - Vậy là xong, Hans Castorp tự nhủ. Không tiết lộ nhiều quá mà vẫn đủ để giải thích lý do mình phải ở lại trên này ít nhất là một thời gian nữa. Lá thư được giao cho một nhân viên phục vụ để y chuyển thẳng ra ga gửi theo chuyến tàu thường lệ xuống đồng bằng, như vậy tránh được thời gian chờ đợi nếu đem bỏ trong thùng thư.
Và như thế đối với nhân vật chính của cuộc phiêu lưu này kể như mọi việc đã được thu xếp ổn thỏa, lương tâm đã tạm yên, mặc dù còn bị cơn ho và chứng sổ mũi hành hạ, chàng ta nhẫn nại hội nhập dần vào nếp sống chờ đợi, trong đó mỗi ngày bị chia thành nhiều đoạn với nhịp điệu đều đều không đổi, rốt cuộc ngày nào cũng như ngày nào, chỉ là một ngày thường không dài không ngắn. Sáng sáng gã thợ tẩm quất bước vào phòng sau tiếng gõ như đập cửa, đó là một nhân vật khó chịu mang tên Turnherr, hai tay áo lúc nào cũng xắn cao để lộ cánh tay gân guốc mạch nổi chằng chịt, gã có lối ăn nói cấm cảu như chó cắn ma, chuyên môn gọi Hans Castorp bằng số phòng - đấy cũng là cách y đối xử với tất cả các bệnh nhân khác - nhiệm vụ của gã là dùng rượu xoa bóp khắp người chàng. Gã đi chưa được bao lâu thì Joachim xuất hiện, quần áo chỉnh tề, sau lời chào chàng hỏi ngay kết quả đo nhiệt độ lúc bảy giờ của Hans Castorp và thông báo cho em biết số đo của mình. Trong khi chàng xuống dưới nhà ăn sáng thì Hans Castorp điểm tâm ngay tại chỗ, lưng dựa vào tấm chăn lông ngỗng, vẫn ngon miệng như thường trong tư thế mới, hầu như không bị gián đoạn vì sự có mặt và lời thăm hỏi theo trách nhiệm của các bác sĩ, giờ này mỗi sáng họ vẫn lướt qua phòng ăn và đảo một vòng chớp nhoáng qua các phòng ở để thấy mặt hết lượt bệnh nhân, kể cả những người liệt giường hoặc hấp hối. Miệng đầy đồ ăn chàng vừa lúng búng thông báo mình ngủ ‘ngon’, vừa hấp háy mắt nhìn qua vành đĩa theo dõi cái cách ông cố vấn cung đình chống nắm tay khổng lồ xuống mặt chiếc bàn kê giữa phòng và đưa cặp mắt ốc nhồi kiểm tra biểu đồ nhiệt độ của chàng để ở đó, rồi cất tiếng lần nữa chào tạm biệt những người thăm viếng lúc họ ào ào rút lui, lúc đi cũng vội vàng như khi tới. Rồi chàng châm một điếu xì gà và đã thấy Joachim trở về sau chuyến dạo chơi đầu tiên buổi sáng, ngạc nhiên vì gần như chưa kịp nhận ra sự vắng mặt của người anh. Rồi họ lại tán dóc vài câu, và khoảng thời gian giữa hai bữa điểm tâm - lúc ấy Joachim nằm nghỉ ngoài ban công - ngắn ngủi đến nỗi một kẻ đần độn đầu óc rỗng tuếch cũng không kịp buồn chán, nữa là Hans Castorp, lòng còn ngổn ngang những ấn tượng của ba tuần đầu trên này, cộng thêm mối bận tâm về tình trạng hiện nay và câu hỏi về tương lai chưa lời đáp, đến nỗi chàng hầu như không có thời gian động tới hai cuốn họa báo dày cộp mượn của thư viện an dưỡng đường nằm lăn lóc trên bàn ngủ.
Cuộc dạo chơi thứ hai của Joachim, như mọi khi chàng làm một vòng xuống Phố Davos, cũng cùng chung số phận ngắn ngủi ấy, chỉ vỏn vẹn một giờ đồng hồ. Sau đó chàng lại ghé vào hỏi thăm Hans Castorp và kể cho em nghe chuyện này chuyện kia mà chàng gặp trong khi đi dạo, đứng hay ngồi một lát bên giường người bệnh trước khi về phòng thực hiện cữ nghỉ trưa - bao lâu kia chứ? Lại chỉ vỏn vẹn một giờ đồng hồ! Người bệnh vừa mới kịp chắp hai tay sau gáy, ngước mắt nhìn trần nhà vẩn vơ theo đuổi một ý nghĩ chưa được bao lâu thì đã lại nghe ngân nga tiếng cồng báo hiệu giờ ăn, giục những bệnh nhân không liệt giường hay hấp hối sửa soạn xuống dùng bữa.
Joachim xuống phòng ăn, và “súp trưa” được bưng lên cho Hans Castorp: một cái tên chung gây ra cho người ta một ấn tượng sai hoàn toàn! Vì Hans Castorp không phải theo chế độ ăn kiêng của bệnh nhân nặng - tại sao chàng lại phải ăn cháo và súp kia chứ? Tình trạng sức khỏe của chàng không bắt buộc phải ăn kiêng hay ăn nhẹ. Chàng nằm đo giường thật đấy, nhưng vẫn trả đầy đủ viện phí, và vì vậy trong khoảnh khắc ngưng đọng vĩnh cửu này người ta bưng lên cho chàng chẳng phải món “súp trưa” gì cả, mà là một bữa ăn đầy đủ sáu món chính theo lệ thường của ‘Sơn trang’, với đồ ăn kèm và món tráng miệng không bị bớt giảm chút nào - chế độ ăn ngày thường đã quá thịnh soạn, ngày chủ nhật đúng là một bữa tiệc thực sự, đáp ứng đầy đủ cả nhu cầu ẩm thực lẫn nhu cầu thẩm mỹ, do ông bếp trưởng được đào tạo chính quy theo trường phái Âu châu trổ hết tài nấu nướng trong bếp cái nhà hàng sang trọng của an dưỡng đường. Cô tiểu nữ lãnh trách nhiệm phục vụ bệnh nhân liệt giường bày ra la liệt các món ăn đựng trong thố đậy nắp mạ kền sáng loáng; cô ta đẩy chiếc bàn ăn bệnh viện, một phát minh tuyệt vời có cơ cấu cân bằng trên một chân, xoay ngang phía trên giường ngay trước mặt người bệnh, và Hans Castorp chĩnh chện ngồi thưởng thức cao lương mỹ vị như con trai bác phó may trong câu chuyện cổ về chiếc bàn thần tự hiện lên các món ăn.
Chàng chưa kịp kết thúc bữa ăn Joachim đã quay trở lại, cho đến khi người anh về nằm nghỉ bên phía ban công mình và cái yên tĩnh buổi trưa như bức màn lặng lẽ trùm xuống ‘Sơn trang’ thì đã gần hai rưỡi. Không hẳn đã đúng boong hai rưỡi, có lẽ thế; rạch ròi mà nói có thể mới hai giờ mười lăm. Nhưng một phần tư giờ đồng hồ lẻ loi thường không được tính mà bị gộp luôn vào nửa giờ, bị biển thủ đi do thói quen rộng rãi về thời gian, chẳng hạn như lúc đi đường, đã mất nhiều giờ đồng hồ ngồi trên tàu hay chờ đợi dưới sân ga thì mươi mười lăm phút nào có nhằm nhò gì. Hai giờ mười lăm - có thể làm tròn thành hai rưỡi; và vì rưỡi quá lẻ loi nên nhân danh Chúa có thể làm tròn luôn thành ba giờ cho gọn. Ba chục phút đồng hồ chỉ là bước đệm giữa ba giờ và bốn giờ, trong thâm tâm không ai để ý tới: có những lúc người ta hào phóng một cách đáng sợ về thời gian. Và như thế thời gian nằm nghỉ trưa, cữ điều dưỡng quan trọng nhất trong ngày, rốt cuộc có thể gói gọn lại vỏn vẹn một tiếng đồng hồ, mà về cuối còn bị cắt xén, bị gián đoạn và lược bớt. Thủ phạm là bác sĩ Krokowski.
Thật vậy, trong giờ thăm bệnh độc lập của mình mỗi buổi chiều bác sĩ Krokowski không còn đi vòng tránh phòng Hans Castorp nữa. Chàng đã được người ta đếm xỉa đến, không còn bị coi là một quãng cách hay là chỗ vấp, giờ đây chàng là bệnh nhân, chàng được người ta quan tâm chăm sóc, không còn bị bỏ rơi chẳng ai đoái hoài như chàng vẫn ngấm ngầm bực tức bấy lâu nay - chỉ là một chút hậm hực thôi, nhưng ngày nào nó cũng nhói lên vào giờ này, lúc ông bác sĩ trợ lý đi thăm bệnh. Vậy là chiều hôm ấy, thứ hai, bác sĩ Krokowski hiện ra lần đầu tiên trong phòng chàng - chúng tôi dùng từ “hiện ra”, vì đó là từ chính xác nhất để diễn tả ấn tượng bất ngờ, có thể gọi là thất kinh của Hans Castorp lúc nhìn thấy ông ta. Chàng vừa thiêm thiếp trong giấc ngủ chập chờn khoảng nửa giờ hay một phần tư giờ thì giật thót mình nhận ra ông bác sĩ trợ lý đã đứng sừng sững trong phòng, không đi đằng cửa chính mà như xuyên tường từ ngoài vào. Bởi ông ta không theo hành lang rồi từ đó vào các phòng bệnh, mà có thói quen đi dọc ban công phía ngoài và xông thẳng qua cánh cửa sau lúc nào cũng để ngỏ vào trong phòng, nên người bệnh bất giác có cảm tưởng ông ta hiện ra từ trong không khí. Thình lình chàng thấy ông ta đã đứng sát bên giường mình, trắng xanh trong bộ đồ đen tuyền, vai u thịt bắp, hiện thân của dấu ngắt thời gian, hàm râu tẽ ra để lộ những chiếc răng vàng trong nụ cười rộng mở đầy cương nghị.
“Ông có vẻ ngạc nhiên lắm khi nhìn thấy tôi, ông Castorp”, Krokowski cất giọng nam trung hơi ề à, với lối phát âm chữ r rất kỳ quái, không rung mà chỉ tróc lưỡi một cái như gõ vào vòm họng, “đúng ra tôi chỉ thực hiện nhiệm vụ cao quý của người thầy thuốc là tới chăm sóc sức khỏe cho ông thôi. Quan hệ giữa ông và chúng tôi đã bước sang một giai đoạn mới, từ một vị khách ông đã trở thành đồng đội…” (Hai tiếng “đồng đội” làm Hans Castorp bất giác rùng mình.) “Ai mà ngờ được!” Bác sĩ Krokowski đổi sang giọng đồng đội thân mật… “Ai mà ngờ được có ngày hôm nay, cứ nhớ buổi tối ông vừa mới tới, tôi có cái hân hạnh được làm quen với ông và ông cải chính sự nhầm lẫn của tôi - nhầm lẫn ở thời điểm ấy - và bảo rằng ông hoàn toàn mạnh khỏe. Tôi còn nhớ, lúc ấy tôi có tỏ ý nghi ngờ, nhưng, xin đảm bảo với ông, không phải tôi nghi ngờ lời ông nói! Tôi không muốn làm ra vẻ ta đây có con mắt tinh đời như một số đồng nghiệp khác, lúc ấy tôi không hề nghĩ tới một vết nám, tôi chỉ ngỏ ý một cách khái quát như vậy thôi, nói một cách triết lý thì ‘con người’ và ‘hoàn toàn mạnh khỏe’ e rằng khó mà đi đôi được với nhau. Thậm chí ngay cả hôm nay, sau khi ông đã được khám và chẩn đoán, tôi vẫn bảo lưu ý kiến, khác với nhận định của cấp trên đáng kính của tôi, rằng cái vết nám kia” - và ông ta đưa đầu ngón tay chạm nhẹ vào vai Hans Castorp - “không phải là đối tượng chủ yếu phải điều trị. Theo tôi đấy chỉ là biểu hiện thứ cấp… Các triệu chứng hữu cơ đều là thứ cấp…” Hans Castorp giật thót người.
“… Và như thế chứng cảm lạnh của ông tôi cho rằng chỉ là một biểu hiện tam cấp”, bác sĩ Krokowski thản nhiên tiếp tục. “Ông thấy trong người sao rồi? Nằm yên dưỡng bệnh các triệu chứng sẽ lui nhanh thôi. Hôm nay nhiệt độ của ông thế nào?” Rồi từ đấy trở đi cuộc đột kích của ông bác sĩ trợ lý mang tính giám sát một cách thân mật đầy tinh thần đồng đội cứ thế tiếp diễn trong những ngày, những tuần kế tiếp: bác sĩ Krokowski đến vào khoảng bốn giờ kém mười lăm hay sớm hơn một chút, luôn luôn vào phòng qua lối cửa ban công, chào người bệnh nằm trên giường với nụ cười cương nghị, đặt vài câu hỏi đơn giản về sức khỏe, gợi chuyện tán dóc đôi ba câu có tính chất riêng tư, đùa giỡn một cách thân mật - và nếu như tất cả những cố gắng ấy vẫn không xóa đi được một thoáng nghi ngại lởn vởn trong đầu bệnh nhân thì lâu dần người bệnh lại đâm quen với mối nghi ngại thường trực ấy, chừng nào nó chưa vượt quá một giới hạn nhất định, và chẳng mấy chốc Hans Castorp đã không còn cảm thấy khó chịu với sự xuất hiện đều đặn của bác sĩ Krokowski, mà nghiễm nhiên coi đó là một phần của ngày dài vĩnh cửu, một dấu ngắt trong giờ điều dưỡng chính.
Đến lúc ông bác sĩ trợ lý biến mất ngoài ban công thì đã bốn giờ chiều - xế bóng rồi! Chưa kịp ngoảnh đi ngoảnh lại chiều đã gần tàn, và cứ theo đà ấy ngày trôi tuột vào đêm: sau bữa trà chiều ở dưới phòng ăn và trên phòng số 34 đã là gần năm giờ, và cho tới lúc Joachim hoàn thành vòng dạo chơi thứ ba trong ngày ghé qua thăm thì kim đồng hồ đã nhích dần tới số sáu, và cữ nằm nghỉ trước giờ ăn tối lại chỉ còn vỏn vẹn một tiếng đồng hồ - tiêu diệt đối thủ thời gian là việc dễ dàng như trở bàn tay, nhất là khi người ta có bao nhiêu ý nghĩ trong đầu và cả một chồng họa báo trên bàn.
Joachim sang chào trước khi xuống phòng ăn. Bữa tối được bưng lên. Dưới thung lũng bóng tối đã ngập tràn từ lâu, và trong khi Hans Castorp ngồi ăn nó len lén bò vào chiếm lĩnh nốt căn phòng màu trắng. Ăn xong chàng ngả người dựa lưng vào tấm chăn lông ngỗng, ánh mắt lướt qua chiếc bàn thần với những món ăn đã vợi đi chìm vào màn đêm đang buông xuống rất nhanh ngoài trời, khó mà nói được đó là màn đêm của ngày hôm nay, ngày hôm qua, một ngày trước hay tám ngày trước đó. Đã lại đêm rồi - mà mới vừa lúc nãy còn là buổi sáng. Một ngày bị chặt thành nhiều khúc và bố trí cho phong phú một cách giả tạo đã trôi tuột mất, lọt qua kẽ tay chàng chẳng để lại dấu vết gì, Hans Castorp ngẩn người ghi nhận với tâm trạng nửa kinh ngạc nửa lo âu; bởi ở độ tuổi của chàng nỗi buồn thê thiết lúc chiều buông còn là điều xa lạ. Chàng chỉ cảm thấy mình bị ám ảnh bởi một bóng hình lúc nào cũng “lởn vởn” trước mắt.
Một hôm, khoảng mười hay mười hai ngày kể từ khi Hans Castorp liệt giường theo chỉ định, bỗng có tiếng gõ cửa phòng chàng vào cái giờ nhá nhem này - tức là trước khi Joachim quay lên sau khi kết thúc bữa tối và tham gia giao lưu dưới phòng giải trí. Sau tiếng “mời vào” ngập ngừng của Hans Castorp bỗng Settembrini hiện ra trên ngưỡng cửa, và thình lình trong phòng vụt sáng trưng. Vì động tác đầu tiên của ông khách, trước khi khép cánh cửa lại sau lưng mình, là bật ngọn đèn trên trần, và ánh điện quang run rẩy dội lên trần nhà quét vôi trắng và các món đồ gỗ sơn trắng toát, phản chiếu lại mạnh hơn gấp bội dìm cả gian phòng vào một làn sáng chói chang.
Ông người Ý là bệnh nhân duy nhất ở đây được Hans Castorp nêu đích danh hỏi thăm trong những ngày này. Thực ra chẳng cần phải hỏi Joachim cũng kể hết mọi diễn biến dù là nhỏ nhất trong sinh hoạt thường nhật ở viện an dưỡng, mỗi khi chàng có dịp ghé qua đứng hay ngồi mươi mười lăm phút bên giường em họ - tức là không ít hơn chục lần một ngày - hơn nữa những câu hỏi của Hans Castorp hạn chế ở mức chung chung và không cụ thể nhắm vào một ai. Sự hiếu kỳ của người bị cách ly có vẻ như chỉ xoay quanh câu hỏi liệu có gương mặt lạ nào mới đến hoặc gương mặt quen thuộc nào ra đi; và chàng tỏ ra hài lòng khi được biết chỉ có người đến chứ không có người đi. Một ‘ma mới’ vừa nhập viện, một thanh niên còn trẻ, má hóp và xanh rớt như tàu lá, được xếp vào ngồi cùng bàn với cô Levi màu ngà voi và bà Iltis, kế bên phải bàn hai anh em. Không phải nóng ruột làm gì, rồi sẽ đến lúc Hans Castorp được diện kiến anh ta. Thế tức là không có ai xuống núi? Không, Joachim đáp cộc lốc và cụp mắt nhìn xuống. Nhưng chàng phải nghe đi nghe lại câu hỏi này, ít nhất cứ hai ngày một lần, đến nỗi cuối cùng chàng mất kiên nhẫn và phải giải thích một lần cho hết nhẽ, rằng theo chỗ chàng được biết thì không có bệnh nhân nào sắp ra viện, ở đây ra viện đâu có dễ thế.
Riêng Settembrini thì Hans Castorp nêu đích danh khi hỏi - chàng muốn biết ông ta “nói gì về chuyện này”. Về chuyện gì? “Thì, về chuyện tớ phải đo giường và có lẽ cũng bị lao.” Hóa ra Settembrini có bày tỏ ý kiến về chuyện này thật, mặc dù chỉ rất cụt lủn thôi. Ngay ngày đầu tiên vắng bóng Hans Castorp ông ta đã tìm đến Joachim để hỏi xem em họ chàng đâu, có thể thấy rõ ông ta đinh ninh Hans Castorp đã xuống núi. Nghe xong câu trả lời của Joachim ông ta chỉ thốt lên đúng hai từ tiếng Ý: đầu tiên ông ta than “Ecco” và liền sau đó “Poveretto”, có thể dịch ra tiếng Đức là “thôi rồi” và “cậu bé tội nghiệp” - người ta không cần giỏi tiếng Ý hơn hai chàng trai trẻ của chúng ta mới hiểu được ý nghĩa hai từ này. “Tại sao lại ‘poveretto’?” Hans Castorp cự lại. “Ông ấy cũng ngồi chết dí trên này với cái món văn chương của ông ấy, sặc mùi nhân đạo và chính trị, nhưng chẳng mấy hữu ích cho loài người khắp hoàn cầu. Lẽ ra ông ấy không nên tỏ vẻ thương hại tớ một cách trịch thượng như thế, thể nào tớ cũng được xuống đồng bằng trước ông ấy cho mà xem.” Giờ thì ông Settembrini bằng xương bằng thịt đứng trước mặt chàng trong căn phòng rực sáng bất thình lình, Hans Castorp chống cùi chỏ nhỏm dậy trên giường nhìn ra cửa mắt hấp háy, và đỏ mặt khi nhận ra ông khách. Settembrini vẫn trong trang phục muôn thuở gồm chiếc áo khoác dày cổ bẻ, ve áo rộng đã hơi sờn, và chiếc quần kẻ ca rô. Mới từ phòng ăn ra nên môi ông ta còn ngậm một cây tăm. Dưới làn ria mép uốn cong khóe mép ông ta hơi nhếch lên trong nụ cười thâm thúy quen thuộc, vừa châm biếm vừa mẫn tiệp.
“Xin chào, ông kỹ sư! Tôi có được phép vào thăm hỏi tình hình sức khỏe ông không đây? Nếu có, thì ánh sáng là thứ không thể thiếu - xin ông thứ lỗi cho thói tự tiện của tôi!” Ông ta vừa nói vừa khoát tay chỉ lên phía trần nhà. “Ông đang trầm tư mặc tưởng, thực lòng tôi không có ý định quấy rối. Ở vào hoàn cảnh của ông băn khoăn suy nghĩ là điều có thể hiểu được, và để chuyện gẫu thì ông đã có ông anh họ rồi. Ông thấy đấy, tôi biết rõ sự hiện diện của mình dư thừa tới mức độ nào. Tuy nhiên, ở đây người ta sống trong một môi trường chật hẹp đến nỗi giữa người với người tất yếu phải nảy sinh một mối thông cảm nhất định, thông cảm về tinh thần, thông cảm về nội tâm… Đã hơn một tuần nay không thấy bóng dáng ông, nhìn chỗ ngồi bỏ trống trong trai phòng dưới kia thực tình tôi cứ tưởng ông đã lên đường trở về nhà rồi kia chứ. Ông thiếu úy đã tiết lộ cho tôi hay sự thật, một sự thật đáng buồn, nếu ông không cho cách nói ấy là quá bất lịch sự… Tóm lại, sức khỏe ông ra sao rồi? Ngày ngày ông làm gì? Ông thấy trong người thế nào? Hy vọng không đến nỗi bi quan quá chứ?”
“Ông đấy ư, ông Settembrini! Ông đến thăm tôi thế này thật tử tế quá. Ha ha, ‘trai phòng’? Ông lại nói đùa rồi. Mời ông ngồi xuống ghế ạ. Không đâu, ông không quấy rầy tôi một chút nào. Tôi chỉ nằm nghĩ ngợi vẩn vơ thôi - thực ra chẳng có gì quan trọng cả. Tôi lười đến mức chẳng buồn bật đèn lên nữa. Cảm ơn ông, tôi thấy người khỏe lại gần như bình thường rồi. Nhờ nằm nghỉ bệnh cúm của tôi đã hơi lui lui, nhưng theo chỗ tôi được biết thì đấy chỉ là biểu hiện thứ yếu mà thôi. Thân nhiệt tôi trong những ngày này vẫn còn cao, lúc 37 độ 5, lúc 37 độ 7, chẳng có gì thay đổi cả.”
“Ông đo nhiệt độ thường xuyên?”
“Vâng, sáu lần một ngày, như tất cả những người ở trên này. Ha ha, xin lỗi ông, nhưng tôi vẫn còn thấy tức cười về chuyện ông gọi phòng ăn của chúng ta là ‘trai phòng’. Người ta chỉ nói thế trong tu viện thôi, phải không nhỉ? Mà ở đây cũng giống nhà dòng thật - tôi chưa bao giờ vào một tu viện, nhưng tôi vẫn hình dung ra nó tương tự thế này. Và tôi cũng phải để ý giữ đúng các ‘giới luật’, về mặt này tôi nghiêm túc lắm.”
“Như một chủng sinh gương mẫu. Người ta có thể bảo rằng, thời gian thử thách của ông đã hết, ông đã được phát nguyện. Xin có lời chúc mừng ông. Ông cũng đã dùng từ ‘phòng ăn của chúng ta’ rồi. Có điều - không phải tôi muốn xúc phạm đến tư cách nam nhi của ông - nhưng theo tôi trông ông giống một ma xơ trẻ hơn là một thầy dòng, hệt như một nữ tu trong trắng ngước đôi mắt to nhẫn nhục lên thề nguyện phụng thờ Chúa Jesus. Trước kia tôi đã có dịp nhìn thấy những con cừu làm vật tế lễ như thế này, không khi nào… không khi nào không ngậm ngùi một thoáng đa sầu đa cảm. Vâng, vâng, anh họ ông đã kể cho tôi nghe tất cả rồi. Vậy là tới phút cuối cùng ông cũng đi khám.”
“Tại vì tôi bị sốt! Tôi xin ông, ông Settembrini, nếu ở dưới kia mà bị cảm nặng như vậy chắc tôi cũng phải mời bác sĩ đến khám. Ở đây chung một mái nhà với tôi có tới hai chuyên gia lành nghề, không tận dụng thì thật uổng…”
“Hiểu rồi, hiểu rồi. Thế ra ông cặp sốt trước cả khi người ta chỉ thị. Cũng có thể bảo rằng người ta đã khuyên ông làm thế ngay từ đầu rồi. Vậy là ông đã bị mụ Mylendonk ép mua một cái nhiệt kế?”
“Sao lại gọi là ép? Vì có nhu cầu nên tôi đã mua của bà ta một cái.”
“Tôi hiểu rồi. Tức là thuận mua vừa bán. Vậy chứ vị chúa tể ở đây bắt ông bóc lịch bao nhiêu tháng?… Ôi lạy Chúa, câu này tôi đã hỏi ông một lần rồi! Ông còn nhớ không? Ông vừa mới chân ướt chân ráo lên tới nơi. Khi ấy ông đã trả lời rất kiêu…”
“Tất nhiên tôi còn nhớ chứ, ông Settembrini. Từ bấy đến nay tôi đã biết thêm nhiều điều, nhưng cuộc nói chuyện ấy thì tôi còn nhớ rõ như mới diễn ra ngày hôm nay. Lúc ấy ông đã rất hài hước mà mệnh danh ông cố vấn cung đình Behrens là phán quan cai quản địa ngục… Radames[97]… Không, gượm đã, ông gọi ông ta bằng một cái tên khác…”
“Rhadamanthys? Rất có thể đã có lúc tôi tình cờ gán cho ông ta cái tên ấy. Tôi không nhớ hết được những ngẫu hứng bất ngờ nảy ra trong đầu mình.”
“Đúng rồi, Rhadamanthys! Minos và Rhadamanthys! Lúc bấy giờ ông còn nói về Carducci nữa…”
“Xin ông thứ lỗi, ông kỹ sư, nhưng chúng ta đừng kéo người thầy cao cả của tôi vào đây. Trong lúc này nhắc đến tên ông cụ thật không thích hợp!”
“Cũng được”, Hans Castorp bật cười. “Tôi chỉ muốn nói rằng nhờ ông tôi đã học được nhiều điều về ông ấy. Vâng, khi ấy tôi thật là điếc không sợ súng và đã trả lời ông rằng tôi định ở ba tuần mà chẳng nghĩ ngợi gì cả. Nhưng cũng tại tôi vừa mới bị cô Kleefeld thổi pneumothorax chào mừng, nên đầu óc có hơi bối rối. Có điều ngay từ hồi ấy tôi đã cảm thấy người ngây ngấy sốt rồi, ông biết không, vì không khí ở đây không chỉ có lợi cho việc chữa bệnh mà còn có lợi cho bản thân bệnh tật nữa, đôi khi chính nó làm cho bệnh tật bộc phát ra, nhưng xét cho cùng đấy lại là điều cần thiết để có thể chữa trị bệnh.”
“Một giả thuyết rất hấp dẫn. Thế ông cố vấn cung đình Behrens đã kể cho ông nghe về người đàn bà Nga gốc Đức ở đây với chúng tôi năm tháng hồi năm ngoái - không, năm kia thì đúng hơn - chưa? Chưa à? Lẽ ra ông ta nên kể. Đấy là một phụ nữ rất khả ái, người Nga nhưng gốc gác Đức, đã là vợ và là mẹ mặc dù còn trẻ. Bà ta đến từ miền đất phía Đông, xanh xao, thiếu máu, nổi hạch bạch huyết, có vẻ khá nghiêm trọng. Vậy là bà ta nằm viện một tháng ở đây và than rằng càng ngày càng yếu. Phải kiên nhẫn chứ! Hai tháng trôi qua, và bà ta chẳng những không cảm thấy khá lên mà còn tệ đi. Bà ta được huấn thị rằng, chỉ có bác sĩ mới đủ năng lực đánh giá tình hình sức khỏe của bà ta; bà ta có thể cảm thấy thế này hay thế khác - nhưng đó hoàn toàn là cảm nhận chủ quan và ít khi đúng với thực trạng. Phổi bà ta không có vấn đề gì. Thế là bà ta đành ngậm miệng thực hiện lịch điều dưỡng và tuần nào đi cân cũng thấy sụt ký. Đến tháng thứ tư thì bà ta té xỉu trong khi kiểm tra sức khỏe. Không sao hết, Behrens bảo, ông ta rất hài lòng với lá phổi của bà ta. Nhưng đến tháng thứ năm, khi không còn đi lại được nữa, bà ta bèn viết thư thông báo tình hình cho ông chồng ở miền Đông, và Behrens nhận được một lá thư của ông ta - trên phong bì đề ‘xin trao tận tay’ và ‘thư khẩn’ bằng nét chữ rất rắn rỏi, tôi được thấy tận mắt. Phải, giờ thì Behrens nhún vai thú nhận, có vẻ như thể trạng bà không hợp với khí hậu ở trên này. Người đàn bà ấy tức đến phát khóc. Lẽ ra ông phải nói cho tôi biết từ sớm chứ, bà ta thét lên, rõ ràng lúc nào tôi cũng cảm thấy người như phải gió, khó chịu vô cùng!… Hy vọng bà ấy đã mạnh khỏe trở lại bên ông chồng ở miền Đông.”
“Tuyệt! Ông kể chuyện hay quá, ông Settembrini, mỗi từ của ông đều giàu hình tượng. Cả câu chuyện về cô tiểu thư tắm nước lạnh ngoài hồ nữa, cái cô mà người ta bắt dùng cây nhiệt kế câm ấy, thỉnh thoảng nghĩ lại tôi vẫn phải bật cười. Vâng, thật không biết thế nào được. Không thể nào học hết được. Trường hợp của tôi vẫn chưa có gì là rõ ràng. Ông cố vấn cung đình cho rằng phát hiện được vài trục trặc nho nhỏ - một vài chỗ cũ trước kia nhiễm bệnh mà tôi chẳng hề biết tới, nhưng chính bản thân tôi cũng nghe ra lúc ông ta gõ vào đấy, và cả một vị trí còn tươi rói ở đâu đó - ha, gọi là ‘tươi rói’ ở đây cũng có vẻ không thích hợp. Nhưng cho tới giờ tất cả những điều đó chỉ là chẩn đoán qua nghe ngóng lúc khám mà thôi, kết quả chắc chắn thì lúc nào tôi được ra khỏi giường đi chiếu quang tuyến và chụp hình phổi mới có. Lúc đó chúng ta mới rõ.”
“Ông nghĩ thế ư? Ông có biết rằng trên tấm hình chụp quang tuyến thường hiện lên những vết đen mà người ta tưởng là ổ lao, kỳ thực chỉ là bóng bộ phận nào đó trong lồng ngực, và ở những chỗ có vấn đề thì đôi khi lại không nhìn thấy vết? Lạy Đức Mẹ, chiếu điện ấy ư! Ở đây hồi trước có một gã chuyên sưu tầm tiền đúc bị sốt; và vì y sốt nên người ta nhìn thấy rõ ràng những ổ lao trên hình chụp quang tuyến. Thậm chí người ta còn nghe thấy khi gõ ngực nữa! Y được điều trị rất bài bản chống lao phổi, và lăn ra chết. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy phổi y chẳng làm sao cả, y chết vì một loại khuẩn cầu.”
“Ơ kìa, ông Settembrini, chưa chi ông đã nói đến khám nghiệm tử thi! Hy vọng tôi chưa đến mức bị khám như vậy.”
“Ông kỹ sư, ông đánh trống lảng khéo lắm.”
“Còn ông thì lúc nào cũng tìm thấy cái gì để phê phán và nghi vấn! Đến những chứng cớ khoa học rành rành ông cũng chẳng chịu tin. Thế trên hình chụp của ông có vết đen không?”
“Có vài vết.”
“Vậy ra ông có bệnh thật ư?”
“Vâng, rất tiếc là tôi thực sự có bệnh”, ông Settembrini trả lời và gục đầu xuống. Sau đó là một khoảnh khắc yên lặng, trong phòng chỉ có tiếng ông ta khẽ tằng hắng vài lần. Hans Castorp nằm dài trên giường bệnh giương mắt nhìn ông khách bị dồn vào thế bí. Có vẻ như hai câu hỏi rất đơn giản của chàng đã làm ông ta cứng họng, thậm chí cả nền cộng hòa và phong cách đẹp cũng chẳng giúp được gì. Về phần mình chàng nhất quyết không lên tiếng nối lại câu chuyện.
Lát sau ông Settembrini mỉm cười ngẩng đầu lên.
“Ông kỹ sư”, ông ta bảo, “thân nhân của ông đón nhận tin này như thế nào?”
“Tin nào, thưa ông? Rằng tôi chưa thể lên đường về nhà được? Chà, thân nhân, ông biết không, tất cả thân nhân của tôi ở nhà chỉ gồm ông trẻ tôi và hai người cậu, con của ông trẻ, mà tôi coi gần như hai người anh lớn. Ngoài ra tôi không còn ai nữa, tôi mồ côi cả cha lẫn mẹ từ rất sớm. Phản ứng của họ ư? Thực ra họ chẳng biết gì nhiều, không hơn gì tôi. Dạo đầu, lúc tôi mới bị bắt nằm yên một chỗ, tôi có viết thư báo rằng tôi bị cảm nặng nên chưa về được. Và hôm qua, khi có vẻ như sự thể còn kéo dài, tôi đã viết thêm lá thư nữa nói rằng ông cố vấn cung đình Behrens khi khám bệnh cho tôi đã lưu ý tới tình trạng lá phổi, và yêu cầu tôi ở lại lâu hơn để làm sáng tỏ tình trạng này. Thông tin với liều lượng ấy không làm họ mất bình tĩnh đâu.”
“Còn chỗ làm của ông? Ông có nói về một lãnh vực hoạt động nghề nghiệp mà ông dự tính bắt đầu.”
“Vâng, một chỗ thực tập. Tôi đã nhờ họ báo với xưởng đóng tàu là tôi không bắt đầu đúng hẹn được. Ông không nên nghĩ rằng họ cuống lên vì thiếu tôi. Không có kỹ sư thực tập hãng của họ vẫn sản xuất được như thường.”
“Tốt lắm! Vậy là về mặt này có thể yên tâm được. Thật đúng là sớm không mừng trưa không vội, đủng đỉnh như cọp ăn no. Ở dưới chỗ ông người ta lúc nào cũng điềm nhiên như vậy, phải không? Nhưng nghe nói họ cũng cương quyết lắm!”
“Vâng, đúng thế, cương quyết lắm”, Hans Castorp phụ họa. Ngồi đây kiểm nghiệm lại cuộc sống bon chen chốn quê nhà chàng kinh ngạc nhận ra người đối thoại với mình có lý. “Điềm nhiên và cương quyết, ông miêu tả rất đúng con người ở xứ tôi.”
“Vậy thì”, ông Settembrini tiếp tục, “nếu ông còn ở lại đây lâu dài, chúng tôi ở trên này hẳn sẽ có cơ hội làm quen với thân nhân ông - ý tôi muốn nói tới người ông. Thế nào ông ấy cũng phải lên đây thăm ông chứ.”
“Không đâu!” Hans Castorp kêu lên. “Không đời nào! Mười con ngựa cũng không kéo nổi ông ấy lên đây! Ông trẻ tôi có nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, ông biết không, ông ấy mập đến nỗi cổ rụt lại gần như không thấy. Ông ấy cần một áp suất khí quyển hợp lý, đối với ông ấy bầu không khí trên này còn nguy hại hơn đối với người đàn bà ở miền Đông trong câu chuyện của ông nhiều. Lên đây sợ ông ấy bị đột quỵ mất.”
“Tiếc quá. Vậy ra ông ta dễ đột quỵ. Thế là điềm nhiên và cương quyết cũng không giúp tôi gặp được ông ta. Ông trẻ ông chắc là giàu? Cả ông chắc cũng giàu. Ở xứ ông người ta giàu lắm.”
Hans Castorp mỉm cười trước lý lẽ quy đồng tất cả một cách rất thiếu thực tế của ông văn sĩ. Chàng lại từ tư thế nằm trên giường bệnh ngước mắt mơ màng dõi ra xa, về phía quê nhà, nơi không còn ràng buộc nổi chàng. Chàng nhớ lại cuộc sống ở đó, thử đánh giá một cách không thiên vị, và khoảng cách không gian cho chàng cảm giác độc lập để có những nhận xét khách quan. Chàng trả lời:
“Có người giàu, vâng, nhưng mà cũng có người không giàu. Nếu không giàu thì khó sống hơn nhiều. Tôi ư? Tôi không phải là triệu phú, nhưng cũng không đến nỗi trắng tay, tôi có đủ để tạo lập một cuộc sống không phụ thuộc vào ai. Nhưng thôi ta đừng nói về cá nhân tôi. Nếu như lúc nãy ông bảo rằng: ở nơi ấy người ta phải giàu - tôi có thể đồng ý với ông. Vì giả sử như người ta không giàu, hoặc không còn giàu nữa - thì hỡi ôi! ‘Tay ấy hả? Y còn tiền không?’ Người ta sẽ hỏi… Chính xác từng lời như thế và cũng với vẻ mặt ấy; tôi đã chứng kiến nhiều lần rồi, và những điều ấy đã in dấu vào tôi. Thế tức là những điều ấy phải đặc biệt lắm đối với tôi, mặc dù vẫn diễn ra mỗi ngày - nếu không nó đã chẳng in đậm vào tâm khảm tôi đến thế. Ý ông thế nào ạ? Không, tôi không tin rằng một người nhân đạo như ông có được tiếng nói ở xứ tôi; là người xuất thân trong cái lò đó ra tôi vẫn thường cảm thấy chướng tai gai mắt, mặc dù bản thân tôi không phải chịu thiệt thòi. Ai không mua nổi loại rượu ngon nhất, đắt nhất cho bữa tối thì sẽ không mời nổi khách tới chơi, và con gái nhà ấy sẽ không gả chồng được. Như vậy đấy. Bây giờ nằm đây xem xét từ xa tôi thấy cách cư xử của họ thật quá quắt. Ông đã miêu tả họ như thế nào nhỉ - điềm nhiên và? Và cương quyết! Hay lắm, nhưng thế có nghĩa là gì? Đơn giản là lạnh lùng, cứng rắn. Vậy thì lạnh lùng và cứng rắn nghĩa là gì? Là dã man. Bầu không khí ở dưới kia rất dã man, không khoan nhượng. Từ xa quan sát thế này người ta phải rùng mình ghê sợ.”
Settembrini chăm chú nghe, đầu gật gật. Ông ta vẫn tiếp tục gật đầu ngay cả khi Hans Castorp đã phê phán cạn lời và nằm im. Rồi ông ta hít vào một hơi dài và nói:
“Tôi không có ý định tô vẽ cho đẹp thêm lên cái hiện tượng đặc biệt thể hiện tính dã man của đời sống con người trong xã hội ông. Chỉ có điều, kết tội đời sống là dã man, đó là một biểu hiện đa sầu đa cảm. Khi còn ở trong xã hội ấy chắc hẳn ông chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện phản kháng, vì sợ trở thành lố bịch. Ông rất đúng khi để mặc trách nhiệm ấy cho những kẻ đại lãn đòi gánh vác việc quốc gia. Còn bây giờ ông lên tiếng chỉ trích, đó là một dấu hiệu biến đổi nội tâm đáng ngại mà tôi không muốn thấy, vì ai đã nhiễm thói quen chỉ trích môi trường sinh trưởng của mình, nơi chôn rau cắt rốn, thì sẽ mất gốc lúc nào không hay. Ông kỹ sư, ông có biết thế nào là ‘mất gốc’ không? Tôi, tôi biết rõ điều đó, ở đây tôi nhìn thấy những cảnh ấy mỗi ngày. Chỉ cần nửa năm ở trên này là trong đầu con người trẻ tuổi kia (mà gần như tất cả những người lên đây đều trẻ tuổi) không còn ý nghĩ nào khác ngoài chuyện trai gái và đo nhiệt độ. Và muộn nhất là sau một năm anh ta sẽ không thể nào thông cảm được với những người khác mình, đối với anh ta bất kỳ người nào khác cũng ‘dã man’, hay nói đúng hơn là đầy lỗi lầm và không hiểu biết gì cả. Ông thích nghe chuyện phải không, tôi có thể chiều ý ông. Tôi có thể kể cho ông nghe câu chuyện về một người con trai, một người chồng đã ở mười một tháng trên này, tôi có quen biết anh ta. Anh ta chỉ lớn tuổi hơn ông chút ít, phải rồi, hơn một vài tuổi gì đó. Người ta cho anh ta ra viện thử một thời gian, vì bệnh đã thuyên giảm, anh ta trở về nhà trong vòng tay mong đợi của những người thân; không phải ông hay cậu, mà là mẹ và vợ. Cả ngày anh ta nằm dài ngậm cây nhiệt kế trong miệng và không chịu làm gì khác. ‘Các người chẳng hiểu gì cả’, anh ta bảo. ‘Phải ở trên ấy mới biết thế nào là đúng. Ở dưới này thiếu mất các khái niệm cơ bản.’ Sự thể kết thúc ở chỗ mẹ anh ta mất hết kiên nhẫn phải quát lên: ‘Mày lên trên ấy mà ở. Tao chẳng biết làm gì với mày nữa.’ Và anh ta lại trở lên trên này. Anh ta quay về ‘cố hương’ - chắc ông cũng biết, những người đã sống ở đây gọi nơi này là ‘cố hương’. Người vợ trẻ đã trở nên hoàn toàn xa lạ với anh ta, cô ấy thiếu ‘các khái niệm cơ bản’, và tới nước này cô ấy cũng đành chào thua. Cô biết rằng ở ‘cố hương’ anh ta sẽ tìm được một người đồng cảnh ngộ chia sẻ ‘các khái niệm cơ bản’ với mình và sẽ ở luôn lại đó không xuống đồng bằng nữa.”
Hans Castorp lơ đãng chỉ nghe có nửa tai. Chàng vẫn nhìn vào không gian sáng trưng trong gian phòng trắng như nhìn về chốn xa xôi. Lát sau chàng cất tiếng cười hơi muộn màng và bảo:
“Anh ta gọi đây là cố hương? Quả thực có phần đa sầu đa cảm, đúng như ông nói. Vâng, ông biết vô số chuyện để kể. Nãy giờ tôi mải nghĩ tới những điều chúng ta vừa trao đổi về sự cứng rắn và dã man, trong những ngày ở trên này tôi đã nghiền ngẫm khá nhiều. Như ông thấy đấy, người ta phải mặt dày mày dạn thế nào mới có thể đương nhiên chấp nhận cái cách suy nghĩ của người dưới đồng bằng với những câu hỏi kiểu như ‘Y còn tiền không?’ và vẻ mặt của họ khi hỏi. Tôi chưa bao giờ coi đó là sự đương nhiên, mặc dù tôi chẳng phải là người nhân văn gì cả, nhưng sau đó bao giờ tôi cũng cảm thấy thái độ ấy chướng tai gai mắt lắm. Cũng có thể tôi không chấp nhận điều đó vì nhận thức của tôi gắn liền với tiền sử bệnh tật mà trước kia tôi chưa biết - những chỗ sẹo cũ tự tôi nghe thấy tiếng gõ khác, và Behrens tin rằng ông ta tìm thấy một vết mới trong phổi tôi. Điều đó có làm tôi bất ngờ, nhưng trong thâm tâm tôi không lấy làm lạ. Chưa bao giờ tôi thấy mình có sức khỏe dồi dào; và cả cha mẹ tôi đều mất sớm - từ khi còn nhỏ tôi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, ông biết không…”
Ông Settembrini dùng cả đầu, vai và hai tay đưa lên trong một điệu bộ thể hiện vô cùng sinh động và hài hước câu hỏi ‘Vâng? Rồi sao?’
“Ông là nhà văn”, Hans Castorp tiếp tục, “là một văn sĩ, chắc chắn ông phải hiểu và công nhận rằng ở vào hoàn cảnh ấy người ta không thể nhẫn tâm đến độ coi thái độ dã man của người đời là chuyện đương nhiên - ý tôi muốn nói những người tầm thường ấy, ông biết không, những kẻ phàm phu tục tử chỉ biết nhởn nhơ, cười cợt, kiếm tiền và ních cho căng bụng… Tôi không biết mình diễn tả có đúng không…”
Settembrini nghiêng người cúi chào. “Ông muốn nói rằng”, ông ta giải thích, “rằng sự tiếp cận nhiều lần từ rất sớm với cái chết đã hình thành ở ông một tính cách cơ bản chống lại những gì tàn nhẫn và thô bạo của đời thường, có thể nói rằng: khiến ông phản ứng với sự nhẫn tâm trong đời.”
“Đúng thế!” Hans Castorp reo lên, vui mừng thực sự. “Cách diễn đạt của ông thật là hoàn hảo, ông Settembrini! Với cái chết! Tôi biết mà, một văn sĩ như ông…”
Settembrini đưa tay ra dấu cản lại, đầu nghiêng qua một bên, mắt nhắm nghiền - cử chỉ hết sức nhã nhặn và từ tốn, như xin người đối thoại dừng lời để nghe tiếp. Ông ta giữ nguyên tư thế ấy vài giây, ngay cả khi Hans Castorp đã im bặt, tẽn tò ngồi đợi. Cuối cùng ông ta mới mở mắt ra - đôi mắt đen huyền của người quay đàn thùng ở chợ phiên - và nói:
“Xin ông thứ lỗi. Ông kỹ sư, xin ông cho phép tôi nói để ông được rõ và mong ông ghi lòng tạc dạ điều này. Đối với cái chết chỉ có một thái độ duy nhất tỏ ra lành mạnh, cao cả và thành kính - tôi xin nhấn mạnh thêm ở điểm thứ ba này - đó là, phải thấu hiểu và cảm nhận được rằng cái chết là một yếu tố, một bộ phận, một tiền đề thiêng liêng của cuộc sống, chứ không được phép tách rời trong tư tưởng để phân biệt giữa cái chết và sự sống, thậm chí đi đến chỗ coi chúng trái nghịch nhau - làm như vậy là trái ngược hoàn toàn với thái độ lành mạnh, cao cả, đúng đắn và thành kính. Người cổ đại trang trí quan tài người chết bằng những biểu tượng của sự sống và sự sinh sản, kể cả những biểu tượng nhục dục. Con người thời ấy biết tôn thờ cái chết. Cái chết được tôn thờ như vành nôi của sự sống, như cội nguồi của sự tái sinh. Tách rời ra khỏi sự sống cái chết sẽ chỉ còn là ma quỷ và những gì đáng sợ hơn thế nữa. Bởi cái chết nếu được nâng lên thành một sức mạnh tinh thần thì đó sẽ là một sức mạnh tráo trở khó lường, và sự cám dỗ ma quỷ của nó chắc chắn sẽ dẫn đến những sai lầm kinh khủng nhất cho đời sống tinh thần của nhân loại.”
Đến đây ông Settembrini ngừng lời. Ông ta dừng lại đúng lúc cao trào và kết thúc bài giảng một cách quả quyết, giọng ông ta rất nghiêm trang chứ không mảy may mang vẻ tâm tình, không để cho người đối thoại có cơ hội tiếp tục câu chuyện hay lên tiếng phản đối; tới cuối bài diễn thuyết ông ta hạ thấp giọng như đặt một dấu chấm dứt điểm cho câu chuyện. Sau đó ông ta ngồi im lặng, tay thu trong lòng, đôi chân mặc quần kẻ ca rô bắt tréo chữ ngũ, mắt chăm chăm nhìn xuống mũi bàn chân lơ lửng khe khẽ đung đưa trong không khí.
Cả Hans Castorp cũng làm thinh. Quây tròn trong tấm chăn lông ngỗng, chàng ngồi quay mặt vào tường, ngón tay nhịp nhịp xuống giường. Chàng cảm thấy mình bị người ta lên mặt dạy khôn, bị rèn giũa tơi bời, bị mắng mỏ thậm tệ, và bày tỏ sự bất mãn của mình bằng thái độ im lặng hờn dỗi rất trẻ con. Khoảng gián đoạn nặng nề này kéo dài khá lâu.
Cuối cùng ông Settembrini ngẩng đầu lên vừa mỉm cười vừa nói: “Ông kỹ sư, chắc ông còn nhớ đã có lần chúng ta tranh luận về một vấn đề tương tự - thậm chí có thể bảo rằng về cùng một vấn đề như ngày hôm nay? Khi ấy - tôi nhớ là trong một cuộc dạo chơi - chúng ta đã bàn luận về bệnh tật và sự ngu dốt mà kết hợp của nó ông cho là mâu thuẫn, dựa trên cơ sở tôn trọng bệnh tật. Tôi gọi sự tôn trọng này là một cơn bốc đồng tai hại làm mất giá trị tinh thần của con người, và tôi vui mừng nhận thấy có vẻ như ông đã không khước từ hoàn toàn mà vẫn ngấm ngầm cân nhắc ý kiến của tôi. Chúng ta cũng đã có lần nói về thái độ lưỡng lự cố giữ trung lập về tư tưởng của thế hệ trẻ, về khả năng tự do lựa chọn của họ và mong muốn thử nghiệm theo mọi hướng, và cả về chuyện không thể coi những thử nghiệm ấy là chọn lựa dứt khoát và nghiêm túc cho con đường đời sau này - hoặc là không cần phải đánh giá nó cao đến thế. Ông có bằng lòng”, và ông Settembrini mỉm cười hơi nhoài người về phía trước, hai chân chống xuống đất, hai tay kẹp giữa đầu gối, mặt hướng về phía người đối thoại, “ông có bằng lòng để từ nay về sau”, giọng ông ta trở nên khẩn khoản, “cho tôi được phép đi theo dìu dắt ông trong những thử nghiệm ấy và chỉnh đốn những lệch lạc có nguy cơ làm ông chệch đường?”
“Lẽ dĩ nhiên, ông Settembrini!” Hans Castorp vội bỏ nét mặt hờn dỗi, thôi gõ ngón tay xuống giường và lúng túng quay về phía ông khách cố làm ra vẻ vui mừng. “Ông thật tử tế không để đâu cho hết… Tôi không biết mình có xứng đáng… Tức là, trường hợp của tôi có đáng để…”
“Hoàn toàn miễn phí”, ông Settembrini đổi giọng khôi hài đứng dậy. “Ai chẳng muốn tỏ ra hào phóng.” Cả hai cùng cười. Vừa lúc ấy có tiếng lạch xạch ở cánh cửa ngoài, và không đầy một giây sau cánh cửa trong bật mở. Đấy là Joachim từ phòng giải trí sau bữa ăn tối trở về. Nhìn thấy ông người Ý chàng cũng đỏ mặt giống như Hans Castorp lúc trước: làn da rám nắng của chàng sậm thêm một chút.
“Ôi, cậu đang có khách”, chàng bảo. “Hay quá. Tớ không lên sớm hơn được. Họ cứ năn nỉ tớ ở lại chơi một ván bài bridge - họ gọi đấy là bridge”, chàng lắc đầu, “mặc dù kiểu chơi của họ khác hẳn. Tớ thắng năm mark…”
“Hy vọng cậu không bị nhiễm tật cờ bạc”, Hans Castorp bảo. “Hừm, hừm. Nãy giờ ông Settembrini đã giúp tớ giết thời gian… Có lẽ cách diễn đạt này không mấy thích hợp. Trò cờ bạc của các cậu dưới kia mới là giết thời gian, chứ ông Settembrini đã giúp tớ sử dụng thời gian một cách có ý nghĩa… Là một người tử tế lẽ ra tớ phải tìm mọi cách thoát ra khỏi chốn này - cứ xem đấy, các cậu đã bắt đầu cờ gian bạc lận rồi. Nhưng để tiếp tục được nghe những lời vàng ngọc chỉ bảo và được ông Settembrini dìu dắt giúp đỡ thì tớ lại mong mình cứ sốt mãi và ở lại đây luôn với các cậu. Sợ rằng cuối cùng họ sẽ phải sử dụng một cây nhiệt kế câm để tớ khỏi gian lận…”
“Ông còn có tài đá móc nữa, ông kỹ sư”, ông người Ý bảo. Rồi ông ta nhã nhặn từ giã hai người. Còn lại một mình với anh họ Hans Castorp thở dài.
“Đúng là một nhà sư phạm!” Chàng bảo. “Một nhà sư phạm thấm nhuần tư tưởng nhân văn, phải công nhận là như vậy. Lúc nào cũng chỉ lăm lăm chỉnh đốn và uốn nắn người khác, không bằng các câu chuyện ngụ ngôn thì cũng thông qua hình thức ví von trừu tượng. Nhưng người ta có thể trao đổi với ông ấy những điều mà bình thường họ không ngờ là mình có thể hiểu được, đừng nói đến tham gia bàn luận. Nếu tớ gặp ông ấy ở dưới đồng bằng thì sợ rằng tớ cũng chẳng hiểu gì”, chàng khiêm tốn thêm vào.
Giờ này Joachim thường ngồi nán lại bên giường người bệnh lâu hơn; chàng hy sinh ba bốn chục phút trong thời gian nằm nghỉ buổi tối cho em họ. Thỉnh thoảng họ chơi một ván cờ bày lên chiếc bàn ăn kéo ngang qua giường Hans Castorp - bộ quân cờ Joachim mượn dưới phòng giải trí mang lên. Sau đó Joachim tay xách nách mang, miệng ngậm nhiệt kế ra ngoài ban công nằm nghỉ, và Hans Castorp cũng đo nhiệt độ lần cuối trong ngày, tai lắng nghe tiếng nhạc từ dưới thung lũng đêm văng vẳng đưa lên. Cữ điều dưỡng tối chấm dứt lúc mười giờ; người ta nghe tiếng Joachim lục xục đi vào, và cả tiếng cặp vợ chồng ở bàn Nga hạ lưu… Và Hans Castorp lấy tư thế nằm nghiêng dỗ giấc ngủ.
Đêm là phần nặng nề nhất của một ngày, vì Hans Castorp hay giật mình thức giấc và không hiếm khi nằm hàng tiếng đồng hồ không ngủ lại được, chẳng biết tại thân nhiệt cao hơn mức bình thường khiến huyết mạch hoạt động nhộn nhịp quá mức, hay tại lối sống ở tư thế nằm ngang đúng theo nghĩa đen đã làm hứng thú và sức lực tìm kiếm giấc ngủ nơi chàng tiêu tan mất. Bù vào đó những khoảnh khắc chợp mắt của chàng được lấp đầy bằng những giấc mơ rất phong phú và sinh động, là chất liệu để chàng suy ngẫm trong khi thao thức. Và nếu như thời gian bị chia cắt thành nhiều khúc khiến ban ngày trở nên ngắn ngủi, thì trong đêm đó là sự đơn điệu nhạt nhòa đẩy giờ khắc âm thầm trôi không gì cản nổi theo một chiều nhất định. Lúc trời rạng sáng lại là một khoảnh khắc vô cùng lý thú: không gian chuyển sang màu xám, màn đêm từ từ rơi xuống để gian phòng hiện dần lên, hình dáng đồ vật mỗi lúc một rõ nét hơn, ngoài ban công ngày nhóm lên ánh lê minh bàng bạc trong sương hay le lói tia nắng vàng rực rỡ; và người ta chưa hết ngỡ ngàng thì tiếng gõ cửa cồng cộc của gã thợ tẩm quất đã lại vang lên báo hiệu sự khởi đầu một vòng lặp mới.
Hans Castorp không mang theo lịch lúc lên đường đi nghỉ, và vì vậy đôi khi chàng lơ ngơ không rõ ngày tháng trôi tới đâu rồi. Chàng hỏi anh họ thì Joachim cũng chẳng trả lời được chắc chắn. Họ chỉ có mốc là những ngày chủ nhật, nhất là ngày chủ nhật với buổi hòa nhạc mười bốn ngày một lần, lần này là lần thứ hai Hans Castorp được thưởng thức trong tư thế nằm ngang, thế có nghĩa là đã gần tới trung tuần tháng chín. Từ khi Hans Castorp đo giường, sau mấy hôm đầu trời u ám lạnh giá nay thời tiết đã khoe ra bộ mặt đáng yêu của mình với một chuỗi ngày hè muộn rải nắng ấm áp xuống thung lũng. Sáng sáng Joachim lượn qua thăm người bệnh trong trang phục trắng tinh khiến cậu em cứ xuýt xoa tiếc rẻ cho tâm hồn và những bắp thịt thanh xuân của mình không được thưởng thức mùa hè rớt. Thậm chí có lần chàng còn buột miệng dùng từ “mẹ kiếp” để diễn tả tình cảnh của mình - nhưng lại lập tức tự an ủi rằng nếu không phải nằm một chỗ chắc chàng cũng chẳng biết đi đâu, vì theo kinh nghiệm bản thân chàng thì phiêu lưu mạo hiểm ở đây là điều cấm kỵ. Hơn nữa qua cánh cửa ban công mở toang thiên nhiên cũng hào phóng gửi vào cho chàng một chút nắng ấm ngoài kia.
Nhưng tới gần cuối giai đoạn cấm cung của chàng thời tiết lại trở mặt. Hôm trước qua hôm sau bầu trời đã lại nặng trĩu sương mù ẩm ướt, thung lũng chìm ngập trong mưa tuyết não nề, và không khí trong phòng khô ran hơi lò sưởi. Trời vẫn xấu như thế vào ngày cuối cùng, khi Hans Castorp rụt rè lên tiếng vào giờ thăm bệnh buổi sáng của các bác sĩ, rằng mình nằm yên một chỗ đã đủ ba tuần và hỏi liệu mình đã được phép dậy chưa.
“Quỷ tha ma bắt, đã hết ba tuần rồi à?” Behrens kêu lên. “Xem nào; ờ nhỉ, đúng rồi. Lạy Chúa, thế này chẳng mấy chốc mà già. Nhưng tình hình sức khỏe ông chẳng thay đổi mấy tí. Sao, hôm qua nhiệt độ đã bình thường trở lại à? Phải, nhưng mà chỉ được đến lần đo lúc sáu giờ, rồi đâu lại vào đó. Thôi được rồi, Castorp, tôi không phải là người nghiệt ngã và cũng muốn trả lại cho ông thú vui hợp quần với đồng loại. Hãy đứng dậy và cất bước đi![98] Tất nhiên chỉ trong phạm vi mức độ cho phép. Việc đầu tiên là phải chụp hình lục phủ ngũ tạng ông. Ghi lại!” Câu sau cùng ông ta nói với bác sĩ Krokowski lúc quày quả trở ra, vừa đi vừa hất ngón tay cái khổng lồ qua vai về phía Hans Castorp và nhìn ông bác sĩ trợ lý trắng lợt bằng cặp mắt xanh lơ nổi vằn tia máu, ầng ậng nước… Hans Castorp rời ‘chuồng’.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài chàng lại xỏ chân vào đôi ủng cao su, bẻ cổ áo măng tô lên che tai, lót tót đi theo anh họ ra chỗ băng ghế và máng nước rồi quay trở lại, dọc đường không nhịn được phải đặt ra câu hỏi không biết ông cố vấn cung đình còn bắt chàng nằm một chỗ bao lâu nữa nếu chàng không lên tiếng nhắc là thời hạn đã hết. Và Joachim ngước ánh mắt ủ rũ nhìn chàng, nhếch mép đầy vẻ cay đắng khoát tay phác một cử chỉ vô hạn định trong không trung.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần