If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Cây Nhiệt Kế
ột tuần của Hans Castorp ở đây được tính từ thứ ba này đến thứ ba sau, vì chàng lên tới nơi vào ngày thứ ba. Tấm hóa đơn thứ hai vậy là chàng cũng đã tới văn phòng thanh toán cách đây mấy ngày rồi - trong hóa đơn đề vỏn vẹn có 160 franc Thụy Sĩ, quá ít ỏi theo đánh giá của chàng, thậm chí chưa cần tính đến khí hậu vô giá ở vùng này, không thể tính được bởi chưng nó vô giá, và những chương trình ngoại khóa khác lẽ ra hoàn toàn có thể cộng thêm vào hóa đơn ví dụ như các buổi hòa nhạc hay các buổi thuyết trình của ông bác sĩ Krokowski được tổ chức đều đặn hai tuần một lần, mà chỉ tính riêng chế độ phục vụ của viện an dưỡng, bao gồm phòng ở đầy đủ tiện nghi và năm bữa ăn thịnh soạn một ngày thì giá ấy cũng đã rẻ không thể tưởng tượng nổi.
“Thật rẻ quá, chẳng đáng là bao, thế này thì cậu không thể kêu ca rằng ở đây họ bóc lột cậu được”, khách đến thăm bảo với người bệnh. “Mỗi tháng cậu chỉ phải trả 650 franc tiền ăn ở, lại đã có cả chi phí điều trị trong đó rồi. Tốt quá. Giả sử như mỗi tháng cậu vung tay thưởng thêm cho đám người phục vụ 30 franc nữa đi, nếu cậu muốn tỏ ra rộng rãi để được lòng mọi người. Thế là 680 franc cả thảy. Tốt lắm. Cậu sẽ bảo rằng, đôi lúc cũng cần đi chơi, đi ăn tiệm với những chi tiêu lặt vặt khác. Cứ cho là còn phải chi cho nước nôi, mỹ phẩm và thuốc hút, thỉnh thoảng thuê xe làm một chuyến dã ngoại nếu muốn, rồi thì tiền giày dép quần áo nữa. Được, nhưng tất cả những thứ ấy cộng lại cũng không thể nào vượt quá một ngàn franc Thụy Sĩ một tháng! Chưa đến tám trăm mark Đức! Vậy là không tới mười ngàn mark một năm. Có ăn vàng cũng không thể chi quá tổng số ấy được. Thế là đủ sống thoải mái ở đây.”
“Cậu tính nhẩm nhanh như chớp”, Joachim bảo. “Tớ không ngờ cậu giỏi toán thế. Chưa gì mà cậu đã tính thử chi phí cho cả một năm ở trên này, hào phóng thật, tớ thấy cậu học hỏi được khá nhiều rồi đấy. Có điều cậu tính thế vẫn còn quá cao. Tớ không hút thuốc, và hy vọng tớ cũng không phải đặt may quần áo ở trên này, thôi cám ơn!”
“Vẫn còn quá cao là thế nào”, Hans Castorp hơi ngơ ngác. Nhưng chàng cũng chẳng giải thích được tại sao mình lại gán cho ông anh họ cả chi phí thuốc hút và quần áo dân sự. Còn những con số chàng vừa vanh vách nêu ra chẳng phải nhờ tính nhẩm tài tình gì, mà là một sự gian lận nho nhỏ. Vì trong lĩnh vực tính toán đầu óc chàng cũng chậm chạp y như ở mọi lĩnh vực khác, và kết quả vừa rồi hoàn toàn không phải chàng nghĩ ra trong chốc lát, mà đã được chuẩn bị từ trước, viết ra giấy đàng hoàng, là kết quả của một buổi tối nằm ngoài ban công (vì bây giờ tối tối chàng cũng nằm ngoài ban công như tất cả mọi người ở đây) chàng tự thực hiện trên chiếc ghế nằm rất đỗi tiện nghi. Trong một phút ngẫu hứng chàng đã chạy vào phòng lấy giấy bút ra tính toán, và đi đến kết luận là ở đây anh họ chàng, hay nói đúng hơn bất kỳ người nào cũng chỉ cần cùng lắm mười hai ngàn franc Thụy Sĩ là đủ chi tiêu cho một năm, và trong thâm tâm rất đắc ý thấy bản thân mình dư sức tài trợ cho cuộc sống nhàn hạ trên này, vì thu nhập hằng năm của chàng ước tính vào khoảng mười tám đến mười chín ngàn franc.
Vậy là tấm hóa đơn của tuần thứ hai chàng đã đổi lấy biên lai thanh toán và lời cám ơn từ ba hôm trước, điều đó có nghĩa là, hiện nay chàng đang ở vào giữa tuần thứ ba, theo dự tính là tuần cuối cùng của cuộc du hành. Chủ nhật tới chàng còn cơ hội thưởng thức một buổi hòa nhạc thường kỳ mười bốn ngày một lần, và thứ hai tuần sau chàng có thể dự một phiên diễn thuyết cũng đều đặn mười bốn ngày một lần của bác sĩ Krokowski - chàng tự bảo mình và bảo cả anh họ như thế; rồi thứ ba hay thứ tư chàng sẽ ra đi để Joachim một mình ở lại chốn này, Joachim tội nghiệp, không biết anh chàng còn bị Rhadamanth giam cầm bao nhiêu tháng nữa, mà đôi mắt đen dịu dàng cứ âu sầu mờ tối mỗi khi nhắc đến ngày chia tay đã gần kề với Hans Castorp. Thật vậy, có trời mới biết những ngày nghỉ biến đâu nhanh thế! Chúng trôi vèo qua, vùn vụt lướt đi, như bay như biến - chẳng biết nói sao cho đúng. Rạch ròi mà tính đó là hai mươi mốt ngày họ sớm tối có nhau, một chuỗi ngày dài, tưởng chừng như rất dài lúc ban đầu. Vậy mà bây giờ bỗng chỉ còn lại ba bốn ngày ngắn ngủi, một khoảng thời gian quá nhỏ nhoi, mặc dù được điểm xuyết thêm hai hoạt động ngoại khóa thường kỳ kia để mua vui, nhưng vẩn đục vì nỗi buồn giã biệt dai dẳng bám trong dạ. Ba tuần chẳng nhằm nhò gì với cuộc sống trên này, tất cả mọi người đều đã nói thế từ đầu. Đơn vị đo thời gian nhỏ nhất ở đây là tháng, theo lời Settembrini, và vì thời gian lưu lại của Hans Castorp còn nhỏ hơn cả đơn vị này nên chẳng thấm tháp vào đâu, không đáng gọi là kỳ nghỉ, thăm viếng gì mà vừa chân ướt chân ráo đến đã vội đi, theo cách nói của ông cố vấn cung đình Behrens. Liệu có phải tại mức độ trao đổi chất đặc biệt cao ở trên này mà thời gian trôi đi nhanh hơn trở bàn tay? Tốc độ chạy trốn của thời gian có thể coi là một niềm an ủi cho Joachim, hy vọng rằng năm tháng trời còn lại của anh chàng sẽ chóng qua - đấy là nếu như quả thực chỉ còn năm tháng nữa. Nhưng trong ba tuần họ sống bên nhau thời gian đã được đong đo theo cách khác, giống như lúc ngậm cây nhiệt kế thì bảy phút theo quy định cũng có độ dài đáng kể… Hans Castorp thương anh vô hạn, mỗi lúc bắt gặp ánh mắt buồn u uẩn của người anh họ, rồi đây sẽ không còn một người bạn tâm tình, ngực chàng thắt lại khi nghĩ đến cảnh người anh tội nghiệp vò võ ở lại đây, trong khi bản thân mình được trở về sống dưới đồng bằng góp sức mở mang kỹ nghệ giao thông, nhịp cầu nối liền các dân tộc. Một nỗi thương cảm quay quắt, cháy bỏng ruột gan khiến chàng đã có lúc thực sự e rằng mình không đủ nhẫn tâm bỏ đi để Joachim một mình ở lại trên này. Vậy là vì mối thương tâm đối với người anh, và có lẽ cũng chỉ vì lý do đó, mà bản thân chàng rất hiếm khi nhắc tới giờ giã biệt: chính Joachim lại là người thường gợi lên đề tài này, còn Hans Castorp, như đã nói, do tâm hồn tế nhị và nhạy cảm có vẻ như cho tới giây phút cuối vẫn không muốn nghĩ đến chuyện chia tay.
“Hy vọng rằng”, Joachim bảo, “ít nhất cậu cũng phục hồi được phần nào sức khỏe trong thời gian ở trên này và nhận thấy sự khác biệt ấy khi trở về nhà.”
“Ừ, tớ sẽ chuyển lời chào của cậu đến tất cả mọi người”, Hans Castorp đáp, “và bảo rằng muộn nhất là năm tháng nữa cậu cũng sẽ có mặt ở nhà. Còn sức khỏe ấy à, cậu cho rằng sức khỏe tớ có thể khá lên trong mấy ngày ngắn ngủi ở đây? Tớ cũng muốn tin là như vậy. Mặc dù thời gian chẳng là bao nhưng chắc nó cũng phải phục hồi được phần nào. Tuy nhiên ở trên này tớ cũng thu được nhiều ấn tượng mới mẻ, mới mẻ về mọi phương diện, rất hấp dẫn nhưng mà cũng rất căng thẳng cho cả tinh thần lẫn thể lực, tớ có cảm giác vẫn chưa tiêu hóa được hết những điều này và chưa hoàn toàn quen với khí hậu ở đây, ấy thế mà đó lại là điều kiện tiên quyết để phục hồi sức khỏe. Ơn Chúa Maria Mancini vẫn ngon lành như trước, từ mấy ngày nay tớ lại thưởng thức được trọn vẹn hương vị của cô nàng. Nhưng thỉnh thoảng khăn tay tớ lại vấy chút máu sau khi ho, và có vẻ như bộ mặt bốc hỏa đỏ phừng phừng với quả tim ưa lồng lên như ngựa vía không chịu buông tha tớ cho đến tận phút chót. Không, không thể nói là tớ đã quen thung thổ ở trên này, nhưng làm sao quen được trong một thời gian chóng vánh như vậy. Chắc chắn phải cần lâu hơn mới dần dần chịu đựng được thời tiết ở đây, ghi nhận các ấn tượng mới, rồi sau đó mới có thể nói đến nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe và tăng ký. Tiếc thật đấy. Tớ bắt đầu hối hận vì đã không dành nhiều thời gian hơn cho chuyến đi này - thực ra tớ đâu có thiếu thời gian. Sợ rằng về tới đồng bằng tớ còn cần một thời gian nữa để phục hồi sức khỏe sau chuyến đi phục hồi sức khỏe này, tớ có cảm giác phải ngủ một mạch ba tuần lễ cho lại sức, nói thế đủ biết tớ kiệt quệ tới mức độ nào. Đã vậy lại còn thêm trận cúm quái ác này nữa chứ…”
Bởi có vẻ như Hans Castorp sẽ phải mang theo xuống đồng bằng một trận cúm ra trò. Chàng ngờ rằng mình bị nhiễm lạnh trong lúc nằm ngoài ban công, hơn thế nghi vấn của chàng đặc biệt nhằm vào những buổi tối nằm ngoài ban công, vì từ khoảng một tuần nay chàng đã theo lịch điều dưỡng buổi tối của các bệnh nhân ở đây, bất chấp tiết trời mưa dầm gió bấc có vẻ như còn muốn kéo dài cho tới ngày về của chàng. Chàng đã học được rằng thời tiết này không được gọi là xấu, khái niệm thời tiết xấu không có quyền tồn tại trên này, ở đây người ta không sợ thời tiết, người ta cứ giờ nào việc ấy không thèm đếm xỉa đến thời tiết. Và với tâm hồn non trẻ dễ uốn nắn của tuổi thanh xuân, với thiện chí muốn thích nghi cả cách tư duy lẫn những tập tục của môi trường mới quanh mình, Hans Castorp đã bắt đầu nhiễm thói quen coi thường trở ngại thiên nhiên mang tên thời tiết. Đừng tưởng trời mưa như trút nước thì không khí sẽ bớt khô. Bởi mưa cũng như nắng, trong bầu không khí nơi này đầu bạn lúc nào cũng nóng hâm hấp như ngồi bên lò sưởi hoặc như khi quá chén. Còn lạnh ư, mặc dù đó là cái lạnh chết cò, nhưng nếu bạn trốn vào trong phòng cũng chẳng được tích sự gì, vì nếu tuyết không rơi thì trong phòng cũng không được sưởi, và ngồi trong đó cũng chẳng thú vị gì hơn mặc cho ấm rồi quấn hai tấm chăn lông lạc đà một cách thật nghệ thuật mà nằm ngoài ban công. Ngược lại là đằng khác: nằm ngoài ban công thú vị hơn nhiều, đó là tư thế vừa ý nhất mà Hans Castorp từng thử nghiệm, mặc cho một ông văn sĩ nào đó, thành viên hội kín Carbonari, đã cay độc gọi một cách miệt thị là lối sống “ở tư thế nằm ngang”. Vậy là tối tối chàng sung sướng ra nằm ngoài ban công, ngọn đèn nhỏ tỏa sáng trên bàn, khoan khoái cuộn mình trong chăn ấm, Maria Mancini tỏa khói đậm đà giữa đôi môi, tận hưởng mọi tiện nghi khó lý giải của loại ghế nằm đặc biệt nơi đây, tất nhiên với chóp mũi lạnh cóng và một cuốn sách - vẫn là ‘Tàu thủy viễn dương’ - nằm trong những ngón tay cũng lạnh cóng co quắp ửng đỏ, mà mơ màng dõi mắt qua vòm cung cong cong trên mái lôgia nhìn xuống thung lũng nơi thì rải rác, nơi lại dày đặc ánh điện lập lòe. Dưới ấy gần như tối nào cũng văng vẳng tiếng nhạc, ít nhất là một tiếng đồng hồ, những giai điệu quen thuộc nhờ khoảng cách trở nên mơ hồ và rất êm tai: chủ yếu là các khúc opera nổi tiếng, vài đoạn trong ‘Carmen’[81], trong ‘Người hát rong’[82] hoặc ‘Phát súng thần’[83], rồi thì những điệu valse nhanh đến chóng mặt, những bản hành khúc khiến người ta bất giác lắc lư mái đầu theo nhịp, và những bản mazurka rộn ràng. Mazurka? Đúng ra tên cô ấy là Marusia, cô gái với viên ngọc ruby nhỏ trên ngón tay búp măng, và chàng nghĩ đến Joachim đang nằm ở ban công bên cạnh, khuất sau lớp kính mờ, thỉnh thoảng Hans Castorp vẫn hạ giọng trao đổi vài lời với người anh họ, thận trọng để khỏi ảnh hưởng đến những người khác cũng ở tư thế nằm ngang quanh đấy. Joachim phía bên kia chắc cũng thư thái không kém gì Hans Castorp, mặc dù tính chàng xưa nay chẳng mấy quan tâm đến nhạc nhẽo nên những buổi hòa tấu ban đêm đối với chàng không khác gì đàn gẩy tai trâu. Thật đáng tiếc, chắc anh ấy lại chúi mũi vào quyển sách ngữ pháp tiếng Nga. Hans Castorp bỏ ‘Tàu thủy viễn dương’ xuống gối nằm say sưa thả hồn vào tiếng nhạc, dõi theo từng hồi của vở nhạc kịch và cảm nhận một niềm vui không thể tả, một trạng thái tinh thần bay bổng nhờ bộ môn nghệ thuật đặc sắc đầy cảm hứng này, để rồi lại giận tràn hông mỗi khi nhớ tới lời Settembrini bảo rằng âm nhạc đáng ngờ về mặt chính trị - nhận định này thật chẳng khác gì những lời báng bổ của ông nội Giuseppe, dám so sánh mấy ngày tháng bảy của cuộc cách mạng Pháp với sáu ngày tạo dựng thế gian của Chúa…
Vậy là Joachim không chia sẻ hứng thú âm nhạc cùng Hans Castorp và xa lánh cả hương vị thơm tho của khói xì gà; còn thì chàng cũng nằm bình yên ngoài ban công, khoan khoái không thua gì Hans Castorp - bình yên và an phận. Ngày đã gần tàn, hôm nay mọi sự kể như sắp chấm dứt, người ta có thể yên tâm rằng không còn gì giáng xuống số phận họ nữa, không có sự kiện động trời nào xảy ra, không có thách thức đáng ngại nào khiến trái tim thoi thóp. Đồng thời người ta lại có thể tin tưởng tuyệt đối vào cái xác suất đặc biệt cao, mặc dù là ngẫu nhiên nhưng được hỗ trợ bởi không gian chật hẹp, vận may và lịch sinh hoạt đều đặn ở đây, rằng những sự kiện vừa mong chờ vừa e sợ sẽ diễn ra lại từ đầu; và cái cảm giác yên tâm hai lần chắc chắn ấy giúp người ta thư thái vô cùng, tâm trạng ấy kết hợp với âm nhạc và hương vị điếu xì gà vừa tìm thấy lại khiến những buổi tối nằm ngoài ban công trở thành những khoảnh khắc thực sự hạnh phúc đối với Hans Castorp.
Nhưng tất cả những điều chúng tôi vừa diễn giải dài dòng cũng không giúp được người mới đến chưa qua thử thách khỏi bị nhiễm lạnh trong giờ điều dưỡng (hay ở đâu và khi nào có trời mới biết) đến nỗi chàng ta cảm nặng. Đờm dãi kéo đến đặc kịt trong xoang và hốc mũi làm đầu chàng bí rì rì, cổ họng sưng lên đau nhức, không khí bị cản trở chẳng thể theo đường hô hấp thông thường mà thiên nhiên đã dày công chế tạo tinh vi, cứ thế lạnh ngắt tràn vào phổi gây ra những trận ho rũ rượi; chỉ hôm trước hôm sau mà giọng chàng trở nên khàn đặc, và theo lời than vãn của chàng thì cả đêm chàng không chợp mắt được phút nào, cổ họng rát bỏng đến nỗi chốc chốc lại phải chồm dậy lấy nước uống.
“Bực thật”, Joachim bảo, “nói là đáng hổ thẹn cũng không ngoa. Cậu phải biết rằng ở đây không tồn tại khái niệm cảm lạnh. Khoa học phủ nhận căn bệnh ấy, cho rằng ở điều kiện độ ẩm không khí thấp như trên này người ta không thể bị cảm lạnh, và bệnh nhân nào mở miệng khai cảm lạnh sẽ bị Behrens giũa cho tới nơi tới chốn. Dĩ nhiên với cậu thì khác, xét cho cùng cậu có quyền mắc căn bệnh ấy. Nhưng giá mà có cách thoát được thì vẫn hơn, ở dưới đồng bằng người ta nhiều kinh nghiệm chữa trị hơn, còn ở đây - tớ sợ rằng ở đây người ta chẳng thèm để ý tới chuyện vặt ấy. Ở trên này tốt nhất là đừng có ốm đau gì, sẽ không được ai đếm xỉa tới đâu. Đấy là một nguyên tắc cơ bản, rốt cuộc cậu cũng được nếm mùi. Hồi tớ mới tới có một bà cứ ôm tai kêu đau suốt cả một tuần, cuối cùng Behrens cũng chịu khám. Nhưng rồi ông ta chỉ bảo: ‘Bà khỏi lo, chắc chắn tai bà không có ổ lao đâu.’ Thế là hết chuyện. Ừ, nhưng để xem có cách gì giúp được cậu không. Sáng mai lúc đấm bóp tớ sẽ báo với ông thợ tẩm quất. Đấy là hình thức liên lạc đúng tuyến, ông ta sẽ báo lên trên, may ra họ sẽ có biện pháp gì chăng.”
Joachim nói là làm, và hình thức liên lạc đúng tuyến tỏ ra hữu hiệu. Ngay sáng thứ sáu, khi Hans Castorp vừa trở về phòng sau cuộc đi dạo thường kỳ thì có tiếng gõ cửa, và chàng có cơ hội được diện kiến đích thân cô nương von Mylendonk, hay ‘bà y tá trưởng’ như danh xưng của bà ta ở đây - cho tới giờ chàng mới chỉ được chiêm ngưỡng từ xa con người hết sức bận rộn này, lúc bà ta ra khỏi phòng một bệnh nhân đi ngang qua hành lang để vào phòng một bệnh nhân khác, hoặc một đôi khi bà ta xuất hiện chớp nhoáng trong phòng ăn lớn và chỉ có giọng nói quàng quạc báo hiệu sự có mặt của bà. Hôm nay chính chàng trở thành đối tượng thăm bệnh của bà ta, nhờ trận cảm lạnh. Bà ta đưa ngón tay xương xẩu gõ cồng cộc lên cánh cửa rồi mở ra cùng lúc với tiếng ‘Mời vào’ của chàng, khi bước qua ngưỡng cửa còn quay lại nhìn lần nữa kiểm tra số phòng.
“Ba mươi tư”, bà ta cất giọng quang quác ở cường độ tối đa. “Đúng rồi. Xời ơi, on me dit, que vous avez pris froid, I hear, you have caught a cold, Wy, kaschetsia, prostudilisi, ich höre, Sie sind erkältet?[84] Tôi phải dùng tiếng gì với ông đây? Tiếng Đức, thấy rồi. A, khách của anh chàng Ziemßen, thấy rồi. Lẽ ra tôi phải có mặt ở phòng mổ. Ở đó có một bệnh nhân được gây mê, mà trước đó y lại ăn xà lách trộn đậu que. Cứ xểnh mắt ra một cái… Còn ông, xời ơi, lại giở chứng ra cảm lạnh?”
Hans Castorp ngớ người đứng như trời trồng, không ngờ một phụ nữ thuộc dòng quý tộc lại ăn nói kiểu này. Và trong lúc nói bà ta không ngừng lắc lư cái đầu từ trái sang phải, từ trên xuống dưới theo hình số tám, mũi hỉnh lên đánh hơi đủ bốn phương, bồn chồn như kiểu cọp beo bị nhốt trong cũi, bàn tay phải dày đặc tàn nhang với ngón cái vểnh ra vung vẩy liên hồi như muốn giục giã: ‘Mau lên, mau lên, mau lên! Tôi nói cái gì không quan trọng, ông muốn trình bày cái gì thì mở miệng ra nhanh lên, để cho tôi còn đi!’ Bà ta trạc độ tứ tuần, người nhỏ thó không có đường cong, bọc trong y phục bệnh viện màu trắng thắt đai ngang lưng, trên ngực lủng lẳng một cây thánh giá thạch lựu. Dưới chiếc mũ y tá thò ra mớ tóc lơ thơ hoe hoe đỏ, từ đôi mắt xanh lơ trong sòng sõng, mí mắt viêm đỏ đòng đọc, thêm vào đó một bên lại còn lên cái lẹo đã chín mọng, bắn ra tia nhìn láo liên không đậu lại lâu một chỗ nào, cái mũi như đã nói hếch ngược lên ngóng trời, được phụ họa thêm bằng cái miệng như mõm nhái với làn môi dưới chìa ra, khi nói cứ hớt hớt như vợt xúc tép. Hans Castorp trố mắt quan sát kỳ quan ấy với tất cả vẻ nhẫn nại và thân thiện bẩm sinh chàng có thể huy động được.
“Cảm lạnh thế nào, hử?” Bà y tá trưởng lại hỏi, cố tập trung ánh mắt xoáy vào người đối diện nhưng đôi mắt hiếng cứ ngoan cố nhìn đi hai hướng. “Ở đây chúng tôi không hoan nghênh cảm cúm đâu. Ông có hay bị cảm không? Anh họ ông cũng thường bị cảm phỏng? Ông bao nhiêu tuổi? Hai mươi tư hử? Còn chưa ráo máu đầu. Thế là ông lên đây rồi bị cảm lạnh? Ở trên này không có khái niệm ‘cảm lạnh’, xời ơi, đấy là một trò nhố nhăng ở dưới kia.” (Chữ “nhố nhăng” vang lên đặc biệt miệt thị và mạo hiểm từ cửa miệng bà ta, nhất là với động tác hớt tép của môi dưới.) “Phải công nhận là ông chuốc đâu ra một cơn viêm đường hô hấp thượng hạng, chỉ cần nhìn mắt ông là thấy.” (Và bà ta lại tìm cách nhìn xoáy vào mắt chàng, nhưng nhìn làm sao được khi hai con mắt chĩa sang hai phía.) “Có điều nguyên nhân viêm họng không phải là lạnh, mà là do vi khuẩn được người ta hào hứng tiếp nhận vào cơ thể, điều đáng nói ở đây là cơn viêm họng của ông vô hại hay kém vô hại, tất cả những cái khác chỉ là trò nhố nhăng.” (Lại “nhố nhăng”!) “Cũng có thể hứng thú tiếp nhận vi khuẩn của ông thiên về chiều hướng vô hại”, bà ta bảo và hướng con mắt lên lẹo chín mọng về phía chàng, chẳng biết có nhìn thấy gì không. “Đây là một loại thuốc vô hại, nó sẽ giúp ông khỏi bệnh.” Và bà ta móc trong chiếc túi da treo ở thắt lưng ra một hộp nhỏ để lên bàn. Trên vỏ hộp thấy đề Formamint[85]. “Hơn nữa sắc mặt ông trông như người đang sốt.” Bà ta tiếp tục lom lom dòm vào mặt Hans Castorp, hai con mắt vẫn không ngừng ngó sang hai phía. “Ông đã cặp sốt chưa?” Chàng lắc đầu. “Sao không cặp đi?” Bà ta quặc lại, môi dưới chìa ra như lưỡi cày…
Hans Castorp câm tịt. Anh chàng tội nghiệp vẫn còn quá trẻ, vẫn chưa rũ bỏ được thói quen của cậu học trò lúc bị hỏi bài, chỉ biết ngồi lì trên ghế im như hến.
“Ông không bao giờ cặp sốt à?”
“Có chứ, thưa bà y tá trưởng. Những lúc tôi bị sốt.”
“Xời ơi, người ta cặp sốt trước hết là để biết mình có bị sốt hay không. Thế theo ý ông lúc này ông không sốt hay sao?”
“Tôi không rõ lắm, thưa bà y tá trưởng; tự tôi không phân biệt được nếu sự chênh lệch nhiệt độ không lớn lắm. Nhưng từ lúc đến đây tới giờ tôi vẫn thấy người vừa hâm hấp nóng vừa ớn lạnh.”
“A ha. Nhiệt kế ông để đâu?”
“Tôi không có nhiệt kế, thưa bà y tá trưởng. Và tôi cũng không mang theo từ nhà, vì tôi chỉ định lên đây chơi thôi chứ không phải đi chữa bệnh. Tôi hoàn toàn mạnh khỏe.”
“Nhố nhăng! Ông bắt tôi cất công tới tận phòng ông vì ông hoàn toàn mạnh khỏe phỏng?”
“Không”, chàng cười gượng gạo, “chỉ vì tôi hơi…”
“… cảm lạnh, phải rồi. Cái kiểu cảm lạnh này ở đây không hiếm. Đây!” Bà ta lại móc trong túi ra hai vật dài dài, bọc trong bao da một đỏ một đen, để cả lên bàn. “Cái này giá ba franc rưỡi còn cái này giá năm franc. Ông nên lấy cái năm franc. Nếu giữ gìn cẩn thận ông có thể dùng được cả đời.”
Chàng cười cười cầm cái bao da đỏ trên bàn lên mở ra xem. Bên trong, nằm vừa như in trên cái khe dập vào lớp nỉ đỏ lót dưới lần da thuộc là một cây nhiệt kế bằng thủy tinh long lanh như đồ trang sức. Các vạch nhỏ vẽ trên đó màu đỏ, các vạch hàng chục màu đen. Các chữ số cũng màu đỏ. Phần dưới hơi phình ra chứa đầy thủy ngân sáng lấp lánh như gương. Cột thủy ngân tụt xuống thấp, vì trong túi lạnh hơn thân nhiệt động vật.
Hans Castorp biết phải xử sự sao cho xứng với địa vị của mình.
“Tôi lấy cái này”, chàng nói mà không cần xem tới cái thứ hai. “Cái năm franc. Tôi nên gửi tiền ngay hay…”
“Xong!” Bà y tá trưởng quàng quạc. “Không nên hà tiện khi mua những đồ dùng quan trọng! Tiền nong không gấp, sẽ được tính vào hóa đơn. Ông đưa tôi, phải vẩy xuống cho thật thấp, tận dưới này này - thế.” Và bà ta giằng lấy cây nhiệt kế trên tay Hans Castorp, vung vẩy vài lần thật mạnh trong không khí, cho đến lúc cột thủy ngân tụt xuống dưới 35 độ. “Sẽ lên lại thôi, Mercury[86] sẽ bò lên cao ngay ấy mà!” Bà ta bảo. “Tài sản của ông đây! Ông biết cách dùng theo quy định ở chỗ chúng tôi chứ hả? Kẹp xuống dưới cái lưỡi quý báu, đợi đủ bảy phút, bốn lần một ngày, đừng quên khép chặt cặp môi ngà ngọc! Thôi xin chào! Chúc sớm có kết quả tốt!” Và bà ta ào ào lướt ra khỏi phòng.
Hans Castorp chỉ kịp nghiêng người chào, vẫn đứng chôn chân bên bàn nhìn ra cửa chỗ bà ta vừa khuất dạng, và nhìn vào cái dụng cụ đo nhiệt độ bà ta để lại cho chàng. ‘Vậy ra bà y tá trưởng von Mylendonk là như thế đấy’, chàng tự nhủ. ‘Settembrini không thích bà ta, và quả thực không thể bảo rằng bà ta dễ mến được. Con mắt lên lẹo trông ghê quá, có điều chắc không phải lúc nào mắt bà ta cũng lên lẹo. Nhưng tại sao bà ta cứ mở miệng ra là ‘xời ơi’ thế nhỉ? Nghe thật là kỳ, chẳng thanh lịch chút nào. Và rồi bà ta lại còn bán cho mình một cây nhiệt kế nữa chứ, không lẽ lúc nào bà ta cũng có sẵn vài cây trong túi. Joachim bảo ở đây nhiệt kế bán cùng khắp, muốn mua chỗ nào cũng được. Nhưng mình chẳng cần tốn công tìm mua, mà tự nó tìm đến với mình.’ Chàng lấy cái dụng cụ đo tinh xảo ra khỏi bao, đưa lên mắt săm soi và bồn chồn đi đi lại lại trong phòng. Tim chàng đập dồn dập từng nhát nặng như nhát búa. Chàng ngoảnh nhìn ra ban công và đã dợm bước về phía cửa với dụng ý sang kiếm Joachim, nghĩ thế nào lại bỏ dở ý định, đứng lại bên bàn thận trọng hắng giọng xem cổ còn khàn đặc nữa không. Chàng bật ho một tràng dài. “Ừ, để xem trận cúm này có làm mình sốt không nào”, chàng hồi hộp đưa cây nhiệt kế lên miệng ngậm, lưỡi đè lên đầu có giọt thủy ngân, đầu kia chênh chếch thò ra một bên mép, môi mím chặt giữ cho không khí bên ngoài khỏi lọt vào làm sai lệch kết quả đo. Rồi chàng nhìn đồng hồ: chín giờ ba mươi sáu phút. Còn bảy phút nữa.
“Không được thừa hay thiếu một giây nào”, chàng nghĩ. “Mình là người nghiêm túc, đáng tin cậy. Mình không cần một cây nhiệt kế câm như cô bệnh nhân theo lời kể của Settembrini, cô Ottilie Kneifer.” Và chàng không ngừng đi qua đi lại trong phòng, lưỡi đè chặt đầu cây nhiệt kế.
Thời gian bò chậm như sên, bảy phút tưởng chừng dài vô tận. Mới có hai phút rưỡi chàng đã vội nhìn đồng hồ, sợ quá giờ. Chàng nghĩ ra trăm thứ việc, cầm vật này vật nọ lên rồi lại đặt xuống, bước ra ban công nhưng tránh không để Joachim nhìn thấy, đứng lặng lẽ nhìn xuống toàn cảnh dưới kia, cái thung lũng đã vô cùng quen thuộc đối với chàng: những đỉnh núi nhọn hoắt nhô lên đơn độc hay làm thành một dãy lởm chởm răng cưa, vách dựng đứng làm nền cho bức tranh phong cảnh; bên trái là ngọn Brämenbühl, lưng thoai thoải xuôi xuống dưới ‘Làng’, sườn núi xanh rì cỏ rậm; bên phải là cả một đội hình núi non lô xô mà tên từng ngọn chàng đã thuộc nằm lòng, đứng thành rặng nhìn từ hướng này như bức tường chắn ngang đầu phía nam thung lũng.
Chàng nhìn xuống những lối đi rải sỏi giữa các luống hoa trong vườn, hòn giả sơn, cội tùng già, chàng lắng nghe tiếng lào xào khe khẽ từ gian điều dưỡng chung vọng lại, ở đó chắc người ta đang nằm nghỉ như quy định. Rồi chàng quay trở vào phòng, dùng lưỡi đẩy cây nhiệt kế trong miệng sang một vị trí thuận lợi hơn, và vung tay ra trước cho ống tay áo co lên, đưa mặt kính chiếc đồng hồ đeo tay lên sát mặt. Sau bao nhiêu động tác bận rộn như thế, đi lại, quan sát, đưa đẩy cây nhiệt kế trong miệng, cũng mới chỉ có sáu phút trôi qua. Nhưng rốt cục, lúc chàng chủ tâm đứng đợi giữa phòng, chỉ lơ đãng chìm vào suy tư một thoáng thì phút cuối cùng lại vụt lướt qua nhẹ như bước chân mèo, một cử động mới của cánh tay cho chàng thấy thời gian vừa lén lút chuồn khỏi tay mình, đã quá mất khoảng một phần ba phút thứ tám. Chàng tự an ủi rằng cũng chẳng sao, chắc kết quả đo không bị ảnh hưởng gì, rồi kéo cây nhiệt kế ra khỏi miệng giương mắt hồi hộp ngó.
Thoạt tiên chàng chẳng đọc được số đo, cột thủy ngân lẫn vào với ánh sáng phản chiếu trên lớp vỏ thủy tinh lúc thì vọt lên cao lúc lại chẳng thấy đâu. Chàng đưa cây nhiệt kế lên sát mắt, lật qua lật lại mà vẫn chẳng thấy gì. Sau một hồi lâu, tình cờ gặp vị trí thuận lợi nó mới chịu xuất đầu lộ diện rõ ràng, Hans Castorp vội giữ nguyên tư thế ấy, đầu óc căng lên xử lý số liệu nhận được. Thật vậy, Mercury đã bò lên cao, nó bò lên khá cao, cột thủy ngân dài ra một cách đáng kể, nó đứng cao hơn ranh giới thân nhiệt bình thường tới mấy vạch, Hans Castorp đọc được 37,6 độ.
Mới sáng bảnh mắt chưa tới mười rưỡi mà đã 37 độ 6, thế là cao quá, là ‘sốt’ rồi còn gì, hậu quả của một căn bệnh do vi khuẩn mà chàng hào hứng tiếp nhận vào cơ thể, chỉ có điều không biết đó là loại vi khuẩn gì. 37 độ 6 - ngay cả Joachim cũng không sốt cao hơn thế, ở đây không có ai sốt cao hơn thế, trừ những ca bị coi là trầm trọng hoặc hấp hối nằm liệt giường, cả cô ả Kleefeld của Hội nửa phổi lẫn… lẫn Madame Chauchat cũng không có nhiệt độ cao hơn. Tất nhiên trường hợp của chàng có khác - chỉ là sốt cảm cúm, theo cách nói của người ở dưới kia. Nhưng khó mà phân biệt rạch ròi nguyên nhân, Hans Castorp sợ rằng không phải từ khi bị cảm chàng mới sốt, và hơi hối hận vì đã không tham khảo Mercury từ sớm, ngay từ đầu theo lời khuyên của ông cố vấn cung đình Behrens. Rõ ràng đó là một lời khuyên bổ ích, chàng phải ngậm ngùi công nhận, và Settembrini đã trái lè ra khi ông ta ngửa cổ lên trời cười khành khạch, hừ, Settembrini với nền cộng hòa và phong cách đẹp. Đối với Hans Castorp bây giờ cả nền cộng hòa lẫn phong cách đẹp đều chẳng đáng một xu, chàng còn bận săm soi xem đi xem lại kết quả đo của cây nhiệt kế, cái cột thủy ngân tinh quái cứ tìm cách lẩn trốn khiến chàng phải vất vả xoay tới xoay lui mới tìm lại được: nó chỉ 37,6 độ, mà ngay từ sáng sớm!
Những cử động của chàng trở nên dứt khoát. Chàng sải bước vài lần quanh phòng với cây nhiệt kế mà chàng cẩn thận cầm ngang trên tay để tránh vô ý dốc ngược hay vung vẩy làm cột thủy ngân tụt xuống, cuối cùng chàng khẽ khàng đặt nó xuống bàn rửa mặt đi lấy áo khoác và chăn ra nằm ngoài ban công. Chàng ngồi trên chiếc ghế nằm, tay thành thạo cuốn hai tấm chăn quanh mình theo kỹ thuật đã học được, lần lượt từng tấm, hai bên và dưới chân, rồi nằm im trong cái kén đợi tới giờ điểm tâm thứ hai lúc Joachim sang gọi. Thỉnh thoảng chàng mỉm cười như cười với một người nào đó. Thỉnh thoảng ngực chàng thắt lại trong một cơn thổn thức đầy lo âu, và từ lồng ngực cảm lạnh của chàng lại bật lên tiếng ho như gõ ống bơ gỉ.
Joachim thấy Hans Castorp vẫn còn nằm, lúc mười một giờ khi tiếng cồng đã điểm và chàng sang đón em họ để cùng xuống phòng ăn.
“Sao thế?” Chàng kinh ngạc hỏi lúc bước lại gần chiếc ghế nằm ngoài ban công…
Hans Castorp im lặng hồi lâu, mắt đăm đăm ngó mông phía trước. Rồi chàng trả lời:
“Tình hình là tớ hơi bị sốt.”
“Sốt là thế nào?” Joachim hỏi lại. “Cậu thấy đầu nóng hay sao?”
Hans Castorp để anh đợi vài giây rồi mới uể oải lên tiếng đáp:
“Cậu phải biết là tớ thấy đầu nóng từ lâu rồi, đúng ra đầu tớ lúc nào cũng nóng. Nhưng đây không phải là cảm giác chủ quan của tớ, mà là kết quả đo hoàn toàn khách quan. Tớ vừa mới cặp nhiệt độ xong.”
“Cậu vừa mới cặp nhiệt độ?! Cặp bằng cái gì?!” Joachim sững sờ kêu lên.
“Tất nhiên là bằng nhiệt kế chứ còn bằng cái gì nữa”, Hans Castorp trả lời không phải không thoáng chút mỉa mai. “Bà y tá trưởng mới vừa bán cho tớ một cái. Tại sao bà ta cứ luôn miệng kêu ‘xời ơi’ thì tớ không biết; nói thế là sai chính tả. Nhưng mặc dù vội tối mắt tối mũi bà ta vẫn kịp bán cho tớ một cây nhiệt kế rất tốt, và nếu cậu muốn tận mắt xem nó chỉ bao nhiêu thì tớ vẫn để trên bàn rửa mặt trong phòng ấy. Cao hơn thân nhiệt bình thường chút đỉnh.”
Joachim không nói không rằng quay lưng đi vào phòng.
Lát sau chàng bước trở ra ban công, ngập ngừng lên tiếng: “Đúng là sốt rồi, 37 độ 5 rưỡi.”
“Thế là nó đã xuống rồi đấy!” Hans Castorp đáp ngay lập tức. “Lúc nãy là sáu.”
“Nhiệt độ này vào buổi sáng thì không thể gọi là cao hơn chút đỉnh được”, Joachim bảo. “Tệ quá”, chàng đứng trước cái ghế nằm của người em họ với dáng điệu một người bị đặt trước tình huống ‘tệ quá’, hai tay chống mạng sườn, đầu cúi gục.
“Cậu phải vào giường nằm nghỉ thôi.” Hans Castorp đã chuẩn bị sẵn câu trả lời.
“Tớ không hiểu tại sao mới có 37 độ 6 đã phải nằm nghỉ”, chàng bảo, “trong khi cậu và bao nhiêu người khác ở đây nhiệt độ cũng đâu có thấp hơn - mà các cậu vẫn được tự do đi lại đấy thôi.”
“Chúng tớ thì lại khác”, Joachim bảo. “Cậu mắc một căn bệnh cấp tính vô hại. Cậu chỉ bị cảm lạnh thôi.”
“Thứ nhất”, Hans Castorp phản đối và thậm chí còn đánh số cho các lý lẽ của mình, “tớ không hiểu tại sao người ta lại phải nằm yên trên giường chỉ vì một cơn sốt vô hại, đấy là giả sử có thứ sốt vô hại, còn sốt kiểu khác thì không. Thứ hai, như tớ đã bảo với cậu, có phải cảm lạnh làm cho nhiệt độ tớ cao lên đâu, từ khi đến đây nó đã thế rồi. Tớ bảo lưu quan điểm”, chàng kết luận, “rằng 37 độ 6 là 37 độ 6. Nếu các cậu vẫn đi lông rông được thì tớ cũng thế.”
“Lúc mới đến tớ đã phải nằm yên trên giường bốn tuần lễ”, Joachim vẫn chưa chịu đầu hàng, “cho tới lúc biết chắc là nằm nghỉ cũng không làm giảm nhiệt độ tớ mới được phép đi lại.”
Hans Castorp cười ruồi.
“Thế thì sao?” Chàng hỏi. “Tớ cứ tưởng trường hợp cậu khác chứ? Hình như cậu tự mâu thuẫn rồi đấy. Đầu tiên cậu phân biệt tớ với cậu, rồi sau đó lại đem đánh đồng làm một. Thật là nhố nhăng…”
Joachim quay phắt lại, và khi mặt đối mặt Hans Castorp thấy làn da rám nắng của người anh sẫm thêm một chút.
“Không”, chàng bảo, “tớ không đánh đồng làm một, cậu nhầm rồi. Tớ chỉ muốn nói rằng cậu đang bị cảm nặng, nghe giọng cậu là đủ biết, cậu nên nằm nghỉ để chóng khỏi, nếu tuần sau cậu muốn về nhà. Còn nếu cậu không muốn - ý tớ định nói là nếu cậu không muốn nằm nghỉ, thì tùy cậu thôi. Tớ không ra lệnh cho cậu được. Có điều bây giờ mình phải xuống phòng ăn. Mau lên, quá giờ rồi!”
“Đúng thế. Đi thôi!” Hans Castorp tung chăn ngồi dậy. Chàng vào phòng chải sơ mái tóc, trong lúc ấy Joachim lại cầm cây nhiệt kế trên bàn rửa mặt lên xem lần nữa, Hans Castorp lẳng lặng quan sát anh từ đằng xa. Rồi họ cùng đi, không ai nói với ai lời nào, cùng ngồi vào chỗ của mình trong phòng ăn, vào giờ này cũng như mọi ngày lại trắng xóa toàn là sữa.
Khác với mọi ngày, khi cô tiểu nữ lùn mang lên vại bia Kulmbacher thì Hans Castorp nghiêm trang từ chối. Hôm nay chàng không uống bia, và nói chung không uống bất cứ thứ gì có chất cồn, cảm ơn, cùng lắm chàng chỉ cần một hớp nước mà thôi. Cả bàn xôn xao chộn rộn hẳn lên. Sao thế? Chuyện lạ! Sao lại không uống bia? - Chàng hơi bị sốt, Hans Castorp thản nhiên đáp. 37 độ 6. Chẳng đáng kể.
Thế là bọn họ nhao nhao lên dứ dứ ngón tay trỏ dọa chàng - Hans Castorp cảm thấy mình như lọt vào trung tâm vũ trụ. Bọn họ trở nên tinh nghịch, ngoẹo đầu ngoẹo cổ, nháy mắt đồng lõa, ngón tay trỏ đưa lên khua khoắng bên tai để nhấn mạnh cái tin tức giật gân thoát ra từ miệng kẻ làm bộ ngây thơ cóc cụ. “Nào, nào, cả ông nữa ư”, cô giáo quá thì vừa cười vừa đưa ngón tay lên dọa chàng, gò má ửng hồng. “Những chuyện chẳng đáng kể ấy xảy ra ở đây như cơm bữa. Cứ đợi đấy.” - “Ây, ây, ây”, bà Stöhr cũng hăm hở lên tiếng và giơ ngón tay chuối mắn đỏ hồng lên dứ dứ trước mũi chàng. “Ông có tempus[87] rồi, ông khách. Ông thật là - ông rất hợp ý tôi, thật quá hạn lệ!” Bà cụ có cô cháu gái ngồi ở đầu bàn kia cũng thân mật đưa tay dọa chàng, lúc tin tức nóng sốt truyền tới chỗ bà; cô Marusia xinh đẹp, từ trước tới giờ chẳng thèm đếm xỉa đến sự tồn tại của chàng, nay cũng nhoài người xuống bàn quay nhìn chàng bằng đôi mắt nâu tròn tươi rói, chiếc khăn tay nhỏ xíu sực mùi nước hoa cam ép chặt vào môi; cả đến tiến sĩ Blumenkohl sau khi được bà Stöhr loan báo tin mới cũng hòa mình vào không khí vui nhộn chung, tất nhiên vẫn tránh không nhìn thẳng mặt Hans Castorp; và rốt cục chỉ còn Miss Robinson vẫn giữ thái độ thờ ơ khép kín như mọi khi. Joachim đứng đắn cụp mắt nhìn xuống vẻ nghiêm trang.
Hans Castorp, sung sướng được nhận bao nhiêu quan tâm trêu ghẹo của mọi người, cho rằng mình phải khiêm tốn lên tiếng cải chính. “Không, không”, chàng bảo, “không có gì đâu, trường hợp của tôi đúng là vô hại nhất trần đời, tôi chỉ bị cảm lạnh thôi, như quý vị thấy đấy: mắt tôi giàn giụa nước, ngực nặng như đeo đá, cả đêm tôi ho như cuốc, chuyện vặt ấy mà…” Nhưng bọn họ không chấp nhận lời giải thích ấy, họ phẩy tay cười ngụ ý, nhao nhao đáp: “Phải rồi, phải rồi, chuyện vặt, cứ việc đánh trống lảng đi, cảm lạnh à, chúng tôi biết tỏng ra rồi!” Và tất cả đồng thanh yêu cầu Hans Castorp phải đăng ký khám bệnh ngay lập tức. Họ sôi nổi bàn luận cái tin hấp dẫn này; không khí nơi bảy dãy bàn dài trở nên nhộn nhịp khác thường trong bữa ăn ấy. Nhất là bà Stöhr, gương mặt với làn da mang nhiều vết nẻ li ti trên gò má đỏ phừng phừng nhuệ khí không khác gì quả gấc chín mọc lên từ cái cổ áo xếp nếp xoăn xoeo, bộc lộ một năng khiếu diễn thuyết đáng ngại với những đề tài nhảy cóc, dần dà sa đà vào sự miêu tả nỗi thống khoái khi ho - đúng thế, ho mang lại cho người ta một khoái cảm vô biên và một sự thỏa mãn tuyệt đối, khi cơn ngứa ngáy dưới đáy ngực dần dần tụ lại và dâng lên cổ, người ta phải thắt ngực, dồn hơi xuống thật sâu mới đủ sức gãi ngứa: cũng giống như cái thú hắt xì hơi, khi nhu cầu nhảy mũi phình lên đến độ không cách gì nhịn nổi, người ta đần mặt ra hít vào một hơi như giông bão để rồi cuối cùng hoàn toàn buông thả cho nó nổ ran với một khoái cảm khiến ta quên đi cả thế giới xung quanh. Thỉnh thoảng nó còn nổ thành tràng hai ba tiếng liên tiếp mới sướng chứ. Đấy là những lạc thú không tốn kém ở đời, cũng như cái thú gãi vết cước sưng tấy vào mùa xuân, lúc cơn ngứa râm ran nổi lên bắt ta phải cào như điên đến khi tóe máu trong nỗi thống khoái man dại, và nếu lúc ấy tình cờ nhìn vào gương ta sẽ gặp một bộ mặt nham nhở như quỷ dữ.
Và với những diễn giải tỉ mỉ đến mức rùng rợn bà Stöhr vô học cứ nói liên hồi kỳ trận, đến khi bữa điểm tâm thứ hai tuy ngắn ngủi nhưng rất giàu dinh dưỡng kết thúc và hai anh em lên đường thực hiện cuộc dạo bộ thứ hai mỗi sáng xuống Phố Davos. Dọc đường Joachim bận tâm suy nghĩ nên đặc biệt ít lời, còn Hans Castorp vừa khụt khịt xì mũi vừa ho ra rả cho thông cuống họng han gỉ. Lúc về Joachim bảo:
“Tớ đề nghị thế này. Hôm nay là thứ sáu, ngày mai sau bữa trưa tớ có hẹn khám định kỳ hằng tháng. Không phải là tổng kiểm tra sức khỏe, tớ chỉ đến để Behrens gõ chỗ này chỗ kia và nghe ngóng sơ sơ, đọc cho Krokowski ghi lại vài nhận xét thế thôi. Cậu có thể đi theo và xin được tranh thủ khám cùng. Thật vô lý hết sức, nếu ở nhà chắc cậu đã gọi bác sĩ Heidekind đến khám cho rồi. Vậy mà ở đây, có tới hai chuyên gia ở cùng nhà cậu lại không tận dụng, cứ chạy quanh chạy quẩn chẳng biết mình bị làm sao, có nên nằm nghỉ hay không.”
“Tốt thôi”, Hans Castorp bảo. “Tùy cậu. Khám thì khám. Vả lại được dự một buổi khám bệnh ở đây thì cũng hay.”
Họ nhất trí như vậy; và khi họ leo dốc lên tới cổng viện an dưỡng thì trời xui đất khiến thế nào lại chạm trán ngay với ông cố vấn Behrens và có cơ hội thuận lợi để đề đạt nguyện vọng.
Behrens hùng hục xông ra từ tiền sảnh, dáng dấp lêu khêu với cái cổ ngỏng, đầu đội một chiếc mũ cứng hất ra sau gáy, miệng ngậm điếu xì gà, đôi gò má vẫn tím xanh và cặp mắt lồi ầng ậng nước. Theo lời Behrens thì ông ta đang trên đường công cán, đi thăm bệnh nhân phòng mạch tư của mình ở dưới Davos, sau khi vừa hoàn thành một ca mổ khó.
“Xin chào các quý ông!” Ông ta niềm nở. “Vẫn loanh quanh một cõi đi về? Thiên hạ có gì hay ho không? Tôi vừa mới kết thúc một cuộc đấu tay đôi không cân sức với tử thần, vũ khí chỉ có con dao mổ và cái cưa xương - một ca thuộc loại phức tạp nhất, các ông biết không, phẫu thuật cắt xương sườn. Trước đây khoảng năm mươi phần trăm nằm lại trên bàn mổ. Giờ thì khá hơn rồi, nhưng chúng tôi cũng phải ra tay thường xuyên hơn để kịp thời đối phó với mortis causa[88]. Ờ, nhưng ca hôm nay thì chịu chơi lắm, nhất định bám trụ đến cùng… Không thể tưởng tượng được, một lồng ngực thiếu mất cái lồng. Như động vật thân mềm, các ông biết không, chẳng đẹp mắt tẹo nào, có thể bảo rằng nó làm vẩn đục tư tưởng. Thế còn các ông thì sao? Tình trạng ngọc thể thế nào? Bây giờ đi đâu cũng có đôi, sướng nhé, Ziemßen, ông bạn tài khôn! Tại sao ông khóc sụt sùi thế, ông lữ khách vô tư?” Thình lình ông ta quay sang Hans Castorp. “Ở đây cấm khóc lóc công khai. Nội quy đấy. Nếu không ai cũng đến khóc than thì hỏng.”
“Đấy là tôi bị sổ mũi, thưa ông cố vấn cung đình”, Hans Castorp trả lời. “Tôi cũng không rõ tại sao, nhưng có vẻ như tôi bị cảm lạnh. Tôi còn ho nữa, và ngực nặng như bị đá đè.”
“Vậy hử?” Behrens bảo. “Thế thì ông nên tìm một bác sĩ giỏi mà thăm bệnh.”
Hai anh em phá lên cười, và Joachim đáp trong lúc giậm gót đứng nghiêm:
“Chúng tôi cũng định thế, thưa ông cố vấn cung đình. Ngày mai tôi tới hạn khám, và chúng tôi định mạo muội hỏi xem ông có vui lòng khám luôn cho em họ tôi được không. Vấn đề là, không biết thứ ba em tôi có thể lên đường về nhà không.”
“Sẵn lòng!” Behrens bảo. “S.l.p.v.q.o.! Sẵn lòng phục vụ quý ông! Lẽ ra ông nên sử dụng dịch vụ y tế ở đây từ lâu rồi mới phải. Một khi đã đặt chân lên tới trên này thì nên nếm thử mọi mùi đời. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi để ông hoàn toàn tự nguyện. Vậy là ngày mai lúc hai giờ nhé, ngay sau khi rời máng ăn!”
“Tôi cũng hơi sốt nữa”, Hans Castorp chêm vào.
“Ra thế!” Behrens kêu lên. “Ông tưởng báo cho tôi tin ấy là giật gân lắm hử? Ông cho rằng tôi không có mắt hay sao?” Và ông ta đưa ngón tay trỏ tròn trùng trục chỉ vào cặp mắt xanh lồi ra vằn tia máu, lưng lưng ngấn nước của mình.
“Bao nhiêu độ?”
Hans Castorp khiêm tốn nói ra số đo.
“Mới sáng bảnh mắt ra đã từng ấy? Hừm, không tệ. Khởi đầu mà đã thế là đầy hứa hẹn. Thôi được rồi, ngày mai hai giờ cả đôi đến chỗ tôi! Hân hạnh quá. Chúc nạp dinh dưỡng tốt!” Và ông ta thình thịch dậm bước xuống dốc, đầu gối lum khum, tay khua như bơi chèo, một sợi khói mỏng manh từ điếu xì gà trên miệng tạt lại lơ lửng phía sau lưng.
“Thế là mọi sự đúng theo ý cậu nhé”, Hans Castorp bảo. “Tình cờ lại gặp ông ta, may đến thế là cùng. Chắc ông ta cũng chẳng giúp được gì hơn một cái toa thuốc để mua xirô hay là trà chống ho, nhưng trong tình trạng tớ mà được bác sĩ thăm bệnh cho cũng đủ lên tinh thần lắm rồi. Có điều sao ông ta ăn nói kỳ cục quá!” Chàng quay sang nhìn anh họ. “Mới đầu nghe hay hay, nhưng càng về sau tớ càng thấy khó chịu. ‘Chúc nạp dinh dưỡng tốt’ là cái quái gì! Người ta nói ‘Chúc ăn ngon’ nghe tử tế và thanh lịch biết bao, vì ‘ăn ngon’ diễn tả thú ẩm thực, mới thi vị và đáng ‘chúc’! Chứ còn ‘nạp dinh dưỡng’ là một từ khô khan và máy móc, chúc tụng ở đây thì thật mỉa mai. Thêm vào đó thấy ông ta hút thuốc tớ cũng hơi ngài ngại, nghe nói khói thuốc làm ông ta trầm uất. Settembrini bảo thái độ vui vẻ của ông ta chỉ là gượng gạo, mà Settembrini là một nhà phê bình, một người có nhận xét và đánh giá riêng, chắc không phải ông ta không có lý. Có lẽ tớ cũng nên nhận xét và đánh giá nhiều hơn chứ không thể cứ âm thầm chấp nhận mọi thứ một cách ba phải, về điểm này ông ta rất đúng. Nhưng đôi khi người ta vừa thử bắt đầu đánh giá và nhìn nhận vấn đề với con mắt phê bình khắt khe, thì đùng một cái lại xảy ra điều gì đó chẳng ăn nhập gì với những đánh giá kia, và thế là mọi tiêu chuẩn luân lý tan ra thành mây khói, cả nền cộng hòa lẫn phong cách đẹp cũng chỉ đáng cho vào sọt rác…”
Chàng cứ lẩm bẩm một mình những điều không đầu không cuối như thể chính chàng cũng chẳng rõ mình muốn nói gì. Và lúc chia tay anh họ chàng chỉ liếc ngang với một câu “Tạm biệt” cụt ngủn, rồi ai vào phòng nấy lục tục sửa soạn ra ban công.
“Bao nhiêu?” Lát sau Joachim từ phía mình hạ giọng hồi hộp hỏi với sang, mặc dù chàng không thể nhìn thấy Hans Castorp lại lấy cây nhiệt kế ra đo… Và Hans Castorp trả lời giọng thản nhiên:
“Vẫn thế.”
Đúng là về tới phòng việc đầu tiên chàng làm là nhặt món tài sản xinh xinh mới mua sáng ngày từ bàn rửa mặt lên vẩy vẩy vài cái để xóa số đo 37,6 - con số đã làm xong trách nhiệm của nó - rồi cắm ngay vào miệng. Và với điếu xì gà thủy tinh vắt vẻo bên mép chàng ra nằm ngoài ban công như một tay lão luyện ở trên này. Nhưng trái với mong đợi, mặc dù chàng đã ngậm tới tám phút, Mercury không chịu bò lên cao hơn mà dừng lại ở đúng con số 37,6 - vẫn là sốt, nhưng không tăng so với hồi sáng. Sau bữa trưa sợi chỉ óng ánh bò lên tới 37,7; rồi buổi tối, lúc bệnh nhân đã kiệt sức vì những căng thẳng và hồi hộp phải trải qua suốt ngày, nó lại nằm lì ở 37,5; và sáng sớm hôm sau thậm chí chỉ còn 37 độ để đến gần trưa lại leo lên độ cao giống như ngày hôm trước. Chàng mang theo kết quả đáng ngại này xuống dự bữa ăn trưa, và bữa ăn càng gần tới hồi kết thúc thì giờ hẹn của chàng cũng nhích lại không gì cản nổi.
Sau này Hans Castorp nhớ lại rằng, bữa trưa hôm ấy Madame Chauchat xuất hiện trong một chiếc áo mới, chí ít cũng mới đối với chàng, màu vàng óng, cúc thật bự và túi có viền, khi bước vào phòng - vẫn đến muộn như thường lệ - cô ta lại dừng bước kiêu hãnh ngước mắt nhìn quanh một lượt, cử chỉ đã trở nên rất đỗi quen thuộc đối với Hans Castorp. Rồi, như mọi bữa năm lần một ngày, cô ta lướt êm ru về bàn, buông mình nhẹ nhàng ngồi xuống ghế và vừa vui vẻ chuyện trò vừa bắt đầu ăn. Cũng như mọi bữa Hans Castorp chống mắt đăm đăm nhìn về phía bàn Nga thượng lưu, lợi dụng khoảng trống sau lưng Settembrini ngồi ở đầu một chiếc bàn kê chéo giữa phòng, nhưng hôm nay với một mối quan tâm đặc biệt chàng ghi nhận từng động tác lúc cô ta quay đầu nói chuyện, ngắm nhìn cái gáy tròn trĩnh, tấm lưng cong mềm đến nao lòng. Về phần mình Madame Chauchat không ngoảnh lại một lần nào suốt bữa ăn. Có điều sau khi món tráng miệng đã được dọn gần sạch và chiếc đồng hồ quả lắc to tướng chạy dây cót treo ở đầu phòng bên phải, chỗ bàn Nga hạ lưu, gióng giả đánh lên hai tiếng, thì một sự kiện xảy ra âm thầm chấn động tâm can Hans Castorp: trong lúc đồng hồ ngân nga điểm chuông báo hai giờ, tiếng thứ nhất rồi tiếng thứ hai, bỗng người đẹp khoan thai quay đầu và một phần thân trên nhìn một cách công khai qua vai về phía bàn Hans Castorp - mà không phải là nhìn khơi khơi cả bàn chàng, không, rõ ràng ánh mắt có chủ đích của cô ta tìm kiếm chính chàng chứ không ai khác, môi thấp thoáng nụ cười mím chi và cặp mắt một mí của Přibislav thì như muốn nói: ‘Kìa? Tới giờ rồi. Anh không đi à?’ (ánh mắt nàng được chàng nghiễm nhiên dịch ra là ‘anh’, mặc dù chưa từng nghe dù chỉ một tiếng ‘ông’ từ cửa miệng nàng) - sự kiện, hay đúng ra là sự cố ấy làm Hans Castorp ngơ ngẩn một lúc như người mất hồn. Chàng không dám tin vào các giác quan của chính mình, cứ chĩa đôi mắt thất thần chiếu tướng cô ta mà chẳng thấy gì, cái nhìn chơi vơi vuột lên trán, lướt qua mái tóc rồi rơi vào khoảng trống phía trên đầu người đẹp. Cô ta biết chàng có hẹn đi khám lúc hai giờ hay sao? Cứ nhìn thái độ cô ta thì có vẻ như thế. Nhưng làm sao cô ta đoán được mới một phút trước đây chàng còn lưỡng lự không biết có nên nhờ Joachim chuyển lời tới ông cố vấn cung đình, rằng cơn cảm lạnh của chàng đã thuyên giảm rồi và chàng không cần phiền tới ông ta nữa: dự tính rút lui, trước vẻ quyến rũ của nụ cười dò hỏi kia, ngay lập tức mất đi mọi cơ sở và lập luận sáng suốt, trở nên phi lý và tàn tạ một cách thảm hại. Khoảnh khắc sau Joachim đặt tấm khăn ăn cuộn tròn xuống bàn, dướn chân mày ra dấu với chàng, nghiêng mình chào những người ngồi cùng bàn và đứng dậy đi ra. Hans Castorp, trong lòng đảo điên tinh tú quay cuồng, có cảm giác nụ cười và ánh mắt kia vẫn còn đè nặng lên mình, nhưng ngoài mặt cố giữ vẻ thản nhiên rảo bước theo anh ra khỏi phòng.
Từ sáng hôm qua đến giờ họ không trao đổi thêm lời nào về buổi hẹn hôm nay, và giờ đây họ cũng lẳng lặng đi bên nhau như theo một thỏa thuận ngầm. Joachim rảo bước: đã quá hai giờ, mà ông cố vấn Behrens ghét nhất là trễ hẹn. Từ phòng ăn họ đi dọc hành lang tầng trệt qua cửa ‘Văn phòng’, theo những bậc thang lót vải dầu sạch bóng ‘xuống’ tầng hầm. Joachim gõ mấy tiếng lên cánh cửa đầu tiên đối diện với cầu thang, một tấm bảng nhỏ bằng sứ gắn trên đó cho biết đây là phòng khám.
“Vào đi!” Behrens gọi vọng ra, nhấn mạnh chữ đầu tiên.
Ông cố vấn cung đình mặc áo choàng trắng đứng giữa phòng, tay phải cầm cái ống nghe màu đen gõ gõ liên hồi lên bắp vế.
“Nhảu nhảu lên”, ông ta bảo và hướng cặp mắt ốc nhồi về phía cái đồng hồ treo tường. “Un poco più presto, Signori![89] Chúng tôi sinh ra không phải chỉ để hầu hạ riêng quý ngài.”
Bác sĩ Krokowski ngồi bên chiếc bàn viết lớn kê cạnh cửa sổ, nhợt nhạt trong tấm áo đen, thờ ơ chống cùi chỏ xuống bàn, một tay cầm cọng bút lông, tay kia lùa vào chòm râu, trước mặt ngổn ngang một mớ giấy tờ có lẽ là bệnh án, uể oải đưa cặp mắt tối sầm kín như bưng nhìn những người mới bước vào, khinh khỉnh như một vĩ nhân trong vai phụ tá.
“Được rồi, đưa bảng hạnh kiểm đây!” Ông cố vấn cung đình sốt ruột cắt ngang những lời xin lỗi và thanh minh của Joachim, giật tập biểu đồ nhiệt độ trên tay chàng lướt mắt đọc, trong lúc bệnh nhân vội vã cởi áo để trần nửa thân trên và treo đồ lên cái giá áo dựng gần cửa. Không ai đếm xỉa đến sự hiện diện của Hans Castorp. Chàng đứng lóng ngóng một lát rồi lẳng lặng ngồi xuống chiếc ghế bành cổ lỗ sĩ tay dựa đính đầy tua kim tuyến, kế bên một cái bàn nhỏ trên để bình nước. Dọc theo các bức tường là những giá sách chất đầy sách y học gáy dày cồm cộp và từng chồng từng chồng hồ sơ. Ngoài ra trong phòng chỉ còn một chiếc đivăng phủ khăn trắng, có tay quay để nâng lên hạ xuống theo ý muốn, một tấm giấy bản trải lên đệm chỗ đầu ghế.
“Phẩy bảy, phẩy chín, phẩy tám”, Behrens xướng to trong lúc lật lật từng trang, trong đó Joachim đã trung thực ghi lại số đo nhiệt độ của mình, đủ năm lần một ngày. “Vẫn còn hơi dao động, Ziemßen thân mến, không thể bảo rằng từ bận khám gần đây tới giờ ông đã ổn định hơn.” (“Gần đây” là đã bốn tuần trước.) “Chưa giải độc, chưa sạch khuẩn”, ông ta bảo. “Nhưng dĩ nhiên không thể ngày một ngày hai mà sạch được, phù phép không phải là chuyên môn của chúng tôi.”
Joachim nhẫn nhục gật đầu và nhún đôi vai trần, mặc dù chàng cũng có thể cãi lại rằng chàng lên đây không phải mới chỉ từ hôm qua.
“Thế cuống phổi bên phải, chỗ có tiếng rít ấy, còn đau nữa không? Khá hơn rồi? Nào, mời ông lại gần đây! Để tôi trân trọng gõ thử xem nào.” Và thủ tục nghe ngóng bắt đầu.
Ông cố vấn Behrens đứng chàng hảng, người hơi ngửa ra sau, ống nghe kẹp dưới nách, đầu tiên gõ gõ bên trên vai phải Joachim, khi gõ chỉ gục gặc cườm tay phải với ngón tay giữa khổng lồ được dùng làm búa, có bàn tay trái chặn giữ. Rồi ông ta gõ dần từ bả vai xuống dưới lưng, chuyển sang mạn sườn, và Joachim, rõ ràng đã được huấn luyện đến nơi đến chốn, nhấc cao cánh tay để ông ta gõ cả dưới nách. Rồi quá trình ấy được lặp lại ở bên trái, gõ xong ông cố vấn cung đình ra lệnh “Đằng sau quay!” để chuyển sang gõ trước ngực. Ở đây ông ta gõ ngay dưới cổ chỗ xương quai xanh, từ trên xuống dưới, từ phải qua trái. Khi đã gõ chán chê ông ta quay ra nghe, tai áp vào miệng ống nghe, đầu kia đặt lên lưng lên ngực Joachim rà đi rà lại những chỗ ông ta vừa gõ lúc trước. Trong khi ấy Joachim phải thở mạnh và rặn ra ho, có vẻ như chàng mệt lắm vì hơi thở của chàng trở nên đứt đoạn và mắt rân rấn nước. Ông cố vấn Behrens xướng to kết quả nghe ngóng của mình bằng vài từ ngắn gọn để ông trợ lý bên bàn ghi lại, thủ tục này làm Hans Castorp bất giác nghĩ đến cách làm việc của một ông thợ may, khi lấy số đo cho khách hàng cũng phải dùng thước dây đo chỗ này chỗ kia quanh mình và dọc tay chân ông khách sang trọng, rồi lớn tiếng đọc những con số đo được cho người giúp việc ngồi còng lưng chép. “Ngắn”, “rất ngắn”, ông cố vấn Behrens đọc. “Điều hòa”, ông ta bảo, và lặp lại lần nữa: “Điều hòa” (có vẻ như thế là tốt). “Gắt”, ông ta bảo và nhăn mặt. “Gắt quá.”
“Có tiếng rít.” Và bác sĩ Krokowski ghi chép tất cả lên giấy, như anh phó may ghi số đo cho bác thợ cả.
Hans Castorp nghiêng đầu theo dõi quá trình khám, đăm chiêu chìm vào việc quan sát thân thể Joachim, nhìn những rẻ xương sườn (ơn Chúa anh chàng còn đủ cả xương sườn) vồng lên dưới làn da căng trong khi bụng hóp lại, cố gắng thở mạnh cho vừa ý ông cố vấn cung đình - tấm thân thanh xuân còn chưa phát phì, làn da ngà ngà loáng thoáng lông đen trên mỏ ức và hai cánh tay cuồn cuộn bắp, một bên cườm tay đeo sợi dây chuyền vàng. Hai cánh tay vận động viên thể dục, Hans Castorp nghĩ bụng; anh ấy rất chăm tập xà, trong khi mình thấy cái trò ấy chẳng có gì là hay ho, có lẽ tập luyện gắn liền với ước mơ phục vụ trong quân ngũ của anh ấy. Từ trước tới nay anh ấy rất chú trọng rèn luyện thân thể, thật chẳng bù cho mình, nhưng thực ra mỗi người mỗi khác; vì mình là người dân sự, mình đánh giá cao sự nghỉ ngơi ngoài bãi tắm và thú ẩm thực, trong khi anh ấy lao theo những thử thách và thành tích nam nhi. Và giờ đây, hoàn toàn ngoài dự tính, cơ thể anh ấy tỏ rõ tầm quan trọng của mình, nó tự thân vận động theo ý mình và là mối bận tâm chính của nhiều người, trở nên quan trọng vì bệnh tật. Nó đẹp như tranh nhưng không chịu giải độc và ổn định chức năng hoạt động, mặc cho Joachim tội nghiệp khao khát được xuống đồng bằng làm chiến sĩ. Cứ nhìn xem, anh ấy vươn cao người thật không khác gì bức tượng thần Apollo Belvedere[90] in trong sách, chỉ trừ mái tóc. Nhưng cái thân thể đẹp đẽ ấy bên trong ủ đầy mầm bệnh và bên ngoài nhiệt độ cao hơn mức bình thường; bệnh tật làm cho con người vật chất hơn, khiến người ta chỉ còn là vật chất… Nghĩ đến đây chàng giật mình đưa mắt lướt nhanh từ bộ ngực trần của Joachim lên đôi mắt, đôi mắt to đen dịu dàng của người anh, nhòa lệ vì cố gắng thở và ho theo lệnh, đôi mắt với nét buồn u uất trong suốt thời gian khám bệnh trân trân nhìn vào khoảng trống trên đầu vị khán giả bất đắc dĩ.
Cuối cùng ông cố vấn Behrens cũng khám xong.
“Thôi, được rồi, Ziemßen”, ông ta bảo. “Tạm ổn ở mức độ này. Lần sau” (tức là bốn tuần nữa) “chắc chắn sẽ khá hơn.”
“Thưa ông cố vấn cung đình, khoảng bao lâu…”
“Ông lại kì kèo nữa hử? Ở tình trạng hâm hấp thế này ông làm sao mà hành hạ lính mới được! Mới đây tôi đã bảo là nửa năm nữa - ông cứ việc tính lại từ bây giờ trở đi, nhưng phải biết rằng đấy là thời hạn tối thiểu. Xét cho cùng cuộc sống ở đây đâu đến nỗi tệ, ông phải lịch sự mà thừa nhận như thế chứ. Chúng tôi đâu phải nhà ngục Bagno[91] hay… trại khổ sai Siberia[92]! Hay là ông có ý đánh đồng chúng tôi với những nơi ấy? Được rồi, Ziemßen! Nghỉ! Nào tiếp theo, ai thích khám nữa thì xin mời!” Ông ta lớn tiếng gọi một lèo, mắt ngước lên trời chẳng nhìn ai, tay dang ra chìa cái ống nghe về phía bác sĩ Krokowski, ông này nhổm dậy cầm lấy để nghe ngóng Joachim thêm một chút theo đúng lẽ một tay trợ lý.
Cả Hans Castorp cũng chồm dậy, mắt dán chặt vào ông cố vấn Behrens, ông này vẫn đứng chàng hảng, miệng hơi hé mở, có vẻ như đang đắm mình suy nghĩ cái gì rất lung, và chàng bắt đầu vội vàng cởi bỏ y phục để được khám. Chàng vội quá hóa ra luống cuống, lúc kéo chiếc áo sơmi lấm chấm cài măngsét qua đầu vướng mất một lúc không chui ra được. Rồi chàng đứng lóng ngóng trước mặt Behrens, trần nửa người, tấm thân mảnh khảnh trắng nõn với những cọng lông vàng óng - hình thể chàng cũng có vẻ dân sự hơn Joachim Ziemßen.
Nhưng ông cố vấn cung đình cứ để kệ chàng đứng thế hồi lâu, vẫn có vẻ chìm sâu trong suy tưởng. Bác sĩ Krokowski đã ngồi vào chỗ cũ và Joachim đã bắt đầu mặc lại áo thì Behrens mới quyết định để mắt đến cái người còn thích khám nữa đứng trước mặt mình.
“A, thì ra là ông!” Ông ta bảo, đưa bàn tay khổng lồ nắm lấy cánh tay chàng chỗ gần vai đẩy ra xa một chút nheo mắt ngắm nghía. Ông ta không nhìn vào mặt chàng như người với người vẫn nhìn khi đứng trước mặt nhau, mà nhìn vào thân thể chàng, lật qua lật lại người chàng như lật một đồ vật và chăm chú quan sát cả phía sau lưng. “Hừm”, ông ta bảo.
“Nào, để xem ông có cái gì nào.” Và ông ta bắt đầu gõ.
Ông ta gõ khắp nơi, như vừa mới gõ Joachim, ở một vài vị trí còn quay trở lại gõ tới mấy lần. Ông ta cứ gõ đi gõ lại như thế một lúc lâu, để so sánh lại gõ phía trên xương quai xanh trái và xuống dưới một tí.
“Ông nghe thấy không?” Ông ta hỏi với về phía bác sĩ Krokowski… Và bác sĩ Krokowski, ngồi bên bàn viết cách đó dăm bước, gục gặc đầu tỏ ý có nghe thấy: nét mặt đầy vẻ nghiêm trọng ông ta hạ cằm xuống thấp đến nỗi chòm râu bị đè vào ngực vểnh lên.
“Thở sâu! Ho!” Ông cố vấn cung đình ra lệnh, lúc này đã lại thấy ông ta cầm chiếc ống nghe trên tay; và Hans Castorp vất vả tuân lệnh, có dễ đến tám hay mười phút đồng hồ, trong khi ông cố vấn nghe ngóng. Ông ta không nói thêm lời nào, rà đi rà lại chiếc ống nghe chỗ này chỗ nọ và căng tai nghe ở những chỗ lúc nãy ông ta vừa mới gõ. Rồi ông ta cặp chiếc ống nghe vào nách, chắp hai tay ra sau lưng, nhìn xuống sàn chỗ giữa chân mình và chân Hans Castorp.
“Thế này, Castorp”, ông ta cất tiếng - và đấy là lần đầu tiên ông ta gọi chàng trai trẻ đơn giản chỉ bằng họ - sự thể đại loại như tôi đã ngờ từ trước. Tôi đã để mắt đến ông từ lâu, Castorp, bây giờ thì tôi có thể nói chắc chắn - thực ra ngay từ đầu, từ khi tôi có cái hân hạnh không xứng đáng là được làm quen với ông, tôi đã ngờ rằng ông là một người thuộc về trên này, cũng như một vài người khác chỉ lên đây để thỏa trí tò mò và bắc bậc kiêu kỳ dòm ngó chỗ này chỗ kia, cho đến một ngày họ thình lình được biết ở lại thì tốt hơn cho họ - không phải chỉ đơn thuần là ‘tốt hơn’ thôi đâu, xin ông hiểu đúng ý tôi - nói trắng ra là nên bỏ cung cách tò mò của khách vãng lai mà ở lại đây điều trị.”
Hans Castorp đổi sắc mặt, còn Joachim, đang cài cúc sợi dây đeo quần, ngừng tay ngẩn người giữ nguyên tư thế lắng nghe…
“Ông may mắn có một người anh họ đàng hoàng dễ mến”, ông cố vấn cung đình tiếp tục, đầu hất về phía Joachim, người đu đưa nhún nhảy từ mũi đến gót chân, “một người có hy vọng sớm khỏi bệnh, nhưng cho đến lúc chúng ta đã đạt được kết quả ấy thì phải biết rằng ông ấy vẫn có tiền sử bệnh tật, ông anh họ quý hóa của ông, và điều đó rọi một tia sáng a priori[93], như nhà tư tưởng của chúng ta vẫn nói, vào trường hợp của ông, Castorp thân mến…”
“Anh ấy chỉ hơi liên quan huyết thống với tôi thôi, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Nào, nào, ông lại định chối bỏ cả họ hàng hay sao. Hơi dây mơ rễ má một chút cũng là có họ. Họ bên đằng nội hay bên ngoại?”
“Bên đằng ngoại, thưa ông cố vấn cung đình. Mẹ anh ấy là chị cùng cha khác mẹ…”
“Còn bà cụ thân sinh ra ông vẫn mạnh giỏi?”
“Không, mẹ tôi mất rồi. Mẹ tôi qua đời từ khi tôi còn nhỏ.”
“Ôi, cho phép tôi được hỏi vì sao?”
“Vì chứng tắc nghẽn mạch máu, thưa ông cố vấn cung đình.”
“Tắc nghẽn mạch máu? Thôi được, chuyện cũng đã lâu rồi. Còn ông cụ thân sinh ra ông?”
“Cha tôi mất vì bệnh sưng phổi”, Hans Castorp đáp. “Cả ông nội tôi cũng vậy”, chàng chêm vào.
“Lại cả ông nội nữa? Nhưng thôi, lục vấn ông về tổ tiên thế đủ rồi. Còn bản thân ông, từ trước tới giờ ông vẫn bị thiếu máu phỏng? Nhưng khi làm việc chân tay hay trí óc ông có chóng mệt không? Có à? Tim có đập nhanh không? Gần đây mới bị à? Được lắm, ngoài ra lại còn đặc biệt ưa thích viêm đường hô hấp nữa chứ. Ông có biết trước đây ông đã từng mắc bệnh lao không?”
“Tôi?”
“Phải, ông. Tôi dò ra được tổ con chuồn chuồn rồi. Ông có nghe ra sự khác biệt này không?” Và ông cố vấn cung đình lần lượt gõ một chỗ phía trên ngực trái chàng rồi xuống thấp một quãng.
“Vâng, ở trên tiếng hơi đục hơn ở chỗ kia”, Hans Castorp rụt rè.
“Tuyệt, ông nên trở thành chuyên gia bộ môn này. Đó là một chỗ đã bị xơ hóa, một ổ bệnh cũ, nơi các mô tế bào đã bị vôi hóa, bị thành sẹo, ông muốn gọi thế nào cũng được. Ông là một cựu bệnh nhân, Castorp, nhưng nói thế không có nghĩa là chúng tôi muốn chê trách ai đó, chỉ vì ông không được biết chân lý này từ trước. Chẩn đoán sớm không phải là dễ, nhất là đối với các quý đồng nghiệp ở dưới đồng bằng. Tôi không muốn bảo rằng chúng tôi có đôi tai thính hơn, mặc dù được luyện tập thường xuyên dĩ nhiên phải khác. Nhưng đúng ra là không khí giúp chúng tôi nghe rõ hơn, ông hiểu không, bầu không khí khô và loãng ở trên này.”
“Vâng, dĩ nhiên rồi”, Hans Castorp đáp xã giao.
“Tốt lắm, Castorp. Giờ ông hãy căng tai lên nghe tôi nói đây, ông bạn trẻ, tôi muốn ngỏ vài lời vàng ngọc cùng ông. Giả sử như không có chuyện gì, ông hiểu không, những chỗ bị xơ và thành sẹo trong cái túi thần gió Aiolos nhồi vào ngực ông[94] cũng như những chỗ vôi hóa không giở chứng, nếu thế thì tôi có thể để mặc cho ông về lại quê cha đất tổ mà chẳng phải bận tâm suy nghĩ gì thêm, ông hiểu ý tôi chứ? Nhưng cứ như tình trạng ông hiện nay, với phát hiện của tôi khi khám cho ông, thêm vào đó ông lại tình cờ đến đúng viện chúng tôi - Hans Castorp thân mến, cứ thế này thì ông chẳng nên mất công về nhà làm gì, sớm muộn gì ông cũng sẽ phải quay trở lại đây thôi.”
Hans Castorp cảm thấy máu dồn về tim khiến nó lại đập thình thình, và Joachim vẫn đứng sững sờ, tay đặt trên chiếc cúc đính ở lưng quần, cụp mắt nhìn xuống.
“Bởi vì ngoài những vết sẹo cũ”, ông cố vấn cung đình bồi thêm, “phía trên bên trái ngực ông còn có một chỗ tiếng kêu hơi gắt, gần như là tiếng rít rồi, chỗ ấy còn tươi rói - tôi chưa muốn nói rằng đó là một ổ bệnh di căn, nhưng chắc chắn đó là một chỗ ướt, và nếu như ông cứ điềm nhiên về sống dưới kia như từ trước tới giờ, ông bạn thân mến, chẳng chóng thì chầy lá phổi của ông cũng sẽ đi đời nhà ma.”
Hans Castorp đứng lặng không nhúc nhích, mép chàng giật giật một cách lạ lùng, và người ta có thể nhìn thấy trái tim chàng phập phồng dưới những rẻ xương sườn. Chàng nhìn sang phía Joachim, nhưng không tìm thấy ánh mắt người anh, nên lại quay trở về gương mặt tím xanh của ông cố vấn cung đình, với đôi mắt ốc nhồi cũng màu xanh, và hàng ria mép bên cụp bên xòe.
“Một chứng cớ khách quan nữa”, Behrens vẫn tiếp tục, “là nhiệt độ cơ thể ông: 37 độ 6 từ mười giờ sáng, nhiệt độ ấy tương ứng với những triệu chứng cấp tính.”
“Tôi cứ tưởng”, Hans Castorp cất giọng khản đặc, “tôi sốt vì bị cảm lạnh.”
“Thế vì sao ông bị cảm lạnh?” Ông cố vấn cung đình đập lại… “Do đâu có trận cảm lạnh này? Ông nghe đây, Castorp, và nghe cho kỹ vào, tôi biết rằng ông có thừa nếp nhăn trên vỏ não. Thế này nhé, không khí ở trên này, như ông biết đấy, có tác dụng chữa bệnh, phải không? Nhưng không khí ấy cũng thuận lợi cho chính bệnh tật, ông hiểu không, nó làm đảo lộn hoạt động của cơ thể và tạo điều kiện cho mầm bệnh vẫn ẩn náu trong đó đột phát ra, tôi nói ông đừng buồn, nhưng trận cúm này của ông chính là một cơn đột phát như thế. Tôi không biết ở dưới kia ông đã sốt chưa, nhưng chắc chắn ngay ngày đầu tiên đặt chân đến đây ông đã sốt rồi chứ không phải đến khi cảm lạnh như ông tưởng. Đấy là nhận định của tôi.”
“Vâng”, Hans Castorp đáp, “vâng, tôi cũng ngờ là như vậy.”
“Có lẽ ông đã choáng váng từ khi ấy”, ông cố vấn cung đình tấn công thêm. “Nguyên nhân là bởi những độc tố do vi khuẩn giải phóng ra tác động lên hệ thần kinh trung ương, ông hiểu không, và cơ thể đáp lại bằng hơi nóng bốc lên gò má. Ông phải lập tức lên giường nằm yên vài tuần, Castorp, để xem sau đó ông có dứt sốt không. Tiếp tục thế nào thì hạ hồi phân giải. Chúng tôi sẽ chụp hình lục phủ ngũ tạng ông - chắc chắn ông sẽ lấy làm thú lắm, đã mấy ai được nhìn thấy lòng dạ bên trong người mình. Có điều tôi phải nói ngay để ông được rõ: trường hợp của ông không thể ngày một ngày hai mà khỏi được đâu, đừng có tin những quảng cáo về phép lạ chữa bệnh. Tôi có cảm giác ông là một bệnh nhân biết điều, nhiều năng khiếu hơn cái ông tướng tư lệnh kia, vừa hạ được một hai vạch là đã nhấp nhổm đòi xuống núi. Cứ làm như nghiêm mới là mệnh lệnh còn nghỉ thì không! Án binh bất động là nhiệm vụ hàng đầu của toàn dân[95], nóng vội chỉ có hại. Thế nên ông đừng làm tôi thất vọng, Castorp, ông hãy chứng tỏ rằng tôi có con mắt nhìn người thực sự tinh đời! Thôi, mời các ông về chuồng!”
Ông cố vấn Behrens kết thúc bài diễn thuyết của mình như vậy rồi ngồi phịch xuống bên bàn viết, vì là người bận trăm công ngàn việc nên ông phải lấp đầy khoảng thời gian chờ bệnh nhân tiếp theo bằng cách vùi đầu vào đống giấy tờ. Bác sĩ Krokowski ngược lại nhổm dậy bước tới bên Hans Castorp và, đầu ngoẹo sang bên, một tay đặt lên vai chàng trai trẻ, tay kia đưa ra bắt thật chặt tay bệnh nhân mới với nụ cười cương nghị để lộ những chiếc răng vàng trong chòm râu đen.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần