Có tiền và có những thứ tiền có thể mua được là điều tốt, tuy nhiên, đôi khi cũng nên xem lại và đảm bảo rằng mình không mất những thứ mà tiền không mua được.

George Horace Lorimer

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Hồ Nghi Và Cân Nhắc
hứ ba là ngày nhân vật chính của chúng ta ở thăm trên này được trọn một tuần, và vì thế khi trở về phòng sau cuộc dạo chơi buổi sáng chàng thấy một tấm hóa đơn để trên bàn, hóa đơn viện phí tuần đầu tiên của chàng, một văn bản thương mại đúng quy củ đựng trong cái phong bì màu xanh dán kín, viết trên mẫu giấy đặc biệt với biểu tượng của viện an dưỡng ở đầu trang (là hình dãy nhà chính chạy dài hết bề ngang) và dọc theo lề bên trái trang trí bằng một cột chữ in bay bướm những đoạn trích dẫn từ tờ quảng cáo, trong đó “điều trị tâm lý bằng phương pháp hiện đại nhất” cũng được đề cập đến. Những dòng chữ viết tay nắn nót ở giữa cho biết số tiền chàng phải trả suýt soát 180 franc Thụy Sĩ, bao gồm tiền phục vụ tính chung với chăm sóc y tế 12 franc và tiền phòng 8 franc một ngày, ngoài ra ở mục “Tiền nhập viện” thấy liệt kê 20 franc, chi phí tiệt trùng phòng 10 franc, cộng thêm những phụ phí lặt vặt cho giặt giũ, bia trong các bữa ăn và chai rượu hôm mới tới gộp lại làm tròn thành tổng số ấy.
Sau khi cùng Joachim kiểm tra phép cộng trong hóa đơn Hans Castorp thấy không có gì đáng phàn nàn cả. “Thực ra tớ không sử dụng đến các biện pháp chăm sóc y tế ở đây”, chàng bảo, “nhưng đấy là tại tớ không muốn, họ đã tính gộp chung vào tiền phục vụ rồi, tớ không thể đòi họ trừ riêng ra khoản ấy, làm sao mà chiều ý từng người được? Chi phí tiệt trùng họ tính cắt cổ, với 10 franc thuốc sát trùng thì có xông hương cho một chục cô người Mỹ cũng không thể hết được. Nhưng nhìn chung tớ phải công nhận là họ tính thế vẫn còn rẻ so với mức sinh hoạt vương giả ở đây.” Và hài lòng với kết luận ấy, trước khi dự bữa điểm tâm thứ hai trong ngày hai người tìm đến ‘Văn phòng’ để thanh toán.
‘Văn phòng’ nằm ngay dưới tầng trệt: ở đầu bên kia đại sảnh, chỗ giá treo mũ áo, nếu ta cứ theo hành lang đi qua khu vực bếp ăn thì không thể lạc được, nhất là ngoài cửa phòng còn treo một tấm bảng bằng sứ tráng men đề rõ “Phòng quản trị”. Ở đó Hans Castorp được ném một cái nhìn tò mò vào trong lòng bộ máy hành chính của an dưỡng đường. Đúng là một văn phòng kế toán chính cống: một cô thư ký đang ngồi gõ máy chữ, ba anh nhân viên văn thư gò lưng trên bàn viết, ở gian trong một ông dáng đạo mạo như giám đốc ngồi làm việc bên một cái quầy có nhiều ngăn kéo đựng hồ sơ, và chỉ liếc nhìn khách hàng bằng một ánh mắt lạnh lùng qua góc mục kỉnh. Trong khi đợi người ta đổi tiền, thối lại, viết biên lai, hai người khách giữ im lặng một cách nghiêm trang, thậm chí hơi kính cẩn, như thái độ của những người Đức trẻ tuổi khi có việc nơi cửa công, một sự tôn trọng tuyệt đối dành cho bộ máy chính quyền; nhưng ra khỏi cửa, trên đường tới phòng ăn và cả ngày hôm ấy họ còn trao đổi rất nhiều về vấn đề quản lý của ‘Sơn trang’, chủ yếu là Joachim, người đã có thể được coi là bản xứ sau mấy tháng trời ở trên này, tận tình trả lời các câu hỏi tò mò của cậu em họ.
Ông cố vấn cung đình Behrens thực ra không phải là chủ sở hữu viện điều dưỡng - mặc dù người ta rất dễ hiểu lầm như vậy. Trên dưới ông ta còn tồn tại nhiều thế lực vô hình, chỉ hãn hữu xuất đầu lộ diện trong việc điều hành tổ chức: một ban quản trị, một hội đồng cổ đông mà nếu được là thành viên của họ thì sướng như chuột sa chĩnh gạo, vì theo lời cam đoan rất đáng tin cậy của Joachim, mặc dù theo các nguyên tắc kinh doanh khá tự do và trả lương cho các bác sĩ rất hậu mỗi năm họ vẫn có thể chia nhau một khoản tiền lời kếch xù. Thế tức là ông cố vấn cung đình không có quyền tự tung tự tác, ông ta chỉ là một người đại diện, nắm một địa vị then chốt nhưng xét cho cùng vẫn chỉ là một nhân viên chịu sự chỉ định của cấp trên. Tuy nhiên ông ta vẫn được coi là người đứng đầu và cấp trên cao nhất của cơ sở này, linh hồn của cả viện, có ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động ở viện và cả các quyết định của ban giám đốc, tất nhiên với cương vị bác sĩ trưởng ông ta không thèm nhúng tay vào lĩnh vực điều hành kinh doanh. Xuất thân từ vùng tây bắc Đức, nghe nói trái với mọi dự tính và kế hoạch tương lai ông ta tình cờ lọt vào vị trí này từ nhiều năm trước, nhờ bà vợ mà nắm xương tàn nay đã yên nghỉ trong nghĩa địa ‘Làng’, - chính là cái nghĩa trang thơ mộng của Làng Davos nằm trên sườn núi bên phải, xế xế cửa thung lũng. Bằng vào những tấm ảnh chụp bày la liệt khắp nơi trong căn hộ riêng của ông cố vấn cung đình và những bức họa sơn dầu treo trên tường, tác phẩm của chính bàn tay ông, thì thuở sinh thời bà Behrens hẳn phải là một giai nhân, mặc dù đôi mắt ngơ ngác quá to và dáng vẻ liễu yếu đào tơ gió thổi cũng bay. Sau khi sinh hạ cho ông hai người con, một trai một gái, bà phải đưa tấm thân bị những cơn sốt hành hạ gầy mòn lên đây điều trị, nhưng chưa được bao lâu đã vội nhắm mắt xuôi tay. Người ta kể rằng, tổn thất to lớn ấy khiến Behrens, người từ trước tới nay vốn rất mực tôn thờ vợ, bị mất thăng bằng một thời gian, trở nên trầm uất và có những biểu hiện kỳ lạ như nói cười một mình và hoa tay múa chân ngoài phố. Ông ta không quay trở về cố hương nữa, mà quyết định ở lại đây: hẳn một phần vì không muốn xa rời nấm mộ người vợ yêu; nhưng lý do chủ yếu rõ ràng kém lãng mạn hơn nhiều, đó là bản thân ông ta cũng đã nhiễm bệnh và nhờ có kiến thức y học ông ta hiểu rằng môi trường trên này đơn giản là phù hợp nhất cho sức khỏe của mình. Vậy là ông ta định cư luôn tại đây, trở thành một trong những vị lương y chữa trị cho người nhưng đồng thời lại cũng đồng hội đồng thuyền với con bệnh; những người này, vừa là thầy thuốc vừa là bệnh nhân, bất kể mang trong mình bệnh gì, không có được vị thế tự do của người khỏe mạnh để đấu tranh chống lại bệnh tật, mà đã bị đóng dấu bệnh tật lên chính bản thân mình - một trường hợp đặc biệt nhưng chẳng phải là cá biệt, và không nghi ngờ gì nữa trong hoàn cảnh ấy họ có cả lợi thế lẫn những bất lợi đáng phải suy nghĩ. Sự đồng cảnh ngộ dẫn đến cảm thông giữa bác sĩ và bệnh nhân là một ưu điểm lớn, và như người ta vẫn nói, chỉ có kẻ đồng cam cộng khổ mới có khả năng lãnh đạo và cứu vớt những người đau khổ. Nhưng liệu trí tuệ và hiểu biết có thể vượt lên thống trị một sức mạnh mà chính nó đã bị khuất phục và phải làm nô lệ? Liệu những người đã phải phục tùng sức mạnh của bệnh tật có tự giải phóng mình và giải phóng người khác được không? Chữa bệnh mà lại mắc bệnh, đó là một điều khúc mắc đối với những tâm hồn mộc mạc, là một hình ảnh đầy nghi vấn. Rất có thể hiểu biết của ông ta về bệnh tật qua kinh nghiệm bản thân chẳng những không được bổ sung và củng cố theo chiều hướng tích cực mà lại bị vẩn đục và trở nên lẫn lộn? Ông ta không thể mặt đối mặt với bệnh tật như một đối thủ khách quan, ông ta đã mang trong mình mầm mống thiên vị, đã đặt một chân qua ranh giới giữa hai phe; và người ta phải thận trọng tự hỏi, liệu một người thuộc thế giới bệnh tật có khả năng cứu chữa hay là giúp đỡ bệnh nhân theo đúng nghĩa y học như một người hoàn toàn khỏe mạnh không…
Tất cả những hồ nghi và cân nhắc ấy Hans Castorp giãi bày với Joachim theo cách nói của mình khi câu chuyện giữa họ xoay quanh ‘Sơn trang’ và các bác sĩ điều trị ở đây, nhưng người anh chỉ phản bác rằng, người ta không biết liệu bây giờ ông cố vấn cung đình Behrens có còn thuộc về thế giới bệnh tật nữa hay không - rất có thể ông ta đã khỏi hẳn rồi. Ông ta khởi đầu sự nghiệp ở đây đã từ lâu, một thời gian dài ông ta hành nghề tự do tại phòng mạch tư của mình, và mau chóng nổi danh là một chuyên gia điều trị phổi có đôi tai chuẩn bệnh thính và bàn tay phẫu thuật tài ba. Rồi ‘Sơn trang’ mồi chài được ông ta vào chức vụ này, từ bấy đến nay đã gần một thập kỷ số phận ông ta gắn liền với viện an dưỡng… Ông ta được dành riêng một căn hộ ở cuối đầu hồi phía tây bắc của tòa nhà này (bác sĩ Krokowski cũng ngụ gần đó), và người đàn bà dòng dõi quý tộc lâu đời, bà y tá trưởng bị Settembrini chế nhạo bằng những lời cay độc và Hans Castorp mới chỉ thoáng thấy từ xa, là người cai quản tay hòm chìa khóa cho cuộc sống giản tiện của người đàn ông góa vợ. Ông cố vấn cung đình sống một mình, vì cậu con trai đang học đại học ở Đức còn cô con gái đã lấy chồng: cô ta kết hôn với một luật sư ở vùng Thụy Sĩ nói tiếng Pháp. Thi thoảng cậu công tử Behrens về thăm cha vào mấy kỳ nghỉ, trong thời gian Joachim ở đây sự kiện trọng đại này đã xảy ra một lần, và theo lời chàng các quý bà trong viện phát cuồng hết cả lên: ghen tuông cãi vã cứ như cơm bữa trong các gian nằm điều dưỡng chung, và người ta chen lấn nhau đợi tới giờ điều trị đặc biệt của bác sĩ Krokowski…
Ông bác sĩ trợ lý có hẳn một phòng khám riêng nằm trong khu điều trị gồm phòng khám lớn, phòng xét nghiệm, phòng phẫu thuật và phòng chiếu X quang ở dưới tầng hầm. Gọi là tầng hầm vì những bậc thang từ tầng trệt dẫn xuống dưới làm ta có cảm giác đi sâu vào lòng đất, nhưng thực ra đó chỉ là sự đánh lừa cảm giác. Vì thứ nhất, tầng trệt nằm cao hẳn lên cách mặt đất tới nửa tá bậc tam cấp, và thứ hai, tòa nhà được xây cất trên sườn núi dốc, ‘tầng hầm’ chỉ dựa lưng vào núi còn thì quay mặt ra phía ngoài nhìn xuống thung lũng và có lối đi ra vườn. Đặc điểm này làm rối loạn khả năng định vị của ta và loại trừ tác dụng cũng như ý nghĩa của cầu thang. Vì ai cũng tưởng rằng mình đi từ mặt đất theo các nấc thang xuống dưới, nhưng tới nơi mới vỡ lẽ ra rằng tầng dưới cũng vẫn nằm trên mặt đất, hoặc cùng lắm chỉ thấp hơn vài tấc - đó là một ấn tượng ngộ nghĩnh đối với Hans Castorp, một buổi chiều nọ khi chàng theo anh họ ‘xuống dưới hầm’ để tẩm quất. Cả tầng này được trần thiết sáng sủa và vệ sinh đúng theo tiêu chuẩn bệnh viện; đâu đâu cũng tuyền một màu trắng vô trùng, cách cánh cửa quét sơn trắng toát, kể cả cánh cửa phòng khám của bác sĩ Krokowski trên đó có tấm danh thiếp đề tên nhà khoa học ghim sơ sài bằng một cây đinh, và không hiểu sao lại thụt sâu thấp hơn mặt sàn hành lang thêm hai nấc thang, khiến căn phòng nấp sau đó mang đầy đủ tính chất một gian hầm. Cánh cửa ấy nằm phía bên phải cầu thang, tận cuối lối đi, và là đối tượng quan tâm đặc biệt của Hans Castorp trong lúc chàng đi đi lại lại dọc hành lang đợi Joachim tẩm quất. Chàng bắt gặp một người từ đó bước ra, một phụ nữ mới nhập viện chưa bao lâu mà chàng không biết tên, dáng người nhỏ nhắn mảnh dẻ với những lọn tóc xoăn trước trán và đôi khuyên tai vàng. Bà ta cúi rạp người bước lên hai bậc thang, một tay nhấc váy, bàn tay kia đeo đầy nhẫn giữ khư khư một tấm khăn tay che trước miệng, và trong tư thế lom khom ấy bà ta ngước cặp mắt mở to có đôi con ngươi sáng màu hướng cái nhìn thất thần lên không trung. Cứ thế bà ta bước líu ríu tới cầu thang, xống áo cọ vào nhau sột soạt, thình lình đứng sững như chợt nhớ ra điều gì, lát sau lại líu ríu cất bước đi như chạy rồi khuất dạng trên lồng cầu thang, vẫn lom khom cúi rạp với chiếc khăn tay che miệng.
Sau lưng bà ta cánh cửa mở ra một thoáng cho thấy khung cảnh trong phòng tối tăm khác hẳn ngoài hành lang trắng toát: chừng như bầu không khí bệnh viện dưới tầng hầm này không lọt được vào tới trong ấy; Hans Castorp có cảm tưởng chỉ có ánh sáng lờ mờ và bóng tối nhá nhem ngự trị trong phòng phân tích tâm lý của bác sĩ Krokowski.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần