Bạn không thể tạo dựng thanh thế bằng những gì bạn SẼ làm.

Henry Ford

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Thử Trò Chuyện Bằng Tiếng Pháp
úng là không thể bảo rằng Hans Castorp đã hội nhập, một mặt chàng không thể nắm được hết mọi điều về đời sống trên này với tất cả những khía cạnh lạ lùng của nó trong vài ba ngày, như chàng tự nhủ (và thẳng thắn thú nhận cả với Joachim), sau ba tuần chắc cũng chưa thể nắm hết được; mặt khác cơ thể chàng khăng khăng không chịu thích nghi với điều kiện khí hậu quá đỗi đặc biệt của “trên này”, lúc nào chàng cũng thấy người bứt rứt, thần kinh căng thẳng, và theo cảm tưởng của chàng, quá trình thích nghi có vẻ như vẫn không muốn bắt đầu cho.
Nhịp điệu ngày thường được phân chia rõ ràng và tổ chức chu đáo, cứ theo đúng lịch sinh hoạt của viện người ta sẽ nhanh chóng hình thành thói quen và tự động giờ nào việc ấy. Tuy nhiên nếu tính rộng ra cả tuần hoặc cho một đơn vị thời gian lớn hơn thì lại có những thay đổi đều đặn, mà người ta dần dần mới được làm quen, sự kiện này diễn ra lần đầu trong khi sự kiện kia đã lặp lại; và Hans Castorp có điều kiện làm quen dần từng bước với các chi tiết của ngày thường, cả gương mặt lẫn sự kiện, nhất là có thể quan sát tường tận hơn những điều mắt thấy tai nghe và tiếp thu cái mới với sự háo hức của tuổi trẻ.
Ví dụ những chiếc bình bụng to cổ rụt để ngoài hành lang trước cửa một vài phòng bệnh mà chàng đã để ý tới ngay buổi tối đầu tiên đặt chân lên đây, theo lời giải thích của Joachim là bình đựng khí ôxy. Trong đó toàn là ôxy tinh khiết, sáu franc một bình, dưỡng khí này được truyền qua một cái ống tiếp cho người hấp hối nhằm mục đích duy trì và kéo dài mạng sống thêm giây lát. Vì đằng sau những cánh cửa có các bình khí ôxy đứng canh gác là những người đã thập tử nhất sinh, các ca “moribundi”[55] theo cách nói của ông cố vấn cung đình Behrens, Hans Castorp học được trong một lần chạm trán với ông ta ở tầng hai, lúc ông cố vấn mặc áo choàng trắng, mặt vẫn xanh như chàm đổ, hai cánh tay vung vẩy như hai mái chèo lướt đến nhập bọn với họ cùng lên cầu thang.
“Thế nào, vị khán giả bàng quan!” Behrens cất giọng oang oang. “Ông thấy sao, liệu tệ xá của chúng tôi đây có lọt được vào mắt xanh của ông không? Hân hạnh quá, hân hạnh quá. Vâng, mùa hè của chúng tôi có nét hấp dẫn riêng, không phải là dở. Tôi cũng đã không ngại phí tổn để bày vẽ thêm đôi chút. Chỉ tiếc là ông không muốn ở lại đây với chúng tôi tới mùa đông - nghe nói ông chỉ định ở tám tuần? Có ba tuần thôi à? Thế thì nhằm nhò gì, chẳng bõ công lặn lội đường xa! Dĩ nhiên, tùy ý ông. Nhưng ông không được nếm mùi mùa đông ở đây thì đáng tiếc thật đấy, vì khi ấy tất cả tinh hoa của giới thượng lưu mới tụ tập về đây”, ông ta nói bằng giọng bỡn cợt không hiểu là ca tụng hay khinh thị nữa, “đám dân lá ngọc cành vàng ấy chỉ đến vào mùa đông thôi, ông mà không được chiêm ngưỡng họ thì uổng, mất cơ hội mở mang kiến thức. Trời đất, giá mà ông được thấy cảnh các tay trượt tuyết bay lượn trên đôi ván! Và các bà các cô nữa, ngoạn mục vô cùng! Sặc sỡ như chim thiên đường, tôi đảm bảo với ông, và thanh lịch không để đâu cho hết… Nhưng giờ thì tôi phải đến với ca moribundus của tôi”, ông ta bảo, “phòng số hai mươi bảy. Giai đoạn chung kết, ông hiểu không. Sắp tịch đến nơi rồi. Từ hôm qua tới giờ ông ta đã hút hết năm tá bình ôxy, xài sang thế đấy. Nhưng chắc chỉ đến trưa là ông ta về chầu ông vải thôi. Thế nào, Reuter thân mến”, ông cố vấn vừa oang oang chĩa loa về phía người bệnh vừa bước vào phòng, “chúng ta có nên bẻ cổ thêm một cái độc bình nữa không…” Giọng ông ta tắt ngấm cùng lúc cánh cửa được khép chặt lại phía sau lưng. Nhưng Hans Castorp đã kịp nhìn một thoáng vào sâu trong phòng, thấy trên chiếc gối nơi đầu giường nổi bật lên gương mặt như nặn bằng sáp với bộ râu cằm lưa thưa của một người đàn ông còn trẻ, trong lúc người này đảo cặp mắt to tướng lờ đờ nhìn ra cửa.
Đấy là ca moribundus đầu tiên mà Hans Castorp được tận mắt chứng kiến trong đời, vì cả cha mẹ lẫn ông chàng hồi đó đều lừa lúc chàng không để ý mà trốn sang bên kia thế giới. Mái đầu người thanh niên với chòm râu cằm tua tủa vểnh lên trên gối mới khả kính làm sao! Ánh mắt từ đôi con ngươi to quá cỡ mà anh ta chậm chạp hướng ra cửa mới nghiêm trang làm sao! Hans Castorp, tâm tư vẫn chìm đắm trong cảnh tượng tình cờ được chứng kiến, trên đường đi tới cầu thang bất giác mở to đôi mắt, bắt chước cái nhìn đờ đẫn nghiêm trang của người hấp hối, và vô tình hướng cái nhìn này vào người phụ nữ vừa bước ra từ sau một cánh cửa đi tới chỗ họ ở đầu cầu thang. Chàng không nhận ra ngay đó là Madame Chauchat. Cô ta thoáng mỉm cười chế giễu cặp mắt moribundus của chàng, rồi vừa đưa tay sửa bím tóc cuộn sau gáy vừa bước qua trước mặt chàng xuống cầu thang bằng những bước đi uyển chuyển êm ru, đầu hơi chúi về phía trước.
Trong những ngày đầu tiên hầu như chàng chẳng làm quen với ai, và cả sau đó cũng không. Lịch sinh hoạt chặt chẽ hằng ngày không cho phép chuyện trò lâu; vả lại bản tính Hans Castorp cũng rụt rè, thêm vào đó lúc nào chàng cũng có cảm giác ở đây mình chỉ là khách với vai trò “khán giả bàng quan” như lời ông cố vấn Behrens, tự bằng lòng vì đã có Joachim làm đối tượng trao đổi và bầu bạn. Thế nhưng cô y tá ngoài hành lang cứ vươn dài cổ nhìn theo mỗi lúc họ đi qua, đến nỗi Joachim - trước đây thi thoảng đã có lần trò chuyện đôi câu với cô ta - một hôm chẳng đặng đừng phải giới thiệu người em họ. Sợi dây đeo kính quàng sau tai, cô ta nói chuyện không chỉ thiếu tự nhiên mà còn dai như đỉa và gượng gạo đến nỗi người nghe có cảm tưởng bị tra tấn trong buồn tẻ trí tuệ cô ta không còn minh mẫn nữa. Khó lòng dứt ra được khỏi câu chuyện, vì cứ mỗi khi hai chàng trai trẻ tỏ ý muốn chia tay thì cô ta lại bám chặt lấy họ bằng những lời nói và cái nhìn tha thiết, có khi là một nụ cười cầu cạnh, và tỏ ra sợ hãi một cách bệnh hoạn khi câu chuyện đến hồi kết thúc. Thế là vì thương hại họ phải đứng nán lại. Cô ta kể lể hồi lâu về một ông bố làm việc trong ngành tư pháp và một người anh họ là bác sĩ - rõ ràng là để hưởng lây chút hào quang và kín đáo khoe rằng mình cũng thuộc về tầng lớp có học như ai. Còn về phần người bệnh sau cánh cửa mà cô ta có trách nhiệm chăm sóc, đó là cậu con trai một ông giám đốc nhà máy sản xuất búp bê ở Koburg[56], họ Rotbein, tên là Fritz. Gần đây cậu Fritz vừa bị một cơn đau đường ruột. Thật là khổ cho tất cả những người can dự, như các quý ông hẳn cũng có thể hình dung được; nhất là khi người ta xuất thân từ một gia đình trí thức và được hưởng nền giáo dục tinh tế của giới thượng lưu thì lại càng khổ. Thậm chí không được phép quay nhìn đi chỗ khác… Mới đây thôi, các quý ông có tưởng tượng được không, cô ta chỉ ra ngoài chút xíu để kiếm ít bột kem đánh răng, vậy mà khi quay lại đã thấy bệnh nhân ngồi chễm chệ trên giường, trước mặt là một vại bia đen sủi bọt, một khúc xúc xích to, một ổ bánh mì đen khổng lồ và một quả dưa leo đại tướng! Những món đặc sản quê hương này người nhà gửi đến để cậu ta bồi dưỡng đấy! Tất nhiên ngày hôm sau cậu ta dở sống dở chết, chạy té re. Thật là cái mồm làm khổ cái thân, tự mình tìm đường đến cửa mả. Nhưng đấy chỉ là kết cục giải thoát cho cậu ta chứ không phải cho cô, y tá Berta - thực ra tên đầy đủ của cô là Alfreda Schildknecht - vì xong ca này cô ta lại phải đi chăm sóc ca khác, ở gian đoạn đã tuyệt vọng hay ít nhiều còn hy vọng, không ở viện an dưỡng này thì ở viện an dưỡng khác, đó là tất cả tiền đồ trước mắt cô ta, và một tương lai tươi sáng hơn chẳng bói đâu ra.
Phải, Hans Castorp bảo, nghề y của cô ta là một nghề nặng nhọc nhưng cũng không kém phần cao quý, chàng nghĩ thế.
Đương nhiên, cô ta trả lời, đó là một nghề cao quý - cao quý nhưng mà cũng cực lắm.
Vậy thì, chúc cậu Rotbein mọi sự tốt lành. Và hai anh em định đi tiếp.
Nhưng cô y tá tìm mọi cách dùng lời lẽ và ánh mắt khẩn khoản níu chân họ lại, thật thương tâm khi phải chứng kiến cảnh cô ta khổ công moi óc dây dưa kéo dài câu chuyện, nếu bỏ đi ngay thì tàn nhẫn quá.
“Cậu ấy ngủ rồi”, cô ta bảo. “Cậu ấy không cần đến sự có mặt của tôi. Thế nên tôi có thể ra ngoài hành lang vài phút…” Và rồi cô ta bắt đầu kêu ca về ông cố vấn cung đình Behrens và cái cách ông ta lên giọng với cô, theo ý cô thái độ ấy quá trịch thượng và không tương xứng với một người dòng dõi như cô. Ông bác sĩ Krokowski được cô ta ưu ái hơn nhiều, cô ta khen ông này là con người rất tâm linh. Rồi cô lộn trở lại ông bố và ông anh họ. Có vẻ óc cô không rặn ra được thêm gì nữa. Cô ráng sức tìm kiếm điều gì khả dĩ trói chân hai chàng trai trẻ thêm giây lát, giọng nói bất giác mỗi lúc một cao lên the thé, cuối cùng trở nên nức nở vào thời điểm họ lại tỏ ý muốn chia tay. Rốt cuộc họ cũng dứt áo chuồn đi được. Nhưng cô y tá còn đứng nhìn theo một hồi lâu, nhoài người về phía trước, ánh mắt đau đáu như muốn hút họ ngược trở lại, rồi mới thở ra một hơi dài não nuột từ sâu trong lồng ngực và quay vào phòng với người bệnh của mình.
Ngoài ra trong những ngày này Hans Castorp chỉ làm quen thêm với bà cụ già trong trang phục màu đen, người phụ nữ Mexico chàng đã nhìn thấy ngoài vườn được mệnh danh là ‘Tous-les-deux’[57]. Chàng cũng được nghe trực tiếp từ miệng bà ta cái công thức bi thảm đã trở thành biệt hiệu thay cho tên gọi của bà, tuy nhiên do đã được chuẩn bị trước nên chàng cư xử rất phải phép và sau đó có thể tự hài lòng với bản thân. Hai anh em chạm trán bà cụ lúc họ lên đường đi dạo theo lệ thường sau bữa điểm tâm đầu tiên. Trùm kín trong chiếc khăn choàng rộng màu đen, hai đầu gối lum khum, bà ta sải những bước dài bồn chồn đi qua đi lại trước cổng viện, và gương mặt héo hon tai tái với cái miệng rộng đầy cay đắng của bà ta nổi bật lên trên nền tấm khăn đen buộc nút dưới cằm, trùm bên ngoài mái tóc điểm nhiều sợi bạc. Joachim, như mọi khi vẫn đi đầu trần không mũ không nón, nghiêng người cúi chào, và bà ta chậm chạp đáp lại, khi ngẩng nhìn lên những nếp nhăn trên trán bà như hằn sâu thêm chút nữa. Bà ta dừng bước khi nhận ra một gương mặt lạ, và vừa khẽ gật đầu vừa đợi hai người trẻ tuổi bước tới gần; chắc hẳn bà ta cho rằng cần phải giới thiệu số phận đen đủi của mình với người lạ để được biết ý kiến anh ta. Joachim giới thiệu em họ mình với bà cụ. Bà ta đưa tay ra khỏi tấm khăn choàng rộng bắt tay khách, một bàn tay vàng vọt, gầy guộc, chằng chịt những đường gân và đeo đầy nhẫn, trong lúc mắt vẫn chăm chú nhìn lên, đầu gật gật. Rồi cái câu ấy vọt ra:
“Cả hai đứa, ông ơi”, bà ta bảo. “Ông biết không, cả hai đứa…”
“Tôi biết, thưa bà”, Hans Castorp hạ giọng đáp. “Thật rất đáng buồn.”
Bọng da nhăn nheo dưới cặp mắt đen như than của bà ta nặng trĩu xệ hẳn xuống, Hans Castorp chưa thấy bọng mắt ai to đến thế. Từ người bà ta tỏa ra một làn hơi nhè nhẹ nồng nồng như lá úa. Chàng thấy tim mình thắt lại, vừa thương cảm vừa long trọng.
“Cám ơn”, giọng nói bà ta sang sảng, tương phản lạ lùng với thân hình gầy còm yếu ớt, và một bên khóe mép trễ xuống đầy bi kịch. Rồi bà ta lại rụt tay về dưới tấm khăn choàng, gật đầu lần nữa và quay bước tiếp tục đi tới đi lui. Sau đó trên đường đi dạo Hans Castorp say sưa bảo anh họ:
“Cậu thấy đấy, tớ không lúng túng gì cả, tớ cư xử như thế là được phải không. Thực ra tớ rất biết cách cư xử với những người như vậy, tớ tin rằng, linh tính luôn hướng dẫn cho tớ cách xử sự đúng trong những trường hợp tương tự - cậu cũng nghĩ thế chứ? Thậm chí tớ còn tin rằng tiếp xúc với những người đau khổ dễ hơn với người vui nhộn rất nhiều, có trời mới biết tại sao, có lẽ tại vì tớ cũng mồ côi và mất cả cha lẫn mẹ từ rất sớm. Khi mọi người nghiêm trang vì có chuyện buồn, nhất là trong những dịp có thần chết nhúng tay vào, thì đối với tớ không có gì là nặng nề hay bối rối mà ngược lại tớ thấy mình tự nhiên như cá trong nước, thoải mái hơn hẳn lúc hội hè đình đám là những lúc tớ lại thấy lạc lõng. Vừa rồi tớ còn nghĩ: các bà các cô ở đây thật ngốc nghếch, việc gì phải lo sợ tất cả những gì liên quan đến chết chóc và bị ám ảnh tới mức người ta phải tìm mọi cách che giấu sự kiện này, ví dụ phải đợi họ đi ăn rồi mới lén lút làm lễ xức dầu cho người hấp hối. Thế có dở hơi không? Thấy một cỗ quan tài thì có gì là đáng sợ. Tớ rất thích nhìn ngắm quan tài. Tớ thấy quan tài là một sản phẩm bằng gỗ rất mỹ thuật, khi còn trống đã đẹp rồi, nhưng khi có người nằm trong mới thực sự trở nên long trọng. Tang lễ có cái gì đó an ủi trang nghiêm đến nỗi thỉnh thoảng tớ cho rằng người ta không nên đi lễ nhà thờ mà nên dự một đám tang để cầu an. Ai cũng mặc đồ đen lịch sự, ngả mũ cầm tay, cúi đầu nhìn cỗ quan tài và giữ tư thế nghiêm trang kính cẩn, nhất là không ai được phép pha trò bằng những chuyện tiếu lâm bậy bạ như ở ngoài đời. Tớ rất thích khung cảnh tôn nghiêm ấy. Đôi khi tớ còn tự nhủ, có lẽ mình nên làm linh mục thì hơn, thật đấy, tớ tin rằng nghề ấy khá hợp với tớ… Hy vọng lúc nãy tớ nói tiếng Pháp không có gì sai sót chứ?”
“Không”, Joachim bảo. “Cậu nói đúng ngữ pháp cả.”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần