You can never get a cup of tea large enough or a book long enough to suit me.

C.S. Lewis

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 4 - Mua Sắm
ùa hè ở trên này tới đây là hết rồi ư?” Hans Castorp cay đắng hỏi anh họ vào ngày thứ ba của cuộc thăm viếng…
Hôm ấy thiên nhiên thình lình trở mặt, bảo rằng thất thường như thời tiết quả thật không sai.
Ngày thứ hai của vị khách trên viện an dưỡng đẹp tuyệt vời từ sáng tới tối. Bầu trời xanh biếc trên những ngọn thông nhọn như mũi giáo chĩa lên cao, nhà cửa dưới đáy thung lũng sáng lóa trong ánh nắng chói chang, không gian tràn ngập tiếng lục lạc rộn ràng ở cổ những con bò đứng rải rác thanh thản gặm cỏ nơi sườn dốc. Từ bữa điểm tâm buổi sớm các bà các cô đã trình diễn những bộ đồ mùa hè mát mắt, vài người còn mặc áo cộc tay, cần nói thêm rằng cách phục sức này không phải lúc nào cũng làm tăng vẻ hấp dẫn, bà Stöhr chẳng hạn, áo mỏng chỉ càng làm nổi bật nhược điểm của đôi cánh tay da chảy nhẽo nhèo của bà ta. Cả các quý ông trên viện điều dưỡng cũng bỏ nhiều công chăm chút cho hình thức phù hợp với thời tiết. Áo khoác lụa và Âu phục vải lanh được đem ra diện, Joachim Ziemßen mặc một chiếc quần dạ màu ngà với chiếc áo khoác xanh lam, trang phục này khiến chàng càng ra dáng quân nhân hơn bao giờ hết. Về phần Settembrini, mặc dù ông ta không ngớt lời tuyên bố dự định thay đổi y phục - “Quỷ thật”, ông ta càu nhàu sau bữa ăn trưa, lúc cùng hai anh em họ đi dạo xuống dưới thung lũng, “trời nắng như đổ lửa thế này! Tôi phải thay ra cái gì mỏng nhẹ hơn mới được.” Nhưng rốt cục ông ta vẫn mặc nguyên chiếc áo khoác dài lừ xừ cổ lật với chiếc quần kẻ ca rô, có vẻ như trong tủ áo của ông ta không còn gì khác.
Nhưng sang ngày thứ ba đột nhiên thời tiết giở chứng tưởng như trời sụp, mọi trật tự và quy luật tự nhiên bị đảo lộn hoàn toàn, nhanh đến nỗi Hans Castorp không tin vào chính mắt mình. Bấy giờ là khoảng thời gian sau bữa ăn trưa, và họ đã nằm yên vị ngoài ban công được chừng hai chục phút, bỗng mặt trời biến đâu mất tăm, mây đen hắc ám đùn lên dày đặc trên đỉnh dãy núi phía đông nam, và một cơn gió lạ mang theo luồng không khí lạnh thấu xương chẳng biết từ vùng băng giá nào ập tới rùng rùng quất qua thung lũng, nhiệt độ tụt xuống như rơi tự do và ngoại cảnh bỗng mang một bộ mặt đầy đe dọa.
“Tuyết”, tiếng Joachim vang lên sau vách ngăn bằng kính.
“‘Tuyết’ là thế nào?” Hans Castorp hỏi lại. “Cậu định bảo rằng sắp có tuyết rơi hay sao?”
“Đúng thế”, Joachim trả lời. “Chúng tớ biết gió kiểu này báo hiệu điều gì. Hễ nó nổi lên là sắp được trượt tuyết.”
“Vô lý!” Hans Castorp cãi. “Nếu tớ không nhầm thì bây giờ đang là đầu tháng tám.”
Nhưng Joachim dự báo không sai, chẳng gì thì chàng cũng đã gần như là thổ dân ở trên này. Chỉ trong nháy mắt từ trên trời đổ xuống một trận mưa tuyết kinh hồn, sấm sét rền vang, gió quất ràn rạt, vô vàn bông tuyết quay cuồng trùm lên vạn vật một lớp màn trắng dày đặc, chẳng còn thấy phố xá nhà cửa và thung lũng đâu nữa.
Tuyết rơi không ngớt suốt buổi chiều. Lò sưởi trung tâm được đốt lên, và trong khi Joachim nằm trong chiếc túi lót lông điềm nhiên tiếp tục lịch điều dưỡng thì Hans Castorp rút lui vào trong phòng, kéo ghế ngồi ôm khư khư những cái ống dẫn hơi nóng của lò sưởi và vừa lắc đầu ngao ngán vừa nhìn ra quan sát cơn bão tuyết lồng lộn bên ngoài. Sáng hôm sau trời quang mây tạnh trở lại, nhưng mặc dù nhiệt kế bên ngoài đã nhích lên được một vài độ dương, những bông tuyết vừa rơi vẫn không tan nổi mà đọng lại phủ kín mặt đất một lớp dày ngập mắt cá chân, biến phong cảnh thành một bức họa chủ điểm mùa đông tuyệt mỹ trước cặp mắt ngỡ ngàng của Hans Castorp. Người ta đã lại tắt lò sưởi đi rồi. Nhiệt kế trong phòng bò lên được sáu vạch trên số không.
“Mùa hè ở trên này tới đây là hết rồi ư?” Hans Castorp hỏi anh họ, giọng châm biếm pha lẫn vị cay đắng.
“Không thể nói trước được”, Joachim nghiêm túc trả lời. “Nếu muốn Chúa vẫn có thể ban cho ta những ngày hè đẹp. Thậm chí sang tháng chín nhiều khi trời còn ấm. Nhưng sự thật là ở đây bốn mùa không có ranh giới rõ ràng, cậu biết không, xuân hạ thu đông xen kẽ vào nhau chứ không phân chia theo lịch. Mùa đông nhiều khi mặt trời gay gắt đến nỗi người ta đổ mồ hôi và phải cởi áo khoác khi đi dạo, còn mùa hè, chắc cậu cũng tự thấy mùa hè ở đây như thế nào rồi. Và tuyết nữa, tuyết làm đảo lộn mọi quy luật trong thiên nhiên. Bình thường trời xuống tuyết vào tháng giêng, nhưng tháng năm cũng nhiều tuyết không kém, và cả tháng tám tuyết cũng có thể rơi, như cậu thấy đấy. Đại khái không tháng nào trong năm mà lại không có tuyết, đó là một nguyên tắc bất di bất dịch ở trên này. Tóm lại, có những ngày đông và những ngày hè, cả những ngày đậm sắc xuân hay sắc thu, nhưng từng mùa phân chia tách bạch thì trên này không có.”
“Thật là loạn xị ngậu”, Hans Castorp bảo. Chàng mang ủng ra ngoài giày và mặc áo khoác ấm theo Joachim xuống phố mua thêm chăn để có thể tiếp tục nằm ngoài ban công, vì chính chàng cũng phải thừa nhận là tấm chăn dạ kẻ ô vuông sặc sỡ mang theo từ nhà không được tích sự gì mấy trong điều kiện thời tiết này. Thậm chí chàng còn thoáng nghĩ đến chuyện mua túi ngủ lót lông, nhưng vội vàng gạt ngay ý nghĩ ấy ra khỏi đầu, nói đúng ra là chàng hoảng hồn chạy trốn ý nghĩ ấy.
“Không, không”, chàng quả quyết. “Mua chăn là đủ rồi! Xuống dưới kia vẫn có thể dùng được, chăn thì ở đâu cũng cần, không phải là một món đồ đặc dụng. Nhưng túi ngủ lót lông thì chỉ dùng vào những trường hợp đặc biệt thôi, cậu hiểu không, nếu mua cả túi lót lông thì tớ có cảm giác như chuẩn bị để ở lại đây lâu dài, thậm chí có vẻ như đã nhập bọn hẳn với các cậu trên này… Tóm lại, tớ chỉ muốn nói rằng, ở chơi vài tuần mà mua cả túi ngủ lót lông thì không đáng chút nào.”
Joachim hoàn toàn đồng tình với chàng, và họ chọn mua trong một cửa tiệm tạp hóa ở khu Ăng lê hai chiếc chăn dệt bằng lông lạc đà màu kem giống như chăn Joachim đang dùng, vừa dài vừa rộng và đặc biệt mềm mại, rồi yêu cầu chuyển ngay đến an dưỡng đường quốc tế ‘Sơn trang’, phòng số 34. Hans Castorp nóng lòng muốn thử ngay chiều nay.
Tất nhiên cuộc mua sắm đó diễn ra vào khoảng thời gian sau bữa điểm tâm thứ hai, vì những lúc khác lịch điều dưỡng không cho phép họ đi xuống phố. Trời mưa, và tuyết bám trên mặt đất trộn với nước thành một thứ cháo đá nhão nhoẹt. Trên đường về họ đuổi kịp Settembrini đầu không mũ không nón, tay giương ô, cũng đang lúp xúp lội bộ về hướng viện an dưỡng. Ông người Ý mặt mày vàng vọt rõ ràng đang ở vào tâm trạng bi ai. Ông ta than thở bằng những lời lẽ văn hoa, rằng giá lạnh và ẩm ướt làm ông ta khó chịu không để đâu cho hết. Phải chi lò sưởi hoạt động thì còn đỡ! Nhưng tuyết vừa mới ngừng rơi là những kẻ điều hành cái viện khốn kiếp này đã nhất định tắt ngay lò sưởi - thật là một quy định cứng nhắc đến mức ngu xuẩn, một sự nhạo báng lẽ phải! Và khi Hans Castorp rụt rè ngỏ ý, rằng để nhiệt độ thấp trong phòng có thể cũng là một nguyên tắc điều trị, và có lẽ người ta không muốn nuông chiều bệnh nhân quá mức, thì bị Settembrini phản bác ngay bằng giọng châm biếm cay độc. Ây dà, nguyên tắc điều trị, lại còn thế nữa. Những nguyên tắc điều trị cao quý bất khả xâm phạm! Hans Castorp thở ra đúng cái giọng thích hợp ở trên này, tức là đầy tín ngưỡng và cam chịu. Về kỷ luật điều trị ở đây chỉ có mỗi một điều đáng nói - đáng nói theo một nghĩa khá là thú vị - đó là chỉ những nguyên tắc hoàn toàn phù hợp với lợi ích kinh tế của những kẻ nắm quyền là được người ta tôn trọng tuyệt đối, trong khi những nguyên tắc khác không mấy phù hợp thường bị nhắm mắt làm ngơ… Và trong lúc hai anh em phá lên cười thì Settembrini chuyển từ đề tài cái lò sưởi với hơi ấm mà ông ta ao ước lan man sang người cha đã quá cố của mình.
“Cha tôi”, ông ta xuống giọng chậm rãi mơ màng kể, “thuở sinh thời là một người lịch lãm, tinh tế và nhạy cảm cả về thể xác lẫn tâm hồn! Mùa đông ông cụ ưa ngồi trong gian phòng làm việc nhỏ ấm cúng, đó là nơi yêu thích nhất của cha tôi, lúc nào lò sưởi cũng cháy hồng rừng rực để đảm bảo hai mươi độ Réaumur[43]. Vào những ngày mưa dầm giá buốt hay những ngày gió bấc tramontana[44] tràn về, từ hành lang ngôi nhà nhỏ bước vào phòng làm việc của cha tôi hơi ấm như một tấm chăn êm ái trùm khắp người ta, dễ chịu đến nỗi lệ tràn lên đôi mắt. Phòng chất đầy sách vở và bản thảo, trong đó có cả những tác phẩm vô giá, giữa kho báu tinh thần ấy cha tôi thường đứng bên cái bàn nhỏ vùi đầu vào thế giới văn chương, mình khoác chiếc áo len mỏng màu lam, dáng người nhỏ nhắn tao nhã, - các ông thử tưởng tượng xem, ông cụ tôi thấp hơn tôi cả cái đầu! Nhưng bù lại cha tôi có mái tóc dày bạc trắng như cước và một cái mũi vừa dài vừa thẳng… Một công dân La Mã đích thực, thưa các ông! Một trong những người con tiên phong của thời đại mình, một nghệ nhân tiếng Ý lỗi lạc, một chuyên gia tiếng Latinh kiệt xuất, một uomo letterato[45] với trái tim Boccaccio[46]… Các nhà bác học trên mọi miền trái đất, người này từ Haparanda, người khác từ Krakow, tất cả đổ về Padua, thành phố quê hương tôi, để gặp gỡ đàm đạo với cha tôi, và ông cụ tiếp đón họ hết sức ân cần trang trọng. Cha tôi còn là một thi hào, trong những giờ nhàn tản ông cụ hay ngẫu hứng vẩy bút phác nên những vần thơ thanh tao nhất ca ngợi phong cảnh Toscana[47], đúng là một bậc thầy idioma gentile[48].” Settembrini say sưa kể, đầu lắc lư, thỉnh thoảng xen vào câu chuyện đôi ba từ tiếng mẹ đẻ và tận hưởng những âm thanh của chúng ngọt ngào tan ra trên lưỡi. “Khoảng vườn nhỏ của cha tôi được bài trí như vườn của Virgil[49]”, ông ta kể tiếp, “ngôn từ của ông cụ cũng lành mạnh và trong sáng tuyệt vời theo phong cách đại thi hào ấy. Nhưng như đã nói, phòng làm việc của ông cụ phải được giữ ấm luôn luôn, vì ông cụ không quen chịu lạnh, riêng về mặt này nếu bị trái ý cha tôi có thể đùng đùng nổi giận. Các ông hãy thử tưởng tượng xem, ông kỹ sư, ông thiếu úy, đứa con trai của ông cụ là tôi giờ đây phải khổ sở tới mức độ nào ở cái xứ man rợ đáng nguyền rủa này, ai đời giữa mùa hè mà người cứ thường xuyên run như cầy sấy và đầu óc liên tục bị tra tấn bởi những ấn tượng thấp hèn! Ôi, khốn khổ biết bao! Vây quanh chúng ta là một lũ nửa người nửa ngợm! Một lão cố vấn cung đình ngu ngốc tay sai của quỷ Satan. Krokowski” - Settembrini uốn lưỡi nói như nhổ ra cái tên này - “Krokowski, đạo mạo sắm vai cha cố đòi cai quản linh hồn tất cả bệnh nhân, căm ghét tôi vì nhân phẩm con người không cho phép tôi a dua với những kẻ khác đến xưng tội với y… Và rồi ngồi cùng bàn với tôi… Tôi buộc phải dùng bữa với những hạng người nào kia chứ! Ngồi bên phải tôi là một tay chủ hãng bia ở Halle, tên lão ta là Magnus, với một bộ ria mép như một đống cỏ khô. ‘Xin ông đừng có lôi văn chương ra làm rộn tai tôi!’ Lão ta bảo thế. ‘Văn chương mang lại được cái gì? Những nhân vật đẹp! Tôi biết làm gì với những nhân vật đẹp của ông? Tôi là người thực tế, mà những nhân vật đẹp thì không có ở ngoài đời đâu ông ơi.’ Đấy, lão quan niệm về văn học như thế đấy. Những nhân vật đẹp… ôi lạy Đức Mẹ đồng trinh! Vợ lão ta, âm thầm ngồi đối diện lão, bị mắc chứng thoát đạm và người cứ mòn mỏi gầy còm đi, trong khi đầu óc càng ngày càng ù lì ngu độn. Thật khốn khổ…”
Không trao đổi với nhau mà Joachim và Hans Castorp cùng có một cảm nghĩ về những lời than vãn trên: họ thấy nó bệ rạc đến mức chối tai, mặc dù ngôn ngữ cũng có phần dí dỏm, thậm chí đáng học hỏi bởi cách dùng từ táo bạo và sắc bén. Hans Castorp mỉm cười độ lượng về “đống cỏ khô” và cả về “những nhân vật đẹp”, nói đúng hơn là về vẻ tuyệt vọng khôi hài của Settembrini khi nói ra những lời này. Cuối cùng chàng lên tiếng:
“Lạy Chúa, đúng thế, ở những nơi như chốn này có đủ hạng người bị nhét chung vào một rọ. Người ta không thể tự chọn hàng xóm được, vả lại nếu để cho họ tự chọn thì kết quả ai biết sẽ ra sao. Ở bàn chúng tôi cũng có một bà… bà Stöhr, tôi cho rằng ông cũng biết bà ta? Bà ấy vô học không thể tưởng tượng được, tôi buộc lòng phải nói toạc móng heo ra như vậy, và nhiều lúc người ta không biết để mắt vào đâu khi phải nghe bà ta huyên thuyên tán nhảm. Đồng thời bà ta lại thường xuyên than thở về những triệu chứng như sốt và mệt mỏi, chắc bệnh bà ta không phải là nhẹ. Cái ấy làm tôi thấy lạ - bệnh tật đi đôi với ngu dốt - tôi không biết mình diễn đạt có được chính xác không, nhưng tôi cứ cảm thấy như có cái gì trái lẽ, khi một người dốt nát mà lại ốm đau, theo tôi đó là sự kết hợp bi thảm nhất trần đời. Người ta không biết phải tỏ thái độ ra sao, vì một người bệnh cần được quan tâm và trân trọng, đúng không ông, bệnh tật là một điều khả kính, tôi vẫn nghĩ như vậy. Nhưng khi từ miệng một người bệnh cứ tuôn ra những là ‘ông trị lý’ với lại ‘viện thẩm mỹ thuật’ và những câu ngớ ngẩn tương tự, thì thật người nghe không biết nên cười hay nên khóc, đó quả là một tình huống trớ trêu xét về phương diện cảm xúc con người và khó xử đến mức tôi không biết phải tả như thế nào. Ý tôi muốn nói, hai điều đó hoàn toàn không phù hợp, không thể đi liền với nhau, người ta không quen hình dung hai điều đó ở cùng một chỗ. Người ta quen nghĩ, một người dốt nát tất phải mạnh khỏe và tầm thường, còn bệnh tật làm cho con người ta khôn ngoan, tinh tế và khả kính. Thông thường người ta nghĩ thế. Hay là không phải thế? Hình như tôi nói nhiều quá mức cần thiết mất rồi”, chàng kết thúc một cách đột ngột. “Thực ra chỉ tại chúng ta tình cờ nhắc đến đề tài này…” và chàng bối rối im bặt.
Cả Joachim cũng tỏ ra sượng sùng lúng túng, còn Settembrini chỉ lặng thinh nhướng mày, như thể ông ta lịch sự đợi nghe tới cuối bài diễn thuyết. Kỳ thực ông ta đợi cho đến lúc Hans Castorp hoàn toàn chui vào ngõ cụt, rồi mới lên tiếng:
“Sapristi[50], ông kỹ sư, ông vừa bộc lộ một khả năng hùng biện lớn, quả thật bất ngờ đối với tôi! Theo triết lý của ông thì ông phải bệnh nặng mới đúng, vì rõ ràng ông có thừa khôn ngoan. Tuy nhiên xin ông cho phép tôi được bày tỏ ý kiến riêng, bởi vì tôi không chia sẻ quan điểm của ông, tôi không tán thành triết lý ấy, phải nói là tôi kịch liệt phản đối điều này mới đúng. Như ông chắc đã nhận thấy, tôi là người không khoan nhượng khi tranh luận các vấn đề về tư tưởng, và tôi thà chấp nhận nghe người ta phê bình chỉ trích mình, chứ không thể dễ dãi ngả theo một quan điểm đáng tranh cãi như điều ông vừa diễn giải…”
“Nhưng mà, ông Settembrini…”
“Xin ông để tôi nói hết đã… Tôi biết ông muốn nói gì. Ông muốn nói rằng, thực ra ông chỉ vui miệng nói chơi vậy thôi, quan điểm mà ông vừa trình bày không nhất thiết phải là chính kiến của ông, rằng ông chỉ vơ đại một đề tài bất kỳ để thử đặt mình vào đó mà phát triển tư duy xem nó tới đâu thì tới. Điều đó cũng có thể hiểu được đối với một người ở độ tuổi của ông, khi còn trẻ người ta chưa quyết tâm chọn một con đường và muốn thử nghiệm theo mọi hướng. Placet experiri[51]”, ông ta nói chữ c trong từ “placet” mềm mại như cách phát âm tiếng Ý. “Một phương châm tốt. Chỉ có điều, tôi lo ngại thí nghiệm của ông trong thực tế lại đi theo chiều hướng tiêu cực. Tôi không tin rằng đó là sự ngẫu nhiên. Tôi sợ đó là kết quả của một mầm mống tư tưởng có nguy cơ hình thành cá tính không tốt, nếu người ta không tìm cách ngăn chặn từ đầu. Bởi vậy tôi tự thấy mình có trách nhiệm góp ý với ông. Ông nói rằng, bệnh tật đi đôi với ngu dốt là điều đáng buồn nhất trên đời. Tôi đồng ý với ông về điều đó. Bản thân tôi cũng thích một bệnh nhân dí dỏm hơn là một người lao phổi đần độn. Nhưng tôi buộc lòng phải phản đối ông từ chỗ ông cho rằng bệnh tật kết hợp với ngu dốt là một điều phản mỹ cảm, một sai lầm của tạo hóa và gây ra ‘một tình huống trớ trêu xét về phương diện cảm xúc con người’, theo cách diễn đạt của ông. Ông coi bệnh tật là một cái gì cao quý và - ông nói thế nào nhỉ - khả kính, và vì thế nó ‘hoàn toàn không phù hợp’ với ngu dốt. Đấy cũng là cách nói của ông. Nếu thế thì không, tôi không đồng ý! Bệnh tật tuyệt đối không có gì là cao quý cả, cũng chẳng có gì đáng để trân trọng, quan niệm này bản thân nó đã bệnh hoạn rồi hoặc sớm muộn gì cũng trở nên bệnh hoạn. Có lẽ cách tốt nhất để giúp ông xa rời quan điểm đó là vạch ra cho ông thấy nó đã già cỗi xấu xa đến độ nào. Nó bắt nguồn từ một thời kỳ tăm tối mê muội, khi tư tưởng nhân loại bị bóp méo và bị chà đạp không thương tiếc, một kỷ nguyên đầy sợ sệt, ở đó thương yêu và hạnh phúc bị nghi ngờ là tà ma của ác quỷ, trong khi đau yếu bệnh tật lại như tấm giấy thông hành dẫn đến thiên đàng. Tri thức và tiến bộ đã xua đi bóng đêm của thời Trung cổ, bóng đêm một thời đè nặng lên tâm hồn nhân loại, đành rằng chưa xóa tan được hoàn toàn, cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối vẫn còn đang tiếp diễn; cuộc chiến này có tên là lao động, thưa các ông, lao động trên trần gian, lao động phục vụ cuộc sống trên trái đất này, vì danh dự và quyền lợi của con người. Và mỗi ngày lại được tôi luyện thêm trong cuộc đấu tranh ấy, sức mạnh của nhân loại sẽ được hoàn toàn giải phóng để dẫn dắt con người trên con đường văn minh tiến bộ dưới ánh hào quang ấm áp rạng ngời.”
Thần sấm thiên lôi, Hans Castorp kinh ngạc và hổ thẹn nghĩ thầm trong bụng, ông ta ca cải lương dễ sợ chưa! Mình đã làm gì để đến nông nỗi này? Nhưng theo ý mình thì bài ca này chán thấy mồ. Không biết ông ta muốn gì mà cứ nhai nhải không ngừng nhắc đến lao động thế nhỉ. Lúc nào cũng lao động, mặc dù đã lên đến đây thì lao động thế quái nào được nữa. Và chàng cất tiếng:
“Ông nói rất hay, thưa ông Settembrini. Thật hân hạnh được nghe những lời chỉ giáo của ông. Theo tôi, không thể nào phát biểu một cách… một cách giàu hình tượng hơn thế nữa.”
“Cảm thông”, Settembrini lại lên giọng, vừa nói vừa nâng cái ô lên cao quá đầu một người đang tìm cách đi vượt qua họ, “sự cảm thông tinh thần với những quan điểm của thời kỳ đen tối đầy đau khổ ấy - xin ông cứ tin tôi, ông kỹ sư - đó là bệnh hoạn, một căn bệnh đã được nghiên cứu quá nhiều, được khoa học đặt cho những cái tên khác nhau, một theo cách nói hoa mỹ của văn chương và khoa tâm lý học, một theo ngôn ngữ của các chính trị gia, thảy đều là những khái niệm kinh điển[52] xa rời thực tế mà ông chẳng cần biết làm gì. Nhưng vì trong đời sống tinh thần tất cả đều có sự liên quan ràng buộc với nhau và đã có nhân ắt phải có quả, nên ta không được phép chìa cho quỷ dù chỉ một ngón tay út, bởi nói sẽ ngoạm cả bàn tay và rồi nuốt cả con người… Nhưng mặt khác một nguyên tắc đúng đắn tất sẽ dẫn đến những kết quả tốt, bất kể đó là nguyên tắc trong lĩnh vực gì - vậy xin ông hãy nhớ kỹ điều này: bệnh tật chẳng những không có gì là cao quý, là khả kính tới mức không được phép đi đôi với ngu dốt, mà ngược lại nó là một nỗi ô nhục, đúng thế, một sự hạ nhục đau đớn và đầy tổn thương đối với tư tưởng con người, trong từng trường hợp riêng lẻ người ta có thể nương nhẹ và bao dung khi tiếp xúc với nó, nhưng đề cao bệnh tật về mặt tinh thần là một sai lầm - ông hãy nhớ kỹ lấy! - một sai lầm lớn khởi đầu cho mọi lầm lạc tinh thần. Người đàn bà mà ông đề cập tới - tôi không có ý định ghi nhớ tên bà ta - bà Stöhr ư, cảm ơn ông - tóm lại, người đàn bà lố bịch này, theo tôi không phải bệnh tật của bà ta đẩy cảm xúc con người vào tình huống trớ trêu như ông nói. Ốm đau và dốt nát, nhân danh Chúa, là khốn khổ, đơn giản có thế thôi, người ta chỉ cần tội nghiệp nhún vai một cái là xong. Cái thế kẹt, thưa ông, tấn bi kịch bắt đầu ở chỗ sự hài hòa làm nên nhân cách một con người bị tạo hóa tàn nhẫn phá hủy - hoặc tai quái không ban cho ngay từ lúc lọt lòng - mà đem ràng buộc một tâm hồn cao quý đầy sinh lực vào một tấm thân quặt quẹo không sức sống. Các ông có biết Leopardi[53] không, ông kỹ sư, ông thiếu úy? Đó là một nhà thơ bất hạnh của xứ tôi, một người gù lưng tàn tật với một tâm hồn cao cả thuở ban đầu, tiếc rằng tâm hồn ấy bị khuyết tật của thân thể dày vò đày đọa trở nên sa sút và cuối cùng chìm đắm hoàn toàn trong bi quan yếm thế, chỉ còn thốt lên những vần thơ ai oán làm tan vỡ trái tim. Các ông nghe nhé!”
Và Settembrini bắt đầu ngâm ngợi những vần thơ tiếng Ý, để cho những âm tiết rộn ràng tan ra trên lưỡi, đầu lắc lư, mắt lim dim, không đếm xỉa đến hai người đồng hành cứ như vịt nghe sấm. Rõ ràng ông ta chỉ muốn lục tìm trong ký ức và đọc lên để tự thưởng thức mà thôi. Sau cùng ông ta bảo:
“Nhưng chắc các ông chẳng hiểu những vần thơ ấy nói gì đâu nhỉ, các ông chỉ nghe được âm điệu mà không nắm được ý nghĩa đau thương của nó. Phế nhân Leopardi, thưa các ông, xin các ông thông cảm cho điều này, sinh thời không được hưởng tình yêu của nữ giới, có lẽ đó cũng là lý do chính khiến ông ta không chống lại được quá trình tàn héo thoái hóa của tâm hồn. Ánh hào quang danh vọng và các giá trị đạo đức đã lụi tắt trong mắt ông ta, thiên nhiên chỉ còn vẻ tàn ác - trong thực tế quả thực thiên nhiên tàn ác, vừa dốt nát vừa tàn ác, về điểm này tôi cho rằng ông ta có lý - và ông ta đánh mất lòng tin - nói ra thật khủng khiếp - ông ta đánh mất lòng tin vào khoa học và tiến bộ! Đấy mới thực sự là bi kịch, đấy mới là ‘tình huống trớ trêu xét trên phương diện cảm xúc con người’ mà ông nói tới, ông kỹ sư, chứ không phải người đàn bà kia - tôi khước từ việc ghi nhớ tên bà ta… Xin ông đừng nói tới ‘sự thăng hoa tinh thần’ nhờ bệnh tật, lạy Chúa, xin ông đừng bắt tôi phải nghe điều đó! Một tâm hồn không thể xác cũng vô nhân tính và đáng sợ như một thể xác không có tâm hồn, mặc dù trường hợp thứ nhất là ngoại lệ hiếm hoi trong khi trường hợp thứ hai nhan nhản khắp nơi. Thông thường thể xác đóng vai trò lấn át, nó giành về phần mình tất cả những gì quan trọng trong cuộc sống và tự do hành động một cách vô cùng bỉ ổi. Một người bệnh chỉ có tấm thân là còn sống, không có nhân tính và phẩm giá, trong nhiều trường hợp không hơn gì một cái xác…”
“Lạ thật”, đột nhiên Joachim lên tiếng và cúi người về phía trước nhìn Hans Castorp đang đi phía bên kia Settembrini. “Mới đây cậu vừa nói ra những điều hệt như thế.”
“Vậy hả?” Hans Castorp luống cuống đáp. “Ừ, cũng có thể. Có lẽ một suy nghĩ tương tự đã có lúc nảy ra trong đầu tớ.”
Settembrini im lặng bước đi mấy bước. Cuối cùng ông ta bảo:
“Càng tốt, thưa các ông. Nếu ông đã nghĩ đến điều đó rồi thì càng tốt. Tôi không có ý định giới thiệu với các ông một triết lý mới độc đáo - đó không phải là trách nhiệm của tôi. Nếu ông kỹ sư của chúng ta cũng có sự trùng lặp về tư tưởng với tôi thì phỏng đoán của tôi lại càng tỏ ra có cơ sở, tức là ông đang như những người trẻ tuổi thử thách tài năng của mình bằng những thí nghiệm theo mọi hướng. Một người trẻ tuổi có tài không phải là một trang giấy trắng, mà giống như một trang giấy đã được viết đầy bằng mực hóa học, cả điều tốt lẫn điều xấu, và người mang trách nhiệm giáo dục phải làm sao tạo điều kiện cho những điều tốt nổi lên rõ nét, trong khi những điều xấu chen lẫn trong đó thì phải dùng ảnh hưởng của mình mà xóa đi vĩnh viễn. Các ông mới đi sắm đồ phải không?” Ông ta hỏi bằng giọng đổi khác, nhẹ nhàng hơn…
“Không, có gì đâu”, Hans Castorp lúng túng, “tức là…”
“Chúng tôi vừa mua vài cái chăn cho em họ tôi dùng”, Joachim vô tình trả lời.
“Để nằm ngoài ban công… Trời lạnh chết người thế này… Tôi nên theo lịch sinh hoạt ở đây trong mấy tuần thăm viếng ngắn ngủi”, Hans Castorp cười ngượng nghịu và nhìn xuống đất.
“A, chăn, để nằm nghỉ”, Settembrini bảo. “Chà, chà, chà. Ây, ây, ây. Đúng thế: Placet experiri!” Ông ta lặp lại câu châm ngôn tiếng Latinh bằng cách phát âm tiếng Ý rồi chia tay hai người, vì họ đã về tới viện an dưỡng và lão gác cổng khập khiễng mới bước ra chào. Từ tiền sảnh Settembrini không lên lầu mà rẽ vào dãy phòng giải trí, theo lời ông ta là để đọc báo trước khi tới giờ ăn. Có vẻ ông ta định trốn cữ nằm nghỉ thứ hai trong ngày.
“Xin Chúa che chở cho con!” Hans Castorp lên tiếng lúc chỉ còn chàng đứng cùng Joachim trong thang máy. “Xui xẻo thế nào lại đụng nhầm ông thầy luân lý - mới đây ông ta cũng tự nhận là mình có thiên hướng sư phạm. Nói chuyện với ông ta phải cẩn thận lựa từng lời nếu không muốn bị cạo gáy đến nơi đến chốn như vừa rồi. Nhưng nghe ông ta nói cũng có cái thú vị riêng, ông ta rất biết cách để cho từng chữ nảy ra tròn trịa ngon lành từ cửa miệng, mỗi khi lắng nghe ông ta diễn thuyết tớ lại nghĩ đến những chiếc bánh mì nóng giòn.”
Joachim phì cười.
“Đừng có kể với ông ta đấy. Tớ sợ rằng ông ấy sẽ thất vọng tràn trề khi được biết cậu nghĩ tới bánh mì trong khi nghe ông ta giảng đạo lý.”
“Cậu nghĩ thế à? Cũng chưa chắc đâu. Không hiểu sao tớ cứ có cảm tưởng rằng đối với ông ấy dạy dỗ không phải là điều quan trọng nhất, có lẽ dạy dỗ chỉ là thứ yếu thôi, còn chủ yếu là ông ta muốn có cơ hội nói, để cho ngôn từ nảy lên lăn tròn… như những quả bóng cao su… và ông ta có vẻ rất khoái thấy người khác đặc biệt đề cao khiếu ăn nói của mình. Tất nhiên nhận định của chủ hãng bia Magnus về ‘những nhân vật đẹp’ là điều nhảm nhí, nhưng lẽ ra Settembrini cũng nên giải thích văn học đem lại cho con người nếu không phải cái ấy thì là cái gì. Tớ không muốn hỏi ông ta, sợ lại vạch áo cho người xem lưng, vì thực tình tớ chẳng có kiến thức gì trong lĩnh vực văn học và từ trước tới nay cũng chưa được mục sở thị một ông văn sĩ nào. Nhưng nếu như giá trị của văn chương không phải ở những nhân vật đẹp thì chắc hẳn là ở những ngôn từ đẹp, đấy là cảm tưởng của tớ trong những lần chuyện trò với Settembrini. Ông ta sử dụng từ ngữ mới đáng ngại làm sao! Nhắc đến ‘đạo đức’ mà giọng ngọt xớt - xin lỗi cậu, nhưng cả đời tớ chưa dám mở miệng ra nói từ ấy bao giờ, thậm chí ở trường khi gặp chữ ‘virtus’[54] trong sách cũng chỉ dám dịch là ‘đức tính tốt’ mà thôi. Thú thực là khi nghe nói đến cái từ ấy ruột gan tớ cứ thót lại. Và tớ cũng không khoái chí khi nghe ông ta bêu riếu cả thời tiết xấu lẫn Behrens rồi còn kéo luôn bà Magnus vào nữa, chỉ vì bà này ốm đau đến nỗi sụt ký, tóm lại ông ta bất mãn với tất cả. Ngay từ đầu tớ đã nhận ra ông ta ở về phe đối lập. Ông ta đả phá tuốt tuột mọi cơ sở nền tảng xã hội, thái độ ấy tớ thấy bệ rạc quá, thật chẳng biết nên coi ông ta là người như thế nào nữa.”
“Cậu nói cũng đúng”, Joachim trầm ngâm đáp. “Nhưng đồng thời ông ta lại có niềm tự hào riêng, không bệ rạc chút nào, ngược lại là đằng khác. Ông ta là một người rất biết tôn trọng bản thân, tôn trọng con người nói chung, chính vì thế mà tớ quý mến ông ấy, theo tớ ông ta là người tử tế.”
“Ừ, phải đấy”, Hans Castorp bảo. “Thậm chí nhiều lúc ông ta nghiêm khắc dễ sợ, tiếp xúc với ông ta đôi khi tớ thấy ngại - biết nói thế nào nhỉ - ngại bị giám sát, đúng thế, dùng từ ấy không sai đâu. Cậu biết không, tớ có cảm tưởng hình như ông ta không tán thành chuyện tớ mua chăn để nằm nghỉ, có vẻ như ông ấy phản đối và không hài lòng thì phải?”
“Không”, Joachim ngạc nhiên trả lời. “Sao cậu lại nghĩ thế. Chẳng có lý do gì để nghĩ như vậy cả.” Rồi chàng ôm đống đồ lề, cái nhiệt kế ngậm vắt vẻo một bên mép, đi ra ngoài ban công nằm nghỉ. Còn Hans Castorp về phòng rửa ráy thay quần áo chuẩn bị xuống ăn trưa, vì cũng chỉ còn gần một tiếng đồng hồ nữa thôi.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần