Anyone who says they have only one life to live must not know how to read a book.

Author Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Lỡ Lời
hông”, Joachim đáp, “tớ không được đi xa quá. Tầm này tớ chỉ đi một quãng xuống Làng, nếu có thời gian thì đến tận Phố. Ở đó có đủ các cửa tiệm, là nơi tụ họp và mua bán những vật dụng cần thiết. Trước bữa ăn còn phải nằm nghỉ một tiếng đồng hồ nữa, sau đó nằm một mạch tới bốn giờ, cậu không việc gì phải lo.”
Họ đi trong ánh nắng chan hòa, theo con đường xe ngựa xuống thung lũng, vượt qua lạch nước nhỏ và đường ray hẹp, trước mắt là dãy núi làm thành sườn bên phải thung lũng: Tiểu Schiahorn, những ngọn tháp xanh và quả núi Làng, Joachim kể vanh vách tên từng đỉnh. Xê xế trên sườn dốc, nằm ở một vạt đất hơi cao là cái nghĩa trang nho nhỏ có tường bao quanh, Joachim đưa đầu gậy giới thiệu cả nơi này với Hans Castorp. Và họ vào làng qua con đường độc đạo nằm cao hơn đáy thung lũng khoảng một tầng nhà, như bậc thềm bó quanh sườn núi.
Nơi này ngoài cái tên ra thì chẳng có gì đáng gọi là làng. Khu an dưỡng và điều trị bệnh lao đã lấn át hết nhà dân và tràn về phía cửa thung lũng, cái gọi là “Làng” bị đẩy về nhập vào khúc đuôi của phần được mệnh danh là “Phố”. San sát hai bên đường toàn là khách sạn và nhà trọ, thảy đều đầy đủ lệ bộ hàng hiên, ban công và phòng điều dưỡng la liệt ghế nằm, cả nhà tư cũng treo bảng cho thuê phòng; đây đó nổi lên một công trình mới; cũng có những khoảng trống không nhà cửa và từ trên đường người ta có thể nhìn xuống đồng cỏ xanh rờn dưới thung lũng…
Hans Castorp, nhớ đến thú vui trần tục quen thuộc của mình, lại châm một điếu xì gà, và có lẽ nhờ tác dụng của vại bia nên lần này chàng sướng rơn, cảm thấy tìm lại được một chút hơi hướng thơm ngon mong đợi: chỉ có điều những khoảnh khắc ấy quá hiếm hoi và quá mong manh, cần phải tập trung hết sức các giác quan mới lờ mờ hình dung được phần nào lạc thú kia, trong khi vị da thuộc đắng nghét vẫn là chủ đạo. Lực bất tòng tâm, hoàn toàn bó tay trong cuộc tìm kiếm niềm hạnh phúc hoặc khăng khăng không chịu xuất đầu lộ diện hoặc chỉ hé mở một cách xa vời để dụ dỗ và trêu ngươi, sau một hồi gắng sức mệt nhoài và thất vọng chàng lại vứt quách điếu xì gà đi. Mặc dù người choáng váng nôn nao, chàng vẫn cho rằng theo phép lịch sự tối thiểu mình có bổn phận tiếp chuyện người anh họ, và muốn nối lại đề tài hấp dẫn về “thời gian” lúc nãy bị bỏ dở nửa chừng. Nhưng chàng kinh ngạc nhận thấy mình đã quên tiệt cả cái mớ “triết lý tổng hợp” kia, và trong đầu chàng không đào đâu ra một mẩu tư duy nào về thời gian nữa. Thế là chàng bắt đầu nói về sức khỏe và cơ thể, mà lại nói một cách khá là kỳ cục.
“Lúc nào cậu lại phải đo nhiệt độ?” Chàng hỏi. “Sau bữa ăn à? Tốt đấy. Bấy giờ tất cả các cơ quan bộ phận đều chạy hết công suất, đó là lúc thích hợp nhất để đo nhiệt độ. Behrens bảo tớ cũng nên đo, nhưng chắc ông ấy nói chơi vậy thôi, cậu nhớ không, Settembrini nghe kể đã cười ầm lên, nếu tớ răm rắp làm theo thì kỳ quá. Mà tớ cũng làm gì có nhiệt kế để đo.”
“Khó gì chuyện ấy”, Joachim bảo. “Cậu chỉ cần mua một cái là xong. Ở đây gần như tiệm nào cũng có bán nhiệt kế.”
“Nhưng mua để làm gì! Không, nằm nghỉ thì tớ sẵn sàng, chứ còn đo nhiệt độ thì xin miễn, tớ chỉ là khách tham quan, cái ấy để dành riêng làm đặc quyền của các cậu trên này! Chỉ có điều không hiểu tại sao”, và chàng đưa tay lên ôm ngực như người bày tỏ tình yêu, “tim tớ cứ lồng lên như ngựa vía thế này, thật bực quá, nó làm tớ băn khoăn suy nghĩ mãi từ nãy đến giờ. Cậu biết đấy, người ta cảm thấy tim đập dồn khi có niềm vui đặc biệt hoặc phải sợ hãi điều gì, tóm lại là trong trạng thái tinh thần xáo động, phải không? Nhưng nếu trái tim tự động tăng nhịp đập lên một cách vô cớ và vô nghĩa, hay nói cách khác là nó cứ tự thân vận động, thì tớ thấy có cái gì đó hơi kinh dị, cậu hiểu không, như là cơ thể vẫn còn hoạt động lúc hồn đã lìa khỏi xác, như một người chết nhưng cơ thể lại chưa chết - mặc dù chuyện ấy làm gì có - tức là trong cơ thể ấy vẫn diễn ra mọi quá trình của sự sống, một cách tự động: tóc và móng tay móng chân vẫn mọc dài ra, tớ nghe nói thế, tóm lại là trong đó vẫn còn một sinh hoạt sôi động lắm…”
“Cậu nói năng gì lạ thế”, Joachim điềm đạm trách. “Sao lại gọi quá trình trao đổi chất trong cơ thể là ‘sinh hoạt sôi động’!” Nhưng cũng có thể chàng chỉ nhân cơ hội trả đũa câu phê bình sáng ngày về “cây xúc xắc” mà thôi.
“Nhưng sự thật đúng là như thế! Vô số cơ quan tế bào tham gia vào sinh hoạt sôi động ấy! Tại sao cậu lại phản đối?” Hans Castorp cãi. “Vả lại tớ chỉ ví dụ thế thôi. Điều tớ muốn diễn tả là: cảm giác rùng rợn và lo sợ khi nhận thấy cơ thể tự thân vận động độc lập với linh hồn, có một cuộc sống riêng, như trái tim tự tăng nhịp đập một cách vô cớ này đây. Người ta cứ băn khoăn đi tìm một lý do tâm linh, một trạng thái tinh thần, một cảm xúc như là vui mừng hay sợ hãi để cố gắng lý giải và biện hộ - chí ít đấy là tâm trạng của tớ lúc này, tớ chỉ tả những gì mình cảm thấy thôi.”
“Hiểu rồi”, Joachim thở dài, “đấy là những gì người ta cảm thấy khi bị sốt - lúc bấy giờ trong cơ thể cũng diễn ra ‘sinh hoạt sôi động’ theo cách nói của cậu, và người ta cứ lo tìm một xáo trộn tinh thần, cũng theo cách nói của cậu lúc nãy, để gán cho cái hoạt động ấy một phần nào ý nghĩa… Nhưng bọn mình nói toàn chuyện nhảm nhí”, giọng chàng khàn đi rồi tắt ngấm; trong khi Hans Castorp chỉ nhún vai y hệt cử chỉ tối hôm qua chàng mới bắt gặp ở Joachim.
Họ đi tiếp một quãng không ai nói năng gì. Rồi Joachim gợi chuyện:
“Sao, cậu thấy những người ở đây thế nào? Tớ muốn nói là những người ngồi cùng bàn mình ấy?” Hans Castorp tỏ ra khá thờ ơ.
“Ôi trời”, chàng bảo, “tớ thấy họ chán chết. Những người ngồi ở các bàn khác tớ thấy thú vị hơn nhiều, nhưng cũng có thể đấy chỉ là tâm lý đứng núi này trông núi nọ. Bà Stöhr nên gội đầu đi là vừa, tóc bà ta bết cả lại rồi. Còn cái cô bé Mazurka[33], chẳng biết tên cô ta là gì nữa, thì vô duyên tệ. Có vẻ như lúc nào cô ta cũng phải nhét khăn tay vào miệng để khỏi cười rú lên.”
Joachim phì cười vì cái tên Hans Castorp gán cho cô gái.
“’Mazurka’, hay thật!” Chàng bảo. “Tên cô ta là Marusia, cho phép tớ được cải chính, đại loại như là Marie trong tiếng Đức. Ừ, cô ấy rất hay cười”, chàng nói tiếp. “Mà lẽ ra cô ấy có đủ lý do để bớt cười đi một chút, bệnh cô ấy không phải là nhẹ.”
“Ai mà ngờ được”, Hans Castorp bảo. “Cô ấy trông ngon mắt như thế. Nhất là bộ ngực ấy thì lại càng không ai ngờ là mục ruỗng.” Và chàng quay sang tìm kiếm ánh mắt đồng lõa của người anh họ, nhưng gương mặt rám nắng của Joachim biến sắc hẳn đi như người say nắng, cắt không còn giọt máu, và cặp môi mím chặt méo xệch một cách đáng sợ - Hans Castorp hoảng hồn vội chuyển đề tài sang những người khác và tìm cách xua ra khỏi đầu hình ảnh cô Marusia cùng nét mặt lạ lùng khó hiểu của Joachim, tự nhủ sẽ không bao giờ nhắc lại chuyện ấy nữa.
Cô người Anh uống trà từ quả hoa hồng là Miss Robinson. Cô thợ may thực ra không phải là thợ may mà là giáo viên một trường nữ trung học công ở Königsberg[34], đó chính là lý do giải thích cho cách nói năng lưu loát của cô ta. Tên cô ta là Engelhart. Còn về phần bà cụ già vui tính, chính Joachim cũng không biết tên bà ta, mặc dù chàng ở đây đã từng ấy tháng rồi. Chỉ biết rằng bà ta là dì của mẹ cô gái ăn sữa chua, bà luôn có mặt ở viện suốt thời gian cô cháu gái được điều trị. Nhưng người bệnh nặng nhất ở bàn họ là ông tiến sĩ Blumenkohl, Leo Blumenkohl người Odessa, - đó chính là người đàn ông trẻ có ria mép và vẻ mặt nhăn nhó như khỉ ăn gừng. Ông ta đã ở trên này cả năm rồi…
Tới một lúc họ đặt gót lên vỉa hè Phố Davos - có thể thấy ngay đường phố chính của thị trấn tẻo teo này cũng là một điểm hẹn quốc tế. Họ chạm trán đủ loại khách an dưỡng đi bát phố, chủ yếu là những người còn trẻ, các tay công tử mặc đồ thể thao đầu không mũ không nón, các bà các cô cũng để đầu trần mặc váy trắng tinh. Khắp nơi vang lên giọng nói tiếng Nga và tiếng Anh. Các cửa hàng cửa hiệu mặt tiền lắp kính trang trí hàng hóa hấp dẫn dàn đầy hai bên hè phố. Hans Castorp, tính tò mò nổi lên đánh thắng cơn mệt mỏi, đứng tần ngần hồi lâu trước một cửa hiệu thời trang đàn ông và đi đến kết luận là ở đây có đủ loại trang phục thời thượng nhất hiện nay.
Rồi đến một tòa nhà lầu hình tròn với mái vòm và hành lang rộng, bên trong có một dàn nhạc đang biểu diễn. Đó là trung tâm giải trí của vùng này. Trên các sân tennis những trận đấu đang hồi sôi nổi. Các thanh niên mày râu nhẵn nhụi, chân dài mặc quần dạ là thẳng nếp, đi giày đế cao su, cánh tay trần nổi bắp đấu với những cô gái mặc toàn màu trắng, chạy tới chạy lui trong ánh nắng chói chang và vươn người vung tay tìm cách vụt vào quả bóng trắng bay qua bay lại trong không khí. Trên sân phủ đầy bụi trắng như rắc bột. Hai anh em ngồi xuống một băng ghế trống quan sát và bình luận cuộc chơi.
“Cậu không chơi à?” Hans Castorp hỏi.
“Tớ không được phép”, Joachim trả lời. “Chúng tớ phải nằm nghỉ, lúc nào cũng nằm nghỉ… Settembrini bảo rằng, chúng tớ sống ở tư thế nằm ngang - ông ấy bảo chúng ta là những kẻ đo giường, đó là một lối nói đùa của ông ấy. Những người đang chơi kia nếu không khỏe mạnh thì cũng là bệnh nhân trốn ra chơi lén. Nhưng thật ra họ cũng có đấu thực sự đâu, chủ yếu họ chỉ muốn khoe quần áo thời trang… Ở đây còn nhiều trò chơi khác bị cấm đoán, đánh bài poker chẳng hạn, cậu hiểu không, và ở một vài khách sạn người ta còn tổ chức chơi cá ngựa ăn tiền - ở viện điều dưỡng mình có chỉ thị xếp đó vào loại trò chơi nguy hiểm nhất có hại cho sức khỏe. Nhưng vẫn có những người sau giờ điểm danh buổi tối lén xuống đây để cho nhà cái sát phạt. Nghe nói vị hoàng tử phong tặng danh hiệu cố vấn cho Behrens là người hăng hái nhất.”
Hans Castorp chỉ lơ đãng nghe có nửa tai. Miệng chàng hé mở, chàng không thở được bằng đường mũi, vì mũi chàng ngạt tịt. Tim chàng đập thình thịch lạc lõng không theo điệu nhạc, điều này làm chàng vừa tức tối vừa khổ sở. Với cái cảm giác hỗn độn đầy mâu thuẫn ấy trong đầu chàng mệt mỏi thiếp đi, đúng vào lúc Joachim giục quay về.
Họ gần như im lặng suốt đường về. Hans Castorp thậm chí còn loạng quạng vấp mấy lần và lắc đầu cười ủ rũ. Lão già khập khiễng điều khiển thang máy đưa họ lên lầu. Họ chia tay trước cửa phòng số 34 với một câu “tạm biệt” ngắn ngủi. Hans Castorp đi thẳng qua phòng ra ngoài ban công, cứ để nguyên lệ bộ như lúc về nằm lăn ra ghế và chẳng cần sửa lại tư thế chìm ngay vào giấc ngủ chập chờn trong nhịp đập gấp gáp của trái tim tự thân vận động.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần