Books support us in our solitude and keep us from being a burden to ourselves.

Jeremy Collier

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Đào Sâu Suy Nghĩ
hưng Joachim chỉ có thể trả lời một cách hạn chế bằng giọng lúng búng. Chàng rút từ trong một cái túi da đỏ lót nhung nằm trên bàn ra một cây nhiệt kế nhỏ và cắm đầu dưới chỗ có giọt thủy ngân vào miệng. Chàng dùng lưỡi kẹp giữ nó về bên trái, để cho cái dụng cụ đo nhiệt độ ấy thò ra chênh chếch từ bên mép. Rồi chàng rửa tay, xỏ đôi dép trong nhà và chiếc áo khoác ngắn kiểu áo sĩ quan Ba Lan vào, lấy tờ giấy in sẵn một cái bảng và cây bút chì trên bàn, thêm một cuốn sách ngữ pháp tiếng Nga - chàng học thêm tiếng Nga, vì, như chàng nói, có thể đó là một lợi thế khi nhận nhiệm vụ - và rồi chàng tha hết từng ấy thứ trang bị ra ngoài ban công leo lên chiếc ghế nằm, kéo tấm chăn lông lạc đà phủ nhẹ lên chân.
Có thể nói tấm chăn ấy khá là thừa thãi, vì trong khoảng mười lăm phút vừa qua lớp mây cứ mỏng dần và mặt trời đã hiện ra rạng rỡ, tỏa xuống những tia nắng ấm áp chói chang đến mức Joachim phải kéo ô lên che đầu, chiếc ô căng vải lanh trắng được bắt vào tay ghế bằng một thiết bị tiện lợi có thể xoay nghiêng tùy theo vị trí mặt trời. Hans Castorp không tiếc lời khen ngợi phát minh này. Chàng muốn chờ xem kết quả đo nhiệt độ nên nán lại và tò mò quan sát khắp xung quanh, để ý cả đến chiếc túi ngủ lót lông dựng trong một góc ban công (Joachim dùng cái túi lót lông này vào những ngày giá lạnh), và đứng chống cùi tay lên lan can nhìn xuống vườn, nơi gian nhà điều dưỡng kê những dãy ghế nằm giờ đã đầy nhóc bệnh nhân, kẻ đọc người viết người tán dóc. Cũng phải nói thêm là từ đây chỉ có thể nhìn thấy một phần nào bên trong, khoảng dăm chiếc ghế mà thôi.
“Nhưng mà cậu phải ngậm bao lâu?” Hans Castorp hỏi và quay đầu lại.
Joachim giơ lên bảy ngón tay.
“Bảy phút thì hết lâu rồi chứ!”
Joachim lắc đầu. Lát sau chàng rút cây nhiệt kế ra khỏi miệng đưa lên xem và bảo:
“Lúc người ta phải để ý tính thời gian thì nó trôi đi rất chậm. Thực ra tớ rất thích những lúc đo nhiệt độ thế này, bốn lần một ngày, vì chỉ những lúc ấy người ta mới tính được đúng thời gian: mỗi một phút hay thậm chí cả bảy phút đồng hồ, còn ngoài ra ở đây bảy ngày trong tuần vèo cái là trôi đi mất.”
“Cậu bảo là ‘tính được đúng thời gian’. Nhưng không thể nào nói là ‘đúng’ được”, Hans Castorp cãi. Chàng ngồi gác đùi lên lan can, lòng trắng con mắt vằn lên tia máu đỏ. “Thời gian không thể nào tính ‘đúng’ được. Một người có thể cảm thấy nó trôi đi nhanh, thì nó nhanh, người khác thấy nó trôi chậm, thì nó chậm, nhưng liệu trên thực tế nó nhanh hay chậm thì không ai có thể biết được.” Rõ ràng chàng không quen triết lý, nhưng lại cảm thấy có nhu cầu phải nói.
Joachim không đồng ý.
“Sao lại thế? Không. Thời gian đo được kia mà. Đã có đồng hồ và lịch, và nếu một tháng trôi qua thì đối với cậu và với tớ và với tất cả mọi người đều đã hết một tháng.”
“Cậu chú ý nhé”, Hans Castorp bảo và thậm chí còn giơ một ngón tay trỏ lên gần cặp mắt đỏ ngầu. “Một phút dài đúng như cậu cảm thấy lúc cậu đo nhiệt độ, phải không?”
“Một phút dài… nó dài đúng như thời gian chiếc kim giây chạy một vòng quanh mặt đồng hồ.”
“Nhưng chiếc kim giây ấy chạy lúc nhanh lúc chậm khác nhau - tùy cảm nhận của mỗi người! Và trên thực tế… tớ nhấn mạnh là: trên thực tế”, Hans Castorp lặp lại và ấn ngón tay trỏ lên đầu mũi mạnh đến nỗi nó cong gập xuống, “đó là một chuyển động, một chuyển động trong không gian, phải không? Khoan, gượm đã! Vậy là chúng ta đo thời gian bằng không gian. Nhưng như vậy cũng chẳng khác gì đi đo không gian bằng thời gian, một việc mà chỉ những người không hiểu gì về khoa học mới làm. Từ Hamburg đến Davos là hai mươi giờ đồng hồ, đúng, nếu ta đi xe lửa. Nhưng nếu ta đi bộ thì quãng đường ấy sẽ dài như thế nào? Và trong ý nghĩ thì sao? Không mất đến một giây!”
“Này”, Joachim bảo, “hôm nay sao cậu lạ quá? Trên này làm cậu rối trí rồi hay sao?”
“Yên nào! Hôm nay đầu óc tớ đặc biệt sáng suốt. Thời gian là gì?” Hans Castorp hỏi và ấn mạnh chóp mũi mình sang một bên đến nỗi nó trắng bệch không còn một giọt máu. “Cậu có trả lời được câu hỏi của tớ không? Không gian thì mình có thể nhận thức được bằng các bộ phận cơ thể, các giác quan trên đầu và xúc giác. Tốt lắm. Nhưng cơ quan bộ phận nào có tác dụng cảm nhận thời gian? Cậu có thể kể ra được không? Thấy chưa, tới đây cậu tắc tị rồi. Và ta làm sao có thể đo được cái mà bản thân ta chẳng biết là cái gì, không có lấy một chút khả năng để hình dung ra nữa! Chúng ta quen nói: thời gian trôi đi. Tốt lắm, nó cứ việc trôi đi. Nhưng để có thể đo được nó… gượm đã! Để có thể đo được thì nó phải trôi với một tốc độ không đổi, và đã ai dám khẳng định như thế? Đối với nhận thức của chúng ta nó không trôi đi một cách đều đặn, chúng ta chỉ giả sử như thế để lập ra một trật tự nhất định, và thước đo của chúng ta chỉ là quy ước mà thôi, thật đấy…”
“Được”, Joachim bảo, “thế thì cũng chỉ theo quy ước mà cái nhiệt kế của tớ vọt lên cao hơn tới bốn vạch đây này! Và vì mấy cái vạch này mà tớ bị nhốt ở đây không được về đơn vị, đấy không còn là quy ước nữa mà là thực tế khốn nạn!”
“Cậu sốt 37,5 độ cơ à?”
“Thế là đã xuống rồi đấy.” Và Joachim điền con số vào bảng. “Tối hôm qua lên tới gần 38 độ cơ, đấy là tại cậu đến. Tất cả những người có khách đến thăm đều tăng nhiệt độ. Nhưng đấy là sốt vì sung sướng.”
“Thôi tớ đi đây”, Hans Castorp bảo. “Tớ còn một mớ tư duy về thời gian trong đầu, phải gọi là một mớ triết lý tổng hợp mới đúng. Nhưng tớ không muốn quấy rầy cậu thêm nữa, vì cậu đã bị tăng quá nhiều vạch rồi. Tớ sẽ giữ lại để có dịp bọn mình bàn luận tiếp, sau bữa ăn lót dạ chẳng hạn. Đến giờ đi ăn cậu lại gọi tớ nhé. Tớ cũng đi nằm điều dưỡng đây, ơn Chúa, nằm thì không có hại gì cả.” Rồi chàng bước qua vách ngăn bằng kính sang phần ban công của mình, bên ấy cũng có một chiếc ghế nằm kê cạnh chiếc bàn nhỏ, chàng lấy ‘Tàu thủy viễn dương’ và tấm chăn dạ mềm mại kẻ ô vuông xen kẽ màu đỏ sẫm với màu xanh lá cây từ trong căn phòng đã dọn dẹp gọn gàng ra rồi ngả lưng xuống ghế.
Chẳng mấy chốc chàng cũng phải căng tấm ô lên, vì nằm một chỗ ánh nắng mặt trời rọi xuống thiêu đốt không chịu nổi. Nhưng đồng thời Hans Castorp cũng khoái chí nhận xét là chỗ nằm của chàng thoải mái một cách khác thường, chàng không nhớ là đã bao giờ có được một chiếc ghế nằm tiện nghi như thế. Khung ghế có hình dạng kiểu cổ - nhưng chỉ là giả cổ, vì chiếc ghế rõ ràng còn mới - được đóng từ một loại gỗ nâu đỏ đánh bóng, một tấm nệm êm ái bọc vải thun, đúng ra là ba phần nệm xếp liền lại với nhau, phủ kín từ chân ghế lên đến hết chỗ dựa lưng. Ngoài ra còn có một chiếc gối tròn kê gáy bọc vải lanh thêu được buộc bằng một sợi dây vào lưng ghế, không lỏng quá mà cũng không chặt quá để có thể điều chỉnh vị trí, làm tăng tác dụng thư giãn một cách đáng kể. Hans Castorp kê một cánh tay lên mặt tay dựa ghế rộng rãi nhẵn thín, nằm ngả người mắt hấp háy tìm cách giải trí bằng ‘Tàu thủy viễn dương’. Nhìn qua khoảng trần vòm cung phía trên ban công phong cảnh cằn cỗi trơ trụi nhưng chan hòa ánh nắng bên ngoài nổi lên như một bức tranh được đóng khung. Hans Castorp đăm đắm trông lên, trong đầu ngổn ngang ý nghĩ. Đột nhiên chàng sực nhớ ra, và lớn tiếng nói phá tan cảnh tĩnh mịch: “Hồi sáng có một người lùn phục vụ lúc chúng mình ăn điểm tâm.”
“Psss”, Joachim nhắc. “Khẽ chứ. Ừ, một người lùn. Thế thì sao?”
“Chẳng sao cả. Bọn mình chưa trao đổi gì về chuyện ấy.”
Rồi chàng lại tiếp tục mơ màng. Lúc chàng bắt đầu ngả lưng là đã mười giờ sáng. Một tiếng đồng hồ nữa trôi qua. Đó là một tiếng đồng hồ thông thường, không dài cũng không ngắn. Thế rồi trong nhà ngoài vườn vang lên một tiếng cồng ngân nga, đầu tiên xa, tiến lại gần, rồi lại lùi ra xa.
“Tới giờ ăn”, Joachim bảo, và có tiếng chàng lục xục đứng dậy.
Cả Hans Castorp cũng trở dậy và vào phòng sửa soạn lại hình dong. Hai anh em gặp nhau ngoài hành lang rồi cùng đi xuống dưới lầu. Hans Castorp bảo:
“Này, tớ không ngờ nằm ngoài ban công thoải mái đến thế. Đấy là loại ghế gì vậy? Nếu ở đây có bán thì tớ phải mang một cái về Hamburg mới được, nằm trên ấy sướng như tiên. Hay theo ý cậu thì Behrens đặt người ta đóng riêng cho viện an dưỡng?”
Joachim không biết điều này. Họ treo áo khoác rồi bước vào gian phòng ăn lần thứ hai trong ngày, bữa ăn đã được bày biện tinh tươm.
Cả gian phòng sáng trắng lên toàn sữa: trước mỗi chỗ ngồi đều đặt một cốc sữa lớn, phải đến nửa lít chứ không ít.
“Thôi rồi”, Hans Castorp bảo, lúc chàng ngồi vào đầu bàn của mình giữa cô thợ may và cô người Anh, ngoan ngoãn mở khăn ăn ra mặc dù bụng chàng còn no căng do bữa điểm tâm. “Không”, chàng than thở, “có Chúa chứng giám, tôi không thể uống được sữa, và nhất là không thể uống vào giờ giấc này. Không biết ở đây có bia Porter không?” Và chàng quay sang cô người lùn hỏi một cách nhẹ nhàng lễ độ. Rất tiếc không có. Nhưng cô ta hứa mang lên bia Kulmbacher, và lát sau mang lên cho chàng thật. Đó là một loại bia đen đặc, nổi bọt màu nâu và thay thế cho bia Porter một cách tuyệt vời. Hans Castorp uống ừng ực từ vại cao nửa lít, và ăn kèm thịt nguội thái lát với bánh mì nướng. Lại có cháo yến mạch và lại có rất nhiều bơ với trái cây. Ít nhất chàng cũng để cho mắt mình được thưởng thức, vì bụng chàng quả thực không còn ních thêm được gì nữa. Chàng lại nhìn quanh quan sát các thực khách, và đám đông trong mắt chàng bắt đầu tách dần ra để nổi lên từng cá thể riêng biệt.
Bàn của chàng được xếp kín chỗ, trừ đầu bàn đối diện chỗ chàng ngồi, và người ta giải thích rằng đó là chỗ của các bác sĩ. Vì các bác sĩ, khi công việc cho phép, cũng tới dự bữa ăn chung với bệnh nhân và lần lượt ngồi với từng bàn: bàn nào trên đầu cũng chừa ra một chỗ trống dành cho vị chủ tọa. Lúc này cả hai ông bác sĩ đều không có mặt; người ta bảo rằng họ đang tiến hành một ca mổ. Người đàn ông trẻ với hàng ria mép lại bước vào, hạ cằm xuống ngực một cái rồi ngồi ăn với nét mặt lo âu kín như bưng. Cô gái gầy nhom tóc vàng hoe lại ngồi ở chỗ của mình múc sữa chua, như thể đó là món ăn duy nhất của cô ta vậy. Lần này ngồi cạnh cô ta là một bà cụ niềm nở, nói tiếng Nga lau láu với người đàn ông trẻ ít lời, ông này lo lắng nhìn bà ta và chỉ trả lời bằng cách gật đầu, trong lúc vẻ mặt vẫn như ăn phải món gì khó tiêu lắm. Ngồi đối diện với ông ta, bên cạnh bà cụ vui vẻ, là một cô gái trẻ khác, rất xinh xắn, mặt tươi như hoa với bộ ngực vun cao, mái tóc màu hạt dẻ lượn sóng, đôi mắt nâu tròn ngây thơ và một viên ngọc ruby nhỏ xíu trên bàn tay nuột nà. Cô ta cười luôn miệng và cũng nói tiếng Nga, rặt một thứ tiếng Nga líu lo. Hans Castorp nghe người ta gọi tên cô là Marusia. Ngoài ra chàng thoáng để ý thấy Joachim đứng đắn cụp mắt nhìn xuống mỗi khi cô ta cất tiếng nói cười.
Settembrini xuất hiện qua lối cửa hông và đi thẳng một mạch đến chỗ ngồi của mình, ở cuối chiếc bàn kê chếch bên phải bàn Hans Castorp. Những người ngồi cùng bàn bật cười khanh khách khi ông ta ngồi vào chỗ; chắc hẳn ông ta lại vừa mới trổ tài ác khẩu. Hans Castorp cũng nhận ra các thành viên của ‘Hội nửa phổi’. Hermine Kleefeld với cặp mắt đờ đẫn lần đến bàn mình ở cạnh cánh cửa thông ra hàng hiên và lên tiếng chào gã thiếu niên môi vều, kẻ lúc nãy khiếm nhã đẩy vạt áo khoác phồng lên. Cô Levi màu ngà voi ngồi cạnh bà Iltis mập ú lấm tấm tàn nhang, giữa những khuôn mặt lạ hoắc ở cái bàn kê ngang phía bên phải Hans Castorp.
“Hàng xóm của cậu đến kìa”, Joachim hạ giọng bảo em họ, đầu cúi thấp về phía trước… Đôi vợ chồng đi sát qua chỗ Hans Castorp tới tận cái bàn cuối cùng bên phải, thì ra đó là ‘bàn Nga hạ lưu’, ở đấy đã có một gia đình ngồi với thằng con trai xấu xí cắm cúi ngốn cháo yến mạch. Ông hàng xóm của Hans Castorp người gầy gò ốm yếu, hai má hóp lại nước da xám xịt. Ông ta mặc một cái áo khoác ngắn bằng da nâu, dưới chân mang đôi giày dạ to xù xụ có khóa kẹp. Bà vợ cũng nhỏ xíu, đội một chiếc mũ cắm lông chim vung vẩy, bước líu ríu trên đôi giày da thuộc gót cao ngất ngưởng; một chiếc khăn lông không mấy sạch sẽ quấn quanh cổ. Hans Castorp chòng chọc nhìn họ không cần giữ ý, thái độ bình thường không phải thói quen của chàng và bản thân chàng cũng thấy là quá sỗ sàng; nhưng chẳng hiểu sao đột nhiên chàng lại cảm thấy hả dạ một cách độc ác. Ánh mắt chàng vừa chai lì vừa xoi mói. Đúng vào lúc ấy cánh cửa phía bên trái lại sập rầm một tiếng, kính rung loảng xoảng y như trong bữa điểm tâm. Chàng không giật mình như hồi sáng mà chỉ chậm chạp nhăn mặt; muốn quay sang nhìn mà cái đầu nặng trĩu không nhúc nhích nổi và xét cho cùng chàng thấy cũng chẳng đáng mất công nhìn làm gì. Vậy nên lần này chàng cũng không xác minh được thủ phạm đối xử tệ với cánh cửa là ai.
Lỗi là tại vại bia uống vào buổi sáng. Bình thường uống bia chỉ làm đầu óc chàng hơi biêng biêng, nhưng hôm nay không hiểu sao trí não chàng hoàn toàn bị tê liệt, giống như vừa lãnh một cú đấm thôi sơn vào trán. Mi mắt chàng nặng trĩu như chì, lưỡi chàng cứng đờ không chịu tuân theo một mệnh lệnh dù là đơn giản nhất khi chàng cố giữ phép xã giao tiếp chuyện cô gái người Anh; chỉ nội việc thay đổi hướng nhìn cũng đòi hỏi một cố gắng phi thường, thêm vào đó cảm giác nóng bừng trên mặt lại tái phát với cường độ còn hơn lúc trước: mặt chàng như sưng phù lên, hơi thở nặng nhọc đứt quãng, tim đập thình thịch như búa tạ, và chàng chịu đựng được tình trạng ấy mà không lăn ra chỉ nhờ cái đầu nhẹ bỗng như vừa hít vào vài hơi khí chloroform. Lúc bác sĩ Krokowski rốt cục cũng đến phòng ăn và chọn đúng bàn của chàng để ngồi vào đầu bàn đối diện với chàng, thì Hans Castorp chỉ còn nhận biết lơ mơ, mặc dù ông bác sĩ lúc lúc lại đưa mắt soi mói quan sát chàng đồng thời vẫn không ngừng trò chuyện bằng tiếng Nga với mấy người phụ nữ ngồi bên phải ông ta, và các cô gái - cả cô Marusia xinh tươi lẫn cô ăn sữa chua ốm ròm - đều thẹn thùng nhìn xuống. Trong suốt thời gian ấy Hans Castorp ngồi ngậm tăm, mà làm sao khác được, vì cái lưỡi bướng bỉnh không chịu nghe lời nên chàng chỉ cố lặng thinh chăm chú sử dụng dao nĩa sao cho đúng cách. Khi Joachim nhìn chàng gật đầu và đứng dậy thì chàng cũng đứng lên theo, máy móc cúi chào rồi bước từng bước chậm chạp theo người anh họ ra khỏi phòng.
“Lúc nào lại đến giờ nằm nghỉ?” Chàng hỏi khi hai người ra đến cổng viện. “Theo tớ đấy là nhiệm vụ sung sướng nhất ở đây. Giá mà bây giờ lại được nằm lên cái ghế tuyệt vời ấy.
Bọn mình đi dạo có xa không?”
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần