Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 3 - Điểm Tâm
hào”, Joachim lên tiếng. “Đêm đầu tiên ở trên này cậu thấy thế nào, có hài lòng không?”
Anh họ chàng đã ăn mặc chỉnh tề, một bộ đồ thể thao với giày cao cổ đóng đế chắc chắn, trên tay vắt tấm áo khoác dài hai hàng cúc, một bên túi áo ngoài nổi lên hình cái chai dẹp. Hôm nay chàng cũng không đội mũ.
“Cám ơn”, Hans Castorp đáp, “cũng tàm tạm. Nhưng nhận xét bây giờ là quá sớm. Tớ chiêm bao thấy đủ thứ lộn xộn, thêm vào đấy cái nhà này lại còn có nhược điểm là truyền âm quá tốt, người ta cứ phải nghe những thứ chẳng muốn nghe. Người đàn bà mặc đồ đen ngoài vườn là ai thế?” Joachim biết ngay chàng hỏi về người nào.
“À, đấy là Tous-les-deux[13]”, chàng bảo. “Ở đây ai cũng gọi bà ấy như thế, vì đấy là tất cả những gì người ta nghe được từ miệng bà ta. Bà ấy là người Mexico, cậu hiểu không, tiếng Đức một chữ cắn đôi cũng không biết, tiếng Pháp thì lõm bõm vài câu. Bà ấy ở đây đã được năm tuần rồi, lên thăm cậu con trai lớn, một ca hoàn toàn tuyệt vọng, chỉ còn chờ ngày đi thôi - vi trùng đã lan ra khắp mọi chỗ, có thể nói rằng mọi cơ quan bộ phận trong người cậu ta đã nhiễm độc cả, Behrens bảo giai đoạn cuối nhìn cậu ta không khác gì người bệnh thương hàn, tóm lại là rất kinh khủng cho tất cả những ai phải chứng kiến. Mười bốn ngày trước người con trai thứ hai cũng lên đây để gặp anh lần cuối, cậu này đẹp trai như tài tử, cả cậu anh cũng thế, hai anh em đều rất bảnh trai, mắt đen rực lửa, làm các quý bà quý cô cuồng hết cả lên. Chà, cậu em ở dưới kia cũng có ho hắng sơ sơ, nhưng nói chung là khỏe. Thế mà vừa đến đây, cậu biết sao không, nó lên ngay cơn sốt, mà những 39,5 độ, sốt thế là cao lắm đấy, và nằm liệt giường luôn. Cậu ta lên được đến đây đúng là may hơn khôn, Behrens bảo thế. Sớm muộn gì cũng phải lên, mà bây giờ có khi cũng đã muộn rồi… Vậy là từ ngày ấy người mẹ những lúc không ngồi cạnh các con lại đi loanh quanh như thế, và nếu có ai hỏi gì bà ta cũng chỉ nói đúng mấy chữ ‘Tous les deux!’ thôi, chắc ngoài mấy chữ ấy ra bà ta chẳng biết nói gì hơn, ở đây thì lúc này lại chẳng có ai biết tiếng Tây Ban Nha.”
“Thì ra là thế”, Hans Castorp bảo. “Chẳng biết bà ấy có nói câu ấy với tớ không, nếu tớ có dịp làm quen với bà ấy? Như vậy thì kỳ cục lắm nhỉ, ý tớ muốn nói là, vừa lạ lùng vừa đáng sợ thật đấy”, chàng nói mà đôi mắt lại có cảm giác như tối hôm qua: hai mắt chàng nóng ran và nặng trĩu, như thể chàng đã khóc rất lâu, và trong ánh mắt lại xuất hiện tia sáng rực mới nhen lên từ khi nghe tiếng ho lạ đời của ông hiệp sĩ. Chàng có cảm tưởng bây giờ mới nối lại được mối dây liên hệ với ngày hôm qua, mới tìm lại được bối cảnh hiện tại, điều mà lúc vừa ngủ dậy chàng quên khuấy mất. Và vừa nhỏ mấy giọt nước hoa oải hương vào chiếc khăn tay chấm chấm lên vừng trán và vùng da dưới mắt chàng vừa bảo người anh họ rằng mình đã chuẩn bị xong. “Nếu cậu muốn chúng mình có thể tous les deux đi ăn sáng”, chàng đùa với giọng khôi hài một cách cường điệu, đáp lại Joachim chỉ hiền hậu nhìn chàng mỉm một nụ cười kỳ lạ, hơi buồn bã mà lại ẩn giấu nét giễu cợt - tại sao thì chỉ một mình anh họ chàng biết.
Sau khi Hans Castorp đã kiểm tra để biết chắc là mình có mang theo đủ thuốc hút, chàng cầm lấy ba toong, áo choàng và mũ, chàng khăng khăng đội mũ, với thái độ ương ngạnh một cách cố ý, bởi chàng tin tưởng ở nếp sống và thuần phong mỹ tục quê nhà, và không dễ gì chỉ vì ba tuần nghỉ mát mà chịu phá lệ học theo thói mới, rồi họ cùng đi cầu thang bộ xuống tầng dưới, và dọc theo hành lang thỉnh thoảng Joachim lại chỉ vào cánh cửa này hay cánh cửa kia, nêu tên người ở trong đó, có cả tên Đức lẫn những cái tên rất lạ tai, cùng một vài lời ngắn gọn giới thiệu tính tình hay bệnh tình của họ.
Họ cũng gặp người này người nọ đã điểm tâm xong quay trở ra, và mỗi khi Joachim cất tiếng chào ai đó thì Hans Castorp lại lịch thiệp nhấc mũ lên. Chàng căng thẳng và hồi hộp như một thanh niên phải ra mắt một lúc nhiều người lạ, lúng túng vì biết rằng mình trình diện họ với cặp mắt đục ngầu và gương mặt đỏ phừng phừng, điều này chỉ đúng có một phần, thực ra mặt chàng tái nhiều hơn là đỏ.
“Tớ phải nói ngay kẻo lại quên”, đột nhiên chàng bảo người anh họ bằng giọng sốt sắng hơi quá mức. “Nếu có cơ hội cậu cứ giới thiệu tớ với bà cụ dưới vườn nhé, tớ không phản đối. Bà ấy cứ việc nói ‘tous les deux’ với tớ cũng chẳng sao, tớ đã được chuẩn bị trước rồi và biết như thế nghĩa là thế nào để nặn ra một vẻ mặt thích hợp. Nhưng tuyệt đối đừng có giới thiệu tớ với cặp vợ chồng người Nga, cậu nghe rõ chứ? Tớ nhất định khước từ việc làm quen với họ. Hai người ấy thật không biết tế nhị là cái gì, và nếu như tớ bắt buộc phải làm hàng xóm với họ suốt ba tuần mà không có cách nào thay đổi được thì chí ít cũng nên dừng lại ở mức độ người dưng, đấy là quyền của tớ, tớ có thể từ chối…”
“Được thôi”, Joachim bảo. “Họ quấy rầy cậu đến thế cơ à? Ừ, họ cư xử có phần lỗ mãng, nói một cách bóng bẩy là thiếu văn minh, tớ đã báo trước cho cậu rồi mà. Ông chồng chuyên môn mặc một cái áo da xuống phòng ăn, cũ đến mức đã mòn trơ thổ địa, tớ vẫn lấy làm lạ là sao Behrens chưa can thiệp vào. Và bà vợ cũng chẳng tươm tất gì hơn, mặc dù bà ta đội mũ cắm lông chim… Nhưng cậu chẳng việc gì phải lo, họ ngồi xa chỗ bọn mình, bàn họ là bàn Nga hạ lưu, gọi thế vì có một bàn Nga thượng lưu, ở đó chỉ toàn những người Nga quý phái ngồi thôi, cậu không có cách nào làm quen với họ được đâu, dẫu cho cậu có muốn cũng không được. Nói chung ở đây rất khó làm quen, một phần cũng tại nhiều bệnh nhân ngoại quốc quá, bản thân tớ cũng chỉ quen vài người thôi, mặc dù tớ ở đây đã từng ấy thời gian rồi.”
“Ai trong số họ bị bệnh?” Hans Castorp hỏi. “Ông chồng hay là bà vợ?”
“Ông chồng, hình như thế. Ừ, chỉ có ông chồng thôi”, Joachim lơ đãng đáp, lúc họ treo đồ lên giá áo trước cửa phòng ăn, rõ ràng tâm trí đang nghĩ tới điều gì khác. Rồi họ bước vào gian phòng lớn trần hơi thoai thoải cong hình mái vòm, lọt thỏm giữa tiếng cười nói lao xao, tiếng chén đĩa chạm nhau lanh canh và các tiểu nữ lượn qua lượn lại, trên tay là những cái bình bốc hơi nghi ngút.
Trong phòng ăn kê bảy chiếc bàn, phần lớn dọc theo chiều dài, chỉ có hai chiếc nằm xoay ngang. Đó là những bàn ăn lớn, mỗi bàn đủ chỗ cho mười người, mặc dù không phải bàn nào cũng được ngồi kín chỗ. Từ cửa vào đi vài bước nữa là Hans Castorp đã đến chỗ ngồi của mình: chàng được xếp ngồi đầu một chiếc bàn kê dọc ở phía trước, giữa hai chiếc bàn xoay ngang. Đứng thẳng tắp sau lưng ghế, Hans Castorp cúi đầu lịch thiệp chào những người ngồi cùng bàn, trong lúc Joachim trang trọng giới thiệu từng người. Chàng hầu như không nhìn kỹ mặt ai, lại càng chẳng nhập tâm những cái tên của họ. Chàng chỉ dỏng tai khi nghe đến tên bà Stöhr, và ghi nhận là bà này có bộ mặt đỏ gay với mái tóc vàng bết lại. Người ta có thể tin ngay những giai thoại về bà ta, bằng vào vẻ dốt nát và ngông cuồng thể hiện rõ trên nét mặt. Rồi chàng ngồi vào chỗ và lơ đãng thầm nhận xét, ở đây người ta coi điểm tâm là một bữa ăn chính trong ngày.
Trên bàn bày la liệt những hũ mứt nhừ và mật ong, những liễn cháo sữa và cháo kiều mạch, những đĩa trứng sốt và thịt đông, bơ được để rải rác khắp nơi, ai đó mở cái nắp thủy tinh hình chuông đậy trên miếng pho mát Thụy Sĩ lấm tấm mồ hôi để cắt một lát, giữa bàn là một cái thẫu lớn đựng đủ loại trái cây tươi và khô. Một tiểu nữ mặc đồ đen trắng hỏi Hans Castorp muốn uống gì: ca cao, cà phê hay trà. Cô ta thấp bé như một đứa trẻ, nhưng lại có gương mặt già khằng dài thườn thượt, một người lùn, Hans Castorp giật mình nhận xét. Chàng đưa mắt nhìn sang anh họ, nhưng anh chàng chỉ tỉnh bơ nhún vai và dướn chân mày như muốn nói: ‘Ừ, vậy đấy, có sao đâu?’, thế cho nên chàng đành chấp nhận thực tế và cất tiếng thật lịch sự xin được uống trà, vì người hỏi chàng là một người lùn, rồi bắt đầu ăn cháo sữa với đường và quế, trong lúc mắt chàng không rời những của ngon vật lạ khác mà chàng cũng muốn nếm thử, và tò mò quan sát các thực khách quanh bảy chiếc bàn, những người đồng cảnh ngộ với Joachim, thảy đều mang bệnh trong nội tạng, đang vừa rôm rả trò chuyện vừa nhiệt tình ăn uống.
Gian phòng được trang trí theo thị hiếu thẩm mỹ hiện đại, trong phong cách đơn giản thực dụng cũng có nét sáng tạo nhất định. Phòng tạo ấn tượng không sâu lắm bởi kích thước áp đảo của chiều dài, xung quanh chừa ra một lối đi rộng kê nhiều tủ thấp và thông qua những vòm cung lớn mở vào khoảng không gian chính giữa, nơi có các dãy bàn. Những chiếc cột, từ dưới sàn tới lưng chừng chiều cao được ốp gỗ đánh vecni bóng loáng, nửa trên quét vôi trắng như trần và đỉnh tường, nổi lên những dải màu sặc sỡ dập khuôn những hình vẽ ngây ngô nhí nhảnh chạy dài từ thân cột sang những thanh giằng đỡ mái vòm. Nhiều ngọn đèn chùm mạ đồng có vẻ cũng là vật trang trí đặc biệt cho gian phòng, mỗi chùm gồm ba chiếc vòng treo thành ba tầng từ trên trần xuống, nối với nhau bằng những sợi dây tết mỏng manh, thắp sáng bởi những bóng đèn điện bằng thủy tinh mờ hình quả chuông như những mặt trăng nho nhỏ gắn vào vòng dưới cùng. Có tất cả bốn khung cửa kính, ở bức tường dọc đối diện có hai cánh cửa mở ra hàng hiên phía trước, bên trái một cánh cửa thứ ba dẫn thẳng ra tiền sảnh, và rồi cánh cửa Hans Castorp vừa đi vào từ ngoài hành lang, vì Joachim dẫn chàng xuống lầu bằng một cầu thang khác cái tối hôm qua.
Ngồi bên phải chàng là một tạo vật kém hấp dẫn mặc đồ đen, có làn da phủ đầy lông tơ và hai gò má hơi ửng đỏ, trông giống như một cô thợ may vườn, cũng có thể tại vì cô ta chỉ uống cà phê với bánh mì bơ, và vì hồi nào tới giờ chàng quen kết hợp hình ảnh cô thợ may vườn với đồ ăn thức uống loại này. Bên trái chàng là một tiểu thư người Anh, cũng không còn trẻ trung gì nữa, gầy gò xấu xí với những ngón tay lạnh cóng, ngồi đọc những lá thư nhà chữ viết tròn như cái trứng gà và uống một ly trà màu huyết dụ. Bên cạnh cô này là Joachim rồi đến bà Stöhr mặc chiếc áo len Scotland. Khi ăn bà ta kê nắm đấm bàn tay trái lên ngang má và bỏ nhiều công sức cố gắng bắt chước thái độ lịch thiệp quý phái, bằng cách cong môi tạo một nụ cười thường trực để lộ những chiếc răng cửa dài như răng thỏ. Một người đàn ông còn trẻ với bộ ria mép mỏng và nét mặt nhăn nhó như khỉ ăn gừng ngồi xuống bên cạnh bà ta lẳng lặng ăn không hé răng nói một lời nào. Ông ta vào phòng lúc Hans Castorp đã yên vị, vừa đi vừa hạ cái cằm xuống ngực ra dấu chào mà mắt không nhìn ai cả, bằng thái độ của mình ông ta từ chối thẳng thừng không cho người khách mới cơ hội tự giới thiệu. Có thể ông ta bệnh nặng tới mức bất cần tuân theo mọi quy tắc xã giao thông thường, hay thậm chí chẳng thèm quan tâm đến thế giới xung quanh. Một thiếu nữ tóc vàng hoe gầy còm gió thổi bay tới ngồi vào chỗ đối diện với ông ta, đổ một hộp sữa chua đặc ra đĩa, cắm cúi dùng thìa múc ăn hết rồi trong chớp mắt đứng dậy bỏ đi ngay.
Câu chuyện bên bàn ăn diễn ra rời rạc. Joachim hỏi han bà Stöhr một cách xã giao về tình hình sức khỏe bà này và tỏ ý thông cảm một cách đúng mực khi nhận được câu trả lời bi quan. Bà ta than thở về tình trạng “bất lực” của mình. “Tôi chẳng còn sức nhấc tay đặt chân nữa!” bà ta kéo dài giọng làm bộ đài các một cách dốt nát. Sáng bừng mắt dậy đã đo được 37,3 độ[14] rồi, đến trưa thì còn cao thế nào nữa. Cô thợ may vườn cho biết cơ thể mình cũng mang nhiệt độ ấy, giải thích thêm rằng khác với bà kia cô ta thấy người xốn xang bồn chồn khó chịu, cứ như tâm trạng trước khi phải có một quyết định đặc biệt quan trọng, kỳ thực chẳng có sự kiện tinh thần nào xảy ra với cô và đó chỉ là một kích thích hoàn toàn mang tính chất vật lý mà thôi. Cứ bằng vào lối diễn đạt khúc chiết, lời lẽ rất trí thức thì nhất định cô ta không thể là thợ may vườn được. Nhưng trong thâm tâm không hiểu sao Hans Castorp cảm thấy trạng thái kích thích cơ thể hay những lời bàn luận về tình trạng ấy ở đây có cái gì đó không đúng chỗ, thậm chí hơi chướng vì nó phát ra từ miệng con người nhạt nhẽo tầm thường kia. Chàng lần lượt hỏi cô thợ may và bà Stöhr xem họ điều trị ở đây đã bao lâu rồi (một người đã được năm tháng, người kia bảy tháng), gom góp hết vốn liếng tiếng Anh để gợi chuyện người ngồi phía bên trái và được biết cô ta uống trà gì (đó là trà chiết xuất từ quả hoa hồng), hỏi thêm trà ấy có ngon không, và nhận được câu trả lời khẳng định chắc như đinh đóng cột, rồi đưa mắt nhìn quanh phòng hơi lạ lùng thấy thực khách đi ra đi vào tự do như đi chợ: rõ ràng bữa điểm tâm đầu tiên trong ngày không bị ràng buộc bởi những quy tắc xã giao chặt chẽ.
Chàng đã sợ sẽ gặp phải những ấn tượng nặng nề, nhưng giờ đây lại cảm thấy hơi thất vọng: bầu không khí trong phòng ăn rất nhộn nhịp, người ta không có cảm giác mình đang ở vào một nơi bệnh tật phiền não. Những con người trẻ trung thuộc về cả hai giới tính với làn da rám nắng ríu rít bước vào, tươi cười chào hỏi các tiểu nữ và ăn uống nhiệt tình có vẻ rất ngon miệng. Cũng có những người đã đứng tuổi, vài cặp vợ chồng, một gia đình với mấy đứa con nhỏ nói tiếng Nga, và cả các thiếu niên đang tuổi lớn. Hầu hết đám phụ nữ đều mặc một kiểu áo gọi là sweater[15] bằng len hay vải lụa bó sát người, cổ cao bẻ trùm xuống vai và có túi hai bên, thật thích mắt khi nhìn họ đứng tán gẫu, duyên dáng đút hai tay vào túi. Ở nhiều bàn người ta chuyền cho nhau xem những tấm ảnh, chắc là ảnh mới tự chụp lấy; ở một bàn khác họ trao đổi tem thư. Đề tài phổ biến nhất là thời tiết, tình trạng giấc ngủ và con số đo được trong miệng lúc sáng sớm. Đa số bọn họ tỏ ra rất vui vẻ, chẳng có lý do gì đặc biệt, chỉ vì họ vô tư không vướng bận lo âu và có dịp tụ tập đông đủ thế thôi. Đương nhiên cũng có vài người đơn độc ngồi chống cùi chỏ xuống bàn tay ôm đầu nhìn trân trối về một hướng. Người ta để mặc họ ngồi nhìn và không đếm xỉa đến sự hiện diện của họ.
Đột nhiên Hans Castorp giật thót mình, bực tức nhăn mặt. Một cánh cửa vừa đóng sập đánh rầm một cái, đó là cánh cửa phía trước mé bên trái dẫn thẳng ra tiền sảnh - ai đó đã để mặc cho nó sập vào khung cửa hoặc thậm chí cố tình dập lại sau lưng mình, và tiếng sập cửa là tiếng động mà Hans Castorp xưa nay ghét cay ghét đắng, ghét đào đất đổ đi. Có thể mối ác cảm này hình thành do nền giáo dục chàng được hưởng, cũng có thể do bẩm sinh, chỉ biết rằng, chàng không chịu nổi tiếng đóng cửa rầm rầm và sẵn sàng thượng cẳng tay hạ cẳng chân trừng phạt thủ phạm. Trong trường hợp này phần trên cánh cửa lại được ghép bằng nhiều mảnh kính nhỏ, và điều đó tăng thêm đáng kể hiệu ứng cú sốc: không phải chỉ có tiếng cửa sập đánh rầm vào khung mà còn tiếng rung loảng xoảng của kính. Mẹ kiếp, Hans Castorp điên tiết nghĩ thầm, thật vô giáo dục đến thế là cùng! Nhưng đúng vào lúc ấy cô thợ may vườn lại quay sang hỏi chuyện, nên chàng không có cơ hội quay ra nhìn xem thủ phạm là ai. Tuy nhiên khi chàng cất tiếng trả lời cô gái già thì nét mặt chàng rắn đanh lại và giữa cặp lông mày vàng sẫm hằn sâu mấy nếp nhăn.
Joachim hỏi, không biết các bác sĩ đã đi một vòng như thường lệ chưa. Các vị ấy đến rồi, có ai đó trả lời, nhưng lại đã đi ra đúng vào lúc hai anh em họ bước vào phòng. Thế thì ăn xong họ sẽ đi chứ không đợi nữa, Joachim bảo. Nội ngày hôm nay thể nào Hans Castorp cũng còn cơ hội ra mắt các vị kia. Nhưng vừa ra tới cửa thì hai anh em thiếu điều đâm sầm vào ông bác sĩ cố vấn cung đình Behrens khi ông này tung tăng sải từng bước dài vung vẩy đi vào, có bác sĩ Krokowski hộ tống đằng sau.
“Ối chà, đi đâu mà vội thế các quý ông!” Behrens bảo. “Sém tí thì sứt đầu mẻ trán rồi, thiệt hại sẽ không tránh khỏi ở cả hai phía.” Ông ta nói đặc sệt giọng đồng bằng Bắc Đức, cứ như cọp nhai bắp. “A, nhân vật mới đây mà”, ông ta tiếp tục nói oang oang trong lúc Joachim dập gót đứng nghiêm giới thiệu. “Hân hạnh”, và ông đưa tay cho chàng trai trẻ bắt, bàn tay to như một chiếc xẻng. Bác sĩ Behrens là người xương xẩu to khung, cao hơn bác sĩ Krokowski tới ba cái đầu, với mái tóc bạc trắng phơ, cần cổ vươn dài, cặp mắt xanh to lồi ra vằn tia máu và lúc nào cũng ngân ngấn nước, cái mũi hỉnh lên ngóng trời và hàng ria mép tỉa ngắn cánh cụp cánh xòe vì một bên môi trên cứ vô cớ vén lên. Nhận xét của Joachim về sắc mặt tím tái của ông ta được xác minh là đúng, hai bên má ông ta xanh như chàm đổ, làm cho cái đầu nổi lên đầy màu sắc trên nền chiếc áo choàng bác sĩ trắng tinh thắt đai ngang lưng và dài tới đầu gối, bên dưới thò ra ống quần kẻ sọc và hai bàn chân khổng lồ xỏ trong đôi giày da vàng đã cũ. Cả bác sĩ Krokowski cũng mặc đồng phục, có điều áo choàng của ông ta màu đen, may bằng lụa bóng theo kiểu áo sơ mi với cửa tay lồng thun bó lấy cườm tay, trang phục này tôn sự xanh xao của ông ta lên không ít. Ông này khinh khỉnh trong vai người phụ tá, một mực giữ im lặng không tham gia vào thủ tục chào hỏi, chỉ để lộ thái độ bất bình về vai trò thấp kém của mình qua cặp môi căng thẳng mím chặt.
“Anh em họ hử?” Ông cố vấn cung đình hỏi, cặp mắt xanh vằn tia máu chạy qua chạy lại theo hướng bàn tay chỉ từ người này sang người kia. “Em họ ông cũng định tuyên thệ theo trống trận?” Ông ta hỏi Joachim và hất đầu về phía Hans Castorp… “Xin Chúa phù hộ cho - sao? Chỉ nhìn thoáng là tôi biết ngay”, giờ thì ông ta nói thẳng với Hans Castorp, “là ông mang trong người cái chất dân sự, tế nhị văn minh chứ không xoang xoảng gươm đao như anh lính mới tò te kia. Tôi sẵn sàng cá là ông sẽ trở thành một bệnh nhân mẫu mực hơn anh họ ông nhiều. Chỉ cần nhìn thoáng tôi đã biết ngay người nào là một bệnh nhân tốt, vì muốn làm bệnh nhân cũng cần có năng khiếu, làm cái gì cũng cần năng khiếu, vậy mà cái tay chiến binh Myrmidon[16] này không có lấy một mẩu năng khiếu nào. Để tập đi đều bước thì tôi không đánh giá được, chứ để nằm bệnh viện thì quả thực y bất tài vô dụng. Ông có tưởng tượng được không, anh họ ông lúc nào cũng khăng khăng một mực đòi xuống núi! Chỉ có mỗi câu hỏi chừng nào được ra viện mà ông ta năn nỉ ỉ ôi hành hạ tôi, nóng lòng sốt ruột mong xuống dưới kia để làm bia đỡ đạn. Hăng tiết đến thế là cùng! Chẳng chịu tặng cho chúng tôi lấy nửa năm. Trong khi ở đây nên thơ thế này, nào ông thử nói xem, Ziemßen, có phải ở đây đẹp tuyệt trần không? Chà, em họ ông chắc chắn là biết đánh giá chúng tôi một cách xứng đáng hơn, ông ấy sẽ biết cách hưởng thụ. Không bao giờ sợ thiếu bóng hồng nhé, ở đây chúng tôi có những quý bà đẹp như tranh vẽ. Ít nhất là nhìn bên ngoài. Nhưng ông phải làm sao cho làn da khởi sắc lên một chút, cứ nghe lời tôi đi, nếu không ông sẽ thất bại thảm hại nơi các quý bà! Đã đành màu xanh là màu của cây đời, nhưng xanh rờn chắc chắn không phải màu sắc ưa nhìn trên mặt. Một trăm phần trăm là biểu hiện thiếu máu”, ông ta vừa nói vừa bước lại sát bên Hans Castorp và không đôi hồi gì đưa ngay ngón giữa với ngón trỏ vạch một bên mi mắt chàng xuống. “Tất nhiên là thiếu máu trầm trọng, tôi đã bảo mà. Ông biết sao không? Ông đã không dại dột chút nào khi chia tay Hamburg của ông một thời gian. Thật ra thì đó là một nơi rất đáng tuyên dương, cái thành phố Hamburg này; nó cung cấp cho chúng tôi một số lượng bệnh nhân đáng kể, nhờ khí hậu ẩm thấp đáng yêu ở đó. Nhưng nếu ông cho phép tôi đưa ra một lời khuyên hàm hồ - hoàn toàn sine pecunia[17], dĩ nhiên rồi, thì đây: ông hãy làm theo tất cả những gì anh họ ông phải làm, trong thời gian ông ở chơi với chúng tôi. Trong trường hợp của ông, không còn gì thông thái hơn là một thời gian điều dưỡng như bệnh nhân lao phổi nhẹ, và bổ sung thêm một ít protein. Ở chỗ chúng tôi quá trình trao đổi chất có phần khác thường… Mặc dù năng lượng tiêu tốn rất cao, nhưng cơ thể vẫn tích trữ thêm đạm… Còn ông thế nào, ông ngủ được không, Ziemßen? Được hử? Vậy thì alê hấp, đi dạo! Nhưng đừng lâu quá nửa giờ đồng hồ! Và sau đó đừng quên cắm điếu xì gà thủy ngân vào miệng! Và nhớ ghi lại kết quả, Ziemßen! Đấy là nhiệm vụ! Nhớ thực hiện với đầy đủ lương tâm và trách nhiệm! Thứ bảy này phải có biểu đồ đưa tôi xem! Và ông em họ cũng nên đo cùng. Đo thì không bao giờ có hại cả. Thôi xin chào, các quý ông! Chúc một ngày vui! Xin chào… Xin chào…” Và rồi ông ta tiếp tục lướt đi, hai cánh tay vung vẩy như bơi chèo, lòng bàn tay hướng về phía sau, vừa đi vừa ném sang bên phải bên trái câu hỏi liệu người ta ngủ có “được” không, và nhận được câu trả lời chung ở dạng khẳng định. Bác sĩ Krokowski đi hộ tống ở vị trí tập hậu.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần