Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 136
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 2 - Chiếc Thau Rửa Tội Và Người Ông Trong Hai Hình Hài
ans Castorp chỉ còn giữ được những ký ức mơ hồ về ngôi nhà tuổi thơ; chàng gần như chưa kịp làm quen với cha mẹ. Họ lần lượt qua đời trong một khoảng thời gian ngắn giữa lúc chàng lên năm và lên bảy tuổi, đầu tiên là người mẹ, hoàn toàn bất ngờ lúc bà đang chờ ngày ở cữ, do một mạch máu bị tắc nghẽn, hậu quả của chứng viêm tĩnh mạch, theo sự giải thích của bác sĩ Heidekind thì nó làm đứng tim đột ngột. Bà vừa mới cười vui đấy trong lúc ngồi trên giường, tưởng đâu bà ngả người xuống gối vì cười, nhưng kỳ thực bà lăn ra chết. Điều đó không dễ gì lĩnh hội đối với Hans Hermann Castorp, người cha, và phần vì ông rất tha thiết gắn bó với vợ, phần vì thể chất chẳng lấy gì làm mạnh, nên ông không sao gượng dậy nổi. Từ lúc ấy tinh thần ông sa sút và mất đi sự sáng suốt; vì quá đau buồn ông có nhiều quyết định sai lầm trong công cuộc kinh doanh, gây ra cho hãng Castorp & con trai những tổn thất đáng kể; mùa xuân năm thứ hai sau khi vợ mất, trong một lần đi kiểm tra kho bãi ngoài bến cảng lộng gió ông mắc chứng sưng phổi, và trái tim đau khổ của ông đã đầu hàng, mặc dầu được sự tận tâm cứu chữa của bác sĩ Heidekind ông vẫn không qua khỏi cơn sốt dữ, chỉ sau năm ngày ông đã theo gót vong linh bà, giữa sự tiếc thương của đông đảo người làm trong hãng thi hài ông được đưa vào hầm mộ dòng họ Castorp, một công trình rất mỹ thuật tọa lạc tại nghĩa trang nhà thờ Thánh Katharina trông ra phong cảnh vườn bách thảo.
Thân phụ ông, cụ thượng nghị sĩ, sống trong cảnh lá vàng còn ở trên cây cũng chẳng được bao lâu. Và cho tới lúc cụ qua đời - cũng tại căn bệnh sưng phổi, nhưng với cụ đó là một cuộc vật lộn dai dẳng rất khổ sở, bởi khác hẳn con trai, thượng nghị sĩ Hans Lorenz Castorp là một người đã bám rễ thâm căn cố đế vào đời, không dễ gì gục ngã - trong khoảng thời gian ngắn ngủi một năm rưỡi ấy cậu bé mồ côi Hans Castorp về ở nhà ông nội, ngôi nhà được xây từ đầu thế kỷ trước theo trường phái Bắc Âu cổ điển, trên một mảnh đất hẹp. Đó là một ngôi nhà quét vôi u ám như bầu trời lúc có dông, tọa lạc trước quảng trường nhỏ Esplanade, với hàng cột đứng song song hai bên cánh cửa lớn nằm chính giữa năm bậc thang dẫn tới tầng trệt, trên là ba tầng lầu trong đó tầng hai được thiết kế đẹp nhất với những khung cửa sổ cao kéo dài xuống tận dưới sàn, có chấn song sắt đúc.
Tầng thứ hai này bố trí chủ yếu là những phòng khánh tiết, kể cả gian phòng ăn sáng sủa tường đắp thạch cao với ba khung cửa sổ treo màn màu rượu chát trông ra khoảng vườn nhỏ sau nhà, nơi suốt mười tám tháng trời ngày nào vào lúc bốn giờ hai ông cháu cũng ngồi ăn bữa trưa do lão Fiete phục vụ, lão đầy tớ già Fiete đeo khuyên tai và mặc lễ phục có hàng cúc bạc, bao giờ cũng kèm theo một cái cổ áo thắt nơ lụa trắng giống như ông chủ, và cái cách lão giấu chiếc cằm cạo râu nhẵn nhụi của mình trong đó cũng hệt như chủ lão, người vẫn có thói quen dùng thổ ngữ địa phương mày tao nói chuyện với lão; không phải là đùa giỡn - ông thượng nghị sĩ không có lấy một giọt hài hước trong máu - mà chẳng qua đó là cách cư xử ông cho là phù hợp với đám dân đen, người làm công trong kho bãi, người đưa thư, người đánh xe ngựa và người ở. Hans Castorp rất thích lắng nghe ông nói, cũng như nghe lão Fiete trả lời bằng thổ ngữ địa phương, trong lúc lão đứng hầu bên trái người ông, nghiêng mình về phía sau cúi xuống nói to vào tai phải của chủ, vì thính giác ông thượng nghị sĩ bên tai này tốt hơn tai kia. Ông hiểu ra lão nói gì, gật đầu và tiếp tục ăn, ngồi thẳng, lưng như tấm ván đặt giữa lưng dựa cái ghế bằng gỗ gụ và mép bàn, gần như không cúi xuống đĩa, và đứa cháu nội ngồi đối diện lặng lẽ quan sát chăm chú và kính cẩn những cử động gọn gàng lịch thiệp của hai bàn tay ông nội, hai bàn tay rất đẹp tuy gầy guộc vì tuổi tác, trắng trẻo với những móng thon dài cong cong và chiếc nhẫn mang gia huy màu xanh lục trên ngón trỏ bàn tay phải, xem ông xiên từng miếng thịt, miếng rau hay khoai tây lên đầu nĩa rồi kết hợp với một cử động nhẹ của mái đầu đưa lên miệng. Hans Castorp nhìn xuống hai bàn tay còn vụng về của mình và cảm thấy được những mầm mống kỹ năng ủ kín trong đó, tin chắc rằng sau này mình cũng sẽ sử dụng dao nĩa tài tình như ông nội.
Một câu hỏi khác là, liệu có bao giờ nó học được cách giấu cằm vào trong cái nơ giống như ông nội không, để cái cằm lấp đầy chỗ mở ra của chiếc cổ áo hình thù kỳ dị, với hai ve nhọn nhô lên cọ vào hai bên má. Vì muốn làm được như vậy thì người ta cũng phải già như ông nó, mà ngày nay ngoài ông nó và lão Fiete ra chẳng bói được người nào đeo nơ cùng cổ áo như thế. Thật đáng tiếc, vì cậu bé Hans Castorp đặc biệt thích cái cách người ông tựa cằm vào chiếc nơ thắt cao trắng như tuyết; khi đã thành người lớn mỗi khi nhớ lại cậu vẫn thấy thích: đó là một cử chỉ được Hans đánh giá cao từ trong tiềm thức.
Khi họ đã ăn xong và xếp tấm khăn ăn lại lồng vào chiếc vòng bằng bạc, một công việc không phải là dễ đối với cậu bé Hans Castorp vì chiếc khăn ăn rộng như một tấm khăn trải bàn nhỏ, lão Fiete kéo chiếc ghế của ông thượng nghị sĩ để ông đứng dậy bước lệt xệt sang ‘văn phòng’ phía bên kia lấy xì gà ra hút; thỉnh thoảng ông cho cả thằng cháu nội đi theo.
Cái ‘văn phòng’ này được hình thành nhờ người ta thiết kế gian phòng ăn rộng chiếm hết một mặt bên ngôi nhà với ba ô cửa sổ, vì vậy, không giống như những ngôi nhà khác loại này vẫn thường có ba phòng khách, họ chỉ có hai phòng khách trong đó một cái nằm vuông góc với phòng ăn chỉ có một cửa sổ trông ra phố và thiếu cân đối vì chiều dài quá áp đảo so với chiều ngang. Do đó người ta đã ngăn khoảng một phần tư căn phòng này làm thành cái ‘văn phòng’, một gian hẹp lấy ánh sáng từ trên mái nên lúc nào cũng mờ mờ tối và chỉ được trang bị vài đồ vật: một cái kệ nhiều tầng trên xếp tủ xì gà của ông thượng nghị sĩ, một cái bàn đánh bài trong ngăn kéo chứa rất nhiều thứ hấp dẫn: bộ bài, chíp để đặt cửa, những tấm cạc nhỏ để đánh dấu có răng cưa mở ra đóng vào được, một cái bảng đá với cán để gài phấn vào viết, đầu xì gà bằng giấy và vài thứ linh tinh khác; cuối cùng là một cái tủ kính kiểu Rococo bằng gỗ tử uy kê trong góc, mặt trong cánh cửa căng rèm lụa vàng nhạt.
“Ông ơi”, cậu bé Hans Castorp thường đứng trong văn phòng, kiễng chân ghé sát lên tai người ông xin, “ông chỉ cho cháu xem cái thau rửa tội đi!”
Và người ông không ngần ngừ vén vạt áo khoác đuôi dài về đằng sau, rút từ túi quần ra một chùm chìa khóa mở cửa chiếc tủ kính, từ trong lòng tủ phả vào mặt cậu bé một luồng hơi thơm tho dễ chịu lạ lùng. Trong đó chứa tất cả những đồ vật đã trở nên vô dụng, nhưng cũng chính vì thế lại có sức thu hút đặc biệt: một cặp chân nến bằng bạc nhiều nhánh cong cong, một cái phong vũ biểu vỡ với những hình chạm trổ bằng gỗ, một cuốn album gài những tấm ảnh chụp bằng máy Daguerre[10], một hộp đựng rượu mùi bằng gỗ tuyết tùng, một thằng người Thổ Nhĩ Kỳ với lớp áo xống lòe loẹt và cái đồng hồ dây cót trong bụng, trước kia khi lên dây cót nó có thể túc tắc đi trên mặt bàn nhưng nay đã tàn phế và thất nghiệp từ lâu, một cái mô hình tàu thủy cổ lỗ sĩ, và tận dưới cùng thậm chí có cả một cái bẫy chuột. Ông cụ lấy ở ngăn giữa ra một cái thau tròn bằng bạc đã mờ xỉn, đặt trên một cái đĩa lớn cũng bằng bạc, và đưa cả hai cho cậu bé xem, từng cái một, với lời giải thích đã nhắc đi nhắc lại không biết bao nhiêu lần cho từng món đồ.
Đầu tiên cái thau và cái đĩa không phải là một bộ, như người ta có thể nhận thấy qua hình thức của chúng, cậu bé được giảng giải thêm lần nữa; tuy nhiên, người ông bảo, từ gần trăm năm nay, chính xác là từ khi có chiếc thau, hai món đồ đã được dùng chung vào một mục đích. Chiếc thau rất đẹp, dáng dấp đơn giản nhưng tao nhã, được làm theo thị hiếu nghiêm trang thời đầu thế kỷ trước. Thau đúc trơn bằng bạc ròng, đáy tròn, trong lòng mạ vàng; nhưng lớp vàng đã phai nhạt với thời gian trở thành loang lổ và xỉn đi như mốc. Đường nét trang trí duy nhất là một chuỗi hoa hồng xen những chiếc lá răng cưa chạm nổi quanh miệng thau. Còn cái đĩa có tuổi thọ cao hơn nhiều, có thể đọc thấy trong lòng đĩa con số “1650” chạm theo lối cầu kỳ bay bướm, xung quanh quấn quít đủ thứ hoa văn rườm rà theo ‘mốt hiện đại’ thời bấy giờ, loằng ngoằng uốn lượn, chi chít hình gia huy và những hình trang trí nửa giống ngôi sao nửa giống bông hoa. Nhưng ở mặt sau của đĩa, được chạm trổ bằng nhiều kiểu chữ khác nhau, là tên những người đứng đầu gia đình đã sở hữu chiếc đĩa này trong từng thời kỳ: cả thảy có bảy cái tên, kèm theo là năm được thừa kế món đồ gia bảo. Và ông già với chiếc cổ áo đặc biệt đưa ngón tay trỏ đeo chiếc nhẫn gia huy chỉ cho đứa cháu nội từng cái tên một. Tên của người cha có ở đó, cả tên ông nội và ông cố nội, rồi chữ “cố” được lặp lại hai lần, ba bốn lần từ miệng người giải thích, và cậu bé lắng nghe đầu nghiêng về một bên, đôi mắt nhìn bất động trầm tư hay là trống rỗng, miệng kính cẩn thẫn thờ trễ xuống theo những tiếng “cố” - tiếng động âm u của hầm mộ được vùi sâu chôn chặt bởi thời gian, nhưng đồng thời cũng là mối dây liên hệ thành kính giữa hiện tại, cuộc đời của chính nó với những gì đã chìm vào quá khứ, tạo nên một tác động lạ lùng nơi đứa bé: nhận thức ấy được thể hiện rõ ràng trên nét mặt nó. Cùng với tiếng gọi ấy cậu bé như hít thở được làn hơi khô lạnh mốc meo của nhà thờ Katharina hoặc hầm mộ Michaeli, cảm nhận được bầu không khí của những chốn người ta ngả mũ cầm tay, nhón gót bước đi nghiêm trang đầu cúi về phía trước; nó như nghe thấy cả những tiếng động âm vang trong sự tĩnh lặng thanh thản và tách biệt của những nơi ấy; những cảm thụ tâm linh hòa trộn với cảm nhận về cái chết và câu chuyện với âm “cố” ròn tan, tất cả những điều đó không hiểu sao làm cậu bé thấy dễ chịu lạ lùng, thật vậy, có lẽ nó chỉ năn nỉ người ông xin xem cái thau rửa tội để được nghe và được tròn miệng lặp lại tiếng “cố” ấy mà thôi.
Rồi người ông đặt chiếc thau trở lại trên cái đĩa và để cậu bé nhìn vào trong lòng thau hơi lấp lánh ánh vàng dưới ánh sáng mờ mờ rọi xuống từ trên mái.
“Thế là đã sắp được tám năm rồi”, ông nói, “kể từ khi cháu được nâng lên trên chiếc thau này và dòng nước rửa tội cho cháu chảy xuống lòng thau… Thầy trợ tế Lassen ở nhà thờ Thánh Jacobi rót nước vào lòng bàn tay mục sư Bugenhagen tốt bụng của chúng ta, rồi từ đó nước chảy qua chỏm đầu cháu tong tong nhỏ xuống thau. Nước đã được hâm âm ấm để cháu khỏi giật mình khóc toáng lên, và quả thực cháu không hề khóc, ngược lại là đằng khác, mặc dầu trước đó cháu đã kêu la inh ỏi khiến mục sư Bugenhagen vất vả lắm với bài diễn thuyết của ông ta, nhưng khi nước được dội xuống thì cháu im thin thít, đó là niềm kính Chúa thể hiện trước bí tích thiêng liêng này, ta hy vọng như vậy. Và vài ngày nữa là tròn bốn mươi bốn năm, kể từ khi cha cháu là đứa trẻ được rửa tội, và nước thánh cũng chảy từ đầu cha cháu xuống cái thau này. Lễ rửa tội cho cha cháu diễn ra ở đây, trong ngôi nhà của cha mẹ nó, ở phòng ăn bên kia kìa, trước khung cửa sổ giữa, và khi ấy do ông mục sư già Hesekiel làm lễ, chính là ông mục sư lúc còn trẻ đã suýt bị tụi Pháp xử bắn vì dám giảng đạo chống lại hành vi đốt nhà cướp của của chúng, vong linh ông ta cũng đã về bên Chúa từ lâu lắm rồi. Bảy mươi lăm năm trước thì chính ta lại là đứa trẻ được rửa tội, cũng ở phòng ăn bên kia, và đầu ta cũng được nâng lên trên chiếc thau này, chiếc thau cũng để trên đĩa như bây giờ, và vị mục sư cũng nói những lời giống như với cháu và với cha cháu, làn nước ấm trong vắt cũng thấm ướt chỏm tóc ta (hồi đó cũng không nhiều hơn chỗ còn lại trên đầu ta bây giờ là bao nhiêu) rồi chảy xuống lòng thau tráng vàng này đây.”
Cậu bé ngước nhìn mái đầu bạc teo tóp của người ông, hiện giờ cũng nghiêng xuống trên chiếc thau như trong thời xa vắng mà ông vừa gợi về, và một cảm giác quen thuộc lại dâng lên trong nó, cảm giác lạ lùng nửa khao khát, nửa sợ sệt, vừa thúc đẩy vừa trì hoãn, luôn luôn dao động giữa lặp lại và bất biến đến chóng mặt - một cảm giác mà trước đây nó đã có dịp làm quen, mà nó luôn mong đợi và ước ao thấy lại: đó phần nào cũng là lý do khiến nó muốn xem đi xem lại món bảo vật gia truyền kia.
Sau này nghĩ lại chàng trai trẻ thấy hình ảnh người ông in vào ký ức mình sâu đậm và nhiều ý nghĩa hơn hẳn hình ảnh cha mẹ đẻ: cũng có thể đó là do thiện cảm và sự gắn bó đặc biệt giữa hai người, vì đứa cháu nội giống ông như hệt, tất nhiên không kể những khác biệt vật lý giữa chàng trai mặt búng ra sữa và ông già lọm khọm ngoài bảy mươi. Nhưng chủ yếu phải kể đến ảnh hưởng tinh thần của ông thượng nghị sĩ, nhân vật chủ chốt có cá tính nổi bật và uy tín không thể chối cãi được trong gia đình.
Nói về mặt xã hội thì cái thời Hans Lorenz Castorp có quyền hô phong hoán vũ đã chấm dứt từ lâu trước khi ông từ giã cõi đời. Xưa kia ông là vị chính khách một lòng kính Chúa ở một giáo khu đạo Tin Lành, rất mực coi trọng dòng dõi gia đình, bo bo giữ gìn quyền lợi của một nhóm quý tộc tự cách ly mình trong thế giới riêng, chẳng khác gì ông vẫn còn sống ở thế kỷ thứ mười bốn, khi tầng lớp thợ thủ công mới bắt đầu nổi lên chống lại giai cấp phong kiến thống trị giành ghế ngồi và tiếng nói trong nghị viện; và vì vậy cái mới khó lòng nhận được sự ủng hộ của ông. Ông nắm quyền hành trong những thập niên có các biến động dữ dội và thay đổi lớn về nhiều phương diện, những thập niên diễn ra bước tiến bộ nhảy vọt liên tục đòi hỏi người ta phải có những quyết định mạo hiểm, dám hy sinh cho lợi ích chung. Nhưng có Chúa chứng giám, chắc chắn không phải nhờ ông, thượng nghị sĩ Castorp, mà tinh thần thời đại mới thu về những thắng lợi vẻ vang được ca tụng khắp nơi. Ông đã tin tưởng ủng hộ truyền thống ông cha và các thế lực cũ chống lại những kế hoạch liều mạng mở mang hải cảng và những trò hề đô thị báng bổ vô thần, đã kìm hãm và cản trở ở mọi chỗ mọi nơi, và nếu cứ theo đúng ý ông thì chính quyền thành phố cho tới bây giờ cũng vẫn còn trì trệ và lạc hậu như văn phòng làm việc của ông thuở ấy.
Đó là hình ảnh của ông thượng nghị sĩ già lúc còn tại thế và sau khi qua đời trong con mắt người dân, và nếu như cậu bé Hans Castorp có chưa hiểu gì những việc quốc gia đại sự thì đôi mắt trẻ thơ của cậu cũng âm thầm tiếp thu những nhận thức ấy về cơ bản, không lời và không mảy may nghi ngờ sự đúng đắn của nó, nghiễm nhiên ghi vào ký ức, và sau này được chủ động gợi lên như những kinh nghiệm sống thì rất có thể thái độ thù địch với cái mới và tiến bộ đã được củng cố sẽ lại chiếm thế thượng phong. Như đã nói ở trên, thiện cảm có đóng một vai trò nhất định, mối thiện cảm và sự gần gũi nhảy cách một thế hệ cũng không phải trường hợp hiếm thấy. Con cháu nhìn các thế hệ trên để mà ngưỡng mộ, và chúng ngưỡng mộ để mà học hỏi, để tự hình thành tính cách của mình, những tính cách phần nhiều đã được nhào nặn từ trước trong vô thức.
Nghị sĩ Castorp dáng vóc cao lớn nhưng gầy gò. Những năm tháng chồng chất làm lưng ông chỗ gáy và cổ hơi khum xuống, nhưng ông phản kháng lại bằng cách mím chặt cặp môi móm mém không còn hàm răng làm chỗ dựa (vì răng giả ông chỉ mang vào lúc ăn), hai mép trễ xuống tạo một vẻ mặt khó đăm đăm đầy cao ngạo, và dần dà ở ông, cũng có thể hiểu đấy là một cách để giữ cái đầu đã không còn ngồi vững trên cổ, hình thành tư thế nghiêm khắc với cái cằm tựa vào cổ áo mà cậu bé Hans Castorp đặc biệt ngưỡng mộ.
Có một cái hộp mà ông rất quý - một cái hộp dài bằng đồi mồi khảm vàng ông dùng để đựng thuốc lá hít - và chỉ vì nó ông ưa sử dụng những chiếc khăn tay màu đỏ hay luồi thuồi thò ra từ túi sau chiếc áo khoác dài của ông. Nếu như đó là một nhược điểm ngộ nghĩnh trong tác phong của ông, thì nó cũng được châm chước bởi tuổi tác như là một sự cẩu thả cố ý hoặc giả sự đãng trí đáng kính của tuổi già; dù gì chăng nữa đó cũng là chi tiết lôi thôi duy nhất mà con mắt quan sát trẻ thơ của Hans Castorp ghi nhận được ở người ông. Đối với cậu bé bảy tuổi ngày ấy cũng như trong ký ức chàng thanh niên mới lớn sau này thì hình ảnh ngày thường của người ông không phải là con người chính và con người đích thực. Trong thực tế ông nó phải khác, đẹp đẽ uy nghi hơn nhiều so với ngày thường - cụ thể là như một bức tranh kích thước bằng người thật trước kia treo trong phòng khách ngôi nhà của cha mẹ nó, rồi đã cùng Hans Castorp chuyển đến ngôi nhà ở Esplanade và được dành cho một chỗ bên trên chiếc ghế bành lớn bọc lụa đỏ trong phòng ngoài.
Bức tranh vẽ Hans Lorenz Castorp mặc lễ phục cố vấn hội đồng thành phố - thứ trang phục trước kia người trưởng giả mặc đi nhà thờ những ngày chủ nhật của một thế kỷ đã chìm đắm từ lâu, bộ quần áo mang theo mình cả cái trang trọng và oai phong của xã hội xưa, vượt thời gian trở thành truyền thống, để thành kính đưa quá khứ đến với hiện tại, hiện tại trở về quá khứ và quảng bá mối quan hệ thường trực nối liền vạn vật, bảo chứng một cách long trọng cho những dấu ấn lịch sử. Bức họa toàn thân miêu tả thượng nghị sĩ Castorp đứng trên sàn lát đá đỏ bầm, trong một cái vòm có đỉnh nhọn với cột chống hai bên. Ông mặc một tấm áo choàng rộng màu đen dài quá gối, phía trước mở phanh, hai bên tà và gấu áo viền một dải lông rộng bản, cằm rụt lại, mép trễ xuống đầy vẻ khó khăn, cặp mắt xanh tư lự bên trên hai túi da phồng to xề xệ hướng ra xa xăm. Từ hai cánh tay áo rộng bồng lên trên vai và có nẹp thắt lại quãng khuỷu tay thò ra ống tay bằng vải bó sát cẳng tay, tận cùng là cặp măng sét viền đăng ten phủ xuống đến giữa ngón. Hai ống chân già nua khẳng khiu bọc trong lớp tất lụa đen, hai bàn chân mang giày đen có khóa bằng bạc. Đặc biệt quanh cổ ông là một cái cổ áo rộng hồ bột cứng, xếp vô số nếp dọc chi chít xòe ra như cái đĩa dày, phía trước bị cái cằm ấn xẹp xuống nhưng hai bên phồng lên trên vai, và bên dưới cái cổ áo đồ sộ ấy ông còn đeo thêm một tấm ngực áo lụa quá ư thừa thãi bên trong áo gilê. Tay ông kẹp một chiếc mũ cổ lỗ sĩ có vành rộng, chóp mũ càng lên cao càng hẹp lại.
Đó là một bức họa thành công, do bàn tay một họa sĩ có tên tuổi vẽ theo trường phái của các bậy thầy cổ điển, rất phù hợp với đối tượng được thể hiện và gợi lên ở người xem đủ mọi hình dung mang màu sắc trung cổ kiểu Tây Ban Nha pha trộn với Hà Lan. Cậu bé Hans Castorp rất hay đứng ngắm bức tranh, tất nhiên không phải bằng con mắt am hiểu nghệ thuật, mà là với một nhận thức tự nhiên, thông thường nhưng không kém phần sâu sắc; và mặc dù nó chỉ thấy người ông trong trang phục giống như trên bức họa có một lần duy nhất ngoài đời, trong một cuộc diễu hành long trọng ở tòa thị chính, và cũng chỉ gặp thoáng qua thôi, nhưng như chúng tôi đã thưa từ trước, nó vẫn không thể không coi hình ảnh đầy ấn tượng ấy là con người đích thực và chính thức của ông nó, và nhìn thấy trong hình ảnh thường ngày một người ông lâm thời, con người ở trạng thái tạm bợ và không hoàn thiện. Vì rõ ràng sự khác biệt kỳ khôi trong hình ảnh thường ngày là kết quả của một cố gắng thích nghi nửa vời, có lẽ hơi cẩu thả, chỉ mang một chút hơi hướng và vài nét rơi rớt lại của hình hài thật, chân giá trị của người ông. Thế là mặc dầu cái cổ áo cao cổ lỗ sĩ với cái nơ trắng thắt như thòng lọng đã được coi là khả kính; nhưng vẫn không thể nào bì được với phần đáng ngưỡng mộ nhất trên bộ lễ phục kia, cái cổ áo xếp kiểu Tây Ban Nha mà so với nó cái nơ ngày thường thật hết sức xoàng xĩnh và tạm bợ. Cùng chịu một số phận ấy là chiếc mũ ống cong cong người ông đội khi ra phố, chẳng thể nào sánh được với chiếc mũ nỉ vành rộng trong một thực tế cao quý hơn nhiều thể hiện trên bức họa; và chiếc áo đuôi dài xếp li đối với cậu bé Hans Castorp cũng chỉ là khoác tạm thay thế cho tấm áo choàng chính thức và đích thực được viền quanh một dải lông.
Vì vậy tận trong thâm tâm cậu bé hết sức hài lòng khi gặp người ông đích thực và hoàn hảo trong trang phục đại lễ, vào cái ngày người ta bảo nó tới nhìn ông lần cuối. Đó là gian phòng rộng mà hai ông cháu vẫn thường ngồi đối diện nhau bên bàn ăn; giờ đây bị đảo lộn sắp xếp lại để Hans Lorenz Castorp nằm giữa những vòng hoa ngồn ngộn trong một chiếc quan tài bịt bạc. Ông đã ngoan cường chống chọi lại căn bệnh sưng phổi, rất dai dẳng và rất lâu, mặc dù nếu xét theo vẻ bề ngoài thì ông chỉ tạm thời trú trong ngôi nhà này, tạm thời ở trong cõi đời này mà thôi, và giờ đây ông nằm đó, người ta không biết phải bảo là đã chiến thắng hay đã đầu hàng, dù sao đi nữa mặc lòng ông nằm ung dung với một vẻ mãn nguyện nghiêm trang trên chiếc giường lộng lẫy của mình, chóp mũi gồ cao hốc hác sau cuộc chiến, nửa người dưới phủ trong một tấm khăn trên đặt một cành cọ, đầu được chiếc gối nâng cao khiến cái cằm kiêu hãnh tựa vào cổ áo tròn vô số nếp xếp, tư thế mà Hans Castorp thích nhất; và giữa hai bàn tay với những ngón tay co quắp thiếu tự nhiên vì đã giá lạnh không còn sinh khí được bộ măng sét viền đăng ten che đi phân nửa người ta nhét vào một cây thánh giá bằng ngà, mà cặp mắt với hàng mi cụp xuống của ông dường như chằm chặp hướng vào.
Hans Castorp vẫn gặp mặt ông thường xuyên trong giai đoạn đầu của thời kỳ ông lâm bệnh, nhưng càng về sau càng thưa và đến giai đoạn cuối thì thôi hẳn. Người ta tránh cho thằng bé khỏi phải chứng kiến cuộc vật lộn sau chót diễn ra phần lớn về đêm, và nó chỉ gián tiếp cảm nhận được tình hình nghiêm trọng qua bầu không khí nặng nề trong nhà, cặp mắt đỏ hoe của lão Fiete, chiếc xe chở ông bác sĩ đi về luôn xoành xoạch; tuy nhiên kết cục giờ đây bày ra trước mắt nó trong gian phòng này lại đưa nó đi đến kết luận rằng, ông nội đã rũ bỏ hình hài tạm bợ để long trọng quay về hẳn với con người đích thực và xứng đáng của mình, một kết cục nên tán thưởng, mặc cho lão Fiete cứ vừa khóc sướt mướt vừa không ngớt lắc đầu tuyệt vọng, và mặc dù bản thân Hans Castorp cũng khóc, như trước kia nó từng khóc bên người mẹ và không lâu sau đó bên người cha, lúc họ cũng nằm đó im phăng phắc và lạ hoắc.
Bởi đây đã là lần thứ ba trong vòng một thời gian ngắn và ở vào lứa tuổi còn quá ngây thơ, sự hiện diện của cái chết tác động lên tinh thần và các giác quan của cậu bé Hans Castorp - đúng là tác động lên cả các giác quan -; quang cảnh và các ấn tượng này đối với nó không có gì là mới nữa mà đã trở thành quen thuộc, và vì hai lần đầu nó đã không tỏ ra yếu đuối mà xử sự rất phải phép và đúng mực, dĩ nhiên với thái độ đau buồn, nên lần này cũng vậy, có chăng chỉ ở một mức độ tinh vi hơn mà thôi. Chưa lĩnh hội được ý nghĩa thiết thực của các biến cố này đối với số phận mình, hoặc giả bình tâm một cách ngây ngô, tin rằng cuộc đời bằng cách này hay cách khác sẽ tự thu xếp cho ổn thỏa, nó đứng bên linh cữu với vẻ nghiêm trang trẻ nít và một nét hiếu kỳ nhất định, lần thứ ba này còn pha chút khôn ngoan già trước tuổi do đã có kinh nghiệm với những cảm xúc và ấn tượng loại này, kể cả những giọt nước mắt thực sự thương tiếc hay chỉ là lây mối mủi lòng từ người khác rơi xuống theo phản xạ. Lần trước, khoảng ba hay bốn tháng sau khi người cha qua đời nó đã quên bẵng mất biến cố chết chóc; giờ đây thằng bé nhớ lại tất cả, và những ấn tượng ấy rùng rùng sống dậy cùng một lúc, sắc bén vô cùng với nét đặc trưng độc nhất vô nhị của nó.
Điều đó đại để có thể giải thích bằng lời như sau. Chết chóc là cái gì đó rất đáng tôn kính, đẹp một cách buồn thảm và đầy ý nghĩa, tóm lại là một sự kiện tinh thần; nhưng đồng thời nó còn là một cái gì khác hẳn, đúng ra là hoàn toàn ngược lại, thuộc về thể xác, rất vật chất, mà người ta không thể nào gọi là đẹp hay đầy ý nghĩa hay tôn kính được, thậm chí cũng không thể coi là buồn thảm. Sự kiện tinh thần trang trọng được thể hiện qua hình thức quàn tử thi với những vòng hoa ngồn ngộn và một cành cọ, được biết đến như là biểu tượng bình an của nước thiên đàng; thêm vào đó là cây thánh giá nằm giữa những ngón tay chết cứng đờ của người ông quá cố, bức tượng đấng cứu thế của Thorwaldsen[11] dựng ở đầu cỗ quan tài, hai bên là những ngọn nến cắm trên giá cao gợi nhớ đến khung cảnh nhà thờ. Tất cả những sự chuẩn bị chu đáo này gợi lên cho cậu bé một suy nghĩ rõ ràng mang ý nghĩa tốt đẹp, đó là ông nội cuối cùng đã vĩnh viễn nhập vào hình hài đích thực của mình. Nhưng ngoài ra, như cậu bé Hans Castorp chắc chắn cũng biết, chỉ có điều không muốn lên tiếng thú nhận, tất cả những trang hoàng ấy, nhất là vô số những bông hoa mà trong đó đặc biệt nhiều hoa huệ, còn mang một ý nghĩa thứ hai, một mục đích thiết thực, đó là để che giấu cái điều khác không mấy gì đẹp đẽ hay buồn bã mà gần như khiếm nhã - cái sự kiện thuộc về thể xác đi đôi với cái chết - tô điểm cho điều đó đẹp lên để người ta quên đi hoặc không để ý tới.
Đó là một điều gắn liền với tấm thân người ông đã chết, lạ lẫm như thể không phải là cơ thể ông nội mà chỉ là một bức tượng bằng sáp to như người thật thần chết đã đánh tráo bỏ vào quan tài để người ta tế lễ linh đình và tỏ lòng thành kính. Người nằm đó, hay nói đúng hơn cái vật nằm đó, chẳng phải là ông nội mà chỉ là một cái vỏ, mà như Hans Castorp cũng biết, không phải bằng sáp mà bằng vật liệu thực của nó; chỉ là vật chất mà thôi: đối với nó không thể thành kính hay thương tiếc, như những điều chỉ liên quan đến thân thể và những hoạt động nhất định chẳng thể nào gợi lên nỗi tiếc thương được. Cậu bé Hans Castorp ngắm nghía cái chất liệu vàng ệch như tảng pho mát nặn thành bức tượng to bằng người thật, ngắm khuôn mặt và đôi bàn tay của người ông chết. Có một con ruồi vừa đậu xuống vầng trán bất động và bắt đầu đưa cái vòi rà qua rà lại thăm dò. Lão Fiete cẩn thận xua nó đi, tránh không chạm vào vầng trán, vẻ mặt câm nín đạo mạo như thể lão không biết và không muốn biết mục đích việc làm của mình, hành vi tuy kính cẩn nhưng bộc lộ thực tế không chối cãi được là ông nội đã không còn gì khác ngoài cái vỏ này; tuy nhiên sau một hồi bay lượn con ruồi lại hạ cánh xuống ngón tay ông nội, gần chỗ cây thánh giá. Trong lúc ấy Hans Castorp bất giác nhận thấy, rõ rệt hơn hẳn từ trước tới giờ, một làn hơi thoảng qua rất nhẹ nhưng mang một mùi đặc biệt dai dẳng, cái mùi làm nó hổ thẹn nhớ tới một đứa bạn học bị xa lánh vì có lần trót dại, cái mùi mà những bông hoa huệ thơm lừng có nhiệm vụ lấn át đi, nhưng vẫn thất bại bất chấp tất cả những dàn dựng nghiêm trang và hoành tráng nọ.
Nó phải đứng túc trực nhiều lần bên người chết: một lần đứng riêng với lão Fiete, lần thứ hai đứng chung với ông trẻ Tienappel, chủ hãng buôn rượu, cùng hai cậu James và Peter, và còn thêm một lần thứ ba với một nhóm công nhân cảng mặc quần áo ngày chủ nhật, họ tới vài phút lúc quan tài chưa đóng để nhìn mặt và chia tay lần cuối ông chủ cũ của hãng Castorp & con trai. Rồi tới ngày tang lễ, căn phòng đầy nghẹt người và mục sư Bugenhagen ở nhà thờ Thánh Jacobi, chính là ông mục sư đã rửa tội cho Hans Castorp, trang điểm long trọng bằng cái cổ áo xếp kiểu Tây Ban Nha, đến đọc điếu văn; sau đó ông cùng lên ngồi trên chiếc xe ngựa chạy liền sau xe chở quan tài và dành vài lời rất thân thiện cho cậu bé Hans Castorp, rồi quãng đời này khép lại hẳn, và Hans Castorp chuyển sang nhà khác ở, đã là lần thứ hai thay đổi môi trường sống trong cuộc đời non nớt của nó.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần