The greatest thing you'll ever learn is just to love and be loved in return.

Eden Ahbez, "Nature Boy" (1948)

 
 
 
 
 
Tác giả: Thomas Mann
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3352 / 137
Cập nhật: 2017-09-15 16:22:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 1 - Đến Nơi
ột chàng trai trẻ bình dị rời Hamburg, quê cha đất tổ của mình, vào giữa lúc mùa hè cao điểm để đến DavosPlatz[1] ở Graubünden. Chàng định đến thăm nơi đó ba tuần.
Từ Hamburg lên tới đó là cả một hành trình dài; đúng ra là quá dài đối với thời gian lưu lại ngắn như vậy. Chuyến đi xuyên qua nhiều quốc gia, lên dốc xuống đèo, từ vùng cao nguyên miền Nam Đức xuôi xuống bờ hồ lớn xứ Schwaben[2], đáp tàu thủy cưỡi trên những ngọn sóng nhấp nhô, lướt qua những vực sâu thăm thẳm trước nay vẫn được coi là không thể dò tới đáy.
Cuộc hành trình cho tới giờ thông đồng bén giọt từ đây trở đi bị gián đoạn nhiều lần. Lữ khách phải dừng lại vài nơi, gặp một vài trắc trở. Ở Rorschach trên đất Thụy Sĩ chàng lại phó thác mạng mình cho ngành đường sắt, nhưng cũng chỉ đi được đến Landquart, một ga nhỏ trên dãy núi Alps, thì bắt buộc phải đổi sang một loại xe lửa đặc biệt chạy trên đường ray hẹp. Sau một thời gian chờ đợi khá lâu nơi cái ga nhỏ đìu hiu chàng bước lên chuyến tàu mới để nó đưa mình đến một vùng đèo heo hút gió. Và từ lúc cái đầu máy bé hạt tiêu nhưng sức kéo mạnh khác thường rùng mình chuyển động thì phần phiêu lưu mạo hiểm nhất của cuộc hành trình cũng bắt đầu, một chuyến đi lên cao, cao mãi tưởng như chẳng bao giờ tới đích. Ga Landquart đã tương đối cao rồi; nhưng giờ đây chàng mới thực sự dấn thân lên chặng đường cheo leo hiểm trở nhất kẹp giữa những vách đá sừng sững của vùng núi non hoang dã.
Hans Castorp - đó là tên chàng trai trẻ - ngồi một mình trong khoang riêng bốn bề lót đệm xám êm ái, hành trang chỉ có cái xắc tay bằng da cá sấu, quà tặng của ông trẻ đồng thời là cha đỡ đầu chàng, ông lãnh sự[3] Tienappel - tiện đây cũng xin nhắc đến danh tánh vị này luôn - với chiếc áo ấm mùa đông móc trên cao lúc lắc theo nhịp tàu đi, và chiếc chăn dạ ủ chân kẻ ô vuông sặc sỡ; chàng ngồi bên cửa sổ toa tàu hạ hết kính, và vì trời chiều càng lúc càng lạnh lẽo nên chàng, vốn là một công tử bột mảnh khảnh, phải dựng cổ chiếc áo khoác lụa mùa hè rộng rãi may đúng mốt thời trang lên cao. Nằm lăn lóc trên ghế cạnh chỗ chàng là một cuốn sách không đóng gáy nhan đề ‘Tàu thủy viễn dương’, trong giai đoạn đầu của cuộc hành trình thỉnh thoảng chàng có lôi ra đọc nhưng nay bị bỏ rơi, bìa sách nhem nhuốc những hạt bụi than tạt vào từ hơi thở phì phò của chiếc đầu tàu.
Hai ngày trời tách biệt lữ khách - một người còn rất trẻ, chưa bén rễ ăn sâu bám chắc vào đời - khỏi cuộc sống thường ngày, khỏi những gì được coi là nghĩa vụ, quyền lợi, nỗi lo, niềm hy vọng, tất cả lùi xa hơn hẳn mức độ chàng có thể mơ tưởng ra lúc ngồi trên xe ngựa đến nhà ga. Khoảng không gian vùn vụt xoay vần chia cắt chàng và nơi chôn rau cắt rốn bỗng mang một sức mạnh mà thông thường chỉ thời gian mới có; từng giờ từng giờ nó tạo ra những biến đổi nội tâm rất giống tác động của thời gian, nhưng trên một phương diện nhất định còn mãnh liệt hơn. Giống như thời gian, khoảng cách biệt ấy làm ta quên lãng; nhưng đó là một sự quên lãng xảy ra đột ngột do cá nhân con người được giải thoát khỏi các mối quan hệ vốn có và được đặt vào một tình trạng tự do sơ khởi không ràng buộc, thật vậy, trong trường hợp này thậm chí một người chỉn chu, một công dân gương mẫu cũng có thể bỗng chốc trở thành kẻ lãng tử giang hồ. Thời gian, như người ta thường nói, là liều thuốc lú; nhưng bầu không khí viễn phương cũng là một thứ rượu thần, mà nếu như nó không ngấm sâu bằng liều thuốc kia thì bù lại tác động của nó nhanh hơn gấp bội.
Hans Castorp đang trải qua đúng tâm trạng đó. Chàng không dự định coi chuyến đi là một dịp đặc biệt, không muốn để tâm nhiều vào cuộc hành trình. Hơn thế ý đồ của chàng là đi chóng vánh cho xong, như giải quyết một việc chẳng đặng đừng, rồi trở về nguyên vẹn vẫn con người cũ và nhập lại cuộc đời cũ đúng ở thời điểm tạm dừng trước đó. Mới hôm qua đây chàng còn hoàn toàn bị chi phối bởi những suy nghĩ thường ngày, mải ôn lại sự kiện trọng đại là kỳ thi tốt nghiệp vừa xong, và chuẩn bị cho khởi đầu sự nghiệp là giai đoạn thực tập ở hãng Tunder & Wilms (xưởng đóng tàu, sản xuất máy và nồi hơi), với bao nhiêu nao nức hồi hộp, khác hẳn bản tính điềm đạm của mình trong những dự định tương lai chàng đã nôn nóng nhảy cóc không tính tới ba tuần trước mắt. Nhưng giờ đây chàng có cảm tưởng bị thu hút toàn tâm toàn ý vào cuộc hành trình này và không thể coi nhẹ bất cứ điều gì. Chuyến đi cao, cao mãi lên đến cổng trời - nơi có bầu không khí loãng nhẹ chàng chưa bao giờ hít thở, nơi chàng biết rằng dân cư thưa thớt và các điều kiện sống khắc nghiệt một cách lạ lùng - bắt đầu khiến chàng xốn xang, lòng dạ hoang mang. Quê hương và cuộc sống nền nếp quy củ không chỉ lùi lại đằng sau, đáng ngại nhất là nó nằm sâu bên dưới xa tít tắp, ấy vậy mà chàng vẫn còn đang tiếp tục bò lên cao nữa. Lơ lửng giữa trời và đất, giữa thế giới quen thuộc và miền xa lạ, chàng tự hỏi ở trên kia không biết rồi mình sẽ ra sao. Phải chăng chàng đã hành động một cách hồ đồ, thiếu khôn ngoan và bất lợi cho sức khỏe, vì vốn là người sinh trưởng dưới đồng bằng và quen hít thở bầu không khí chỉ vài mét trên mực nước biển, nay chàng hấp tấp đi liền một mạch lên vùng cao nguyên nghiệt ngã này mà không dừng chân ít nhất mấy ngày ở một chặng nào đó lưng chừng? Chàng nóng lòng mong tới đích, chắc mẩm rằng lên tới đấy người ta có thể dừng chân để bình tâm thu xếp một cuộc sống tạm ổn như ở khắp mọi nơi và rũ bỏ được cảm giác bồn chồn khắc khoải khi leo dốc, tâm trạng luôn nhắc nhở chàng rằng mình đang ở vào một hoàn cảnh bất thường. Chàng nhìn ra ngoài cửa sổ: đoàn tàu uốn mình bò quanh một đoạn đèo; có thể nhìn thấy cả mấy toa đằng trước, nhìn thấy cái đầu máy vất vả ì ạch phì ra từng cụm khói nâu xỉn đặc kịt bay cuồn cuộn. Nước réo ào ào dưới vực sâu phía bên phải; bên trái loáng thoáng những cây thông mọc lên cao vút từ khe đá, in bóng đen sẫm trên nền trời xám xịt như vạc vào đá tảng. Tàu chui vào những đường hầm tối như hũ nút, ở đầu bên kia mở ra những thung lũng rộng, dưới đáy lác đác làng mạc nằm trong ánh sáng mặt trời chan hòa. Các thung lũng khép lại, tiếp theo là những ngọn đèo mới, tuyết lưu cữu còn đọng trong khe sâu. Có những chặng nghỉ tại các ga xép tồi tàn, có những ga cụt mà sau khi vào đoàn tàu phải lộn đầu chạy trở ra làm người ta ngơ ngác, mất phương hướng và không còn biết mình chạy về đằng nào nữa. Những bức tranh phong cảnh hùng vĩ với những đỉnh núi cao chất ngất, mái nhà của châu Âu mà chàng đang liều lĩnh xâm nhập vào, hiện ra trước con mắt kính cẩn của lữ khách để rồi lại biến đi sau mỗi khúc quanh. Hans Castorp nhận ra vùng sinh trưởng của các loài cây lá bản đã tụt lại phía sau, nếu chàng không nhầm thì chim chóc cũng bặt tiếng hót, và ý nghĩ thiên nhiên cũng phải chùn bước và trở nên nghèo nàn ở độ cao này khiến chàng bâng khuâng choáng váng, bất giác đưa tay lên che mắt hai giây. Rồi cảm giác ấy qua đi. Chàng nhận ra mình không tiếp tục leo lên cao nữa, tàu đã tới đỉnh đèo và đang ung dung trườn vào lòng một thung lũng phẳng.
Bấy giờ khoảng gần tám giờ tối, ngày vẫn chưa tàn. Một cái hồ hiện ra phía xa xa với mặt nước xám sóng sánh và dải rừng thông đen thẫm kéo từ bờ hồ lên vách núi bao quanh, càng lên cao càng thưa thớt rồi dứt hẳn để lộ ra sườn đá trần trụi trong sương mù. Tàu dừng lại một ga nhỏ, Davos-Dorf như Hans Castorp nghe người ta xướng to bên ngoài, chàng sắp tới đích rồi. Thình lình chàng nghe vang lên ngay bên tai tiếng Joachim Ziemßen, với giọng Hamburg chậm rãi hơi ngân nga không lẫn vào đâu được, bảo mình: “Xin chào, thôi xuống đi cậu”; và khi ngước mắt trông ra chàng thấy Joachim bằng xương bằng thịt đã đứng dưới sân ga ngay cạnh cửa sổ chỗ chàng ngồi, trong chiếc áo khoác dài màu nâu có hai hàng cúc, đầu không mũ không nón và tươi tắn khỏe mạnh như chưa bao giờ được thế. Anh họ chàng vừa cười vừa nhắc lại:
“Thôi xuống đi nào, còn ngại ngần gì nữa!”
“Nhưng đã tới đâu”, Hans Castorp chưng hửng nói, vẫn ngồi nguyên tại chỗ.
“Tới rồi. Đây là Làng Davos. Từ đây đi đến viện an dưỡng gần hơn. Tớ có mang xe ra đón. Đưa đồ đạc tớ cầm cho.”
Và vừa cười bối rối, hồi hộp vì không ngờ đã tới nơi và gặp người anh họ, Hans Castorp vừa chuyền qua cửa sổ đưa cho anh chiếc xắc tay và áo khoác mùa đông, cái chăn dạ với cây ba toong và cây dù đi mưa, cuối cùng cả cuốn ‘Tàu thủy viễn dương’. Rồi chàng chạy qua hành lang hẹp ra cửa toa và nhảy xuống sân ga để chính thức chào anh họ, thủ tục chào hỏi diễn ra không có ôm hôn thắm thiết hay tay bắt mặt mừng nồng nhiệt, mà tương đối khách sáo như bản tính của người miền Bắc. Nói ra thì hơi kỳ, nhưng từ xưa tới giờ họ đã tránh gọi nhau bằng tên và xưng anh em, chỉ vì ngại bày tỏ cảm tình một cách quá lộ liễu. Tuy nhiên đã là anh em thì cũng không thể gọi nhau bằng họ, thế nên hai người vẫn xưng hô cậu tớ với nhau. Đó là thói quen bén rễ từ lâu giữa họ.
Một người đàn ông mặc đồng phục, đội mũ gắn ngù kim tuyến đứng đợi hai anh em hấp tấp và hơi ngượng ngập bắt tay nhau, chàng trai trẻ Ziemßen đứng nghiêm theo tư thế quân ngũ, rồi tiến lại gần hỏi phiếu gửi hành lý của Hans Castorp; lão tự giới thiệu là người gác cổng của an dưỡng đường quốc tế ‘Sơn trang’ và đề nghị để mình đến ga ‘Phố’ nhận giùm chiếc vali lớn của ông khách, trong khi ấy hai người có thể đi xe về an dưỡng đường ăn tối cho sớm. Người đàn ông bước khập khiễng một cách khó nhọc, và như thế câu đầu tiên mà Hans Castorp hỏi Joachim Ziemßen là:
“Lão là cựu chiến binh à? Chân lão làm sao thế?”
“Hừ, cám ơn cậu khéo thi vị hóa!” Joachim đáp lại giọng thoáng chút cay đắng. “Cựu chiến binh gì đâu! Lão bị lao xương ở đầu gối, lâu rồi, và sau đó đã phải mổ tháo xương bánh chè.”
Hans Castorp vội tìm cách sửa chữa sự vô ý của mình. “À ra thế!” Chàng bảo, vừa đi vừa quay đầu nhìn nhanh lại phía sau. “Nhưng chẳng lẽ cậu định ám chỉ rằng cậu vẫn còn chưa khỏi hẳn hay sao? Trông cậu không khác gì sĩ quan đã được đeo lon vừa từ một cuộc tập trận trở về.” Và chàng liếc nhìn sang người anh họ.
Joachim cao lớn hơn Hans, cứ như người mẫu minh họa cho tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống và được sinh ra chỉ để khoác lên mình bộ quân phục. Chàng vốn có nước da ngăm ngăm, tuýp người cũng không hiếm gặp trên quê hương tóc vàng của họ, và giờ đây làn da ấy bắt nắng nâu bóng lên như đồng thau. Với cặp mắt đen to và hàng ria mép sẫm màu trên cặp môi đầy đặn sắc nét có thể nói là chàng rất đẹp trai, nếu như không có đôi tai vểnh. Đôi tai lừa này là nỗi khổ tâm và niềm đau đớn duy nhất trong đời chàng cho đến một thời điểm nhất định. Nay chàng mang trong lòng những lo lắng khác. Hans Castorp tiếp tục:
“Cậu sẽ về cùng tớ chứ? Chắc cậu khỏe hẳn rồi.”
“Về cùng cậu?” Joachim hỏi lại và quay sang nhìn chàng bằng cặp mắt to xưa nay vẫn hiền hậu, nhưng trong năm tháng trời xa cách đã mang thêm một nét mệt mỏi, thậm chí hơi rầu rĩ. “Khi nào?”
“Thì ba tuần nữa.”
“À, hóa ra trong đầu cậu đã nghĩ đến lúc quay về rồi”, Joachim bảo. “Cứ đợi đấy, cậu mới chỉ vừa đặt chân đến đây thôi. Ba tuần đúng ra chẳng là gì cả đối với người trên này, nhưng đối với cậu, chỉ là khách ghé qua chơi, cũng là khối thời gian. Trước tiên cậu hãy cứ làm quen với khí hậu ở đây đã, rồi cậu sẽ thấy, không dễ đâu. Và lạ thung lạ thổ cũng chẳng phải là trở ngại duy nhất ở trên này. Cậu sẽ gặp nhiều điều mới lạ, cứ tin lời tớ. Còn về phần tớ, cậu phải biết rằng bệnh này không thể ngày một ngày hai chữa cho khỏi được đâu - ‘ba tuần nữa về nhà’ - đó là nói theo cách nghĩ của người dưới kia. Trông thế này thôi nhưng tớ vẫn chưa khỏe hẳn, đừng để cho làn da bắt nắng gắt trong ánh tuyết vùng núi cao đánh lừa mắt, Behrens vẫn bảo thế, trong lần kiểm tra sức khỏe vừa rồi ông ấy còn phán tớ phải ở lại thêm nửa năm nữa.”
“Nửa năm? Cậu có khùng không?” Hans Castorp kêu lên. Họ vừa mới rời nhà ga nhỏ xíu như cái chòi gác cu leo lên chiếc xe mui trần màu vàng đậu ngoài bãi trống lổn nhổn đá sỏi bên cạnh đường tàu, Hans Castorp chau mày bực bội loay hoay xoay trở trên băng ghế bọc đệm mỏng cứng ngắc. “Những nửa năm nữa? Cậu ở đây cũng đã gần nửa năm rồi còn gì! Người ta đâu có nhiều thời gian đến thế!”
“Phải, thời gian”, Joachim đáp và gật gật đầu, mắt vẫn nhìn thẳng về phía trước, không đếm xỉa đến cơn bất bình chính đáng của em họ. “Thời gian ở đây ỡm ờ lắm, chẳng như thời gian thông thường của người đời, cậu không tưởng tượng được đâu. Ba tuần đối với người trên này chỉ ngắn ngủi như một ngày. Rồi cậu sẽ thấy. Cậu sẽ được làm quen với tất cả những cái đó”, chàng bảo và còn thêm vào: “Ở đây mọi nhận thức bị đảo lộn cả.”
Hans Castorp chăm chăm nhìn ngang sang phía người anh họ.
“Nhưng trông cậu khỏe lắm rồi mà”, chàng lắc đầu cãi.
“Cậu thấy thế à?” Joachim hỏi lại. “Mới đầu tớ cũng tưởng thế!” chàng vừa nói vừa vươn vai ngồi thẳng người lên trên ghế; nhưng lại lập tức đổi tư thế xoay nghiêng sang bên. “Tớ cảm thấy trong người đã khá hơn”, chàng giải thích, “nhưng vẫn chưa bình phục hẳn. Phía trên phổi trái, chỗ hồi trước tiếng kêu rất nhám, bây giờ đã dịu bớt, không tệ mấy nữa, nhưng ở dưới vẫn còn khá nặng, và ở gian liên sườn thứ hai lại có tiếng rít.”
“Cậu ăn nói cứ như bác học ấy”, Hans Castorp bảo.
“Đúng thế, có Chúa chứng giám, đó là cả một môn khoa học. Giá mà tớ thải hết được những điều cao siêu ấy ra khỏi đầu”, Joachim trả lời. “Nhưng tớ vẫn ho ra đờm”, chàng nói thêm và nhún vai rất mạnh với một thái độ bất cần đời không mấy phù hợp với nét mặt hiền hậu của mình, và hé cho người em họ nhìn thấy một vật chàng rút ra phân nửa từ túi áo khoác rồi lại đẩy thụt vào ngay: một cái chai dẹt hình ô van bằng thủy tinh màu xanh cô ban có nắp kim loại[4]. “Đa số những người sống trên này đều phải cặp kè với nó”, chàng bảo. “Người ta còn đặt tên cho nó nữa, một biệt hiệu rất quấy. Cậu thấy phong cảnh thế nào?”
Hans Castorp nhìn quanh gật gù: “Tuyệt vời!”
“Thật chứ?” Joachim hỏi lại.
Họ theo con đường khấp khểnh dọc đường tàu chạy một đỗi về hướng trục thung lũng, rồi rẽ trái vượt qua khúc đường ray hẹp, lội qua một con suối nhỏ và lọc cọc nhằm hướng vạt rừng mọc trên sườn dốc thoai thoải chạy lên cao. Nơi đó, trên một khoảng đồng cỏ phẳng phiu như bậc thềm rộng mở về hướng tây nam, tọa lạc một dãy nhà dài có đỉnh tháp tròn, mặt ngoài vô số hốc ban công lõm vào chẳng khác gì một miếng bọt biển lỗ chỗ, bắt đầu le lói thắp lên những ngọn đèn đầu tiên. Trời sụp tối rất nhanh. Một ráng hoàng hôn mỏng mảnh mới lúc nãy còn khởi sắc cho bầu trời đầy mây phủ nay đã lịm tắt, tình trạng nhá nhem nhạt nhòa, trống vắng và ảm đạm bao trùm khắp thiên nhiên trước khi màn đêm sập xuống hẳn. Trong lòng cái thung lũng hẹp và dài hơi uốn cong, dưới đáy và hai bên sườn dốc rải rác nhà cửa, cũng nhấp nháy lên đèn khắp nơi, nhất là mé bên phải nơi có lưỡi đất bậc thang nhô ra với dãy nhà dài. Bên trái có những lối mòn xuyên qua đồng cỏ chạy mất hút vào bóng đen câm lặng của những dải rừng lá kim. Xa xa, chỗ sườn núi hai bên khép lại ở cuối thung lũng, những rặng núi màu xanh xám lạnh lùng nổi lên lởm chởm răng cưa, sắc nét như in lên một tấm phông. Gió quất ào ào, và trời đêm trở nên giá buốt.
“Thú thật tớ hơi thất vọng vì quang cảnh ở đây chẳng có vẻ hùng vĩ mấy”, Hans Castorp bảo. “Đâu rồi băng hà vĩnh cửu và tuyết lưu niên và những đỉnh núi sừng sững chọc trời? Những núi non này chừng như không cao mấy.”
“Có chứ, cao lắm đấy”, Joachim bảo. “Cậu thấy chỗ cây ngừng mọc ở khắp nơi đó không, nó vạch thành một đường ranh giới rõ rệt, từ độ cao ấy trở lên thông không mọc được nữa, và tất cả dừng lại ở đó, không còn gì ngoài đá, như cậu thấy đấy. Ở đó, bên phải đỉnh Schwarzhorn, cái đỉnh nhọn kia kìa, có băng hà cậu ước đấy, thấy nó ánh lên xanh mờ không? Chẳng lớn lắm, nhưng đó là một dải băng hà vĩnh cửu thực sự, nó có tên gọi là băng hà Scaletta. Piz Michel và Tinzenhorn khuất trong kẽ hở đằng kia, từ đây cậu không nhìn thấy mấy đỉnh núi ấy được đâu, cũng được bọc trong tuyết quanh năm.”
“Bọc trong tuyết vĩnh cửu”, Hans Castorp mơ màng.
“Ừ, vĩnh cửu, nếu cậu muốn thế. Thật vậy, những ngọn núi ấy cao lắm. Nhưng chỗ mình đứng cũng đã cao kinh khủng rồi, cậu phải biết thế. Một ngàn sáu trăm mét trên mực nước biển. Vì vậy nên những đỉnh núi kia không đủ gây ấn tượng mạnh cho cậu.”
“Ờ nhỉ, leo mãi mới lên được đến đây! Thú thật là dọc đường có lúc tớ đã thấy hơi ngán. Một ngàn sáu trăm mét! Thế là gần năm ngàn foot[5], nếu tớ qui đổi đúng. Cả đời tớ chưa bao giờ lên đến độ cao này.” Và Hans Castorp tò mò hít vào một hơi dài, nếm thử bầu không khí loãng trên cao. Không khí trong lành - nhưng tất cả chỉ có thế. Nó mất đi mùi vị đặc trưng, không còn độ ẩm, nó trong suốt và nhẹ tênh và chẳng nói lên được điều gì với linh hồn.
“Tuyệt!” chàng khen lấy lệ.
“Ừ, không khí trên này nổi tiếng là có tác dụng chữa bệnh. Tuy nhiên tối hôm nay quang cảnh ở đây còn chưa khoe ra hết vẻ đẹp của nó đâu. Thỉnh thoảng nó đẹp mê hồn, nhất là khi có tuyết. Nhưng tuyết cũng là một cái nạn. Tất cả mọi người ở trên này, cậu cứ tin lời tớ, đều đã chán tuyết lên đến tận cổ rồi”, Joachim nói, và nhếch mép tỏ vẻ ngán ngẩm, cử chỉ có vẻ quá cường điệu, thiếu tự nhiên, và vì vậy cũng không mấy phù hợp với chàng.
“Cậu nói lạ quá”, Hans Castorp bảo.
“Tớ nói lạ thế nào?” Joachim quay sang nhìn em họ hỏi lại với vẻ quan tâm đặc biệt…
“Không, không, tớ xin lỗi, đấy chỉ là cảm giác trong chốc lát thôi!” Hans Castorp vội vàng xoa dịu. Nhưng ý chàng muốn nói cụm từ “mọi người ở trên này” mà Joachim đã dùng đến lần thứ ba hay thứ tư rồi, không hiểu sao mấy chữ ấy gợi lên trong lòng chàng cảm giác u uất lạ lùng.
“Viện an dưỡng này còn nằm cao hơn khu dân cư, như cậu thấy đấy”, Joachim tiếp tục giảng giải. “Năm chục mét. Trong quảng cáo để là một trăm, nhưng thực ra chỉ có năm chục mét thôi. Cao nhất là viện an dưỡng Schatzalp trên kia cơ, từ đây không nhìn thấy họ được. Mùa đông họ phải đặt xác chết vào xe trượt tốc độ cao bobsleigh[6] thả trôi xuống núi, vì đường xe ngựa không đi được.”
“Xác chết? Ý cậu nói… Ơ kìa!” Hans Castorp kêu lên. Và đột nhiên chàng phá ra cười khanh khách, tiếng cười bồng bột thoát ra bất ngờ làm ngực chàng co thắt lại và gương mặt phơi ngoài gió lạnh cứng đờ nhăn nhúm đến phát đau. “Đặt vào xe trượt thể thao! Mà cậu kể cho tớ nghe một cách tỉnh bơ như vậy? Năm tháng ở trên này đã biến cậu thành con người nhẫn tâm mất rồi!”
“Có gì là nhẫn tâm”, Joachim nhún vai đáp lại. “Tại sao? Đối với mấy người chết thì đằng nào cũng thế… Mà cũng có thể cuộc sống ở đây làm người ta trở nên nhẫn tâm thật đấy. Bác sĩ Behrens chẳng hạn, cũng là một lão già ưa nhạo báng - phải nói thêm ông ấy là một tay rất sành điệu, cựu thành viên hội sinh viên và một nhà giải phẫu tài ba, thật đấy, rồi cậu sẽ thích ông ta. Ngoài ra còn có Krokowski, bác sĩ trợ lý nữa, cũng đáng ngại lắm. Trong quảng cáo có đặc biệt đề cập đến chuyên môn của ông này. Ông ta chuyên mổ xẻ tâm hồn bệnh nhân.”
“Ông ta chuyên cái gì? Mổ xẻ tâm hồn? Khiếp quá!” Hans Castorp lại kêu lên, và giờ thì trận cười bung ra hoàn toàn không kiểm soát được nữa. Chàng không tài nào nín cười được, nhất là cái trò mổ xẻ tâm hồn làm chàng khoái chí vô cùng, và chàng cười đến nỗi nước mắt tèm lem tràn qua kẽ bàn tay chàng đưa lên che mắt. Joachim cũng cất tiếng cười sảng khoái, có vẻ chàng đã thực sự lây niềm vui của người em họ, và như thế, sau khi cỗ xe ngựa túc tắc đi nốt đoạn cuối khúc đường dốc uốn lượn dừng lại trước cổng, hai chàng trai trẻ xuống xe trong tâm trạng hào hứng vô tư, sóng đôi bước vào viện an dưỡng quốc tế tên gọi ‘Sơn trang’.
Núi Thần Núi Thần - Thomas Mann Núi Thần