Within you, I lose myself. Without you,

I find myself wanting to be lost again.

Unknown

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1942 / 25
Cập nhật: 2015-12-21 10:39:15 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ưới nhà, bọn khách trẻ tuổi đã rời phòng nhẩy đầm kéo hết cả vào trong bếp lục thức ăn. Bọn người làm nhà Tuyết, y như là người làm nhà Tây, đã đi vắng hoặc lánh mặt hết.
Khi Tuyết vào bếp, các bạn nàng đã kéo nhau lên sân gác. Trong bếp, chỉ còn vài cập háu ăn đang lúi húi lục tủ lạnh. Có tiếng huyên náo trên sân gác vẳng xuống. Tò mò, Tuyết đi lên:
- Cái gì thế?
Một cô gái say rượu vừa liệng con mèo mun sang mái nhà bên cạnh. Con mèo đó là một con mèo nhỏ, hãy còn khờ dại. Mái nhà bên cạnh lại chằng chịt những dây điện. Nếu để con mèo ở đó thể nào nó cũng bị điện giật chết.
Tuyết đến nhìn sang mái nhà bên:
- Ồ … con mèo của chị bếp đấy. Chị ấy thương nó lắm …
Duy nói:
- Phải có thằng nào liều mạng trèo sang bắt nó. Không để cho nó chết oan được..
Mọi người đều quay đầu lại nhìn Duy.
Một gã kêu ngạo:
- Mày nói hay lắm. Mày còn đợi gì mà không trèo sang cứu nó đi?
Duy nở một nụ cười khinh mạn. Gã ưỡn ngực:
- Chúng mày tưởng tao ham sống lắm sao?
- Hách lắm …
Kính cười mũi, nói câu trên.
Tuyết can thiệp:
- Thôi đừng có làm trò khỉ. Té điện nó giựt chết. Báo hại người ta phải đi cớ bót …
Duy cười khẩy:
- Thì các bạn lại có dịp đưa đám ma một thằng bạn chớ sao?
Duy trèo ra cửa sổ, leo sang mái nhà bên, giữa những sợi dây điện thứ lớn.
Ngay trên đầu Duy là cửa sổ căn phòng tắm có ánh đèn chiếu sáng. Hùng vừa bước vào căn phòng tắm lịch sự ấy. Chàng dừng lại trên ngưỡng cửa. Trong phòng, một thiếu nữ bận đồ “Zazou” đang đứng chải lại tóc trong gương.
- Ồ xin lỗi …
Nàng quay lại:
- Anh giận em về chuyện hồi nãy hả?
Nàng cười lên, tiếng cười lanh lảnh, trong như tiếng pha lê.
Hùng nhìn nàng, cười cầu tài. Nàng đẹp và có duyên lắm. Người nàng thon, dài và có thể rắn chắc hơn người Tuyết.
Chợt một tia sáng nẩy ra trong óc chàng.
Hùng nhớ lại rằng người thiếu nữ duyên dáng đang đứng trước mặt chàng đây chính là người mà hồi nẫy chàng đã bắt gặp nằm trong phòng của Tuyết.
Bất giác chàng nói:
- À … anh nhớ ra rồi, em là …
Nàng gật đầu:
- Anh nhớ đúng … Em là người hồi nẫy nằm trong phòng Tuyết.
Hùng nhớ lại câu nói của Tuyết khi nàng đóng cửa phòng – “Nó là Hạnh, bạn thân nhất của em. Em không thể trách gì được nó”.
Hạnh trạc độ mười bẩy tuổi. Nghĩa là cũng trạc tuổi Tuyết, nhưng trông trẻ và nhanh nhẹn, sắc sảo hơn. Nước da nàng trắng hồng, đôi môi hơi trề ra, trông như môi Brigitte Bardo. Tóc nàng đen và dầy, tóc sõa ngang vai nhưng không uốn. Hai cánh mũi nàng tròn, sống mũi cao trông như mũi đầm lai. Hai gò ngực tròn và nhọn nhô ra dưới làn vải áo làm cho nàng có thêm một vẻ đẹp dịu dàng đầy nữ tính.
- Anh tìm được chỗ làm ăn rồi chứ?
Hạnh thản nhiên hỏi câu ấy, trong lúc tay nàng cầm bàn chải lướt nhẹ trên mái tóc.
Hùng đáp một tiếng “ừ” rất khẽ. Chàng cảm thấy khó chịu vì hai tiếng “làm ăn” quá sống sượng thốt ra từ làn môi hồng của người thiếu nữ quá đẹp nầy.
Nàng vẫn chưa chịu tha:
- Anh nói gì? Hạnh không nghe rõ?
Hùng đỏ mặt như một chàng trai mới nhớn:
- Anh nói anh đã tìm ra được chỗ làm ăn rồi.
Hạnh mở nút một ve nước hoa loại đắt tiền, bình pha-lê trong tuyệt đẹp, để trên giá, đưa đi, đưa lại trước mặt để ngửi mùi thơm:
- Tuyết nó mới đổi nước hoa … Em khuyên nó đấy. Nó dùng thứ nước hoa này được lắm …
Nàng tẩm nước hoa vào hai cánh tay. Những cử động của nàng đều mềm mại, nhanh và êm như một con mèo.
Nàng hỏi tiếp, giọng tinh quái:
- Chắc anh mới ở tỉnh lên hả?
Hùng cười trước vẻ quá ư sành sõi của cô gái trông bề ngoài còn ngây thơ:
- Bộ anh trông nhà quê lắm sao?
- Không nhà quê, nhưng hãy còn e lệ lắm.
Nàng quay lại, ngồi ghé lên thành bồn tắm, hai tay khoanh lại trước ngực. Càng đứng lâu với Hạnh, Hùng càng cảm thấy mến nàng. Chàng muốn được làm bạn, được thân với người thiếu nữ nhí nhảnh này. Chàng muốn được biết tâm sự của nàng, được tâm sự với nàng, được trêu chọc nàng.
Nàng tiếp:
- Ai đem anh tới đây?
- Duy …
- Duy? Anh là bạn của Duy đấy à? Trông hai người khác nhau nhiều lắm.
Đến lượt Hùng đến trước gương chải lại tóc. Chải xong, chàng đang ngắm nghía bóng chàng trong gương thì Hạnh đã dơ tay ra xoa lên mái tóc chàng. Mái tóc Hùng lại rối bù.
- Em điên à?
- Để em chải lại cho. Tóc anh chải vuông vắn không hay, phải để bù trông mới hách.
- Anh chải chuốt trông cũng đâu đến nỗi quỷnh?
Có một cái gì … nồng ấm, chan chứa dịu ngọt … trôi như một dòng suối, một luồng điện, từ Hùng qua Hạnh rồi trở lại. Họ cùng cười những nụ cười giống nhau, cùng nói một giọng nói.
Giọng Hạnh dịu hơn:
- Rất tiếc …
- Tiếc gì?
- Tiếc rằng chúng ta gặp nhau quá muộn.
Hùng không chịu kém nàng:
- Lạ quá. Anh cũng vừa nghĩ y như là em vậy.
Tiếng cười trong của Hạnh lại vang lên trong căn phòng tắm sạch và trắng tinh không một hạt bụi:
- Làm ăn xong, bồ có thấy đói bụng không?
Không đợi Hùng trả lời, nàng đứng dậy nắm lấy tay chàng:
- Đi … đớp!
Hùng đã bắt đầu quen với những câu nói táo tợn nhất thốt ra từ làn môi hồng của người thiếu nữ nhí nhảnh trước mặt chàng. Nhưng khi ra đến cửa phòng, chàng vẫn quen lùi lại nhường nàng ra trước.
Nàng mỉm cười:
- Số dách … Bồ đúng là con nhà lành …
Trong bếp chật những người. Bọn trẻ nhốn nháo chen lấn nhau chỗ cửa sổ nhìn sang mái nhà bên.
Nicole, một tay cầm chiếc đùi gà, kiễng chân tò mò nhìn. Lưu, gã tóc bù kiểu Marlon Brando, đứng ôm nàng. Vài em khác bị “suýt-păng” đứng há hốc mồm. Chỉ có Kính “Đĩ Đực” là điềm nhiên ngồi trên mặt bàn, vừa uống rượu vừa dở cuốn sổ tay ra tính toán những món hàng của gã.
Bên ngoài, đứng dán lưng vào thành tường, Duy đã bắt được con mèo.
Cảnh gã thanh niên gầy cao ấy đứng men theo thành tường, trên một khoảng sâu nhằng nhịt những dây điện, làm cho tất cả mọi người đều rùng mình, kinh sợ.
Nhiều tiếng người ré lên:
- Cẩn thận đấy …
- Coi chừng …
- Đứng yên đấy đi …
- Té bỏ mẹ … Điện giựt chết tươi …
- Ai bảo ra? To đầu mà dại …
Tuyết quay lại khi Hạnh tươi cười bước vào:
- Có còn cái gì cho bọn này đớp mí không?
Tò mò, Hùng tiến lại cửa sổ. Trong lúc đó những tiếng lo sợ vẫn ré lên quanh chàng:
- Thế chó nào cũng nhào mất thôi …
- Liệng con mèo xuống. Còn giữ nó làm gì nữa …?
- Nó không chịu bỏ đâu …
Tuyết tiếp:
- Hắn tự kiêu lắm …
Đứng dán lưng vào tường ở góc nhà, Duy đang gặp nguy hiểm thật sự. Gã chỉ có thể men theo thành tường để về cửa sổ bằng cách đứng áp lưng và áp cả hai lòng bàn tay vào tường. Nhưng bây giờ, một tay gã đã mắc cầm con mèo. Gã đứng đấy, người thẳng đuồn đuột như người gỗ. Hai mắt gã chớp lia. Có lẽ gã ngại không dám nhìn xuống những đường dây điện chằng chịt ở dưới.
- Sắp nhào mất …
Hùng cởi giầy. Chàng nói lớn ra ngoài:
- Duy, cứ đứng đấy. Tao ra đón mày.
Một thiếu nữ say rượu vỗ hai tay vào nhau rồi phá lên cười như người hóa dại:
- Hay lắm … Cả hai thằng cùng ngã. Cả hai thằng cùng bị điện giựt. Cho chết …
Đến lượt Tuyết chạy ra cửa sổ để nhìn. Nàng đứng sát cạnh Hạnh. Hai người nhìn nhau mỉm cười.
Hạnh tắc lưỡi:
- Trông thằng bạn mày mềm mại quá. Hay lắm. Tên nó là Hùng hả?
Tuyết gật đầu:
- Một cây “Sì-Po” đấy …
Hạnh thè đầu lưỡi hồng liếm môi:
- Nó … sao?
Tuyết mỉm cười:
- Hoàn toàn …
Duy đưa cho Hùng con mèo nhỏ. Hùng quay lại chuyền con mèo nhỏ cho một gã đứng trong cửa sổ. Chàng đưa tay cho Duy nắm.
Cả bọn reo lên:
- Xong rồi …
Màn men tường nguy hiểm đã hết, cả bọn lảng đi hết ngay trước khi Duy kịp trèo vào hẳn trong phòng.
“Đĩ đực” Kính tính toán xong, thản nhiên gập cuốn sổ tay bỏ vào túi. Như không hề có chuyện gì xẩy ra cả, y đứng dậy bảo Tuyết:
- Moa biến …
Hạnh hất hàm:
- Kính? Toa có xe hả? Chở moa về nhé …
- Ô-kê!
Nàng đi theo Kính. Ra tới cửa nàng còn dừng lại nhìn về phía cửa sổ. Hùng vừa trèo vào nhà. Trông chàng vẫn lịch sự, đẹp trai và thanh nhã như thường.
Duy trèo vào theo Hùng. Đã làm bộ phớt tỉnh:
- Còn có đứa nào chê tao là nhát gan nữa không?
Hùng đưa mắt tìm Hạnh. Khi chàng biết là nàng đã đi khỏi, chàng bỗng thấy muốn đi khỏi tòa nhà này như nàng.
- “Đêm nay nhiều chuyện quá!” – Ngồi một mình trong chiếc tắc-xi Hùng nghĩ thầm – “Mình có cảm giác như người vừa sống nhiều tháng trong một vài giờ. Sự thực, sống thế này cũng hay …!”
° ° °
Xưỏng sửa xe hơi trong giờ làm việc, tiếng máy nổ ròn, nhiều người bận y phục xanh, đi lại rộn rịp như trong một tổ ong.
Anh tây đen lái chiếc Vespa lượn một vòng rồi mới tốp lại trước cửa vào ga-ra.
Ngồi trên đệm sau, Hạnh tung hai chân trước khi nhẩy xuống đường.
- Ta có cần phải chờ nàng không?
Sắc, gã tây đen hất hàm hỏi.
Hạnh đáp:
- Không cần. Tối nay, gặp nhau ở Bar Lola …
- Ô-Kê! Tối nay …
Hạnh bận áo sơ-mi xanh, quần tím, dép trắng. Nàng xách chiếc ví da xanh đi vào xưởng. Trên đường tiến về phía căn phòng kính, nàng gặp một cô thư ký. Cô này trạc tuổi nàng, người tròn trĩnh, mặt bầu bĩnh, tóc vén lên gáy.
Thấy nàng, cô thư ký dừng lại:
- Kìa cô Hạnh … Hồi này cô vẫn được mạnh chứ?
- Như thường … Anh tôi đâu?
Giọng nói cấm cẳn của Hạnh không làm cho cô thư ký mất vẻ tươi tỉnh:
- Anh ấy chạy đâu đó. Để tôi tìm cho.
- Cám ơn …
Đứng lại một mình, Hạnh xách ví đi đi, lại lại trước dẫy xe hơi sắp thành một hàng dài.
Chợt nàng dừng lại trước một chiếc quầy mặt đá có đặt máy điện thoại. Nàng mở ví tìm cuốn sổ tay ghi số điện thoại rồi nhanh nhẹn quay máy.
Đó là số điện thoại nhà Hùng. Hạnh vừa hỏi thăm được số điện thoại ấy hồi sáng nay.
- A-lô? Phải anh Hùng đó không? Chào anh …
Giọng vui vẻ của Hùng vẳng lại:
- Hùng đây. Ai gọi đấy …
- Đoán xem? Chịu à … Hạnh đấy …!
- Anh nghĩ ngay đến Hạnh … nhưng không dám tin … nên không dám nói … Hạnh ở đâu gọi tôi đấy?
Hạnh lấy giọng chán nản và lạnh nhạt:
- Hạnh đang ở ga-ra chờ ông anh. Chờ lâu quá không biết làm gì … Hạnh gọi dây nói cho Hùng … Hôm nay không đi học à?
Giọng nói của Hùng cũng mất ngay linh động:
- À … moa đang ở nhà gạo bài. Sắp thi rồi … Chăm một chút không thì lôi thôi to. Hạnh nói gì thế?
- Hạnh vừa kêu lên – “Đẹp quá … cóc chịu được”.
Hùng ngạc nhiên hỏi lại:
- Hạnh nói gì … cóc chịu được?
- Cái xe đẹp … cóc chịu được. Có chiếc Jaguar đẹp quá Hùng ạ …
Một chiếc Jaguar kiểu thể thao sơn toàn trắng vừa lừ lừ tiến vào ga-ra. Một anh thợ máy ngồi lái xe.
Hạnh trợn mắt nhìn chiếc xe. Nàng dậm chân, thốt lên những tiếng trầm trồ như một cô bé con trước một tủ kính đồ chơi Nô-En quá đẹp.
Giọng nàng trở nên nồng nàn:
- Ồ … anh không thể nào hiểu được. Anh chưa trông thấy chiếc xe này. Đây là chiếc ô-tô trong mơ của em. Thôi, tốp đi. Để em ra coi xe … À … đừng cúp vội, em bảo cái này …
- Gì nữa?
- Nếu anh rảnh, anh nên đến thăm em. Em ở 60 đường Công Trường Kiến Thiết. Phòng em có nhiều đĩa nhạc ngoại quốc khá lắm. Nếu anh buồn, hay không có chuyện gì làm, anh nên đến …
Hùng chậm chạp tìm câu trả lời:
- Cũng được. Để hôm nào rỗi, moa đến.
Hạnh đặt ống nghe lên máy. Nàng chạy ra đứng bên chiếc xe Jaguar:
- Trời ơi … xe đẹp quá … Tôi thích quá … xe này của ai thế anh?
Người thợ máy mỉm cười:
- Xe của một ông Tây, gửi bán đấy. Cô thích thì mua đi …
- Bao nhiêu?
- Một trăm hai chục ngàn thôi.
Hạnh lắc đầu. Tay nàng đặt lên thành xe, vuốt nhẹ với một vẻ thành kính:
- Một trăm hai chục ngàn? – Nàng nhắc lại – Chiếc xe này phải để cho tôi đi mới đúng. Để người khác mua mất, vô lý quá. Tối vô lý …
Một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng nàng:
- Cô cứ nói thế chứ cô thì thiếu gì tiền?
Hạnh quay phắt lại.
Đức, anh nàng, vừa bước tới. Chàng là một thanh niên cường tráng nhưng không vai u, thịt bắp, vẻ mặt lanh lợi, sáng sủa. Chàng trạc độ ba mươi tuổi. Chàng bận sơ-mi xanh, và quần xanh vải dầy có túi ở ngực kiểu thợ máy. Dáng đi của chàng hơi gù.
Đức trêu cô em:
- Phải gói xe lại cho cô đem về hay là cô … ăn ngay ở đây?
Hạnh nhún vai tỏ cho Đức biết rằng nàng không ưa câu khôi hài của anh.
Đức đến gần nàng:
- Cám ơn cô hạ cố đến đây thăm tôi. Tôi xin thưa ngay để cô biết rằng tôi vẫn được bình an như thường …
Rồi nhìn kỹ nét mặt cô em gái, giọng Đức chuyển sang trìu mến:
- Sao trông em gầy và xanh thế? Hồi này ít ngủ hả?
Hạnh gật đầu thú nhận:
- Có lẽ …!
- Tại em thức học nhiều quá chứ gì?
Đức cười, nhưng giọng cười không tàn ác.
Hạnh cáu kỉnh:
- Thôi em van anh. Anh đừng lên lớp em nữa đi.
Đức dơ tay lên bẹo má cô em.
Hạnh vội nghiêng đầu vì hai ngón tay của Đức đầy dầu máy.
Đức vẫn cười:
- Thì thôi vậy … Thế em tìm anh làm gì? Chắc lại cần tiền? Bao nhiêu nào?
- Em cần … 5 ngàn …!
Nụ cười nở trên làn môi Hạnh chứa chan hy vọng.
Ngạc nhiên, Đức kêu lên:
- Năm ngàn? Em làm gì mà cần những năm ngàn? Mà em muốn anh đào đâu ra những năm ngàn cho em chứ?
- Ba ngàn vậy!
Hai anh em đứng sững trước mặt nhau.
Hạnh sịu mặt năn nỉ, nhưng Đức không giận. Nét mặt chàng chỉ biểu lộ sự lo ngại:
- Khổ lắm, nếu anh có anh không tiếc em. Nhưng anh không có năm ngàn, ba ngàn cũng không, mà hai ngàn, một ngàn anh cũng không có nốt. Em muốn anh lấy tiền ở két ra cho em sao?
Hạnh lạnh lùng và tàn nhẫn quay ngoắt đi:
- Không có thì thôi …
Đức nắm lấy khuỷu tay em gái, kéo lại:
- Em nghe anh nói đây … Em biết lương anh ở đây bao nhiêu rồi chứ? Anh làm gì có tiền thừa? Hai nữa, em đột ngột đến, bắt đưa tiền ngay … anh chạy đâu ra? Nhưng em cần tiền để làm gì đã nào? Nói anh nghe …
Đỡ cau có hơn, Hạnh quay lại, đáp:
- Em cần tiền trả tiền phòng. Em thiếu hai tháng rồi.
Yên lặng một lát, Đức bối rối đưa tay lên gãi đầu:
- Anh không có tiền … Thật mà …
Giọng chàng khẩn khoản, khổ sở như người xin lỗi:
- Anh muốn cho em lắm, nhưng anh không có …
Hạnh nhìn anh, nàng nhún vai. Nét mặt nàng rắn đanh lại:
- Không sao. Để em chạy chỗ khác.
Đức móc túi lấy ra một tờ giấy năm trăm, nhét vội vào tay cô em.
Chàng hổ thẹn:
- Anh buồn lắm … Anh chỉ có thể giúp em thế này được thôi, trong khi chờ đợi …
Hạnh không cần nhìn tờ giấy bạc, nàng chỉ mở sắc tay bỏ tờ giấy vào sắc. Nàng quay lại nhìn chiếc xe trắng bóng nằm trong ánh nắng. Đôi mắt nàng mơ màng.
Nàng thở dài:
- Trời ơi, cái xe đẹp quá.
Đức khó chịu vì giọng nói của Hạnh, chàng hỏi:
- Em nhất định mua à? Em trả tiền mặt hay là ký “sét”?
Hạnh bực tức:
- Nếu em xoay được tiền mua cái xe này thì anh nghĩ sao? Hả?
Đức nghiêm mặt:
- Em mà làm bậy để lấy tiền mua xe thì việc trước hết mà anh sẽ làm là … tát cho em mấy cái. Sau đó, đừng nhìn nhau là anh em nữa.
Hạnh không nói gì cả.
Nàng quay gót đi ra khỏi xưởng.
Cô nữ thư ký bầu bĩnh hồi nẫy trở lại, tay ôm một tập giấy. Trong cơn vội vã, thiếu chút nữa thì hai bộ ngực của hai nàng đâm vào nhau.
Đức không tỏ vẻ gì là hờn giận cả. Đôi mắt nhìn theo cô em gái của chàng nặng những buồn lo và chứa chan thương mến. Chàng thở dài. Quay lại thấy cô thư ký vẫn ôm tập giấy đứng gần đó, chàng hỏi:
- Hồng … Cô có buồn khi thấy người ta đi chơi phây phây mà cô phải làm việc vất vả không?
Hồng mỉm cười với Đức. Hai người thông cảm nhau qua nụ cười và mắt nhìn.
Nàng đáp:
- Đi chơi thì vẫn thú hơn, nhưng nếu mình nghèo, có việc để làm đã là may rồi. Không còn cách nào khác hơn. Chúng ta tự an ủi vậy …
Đức gật đầu. Chàng đứng yên nhìn cô thư ký lương thiện đi khuất sau căn nhà kính. Sau đó, chàng quay về với chiếc xe đang chờ bàn tay công nhân của chàng sửa chữa.
° ° °
Mặc dầu trời chưa tối căn phòng hẹp của bà Ký đã phải bật đèn.
Bà Ký ngồi trước máy khâu ngay dưới ngọn đèn. Quanh bà, trên tường, treo nhiều chiếc áo dài may xong và đang may dở. Từ ngày ông Ký mất đến nay, bà Ký vẫn sống với nghề may thuê. Bà nhận áo của các tiệm may lớn về nhà may.
Bà Ký trạc năm mươi tuổi, mái tóc bà đã bạc hết. Nét mặt bà tràn đầy vẻ u buồn, cô đơn, nhưng vẫn thanh tú. Khuôn mặt đẹp lão ấy chứng tỏ rằng trước kia, hồi còn thanh xuân, bà là một thiếu phụ nhan sắc và nền nếp.
Bà Ký dừng tay may để nhìn cô con gái. Khi bà nói làn môi bà run run:
- Con ở đây với Má cũng rộng chán … Sao con lại cứ nhất định đi ở riêng làm chi …?
Vẫn giận dỗi, Hạnh đứng giữa căn phòng hẹp. Chiếc sắc tay của nàng đu đưa qua lại trên hai gối.
Nàng có vẻ như người thách thức hoặc đang chuẩn bị để cãi lộn với người khác.
Bà Ký tiếp:
- Con thích ở đấy lắm sao? Phòng con có đẹp không?
- Rất bẩn! – Hạnh đáp – Nhưng con thích, vì ở đó, con cảm thấy là con được sống ở nhà riêng của con.
Nàng tàn nhẫn kéo dài hai tiếng “nhà riêng” …
Bà Ký kêu lên:
- Phòng bẩn mà chủ nhà dám lấy tiền thuê những 2 ngàn đồng sao?
Hạnh cười khẩy:
- Phải cho người ta sống với chứ? Sao Má … có chịu cho con tiền không?
Bà Ký dơ tay lên vuốt sợi tóc bạc sòa trên vầng trán răn nhiều nếp dài và sâu. Đột nhiên bà như người sắp khóc:
- Mẹ con ta mà sống như thế này thì thật là lạ lùng. Chắc mẹ chết mất con ạ …
Hạnh khẽ nói như người nói một mình:
- Con cũng đến chết mất thôi.
Bà Ký đau đớn nhìn cô con:
- Sao con không chịu làm ăn gì cả? Con không thấy mẹ làm việc suốt ngày thâu đêm đây sao? Anh Đức con cũng chịu khó …
Hạnh đứng khoanh hai tay trước ngực. Lúc đó trông nàng như một cô giáo sắp sửa rầy la một đứa trẻ con:
- Làm việc đầu tắt, mặt tối để làm gì nhỉ? Ngồi khâu còm cọm như má suốt ngày đến nửa đêm như thế này cả tháng cũng chưa kiếm được hai ngàn đồng bạc. Làm như thế để mà mù mắt à? Rẻ quá …
Bà Ký buông hai bàn tay răn reo xuống lòng với một dáng điệu chán nản.
Bà đành tấn công cô con bằng tình cảm:
- Sao con lại nói thế? Nhà ta là nhà gia giáo … Ba con …
Bà định nói … “con nói như con là loại gái chơi bời …” nhưng bà lại nể con, không dám.
Hạnh bĩu môi:
- Ba con làm việc đến ho lao, chết non … Chẳng ai thương tiếc mà chẳng để lại cho vợ con một đồng nào. Má nói đến ba con làm chi cho tủi vong hồn ba con …
- Hạnh …
Bà Ký kêu lên một tiếng đau đớn. Hai giọt lệ từ từ ứa ra trên vành mắt răn reo, mệt mỏi của bà.
Trước hai giọt lệ ấy, như sợ mình sẽ xúc động, sẽ hối hận và thương tâm, Hạnh cố lấy giọng lạnh lùng để nói tiếp:
- Còn má nữa? Má làm việc chăm chỉ, lương thiện suốt đời … Má được hưởng những gì nào? Trong lúc bọn chơi bời hạng bét nó chỉ phây phây một lúc là nó thừa đủ tiền để trả công Má còm cọm may cho chúng nó mười cái áo dài. Má cũng muốn con đi làm đầy tớ chúng nó hay sao? Vô lý …
Bà Ký rên rỉ:
- Con không được phép nói như vậy với Má …
Bên ngoài, có một thiếu phụ xuống xe ô-tô, bước vào nhà. Một bà khách quen: tuổi nạ dòng, bụng to hơn ngực, mặt phèn phẹt, mồm miệng tòe lòe thô bỉ, nhưng tay đeo ba, bốn cái nhẫn mặt kim cương. Bà Ký vội vã lau nước mắt ra chào, miệng cố gắng nở một nụ cười xã giao.
Hạnh cúi mặt đi đi, lại lại trong căn phòng hẹp. Bà Ký theo bà khách ra hiên nhà để xem những mẫu hàng nylon mới về. Bỗng mắt Hạnh dừng lại trên ngăn tủ của bà Ký kê ở góc phòng! Ngăn tủ hé mở …
Nhanh như mèo, như lúc vung tay ra gạt mái tóc của Hùng, nàng thò tay vào tủ, rút vội một tập giấy bạc một trăm.
Khi nàng vừa mở sắc để dấu tập bạc vừa lấy cắp, Hạnh bỗng có cảm giác lành lạnh sau gáy.
Nàng quay lại. Bà Ký đứng ở cửa vừa tiếp chuyện bà khách vừa nhìn nàng không chớp mắt.
Nàng bỏ tập bạc vào tủ, rồi yên lặng đứng chờ.
Bà khách đi khỏi. Bà Ký trở vào căn phòng hẹp. Bà chậm chạp đi đến chiếc máy may, lưng gù xuống, mắt nhìn nghiêng tránh chỗ con đứng chờ.
Yên lặng.
Hạnh bỗng gằn giọng:
- Má đã trông thấy con lấy cắp tiền của Má! Má còn chờ gì nữa mà không chửi con đi?
Bà già dịu giọng hỏi lại:
- Tại sao lần này Má lại chửi con? Thế những lần trước thì sao?
Hạnh há hốc mồm:
- Má nói sao? Má biết là con lấy cắp tiền của Má từ lâu mà Má không nói gì cả??
Giọng bà Ký vẫn dịu dàng nhưng tràn đầy buồn đau:
- Mỗi lần con về đây thăm Má … lúc con đi, Má lại thấy mất tiền … Con tưởng Má không biết sao? Má làm gì có nhiều tiền mà Má không biết rằng mất. Tiền đấy là tiền hàng, Má để dành trả cho người ta …
Giọng nói của bà nghẹn lại:
- Má xấu hổ quá … Má không còn biết nói sao …
Bà quay đi để dấu đôi má tràn đầy nước mắt.
Hạnh ôm chầm lấy mẹ:
- Con van Má, Má đừng khóc …
Hai mẹ con ôm chặt lấy nhau một lúc.
Điều đáng ngạc nhiên là nét mặt của Hạnh lại đau đớn và thê thảm hơn nét mặt của mẹ nàng. Đôi mắt Hạnh có một ý buồn thê lương, sâu xa, và gần như là huyền bí.
Nàng vỗ nhẹ lên vai bà mẹ:
- Con làm má buồn nhiều, con biết … Nhưng con cũng không biết làm sao hơn. Lỗi tại con. Tại cuộc sống con nó như thế. Con không thể đổi khác được. Má tin tưởng nhiều thứ, con chẳng tin ở bất cứ một chuyện gì hết …
Bà già nghẹn ngào:
- Con trở về sống với má. Mẹ con no đói có nhau …
- Không được đâu Má ạ. Con xin Má, Má đừng bắt con trở về …
- Má không làm phiền gì con hết. Về đây, con vẫn tự do, con muốn làm gì thì làm. Con muốn tiếp ai thì tiếp.
Một nụ cười mệt mỏi nở trên môi Hạnh:
- Các bạn con chúng nó sẽ sợ không dám đến … Chúng nó sợ Má, vì Má hiền lành quá. Ở đây không được, ngăn nắp quá, lương thiện quá …
- Con nói gì? Má không hiểu …?
Hạnh vuốt tóc bà mẹ:
- Mẹ không thể nào hiểu được …!
° ° °
Chiếc máy hát được đặt ở giữa phòng. Quanh máy, nhiều đĩa hát nằm chồng lên nhau.
Trên chiếc đi-văng của Hạnh, Tuyết nằm ngửa mặt nhìn lên trần nhà. Một gã thanh niên tóc bồng ngồi bên nàng. Hai người không hôn nhau, không nói với nhau, không cả nhìn nhau. Cả hai cùng thả hồn theo tiếng nhạc phát ra từ mũi kim đi dần vào lòng đĩa nhựa.
Ngồi trên sàn, bên cạnh máy hát, đầu ngả vào cánh tay đặt trên gối, Lưu có vẻ như một tù nhân ủ rũ ngồi trong khám. Sau lưng Lưu, Phong nằm co quắp ngủ.
Căn phòng ngủ của Hạnh chật vừa đủ chỗ cho 6 người nằm ngồi. Hạnh ngồi trên ghế bàn phấn, nàng đánh móng tay. Duy ngồi ngả lưng, dựa đầu vào tường, miệng lẩm nhẩm nói một mình.
Cần kim điện tự động nhấc lên. Đĩa nhựa ngừng lại …
Tuyết khẽ nói:
- Cho chạy đĩa Gillepsie …
- Đừng …
Sơn, gã thanh niên tóc bồng ngồi gần nàng lên tiếng phản đối.
Tuyết há miệng ngáp:
- Tại sao lại không?
- Cứ cho chạy lại đĩa vừa nghe. Nghe mãi một điệu nhạc, mình có thể say như người say rượu …
Tuyết gối đầu lên đùi Sơn. Nàng nhăn mặt:
- Anh đừng cựa quậy … Tuyết đang nằm êm.
Duy dụi mẩu thuốc lá vào chân tường. Gã lên tiếng:
- Sơn nó nói đúng. Nghe mãi một điệu nhạc có thể làm cho người ta say. Cho nghe lại đi …
Lưu vặn chốt máy. Cây kim dịch vào đĩa nhựa. Tiếng nhạc trong, trầm theo nhau nổi lên, tràn đầy gian phòng.
Tô móng tay xong, Hạnh nhìn đồng hồ. Nàng có vẻ băn khoăn như đang chờ đón ai. Nàng ra đứng bên cửa sổ, nhìn xuống đường rồi lại trở vào.
Chợt bên ngoài có tiếng gõ cửa. Hạnh lấy ngay dáng điệu mệt mỏi, thản nhiên trong lúc Lưu ra mở cửa.
Nàng tưởng người vào phòng đó là Hùng nên nàng cố tình không nhìn ra cửa. Nhưng tất cả mọi người quanh nàng đều tỏ vẻ ngạc nhiên, Tuyết hất hàm:
- Thằng cha nào đó?
Nhười mà Hạnh yên trí là Hùng đó lại là … Đức, anh nàng. Đức cũng ngạc nhiên đứng sững nhìn bọn trẻ nằm ngồi trong căn phòng tối lại vì khói thuốc. Hạnh bối rối giới thiệu:
- Anh tao đây!
Bọn trẻ có phản ứng ngay.
Tuyết ngồi bật dậy.
Sơn cũng vội lùi xa người thiếu nữ. Lưu lấy chân đá nhẹ vào lưng gã nằm ngủ co quắp dưới đất:
- Ê dậy mày. Chúng mình đi, đến giờ rồi …
Đức nhìn những kẻ vội vã đổi chỗ và sửa soạn ra đi quanh chàng.
Chàng ngạc nhiên khẽ hỏi cô em:
- Bộ các bạn em tưởng anh là lính Rờ-xẹt hay sao?
Hạnh cố dấu một nụ cười:
- Thấy một người không quen vào đây, các bạn em chúng nó ngại …
Bọn Lưu, Tuyết kéo nhau ra khỏi phòng sau những tiếng chào – “Bai! Bai!” Có tiếng cười đùa của họ vang lên từ khu vườn nhỏ dưới nhà. Lưu bắt chước tiếng chó sủa trêu con chó bẹc-dê nhà bên.
Tuyết là người cuối cùng ra khỏi phòng. Nàng dừng lại trên ngưỡng cửa, nhìn Đức bằng một đôi mắt bạo tợn nhưng duyên dáng:
- Trông ông anh mày dễ thương quá – Tuyết nói lớn – Anh ấy đã có vợ chưa mày?
Hạnh vội nói:
- Thôi đi đi mày. Tối nay gặp nhau.
Đức lẳng lặng đến ngồi xuống giường:
- Em vừa có chuyện gì lôi thôi với bà cụ thế? Bà cụ có vẻ hốt hoảng lắm. Má viết giấy cho người đem đến sở bảo anh phải đi tìm em ngay …
Hạnh nhún vai:
- Có gì đâu anh? Má muốn em về ở với Má. Em không chịu. Chỉ có thế thôi, vẫn là chuyện cũ …
Đức lắc đầu:
- Cả hai chúng ta cùng bỏ Má sống một mình thì thật là bậy. Anh muốn hỏi em … em bỏ nhà ra đi … em sống như thế này để làm gì?
Chàng dơ tay chỉ một vòng khắp phòng:
- Em giao du với những tên du đãng, những tên vô dụng, ăn hại … em có biết cuộc sống bừa bãi, hỗn độn này rồi sẽ đưa em và chúng nó đến đâu không …?
- Đến đâu thì đến, em chẳng cần. Bây giờ, em chỉ cần sống cái đã …
- Muốn sống, người ta phải làm việc. Em không thấy Má đó sao? Như anh đây chẳng hạn, anh làm thợ từ năm anh mười sáu tuổi …
Hạnh nhìn Đức, thương hại:
- Cho đến năm nay – Nàng buông nhẹ – anh đã ba mươi tuổi, anh vẫn chưa xây dựng được một cái gì cả. Anh vẫn chưa đủ tiền để cưới vợ. Đó … cái làm việc của anh đó … Nhìn anh, nhiều khi em vẫn tự hỏi không biết có bao giờ anh trẻ không?
- Thiếu gì người trẻ mà người ta vẫn chịu khó học …
Bất giác, Hạnh nói lại nguyên văn một câu mà nàng vừa nghe được của Duy:
- Người ta chết đói vì không chịu làm việc, và người ta làm việc để rồi chịu chết đói. Giữa hai tình trạng ấy, em thấy không làm việc vẫn hách hơn …
- Em nói lạ quá. Thiếu gì người trẻ tuổi chịu khó học và làm việc để rồi thành công? Em đã có bằng Trung Học, em có thể trở thành cô giáo, tại sao em lại bỏ hết đi để sống bừa bãi như thế này? Có cái gì làm cho em buồn chán …
Hạnh thở dài:
- Nỗi buồn của em, anh không thể nào hiểu được.
Nàng bối rối ra cửa sổ vén màn nhìn xuống đường.
Khi quay lại, nàng đổi giọng hiền dịu nói với anh:
- Em xin anh … Em đang chờ một người bạn …
Đức đứng dậy:
- Em muốn anh đi hả? Được, để anh đi. Nếu anh làm phiền em …
Đức nói câu đó với giọng nói bình thường. Chàng không giận cô em. Hùng đẩy cửa bước vào phòng vừa vặn lúc Đức ra tới nơi.
Làn môi trề ra, Hạnh giới thiệu:
- Anh Đức, anh của em …
Rất lịch sự và lễ phép, Hùng đưa tay ra bắt tay Đức:
- Hân hạnh được gặp anh.
Đức làm bộ ngạc nhiên hỏi cô em:
- Sao cậu này lịch sự quá? Cậu này có dính líu gì với bọn hồi nãy không? Chắc cậu còn đi học?
Hùng sốt sắng đáp:
- Vâng, sinh viên trường Thuốc …
Hạnh vội đẩy ông anh ra khỏi phòng. Nàng đóng cửa lại rồi nhìn Hùng mỉm cười:
- Gia đình em lộn xộn quá …
Chàng và nàng mỉm cười với nhau. Cả hai cùng không dấu nổi sự sung sướng vì được gặp nhau. Hạnh là người đầu tiên trấn tĩnh được sự xúc động. Nàng trở lại chiếc gương, sửa lại mái tóc:
- Anh đến hơi chậm. Hồi nẫy, bọn chúng nó ngồi ở đây nghe nhạc hết. Có Tuyết, Lưu, Duy … Vì ông anh của em đến nên bọn chúng nó chạy …
- Tiếc nhỉ, anh đang muốn gặp Duy …
- Nếu anh muốn gặp nó thì đến Bar Bonado, chắc Duy nó còn ở đấy …
- Anh đưa em đi nhé?
- Vội gì …?
Giữa đôi người trẻ tuổi bỗng có một sự yên lặng nặng nề. Hạnh ngồi lên đi-văng. Hùng ngồi xuống sàn, bên chiếc máy hát, dở chồng đĩa lên xem:
- Em có nhiều đĩa mới không?
Hạnh với gói thuốc lá Craven-A trên đầu đi-văng, châm hút.
Điệu hút thuốc lá của nàng trông như điệu của những cô đào trên màn ảnh:
- Cũng khá … anh chọn xem …
Hùng chăm chú dơ từng bao đĩa lên coi. Ngồi như thế, chàng không nhìn thấy nét mặt dịu hiền, chan chứa cảm tình của Hạnh khi nàng nhìn chàng. Khi ngửng đầu nhìn lên, Hùng chỉ còn thấy nét mặt lạnh lùng, chán chường của Hạnh.
Hai người trao đổi nhau vài câu về mấy đĩa nhạc mới. Sau đó, họ lại yên lặng. Cuối cùng, như người nói về những chuyện ăn phở, uống nước, Hạnh cất tiếng hỏi chàng trẻ tuổi:
- Anh nghĩ sao về vấn đề chán đời tự tử hở anh? Anh chống tự tử hay là anh cho rằng người ta có quyền chết khi người ta chán nản quá?
Hùng ngạc nhiên:
- Lẽ cố nhiên là anh chống rồi. Nhưng tại sao em lại hỏi anh về chuyện ấy?
- Chẳng tại sao cả. Chỉ tại hồi nẫy Duy nó nói đến chuyện đó ở đây. Nó nói rằng người ta có quyền chết khi cảm thấy mình không thiết sống nữa. Em đồng ý để cho nó khỏi mích lòng, nhưng chuyện đó không liên can tới em, vì em vẫn vui sống …
Hạnh đứng dậy.
Nàng chậm chạp ngồi xuống sàn rồi nhích lại gần Hùng …
Chàng nhìn ngây ngực áo đầy và hai cánh tay tròn dài phơn phớt lông tơ của nàng.
- Anh chọn đĩa gì thế?
Đôi mi nàng chớp nhanh.
- Đĩa “Smoke Gets In Your Eyes” của Platters …
Hạnh nhích thêm chút nữa:
- Cổ rồi …
Nàng đặt điếu thuốc lá hút dở lên đĩa gạt tàn:
- Cổ như kiểu tóc của anh vậy. Em đã bảo là cổ mà …
Bàn tay nàng bay lên như một cánh chim làm mái tóc của Hùng rối bù:
- Đây này … tóc anh phải để như thế này mới đẹp. Như tóc của thằng Phúc, người yêu mới của con Tuyết …
Hùng liệng đĩa nhạc ra sàn. Chàng không cần hỏi gì về Phúc, người tình mới của Tuyết là ai, chàng ôm ghì lấy Hạnh, đè ngửa nàng xuống đi-văng … Nàng dẫy dụa để giả vờ chống cự. Hai bàn tay nàng nắm lại đấm lên ngực chàng trẻ tuổi:
- Buông người ta ra … không thích bọn nhà quê …
- Có thật là … nhà quê không?
Chàng và nàng sung sướng khi họ thấy họ không còn phải đóng kịch với nhau nữa.
- Hùng … Em té xuống sàn nầy …
° ° °
Hùng và Hạnh dắt tay nhau xuống cầu thang. Họ đi tung tăng như hai đứa trẻ. Khi ngồi lên sau chiếc xe Vespa, Hạnh quàng tay ra ôm lấy mình Hùng:
- Chạy thật mau, anh nhé. Em thích đi xe chạy mau …
Chiếc xe rồ máy vù đi trên đường phố vắng. Bà chủ nhà – một bà chơi bời về già – nhìn ra cửa sổ, gằn giọng bảo bà bạn:
- Con bé đó thiếu tôi hai tháng tiền nhà rồi. Cuối tháng này, nó không chạy được tiền trả tôi, tôi tống cổ nó đi … Mới tí tuổi mà đã chơi bời …
Hùng phóng xe như bay trên đường Tự Do. Chàng dừng xe trước cửa tiệm bán đĩa hát quen. Một anh thợ chụp hình dạo đứng bên gốc cây dơ máy lên chụp họ:
- Thầy cô khỏi cần phải trả tiền trước. Hôm nào rảnh đến lấy cũng được …
Anh thợ chụp hình quen mặt đưa cho chàng và nàng một tấm thiếp. Hạnh bỏ tấm thiếp vào sắc.
Hùng cười:
- Chụp ảnh thế này thì sống thế nào được? Ai có thì giờ mà đi lấy?
Hạnh nhún vai:
- Chúng mình không đi lấy nhưng thiếu gì người khác vẫn thích như thường.
Tới cửa tiệm đĩa nhạc, Hùng dừng lại:
- Anh vào xem có đĩa nào mới không?
- Em đi chơi, lên trên kia thăm mấy con bạn …
- Tối nay, chúng mình gặp nhau ở Bonado chứ?
- Chưa biết. May ra … em đến …
Tuy Hạnh nói vậy, nhưng người thiếu nữ đầu tiên mà Hùng trông thấy buổi tối hôm ấy khi chàng đặt chân vào tiệm nhẩy Bonado là Hạnh. Cả bọn Kính, Duy, Lưu cùng ngồi trên chiếc ghế dài kê trong góc tường tối nhất với Hạnh.
Căn phòng tối, chật và đông người quá. Không khí trong phòng dầy đặc khói thuốc lá đến cay mắt. Khói thuốc, bóng tối và âm nhạc là thế giới quen thuộc của bọn trẻ tuổi ngồi vây quanh Hạnh.
Duy đi lại trong đám đông ấy với cái dáng điệu thản nhiên và lừng khừng đặc biệt của gã:
- Này em … – gã hất hàm hỏi một em vũ nữ đang nhẩy với một anh khách già trên “pít” – … Đêm nay, anh về nhà em được không …?
Em vũ nữ ngoáy mông như người lắc đầu:
- Đêm nay chồng em nó về …
- Hay lắm. Anh gởi lời hỏi thăm nó …
Duy quay đi, nói một mình:
- Tiên sư nó … sao nó lại về đúng vào đêm hôm nay …
Bên quầy rượu chật ních những người. “Đĩ đực” Kính bị dồn vào góc chật nhất với chiếc máy điện thoại.
Kính ra gân cổ lên nói vào ống điện thoại:
- Tôi không tới được. Tôi có việc phải đi khỏi Sàigòn ngay đêm nay. Phải, đi ngay đêm nay … Vắng mặt ít lâu. Động … phải biến …
Đứng ngoài, Duy gọi vào:
- Ê Kính … Tao hỏi mày cái này …
Kính không nghe tiếng gọi vì tiếng nhạc ồn quá. Duy thò tay vào nắm tay áo Kính, giật mạnh.
- Ê mày … tao đang nói chuyện …
Kính dằng tay ra …
- Chuyện của tao quan trọng hơn. Đêm nay, tao về phòng mày ngủ nhé …
Bực tức, Kính gắt lên:
- Mẹ kiếp …
- Mẹ kiếp … ừ … hay là mẹ kiếp … không?
- Mẹ kiếp … ừ! Bố khỉ …
Kính đổi giọng nói vào ống điện thoại:
- Không … Tôi không chửi anh, tôi chửi thằng bạn … Được rồi, cứ thế đi … chuyện khác tính sau …
Duy mỉm cười:
- Trước khi đi nhớ để chìa khóa lại cho tao đi nhé!
Hùng nhẩy với Nicole, Hạnh ngồi trên ghế, đôi lông mày nhíu lại, nàng nghe Lưu nói chuyện. Lưu bận áo sơ-mi ca-rô xanh, hai tay đang trịnh trọng nhồi “píp” thuốc:
- Moa không thấy mục nào có thể ra tiền ngay được. “Combin” thì cũng phải có thì giờ … – Giọng có vẻ tiếc hận, Lưu tiếp – Mụ chủ nhà của Toa quyết liệt lắm à …?
Hạnh gật đầu:
- Mụ làm dữ lắm …
Hạnh đưa ngón tay trỏ lên đặt trên môi:
- Lần này, nếu không có tiền trả mụ trong tuần này, mụ nhất định tống mình ra cửa. Mình ở cái nhà ấy đang thú …
Nàng lắc đầu:
- Phải khăn gói quả mướp về sống với bà cụ thì nẫu lắm. Thà chết còn hơn …
Nhẩy hết bản Cha-Cha, Hùng trở lại bàn. Chàng ngửa cổ uống hết ly nước.
- Anh về đấy à?
Hạnh hỏi chàng với một nụ cười chứa chan trìu mến.
- Tối nay anh có bài phải làm, không có sáng mai lôi thôi to …
Duy cười khẩy, giọng chế nhạo:
- Nước Việt Nam ta chưa bị diệt vong là vì còn có những cậu rhanh niên lành mạnh, gương mẫu, con nhà giầu mà lại chăm học như cậu Hùng.
Hùng không giận, chàng cười vui.
Duy ngồi phịch xuống bên Hạnh. Gã thở dài như người gặp chuyện thất vọng nhất đời:
- Nó vẫn còn chăm học lắm … Hỏng thật … Moa đã chịu khó lên lớp nó mấy lần rồi … Nhưng rất tiếc nó vẫn còn ham học …
Nhưng Hạnh không nghe những lời lảm nhảm của gã.
Nàng nhìn theo Hùng. Chàng đang đi xa dần nàng trong đám đông dập dình như sóng biển bị dồn trong một cửa sông chật hẹp.
Khuôn mặt khả ái của nàng – trong giây phút đó – thắm đượm, chan hòa trìu mến. Vẻ khác lạ, chân thành ấy của Hạnh làm cho Duy ngạc nhiên. Gã ngưng nói để nhìn nàng.
Hạnh đang mơ màng. Nàng không ngờ rằng nàng đang bị Duy nhìn. Nàng tưởng tượng lại căn phòng xinh xắn của nàng hồi chiều nay, khi nàng đứng bên cửa sổ nhìn xuống đường chờ và mong Hùng đến. Nàng nhớ lại mái tóc bồng của chàng khi nàng nói – “Em té này …!” Giây phút ấy êm đẹp biết là chừng nào. Tại sao người ta lại có thể chán đời cho được, trong khi cuộc đời còn có tình yêu, còn có những phút giây hoan lạc?
Tiếng nói của Duy làm vỡ tan cơn mơ mộng của Hạnh:
- Em xài nó rồi hả?
Hạnh giật mình.
Một nỗi cay đắng dâng lên trong miệng nàng. Nàng lại phải giả vờ, phải đối phó, phải đóng vai trò khinh đời, ngạo mạn của nàng:
- Hùng nó chưa kể cho toa nghe à?
Duy vẫn nhìn nàng đăm đăm:
- Bọn con nhà lành kín miệng lắm … Nó không dám khoe đâu. Sao …?
Hạnh khẽ đáp:
- Xong rồi … Nhưng việc ấy có gì là quan trọng đâu!
Hạnh cảm thấy nàng không thể ngồi lâu hơn nữa trước mặt Duy. Hai gò má nàng nóng bừng lên. Nàng ngượng vì nàng đã để cho tình cảm chế ngự tâm hồn. Nàng đứng dậy, đến gần Kính:
- Nhẩy bản này với Moa chứ?
Kính lắc đầu:
- Rất tiếc. Moa phải đi ngay.
Gã quay lại liệng cho Duy chiếc chìa khóa:
- Mày về ngủ đi – Kính hạ thấp giọng – Nếu sáng mai có người gõ cửa, mày nên giả vờ ngủ say. Đừng mở …
- Tại sao? Because?
Kính do dự. Sau đó, gã nói nhanh:
- Có người báo cho tao biết … rất có thể là ngày mai có Phú Lít đến hỏi thăm sức khỏe của tao …
Kính toan quay đi, nhưng Duy nắm quần gã giữ lại.
Duy giả vờ lo sợ:
- Phú Lít đến bắt mày à? Có chuyện gì thế? Tao nằm đấy có sao không?
Kính cười:
- Chuyện quan trọng lắm không thể cho mày biết được. Cho mày biết … lỡ mày bị tra tấn, mày khai ra hết mất. Nếu mày sợ, mày cứ việc đi chỗ khác mà ngủ.
- Không, tao hỏi thật đấy mà. Chuyện quan trọng hả?
Kính nghiêm mặt:
- Nếu tao ở lại Sàigòn thì có thể là chuyện quan trọng. Nhưng mày thì không ăn thua gì cả, vì mày không dính líu gì hết trong vụ làm ăn của tao.
Kính đi vài bước, gã trở lại:
- Mày cứ yên trí ngủ kỹ đi. Các đàn anh ấy đến điều tra vớ vẩn thôi, không đến nỗi phá cửa phòng vào bắt đâu mà sợ …
Kính đi nhanh ra khỏi phòng, bỏ Duy ngồi lại đăm chiêu với chiếc chìa khóa trong lòng bàn tay.
Nhẩy hết bản, Hạnh trở lại bàn.
Hùng đứng chờ nàng:
- Hạnh, em có về không? Anh đưa em về?
Toàn thân Hạnh như chuyển động. Nàng đang sống để chờ câu hỏi đó của Hùng. Nhưng nàng dừng lại trước bộ mặt lạnh lùng của Duy.
Nàng trấn tĩnh ngay sự xúc động trong lòng nàng:
- Ồ … về làm gì vội? – Nàng khẽ nói – Hãy còn sớm …
Nụ cười hồn nhiên tắt ngay trên môi Hùng.
Chàng trẻ tuổi quay đi:
- Moa về trước vậy. Chào …
Hạnh nghiêng mặt nhìn Duy như hãnh diện về sự chiến thắng của nàng. Nhưng Duy không nhìn nàng, gã vẫn suy nghĩ, bàn tay cầm chiếc chìa khóa đưa lên môi.
Bỗng nhiên Hạnh cảm thấy muốn khóc. Nàng có cảm giác như người bị hiểu lầm … Nàng dại dột quá.
Nổ Như Tạc Đạn Nổ Như Tạc Đạn - Hoàng Hải Thủy Nổ Như Tạc Đạn