Trở ngại càng lớn, chiến thắng càng huy hoàng.

Moliere

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Muller Daddy
Upload bìa: Muller Daddy
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 928 / 87
Cập nhật: 2019-03-18 23:37:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Charles Robert Darwin (1809–1882)
ột ít tác phẩm khi ra đời được tiếp đón bằng những trận tranh luận bão táp chẳng hạn như quyển Nguồn gốc các chủng loại (Origin of Species), trong đó Charles Darwin trình bày lý thuyết về sự đào thải tự nhiên của các sinh vật như một phương cách để tiến hoá. Lý thuyết mới mẻ này đã làm sửng sốt Giáo hội Thiên Chúa giáo và ngay chính người thường cũng phải lấy làm ngạc nhiên. Nhưng các khoa học gia sau khi nghiên cứu kỹ càng đã ủng hộ lý thuyết đó; và đến hôm nay, mặc dù một phần của lý thuyết này đã được sửa đổi, nhưng các khoa học gia vẫn còn chấp nhận nó. Tên tuổi Darwin sẽ sống mãi mãi, vì ông là một bộ óc vĩ đại đã cho chúng ta một ý niệm mới về sự sáng tạo.
Hậu bán thế kỷ thứ mười tám, tại Lichfield có Eramus Darwin, một y sĩ. Vì là một danh y nên chính vua George III phải đích thân mời Eramus Darwin đến London. Nhưng Eramus, mãi đến khi kết hôn lần thứ hai, ông vẫn còn gắn liền với Lichfield, vì ông lừng danh là nhà bác vật học, vừa là thi sĩ, vừa là tư tưởng gia phóng khoáng, cấp tiến và nghiên cứu các sự vật đến căn nguyên cội rễ; hơn nữa, một khu vườn thực vật mà ông đã tạo ra để sưu tầm và thí nghiệm. Là nhà thi sĩ, Eramus Darwin không được xếp cao lắm, nhưng tư tưởng ông thì rất hay vì chứa đựng những căn nguyên của những sự thật to tát. Phần đông các khoa học gia thời đó vẫn còn tin tưởng lý thuyết về sự sáng tạo đặc biệt, tức là đời sống của các chủng loại đã được tạo ra như vậy và vẫn giữ nguyên không thay đổi, nhưng ông lại tin ở sự tiến hoá không ngừng của vạn vật.
Eramus Darwin từ trần năm 1802, một năm mà nhà động vật học danh tiếng của Pháp, Lamark, bắt đầu cho ra đời những kết quả đầu tiên của công trình nghiên cứu về sự tiến hoá. Lamark đã phóng đại công trình của ông trong quyển Philosophie Zoologique xuất bản năm 1809, và Histoire naturelle des animaux sans vertèbres năm 1815, cố gắng giải thích sự tiến hoá bằng ảnh hưởng chung quanh và tính di truyền trong đời sống động vật. Nhưng những lý thuyết này vì thiếu sự chứng minh như các định luật nên không được xem là xác đáng.
Nghiên cứu về sự hoá thạch, về sự phân phối địa lý và những kinh nghiệm trong sự sanh sản, sự kiện mà vấn đề tiến hoá đưa ra đã được ổn định. Nguyên tắc của Charles Darwin về sự đào thải tự nhiên mà ông đã vạch ra trong tác phẩm Nguồn gốc các Chủng loại một định luật tự nhiên cho công trình tiến hoá và một chứng cớ có thể tin được với thí nghiệm và quan sát.
Sự đào thải tự nhiên từng được Herbert Spencer tóm tắt lại trong câu “Sự tồn tại của những sinh vật mạnh mẽ nhất trong cuộc tranh đấu để sinh tồn”. Darwin thì rộng rãi hơn “Sau nhiều năm quan sát các động vật, thực vật tôi đã thấu hiểu thế nào là định luật tranh đấu để sinh tồn ngự trị ở khắp mọi nơi. Do đó tôi thấy rằng, các chủng loại sẽ tồn tại nếu gặp được hoàn cảnh thuận lợi và nếu gặp nghịch cảnh thì sẽ bị diệt chủng, và chính yếu tố hoàn cảnh đã khiến phát sinh ra những chủng loại mới”.
Con trai thứ ba của Eramus Darwin là Robert trở thành bác sĩ ở Shrewsbury và tại đây năm 1809, cho ra đời Charles Darwin người đã cho thế giới một giải pháp độc nhất có thể thực hiện về phương pháp tiến hoá.
Lý thuyết của Darwin về lý do và hành trình tiến hoá được các khoa học gia tên tuổi chấp nhận, những khám phá của sự di truyền, sự đấu tranh sinh tồn và biến hoá.
Lý thuyết Darwin còn được dùng để mở mang kiến thức con người về nhân chủng học và tâm lý học, mặc dù ngày nay lý thuyết đó đã được bổ túc một vài điểm, nhưng vẫn được công nhận là có giá trị.
Charles Darwin sinh ngày 12 tháng Hai năm 1809. Ông là đứa con thứ năm trong một gia đình gồm sáu người con, khi được tám tuổi thì mẹ ông từ trần. Ông được cha và các chị săn sóc, và suốt cuộc đời ông vẫn nhớ mãi những ngày hạnh phúc tràn đầy của tuổi ấu thơ dưới mái gia đình.
Năm 1818, ông ở trọ và học tại trường Shrewsbury, nơi đây sự giáo huấn theo nề nếp cổ điển, chú trọng căn bản trên nền tảng đã có từ lâu. Charles nói rằng suốt cuộc đời học sinh, ông chỉ thực sự học hỏi riêng rẽ bằng cách tự học những bài vở trong Euclid và làm những cuộc thí nghiệm hoá học tại căn lầu chứa dụng cụ mà anh ông thiết lập tại nhà. Nhưng môn hoá học Không được trường Shrewsbury ưa thích và Charles bị quở phạt vì đã phí thì giờ trong môn học này. Ngoài giờ học, sự đam mê của ông là thu nhặt những vật gì có lợi cho một nhà bác vật học và ông rất yêu thích săn bắn.
Ông kể lại rằng “Lúc tôi còn đi học, tôi ưa thích môn bác vật học và đặc biệt thu thập các tài liệu cho môn học này nên kiến thức rất mở mang. Tôi cố gắng đặt tên cho các loại thảo mộc và lượm các vật như vỏ sò, hải cẩu, tem, đồng tiền, và các loại khoáng chất. Thú đam mê gom góp các đồ vật để đưa con người trở nên nhà bác vật học có quy củ, một người thích chơi đồ cổ, hay một kẻ hà tiện bủn xỉn, lại rất kích thích mạnh mẽ con người tôi và đó là một bản tính bẩm sinh mà không anh chị nào của tôi có được”.
Charles có vẻ thích theo nghề của cha và ông nội là trở nên bác sĩ, cho nên năm 1825, ông ghi tên vào đại học Edinburgh. Nhưng y khoa không có gì hấp dẫn ông, khoa giải phẫu khiến ông ghê tởm, và phòng mổ, thời kỳ chưa tìm ra được thuốc mê, là một căn phòng đầy hãi hùng đối với ông.
Ông quyết định bỏ y khoa và có ý muốn đi tu; nhưng trước khi rời đại học Edingburg, bạn ông, bác sĩ Grant, nhà động vật học đã khiến ông đổi ý và bắt đầu chú ý nghiên cứu về khoa học thiên nhiên. Dưới ảnh hưởng của ông này, Darwin làm một cuộc quan sát về một vài động vật miền biển và cũng sưu tầm vài giống côn trùng hiếm có ở Anh.
Ông ghi tên vào đại học Christ ở Cambridge năm 1827, ông bỏ ra một năm ở nhà để ôn lại những bài cổ học mà ông đã quên đi và mãi đến năm 1828 mới nhập học. Ông gia nhập đời sống đại học với lòng hăng hái thú vị, chỉ học vừa đủ để thi đậu, còn thì chia thì giờ rỗi rảnh ra để săn bắn, cỡi ngựa, đánh bạc, đi hội hè tiệc tùng và sưu tầm côn trùng.
Ông kể lại rằng “Không một môn học nào ở Cambridge được tôi theo đuổi bằng tất cả nhiệt tình và say mê thích thú cho bằng việc sưu tầm sâu bọ. Tôi chỉ có thú đam mê duy nhất là sưu tầm, tôi không mổ xẻ chúng, và cũng ít khi so sánh những đặc tính bề ngoài của chúng với những tài liệu đã diễn tả, nhưng tôi cố gắng đặt tên cho chúng. Tôi sẽ dẫn chứng ra đây về lòng nhiệt thành của tôi. Một ngày kia, khi xé một vỏ cây cũ, tôi nhìn thấy hai con sâu rất hạ, tức thì mỗi tay tôi vội vàng chụp lấy một con; nhưng rồi tôi lại thấy một con thứ ba cũng là một giống mới, như thế là tôi không thể nào bỏ lở cơ hội đánh mất con vật được, thế là tôi giải quyết nhanh chóng bằng cách bỏ con sâu vào miệng để nắm lấy con vật thứ ba này. Than ôi! Nó lại tiết ra một chất lỏng chát, chua cay muốn đốt cả lưỡi tôi nên tôi phải buộc lòng nhổ nó ra ngoài, nó bay mất và tôi cũng mất toi luôn con thứ ba”.
Trong khi theo học tại Cambridge, ông đọc quyển Tự Thuật (Personal Narrative) của Humboldt và thấy nhiệt huyết tràn đầy, nung nấu nỗi khao khát nghiên cứu khoa bác vật học và đi du lịch với vai trò một nhà bác vật. Ông bắt đầu lập nhóm đề cùng đi thăm viếng Teneriffe. Cùng lúc đó, ông trở nên thân thiết với Henslow, một giáo sư về thực vật. Và ông nổi tiếng ở đại học Cambridge là “người luôn luôn đi chung với Henslow”.
Chính Henslow khuyên Darwin nên theo dõi những buổi diễn thuyết về địa chất và cũng chính Henslow giữ cho ông một chỗ như vai trò của nhà bác vật học để đi du lịch thám hiểm trên tàu Beagle. Beagle là một tàu nhỏ chỉ vừa đủ cho công cuộc quan sát các bờ biển Nam Mỹ, chuyến đi bắt đầu năm 1826, dưới sự điều khiển của thuyền trưởng King.
Sau chuyến đi quan sát về địa chất ở Northwales, Darwin trở về nhà và nhận được một bức thư của Henslow mời ông đi thám hiểm trên tàu Beagle. Henslow viết “Đừng có quá khiêm nhường hay sợ hãi vì không đủ tư cách tham dự. Tôi cam đoan với anh là anh đúng mẫu người mà họ đang tìm; cho nên hãy tự tin và tưởng tượng người bạn thân đang ở trên vai anh”.
Cha của Darwin phản đối đề nghị này nên ông viết thư từ chối; nhưng chú ông, Josiah Wedgwood, con trai của một nhà làm đồ gốm lớn, lại sốt sắng tán thành việc đó và cuối cùng Robert Darwin chiến thắng.
Ngay hôm sau khi trời vừa rạng đông, Charles đã khăn gói lên đường đến Cambridge để gặp Henslow và rồi sau đó đi London gặp Fitz–Roy, viên thuyền trưởng tàu Beagle. Về sau Fitz–Roy trở nên một trong những người đối nghịch mạnh mẽ nhất với thuyết của Darwin, và than thở không ngừng là ông phải chịu trách nhiệm, dù gián tiếp trong việc giúp Darwin có cơ hội thực hiện thuyết này. Ông ta đã để lộ việc không ưa Charles và có vẻ như tay tổ về khoa xem tướng, Fitz–Roy phàn nàn với Henslow là ông nghi ngờ những người có cái mũi như Charles, một trong những điểm đáng chú ý nhất trên khuôn mặt Darwin, lại có thể bất ngờ có đủ nghị lực cũng như ý chí cho một cuộc hành trình dai dẵng. Sau đó Charles viết “Nhưng tôi nghĩ rằng, sau đó ông ta đã lấy làm hài lòng vì cái mũi của tôi nó lại nói khác đi”.
Charles Darwin tham gia cuộc hành trình khảo cứu này với vai trò nhà địa chất học, nhà thảo mộc học, nhà động vật học khỏi tốn tiền và ngày 27 tháng Mười hai năm 1831, chiếc tàu Beagle, dưới sự điều khiển của thuyền trưởng Fitz–Roy, nhổ neo trực chỉ phía Nam.
Cuộc hành trình kéo dài trong năm năm; thêm vào những cuộc quan sát các bờ biển Nam Mỹ, tàu Beagle còn đi thăm quần đảo Galapagos, Tahiti, châu Úc, New Zealand, Tasmania, quần đảo Maldive, Mauritius, St. Helena, Ascension, Verde Islard và Azores. Darwin trở về nhà với một số sưu tầm khổng lồ và một kiến thức uyên thâm, tinh thần thực tiễn về địa chất và động vật. Sự nghiên cứu của ông về các vật hoá thạch ở miền Nam Mỹ và đời sống của một giống chim duy nhất ở quần đảo Galapagos cũng ý thức rõ ràng các động vật sống đều có liên quan với nhau, những sự kiện này đã đưa ông tới những suy tưởng về vạn vật tiến hoá.
Charles kể lại rằng “Cuộc hành trình trên tàu Beagle là một biến cố trọng đại trong đời tôi và đã quyết định cho cả tương lai sự nghiệp của tôi. Tôi luôn luôn có cảm tưởng là nhờ vào chuyến đi đó mà tôi đã được học hỏi thật sự lần đầu tiên, tôi được dẫn dắt để theo dõi vài ngành của khoa bác vật học và nhờ đó những khả năng xét đoán của tôi được cải tiến, mặc dù vẫn phải phát triển không ngừng”.
Thời kỳ sau chuyến hành trình, ông phải bận rộn với biết bao nhiêu vấn đề vì làm thế nào đúc kết những thành quả công việc nghiên cứu của ông trên chuyến tàu Beagle. Năm 1838, ông trở thành thư ký của Học Hội Địa Chất và giữ chức vụ này trong ba năm.
Đầu năm 1839, Darwin thành hôn với Wedgwood, con gái của chú ông và họ chung sống với nhau tại London, nhưng vì sức khoẻ suy kém bắt buộc ông phải giả từ thành phố và năm 1842, ông lui về làng Downe ở tỉnh Kent. Ông viết rằng “Điểm chính yếu là không khí hết sức đặc biệt của miền thôn dã. Tôi nghĩ rằng chưa bao giờ được sống trong một vùng quê nào hoàn toàn yên tĩnh hơn như ở đây”.
Ông bị đau yếu luôn, nhất là chứng khó tiêu đã hành hạ suốt cuộc đời ông, mặc dù ông có thói quen che giấu sự đau đớn. Thói quen của ông là làm việc lặng lẽ trong sự ẩn dật yên tịnh tại làng Downe đến khi cuối cùng sức khoẻ ông hoàn toàn kiệt quệ, ông phải nghỉ một thời gian ngắn để phục hồi sức lực và chuẩn bị cho một sự say mê khác trong công việc.
Những năm đầu sống tại Downe, ông bỏ thì giờ trong việc nghiên cứu về các quần đảo núi lửa và địa chất học ở Nam Mỹ, cùng với biểu đồ có giá trị về các loại sò nhỏ, nhưng trong khi lay hoay các tài liệu đó, Darwin đã chuẩn bị và có sẵn trong đầu một dự định sẽ hoàn thành học thuyết vĩ đại của ông. Đó là thuyết tiến hoá.
Ông bắt đầu có những ý niệm ấy khi ông khởi sự viết nhật ký vào năm 1834 “Thật không thể nào phỏng đoán được nhu cầu của loài vật có thể nhờ vào người nào sáng tạo ra vì đất nước này đã mọc lên từ biển”.
Nhưng năm 1842, ông đã phác hoạ lý thuyết sự đào thải tự nhiên trong một bản thảo dầy tới ba mươi lăm trang. Từ năm 1838, tác phẩm Dân Số (Population) của Thomas Malthus đã ảnh hưởng đến sự suy luận của Darwin cũng như do những quan sát của riêng ông. Hai năm sau, ông sửa đổi lại bản thảo và viết thêm dầy tới hai trăm ba chục trang. Từ đó, ông bắt đầu thu thập tài liệu và làm thí nghiệm rất chuyên cần; ông sửa chữa lại các bộ xương chim, làm những cuộc thí nghiệm về chăn nuôi với giống chim bồ câu, điều tra việc chuyên chở hạt giống. Tất cả những công việc này ông làm trong sự tham khảo với các bạn ông như Lyell, nhà địa chất lừng danh, Hooker và Asa Gray, hai nhà thực vật học. Cuối cùng, năm 1856, Lyell yêu cầu ông công bố những kết quả đã tìm được, và Darwin bắt đầu viết ra.
Rồi một buổi sáng, Darwin nhận được một bức thư từ Mã Lai. Đó là bức thư của Alfred Russel Wallace, nhà vạn vật học và cũng là nhà thám hiểm danh tiếng Anh Quốc. Lá thư gồm có một bài sơ lược lý thuyết mà Darwin đang nghiên cứu. Darwin viết “Tôi chưa bao giờ thấy một sự trùng hợp nào hi hữu như vậy, nếu Wallace đọc bản thảo của tôi viết từ năm 1842, thì chắc chắn không thể nào làm một bài tóm tắt ngắn hơn”.
Darwin bối rối trước sự khai triển mới mẻ này. Wallace không nói gì về việc công bố, nhưng Darwin cảm thấy thiếu thành thật nếu ông tức khắc công bố những kết quả cũng do chính sự nghiên cứu cùng với kiến thức của riêng ông mà không đề cập đến Wallace. Ông bày tỏ vấn đề này với các bạn Lyell và Hooker.
Tất cả đi đến quyết định là công bố cả hai lý thuyết của hai người, một đường lối hay nhất để giải quyết tình trạng bối rối này, tài liệu của Wallace được kèm theo một lá thư của Darwin gởi cho Asa Gray tháng Chín năm 1857, trong đó đưa ra một dàn bài về lý thuyết và một đoạn rút trong bản thảo của ông viết năm 1844.
Bây giờ, Darwin bắt đầu viết tác phẩm, nhưng công việc này khó khăn và khó chịu đối với ông, ông rất thích làm thí nghiệm, nhưng lại thù ghét viết lách, hơn nữa tình trạng sức khoẻ cứ cản trở công việc. Cuối cùng tác phẩm cũng hoàn tất ngày 11 tháng Chín năm 1859, Darwin tuyên bố “Ồ! thật là rảnh nợ! Thật là một sự cố gắng hết mình để tống cả một đề tài ra khỏi đầu óc tôi.”
Cũng như bao giờ, ông công bố kết quả công trình miệt mài nghiên cứu của ông với sự hoài nghi và rụt rè. Bài mở đầu ông viết “Khi tôi nghĩ đến có nhiều trường hợp mà những người nghiên cứu học hỏi một đề tài trong vòng nhiều năm, và tự khuyên lấy họ tìm ra chân lý của những chủ thuyết điên khùng nhất, thì đôi khi tôi cảm thấy hơi sợ hãi, vì không biết mình có phải là một trong những người lẫn thẫn này không”.
Tác phẩm Nguồn gốc các Chủng loại, được xuất bản ngày 24 tháng Mười một năm 1859 và số sách phát hành gồm một ngàn hai trăm năm chục quyển đã bán hết sạch trong ngày đầu tiên ra mắt. Tác phẩm đã gây nên những cuộc tranh luận giông bão dữ dội nhất, vì Thiên Chúa giáo đặt tất cả niềm tin vào quyển sách Sáng Thế, nói về sự sáng tạo đặc biệt của Tạo Hoá, nên các linh mục tức tốc nhảy vào vòng chiến đả kích tơi bời Darwin, và các khoa học gia cũng mau mắn ứng chiến bênh vực Darwin. Trận chiến kéo dài trong nhiều năm, và Darwin đã thu phục được nhiều môn đồ trong đám người mà ông rất cần sự ủng hộ. Ông viết kể cho Hooker là ông rất “ngạc nhiên và khoan khoái” vì đã cảm hoá được một số người theo lý thuyết Darwin, và kèm theo một bản danh sách xếp hàng những người tin vào sự thật mà ông tìm ra. Tất cả đều là những khoa học gia cự phách gồm có:
• Các nhà địa chất học: Lyell, Ramsay, Jules và Rogers.
• Các nhà động vật và cổ sinh vật học: Huxley, Lubbock, Jenyns, Searl, Wood.
• Các nhà sinh lý học: Carpenter, Sir H. Holland.
• Các nhà thực vật học: Hooker, Watson, Asa Gray, Dr. Boott, Thwaites.
Một cuộc tranh luận bi thảm nhất liên quan đến tác phẩm Nguồn gốc các chủng loại, đã xảy ra tại một buổi họp của học hội nổi tiếng ở Anh vào cuối tháng Sáu năm 1860, diễn đàn tranh luận được đặt tại đại học Oxford. Darwin không có mặt tại buổi họp này, những kẻ thù của lý thuyết của ông chuẩn bị cuộc đánh lớn và Giám Mục có máu mặt là Wilberforce của đại học Oxford được biết là sẽ cầm đầu cuộc tấn công này. Phía bênh vực Darwin gồm có Hooker và Huxley. Cuộc tranh luận tay đôi thật là ly kỳ hấp dẫn. Một quan sát viên đã ghi lại “phòng diễn thuyết được tổ chức cho một buổi tranh luận thật là quá nhỏ đối với số khán giả đông đảo, và buổi họp phải dời đến thư viện của Viện Bảo Tàng, căn phòng đông nghẹt trước khi những địch thủ bước vào hàng ngũ. Vị giám mục đứng lên mở đầu và nói trong vòng nửa tiếng đồng hồ với một luận điệu khó thể bắt chước, nói năng rỗng tuếch và không chính đáng; có lẽ đề tài mà ông nói làm cho ngài ngán tới cổ hay sao mà lắp bắp vì không biết nói cái nào trước và phải nói cái nào sau. Trước khi dứt lời, ông quay sang Huxley đang ngồi bên cạnh và hỏi với nụ cười mai mỉa, có phải ông tổ của Huxley là khỉ đột không? Sau lời chế giễu có vẻ trẻ con này, vị Giám Mục kết thúc bài thuyết trình của ông bằng cách tuyên bố những quan điểm của Darwin phản lại những điều dạy của Kinh Thánh. Rồi ông ngôi xuống, có vẻ tự hài lòng giữa tràng pháo tay của nhiều giáo sĩ hiện diện và sự tán thưởng bằng những chiếc khăn tay của nhiều phụ nữ trong đám khán giả.”
Huxley, khi nghe vị Giám Mục nói, đã nắm chặt tay để lên đùi nói rằng “Chúa đã giao hắn vào tay tôi”, lúc bấy giờ ông chờ đợi một cách im lặng, cho đến khi khán giả khắp bốn phía gọi tên ông và vị chủ toạ buổi họp lên tiếng gọi ông nói. Đứng lên với giọng điệu sắc bén như thường lệ “Tôi đến đây chỉ với lòng say mê khoa học và tôi không chấp nhận điều gì mang thành kiến hẹp hòi đối với vị thân chủ oai nghiêm của tôi”. Rồi sau khi vạch rõ sự vô thẩm quyền và thiếu tư cách của vị Giám Mục đã nhập cuộc vào buổi tranh luận này, và ông đề cập đến câu hỏi về sự sáng tạo ra vạn vật. Ông cho rằng lý thuyết mới mẻ này đuổi cổ Tạo Hoá. Nhưng ông quả quyết là Chúa đã tạo ra ông và như vậy chính ông cũng bắt nguồn từ một miếng nhỏ xíu không lớn hơn trường hợp của đầu cây viết chì vàng này.
Cuối cùng, ông đặt câu hỏi trở lại ông có phải là con cháu của loài khỉ không? Và ông hướng nhìn về Giám Mục Samuel Wilberforce, kẻ đã chế giễu ông tổ của ông chắc là khỉ đột. Huxley nói “Tôi nhận thấy không có gì là xấu hổ khi nguồn gốc tôi là giống khỉ. Nhưng tôi sẽ tìm thấy xấu hổ nếu phải xuất phát từ một con người đánh đi văn hoá cũng như lạm dụng sự ăn nói chải chuốt của mình để phục vụ cho thành kiến lỗi thời và sự dối trá”. Tiếng ồn ào bất ngờ nổi lên. Giám Mục Samuel Wilberforce theo thói quen khi bị đả kích nặng nề. Vẫn nở một nụ cười dịu dàng, nhưng toàn thể khán giả đều đứng dậy, kẻ tung hô vang lừng, người phản đối cũng quyết liệt. Bà Brewster quá xúc động ngất xỉu và được mang ra ngoài. Từ hàng ngũ các giáo sĩ hiện diện phát ra những âm thanh giận dữ trần tục nhất.
Khi trật tự được vãn hồi. Thuyết trình viên kế tiếp không ai khác hơn là đô đốc hải quân Fitz–Roy, lên tiếng đả kích Darwin mạnh mẽ và cho mình đang khổ sở với ý nghĩ là chính ông phải chịu trách nhiệm gián tiếp cho những tà thuyết khủng khiếp này vì tác giả là kẻ được ông bảo trợ và giúp đỡ phương tiện. Đưa cao quyển Kinh Thánh lên, ông tuyên bố quyền năng bất di bất dịch của sách này.
Sau vị đô đốc lịch sử này là đến phiên Hooker, thấy rằng Huxley, mặc dù cố gắng giải thích cho đám khán giả vô ý thức nhưng cũng chưa đủ để gieo vào đầu họ một ấn tượng, và bây giờ đến lượt ông cứu gỡ. Và rồi, với ý kiến riêng; ông đả kích mạnh mẽ Giám Mục Wilberforce có biệt hiệu là “tên nịnh hót bợ đỡ”. Sau đó, ông kể lại cho Darwin nghe cũng như những lời tán thưởng nồng nhiệt của khán giả “Tôi hất tung hắn lên trời bằng phát súng đầu tiên, đánh đổ tất cả lập luận xuất phát từ cái mõm thối của hắn, và chứng minh là:
1. Hắn không thể nào đọc được tác phẩm của anh.
2. Hắn hoàn toàn dốt nát ngay từ bước sơ khởi của khoa thực vật học.
Thế là hắn câm miệng, không thể trả lời lại một tiếng nào và buổi họp giải tán, rốt cuộc, anh vẫn làm chủ chiến trường sau bốn giờ giao tranh dữ dội.”
Trong khi trận bão hãy còn điên cuồng, Darwin làm việc một cách lặng lẽ để khai triển lý thuyết của ông, mặc dù đó không phải là sự nghiên cứu duy nhất xâm chiếm tâm trí ông. Ông bỏ ra nhiều thì giờ để khám phá về thực vật và năm 1862 cho ra đời công trình nghiên cứu của ông trong tác phẩm Sự thụ tinh của hoa lan (Fertilization of Orchids). Hai năm sau, ông xuất bản The Movements and Habits of Climbing plants (Hoạt động và thói quen của loại cây leo).
Sự khai triển thuyết Tiến Hoá đầu tiên của ông trong tác phẩm Sự biến hoá của động vật và thực vật quen một thuỷ thổ (Variation of Animals and Plant under Domestication). Từ đó, ông tiếp tục cho ra đời quyển Dòng dõi loài người (The Descent of Man) năm 1871, trong tác phẩm này, ông đặt để con người tách rời khỏi quyền năng sáng tạo của Thượng Đế và cho rằng giống người xuất phát từ một con vật có lông và bốn chân thuộc giống người to lớn, liên quan đến tổ tiên của loài hắc tinh tinh, giống đười ươi và khỉ đột, ông cũng phong phú những lý thuyết của ông về sự đào thải tính dục. Nhưng lý thuyết mà ông đề ra trong quyển Dòng dõi loài người chưa được khắp nơi công nhận.
Năm 1872, Darwin thêm vào công trình nghiên cứu về sự tiến hoá trong tác phẩm Sự biểu lộ những cảm xúc của người và thú vật (Expression of the emotions in Man and Animals). Suốt cuộc đời còn lại, ông dành thì giờ viết lách, phần lớn là những đề tài về thực vật.
Ông làm việc chuyên cần cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Ông chia thì giờ một ngày ra chút ít nghỉ ngơi, còn thì làm việc theo thời khoá biểu, ông giải thích sự thành công của ông bằng cách thú nhận rằng dường như ông “vượt lên trên hết mọi người thông thường trong việc chú ý những vật mà người ta chỉ nhìn qua loa, riêng ông thì quan sát chúng rất cặn kẻ”.
Thú tiêu khiển chính của ông là đọc tiểu thuyết, và ông thường cầu nguyện cho những tiểu thuyết gia khi viết sách với những kết cuộc hạnh phúc.
Ngày cuối của cuộc đời ông là ngày 19 tháng Tư năm 1882 tại Downe và khoa học phải chịu tang một nhà tư tưởng vĩ đại đã thay đổi cả một nhân sinh quan của con người.
Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới - Đỗ Châu Huyền-Hoàng Trí Đức Những Vĩ Nhân Thay Đổi Thế Giới