Nguồn gốc của thiên tài là nguồn gốc của nhiệt huyết.

Benjamin Disraeli

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3226 / 60
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 26
ọn Công an thành Hồ có sách báo Việt hải ngoại không có gì khó. Sách báo Việt hải ngoại bán tự do. Chúng chỉ việc cho tay sai bỏ tiền mua gửi về. Nhưng chắc chắn chúng cũng không thể nào mua và có được tất cả các sách báo Việt chống cộng phát hành ở hải ngoại. Vì vậy anh cu Kiên Trinh chỉ được đọc có 15 bài. Và chỉ mới đọc 15 bài thôi anh đã phải nhận: "… bài nào cũng thuộc loại chống cộng có cỡ…"
Riêng tôi, tôi không lấy gì làm quan trọng những bài tôi viết. Tôi viết toàn những chuyện phiếm, tôi viết như tôi nói chuyện. Tôi tự coi tôi như anh lom khom đứng ở góc vườn, vạch rào nói ra ngoài, tiếng được, tiếng mất, mong những người đi ngoài đường nghe tiếng:
- Mấy ông, mấy bà ơi… Đừng có tin mấy thằng ăn cướp chúng nó chiếm cái nhà này của chúng tôi. Chúng nó nói với mấy ông, mấy bà là mọi người sống trong căn nhà này đều sung sướng là chúng nó nói láo. Chúng nó đểu lắm, ác lắm. Chúng nó làm chúng tôi điêu đứng…
Vì đã có thời làm phóng viên nhà báo, tôi tự cho tôi biết những người Việt bỏ của chạy lấy người trước ngày đứt phim trong thời gian ấy- những năm 76 đến 84 - sống lưu vong ở những nơi chân trời, góc biển muốn nghe, muốn đọc, muốn biết những chuyện gì đang xảy ra ở Sàigòn. Tôi tự đặt tôi vào tình trạng tinh thần của những người Việt lưu vong, những người từ đời ông cố, ông sơ sống truyền kiếp ở Sàigòn, quen thân từng ngõ ngách, từng vỉa hè, đôi mông quen thuộc với tất cả những chiếc ghế da rạp Rex, Đại Nam, Kim Châu, Khải Hoàn, Eden, Thanh Bình, Quốc Tế, Bonard Vĩnh Lợi… quen luôn cả những Lido, Đại Quang, Victory bỗng dưng một sớm một chiều bị bốc ra khỏi môi trường sống. Người Việt sống ở Sàigòn thoải mái, hồn nhiên, tự nhiên, thiên nhiên, tất nhiên, mặc nhiên, nghiễm nhiên, đủ thứ nhiên hằm bà lằng xíu oát, như con cá lóc sống trong biển Hồ Pleiku, nơi có người em Pleiku má đỏ, môi hồng, nơi cuộc đời quanh năm mùa đông. Người Việt Sègoòng bị trực thăng Mẽo bốc ra nước ngoài tình cảm chắc cũng không khác gì em cá bông lau bị đưa lên chợ Cá Trần Quốc Toản. Xin lỗi, không đến nỗi bi đát như thế nhưng nếu tôi là những người tha hương sầu xứ đột ngột và bất đắc dĩ ấy, tôi muốn được nghe, được đọc những chuyện gì đang xẩy ở Sàigòn.
Nếu tôi là người Việt lưu vong, tôi sẽ muốn đọc, muốn biết những chuyện linh tinh, lặt vặt xẩy đến trong cuộc sống thường ngày của người dân thường Sègoòng. Người Sègoòng sống ra sao, mần ăn chi, có bị Việt cộng hành hạ khổ sở lắm không? Dân Sègoòng nghĩ gì về bọn Việt cộng nay làm chủ Sàigòn? Vì vậy, tôi đã viết ra nước ngoài những việc rất thường như chuyện dân Sègoòng đi lãnh đồ ở những nhà bưu điện, ở kho hàng Tân Sơn Nhất.
Muốn tắm mát thì lên ngọn cái con sông đào
Muốn ăn sim chín thì vào rừng xanh
Đôi tay anh vín đôi cành
Quả chín anh hái quả xanh anh vồ
Năm sáu năm nay anh ăn ở thành Hồ
Anh ra bưu điện lãnh quà em cho
Đồ em vừa nặng vừa to
Anh đã con mắt anh no cái mồm
Tôi viết về những nghề mới của dân Sègoòng sau Ba mươi tháng Tư: bơm mực bút bi, mua bán chợ trời, chợ đất, thuốc tây, ve chai - một loại dze chai mới xã hội chủ nghĩa - nghề chà đồ nhôm. Trang điểm những bài viết ấy là những bài thơ nho nhỏ:
Chà đồ nhôm
Đi đâu bỏ con ở nhà?
Hỏi Em, Em nói: Đi chà đồ nhôm!
Đi đâu tay xách, nách ôm?
Hỏi Em, Em nói: Đi chôm đồ nhà!
Cộng sản đi đến đâu đói khổ, nheo nhóc, dơ dáy đi đến đấy. Quy luật ấy đã có từ bẩy mươi mùa củ chuối và đã xảy ra ở quá nhiều nơi. Nhưng như cái gọi là Thiền, phải đến những năm 75, 76 đen hơn cái lá đa dân Sègoòng mới thấy, mới biết, mới bị nó quật cho tối tăm mắt mũi, ứa máu ra đủ bẩy lỗ gọi là Thất khiếu. Như chợ trời chẳng hạn. Cộng sản đến bất cứ thành phố nào trên trái đất bất hạnh vì có tai họa cộng sản này lập tức thành phố đó xuất hiện những chợ vỉa hè. Người dân đem đủ thứ vật dụng ra vỉa hè bày bán. Đặc biệt năm 1975, có nhiều nhà cho Mỹ mướn, nhiều nhà giàu bỏ của, bỏ nhà, bỏ nước chạy lấy người, số vật dụng được dân nghèo vào những nhà đó lấy ra thật nhiều. Không chỉ quần áo, đồ dùng vặt vãnh mà thôi, người dân Sègoòng bán cả bàn ghế, giường tủ, xe gắn máy. Người ta như bị say đòn bán đồ. Thấy người khác bán đồ, nhiều người không cần tiền cũng đem đồ ra bán tống, bán tháo. Có người sợ: "Nhà mình nhiều đồ quá, nó để ý…" "Nó" đây là Việt cộng.
Giấc mộng huy hoàng nhất của những anh "bộ đội cụ Hồ" là có một chiếc đồng hồ tay. Những câu "đồng hồ không người lái, một cửa sổ, hai cửa sổ" xuất hiện trong ngôn ngữ dân Sègoòng. Nhân tiện nói đến chuyện đồng hồ, xin nhắc lại chuyện "giả chân" trong bài thơ Đồng Hồ của Tố Hữu.
Phùng Quán - nghe nói là cháu gọi Tố Hữu là cậu - viết một bài ngắn tả cảnh ông đi tù về đến nhà thăm ông cậu. Ông tả thời Tố Hữu đang hiển hách, khi Tố Hữu là Phó Thủ tướng kiêm đại đầu sỏ Văn nghệ xã hội chủ nghĩa, nhà Tố Hữu được canh gác như một phủ chúa, cận vệ bận đồng phục trắng, an ninh nổi chìm khắp dinh, quan khách ra vào tấp nập. Thế rồi Đảng cộng sản Nga tiêu tán thoòng, Liên Sô thành trì xã hội chủ nghĩa thế giới sụp đổ, thánh tổ Lenin bị kéo cổ cho ra nằm bãi rác.
Biết rồi…. Nói mãi… Xin vắn tắt: Tố Hữu bị thất sủng. Đang là vị lãnh tụ được chuẩn bị thay thế Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch Hội Đồng Chánh Phủ, tức là làm Tể Tướng - Tố Hữu tụt xuống làm một thứ dở ông, dở thằng không giống ai và không ai giống. Phùng Quán tả nhà ông cậu xuống chó vắng như chùa Bà Đanh, như nhà cô Đạm Tiên khi người khách viễn phương đến thăm. Rồi Phùng Quán kể đến bài thơ mới làm của ông cậu xuống chó.
Thơ như vầy:
Anh bộ đội đi mua đồng hồ
Thật giả khó phân anh rất lo
Anh hỏi cô hàng, cô tủm tỉm:
Giả mà như thật, khó chi mô!
Ra cái điều Tố Hữu chửi bọn Đỗ Mười, Võ Văn Kẹt là bọn đệ tử Mác giả hiệu. Ý nghĩa bài thơ này, em bé lên ba, cụ già chín bó đọc qua đều biết. Bọn đệ tử Mác vẫn thường chửi nhau là đệ tử Mác giả hiệu, miệng nói theo Mác, việc làm phản lại lý thuyết Mác. Không những chúng chỉ chửi nhau mà thôi, chúng còn nhân chuyện ấy giết nhau tàn tệ. Từ lâu rồi, người ta đã nói: Nếu Các Mác mà sống dưới thời Sít Ta Lin, Các Mác cũng bị Sít Ta Lin bỏ tù vì tội "hiểu sai chủ nghĩa Mác"
Điều lạ là anh Tố Hữu, thi sĩ cộng sản đoạt giải thơ nâng bi lãnh tụ nhiều năm liên tiếp, tác giả những câu ca tụng Chúa Đỏ Sít-ta-lin đến cái độ ghê rợn - biết rồi, khỏi kể - đã không biết nhục mà còn mần thơ chửi bọn Mác Xít hoạt đầu. Bài viết ngắn của Phùng Quán tả cuộc đến thăm Tố Hữu chỉ được nhiều người để ý vì có bài thơ Đồng Hồ của Tố Hữu.
Có điều lạ nữa là dường như chẳng ai thấy cái vớ vẩn của bài thơ. Ý bài thơ không ăn khớp. Anh bộ đội đi mua đồng hồ nói một đường, chị bán đồng hồ trả lời một nẻo. Ý bài thơ anh chẳng, ả chuộc, anh nói gà, ả nói vịt vô lý quá rõ. Vậy mà tôi chẳng thấy ai nói gì về chuyện ấy cả.
Này nhé, anh bộ đội đi mua đồng hồ. Chợ xã hội chủ nghĩa bán nhiều thứ giả mạo quá, anh sợ anh mua phải đồ giả. Anh hỏi cô hàng làm sao phân biệt được đồng hồ nào giả, đồng hồ nào thiệt. Thay vì trả lời câu hỏi đó, cô hàng lưu manh trả lời một câu không ăn nhập gì đến câu hỏi:
- Đồng hồ giả mà làm như đồng hồ thật có gì khó đâu.
Anh bộ đội cụ Hồ có thể nổi cáu:
- Chị đừng có ăn nói vớ vẩn. Tôi hỏi nằm thao biết đồng hồ lào giả, đồng hồ lào thật… Chị khoe chị làm cho đồ giả như thật là nghĩa chi?
Bài thơ Đồng Hồ của Tố Hữu, theo tôi, phải như sau mới có nghĩa:
Anh bộ đội đi bán đồng hồ
Đồng hồ anh giả, anh rất lo
Anh nhờ cô hàng, cô tủm tỉm:
Giả mà như thật, khó chi mô!
Có lần tôi bi phẫn trước cảnh những anh chị dze chai mới đi khắp xóm rao mua đủ thứ đồng hồ, mắt kính, ra-zô, bàn ủi, máy may, nồi cơm điện… Chẳng thấy ai rao mua người. Anh bạn tôi nói:
- Cũng có đứa nó mua người chứ. Sao anh lại nói chẳng ai mua người…
Phẫn nộ một cách hết sức dzô dzang, tôi đi một đường Tác-giăng nổi giận:
- Nó mua là nó mua đàn bà, con gái còn sài được. Nó có mua loại đàn bà ho hen, kèn cựa, vú lép, mông teo đâu. Đằng này đồ hư, đồ cũ, đồ xập xệ, đồ nát. Đồ gì cũng có người mua hết. Đàn bà ốm nhách, xanh leo, xanh lét có cho không nó cũng không thèm lấy. Còn cái ra-zô cũ, chuột gặm mốc meo anh mua từ thời lính Mẽo chưa tham chiến ở Việt Nam nghe hết được anh bỏ quên trong gậm tủ, nay anh mang ra bán vẫn có người mua.
Vật quý hơn người. Đó là lẽ thường, lẽ tự nhiên và đương nhiên. Tôi bất bình vì chuyện đồ cũ bán có người mua, người cũ không ai mua cả là tôi vô lý. Quẳng cái bàn ủi cũ ra đường năm phút sau có người ôm đi ngay. Quẳng một em bốn bó, kể luôn cả ba bó, ho lao hen suyễn khặc khừ, hay đang trong tình trạng thượng thổ, hạ tả ra vỉa hè, nằm bẩy ngày người qua đường không ai thèm dừng chân lại nhìn cho một cái làm phúc. Tôi cũng dzậy thôi. Bố bảo tôi cũng không khiêng những em ốm o ấy về nhà, đừng nói đến chuyện tôi bỏ tiền ra mua.
Bất bình tắc minh. Tức cảnh sinh tình. Trong những năm 1976, 1977, rồi trong hai năm 1982, 1983 tôi viết một số bài linh tinh về những chuyện vặt đại khái như tôi vừa kể gửi ra nước ngoài. Rất tiếc, những bài tôi viết ra nước ngoài thời ấy, tuy được đăng trên nhiều báo ở Mỹ, Úc, Pháp, nhưng vì không được in thành sách nên bị chìm mất theo thời gian. Nay ở Rừng Phong tôi chỉ còn được một hai bài đăng trong tập "Tắm Mát Ngọn Sông Đào", nhà xuất bản Lá Bối ấn hành ở Paria năm 1982, một bài trong Thời Tập, tạp chí do Viên Linh chủ trương, ấn hành ở Mỹ năm 1979.
Những Tên Biệt Kích Cầm Bút Những Tên Biệt Kích Cầm Bút - Hoàng Hải Thủy Những Tên Biệt Kích Cầm Bút