Cách bạn sử dụng thời gian quan trọng hơn cách bạn tiêu tiền. Sai lầm về tiền bạc còn có thể chỉnh sửa được, nhưng thời gian thì không bao giờ quay lại.

David Norris

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 女のいない男たち, Onna No Inai Otokotachi, Men Without Women
Dịch giả: Trương Thùy Lan
Biên tập: Minh Khoa
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2317 / 457
Cập nhật: 2019-09-15 00:11:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Kino
ay đó luôn ngồi ở đúng một chỗ. Chiếc ghế trong cùng của quầy bar. Tất nhiên trừ những lúc có người ngồi, chiếc ghế đó hầu như luôn trống. Bởi đó là chỗ ngồi ít nổi bật nhất, không thể nói là dễ chịu trong quán bar vốn dĩ chẳng bao giờ đông. Ngay đằng sau là cầu thang nên trần nhà bị nghiêng và thấp. Lúc đứng lên, nếu không cẩn thận sẽ bị cộc đầu. Y cao nhưng lại có vẻ đặc biệt thích chỗ ngồi gò bó này.
Kino vẫn nhớ lần đầu tay đó đến quán. Trước tiên là vì y có cái đầu nhẵn thín (da đầu vẫn xanh như thể vừa cạo bằng tông đơ), người gầy nhưng bờ vai rộng, ánh mắt đâu đó có nét sắc sảo. Trán dô và rộng. Tuổi có lẽ ngoài ba mươi. Trời không mưa, cũng chẳng có vẻ sẽ mưa nhưng y vẫn mặc chiếc áo mưa dài tay màu xám. Ban đầu, Kino thậm chí còn tưởng y là dân anh chị. Vì vậy gã hơi run và cảnh giác. Lúc đó là hơn bảy giờ tối một ngày giữa tháng Tư gai gai lạnh, quán không có khách.
Sau khi chọn ngồi ở ghế trong cùng của quầy bar, y cởi áo khoác, treo vào móc trên tường, gọi bia với giọng rất khẽ rồi im lặng đọc một cuốn sách dày. Nhìn vào nét mặt thì dường như y đọc rất tập trung. Được chừng nửa tiếng, uống bia xong, y khẽ giơ tay với Kino để gọi rượu uýt ki. Kino hỏi y uống loại nào song y bảo không có loại nào y đặc biệt thích. "Cứ lấy sơ cốt bình thường thôi, ly đúp. Chế thêm lượng nước bằng ngần ấy rồi bỏ vào một chút đá."
Loại sơ cốt bình thường thôi? Kino rót White Label vào ly, thêm một lượng nước tương tự, xăm đá bằng dùi, lấy hai miếng đá nhỏ vuông vắn cho vào ly. Y nhấp thử một ngụm rồi nheo mắt: "Thế này là được rồi."
Y đọc sách thêm khoảng nửa tiếng nữa, sau đó đứng dậy, thanh toán bằng tiền mặt. Y đếm đúng số tiền lẻ để không phải lấy tiền thừa. Khi y đi khỏi, Kino liền thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ngay cả khi y đi rồi, sự hiện hữu của y vẫn còn ở lại thêm một lúc nữa. Đứng nấu ăn phía trong quầy bar, thỉnh thoảng Kino lại ngẩng lên, đưa mắt về chỗ y ngồi ban nãy. Bởi gã cảm giác như có người đang khẽ giơ tay gọi gì đó.
Tay đó bắt đầu năng tới quán của Kino hơn. Chừng một lần một tuần, nhiều thì hai. Đầu tiên y sẽ gọi bia, sau đó là uýt ki (White Label, lượng nước tương tự, một chút đá). Có lần gọi tới ly thứ hai nhưng thường là chỉ một. Cũng có khi y nhìn thực đơn viết trên bảng đen ngày hôm đó và gọi đồ ăn nhẹ.
Một tay kiệm lời. Ngay cả khi đã tới quán thường xuyên, y vẫn không mở miệng, trừ những lúc gọi đồ. Khi chạm mặt với Kino, y khẽ gật đầu chào. Như thể muốn nói: "Tôi nhớ mặt anh đấy." Buổi tối, lúc còn khá sớm, y đến với cuốn sách kẹp dưới nách, đặt nó lên quầy bar và ngồi đọc. Một cuốn sách dày, loại một tập. Chưa bao giờ Kino thấy y đọc loại nhiều tập. Khi nào đọc sách mệt (có lẽ là mệt), y rời mắt khỏi trang sách, ngắm từng chai rượu xếp trên giá trước mặt. Hệt như đang kiểm tra con thú nhồi bông hiếm gặp đến từ một đất nước xa xôi nào đó.
Nhưng khi đã quen, việc chỉ có mình và tay đó ở trong quán không còn khiến Kino thấy ngột ngạt nữa. Bản thân Kino là người trầm tính nên gã chẳng thấy khổ sở khi ở cùng người khác mà không chuyện trò gì. Trong lúc tay đó vùi đầu đọc sách thì Kino – giống như lúc ở một mình – rửa bát đĩa, chuẩn bị nước xốt, chọn đĩa hát hoặc là ngồi ở ghế đọc một lượt báo sáng lẫn báo chiều trong ngày.
Kino không biết tên y. Y biết gã tên là Kino. Tên quán cũng là Kino. Y không xưng tên, Kino cũng không dám hỏi. Y chỉ là một khách hàng thường xuyên lui tới quán, gọi bia và uýt ki, lặng lẽ đọc sách, trả bằng tiền mặt rồi ra về. Chẳng làm phiền đến ai. Gã đâu cần biết nhiều hơn?
Kino có mười bảy năm làm việc tại một công ty bán dụng cụ thể thao. Hồi còn học Đại học Thể dục Thể thao, gã từng là tay chạy cự ly trung bình khá xuất sắc, nhưng vào năm thứ ba, do bị đau dây chằng ở gân A Xin, gã đã từ bỏ ý định tham gia đội tuyển của nghiệp đoàn, sau khi tốt nghiệp, nhờ sự giới thiệu của huấn luyện viên, gã xin vào làm tại công ty này như một nhân viên bình thường. Tại công ty, gã phụ trách chủ yếu mảng giày chạy. Công việc của gã là làm sao cho mặt hàng của công ty được bày nhiều hơn, chút nào hay chút đấy, tại các cửa hàng bán dụng cụ thể thao trên khắp cả nước, có thêm nhiều hơn, người nào hay người ấy, các vận động viên hàng đầu đi giày của công ty. Một doanh nghiệp cỡ trung bình có trụ sở chính ở Okayama, không nổi tiếng như Mizuno hay Asics. Cũng không có năng lực tài chính như Nike hay Adidas để chi những khoản tiền khổng lồ cho những hợp đồng độc quyền với các vận động viên hàng đầu thế giới. Thậm chí gã còn chẳng được trả khoản thết đãi những vận động viên danh tiếng. Nếu có ý định mời vận động viên đi ăn, một là phải trích từ tiền công tác phí, hai là phải tự bỏ tiền túi.
Tuy nhiên, là công ty chuyên làm giày thủ công cho các vận động viên hàng đầu, do làm rất cẩn thận, không đặt nặng chuyện lỗ lãi nên công ty gã được không ít các vận động viên đánh giá cao cung cách làm việc tận tâm. "Làm ăn chân chính sẽ có kết quả" là phương châm của giám đốc đồng thời là người sáng lập công ty. Môi trường bảo thủ, quay lưng với thời đại ấy có lẽ lại hợp với tạng người như Kino. Bởi ngay cả người lầm lì, ít nói như gã cũng có thể làm được công việc tiếp thị. Hoặc có khi chính vì tính cách đó mà có cả những huấn luyện viên tin tưởng gã, những cầu thủ (tuy không nhiều) yêu mến gã trên phương diện cá nhân. Gã lắng nghe từng vận động viên xem họ cần loại giày gì, sau đó về công ty, truyền đạt lại cho người phụ trách sản xuất. Công việc có sự thú vị riêng, và cũng có ý nghĩa. Chế độ đãi ngộ tuy không thể gọi là tốt song cũng tương xứng với công sức bỏ ra. Tuy bản thân không chạy được nữa nhưng gã vui khi nhìn những vận động viên đang được ươm mầm căng tràn sức sống chạy trên đường đua trong những bộ đồ đẹp.
Kino nghỉ làm ở công ty không phải vì bất mãn với công việc. Đó là kết quả của một rắc rối không ai ngờ tới giữa hai vợ chồng. Gã phát hiện người đồng nghiệp thân thiết nhất của gã tại công ty có quan hệ với vợ mình. Thời gian Kino đi công tác nhiều hơn thời gian ở Tokyo. Với chiếc túi thể thao lớn chất đầy giày mẫu, gã đến các cửa hàng dụng cụ thể thao trên khắp cả nước, các trường đại học hoặc các công ty có đội tuyển điền kinh. Những lúc Kino vắng nhà như vậy, hai người đã nảy sinh quan hệ. Kino không phải là người thính nhạy với chuyện này. Gã vẫn nghĩ tình cảm vợ chồng đang tốt đẹp, gã cũng chưa bao giờ nghi ngờ về hành vi của vợ. Nếu gã không tình cờ trở về sớm một ngày từ chuyến công tác, có lẽ chuyện đó sẽ kết thúc mà gã không bao giờ được biết.
Từ nơi công tác, Kino về thẳng căn hộ ở Kasai và nhìn thấy vợ gã cùng người đàn ông đó đang trần truồng trên giường. Hai người nằm đè lên nhau trên chiếc giường hai vợ chồng gã vẫn ngủ, trong phòng ngủ ở nhà gã. Không có chỗ nào cho sự hiểu lầm. Vợ gã ở trên, trong tư thế như đang ngồi xổm nên lúc mở cửa, gã và nàng đối mặt nhau. Gã nhìn thấy cặp vú tròn trịa của nàng đang nẩy mạnh. Khi đó gã ba mươi chín, vợ gã ba lăm. Kino cúi mặt, đóng cửa phòng ngủ, ra khỏi nhà với chiếc ba lô chất đầy quần áo chưa giặt một tuần và không bao giờ quay trở lại. Ngày hôm sau, gã nộp đơn xin nghỉ việc.
Kino có một bà bác không chồng. Bà là chị gái của mẹ gã, rất xinh đẹp. Kino được bà cưng chiều từ bé. Bà có người yêu (có lẽ nên gọi là người tình) lâu năm, hơn tuổi, người này hào phóng mua cho bà một căn nhà nhỏ tại Aoyama. Đó là chuyện của thời kỳ vàng son. Bà sống ở tầng hai, tầng một kinh doanh quán cà phê. Trước nhà có một cái sân nhỏ với cây liễu um tùm, xanh mướt. Tuy nằm ở cuối con hẻm phía sau Bảo tàng mỹ thuật Nezu, không phải là vị trí thuận lợi để buôn bán nhưng vì bà có khả năng hút khách kỳ lạ nên quán rất đông.
Nhưng đến ngoại lục tuần, bà bị đau lưng, và gặp nhiều khó khăn khi phải một mình cáng đáng quán xá. Bà quyết định thôi điều hành quán, chuyển đến sống tại một căn hộ nghỉ dưỡng có suối nước nóng ở cao nguyên Izu. Khu đó có cả nhà phục hồi chức năng. Bà đặt vấn đề với Kino: "Cháu có muốn tiếp quản quán sau khi bác mất không?" Lúc đó là ba tháng trước khi gã phát hiện vợ ngoại tình. Kino đáp rằng gã rất cảm kích trước lời đề nghị của bà nhưng hiện gã chưa muốn làm.
Sau khi nộp đơn xin nghỉ việc, Kino gọi điện cho bà bác, hỏi quán đã sang nhượng chưa. Bà bác bảo đang ký gửi quán ở một văn phòng môi giới bất động sản nhưng vẫn chưa thấy có ai đặt vấn đề nghiêm túc. Kino bảo muốn mở quán bar ở đó nên không biết có thể thuê và trả tiền hằng tháng không.
"Thế việc ở công ty thì sao?" Bà bác hỏi.
"Cháu vừa nghỉ việc rồi."
"Vợ cháu không phản đối à?"
"Cháu nghĩ sắp tới bọn cháu sẽ ly dị."
Kino không giải thích lý do, bà bác cũng không hỏi. Một khoảng lặng ngắn phía bên kia đầu dây. Sau đó bà bác nói số tiền thuê nhà theo tháng. Ít hơn nhiều so với dự đoán của Kino. Kino bảo nếu vậy thì gã nghĩ có thể trả được.
"Cháu có một chút tiền trợ cấp nghỉ việc nên sẽ không phiền đến bác chuyện tiền nong đâu."
"Bác không lo chuyện đó." Bà bác nói dứt khoát.
Kino và bác tuy không tâm sự với nhau nhiều (mẹ gã không hoan nghênh việc gã thân thiết với bác), nhưng từ xưa hai người đã hiểu nhau đến kỳ lạ. Bà biết rõ Kino không phải là người dễ thất hứa.
Kino dùng nửa số tiền tiết kiệm để sửa nội thất quán cà phê thành một quán bar. Gã chọn những đồ dùng tối giản, dùng tấm ván dày quây lại thành một quầy bar dài, thay ghế mới. Giấy dán tường dùng loại có màu trang nhã, đèn cũng được đổi thành loại phù hợp với nơi uống rượu. Gã đem bộ sưu tập đĩa hát khiêm tốn từ nhà tới và bày lên giá. Gã cũng có một bộ dàn loại tầm tầm. Máy quay đĩa Thorens, âm li Luxman. Loa hai chiều JBL cỡ nhỏ. Bộ dàn gã hơi vung tay mua hồi còn độc thân. Từ lâu gã đã thích nghe nhạc jazz thời xưa bằng đĩa a na loóc. Đó gần như là sở thích duy nhất – và không có ai cùng chia sẻ – của gã. Ngoài ra, do từng làm pha chế tại một quán rượu ở Roppongi hồi sinh viên nên gã có thể pha chế được cốc tai thông dụng dựa vào ký ức.
Gã đặt tên quán là Kino. Vì gã không nghĩ ra được tên nào phù hợp. Tuần đầu tiên không có lấy một khách. Nhưng gã đã lường trước việc này nên không để tâm lắm. Gã không thông báo cho bất kỳ người quen nào về việc gã mở quán. Không đăng quảng cáo, cũng không chăng biển hiệu nổi bật. Mở quán ở cuối hẻm, gã chỉ có thể ngồi yên đợi những vị khách tò mò tìm ra quán. Tiền trợ cấp nghỉ việc vẫn còn một ít, người vợ đang sống ly thân cũng không có yêu cầu tài chính nào. Nàng bắt đầu chuyển đến sống với người từng là đồng nghiệp của Kino nên không cần tới căn hộ ở Kasai hai người đã sống trước đó. Vì vậy, gã bán căn hộ, sau khi trừ số tiền vay mua nhà, số còn lại gã chia làm đôi. Kino ngủ luôn tại tầng hai của quán. Tạm thời có lẽ gã vẫn xoay xở được một thời gian.
Tại quán bar hoàn toàn không có khách, lâu lắm rồi Kino mới được thảnh thơi nghe nhạc và đọc những cuốn sách muốn đọc từ lâu. Hệt như mặt đất khô cằn đón nhận cơn mưa, gã đón nhận sự cô độc, trầm mặc, tịch liêu một cách rất tự nhiên. Gã thường bật đĩa pi a nô của Art Tatum. Loại nhạc này hiện giờ rất hợp với tâm trạng gã.
Không hiểu sao, Kino không hề cảm thấy tức giận hay căm ghét người vợ đã chia tay cũng như tay đồng nghiệp cũ đã ngủ với vợ gã. Đương nhiên ban đầu gã bị sốc nặng, suốt một thời gian ở trong tình trạng không nghĩ ngợi được gì, nhưng cuối cùng gã hiểu ra rằng: "Chẳng còn cách nào khác." Rốt cuộc thì gã sinh ra để gặp chuyện như vậy. Một cuộc đời vốn không thành tựu, không sản phẩm. Chẳng thể làm cho ai hạnh phúc, đương nhiên bản thân cũng không. Hạnh phúc là thế nào, giờ Kino không còn xác định được nữa. Gã cũng không thể nhận biết rõ những cảm giác như đau đớn, tức giận, thất vọng, buông xuôi. Tất cả những gì gã có thể làm chỉ là gắng sức tạo ra một nơi bấu víu chắc chắn để tâm hồn gã, sau khi mất đi sức nặng và chiều sâu, không bị trôi đi mất. Quán bar Kino bé nhỏ nằm cuối hẻm là nơi cụ thể ấy. Và nơi ấy, chỉ xét riêng về mặt kết quả, đã trở thành một không gian dễ chịu lạ thường.
Kẻ khám phá ra sự dễ chịu của quán Kino trước cả con người là một con mèo hoang lông xám. Một con mèo cái còn trẻ với cái đuôi dài rất đẹp. Nó có vẻ thích cái giá lõm đặt ở góc quán nên thường nằm cuộn tròn trên đó ngủ ngon lành. Kino cố gắng không động chạm gì tới con mèo. Có lẽ nó muốn gã để mặc nó. Mỗi ngày một lần, gã cho ăn và thay nước cho nó. Ngoài ra gã không làm gì hơn. Gã khoét một cái lỗ nhỏ để con mèo có thể tự do ra vào bất kỳ lúc nào. Nhưng chẳng hiểu sao con mèo thích đi bằng cửa chính chung với người hơn.
Hoặc có khi chính con mèo đó đã mang lại may mắn cho gã. Cuối cùng, dù chỉ từng chút một, khách bắt đầu lui tới Kino. Một căn nhà nằm cuối hẻm, biển hiệu nhỏ, không nổi bật, cây liễu già um tùm, tay chủ quán trung niên ít nói, đĩa hát LPL cũ quay trên máy, đồ ăn nhẹ mỗi ngày chỉ hai món, con mèo xám thảnh thơi nằm trong góc. Có những vị khách tìm đến quán mấy lần liền vì thích cái không khí ấy. Có khi lại dẫn thêm khách mới tới. Còn xa mới có thể gọi là ăn nên làm ra nhưng giờ gã đã có thể trả được tiền nhà hằng tháng bằng doanh thu của quán. Với Kino, thế là đủ.
Tay trai trẻ đầu trọc bắt đầu lui tới sau khi quán khai trương được khoảng hai tháng. Mất hai tháng nữa để Kino biết được tên của y. Tên y là Kamita. Viết là chữ Thần và Điền, Kamita nói. Không phải đọc là Kanda, y nói. Nhưng không phải nói với Kino.
Hôm ấy trời mưa. Lượng mưa khiến người ta phân vân không biết có cần đến ô hay không. Trong quán, ngoài Kamita còn có hai người đàn ông mặc vét sẫm màu đi cùng nhau. Đồng hồ điểm bảy rưỡi. Như thường lệ, Kamita ngồi ở ghế trong cùng của quầy bar, vừa uống White Label pha thêm nước vừa đọc sách. Hai người khách ngồi ở bàn, uống Haut-Medoc. Lúc vào quán, họ lấy từ trong túi giấy ra một chai rượu và hỏi: "Uống ở đây có được không? Chúng tôi sẽ trả năm nghìn phí phục vụ." Việc này chưa có tiền lệ nhưng cũng chẳng có lý do gì để từ chối nên Kino bảo rằng được. Gã khui rượu giúp họ, mang ra hai cái ly. Gã mang ra cả một đĩa hạt trộn. Cũng không mất công gì. Chỉ có điều, hai người hút thuốc nhiều quá nên với người không chịu được thuốc lá như Kino, họ không phải là những vị khách đáng mong đợi. Quán vắng nên Kino ngồi ở ghế quầy bar, nghe đĩa LP của Coleman Hawkins có bài "Joshua Fit the Battle of Jericho". Đoạn hát sô lô giọng thấp của Major Holley thật xuất sắc.
Ban đầu, hai vị khách uống rượu có vẻ rất tâm đầu ý hợp, nhưng rồi vì nguyên cớ gì đó, họ bắt đầu cãi nhau. Cụ thể thế nào Kino không rõ nhưng có vẻ hai người bất đồng ý kiến về một vấn đề đặc biệt và không thể tìm ra điểm chung dù đã thử. Cả hai dần dần thiếu kiềm chế, biến cuộc tranh cãi nhỏ thành một trận xỉ vả gay gắt. Đến một thời điểm, một người toan đứng dậy, xô nghiêng cái bàn khiến gạt tàn đầy tàn thuốc và một ly rượu rơi xuống sàn, thủy tinh văng tung tóe. Kino vội cầm chổi đến, quét dọn sàn, thay ly và gạt tàn mới.
Kamita – khi ấy gã còn chưa biết tên y – rõ ràng là cảm thấy khó chịu trước lối hành xử như ở chốn không người của hai vị khách. Tuy sắc mặt không thay đổi nhưng ngón tay trái của y liên tục gõ trên mặt quầy bar, như kiểu nghệ sĩ dương cầm đang kiểm tra phím đàn có vấn đề. Phải khéo léo dẹp yên vụ này, Kino nghĩ. Đây là nơi gã phải chủ động lãnh trách nhiệm. Kino tới chỗ hai người, trịnh trọng đề nghị họ có thể nói nhỏ hơn được không.
Một người ngẩng lên nhìn Kino. Ánh mắt khó chịu. Sau đó hắn đứng dậy. Trông hắn khá lực lưỡng, chẳng hiểu sao trước đó gã không phát hiện ra. Thân hình không cao nhưng cánh tay và ngực rất đô. Khổ người hoàn toàn có thể trở thành võ sĩ sumo. Từ bé chưa bao giờ chịu thua khi cãi nhau. Quen ra lệnh cho người khác. Không thích bị người khác ra lệnh. Hồi còn học ở Đại học Thể dục Thể thao, Kino đã gặp vài kẻ thuộc dạng này. Đây không phải dạng có thể thuyết phục bằng lý ỉẽ.
Tên còn lại nhỏ con hơn hẳn. Gầy gò, sắc mặt nhợt nhạt, bộ mặt có vẻ rất lọc lõi. Hắn tạo ấn tượng là kẻ sành sỏi trong việc khéo léo xúi bẩy người khác làm gì đó. Tên này cũng từ từ đứng dậy. Kino ở trong thế đối mặt với cả hai tên. Có vẻ như nhân cơ hội này, hai tên gác lại chuyện cãi vã, liên kết lại để đối chọi với Kino. Một cú phối hợp tác chiến ngoạn mục. Như thể cả hai đã âm thầm chờ đợi diễn biến này.
"Sao, thích xen vào chuyện người khác à?" Tên to con nói bằng giọng ồm ồm, khô khốc.
Hai tên đều mặc những bộ vét trông có vẻ xịn nhưng khi nhìn gần mới thấy kiểu may khó có thể gọi là cao cấp. Không phải yakuza thật nhưng có lẽ là dạng gần như thế. Tóm lại, không phải những kẻ làm công việc đáng hoan nghênh. Tay to con để tóc húi cua, tay nhỏ con hất ngược mái tóc nhuộm nâu ra sau như võ sĩ samurai thời xưa rồi buộc túm theo kiểu đuôi ngựa. Kino chuẩn bị sẵn tinh thần rằng có thể sẽ sinh chuyện. Mồ hôi rịn ra dưới nách gã.
"Xin lỗi." Có tiếng gọi từ phía sau.
Gã ngoảnh lại thì thấy Kamita đã rời khỏi ghế quầy bar.
"Làm ơn đừng trách người của quán." Kamita chỉ vào Kino. "Hai anh nói to quá nên tôi đã nhờ anh đây ra nhắc nhở giúp. Tại tôi không tập trung đọc sách được."
Giọng Kamita điềm đạm và từ tốn hơn bình thường. Nhưng dường như có thứ gì đó đang từ từ khởi động tại một nơi vô hình.
"Không tập trung đọc sách được." Tay nhỏ con khẽ nhắc lại lời đối phương. Như thể kiểm tra xem có chỗ nào sai cấu trúc ngữ pháp không.
"Không có nhà à?" Tay to con hỏi Kamita.
"Tôi có." Kamita đáp. "Tôi sống gần đây."
"Vậy thì về nhà mà đọc."
"Tôi thích đọc sách ở đây." Kamita nói.
Hai tay kia quay sang nhìn nhau.
"Đưa sách đây xem nào." Tay nhỏ con nói. "Tao sẽ đọc thay cho."
"Tôi thích tự mình đọc trong yên tĩnh." Kamita nói. "Hơn nữa tôi không thích bị đọc sai chữ Hán."
"Thằng nay hay." Tay to con nói. "Buồn cười đấy."
"Mày tên gì?" Tóc đuôi ngựa hỏi.
"Kamita, viết là chữ Thần với chữ Điền. Không phải đọc là Kanda." Kamita nói. Bấy giờ, lần đầu tiên Kino mới biết tên của y.
"Tao sẽ ghi nhớ." Tay to con nói.
"Một ý hay. Trí nhớ phần nào sẽ có ích." Kamita nói.
"Tạm thời cứ ra ngoài cái đã. Ở đó dễ nói chuyện thẳng thắn hơn." Tay nhỏ con nói.
"Được thôi." Kamita nói. "Đi đâu cũng được. Nhưng trước hết hãy trả tiền. Để không phiền lụy đến quán."
"Không sao." Tay nhỏ con đồng ý.
Kamita bảo Kino tính tiền, sau đó y đặt chính xác đến từng xu phần của mình lên mặt quầy bar. Tóc đuôi ngựa rút từ chiếc ví hình chữ nhật ra tờ mười nghìn yên và ném lên bàn.
"Tính cả tiền ly vỡ thì ngần này đủ không?"
"Đủ." Kino nói.
"Quán gì mà tằn tiện." Tay to con nói như giễu cợt.
"Khỏi trả lại, lần sau mua ly tốt hơn đi nhé." Tóc đuôi ngựa nói với Kino. "Uống rượu xịn bằng thứ ly đó phí cả rượu."
"Quá là tằn tiện." Tay to con nhắc lại.
"Phải, đây là quán tằn tiện dành cho những khách tằn tiện." Kamita nói. "Không hợp với các anh đâu. Quán hợp với các anh ở chỗ khác cơ. Dù tôi không biết là chỗ nào."
"Thằng này nói toàn câu hay." Tay to con nói. "Buồn cười đấy."
"Để sau này nhớ lại rồi hãy thong thả cười." Kamita nói.
"Bọn tao đi đâu không đến lượt mày ra lệnh." Tóc đuôi ngựa nói. Sau đó hắn dùng cái lưỡi dài chậm rãi liếm quanh mép. Như thể con rắn thấy con mồi trước mặt.
Tay to con mở cửa bước ra ngoài, theo sau là tóc đuôi ngựa. Dường như cảm nhận được không khí bất ổn, con mèo sau đó cũng lao ra ngoài mặc dù trời đang mưa.
"Có sao không?" Kino hỏi Kamita.
"Anh đừng lo." Một nụ cười xuất hiện trên khóe môi Kamita. "Anh Kino cứ ở đây đợi, đừng làm gì cả. Sẽ không lâu đâu."
Sau đó Kamita đi ra ngoài, đóng cửa lại. Trời vẫn mưa. Cảm giác như mưa mau hơn lúc trước. Kino ngồi xuống ghế ở quầy bar, đợi thời gian trôi qua như được bảo. Không có vẻ sẽ có thêm khách tới. Bên ngoài vô cùng yên ắng, không nghe thấy gì, dù chỉ một tiếng động. Cuốn sách Kamita đang đọc dở vẫn mở trên bàn, đợi chủ nhân quay về hệt như con chó đã qua huấn luyện. Chừng mười phút sau, cửa mở, Kamita một mình bước vào.
"Anh có thể cho tôi mượn khăn bông không?" Y nói.
Kino đưa cho y chiếc khăn mới. Kamita dùng khăn lau cái đầu ướt nhẹp. Sau đó y lau cổ, lau mặt, cuối cùng là hai tay. "Cảm ơn anh. Ổn rồi. Hai tên đó sẽ không xuất hiện lần thứ hai đâu. Chắc sẽ không làm phiền anh Kino nữa."
"Đã xảy ra chuyện gì vậy?"
Kamita chỉ khẽ lắc đầu. Có lẽ y muốn bảo: "Không nên biết thì hơn." Sau đó, y quay lại chỗ ngồi, uống nốt chỗ uýt ki, tiếp tục đọc sách như không có chuyện gì xảy ra. Lúc về, y định trả tiền nhưng Kino nhắc là y đã trả rồi. Kamita ngượng ngùng nói: "À thế hả", dựng cổ áo mưa, đội lên đầu chiếc mũ tròn có vành.
Đợi Kamita đi khỏi, Kino ra ngoài đi một vòng quanh hẻm. Nhưng con hẻm hoàn toàn yên ắng. Không có người qua lại. Không có vết tích của ẩu đả, không có máu chảy. Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì? Gã quay lại quán, đợi khách tới. Nhưng đến lúc đóng cửa vẫn chẳng có thêm vị khách nào, con mèo cũng không thấy quay về. Gã rót ly đúp rượu White Label, pha thêm lượng nước tương ứng, bỏ vào hai cục đá nhỏ và uống thử. Không phải thứ đồ uống có hương vị đặc biệt. Nó chỉ đúng là như thế. Nhưng dù gì đi nữa, tối hôm ấy, gã cần phải có một chút cồn.
Hồi sinh viên, có lần đang đi bộ ở con đường phía sau Shinjuku, gã đã chứng kiến một vụ ẩu đả giữa hai tay nhân viên công sở trẻ và một tên trông có vẻ là yakuza. Tên yakuza thực ra chỉ là một tay trung niên có vẻ ngoài tiều tụy, hai tay nhân viên công sở kia trông có dáng hơn nhiều. Chưa kể còn đang sẵn hơi men. Thế nên hai tay đó đã đánh giá thấp đối phương. Song hình như đối phương có chút kiến thức về đấm bốc. Đến một thời điểm, tên yakuza giữ chặt nắm đấm, không nói không rằng, cứ thế đấm tới tấp vào hai tay kia. Khi hai tay đó ngã vật ra, tên yakuza dùng gót giày da thúc thêm vài cú nữa. Có lẽ vài chiếc xương sườn đã bị gãy. Gã nghe thấy âm thanh đùng đục ấy. Sau đó tên yakuza thản nhiên bỏ đi. Một vụ ẩu đả của dân chuyên nghiệp, khi ấy Kino nghĩ vậy. Không dài dòng lôi thôi, sắp xếp chuỗi hành động sẵn trong đầu. Đấm tới tấp trước khi đối phương kịp chuẩn bị. Khi đối phương ngã, kết thúc luôn không do dự. Sau đó thì bỏ đi. Kẻ nghiệp dư không có cửa thắng.
Kino hình dung ra cảnh Kamita hạ gục hai tên kia trong vài giây hệt như thế. Nhắc tới mới nhớ, diện mạo của Kamita có gì đó khiến ta liên tưởng võ sĩ đấm bốc. Nhưng Kino không bao giờ có thể biết đã xảy ra chuyện gì vào đêm mưa ấy. Kamita cũng chẳng có ý định giải thích. Càng nghĩ chỉ càng thấy bí ẩn.
Chừng một tuần sau vụ việc, Kino ngủ với một vị khách nữ. Cô là người đầu tiên Kino có quan hệ thể xác kể từ khi gã chia tay vợ. Cô trạc ba mươi hoặc hơn một chút. Thật khó để nói cô có nằm trong phạm trù mỹ nhân hay không nhưng cô có mái tóc dài và suôn, mũi ngắn, có nét riêng thu hút người khác. Cử chỉ, cung cách nói chuyện có vẻ mệt mỏi, nét mặt khó đọc được cảm xúc.
Trước đó cô từng lui tới quán vài lần. Lúc nào cũng cùng một tay trạc tuổi cô. Hắn đeo kính gọng sừng, để chòm râu dê ngay giữa cằm trông như dân híp pi ngày xưa. Tóc dài, không thắt cà vạt nên có lẽ không phải dân công chức thông thường. Cô thì lúc nào cũng mặc chiếc váy liền ôm sát, khoe thân hình thon thả. Hai người ngồi ở quầy bar, thi thoảng khẽ trao đổi trong lúc uống cốc tai hoặc sherry. Họ không ở lại lâu. Kino hình dung có lẽ đây là chầu rượu trước một cuộc ân ái. Hoặc có thể là sau. Không thể khẳng định là cái nào. Nhưng dù thế nào, cách uống rượu của hai người cũng khiến gã liên tưởng tới hành vi tình dục. Một hành vi lâu và đậm đặc. Nét mặt hai người nghèo nàn đến kỳ lạ, nhất là cô gái, Kino chưa bao giờ thấy cô cười.
Thỉnh thoảng cô bắt chuyện với Kino. Lúc nào cũng là hỏi về âm nhạc đang bật lúc đó. Tên nhạc sĩ hoặc tên bài hát. Cô bảo cô thích nhạc jazz, bản thân cũng sưu tập được một ít đĩa a na loóc. "Bố tôi hay nghe loại nhạc này ở nhà. Tôi thích loại mới hơn nhưng giờ nghe thấy nhớ quá."
Cô nhớ nhạc hay nhớ bố, qua giọng điệu của cô thì không thể đoán được. Nhưng Kino không dám hỏi.
Thật ra, Kino chú ý để không tiếp xúc nhiều với cô gái. Bởi hình như tay đi cùng không thích gã thân mật với cô. Một lần, gã có cuộc trao đổi hơi nghiêm túc với cô về âm nhạc (thông tin về cửa hàng bán đĩa đã qua sử dụng trong nội thành, cách bảo quản đĩa hát) nhưng sau đó cứ mỗi khi có chuyện gì, hắn ta lại hướng đôi mắt lạnh lùng, ngờ vực về phía Kino. Kino luôn cố gắng tránh xa những rắc rối kiểu đó. Trong số những cảm xúc của con người, không có thứ gì xấu xa hơn ghen tuông và tự phụ. Chẳng hiểu sao Kino thường xuyên dính phải một trong hai thứ đó. Lắm lúc Kino nghĩ, có lẽ ở gã có thứ gì đó kích thích vùng tối tăm ấy ở người khác.
Song tối hôm ấy, cô gái đến quán một mình. Quán chỉ có mình cô là khách. Một buổi tối trời mưa dai dẳng. Lúc cô mở cửa, không khí có lẫn mùi mưa ùa vào trong quán. Cô ngồi ghế ở quầy bar, gọi một ly cô nhắc và nhờ Kino bật đĩa Billie Holiday. "Loại càng xưa càng tốt".
Kino đặt lên mâm quay đĩa LP cũ của hãng Columbia có bài Georgia on my mind. Sau đó hai người im lặng lắng nghe. Cô hỏi gã có thể bật cả mặt sau được không, gã làm như cô bảo.
Cô gái thong thả uống đến ly cô nhắc thứ ba và nghe thêm vài đĩa nhạc xưa. "Moonglow" của Erroll Garner, "I can't get started" của Buddy DeFranco. Lúc đầu Kino tưởng cô đang chờ gã đàn ông mọi khi nhưng gần đến giờ đóng cửa, vẫn không thấy hắn xuất hiện. Cô gái cũng không có vẻ đang chờ hắn tới. Bằng chứng là cô chưa một lần nhìn đồng hồ. Cô một mình nghe nhạc, im lặng theo đuổi dòng suy tưởng, nhấm nháp cô nhắc. Dường như cô không thấy khổ sở khi phải im lặng. Cô nhắc là loại rượu hợp với sự im lặng. Ta có thể giết thời gian bằng cách lắc ly khe khẽ, ngắm nghía màu sắc, hít hà mùi hương. Cô mặc chiếc váy liền cộc tay màu đen, bên ngoài khoác chiếc áo len mỏng màu xanh hải quân. Tai đeo đôi khuyên giả ngọc nhỏ.
"Hôm nay bạn cô không tới à?" Lúc gần đến giờ đóng cửa, Kino lấy hết can đảm để hỏi.
"Hôm nay anh ấy không đến. Anh ấy đang ở một nơi xa lắm." Cô đứng dậy khỏi ghế, bước lại chỗ con mèo đang ngủ, lấy đầu ngón tay vuốt nhẹ lên lưng nó. Con mèo cứ để mặc vậy, tiếp tục ngủ ngon lành.
"Chúng tôi định sẽ không gặp nhau nữa." Cô nói như thổ lộ. Hoặc có thể là cô đang nói với con mèo.
Dù thế nào thì Kino cũng không biết phải đáp sao. Gã không nói gì, tiếp tục dọn dẹp phía trong quầy. Gã lau vết bẩn ở bàn bếp, rửa các dụng cụ rồi cất vào ngăn kéo.
"Nói thế nào nhỉ." Cô gái ngừng vuốt ve con mèo, nện gót giày quay về quầy bar. "Bởi mối quan hệ của chúng tôi không thể gọi là bình thường."
"Không thể gọi là bình thường." Kino nhắc lại lời đối phương một cách vô nghĩa.
Cô uống nốt chỗ cô nhắc còn trong ly. "Tôi có thứ này muốn cho anh Kino xem."
Dù đó là thứ gì đi nữa thì Kino cũng không muốn xem. Đó là thứ gã không nên xem. Gã đã biết điều này ngay từ đầu. Nhưng một lần nữa, những lời cần nói lại bị tước mất.
Cô cởi áo khoác len, đặt lên ghế. Tiếp theo, cô vòng hai tay ra sau gáy để kéo khóa chiếc váy liền. Rồi cô xoay lưng về phía Kino. Ngay dưới chỗ áo lót trắng có vài đốm trông như những vết sẹo nhỏ. Chúng có màu giống như than đã xỉn màu, nằm rải rác không theo quy tắc khiến ta liên tưởng tới chòm sao mùa đông. Một dãy các ngôi sao khô cằn, tăm tối. Có lẽ đây là tàn dư sau trận phát ban của căn bệnh truyền nhiễm nào đó. Hoặc có thể là vết thương nào đó khác.
Cô không nói gì, xoay tấm lưng trần về phía Kino suốt một lúc lâu. Màu trắng tươi tắn của bộ đồ lót có vẻ còn mới đối lập một cách đáng ngại với màu thâm của: những vết sẹo. Kino bị hỏi gì đó nhưng cứ như kẻ không nắm được ý của câu hỏi, gã nhìn đăm đăm vào tấm lưng mà không thốt ra được lời nào. Gã không thể rời mắt khỏi đó. Cuối cùng cô cũng kéo khóa lên, xoay người lại. Cô mặc lại áo len, sửa lại tóc, chừng như để tạo một khoảng lặng.
"Tôi bị gí đầu thuốc đang cháy." Cô nói đơn giản.
Kino á khẩu mất một lúc. Nhưng gã phải nói gì đó. "Ai mà lại làm vậy?" Gã hỏi bằng giọng khô khốc.
Cô không trả lời. Thậm chí còn không tỏ ra là sẽ trả lời. Kino cũng không hẳn là đòi phải có câu trả lời.
"Cho tôi thêm một ly cô nhắc nữa được không?" Cô nói.
Kino rót cô nhắc vào ly của cô. Cô uống liền một hơi rồi đợi hơi ấm từ từ lan xuống ngực.
"Anh Kino này."
Kino ngừng tay lau ly, ngẩng lên nhìn cô.
"Vẫn còn ở chỗ khác nữa đấy." Cô nói bằng giọng không cảm xúc. "Nói sao nhỉ, ở chỗ hơi khó nhìn."
Kino không thể nhớ nổi thứ gì trong tâm hồn gã đã đưa đẩy gã quan hệ với cô vào đêm hôm ấy. Ngay từ đầu gã đã cảm nhận ở cô có thứ gì đó không bình thường. Thứ gì đó đang khẽ nói với vùng bản năng trong con người gã. Rằng đừng dính vào cô. Cả những vết sẹo vì đầu thuốc lá trên lưng cô nữa. Kino vốn là người cẩn trọng. Nếu muốn ngủ với đàn bà, gã chỉ cần chọn người trong nghề. Ăn bánh trả tiền là xong. Đằng này cũng không hẳn là Kino bị cô quyến rũ.
Nhưng đêm hôm ấy, rõ ràng cô mong mỏi được ngủ với một người đàn ông – trên thực tế là Kino. Mắt cô thiếu chiều sâu, chỉ có đồng tử là giãn ra. Trong đáy mắt có ánh nhìn kiên quyết, không có chỗ cho thoái lui. Kino không thể kháng cự. Gã không mạnh đến nhường ấy.
Kino khóa cửa quán bar, cùng cô gái lên cầu thang. Dưới ánh đèn trong phòng ngủ, cô nhanh chóng tuột chiếc váy liền, cởi đồ lót, mở rộng cơ thể. Cô cho gã xem "chỗ khó nhìn". Kino bất giác ngoảnh đi. Nhưng rồi gã không thể không quay lại nhìn. Kino không hiểu được động cơ của kẻ nhẫn tâm làm việc này cũng như động cơ khiến cô gái có thể chịu đựng được sự đau đớn ấy, và gã cũng không muốn hiểu. Đó là một cảnh tượng man rợ xảy ra tại một hành tinh cằn cỗi cách thế giới gã sống tận mấy năm ánh sáng.
Cô cầm tay Kino lần theo những vết sẹo. Cô để gã lần lượt chạm vào từng vết. Có vết cạnh nụ hoa, có vết cạnh âm đạo. Đầu ngón tay gã, theo sự dẫn dắt của cô, lần lượt đi qua từng vết sẹo cứng và thâm ấy. Như thể dùng bút chì nối các con số để tạo thành một hình minh họa. Hình thù ấy nhìn giống thứ gì đó nhưng rốt cuộc lại chẳng liên quan tới thứ gì. Sau đó cô cởi quần áo của Kino, hai người làm tình luôn trên sàn chiếu tatami. Không trò chuyện, không màn dạo đầu, không kịp cả tắt đèn lẫn trải nệm. Cái lưỡi dài của cô luồn vào tận trong cổ họng của Kino, móng tay cô cắm sâu vào lưng gã.
Hệt như hai con thú bị bỏ đói, dưới ánh đèn sáng trưng, không nói không rằng, hai người ngấu nghiến không biết bao lần xác thịt bấy lâu thèm khát. Đủ các tư thế, đủ các cách làm, gần như không ngơi nghỉ. Khi ngoài trời bắt đầu hửng sáng, hai người chui vào chăn, ngủ say như thể bị kéo vào bóng đêm. Kino tỉnh dậy lúc gần chính ngọ, cô gái đã đi mất. Gã cảm giác như vừa trải qua một giấc mơ hết sức chân thực. Nhưng đương nhiên không phải mơ. Lưng gã vẫn còn hằn sâu vết móng tay, cánh tay vẫn còn vết răng, dương vật vẫn còn cảm giác đau âm ỉ vì bị bóp. Vài sợi tóc đen dài vương trên nền gối trắng, thứ mùi mạnh gã chưa từng ngửi thấy vẫn còn ám trên nệm.
Sau hôm ấy, cô còn lui tới quán vài lần nữa như một người khách. Vẫn đi cùng tay để râu dê mọi khi. Hai người ngồi ở quầy, rủ rỉ trò chuyện trong lúc uống một lượng cốc tai vừa phải, sau đó thì đi về. Cô trao đổi vài lời ngắn gọn với Kino, chủ yếu là về âm nhạc. Giọng cô tỉnh bơ, như thể không nhớ gì chuyện xảy ra giữa hai người vào tối hôm nào. Nhưng trong đáy mắt cô có thứ giống như tia dục vọng sâu thẳm. Kino có thể nhìn thấy. Chắc chắn nó ở đó, như ánh sáng của ngọn đèn lồng ở cuối đường hầm tối đen. Tia nhìn bị ngưng tụ ấy khiến Kino nhớ rõ sự đau đớn khi bị móng tay cắm sâu vào lưng, cảm giác khi dương vật bị bóp mạnh, cái lưỡi dài liếm láp, thứ mùi mạnh và lạ còn vương ở chăn. Nó cho gã biết rằng gã đừng hòng quên được việc ấy.
Trong lúc cô và Kino trò chuyện, tay đi cùng quan sát cử chỉ và nét mặt của Kino chăm chú, tỉ mỉ với con mắt của một kẻ mọt sách đã quá rành việc đọc các ẩn ý. Cảm giác như cô và tay đó cứ bám nhằng nhẵng lấy nhau. Như thể hai người đang âm thầm chia sẻ một bí mật nặng nề mà chỉ họ hiểu. Kino vẫn không đoán được hai người đến quán của gã là trước hay sau cuộc ân ái. Nhưng chắc chắn là một trong hai. Bảo khó hiểu thì cũng đúng bởi cả hai người đều không hút thuốc.
Có lẽ cô sẽ lại đến quán một mình vào một đêm trời mưa lất phất nào đó. Khi mà tay râu dê đang ở "một nơi xa". Kino biết điều ấy. Tia nhìn sâu thẳm trong đáy mắt cô nói lên điều ấy. Cô ngồi ở quầy bar, uống vài ly cô nhắc trong im lặng, chờ đến lúc Kino đóng cửa quán. Sau đó cô đi lên tầng hai, cởi chiếc váy liền, mở rộng cơ thể dưới ánh đèn, cho gã xem những vết sẹo mới. Sau đó hai người sẽ lại điên cuồng làm tình như hai con thú. Không kịp cả suy nghĩ, liên tục cho tới khi trời sáng. Sẽ là khi nào, Kino không biết. Nhưng sẽ là khi nào đó. Điều này do cô quyết định. Nghĩ tới điều đó, gã lại thấy cổ họng khô rát. Cơn khát mà có uống bao nhiêu nước cũng không dịu đi.
Cuối mùa hè, thủ tục ly hôn cuối cùng cũng hoàn tất, Kino và vợ gặp nhau. Còn một số việc hai người phải bàn bạc và giải quyết, người đại diện của vợ gã nói rằng nàng muốn được bàn bạc riêng và trực tiếp với Kino. Hai người gặp nhau tại quán của Kino trước giờ mở cửa.
Chuyện công việc được giải quyết nhanh chóng (Kino không phản đối bất kỳ điều kiện nào được đưa ra), hai người ký tên, đóng dấu các giấy tờ. Nàng mặc chiếc váy dài màu xanh dương mới, để kiểu tóc ngắn nàng chưa từng để. Nét mặt rạng rỡ, tươi tắn hơn trước. Cổ và cánh tay cũng săn gọn hơn. Một cuộc sống mới, có lẽ là đầy đủ với nàng, đã bắt đầu. Nàng đưa mắt nhìn quanh quán, khen quán đẹp. Yên tĩnh, sạch sẽ, thư thái, thật giống gã. Sau đó là một khoảng lặng ngắn. Nhưng lại không có thứ khiến trái tim lay động... Kino đoán có lẽ nàng định nói thế.
"Em uống gì không?" Kino hỏi.
"Cho em vang đỏ, một chút thôi."
Kino lấy ra hai cái ly, rót vào đó rượu Zinfandel của Napa. Sau đó hai người uống trong im lặng. Không thể nâng cốc chúc mừng việc chính thức ly hôn. Con mèo tiến đến, trong một lần hiếm hoi, tự nhảy lên đùi Kino ngồi. Gã vuốt sau tai nó.
"Em phải xin lỗi anh." Nàng nói.
"Về việc gì?" Kino hỏi.
"Về việc đã khiến anh tổn thương." Nàng nói. "Hẳn là anh cũng thấy tổn thương phần nào?"
"Phải rồi." Kino ngừng một lát. "Anh cũng chỉ là con người nên việc tổn thương là có. Nhưng anh không biết mức độ là ít hay nhiều."
"Em muốn gặp anh để xin lỗi cho đàng hoàng."
Kino gật đầu. "Em xin lỗi thì anh nhận. Giờ em không cần bận tâm nữa."
"Trước khi xảy ra thế này, em đã muốn thú nhận với anh, nhưng em không tài nào nói ra được."
"Song dù đi theo lộ trình nào thì cái kết vẫn sẽ giống nhau thôi phải không?"
"Em nghĩ vậy." Nàng nói. "Nhưng trong lúc em chần chừ chưa thể nói ra thì sự việc đã diễn ra theo cách tồi tệ nhất."
Kino im lặng, đưa ly rượu lên miệng. Trên thực tế, gã đã gần như quên chuyện xảy ra hồi ấy. Có nhiều việc gã không thể nhớ theo đúng thứ tự. Hệt như đống thẻ thư mục bị xáo trộn lung tung.
Gã nói. "Chẳng phải lỗi của ai. Giá như anh không về nhà sớm hơn một ngày so với kế hoạch. Hoặc giá như anh liên lạc trước. Nếu anh làm vậy, chuyện đó đã không xảy ra."
Nàng không nói gì.
"Em quan hệ với người đó từ bao giờ?" Kino hỏi.
"Em nghĩ không nên nói thì hơn."
"Nghĩa là anh không nên biết?"
Nàng im lặng.
"Phải rồi, có lẽ vậy." Kino thừa nhận. Sau đó gã tiếp tục vuốt ve con mèo. Cổ họng nó bật ra tiếng rên rất to. Chuyện này cũng chưa từng có.
"Có lẽ em không có tư cách để nói thế này." Người phụ nữ từng là vợ gã nói. "Nhưng em nghĩ có nhiều chuyện anh nên sớm quên đi để tìm một người mới."
"Cũng có thể." Kino nói.
"Chắc chắn ở đâu đó có người hợp với anh. Em nghĩ không khó để tìm đâu. Em không thể trở thành người như vậy nên đã làm một chuyện tàn nhẫn. Em thấy có lỗi với anh. Nhưng giữa chúng ta, ngay từ đầu đã giống như cài nhầm khuy. Em nghĩ anh hoàn toàn có thể hạnh phúc hơn."
Cài nhầm khuy, Kino nghĩ.
Kino đưa mắt nhìn chiếc váy liền màu xanh dương còn mới mà nàng đang mặc. Hai người ngồi đối diện nhau nên gã không biết sau lưng là khóa kéo hay khuy cài. Song Kino không thể không tưởng tượng xem sẽ có gì khi kéo khóa xuống hoặc mở khuy ra. Cơ thể đó không còn là của gã nữa. Gã không thể nhìn, cũng không thể chạm vào. Gã chỉ có thể để mặc cho trí tưởng tượng hoạt động. Gã nhắm mắt lại và thấy vô số những vết sẹo thâm sì, giống như đàn sâu đang bò lổm ngổm, mỗi con một hướng trên tấm lưng trắng ngần, mịn màng của nàng. Để xóa hình ảnh xui xẻo đó đi, gã lắc đầu mấy cái. Hình như nàng hiểu lầm cử chỉ này của gã.
Nàng nhẹ nhàng đặt tay mình lên tay Kino. "Em xin lỗi." Nàng nói. "Em thực sự xin lỗi."
Mùa thu đến, đầu tiên là con mèo biến mất, sau đó lũ rắn bắt đầu xuất hiện.
Phải mất nhiều ngày Kino mới phát hiện ra con mèo biến mất. Bởi con mèo cái đó – nó không có tên – chỉ đến quán mỗi khi thích, hơn nữa đã có lần nó không xuất hiện suốt một thời gian dài. Mèo là sinh vật tôn sùng tự do. Ngoài ra hình như nó cũng được cho ăn ở một nơi khác. Vì vậy, Kino không bận tâm khi một tuần hay mười ngày không trông thấy nó. Nhưng khi sự vắng mặt của nó kéo dài hơn hai tuần, Kino bắt đầu lo. Nhỡ đâu nó bị tai nạn? Và khi sự vắng mặt kéo dài đến ba tuần, Kino có linh cảm rằng con mèo sẽ không quay về nữa.
Kino quý con mèo, con mèo cũng tin tưởng Kino. Gã cho mèo ăn, cho nó chỗ ngủ và cố gắng để mặc nó. Đáp lại, con mèo bày tỏ lòng yêu quý, nói cách khác là không bày tỏ sự thù địch với gã. Con mèo cũng có vai trò như bùa hộ mệnh của quán Kino. Chừng nào nó còn nằm ngủ ngon lành trong góc quán, chừng đó sẽ không có chuyện xấu. Gã có ấn tượng như thế.
Vào khoảng thời gian con mèo biến mất, gã bắt đầu trông thấy rắn ở quanh nhà.
Con đầu tiên gã nhìn thấy có màu nâu xỉn. Thân khá dài. Nó uốn éo thân mình, từ từ trườn đi dưới bóng cây liễu ở sân trước. Kino trông thấy nó lúc gã đang mở khóa cửa, tay ôm túi giấy đựng thức ăn. Trông thấy rắn ở Tokyo là chuyện xưa nay hiếm. Gã hơi ngạc nhiên nhưng cũng không để ý lắm. Sau nhà có khu vườn thiên nhiên rộng mênh mông của Bảo tàng mỹ thuật Nezu. Có rắn sống ở đó cũng không có gì lạ.
Nhưng hai hôm sau, lúc gần trưa, khi mở cửa để lấy báo, gã trông thấy một con rắn khác ở chỗ gần như lần trước. Lần này là con màu hơi xanh. Nhỏ hơn con lần trước, có vẻ nhớp nháp. Khi trông thấy Kino, con rắn ngừng cử động, hơi ngóc đầu lên để thăm dò (hoặc là trông như thăm dò) nét mặt gã. Kino đang bối rối không biết làm gì thì con rắn từ từ hạ đầu xuống, nhanh chóng lẩn vào bóng râm. Kino không thể không cảm thấy rùng mình. Bởi gã thấy như con rắn đó biết gã.
Ba hôm sau, gã trông thấy con rắn thứ ba ở chỗ gần như lần trước, vẫn là dưới cây liễu ở sân. Con lần này ngắn hơn hẳn hai con trước, màu hơi đen đen. Kino không biết đó là loài rắn gì. Nhưng nó tạo ấn tượng là con nguy hiểm nhất trong các con đã xuất hiện. Có vẻ là rắn độc nhưng gã không chắc. Gã chỉ trông thấy nó trong tích tắc. Ngay khi nhận thấy sự có mặt của Kino, con rắn lập tức lẩn vào bụi cây nhanh như bốc hơi. Một tuần mà nhìn thấy ba con rắn là quá nhiều. Có lẽ đang xảy ra chuyện gì đó quanh đây.
Kino gọi điện cho bà bác ở Izu. Sau khi thông báo ngắn gọn tình hình, gã hỏi bà đã trông thấy rắn quanh ngôi nhà ở Aoyama bao giờ chưa.
"Rắn?" Bà bác thốt lên vẻ ngạc nhiên. "Con rắn trườn trườn đó hả?"
Kino kể gã tận mắt trông thấy liên tiếp ba con rắn ở ngay trước nhà.
"Bác sống ở đấy cũng lâu nhưng nhớ là chưa bao giờ nhìn thấy rắn cả." Bà bác nói.
"Vậy một tuần mà trông thấy tận ba con rắn ở quanh nhà thì không bình thường rồi nhỉ?"
"Ù, đúng rồi. Bác nghĩ không phải bình thường đâu. Nhỡ đâu là điềm báo sắp có động đất lớn. Động vật cảm nhận trước sẽ có dị biến nên hành động khác với bình thường."
"Nếu vậy có lẽ cháu nên dự trữ đồ ăn thôi." Kino nói.
"Bác nghĩ là nên. Dù sao sống ở Tokyo, kiểu gì cũng sẽ có ngày bị động đất."
"Nhưng thông thường loài rắn nhạy cảm với động đất thế cơ ạ?"
Bà bác nói bà không biết loài rắn nhạy cảm với cái gì. Đương nhiên Kino cũng không biết.
"Nhưng rắn vốn là loài động vật thông minh." Bà bác nói. "Trong truyện thần thoại cổ đại, rắn thường đóng vai trò chỉ dẫn cho con người. Thật lạ là truyện thần thoại trên khắp thế giới đều giống nhau ở điểm này. Có điều, ta sẽ không thể biết được đó là tốt hay xấu cho đến khi được chỉ dẫn. Trong nhiều trường hợp thì vừa là tốt, vừa là xấu."
"Lưỡng nghĩa." Kino nói.
"Đúng thế, rắn vốn là sinh vật lưỡng nghĩa. Con to nhất, thông minh nhất còn biết giấu quả tim ở chỗ khác để không bao giờ bị giết. Vì vậy, nếu muốn giết nó, ta phải đến hang ổ bí mật của nó lúc nó đi vắng, tìm cho ra quả tim đang đập và xẻ ra làm đôi. Tất nhiên điều này không hề đơn giản."
Kino khâm phục kiến thức uyên thâm của bà bác.
"Vừa rồi bác xem trên đài NHK, trong chương trình so sánh truyện thần thoại các nước, một giảng viên trường đại học đã nói vậy. Ti vi dạy ta điều bổ ích lắm. Không coi thường được đâu. Nếu có thời gian, cháu nên xem ti vi nhiều hơn."
Trông thấy những ba con rắn khác nhau liền trong một tuần là điều không bình thường – Gã làm rõ được điều này qua cuộc trò chuyện với bà bác.
Mười hai giờ, gã đóng cửa quán, khóa cửa rồi lên tầng hai. Gã đi tắm, đọc sách một lúc, gần hai giờ thì tắt đèn đi ngủ. Vào thời khắc ấy, Kino bắt đầu thấy như thể bị lũ rắn bủa vây. Cơ man nào là rắn đang bao vây ngôi nhà. Gã cảm nhận được sự hiện diện âm thầm ấy. Đến nửa đêm, xung quanh im phăng phắc, trừ tiếng còi xe cấp cứu thi thoảng vọng lại thì không hề có một tiếng động. Đến nỗi gã gần như nghe cả thấy tiếng lũ rắn trườn. Gã dùng tấm ván bít lại cái lỗ gã làm cho con mèo. Để ngăn lũ rắn tràn vào nhà.
Ít nhất thì bây giờ lũ rắn chưa có ý định làm gì Kino. Chúng chỉ lặng lẽ bao vây ngôi nhà nhỏ này một cách lưỡng nghĩa. Có lẽ đấy cũng là lý do khiến con mèo cái lông xám không còn đến quán. Cả cô gái sẹo cũng không. Kino sợ cô sẽ đến quán một mình vào một tối trời mưa nhưng đồng thời lại mong mỏi điều đó. Đó cũng là một trong những việc lưỡng nghĩa.
Tối nọ, Kamita xuất hiện lúc gần mười giờ. Y gọi bia, uống White Label đúp, trong lúc đó còn ăn cả bắp cải cuốn thịt.
Việc y tới quán muộn và ở lại lâu thế này rất hi hữu. Thi thoảng Kamita rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, nhìn chằm chằm vào bức tường đối diện. Như thể đang suy nghĩ mông lung lắm. Khi quán gần đến giờ đóng cửa, y nán lại đợi đến lúc mình là người khách cuối cùng.
"Anh Kino này." Sau khi trả tiền, Kamita nghiêm giọng. "Sự thể thành ra thế này, tôi rất lấy làm tiếc."
"Thành ra thế này?" Kino buột miệng hỏi lại.
"Việc quán buộc phải đóng cửa. Dù chỉ là tạm thời."
Kino không nói gì, nhìn vào mặt Kamita. Đóng cửa quán?
Kamita đưa mắt nhìn quanh quán bar không còn ai. Sau đó y nhìn vào mặt Kino và nói. "Có vẻ anh vẫn chưa hiểu ý tôi."
"Vâng, tôi nghĩ là tôi vẫn chưa hiểu."
Kamita nói như thổ lộ. "Tôi thích quán này lắm. Có thể yên tĩnh đọc sách, nhạc cũng hay. Tôi rất vui vì quán mở ở đây. Nhưng tiếc thay, có vẻ như nó thiếu quá nhiều thứ."
"Thiếu?" Kino nói. Kino không rõ từ đó cụ thể nghĩa là sao. Gã chỉ có thể hình dung ra cái chén thiếu quai.
"Con mèo xám ấy không còn quay lại đây nữa đúng không?" Kamita nói mà không trả lời câu hỏi của Kino. "Ít nhất là gần đây."
"Có phải vì chỗ này bị thiếu không?"
Kamita không đáp.
Bắt chước Kamita, Kino cũng cẩn thận đưa mắt nhìn một lượt quanh quán nhưng gã không thấy có gì khác với bình thường. Chỉ là đâu đó trống trải, mất đi sinh khí, sắc thái so với mọi khi. Quán đã đóng cửa nên đương nhiên là trống rồi nhưng cảm giác còn hơn thế.
Kamita nói. "Anh Kino không phải người sẵn lòng làm những điều sai trái. Tôi biết rõ điều này. Nhưng trên thế giới này, không làm điều không đúng đắn đôi khi chưa đủ. Có người sử dụng khoảng trống kiểu đó làm đường tránh. Anh hiểu ý tôi nói không?"
Kino không hiểu. Gã bảo gã không hiểu lắm.
"Anh thử suy nghĩ về điều này đi." Kamita nhìn thẳng vào mắt Kino nói. "Đây là vấn đề quan trọng cần suy nghĩ cho kỹ. Không dễ mà có được câu trả lời đâu."
"Ý anh Kamita là không phải tôi đã làm điều gì đó không đúng đắn mà vì tôi đã không làm điều đúng đắn nên mới xảy ra chuyện lớn phải không? Liên quan đến quán bar này hoặc liên quan tới bản thân tôi."
Kamita gật đầu. "Nghiêm khắc mà nói thì có lẽ đúng vậy. Nhưng kể cả vậy thì tôi không có ý trách cứ một mình anh Kino. Lẽ ra tôi nên phát hiện điều này sớm hơn. Tôi đã mất cảnh giác. Quán bar này là nơi dễ chịu, không chỉ riêng với tôi mà chắc chắn còn với ai đó nữa."
"Giờ tôi phải làm gì?" Kino hỏi.
Kamita im lặng, thọc hai tay vào túi áo mưa. Sau đó y nói. "Anh nên đóng cửa quán một thời gian và đi xa. Hiện tại anh không thể làm gì khác. Nếu biết pháp sư nào nổi tiếng, hãy nhờ pháp sư tới tụng kinh và dán bùa quanh nhà. Nhưng thời nay, khó tìm được người như vậy lắm. Vì vậy, anh nên rời khỏi đây trước khi cơn mưa dai dẳng tiếp theo tới. Xin anh thứ lỗi nhưng anh có đủ tiền cho chuyến đi dài ngày không?"
"Còn tùy xem dài bao lâu nhưng chỉ một thời gian thì tôi lo được." Kino nói.
"Vậy thì tốt. Chuyện tương lai chỉ có thể nghĩ ở tương lai."
"Nhưng rốt cuộc anh là ai?"
"Tôi chỉ là người tên là Kamita." Kamita nói. "Viết chữ Thần với chữ Điền, không phải đọc là Kanda. Tôi sống ở đây từ ngày xưa."
Kino lấy hết can đảm để hỏi. "Anh Kamita, tôi có chuyện này muốn hỏi anh, anh đã bao giờ trông thấy rắn ở đây chưa?"
Kamita không đáp. "Anh nhớ nhé, đi xa và liên tục di chuyển trong khả năng có thể. Còn điều này nữa, thứ Hai và thứ Năm hằng tuần, anh nhớ gửi bưu thiếp về nhé. Làm vậy, tôi sẽ biết được là anh Kino bình an vô sự."
"Bưu thiếp?"
"Gì cũng được, miễn là bưu thiếp của vùng đó."
"Nhưng gửi cho ai bây giờ?"
"Gửi cho bác anh ở Izu ấy. Tuyệt đối không được đề tên người gửi hay lời nhắn gì. Chỉ ghi tên người nhận thôi. Chuyện này quan trọng lắm, không được quên đâu đấy."
Kino ngạc nhiên nhìn vào mặt đối phương. "Anh thân với bác tôi à?"
"Vâng. Tôi biết rõ bác của anh. Thật ra tôi được bác anh nhờ từ trước. Là canh chừng để không có chuyện xấu xảy ra với anh. Nhưng có vẻ tôi đã không đáp ứng được nguyện vọng của bà."
Rốt cuộc người đàn ông này là ai? Nhưng nếu Kamita không sẵn lòng tiết lộ thì Kino không thể biết được.
"Khi nào thấy có thể quay về, tôi sẽ báo cho anh. Từ giờ đến lúc đó, anh Kino đừng lại gần đây. Anh hiểu chứ?"
Kino thu xếp hành lý ngay tối hôm ấy. Anh nên rời khỏi đây trước khi cơn mưa dai dẳng tiếp theo tới. Một thông báo hết sức đường đột. Không một lời giải thích, ngay cả tính lô gích cũng khó hiểu. Nhưng Kino tin lời Kamita. Dù câu chuyện khá áp đặt nhưng chẳng hiểu sao gã không hề thấy nghi ngờ. Lời nói của Kamita có sức thuyết phục kỳ lạ, vượt trên mọi lý lẽ. Gã gom quần áo và đồ vệ sinh cá nhân vào hết một ba lô cỡ vừa. Loại gã thường dùng để đựng đồ của mình khi đi công tác hồi còn làm tại công ty dụng cụ thể thao. Gã biết rõ thứ gì cần, thứ gì không cần cho một chuyến đi dài.
Trời sáng, gã ghim miếng giấy đề "Quán sẽ đóng cửa một thời gian. Xin lỗi quý khách" lên cửa quán. Đi xa, Kamita đã nói thế. Nhưng gã không hình dung được mình sẽ đi đâu. Ngay cả đi về hướng Bắc hay hướng Nam gã cũng không biết. Vì vậy, tạm thời gã quyết định sẽ đi theo lộ trình gã thường đi hồi còn làm tiếp thị giày chạy. Gã lên xe buýt cao tốc đi Takamatsu. Gã định sẽ đi một vòng Shikoku rồi sang Kyushu.
Gã thuê phòng ở khách sạn công vụ gần ga Takamatsu và ở đó ba ngày. Gã lang thang ngoài phố, xem một vài bộ phim. Ban ngày, rạp chiếu phim nào cũng vắng tanh, bộ phim nào cũng chán ngắt. Xế chiều, gã về phòng, bật ti vi xem. Gã chủ yếu xem các chương trình giáo dục như lời khuyên của bà bác. Nhưng gã chẳng có được thông tin nào hữu ích. Ngày thứ hai ở Takamatsu rơi vào thứ Năm nên gã ra cửa hàng tiện lợi mua bưu thiếp, dán tem lên và gửi cho bà bác. Gã chỉ ghi đúng tên và địa chỉ của bà như Kamita nói.
Vào đêm thứ ba, gã chợt nảy ra ý định chơi gái. Tay tài xế tắc xi đã cho gã số điện thoại. Đối tượng là một ả khoảng đôi mươi, cơ thể đẹp, mịn màng. Nhưng làm tình với ả từ đầu tới cuối hoàn toàn vô vị. Chỉ là để giải quyết nhu cầu sinh lý, nhưng nói vậy chứ hầu như cũng chẳng giải quyết được gì. Ngược lại còn thấy thèm hơn.
"Anh thử suy nghĩ về điều này đi." Kamita đã nói. "Đây là vấn đề quan trọng cần suy nghĩ cho kỹ." Nhưng dù có suy nghĩ kỹ thế nào Kino cũng không thể hiểu vấn đề ở đây là gì.
Đêm hôm ấy trời mưa. Mưa không lớn nhưng là cơn mưa dai dẳng đặc trưng của mùa thu, không thấy có dấu hiệu sẽ tạnh. Cơn mưa, hệt như lời thú tội đơn điệu với nhiều đoạn trùng lặp, không quãng ngắt, không quãng ngân. Giờ gã không thể nhớ cơn mưa bắt đầu từ khi nào. Nó mang tới một cảm giác bất lực lạnh lẽo, ẩm ướt. Gã thậm chí còn không muốn cầm ô ra ngoài để ăn tối. Thôi thì khỏi ăn. Kính cửa sổ đầu giường đầy những giọt nước li ti, những giọt nước liên tục được thay mới. Gã lơ đãng quan sát những biến đổi nho nhỏ của hoa văn làm từ giọt mưa trên cửa sổ. Phía bên kia những hoa văn ấy là cảnh đường phố tối đen trải dài đến vô tận. Gã rót uýt ki loại bỏ túi vào ly, pha một lượng nước khoáng tương tự rồi uống. Không có đá. Gã cũng chẳng buồn đi ra máy làm đá ở ngay hành lang. Vị nguội của rượu rất hợp với sự uể oải của cơ thể gã.
Kino thuê phòng tại một khách sạn công vụ rẻ tiền gần ga Kumamoto. Trần nhà thấp, giường chật, ti vi bé, bồn tắm nhỏ, tủ lạnh tí hon. Cái gì trong phòng cũng nhỏ xinh. Đến nỗi, gã có cảm giác như mình là một kẻ khổng lồ kỳ dị. Nhưng gã có thể ở lì trong phòng suốt cả ngày mà không hề thấy khổ sở vì sự chật chội ấy. Cũng vì trời đang mưa nên trừ những lúc ra cửa hàng tiện lợi gần đó, gã chẳng bước chân ra ngoài. Ở cửa hàng tiện lợi, gã mua uýt ki bỏ túi, nước khoáng và bánh quy để làm đồ nhắm. Gã nằm trên giường đọc sách, chán đọc sách thì xem ti vi, chán xem ti vi thì lại đọc sách.
Đó là ngày thứ ba gã ở Kumamoto. Gã vẫn còn kha khá tiền trong tài khoản, nếu muốn, gã có thể nghỉ ở khách sạn tươm tất hơn. Nhưng gã cảm thấy chỗ thế này hợp với bản thân gã bây giờ. Ở trong một nơi chật chội, gã không phải nghĩ tới những điều không cần thiết, chỉ cần với tay là lấy được gần hết các thứ. Điều này hóa ra lại rất có ích với Kino. Gã nghĩ, giá mà có nhạc nữa thì tuyệt. Đôi lúc gã thèm nghe nhạc jazz xưa kinh khủng, chẳng hạn của Teddy Wilson, Vic Dickenson hay Buck Clayton. Kỹ thuật vững, hợp âm đơn giản, niềm vui mộc mạc khi biểu diễn, sự lạc quan kỳ diệu Kino đang rất cần. Thứ âm nhạc hiện không còn tồn tại ấy. Nhưng bộ sưu tập đĩa hát của gã lại đang ở một nơi rất xa. Gã nghĩ đến quán bar Kino sau giờ đóng cửa, đèn tắt, không khí im phăng phắc. Cuối con hẻm, cây liễu um tùm. Những khách hàng tìm đến, nhìn thấy tờ giấy thông báo nghỉ lại quay gót bước đi. Không biết con mèo thế nào? Nếu có quay về, chắc nó sẽ thất vọng lắm khi nhìn thấy lối vào bị bịt kín. Cả lũ rắn bí ẩn nữa, không biết chúng còn lặng lẽ bao vây căn nhà không?
Cửa sổ căn phòng trên tầng tám của gã nhìn sang cửa sổ tòa nhà văn phòng đối diện. Một tòa nhà hình ống xây cẩu thả. Từ sáng tới chiều, qua kính cửa sổ, gã có thể quan sát những người làm việc ở bên đấy. Vì bị rèm che nên gã chỉ nhìn được thấp thoáng, cũng chẳng biết được họ đang làm công việc gì. Đàn ông thắt cà vạt cứ đi ra đi vào, phụ nữ gõ bàn phím, trả lời điện thoại, sắp xếp hồ sơ. Không phải cảnh tượng khơi gợi sự thích thú. Khuôn mặt, quần áo của những người đang làm việc đều hết sức bình thường. Lý do duy nhất mà Kino ngắm họ không biết chán là vì gã chẳng còn việc gì khác để làm. Và điều gã không ngờ tới, nói cách khác là ngạc nhiên, là thi thoảng lại có những nét tươi vui hiện lên trên gương mặt của họ. Có người thậm chí còn ngoác miệng ra cười. Sao vậy nhỉ? Làm việc cả ngày ở một văn phòng đơn điệu với những công việc chẳng có gì vui (dưới con mắt của Kino) như thế mà họ vẫn vui vẻ được sao? Lẽ nào ở đó có bí mật quan trọng mà gã không hiểu được? Nghĩ thế, tự nhiên Kino thấy hơi bất an.
Gã chuẩn bị phải di chuyển tới nơi tiếp theo. Kamita đã bảo gã hãy liên tục di chuyển. Nhưng chẳng hiểu sao, Kino không tài nào nhấc mình ra khỏi khách sạn công vụ chật chội ở Kumamoto ấy được. Gã không nghĩ ra được nơi tiếp theo muốn đi, phong cảnh tiếp theo muốn nhìn. Thế giới là biển cả bao la không mốc chỉ giới còn Kino là con thuyền bé nhỏ đã đánh mất hải đồ và mỏ neo. Lúc mở bản đồ Kyushu ra để tìm xem sẽ đi đâu tiếp, gã thấy nôn nao như thể bị say sóng. Kino nằm trên giường đọc sách, thỉnh thoảng ngẩng lên quan sát những bóng người làm việc ở tòa nhà đối diện. Cùng với thời gian, gã cảm thấy cơ thể như dần mất đi sức nặng, da dẻ trở nên trong suốt.
Hôm qua là thứ Hai nên Kino mua bưu thiếp in hình thành Kumamoto tại quầy hàng của khách sạn, dùng bút bi viết tên bà bác và địa chỉ ở Izu. Gã dán tem lên. Sau đó, gã giơ tấm bưu thiếp lên ngắm nghía bức ảnh thành Kumamoto. Một bức ảnh phong cảnh đúng kiểu để dùng làm bưu thiếp. Tòa lâu đài hiện lên sừng sững trên nền trời xanh mây trắng. Lời chú thích: "Còn có tên khác là thành Ginnan. Một trong ba tòa thành nổi tiếng của Nhật Bản". Nhưng ngắm mãi, Kino cũng không thấy có thứ gì gọi là điểm kết nối giữa gã và tòa thành đó. Bị thôi thúc, gã lật mặt sau tờ bưu thiếp, viết một đoạn gửi cho bà bác ở phần để trống.
"Bác có khỏe không? Thắt lưng dạo này còn đau không? Cháu vẫn đang một mình chu du khắp nơi. Đôi lúc cháu có cảm giác một nửa người cháu trở nên trong suốt. Giống như con mực còn tươi rói, nhìn thấy cả nội tạng bên trong. Ngoài chuyện đó ra thì nói chung cháu vẫn khỏe. Cháu sẽ đến Izu sớm thôi. Cháu Kino."
Kino không biết thứ gì đã thôi thúc gã viết ra những điều ấy. Đây là điều Kamita đã nghiêm cấm. Ngoài phần người nhận, không được ghi bất kỳ thứ gì khác trên bưu thiếp. Đừng quên điều đó. Kamita đã nói vậy. Nhưng Kino không còn kiểm soát được bản thân. Gã buộc phải kết nối với hiện thực ở đâu đó. Không làm vậy thì mình sẽ không còn là mình nữa. Mình sẽ trở thành người đàn ông không có ở đâu cả. Gần như tự động, bàn tay Kino viết những con chữ nhỏ, cứng cáp lên phần để trống eo hẹp của tờ bưu thiếp. Trước khi kịp đổi ý, gã nhanh chân tới thùng thư gần khách sạn và bỏ vào đó.
Lúc gã tỉnh dậy, đồng hồ kỹ thuật số ở đầu giường chỉ hai giờ mười lăm phút. Ai đó đang gõ cửa. Tiếng gõ không mạnh nhưng rõ ràng, chắc chắn, cô đọng như bác thợ mộc lành nghề đang đóng đinh. Ai đó đang gõ cửa ấy biết rõ âm thanh sẽ đến được tai Kino. Rằng âm thanh ấy sẽ lôi tuột Kino ra khỏi giấc ngủ giữa đêm khuya, ra khỏi quãng nghỉ chân đầy ưu ái, thẳng thừng thanh lọc toàn bộ ý thức của gã.
Kino biết ai đang gõ cửa. Tiếng gõ đang chờ gã ra khỏi giường, mở cửa từ bên trong. Mạnh mẽ, dai dẳng. Ai đó ấy không có khả năng mở cửa từ bên ngoài. Cánh cửa phải mở từ bên trong, bằng chính tay Kino.
Một lần nữa Kino nhận ra chuyến viếng thăm này là thứ gã trông đợi hơn bất cứ thứ gì, đồng thời cũng là thứ gã sợ hơn bất cứ thứ gì. Phải rồi, rốt cuộc, lưỡng nghĩa sẽ là nhận lấy cái hốc ở giữa hai cực. "Hẳn là anh cũng thấy tổn thương phần nào?" Vợ gã hỏi, "Anh cũng chỉ là con người nên việc tổn thương là có." Kino đáp. Nhưng sự thật không phải vậy. Ít nhất thì một nửa là nói dối. Những lúc cần tổn thương thì mình lại không tổn thương đầy đủ, Kino thừa nhận. Những lúc cần cảm nhận nỗi đau thực sự thì mình lại cố kìm nén cảm giác của con tim. Vì không muốn đón nhận đau đớn, gã tránh đối diện với sự thật, kết quả là cứ mãi mang một tâm hồn trống rỗng, không giá trị. Lũ rắn định sẽ chiếm địa điểm ấy để làm nơi cất giấu những quả tim đang đập lạnh lùng.
"Quán bar này là nơi dễ chịu, không chỉ riêng với tôi mà chắc chắn còn với ai đó nữa." Kamita nói. Giờ thì Kino đã hiểu y định nói gì.
Kino trùm chăn, nhắm mắt, dùng hai tay bịt tai, ẩn náu trong thế giới chật chội của riêng gã. Gã tự nhủ. Rằng không nghe, không thấy gì hết. Nhưng vẫn không thể xua được âm thanh ấy đi. Cho dù gã có chạy tới tận cùng thế giới, có dùng đất sét để bịt kín lỗ tai thì chừng nào còn sống, chừng nào vẫn còn – dù chỉ một ít – ý thức, âm thanh ấy vẫn sẽ đeo bám gã. Đó không phải âm thanh gõ trên cánh cửa khách sạn công vụ. Đó là âm thanh gõ trên cánh cửa tâm hồn gã. Con người không thể chạy trốn được âm thanh của tâm hồn. Còn lâu trời mới sáng – đấy là nói nếu vẫn còn có lúc trời sáng.
Không biết bao lâu đã trôi qua, lúc gã nhận ra thì không còn tiếng gõ cửa nữa. Xung quanh tĩnh mịch như ở đằng sau mặt trăng. Nhưng Kino vẫn trùm chăn, nằm im bất động. Không được chủ quan. Gã nín thở lắng nghe, cố nắm bắt điềm báo xui xẻo trong sự im lặng. Không có chuyện thứ ở ngoài cửa từ bỏ dễ dàng đến thế. Chúng không cần phải vội. Không có trăng. Trên bầu trời chỉ có những vì sao khô cằn, đen đúa. Thế giới này trong chốc lát thuộc về chúng. Chúng có một vài phương thức khác nhau. Yêu sách của chúng là muốn có thật nhiều hình dạng. Phần rễ tối tăm có thể vươn dài khắp nơi dưới lòng đất. Chúng kiên trì, bền bỉ tìm những chỗ yếu, thậm chí còn xuyên thủng được cả những tảng đá kiên cố.
Đúng như dự đoán, tiếng gõ cửa lại bắt đầu. Nhưng lần này là từ hướng khác. Âm hưởng cũng khác. Gần hơn lần trước, như thể ở sát bên tai đúng theo nghĩa đen. Lần này, ai đó dường như đang ở ngay phía ngoài cửa sổ chỗ đầu giường. Có lẽ đang bám vào bức tường của tòa nhà tám tầng mọc thẳng từ dưới đất, áp mặt vào cửa sổ và liên tục gõ cộc cộc vào mặt kính đẫm nước mưa. Gã không thể nghĩ khác.
Dù vậy, riêng cách gõ vẫn không thay đổi. Hai lần. Rồi lại hai lần. Ngưng một lát rồi lại tiếp tục hai lần. Lặp đi lặp lại không ngừng nghỉ. Âm thanh lúc to lúc nhỏ. Như thể nhịp đập của một quả tim đặc biệt có cảm xúc.
Rèm cửa sổ vẫn đang mở. Trước lúc chìm vào giấc ngủ, gã lơ đãng ngắm nhìn hoa văn tạo bằng nước mưa bám trên cửa sổ. Kino có thể tưởng tượng được bên ngoài cửa sổ tối đen có gì nếu gã thò mặt ra khỏi chăn bây giờ. Không, không đúng, gã không tưởng tượng được. Gã buộc phải triệt tiêu cái gọi là hoạt động tưởng tượng ấy. Dù gì thì mình cũng không được nhìn cái đó. Dù có trống rỗng thế nào thì nó vẫn là tâm hồn mình, ở đó vẫn còn hơi ấm – dù là yếu ớt – của con người. Vài mẩu ký ức riêng tư, hệt như đám rong biển mắc vào cọc cắm trên bãi biển, yên lặng đợi thủy triều dâng. Một vài ý nghĩ, nếu bị cắt ngang, chắc chắn rỉ máu đỏ. Hiện tại, gã chưa thể để cho tâm hồn ấy lang thang, trôi nổi tới nơi gã không biết.
Chữ Thần và chữ Điền, đọc là Kamita. Không phải Kanda. Tôi sống gần đây.
"Tao sẽ ghi nhớ." Tay to con nói.
"Một ý hay. Trí nhớ phần nào sẽ có ích." Kamita nói.
Lẽ nào Kamita có liên quan gì đó tới cây liễu già ở sân trước. Bất giác Kino nghĩ vậy. Cây liễu đó đã bảo vệ gã và căn nhà nhỏ ấy. Dù chưa thực sự hiểu rõ mạch lô gích, nhưng một khi ý nghĩ ấy hiện lên trong đầu, gã cảm giác như câu chuyện dần khớp lại với nhau.
Kino nhớ tới cây liễu um tùm, xanh mướt rủ xuống gần sát mặt đất. Hè đến, nó tỏa bóng mát cho cái sân nhỏ đằng trước. Những hôm trời mưa, vô số những giọt mưa màu bạc lấp lánh trên cành cây mềm. Hôm lặng gió, nó suy tư trầm mặc, hôm nổi gió, nó lay động những tâm hồn bất ổn. Lũ chim nhỏ tìm đến, hòa cùng nhau thứ giọng véo von, thánh thót, khéo léo đậu trên những cành hơi cong cong, rồi cuối cùng bay đi mất. Sau khi lũ chim bay đi, cành cây vẫn còn vui vẻ đung đưa thêm một lúc nữa.
Kino nằm cuộn tròn như con sâu trong chăn, nhắm tịt mắt, chỉ nghĩ tới cây liễu. Màu sắc, hình dạng, chuyển động... từng thứ từng thứ một hiện lên rất rõ ràng trong đầu gã. Gã cầu cho bình minh tới. Gã chỉ còn biết kiên nhẫn chờ bên ngoài hửng sáng, lũ quạ và lũ chim nhỏ tỉnh dậy, bắt đầu hoạt động của một ngày mới. Gã chỉ còn biết tin vào lũ chim trên thế giới này. Tất cả những con chim có cánh và có mỏ. Từ giờ tới lúc đó, gã không được để cho tâm hồn trống trải, dù chỉ một giây. Khoảng trống, khoảng chân không xuất hiện trong tâm hồn gã sẽ kéo chúng vào.
Nghĩ tới cây liễu không đủ, Kino nghĩ tới con mèo cái lông xám mảnh mai, nhớ chuyện nó thích ăn rong biển rán. Nghĩ tới dáng Kamita chăm chú đọc sách ở quầy bar, nghĩ tới những vận động viên chạy cự ly trung bình đang vất vả luyện tập trên đường chạy, nhớ tới bản độc tấu sắc xô phôn tuyệt vời "My Romance" của Ben Webster (giữa chừng có hai lần méo tiếng. Éo éo). Ký ức phần nào sẽ có ích. Tiếp theo, gã nghĩ tới vợ cũ mặc chiếc váy liền màu xanh dương còn mới. Dù thế nào thì Kino cũng mong nàng sống khỏe mạnh, hạnh phúc tại nơi mới. Mong nàng đừng mang vết thương nào trên người. Nàng đã trực tiếp xin lỗi và gã đã nhận. Gã phải học, không chỉ chuyện phải quên mà cả chuyện tha thứ.
Nhưng dường như thời gian không thể quyết định chính xác hoạt động của nó. Sức nặng đẫm máu của dục vọng, mỏ neo hoen gỉ của sự ăn năn những muốn ngăn lại dòng chảy vốn có của thời gian. Ở đó, thời gian không phải là mũi tên lao theo đường thẳng. Trời vẫn tiếp tục mưa, kim đồng hồ chốc chốc lại bối rối, lũ chim vẫn còn say giấc nồng, nhân viên bưu điện vô diện lặng lẽ phân chia bưu thiếp, vợ gã lắc mạnh bầu ngực tròn trịa, ai đó miệt mài gõ trên kính cửa sổ. Đều đặn như thể muốn nhử gã vào mê cung rối rắm. Cộc cộc, cộc cộc. Rồi lại cộc cộc. Đừng ngoảnh đi, hãy nhìn thẳng vào tôi, ai đó thì thầm bên tai gã. Vì tôi chính là tâm hồn anh.
Cành liễu mềm mại khẽ đung đưa trước cơn gió đầu hè. Tại căn phòng nhỏ tối tăm bên trong Kino, cánh tay ấm áp của ai đó đang vươn về phía gã, những muốn đặt lên tay gã. Vẫn nhắm mắt, Kino nghĩ tới hơi ấm, tới độ dày mềm mại của làn da ấy. Đó là thứ gã đã lãng quên từ lâu. Thứ đã lìa xa gã từ lâu lắm rồi. Phải rồi, mình đang tổn thương, tổn thương sâu sắc. Gã tự nói với mình. Rồi gã khóc. Trong căn phòng tối tăm, tĩnh mịch.
Trong lúc ấy, mưa vẫn không ngừng lạnh lùng nhuộm ướt thế giới.
Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà