The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 女のいない男たち, Onna No Inai Otokotachi, Men Without Women
Dịch giả: Trương Thùy Lan
Biên tập: Minh Khoa
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 7
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2317 / 457
Cập nhật: 2019-09-15 00:11:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4: Scheherazade
ỗi lần làm tình với Habara, cô lại kể cho gã một câu chuyện kỳ lạ, hấp dẫn. Giống như hoàng hậu Scheherazade trong Nghìn lẻ một đêm. Đương nhiên khác trong truyện, Habara không hề có ý định chặt đầu cô khi trời sáng (cô vốn chưa bao giờ ở cùng gã đến sáng). Chỉ là bản thân cô muốn nên đã kể chuyện cho Habara. Chắc cô muốn an ủi Habara khi gã buộc phải giam mình trong nhà. Nhưng không chỉ thế, nghĩa là có khi còn hơn cả thế, Habara đoán có lẽ cô thích hành vi trò chuyện thân mật với đàn ông trên giường - nhất là khi cả hai đã bơ phờ sau cuộc ân ái.
Habara đặt tên cô là Scheherazade. Gã chưa bao giờ gọi tên đó trước mặt cô nhưng trong cuốn nhật ký nhỏ hằng ngày của gã, gã dùng bút bi ghi chú là "Scheherazade" vào hôm cô đến. Gã cũng lưu lại vắn tắt - ở mức độ sau này có ai đọc cũng không hiểu được - nội dung câu chuyện cô kể vào ngày hôm đó.
Habara không rõ chuyện cô kể là chuyện xảy ra thật hay toàn là phóng tác, hay có phần thật, có phần phóng tác. Phân biệt sự khác nhau đó là điều bất khả. Dường như ở đó, hiện thực và suy đoán, quan sát và ảo tưởng trộn lẫn với nhau, khó mà phân tách. Do vậy, Habara quyết định ngoan ngoãn lắng nghe, không xét nét thật giả. Dù thật hay bịa, hay là sự chắp vá rối rắm giữa hai thứ đó, thì với gã bây giờ, sự khác nhau đó đâu có ý nghĩa gì?
Nói gì thì nói, Scheherazade có tài kể chuyện rất lôi cuốn. Bất kể thể loại chuyện gì, chỉ cần cô kể là trở thành câu chuyện đặc biệt. Giọng kể, cách ngắt hơi, cách dẫn dắt, tất cả đều hoàn hảo. Cô khơi gợi sự tò mò ở người nghe, nhử họ, bắt họ phải nghĩ, phải suy đoán, sau đó thì ban cho họ chính xác thứ mà họ trông đợi. Tuyệt kỹ này giúp người nghe quên được, dù chỉ là nhất thời, hiện thực xung quanh. Giúp họ xóa những mẩu ký ức cứ mãi đeo đẳng, những phiền não chỉ muốn quên đi nếu được như thể dùng giẻ ướt xóa bảng đen. Habara nghĩ, chẳng phải thế thôi cũng đủ hay sao. Nói cách khác, đó chính là điều hiện thời Habara cần hơn bất kỳ thứ gì khác.
Scheherazade ba mươi lăm tuổi, hơn Habara bốn tuổi, về cơ bản là một bà nội trợ (dù hình như có bằng y tá, thỉnh thoảng vẫn được gọi đi làm khi cần), có hai đứa con đang học cấp I. Chồng làm tại một công ty bình thường. Nhà cách đây khoảng hai mươi phút ô tô. Ít nhất thì đó (gần như) là tất cả thông tin về bản thân mà cô nói cho Habara. Đương nhiên, Habara không có cách gì kiểm chứng đó có phải sự thật một trăm phần trăm hay không. Dù vậy gã cũng không thấy có lý do gì để phải nghi ngờ. Cô không cho gã biết tên. Đâu cần phải biết tên tôi, Scheherazade bảo. Cô nói đúng. Với gã, cô chỉ là "Scheherazade" nên hiện chưa có gì bất tiện. Cô cũng chưa bao giờ gọi tên của Habara - cho dù đương nhiên là cô biết. Cô thận trọng né tránh tên gã, tựa như nói ra miệng cái tên đó là việc làm xui xẻo, không hợp lẽ.
Ngoại hình của Scheherazade, dù nhìn bằng con mắt bao dung thế nào cũng không thấy điểm gì giống với hoàng hậu tuyệt sắc giai nhân trong Nghìn lẻ một đêm. Cô là một bà nội trợ tỉnh lẻ với thân hình đôi chỗ đã có mỡ thừa (như thể ma tít được trát vào các kẽ hở), nhìn qua cũng thấy là đang vững bước tiến vào lãnh địa trung niên, cằm hơi xệ, khóe mắt hằn dấu chân chim. Kiểu tóc, trang phục, trang điểm tuy không phải dạng xuề xòa nhưng cũng không phải thứ có thể trầm trồ. Gương mặt không hề xấu, nhưng lại không tìm đâu ra điểm nhấn, khiến người khác không mấy ấn tượng. Nếu có đi ngược chiều ngoài đường hay đi cùng thang máy, chắc hẳn phần lớn mọi người sẽ không để mắt tới cô. Hoặc rất có thể mười năm trước, cô là một cô gái xinh xắn, đầy sức sống. Vài chàng trai sẽ ngoảnh lại nhìn cô. Nhưng kể cả vậy thì những tháng ngày ấy đã hạ màn tại một thời điểm nào đó rồi. Và hiện giờ không thấy có dấu hiệu gì chứng tỏ màn sẽ được kéo lên lần nữa.
Scheherazade đến "Nhà" với tần suất hai lần một tuần. Tuy không quy định ngày nhưng cô không bao giờ đến vào cuối tuần. Chắc hẳn cuối tuần cô phải ở cùng gia đình. Cô luôn gọi điện trước lúc đến một tiếng. Cô mua thức ăn tại một siêu thị gần đây, chất lên xe và chở đến. Một chiếc Mazda loại nhỏ màu xanh dương. Chiếc xe đời cũ, trên thanh hãm xung có một vết hõm lớn, bánh xe đen kịt vì bẩn. Cô đỗ xe ở chỗ đỗ xe của "Nhà", mở cốp, lấy túi đồ đi chợ ra, bê bằng hai tay và bấm chuông cửa. Habara nhòm qua lỗ cửa kiểm tra, mở khóa, gỡ dây xích và mở cửa. Cô đi thẳng vào bếp, phân loại thức ăn mang đến rồi cho vào tủ lạnh. Tiếp theo, cô lên danh sách những thứ cần mua cho lần sau. Hệt một bà nội trợ đảm đang, cô làm mọi thứ nhanh thoăn thoắt, không một động tác thừa. Trong lúc làm cô hầu như không nói, giữ nguyên bộ mặt nghiêm nghị.
Khi cô hoàn thành công việc, chẳng cần bên nào mở lời, tựa như bị cuốn theo dòng hải lưu vô hình, hai người cứ thế di chuyển sang phòng ngủ. Tại đó, vẫn không nói không rằng, Scheherazade nhanh chóng cởi quần áo, leo lên giường cùng Habara. Hai người làm tình gần như trong im lặng, giao hoan theo đúng trình tự, như thể đang hợp tác để hoàn thành bài tập được giao. Nếu đang trong kỳ kinh nguyệt, cô sẽ dùng tay để hoàn thành nhiệm vụ. Động tác khéo léo, có phần chuyên nghiệp khiến gã nhớ là cô có bằng y tá.
Kết thúc cuộc giao hoan, hai người nằm trò chuyện. Nói vậy chứ người nói chủ yếu là cô, Habara chỉ ậm ừ theo, thỉnh thoảng đặt mấy câu hỏi ngắn. Khi kim đồng hồ chỉ bốn rưỡi, dù đang kể dở, Scheherazade cũng bỏ đấy (không hiểu sao thời khắc đó luôn đến vào đúng đoạn cao trào), ra khỏi giường, nhặt quần áo vương vãi trên sàn, mặc vào người để đi về. Cô bảo cô phải chuẩn bị bữa tối.
Habara tiễn cô ra tận cửa, lại khóa dây xích, nhìn theo chiếc xe màu xanh dương cáu bẩn qua khe rèm. Đến sáu giờ, gã lấy thức ăn trong tủ lạnh, nấu một bữa đơn giản và ăn một mình. Gã từng có thời gian làm đầu bếp nên với gã, việc nấu ăn khống hề vất vả. Trong bữa ăn gã uống Perrier(1) (gã không bao giờ động đến chất có cồn), sau đó vừa nhâm nhi cà phê, gã vừa xem phim trên đĩa DVD hoặc đọc sách (gã thích những cuốn sách cần đầu tư thời gian cũng như phải đọc lại nhiều lần). Ngoài ra gã chẳng có việc gì để làm. Không có người để nói chuyện. Không có người để gọi điện. Gã không có máy tính nên chẳng thể lên mạng. Gã không đặt báo, cũng chẳng xem ti vi (đều có lý do cả). Đương nhiên cũng chẳng thể ra ngoài. Nếu vì lý do gì đó mà Scheherazade không thể tới đây được nữa, gã sẽ bị cắt liên lạc hoàn toàn với thế giới bên ngoài, bị bỏ lại một mình giữa hoang đảo trên đất liền đúng theo nghĩa đen.
Tuy nhiên khả năng đó không hề khiến Habara lo lắng. Đó là tình huống buộc gã phải tự giải quyết. Dù khó nhưng bằng cách nào đó gã sẽ vượt qua được. Mình có ở một mình trên hoang đảo đâu, Habara nghĩ. Không, vì bản thân mình đã là hoang đảo. Gã vốn đã quen với việc ở một mình. Thần kinh gã không dễ gục ngã trước việc phải ở một mình. Nếu điều đó xảy ra, thứ khiến Habara bấn loạn chính là việc gã không còn được trò chuyện với Scheherazade ở trên giường nữa. Nói thẳng ra là sẽ không thể nghe phần tiếp theo của câu chuyện cô kể cho gã.
Chuyển đến sống tại "Nhà" một thời gian, Habara bắt đầu để râu. Râu gã vốn thuộc loại rậm. Tất nhiên là để thay đổi diện mạo nhưng không chỉ có thế. Lý do chủ yếu khiến gã để râu là vì nhàn rỗi. Nếu có râu, gã sẽ thường xuyên đưa tay lên cằm, tóc mai, dưới mũi và có thể sung sướng tận hưởng cảm giác đó. Dùng kéo hay dao cạo tỉa tót râu cũng giúp gã giết được thời gian. Tuy trước giờ gã không nhận ra điều này nhưng chỉ riêng việc để râu thôi cũng khiến sự nhàm chán vợi hẳn đi.
"Kiếp trước tôi là cá mút đá." Một hôm, Scheherazade nói trong lúc ở trên giường. Cô nói rành rọt, thản nhiên như thể đang thông báo: "Bắc Cực ở tít tận phía Bắc."
Habara hoàn toàn không có kiến thức về việc cá mút đá là loài sinh vật hình thù thế nào. Vì thế, gã không đưa ra bình luận.
"Cậu biết cá mút đá ăn cá hương như thế nào không?" Cô hỏi.
"Không, tôi không biết." Habara nói. Bản thân chuyện cá mút đá ăn cá hương gã mới nghe thấy lần đầu.
"Cá mút đá không có hàm. Đó là điểm khác biệt lớn nhất so với cá chình bình thường."
"Cá chình bình thường có hàm ư?"
"Cậu chưa nhìn thấy cá chình bao giờ à?" Cô hỏi với vẻ ngạc nhiên.
"Thỉnh thoảng tôi có ăn nhưng chưa bao giờ có cơ hội nhìn hàm của nó."
"Giá mà cậu nhìn thấy được ở đâu đó. Chẳng hạn như ở viện hải dương học. Cá chình bình thường đều có hàm, có cả răng nữa. Nhưng cá mút đá lại không có hàm. Thay vào đó, miệng nó trở thành cái giác hút. Nó dùng giác hút đó để bám vào đá dưới đáy sông hồ, ngửa mình ra, dập dờn dưới nước. Giống như đám thực vật thủy sinh ấy."
Habara tưởng tượng cảnh hàng đàn cá mút đá dập dờn như thực vật thủy sinh dưới đáy hồ. Cảnh tượng có gì đó hơi xa rời hiện thực. Dù vậy, Habara biết hiện thực đôi khi vẫn xa rời hiện thực.
"Thực tế thì cá mút đá sống lẫn trong thực vật thủy sinh. Nó ẩn mình trong đấy. Khi có cá hương bơi qua trên đầu, nó sẽ từ từ ngoi lên và đớp vào bụng cá hương. Đớp bằng giác hút. Nó bám chặt lấy cá hương hệt như con đỉa và bắt đầu cuộc sống ký sinh. Bên trong giác hút của nó có thứ giống như cái lưỡi có răng, nó dùng cái lưỡi đó chà đi chà lại như chà giấy ráp để khoét một lỗ trên mình con cá rồi từ từ rỉa thịt cá."
"Tôi không thích làm cá hương lắm." Habara nói.
"Thời La Mã, đầm nuôi cá mút đá có ở khắp mọi nơi, nô lệ nào ngang bướng, không chịu nghe lời sẽ bị quăng thẳng xuống đó làm mồi cho cá mút đá."
Tôi cũng không thích làm nô lệ thời La Mã, Habara nghĩ. Dĩ nhiên gã chẳng muốn làm nô lệ ở bất cứ thời nào.
"Hồi tiểu học, khi lần đầu trông thấy cá mút đá ở viện hải dương học, đọc phần giải thích sinh thái, tôi chợt nhận ra đây là kiếp trước của mình." Scheherazade kể. "Nói cách khác, tôi có ký ức rất rõ ràng. Ký ức rằng mình bám vào đá dưới đáy hồ, bơi dập dờn giữa đám thủy sinh, ngắm nhìn những con cá hương béo ú bơi qua trên đầu."
"Không nhớ việc từng rỉa cá hương sao?"
"Việc đó thì không."
"Tốt quá." Habara nói. "Đó là tất cả những gì cô nhớ được về thời là cá mút đá à? Chỉ mỗi chuyện dập dờn dưới đáy hồ thôi?"
"Vì đâu thể nhớ hết chuyện của kiếp trước." Cô nói. "Nếu may mắn, một lúc nào đó có thể nhớ ra, nhưng chỉ một phần nhỏ thôi. Hoàn toàn là bột phát, giống như nhòm qua cái lỗ nhỏ trên bức tường vậy. Ta chỉ có thể nhìn thấy một mảng của khung cảnh phía bên kia. Cậu có nhớ được gì về kiếp trước của mình không?"
"Tôi chẳng nhớ được gì." Habara nói. Thú thật, gã còn chẳng có ý định nhớ về kiếp trước. Riêng hiện thực này thôi cũng đủ bận bịu lắm rồi.
"Nhưng ở dưới lòng hồ không hề tệ đâu. Dùng miệng bám chặt vào đá, ngửa mình ra, nhìn đám cá bơi qua trên đầu. Có lần tôi nhìn thấy một con ba ba to lắm. Nhìn từ dưới lên, trông nó tối thui, to đùng hệt như phi thuyền của bọn người xấu trong phim Chiến tranh giữa các vì sao. Lũ chim trắng to với những chiếc mỏ sắc, dài lao vào tấn công đàn cá chẳng khác gì những tay sát thủ. Lũ chim nhìn từ đáy hồ chẳng khác đám mây trôi trên bầu trời xanh. Chúng tôi ẩn mình trong đám thủy sinh sâu tít dưới đáy nên bình an vô sự trước lũ chim."
"Vậy là cô có thể trông thấy cảnh đó."
"Rất rõ ràng." Scheherazade nói. "Ánh sáng dưới đó, cảm giác của dòng nước. Thậm chí tôi còn nhớ được rằng lúc đó mình đang suy nghĩ. Đôi khi còn đi được cả vào cảnh đó nữa."
"Cô đang suy nghĩ?"
"Đúng thế."
"Nghĩa là cô đang nghĩ gì đó."
"Tất nhiên."
"Cá mút đá thì nghĩ gì nhỉ?"
"Cá mút đá nghĩ những chuyện rất mang tỉnh cá mút đá. Những chủ đề mang tính cá mút đá, trong bối cảnh mang tính cá mút đá. Có điều không thể chuyển suy nghĩ đó sang ngôn ngữ của chúng ta. Vì đó là suy nghĩ dành cho những thứ ở dưới nước. Giống như lúc còn nằm trong bụng mẹ. Biết là có suy nghĩ nhưng không thể diễn đạt suy nghĩ đó bằng ngôn ngữ của trái đất. Phải vậy không?"
"Lẽ nào cô nhớ được chuyện khi còn trong bụng mẹ?" Habara ngạc nhiên hỏi.
"Tất nhiên." Scheherazade thản nhiên đáp. Cô hơi nghển chiếc cổ đang gác trên ngực gã. "Cậu không nhớ được à?"
"Tôi không nhớ." Habara đáp.
"Vậy lúc nào tôi sẽ kể cho. Chuyện lúc tôi ở trong bụng mẹ."
Nhật ký của Habara hôm ấy ghi: "Scheherazade, cá mút đá, kiếp trước." Nếu sau này có ai đọc được, chắc chắn họ sẽ không hiểu là chuyện gì.
Habara gặp Scheherazade lần đầu cách đây bốn tháng. Habara được gửi tới "Nhà" ở một thị trấn tỉnh lẻ nằm ở phía Bắc Kanto, cô - sống gần đó - đến chăm sóc gã trong vai trò "người liên lạc". Nhiệm vụ của cô là mua thực phẩm, các đồ lặt vặt và mang tới "Nhà" cho Habara lúc này không thể ra ngoài. Cô cũng mua cả sách báo gã muốn đọc, CD gã muốn nghe đúng như theo yêu cầu. Có lần cô còn mang cho gã đĩa DVD phim cô tự chọn (mặc dù Habara không hiểu lắm tiêu chuẩn chọn đĩa của cô).
Một tuần sau khi Habara chuyển đến sống tại đây, Scheherazade rủ gã lên giường, coi đó là việc gần như hiển nhiên. Cô còn chuẩn bị sẵn cả dụng cụ ngừa thai. Có lẽ đây cũng là một trong số những "hoạt động hỗ trợ" cô được giao. Dù gì thì đây là việc được đối phương đề xuất một cách thẳng thắn, không e dè hay ngần ngại, nằm trong một chuỗi các sự việc nên gã cứ thế thuận theo trình tự mà không hề kháng cự. Gã lên giường như được bảo, ôm lấy cơ thể Scheherazade trong lúc vẫn chưa rõ đầu đuôi ra sao.
Làm tình với cô không thể gọi là cuồng nhiệt nhưng cũng không hẳn là công việc. Tuy khởi sự như một nhiệm vụ được giao phó (hoặc được ám chỉ rõ ràng), nhưng đến một thời điểm, cô bắt đầu bộc lộ niềm vui sướng - dù có thể chỉ là một phần - đối với hành vi đó. Habara cảm nhận được điều này từ những thay đổi rất nhỏ trong phản ứng của cơ thể cô và gã không khỏi mừng rỡ. Nói gì thì nói, gã đâu phải con thú hoang bị nhốt trong cũi, gã là một con người với đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Hành vi tình dục với mục đích giải quyết nhu cầu sinh lý, dù là cần thiết ở một mức độ nào đó, cũng khó đem lại sự thỏa mãn. Nói vậy chứ Habara cũng không chắc trong hành vi tình dục với gã, Scheherazade coi phần nào là thuộc về công việc, phần nào là thuộc về lãnh địa cá nhân.
Không riêng gì chuyện làm tình. Mọi hành vi thường nhật cô làm cho Habara, gã cũng không thể nhận biết đâu là công việc định sẵn, đâu là xuất phát từ sự yêu mến cá nhân (không biết có thể gọi đó là sự yêu mến không). Xét trên nhiều phương diện, Scheherazade là một phụ nữ khó đoán được ý đồ, tình cảm. Chẳng hạn cô thường mặc loại đồ lót bằng chất liệu đơn giản, không trang trí. Loại có vẻ những phụ nữ trên ba mươi làm nội trợ vẫn mặc hằng ngày - đây chỉ là suy đoán của Habara bởi gã chưa từng quan hệ với phụ nữ trên ba mươi làm nội trợ bao giờ. Loại có vẻ được mua trong đợt giảm giá tại cửa hàng bán lẻ đâu đó. Thế nhưng có hôm cô lại mặc loại đồ lót rất khêu gợi, được thiết kế cầu kỳ. Không rõ cô mua ở đâu nhưng chắc chắn là hàng cao cấp. chất vải đẹp, đường ren tỉ mỉ, gam màu sẫm trang nhã. Khác biệt một trời một vực đó do đâu mà có, vì mục đích gì thì Habara hoàn toàn không thể hiểu được.
Một điều nữa khiến gã bối rối không kém là hành vi tình dục của Scheherazade và câu chuyện cô kể đã trở thành một bộ đôi khăng khít. Không thể tách riêng từng thứ. Việc bản thân bị vướng sâu - nói cách khác là bị đỉnh chặt - theo hình thức này vào mối quan hệ thể xác không thể gọi là nồng nhiệt với một đối tượng không hề si mê là tình huống Habara chưa từng trải qua, và điều này khiến gã hơi bấn loạn.
"Hồi chưa đến hai mươi." Một hôm, đang nằm trên giường, Scheherazade thổ lộ. "Thỉnh thoảng tôi lại lẻn vào nhà người khác."
Habara, như phần lớn các lần cô kể chuyện, không đưa ra được bình luận nào thích hợp.
"Cậu đã bao giờ lẻn vào nhà người khác chưa?"
"Tôi nghĩ là chưa." Habara đáp bằng giọng khô khốc. "Việc đó, làm một lần rồi sẽ thành tật."
"Nhưng làm vậy là phạm pháp."
"Đúng rồi. Nếu bị phát hiện sẽ bị cảnh sát bắt. Đột nhập cộng với trộm cắp tài sản (hoặc trộm cắp chưa đạt) là tội khá nặng đấy. Nhưng mà, dù biết ỉà xấu nhưng vẫn lao vào như bị nghiện."
Habara im lặng đợi phần tiếp theo.
"Điều tuyệt vời nhất khi vào nhà người khác trong lúc họ đi vắng là sự tĩnh lặng. Tôi không biết tại sao nhưng thực sự là im phăng phắc ấy. Có lẽ đó là nơi tĩnh lặng nhất thế giới. Tôi cảm thấy vậy. Trong không khí lặng như tờ đó, nếu ngồi yên một mình dưới sàn nhà, tôi có thể quay về thời là cá mút đá một cách rất tự nhiên." Scheherazade nói. "Một cảm giác thật tuyệt. Hình như trước tôi có kể cho cậu kiếp trước tôi là cá mút đá rồi đúng không?"
"Tôi có nghe."
"Giống như thế đấy. Tôi dùng giác mút bám vào tảng đá dưới lòng hồ, ngửa phần đuôi lên, dập dờn dưới nước. Giống như đám thủy sinh xung quanh. Xung quanh rất tĩnh lặng, không có bất kỳ âm thanh nào. Có thể là do tôi không có tai. Những hôm trời xanh, ánh nắng chiếu thẳng xuống, xuyên qua mặt nước như mũi tên. Ánh nắng đó thi thoảng còn tỏa ra lấp lánh như lăng kính. Các loài cá với đủ hình thù, màu sắc lững lờ bơi qua trên đầu. Tôi không nghĩ ngợi gì cả. Nghĩa là tôi chỉ có những suy nghĩ mang tính cá mút đá thôi. Suy nghĩ đó tuy u ám nhưng rất tinh khiết. Không đến mức trong suốt nhưng không một gợn đục. Là tôi đấy, nhưng lại không phải là tôi. Được ở trong tâm trạng đó là điều vô cùng tuyệt vời."
Lần đầu tiên Scheherazade đột nhập vào nhà người khác là năm lớp Mười một. Cô phải lòng một cậu bạn cùng lớp tại ngôi trường công lập ở quê nhà. Cậu ta là cầu thủ bóng đá, cao ráo, thành tích học tập tốt. Không hẳn là đẹp trai nhưng trông tươm tất, dễ mến. Có điều, giống như phần lớn tình yêu của các nữ sinh trung học, đó là mối tình không được đáp lại. Hình như cậu ta cảm mến một cô bạn khác cùng lớp, chẳng thèm để mắt tới Scheherazade. Cô chưa một lần được cậu ta bắt chuyện, thậm chí hình như cậu ta còn không biết là cô học cùng. Thế nhưng cô không tài nào dứt được cậu ta. Thoáng thấy bóng cậu ta là cô thấy khó thở, đôi lúc còn suýt nôn. Nếu không làm gì đó thì cô sẽ phát điên mất. Nhưng bày tỏ tình cảm với cậu ta là điều không thể. Kể cả có làm thì chưa chắc mọi chuyện đă đi đến đâu.
Một hôm Scheherazade tự ý nghỉ học và đi đến nhà cậu ta. Nhà cậu ta cách nhà Scheherazade khoảng mười lăm phút đi bộ. Cậu ta không có bố. Ông bố làm ở công ty xi măng đã qua đời vì tai nạn giao thông trên đường cao tốc vài năm trước. Bà mẹ hiện đang làm giáo viên quốc ngữ tại trường cấp II công lập ở thành phố bên cạnh. Em gái đang học cấp II. Vì vậy ban ngày chắc chắn nhà không có ai. Cô đã tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từ trước.
Cửa trước đương nhiên là bị khóa. Scheherazade thử tìm dưới thảm ở thềm cửa. Có chìa khóa. Khu dân cư ở thành phố tỉnh lẻ thanh bình này hiếm khi có trộm. Vì vậy mọi người không để ý lắm chuyện cửa rả. Họ thuờng giấu chìa khóa dưới thảm ở thềm cửa hoặc dưới chậu cây gần đó phòng trường hợp có người trong gia đình quên chìa khóa.
Để cho chắc, Scheherazade bấm chuông, sau khi chắc chắn không có tiếng đáp lại đồng thời kiểm tra không có tai mắt hàng xóm, cô dùng chìa khóa để vào nhà. Từ bên trong, cô khóa cửa lại. Cô cởi giày, cho giày vào túi ni lông rồi nhét vào chiếc cặp đeo trên lưng. Sau đó cô rón rén đi lên tầng hai.
Đúng như cô nghĩ, phòng cậu ta ở tầng hai. Chiếc giường ngủ nhỏ bằng gỗ gọn gàng, phẳng phiu. Kệ sách chất đầy sách, tủ quần áo, bàn học. Trên tủ sách có một bộ dàn nhỏ và vài chiếc đĩa CD. Trên tường treo bộ lịch của đội bóng Barcelona và lá cờ có vẻ là của đội bóng, ngoài ra không có bất kỳ vật trang trí nào khác. Không có cả ảnh lẫn tranh. Chỉ là một bức tường màu kem. Cửa sổ buông rèm trắng. Phòng được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Không cuốn sách nào vứt lung tung, không bộ quần áo nào vương vãi. Dụng cụ học tập trên bàn được đặt đúng nơi quy định. Căn phòng thể hiện rõ tính ngăn nắp của chủ nhân. Hoặc có thể do bà mẹ ngày nào cũng chăm chỉ dọn dẹp. Hoặc có khi là cả hai. Điều này khiến Scheherazade căng thẳng. Nếu căn phòng bừa bộn, cô có lỡ xáo trộn thứ gì chắc cũng không ai phát hiện ra. Giá mà được như thế, Scheherazade nhủ thầm. Cô phải hết sức cẩn thận. Nhưng đồng thời, việc căn phòng sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp đâu ra đấy cũng khiến cô mừng vui không ít. Thế mới đúng là cậu ấy.
Scheherazade ngồi xuống chiếc ghế ở bàn học và ở yên như vậy một lúc. Cứ nghĩ "Hằng ngày cậu ấy ngồi học ở chiếc ghế này" là tim cô lại đập loạn xạ. Cô lần lượt lấy từng đồ dùng học tập trên bàn, mân mê trên tay, đưa lên mũi ngủi, đưa lên môi hôn. Tất cả, từ bút chì, kéo, thước kẻ, dập ghim cho đến lịch để bàn. Chỉ cần đó là vật dụng của cậu ta thì dù bình thường chẳng có gì đáng nói cũng trở nên lung linh kỳ lạ.
Tiếp theo, cô mở từng ngăn kéo, kiểm tra tỉ mỉ bên trong. Ngăn trên cùng là mấy thứ dụng cụ học tập linh tinh và đồ lưu niệm được xếp riêng. Ngăn thứ hai chủ yếu là vở các môn học hiện tại, ngăn thứ ba (ngăn sâu nhất) là các loại giấy tờ, vở và bài thi cũ. Hầu hết đều là những thứ liên quan đến việc học hoặc tài liệu về đội bóng. Chẳng có thứ gì quan trọng. Nhật ký hay thư tay mà cô chờ đợi đều không có. Ngay cả một bức ảnh cũng không. Scheherazade thấy điều này hơi phi tự nhiên. Người này, ngoài việc học và bóng đá ra, lẽ nào không có hoạt động riêng tư gì sao? Hay mấy thứ đó bị giấu kín ở chỗ người khác không tìm thấy?
Mặc dù vậy, chỉ cần ngồi vào bàn học của cậu, lướt qua những dòng chữ cậu viết trong vở cũng khiến Scheherazade lâng lâng. Cứ thế này cô sẽ phát điên mất thôi. Để xoa dịu cơn hưng phấn, cô rời khỏi ghế, xuống ngồi ở sàn nhà. Cô nhìn lên trần nhà. Xung quanh vẫn yên ắng. Không một tiếng động. Cứ như vậy, cô đồng hóa bản thân vào cá mút đá dưới đáy hồ.
"Cô chỉ vào trong phòng cậu ta, sờ soạng mọi thứ rồi ngồi im như vậy thôi sao?" Habara hỏi.
"Không, không chỉ có vậy đâu." Scheherazade nói. "Tôi muốn có được thứ gì đó của cậu ta. Tôi muốn lấy về thứ mà cậu ta thường ngày vẫn dùng hoặc mang bên mình. Nhưng không được là thứ quan trọng. Nếu là thứ quan trọng, cậu ta sẽ phát hiện ngay là bị mất. Vì vậy tôi quyết định lấy trộm một chiếc bút chì."
"Chỉ một chiếc bút chì thôi?"
"Đúng thế. Chiếc bút chì đang dùng dở. Nhưng tôi nghĩ chỉ lấy trộm không thì không được. Làm thế thì đúng là lẻn vào ăn trộm còn gì. Ý nghĩa rằng tôi làm việc đó sẽ không còn nữa. Bởi suy cho cùng, tôi là 'đạo chích tình yêu' cơ mà."
Đạo chích tình yêu, Habara nghĩ. Nghe thật giống tiêu đề của một bộ phim câm.
"Vì thế, tôi định để lại thứ gì đó làm dấu ấn. Như một bằng chứng của việc tôi đã có mặt tại đấy. Như một lời tuyên bố rằng không phải tôi ăn cắp mà là trao đổi. Nhưng tôi không nghĩ ra được thứ gì thích hợp để để lại. Tôi tìm trong cặp và túi quần áo nhưng chẳng thấy thứ gì có thể để lại làm dấu. Lẽ ra tôi nên chuẩn bị trước nhưng trước đó tôi lại không nghĩ ra... Không còn cách nào khác, tôi đành để lại một miếng băng vệ sinh. Tất nhiên là miếng chưa dùng, vẫn còn nguyên trong bao. Tôi mang theo vì sắp đến ngày. Tôi đặt miếng băng vào ngăn kéo dưới cùng, tít tận bên trong, nơi khó tìm thấy nhất. Điều này khiến tôi vô cùng hưng phấn. Miếng băng vệ sinh của tôi lặng lẽ nằm trong ngăn kéo của cậu ấy. Có lẽ do hưng phấn quá nên liền sau đó tôi bị hành kinh."
Bút chì và băng vệ sinh, Habara nghĩ. Có lẽ gã nên viết như vậy vào nhật ký. "Đạo chích tình yêu, bút chì và băng vệ sinh." Chắc chắn không ai hiểu được đó là chuyện gì.
"Lần ấy tôi nghĩ tôi ở nhà cậu ta nhiều lắm cũng chỉ khoảng mười lăm phút. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi tự tiện vào nhà người khác, lúc nào cũng thấp thỏm sợ có người về bất thình lình nên không thể ở lại lâu. Tôi thăm dò động tĩnh rồi nhẹ nhàng ra khỏi nhà, khóa cửa, để chìa khóa lại dưới thảm. Sau đó tôi đến trường, cầm theo chiếc bút chì dùng dở của cậu ta."
Scheherazade im lặng một lúc. Như thể cô đang lần ngược thời gian, kiểm chứng lại từng thứ ở đó.
"Suốt một tuần sau, tôi sống trong cảm giác lâng lâng hạnh phúc chưa từng có." Scheherazade kể. "Tôi dùng bút chì của cậu ta viết bâng quơ vào vở. Tôi ngửi mùi của nó, hôn nó, áp nó lên má, mân mê nó bằng ngón tay. Thỉnh thoảng tôi còn lè lưỡi liếm nó nữa. Càng viết cây bút càng ngắn dần, tất nhiên là xót lắm nhưng tôi không thể không làm vậy. Nếu ngắn quá, không dùng được nữa thì đi lấy cây khác. Tôi đã nghĩ thế. Hộp đựng bút trên bàn học cậu ta vẫn còn đầy bút chì dùng dở. Thiếu một cây cậu ta cũng chẳng biết đâu. Có khi cậu ta cũng chưa biết miếng băng vệ sinh của tôi nằm trong góc ngăn kéo. Nghĩ thế, tôi thấy phấn khích vô cùng. Một cảm giác kỳ lạ, như kiểu rạo rực ở phần hông. Để chế ngự nó, tôi phải cho hai đầu gối dưới gầm bàn cọ vào nhau. Việc cậu ta không buồn để mắt tới tôi hay hầu như chẳng biết đến sự tồn tại của tôi không còn quan trọng nữa. Bởi tôi đang sở hữu một phần của cậu ta mà cậu ta không biết."
"Nghe cứ như nghi thức ma thuật." Habara nhận xét.
"Đúng thế, xét theo nghĩa nào đó thì giống với một hành vi ma thuật. Sau này, khi tình cờ đọc cuốn sách thể loại đó, tôi mới nhận ra. Chứ hồi đó tôi mới học cấp III, chưa nghĩ sâu xa đến thế. Chỉ là bị cuốn theo ham muốn thôi. Làm việc này có ngày tiêu đời chứ chẳng chơi. Lỡ bị bắt quả tang lúc đang lẻn vào nhà người khác thì sẽ bị nhà trường đuổi học, chuyện mà lan ra có khi còn chắng sống được ở thị trấn này nữa. Tôi đã tự răn mình rất nhiều lần như vậy. Nhưng không có kết quả. Tôi nghĩ đầu óc tôi không còn hoạt động bình thường."
Mười ngày sau, cô lại nghỉ học và đến nhà cậu ta. Mười một giờ trưa. Giống như lần trước, cô lấy chìa khóa dưới tấm thảm ở thềm cửa để vào nhà. Sau đó cô lên tầng hai. Phòng cậu ta vẫn ngăn nắp đến từng ly, giường nệm gọn gàng đâu ra đấy. Trước tiên, Scheherazade lấy một cây bút chì dài đang dùng dở, cẩn thận cho vào hộp bút của mình. Tiếp theo, cô rón rén thử nằm lên giường của cậu ta. Cô chỉnh lại gấu váy, đặt hai tay lên ngực, mắt ngước nhìn trần nhà. Hằng đêm cậu ta ngủ trên chiếc giường này. Nghĩ thế, tim cô đập nhanh hơn, nhịp thở không còn bình thưòng nữa. Không khí không vào được đến phổi. Cổ họng khô khốc, mỗi lần thở là đau.
Scheherazade bỏ cuộc, rời khỏi giường, kéo lại ga trải cho phẳng rồi lại ngồi xuống sàn nhà giống như lần trước. Sau đó cô nhìn lên trần nhà. Cô tự nhủ vẫn còn quá sớm để nằm lên giường. Sức kích thích của nó quá mạnh.
Lần này, Scheherazade ở lại trong phòng khoảng nửa tiếng. Cô lấy từ ngăn kéo vở của cậu ta và xem hết một lượt. Cô đọc cả đoạn cảm tưởng về cuốn sách đã đọc của cậu ta. Đó là đoạn viết về cuốn Tâm của Natsume Soseki. Bài tập trong kỳ nghỉ hè. Quả là một học sinh xuất sắc, các nét chữ nắn nót, đều đặn được viết trên giấy kẻ ô, không sai hay thiếu một chữ nào. Bài được đánh giá là "Giỏi". Đương nhiên rồi. Viết đẹp thế này thì thầy cô nào chẳng muốn cho điểm "Giỏi" kể cả chưa đọc nội dung.
Sau đó Scheherazade mở ngăn kéo tủ quần áo, lần lượt xem từng thứ bên trong. Đồ lót và tất. Áo sơ mi, quần. Đồ đá bóng. Tất cả đều được gấp cẩn thận, gọn ghẽ. Không có bất cứ thứ nào còn dây bẩn hay sờn rách.
Tất cả đều được quản lý ngăn nắp. Cậu ta tự gấp chăng? Hay là mẹ cậu ta gấp? Chắc là mẹ thôi. Cô cảm thấy ghen tị với bà mẹ có thể làm việc đó hằng ngày cho cậu ta.
Scheherazade gí cả mũi vào ngăn kéo, hít hà từng cái quần cái áo. Cô ngửi thấy mùi quần áo được giặt kỹ, phơi khô dưới nắng. Cô lấy một chiếc áo phông vải trơn màu xám, trải rộng ra và áp mặt vào đó. Không biết dưới nách áo có mùi mồ hôi của cậu ta không. Không có. Mặc dù vậy, cô vẫn áp mặt vào áo, hít hà một lúc lâu. Cô muốn có chiếc áo đó. Nhưng như thế quá nguy hiểm. Quần áo được sắp xếp, quản lý cẩn thận thế này cơ mà. Hẳn là cậu ta (hoặc mẹ cậu ta) nhớ được cả số áo phông có trong ngăn kéo. Thiếu một chiếc thôi chắc cũng thành to chuyện.
Rốt cuộc Scheherazade từ bỏ ý định cầm chiếc áo về. Cô gấp lại đẹp như cũ rồi để vào ngăn kéo. Phải rất cẩn trọng. Không được mạo hiểm. Lần này, ngoài bút chì, Scheherazade quyết định lấy thêm một chiếc huy hiệu có khắc hình quả bóng cô tìm được trong góc ngăn kéo. Hình như của đội bóng thiếu nhi cậu ta tham gia hồi cấp I. Chiếc huy hiệu đã cũ, có vẻ không quan trọng mấy. Có mất chắc cậu ta cũng không phát hiện ra. Hoặc cũng phải mất thời gian để phát hiện ra. Tiện thể, cô kiểm tra xem miếng băng vệ sinh lần trước cô giấu trong góc ngăn kéo dưới cùng có còn không. Nó vẫn nằm đó.
Scheherazade thử tưởng tượng bà mẹ sẽ thế nào khi phát hiện có miếng băng vệ sinh giấu trong góc ngăn kéo của cậu con trai. Bà sẽ nghĩ gì khi trông thấy nó? Bà sẽ trực tiếp tra hỏi thằng con? Bắt nó khai ra lý do tại sao lại có đồ vệ sinh phụ nữ. Hoặc có thể, bà sẽ giữ trong lòng cùng với những suy luận đen tối. Scheherazade không đoán được bà mẹ sẽ hành động thế nào trong trường hợp này. Nhưng tạm thời cô cứ để nguyên miếng băng vệ sinh tại đó. Nói gì thì nói, đó cũng là dấu ấn đầu tiên cô để lại.
Lần này, Scheherazade để lại ba sợi tóc của mình làm dấu ấn thứ hai. Tối hôm trước cô nhổ ba sợi tóc, gói lại bằng màng ni lông bọc thức ăn rồi cho vào chiếc phong bì nhỏ. Cô lấy từ trong cặp chiếc phong bì được chuẩn bị sẵn, kẹp vào một cuốn vở toán cũ trong ngăn kéo. Đó là ba sợi tóc đen, thẳng, không dài cũng không ngắn. Nếu không kiểm tra DNA thì không thể biết là của ai. Tuy nhiên, chỉ cần nhìn cũng biết là tóc con gái.
Cô ra khỏi nhà, đi thẳng đến trường, tham dự tiết học buổi chiều. Mười ngày tiếp theo cô lại sống trong cảm giác lâng lâng hạnh phúc. Cô cảm thấy như nhiều phần của cậu ta đã trở thành của cô. Nhưng đương nhiên câu chuyện không dễ dàng kết thúc ở đó. Việc lẻn vào nhà người khác, như Scheherazade đã chỉ ra, rất dễ thành tật.
Kể đến đó, Scheherazade nhìn đồng hồ ở đầu giường. Rồi cô nói như nhắc nhở bản thân: "Chà, sắp phải đi rồi." Sau đó cô một mình ra khỏi giường, bắt đầu mặc quần áo. Con số trên đồng hồ thông báo bây giờ là bốn giờ ba mươi hai phút. Cô mặc vào người chiếc quần lót trắng tiện dụng hầu như không có trang trí, cài khuy sau của áo lót, nhanh nhẹn xỏ chân vào quần bò, trùm chiếc áo len màu xanh đậm có biểu tuợng hãng Nike qua đầu. Cô dùng xà phòng ở bồn rửa, rửa tay cẩn thận, sau khi dùng lược chải qua mái tóc, cô rời đi bằng chiếc xe Mazda màu xanh dương.
Còn lại một mình, chẳng nghĩ ra việc gì để làm, Habara nhẩm lại trong đầu từng chi tiết câu chuyện cô kể cho gã lúc ở trên giường hệt như con bò nhai lại thức ăn. Diễn biến tiếp theo của câu chuyện sẽ thế nào - giống như phần lớn các câu chuyện khác của cô - gã không tài nào đoán nổi. Thậm chí hồi lớp Mười một, Scheherazade trông ra sao gã cũng chịu, chẳng thể hình dung. Hồi đấy chắc thân hình cô vẫn còn thanh mảnh lắm? Mặc đồng phục, đi tất trắng và tết tóc hai bên?
Vì chưa muốn ăn nên trước khi chuẩn bị nấu ăn, gã định đọc nốt cuốn sách đang đọc dở, tuy nhiên đầu óc gã không tài nào tập trung được. Hình ảnh Scheherazade bí mật lẻn vào ngôi nhà hai tầng hay úp chiếc áo của cậu bạn cùng lớp lên mặt, hít hà nó cứ hiện lên trong đầu gã. Habara nóng lòng muốn nghe phần sau của câu chuyện.
Lần đến "Nhà" tiếp theo của Scheherazade là ba hôm sau, tính cả cuối tuần. Như mọi bận, cô sắp xếp thức ăn mang đến trong chiếc túi giấy to, kiểm tra hạn sử dụng, đổi lại thứ tự các thứ trong tủ lạnh, kiểm tra số lượng còn lại của đồ hộp, đồ đóng chai, xem các loại gia vị còn bao nhiêu, lên danh sách cho lần mua sắm tới. Cô cho vào tủ lạnh chai Perrier mới. Sau đó cô đặt sách và đĩa DVD mới mang đến lên chồng có sẵn trên bàn.
"Cậu có thiếu hay cần cái gì không?"
"Tôi chưa nghĩ ra." Habara đáp.
Tiếp đến, như mọi bận, hai người vào giường và làm tình. Sau màn vuốt ve dạo đầu, gã đeo bao cao su và đi vào trong cô (dựa trên quan điểm y học, cô yêu cầu gã phải đeo bao cao su từ đầu đến cuối), sau khoảng thời gian cần thiết, gã phóng tinh. Hành động này không hẳn mang tính nghĩa vụ nhưng cũng không hẳn là có tình cảm bên trong, về cơ bản, dường như cô luôn đề cao cảnh giác với sự nhiệt thành thái quá của hành vi này. Giống như thầy giáo ở trường dạy lái xe không bao giờ mong học sinh sẽ nhiệt thành thái quá trong lúc lái xe.
Sau khi dùng con mắt nghiệp vụ để xác nhận Habara đã phóng chính xác lượng tinh dịch cần thiết vào bên trong bao cao su, Scheherazade bắt đầu kể chuyện.
Sau lần đột nhập thứ hai, cô lại có mười ngày lâng lâng trong hạnh phúc. Cô giấu chiếc huy hiệu bóng đá vào chiếc hộp đựng bút. Thỉnh thoảng trong giờ học cô lại dùng ngón tay mân mê nó. Cô khẽ gặm chiếc bút chì rồi liếm ruột của nó. Cô nghĩ tới căn phòng của cậu ta. Tới bàn học của cậu, chiếc giường cậu ngủ, chiếc tủ chất đầy quần áo, những quần lót trắng giản dị, miếng băng vệ sinh và ba sợi tóc của mình đang nằm trong ngăn kéo bàn học của cậu ta.
Kể từ khi đột nhập vào nhà cậu ta, cô gần như bỏ bê việc học. Trong giờ học, hoặc là cô đắm đuối với giấc mộng hão huyền, hoặc là say sưa mân mê chiếc bút chì và huy hiệu. Về nhà cô cũng không có hứng thú làm bài tập được giao. Thành tích học tập của Scheherazade vốn không tệ. Tuy không phải đứng đầu lớp nhưng cô thuộc dạng chăm chỉ, điểm lúc nào cũng trên trung bình. Vì vậy, khi cô bị gọi và hầu như không trả lời được trong giờ học, các thầy cô thấy lạ hơn là tức giận. Có lần vào giờ giải lao, cô bị gọi lên phòng giáo viên và hỏi: "Em làm sao thế? Em đang lo lắng chuyện gì à?" Nhưng cô không thể đáp một cách rành rọt. Cô chỉ ấp úng rằng dạo này không được khỏe... Lẽ dĩ nhiên, cô không thể nói rằng thật ra em đang thích một bạn, thỉnh thoảng ban ngày em lẻn vào nhà bạn ấy, ăn cắp bút chì, huy hiệu rồi say sưa nghịch chúng. Rằng em không thể nghĩ tới gì khác ngoài bạn ấy. Đó là bí mật đen tối, nặng nề mà cô chỉ còn cách chôn chặt trong lòng.
"Thế rồi tôi không thể không lẻn vào nhà cậu ta thường xuyên." Scheherazade nói. "Anh biết đấy, làm thế rất nguy hiểm. Đâu thể tiếp tục trò đi trên dây mãi như thế được. Bản thân tôi cũng hiểu rất rõ. Sẽ có lúc bị ai đó phát hiện, rồi chắc chắn sẽ bị báo cảnh sát. Nghĩ đến đó, tôi không khỏi lo lắng. Nhưng làm sao có thể ngăn bánh xe đã bắt đầu lao dốc. Mười ngày sau 'chuyến viếng thăm' lần thứ hai, chân tôi lại tự động mò đến nhà cậu ta. Không làm thế, tôi sẽ phát điên mất. Nhưng giờ nghĩ lại có lẽ lúc đó tôi đã hơi điên thật rồi."
"Thỉnh thoảng nghỉ học như vậy mà không bị sao à?" Habara hỏi.
"Bố mẹ tôi buôn bán nên công việc khá bận, hầu như chẳng bao giờ để ý đến tôi. Tôi chưa từng gây chuyện, ngoài mặt cũng chưa bao giờ làm trái ý bố mẹ. Vì vậy bố mẹ tôi nghĩ cứ để mặc vậy cũng không sao. Đơn xin phép thì tôi có thể làm giả ngon lành. Tôi bắt chước nét chữ của mẹ, ghi ngắn gọn lý do xin nghỉ, ký tên, đóng dấu. Tôi cũng nói trước với cô chủ nhiệm là tôi có bệnh trong người, thỉnh thoảng phải nghỉ nửa buổi học để đến bệnh viện. Trong lớp có mấy đứa nghỉ học thường xuyên, các thầy cô còn bận đau đầu với chúng nó nên thi thoảng tôi nghỉ cũng chẳng ai quan tâm."
Scheherazade liếc chiếc đồng hồ kỹ thuật số ở đầu giường. Sau đó, cô tiếp tục câu chuyện.
"Tôi lại lấy chìa khóa dưới thảm, mở cửa vào nhà. Trong nhà, như mọi khi, không, còn hơn mọi khi, im phăng phắc. Tiếng bộ ổn nhiệt tủ lạnh để trong bếp lúc ngắt lúc chạy nghe như tiếng thở dài của con mãnh thú khiến tôi giật mình thon thót. Sau đó giữa chừng còn có tiếng chuông điện thoại. Âm thanh chát chúa vang vọng khắp căn nhà, tim tôi gần như ngừng đập. Mồ hôi túa ra khắp người. Điện thoại đó đương nhiên là không có ai nhấc, sau khoảng mười hồi thì chuông tắt. Chuông tắt, sự im lặng trở nên sâu thẳm hơn trước."
Hôm ấy Scheherazade nằm ngửa trên giường cậu ta suốt một lúc lâu. Lần này trống ngực cô không còn đập dồn dập như trước, hơi thở vẫn bình thường. Cô còn thấy như mình được ngủ chung, bên cạnh là cậu ta đang yên giấc.
Chỉ cần khẽ vươn tay, đầu ngón tay cô sẽ chạm vào bộ ngực săn chắc đó. Nhưng tất nhiên, trên thực tế, cậu ta không ở bên cạnh. Chỉ là cô đang ở trong đám mây của giấc mơ ban ngày.
Sau đó Scheherazade bỗng muốn ngửi mùi của cậu ta. Cô rời khỏi giường, mở ngăn kéo tủ quần áo tìm áo của cậu ta. Chiếc nào chiếc nấy đều được giặt sạch sẽ, phơi dưới nắng và cuộn tròn đẹp chẳng khác gì bánh cuộn. Mọi vết bẩn đều được giặt sạch, mùi được khử hết. Vẫn giống như lần trước.
Cô chợt nảy ra một ý. Có vẻ là khả thi. Cô vội chạy xuống tầng dưới. Cô tìm thấy giỏ đựng đồ giặt ở phòng thay quần áo trong nhà tắm, và mở nắp lên. Trong giỏ có đồ giặt của cậu, mẹ cậu và em gái cậu. Có lẽ là đồ của một ngày. Scheherazade tìm thấy một chiếc áo nam trong giỏ. Một chiếc áo phông màu trắng, cổ tròn, hiệu BVD. Cô ngửi thử chiếc áo. Mùi mồ hôi của cậu trai trẻ không lệch đi đâu được. Mùi cơ thể ẩm mốc - cô đã từng ngửi thấy mùi giống thế này khi đứng gần mấy đứa con trai cùng lớp. Không phải mùi khiến ta thấy vui vẻ. Nhưng thứ đó của cậu ta lại khiến Scheherazade cảm thấy hạnh phúc vô bờ. Vừa áp mặt vào vùng dưới nách và hít hà mùi ở đó, cô như thấy mình được bao bọc trong cơ thể cậu, được vòng tay cậu siết chặt.
Scheherazade cầm chiếc áo lên tầng hai, lại nằm trên giường của cậu ta. Cô vùi mặt vào chiếc áo, tiếp tục ngửi mùi mồ hôi không biết chán. Rồi cô có cảm giác vùng hông mỏi rã rời. Cả cảm giác bầu ngực căng lên nữa. Cô sắp có kinh chăng? Không, không thể có chuyện đó. Vẫn còn quá sớm. Cô đoán có lẽ là do cơn ham muốn. Cô không biết làm thế nào để đối phó với nó, xử lý nó. Nói cách khác, ít nhất là cô chẳng thể làm gì ở một nơi thể này. Bởi cô đang ở trên giường của cậu ta, trong phòng của cậu ta.
Scheherazade quyết định cầm chiếc áo đẫm mồ hôi đó về. Tất nhiên việc này rất nguy hiểm. Thế nào bà mẹ cũng phát hiện ra bị mất một chiếc áo. Dù không nghĩ là có người lấy trộm chiếc áo nhưng chắc chắn bà sẽ nghiêng đầu thắc mắc không biết là mất đi đâu. Nhà cửa gọn gàng, sạch sẽ thế này thì chắc bà mẹ phải là người cuồng dọn dẹp. Không thấy cái gì là sẽ lùng sục khắp nhà để tìm. Hệt như con chó nghiệp vụ đã trải qua kỳ huấn luyện nghiêm khắc. Rất có thể bà sẽ tìm thấy vài dấu vết Scheherazade để lại trong phòng cậu con trai yêu quý. Biết là thế nhưng cô không muốn rời chiếc áo. Lý trí không thuyết phục nổi con tim.
Scheherazade nghĩ xem không biết nên đặt lại cái gì. Cô nghĩ tới việc để lại quần lót đang mặc. Một chiếc quần giản dị, rất đỗi bình thường, còn khá mới, vừa thay sáng nay. Chỉ cần giấu nó vào góc tủ. Cô thấy nó thực sự thích hợp để làm vật trao đổi. Nhưng khi cởi ra, cô phát hiện phần đũng quần hơi ẩm và ấm. Tại ham muốn đây, cô nghĩ. Cô ngửi thử nhưng không thấy có mùi. Tuy vậy, không thể để lại phòng cậu ta thứ bị vấy bẩn bởi ham muốn thế này được. Làm thế là cô tự hạ thấp bản thân. Cô mặc lại quần, quyết định để lại thứ khác. Để thứ gì bây giờ?
Kể đến đó, Scheherazade im lặng. Cô không nói câu nào suốt một lúc lâu. Cô nhắm mắt, nhẹ nhàng hít thở bằng mũi. Habara cũng im lặng, nằm cạnh cô, đợi cô lên tiếng.
"Habara này." Scheherazade mở mắt, nói. Đây là lần đầu tiên cô gọi tên Habara.
Habara nhìn vào mặt cô.
"Habara này, anh làm thêm lần nữa với tôi được không?" Cô hỏi.
"Tôi nghĩ là được." Habara đáp.
Hai người làm tình thêm một lần nữa. Trạng thái cơ thể của Scheherazade khác nhiều so với lúc trước. Mềm mại, sâu và ướt đến tận trong. Làn da cũng trơn và căng hơn. Habara đoán có lẽ cô đang hồi tưởng một cách sinh động và chân thực trải nghiệm lúc lẻn vào nhà cậu bạn cùng lớp. Nghĩa là, cô đang thực sự quay ngược lại thời gian, trở về lúc cô mười bảy tuổi. Giống như việc dịch chuyển về kiếp trước. Scheherazade có khả năng làm việc đó. Có thể truyền sức mạnh của thuật kể chuyện tài tình lên chính bản thân cô. Giống như nhà thôi miên dùng gương để tự thôi miên.
Hai người trải qua một cuộc giao hoan mãnh liệt chưa từng có. Lâu và nồng nhiệt. Đến cuối, cô đạt được đỉnh rõ ràng. Cơ thể co giật mấy lần. Cả nét mặt Scheherazade lúc ấy dường như cũng đột nhiên thay đổi. Gã có thể hình dung Scheherazade lúc mười bảy tuổi, tựa như khung cảnh ấy vừa lướt qua một cái khe hẹp trong chớp mắt. Gã đang làm tình với một thiếu nữ mười bảy tuổi đang gặp rắc rối tình cờ bị mắc kẹt trong hình hài của một bà nội trợ bình thường ba mươi lăm tuổi. Habara biết rõ điều đó. Trong hình hài đó, cô nhắm mắt, cơ thể khẽ co giật, hít lấy hít để chiếc áo nam đẫm mồ hôi.
Làm tình xong, Scheherazade không kể thêm gì nữa. Cô cũng không kiểm tra bao cao su của Habara như mọi khi. Hai người im lặng nằm cạnh nhau. Cô mở to mắt, nhìn thẳng lên trần nhà. Như thể con cá mút đá đang ngước nhìn mặt nước sáng từ dưới đáy hồ. Lúc ấy Habara đã nghĩ, giá như gã đang ở thế giới khác, một thời gian khác, được làm cá mút đá - một con cá mút đá vô danh chứ không phải con người được hạn định bằng cái tên Habara Nobuyuki này. Scheherazade và Habara, cả hai đều là cá mút đá, bám vào đá bằng giác mút, ngẩng nhìn lên mặt nước trong lúc dập dờn theo dòng chảy, chờ đợi những con cá hương to béo, kiêu ngạo bơi qua.
"Rốt cuộc cô để lại thứ gì thay thế cho áo của cậu ta?" Habara hỏi, phá vỡ sự im lặng.
Cô lại chìm vào im lặng thêm một lúc nữa. Sau đó cô nói.
"Rốt cuộc tôi chẳng để lại thứ gì cả. Vì tôi chẳng có thứ gì có thể để lại, chẳng có thứ gi tương xứng với chiếc áo có mùi của cậu ta. Tôi chỉ lặng lẽ cầm chiếc áo đó về. Thời điểm ấy, tôi đã trở thành một tên trộm đúng nghĩa."
Mười hai ngày sau, khi Scheherazade đến nhà cậu ta lần thứ tư, khóa ngoài cửa trước đã được thay mới. Dưới ánh nắng mặt trời lúc gần chính ngọ, chiếc khóa lấp lánh ánh vàng trông thật hiên ngang và kiên cố. Bên dưới thảm trước thềm cũng không có chìa khóa. Có lẽ việc chiếc áo lót của cậu con trai trong giỏ bị mất khiến bà mẹ nảy sinh nghi ngờ. Bằng con mắt tinh tường, bà đã tìm kiếm khắp nơi và phát hiện ra trong nhà có gì đó khác lạ. Hình như ai đó đã lẻn vào nhà lúc mọi người đi vắng. Khóa cửa trước ngay lập tức được thay mới. Phán đoán của bà thật chính xác, hành động của bà thật mau lẹ.
Đương nhiên, khi thấy khóa của trước được thay mới, Scheherazade vô cùng thất vọng, nhưng đồng thời cô cũng nhẹ cả người. Cảm giác giống như có ai đó đến đằng sau, giúp cô trút được gánh nặng trên vai. Vậy là mình không cần phải lẻn vào ngôi nhà đó nữa, cô nghĩ. Nếu khóa cửa không được thay, chắc chắn cô sẽ còn tiếp tục đột nhập vào nhà đó không biết đến bao giờ, mức độ sẽ ngày càng nặng hơn qua từng lần. Sớm hay muộn cũng đến hồi kết thúc. Có thể ai đó trong nhà có việc, đột ngột quay về lúc cô đang ở tầng hai. Nếu chuyện đó xảy ra, cô không có nơi nào để trốn. Cũng chẳng có lời nào để biện hộ. Chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra. Vậy là cô đã tránh được một tình huống gây hủy hoại. Có lẽ cô nên cảm ơn bà mẹ có cặp mắt sắc như diều hâu của cậu ta, dù cô chưa gặp bà lần nào.
Tối nào truớc khi đi ngủ Scheherazade cũng hít hà chiếc áo cô lấy về. Cô đặt nó bên cạnh lúc ngủ. Khi đến trường, cô bọc nó vào một tờ giấy và giấu ở nơi không bị tìm thấy. Ăn tối xong, lúc ở một mình trong phòng, cô lấy nó ra, vuốt ve, đưa lên mũi ngủi. Cô lo mùi ở áo sẽ dần bay mất, nhưng không. Mùi mồ hôi của cậu ta, giống như phần ký ức quan trọng không bao giò phai mờ, vẫn còn mãi ở đó.
Cứ nghĩ từ giờ không thể lẻn (không cần lẻn) vào nhà cậu ta nữa, đầu óc Scheherazade dần trở lại bình thường, dù hơi chậm. Nhận thức cũng hoạt động lại như cũ. Việc mơ mộng trong giờ học giảm bớt, lời giảng của giáo viên bắt đầu lọt vào tai dù chỉ mới một phần. Tuy nhiên trong giờ học, cô vẫn tập trung theo dõi nhất cử nhất động của cậu ta hơn là lắng nghe lời giảng của giáo viên. Mắt chăm chú quan sát xem cậu ta có hành động gì bất thường hoặc có tỏ ra bồn chồn không. Nhưng hành dộng của cậu không có gì khác với mọi khi. Cậu ta vẫn ngoác mồm cười sảng khoái, vẫn trả lời chính xác, dõng dạc khi bị giáo viên hỏi, vẫn say sưa tập luyện với đội bóng sau giờ học. Hò hét, mồ hôi vã ra như tắm. Cô không thấy có biểu hiện thay đổi gì ở cậu. Thật là một người chỉn chu hết mực, cô thầm khâm phục. Không chút ám muội.
Nhưng mình biết phần ám muội của cậu ta, Scheherazade nghĩ. Hoặc là thứ gần với ám muội. Thứ mà có lẽ không ai biết. Chỉ mình cô biết (hoặc có thể bà mẹ cũng biết). Ở lần đột nhập thứ ba, cô tìm thấy vài tạp chí khiêu dâm được giấu tinh vi trong góc tủ quần áo. Trong tạp chí có nhiều ảnh phụ nữ khỏa thân. Các cô gái giạng chân, táo bạo khoe ra vùng kín. Còn có cả ảnh nam nữ đang làm tình. Một tư thế làm tình rất phi tự nhiên. Dương vật trông như cái gậy chọc thẳng vào bên trong cô gái. Lần đầu tiên trong đời Scheherazade trông thấy một bức ảnh như vậy. Scheherazade ngồi vào bàn học của cậu ta, lật từng trang tạp chí, tò mò ngắm từng bức ảnh. Cô hình dung cậu ta vừa xem những bức ảnh này vừa thủ dâm. Tuy nhiên điều này lại không khiến cô thấy khó chịu. Cô cũng chẳng thấy thất vọng trước bộ mặt thật mà cậu ta che giấu. Cô hiểu đây là sự vận hành tự nhiên. Tinh dịch được sản xuất ra bắt buộc phải phóng đi đâu đó. Cơ thể đàn ông được cấu tạo như vậy (gần giống như việc phụ nữ có kinh nguyệt). Theo nghĩa đó thì cậu ta chẳng qua cũng chỉ là một thanh niên mười bảy, mười tám bình thường. Chẳng phải anh hùng chính nghĩa hay thánh nhân gì. Biết điều đó, thậm chí Scheherazade còn cảm thấy nhẹ nhõm.
"Một thời gian sau khi không đột nhập vào nhà cậu ta nữa, sự ngưỡng mộ dành cho cậu tuy vẫn còn nhưng đã nhạt đi ít nhiều. Giống như thủy triều rút dần khỏi bờ biển cạn. Tôi không biết tại sao nhưng tôi không nhiệt tỉnh ngửi áo cậu ta như trước, số lần say sưa vuốt ve bút chì hay huy hiệu cũng giảm đi. Giống như qua được cơn sốt, sự nồng nhiệt nguội lạnh dần. Đó không phải thứ giống như bị bệnh, mà là bệnh thật. Trong một thời gian, căn bệnh ấy với mức nhiệt cao đã khiến đầu óc tôi bấn loạn. Có lẽ ai cũng trải qua thời kỳ điên dại như vậy một lần trong đời. Hoặc có thể chuyện đó chỉ xảy ra với một mình tôi. Một sự kiện đặc biệt. Này, cậu đã như thế bao giờ chưa?"
Habara thử nghĩ nhưng gã không nghĩ ra. "Tôi nghĩ là mình không có sự kiện nào đặc biệt như thế." Gã nói.
Nghe vậy, Scheherazade có vẻ hơi thất vọng. "Tóm lại là sau khi tốt nghiệp cấp III, tôi cũng dần quên cậu ta. Quên hẳn luôn, đến nỗi chính tôi cũng thấy lạ. Thậm chí tôi gần như không nhớ được mình đã si mê điểm gì ở cậu ta hồi mười bảy tuổi. Cuộc đời thật kỳ lạ. Thứ ta từng nghĩ là lung linh, là tuyệt đối, từng nghĩ có thể từ bỏ tất cả để đạt được nó thì khi thời gian trôi qua, hay khi nhìn ở một góc khác, thứ đó bỗng trớ nên nhạt nhẽo đến kinh ngạc. Tôi không hiểu hồi ấy mắt tôi đã nhìn thấy cái gì nữa. Đó là chuyện 'thời đạo chích' của tôi."
Nghe có gì đó giống với "thời kỳ xanh" của Picasso. Nhưng Habara hiểu rõ điều cô muốn nói.
Cô nhìn vào chiếc đồng hồ kỹ thuật số ở đầu giường. Sắp đến giờ cô phải về. Cô giữ một khoảng lặng đầy ẩn ý. Sau đó nói.
"Thật ra, câu chuyện chưa kết thúc đâu. Khoảng bốn năm sau, khi đang học năm thứ hai ở trường điều dưỡng, tôi gặp lại cậu ta trong một cuộc hội ngộ kỳ lạ. Mẹ cậu ta cũng xuất hiện với vai trò quan trọng, chuyện này cũng có hơi hướng ma quái. Tôi không chắc cậu sẽ tin tôi nhưng cậu muốn nghe chuyện đó không?"
"Rất muốn." Habara đáp.
"Vậy để lần sau nhé." Scheherazade nói. "Kể bây giờ thì dài lắm, tôi còn phải về nấu cơm."
Cô ra khỏi giường, mặc quần lót, đi tất, mặc áo hai dây, váy, áo sơ mi. Nằm trên giường, Habara lơ đãng ngắm chuỗi hành động đó. Gã nghĩ, có lẽ động tác cô mặc quần áo lên người thú vị hơn động tác lúc cô cởi chúng.
"Có quyển sách nào cậu muốn đọc không?" Scheherazade hỏi khi chuẩn bị ra khỏi nhà. Habara đáp là không. Tôi chỉ muốn nghe phần tiếp theo của câu chuyện thôi, gã nghĩ trong đầu như vậy nhưng không nói ra. Bởi gã có cảm giác, nếu nói ra, gã sẽ không bao giờ được nghe phần tiếp theo nữa.
Tối hôm ấy, Habara lên giường từ sớm và nghĩ về Scheherazade. Lẽ nào cô sẽ không bao giờ xuất hiện nữa? Gã linh cảm thấy điều đó. Điều này không phải không thể xảy ra. Giữa Scheherazade và gã chẳng tồn tại một thỏa thuận cá nhân nào. Đó chỉ là mối quan hệ được ai đó sắp xếp một cách ngẫu nhiên, có thể bị tước đi bất cứ lúc nào theo cảm hứng của người đó. Nói cách khác, đó là sự ràng buộc được kết nối bằng một sợi chỉ mỏng. Một lúc nào đó, mà không, chắc chắn đến một lúc nào đó, nó sẽ kết thúc. Sợi chỉ sẽ đứt. Chỉ là sớm hay muộn thôi. Nếu Scheherazade biến mất, Habara sẽ không còn được nghe chuyện của cô nữa. Mạch chuyện bị ngắt, những câu chuyện kỳ lạ, bí ấn lẽ ra được kể cứ thế biến mất mà không bao giờ được kế.
Hoặc có thể gã sẽ mất hoàn toàn tự do, kết quả là không chỉ mình Scheherazade mà mọi phụ nữ đều xa lánh gã. Khả năng đó cũng rất cao. Nếu vậy, gã không bao giờ còn được đi vào tận cùng cơ thể ẩm ướt của họ nữa. Cũng không còn cảm nhận được những rung chấn kỳ lạ trong cơ thể ấy. Nhưng với Habara, điều đau đớn nhất không phải là mất đi hành vi tình dục nêu trên mà là việc gã không thể chia sẻ khoảng thời gian thân mật với họ được nữa. Việc mất cô ấy, rốt cuộc sẽ dẫn đến chuyện như vậy. Thứ mà những người phụ nữ mang lại cho gã là khoảng thời gian được hòa vào hiện thực nhưng đồng thời lại vô hiệu hóa hiện thực. Và Scheherazade đã cho gã ở mức thừa thãi, phải nói là vô tận thứ đó. Việc một lúc nào đó sẽ buộc phải mất đi điều này có lẽ khiến gã đau buồn hơn hết thảy.
Habara nhắm mắt, từ bỏ việc nghĩ đến Scheherazade. Gã tưởng tượng tới đàn cá mút đá. Những con cá không có hàm, bám vào đá, bơi dập dờn lẫn vào đám thủy sinh. Gã trở thành một trong số chúng, đợi cá hương tới. Nhưng đợi bao lâu cũng không thấy con cá hương nào bơi qua. Chẳng có con nào, cả con gầy lẫn con béo. Mặt trời lặn, xung quanh chìm trong bóng tối sâu thẳm.
Chú thích
(1) Một loại nước khoáng đóng chai.
Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà - Haruki Murakami Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà