There are very few people who are not ashamed of having been in love when they no longer love each other.

Francois

 
 
 
 
 
Tác giả: Hồ Anh Thái
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Lê Nhật Minh
Upload bìa: Lê Nhật Minh
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2458 / 125
Cập nhật: 2016-07-14 05:28:06 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
Ông phải cầm lái trên suốt chặng đường còn lại. Đã gần đi hết miền Trung. Đã gần ra đến đất Bắc. Gã thoát hồn bỗng dưng biến mất. Không một lời xin phép hay nhắn gửi gì lại. Cả đoàn vào ăn tối trong một cái quán bên đường, lúc trở ra thì ông cứ thế ngồi vào ghế lái. Trước khi vào quán ông cũng đã lái cho nên bây giờ chỉ là lái tiếp. Ông tưởng gã đã chui xuống hàng ghế cuối và lăn ra ngủ. Lại khoanh tròn như một thân xác bỏ lại đấy khi cái hồn đã thoát lên bay lượn trên không trung.
Nhưng đến khi dừng lại để nghỉ đêm ở một thị trấn, ông biết rằng gã đã biến mất. Có thể gã đã xong việc của gã. Tiền trả lại cho ai thì đã trả xong. Trả xong rồi thì không còn chuyện gì để mà vừa lái vừa kể nữa. Không còn chuyện để kể, gã chỉ có thể lăn ra ngủ. Phải ngủ co quắp trên xe chỉ là chuyện cực chẳng đã. Bây giờ gã đã xuống và có thể ngủ duỗi chân duỗi tay trong một nhà nghỉ nào đó. Cũng có thể gã đã về đến nhà và cũng được ngủ duỗi chân duỗi tay.
Ngủ, gã như một kẻ thoát hồn. Biến, gã như một con ma. Đến rón rén. Ra đi nhẹ nhàng. Không dùng đến cái mà con người dùng rất nhiều, dùng thừa thãi, đấy là ngôn từ lời nói. Khởi thủy là lời. Chung cuộc cũng là lời. Giữa hai đầu ấy thì đầy những lời. Gã chọn cách ngủ thật nhiều để bớt lời.
Đến thị xã của cô xuất khẩu lao động, ông tìm ra được người xưa. Không nghĩ là dễ dàng đến thế. Kể cũng ba mươi sáu năm rồi, cô đi lao động tận bên Đông Âu, biết có quay về hay vẫn ở bên ấy. Nhưng hóa ra là cô đã quay về. Vẫn ở trên đúng mảnh đất ngày trước, chỉ khác ngôi nhà ngói gạch mộc bây giờ đã được xây lên kiên cố năm tầng. Cái làng của cô cũng không còn thuần là làng nữa. Đường làng đã bê tông hóa. Ao hồ lấp hết. Ruộng không còn là ruộng mà biến thành nhà. Vườn cây cũng biến mất. Đất không hề sinh sôi mà người cứ sinh sản như sâu bướm mùa xuân. Trong vài ba chục năm, một gia đình có mấy đứa con lớn lên lấy vợ lấy chồng, phải cắt vườn cắt đất cho chúng xây nhà. Một gia đình sinh ra bốn năm gia đình mới. Đất thành nhà thành chỗ ở, đâu còn đất vườn, đâu còn ao chuôm nữa. Cái làng lơ thơ cây cối, chia thành đường thành sá, cái làng không còn không khí làng quê mà dở tỉnh dở quê.
Nhà của cô trở thành một cửa hàng quần áo. Hàng Tàu rẻ tiền là chính. Thêm một ít hàng đắt tiền hơn của Quảng Châu Thượng Hải. Hàng may mặc Việt Nam chất lượng cao giá cũng cao hơn được bán chen lẫn. Cô bảo nhiều cửa hàng nó lấy đồ Tàu về, nó dán mác hàng Việt vào để bán đắt cho khách, nhưng em không làm thế được.
Cô, bây giờ phải gọi là bà mới đúng. Gần bốn chục năm, khó còn nét gì của cái cô khoác trên người năm cái áo bò, ba cái quần bò, năm cái áo phông, ba cái xi líp. Thoát được mắt hải quan cái nào là thêm nguồn sống cho gia đình cái ấy. Ông nhớ đêm ấy ông đã bắt cô ta ních đủ bằng ấy thứ chật cứng trên người mà tập đi duyệt đội ngũ trong nhà cho thuần thục. Một hai, một hai, một hai.
Bà bảo bà vẫn có linh. Hai ngày trước bà mơ có người quen cũ tìm về gặp lại. Nói ông đừng cười. Người ấy lột sạch quần áo trên người mấy con ma nơ canh đứng trước cửa hàng ra. Lột sạch chứ không phải mặc vào cho chúng nó. Tỉnh dậy, bà đoán già đoán non rằng người đến sẽ là một người khác chứ không đoán ra là ông.
Nói đến đấy bà nhìn ra cửa và tru tréo gọi cô giúp việc. Con này hay nhỉ, mày để thế kia mà trông được à. Thì ra con ma nơ canh chỉ mặc mỗi cái quần bò, còn nửa trên trần trụi, vú vê phô ra trắng nhợt. Cô giúp việc ỏn ẻn cười, ấy chết cháu quên, có người vừa mua cái áo, mà lại là cái áo cuối cùng. Cô ta nói rồi chạy vào nhà lấy một cái sơ mi ra khoác lên cho cái hình nhân. Sơ mi hồng đăng ten không hợp lắm với cái quần bò. Khoác tạm vậy.
Đúng đêm nay ở làng có phiên chợ đêm, mỗi năm chỉ có một lần. Chợ mua may bán rủi. Mua cái gì may cái ấy. Bán cái gì là xua bớt rủi ro đi cái ấy. Người mua được. Người bán cũng được. Chợ họp từ lúc nhọ mặt người cho đến sáng hôm sau, mặt người sáng ra nhìn thấy nhau rõ ràng rồi thì hết may hết rủi, ai đi đường nấy. Ai có đồ gì cũ trong nhà thì mang ra bán. Đồ cũ chứ không phải đồ cổ. Ai thấy cái gì hay hay thì dừng lại mà mua. Cũng chỉ là đồ cũ chứ không phải đồ cổ. Vài cái chén hạt mít giả cổ. Cái ấm tích sứt một miếng vòi. Một cái chậu nhôm cũ. Mấy thứ đồ gốm Bát Tràng giả cổ đã sử dụng ít năm. Có khi là cái dây xích chó, cái kiềng sắt đun củi. Trong nhà có đồ thừa đồ thải, thường ngày quẳng ra trước cửa cho người thu mua đồng nát thì bây giờ chợ đêm mang ra bán. Bán rủi mà. Cô có bán gì không. Có, em đem bán mấy thứ linh tinh, ra ngồi chợ đêm cho vui. Bác đi với em nhé.
Ông về đây là để tìm bà. Tất nhiên ông đi cùng bà ra chợ. Người khắp các vùng xung quanh đổ về chơi chợ. Cũng phải cả vạn người chứ không ít. Ngày thường gửi một cái xe máy ba nghìn, đêm nay bị chém ba chục nghìn. Ngày thường gửi một cái ô tô mười nghìn, đêm nay ba trăm nghìn. Cái xe ông gửi ngoài bãi đầu làng đúng thực là ba trăm nghìn.
Bà lao động xuất khẩu bày ra trên mặt cái chõng tre mấy thứ lặt vặt. Bình thường chắc chẳng ai đem bán những thứ như vậy. Ra bán để ngồi chơi, ra bán để chuyện trò với người đi qua đi lại. Bây giờ thì bà ngồi bán để nói chuyện với ông. Đám trai gái con cái đi cùng xe ông thì đã tan ra khắp chợ rồi. Hãy để cho họ đi chơi một đêm cho biết.
Ngày ấy, cô xuất khẩu sang đến xứ người được tám tháng thì đẻ. Một thằng cu. Tay đội trưởng người Việt cứ hầm hè từ lúc bụng cô to dần lên. Anh ta dọa đuổi cô về nước. Sang đây để đi làm chứ không phải ngồi nhà cho con bú. Anh ta dùng chữ bú. Sau này cô càng hiểu tại sao anh ta hay dùng chữ bú. Tay đội trưởng người Việt gầm gừ với cô, còn bà quản đốc phân xưởng người Tây thì bênh cô. Kệ cho nó đẻ. Nó đẻ ba tháng thì gửi con vào nhà trẻ rồi nó sẽ đi làm. Con bé này chăm chỉ, làm việc còn hơn khối cô lờ phờ trong đội.
Đang trong thời kỳ cô cho con bú, gã đội trưởng cứ mò đến tòm tem. Ký túc xá công nhân toàn giường hai tầng. Cô có con nhỏ, được cô bạn nhường cho ở tầng dưới. Gã đội trưởng chui vào giường cô, kéo cái màn gió che lại. Gã nghịch cái đầu vú ứ sữa của cô mà bảo gã cũng thèm sữa. Gã sống chủ yếu bằng sữa. Ở bên này gã ăn ít, thay vào đấy gã toàn ăn bơ và mua sữa bột sữa nước để uống. Nhưng không cái anh sữa nào bằng cái anh sữa tươi. Gã bảo thế và gã đớp lấy đầu vú cô bú chồm chộp. Ban đầu cô đẩy ra. Quyết liệt. Nhưng dần dần thấy chị em tầng trên chị em các giường xung quanh chẳng ai lên tiếng phản đối. Chẳng ai bênh mình. Quan ở xa, bản nha thì gần. Phép vua thua lệ làng. Bà quản đốc ở xa, bà có mặt ở ký túc xá đâu mà bênh vực cô. Gã đội trưởng mà điên lên, gã lên cơn, gã ra oai gã sẽ đuổi cô về nước. Đành để yên cho gã bú. Bú xong tồng tộc như lợn sục cám thì gã nằm đờ ra, mép gã còn dây sữa và đũng quần gã ướt sũng.
Gã có thể chui vào giường những cô khác để ngủ với các cô ấy. Nhưng riêng với cô, gã chỉ bú. Mỗi lần bú như thế gã cũng coi như một lần ngủ.
Một điều khác thường lại ở chính thằng con trai của cô. Nó đang quấy khóc, nhưng hễ gã đội trưởng chui vào bú vú cô là thằng bé ngủ luôn. Nó đang cười như nắc nẻ, gã đội trưởng mò vào kéo tấm màn gió để che là nó lại ngủ. Gã đội trưởng bú tranh phần sữa của nó là nó ngủ. Không nhìn. Có nhìn cũng không thấy. Không nghe. Nhắm mắt lại ngủ là không còn nghe thấy tiếng mút vú chòm chọp chồm chộp chèm chẹp. Nó ngủ tít. Ngủ li bì. Chỉ khi nào gã đội trưởng đã bỏ đi nó mới tỉnh dậy. Một mình gã đội trưởng bú bằng ba đứa trẻ con. Bú hết cả sữa của con người ta. May mà cô nhiều sữa.
Hết ba tháng nghỉ tiêu chuẩn chăm con, cô phải gửi con vào nhà trẻ xí nghiệp. Con vào đấy được uống sữa bò. Chiều tối đón con về thì con mới lại được bú mẹ. Trong giờ làm việc, sữa cô tức ứ. Định chạy vào nhà vệ sinh để vắt bớt sữa ra thì gã đội trưởng đã tia thấy. Gã đi theo cô vào nhà vệ sinh nữ. Gã đè dí cô vào tường cứ thế mà bú. Đủ cả hai bên vú. Giảm ứ sữa cho cả hai bên.
Hơn một năm, cô cai sữa cho con. Gã đội trưởng gầy xọp hẳn đi. Cứ như chính gã bị cai sữa. Gã không chuyển từ bú vú cô sang ngủ với cô. Gã đi ngủ với những cô khác. Đôi lúc cô băn khoăn, có phải gã chỉ thích sữa của cô, hay mỗi lần bú sữa gã coi như một lần đã ngủ với cô, chỉ thế là đủ. Và khi cô không còn sữa nữa thì gã cũng hết thèm muốn. Gã bỏ cô luôn.
Vài năm trước, gã đội trưởng có về đây chơi chợ. Cũng một đêm như thế này. Ông ta cũng muốn thử mua may bán rủi. Đêm nay ông ta sẽ thức và sẽ nhờ bà dẫn đi một vòng khắp chợ. Ông ta nói thế. Còn bà thì vừa nhìn thấy mặt ông ta, nhớ lại cái mồm cá ngão vều ra bú chồm chộp, bà đã thấy ghê. Bữa cơm chiều, ông ta uống rượu với con trai bà. Ông nhắc chuyện ngày trước thằng bé cứ hơi tí là lăn ra ngủ, hễ thấy ông đến là nó quay mặt đi, nhắm mắt ngủ luôn. Chẳng nhìn. Chẳng thèm nhìn. Chẳng bao giờ nó thức.
Thì bây giờ cháu vẫn ngủ. Con trai bà nói. Đời cháu lấy ngủ làm chính mà.
Sau khi bức tường ngăn hai phía đông tây sụp đổ, cô xuất khẩu thuộc đám được đền bù hợp đồng lao động, cô nhận một cục tiền, dắt thằng con gần mười tuổi về nước. Có tí dấn tí vốn xây được cái nhà, mở được cái cửa hàng, báo hiếu được cho bà nội vài năm thì bà mất. Thằng con ở bên Tây ngủ li bì, về đến ta cũng thoắt cái lại ngủ. Ngủ như một phản ứng thường xuyên trước mọi sự. Có hôm nó đi học về, ngang má có một lằn đỏ như con lươn. Bị thầy giáo đánh. Thầy giáo gọi lên bảng, kiểm tra vở bài tập về nhà, phát hiện ra nó chưa làm bài tập mà cứ đến lớp. Bất đồ thầy điên lên, thầy cầm cái thước kẻ quật ngang mặt nó. Thầy giáo thời xã hội chủ nghĩa mà đánh học sinh như vậy, trường biết thì thầy có thể bị kỷ luật. Nhưng tan học nó im lặng đi về nhà. Mẹ hỏi vết gì thế kia, đánh nhau với bạn à. Nó bảo thầy đánh. Vì sao thầy đánh. Con không làm bài tập. Đối đáp chủng chẳng xong, nó nằm lăn ra giường ngủ luôn. Ban đầu bà tưởng con nằm khóc. Một lúc mới nhớ ra, thằng này cứ có chuyện gì là ngủ. Buồn, ngủ. Vui, ngủ. Nhận giấy gọi nhập ngũ, để tờ giấy trên mặt bàn, ngủ. Mấy năm sau ra quân, nhận được giấy báo đỗ đại học, ngủ. Như người khác thì chạy đi báo tin vui cho bạn bè người thân, đây thì ngủ. Càng buồn càng ngủ. Ngủ dậy là mọi chuyện coi như xong.
Ông đội trưởng nhắc chuyện thằng bé ngày trước cứ ngủ. Ông cụng chén rượu với anh con trai. Anh bảo, cháu ngủ là chuyện thường xuyên, còn hôm nay đến lượt bác ngủ. Tớ ngủ sao được, đêm nay tớ phải thức để chơi cái chợ mỗi năm chỉ có một đêm. Anh con trai chỉ cười.
Thế mà anh làm cho ông ta ngủ thật. Xong bữa cơm chiều thì ông ta lăn ra chiếu. Anh kéo chân kéo tay cho ông duỗi ra thoải mái, phải thoải mái vì còn ngủ lâu.
Năm ngày liền, anh làm cho ông ta ngủ mê mệt, ngủ li bì, ngủ thối giường thối chiếu. Cho uống sữa bò pha thuốc ngủ. Thích uống sữa thì được uống sữa. Ngày trước uống sữa tươi thì bây giờ cũng uống sữa tươi. Ngày trước uống sữa người thì bây giờ uống sữa bò. Ngày trước uống sữa ma ze in đầu vú nhũ hoa thì bây giờ uống sữa ma ze in Ba Vì Mộc Châu. Uống xong là ông đội trưởng lăn đùng ra giường. Ngày ba lần, anh con trai dựng ông dậy, dẫn vào nhà vệ sinh, lê lết lả lướt mà vào, lúc quay ra lại được tống tiếp cốc sữa bò pha thuốc ngủ. Không cho ăn. Năm ngày chỉ uống sữa có chất thuốc mê. Trong bụng chẳng có gì mà đại tiện, chỉ có tiểu tiện là xong. Ai nhìn thấy cảnh ấy chắc sẽ tưởng là con trai chăm bố. Anh chàng kê đầu ông đội trưởng vào lòng mình, kề cốc sữa vào miệng ông, vừa giữ cho uống vừa ép uống. Uống bằng hết. Uống bằng sạch. Rồi mới thả cho đầu ông kê lên cái gối mà tiếp tục ngủ lịm đi.
Ngày cuối cùng ông tỉnh dậy. Chết thật, tớ ngủ quên, thế là mất chuyến đi chợ đêm rồi. Anh con trai bà bảo, chợ đêm tan được năm ngày rồi bác ạ. Ông ta tưởng anh đùa, cứ nhăn răng ra cười, sáng bạch thế này rồi để tớ ra xem có còn cái gì mua một cái lấy may. May lẫn rủi thì bác cũng phải đợi năm sau, ba trăm sáu lăm ngày trừ đi năm ngày, còn ba trăm sáu mươi ngày nữa, bác nhớ đấy.
Ông đội trưởng cuốn gói ra đi, hai năm rồi không dám quay trở lại. Chết tôi rồi. Ông còn mấy cái hợp đồng đã hẹn ký và đã nhỡ hẹn. Chết tôi rồi. Ông sẽ giải thích làm sao với mụ vợ La Sát ở nhà. Vừa đi như chạy ông vừa lẩm bẩm chết tôi rồi chết tôi rồi.
Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường - Hồ Anh Thái Những Đứa Con Rải Rác Trên Đường