One does not fall “in” or “out” of love. One grows in love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 50
Cập nhật: 2017-05-20 08:49:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 - Ngài Nam Tước Kể Tiếp
hật dễ hình dung ra cảnh cứ có dịp là Nam tước lại bị người ta vật nài giữ lời hứa kể tiếp những chuyện phiêu lưu vừa có tính răn dạy lại vừa kỳ thú của ông, nhưng một thời gian dài chẳng có ai đạt được ước vọng. Nam tước có một thói quen đáng khen là không làm gì nếu ông không thích, và một thói quen còn đáng khen hơn nữa, đó là chẳng có gì làm suy chuyển được nguyên tắc đó của ông.
Đợi mãi rồi cũng đến một hôm ông mỉm cười vui vẻ khi nghe các bạn của mình khẩn khoản, đó là dấu hiệu chắc chắn cho biết tinh thần sáng tạo của ông đang phấn chấn và hy vọng của họ sẽ được đền đáp. Tất cả im lặng và dán mắt vào hai môi ông. Trên chiếc tràng kỷ có đệm êm, Nam tước Munchausen lên tiếng:
Trong cuộc vây hãm pháo đài Gibraltar gần đây nhất, tôi đi theo một chiếc thuyền buồm chở lương thực dưới quyền chỉ huy của ngài Rodney đến pháo đài đó để thăm một người bạn cũ của tôi, tướng Elliot, một người từng giành được vinh quang vĩnh cửu nhờ bảo vệ pháo đài một cách xuất sắc. Khi không khí nồng nhiệt đi liền với cuộc tái ngộ của hai người bạn cũ đã lắng xuống, vị tướng dẫn tôi đi dạo trong pháo đài để đánh giá sức mạnh của quân nhà cũng như để quan sát các động thái của địch. Tôi có đem từ London một chiếc kính viễn vọng gương cầu lõm tinh xảo, mua của hãng Dollond. Nhờ nó mà tôi phát hiện quân địch đang chuẩn bị bắn một phát đạn thần công 36 pao vào đúng vị trí chúng tôi đang đứng. Tôi báo cho tướng Elliot biết, ông quan sát qua ống nhòm và xác nhận phỏng đoán của tôi. Được ông cho phép, tôi điều một khẩu thần công 48 pao từ khẩu đội gần nhất đến và chỉnh cự ly thật chính xác để bắn cho trúng. Xét về kỹ thuật pháo binh thì phải nói một cách khiêm tốn là tôi chưa phải nhận ai làm sư phụ.
Tôi quan sát từng động thái của đối phương, đợi đến khi nhìn thấy chúng châm mồi lửa vào khoang đựng thuốc súng thì tôi mới ra hiệu phát hỏa khẩu thần công của quân mình. Hai viên đạn chạm nhau ở gần giữa đường với sức mạnh long trời lở đất, gây ra tác động đáng kinh ngạc. Viên đạn của địch bật ngược trở lại, mạnh đến nỗi không chỉ phạt bay đầu tên lính bắn nó, mà còn tiện đứt mười sáu cái đầu nữa trên đường bay về phía bờ biển châu Phi. Nhưng trước khi bay đến vùng đất mọi rợ ấy, viên đạn còn cắt ngang cột buồm chính của ba tàu thủy đứng thành hàng ở cảng, bay tiếp hai trăm dặm Anh trên đất liền, xuyên thủng mái nhà của một nông dân và đánh bay mấy cái răng còn lại của một bà cụ đang nằm ngủ há mồm rồi găm vào họng con người tội nghiệp đó. Lát sau chồng bà về và cố cậy viên đạn ra nhưng không thể được. Ông ta quyết định đẩy nó tọt xuống dạ dày, và sau đó viên đạn ra ngoài theo đường tự nhiên.
Viên đạn của quân ta quả là công hiệu. Nó không chỉ đẩy viên đạn của địch bật ngược trở lại như vừa miêu tả, mà theo đúng chủ định của tôi, nó còn đánh bật khẩu thần công vừa bắn vào chúng tôi khỏi bệ pháo và ném nó lên một chiếc tàu thủy với sức mạnh trời giáng đồng thời xuyên thủng bụng tàu. Tàu bị nhấn chìm, mang theo hàng nghìn thủy thủ Tây Ban Nha và rất nhiều lính trên đó. Đây rõ ràng là một chiến công lừng lẫy, tuy nhiên tôi không đòi hỏi phải ghi chiến công đó cho cá nhân mình. Dĩ nhiên sáng kiến đó phát sinh từ đầu óc thông thái của tôi, nhưng một phần cực nhỏ trong thành tích ấy cũng nhờ chó ngáp phải ruồi. Bởi vì sau đó tôi phát hiện ra khẩu 48 pao của quân ta bị nạp nhầm một lượng thuốc súng gấp đôi quy định, chả trách viên đạn bị đẩy ngược lại có tác động mạnh mẽ như vậy. Để thưởng cho công lao kiệt xuất đó, tướng Elliot mời tôi nhận chức vị sĩ quan, song tôi từ chối tất cả, chỉ đón nhận câu cảm ơn do ông cực kỳ trịnh trọng nói ra trong bữa tiệc tối hôm đó trước mặt tất cả các sĩ quan. Do rất có cảm tình với người Anh là một dân tộc dũng cảm, tôi quyết định không rời pháo đài trước khi làm được việc gì đó nữa cho họ. Và khoảng ba tuần sau thì đã có dịp thuận tiện. Tôi cải trang thành một tu sĩ Cơ Đốc giáo, mò ra khỏi pháo đài lúc mười giờ đêm và vượt qua phòng tuyến một cách an toàn, lọt vào tận giữa doanh trại địch. Ở đó tôi đi vào chiếc lều, nơi Bá tước Artois đang cùng viên tổng tư lệnh và nhiều sĩ quan khác phác thảo kế hoạch tấn công pháo đài lúc mờ sáng hôm sau. Nhờ bộ đồ cải trang mà tôi không bị ai ngăn cản, cứ thế thoải mái nghe hết mọi chuyện. Xong xuôi, tất cả lui về giường, còn tôi thì quan sát cả đội quân địch chìm trong giấc ngủ li bì, thậm chí cả toán lính gác. Lập tức tôi bắt đầu công việc của mình. Tôi nhấc toàn bộ các khẩu thần công khỏi bệ pháo, tổng cộng trên ba trăm khẩu từ 48 pao đến 24 pao, ném chúng mấy dặm ra tận ngoài khơi. Vì không có ai giúp một tay nên đây là công việc nặng nhọc nhất tôi từng làm, trừ cái việc mà một người quen của tôi vừa mới kể lại cho quý vị nghe sau lưng tôi và khiến cho các vị thích thú, đó là việc tôi vác khẩu thần công Thổ Nhĩ Kỳ khổng lồ mà Nam tước Tott đã mô tả rồi bơi qua bờ biển bên kia. Xong việc, tôi kéo tất cả các bệ pháo vào giữa khu đóng quân, và để tiếng động từ bánh xe không đánh thức quân địch, tôi cặp từng đôi dưới nách. Một đống sắt hoành tráng, ít nhất cũng cao bằng ngọn núi của Gibraltar. Rồi tôi dùng một mảnh vỡ của khẩu thần công 48 pao đập vào viên đá trong bức tường do người Ả Rập xây ngày xưa để lấy lửa, đoạn châm vào bùi nhùi và đốt cả đống sắt. Quên không kể cho quý vị nghe là tôi còn quẳng tất cả các xe chứa đồ quân dụng lên trên cùng. Những gì dễ bén lửa nhất thì tôi đút xuống dưới, và thế là ngọn lửa bùng lên trong chớp mắt. Sau đó tôi là người đầu tiên làm ầm ĩ lên. Quý vị có thể dễ dàng tưởng tượng ra cả bãi đóng quân nhốn nháo hết cả lên ra sao, ai cũng cả quyết là toán lính gác bị mua chuộc để bảy, tám quân đoàn từ trong pháo đài lọt ra mà quậy tưng bộ phận pháo binh. Trong cuốn sách nói về vụ vây thành, ông Drinkwater có nói đến tổn thất nặng nề do đám cháy gây ra với quân địch, song ông ta chẳng hề biết đến nguyên nhân. Dĩ nhiên ông ta không thể biết, vì tôi chưa từng kể cho ai hay chuyện này (dù rằng mình tôi trong đêm ấy đã xông pha cứu Gibraltar), thậm chí cũng chả buồn nói cho tướng Elliot một tiếng.
Bá tước Artois, vừa giật mình tỉnh giấc là chạy tháo thân đầu tiên cùng người của ông ta, họ chạy mười bốn ngày liền không nghỉ, đến tận Paris mới dừng chân. Nỗi kinh hoàng trong vụ cháy còn đeo đuổi mãi không tha họ, đến nỗi ba tháng liền bọn họ không ai uống được một giọt nước mà chỉ sống bằng khí trời như loài tắc kè hoa. Chừng hai tháng sau vụ ấy, một hôm tôi đương ngồi ăn sáng với tướng Elliot thì một quả đạn cối (vì tôi không có thì giờ phá nốt chỗ súng cối) bay vào phòng và nện lên bàn. Tướng Elliot, như hầu hết những người trong hoàn cảnh đó, nhanh chân chạy khỏi phòng, riêng tôi thì chộp quả đạn rồi chạy lên đỉnh núi. Từ vị trí đó tôi nhìn thấy trên đỉnh đồi ở bờ biển, gần bãi đóng quân của địch, có một đám người tụ tập. Bằng mắt thường tôi không thể thấy họ đang làm gì. Tôi rút kính viễn vọng ra và thấy hai sĩ quan của ta, một vị tướng và một đại tá. Mới tối qua cả hai còn ngồi trò chuyện với tôi, lúc nửa đêm họ lén sang phòng tuyến của quân Tây Ban Nha để thám thính và bị chúng bắt, nay sắp bị đem treo cổ. Khoảng cách quá xa nên tôi không thể dùng tay ném quả đạn đến đó. May mà tôi lại nhớ ra cây ná bắn chim trong túi, chính thứ vũ khí mà ngày xưa David dùng để chống lại gã khổng lồ Goliath. Tôi lắp quả đạn vào ná và bắn ngay vào giữa đám đông. Vừa chạm đất là đạn phát nổ giết hết những người xung quanh, trừ hai sĩ quan người Anh vừa bị trói lên giá treo cổ. Một mảnh đạn cắt ngang chân giá treo cổ, hai ông bạn của chúng ta vừa chạm chân xuống đất mẹ đã vội ngó quanh để tìm lý do sự kiện bất ngờ đó, và họ thấy quân lính, đao phủ cũng những kẻ khác đều trúng đạn. Lập tức họ ném sợi thừng vướng víu ở cổ, chạy ra bờ biển, nhảy lên một chiếc thuyền Tây Ban Nha và thúc hai người ngồi trong đó nhanh tay chèo đến một chiếc thuyền Anh.
Vài phút sau, trong khi tôi thuật lại cho tướng Elliot nghe thì hai người may mắn ấy cũng đi tới. Sau một hồi giải thích và chúc tụng, chúng tôi ăn mừng ngày đẹp trời đó thật tưng bừng như thế giới này chưa bao giờ được chứng kiến. Kính thưa quý vị, nhìn mắt quý vị thì tôi biết tỏng mọi người muốn biết tôi kiếm đâu ra bảo bối ná bắn chim ấy. Vâng! Mọi thứ đều có lý do của nó. Các vị phải biết, tôi là hậu duệ bên đằng vợ của Uriah, cũng là người chung sống gần gũi với Vua David. Như sự đời đôi khi xảy ra, dần dần nhà vua đã lạnh nhạt hẳn với bà, lúc này đã được phong Bá tước sau khi chồng chết. Có lần họ tranh cãi về một chuyện rất quan trọng, đó là địa điểm đóng con thuyền Noah và nơi thuyền chạm đất sau Đại Hồng thủy. Nhà vua muốn tỏ ra là người thông thạo cổ đại, còn nữ Bá tước là chủ tịch một hội nghiên cứu lịch sử. Có một điểm chung giữa một số vĩ nhân và hầu hết những kẻ hèn mọn, đó là không ưa nghe lời phản biện; còn nữ Bá tước thì có điểm yếu của phụ nữ là bao giờ cũng giành lấy lẽ phải. Nói ngắn gọn là từ đó đường ai nấy đi. Nữ Bá tước thường nghe nhà vua kể về cây ná như một bảo bối nên đã rắp tâm cầm nó theo. Bà chưa ra khỏi biên giới thì người ta phát hiện mất ná, sáu người trong đội cận vệ của vua lên đường truy đuổi bà. Tuy nhiên bà sử dụng cây ná quá giỏi và bắn trúng một trong những người truy đuổi bà; có lẽ người này hung hăng muốn lập công nên vượt lên trước cả nhóm, hậu quả là bị bắn trúng vào chỗ mà Goliath cũng dính đạn chết ngày nào. Nhìn thấy đồng đội ngã lăn xuống đất, những người còn lại bàn bạc hồi lâu và quyết định khôn ngoan là phải trình báo vụ này đã, còn nữ Bá tước thì quyết định phi ngựa tiếp đến Ai Cập, nơi bà có nhiều bạn bè quyền quý chốn cung đình. Lẽ ra tôi nên kể trước cho quý vị biết rằng trong số nhiều người con mà bà sinh hạ cho nhà vua, lúc bỏ đi bà chỉ đem theo đứa con trai mà bà cưng nhất. Người con trai ấy sau này sẽ có thêm vài đứa em ở đất Ai Cập phồn thực, do đó bà thảo một khoản đặc biệt trong di chúc và để lại cho con trai cây ná nổi tiếng; và từ người ấy, cây ná lưu truyền đến tay tôi. Một trong những người sở hữu cây ná, vốn là cụ kỵ của tôi sống cách đây chừng hai trăm năm mươi năm, khi qua Anh chơi có làm quen một thi sĩ mà sau này được biết đến là kẻ đạo văn và chuyên săn bắn trộm – tên là Shakespeare. Như một dạng nợ đời, nhà thơ ấy ngày nay liên tục bị người Anh và người Đức đạo văn. Thỉnh thoảng ông ta mượn cây ná và giết được rất nhiều muông thú của ngài Thomas Lucy, và cực kỳ may mắn mới thoát được số phận như hai người bạn của tôi ở Gibraltar. Con người đáng thương đó bị tống vào ngục, và cụ tôi đã xin cho hắn được tự do bằng một cách vô cùng đặc biệt. Ngày đó Hoàng hậu Elizabeth đang trị vì, và như quý vị biết đấy, trong những năm cuối đời bà trở nên trái tính khó chiều. Chui vào triều phục rồi lại chui ra, hết tiệc tùng lại lễ lạt và trăm thứ bà rằn khác nữa mà tôi không nhất thiết phải kể ra đây, khiến bà thấy cuộc sống nặng nề khó chịu. Cụ tôi giúp bà đổ hết mọi rác rưởi phiền toái đó cho một người đại diện, hoặc xui bà muốn làm thế nào cũng được. Và các vị đoán xem, cụ tôi đòi hỏi gì để đáp lại công lao to lớn có một không hai đó? Chỉ cần thả tự do cho gã Shakespeare! Hoàng hậu muốn lắm cũng không bù đắp được gì hơn cho cụ tôi. Cụ yêu mến tay thi sĩ vĩ đại đó đến nỗi sẵn sàng tặng tay ấy vài ngày còn lại trên dương thế của mình để kéo dài cuộc sống của bạn mình. Nhân dịp này tôi cũng muốn khẳng định với quý vị rằng phương pháp sống không cần ăn uống của Hoàng hậu Elizabeth dù có độc đáo mấy chăng nữa thì cũng chẳng được thần dân chào đón, lại càng bị dân phàm ăn tục uống chê bai. Bà cũng chẳng hề sống lâu hơn tục lệ mới của mình. Cha tôi, người để lại cho tôi cây ná trước khi đi Gibraltar, có thuật lại một giai thoại đáng chú ý. Ông thường kể cho các bạn của mình nghe và không người nào quen con người thật thà đó mà lại tỏ ý nghi ngờ sự thực trong đó. Ông kể tôi nghe thế này: “Trên đường chu du, cha ở Anh một thời gian dài. Một lần cha đi dạo bên bờ biển gần Harwich. Đột nhiên, một con ngựa biển hung dữ lao hùng hục về phía cha. Cha không có gì trong tay ngoài cây ná, thế là cha bắn hai viên đá trúng đầu nó, mỗi viên trúng một mắt con quái vật đó. Rồi cha nhảy lên lưng nó, thúc nó phi xuống biển, vì cũng trong khoảnh khắc bị lấy mất thị lực thì con vật cũng mất cả tính hung hãn, trở nên ngoan ngoãn như chú cừu non. Thay cho hàm thiếc, cha ngáng cây ná vào mõm nó và cứ thế nhẹ nhàng băng qua đại dương. Chưa đầy ba tiếng sau thì cả người lẫn ngựa cập bờ bên kia, cách xa không dưới ba chục hải lý. Ở Helvoetsluys cha bán nó với giá bảy trăm quan tiền vàng cho tay chủ quán Ba Chén Rượu, ông ta nhận ra nó là con vật vô cùng quý hiếm và đã giàu to nhờ thu tiền vé tham quan. Hôm nay người ta còn thấy một hình vẽ nó ở Buffon. Kiểu chu du của cha dù có kỳ lạ đến mấy,” cha tôi nói tiếp, “thì cũng không kỳ lạ bằng những gì cha trải nghiệm và phát hiện dọc đường. Con thú mà cha cưỡi không bơi, mà chạy cực nhanh dưới đáy biển đồng thời còn lùa đi hàng triệu con cá, nhiều con trong đó có hình dáng khác hẳn loài cá thông thường. Một số con có đầu mọc giữa thân, có con khác thì đầu ở chóp đuôi. Một số con quây lại thành vòng tròn và ca những bài hợp xướng vô cùng du dương, lại có loài cá chỉ dùng nước xây nên những tòa nhà tráng lệ trong suốt với hàng cột khổng lồ chạy vòng quanh và trong ruột có một chất liệu mà cha không thể không gọi là lửa, màu sắc rất hài hòa và dập dềnh theo chiều sóng nước. nhiều phòng trong tòa nhà được trang trí tiện lợi và thân thiện cho cá đẻ trứng, ở phòng khác là nơi chăm sóc trứng nở, còn một loạt phòng mênh mông dành cho việc giáo dưỡng cá con. Đó là các phương pháp mà cha quan sát thấy, chứ còn cụ thể bên trong ra sao thì tất nhiên cha chẳng hiểu được, giống như cha không nghe được tiếng chim muông ca hát hay châu chấu đối thoại vậy. Tuy nhiên, cứ nhìn bề ngoài thì phương pháp ấy cực giống những gì thế hệ của cha được dạy dỗ trong các cơ sở giáo dục phúc thiện, do đó cha tin chắc rằng người sáng lập đã làm những chuyến du hành giống cha và lấy ý tưởng từ nước hơn là từ trên đất liền. Qua mấu chuyện nhỏ này mọi người có thể nhận ra rằng còn nhiều chi tiết mới chỉ được nhắc đến sơ sơ, nhiều suy đoán còn để ngỏ. Nhưng để cha kể tiếp đã.
Cha đi qua một dãy núi dài dằng dặc và cao không kém dãy Alps. Bên sườn núi có rất nhiều cây cao đủ chủng loại. Trên cây mọc nhiều tôm hùm, tôm sú, hàu, ốc, hến, dưa biển v.v. đôi khi mỗi con cũng phải chất đầy cả một xe chở hàng, con bé nhất cũng làm thợ khuân vác sụn lưng. Tất cả những loại thủy sản được quẳng lên bờ và đem bán ngoài chợ đều chỉ là đồ vứt đi của thế giới dưới nước, giống như mấy quả xanh lè bị gió thổi rơi từ trên cây xuống. Có vẻ cây tôm hùm sai quả nhất, nhưng cây tôm sú và cây hàu thì cao nhất. Những con dưa biển nhỏ mọc trên bụi cây lúp xúp dưới gốc mỗi cây hàu, trông như dây thường xuân leo lên cây sồi. Cha cũng nhận ra tác động kỳ lạ của một con tàu đắm. Cha đoán nó đâm phải mỏm đá ngầm cách mặt nước vài sải và sự lật ngược khi chìm xuống một ngọn cây tôm hùm lớn, làm mấy con tôm hùm bắn tung tóe ra và rơi xuống một cây tôm sú phía dưới. Sự kiện đó diễn ra vào mùa xuân thì phải, lúc đó tôm hùm còn non, chúng kết đôi với tôm sú và sinh ra một loài tôm mới có nét tương tự cả hùm lẫn sú. Vì đây là hiện tượng hiếm gặp, cha tìm cách bắt một con đem theo, tuy nhiên việc đó khá rắc rối và con ngựa có cánh của cha không chịu đứng yên; mà lúc đó cha cũng đã đi được hơn nửa quãng đường và đang xuống một thung lũng sâu tối thiểu năm trăm sải dưới mặt biển, trong người cha bắt đầu thấy hơi khó ở vì thiếu không khí. Nói tóm lại thì tình cảnh của cha không lấy gì làm dễ chịu lắm. Thỉnh thoảng cha lại chạm trán với cá lớn, chỉ nhìn vào cái mõm ngoạc ra của chúng là cha biết chúng hoàn toàn đủ sức nuốt chửng cả người lẫn ngựa. Thế đấy, con ngựa tội nghiệp của cha thì mệt, nó hoàn toàn dựa vào sự điều khiển cẩn trọng của cha để tránh khỏi chủ định thân thiện của mấy ngài bụng đói nọ. Vậy là cha phi nước đại một hồi lâu, chốc chốc lại ngóng xem đã sắp tới đất liền chưa. Khi sắp sửa tới gần bờ biển Hà Lan và trên đầu cha chỉ còn không đầy hai chục sải nước nữa, chợt cha thấy trên nền cát trước mặt một hình hài gì đó vận đồ phụ nữ. Cha cho là người đó vẫn còn chút dấu hiệu của sự sống, rồi khi lại gần thì quả nhiên đúng thế, một tay người đó hơi cử động. Cha nắm lấy cái tay ấy và đưa cái hình người như xác chết lên bờ. Ngày đó người ta chưa tiến bộ lắm trong nghệ thuật cứu hộ, không như hôm nay, khi bất cứ quán rượu nào ở làng cũng treo bảng chỉ dẫn phương pháp đưa người đuối nước từ thế giới bên kia về. Mặc dù vậy, nhờ nỗ lực chuyên môn không mệt mỏi của chủ hiệu thuốc ở địa phương, ánh sáng le lói của sự sống trong người phụ nữ kia đã được nhân lên gấp bội. Cô ta là vợ của thuyền trưởng trên một con tàu ở Helvoetsuys vừa nhổ neo rời cảng. Bất hạnh thay, trong lúc vội vã ông ta đã đem theo một phụ nữ khác lên tàu chứ không phải vợ mình. Tin dữ đó được nữ thần bảo vệ hạnh phúc gia đình đưa ngay đến tai vợ ông ta, và do tin rằng quyền chiếm hữu giường ngủ trên mặt nước cũng giống như trên đất liền, cô này nổi cơn tam bành và chèo thuyền đuổi theo. Lên đến boong tàu và sau một bài diễn văn ngắn không thể nào nhắc lại được ở đây, cô ta toan chứng minh cho đức phu quân một cách hùng hồn rằng khôn hồn thì nên nghĩ lại. Hậu quả bi thương của việc ấy là quả đấm của cô không đánh trúng ông chồng mà lại trúng vào sóng biển, và vì sóng biển dãn ra nhanh hơn ông chồng nên cô ta rốt cuộc xuống đến đáy biển mới hiểu ra sự tình. Chính hoàn cảnh đưa đẩy cha gặp cô ta để đem đến cho thế giới này thêm một đôi hạnh phúc nữa. Cha dễ dàng hình dung ra những lời có cánh của ông chồng, khi ông ta quay về và thấy người đang chờ mình chính là cô vợ mảnh mai đã được cha cứu mạng. Vụ này quả là một trò chơi khăm với số phận mà cha là người bày trò. Song lương tâm cha hoàn toàn trong sáng. Nguyên nhân khiến cha hành động chính là tình yêu bất diệt đối với con người, kể cả khi cha không thể phủ nhận rằng hậu quả đối với ông chồng là rất tiêu cực.”
Thưa quý vị, câu chuyện của cha tôi như thế đây, chính cây ná lừng danh đã nhắc tôi nhớ lại chuyện ấy. Nó được gìn giữ lâu năm trong gia đình tôi và rất đắc dụng, song nay hầu như đã nát bét trong mồm con ngựa biển. Ít nhất thì tôi cũng sử dụng nó được một lần như đã kể cho quý vị nghe, trả lại cho bọn Tây Ban Nha trái đạn cối chưa nổ và qua đó cứu mạng hai người bạn trên giá treo cổ. Sau sự kiện lừng lẫy đó, cây ná trước đó đã khá sứt mẻ thì bây giờ gãy tan. Nửa già bay theo cùng trái pháo, nửa non còn lại trong tay tôi và được gia đình gìn giữ vĩnh viễn như gia bảo bên cạnh nhiều cổ vật quan trọng. Sau đó ít lâu tôi rời Gibraltar để quay về Anh.
Ở đó đã diễn ra một trong những chuyện phiêu lưu kỳ dị nhất trong đời tôi. Tôi phải xuống quận Wapping để gửi tàu thủy một số hàng cho mấy người bạn ở Hamburg, và khi làm xong, trên đường về tôi đi ngang qua pháo đài Tower Wharf. Đang giờ trưa, người rất mệt mà trời thì nắng khó chịu, tôi bèn chui vào một trong những khẩu thần công để nghỉ một lát. Vừa ngả lưng là tôi đánh luôn một giấc say như chết. Hôm đó là mùng Bốn tháng Sáu, đúng một giờ chiều người ta bắn loạt đạn mừng sinh nhật Đức vua từ tất cả các khẩu pháo. Thuốc súng đã nạp từ sáng sớm, và do không ai đoán tôi nằm trong đó nên tôi bị bắn tung lên không, bay qua các mái nhà sang bên kia sông và rơi xuống sân nhà một nông dân, đâu đó giữa hai quận Bermondsey và Deptford. Tôi rơi xuống một đống cỏ khô và không tỉnh dậy, như bị đánh thuốc mê. Khoảng ba tháng sau giá cỏ khô leo cao chóng mặt và ông nông dân dự tính có một khoản lãi to nếu bán chỗ cỏ dự trữ. Đống cỏ nơi tôi nằm là đống to nhất trang trại, chở đầy năm trăm xe chứ không ít. Vậy là người ta dỡ đống ấy đầu tiên. Tôi thức dậy bởi tiếng ồn của những người bắc thang trèo lên, tuy nhiên chưa tỉnh hẳn và không hề biết mình đang ở đâu. Tôi mới toan chạy thế là ngã lộn cổ xuống, rơi trúng đầu ông chủ nhà. Tôi thì không hề hấn gì sau cú ngã, nhưng thay vào đó thì ông chủ nhà gặp hạn và bị tôi đè chết tươi, vì tôi không chú ý mà làm gãy cổ ông ta. Sau đó thì tôi cũng đỡ cắn rứt lương tâm khi biết hắn là một tay Do Thái khốn kiếp, chuyên găm nông sản cho đến khi giá lên cao ngất ngưởng để bán lấy lãi cắt cổ. Cái chết bạo lực chính là hình phạt công bằng cho hắn và việc thiện thực sự đối với mọi người. Ngoài ra, quý vị có thể dễ dàng hình dung ra tôi đã sửng sốt xiết bao khi tỉnh hẳn ngủ và sau một hồi ngẫm nghĩ đã nối được suy nghĩ hiện tại với suy nghĩ trước khi thiếp đi cách đây ba tháng, và các bạn tôi ở London ngạc nhiên chừng nào, sau khi tìm kiếm khắp nơi một cách vô vọng và đột nhiên thấy tôi trở về.
Nào, giờ thì ta cạn ly đi đã, sau đó tôi sẽ kể thêm vài cuộc phiêu lưu nữa trên biển.
Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen - Gottfried August Bürger Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen