In order to heal others, we first need to heal ourselves. And to heal ourselves, we need to know how to deal with ourselves.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tuổi Học Trò
Dịch giả: Lê Quang
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 19
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1778 / 50
Cập nhật: 2017-05-20 08:49:37 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 11 - Cuộc Phiêu Lưu Trên Biển Thứ Sáu
am tước muốn đi ngủ khi kể xong chuyện phiêu lưu ở Ai Cập. Đúng lúc ấy thì tất cả mọi người bên bàn, vốn đang dần mất chú ý, chợt bật dậy khi nghe nhắc đến khuê phòng trong hậu cung lộng lẫy. Họ muốn nghe thêm vài chi tiết về hậu cung. Nam tước một mực không chịu, tuy nhiên ngài cũng không muốn gạt ngoài tai lời khẩn khoản của những người bạn đang háo hức. Vậy ngài bằng lòng kể thêm vài chuyện nho nhỏ từ những ngày phụng sự ở đó:
Sau chuyến đi Ai Cập, nhà vua không cần biết điều gì khác ngoài tôi. Người không thể sống thiếu tôi, ngày nào cũng mời tôi đến cùng ăn trưa và ăn tối. Tôi phải thú thực với quý vị là trong số các bậc trị vì trên trái đất này, vua Thổ Nhĩ Kỳ có bàn tiệc hoành tráng nhất. Tuy nhiên đó là nói về các món ăn chứ không phải đồ uống, vì có lẽ như quý vị đã biết, luật Hồi giáo của Mohammed cấm các giáo đồ của mình uống rượu. Ăn tiệc nơi công cộng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có nghĩa là phải nói không với rượu. Nhưng cũng chẳng hiếm khi xảy ra những thứ không bày ra trước mắt bàn dân thiên hạ, và cấm gì thì cấm, nhiều người Thổ từ tiện dân cho đến đấng giáo chủ cao nhất cũng chẳng lạ hương vị tuyệt vời của một ly rượu. Dưới trướng quân vương cũng vậy thôi. Các bữa tiệc lớn thường vẫn mời giáo chủ và ngài đọc bài kinh cảm tạ trước mắt mọi người, và ở đó thậm chí người ta còn không dám nhắc đến chữ “rượu.” Xong xuôi đâu đó rồi, một chai rượu ngon thường là luôn đợi nhà vua trong phòng phía sau. Một lần nhà vua thân thiện nháy mắt ra hiệu cho tôi đi theo Người vào hậu cung. Khi cửa khép lại, Người lấy trong tủ ra một chai và nói: “Munchausen, ta biết là dòng Cơ đốc giáo các người biết trân quý rượu vang. Ta chỉ còn một chai Tokaj nhỏ. Chắc nhà ngươi chưa hề biết trong đời một thức uống tinh túy như vậy.” Nói xong, Người rót cho mình và tôi mỗi người một ly và chúng tôi cụng ly. “Vang ngon quá, thưa bệ hạ,” tôi đáp, “nhưng nếu bệ hạ thứ lỗi thì thần buộc phải nói rằng thần đã được uống thứ ngon hơn nhiều ở Vienna cùng Hoàng đế Karl Đệ Lục. Xin nâng cốc chúc sức khỏe bệ hạ! Bệ hạ nên nếm thứ đó.” “Ông bạn Munchausen của ta ơi, ta đâu dám không tin lời nhà ngươi! Nhưng không thể có loại Tokaj nào đó ngon hơn được. Chai này ta được một hiệp sĩ Hungary tặng, và ông ta thề rằng nó có một không hai trên thế gian.” “Bệ hạ tha thứ cho sự đường đột của thần, nhưng Tokaj và Tokaj lại khác nhau một trời một vực. Người Hungary không chịu thua nhau đâu. Xin bệ hạ cho phép thần được cá rằng trong vòng một tiếng thôi, thần sẽ lấy ra từ hầm rượu hoàng gia một chai Tokaj khác hẳn.” “Munchausen, ta hiểu nhà ngươi định đùa cho vui.” “Thần đâu dám! Chỉ sau một tiếng thần sẽ đem từ hầm rượu hoàng gia ở Vienna về đây cho bệ hạ một chai Tokaj, với chất lượng không thể nào đem so với thứ chất lỏng hôi mùi cồn này.” “Munchausen, Munchausen! Nhà ngươi định lỡm ta, chớ dại mắc tội khi quân! Ta biết nhà ngươi là một đấng mày râu thực thụ, nhưng giờ đây ta buộc phải nghĩ là nhà ngươi đùa nhảm.” “Bệ hạ hãy cho phép thần thử xem. Nếu thần không giữ được lời hứa vừa bị bệ hạ cho là khoác lác thì bệ hạ hãy coi thần là kẻ thù đáng phỉ nhổ nhất và sai chém đầu thần đi! Đầu thần đâu phải thứ gì rẻ rúng, bệ hạ muốn cá gì ạ!” “Nhất trí! Ta nhớ lời ngươi. Chuông điểm bốn giờ mà chai Tokaj chưa ở đây thì đầu ngươi sẽ rời cổ không một chút thương hại, vì ta không cho phép ai đùa với ta, cả những người bạn thân nhất cũng vậy. Nhưng nếu nhà ngươi giữ đúng lời hứa thì ta cho phép nhà ngươi vào kho vàng bạc châu báu của ta, và sức của một gã lực điền mang được bao nhiêu thì ngươi vác đi chừng ấy.” “Xin tuân lời bệ hạ!” tôi trả lời, đoạn xin giấy bút để viết cho Hoàng hậu Maria Theresia mấy dòng như sau: “Là người thừa kế duy nhất, chắc chắn Hoàng hậu thừa hưởng từ vua cha kính mến hầm rượu của Người. Cho phép thần xin một chai Tokaj theo mẫu ấy, như thần vẫn được phép đối ẩm cũng tiên đế! Một chai loại hảo hạng nhất! Vì đây là một vụ cá cược. Rất mong lại có dịp phụng sự Hoàng hậu lần nữa, bất cứ khi nào thần được phép, vân vân và vân vân.” Vì đã ba giờ năm phút, tôi đưa bức ngư để ngỏ cho lực sĩ thần tốc của tôi. Anh ta tháo trọng lượng ở chân ra và xuất hành ngay về hướng Vienna. Nhà vua và tôi uống nốt chai vang trong khi đợi chai ngon hơn. Chuông điểm ba giờ mười lăm, rồi ba rưỡi, vẫn chưa thấy người đưa thư đâu. Tôi phải thú nhận là đã bắt đầu thấy chộn rộn, vì có cảm giác nhà vua thỉnh thoảng ngó về phía sợi dây kéo chuông để gọi đao phủ. Tôi vẫn còn được phép đi ra vườn để hít thở khí trời, nhưng vài người hầu của vua bám theo sát gót và không rời mắt khỏi tôi. Lòng tràn ngập lo sợ, tôi nhìn kim đồng hồ chỉ bốn giờ kém năm bèn vội sai đi gọi người thính tai và thiện xạ. Họ xuất hiện tắp lự, người thính tai nằm rạp xuống và áp tai xuống nền đất để nghe xem lực sĩ thần tốc đã về chưa. Tôi kinh hoàng nghe anh ta báo là thằng cha kia đang nằm ngủ mê mệt và ngáy khò khò ở một nơi rất xa. Vừa nghe thấy thế, tay thiện xạ trung thành của tôi chạy ngay lên sân thượng, nhón chân lên nhìn và hớt hải hét lên: “Lạy Chúa, thằng lười như hủi đó nằm ngủ dưới một gốc sồi ở Belgrad và để chai rượu cạnh người! Đợi đấy! Tao sẽ cù cho mày thức dậy!” Anh ta nâng ngay khẩu Kuchenreuter lên bắn cả loạt đạn vào ngọn cây. Một trận mưa quả sồi và lá sồi rơi lên người gã trai đang ngủ, khiến hắn thức dậy và hốt hoảng nhận ra suýt nữa ngủ quên. Hắn phóng như gió và đem chai rượu cùng một lá thư do đích thân Hoàng hậu Maria Theresia viết về đến cung điện, khi đồng hồ chỉ đúng ba giờ năm mươi chín phút rưỡi. Không thể tưởng tượng được! Chà chà, giá mà ai cũng được thấy cảnh cái mồm rồng mồm phượng nốc rượu ừng ực! “Munchausen,” ngài phán, “nhà ngươi không được trách ta giữ lấy chai này cho riêng mình. Nhà ngươi thân thuộc Vienna hơn ta, chắc chắn sẽ có dịp gỡ lại.” Nói đoạn, vua cất chai rượu vào tủ khóa lại, đút chìa khó vào túi quần rồi giật chuông gọi quan coi kho. Ôi, mỗi lời của ngài ngọt như mật ong rót vào tai tôi! “Ta phải trả tiền cá cược cho nhà ngươi.” Ngài quay sang viên quan coi kho vừa bước vào: “Đây! Hãy xuất vàng bạc châu báu cho ông bạn Munchausen của ta đủ cho một người khỏe nhất có thể vác đi được.” Quan coi kho cúi rạp trước vua đến nỗi chạm mũi xuống đất, còn tôi thì được vua bắt tay vô cùng thân mật, trước khi ngài cho phép cả hai ra khỏi phòng. Chắc các vị cũng đoán ra, tôi đâu có chần chừ lấy một giây để giành lấy phần thưởng xứng đáng. Tôi tức tốc gọi ngay người hầu vạm vỡ với sợi dây thừng dài vô tận đến và đi vào kho châu báu. Sau khi anh ta đã gói đùm xong mọi thứ, chắc chẳng ai thèm quan tâm đến chỗ còn sót lại. Với số chiến lợi phẩm đó, tôi nhanh chân đi ra bến cảng, lấy con tàu chở hàng lớn nhất ở đó và dong buồm ra khơi cùng đám người hầu để đem của cải mới chiếm được về nơi an toàn trước khi có gì bất trắc xảy ra. Nỗi lo lắng của tôi biến thành sự thực. Viên quan coi kho để cửa kho mở toang hoang vì cũng chẳng có lý do gì để khóa lại nữa, và chạy ba chân bốn cẳng đến trình đức vua về việc nhà kho giờ này đã bị vơ vét nhẵn thín. Lúc ấy thì đến lượt nhà vua không kém phần choáng váng, và Người cũng chẳng tốn thì giờ để ân hận vì tính hấp tấp của mình. Lập tức ngài ra lệnh cho viên tổng tư lệnh hải quân điều cả hạm đội truy đuổi để vu vạ tôi cá cược gian lận. Tôi đi chưa đầy hai dặm thì đã thấy toàn bộ hạm đội tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ căng buồm đuổi theo, và tôi phải thú thực, cái đầu của tôi vừa đứng vững trên cổ đã lung lay trở lại. Lúc này người làm gió tiến tới và nói: “Ông chủ không có gì phải lo hết!” Rồi anh đi về phía đuôi tàu, hướng một lỗ mũi về phía hạm đội Thổ còn lỗ mũi kia vào buồm của tàu mình, thổi một trận cuồng phong kinh hồn táng đởm, khiến cả hạm đội kia buồm xiêu cột đổ thừng chão rối tinh, gió không những đẩy ngược quân Thổ về tận cảng mà còn thổi tàu của tôi về Ý sau vài giờ. Tuy vậy số của cải ấy cũng không làm tôi giàu lên nhiều, vì nước Ý đầy người nghèo và ăn xin. Một người có trái tim mẫn cảm như tôi không nỡ nào không phát phần lớn vàng bạc cho đám cái bang ngoài phố. Phần còn lại thì rơi vào tay một toán cướp trên tuyến hành hương tới Loreto, dọc đường đi Roma. Các vị thảo khấu ấy chắc cũng không bị lương tâm cắn rứt ghê gớm lắm, vì chỉ cần một phần nghìn chỗ tiền cướp được đã đủ cho cả bọn cùng đám con cái cháu chắt chút chít chụt chịt của họ đến Roma cúng khấn giải trừ cho mọi tội lỗi đã, đang và sẽ phạm phải trong tương lai. Giờ thì các vị thông cảm, đã đến lúc tôi xin được chợp mắt một lát. Chúc các vị ngủ ngon!
Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen - Gottfried August Bürger Những Cuộc Phiêu Lưu Kỳ Thú Của Nam Tước Munchausen