Love appears in moments, how long can I hold a moment, as my moment fades, I yearn to catch sight or sound of you, to feel the surging of my heart erupt into joyous sounds of laughter.

Chris Watson

 
 
 
 
 
Tác giả: Agatha Christie
Thể loại: Trinh Thám
Nguyên tác: The Clocks (1963)
Dịch giả: Trần Hữu Kham
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 298 / 19
Cập nhật: 2020-04-04 20:28:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
á ơi!” Ernie Curtin cất tiếng gọi. Cậu bé tạm dừng trong chốc lát việc điều khiển mô hình nhỏ bằng kim loại lên lên xuống xuống mặt kính cửa sổ, nhờ vậy tạm tắt cái âm thanh nửa rền rĩ nửa vù vù ầm ĩ mô phỏng một tên lửa vũ trụ đang xuyên qua không gian trên đường đến sao Kim. “Má nghĩ sao hả, má ơi?”
Bà Curtin, một phụ nữ nét mặt nghiêm nghị đang bận rửa chén bằng sành trong bồn, không đáp lại tiếng nào.
“Má ơi, có xe cảnh sát đậu lại bên ngoài nhà mình kìa.”
“Dẹp mấy cái chuyện ba xạo của con đi nghen, Ernie!” bà Curtin vừa nói vừa đặt bộ chén tách xuống mặt bồn cho ráo nước kêu lạch cạch. “Con biết má đã nói gì với con về chuyện đó rồi mà.”
“Con hổng có nói xạo,” Ernie nghiêm túc đáp lại. “Xe cảnh sát thiệt mà, và có hai ông đang xuống xe.”
Bà Curtin quay lại ngó thằng con.
“Dạo này có làm chuyện gì không hả con?” bà hạch hỏi. “Lại gây chuyện nhục nhã cho nhà mình, thiệt tình mà!”
“Đâu có đâu,” cậu bé Ernie đáp lại. “Con hổng có làm gì hết á.”
“Thằng Alf bị túm rồi. Nó và cả băng của nó. Băng đảng thiệt đó! Má đã bảo con rồi, và cha cũng từng nói băng đảng hổng có đứng đắn đàng hoàng đâu. Cuối cùng sinh chuyện rồi. Trước hết sẽ là tòa án xử con nít, rồi sau đó mày sẽ bị gỏi vô một trại giáo dưỡng dễ như không. Còn má sẽ không chấp nhận chuyện đó đâu, mày có nghe không?”
“Họ đã tới cửa trước rồi,” Ernie thông báo.
Bà mẹ rời cái bồn rửa chén, đến với thằng con chỗ cửa sổ.
“Ờ há,” bà lẩm bẩm.
Ngay lúc ấy tiếng búa gõ cửa vang lên. Lẹ làng chùi tay vào cái khăn lau chén, bà Curtin đi ra hành lang mở cửa. Bà nhìn hai người đàn ông trên bậc thềm trước cửa nhà mình với vẻ khinh khỉnh ngờ vực.
“Bà Curtin, phải không ạ?” người cao hơn trong hai người hỏi, giọng vui vẻ.
“Đúng rồi,” chủ nhà đáp.
“Tôi vào một lúc được không? Tôi là Thanh tra Hardcastle.”
Bà Curtin bước lùi lại vẻ khá là miễn cưỡng. Bà mở một cánh cửa, rồi ra hiệu cho ông thanh tra vào bên trong. Đó là một căn phòng nhỏ sạch sẽ, rất ngăn nắp gọn gàng, cho ta cảm tưởng ít khi có ai vào, mà cảm tưởng ấy lại hoàn toàn chính xác.
Bị tính tò mò lôi kéo, Ernie từ nhà bếp đi ra hành lang rồi len lén lách vào bên trong cánh cửa.
“Con trai bà à?” Thanh tra Hardcastle hỏi.
“Phải,” bà Curtin đáp, rồi nói thêm vẻ thù địch, “nó là một thằng nhỏ ngoan, mấy ông có nói gì cũng vậy.”
“Chắc chắn nó ngoan lắm,” thanh tra lịch sự nói.
Vẻ thách thức trên mặt bà chủ nhà giãn ra đôi chút. “Tôi đến để hỏi bà vài câu về nhà số mười chín, Wilbraham Crescent. Bà làm việc ở đấy, tôi được biết thế.”
“Chớ tui có bao giờ nói là hổng làm đâu nà,” bà Curtin chưa thể rũ bỏ cái tính khí kỳ khôi lúc nãy.
“Làm cho một cô tên là Pebmarsh?”
“Phải, tui làm cho cô Pebmarsh. Bả tốt lắm đó.”
“Mù lòa,” thanh tra Hardcastle nói.
“Phải rồi, tội nghiệp bả thiệt đó. Nhưng ông hổng bao giờ biết đâu. Bả có thể quơ tay sờ soạng đồ vật mà dò được đường đi khắp nhà siêu lắm. Còn đi ra đường tới tận giao lộ nữa đó. Bả hổng phải là người hay làm om sòm vì chuyện này chuyện nọ, hổng giống một số người mà tui biết.”
“Bà làm việc ở đấy vào buổi sáng?”
“Đúng. Tui tới đó khoảng chín rưỡi tới mười giờ, và ra về khoảng mười hai giờ hay khi đã làm xong việc.” Rồi bà ta hỏi gắt gỏng: “Ông hổng định nói cái gì đó đã bị ăn cắp đấy chứ?”
“Hoàn toàn ngược lại,” thanh tra nói, nghĩ đến bốn chiếc đồng hồ lạ.
Bà Curtin ngơ ngác ngó ông thanh tra, chẳng hiểu gì cả.
“Có chuyện rắc rối gì vậy hả?”
“Một người đàn ông được tìm thấy đã chết trong phòng khách nhà số mười chín, Wilbraham Crescent, chiều hôm nay.”
Bà Curtin trố mắt nhìn. Ernie Curtin vặn vẹo người khoái chí tử, mở miệng định kêu lên ‘ứ ư’, nhưng rồi thằng nhóc nghĩ làm cho người ta để ý đến sự hiện diện của mình là không khôn ngoan, và ngậm miệng lại.
“Chết hả?” bà Curtin nói có vẻ không tin. Và còn hoài nghi hơn khi bà hỏi tiếp: “Trong phòng khách à?”
“Đúng, ông ấy bị đâm chết.”
“Ông muốn nói là án mạng hả?”
“Đúng, là án mạng.”
“Đứa nào giết ổng chết vậy?” bà Curtin gặng hỏi.
“Tôi e rằng đến nay điều ấy chúng tôi vẫn hoàn toàn chưa nắm được,” thanh tra đáp. “Chúng tôi tưởng có lẽ bà giúp được cho chúng tôi chứ.”
“Tui hổng biết án mạng gì hết á,” bà Curtin khẳng định.
“Bà không biết, nhưng có một vài vấn đề cần làm rõ nguyên do. Chẳng hạn như sáng nay có ai ghé thăm nhà ấy không?”
“Tui nhớ là hổng có. Bữa nay hổng có. Ổng là loại người nào vậy hả?”
“Một người đàn ông cao niên độ sáu mươi tuổi, mặc một bộ com-lê sẫm màu thật chỉnh tề. Có lẽ ông ấy đã tự xưng là nhân viên bảo hiểm.”
“Tui hổng có để cho ổng vô nhà. Hổng có nhân viên bảo hiểm nào hết, cũng hổng có ai bán máy hút bụi hay Từ điển Bách khoa. Hổng có cái gì như vậy hết á. Cô Pebmarsh hổng mua bán tại nhà, và tui cũng vậy.”
“Tên của người đàn ông, theo tấm danh thiếp trong người ông ta, là Curry. Bà có bao giờ nghe cái tên ấy chưa?”
“Curry? Curry hả?” bà Curtin lắc đầu. “Tui nghe có vẻ giống tên người Ấn Độ quá hà,” bà ta nói vẻ hoài nghi.
“Chả phải thế đâu,” thanh tra Hardcastle nói, “ông ấy chẳng phải người Ấn Độ.”
“Ai đã tìm thấy ổng — Cô Pebmarsh à?”
“Một cô gái trẻ làm thư ký đánh máy kiêm tốc ký, do nhầm lẫn, cô nghĩ mình được cử tới đó để làm việc gì đấy cho cô Pebmarsh. Chính cô này đã phát hiện cái xác. Cô Pebmarsh trở về gần như ngay lúc ấy.”
Bà Curtin buông một tiếng thở dài thườn thượt. “Chuyện ì xèo quá xá! Quá xá trời luôn!”
“Xin bà bỏ chút thời gian,” thanh tra đề nghị, “để xem ảnh cái xác người đàn ông và cho chúng tôi biết có phải ông ta là người mà bà từng gặp ở Wilbraham Crescent hoặc trước đây từng có ghé thăm nhà ấy. Cô Pebmarsh đã khẳng định ông ta chưa bao giờ đến đấy. Bây giờ có những vấn đề nhỏ khác nhau mà tôi muốn biết. Bà có thể nhớ ra ngay tức thì có bao nhiêu đồng hồ trong phòng khách hay không?”
Bà Curtin thậm chí không cần suy nghĩ.
“Có cái đồng hồ bự trong góc phòng mà người ta kêu là đồng hồ ông nội, còn có cái đồng hồ chim cu trên tường nữa. Nó vọt ra và kêu ‘cúc cu!’ Có khi làm cho người ta suýt tí nữa là giật nảy lên.” Bà vội vã nói thêm: “Tui hổng có rớ tới cả hai cái đó đâu nha. Không bao giờ. Cô Pebmarsh thích tự tay lên dây hai cái đồng hồ đó.”
“Chả có vấn đề gì với chúng cả,” thanh tra trấn an. “Bà có chắc đấy là hai chiếc đồng hồ duy nhất trong phòng sáng nay hay không?”
“Đương nhiên. Còn có cái nào khác nữa sao?”
“Chẳng hạn như không có một chiếc đồng hồ vuông bằng bạc mà người ta gọi là đồng hồ mang đi đường, hay một chiếc đồng hồ mạ vàng bé tí teo — chiếc để trên bệ lò sưởi ấy, hoặc là một chiếc đồng hồ bằng sứ có hoa văn — hay một chiếc đồng hồ bọc da với cái tên Rosemary chéo ngang một góc.”
“Đương nhiên là hổng có. Hổng có cái nào như vậy hết á.”
“Bà hẳn đã để ý thấy chúng nếu như chúng có ở đấy?”
“Đương nhiên rồi.”
“Cả bốn chiếc đồng hồ ấy đều chỉ thời gian muộn hơn chừng một giờ so với chiếc đồng hồ cúc cu và chiếc đồng hồ đứng.”
“Chắc là giờ nước ngoài rồi. Tui và ông chồng già của tui đã có lần đi một chuyến xe khách tới Thụy Sĩ và Ý, giờ giấc ở đó lố cả tiếng đồng hồ luôn. Chắc có liên quan gì đó với cái Thị Trường Chung này. Tui hổng tán thành Thị Trường Chung, ông Curtin nhà tui cũng hổng chịu. Với tui nước Anh là quá đủ rồi.”
Thanh tra Hardcastle không để mình bị lôi cuốn vào đề tài chính trị.
“Bà có thể cho tôi biết chính xác bà đã rời nhà cô Pebmarsh lúc mấy giờ sáng nay không?”
“Mười hai giờ mười lăm. Lúc đó hầu như hổng có chuyện gì hết.”
“Khi ấy cô Pebmarsh có ở nhà không?”
“Hổng có, bả chưa về. Thường bả về lúc nào đó khoảng từ mười hai giờ đến mười hai giờ rưỡi, nhưng cứ thay đổi luôn.”
“Và bà ấy đã rời nhà lúc nào?”
“Trước khi tui tới đó. Tui tới lúc mười giờ.”
“À, cảm ơn bà Curtin.”
“Chuyện mấy cái đồng hồ đó có vẻ quái đản. Có lẽ cô Pebmarsh đã mua ở chỗ bán xôn. Đồ cổ, phải không? Nghe ông nói thì có vẻ như vậy.”
“Cô Pebmarsh có thường đến chỗ bán xôn không?”
“Có mua được một cuộn thảm lông cách đây chừng bốn tháng ở một chỗ bán xôn. Tình trạng thì còn rất tốt. Rẻ lắm, bả nói với tui vậy đó. Còn mua được mấy tấm màn nhung nữa. Phải cắt bớt, nhưng màn còn tốt nguyên như mới.”
“Nhưng bà ấy không thường mua những vật trang trí nhỏ hay những món như tranh ảnh, đồ sứ hoặc món gì đấy đại loại như thế ở các chỗ bán xôn chứ?”
Bà Curtin lắc đầu.
“Theo chỗ tui được biết về bả thì hổng có đâu, nhưng đương nhiên ở chỗ bán xôn hổng có câu châm ngôn nào hết á. Ý tui muốn nói là ông bị cuốn đi luôn, về nhà rồi mới tự nhủ ‘Mình định làm gì với cái món đó đây?’ Một lần mua tới sáu hũ mứt nhừ. Nếu có nghĩ tới chuyện đó, hẳn tui đã mua được giá rẻ hơn. Những bộ chén tách cũng vậy. Mấy cái đó tui có thể mua bán tốt hơn ngoài chợ vào ngày thứ tư.”
Bà lắc đầu vẻ buồn rầu. Cảm thấy không còn gì để tìm hiểu nữa, thanh tra Hardcastle từ giã ra về. Ernie lúc đó mới đóng góp cho cái đề tài còn chưa được bàn tới.
“Án mạng! U hư!” Ernie nói.
Tạm thời cuộc chinh phục khoảng không vũ trụ trong đầu nó bị thế chỗ bởi một vụ ly kỳ rùng rợn thực sự.
“Cô Pebmarsh hổng thể nào mần ổng trong nhà bả, phải hông?” nó sốt sắng gợi ý.
“Đừng có nói tào lao!” mẹ nó la, rồi một ý nghĩ thoáng qua trong đầu bà. “Má hổng biết có nên nói với ổng…”
“Nói với ổng cái gì hả má?”
“Con đừng quan tâm,” bà Curtin gạt đi. “Hổng có gì hết, thiệt đó.”
Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ - Agatha Christie Những Chiếc Đồng Hồ Kỳ Lạ