He who lends a book is an idiot. He who returns the book is more of an idiot.

Arabic Proverb

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15: Một Phụ Nữ Hoang Dã Rất Văn Minh
hông thể buồn chán với bà được, đó là câu đầu tiên ông Ozu nói với tôi khi cả hai chúng tôi đã trở lại nhà bếp và tôi đã yên vị trên chiếc ghế cao, nhấm nháp từng giọt rượu sake ấm và thấy nó cũng thường thôi.
- Bà là một người không hề tầm thường, - ông ấy nói thêm và đẩy về phí tôi một chiếc đĩa sâu màu trắng đựng đầy những cuốn thịt nhỏ trông không giống rán, cũng không giống hấp, mà được chế biến theo cả hai cách. Ông ấy đặt cạnh đĩa một bát nhỏ xì dầu.
- Đây là món gyoza, - ông ấy giới thiệu.
- Ngược lại, - tôi đáp, - tôi nghĩ mình là một người rất tầm thường. Tôi làm người gác cổng. Cuộc sống của tôi là một mẫu mực của sự tầm thường.
- Một bà gác cổng lại đọc truyện của Tolstoi và nghe nhạc của Mozart, - ông ấy nói. - Tôi không biết rằng đó lại là thói quen của những người cùng nghề với bà.
Và ông ấy nháy mắt với tôi. Ông ấy ngồi xuống rất tự nhiên bên phải tôi và dùng đũa gắp phần gyoza của mình.
Tôi chưa bao giờ cảm thấy dễ chịu như thế trong đời. Nói thế nào nhỉ? Lần đầu tiên tôi cảm thấy hoàn toàn tự tin, mặc dù lúc đó tôi không chỉ có một mình, ngay cả với Manuela, cô bạn mà tôi thường tâm sự về cuộc sống của mình, tôi cũng không có cảm giác an toàn tuyệt đối vì chưa dám chắc rằng chúng tôi thực sự hiểu nhau. Tâm sự về cuộc sống không có nghĩa là trao gửi linh hồn, và nếu như tôi quý Manuela như em gái, thì tôi vẫn không thể chia sẻ với cô ấy cái tạo nên điều không mấy ý nghĩa và xúc động mà cuộc sống khác lạ của tôi che giấu mọi người xung quanh.
Tôi dùng đũa thưởng thức những chiếc gyoza nhân rau mùi và thịt ướp thơm, và chuyện trò cùng ông Ozu với cảm giác thư giãn đến kinh ngạc, cứ như chúng tôi đã quen biết nhau từ rất lâu rồi.
- Cũng cần phải giải trí, - tôi nói, - tôi thường đến thư viện thành phố và mượn tất cả những gì có thể.
- Bà có thích hội họa Hà Lan không? - ông ấy hỏi tôi và không đợi câu trả lời. Nếu phải lựa chọn giữa hội họa Hà Lan và hội họa Ý, bà sẽ chọn bên nào?
Chúng tôi bàn luận nhiệt tình, tôi hang hái nói một cách rất thích thú về phong cách Vermeer, - nhưng rồi cả hai chúng tôi nhanh chóng nhận ra quan điểm chung.
- Ông có nghĩ rằng đó là một sự xúc phạm không? - tôi hỏi.
- Hoàn toàn không, bà ạ, - ông ấy trả lời và tôi đung đưa một cách rất lịch sự một miếng gyoza tội nghiệp từ trái sang phải trên chiếc đĩa của mình, - hoàn toàn không, bà nghĩ là tôi thuê chép một bức tranh của Michelangelo để treo nó ở phòng ngoài của nhà tôi sao?
- Phải nhúng sợi mì vào nước sốt này, - ông ấy nói thêm và đặt trước mặt tôi một giỏ mây đầy mì và một chiếc bát màu xanh lam -lục mà từ bên trong tỏa lên mùi... lạc. - Đó là "zalu zamen". Món mì lạnh ăn với sốt hơi ngọt. Bà ăn thử xem có được không?
Rồi ông ấy đưa cho tôi một chiếc khăn to dệt bằng sợi lanh mảnh.
- Có vài vết bẩn bên cạnh đấy, cẩn thận đừng để bẩn váy của bà.
- Cám ơn, - tôi nói.
Và không hiểu tại sao, tôi nói thêm:
- Không phải váy của tôi.
Tôi hít thật sâu và nói:
- Ông biết đấy, tôi sống một mình từ rất lâu rồi và tôi không bao giờ đi đâu cả. Tôi sợ mình hơi... hoang dã.
- Một phụ nữ hoang dã rất văn minh, - ông ấy cười và nói với tôi.
Vị của mì nhúng với nước sốt lạc thật tuyệt. Tuy nhiên tôi không thể thú nhận về tình trạng cái váy của Maria. Không dễ gì nhúng những sợi mì dài cả mét vào bát nước sốt sền sệt và ăn chúng mà không làm dây bẩn. Nhưng vì ông Ozu đưa mì vào miệng rất khéo nhưng vẫn gây tiếng động nên tôi không còn thấy mặc cảm nữa và hào hứng ăn món mì.
- Nghiêm túc mà nói, - ông Ozu nói với tôi, - bà không thấy điều này khó tưởng tượng sao? Con mèo của bà tên là Leon, hai con mèo của tôi tên là Kitty và Leesvine, cả hai chúng ta đều thích Tolstoi và hội họa Hà Lan, và chúng ta lại cùng sống ở một nơi. Xác suất xảy ra một chuyện như thế là bao nhiêu?
- Lẽ ra ông không cần phải tặng tôi bản sách tuyệt vời đó, - tôi nói, - không cần thiết đâu.
- Bà thân mến, - ông Ozu đáp, - bà có thích nó không?
- Vâng, tôi nói, - tôi rất thích nó, nhưng nó cũng làm tôi hơi sợ. Ông biết không, tôi thích sống kín đáo, tôi không muốn mọi người ở đây biết...
-... bà là ai? - ông ấy nói nốt. - Tại sao vậy?
- Tôi không thích rắc rối. Không ai muốn có một bà gác cổng nhiều tham vọng.
- Tham vọng ư? Nhưng bà có tham vọng nào đâu, bà có sở thích, có tri thức, có tư chất tốt!
- Nhưng tôi chỉ là người gác cổng! - tôi nói. - Vả lại, tôi không được học hành, tôi không ở cùng thế giới với họ.
- Chuyện hay thật! - ông Ozu nói đúng theo kiểu của Manuela khiến tôi phì cười.
Ông ấy nhướn mày vẻ muốn hỏi.
- Đó là câu nói yêu thích của cô bạn gái tốt nhất của tôi, - tôi giải thích.
- Thế cô bạn tốt nhất ấy nói gì về... tính kín đáo của bà?
Thật sự là tôi không biết gì cả.
- Ông biết cô ấy đấy, - tôi nói, - đó chính là Manuela.
- A, cô Lopes phải không? - ông ấy hỏi. - Cô ấy là bạn của bà ư?
- Cô ấy là người bạn duy nhất của tôi.
- Cô ấy là một quý bà, - ông Ozu nói, - một phụ nữ quý tộc. Bà thấy không, bà không phải là người duy nhất phủ nhận các chuẩn mực xã hội. Có gì xấu nào? Chúng ta đang ở thế kỉ hai mốt cơ mà, quỷ thật!
- Bố mẹ ông làm nghề gì? - tôi hỏi hơi thẳng vì kém phán đoán.
Chắc chắn ông Ozu tưởng rằng các đặc quyền đã biến mất cùng với Zola 3.
- Bố tôi là một nhà ngoại giao. Tôi không biết mặt mẹ mình, bà ấy mất sau khi sinh tôi không lâu
- Tôi rất tiếc, - tôi nói.
Ông ấy đưa tay làm một cử chỉ nói: đã lâu lắm rồi.
Tôi nói tiếp suy nghĩ của mình:
- Ông là con nhà ngoại giao, tôi là con nhà nông dân nghèo. Thậm chí không ai có thể nghĩ rằng tôi ăn cơm ở nhà ông tối nay.
- Thế nhưng bà đang ăn tối ở đây, - ông ấy nói.
Rồi ông ấy cười hiền lành và nói thêm:
- Và tôi rất lấy làm vinh hạnh.
Rồi câu chuyện tiếp tục như thế, chân thật và tự nhiên. Chúng tôi lần lượt nói về: Yasujiro Ozu (một người họ hành xa), Tolstoi và Levine cắt cỏ với nông dân ngoài đồng, cuộc sống lưu vong và tính bất biến của các nền văn hóa, và còn nhiều chủ đề khác nữa mà chúng tôi say sưa kết nối lại với nhau trong khi thưởng thức nốt những sợi mì dài ngoằng cuối cùng, và nhất là nhận ra sự tương đồng đến ngỡ ngàng trong cách nghĩ của chúng tôi.
Một lát sau, ông Ozu nói với tôi:
- Tôi muốn bà gọi tôi là Kakuro, như thế đỡ mất tự nhiên hơn. Bà có phiền không khi tôi gọi bà là Renee?
- Không sao, - tôi nói - và đúng là tôi cũng nghĩ như thế.
Sao bỗng nhiên tôi lại dễ dàng đồng ý như vậy?
Rượu sake làm đầu óc tôi mềm ra một cách êm dịu và câu hỏi này thành ra chẳng có gì là cấp thiết cả.
- Bà có biết azuki không? - ông Kakuro hỏi.
- Những ngọn núi ở Kyoto... - tôi nói và mỉm cười với ký ức vô tận đó.
- Sao cơ?- ông ấy hỏi.
- Những ngọn núi ở Kyoto có màu của bánh đậu đỏ azuki, - tôi vừa nói vừa cố gắng nói thật rõ ràng.
- Đấy là trong phim, đúng không? - ông Kakuro hỏi.
- Vâng, trong phim Chị em nhà Munakata, đoạn gần cuối.
- Ôi, tôi đã xem phim này rất lâu rồi, nhưng tôi không nhớ rõ lắm.
- Ông có nhớ cây hoa trà trên rêu ở đền thờ không? - tôi hỏi.
- Không, tôi không hề nhớ, - ông ấy đáp. - Nhưng bà làm cho tôi muốn xem lại bộ phim đó. Bà có muốn hôm nào đấy chúng ta cùng xem phim ấy không?
- Tôi có băng video, - tôi nói, - tôi vẫn chưa trả cho thư viện.
- Cuối tuần này, được không? - ông Kakuro hỏi.
- Ông có đầu video không?
- Có, - ông ấy cười và trả lời.
- Thế thì được, - tôi nói. - Nhưng tôi đề nghị một việc: ngày Chủ nhật, chúng ta sẽ xem phim và uống trà, tôi sẽ mang bánh ngọt tới.
- Nhất trí, - ông Kakuro trả lời.
Và buổi tối trôi đi trong khi chúng tôi vẫn đang say sưa chuyện trò mà không để ý tới mối liên hệ giữa các câu chuyện cũng như giờ giấc, vừa nói vừa nhâm nhi hết chén này tới chén khác một thứ trà tảo vị rất đặc biệt. Không có gì bất ngờ khi tôi lại phải đến chiếc bệ xí trắng như tuyết và tấm thảm màu vàng mặt trời. Tôi chọn nút một bông hoa sen - đã nhận thông tin - và chịu đựng khúc Confutatisvới sự thanh thản của người đã am tường. Điều vừa gây bối rối vừa tuyệt vời ở Kakuro Ozu là ông ấy kết hợp được lòng nhiệt tình và sự ngây thơ của tuổi trẻ với cách đối xử khéo léo và lòng nhân từ của một nhà hiền triết. Tôi không quen có mỗi quan hệ như thế với mọi người; tôi cảm thấy ông ấy có thái độ bao dung và chú ý quan sát, trong khi những người khác mà tôi biết lại thường ngờ vực và tốt bụng (Manuela), thật thà và tốt bụng (Olympe), hay ngạo mạn và tàn bạo (tất cả những kẻ còn lại trên thế giới). Kết hợp lại với nhau, sự ngon miệng, sáng suốt và tâm hồn cao thượng tạo nên một loại cocktail chưa từng có và ngon tuyệt.
Rồi ánh mắt tôi chạm phải cái đồng hồ.
Ba giờ.
Tôi đứng phắt dậy.
- Trời ơi, - tôi nói, - ông biết mấy giờ rồi không?
Ông ấy nhìn đồng hồ rồi ngước mắt lên nhìn tôi, vẻ lo lắng.
- Tôi quên mất là ngày mai bà phải làm việc sớm. Tôi đã nghỉ hưu, tôi không quan tâm đến công việc nữa. Có sao không?
- Tất nhiên là có rồi, - tôi nói, - nhưng tôi cũng phải ngủ một lát.
Tôi không nói về chuyện mặc dù tuổi đã cao và trong khi người già thường ngủ ít, tôi vẫn phải ngủ say như chết trong ít nhất tám tiếng đồng hồ thì mới có thể tỉnh táo được.
- Hẹn chủ nhật tới, - ông Kakuro nói với tôi ở cửa căn hộ.
- Rất cảm ơn, - tôi nói, - buổi tối nay thật thú vị, tôi rất biết ơn ông.
- Chính tôi phải cảm ơn mới đúng, - ông ấy nói, - đã lâu lắm rồi tôi mới được cười thế này. Bà có muốn tôi đưa bà về tận phòng không?
- Không, cảm ơn ông, - tôi nói, - không cần đâu.
Lúc nào cũng có thể có một người nhà Pallieres đi lại trên cầu thang.
- Thôi, hẹn Chủ nhật, - tôi nói, - hoặc thể nào chúng ta cũng sẽ gặp nhau trước hôm đó.
- Cảm ơn bà Renee, - ông ấy nói và cười to như trẻ con.
Khi đóng cửa phòng mình lại và dựa lung vào đó, tôi thấy Leon đang ngáy vang trên chiếc ghế bành trước tivi và tôi nhận ra điều không thể nghĩ tới: lần đầu tiên trong đời, tôi đã trở thành một người bạn.
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch