Hãy xem mỗi trở ngại là một cơ hội.

Tiến sĩ Wayne Dyer

 
 
 
 
 
Tác giả: Muriel Barbery
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Nguyen Thanh Binh
Số chương: 68
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 50
Cập nhật: 2016-07-01 09:49:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2: Trong Khoảnh Khắc Thần Cảm
ác bạn có biết không biết là gì không? Các nhà phân tâm học cho rằng đó là kết quả của những thao tác âm ỉ của vô thức bị giấu kín. Thực ra, lý thuyết đó mới vô nghĩa làm sao. Không biết là dấu hiệu rõ ràng nhất về khả năng của ý chí có ý thức của chúng ta; khi cảm xúc của chúng ta đối lập lại với nó, ý chí đó sử dụng tất cả các mưu mẹo để đạt được mục đích của mình.
- Phải tin là ta muốn bị lật tẩy, - tôi nói với Léon, nó vừa mới chui vào ổ và tôi cam đoan là nó đã thông đồng với vũ trụ để thực hiện mong muốn của tôi.
Tất cả các gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại bất hạnh theo một kiểu riêng là câu đầu tiên của tiểu thuyết Anna Karénine mà tôi, giống như bất kỳ bà gác cổng thực thụ nào, không thể đọc, tôi cũng không thể vô tình giật nảy mình khi nghe thấy phần sau của câu nói đó, trong một khoảnh khắc thần cảm, mà không biết đó là câu trong truyện của Tolstoï, bởi vì nếu những người dân thường thấp kém có thể nhạy cảm với các tác phẩm văn học cao cấp mà không biết đến chúng, thì văn học cao cấp không thể mong muốn vươn lên đến tầm nhìn cao mà những người có học đã đặt nó vào.
Suốt cả ngày, tôi cố gắng tự thuyết phục mình rằng tôi đã hốt hoảng vô cớ, rằng nếu ông Gì Đó có ví tiền đủ nặng để mua tầng năm, thì ông ấy cũng có rất nhiều mối quan tâm khác chứ để ý gì đến những cái giật do bệnh Parkinson của một bà gác cổng đần độn.
Tiếp đó, khoảng mười chín giờ, một anh chàng bấm chuông phòng tôi.
- Chào bà, - anh ta nói với tôi, phát âm cực chuẩn, - tôi tên là Paul N'Guyen, tôi là thư ký riêng của ông Ozu.
Anh ta đưa cho tôi một tấm danh thiếp.
- Đây là số điện thoại di động của tôi. Sẽ có thợ đến làm ở nhà ông Ozu và chúng tôi không muốn bà phải bận thêm vì việc này. Vì thế, nếu có bất cứ vấn đề nào, dù là nhỏ nhất, bà cứ gọi cho tôi, tôi sẽ đến ngay lập tức.
Các bạn sẽ ghi nhận ở đoạn này của cốt truyện rằng vở hài kịch không có đối thoại mà người ta thường nhận ra nhờ những dấu gạch đầu dòng nối tiếp nhau lần lượt theo từng vai.
Lẽ ra phải có đối thoại gì đó kiểu như:
- Rất hân hạnh, thưa ông.
Rồi:
- Tốt lắm, tôi sẽ không quên đâu.
Nhưng rõ ràng là không có lời nói nào.
Bởi vì, không cần phải cố gắng, tôi vẫn câm lặng. Tôi ý thức rõ việc mở miệng, nhưng không có bất cứ âm nào thoát ra và tôi thấy thương chàng trai trẻ buộc phải đứng nhìn một con ếch nặng bảy mươi kilô tên là Renée.
Ở mức độ này của cuộc gặp, thông thường diễn viên chính hỏi:
- Bà có nói được tiếng Pháp không?
Nhưng Paul N'Guyen cười với tôi và chờ đợi.
Phải cố sức lắm, tôi mới nói được điều gì đó.
Thực ra, đầu tiên chỉ là những âm kiểu như:
- Grmblll.
Nhưng chàng trai trẻ vẫn chờ đợi với sự kiên nhẫn tuyệt đỉnh.
- Ông Ozu ư? - cuối cùng, tôi cũng khó nhọc nói ra được, với giọng giống như của Yul Brynner.
- Vâng, ông Ozu, - anh ta đáp. - Bà không biết tên ông ấy sao?
- Đúng thế, - tôi nói khó nhọc, - tôi không hiểu lắm. Tên ông ấy viết thế nào nhỉ?
- O, z, u, - anh ta nói.
- À, ra thế, - tôi nói. - Ông ấy là người Nhật phải ko?
- Chính xác, thưa bà. Ông Ozu là người Nhật.
Chàng trai nhã nhặn chào từ biệt. Tôi lẩm bẩm câu chào trong ngực, đóng cửa và ngồi phịch xuống ghế, đè bẹp cả Léon.
Ông Ozu. Tôi tự hỏi liệu có phải tôi đang có một giấc mơ quá sức tưởng tượng ko, với sự hồi hộp, lồng ghép các hành động xảo quyệt, vô vàn sự trùng hợp và cách gỡ nút chung cục với cảnh mặc đồ ngủ, một con mèo mập ú dưới chân và chiếc đài loẹt xoẹt để báo thức được đặt sẵn sóng của France Inter.
Nhưng thực ra, chúng ta đều biết rõ rằng, giấc mơ và thức đêm không có điểm chung, và qua cảm nhận bằng giác quan của mình, tôi biết chắc chắn tôi đang thức.
Ông Ozu! Con trai của nhà đạo diễn? Hay là cháu? Hay là một người họ hàng xa?
Thế đấy.
SUY NGHĨ SÂU SỐ 9
Nếu bạn mời người đàn bà thù địch
Món bánh hạn nhân của tiệm Ladurée
Đừng nghĩ rằng
Bạn có thể
Nhìn nhau
Người mua lại căn hộ của nhà Arthens là một người Nhật! Ông ấy tên là Kakuro Ozu! Thật may nắm cho tôi, điều đó phải đến trước khi tôi chết! Mười hai năm rưỡi sống trong sự trống rỗng về văn hoá, rồi một người Nhật tới, cần phải thu dọn hành lý... Thật quá bất công.
Nhưng ít thất tôi cũng thấy được mặt tích cực của sự việc: ông ấy đã ở đây và đúng là ở đây, hơn nữa, hôm qua chúng tôi đã nói chuyện rất thú vị với nhau. Trước tiên, phải nói rằng tất cả những người ở đây đều rất thích ông Ozu. Mẹ tôi chỉ nói về chuyện đó, lần này bố tôi đã chú ý lắng nghe, mặc dù ông thường nghĩ đến chuyện khác mỗi khi mẹ tôi huyên thuyên về đủ thứ chuyện cỏn con diễn ra trong toà nhà, chị Colombe đã xem trộm cuốn sách giáo khoa tiếng Nhật của tôi, và sự kiện chưa từng xảy ra trong biên niên sử của nhà số 7 phố Grenelle, bà de Broglie đã đến nhà tôi uống trà. Nhà tôi ở tầng sáu, ngay trên căn hộ trước đây của nhà Arthens mà bây giờ đang được sửa sang lại - gọi là sửa nhưng làm mới nhiều khủng khiếp! Rõ ràng là ông Ozu đã quyết định thay đổi tất cả và mọi người đều thèm được nhìn thấy những thay đổi đó. Trong thế giới của các hoá thạch, một viên sỏi trượt nhẹ trên vách đá cũng đủ để suýt nữa gây nên cả chuỗi cơn đau tim - nữa là khi ai đó làm nổ tung cả quả núi! Tóm lại, bà de Broglie khao khát muốn nhìn thấy tầng năm nên bà ấy tìm cách để mẹ tôi phải mời bà ấy đến nhà khi hai người gặp nhau ở sảnh vào tuần trước. Thế các bạn có biết cái cớ không? Đúng là hết sức nực cười. Bà de Broglie là vợ ông de Broglie, cố vấn Tham chính viện, sống ở tầng hai, đã từng là thành viên Tham chính viện thời tổng thống Giscard và bảo thủ đến mức không chào những người đã li hôn. Chị Colombe gọi ông ấy là "lão già phát xít" vì chị ấy chưa bao giờ đọc gì về các đảng cách hữu của Pháp, còn bố tôi coi ông ta như một ví dụ tuyệt vời về sự trì trệ của các tư tưởng chính trị. Vợ ông ta cũng phù hợp với khuôn mẫu: váy áo đồng bộ, vòng cổ ngọc trai, môi cắn chỉ và một đàn cháu đều tên là Grégoire hoặc Marie. Từ trước đến nay, bà ấy hầu như không chào mẹ tôi (mẹ tôi theo đảng Xã hội, nhuộm tóc và đi giày mũi nhọn). Nhưng tuần trước, bà ấy vồ vập chúng tôi cứ như cuộc đời bà ấy phụ thuộc vào chúng tôi vậy. Hôm đó, tôi và mẹ vừa đi mua sắm về, đang đứng ở sảnh, mẹ tôi đang rất sung sướng vì mua được một tấm khăn trải bàn bằng chỉ lanh màu giá 240 euro. Tôi cứ tưởng mình bị ảo giác âm thanh. Sau câu "Chào bà" như thường lệ, bà de Broglie nói với mẹ tôi: "Tôi có chuyện này muốn hỏi bà," câu nói này hẳn phải làm bà ấy rất đau mồm. "vâng, bà cứ nói đi." mẹ tôi đáp lại và cười (vì nghĩ đến tấm khăn trải bàn và thuốc chống trầm cảm). "Thế này, cháu dâu của tôi, vợ của Étienne, sức khỏe không tốt lắm nên tôi nghĩ rằng cần phải điều trị." "Thật thế sao?" mẹ tôi nói và cười to hơn. "Vâng, bà thấy đấy, kiểu như là phân tâm học chẳng hạn." Bà de Broglie trông giống một con ốc ở giữa sa mạcSahara, nhưng bà ấy vẫn cầm cự được. "Vâng, tôi hiểu rồi," mẹ tôi nói, "thế liệu tôi có thể giúp gì được, thưa bà?" "Thế này, tôi tự nghĩ rằng bà biết rõ cách... ừmm...cách tiếp cận đó... vì thế tôi muốn bàn với bà." Mẹ tôi vẫn chưa thôi nghĩ đến may mắn của mình: một tấm khăn trải bàn bằng chỉ lanh, viễn cảnh được nói hết tất cả hiểu biết khoa học của mình về phân tâm học, còn bà de Broglie cho mẹ tôi được mặc sức thể hiện - ôi, đúng là một ngày tốt! Dù sao mẹ tôi cũng không thể kháng cự lại vì mẹ biết rõ rốt cuộc bà ấy muốn gì. Mẹ tỏ ra thô kệch về mặt tinh tế trí tuệ một cách vô ích, người ta không làm như thế với mẹ tôi. Mẹ tôi biết rõ vào ngày mà nhà de Broglie quan tâm đến phân tâm học, những người theo phái de Gaulle sẽ hát Quốc tế ca, và rằng lý do của thành công bất ngờ của bà là "thềm của tầng sáu nằm ngay trên thềm của tầng năm." Tuy nhiên, mẹ tôi đã quyết định tỏ ra hào hiệp, để cho bà de Broglie thấy lòng tốt bao la của mình và tâm hồn hào phóng của những người theo đảng Xã hội - nhưng trước hết phải có lễ nhập môn. "Tôi luôn sẵn lòng, thưa bà. Để một tối nào đó, tôi đến nhà bà và chúng ta cùng nhau bàn luận được không?" mẹ tôi hỏi. Bà de Broglie có vẻ băn khoăn vì không lường trước tình huống này, nhưng bà ấy trấn tĩnh lại ngay và nói với tư cách người của công chúng: "Không, không, tôi không muốn bà phải đi xuống, tôi sẽ lên gặp bà." Mẹ tôi hơi có cảm giác thoả mãn và không cố năn nỉ nữa. "Vâng, chiều nay tôi ở nhà, - mẹ tôi nói - bà đến nhà tôi uống trà lúc mười bảy giờ được không?"
Buổi uống trà diễn ra tốt đẹp. Mẹ tôi đã chuẩn bị đủ lệ bộ: bộ ấm chén do bà tôi tặng, với viền vàng, hình bướm xanh và hồng, bánh hạnh nhân của tiệm Ladurée, tuy nhiên vẫn có đường đỏ (thứ của cánh tả). Bà de Broglie, vốn đã đứng ngắm hẳn mười năm phút ở thềm tầng dưới, có vẻ hơi lúng túng nhưng cũng rất hài lòng. Và cả hơi bất ngờ nữa. Tôi nghĩ là bà ấy tưởng tượng khác về nhà tôi. Mẹ tôi đã thể hiện cho bà ấy thấy tất cả những kiểu cách đúng mực và cách nói chuyện của giới thượng lưu, kể cả một nhận xét rất sành điệu về những hãng cà phê ngon, sau đó nghiêng đầu về một bên ra vẻ đồng cảm và nói: "Thưa bà, bà lo lắng về cháu dâu của mình phải không ạ?" "Hừm, à, vâng." Bà de Broglie nói, gần như đã quên béng cái cớ của mình và bây giờ phải vắt óc ra điều gì đó để nói. "Vâng, nó bị trầm cảm" là câu duy nhất bà ấy nghĩ ra. Khi đó, mẹ tôi tăng tốc. Sau những món quà hậu hĩ, đã đến lúc phải đưa hóa đơn thanh toán. Bà de Broglie được nghe trọn một bài giảng về học thuyết của Freud, kể cả một vài chuyện tiếu lâm về tập quán tình dục của Chúa cứu thế và các tông đồ (với một đoạn bẩn thỉu về Melanie Klein) và điểm xuyết thêm một vài trích dẫn về Phong trào Giải phóng Phụ nữ và tính thế tục của hệ thống giáo dục Pháp. Trọn vẹn. Bà de Broglie xử sự như một tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo. Bà ấy đã chịu đựng sự lăng nhục với tính kiên định đáng kính phục và tự thuyết phục mình rằng như vậy có thể chuộc lại tội lỗi tò mò mà không tốn kém. Cả hai đều thoả mãn khi chia tay nhau, nhưng vì những lý do khác nhau. Trong bữa ăn tối, mẹ tôi nói: "Bà de Broglie sùng đạo đến mê muội, cũng chẳng sao, nhưng đáng lẽ bà ấy có thể duyên dáng hơn."
Tóm lại, ông Ozu làm cho tất cả mọi người phải quan tâm. Chị Olympe Saint-Nice nói với chị Colombe (nhưng chị Colombe rất ghét chị ấy và gọi chị ấy là "đồ con lợn giả vờ ngây thơ") rằng ông Ozu có hai con mèo và chị ấy muốn nhìn thấy chúng chết lên được. Bà Jacinthe Rosen không ngớt lời bình luận về chuyện đi lại ở tầng năm và lần nào bà ấy cũng nói say sưa như bị nhập đồng. Còn tôi, ông ấy cũng lôi cuốn tôi nhưng không phải vì những lý do như thế. Đây là câu chuyện đã diễn ra.
Tôi đi thang máy từ dưới lên với ông Ozu và thang máy bị kẹt giữa tầng ba và tầng bốn trong mười phút vì một kẻ ngu ngốc nào đó đã không đóng chặt lưới sắt lại khi không muốn dùng thang máy nữa và chuyển sang đi xuống bằng cầu thang bộ. Trong những trường hợp như vậy, cần phải đợi ai đó nhận ra, hoặc nếu bị kẹt lâu quá, phải hét thật to để gọi mọi người, đồng thời cũng phải cố tỏ ra lịch sự, thật không dễ chút nào. Chúng tôi đã không hét to. Chúng tôi tranh thủ khoảng thời gian đó để làm quen với nhau. Tất cả các quý bà hẳn sẽ sẵn sàng tự đày đoạ mình để được ở vị trí của tôi. Còn tôi, tôi rất vui vì phần Nhật to lớn trong tôi dĩ nhiên vô cùng vui sướng được nói chuyện với một người Nhật thật sự. Nhưng cái làm tôi thích thú nhất là nội dung của cuộc nói chuyện. Đầu tiên, ông ấy nói với tôi: "Mẹ cháu có nói với chú là cháu học tiếng Nhật ở trường. Trình độ của cháu đến đâu rồi?" Tôi thoáng nghĩ là mẹ đã lại nói linh tinh để gây chú ý với ông ấy, rồi tôi trả lời bằng tiếng Nhật: "Đúng thế, chú ạ. Cháu biết một ít tiếng Nhật nhưng không giỏi lắm." Ông ấy nói với tôi bằng tiếng Nhật: "Cháu có muốn chú sửa hộ ngữ điệu không?" rồi dịch luôn câu này sang tiếng Pháp. Tôi khoái quá. Nhiều người thường nói: "Ôi, cháu nói hay thế, hoan hô, tuyệt quá!" trong khi thực ra tôi phát âm như con bò xứ Landes. Tôi trả lời bằng tiếng Nhật: "Vâng, xin chú giúp cháu ạ," ông ấy sửa ngữ điệu cho tôi rồi tiếp tục nói bằng tiếng Nhật: "Chú tên là Kakuro." Tôi trả lời bằng tiếng Nhật: "Vâng, Kakuro-san" và chúng tôi cùng cười. Tiếp đó, câu chuyện (bằng tiếng Pháp) trở nên hấp dẫn. Ông ấy nói luôn với tôi: "Chú đặc biệt quan tâm đến bà Michel, bà gác cổng ở đây. Chú muốn biết ý kiến của cháu thế nào." Tôi biết hàng tá người cố hỏi khéo tôi, làm ra vẻ như chẳng có chuyện gì cả. Nhưng ông ấy rất thẳng thắn. "Chú cho là bà ấy không phải như người ta vẫn nghĩ," ông ấy nói thêm như vậy. Cũng có lúc tôi nghi ngờ về bà gác cổng. Nếu nhìn từ xa, đúng là một bà gác cổng. Nhưng nhìn gần... thật gần... có cái gì đó rất kỳ lạ. Chị Comlobe ghét bà ấy và nghĩ rằng đó là đồ mạt hạng của nhân loại. Với chị Colombe, dù thế nào đi nữa, người nào không phù hợp với chuẩn mực văn hoá của chị ấy đều là đồ mạt hạng của nhân loại, mà chuẩn mực văn hoá của chị Colombe là quyền lực xã hội cộng với áo sơ mi hiệu agnès. Bà Michel... Nói thế nào nhỉ? Ở bà ấy toát ra sự thông minh. Thế nhưng bà ấy lại cố gắng, vâng, rõ ràng là bà ấy cố hết sức để đóng vai một bà gác cổng và tỏ ra đần độn. Nhưng tôi đã quan sát khi bà ấy nói chuyện với Jean Arthens, khi bà ấy nói với Neptune sau lưng Diane, khi bà ấy nhìn các quý bà sống trong toà nhà đi qua trước mặt mình mà không chào. Bà Michel có phong cách thanh lịch của loài nhím: bên ngoài, bà ấy đầy gai nhọn, một pháo đài thực sự, nhưng tôi có trực cảm rằng bên trong, bà ấy cũng tinh tế như loài nhím, những con vật nhỏ bé tưởng như lờ đờ, vô cùng cô độc và thanh lịch khủng khiếp.
Vâng, nói thế tức là tôi thừa nhận mình không có khả năng siêu sáng suốt. Nếu không xảy ra chuyện gì đó, thì tôi cũng chỉ nhìn thấy những gì mà tất cả mọi người đều thấy, một bà gác cổng rất hay cáu kỉnh. Nhưng gần đây đã xảy ra một chuyện và thật buồn cười khi ông Ozu lại hỏi đúng vào lúc này. Cách đây hai tuần, Antoine Pallières đã lộn ngược cái túi đi chợ của bà Michel khi bà ấy còn đang bận mở cửa. Antoine Pallières là con trai của ông Pallières, nhà tư bản công nghiệp ở tâng bẩy, người hay dạy bài học đạo đức cho bố tôi về cách quản lý nước Pháp, trong khi đó lại bán vũ khí cho những kẻ phạm tội quốc tế. Cậu con trai của ông ta ít nguy hiểm hơn vì đang còn nhỏ, nhưng ai mà biết được: tính gây hại thường là vốn truyền thống của gia đình. Tóm lại, Antoine Pallières đã dốc ngược cái túi đi chợ của bà Michel. Củ cải, mì, gói gia vị nấu canh Kub và bánh xà phòng Marseille rơi ra, và khi nhìn vào chiếc túi rơi dưới đất, tôi thoáng thấy một cuốn sách. Tôi nói là thoáng thấy, vì bà Michel vội vàng thu dọn tất cả, mắt giận dữ nhìn Antoine (mặc dù rõ ràng là nó chẳng hề định động đậy ngón tay út) nhưng cũng pha lẫn chút lo lắng. Thằng bé không nhìn thấy gì, nhưng tôi đã kịp nhận ra đó là cuốn sách gì, hay đúng hơn là cuốn sách trong túi bà Michel thuộc loại sách gì, bởi vì có đầy những cuốn sách loại đó trên bàn của chị Colombe từ khi chị học triết học. Đó là một cuốn sách của nhà xuất bản Vrin, nơi chỉ chuyên xuất bản sách về triết học đại học. Một bà gác cổng có thể làm gì với cuốn sách của nhà xuất bản Vrin trong túi? Đó là câu hỏi mà tôi tự đặt ra cho mình, ngược lại với Antoine Pallières.
"Cháu cũng nghĩ thế," tôi nói với ông Ozu, và từ hàng xóm, chúng tôi lập tức chuyển sang mối quan hệ thân mật hơn, đó là quan hệ của những kẻ đồng mưu. Chúng tôi đã cùng trao đổi cảm tưởng của mình về bà Michel, ông Ozu cá với tôi rằng đó là một công chúa bí mật và thông thái. Trước khi chào tạm biệt, chúng tôi hứa với nhau sẽ cùng điều tra.
Suy nghĩ sâu trong ngày hôm nay của tôi thế này: đây là lần đầu tiên tôi gặp một người tìm kiếm mọi người và nhìn thấu được. Có thể suy nghĩ này quá tầm thường, nhưng dù sao tôi cũng cho rằng nó sâu sắc. Chúng ta không bao giờ nhìn thấy quá những gì chúng ta đã tin chắc, và tồi tệ hơn nữa, chúng ta đã từ chối gặp gỡ, chúng ta chỉ gặp gỡ chính bản thân mình mà không nhận ra mình trong những tấm gương thường trực đó. Nếu nghĩ tới việc này, nếu có ý thức về việc chúng ta luôn chỉ nhìn thấy chính mình trong người khác, rằng chúng ta đơn độc trong sa mạc, thì chúng ta sẽ điên mất. Khi mẹ tôi mời bà de Broglie ăn bánh hạnh nhân của hiệu Ladurée, mẹ tôi tự kể với bản thân câu chuyện đời mình và chỉ nhấm nháp vị riêng của nó; khi bố tôi uống cà phê và đọc báo, ông tự ngắm nhìn mình trong tấm gương theo trường phái phương pháp Coué( 1; khi chị Colombe nói về các bài giảng của thầy Marian, chị ấy đả kích chính cái bóng của mình, và khi đi qua trước mặt bà gác cổng, người ta chỉ thấy sự trống rỗng vì đó không phải là họ.
Tôi cầu xin số phận cho tôi may mắn được nhìn thấu chính mình và được gặp một người.
Chú thích
1.Thành phố nằm ở ngoại ô phía Đông Bắc Paris
Nhím Thanh Lịch Nhím Thanh Lịch - Muriel Barbery Nhím Thanh Lịch