What's meant to be will always find a way.

Trisha Yearwood

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Quân
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1356 / 13
Cập nhật: 2015-12-15 08:00:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10 - Trong Hang Tối
ề đến nơi, đồng hồ chỉ một giờ. Bé Thơ đã ăn cơm trưa, đang ngồi đợi. Bình kể lại đầu đuôi sự việc và điều chúng tôi nghi ngờ. Nghe xong, bé Thơ cắt đặt:
- Bây giờ, anh Chiêm dắt theo con Ca Phi cùng với anh Tâm, Bình trở lại chỗ căn nhà hoang. Thơ tin rằng, có cái mũ nồi ấy, con Ca Phi đánh hơi sẽ truy lùng ra tung tích Hai Ngữ. Nhưng cũng phải có một người tới canh chừng tại đầu dốc Vạn Sinh nơi Hai Ngữ đến lấy cái túi. Để tôi nhờ Tường Vi lo việc này cho. Phần tôi, tôi sẽ lên ấp Tân Lập, canh gác căn nhà riêng của anh ta.
Cuộc theo dõi hồi sớm mai không có gì là xa xôi, vất vả lắm, gần hai chục cây số vừa đi vừa về thôi, nhưng đường có nhiều dốc, lắm khi cứ phải đứng thẳng người trên hai bàn đạp mới đạp nổi, ba đứa tôi, ai nấy bắp chân mỏi rã rời. Tuy nhiên, công việc đã có phần nào ích lợi. Như bé Thơ, tôi cũng tin rằng con Ca Phi sẽ khám phá ra điều bí ẩn về sự biệt tăm của Hai Ngữ tại khu vực có căn nhà bỏ hoang.
Ba giờ chiều, sau khi được ăn một bữa cơm thật ngon miệng, cả bọn sửa soạn ra đi. Tường Vi lên dốc Vạn Sinh bí mật canh chừng, bé Thơ tới ấp Tân Lập, vào nhà hàng giả vờ xem “thụt” bi da để dò xét căn nhà Hai Ngữ. Trong khi đó, Tâm, Bình và tôi dắt theo Ca Phi trực chỉ khu vực căn nhà bỏ hoang, bên kia bờ sông Biên Hoà.
Bữa nay, tiết trời nóng bức, không khí nặng nề, bầu trời có nhiều mây xám y hệt hôm chúng tôi chờ trước cửa trụ sở Cuộc Cảnh Sát. Tôi dặn Tâm, Bình cứ đạp xe thong thả để Ca Phi theo đỡ mệt. Dưới lớp lông dầy của nó đã thấy mồ hôi nham nháp. Lên tới cầu, tôi liếc mắt ngắm nhìn làn nước trong xanh. Nếu không bận công tác lùng xét kẻ tình nghi, chắc tôi đã nhẩy xuống tắm bơi một chầu thoả thích.
Qua cầu, đều chân đạp một hồi nữa, cả bọn đã tới quãng đường chia hai. Ba chúng tôi theo con lộ nhỏ bên tay mặt phóng đi. Ca Phi đều bước chạy bên xe tôi. Được gần ba cây số, đã thấy con đường dốc cao trước mặt. Để dưỡng sức cho Ca Phi, tôi đề nghị với hai bạn xuống xe nghỉ chân một lúc dưới gốc một cây si cổ thụ bóng lá mát rượi, trước khi leo dốc.
Chẳng mấy chốc, mấy bức tường hoen ố của căn nhà hoang phế đã hiện ra. Chúng tôi xuống đi bộ sau khi giấu xe thật kín dưới mấy bụi sim rừng, ổi dại rậm rạp. Rút dây da, tôi thòng vào vòng đai cổ Ca Phi, đoạn đưa chiếc mũ nồi cho nó đánh hơi. Ca Phi hít ngửi một hồi, vẫy đuôi rối rít, ra hiệu đã hiểu là tôi muốn gì. Tâm đề nghị:
- Dắt Ca Phi vào trong căn nhà đổ nát này coi xem Hai Ngữ có tới đây không Chiêm?
Bên chân tường ẩm mốc, trước cánh cửa đóng im ỉm, con Ca Phi cứ ngước mặt lên ngó tôi chăm chú như muốn nói:
- “Trong này không có gì đâu, cậu Chiêm!”.
Tôi chỉ mong con Ca Phi phát giác ra được một cái hầm hoặc cái hang nào đó, nhưng không thấy gì. Tôi liền dắt nó lên cho đánh hơi đều khắp mặt đường. Liệu có tìm ra dấu vết kẻ tình nghi hay không mà coi bộ nó ngập ngừng lúng túng quá vậy? Có lẽ cái mũ nồi cũ, lâu ngày không dùng đến, mùi đã đổi khác rồi chăng? Và Hai Ngữ không bị “pan” xe tại chỗ này như tôi đã lầm tưởng? Nếu vậy thì gã vẫn ngồi phây phây trên xe, chân không chạm đất, làm sao có dấu vết để Ca Phi có thể đánh hơi dò tìm ra được.
Thấy chúng tôi lộ vẻ băn khoăn suy nghĩ, Ca Phi húc mõm vào tay đòi hỏi tôi cho nó ngửi lại chiếc mũ lần nữa. Rồi tôi dắt nó men theo đường cái đi ngược lên quãng dốc.
Bình gật gù:
- Có lẽ Chiêm lầm thật đấy. Lúc sáng nay, chắc Hai Ngữ không bị “pan” xe, mà chỉ có tiếng máy xe bị lấp đi khi anh ta quẹo “cua” chỗ cái gò đất kia kìa.
Bình vừa nói dứt câu, chợt Ca Phi trì rất mạnh sợi dây da, kéo sểnh tôi xuống dưới vệ đường thấp, đuôi vẫy tíu tít. Cả bọn cúi xuống chăm chú nhìn xem có gì lạ.
Bỗng Tâm la lớn:
- A, đây rồi! Có vết dầu xe! Nhất định phải có một chiếc xe đậu tại đây rồi!
Bình hỏi ngay:
- Xe đậu tại đây?
- Phải! Đúng là xe đậu! Nếu là xe chạy, tất nhiên những giọt dầu nhớt phải rải rác cách xa nhau chứ.
- Không chừng là xe hơi!
Bình Trọc chống hai tay xuống đất, cúi sát mặt hít ngửi mấy giọt dầu:
- Không, không phải xe hơi! Đây là xăng pha nhớt để chạy xe gắn máy.
Vậy ra Hai Ngữ đã xuống xe tại chỗ này. Nhưng sao không thấy một con đường nào khác cả. Hay gã đã xuống xe dắt bộ. Đánh hơi thật kỹ quanh mấy giọt dầu một lần nữa, Ca Phi kéo tôi tới một bãi rộng mọc đầy những sim, và cỏ ràng ràng rậm rì xanh tốt. Có vết chân người in lõm trên đám lá khô.
Chợt Bình Trọc khẽ reo:
- Coi này! Có cả vết bánh xe nữa! Thấy không? Vệt dài, trũng trên lá khô ẩm mục đó!
Đúng rồi! Đúng là đã có người dắt xe gắn máy đi qua đây. Ca Phi theo dò đúng quá. Đi hết cánh rừng thấp, con chó vẫn không chịu dừng chân. Cả bọn lại băng qua một thửa ruộng khô phơi mặt đất nứt nẻ trắng xoá. Không thấy dấu vết gì khả nghi. Ca Phi vẫn tiếp tục tiến tới, dắt tôi đến một cái hố dài trông như một cái hầm trú ẩn đào sâu dưới mặt đất. Nó nhẩy xuống, kéo tụi tôi men theo cái hố dài tiến bước… Một tấm liếp bằng gỗ che kín một cửa hầm xây bằng xi măng án ngữ trước mặt.
Bình Trọc:
- Lạ nhỉ! Không phải cửa nhà, chẳng phải cửa hang…
Tâm:
- Hay là cửa vào một cái hầm mỏ gì đó. À, mà có nghe nói ở đây có hầm mỏ gì đâu nhỉ!
Tôi chợt nhớ ra. Lúc sáng, khi theo hút Hai Ngữ, tôi để ý thấy con đường ở đây hơi lạ. Hai bên lề đường có nhiều viên gạch rơi vãi rải rác đó đây.
- Có thể đây là một cái lò gạch cũ.
Tâm gật đầu:
- Có lý! Có thể đây là một cái lò gạch lâu ngày không dùng đến nữa. Nhưng sao lại có cửa khoá?
Trong khi Ca Phi đưa mũi đánh hơi dưới mấy tấm ván cửa, tôi ghé mắt dòm qua khe gỗ hở cố nhìn xem có cái gì lạ bên trong đường hầm. Bóng tối như bưng lấy mắt.
Bình Trọc giật áo tôi:
- Cẩn thận! Coi chừng có người ở trong đấy!
Cả ba ghé sát tai vào cửa nghe ngóng. Không có gì lạ. Bên trong hoàn toàn im lặng. Tâm cố lay cánh cửa có lỗ khoá cứng ngắc.
- Nhất định phải xem có cái gì ở trong đó. Coi con Ca Phi kìa. Nó cương quyết đòi vào bằng được đấy.
Dứt lời, Bình ghé vai hích mạnh. Cánh cửa gỗ vẫn không nhích. Cả ba chúng tôi hợp lực nhau lấy vai tông mạnh. Một tấm ván sút đinh rớt xuống. Lỗ hổng đủ người đi lọt. Chúng tôi bước vào. Mùi ẩm mốc bốc lên sặc sụa khiến cả bọn nhăn mặt. Ca Phi lắc mạnh đầu, nhẩy mũi luôn mấy cái.
Không có đèn chắc không nhìn thấy gì hết, dù có tháo tung tất cả ván cửa.
Bình Trọc rút chiếc đèn bấm nhỏ:
- Có đèn đây nhưng “pin” yếu lắm.
Tia sáng vàng vọt loé ra nhưng chiếu xa không đầy năm thước. Tôi rón rén đặt bước, con Ca Phi kéo dây da phăng tới. Đất mềm lún xuống dưới bước chân.
Bình chiếu đèn lên cao rồi lại soi kỹ mặt đất:
- Đúng rồi! Đây là một cái lò gạch cũ, được đào thêm cho rộng ra và sâu hơn để làm chỗ trồng nấm. Vì thế mới có cửa khoá cẩn thận.
Nó cúi xuống lượm lên hai cái nấm nhỏ trắng tinh đoạn chiếu đèn soi quanh để kiếm thêm nữa.
- Nhưng rồi chỗ trồng nấm này cũng bị bỏ luôn. Nếu không thì đã phải có nhiều nấm lắm chứ. Nhặt cho kỹ cũng chưa chắc được một giỏ.
Nếu vậy, Hai Ngữ lén lút tới đây chỉ là để hái nấm còn sót lại cho vào cái túi cột ở sau xe. Tâm, Bình và tôi đều nghĩ như thế.
Tâm:
- Tụi mình mất toi thì giờ vô ích. Thì ra anh Hai Ngữ mò đến đây chỉ là để hái trộm nấm.
Bình tỏ vẻ nghi ngờ:
- Nhưng anh ta đâu có cần phá cửa để vào. Chắc y có chìa khoá. Mà thử hỏi tại sao anh ta có chìa khoá riêng để mở cửa vào thật ngon lành như thế?
- Biết đâu Hai Ngữ lại chẳng đã có thời kỳ làm việc tại đây?
Con Ca Phi vẫn trì kéo tôi đi sâu thêm nữa. Nó dừng lại, húc mõm vào tay đòi tôi cho ngửi cái mũ nồi lần nữa.
Bình bấm đèn bước theo. Quả nhiên có kẻ nào đó đã vào đây, đốt cả lửa để đun nấu. Nhiều mẩu gỗ cháy dở chứng tỏ điều đó. Lại có nhiều vết giầy in trên nền đất ẩm.
Tâm bảo Bình:
- Chiếu đèn ra sát mặt đất đi Bình! Vết giầy lạ sẽ nổi lên rõ rệt.
Vết giầy khá nhiều, to lớn không bằng nhau chứng tỏ ít nhất đã có hai người vào đây.
Bình Trọc khẽ reo:
- Ba chứ không phải hai đâu! Có cả một người đàn bà nữa. Coi những lỗ nhỏ do giầy hay guốc cao gót in xuống đất này.
Tôi cúi nhìn cho rõ những lỗ nhỏ do gót guốc hay giầy đàn bà in xuống, chợt trống ngực đập thình thịch. Bất giác tôi hét lên:
- Soi đèn tới đây! Bình, mau lên!
Ánh đèn bấm không sáng lắm nhưng cũng tạm đủ để soi rõ những vết giầy trẻ con in không sâu trên mặt đất ẩm. Lập tức, tôi rút chiếc săng đan nhỏ của bé Kính từ trong túi ra, áp lên một vết giầy trẻ con rõ nhất. Đế chiếc săng đan so với vết giầy nhỏ hơn một chút.
- Đúng rồi! Đôi săng đan mới bà Tám Vinh mua cho bé Kính buổi sáng hôm bé bị bắt đi, nhất định phải lớn hơn chiếc săng đan cũ chứ.
Thế là nhờ con Ca Phi, chúng tôi đã khám phá ra một điều khá ghê rợn. Bé Kính bị đem giấu tại đây và bọn gian bắt cóc em gồm có ba người. Nhưng không hiểu sao chúng lại bỏ đây mà đi, đem theo cả bé Kính?
Tâm chép miệng tiếc rẻ:
- Bọn mình tới trễ mất rồi. Tiền chuộc đã trao và chúng đã đem trả lại bé Kính. Thế là bọn gian thoát thân và ông lang thang vẫn bị nghi ngờ, tiếp tục bị giam giữ không biết đến bao giờ.
Tâm nói đúng. Sự thật có thể như thế. Mọi người yên tâm phần nào về bé Kính. Ủa, quái thật! Không biết tại sao chúng tôi vẫn cảm thấy bồn chồn khắc khoải. Một niềm khắc khoải rất kỳ lạ khiến chúng tôi có cảm tưởng là sự việc không chỉ giản dị như thế. Hay vì không tìm bắt được thủ phạm, ba anh em chúng tôi buồn quá, đâm ra nghĩ quẩn chăng?
Còn đang bối rối, không biết quyết định lẽ nào, chợt ánh đèn “pin” của Bình quét lên vách hầm phía bên phải, soi trúng cái gì trăng trắng giắt trong khe đá. Không thể bảo đó là mấy cái nấm được. Chộp vội đèn bấm, tôi soi lên, rút ra được hai mảnh giấy gấp tư.
- A, hai mảnh giấy báo!
Đúng là hai mảnh giấy đăng tin bắt cóc cắt trong báo ra. Những mục tin chúng tôi đã được đọc. Một đề ngày 20. Một đề ngày 21. Tôi đưa đèn bấm cho Bình nhờ soi dùm để xem xét thật kỹ. Trên hai mảnh báo đều có đoạn gạch bút chì làm dấu.
Tôi bảo các bạn:
- Tâm, Bình thấy chưa! Bọn gian chú trọng đến mọi tin tức liên quan đến cuộc lùng xét của cảnh sát tại vùng quê ven biên. Chúng sợ bị phát giác đấy. Vì thế chúng phải bỏ đây mà đi đem theo bé Kính để giấu tại một nơi khác.
Tâm tán thành:
- Đúng thế! Có điều bọn họ bỏ đi cũng chưa lâu lắm đâu vì hồi sớm mai này, Hai Ngữ còn tới đây kia mà.
Tôi khẽ lắc đầu tỏ vẻ hoài nghi:
- Biết đâu hắn chẳng trở lại để thu nhặt, dọn sạch mọi dấu vết có thể tố giác cả bọn. Hai Ngữ có đem cả cái túi theo đó.
Bình xoa xoa cái đầu trọc:
- Ừ, ừ, có thể thế lắm. Nhưng làm thế nào để biết được bọn gian bỏ đi từ bao giờ nhỉ? Tôi nghi như thế này: một là chúng sợ bị phát giác nên tìm đường đào tẩu, hai là sau khi nhận tiền chuộc chúng đã đem bé Kính trả lại rồi chăng?
Tâm:
- Vậy thì chỉ có về nhà, chúng mình mới biết chắc được. Nếu bé Kính đã được đem trao trả, tất nhiên cả tỉnh phải đồn ầm lên chứ. Bây giờ chúng ta về coi xem tin tức ra sao.
Tôi huýt gió gọi Ca Phi. Cả bọn bước ra khỏi hang nấm sau khi đã đóng lại mấy tấm ván cửa.
Rủi quá! Vừa bước ra lấy xe đạp thì trời đổ mưa. Tâm giơ cổ tay xem đồng hồ: sáu giờ mười lăm. Bình Trọc lộ vẻ nóng ruột:
- Về! Đợi cho hết mưa thì tối mịt. Xe lại không đèn.
Thế là dưới trời mưa không lớn lắm, ba anh em từ từ đạp xe, hết sức đề phòng mặt đường trơn trượt. Bình Trọc thỉnh thoảng lại loạng choạng tay lái như muốn lao cả người lẫn xe xuống ruộng. Con Ca Phi đều đều gõ móng lách cách trên mặt đường, sát bên xe tôi. Chốc chốc nó lại quẫy mạnh thân mình để rũ cho hết nước mưa khiến hai ốngquần tôi ướt nhẹp.
Hơn một giờ sau, trời tối mịt, cả bọn mới về tới công viên. Ai nấy ướt như chuột lột. Chắc hẳn bé Thơ về từ trước, vẫn rình chúng tôi bên cửa sổ nhà sàn, nên vừa xuống xe đã thấy bé xuất hiện, đầu đội mưa chạy xuống gian nhà ương cây.
- Chu choa! Các anh ướt lướt thướt, bùn đất tèm lem hà! Có gì rắc rối không mà quá xá vậy?
Tôi mỉm cười trấn an bạn:
- Yên trí đi, bé Thơ! Chỉ có một chầu tắm mưa bằng thích thôi!
Chợt bé Thơ nhìn ba đứa tôi, giọng đổi khác:
- Các anh có biết tin gì không?... Hình như tiền chuộc đã nạp rồi mà bé Kính vẫn chưa được đem trả lại.
Nhà Thơ Lãng Tử Nhà Thơ Lãng Tử - Nam Quân Nhà Thơ Lãng Tử