Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Quân
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1356 / 13
Cập nhật: 2015-12-15 08:00:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Một Nhân Vật Đáng Ngại
nh chàng Hai Ngữ này có vẻ… đáng nghi lắm. Chúng tôi phải tìm hiểu xem hắn là ai? Theo lời chỉ dẫn của bà Sáu Phiên, cả bọn rảo bước trở lại trung tâm thành phố rồi từ đó đi theo đường Bạch An. Bạch An là một phố lớn, buôn bán khá sầm uất. Đi được một quãng, từ phía xa xa, tôi đã nhận ra một chiếc “cam nhông nét” màu nâu kẻ chữ trắng ở bửng phía sau xe: vườn cảnh Lâm Bình Tôn.
Thật là may! Lúc đó đã gần tám giờ tối mà hàng bán hoa, cây cảnh vẫn chưa đóng cửa. Một cô gái khoảng 18, 20 tuổi đang xếp gọn lại những chậu cúc vàng, mộc lan. Bé Thơ và tôi bước vào:
- Chị cho chúng em hỏi thăm: bác Hai Ngữ có làm ở đây không hả chị?
Cô gái hàng hoa vui vẻ đáp:
- Có đấy em à! Bác ta làm ở đây đã được hơn một tháng rồi. Nhưng hiện giờ bác ấy đi vắng.
- Ủa! Bác ta nghỉ phép hả chị?
- Không phải đâu em! Bà mẹ mới mất nên bác ấy xin về làm đám táng. Bác nghỉ được tám ngày rồi đó.
- Nhà bác ấy ở đâu chị?
- Trên ấp Tân Lập, không xa đây lắm đâu. Nhưng tôi không biết rõ số nhà. Các em hỏi có việc gì cần lắm không?
Bé Thơ khẩn khoản:
- Dạ, cần lắm chị ạ!
- Vậy các em chờ một chút nghe!
Cô gái quay vào, cất tiếng gọi:
- Ba ơi! Có hai em nhỏ hỏi địa chỉ của bác Hai Ngữ này, ba! Ba biết không?
Ông chủ từ nhà trong chạy ra:
- Sao? Cháu hỏi Hai Ngữ hả? Hắn xin phép nhỉ mấy hôm rồi. Phiền quá, nhà lại đang nhiều việc. Bà mẹ anh ta mới mất. Nhà hắn ở cuối ấp Tân Lập. Tôi không nhớ số, nhưng dễ kiếm lắm, kế bên nhà có bàn “bi-da” và căn nhà hắn ở nhô hẳn ra đường phố ấy. Các cháu có thể nhìn thấy dễ dàng.
Không ngờ việc hỏi thăm tin tức lại nhanh chóng đến thế, bé Thơ và tôi lễ phép cám ơn hai cha con ông chủ hàng hoa đoạn quay ra.
Bình Trọc ngước nhìn mấy ngọn đèn đường:
- Bây giờ chúng mình làm gì đây?
Bé Thơ quyết định rất nhanh:
- Lên ấp Tân Lập ngay bây giờ thì không được, muộn rồi. Hai nữa, chắc gì Hai Ngữ đã ở nhà. Tôi cũng cần về xem Tường Vi đã khoẻ hẳn chưa. Tụi mình đi biền biệt suốt cả buổi chiều rồi đó.
Cả bọn quay về công viên. Bé Thơ lên nhà sàn trong khi Bình Trọc quay ra phân công cho tôi và Tâm, người nhóm lửa, người vo gạo. Bình rửa nồi soong rất lẹ. Nó đổ nước vào, bắc lên bếp đâu đó rồi quay ra lựa những quả xấu trong số ba tá trứng mua hồi chiều.
Cơm nước xong, ba đứa tôi ra ngồi ngoài hàng ba thảo luận. Bé Thơ cũng từ trên nhà Tường Vi đi xuống. Cả bọn đều đồng ý rằng đường lối hiện đang theo dò có vẻ đúng lắm.
Bác làm vườn kiêm tài xế xin nghỉ ít ngày để về lo việc đám tang cho mẹ? Có thật không? Việc đó cần phải kiểm lại xem có đúng không mới được.
Bình Trọc lộ vẻ nóng ruột:
- Riêng tôi, tôi chỉ muốn lên ấp Tân Lập ngay tức khắc để xem tay Hai Ngữ này là người thế nào?
Tâm bình tĩnh hơn:
- Kể cũng lạ! Anh ta chẳng làm việc ở đâu được lâu thì làm gì có nhiều tiền. Do đó, đào đâu ra xe hơi mà bảo bắt cóc bé Kính bằng xe hơi nhỉ?
Bình lắc đầu nhìn bạn:
- Tâm ngây thơ quá, Tâm ơi! Xe hơi ăn trộm chứ còn đào đâu nữa. Tâm tưởng rằng một kẻ đã có gan bắt cóc con nít lại không dám ăn trộm xe hơi hả? Nên nhớ rằng Hai Ngữ lái được cả cam-nhông-nét đấy nhé. Xe chở hoa và cây cảnh của nhà vườn Lâm Bình Tôn đó kìa. Thế rồi, việc bắt cóc bé Kính anh ta đâu có làm một mình. Nhất định phải có người phụ giúp y một tay.
- Nhất định? Tại sao lại “nhất định”? Bình nói nhất định là có ý gì?
- Bắt cóc trẻ con, ít nhất trên xe phải có hai người. Một người lái xe, một người ôm giữ, che giấu đứa bé để ngăn không cho nó kêu khóc chứ!
Bé Thơ tán thành:
- Rất đúng! Anh Bình nói rất đúng! Và chúng ta cũng chưa quên là Hai Ngữ đã có thời kỳ làm cho bác sĩ Bảo nên biết rõ bé Bích lắm. Vì thế, anh ta đâu dám ra mặt bắt cóc, lỡ lộ thì sao? Bé Bích sẽ nhận diện được y chứ. Lên năm tuổi, bất cứ em bé nào cũng kể lại được cái gì mắt chúng đã thấy, tay chúng đã làm… Như vậy, nguy cho Hai Ngữ lắm. Vì, tiền chuộc một khi đã nhận, đứa bé được trao trả lại, thế nào nó cũng tố giác người đã bắt nó. Vậy “nhất định” Hai Ngữ phải có một tên tòng phạm giúp sức.
Bình đắc trí cười ha hả:
- Thấy chưa, hả tâm? Bé Thơ hay thật! Lý luận như thế thì nhất rồi.
Mười một giờ đêm, cuộc bàn cãi vẫn còn sôi nổi. Chợt, bác Ninh gái từ trên nhà sàn lững thững đi xuống. Bác cười vui:
- Ý kìa! Các cháu chưa đi ngủ hả? Không buồn ngủ hay sao chớ? Sáng nào cũng dậy sớm mà lại thức khuya như thế, mệt chết. Về ngủ với Tường Vi đi, bé Thơ. Vi nó đang hỏi cháu đấy.
Bé Thơ về ngủ rồi, ba đứa tôi cũng vào trong nhà, ngả mình trên nệm trải “ra” trắng muốt. Bên dưới, chúng tôi đã dồn thêm nhiều cỏ khô, đặt mình nằm rất êm, thích thú vô cùng.
Nhưng, một lúc lâu lắm, vẫn chưa ai ngủ được. Soải mình thoải mái trên nệm, tôi đưa tay vuốt ve con Ca Phi, dịu giọng nói chuyện với nó:
- Ca Phi! Thương Ca Phi ghê! Hồi này Chiêm ít để ý săn sóc trông nom Ca Phi, heng! Tụi mình lại “dính” vào một công việc hơi mệt đấy nhé. Thành ra chưa có thì giờ rảnh rỗi. Thế nào rồi cũng phải nhờ đến Ca Phi rất nhiều. Làm cách nào tìm ra được bé Kính để cứu ông lang thang thì mới yên được.
Tôi suýt bật phì cười khi nghĩ đến bà Sáu Phiên, dáng điệu vội vàng cuống quít của bà lúc cầm bó cây hoa nhài đuổi theo chúng tôi mà gọi nheo nhéo. Để khi nào rảnh rang, sẽ lên thăm và cám ơn bà mới được. Ý nghĩ vui vui ấy khiến tôi ngủ quên đi lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, ba đứa tôi lại dậy sớm như mọi khi, ra công viên tập thể dục, rồi chạy ùa tới máy nước, tắm gội, rửa mặt, đánh răng.
Ăn điểm tâm xong, cả bọn lên phố chính, tới sạp báo quen thuộc, mua báo mới. Sạp báo vẫn chưa mở cửa. Tâm, Bình và tôi đành phải đợi chờ. Khoảng mười phút sau, ông chủ tiệm đã xuất hiện bên ô cửa sổ che lưới sắt. Thoáng bắt gặp chúng tôi, ông vui vẻ la lên:
- Trời đất! Mới sớm tinh mơ mà các chú em đã tới rồi. Đứng chờ ở đây từ nửa đêm chắc. Sao nôn nóng dữ vậy?
Gói báo mở ra, ông rút một tờ đưa cho tôi. Vẫn ở trang nhất, hàng chữ đen lồ lộ. Ba đứa châu đầu cùng đọc:
VỤ BÉ KÍNH MẤT TÍCH
“ Biên Hoà 21-8
“ Cho tới hôm nay vẫn chưa tìm ra được bé Trần văn Kính, con trai ông bà Trần văn Vinh. Cảnh sát lại hỏi cung Lê văn Phương, gã lang thang, nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Mặc dù có nhiều chứng cớ khiến mọi người tình nghi hắn, Phương vẫn một mực chối cãi là không dính líu gì vào vụ bắt cóc. Hỏi về lý do y hiện diện trong công viên, nghi can nhất định không cho biết gì hết mà chỉ im lặng.
Mặt khác, cảnh sát không tiết lộ một tin tức gì về việc tiếp xúc giữa bọn gian và ông Nguyễn Mẫn, vị mạnh thường quân được mọi người tín nhiệm bầu làm thủ quỹ để thâu góp cho đủ số tiền chuộc bé Kính. Tuy nhiên, nhiều tin đồn rằng, hình như đã có một cuộc hẹn gặp tại một địa điểm vùng ngoại ô thành phố, tại miếu Cô Ba thì phải. Nhưng bọn gian đa nghi, e rằng có sự gài bẫy của cảnh sát nên đã không tới nơi hẹn để nhận số tiền chuộc.
Một ngày qua đi là một ngày tăng thêm sự lo lắng, sợ hãi cho hai ông bà Trần văn Vinh. Toàn dân trong tỉnh cũng chia sẻ niềm khắc khoải của đôi vợ chồng đau khổ ấy. Người ta lại còn e rằng sau khi lấy được tiền chuộc, bọn gian sẽ vẫn không đem trả lại bé Kính. Vì lẽ ở tuổi ấy, bé Kính đã có thể cho biết đặc điểm nhân dạng của những tên bắt cóc em khiến chúng sẽ bị dễ dàng sa lưới.
Cảnh sát vẫn mở cuộc lùng xét rất gắt trong vùng. Một khu trại bỏ hoang cách thị xã ngót mười cây số, ở đầu làng Thanh Trà bị nghi là sào huyệt của bọn gian. Nhiều vết vỏ xe hơi khả nghi đã được ghi nhận tại đây và một nông dân xác nhận rằng buổi sáng sớm, ngay sau ngày xẩy ra vụ bắt cóc, có ánh đèn lọt qua khe cửa sổ tại căn nhà chính trong khu trại này.
Nhưng cuộc lục soát tại chỗ của cảnh sát đã không đem lại một kết quả nào đáng kể”.
Ở sạp báo ra, Bình Trọc nói ngay:
- Chiêm và Tâm thấy chưa? Từ hôm qua đến giờ đã có gì mới lạ đâu. Trong khi đó, ông lang thang vẫn bị giam giữ. Chắc bây giờ thì không có gì đáng lo cho ông nữa rồi. Nhưng còn bé Kính. Việc càng kéo dài, càng lo ghê đi.
Cất gọn tờ báo vào túi, tôi theo chân Tâm, Bình vừa đi vừa chạy về công viên. Cũng như hôm trước, bé Thơ đang ngóng chờ bọn tôi, ngồi sẵn trong nhà ương cây từ bao giờ.
Sau khi đọc xong mục tin, bé la lên:
- Ừ, thời gian cấp bách quá rồi, không thể ngồi im như thế này mãi được. Phải lo việc đi tìm bé Kính, sớm phút nào hay phút ấy.
Nửa giờ sau, cả bọn đã lên tới ấp Tân Lập. Đường đi chính trong ấp là một con lộ nhỏ trải đá cũng có cái tên gọi giống tên ấp: đường Tân Lập.
Bốn đứa tôi thả bước lần tới. Quả nhiên, gần cuối ấp có một gian nhà rộng, trong kê hai bàn “bi-da”. Và kế bên là môt căn nhà nhỏ, sập sệ làm nhô hẳn ra ngoài. Đứng xa mà trông, tưởng chừng nhà cất ngay trên mặt lộ vậy. Bên phải là căn nhà có bàn bi-da, bên trái là một khoảng vườn nho nhỏ, hàng rào vừa bằng lưới sắt vừa bằng cây, chỗ còn chỗ mất. Chắc hẳn đây là vườn của Hai Ngữ cũng như căn nhà tiều tụy kia là chỗ ở của anh ta. Cửa ra vào, cửa sổ bằng ván ghép sơ sài, cái nào cái nấy đóng im ỉm.
Tâm đề nghị:
- Tụi mình hỏi thăm ông chủ nhà bi-da coi thử. Hàng bi da là chỗ thiên hạ hay lui tới. Chắc ông chủ phải quen biết nhiều người.
Chủ nhà bi-da không phải một ông mà lại là một bà. Bà chủ còn có một quầy bán cà phê, nước ngọt và thuốc lá.
Bình Trọc hạ thấp giọng:
- Khi hỏi, chúng mình phải cẩn thận một chút nghe! Bà này chắc là hàng xóm thân cận nhất của Hai Ngữ đấy.
Bé Thơ có biệt tài làm quen với những người mới gặp lần đầu tiên. Cái biệt tài ấy khiến Thơ luôn luôn thành công trong việc ngoại giao hỏi dò tin tức. Y như rằng! Bà chủ bi-da tuy đã lớn tuổi nhưng tiếp chúng tôi rất niềm nở.
- Phải rồi. Đúng, đúng! Hai Ngữ ở đó. Nhưng y cũng đừng hòng ở được lâu. Sớm muộn gì rồi nhà cũng bị ủi bằng địa. Nói thì lại bảo là nói xấu, chứ thằng cha này… kỳ cục lắm, các em à.
- Cửa ra vào, cửa sổ đóng kín cả. Chắc ông ta đi lo đám táng ở đâu đó, phải không bà?
- Lo đám táng? Đám táng ai?
- Chúng cháu nghe nói bà mẹ ông ta mới mất mà!
Bà chủ bi-da trợn tròn đôi mắt, hai tay khuỳnh lên chống nạnh:
- Mẹ hắn ta mới mất?... Trời đất quỷ thần! Bà cụ chết từ đời tám hoánh nào còn ở đó mà “mới”! Có tới nửa năm rồi chứ không ít đâu.
- Ông chủ trại hoa kiểng trên đường Bạch An, nơi ông Hai Ngữ đang làm đã nói với chúng cháu thế.
- Vậy thì lão Hai này đã nói láo, bịa chuyện ra đó. Còn lạ gì Hai Ngữ! Nói dối cứ như cuội!
- Nếu vậy chắc ông ta chỉ quanh quẩn đâu đây? Bà có gặp ông ta không?
- Trông thoáng thấy thôi. Mới hôm qua, hôm kia đây này. Hình như ít ngày nay hắn không ngủ nhà thì phải. Chiều qua, mãi lúc xẩm tối mới thấy y mò về, rồi lại đi ngay. Hắn cưỡi xe gắn máy chạy ngang đây mà.
- Ông ta không có xe hơi hả bà?
- Xe hơi? Trời đất! Vặn răng ra mà mua xe hơi. Nợ cứ như chúa chổm.
Chợt nhận ra bé Thơ hỏi han hơi “kỹ”, bà chủ bi-da nhíu cặp chân mày:
- À, mà sao cháu gái hỏi thăm gì mà hỏi nhiều thế? Hơn cả mấy ông cảnh sát. Tuần trước, tại đây có chiếc xe hơi đụng một xe đạp. Hai xe chỉ trầy trụa, người bị thương sơ sơ thôi mà các ông ấy cứ hỏi đi hỏi lại mãi, kỹ lưỡng quá trời… Cũng như cháu gái đây vậy. Ủa, mà không chừng các cháu cũng là cảnh sát chăng?
Bà chủ vui tính phá lên cười ròn rã. Đoạn:
- Thôi, để bác đi quét dọn sạch sẽ bàn bi-da đã nghe. Hôm nay mát trời, chắc khách tới “thụt” đông lắm.
Dứt lời, bà quay vào, quơ cây… không phải chổi chà mà là cây chổi “bông” bằng ni-lông tước nhỏ, tơ mịn như bông, phủi phủi, quét quét bốn chung quanh bàn bi-da vốn vẫn bóng láng như sơn.
Có tiếng Bình Trọc thở dài:
- Thế là chẳng ăn thua gì.
Bé Thơ cãi ngay:
- Sao lại chẳng ăn thua? Hiện giờ chúng mình biết chắc là Hai Ngữ đã nói dối này. Và thử hỏi, anh ta xin phép nghỉ ít ngày để làm gì? Hồi nãy các anh nghe rõ chứ? Hai Ngữ nợ đìa tổ đỉa! Vậy việc cần là tụi mình phải tìm được anh ta, rồi theo dõi liền. Hôm kia, hôm qua gã có về qua đây, chắc hôm nay thế nào cũng lại về nữa.
Bốn chúng tôi chầm chậm đi ngang trước cửa căn nhà sập sệ. Tôi chợt có ý kiến vào hẳn trong vườn của hai Ngữ.
- Này bé Thơ, Tâm, Bình! Coi chừng ngoài đường nghe! Tôi và Ca Phi vào vườn đây.
Lựa chỗ rào thấp, tôi dắt con Ca Phi bước vào. Cuối vườn có một mái lều nhỏ lợp bằng giấy dầy và những mảnh sắt tây han rỉ, chắc là chỗ để dụng cụ. Cửa cũng bằng giấy dầy buộc dây kẽm, then ngang sơ sài, chỉ khẽ đẩy đã hé mở. Tôi và Ca Phi lách vào. Trong một góc lều dựng một cái cào cỏ và một cái cuốc. Trên một cái đinh đóng vào tường treo một cái áo mưa cũ và một cái mũ nồi. Con Ca Phi châu mõm về phía này hít một hơi dài. Tôi liền lấy chiếc mũ nồi đưa sát mũi nó. Cái mũ “nặng” hơi khiến con chó vẫy tít đuôi đồng thời rít lên khe khẽ. Có lẽ nó tưởng tôi sai đi tìm người có cái mũ này ngay lúc đó nên tỏ vẻ hăm hở vô cùng.
- Khoan, khoan đã! Chưa đi tìm bây giờ đâu! Chờ đó nghe, Ca Phi!
Nhét vội chiếc mũ nồi vào túi quần, tôi dắt Ca Phi bước ra ngoài.
Bình Trọc lại phân công:
- Tụi mình về công viên lấy xe đạp, xong quay trở lại căn nhà “sào huyệt” này. Chúng ta sẽ “thụt” bi-da để khỏi bị nghi ngờ. Nhưng trong khi đi lấy xe, lỡ Hai Ngữ trở về thì sao? Vậy phải có một người ở lại. Chiêm nghe! Chiêm và con Ca Phi ở lại… gác giặc!
- Vậy ai về lấy xe đạp cho tôi?
Bé Thơ sốt sắng:
- Để Thơ mang xe tới cho anh Chiêm!
Nhà Thơ Lãng Tử Nhà Thơ Lãng Tử - Nam Quân Nhà Thơ Lãng Tử