Nothing is worth reading that does not require an alert mind.

Charles Dudley Warner

 
 
 
 
 
Tác giả: Nam Quân
Thể loại: Tuổi Học Trò
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1356 / 13
Cập nhật: 2015-12-15 08:00:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3 - Một Vụ Mất Tích
áng hôm sau, cả bọn chúng tôi dậy sớm, thả bộ ra bờ sông hít thở không khí trong lành. Mỏi chân, chúng tôi ngồi xuống một bãi cỏ sạch, soải chân, duỗi tay thật thoải mái.
Con Ca Phi được tự do, không phải cột dây da, chạy đuổi theo đám lá khô, gió hốt tung bay lả tả. Bé Thơ cứ tiếc mãi là đêm qua đã không đi cùng với chúng tôi để được gặp “ông chàng híp-pi”.
- Anh Chiêm! Anh Tâm! Trông ông ấy buồn lắm phải không, hả hai anh? Rồi những câu thơ ông ấy ngâm nga nghe cũng buồn nữa. Chiều nay tụi mình lại đến tìm gặp, nghe! Cứ đến chỗ cái ghế đá mọi khi là thế nào cũng thấy ông ấy ngồi ở đấy ngắm các em bé đùa cho coi. Ông hip-pi hay đọc hai câu thơ này…
Tôi chỉ muốn thời gian quay ngược lại
Để tự do tìm kiếm chị hiền xưa 1.
Bé Thơ mê mải đọc thơ, chúng tôi mê mải ngồi nghe, cố ghi nhớ, từng câu một. Chẳng mấy chốc, mặt trời đã lên cao gần giữa đỉnh đầu. Rời bờ sông, cả bọn thong thả trở về khu công viên. Chợt Bình Trọc cất tiếng ngạc nhiên:
- Ủa! Hình như có cảnh sát đứng gác không cho người ra vào thì phải?
Tường Vi:
- Không cho vào công viên? Lạ nhỉ! Khoảng từ giữa trưa đến hai giờ chiều, có bao giờ đóng cửa đâu. Lúc ấy người ta hay vào để tổ chức những bữa ăn ngoài trời, trên thảm cỏ xanh rợp mát bóng cây, đỡ phải đi ăn tiệm vừa tốn tiền mà lại mất công nữa.
Bình Trọc nói không sai. Trước cánh cổng rào sắt khép kín, một ông cảnh sát nghiêm chỉnh đứng gác. Thấy bọn tôi tiến lại, ông giơ tay:
- Đi chỗ khác chơi, các em! Giờ này cấm vào công viên!
Tường Vi nhăn nhó;
- Chúng cháu ở trong này mà! Chúng cháu là con ông giám thị và đây là các bạn cháu cùng ở chung nhà.
Sau một hồi ngập ngừng do dự, ông nhân viên công lực nói nhanh;
- Vậy thì về thẳng ngay nhà đi! Đừng đi lang thang nghe!
Dứt lời, ông ta mở cửa, hối thúc bọn tôi đi mau, thành thử chẳng ai hỏi han được điều gì.
Vừa đi tôi vừa để ý nhận xét thì thấy bên trong không hoàn toàn vắng người như chúng tôi tưởng. Có tới năm sáu nhân viên cảnh sát sắc phục màu xám, hai người nữa mặc thường phục, và một bà đang bàn cãi điều gì náo nhiệt bên đống cát lớn. Lại có cả một con chó, loại chó Lài Đức, giống con Ca Phi của tôi, nhưng nhỏ hơn nhiều.
Tâm thắc mắc:
- Quái thật! Hình như mới xẩy ra việc gì thì phải. Tai nạn chăng? Mà tại sao lại cấm mọi người ra vào thế nhỉ?
Chợt thấy mẹ đứng ở lan can trên nhà sàn, Tường Vi gọi to:
- Má ơi! Cái gì thế hả má? Ba đâu?
- Đó kìa! Ba con đang nói chuyện với ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát. Một thằng nhỏ mới bị mất tích.
Để chúng tôi vào hết trong nhà xong, bà mới kể:
- Thằng nhỏ đó ngồi chơi với mẹ nó ở trong công viên. Khoảng mười giờ sáng, nó đòi mẹ cho đi vứt bánh mì cho hoẵng ăn. Thế rồi không thấy con trở lại, bà mẹ mới đâm bổ đi tìm khắp nơi mà chẳng thấy đâu hết. Bà ta liền chạy ra báo cảnh sát, e rằng thằng nhỏ té xuống bể cá chăng. Các ông cảnh sát tới, yêu cầu mọi người ra hết để tiện việc tìm kiếm. Vẫn chưa thấy thằng nhỏ đâu hết. Bể cá cùng khắp các chỗ đã được soát xét kỹ rồi, vẫn không thấy… Kìa, ba con đã về! Chắc ông có nhiều tin tức mới lạ.
Ông Ninh bước lên nhà, vẻ mặt vô cùng khắc khoải; bà vợ hỏi ngay:
- Thế nào ông?
- Chưa có tin gì mới hết. Thằng nhỏ mất tích thật rồi. Toán làm vườn hợp lực với cảnh sát đã sục sạo tìm khắp nơi mà không thấy.
- Không chừng nó tinh nghịch trèo qua cái cổng con trông ra bờ sông. Rồi dại dột… té sông cũng nên… Trời ơi, tội nghiệp quá!
- Có lý nào như thế được! Suốt buổi sáng nay, một nhân viên cảnh sát lưu thông đứng kiểm soát xe cộ tại đó, gần nơi cái cửa con đó mà. Có gì thì ông ta đã trông thấy và cấm thằng bé băng qua mặt lộ lớn rất nhiều xe ấy chứ.
- Hay là nó lang thang vòng ra cửa cái, theo đại lộ Cẩm Bích đi lên tỉnh mất rồi.
- Bà mẹ cũng nghĩ thế đấy, nhưng không tin chắc lắm. Thằng nhỏ vốn nhút nhát mà lại rất ngoan, không dám đi xa thế đâu, nhất là khi mẹ đã căn dặn là không được ra khỏi công viên, thì chắc chắn nó không dám đâu.
Tường Vi băn khoăn hỏi cha:
- Nó lên mấy hả ba?
- Năm tuổi rưỡi. Da bánh mật, tóc nâu cắt kiểu “bombé” như con gái, mặc quần yếm màu xanh dương. Tên nó là Kính, nhưng mẹ cưng yêu cứ gọi là: Ký, Ký!
- Tội nghiệp thằng nhỏ quá đi! Liệu có tìm thấy nó không hả ba?
Ông Ninh trấn an mọi người:
- Yên trí! Thằng bé không té sông thì không lo. Chỉ nội chiều nay là nó sẽ về mà. Đã lên năm tuổi thì đứa bé nào cũng biết nói tên mình, tên đường phố nhà nó. Người qua đường bắt gặp thế nào chẳng đưa nó về tận nơi.
Bà Ninh:
- Nhà nó ở đâu?
- Gần chợ cũ, đường Trần Bình Trọng.
- Cha mẹ nó làm ăn buôn bán gì?
- Cha nó là cai thợ hồ làm việc trên Saigon, tuần lễ mới về một lần. Trên nó còn một nhỏ chị lên mười hiện đang nghỉ mát trong trại Hè tại Vũng Tàu.
- Vậy cũng là một gia đình bình dân. Chắc ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát không cho đây là một vụ bắt cóc đâu. Con nhà giàu kìa! Bắt cóc con nhà giàu mới dễ đòi tiền chuộc chứ?
- Phải! Ông Trưởng Cuộc không tin đây là một vụ bắt cóc. Tôi cũng nghĩ vậy. Có thấy kẻ nào khả nghi lảng vảng gần chỗ trẻ con nô đùa đâu. Chỉ có một anh chàng “híp-pi” râu tóc sồm soàm, hai ngày hôm nay đều có mặt trong công viên. Mà gã lại vừa mất hút khoảng chín mười giờ sáng nay mới kỳ lạ.
Tôi liếc nhanh mắt ngó bé Thơ và Tâm: Chàng thi sĩ lang thang! Suýt nữa tôi buột miệng nói ra việc ông ta ngủ lại trong công viên nhưng lại nín kịp. Tâm và bé Thơ cũng lặng thinh. Ông lang thang ngó bộ dễ thương quá. Lẽ nào một con người như thế lại có thể làm điều xằng bậy được.
Ngẩng nhìn thấy kim đồng hồ đã chỉ một giờ chiều, má Tường Vi khẽ la:
- Ý kìa, trễ rồi, bé Thơ, Tường Vi, đi ăn cơm đi. Và các cháu Chiêm, Tâm, Bình cũng phải xuống sửa soạn nấu nướng đi chứ!
Sau khi ăn xong, nằm nghỉ trưa khoảng hơn tiếng đồng hồ, Tường Vi, bé thơ xuống rủ ba đứa tôi ra phố nghe ngóng tin tức bé Kính.
Lúc đó đã gần 3 giờ chiều. Khách vào công viên hóng mát lại tấp nập. Ai nấy đều có vẻ bình thản, nhàn rỗi. Hình như họ không hay biết gì về việc mất tích xẩy ra hồi sớm mai.
Tường Vi dẫn cả bọn đi theo ba bốn con phố nhỏ, lối đi chật hẹp, có vẻ tối tăm. Hai bên toàn là loại nhà cũ kỹ, xây cất chắc đã từ lâu đời lắm. Gần cuối dẫy, trên vỉa hè, một đám gồm toàn các bà đứng tụ họp, bàn tán xôn xao.
Bình Trọc:
- Tụi mình lại gần coi! Chắc các bà đang nói về vụ bé Kính mất tích đấy.
Sự thật đúng như thế. Các bà mỗi người một câu, trấn an một bà trông hãy còn trẻ, tay cầm mùi soa, chốc chốc lại đưa lên chấm đôi mắt đỏ hoe. Một bà lớn tuổi dịu dàng nói với bà đang khóc mà tôi đoán chắc là mẹ bé Kính:
- Cứ bình tĩnh lại đi, chị Tám Vinh! Ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát đã huy động nhân viên làm việc gắt lắm mà. Tìm được thằng nhỏ là các ông ấy đưa nó về liền. Không lâu la gì đâu. Chị cứ yên tâm đi.
- Bà bảo tôi yên tâm sao được. Bây giờ đã 4 giờ chiều rồi. Mà cháu Kính biệt tăm từ hồi mười giờ sáng. Trời ơi! Con tôi giờ này ở đâu? Nếu thật là cháu đi lạc, chắc hẳn phải ở một góc đường nào đó đứng khóc lóc gọi mẹ. Rồi ông đi qua, bà đi lại, thương hại đã dẫn về dùm rồi chứ.
- Biết đâu nó lại chẳng theo mấy đứa nhỏ khác đi vào các đường phố lạ rồi sẽ được các ông cảnh sát đưa về.
Tiếng của một bà khác:
- Không thể bảo là thằng nhỏ bị bắt cóc được. Nội vùng này ai không biết anh chị cũng chẳng giàu có gì. Anh ấy lại không có việc làm tới gần một năm nay… À, chị đã cho người đi báo cho anh biết chưa?
- Ông Trưởng Cuộc Cảnh Sát bảo tôi hãy khoan, thử chờ đến tối xem sao.
- Đó, chị thấy không? Ngay cả các ông ấy vẫn bình tĩnh hy vọng đợi chờ kia mà.
Quang cảnh bà mẹ khóc lóc thương nhớ con khiến chúng tôi bùi ngùi trong dạ. Bé Thơ, Tường Vi rơm rớm nước mắt. Bé Thơ nhìn bạn:
- Chính tôi cũng lo ghê đi! Thành phố Biên Hoà có rộng lớn gì lắm đâu. Đi lạc thì cũng phải tìm thấy rồi chứ!
Buồn bã, chúng tôi trở về. Cả bọn tha thẩn đi trên bờ lộ rợp bóng cây, lòng thầm hy vọng bắt gặp đứa bé đi lạc đứng khóc lóc kêu cha gọi mẹ. Vừa đi, tôi vừa nghĩ đến ông thi sĩ lang thang gặp hồi đêm. Bé Thơ, ý chừng cùng chung ý nghĩ, lên tiếng đề nghị:
- Tụi mình trở về công viên đi. Từ lúc 9 giờ sáng chưa ai gặp ông híp-pi tóc đỏ. Bây giờ chiều rồi, may ra ông ấy có trở lại chăng?
Đúng lúc đi vào cổng vườn theo ngả chính, chúng tôi gặp một ông ăn mặc sang trọng đang cúi lom khom nói chuyện gì với chị bán đậu phộng, mứt me. Tâm hích khẽ khuỷu tay tôi:
- Chắc ông này là cảnh sát ăn mặc thường phục. Chúng mình lén nghe coi ông hỏi gì chị bán đậu phộng.
Cả bọn sán lại gần. Ông khách sang trọng chợt quay lại hất tay ra dấu bảo bọn tôi đi chỗ khác chơi.
Trong công viên, gần bên đống cát, dưới các cột đu, cầu tuột, các em bé lại nô đùa náo nhiệt như hôm qua. Trên ghế đá, trụ si măng, các bà mẹ, các cô chị ngồi đầy… Chỉ riêng chiếc ghế đá khuất sau một thân cây lớn, chỗ ngồi quen thuộc của ông lang thang là vẫn bỏ trống… Lạ quá! Tại sao ông ta lại vắng mặt cùng với thời gian chú bé Kính mất tích? Sự trùng hợp ngẫu nhiên hay có lý do gì bí ẩn? Chúng tôi có nên nói cho mọi ngưòi biết là ông ta đã lén lút ngủ lại trong công viên đêm qua không? Đối với thi sĩ lang thang, bọn tôi có nhiều cảm tình thật đấy, nhưng xét ra cũng khó mà nín thinh không nói ra các chi tiết biết đâu lại chẳng vô cùng quan hệ ấy.
Bé Thơ lên tiếng:
- Việc này gay go lắm! Khó nghĩ ghê đi! Chờ đến mai, nếu bé Kính vẫn chưa về thì… buộc lòng tụi mình phải nói ra cái vụ ngủ lại trong công viên của ông híp-pi tóc đỏ.
--------------------------------
1 Viết theo thơ của 1 thi sĩ thời tiền chiến.
Nhà Thơ Lãng Tử Nhà Thơ Lãng Tử - Nam Quân Nhà Thơ Lãng Tử