Bi kịch trong cuộc đời không phải là ở chỗ không đạt được mục tiêu, mà là ở chỗ không có mục tiêu để vươn tới.

Benjamin Mays

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Vân
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: Lưỡng Thủ Quái Nhân
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8477 / 50
Cập nhật: 2018-02-01 21:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 55: Bại Sự Lão Nhân Khiển Trách Trương Vân Đạt - Hàn Thiến Thiến Thương Khóc Kim Nhỡn Ưng
ại Sự Lão Nhân khiển trách Trương Vân Đạt
Hàn Thiến Thiến thương khóc Kim Nhỡn Ưng
Hoa Thương Nguyên bảo Hàn Thiến Thiến về Tôn phủ gọi các người tới cứu Thiên Tứ, còn mình thì vội vã đuổi theo Trương Vân Đạt đi ra ngoài thành. Ông ta không muốn cho bọn Vân Đạt biết nên không dám theo quá gần và cũng không dám đi giữa phố, chỉ lén lén lút lút đi sát vào lề đường thôi.
Ngoài của Nam thành là cánh đồng rộng mênh mông. Vân Đạt lôi Thiên Tứ chạy thẳng ra cánh đồng đó, hình như bao nhiêu sự tức giận của ông ra đều nhờ cái chạy đó để phát tiết vậy.
Ra tới ngoài cánh đồng, Thương Nguyên sợ các người biết, thành ra cứ đứng yên một chỗ. Lúc ấy bọn Vân Đạt đi đã xa, chỉ còn là một cái chấm đen thôi. Ông ta đang lo âu thì nghe phía sau có tiếng chân người nhộn nhịp, vội quay đầu lại nhìn, mới hay Hàn Thiến Thiến đã dẫn Mộng Công, Lục Như Cư Sĩ và vợ chồng Bại Sự Lão Nhân tới nơi.
Thương Nguyên bỗng thấy con chim ưng đậu trên vai của Hàn Thiến Thiến, vội bảo với Thiến Thiến rằng:
- Hàn cô nương mau bảo con chim theo dõi ba người đằng trước đi, nơi đây là cánh đồng bằng, nếu chúng ta theo quá gần thì thế nào họ cũng biết…
Hàn Thiến Thiến nhìn về phía trước, không trông thấy hình bóng người nào nữa cũng cuống lên, vội bảo chim ưng rằng:
- Ưng nhi, mau theo dõi ba người xấu bụng đang bắt La công tử đi!
Con chim ưng nghe nói liền vỗ cánh lên không và bay đi ngay.
Thương Nguyên vội bảo với nó rằng:
- Ưng nhi, chỉ nên theo dõi xem chúng đi đâu thôi, chớ đừng xuống tấn công, võ công của ba người ấy cao siêu lắm, mi địch không nổi đâu.
Ông ta nói chưa dứt thì con chim đã bay đi thực xa rồi.
Lục Như Cư Sĩ liền nói:
- La thiếu hiệp có tính rất ương ngạnh, không chịu nghe lời khuyên bảo nên chuyến đi này rất nguy hiểm.
Bại Sự Lão Nhân nghiến răng mím môi nói:
- Lão già họ Trương không thương con rể chút nào, nếu y đả thương Thiên Tứ thì họ Âm này quyết tâm không để yên cho y đâu.
Thiến Thiến nóng lòng sốt ruột xen lời nói:
- Bây giờ không phải là lúc thảo luận, chúng ta phải mau đuổi theo họ mới đuợc, chả lẽ cứ để yên cho họ bắt cóc đại ca đi như thế hay sao?
Mộng Công ngẫm nghĩ giây lát rồi lên tiếng:
- Không sao, ở Thành Đô này ba mặt đều là đồng bằng hết, chỉ có phía Tây Bắc mới có núi thôi. Họ đi về phía này không có chỗ nào để cho họ hạ thủ đâu. Nên tôi dám chắc giữa ban ngày ban mặt, họ không dám giở thủ đoạn gì ác độc ra, mà thế nào cũng phải chờ trời tối sẩm đã mới dám ra tay.
Thiến Thiến không đợi ông ta nói xong đã vội cướp lời:
- Trương hầu gia là người điên khùng, ở trong thành phố giữa ban ngày ban mặt mà còn dám ra tay đả thương người, thì ông ta có cớ gì ở cánh đồng ban ngày ban mặt mà không dám ra tay hạ thủ đâu.
Nhất thời lo âu tới sự an nguy của Thiên Tứ, Thiến Thiến quên mất Mộng Công là người bề trên, nên nàng mới cướp lời nói một cách vô lễ như thế. Nhưng cũng may Mộng Công là người rất hiểu đời, biết tâm sự của Thiến Thiến lúc này như thế nào, cho nên ông ta không chấp trách gì hết, trái lại còn tủm tỉm cười và nói tiếp:
- Hàn cô nương nói cũng có lý, nếu vậy chúng ta phải theo dõi họ ngay, dù họ phát hiện cũng bất chấp.
Thế là cả bọn sáu người vội vã đuổi theo bọn Trương Vân Đạt luôn.
Hàn Thiến Thiến chỉ muốn một bước là đuổi kịp ngay, nên nàng giở hết tốc lực khinh công ra đi như một luồng gió, không còn sợ những người dân quê trông thấy kinh hoảng đến mất hồn vía nữa. Nàng đuổi theo một hơi mấy dặm, không những không thấy bọn Vân Đạt mấy người, mà cả hình bóng của con chim ưng cũng không thấy đâu nốt. Nàng vội dùng chân lại, hoảng hốt hỏi:
- Không thấy họ đâu cả thì biết làm thế nào đây?
Mộng Công đáp:
- Họ đi cũng nhanh lắm, hay là họ đi qua phía khác?
Lục Như Cư Sĩ liền đề nghị:
- Hay là Hàn cô nương thử rú gọi chim ưng xem, chưa biết chừng chúng ta bị lạc lối cũng nên?
Thiến Thiến liền ngửng đầu lên rú kêu, quả nhiên bên phía Tây có tiếng chim kêu rất thảm khốc vọng tới.
Mộng Công dậm chân một cái và nói:
- Lão phu đoán không sai, chúng thấy Đông Nam hai mặt đều là đồng bằng, nên mới quay sang phía Tây để vào khu núi.
Âm Bà Bà hậm hực mắng chửi:
- Chắc lại là gian kế của tên Triệu Canh Thạch đây, ngay hôm nay lão bà này phải đấu với y một trận.
Nói xong bà ta phất tay áo một cái, quay người chạy thẳng về phía Tây luôn. Các người mới đi được mấy chục trượng, thì thấy đã có một chấm đen ở trên không đang nghiêng Đông ngả Tây bay tà tà tới.
Thiến Thiến thấy thế cả kinh la lớn:
- Nguy tai! Chim ưng đã bị thương rồi!
Quả nhiên con chim ưng vừa kêu la rất thảm khốc, vừa gượng bay trở về, hiển nhiên là nó đã bị thương khá nặng rồi.
Thiến Thiến giơ cánh tay lên để cho con chim ưng đậu và xem xét người nó, thấy nó rụng rất nhiều lông, cánh bên trài dính một mũi ám khí. Đó là một mũi đinh rất nhỏ tên là Yến Vĩ Trâm.
Hàn Thiến Thiến vội rút mũi đinh ấy ra và rịt thuốc cho con chim. Xem kỹ lại mũi kim đó, quả nhiên đằng đuôi có khắc bốn chữ Hải Tâm Sơn Triệu rất nhỏ.
Bại Sự Lão Nhân thấy thế liền mắng chửi:
- Tên Triệu Canh Thạch ngông cuồng vô sỉ thật, việc này liên can gì đến y mà y can thiệp vào như vậy?
Thương Nguyên cũng lên tiếng:
- Việc đã cấp bách như vậy, theo ý Hoa mỗ, thì chúng ta nên quang minh chính đại mà đuổi theo mới được. Tiện thể diệt trừ tên Canh Thạch đi, rồi hỏi Vân Đạt xem ông ta muốn gì?
Lục Như Cư Sĩ cũng tán thành:
- Phải, chúng ta nên làm như thế.
Sáu ngưới quyết định xong không cần phải dấu diếm nữa, ai nấy vội rảo bước đuổi theo ngay. Đi chừng được mười mấy dặm, đã thấy hình bóng của ba người đang đứng ở chân một ngọn đồi.
Bại Sự Lão Nhân bỗng rống lên một tiếng như điên khùng, rồi phi thân nhanh như gió chạy tới ngọn đồi ấy. Dưới chân ngọn đồi Canh Thạch đang điểm huyệt Thiên Tứ và đang định giở “Luyện Hồn Đại Pháp“ rất ác độc của y ra, thì bỗng nghe thấy tiếng rống thực lớn, cả ba đều kinh hãi và cùng ngửng đầu lên nhìn mới hay có một đám đông đang phi thân tới.
Tứ Hải Thượng Nhân đã nhận ra Thương Nguyên với Lục Như Cư Sĩ trước, liền ngạc nhiên nói:
- Ủa! Hai người kia chả là Hoa bảo chủ của Hoa Gia Bảo với Lục Như Cư Sĩ Lưu Đại Khánh là gì?
Canh Thạnh cười khẩy đỡ lời:
- Hoa Bảo Chủ tới nơi như vậy, chắc thế nào cũng đến tranh dành con rể quý báu với Trương huynh…
Vân Đạt giận giữ trợn mắt lên quát hỏi:
- Ai? Ai đã tới?
Canh Thạch đáp:
- Người cha vợ thứ hai của con rể hầu gia đấy. Chả lẽ hầu gia đã quên rồi hay sao? Con gái của Hoa Bảo Chủ chính là con nhỏ đã bị huynh đẩy xuống vực thẳm…
Tuy bị điểm huyệt, Thiên Tứ đang nằm ở dưới đất, nhưng thần trí vẫn tỉnh táo bỗng nghe Canh Thạch nói như vậy, đầu óc như bị sét đánh trúng, chành liền rầu rĩ nghĩ bụng:
“Ủa, thế ra câu chuyện ấy là thực! Quả thực Thiến Thiến đã chết bởi tay ông ta…”.
Tứ Hải Thượng Nhân bỗng xen lời quát lớn:
- Triệu thí chủ nên giữ chút phúc đức nhé, lúc này không nên nói tới chuyện ấy vội.
Vân Đạt nổi giận quát bảo:
- Sợ cái gì? Chúng giết con gái của ta thì ta giết con gái của y đấy, đã sao nào?
Canh Thạch vừa cười vừa nói tiếp:
- Cư Sĩ họ Lưu kia cũng chả phải là người tử tế gì đâu. Y đã nói cho Trương huynh biết tin lệnh ái chết, nay y lại dẫn tên họ Hoa tới đây làm chi? Theo ý đệ thì y chỉ e thiên hạ không loạn thôi.
Thiên Tứ vội rùng mình đến thoắt một cái rồi nghĩ tiếp:
“Lạ thực! Chả lẽ cái tin Trương Thiến Thiến trúng độc chết Lục Như Cư Sĩ đã nói cho Trương hầu gia hay rồi chăng? Hừ! Không có lẽ Lục Như Cư Sĩ có phải là hạng người hay khiêu khích và thọc gậy bánh xe như thế đâu? Có lẽ đây lại là âm mưu của Triệu Canh Thạch rồi.
Chàng đang nghĩ ngợi thì Bại Sự Lão Nhân đã tới nơi. Hàn Thiến Thiến thấy vẻ mặt Thiên Tứ vẫn như thường, mới hơi yên tâm, nàng liền rút bảo kiếm ta kêu “xoẹt” một tiếng.
Canh Thạch đã nhận ra Hàn Thiến Thiến chính là cô bé đã cùng Hoa Thiến Thiến đùa giỡn y ở trong Âm Phong Cốc, nên y tức giận khôn tả, liền khẽ xúi bẩy Vân Đạt rằng:
- Lão Hầu gia có trông thấy không? Con nhỏ cầm kiếm kia là thủ hạ của Thiết Diện Điểu Trảo đấy. Nó với con bé họ Hoa là đồng bọn.
Nghe thấy y nói như vậy, chả suy xét gì cả Vân Đạt vội nói:
- Để lão phu bắt nó cho!
Nói xong ông ta đã phi thân tới, giơ tay định chộp vào vai của Hàn Thiến Thiến.
Mọi người thấy ông ta làm như vậy rất lấy làm ngạc nhiên, và thấy đối tượng và ông ta ra tay tấn công lại là Hàn Thiến Thiến càng ngạc nhiên thêm.
Bại Sự lão Nhân phất tay áo một cái đã đứng bên Hàn Thiến Thiến, mồm thì quát bảo:
- Họ Trương kia! Ngươi định làm gì thế?
Đồng thời tay trái ông ta sử dụng thế Triệt Giang Đoạn Lưu (chặn ngang sông ngăn dòng nước lại) nhằm cổ tay của Vân Đạt nắm chặt luôn.
Vân Đạt hơi ngẩn người ra, nhưng khi ông ta thấy rõ là Bại Sự Lão Nhân lại càng tức giận thêm liền quát lớn:
- Ồ! Ra là ngươi đấy!
Bại Sự Lão Nhân đáp:
- Phải, ta thì sao? Hầu gia đường đường là tôn sư của một môn phái, hành sự không phân biệt thị phi gì hết, lại bắt con rể để cho người ngoài hành độc hình. Gặp mặt chưa nói nửa lời đã ra tay tấn công con nhỏ tiểu bối. Ba chữ Trương Vận Đạt của hầu gia có muốn để cho thiên hạ nhắc tới nữa hay là không?
Lời lẽ đấy không những không cảnh tỉnh nổi Vân Đạt mà còn làm cho ông ta tức giận thêm, ông ta trầm giọng đáp:
- Họ Âm kia! Lão phu đem con gái trao cho ngươi đem ra khỏi Kim Toàn Viên. Các người giết nó bằng cách nào, có mau xưng ra ngay không?
Bại Sự Lão Nhân mặt đỏ bừng rồi trả lời:
- Hầu gia uổng đã sống bấy nhiêu tuổi đời mà không hiểu tí lý lẽ gì cả!
Vân Đạt hỏi lại:
- Ai bảo ta không hiểu tí lý lẽ gì?
Bại Sự Lão Nhân đáp:
- Con gái hầu gia là vợ của Thiên Tứ. Hồi đó chính hầu gia thấy nhân phẩm và võ công của Thiên Tứ hơn người, nên hầu gia mới gả con gái cho y, và còn bắt y gửi rể nữa. Câu chuyện đó có đúng không?
Mơ mơ hồ hồ Vân Đạt đáp:
- Đúng!
Bại Sự Lão Nhân lại hỏi:
- Con gái của hầu gia là người có Lục Âm quỷ mạch, rầt ốm yếu, nhiều bệnh tật, không có cách gì cứu chữa khỏi. Sau vợ của lão đi qua mới nhận con nhỏ làm đồ đệ, truyền thụ Lục Âm Thần Công cho nó. Nhờ vậy Tiên Thiên Âm Độc mới hoá thành hữu ích. Việc này có thực không?
Vân Đạt lại gật đầu đáp:
- Phải, có việc ấy thưc!
Càng nói càng tức giận, Bại Sự Lão Nhân lại nói tiếp:
- Ngươi thân là một hầu gia, học hỏi bao nhiêu sách vở điển tích mà không thông tình đạt lý một tí nào. Ngươi không nghĩ xem, trên đời này làm gì có chuyện chồng giết vợ không? Sư phụ giết đồ đệ cũng không? Mà dù có thực đi chăng nữa, nhưng ngươi có đích mắt trông thấy Thiên Tứ đã ra tay giết, và vợ của lão phu đã hạ độc thủ không? Người không phân biệt thị phi gì cả, không đi kiếm hung thủ đã giết chính con mình mà lại đi bắt con rể, giết bạn hữu, và còn chuyên môn giết những người vô tội nữa. Người ta bảo là tại ngươi đã điên khùng. Nếu quả thực như vậy thì ngươi tự mang cái chết vào thân, và chỉ còn cách chờ chết không xa xôi lắm đâu!
Bị Bại Sự Lão Nhân mắng chửi cho một hồi, Vân Đạt bỗng giật mình đến thoắt một cái, thần trí bỗng tỉnh táo hẳn, nghẫm nghĩ giây lát rồi đáp:
- Thế ai đã giết hại con gái của lão phu?
Bại Sự Lão Nhân lại quát bảo tiếp:
- Khi ngươi vừa ra khỏi Kim Toàn Viên còn biết kêu gào “Thiết Diện Điểu Trảo trả con gái cho ta đây”. Nhưng từ đó tới giờ, ngươi đã kiếm thấy Thiết Diện Điểu Trảo chưa? Ngươi không tìm thấy Thiết Diện Điểu Trảo thì làm sao thấy được con gái cưng? Chả lẽ ngươi già nua quá hồ đồ rồi phài không?
Vân Đạt lại rùng mình một cái, cười và nói:
- Phải đấy, rõ ràng là Thiết Diện Điểu Trảo đã giết hại con gái của ta, sao ta lại trách cứ Thiên Tứ được?
Mọi người bỗng thấy ông ta tỉnh táo như vậy, ai nấy đều mừng thầm. Bại Sự Lão Nhân thừa cơ nói tiếp:
- Phải, hầu gia nên mau buông tha cho Thiên Tứ đi. Hầu gia làm như thế không sợ con rể mình coi rẻ hay sao?
Vân Đạt gật đầu, quay người lại bảo Canh Thạnh rằng:
- Triệu huynh buông tha y đi, đệ đã trách lầm y đấy!
Canh Thạch lạnh lùng đáp:
- Hầu gia quả thực là Trại Mạnh Thường lừng danh khắp thiên hạ, mặt hiền lòng thiện, vừa mới nghe một người nói vài lời mà đã thay đổi ý kiến ngay. Theo ý đệ thì hầu gia không nên buông tha y, vì còn việc con nhãi họ Hoa đã giải quyết xong đâu?
Vân Đạt hơi hãi sợ liếc nhìn Thương Nguyên một cái rồi hỏi tiếp:
- Việc này có liên quan đến Thiên Tứ đâu?
Canh Thạch đáp:
- Lão hầu gia đã quên mất con nhãi họ Hoa rồi ư? Con nhãi ấy là vợ mới cưới của Thiên Tứ, hầu gia đã giết chết nó, thì họ Hoa với họ La kia khi nào lại để yên cho hầu gia?
Mấy lời đó lại làm cho Vân Đạt do dự ngay. Thiên Tứ tức giận Canh Thạch khôn tả, nhưng chỉ tiếc là mình không sao nói ra tiếng được nên chàng đành phải đưa mắt nhìn Thương Nguyên.
Ngẫm nghĩ giây lát rồi Thương Nguyên vội tiến tới gần chắp tay chào Vân Đạt và nói:
- Tiểu nữ của Hoa mỗ vô phúc vô thọ, đang lúc Trương huynh giận dữ, nó còn tưới dầu lên trên đống lửa! Hoa mỗ cũng biết người ta sống chết đều có số cả. Vì vậy, đệ mới không dám nói nhiều, chỉ cần Trương huynh chỉ điểm cho chỗ chôn cất của nó. Nếu nó còn sống thì mong được gặp mặt người, mà nếu nó có chết rồi thì cũng muốn trông được thấy xác của nó. Hoa mỗ chỉ ước mong có bấy nhiêu thôi là đã hài lòng lắm rồi!
Ông ta phải nén sự đau đớn vì mất con, mà cố gắng nói ra được mấy câu như trên, nhưng nước mắt già đã nhỏ xuống hai mắt nức nở khóc, không sao nói lên tiếng được, đủ thấy trong nội tâm của ông ta đau đớn biết bao. Nay vì muốn cứu Thiên Tứ thoát chết mà đành nén lửa giận, nuốt ngược nước mắt vào trong bụng, để khẳng khái trần thuyết với Vân Đạt như vậy.
Vân Đạt gượng cười đáp:
- Phải, chính lão phu đã giết chết con nhỏ đó đấy. Nếu Hoa huynh muốn trả thù thì cứ việc ra tay đi. Lão phu hy vọng việc này không có liên quan gì tới Thiên Tứ hết.
Thương Nguyên gượng cười nói tiếp:
- Trương huynh nói rất phải!
Canh Thạch bỗng xen lời nói:
- Khéo nói lắm! Nếu các ngươi không nộp Thiên Diện Điểu Trảo ra đây, thì đừng hòng có câu chuyện giải quyết một cách dễ dãi như thế được.
Bại Sự Lão Nhân không sao nhịn được giận dữ nói:
- Họ Triệu kia, ngươi cứ dăm ba lần thọc gậy bánh xe, khiêu khích cho người ta xung đột. Chẳng hay ngươi làm như thế là có dụng tâm gì? Nếu ngươi không phục thì cứ việc ra đây, Âm mỗ vui lòng lãnh giáo ngươi mấy hiệp.
Canh Thạch cười khẩy đáp:
- Triệu mỗ lăn lộn ở trên giang hồ mấy mươi năm nay, chưa hề nghe thấy ai nói đến cái tên họ Âm cả.
Hàn Thiến Thiến thét lớn một tiếng xen lời quát mắng:
- Ngươi dùng ám khí đả thương con chim ưng của bổn cô nương, chính bổn cô nương đây cũng muốn cho ngươi một bài học!
Canh Thạch dùng giọng mũi kêu “hừ”, xoè cái quạt ra phe phẩy trông rất kiêu ngạo, rồi lạnh lùng trả lời:
- Con nhãi hôi hám kia đừng có to tiếng như thế. Triệu mỗ còn nhớ khi ở Âm Phong Cốc, ngươi đã giúp Thiết Diện Điểu Trảo hành hung như thế nào. Ngày hôm nay ngươi đừng có hòng rời khỏi được nơi đây.
Vân Đạt bỗng giật mình đánh thót một cái, giận dữ nhìn Hàn Thiến Thiến hỏi:
- Có thực mi là đồng đảng của Thiết Diện Điểu Trảo đấy không?
Hàn Thiến Thiến tức giận đến mặt đỏ bừng, múa kiếm xông lại tấn công Canh Thạch, mồm thì mắng chửi:
- Quân không biết xấu hổ, chính mình ở Âm Phong Cốc đã mắc lỡm Thiết Diện Điểu Trảo, mà bây giờ lại còn ở đây vu khống cho người như vậy.
Canh Thạch có phải là tay tầm thường đâu, trông thấy Thiến Thiến múa kiếm tới gần, y không thèm tránh né gì hết, liền cụp cái quạt lại dùng cán khẽ gõ vào lưỡi kiếm một cái kêu đến “coong“ một tiếng. Dù sao công lực và hoả hầu cũng vẫn còn non nớt, Thiến Thiến đã cảm thấy cổ tay đau nhức, suýt tí nữa thì cầm thanh kiếm không vững nữa. Nàng cả kinh vội lui về phía sau ba bước ngay.
Bại Sự Lão Nhân thấy thế thét lớn một tiếng, xông ngay lại dùng ống tay áo trái phất mạnh một cái để bảo vệ Hàn Thiến Thiến, còn hữu chưởng thì dùng thế Phá Lạng Thôi Châu (phá sóng bổ thuyền) nhằm giữa ngực Canh Thạch tấn công tới.
Cười khẩy mấy tiếng Canh Thạnh đưa tay trái về phía sau, dắt ngay cái quạt vào ngang lưng, mà chỉ dùng một bàn tay phải để chống đỡ lại thế công ấy của Bại Sự lão Nhân thôi.
Hai người đều muốn giết cho được nhau, nên trận đấu mau lẹ vô cùng, chỉ trong chớp mắt đã đấu được năm sáu hiệp rồi.
Bại Sự Lão Nhân thấy thế kinh hãi thầm, vì ông ta nhận thấy công lực Canh Thạch không những rất tinh thâm, mà pho Phiên Vân Chưởng của y là tuyệt học rất quái dị, khi giở ra người y như một cái bóng ma, bỗng Đông bỗng Tây khiến người ta không biết y ở đâu cả.
Tuy võ công của Bại Sự Lão Nhân rất cao siêu, mà so sánh với Canh Thạch vẫn còn kém một mức, nhất là trong khi giận dữ ra tay, khí huyết rạo rực, công lực tất nhiên phải kém sút. Ông ta lại gặp phải pho chưởng pháp của Canh Thạch chuyên môn tấn công chớp nhoáng nên đấu được mười mấy hiệp, ông ta lép vế dần.
Thương Nguyên thấy thế muốn giúp Bại Sự Lão Nhân một tay, nhưng lại sợ Vân Đạt hiểu lầm, nên ông ta cau mày lại suy nghĩ giây lát, rồi đưa mắt nhìn Âm Bà Bà, có ý muốn bảo vợ chồng bà ta liên tay đối phó với Canh Thạch.
Âm Bà Bà không muốn hai người địch một, làm mất tiếng của chồng bà đi, chỉ lạnh lùng nói:
- Ông già này vô dụng thực, có chiếc sáo nho nhỏ mà không biết sử dụng, hà tất phải tay không đấu văn vẻ như thế làm chi?
Quả nhiên lời nói ấy của bà ta lập tức cảnh tỉnh Bại Sự Lão Nhân ngay. Ông ta liền tấn công luôn hai chưởng thật mạnh, đẩy Canh Thạch lui về phía sau hai bước, rồi rút luôn cây sáo cắm sau lưng ra. Cây sáo của ông ta vừa múa lên, đã có tiếng âm nhạc du dương toả ra liền.
Con chim ưng đậu ở trên vai Hàn Thiến Thiến, nghe thấy tiếng nhạc quên cả bị thương, liền tung cánh bay lên không trung ngay.
Thì ra cây sáo ấy của Bại Sự Lão Nhân chính là Bách Thú Lệnh địch của Thiên Tứ trao cho. Ông ra mỉm cười chắp tay chào Canh Thạch nói:
- Đấu bằng tay không mãi không lấy làm gì lý thú lắm, chi bằng chúng ta lấy khí giới ra mà phân cao thấp hay hơn.
Chưa hề thấy Bách Thú Lệnh địch bao giờ, Canh Thạnh chớp nháy mắt mấy cái, rồi cười khẩy đáp:
- Đấu với ai chứ đấu với nhà ngươi, ta chẳng cần phải dùng đến vũ khí cho nó vướng vít. Ngươi thực tự cho mình hơi quá cao một chút đấy.
Bại Sự Lão Nhân chỉ mỉm cười thôi, rồi múa tít cây sáo nhắm người Canh Thạch điểm tới luôn.
Ông ta vừa múa tít cây sáo thì tiếng âm nhạc lại nổi lên ngay, và cây sáo còn kèm theo một luồng kình phong rất mạnh, nhắm người đối phương điểm tới, còn nhanh gấp đôi quyền chưởng với đao kiếm nữa.
Nghe thấy tiếng âm nhạc của cây sáo đó, Canh Thạch liền cảm thấy trong người bứt rứt không yên, tinh thần hoảng hốt suýt tí nữa thì quên cả ra tay hay tránh né. Chờ tới khi cây sáo tấn công tới trước mặt mới giật mình kinh hãi lui ngay về phía sau. Bại Sự Lão Nhân bỗng trầm tay xuống biến điểm thành gõ, liền với tiếng kêu “veo” thực lớn nổi lên. Chỉ nghe thấy tiếng kêu “xoẹt”, chỗ áo ở trước ngực của Canh Thạch đã bị rạch thủng một miếng dài năm tấc.
Canh Thạch giật mình kinh hãi vội lui về phía sau ba bước. Nhất thời hổ thẹn đến đỏ mặt tía tai, y cũng không hiểu vì sao nên nỗi thế?
Bại Sự Lão Nhân cười hi hí hỏi:
- Các hạ là tôn sư của một môn phái, để thân mình hở hang như thế kia không sợ thiên hạ chê cười cho hay sao?
Mọi người nghe thấy Bại Sự Lão Nhân nói như vậy đều cười “ồ” lên, cả Vân Đạt lẫn Tứ Hải Thượng Nhân cũng tức cười theo. Hàn Thiến Thiến thì vỗ tay, vừa cười vừa nói:
- Phải đấy, ngày hôm nay mà đại tôn sư bị tơi bời như thế này, thì sau này còn mặt mũi nào gặp các người ở trên giang hồ nữa.
Nói tới đó, nàng lại nghĩ đến câu chuyện mình với Hoa Thiến Thiến đùa giỡn Canh Thạch ở Âm Phong Cốc như thế nào.
Lúc ấy, người hổ thẹn và ngượng nghịu là Triệu Canh Thạch. Từ khi ra đời tới giờ, y bá chiếm Hải Tâm Sơn bấy lâu năm, tiếng tăm đã lừng lẫy khắp võ lâm. Bấy lâu nay, mỗi lần ra tay là chỉ có đả thương người thôi chứ chưa bao giờ bị ai đánh bại cả. Vừa rồi tiếng kêu “xoẹt” đó, không riêng gì làm rách áo y mà còn làm tan cả sĩ diện của y, xưa nay vẫn được người trong giới giang hồ tặng cho. Nhưng dù y quỷ kế đa mưu, kinh nghiệm phong phú như thế nào, nhất thời cũng không sao biết được cây sáo nho nhỏ ấy phát ra tiếng kêu quái dị ấy là cái gì? Sao lại kỳ lạ đến như thế?
Trong lúc tức giận đến cực độ, y quên cả lời nói khoác vừa rồi, và cũng quên cả thân phận của mình, mà đưa tay về phía sau rút cái quạt nan sắt ra tức thì.
Hàn Thiến Thiến thấy vậy lại hỏi tiếp:
- Chắc tôn sư thấy trong người oi bức lắm phải không? Không sao cứ việc nghỉ ngơi giây lát rồi đấu tiếp cũng được, hà tất phải lấy quạt ra quạt như thế làm chi?
Canh Thạch nghiến răng mím môi mắng chửi:
- Con nhãi bẻm mồm bẽm mép kia, thế nào rồi cũng có ngày Triệu mỗ cho mi biết tay!
Hàn Thiến Thiến cố ý làm mặt xấu, thè dài lưỡi ra đáp:
- Ngày nào thế hở đại tôn sư? Thế nào lúc ấy con bé này cũng mặc thêm vài cái áo, để khỏi bị người ta rạch rách như thế, mà để cho gió thổi vào bị cảm lạnh thì khốn.
Tất cả mọi người tại đó ai ai cũng đều bất mãn với Canh Thạch, nên thấy Hàn Thiến Thiến mỉa mai nhiếc móc y như vậy, ai nấy đều không sao nhịn được liền cười ha hả ngay.
Canh Thạch tức giận khôn tả, vội hít một hơi thật mạnh để tĩnh tâm bình khí, rồi đưa mắt liếc nhìn mọi người một cái. Thấy ai nấy đều nhìn mình có vẻ nhạo báng, hình như số mệnh của y ngày hôm nay đã tới lúc tha hồ mặc cho người ta tùng xẻo vậy. Còn một điều khiến y căm giận nhất, là thấy Trương Vân Đạt cũng cười mình như mọi người vậy. Hình như y nghĩ chẳng phải vì cái chết mơ hồ của cô con gái của Vân Đạt, mình đã phải ra tay bắt giữ Thiên Tứ, mà nay Vân Đạt lại không biết ơn, còn a dua với kẻ địch cười lại mình như thế. Y liền lẩm bẩm nói:
- Thực là đồ vong ơn bội nghĩa!
Tuy trong lòng rất tức giận mà bề ngoài y làm như ra vẻ thản nhiên, từ từ tiến tới gần Bại Sự Lão Nhân.
Cầm ngang cây sáo ngọc, Bại Sự lão Nhân cũng chuẩn bị tấn công tiếp. Canh Thạch bỗng nhún vai, cụp cái quạt lại sử dụng thế Tiếu Chỉ Thiên Nam (cười chỉ trời Nam) nhắm yếu huyệt trên vai Bại Sự Lão Nhân điểm luôn.
Bại Sự Lão Nhân vội múa cây sáo chống đỡ, nhưng Canh Thạch đã vội biến thế, dùng cán quạt gõ vào cây sáo đến “coong” một tiếng, và mượn sức đó xoay người một vòng, bỏ Bại Sự Lão Nhân mà xông lại cạnh Hàn Thiến Thiến, giơ chưởng ra nhắm ngực cô bé tấn công luôn.
Sự biến hoá nhanh như chớp ấy khiến ai cũng không thể ngờ được, vì Canh Thạch là một tiền bối, mà lại tránh mạnh, hà hiếp yếu ra tay đối phó với Hàn Thiến Thiến như thế.
Hàn Thiến Thiến kinh hãi vô cùng, vội múa kiếm chống đỡ và định quay người rút lui. Canh Thạch chuẩn bị đã lâu, khi nào lại để cho Thiến Thiến tẩu thoát được, nên tay phải y giơ quạt lên chống đỡ thế kiếm của đối phương, tay trái vẫn không thay đổi vẫn nhắm ngực nàng công tới.
Lúc ấy mọi người mới biết là nguy tai, Thương Nguyên, Âm Bà Bà, Bại Sự Lão Nhân ba người vội dùng quyền, dùng chưởng nhắm sau lưng Canh Thạch tấn công luôn. Nhưng đã chậm một bước rồi. Mọi người đã thấy Thiến Thiến không sao thoát được tai ách của thế chưởng ấy. Ngờ đâu, trên không bỗng có một cái bóng đen đâm bổ xuống, nhanh như điện chớp nhắm hai mắt của Canh Thạch vồ luôn.
Canh Thạch giật mình đến thót một cái, đưa mắt liếc nhìn mới hay đó là con chim ưng đã bị mình dùng ám khí đả thương, đang nhắm hai mắt mình tấn công tới.
Bất đắc dĩ y phải thâu chưởng lại, xoay người một cái dùng quạt điểm vào thân con chim luôn…
Mọi người chỉ nghe thấy một tiếng kêu “oác”, con chim ưng đã bị thương sẵn, bây giờ lại bị quạt của Canh Thạch điểm trúng, thế là xương gãy thịt rơi, rớt ngay xuống đất. Tuy vậy, cái khăn ở trên đầu của Canh Thạch cũng bị nó lôi mất, đầu bù tóc rối nên y không còn mặt mũi nào ở lại đó nữa, liền dậm chân mội cái phi thân bỏ đi luôn.
Hàn Thiến thiến vừa hoàn hồn xong, thấy Canh Thạch đã bỏ đi rồi, nhưng con chim ưng vừa cứu mình thoát chết thì đã nằm chết ở dưới đất, bụng thủng một cái lỗ lớn, máu chảy lênh láng trông rất thảm thương. Hàn Thiến Thiến vội chạy lại cầm cái xác của con chim mà khóc bù lu bù loa.
Thương Nguyên thấy con chim ưng dám hy sinh tính mạng để cứu chủ cũng lấy làm thương tiếc, ai nấy đều bùi ngùi im lặng không nói nửa lời.
Hàn Thiến Thiến tay cầm xác con chim ưng vừa khóc vừa lẩm bẩm nói:
- Ưng nhi ơi! Ưng nhi ơi! Chỉ tại ta mà mi phải chết một cách thảm khốc như thế này!
Lúc ấy, Thiên Tứ đã được Tứ Hải Thượng Nhân giải huyệt cho và chàng đã được trông thấy mọi việc vừa xảy ra, nên chàng cảm khái nói:
- Thực không nghĩ con chim ưng này lại trung thành với chủ nhân đến như thế! Giữa người với người mà cứ hay mưu tính giết hại lẫn nhau, có lúc cũng không bằng một con cầm thú!
Hàn Thiến Thiến vừa khóc vừa nói:
- Nó vốn dĩ là con chim ưng do Ngụy cục chủ ở Kim Ưng tiêu cục nuôi. Lần trước ở Lan Châu, Ngụy cục chủ bị Thiết Diện Điểu Trảo giết chết, nhờ nó mà đưa được chúng tôi tới tận sào huyệt của Thiết Diện Điểu Trảo. Biết thế này thì lúc ấy tôi thả nó đi để cho nó bay luôn ở trên không có phải…
Âm Bà Bà cũng thở dài nói:
- Con chim này thấy chủ nhân chết nó kêu la rất ai oán, não nùng không chịu rời xác chủ nhân nó. Bây giờ vì cứu Thiến Thiến mà tính mạng của nó cũng mất nốt, đủ thấy linh điểu trọng tình nghĩa như thế nào. Hà! Đáng tiếc! Nó lại chết ở trong tay Triệu Canh Thạch.
Mọi người thở than một hồi, rồi lại cùng an ủi Hàn Thiến Thiến, mãi mới khuyên được nàng nín khóc. Thiến Thiến vừa gạt lệ vừa đào đất chôn con chim ưng có nghĩa ấy.
Vân Đạt vừa hổ thẹn, vừa hối hận, vừa cảm khái nói:
- Thiên Tứ, tuy con được trời ban phước rất hậu, một lúc đính hôn với bốn phòng. Nhưng bây giờ người nào người nấy đều chết yểu, chỉ còn lại có Hàn cô nương đây thôi! Sau này con trả thù và làm hết chuyện của giang hồ xong, con nên đem cô ta về Kim Toàn Viên mà ở! Nay Thiến Thiến đã mất thì tất nhiên con là chủ nhân của Kim Toàn Viên rồi…
Ông ta đã nói được những lời lẽ ấy đủ thấy đầu óc đã tỉnh táo và nói đến câu sau cùng, hai dòng nước mắt đã nhỏ xuống hai bên má ròng ròng.
Thiên Tứ cũng ứa nước mắt ra đáp:
- Xin đại nhân cứ khoan tâm, tiểu tế với Thiến Thiến đây vẫn là con của đại nhân! Chúng con sẽ hầu hạ đại nhân cho đến lúc trăm tuổi.
Vân Đạt nói tiếp:
- Khỏi cần! Lão phu sẽ từ đây một thân một mình ngao du thiên hạ, chân trời góc biển để cho tàn cuộc đời này! Bây giờ các ngươi hãy theo lão phu đi!
Rồi ông ta đi trước dẫn đường, đưa mọi người tiến thẳng về phía Bắc. Khi qua Thành Đô, Tôn Mộng Công nhất định mời các người ở lại chơi vài ngày, nhưng khi Vân Đạt trông thấy xác của con gái mình trở nên già nua như vậy, không sao cầm lòng được, khóc lóc một hồi rồi đòi lên đường đi ngay.
Thiên Tứ van lơn mãi cũng không được, đành phải gửi xác của Doãn Ngọc ở nhà họ Tôn, còn mình với Hàn Thiến Thiến và Hoa Thương Nguyên đi theo Vân Đạt để tìm kiếm xem Hoa Thiến Thiến sống chết ra sao. Lục Như Cư Sĩ, Tứ Hải Thượng Nhân với vợ chồng bại Sự Lão Nhân thì ở lại nhà họ Tôn đợi chờ. Xác của Trương Thiến Thiến thì khâm liệm vào quan tài đặt trên lưng con Ngân ngưu chở đi.
Bốn người với con Ngân ngưu đi khá nhanh, chỉ một ngày một đêm đã quay về tới thị trấn nho nhỏ ở cạnh bến đò Đào Hoa ngay. Ăn uống xong qua loa rồi, Vân Đạt dẫn mấy người đi qua Sa Kiều để đến chỗ vực thẳm.
Thương Nguyên biết nơi đây là chỗ chôn thân vùi xác của con gái mình, tuy trong lòng rất đau đớn, nhưng vẫn không để lộ ra ngoài. Ông ta ngó đầu nhìn xuống bên dưới thấy vực thẳm sâu muôn trượng, bên dưới có ánh nước lóng lánh, hiển nhiên là một cái đầm. Ông ta rầu rĩ nghĩ bụng:
- Vực thẳm sâu như vậy đừng nói là người, dù là một hòn đá lớn rớt xuống cũng bị vỡ tan tành. Xem như vậy Thiến nhi thế nào cũng chết rồi chứ không sai!
Ông ta đưa mắt nhìn trộm Vân Đạt, thấy thái độ của vị hầu gia này cũng rất rầu rĩ và vẻ mặt cũng rất hổ thẹn hối hận.
Thiên Tứ kiếm một tảng đá lớn giơ tay lên, đứng ở chỗ vị trí mà Vân Đạt đã đẩy Hoa Thiến Thiến xuống và bắt chước dáng điệu của Vân Đạt ném hòn đá ấy xuống vực thẳm, rồi chàng lắng tai nghe tốc độ của hòn đá ấy rơi xuống. Nửa tiếng đồng hồ sau, chàng mới nghe thấy bên dưới có tiếng kêu “bộp”, trái tim của chàng cũng hầu như rớt xuống dưới đó.
Chàng đã nhận ra bên dưới có cái đầm sâu không thấy đáy và chắc Hoa Thiến Thiến bị ném xuống thế nào cũng hung nhiều lành ít. Tuy vậy, chàng vẫn còn ôm ấp chút hy vọng mà nói với Thương Nguyên rằng:
- Tiểu tế muốn xuống dưới đầm xem xét thử xem có tìm thấy chút di vật gì của Thiến muội đem về làm kỷ vật mãi mãi không?
Thương Nguyên rầu rĩ gật đầu đáp:
- Cũng được, nhưng con phải cẩn thận đừng có mạo hiểm!
Thiên Tứ liền dặn Thiến Thiến ở lại trên núi với hai ông già, rồi chàng vội tìm đường leo xuống dưới vực thẳm.
Vực thẳm ấy sâu hàng ngàn trượng, tuy Thiên Tứ có võ công rất cao siêu, nhưng vẫn phải tốn sức cửu ngưu nhị hổ mới lần mò xuống tới được cạnh đầm nước. Nhưng chàng thấy nước của cái đầm ấy giá lạnh vô cùng, trên mặt đầm hình như có một làn băng mỏng.
Chàng mò tay vào nước thử xem, cũng phải vội rụt tay lại, vì nước đầm lạnh buốt thấu xương. Thấy thế chàng lại rầu rĩ thất vọng thêm và nghĩ bụng:
- Dù Hoa Thiến Thiến có rớt xuống dưới đầm mà may mắn không chết đi nữa, thì cũng bị nước đầm lạnh giá này làm cho chết cóng chứ không sai!
Trên mặt đầm không có một cái lá khô hay một cọng cỏ nào nổi lênh đênh cả, nước đầm xanh đến nỗi đen sì và sự im lặng như một cái đầm chết vậy.
Nghĩ ngợi giây lát, Thiên Tứ liền giở khinh công ra chạy quanh một vòng. Vừa đi chàng vừa cẩn thận quan sát từng tí một, nhưng vẫn không thấy vết tích gì cả. Chành đành phải rầu rĩ quay trở lên.
Thương Nguyên vừa thấy chàng lên đã vội hỏi:
- Tình hình bên dưới ra sao?
Thiên Tứ lắc đầu thở dài đáp:
- Nước đầm đã đông lại lạnh buốt như băng, dù là chim chóc rớt xuống cũng không thể sống được huống chi là người.
Hai mắt đỏ ngầu, Thương Nguyên hỏi tiếp:
- Thế có tìm được vật gì ở dưới đó không?
Thiên Tứ lắc đầu đáp:
- Cái gì cũng không có, ở xung quanh đầm không thấy mọc một ngọn cỏ nào thì dù có di vật cũng bị chìm xuống dưới đáy nước rồi.
Vân Đạt bỗng thở dài một tiếng rồi xen lời nói:
- Lão phu lỡ tay đả thương lệnh ái của Hoa huynh, bây giờ hơi bất cập. Chỉ còn cách là tìm Thiết Diện Điểu Trảo để trả món nợ máu cho tiểu nữ, lúc ấy lão phu thế nào cũng tìm cách để đền bù lại việc này cho Hoa huynh.
Thương Nguyên vừa cười vừa đáp:
- Số cháu nó chết yểu mà lão hầu gia cũng là người mất con, vậy xin lão hầu gia đừng có quan tâm đến việc này nữa.
Nói tới đó ông ta quay đầu lại gọi Thiên Tứ:
- Thiên Tứ, chúng ta đi về thôi!
Bốn người rầu rĩ rời khỏi vách núi tuyệt đỉnh ấy, tìm đường hạ sơn. Trong lòng người nào cũng nặng chình chịch như bị cái cối ngàn cân đè xuống vậy.
Bốn người rời khỏi Tứ Xuyên đi lên miền Bắc để vội trở về Kim Toàn Viên. Trương hầu gia an táng xác con gái mình ở ngoài cửa sổ phía trước khuê phòng của nàng, và ông ta đã tốn vạn lạng vàng để xây ngôi mộ cho con, thật là tránh hoàng lịch sự vô cùng. Xung quanh ngôi mộ chính là cái hồ Kim Toàn mà trước kia Thiên Tứ với Trương Thiến Thiến đã bơi thuyền du ngoạn. Có ngờ đâu, bây giờ sinh ly tử biệt, mỗi người ở mỗi thế giới khác nhau như vậy, Thiên Tứ trông thấy cảnh cũ không đau lòng sao được?
Chỉ có Hàn Thiến Thiến mới tới vườn này lần đầu, trông thấy cảnh sắc của cái vườn đẹp như vậy, lại thêm sơn quang thuỷ sắc làm cho hai mắt nàng hoa lên, không kip thưởng thức từng cảnh và du ngoạn từng nơi một, nàng khẽ hỏi Thiên Tứ rằng:
- Nơi đâu là chỗ thành hôn của hai người? Vườn hoa nào là chỗ hai người dắt tay nhau du ngoạn? Nơi đâu là chỗ Trương Thiến Thiến dưỡng bệnh? Nơi đâu là chỗ tân phòng của hai người?
Nàng càng hiếu kỳ càng hỏi han nhiều, Thiến Tứ thấy nàng ta càng hỏi han bao nhiêu lại càng đau lòng bấy nhiêu và hễ đi tới chỗ đất cũ nào mà mình đã du ngoạn rồi, chàng cũng không sao nhịn được hai hàng lệ nhỏ ròng, thất thanh khóc nức nở ngay. Các người ở lại Kim Toàn Viên mấy ngày, vì Trương Vân Đạt đau lòng quá đỗi, không thể lên đường ngay được nên Thiên Tứ, Thương Nguyên và Hàn Thiến Thiến liền cáo từ trở về Thành Đô trước.
Trong khi đi đường, Thương Nguyên cũng như là người đã mất hết tinh thần. Vì vậy Thiên Tứ với Hàn Thiến Thiến nhường cho ông ta cưỡi con Ngân ngưu và hai người tuyệt nhiên không dám nhắc nhở đến chuyện của Hoa Thiến Thiến.
Đi được ba ngày nữa, các người mới tới Thành Đô. Ngờ đâu vừa vào tới nhà họ Tôn, ba người thấy các người đều có vẻ lo âu. Mộng Công gượng cười ra nghêng đón ba người vào khách sảnh, và cứ thở vắn than dài hoài. Thiên Tứ ngạc nhiên hỏi:
- Vì việc gì mà quý vị có vẻ lo âu như thế?
Mộng Công gượng cười lắc đầu đáp:
- Không có gì hết, chẳng hay các người đi tìm kiếm Hoa cô nương có thấy cô ta không?
Thương Nguyên thở dài, xen lời nói:
- Tiểu nữ phước bạc bị rơi xuống đầm nước sâu muôn trượng. Như vậy chắc không thể nào còn sống được.
Mọi người kêu “ủa” một tiếng rồi đều im lặng không nói năng gì hết. Thiên Tứ thấy không khí có vẻ khác lạ, không sao nhịn được bèn lên tiếng hỏi tiếp:
- Chẳng lẽ trong khi chúng tôi rời khỏi Thành Đô, nơi đây lại có chuyện gì xảy ra chăng?
Bại Sự Lão Nhân mở mồm ra định nói, nhưng Mộng Công đã đưa mắt ra hiệu nên ông ta lại thôi.
Mộng Công liền nói với Thiên Tứ rằng:
- La thiếu hiệp hãy chở xác của Doãn cô nương đi Cống Lai. Lão phu đã sửa soạn sẵn các thứ cho thiếu hiệp rồi, chỉ đợi chờ thiếu hiệp về tới là chúng ta bàn cách lên đường ngay.
Thiên Tứ thấy Mộng Công nói như thế càng kinh ngạc thêm, và căn cứ sắc mặt của Mộng Công, chàng đoán chắc nơi đây thế nào cũng có chuyện gì rất trọng đại sảy ra, nhưng hình như Mộng Công không muốn nói rõ. Chàng là người nóng tính vội đáp:
- Chuyện đi Cống Lai không có gì là khẩn cấp cho lắm, nếu lão tiền bối không chịu nói rõ ở đây có chuyện gì sảy ra, thì tiểu bối nhất định không đi Cống Lai vội.
Mộng Công cau mày lại:
- Hà tất thiếu hiệp phải biết chuyện ở nơi đây làm chi. Tuy nơi đây có xảy ra một chuyện nho nhỏ thật, nhưng đó là chuyện riêng của Tôn mỗ, thiếu hiệp không nên vì việc của Tôn mỗ mà lỡ mất việc chính của mình.
Thiên Tứ nói tiếp:
- Chẳng hay lão tiến bối có thể cho tiểu bối biết qua câu chuyện ấy không?
Mộng Công ngẫm nghĩ một hồi, hình như có vẻ e ngại, mãi vẫn chưa muốn nói ra.
Bại Sự Lão Nhân ngồi cạnh đó không sao nhịn được bèn la lớn:
- Thì cứ nói cho y biết đi, đã sao nào? Không sớm thì chầy cũng phải cho y biết rồi. Tôn huynh hà tất phải úp úp mở mở như thế làm chi?…
Mộng Công thở dài một tiếng, mới thủng thẳng nói:
- Sự thật thì việc đó cũng không quan trọng gì cho lắm. Đó là sau khi các người đi khỏi chưa được ba ngày, thì phủ Thành Đô này bỗng phát hiện tung tích của Thiết Diện Điểu Trảo…
- Cái gì?
Thiên Tứ với Thương Nguyên đều giật mình kinh hãi, không hẹn mà nên cả hai cùng thất thanh hỏi như trên.
Thiên Tứ vội hỏi tiếp:
- Tên ma đầu ấy hiện thân như thế nào? Bây giờ có biết y ở đâu không?
Hiển nhiên tin tức ấy đã làm chàng xúc động. Vì vậy, chàng muốn biết ngay tung tích của Thiết Diện Điểu Trảo ở đâu để mà đi trả thù cho Trương Thiến Thiến và các người.
Mộng Công ngừng giây lát, lại thủng thẳng nói tiếp:
- Không hiểu tại sao hình như tên ma đầu ấy biết rõ hết mọi hành động của chúng ta. Các người đi khỏi được ba hôm, đêm hôm đó Thiết Diện Điểu Trảo lẻn ngay vào trong nhà này để lại một bức thư ở trong thư phòng doạ nạt Tôn mỗ, lời nói ở trong thư ấy rất ngông cuồng…
Thương Nguyên xen lời hỏi:
- Thơ của y nói gì?
Bại Sự Lão Nhân cướp lời đáp:
- Tên ma đầu ấy có ý để lại một dấu vết Điểu Trảo độc ký và còn để lại một lá thơ, yêu cầu Tôn huynh trong hai ngày đêm sau phải đuổi bọn ta ra khỏi Thành Đô, cấm không được thâu nạp chúng ta. Bằng không sẽ đối phó với đứa cháu duy nhất của Tôn huynh liền.
Thương Nguyên nghiến răng mím môi nói tiếp:
- Tên ác ma ấy đê hèn vô sỉ thật. Tôn huynh khỏi cần phải đếm xỉa tới y, bây giờ chúng ta có rất nhiều cao nhân ở đây, khi nào lại chịu để cho chúng làm tàng?
Ông ta chưa nói dứt thì bỗng thấy sắc mặt của các người hơi khác lạ, hình như rất ngượng nghịu, nên ông ta vội ngắt lời không nói tiếp nữa.
Tứ Hải Thượng Nhân xen lời nói:
- Nói ra thì thật hổ thẹn, sau khi Tôn thí chủ nhận được lá thư ấy rồi, có lẽ vì thí chủ tôn trọng chúng ta quá nên chỉ cười thôi chứ không thèm đếm xỉa tới. Ngờ đâu, đến đêm ngày thứ năm thì đứa cháu duy nhất quả nhiên đã bị hạ độc thủ.
Thiên Tứ kinh hãi hỏi:
- Có chuyện ấy xảy ra ư? Thế tối hôm đó quý vị có phát giác cái gì không?
Bại Sự Lão Nhân hậm hực đáp:
- Sau khi Tôn huynh nhận được lá thư ấy, chúng tôi mấy người vô dụng này đã bàn tán thầm với nhau, định chia làm hai bọn lần lượt canh gác đề phòng tên ma đầu hạ thủ. Lục Như Cư Sĩ với Tứ Hải Thượng Nhân một bọn, lão phu với lão bà một bọn, suốt ngày đêm canh gác để đợi chờ tên ma đầu ấy tới nộp mạng. Hà! Không ngờ! Hà!…
Thiên Tứ vội hỏi:
- Sao lại để cho y lẻn vào được?
Lục Như Cư Sĩ đáp:
- Tối hôm đó, vợ chồng Âm huynh phụ trách canh gác nửa đêm trên, bổn cư sĩ với Thượng Nhân phụ trách canh gác nửa đêm dưới. Việc này chúng tôi vốn không muốn cho Tôn huynh biết chuyện, cho nên chờ cả nhà đi ngủ rồi mới ra canh gác. Không ngờ, nửa đêm trên do vợ chồng Âm huynh canh gác không có chuyện gì xảy ra cả nhưng tới nửa đêm dưới, mỗ với Thượng Nhân tiếp tay đi tuần tiễu xung quanh bổn trạch cũng không thấy có gì xảy ra cả. Cho mãi tới lúc trời sáng tỏ thì bỗng thấy trong hậu trạch bỗng thấy có tiếng vú em kêu la vọng ra và bảo đứa cháu cưng của Tôn huynh đã bị tên ma đầu hạ độc thủ, đầu đã lìa khỏi cổ.
Thương Nguyên, Thiên Tứ cùng với Hàn Thiến Thiến giật mình đến phắt một cái rồi không hẹn mà nên, đồng thanh lên tiếng hỏi:
- Y lẻn vào trong nhà này bằng cách nào?
Lục Như Cư Sĩ mặt lộ vẻ hổ thẹn đáp:
- Nếu nhắc tới chuyện đó thì chúng tôi không còn mặt mũi nào đi lại trên giang hồ nữa. Đêm đó rất yên tĩnh không thấy có một bóng người nào và cũng không nghe thấy một tiếng động gì hết. Nếu tên ma đầu ấy có lẻn vào trong nhà này, với võ công của bốn người chúng tôi chả lẽ lại không điều tra ra…
Nói tới đó, ông ta ngừng giây lát, thở dài và nói tiếp:
- Nhưng sự thật lại khiến người ta hết sức bất ngờ. Tên ma đầu ấy dám ung dung lẻn vào trong nhà này như vào chốn không người và lẳng lặng hạ độc thủ mà không ai hay biết gì cả.
Thương Nguyên kinh hoàng hỏi:
- Có thật thế ư? Nếu vậy thì kỳ lạ thật! Chả lẽ ma đầu ấy lại có quỷ kế xuất thần nhập hóa và phát động ẩn thân tàng hình.
Hàn Thiến Thiến bỗng nghĩ ra một việc buột miệng nói:
- Chắc thế nào cũng có nội tặc…
Thiên Tứ vội đưa mắt lườm nàng một cái, Thiến Thiến cũng biết lời nói ấy của mình lỗ mãng thực, vội dùng tay bịt miệng, nhưng đã muộn rồi.
Nhưng Bại Sự Lão Nhân lại gật đầu tán thành:
- Hàn cô nương nói rất có lý, tình cảnh này ngoài nội tặc ra thì không ai có thể làm được. Nhưng …
Ông ta đưa mắt nhìn mọi người một cái, rồi gượng cười nói tiếp:
- Trong mấy người chúng ta đây ai là Thiết Diện Điểu Trảo? Tất nhiên Tôn huynh không phải rồi, chẳng lẽ lại là Tứ Hải Thượng Nhân hay là lão phu và lão bà? Ắt thế nào cũng có một người là hoá thân của Thiết Diện Điểu Trảo.
Thấy Bại Sự Lão Nhân nói như vậy, ai nấy đều yên lặng không nói nửa lời.
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu