Người ta sẽ học được nhiều hơn từ lỗi lầm của mình, nếu như họ không quá bận rộn chối bỏ lỗi lầm của mình.

J. Harold Smith

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Thanh Vân
Thể loại: Kiếm Hiệp
Nguyên tác: Lưỡng Thủ Quái Nhân
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 62
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 8477 / 50
Cập nhật: 2018-02-01 21:41:59 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5: Vái Quái Sư Học Kỹ - Mới Hạ Sơn Quen Lộc Nữ
Ông già chếch đầu nọ vừa kể, nước mắt vừa nhỏ xuống, nhất là cái túi vải nằm ở trên vai trái của ông ta cũng rung động và có tiếng nức nở như có đầu người ẩn núp ở trong đó vậy.
Thiên Tứ thấy thế giật mình đến thót một cái, vội đứng dậy, vừa chỉ trỏ, vừa buột miệng la lên:
- Cụ... Cụ là Thích Hữu? Còn...
Ông già hiền từ kia mỉm cười, nhe hai hàm răng trắng bạch ra. Không hiểu tại sao Thiên Tứ trông thấy rầu rỉ thêm.
Ông già gật đầu đáp:
- Cháu đoán đúng đấy! Lão phu chính là Thích Hữu cháu có sợ không?
Thiên Tứ gật đầu lia lịa, ưỡn ngực lên, kiên quyết trả lời:
- Cháu không sợ!
- Giỏi lắm!
Thích Hữu khen ngợi một câu như vậy, bỗng giơ tay phải lên, lột cái túi đen ở trên vai trái xuống, trên vai đó liền hiện ra một bộ mặt rất hung ác.
Bộ mặt ấy đỏ như máu, mũi to như mũi sư tử, mồm rộng, mắt sâu, má hõm, tóc đỏ và cứng như lông nhím, râu xồm quấn lên và cũng đỏ hỏn như tóc, đôi mắt tròn và sáng như hai ngọn đèn ló.
Tuy Thiên Tứ đã biết trước rồi, nhưng trông thấy bộ mặt quá lạ ấy, y cũng phải giật mình kinh hãi, vội lui về phía sau ba bước.
Lần đầu tiên lộ mặt, Thích Tả đã có thiện cảm với Thiên Tứ, nhưng bây giờ thấy Thiên Tứ kinh hãi lui bước như vậy, y lại tỏ vẻ không vui, vội cất giọng khàn khàn hỏi:
- Tiểu tử! Ngươi sợ ư?
Tiếng nói của y kêu như sấm động, làm cho căn nhà xây dựng ở trên cây cổ thụ ấy cũng phải rung động hoài. Với một mặt như ma quỷ, với giọng nói kêu như thế, ai thấy mà chả sờn lòng rợn tóc gáy? Nhưng Thiên Tứ nghĩ đến chuyện Thích Hữu vừa mới kể, y liền định thần, gắng can đảm và hăng hái đáp:
- Lúc đầu cháu hơi sợ thật, nhưng bây giờ cháu không sợ nữa! Cháu biết mặt cụ tuy kỳ lạ, nhưng tâm địa của cụ rất tốt, không vô cớ giết hại người ta, nên cháu không sợ nữa.
Thích Tả không ngờ Thiên Tứ lại biết nói những lời lẽ ấy, y ngẩn người ra giây lát rồi đã cười ngay liền.
Thích Hữu đã biết rõ tâm lý của Thiên Tứ rồi, nên ông ta không ngạc nhiên chút nào, trái lại ông ta còn cười khì, nhìn Thích Tả nháy mắt mấy cái.
Thích Tả cười ha hả, nhìn lại Thiên Tứ một hồi rồi nói tiếp:
- Giỏi lắm! Giỏi lắm! Coi như lão Đại đã thắng rồi! Hà tất phải khoái chí bắt chước cái trò trẻ con như thế! Chả lẽ lão Đại lại không sợ Thiên Tứ nó cười cho hay sao?
Nói xong, y lại hỏi Thiên Tứ tiếp:
- Thiên Tứ, có thật cháu bằng lòng theo anh em ta học tài ba đấy không?
Ngày thường rất kém ăn nói, không hiểu tại sao lúc này Thiên Tứ lại khôn ngoan và lanh lợi đến thế? Y đã cung kính và thao thao bất tuyệt đáp:
- Cháu không những theo hai cụ học hỏi tài ba, mà học xong cháu còn đem những tài ba ấy vào giang hồ hành hiệp trượng nghĩa để kế tiếp tráng chí của hai cụ xưa và để cho người đời biết hai cụ không phải là ác ma khiến họ chẳng những không hãi sợ hai cụ mà còn cảm thấy nếu được gần gũi hai cụ là được một vinh dự khác.
Thích Hữu và Thích Tả không ngờ thằng nhỏ này lại có tráng chí hồng nguyện ấy nên cả hai đều thở dài một tiếng, một kêu một khàn cùng thốt ra một lúc nghe như tiếng kèn hợp tấu vậy.
Thở than xong cả hai cùng quay đầu lại nhìn nhau và giơ tay lên lau chùi nước mắt rồi Thích Tả cướp lời nói trước:
- Tiểu tử giỏi lắm! Thiên Tứ khá lắm! Không biết sau này cháu có thể làm được như lời vừa nói của cháu hay không? Nhưng anh em ta chỉ nghe lời nói này của cháu cũng đã hài lòng lắm rồi. Lúc này dù có chết cũng không ân hận nữa!
Thích Hữu không chịu lép vế, cũng lên tiếng nói luôn:
- Thiên Tứ, tính nết của cháu thuần hậu như vậy thực không phụ lòng anh em ta trong bấy lâu nay!
Nói xong, ông ta đứng dậy, giơ tay lên nắm vào cái cán nhô ra ở trên vách một cái, liền có tiếng kêu "kèn kẹt" ngay, và trên đỉnh nhà, chỗ trên cửa sổ, đã có một cái lỗ hổng hiện ra luôn. Y lại nói tiếp:
- Bên trên là chỗ để sách của lão. Cháu hãy lên trên đó trước!
Tuy Thiên Tứ đã nhảy xuống được chỗ cao hơn mười trượng, nhưng y chưa học qua khinh công, không biết cách nhảy lên. Y chỉ ngẩng lên nhìn các lỗ hở ấy thôi, chứ không biết làm cách gì để lên trên đó được. Mặc dù nhảy lên trên cao hai trượng như thế rất khó, nhưng y vẫn không chịu thua, liền nghiến răng mím môi nhảy thử lên một cái. Ngờ đâu người của y đã bắn lên cao quá suýt tý nữa thì va đụng phải đỉnh nhà trên ấy. Y hoảng sợ vô cùng đang cuống quýt, thì bỗng thấy hai chân bị tay người khác nắm chặt và khẽ đặt y đứng xuống. Y vội quay đầu lại nhìn, mới hay Thích Hữu và Thích Tả đang đứng ở phía sau nhìn mình mà mỉm cười. Thích Tả còn nói:
- Không ngờ hơi sức của tiểu tử mạnh đến thế! Nhưng vì ngươi chưa biết cách sử dụng nên có sức mạnh cũng như không vậy.
Thiên Tứ hổ thẹn hai má đỏ bừng, vội quay đầu ngắm nhìn tứ phía, y thấy cái phòng trên này ba mặt đều để giá sách, trên giá chứa đầy những sách cổ, còn một mặt kê một cái bàn, trên có đủ văn phòng tứ bảo và một bức họa cây thông chưa vẻ xong.
Trên vách có treo một bức chân dung của một văn sĩ trung niên đang đứng ở trên ngọn núi nhìn trời.
Anh em Thích Hữu cúi đầu vái lạy bức chân dung ấy một lạy rồi mới ngồi xuống cái ghế ở cạnh đó, Thích Hữu giải thích cho Thiên Tứ hay:
- Vị này là ân sư của anh em chúng ta đấy. Ân sư của ta họ Lý, biệt hiệu là Thanh Tòng dật sĩ. Hồi trăm năm về trước, ông ta với Bàn Long Kiếm Khách Dương Tử Xuân được thiên hạ gọi là Nam Bắc nhị Kỳ. Bình sinh ông ta đã tạo nên rất nhiều sự tích khét tiếng võ lâm. Tới lúc tuổi già, vì dạy bảo anh em ta, ông ta đã ẩn dật trong núi sâu này hơn hai mươi năm, không hề bước chân vào trong trần tục nữa bước...Hà!... Ơn của sư phụ như bể, chúng con là đệ tử chưa báo đền được một phần vạn! Chúng con thật hỗ thẹn với lương tâm vô cùng!
Thích Tả phản đối ý kiến ấy, vội xen lời:
- Lão Đạo lầm rồi! Vì lòng từ bi mà ân sư nuôi nấng dạy bảo anh em ta, chứ có mong chúng ta đền ơn ông đâu? Sư phụ là người thông minh sáng suốt, sao lại không biết người đời thiển cận? Cho nên tuy chúng ta chưa làm rạng rỡ cho sư môn, nhưng quý hồ chúng ta không để tuyệt học của sư môn thất truyền, hay truyền thụ cho kẻ gian tà, thì cũng đủ an ủi ân sư phần nào rồi?
Nói xong, y không để cho Thích Hữu nói tiếp, đã vội bảo Thiên Tứ làm lễ nhập môn bái sư ngay.
Thanh Tòng cốc ở giữa những núi cao, trông không khác gì một cái giếng sâu vậy. Nên hằng ngày chỉ có mấy tiếng đồng hồ được trông thấy mặt trời thôi.
Bên phía Đông có một lối ra vào rộng chừng hơn trượng, nhưng rất hiểm trở khó đi, và cạnh lối đi lại có một cái suối chảy ra bên ngoài. Suối ấy không lớn lắm, và chỉ sâu hơn trượng thôi, nhưng nước rất lạnh và chảy rất mạnh nên chỉ có mùa Đông và mùa Xuân nước đóng thành băng mới có thể ra vào được thôi. Bằng không, dù người có võ công cao siêu đến đâu cũng không thể nào qua được cái suối chảy mạnh và nước giá lạnh như thế.
Từ khi tới Thanh Tòng cốc này ở đến giờ, quái nhân hai đầu đã sớm giết hết những thú vật ở trong cốc để ăn rồi, nên hai anh em phải luyện tập môn tích cốc. Nhờ vậy quanh năm suốt tháng, anh em y chỉ cần ăn những trái cây ở trong cốc cũng đủ nuôi sống. Vì vậy không còn phải lo âu đến vấn đề thiếu lương thực nữa. Nhưng bây giờ bỗng có Thiên Tứ tới, chả lẽ anh em Thích Hữu lại bắt đồ đệ mới nhập môn phải chịu khổ chịu sở như anh em mình hay sao?
Hai anh em bàn tán với nhau một hồi, rồi quyết định nhân lúc nước suối hãy còn đóng băng, đi ra ngoài sơn cốc bắt một ít súc vật đem về chăn nuôi để làm lương thực hằng ngày cho tên đồ đệ cưng. Vì vậy từ đó trở đi, trong Thanh Tòng cốc mới có thêm sinh khí. Người ta mới thấy có hươu, nai, thỏ và gà rừng v.v... chạy đi chạy lại ở trong đó chứ không còn tẻ lạnh buồn tênh như trước nữa.
Thiên Tứ bắt đầu học tập võ công và cũng phải học cả nhóm bếp thổi cơm nữa. Dưới sư quản đốc dạy bảo của anh em Thích Hữu, y cứ theo khóa mục của sư phụ đã đặt ra mà tuần tự học tập.Từ đó trở đi, cứ sáng dậy là y phải luyện tập hai môn thần công vô thượng trước. Hai môn đó là Thiên La thần công của Thích Hữu dạy cho và Đại Năng thần công của y học hỏi được trong hang động trên vách núi. Hai môn thần công ấy tuy phương pháp vận công điều tức hơi tương phản, nhưng vì chính một phần ấy mà y đã lượm được ích lợi rất lớn.
Mấy tháng sau, Thiên Tứ đã đả thông được Sinh Tử Huyền Quan rồi và còn tiến bộ tới mức Lục Hợp Quy Nhất nữa. Khi đã luyện tới mức độ này, thân thể của y khác hẳn người thường. Hai thái dương không nhô lên, các bắp thịt cũng không lên nốt, nên người ngoài trông thấy y cứ tưởng là người chưa học tập qua võ công gì cả vậy. Ngoài sự tiến bộ trên, Thiên Tứ còn cao lớn rất nhanh chóng, da dẻ trước kia đen nhánh, lúc này đã biến thành trắng nõn mềm mại vô cùng. Và đôi mắt của y sáng như hai ngôi sao ở trên trời vậy.
Anh em Thích Hữu thấy Thiên Tứ tiến bộ nhanh chóng như vậy, trong lòng mừng rỡ vô cùng. Anh em y không ngờ một thằng nhỏ đen sì như thế luyện tập có nửa năm mà nay đã trở nên một thiếu niên đẹp trai và văn vẻ vô cùng. Ngoài ra, y lại còn đả thông được Sinh Tử Huyền Quan mà anh em Thích Hữu đã luyện mãi vẫn chưa đả thông được hai huyền quan ấy. Nhưng anh em y không ghen chút nào, trái lại còn hết sức dạy bảo cho môn đồ của mình được tiến bộ thêm. Vì lúc này anh em ông ta coi Thiên Tứ không những là một tên môn đồ mà còn là kẻ thế thân của mình nữa.
Bởi lý lẽ trên. Thích Tả mới đề nghị truyền thụ môn Thiên Lôi thần công của y trước thời gian đã định. Thế là từ đó trở đi, Thiên Tứ lại phải vào trong rừng luyện tập ngoại lực. Sự thực với nội công thuần hậu như của Thiên Tứ bây giờ thì khỏi cần phải luyện tập ngoại lực như thế nữa cũng đủ lợi hại rồi. Vì lúc này y chỉ vận nội công vào bàn tay rồi tấn công vào một cây cổ thụ to bằng hai người ôm cũng có thể đánh đổ được ngay cây đó liền. Sở dĩ Thích Tả còn bắt y phải luyện tập thêm là vì môn Thiên Lôi thần công tuy là ngoại công thực nhưng sức mạnh của nó là lấy từ bên ngoài vào. Nếu không luyện tập như thế thì không sao lấy nổi sức lực bên ngoài như vậy.
Chiều nào cũng vậy, Thiên Tứ ở trong rừng thông chạy quanh các cây lớn, hễ gặp cây nào thật đồ sộ là phải ngừng chân, lấy tấn, rồi ra tay tấn công luôn hai chưởng. Khi nào tấn công đủ hai trăm lẻ chín cây cổ thụ đồ sộ ấy rồi mới được nghỉ tay. Nhưng ngày nào cũng thế, y cảm thấy mỏi mệt vô cùng. Nếu không luyện tập như thế, y hấp thụ sao được sức phản chấn của bên ngoài.
Không bao lâu, Thiên Tứ đã luyện tới mức hễ ra tay tấn công một chưởng là có tiếng kêu như sấm động tức thì. Tuy y luyện tập môn thần công này tiến bộ rất chậm chạp nhưng trong nửa năm đó Đại Năng thần công và Thiên La thần công thì y lại tiến bộ rất nhanh chóng. Và cả môn khinh công cũng thế, y cũng tiến bộ nhanh vô cùng. Nhờ đã được đả thông Sinh Tử Huyền Quan nên Thiên Tứ mới tiến bộ nhanh chóng đến vậy. Không riêng gì võ công, cả văn học y cũng tiến bộ rất nhanh. Nên y mới ở trong sơn cốc có hơn năm đã học được già nửa tài ba kể cả văn lẫn võ của anh em Thích Tả. Rồi còn về môn khinh công Quỷ Ảnh Bách Biến thì y còn giỏi hơn cả hai sư phụ. Thực là trò khôn hơn thầy có khác!
Thời gian trôi chảy rất nhanh, chỉ thoáng cái đã qua một năm nữa. Hôm đó anh em Thích Hữu gọi Thiên Tứ tuổi mưới lên mười mà đã cao lớn như một thanh niên đôi mươi tới trước mặt rồi Thích Hữu bảo rằng:
-Tứ nhi, mấy ngày gần đây anh em lão phu bỗng nổi hứng muốn đi ngao du. Chúng ta muốn con theo anh em ta ra ngoài sơn cốc du ngoạn một phen, tiện thể bắt ít động vật đem về nuôi. Chẳng hay con có vui lòng theo anh em lão phu đi không?
Hơn mười năm trời chưa bước chân ra khỏi sơn cốc. Thiên Tứ đang buồn bực vô cùng nay bỗng thấy hai sư phụ nói như vậy thì còn gì sung sướng bằng, nên y cười ha hả, vỗ tay và nhảy bắn người lên đáp:
- Hay lắm!
Thích Hữu và Thích Tả thấy đồ đệ mừng rỡ như vậy cũng mừng rỡ theo, cả cười mấy tiếng liền, Thích Tả nói tiếp:
- Tiểu tử không ra ngoài suối nhìn xuống mặt nước soi thử xem, bây giờ ngươi đã lớn khôn thế nào rồi mà vẫn còn nhảy nhót như trẻ con vậy! Thật đáng phải đánh đòn cho mấy roi mới được!
Thiên Tứ kêu "ứ, ừ" mấy tiếng, nhảy xổ vào lòng quái nhân hai đầu, rồi giơ tay lên bứt râu đỏ hỏn của Thích Tả và nũng nịu đáp:
- Nhị sư phụ gọi con là tiểu tử, lại bảo là con đã lớn rồi. Như vậy con không nên không phải, hay là Nhị sư phụ đã nói lầm?
Nói tới đó, y lại vuốt râu bạc phơ của Thích Hữu và hỏi tiếp:
- Đại sư phụ, có phải là Nhị sư phụ bắt nạt Tứ nhi đấy không?
Hai anh em cùng giơ tay lên vuốt ve đầu Thiên Tứ và ngắm nhìn bộ điệu ngây thơ của y một hồi. Thích Hữu thấy y làm nũng và còn nhờ mình làm trọng tài như vậy không sao nhịn được liền cười ha hả lớn tiếng đáp:
- Phải, lần này quả thật lão Nhị không nên không phải trước! Lão Nhị thử nghĩ lại xem, Tứ nhi tuy cao lớn thật nhưng năm nay y mới lên mười một. Lão Nhị gọi nó là tiểu tử, sao lại còn trách mắng nó không đứng đắn, nhảy nhót như trẻ con vậy?
Thích Tả không chịu thua vội cải lại:
- Lão Đại chỉ bênh vực nó hoài. Đây, lão Đại xem nó có tinh nghịch không? Đệ chỉ có mấy sợi râu đỏ thôi bây giờ đã bị nó bứt đứt gần hết... ối chà...
Thấy Thích Tả kêu đau, Thích Hữu vội quay đầu lại nhìn Thích Tả và cúi đầu nhìn Thiên Tứ rồi cười đáp:
- Thôi, Tứ nhi không được vô lễ như thế nữa! Nào, chúng ta cùng lên đường đi ngay chứ?
Trong hơn năm nay, ba thầy trò đều đùa giỡn với nhau như ba đứa trẻ vậy. Mặc dù anh em quái nhân tuổi đã ngót trăm, tính tinh nghịch của hai người vẫn không kém gì Thiên Tứ.
Thấy sư phụ bảo đi ngay, Thiên Tứ liền chạy ra ngoài cửa nhà, nhảy luôn xuống dưới đất và giở môn khinh công Quỷ Ảnh Bách Biến chạy thẳng về phía Đông chỗ cốc khẩu.
Anh em quái nhân chạy theo sau, thấy thân hình của Thiên Tứ nhanh như điện chớp đều mừng thầm, rồi cả hai cùng cảm thấy hào khí bộc phát liền. Thích Hữu rú lên một tiếng thật dài, còn Thích Tả thì quát lớn:
- Ngươi đi đâu?
Thiên Tứ quay đầu lại, thấy hai vị sư phụ đã đuổi theo tới, y vội giở hết tốc lực khinh công ra, chỉ nhảy nhót mấy cái đã đi được một quãng xa mấy chục trượng liền, và trong nháy mắt y đã ra tới ngoài cốc khẩu, phi thân lên trên những tảng băng ở trên mặt suối tức thì.
Lần đầu tiên được ra ngoài sơn cốc, Thiên Tứ khoan khoái khôn tả, lại giở hết mười hai thành công lực ra phi thân trên những tảng băng, và cứ thế mà tiến thẳng về phía trước.
Y bỗng nghe thấy kêu "soẹt" một tiếng và thấy thân hình của mình rớt ngay xuống dưới vực sâu luôn, thì ra con suối chỉ tới đó thôi. Bên dưới là vực thẳm rất sâu nước suối chảy tới đó đổ xuống bên dưới hóa thành một cái thác lớn. Nay nước đã đóng băng nên Thiên Tứ mãi chạy cho thật nhanh mới không hay mà bị rớt xuống vực thẳm như vậy.
Y cúi đầu nhìn xuống, thấy bên dưới tối om liền rùng mình kinh hãi. Cũng may lúc ấy mới rớt xuống độ năm trượng và lúc này y đã có thể vận chân khí theo ý muốn của mình rồi. Nên y vừa cảm thấy hơi khác một tý đã vội hít hơi khiến chân khí bốc lên tập hợp ở trên ngực của y đã ngừng rớt xuống, rồi y đạp mạnh hai chân vào nhau một cái, thân hình lại bắn lên cao bảy tám trượng liền, Y lại văng người sang bên hạ chân xuống tả ngạn của con suối đóng băng ấy luôn. Nhờ vậy y mới thoát nạn.
Y vừa đứng vững thì anh em quái nhân đã đến nơi, Thích Tả với giọng khàn khàn trách mắng liền:
- Giỏi cái gì? Suýt tý nữa thì toi mạng nhé! Chỉ tại lão Đại cứ chìu chuộng nó quá nên nó mới có thái độ hấp tấp như vậy!
Thiên Tứ hổ thẹn vô cùng, quay đầu lại làm mặt xấu để nhạo báng Thích Tả, rồi hỏi Thích Hữu rằng:
- Đại sư phụ bây giờ chúng ta đi về phía nào?
Thích Hữu thấy Thiên Tứ lâm nguy mà còn bình tĩnh biết tự cứu như thế. Ngay những cao thủ lớn tuổi trong giang hồ chưa chắc đã hơn được y, và nhất là pho Quỷ Ảnh Bách Biến của y đã luyện tới mức xuất thần nhập hóa không kém gì Thích Tả, nên ông ta cũng hài lòng vô cùng. Vì vậy không nỡ trách mắng y như Thích Tả mà còn khen giỏi và cổ vũ cho y là khác.
Anh em quái nhân suốt đời linh đinh cô khổ bị người đời rẻ rúng không ai thèm làm bạn. Bây giờ trong lúc tuổi già được một đồ đệ tài ba như vậy không mừng rỡ sao được? Thích Tả trách mắng Thiên Tứ như trên cũng là bông đùa đấy thôi chứ ông ta nỡ nào trách mắng thực?
Thích Hữu biết Thích Tả mắng đùa nhưng ông ta vẫn cãi lại:
- Đồ đệ là của hai người, sao lão nhị lại đổ lỗi cho cả mỗ như vậy? Vừa rồi Tứ nhi lâm nguy mà vẫn bình tĩnh, biết sử dụng luôn hai thế Quỷ Ảnh Tam Biến Liên Truyền Luân Hồi một lúc rất khéo léo mới thoát hiểm như thế. Đủ thấy công lực của nó không kém gì anh em ta rồi. Được một đồ đệ tài ba như thế, lão Nhị không hài lòng sao? Nếu quả thật như vậy cổ nhân nói không sai tý nào: "Nhân tâm bất túc, xà thôn tượng có khác?"
Thiên Tứ thấy Đại sư phụ khen ngợi mình như vậy lại càng hỗ thẹn thêm. Y không muốn vì mình mà hai vị sư phụ cãi lộn nhau nên vội hỏi tiếp:
- Đại sư phụ, chúng ta đi về phía nào? Nếu sư phụ không nói, con sẽ đi trước đấy!
Anh em quái nhân thấy thái độ của y như vậy đều cả cười. Thích Tả đáp:
- Sao hồi nãy tiểu quỷ lại mặt non như thế? Hơi tí hai má đã đỏ bừng liền, không khác gì đàn bà con gái vậy!
Thiên Tứ càng hỗ thẹn thêm, dậm chân xuống đất một cái vội quay người đi luôn. Vừa đi y vừa nói:
- Con không chịu như thế đâu! Hơi tí Nhị sư phụ lại chế giễu con liền... con không...
Chỉ trong giây phút, thân hình của y đã khuất bóng dưới chân núi tuyết luôn. Anh em Thích Hữu đưa mắt nhìn nhau rồi cũng giở khinh công tuyệt mức ra đuổi theo ngay. Nhưng vì anh em quái nhân đi sau một chút nên đuổi mãi vẫn không thấy tung tích Thiên Tứ đâu hết. Và hai người tìm kiếm vết chân của y để biết đường theo dõi. Nhưng khinh công của đồ đệ mình cao siêu quá, không thấy một vết chân nào để lại cả. Vì thế mà quái nhân kiếm hoài cũng không thấy hình bóng của Thiên Tứ đâu hết. Lão Đại có vẻ lo âu nói:
- Lão Nhị chúng ta phải mau mau đuổi kịp Tứ nhi mới được. Bằng không nó càng chạy càng xa nhỡ lạc lối tìm không thấy đường quay trở về có phải là nguy tai không?
Thích Tả đáp:
- Bây giờ tiểu tử ấy thông minh lắm, lão Đại khỏi lo nó bị lạc. Theo ý đệ thì cứ để cho nó đùa giỡn một hồi cho thỏa chí đã. Chúng ta hãy đi Thanh Thảo cốc bắt mấy con hươu trước rồi quay trở lại tìm kiếm nó cũng chưa muộn.
Thích Hữu nghe thấy Thích Tả nói như vậy cũng phải. Thế rồi cả hai cùng tiến thẳng về phía Tây Nam.
Hãy nói Thiên Tứ chạy một hồi đã qua được hai ngọn núi quay đầu lại không thấy sư phụ đang định ngừng chân đợi chờ. Nhưng y ngẫu nhiên trông thấy phía đằng trước có một cái đèo núi dông dôc rộng chừng mấy trăm trượng phủ đầy tuyết trắng. Riêng nơi chính giữa có một miếng đất không có tý tuyết nào. Ở đằng xa trông thấy cây cối xanh rì hoa thơm cỏ lạ lòe loẹt trông rất đẹp mắt. Còn một điều lạ lùng nhất là giữa khu rừng đó còn có mấy căn nhà lá với một đàn hươu rừng rất mập mạp hoặc đứng hoặc nằm chúng đang ung dung ăn cỏ.
Thiên Tứ đột nhiên phát hiện miếng đất kỳ lạ này mừng rỡ như điên như khùng quên cả đợi chờ Thích Hữu, Thích Tả vội lướt xuống dưới đèo.
Chỉ trong nháy mắt y đã đi tới chỗ cách bãi đất kỳ lạ kia chừng mười thước rồi. Vì tốc độ của y quá nhanh nên những hạt tuyết nhỏ ở dưới đất bị bay theo kêu "soàn soạt" rất khẽ. Tuy vậy hàng trăm con mai hoa lộc cũng nghe thấy tiếng động ấy đều tỏ vẻ kinh ngạc ngẫng đầu lên nhìn.
Thật lạ đàn hươu rừng ấy trông thấy có người lạ tới không những không đào tẩu mà trái lại con nào con nấy đều đứng cả dậy và xếp hàng một cách rất có thứ tự. Chỉ trong chớp mắt chúng đã xếp thành một trận pháp bên trái bảy con bên phải tám con đằng sau năm con vừa bao vây chặt lấy khu rừng xanh rì kia.
Thiên Tứ thấy thế kinh ngạc khôn tả và còn thắc mắc là khác. Nhưng khi y nhận xét kỹ tuy không biết đàn hươu đã xếp thành trận pháp gì nhưng y cũng biết là một trận pháp rồi.
Lúc này trí tuệ của y đã sáng suốt hơn nhiều y chỉ cau mày lại suy nghĩ giây lát đã vỡ lẽ đàn hươu hoa mai này thế nào cũng là súc vật của người trong mấy ngôi nhà lá kia. Chúng biết bày thành trận pháp như thế chắc chủ nhân của chúng huấn luyện để đề phòng người ngoài đột nhập.
Thiên Tứ là người rất nhân hậu đã đoán biết chủ nhân ở nơi đây không muốn cho người ngoài vào quấy nhiễu nên y cũng không muốn vào trong đó làm chi. Y đứng ở đó xem một hồi rồi ngưng tụ chân khí vào hai chân nên chỉ đứng được một lát bỗng có tiếng kêu "lách cách" tảng băng ở dưới chân của y đã nứt nẻ và hai chân của y cũng lún xuống bên dưới nửa thước tức thì. Nhưng y vẫn đứng yên như một quả núi không xê dịch nửa tấc. Y lại đưa mắt nhìn cái hào sâu nước bao quanh bãi cỏ y liền nghĩ bụng.
"Thảo nào nơi đây lại có người ở! Ra họ nhờ có cái hào sâu này mùa hè băng tuyết tan thành nước chảy xuống rãnh và chảy thẳng xuống dưới miền suối như vậy nơi đây mới không bị lụt. Chủ nhân của mấy căn nhà kia mới được ở yên. Cũng may mình đã đề phòng trước bằng không trượt chân rớt xuống dưới hào này dù không bị thương nặng cũng bị hoảng sợ một mẻ."
Y đứng nhìn cảnh đẹp mà không được vào trong để xem xét, trong lòng hơi ân hận nên y lại định xông bừa vào trong đó xem sao? Đang trù liệu thì bỗng y thấy chỗ cách mình đứng không xa có trồng một cái bản gỗ lớn trên đề mấy chữ sau:
"Lộc Cốc Linh Cảnh đột nhập sẽ chết!"
Những chữ đó không biết viết bằng thứ gì mà đỏ hỏn như máu khiến ai trông thấy cũng phải tưởng tượng như máu tươi của mình sẽ bị bôi lên trên bảng vậy, rùng rợn vô cùng.
Thiên Tứ lại nghĩ tiếp:
"Cứ xem tấm bảng này thì chắc chủ nhân của khu đất đây ắt không phải là người hiền?"
Y lại ngẩng đầu lên ngắm nhìn bãi cỏ đó tiếp. Lúc này y mới nhận ra nơi đây cũng là một sơn cốc rộng chừng mấy chục mẫu. Phía Đông và phía Bắc đều có vách núi cao chọc trời, trên hai bên vách núi đó đều có những mây và hoa thơm cỏ lạ tua xuống. Y còn đoán chắc sau những đám mây treo lơ lững thế nào cũng có rất nhiều hang động nên mới có khá nhiều khỉ đang leo lên leo xuống đùa giỡn rất vui vẻ. Còn phía chính giữa là phía Nam thì có một lối đi phía Tây tức là cái đèo mà Thiên Tứ vừa đi xuống. Những cây cỏ ở trong sơn cốc đều xanh rì và kỳ lạ. Giữa sơn cốc có một ngôi nhà mấy căn và một cái ao trông không khác gì một nơi tiên cảnh vậy.
Nhất là mái nhà lại lợp bằng rơm rạ tươi nên trông toàn một màu xanh rì căn này liền căn nọ và đều xây quanh bờ ao.
Ao hình tròn rộng hàng mấy mẫu nước xanh biếc chắc cũng khá sâu. Nơi chính giữa có hai vòi phun lên. Thiên Tứ rất lấy làm lạ vì nước trong hào ở chung quanh bãi đất đều đóng băng, riêng có nước của cái ao này thì không hề có một mảnh băng nào nổi lên ở trên mặt ao cả nên y ngạc nhiên vô cùng.
Ngoài ra trong ao lại còn trồng khá nhiều sen cảnh sắc của nơi đây đẹp như một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. Vì vậy mà Thiên Tứ cứ đứng ngẩn người ra ngắm nhìn không chán.
Một lát sau y lại nghĩ tiếp:
"Chủ nhân ngôi nhà kia là ai mà lại có phước đến thế được ở trong một cảnh thần tiên như thế này"
Vì cảnh vật quá hấp dẫn y không sao bỏ đi được bèn từ từ tiến tới gần.
Đàn hươu thấy Thiên Tứ tới gần bỗng trong giữa trận thức có tiếng kêu của con mai hoa lộc rú lên, những con đứng quanh đó liền họa theo rồi hàng trăm con hươu cùng kêu một lúc. Tiếng kêu làm vang động cả sơn cốc và mãi mãi không ngớt.
Một lát sau tiếng kêu của đoàn hươu bỗng ngừng bặt và con nào con nấy đều đứng yên không hề cử động chút nào. Thiên Tứ thấy vậy càng ngạc nhiên thêm. Y không ngờ đàn hươu này không những biết tự động bày thành trận thức mà còn biết nghe cả hiệu lệnh, động tác của chúng cũng rất nghiêm minh nữa.
Y đứng ở trên cao nên trông thấy rất rõ và lúc này y mới phát hiện con hươu ở giữa đàn là con trùm của đàn hươu kẻ ra hiệu lệnh trước tiên cũng chính là nó. Con hươu này rất to lớn trông không khác gì một con ngựa, lông nó nửa nâu nửa trắng bóng nhoáng như sơn, đôi mắt lóng lánh có thần. Nếu không vì trên đầu nó có đôi sừng thì Thiên Tứ đã tưởng lầm nó là một con ngựa vằn chứ không phải là mai hoa lộc.
Trong lúc Thiên Tứ đang ngơ ngác ngắm nhìn con hươu chúa thì bỗng nghe thấy trong nhà lá có tiếng người rất thánh thót vọng ra:
- Câu nhi mau lại đây! Các ngươi lại quấy nhiễu gì thế?
Giọng nói của người ấy kêu như tiếng chuông bạc và nhỏ nhẹ như thì thầm vậy. Thiên Tứ đứng cách ngôi nhà lá kia hơn ba mươi trượng mà vẫn nghe rõ như người đó đứng cạnh mình rỉ tai nói vậy. Y cả kinh liền nghĩ bụng:
"Người này là ai? Sao công lực lại thâm hậu đến như vậy có lẽ cũng không kém gì ta?"
Con hươu trùm nghe thấy tiếng gọi ấy vội ngẩng đầu lên kêu một tiếng hình như nó trả lời chủ nhân nó vậy? Tiếp theo đó nó còn cứ bước tả xung hữu đột xuyên qua trận thức mà chạy thẳng tới ngôi nhà lá kia.
Thiên Tứ ngẩng đầu lên nhìn chỉ mong người trong nhà ló đầu ra để cho mình xem người đó mặt mũi như thế nào? Nhưng y cũng đoán chắc người đó thế nào cũng là một thiếu nữ đẹp như tiên. Nên y cố trố mắt nhìn vào ngôi nhà lá kia hoài.
Quả nhiên con hươu chúa đi vòng vào phía sau căn nhà đó, chỉ trong nháy mắt nó đã quay trở ra liền trên lưng nó đã có một con nhỏ đang cười. Con nhỏ này tóc thề xõa xuống tận vai và một bên tóc che lấp một nửa bên mặt. Tay con nhỏ lại cầm một chiếc gậy trúc dài chừng ba tấc xanh biếc. Vừa cưỡi hưu ra khỏi ngôi nhà kia hình như thiếu nữ ấy đã trông thấy Thiên Tứ rồi nên nàng khẽ kêu "ủa" một tiếng vỗ vào cổ con hươu một cái bảo nó ngừng chân lại rồi nàng trố mắt lên ngắm nhìn Thiên Tứ một hồi. Đột nhiên nàng cất tiếng oanh thỏ thẻ khẽ bảo đàn hươu rằng:
- Câu nhi thâu trận đi!
Hình như đàn hươu đó biết nghe tiếng người, chúng chỉ khẽ kêu lên hai tiếng rồi con nào con nấy lại quay về chỗ cũ hoặc đứng hoặc nằm ăn cỏ như trước.
Chờ đàn hươu thu lại trận thế rồi thiếu nữ mới thúc con hươu chúa đi tới cạnh hào chỗ đối diện Thiên Tứ đang đứng. Lúc này nàng đã hất mái tóc che nữa mặt về phía sau nên Thiên Tứ đã trông rõ mặt nàng.
Thì ra cô bé này tuổi trạc mười ba mười bốn mặt đẹp như mỹ nữ vẽ trên tranh. Da trắng và hồng, lông mày lá liễu, đôi mắt to, đôi ngươi đen nhánh, mũi dọc dừa, đôi môi đỏ tươi. Nàng tủm tỉm cười hai má lộ ra hai núm đồng tiền, vẻ mặt hãy còn ngây thơ trông thật đẹp tuyệt. Đem nàng so sánh với Tô Xảo Yến thì nàng còn đẹp gấp Xảo Yến mấy lần. Ngay cả thiếu nữ áo xanh mà Thiên Tứ mới gặp lần đầu đẹp như thế so với nàng này vẫn phải thua sút. Nên Thiên Tứ cứ đứng ngẩn người ra ngắm nhìn nàng ta hoài. Y muốn nói đôi ba lời với nàng nhưng không hiểu tại sao cổ họng cứ cứng đờ không sao thốt ra tiếng được.
Thiếu nữ nọ thấy Thiên Tứ ngẩn ngơ như vậy không sao nhịn được bật tiếng cười, tiếng cười này thật là hữu thanh hữu sắc khiến Thiên Tứ tưởng mình như vừa nghe thấy tiên nhạc và trông thấy tiên nữ hạ phàm vậy. Y cảm thấy trong người phấn chấn khôn tả đang định lên tiếng nói thì thiếu nữ nọ đã hỏi trước:
- Đại ca kia tên là gì thế? Sao bỗng dưng lại tới nơi đây như vậy? Có phải là lạc lối đấy không?
Tuy Thiên Tứ đã cao như người lớn vậy nhưng sự thực tuổi của y hãy còn nhỏ chưa biết ái tình là gì cả. Nhưng y bỗng nghe thấy thiếu nữ nọ gọi mình là đại ca cảm thấy sung sướng và mừng rỡ không thể tưởng tượng được, suýt tý nữa là y khua chân múa tay nhảy nhót mấy cái ngay. Sau y phải đằng hắng một tiếng để cho cổ họng được nhuận đã rồi mới trả lời:
- Tôi là Thiên Tứ, ở trong khu núi kia, chỗ ở của tôi là Thanh Tòng cốc...
Thiếu nữ thấy y đã lên tiếng nói mừng rỡ khôn tả cười khanh khách múa tít chiếc gậy trúc và cướp lời hỏi tiếp:
- Ủa! Thế ra đại ca ở trong khu núi này đấy? Thanh Tòng cốc cách đây có xa không? Đại ca ở trong đó một mình hay ở với ai? Trong đó có nhiều trò chơi thích thú không?
Thiên Tứ thấy nàng ta ngây thơ như vậy cũng không nhịn được cười:
- Chỗ tôi ở không xa lắm nhưng cứ đến đầu mùa hè là rất khó ra vào. Trong sơn cốc lớn rộng vô cùng nhưng đâu đâu cũng có cây thông cao lớn. Tôi với sư phụ ba người ở trên đỉnh cây. Cô em tên là gì thế?
Thiếu nữ lắng tai nghe một hồi thấy Thiên Tứ hỏi tên họ mình vội trả lời:
- Tôi họ Hàn tên là Thiến Thiến (tên của một loài rong biển). Ủa? Thế đại ca cũng có sư phụ đấy à? Sư phụ đối với đại ca có tử tế không? Đại ca ở trên cây đấy à, thực thú quá! Nhưng đêm nào đi ngủ đại ca cũng phải cẩn thận mới được nhỡ bằng không lỡ té xuống bên dưới thì nguy hiểm lắm đấy!
Nàng vừa nói vừa cười trông nàng xinh đẹp thêm. Từ nhỏ đến giờ Thiên Tứ chưa hề gặp ai nói chuyện với mình tử tế như thế này, y chỉ muốn được đến gần nàng ta ngay. Y vội hỏi:
- Thiến Thiến, tôi có thể sang bên ấy được không?
Thiến Thiến đột nhiên nín cười cau mày lại khẽ đáp:
- Không được, sư phụ của em không cho ai được vào trong đất này đâu!
Thiên Tứ thấy đối phương từ chối mặt cũng xịu lại ngay và như bị rơi xuống hố băng giá lạnh vô cùng vậy.
Thiến Thiến cũng cúi đầu chẳng nói chẳng rằng. Một lát sau nàng bỗng kêu "ủa" một tiếng và vui vẻ nói tiếp:
- Đại ca, sư phụ em đi vắng. Tuy sư phụ cấm người ngoài không được vào trong bãi đất này nhưng không cấm em đi ra bên ngoài. Đại ca hãy chờ em ở đây để em vào trong nhà lấy cái này đã...
Nàng vừa nói vừa thúc con hươu quay trở về ngôi nhà lá luôn. Thiên Tứ mừng rỡ khôn tả y dùng chưởng chặt bằng những tảng băng lổn ngổn làm thành một cái bình đài rộng chừng năm sáu thước vừa để hai người ngồi.
Chỉ trong nháy mắt Thiến Thiến đã quay trở ra hai tay cầm hai cái gói lớn chứ không cầm gậy trúc như trước nữa. Khi con hươu phóng tới bờ hào nàng khẽ quát bảo:
- Ngừng lại!
Con hươu chúa ấy rất ngoan ngoãn ngừng chân lại ngay. Rồi nàng như một con hải yến tung mình lên trên cao ba trượng thân pháp tuyệt đẹp và nàng đã tà tà nhảy xuống bờ hào bên này luôn.
Thiên Tứ thấy khinh công của nàng đẹp như vậy cũng phải lớn tiếng khen ngợi. Lúc này y mới thấy rõ hai cái gói ở trong tay nàng ta bọc bằng lá sen.
Thiến Thiến đưa một gói đồ cho Thiên Tứ và nói:
- Đại ca nếm thử xem đây là đặc sản của Lộc cốc chúng tôi đấy!
Nói xong nàng cũng ngồi xuống mở gói đồ ở trong tay mình ra và nói tiếp:
- Gói này của em cũng như gói của đại ca vậy không hơn không kém. Như vậy khỏi phải ghen tỵ và cướp giật lẫn nhau.
Thiên Tứ cũng ngồi xuống mở gói lá sen ấy ra. Thấy bên trong có những trái cây rất kỳ lạ to bằng nắm tay đỏ có trắng có chưa ăn đã ngửi thấy mùi thơm tho và ngọt lịm rồi. Y thấy Thiến Thiến nói như vậy liền cười "ồ" gật đầu lia lịa.
Thiến Thiến thấy Thiên Tứ cười như thế liền lườm y một cái rồi bỗng phì cười và giải thích rằng:
- Đại ca không biết đấy thôi. Trước kia tôi vẫn thường kiếm đàn khỉ để chơi đùa với chúng, chia trái cây cho chúng ăn. Ngờ đâu chúng rất tham, ăn xong những trái cây tôi chia cho, chúng lại còn tranh cướp lẫn nhau mồm cứ kêu "khẹc, khẹc" và còn đánh lộn nhau rất hăng nữa. Sau tôi bực mình quá liền tuyệt giao với chúng. Từ đó trở đi tôi không đi kiếm chúng nữa.
Thiên Tứ biết Thiến Thiến nói về những con khỉ mà mình đã trông thấy ở trên vách núi, nhưng y thấy nàng ăn nói rất thận trọng, trong lòng vừa buồn cười vừa thương hại. Vì biết ngày thường nàng rất buồn tẻ nên mới phải chơi với lũ khỉ như vậy. Nhưng y lại ngạc nhiên nghĩ bụng:
"Cô ta chả có sư phụ là gì?"
Nghĩ đoạn, y lại hỏi:
- Thiến Thiến, thế sư phụ của cô? Sao sư phụ cô lại không chơi đùa với cô như thế?
Thấy Thiên Tứ nhắc nhở đến sư phụ mình, mặt của Thiến Thiến liền ủ rũ ngay. Nàng khẽ thở dài một tiếng rồi đáp:
- Hà! Sư phụ tôi lại đi hái thuốc rồi. Tính nết của bà ta kỳ lạ lắm! Tôi ở với bà ta từ hồi nhỏ đến giờ tôi không hề thấy bà ta cười một tiếng nào cả. Nhất là mấy năm gần đây bà ta dạy võ cho tôi, quản thúc tôi càng nghiêm ngặt thêm. Ngay cả cùng con hươu này đi ra đi vào mà bà ta cũng không cho phép nốt! Nơi đây làm gì có người ngoài lui tới, mà dù có đi chăng nữa cũng bị sư phụ tôi đánh đuổi ngay. Đại ca có trông thấy cái tấm bia ở chỗ lối ra vào không? Bia đó là dùng máu tươi của người mà viết đấy... Cho nên ngày thường tôi muốn kiếm một người để trò chuyện cũng không có. Đại ca bảo có buồn đến chết không?
Thiên Tứ là người rất hiền lành phúc hậu và cũng có thiện cảm với cô bé này nên y không sao chịu nhịn được vội giơ tay ra nắm lấy tay Thiến Thiến mà an ủi tiếp:
- Thiến Thiến đừng rầu rĩ như thế nữa! Từ giờ trở đi tôi sẽ tới thăm Thiến Thiến luôn!
Nếu Thiến Thiến rảnh cũng vào trong Thanh Tòng cốc thăm tôi, tuy mặt của sư phụ tôi rất xấu xí nhưng tâm địa lại rất hiền từ coi tôi như một đứa em út lúc nào cũng chuyện trò cười đùa với tôi. Có lúc tôi nổi khùng còn dám vặt râu ông ta mà ông ta không tức giận chút nào.
Thiến Thiến lẳng lặng nghe Thiên Tứ kể, mặt lộ vẻ mừng rỡ và hâm mộ. Chờ Thiên Tứ kể xong nàng thủng thẳng đỡ lời:
- Hà! Sư phụ của đại ca tốt thật. Tôi hâm mộ lắm. Tuy sư phụ của tôi rất nghiêm nhưng bà ta không ác độc đâu, tôi biết bà ta cũng thương tôi lắm. Tôi tới đây ở với bà ta từ hồi hãy còn nhỏ xíu, bà ta là một đạo cô không biết cách nuôi trẻ con nhưng bà ta lại không nỡ cho người khác. Bất đắc dĩ bà ta mới phải đi bắt mấy con hươu về đây để lấy sữa hươu nuôi tôi cho nên ở đây mới có nhiều hươu như thế...
Nàng vừa nói vừa chỉ con hươu lớn và nói tiếp:
- Tên con hươu này là Câu nhi. Hồi tôi mới lên ba sư phụ đã bắt nó đem về cho tôi tập cưỡi. Nghe sư phụ nói con hươu này lai ngựa vằn cho nên trông nó hơi giống ngựa, sức lại mạnh nữa. Sư phụ tôi rất tinh thông y lý biết chế các thứ thuốc. Thấy con hươu này kỳ lạ như vậy liền hái rất nhiều thuốc sống về để nuôi nó. Đại ca xem nó có khôn ngoan và lanh lẹ không?
Thiên Tứ gật đầu đáp:
- Phải! Tôi mới trông thấy cũng biết ngay nó không phải là hươu thường rồi.
- Đại ca, không những nó phi thường mà phải nói nó là hươu thần mới được. Để tôi kể cho đại ca nghe sức của nó không những mạnh như hổ mà nó có thể ngày đi ngàn dặm, sừng nó lại càng lợi hại thêm. Lúc thường những con sài lang hung ác hễ tới gần nó chỉ dùng sừng khẽ húc một cái là những con sài lang kia chết ngay. À nó lại còn là chủ tướng của đàn hươu ở đây nữa, sư phụ tôi nuôi đàn hươu này đã được tám chín năm rồi huấn luyện chúng biết phòng vệ và bày trận. Lúc nãy đại ca đã trông thấy đó. Theo sư phụ nói thì trận đó gọi là Ngũ Phương Mai Hoa Lộc Trận. Người thường hễ vào trong trận không bị chúng húc chết thì cũng bị chúng làm cho đầu óc choáng váng ngay. Đại ca có tin lời nói của tôi không?
Tuy Thiên Tứ chưa vào trong trận thử thách nhưng thấy đàn hươu tiến thoái có trật tự như vậy biết nàng ta không nói ngoa liền gật đầu hỏi tiếp:
- Thiến Thiến sư phụ cô tên là gì?
Thiến Thiến lắc đầu đáp:
- Tôi không biết tên sư phụ tôi, tôi chỉ biết biệt hiệu của sư phụ tôi là Mai Hoa Tiên Cô thôi. Đại ca, sư phụ của đại ca tên là gì? Có ngoại hiệu không?
Thiên Tứ không dám nói thật sợ nàng kinh hoảng vì vậy y suy nghĩ giây lát rồi mới trả lời:
- Sư phụ của tôi một người tên là Thích Hữu, một người tên là Thích Tả còn biệt hiệu là gì để sau này tôi về nói cho Thiến Thiến nghe.
- Sao đại ca có những hai sư phụ ư? Đại ca bảo sau này là tới bao giờ?
- Độ hai ba ngày sau tôi nói cho sư phụ tôi biết rồi quay trở lại đây thăm Thiến Thiến và ở lại đây chơi với Thiến Thiến vài ngày.
Thiến Thiến bỗng tung mình nhảy lên nắm chặt lấy hai tay Thiên Tứ và nói:
- Có thực không đại ca? Đại ca không nói dối tôi đấy chứ? Ồ không được, mấy hôm nữa sư phụ tôi đã về rồi, bà ta không cho tôi chơi với đại ca đâu.
Thiên Tứ thấy Thiến Thiến nói như vậy không nghĩ ra được cách gì hoàn hảo cả liền cúi đầu không nói nữa. Thiến Thiến ngẫm nghĩ giây lát rồi mừng rỡ nói tiếp.
- Tôi có cách rồi. Khi đại ca quay lại hãy nhìn cây cao nhất, nếu thấy có cái khăn đỏ tức là sư phụ tôi chưa về mà không thấy treo gì hết tức là đã về rồi. Đại ca đừng có vào, đi về ngay chờ đến tháng ba sang năm hãy quay trở lại. Vì năm nào cũng thế, cứ đến tháng ba là sư phụ tôi lại đi hái thuốc.
Thiên Tứ gật đầu nhận lời thế rồi hai người ngồi xuống vừa ăn trái cây vừa chuyện trò rất vui vẻ. Không bao lâu trời đã hoàng hôn, Thiên Tứ đành phải đứng dậy cáo lui và nói:
- Thiến Thiến tôi phải đi về đây, bằng không sư phụ tìm không thấy thế nào cũng sốt ruột.
Thiến Thiến không nỡ chia tay vẻ mặt rầu rĩ từ từ đứng dậy đưa một gói trái cây cho Thiên Tứ và u oán đáp:
- Đại ca đem gói trái cây này về ăn đi! Hà! Tại sao ngày giờ vui vẻ lại chóng tàn như thế?
Thiên Tứ không dám từ chối vội đỡ lấy gói trái cây và hạt sen bỏ ngay vào túi rồi hai tay nắm lấy hai tay Thiến Thiến an ủi tiếp:
- Thiến Thiến đừng có buồn như thế hai ngày nữa đại ca thế nào cũng quay lại đây thăm Thiến Thiến. Nếu sư phụ của Thiến Thiến chưa về thì đại ca sẽ ở lại đây với Thiến Thiến vài ngày.
Lúc này Thiến Thiến với Thiên Tứ chỉ có cảm tình với nhau thôi chứ không có tình tứ gì hết và cũng không biết gì là nam nữ thụ thụ bất thân nên Thiến Thiến ngả ngay vào lòng Thiên Tứ nức nở khóc và dặn dò rằng:
- Thế nào đại ca cũng phải quay trở lại đây thăm Thiến Thiến nhé! Nhưng nếu không thấy Thiến Thiến treo cái khăn đỏ thì đừng có vào vì sư phụ của Thiến Thiến hung ác lắm...
Lúc ấy Thiên Tứ thấy Thiến Thiến người mềm như bún tựa vào mình và trong người nàng ta có một mùi thơm rất lạ xông lên mũi. Y cảm thấy trong người hơi khác lạ liền hít mạnh hai cái rồi khẽ vỗ vai Thiến Thiến và nói tiếp:
- Thiến Thiến cứ yên tâm thế nào tôi cũng trở lại thăm Thiến Thiến...
Lúc này y nghe thấy cả tiếng trống ngực đập của Thiến Thiến và không nỡ buông tay ra cứ ôm chặt lấy Thiến Thiến hoài. Một lát sau Thiến Thiến sợ Thiên Tứ về trễ sẽ bị sư phụ trách mắng nên nàng vội bảo với Thiên Tứ rằng:
- Muộn lắm rồi đại ca nên đi thôi.
Nhưng Thiên Tứ vẫn cứ đứng ngẩn người ra nhìn nàng hoài sau y mới mỉm cười nói với Thiến Thiến rằng:
- Thiến Thiến hãy nhìn tôi cười một cái đi. Nụ cười của Thiến Thiến xinh đẹp lắm! Tôi được trông thấy nụ cười của Thiến Thiến thế nào cũng vui vẻ đi về và ngày mai tôi lại vui vẻ quay trở lại ngay.
Nói xong y sợ Thiến Thiến không cười còn làm bộ mặt xấu để chọc cho Thiến Thiến cười. Quả nhiên Thiến Thiến cười khì, thế rồi y mới vui vẻ nhảy nhót đi luôn.
Thiến Thiến đứng ngẩn người ra nhìn Thiên Tứ đi xa rồi liền ôm lấy cổ con hươu lầm bầm nói:
- Câu nhi có thấy không? Khinh công của đại ca cao siêu lắm! Hà...
Người Hai Đầu Người Hai Đầu - Trần Thanh Vân Người Hai Đầu