Nếu bạn cứ chằm chằm nhìn vào mặt xấu của một ai đó sẽ làm anh ta càng trở nên tồi tệ hơn. Nhưng nếu khuyến khích anh ta vươn tới những điều hay mà anh ta có thể, chắc chắn anh ta sẽ làm được.

Johann Goethe

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7, Óc Thành Thực
« Thành thực không phải là nói tất cả điều mình tưởng mà không nói gì nghịch hết với điều mình biết ». C. DEMANET
« Ở đời thành thực là khôn. » WATERSTONE
1. Bữa nọ vua Cảnh Công dự tiệc tại nhà Án Tử, thấy vợ Án-Tử, liền nói: phu nhân của khanh già, xấu. Ta có đứa con gái trẻ đẹp. Khanh muốn đem về làm hầu, ta rất đồng ý. Án-Tử bất mãn nói: « Nội tử tôi đã kết tóc xe tơ với tôi từ lúc còn trẻ đẹp, trông cậy được tôi nâng đỡ lúc già xấu. Nhà vua muốn ban ơn cho tôi, tôi cảm ơn; nhưng tôi không thể bội bạc với nội tử tôi. » Câu chuyện nầy thường để nêu gương vợ chồng chung thủy song dùng để đề cao đức thành thực vẫn rất hay. Ngày nay trong xã hội có mấy người tánh thẳng thắn như Án-Tử. Ngay từ trong gia đình, đứa con giỏi láo với người lớn, chối lỗi hay, lại có khi được khen là khôn, được ôm nựng và hi vọng sau nầy lanh lợi với đời. Trong bầu khí cuồng loạn của cuộc khủng hoảng gia đình ở thời đại nầy, có nhiều người chồng bất kể đạo tào khang, lén lút tham ván bán thuyền. Cũng không ít bà vợ nhờ chối giỏi, nhờ xon xỏn mắng chồng, làm nư làm trận, mặt lớn mặt nhỏ hay nhờ lời mật tiếng đường mà che giấu được lòng đàng điếm chia xẻ tình chung của mình. Ở học đường, học sinh gạt cha mẹ lấy học phí đánh bài, ăn hút, sắm những vật không cần, lường thầy bảo là nghèo, là mồ côi xin học bổng. Thay vì lo học tập có học sinh nam dám chuyên môn lừa đảo nhiều tấm lòng thiếu nữ khờ dại để « một tay chôn mấy cánh phù dung ». Nhiều lòng hoa láo với cha mẹ là đi tập hát, gạt thầy là cha mẹ bịnh, nên ở nhà để lết hết nhà bướm nầy đến cửa ong kia. Họ đối với các thứ nầy cũng láo và láo để bán lòng băng tuyết, mua chút ít lời đường mật, vài chiếc khăn vải, một cây bút máy hay những giấy xi nê, những câu chuyện lời qua tiếng lại xàm láp. Trong hàng ngũ các nhân viên ban giám đốc hay giáo ban của trường, người ta dám thức những đêm trắng để đấu trí, tìm mưu ăn thua nhau với mục đích không vì văn hóa nào hơn « văn hóa Tiền ». Có nhà giáo thiếu tài đức đến quá tệ mà vẫn lãnh nhiệm vụ giáo dục, giáo dục trúng không ít học sinh chuyên môn quỵch học phí, chuyên môn giả hình ngồi như phật mà lo viết thư tình, lo đánh cờ tướng. Thì ra thầy mướp dẳng trò mạt cưa, lo thi đua gạt nhau. Hồi ngoài cuộc đời mùa láo cũng dậy lên mênh mang và mênh mang. Tôi không bàn thứ láo mà người ta chịu, chẳng những chịu, mà còn đòi buộc nữa. Bạn đừng cười nhé. Một người vợ đối với chồng hay một phụ nữ qua đường đối với khách lạ, có diện tướng xấu như khỉ. Để vậy coi kỳ, người ta dùng son phấn, nữ trang chuyển biến cái xấu thành cái coi được mà người ta bằng lòng, có khi khoái trá cái nhan sắc giả tạo ấy. Tôi không trách thứ lường gạt đó, dầu từ bản chất cũng là lường gạt. Tôi cũng không nói chỉ tánh chất giả tạo của kịch tuồng. Mục đích của kịch tuồng thì hay lắm nhưng xét cho kỹ khi một bạn gái đóng vai Điêu-Thuyền, bạn đóng vai Đổng-Trác còn tôi đóng vai Tào-Tháo thì chúng ta coi khán giả ra sao? Chúng ta càng khéo gạt, càng thành công, càng « tài tử » nói theo tiếng thời đại. Mà thôi, thứ gạt nầy xã hội thèm: ta cho thông qua. Bạn hãy ngó vào các tiệm cao đơn hoàn tán. Không phải ở đây hoàn toàn người ta lường gạt đâu, nhưng coi chừng ngón tay của satan rất tinh nhanh, thưa bạn. Người ta còn sợ ngay trong các tiệm thuốc Âu Mỹ của thời đại nguyên tử nầy có hằng lố chay nước đường để uống cho ngọt miệng chơi hơn là trị bịnh. Rồi vải hồ, rồi đồng hồ đem sửa bị mất bộ phận tốt, buôn lậu, chợ đen, ăn cắp tài liệu vật dụng của công sở, mưu cơ phỉnh nịnh để lên chức. Thưa bạn cái cảnh « đụt đáy thùng lường thưng tráo đấu » mà satan giựt dây dụi, quả đã làm cho lòng con người thời đại đã đảo điên lại càng điên đảo hơn. Nếu phải nói một sự tế nhị nào bực nhứt, tôi nói ngay tới sự tế nhị trong lối láo, lối bịp của một số người có óc trục lợi bằng đủ thứ hình thức trong thời đại tao loạn của chúng ta. Khiếp lắm. Thưa bạn, khi tiếp chuyện với họ, bạn không có lý nào hồ nghi họ cả. Bạn hồ nghi họ sao được vì họ thuyết với bạn thao thao bất tuyệt, lên giọng bổng xuống giọng trầm, khi khoan khi nhặt, khi đầy chí khí, khi âu yếm van lơn. Họ dùng gọi được là đủ mỹ-từ-pháp để thuyết dụ bạn. Bạn tin họ. Rồi tôi đến kẻ nghịch họ. Kẻ nầy không chịu thua địch thủ của mình. Thế rồi họ lý luận, dẫn dụ tôi bằng trăm phương ngàn cách. Tôi tin họ như giáo dân tin kính. Và thưa bạn như vậy thì sao? Tôi với bạn phải đảo điên và đảo điên. Đó là tôi chưa nói những ngọn lưỡi rắn dùng láo xược để báo cáo, để lập công hại người. Biết bao người vô tội phải vong mạng bằng đủ thứ kiểu chết vô nhân đạo trong mùa chinh chiến vừa qua và ngay lúc tôi viết mấy giòng nầy cho bạn.
2. Người lạ lừa bịp nhau đi đã đành. Ngay trong bè bạn, tình đồng chí chết sống nhau trong một thời gian lâu, khi có tiền và tình xen vô, phải tan vỡ cách trân tráo đến cười ra nước mắt. Có những trường hợp, càng huấn luyện nhau về thành thực, càng căn dặn nhau keo sơn lại, càng gặp sự bội bạc, phản nộp. Không nên bi quan gọi một số đông loài người giống loài hồ; nhưng phải thẳng thắn nói rằng ta xử với nhau cáo già quá. Mà bạn càng thành thực, càng xử bằng lòng đạo hạnh, có nhiều hạng lưu manh đến cực độ sẽ lạm dụng lòng tốt bạn để làm giàu, làm giàu trên xương máu bạn và mỗi lần gặp bạn giảng đạo đức hùng biện không mấy ai sánh lại.
Đó, thưa bạn, là một góc cạnh bộ mặt thực của xã hội thời đại chúng ta. Người Bản Lĩnh phải nhận thấy căn bệnh nguy hiểm ấy. Muốn mưu những thành công lương thiện, lâu bền, người bản lĩnh nhứt định phải thành thực. Kẻ giả dối nói ở đời đa mưu là khôn. Người bản lĩnh nói ở đời thành thực là khôn. Cái óc quỉ quái mà có lẽ nhân tổ của ta chịu ảnh hưởng của « con rắn quỉ » buổi đầu lịch sử nhân loại, hình như đều có trong mỗi cá nhân không nhiều thì ít. Ngay từ lúc chưa sạch máu đầu, rủi làm bể cái chén, lúc gặp mẹ, chúng ta chối leo lẻo. Ăn vụng cũng là triệu chứng của một lòng không ngay thẳng. Mà nói xa hơn, con nít lúc tiêu lén, tiểu dầm mặt sượng ngắt: nó có sự bẽn lẽn nầy là dấu hiệu tố cáo lòng tà. Rồi lớn lên có biết bao nhiêu nguyên nhân xô đẩy ta nói láo. Có người cho đến lúc gần xuống lỗ, bị đủ thứ thất bại vì lòng thiếu thành thực của mình mà lúc ăn nói vẫn thêm mắm dặm muối. Để trở thành hạng người làm nên trên đời một cái gì, ta nhứt định tiêu diệt mầm lao trong ta. Người giả dối tưởng rằng mình đầy đủ sáng suốt để đề phòng mọi sự khám phá mưu cơ mình của kẻ xung quanh. Nhưng kinh nghiệm cho ta biết rằng ở đời đâu ai gạt ai suốt đời và cũng đâu ai gạt được hết mọi người. Thời gian sẽ làm cho kẻ giả hình giấu đầu lòi đuôi và mất uy tín. Làm lớn mà có tâm tánh cáo già tức là tạo cho hạ cấp một bầu khí tù ngục. Kẻ dưới vì bổn phận hay vì bắt buộc bởi lý do nào đó đành khum đầu chịu sự lãnh đạo của họ. Nhưng rất bực mình vì lòng của họ không biết đâu mà ngừa. Ngay lúc họ âu yếm hỏi thăm, thân mật bàn tâm sự có thể là lúc họ gián tiếp điều tra để sa thải, để đổi cho những nhiệm sở khổ nhọc. Bàn công chuyện với họ cũng không vững dạ vì có khi họ đồng ý ngày nay và bởi họ muốn trá hình để làm gì có họ sẽ đổi ý ngày mai. Lắm lúc vì muốn đẹp lòng người dưới, ai mượn điều gì, yêu cầu việc chi, họ ừ ừ, được được hết, mà rốt cuộc đẩy trớt hết. Còn họ hứa không hơn gì quảng cáo thuốc sơn đông. Trong sự huấn luyện hay lãnh đạo hứa cho kẻ dưới những quyền lợi đẹp như bích mộng và vì căn tạng của họ là láo nên điều họ hứa mãi là mộng và mộng. Tội nghiệp nhiều kẻ bị trị có óc giản lược sống lạc quan gọi được là quay cuồng, hăng say trong những điều họ hứa. Khốn nhứt là họ có cả mưu cơ xảo quyệt để tuyên truyền, họ phất cờ trở gió tùy người tùy cảnh đến một mực độ gian xảo khiến ai nấy phải đảo điên. Đáng tởm nhứt là họ dùng những mánh lới satan: lòng của họ là lòng rắn nhưng bên ngoài họ hiền như bồ câu. Họ có thể lát nữa hạ sát một người mà bây giờ lạm dụng người ấy, dùng lời đường mật dẫn dụ kẻ ấy để đụt gân bóc lột. Sống trong bầu không khí họ tạo ra, người ta lúc nào cũng có cảm tưởng bồn chồn, lo âu, nghi kỵ, đề phòng, hoảng sợ.
Người giả dối đối với kẻ ngang vai họ cũng rất nguy hiểm về nhiều phương diện. Bởi người giả dối thường là người ganh tị, nên các đồng bạn không dám tin tưởng lời họ nói. Trong chương trình mưu việc lớn, lần lần người ta xa họ. Nếu có bàn vấn đề gì người ta chỉ bàn góc cạnh và nhém đi những điểm quan trọng. Lẽ dĩ nhiên là họ có thể phản động bất ngờ. Có thể họ là con rắn hai đầu, chuyên môn gieo nghi kỵ, phá hoại hòa khí bằng những câu chuyện đến xóc. Còn nếu họ làm nhỏ thì không gì khốn đốn cho họ bằng những lời xiêng ngoa, nếu định theo đuổi một lý tưởng nào thì sớm muộn họ cũng bị sa thải. Vì miếng ăn, manh mặc mà họ bán sức lao động cho một ai, họ cũng chỉ làm một thời gian. Sau cùng họ cũng mang thân phận của múi cam sau khi đã vắt hết nước.
Trong gia đình sự giả dối làm cho những tâm hồn uyên ương nếm đủ mùi cay đắng. Tình yêu bị héo đi vì nghi nan, đề phòng. Những cảnh cơm không lành, canh không ngọt thường xảy ra vì một lời hai ba ý, vì nói một đàng làm một ngả. Có nhiều sự nghiệp gia đình hằng mấy mươi năm tưới bằng mồ hôi nước mắt, lúc vợ chồng gần xuống lỗ, đổ tan tành chỉ vì vợ thay lòng chung thủy hay chồng tham ván bán thuyền. Sự giáo dục con cái cũng thất bại vì giả dối gây nên đủ thứ mâu thuẫn. Cha cứ láo với mẹ hoài mà bảo con cái nói thật với mình sao được, con ăn cắp tiền mẹ mà mẹ cứng họng rầy không được giữ chìa khóa tủ sắt bởi có lần mẹ túm tiền đem nuôi vì ba không cho mẹ duyên mới và đỏ đen.
Không có gì bực mình ở học đường cho bằng thầy trò xử với nhau bằng bụng dạ chồn già. Có nhiều điều nhà giáo dốt đặc trăm phần trăm nhưng sợ mất uy tín tầm bậy nên tán hưu tán vượn. Trò biết được khinh thầy rẻ như bèo. Trong khi thầy giảng bài, trò tìm trăm phương ngàn cách gạt thầy để chơi. Có rủi bị bắt trò tráo trở, chối leo lẻo. Thầy trở mặt đi, trò cáo già diễn lại. Như vậy, thưa bạn, sự giả dối ở gia đình cũng như học đường làm mất uy tín nặng nề và gây không biết bao tai hại. Ngoài cuộc đời, sự lập thân, sự mưu sinh, sự đạt chí mà căn cứ trên giả dối không sớm thì muộn cũng sụp đổ. Trong cuộc làm ăn người thiếu lương thiện lần lần thua kẻ cộng tác, mất khách hàng. Những sự nghiệp do giả dối tạo sự mưu phản và sự băng hoại.
3. Xét về các phương diện, người bản lĩnh quyết tin suốt đời mình đức thành thật là lá bùa của thành công. Có đức nào mà chưa có đức thành thực thì kể như lầu đài nhơn đức của mình không có nền. Hẳn Thượng đế nhập thể đã thấy chân thành là tối yếu nên mỗi lần nói với môn đệ, Người nhấn mạnh « Quả thực, quả thực ta nói cùng các con: amen, amen dico vobis... ». Người nêu cho vạn thể, gương lộng lẫy về nhân đức vàng ngọc nầy. Những gì Người phán trước cùng môn đồ sau người thực hành hết: sự phục sinh của người chẳng hạn.
Nhưng phải hiểu thế nào là thành thực. Bạn đã biết nghịch với thành thật là láo, tức là tráo trở tư tưởng với ý định gạt kẻ khác. Thành thực là thái độ tinh thần của người không có ý gạt kẻ khác về những điều mình nói hay không nói. Vẫn căn cứ vào định nghĩa nầy, có đôi trường hợp bạn có ý gạt vì lý do bác ái hay vì lý do giỡn chơi mà không phải là thiếu thành thực hiểu theo nghĩa xấu. Một người cha gần giường hấp hối của vợ mình nói con của mình mắc đi học đến thăm không được. Nhưng kỳ thực nó đã chết từ lâu. Nếu chồng nói hết sự thật có thể làm nguy hại sức khỏe của người vợ. Trong câu chuyện giữa người thân có những lối nói lố, những câu gạt nhau để cười như bảo ai đó rằng cấp trên kêu. Người nầy vừa chạy đi liền hô là không có rồi cười. Có nhiều người mang những chứng bịnh thần kinh hay màng óc: trí nhớ bị tổn thương, trí tưởng tượng quá lố. Lắm lúc họ nói rất sai chân lý mà lòng vẫn thành thực. Ngần ấy trường hợp không phải là láo. Phải căn cứ vào ác ý, muốn lường gạt của một lời nói để xác định nó là thiếu thành thực. Có nhiều nguyên nhân khiến người ta thiếu thành thực. Cha mẹ láo có thể sinh con láo. Người Pháp nói: « chó săn có nòi ». Người Việt nói: « rau nào sâu nấy. » Luật đi thuyền không phải luôn đúng như toán học. Nhưng ngay khi ca mẹ èo uột bịnh hoạn, sống giả dối đối với nhau và lúc con cái sống gần mà cha mẹ cư xử cùng nhau bằng láo và láo thì con cái khó thành thực. Tôi biết một người họ xét về bản tánh rất tốt nhưng vì ở gần ông và bà hay nói tục và gian xảo nên lây tật nói xầy và nhám tay. Nếu rủi sinh trong gia đình có truyền thống láo xược, phương thế nên dùng là ngờ những kẻ láo và dùng ý chí cương quyết nói sự thật.
Nói láo vì trục lợi. Người ta tô lục chuốc hồng hàng hóa xấu để bán mắc tiền. Trong trường hợp nầy nên khôn ngoan tin rằng ăn chắc mặc dày hơn là gạt người làm giàu chỉ một lúc.
Có nhiều người vì muốn tỏ ra hơn người nói láo để khoe của. Chị dâu nói với em chồng rằng cha mẹ ruột mình đất cò bay mỏi cánh trong khi kỳ thực đất ấy là đất ông nội chị chưa từng tương phân cho hằng đoàn lũ con cháu. Trừ tật nầy bằng cách cho rằng láo như vậy là thiếu nhân cách. Nói láo để chữa mình vì sợ hình phạt là thường. Thằng bé sớn sát đập bể chén cơm, đổ thừa với mẹ là tại chó chạy. Decroly nói: « Láo là sự tỏ ra bản năng tự vệ ». Trong những trường hợp một tội nhân bị nhân viên công lý đánh tra quá, vì đau nói láo rằng mình làm cái nầy, biết cái kia v.v… là trường hợp láo vì sợ chết. Nếu thấy láo làm hạ thấp nhân vị thì nên anh dũng là hơn. Lắm kẻ láo vì bản tánh tự nhiên xu hướng về sự láo. Hễ mở miệng ra là họ tìm cách làm cho kẻ khác lầm. Tôi biết có vài người được cha mẹ, thầy giáo, bè bạn chỉ cho tật xấu ấy nhiều lắm, họ ừ ừ, dạ dạ rồi láo cứ láo. Hình như họ có máu Sa-tan hay sao. Victor Hugo nói: « Santan có hai tên: tên satan và tên láo ». Người mang chứng láo nầy nên nhớ lời Đức Giêsu mắng bọn Pharisiêu: « Mả tô vôi, loài rắn độc, gốc quỉ... ».
Có người thiếu thành thực « hơi hơi » thôi, nhưng người tế nhị vẫn biết được. Họ sợ bị chê là dốt, thiếu kinh nghiệm hay mất mặt sao đó nhưng vì muốn biết một vài điều nên hỏi mé mé, gại gại cho người trống miệng. Những kẻ nầy nên nhớ mình phải thành thực và thành thực không phải tại sợ kẻ khác biết mình dốt nát, xấu xa mà sợ Thượng đế thấy lòng tà của mình. Nên nhớ ngạn ngữ nầy của tín đồ Hồi giáo: « Thượng đế thấy rõ trong đêm tối nhứt, trên đá cẩm thạch đen nhứt, một con kiến hôi ».
Có khi láo vì già hàm. Bị nói tía lia, không kịp thở, dĩ nhiên là không kịp suy nghĩ, nên lỡ nói nhiều chuyện không thật và lỡ nói, thôi nói luôn thành ra chuyện nói láo. Trị bịnh láo nầy bằng cách suy ngẫm tư tưởng của Pythagore: « Ai nói là gieo, ai nghe thì gặt ». Hồi còn nhỏ ta hay láo vì lười biếng. Mẹ bắt nấu cơm, ta hô nhức đầu. Không làm bài, thầy hỏi ta nói quên. Lười biếng là căn nguyên của tật xấu cũng như láo là ung nhọt của nhân cách. Người lớn có bổn phận giáo dục hãy căn dặn con trẻ điều quan trọng đó.
Nhiều lúc láo vì đầu óc ưa nói nghịch lại. Tôi quen vài bạn không ác tâm nhưng có tật hễ ai quả quyết điều gì thì họ tìm cách nói ngược lại bằng những điều không thật. Thứ láo của họ ác không lắm vì không có ý gạt nhưng tai hại cho cuộc xã giao của họ vì làm mất bè bạn. Trừ căn chứng láo nầy, ta có thể tập thuật đắc nhân tâm.
4. Còn nhiều nguyên nhân khác nữa của láo. Chung qui Người Bản Lĩnh quyết định tập đức thành thực. Hãy lấy câu nầy của Boileau làm kinh nhựt tụng: « Không có gì đẹp bằng thật, chỉ có thật là khả ái ». Cũng nên chiêm nghiệm những lời thánh ký: « Lạy Thượng Đế những môi láo đáng lởm gớm trước mặt Ngài » (Prov. XII, 22). Trước hết hãy xa lánh men của Pharisiêu là Giả hình: Lời Đức Giêsu trong Luc XII, 1.
Có nhiều điều không tiện nói ra mà cho đặng giữ đức thành thật ta không cần nói hết. Đức Giê-su đã làm gương cho ta trong câu: « Các con không nên biết sự thật ấy bây giờ ». Nếu phải vì đức bác ái mà giấu sự thật thì phải cẩn thận lựa lời tế nhị. Nên giao du thường với những người ưa nói thật. Tạo bầu khí thành thực trong tâm hồn bằng cách tự mình đừng khi nào mâu thuẫn với mình. Ghét ngôn hành tương phản y như ghét nói láo. Tránh những câu chuyện có thể cám dỗ mình nói láo. Liệu ai sẽ hỏi điều gì bất tiện trả lời thì lái câu chuyện, sang vấn đề khác và dồn nhiều câu hỏi chất vấn lại họ. Luôn đây tôi cũng muốn bạn để ý đức thành thật giúp ta có óc trách nhiệm. Tôi có bàn kỹ tinh thần nầy trong quyển « Thuật Sống Dũng » và nhứt là trong « Rèn Nhân Cách ». Ở đây vì muốn xây dựng bản lĩnh tôi thấy bạn nên lưu ý nó. Có nhiều người sợ tai tiếng, sợ mất quyền lợi, sợ nhọc mệt, dám trốn tránh những trách nhiệm của lời nói, của hành động hay của những mệnh lệnh của mình. Không gì đê mạt bằng để cho người dưới của mình lãnh trách nhiệm cho những lời khuyên hay các huấn lệnh của mình. Muốn tập tinh thần trách nhiệm, nên tập thói quen dám chịu lỗi. Chung qui, bạn thấy đều do đức thành thật, đức cột trụ của bản lĩnh con người. Để kết thúc chương nầy tôi mượn lời nầy của sách Khôn ngoan (1-2) để gởi bạn: « Miệng nói láo giết hại linh hồn ».
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « Ở THỜI HỎA TIỄN NẦY, LÁO XƯỢC ĐÃ THÀNH MỘT TÔN GIÁO VÀ ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ MỘT NGHỆ THUẠT. NGƯỜI BẢN LĨNH CHÍNH TÔNG LÀ THÙ ĐỊCH BẤT CỌNG ĐÁI THIÊN CỦA TÔN GIÁO VÀ NGHỆ THUẬT. »
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh