"It's very important that we re-learn the art of resting and relaxing. Not only does it help prevent the onset of many illnesses that develop through chronic tension and worrying; it allows us to clear our minds, focus, and find creative solutions to problems.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Biên tập: Phan Đức
Upload bìa: Ddoan Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-09-04 23:15:24 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1, Óc Già Giặn
« Đừng khôn một gang để ngu một dặm. » WATERSTONE
1. Để giúp bạn tự tạo con người bản lĩnh trong nhiều tác phẩm trước tôi nhấn mạnh vai trò của đức tự chủ và coi nó là chìa khóa của thành công. Tôi nghĩ trước khi gieo giống, người ta phát cỏ dại. Trước khi bàn cùng bạn những bí quyết luyện óc, già giặn, ta cần sự điềm tĩnh để tạo bầu không khí thuận hợp cho nó nẩy nở. Do đó bản lĩnh lớn lên.
Người bản lĩnh dĩ nhiên là người hùng, nghĩa là có ý chí cường dũng. Song ý chí là một lực lượng không có « con mắt ». Mà trách nó không được. Tâm lý học đã dạy ta đối tượng của ý chí không phải là cái gì khác hơn là cái phúc. Có ý chí chưa hẳn nên người có giá trị, vì ý chí có thể giúp tác thiện mà cũng có thể bị lạm dụng tác ác, mặc dầu tự bản chất ý chí đòi kết quả thiện. Tạo hóa vốn khôn ngoan, tạo ý chí như động cơ và tạo một năng lực khác làm hoa tiêu cho hành động con người. Trong cuốn « Tâm lý học » tôi đã phân tách bản chất của trí tuệ và các cuốn « Luận lý học », « Người chí khí » tôi nói rộng về bí quyết luyện trí. Ở đây chỉ nhắm góc cạnh thực hành.
Trước hết, ta để ý trí tuệ hoạt động theo một đường lối đặc biệt và rất tế nhị. Nó có tánh chất thiêng liêng, nhưng hoạt động căn cứ trên những hình ảnh thu hoạch bằng các cửa ngũ quan. Mà nói hình ảnh, nói ngũ quan là nói ảnh hưởng của cảm tình, một sức lực xô đẩy trí tuệ và trái lại, trí tuệ soi sáng cho nó xô đẩy. Tôi thích Jean des Courberives: « Mọi tác vi con người đều hiểu ngầm một tư tượng cũng gọi là biểu thị ». Sự biểu thị nầy phải hoạt động, nghĩa là chuyển động bởi cảm tính. Và đây bạn hãy nghe tiếp Gustave le Bon: « Ý tưởng thuần túy tự nó không có năng lực nào hết. Nó vẫn là một bóng ma bất lực khi nó không được bao bọc bởi những yếu tố tình cảm, thần bí có thể biến hình nó thành sự tin tưởng ». Tuy chịu ảnh hưởng của cảm tình, phạm vi hoạt động của trí tuệ vẫn theo những nguyên tắc riêng biệt. Những nguyên tắc nầy dưới đây, chúng tôi sẽ bàn đại cương. Chúng không phải là những lá bùa để giúp ta thành bậc thượng trí. Nhạc sĩ Beethoven có hồi cho in trên danh thiếp của mình những chữ: « Hirn besitzer » nghĩa là « người có một bộ óc ». Chúng ta không dám cao vọng thành vĩ nhân như nhạc gia người Đức nầy, nhưng ta phải cương quyết rèn luyện đầu óc sáng suốt bằng những quy-tắc mà triết học có thể giúp ta.
2. Theo tinh thần cuốn « Introduction à l'étude de la médecine expérimentale » bạn có thể tìm chân lý bằng cách nhận xét sự kiện, rồi thí nghiệm. Claude Bernard đã thành công rực rỡ trong khoa học thực nghiệm nhờ phương pháp đó. Lấy thí dụ sản xuất thuốc thơm. Hai hãng cùng sản xuất thuốc thơm bán 15$ một gói. Thoạt đầu cảm thấy một hãng sản xuất liên tiếp, nhanh chóng, hiểu là được tiêu thụ chớp nhoáng. Còn một hãng sản xuất chậm chạp, biểu là biết. Tại sao có hiện tượng đó? Hãy nhận xét tế nhị. Thuốc hãng dưới cũng thuốc thơm, cũng bán 15$ một gói mà tại sao tiêu thụ thua thuốc hãng trên? Có phải tại thuốc hãng trên dài điếu hơn không? Có lẽ thuốc hãng dưới vấn lỏng hơn? Coi chừng mùi thơm thuốc hãng trên dịu hơn. Thuốc hãng dưới có nhỏ điếu hơn không, hút có gắt cổ, khô cổ không? Nhận xét xong, ta đưa ức thuyết nguyên nhân để thí nghiệm. Nếu thấy hai thứ thuốc không thứ nào hơn thứ nào, duy thứ trên dài điếu hơn ta có thể lấy đó làm nguyên nhân. Và cho thuốc hãng dưới thí nghiệm là làm dài điếu hơn. Lúc thí nghiệm vẫn nhận xét bằng tinh thần vô tư, kỹ lưỡng về một mặt. Sự thí nghiệm chỉ có kết quả tốt khi sự nhận xét không bị sai lạc bởi những cẩu thả, thành kiến v.v...
3. Còn phương pháp của Descartes? Descartes bậy ở chỗ đôi khi ngờ những chân lý của Thánh kinh. Đức tin có phạm vi hoạt động của đức tin, lý trí có phạm vi hoạt động của lý trí. Lý trí con người là có một bụm tay, đâu phải là chìa khóa vạn năng để mở hết các kho chân lý. Nhưng cuốn « Phương-pháp-luận » của ông có những quy bất hủ cho thuật tin tưởng.
Theo Descartes trước khi nhận một điều gì là thực, phải chứng nghiệm nó. Nên dè dặt ở chỗ có nhiều địa hạt không thuộc phạm vi vật thể chịu khảo sát của khoa học. Mà không phải cái gì không chứng nghiệm được là không có, không thực. Ngoài dè dặt đó, nguyên tắc của Descartes là luật vàng để tìm chân lý.
Cũng theo Descartes, phải dùng óc phân tách chia các khó khăn ra từng phần nhỏ. Sau khi phân tách thì tổng hợp các phần tử lại thành loại. Cùng hết là tổng kiểm.
4. Phương pháp tìm sự thực của Stuart Mill cũng khả quan. Chính Stuart Mill ra năm phương pháp. Sau khi trình hai phương pháp đầu, ông đề ra phương pháp nối lại phương pháp phù hợp và sái dị. Song phương pháp nầy kỳ thực nằm trong hai phương pháp trên. Tôi chỉ bàn bốn phương pháp với những luật chính Stuart Mill nêu ra.
1) Phương pháp phù hợp. Luật: « Nếu có hai hay nhiều trường hợp của hiện tượng chỉ có một hoàn cảnh chung, thì chỉ hoàn cảnh mà mọi trường hợp phù hợp nhau là nguyên nhân (hay kết quả) của hiện tượng ». Thí dụ bạn thấy có nhiều tư thục trung học khác nhau mà học sinh đông như kiến cỏ: trường thì kỷ luật đanh thép, trường thì giáo sư dạy vũ bão, trường thì tổ chức khoa học... Nhưng các trường đều giống nhau ở chỗ là có trường sở nguy nga với những tiện nghi khoa học thì bạn có thể phỏng đoán trường đẹp là nguyên nhân của trường thạnh.
2) Phương pháp biệt dị. Luật: « Nếu hai trường hợp mà một sinh ra hiện tượng một không, đều có chung những hoàn cảnh trừ một hoàn cảnh chỉ có trong trường hợp thứ nhứt, hoàn cảnh làm cho hai trường hợp khác nhau là kết quả hay nguyên nhân hay thành phần tối cần cho nguyên nhân của hiện tượng ». Thí dụ hai trung học đường không khác nhau vì mọi phương diện mà chỉ khác nhau chỗ một trường có hiệu trưởng đắc nhân tâm, một trường có hiệu trưởng ít ưa xã giao. Bạn có thể đoán nguyên nhân của trường thạnh là bặt thiệp.
3) Phương pháp thay đổi đồng phu. Luật: « Một hiện tượng thay đổi cách nào đó mỗi lần có hiện tượng khác thay đổi giống vậy, thì là nguyên nhân hay kết quả của hiện tượng nầy hay liên hệ nào đó bởi vài sự kiến tạo nguyên nhân ». Thí dụ, ta đã thấy một trường sung nhờ đắc nhân tâm. Ở trường ấy có một dạo ông Hiệu-trưởng vụng xã giao, trường mất học sinh dần dần. Thì đúng đức bặt thiệp là nguyên nhân thu hút học sinh.
4) Phương pháp thay đổi thặng dư. Luật: « Nhờ những sự qui nạp trước mà rút của một hiện tượng phần mà người ta biết là kết quả của vài kết quả trước và cái còn lại của hiện tượng tư tưởng là kết quả của những kết quả trước còn lại ». Thí dụ ta liệt kê hết các điều mà ta cho là nguyên nhân sung thạnh của một trung học đường nhưng ta trừ một điều. Sau khi cứu xét kỹ các điều ta thấy chúng không phải nguyên nhân thì điều còn lại tất phải là nguyên nhân sung thạnh của trường.
5. Ngoài những nguyên tắc suy tưởng căn bản của các danh nhân tôi trình bày trên, bạn có thể luyện cho mình óc khoa học hiểu là óc quan sát (óc nhận ý thức sự kiện) và óc chứng minh (óc biện lý sự kiện phải thế nào đó).
Điều kiện căn bản của óc quan sát là khách quan, tức là phải vô tư nghiệm xét sự vật y như nó xảy ra chớ không phải như ta muốn nó xảy ra như thế nầy thế khác. Quân thù của khách quan là óc tôn giáo mê tín, thành kiến, in trí, tình cảm, quyền lợi v.v... Điều kiện không có được của óc quan sát ta phải để ý là bình phẩm so sánh, tìm cho kỳ được chân lý. Óc phê bình tôi nói đây xin bạn đừng hiểu là óc chỉ trích (Esprit de critique) hay óc lý sự (Esprit raisonneur) là thứ đầu óc bịnh hoạn, hẹp hòi trẻ con. Óc phê bình là thứ óc chỉ nhận chân cái gì đã được chứng minh là chân. Nó buộc ta truyền trạch, phán đoán, đặt định chân giá trị tất cả cái gì ta quan sát. Dĩ nhiên khi quan sát nghĩa là chủ quan phê phán ta không được làm cẩu thả, nửa chừng. Tinh thần chu đáo, xét đúng là tối cần.
Óc chứng minh là óc thúc đẩy ta chỉ nhận là thực cái gì được biện lý bằng những tượng quan tất yếu. Động cơ của óc chứng minh là tinh thần suy lý khoa học, nghĩa là trước những hiện tượng tự nhiên, không như ngày xưa người ta đầu hàng cái huyền bí, ta nỗ lực giải thích các lý do tồn tại, các tương quan, các nguyên nhân và kết quả. Giải thích đi từ đơn sơ đến phức tạp, từ cá biệt đến phổ thông hay ngược lại, chớ không phải theo cái ý tự do biến đổi... Các giả thuyết, các nguyên lý, định lý được hệ-thống hóa chặt chẽ. Có thể nói người ta hình-học-hóa các tư tưởng.
6. Ở trên khi nói về óc chứng minh, tôi có nói phớt qua óc phương pháp. Tôi muốn bạn nhấn mạnh óc nầy là óc bạn có thể theo Foulquié để định nghĩa là những phương thế hợp lý để phát minh và chứng minh chân lý. Mỗi khoa học đều đòi những phương pháp riêng. Nhưng cách chung về đường tư tưởng, có những phương pháp tổng quát. Tôi muốn nói trực giác, phân tách và tổng hợp
1) Trực giác. – Có thể định nghĩa trực giác là không dùng suy luận hay kinh nghiệm mà chỉ dùng nhận thức trực tiếp, tức khắc quán xuyến cách toàn thể các sự kiện hay tương quan của sự kiện hay bất cứ những gì ta quan sát. Người ta chia trực giác ra:
a) Trực giác suy nghiệm: Là trực giác giúp ta tiếp nhận những đối tượng vật chất dưới sự kiểm soát ngũ quan. Bạn mở trong túi quần âu có cọm một vật cứng bằng kim khí mà bạn nhận là khẩu súng lục. Cũng gọi là trực giác suy nghiệm thứ trực giác chúng ta cảm nhận những hiện tượng nội thân. Tôi nghe lạnh rỡn óc, bạn nghe ngán trước một công việc tinh thần nào đó. Người ta nói tôi và bạn có những nhận thức cũng gọi là trực giác suy nghiệm.
b) Trực giác duy lý: là thứ trực giác siêu hình nó giúp ta nhận biết những hữu thể ngay trong bản chất của chúng. Khi bạn nhận mình có lương tâm, tôi nhận có Trời là bạn và tôi có trực giác duy lý.
Cũng nhờ trực giác duy lý, mà từ những nhận xét về các vật cụ thể, ta lãnh hội được các tương quan về nguyên nhân và kết quả về tương đồng và biệt dị... Như khi con khỉ tát nước ớt rửa mặt bị cay mắt nó có sự trực giác duy nghiệm thì ta nhờ trực giác duy lý, biết rằng nguyên nhân làm cay mắt khỉ là nước ớt. Con vượng khoái khi chuyền trên các nấc một cây thang và một trung học sinh thấy mấy nấc thang đi song song nhau.
2) Phân tách. – Óc phân tách là óc đi từ sự kiện đến nguyên tắc. Nó tối cần cho bất cứ ai muốn có đời sống tinh thần sâu sắc. Dĩ nhiên là nó không có không được, cách riêng cho nhà khoa học. Nhờ phân tách, người ta mới nhận thức sự kiện, tìm hiểu bản chất, giống loại của nó và sắp hạng nó. Nhưng phân tách để am tường đối tượng quan sát chớ không phải để té vào chứng bịnh mà nhiều nhà trí thức hay mắc là quá tỉ mỉ không nhìn xa rộng, bị lạc trong chi tiết. Về đường tâm linh, ai quá phân tách có thể làm ý chí suy nhược và mang bịnh bối rối là bệnh lúc nào cũng khiến băn khoăn lo cho mình sạch tội, sợ tội vì tội, sợ hình phạt đời đời. Cũng nên để ý, căn cứ vào óc phân tách mà người có lối suy luận qui nạp: nghĩa là đi từ sự kiện cá biệt để đến luật phổ đồng của các sự kiện cùng giống loại.
Bạn quan sát đồng dẫn nhiệt, sắt dẫn nhiệt mà đồng sắt là kim khí. Bạn kết: vậy kim khí dẫn nhiệt.
3) Tổng hợp. – Là tác vi tinh thần giúp ta nhận cách thống quán trên các sự kiện để tìm nguyên nhân, kết quả liên lạc của chúng. Căn cứ trên tác vi nầy người ta suy luận theo lối suy diễn nghĩa là đi từ nguyên tắc đến sự kiện. Bạn nói: hết mọi người đều chết. Tôi là người, bạn kết: vậy tôi sẽ chết. Tôi nói bạn đã suy luận kiểu suy diễn. Óc tổng hợp làm ta thấy xa hiểu rộng, tránh khỏi tật nhìn góc cạnh, xét đoán chủ quan, khuyết diện. Hầu hết những vĩ nhân, những nhà chỉ huy bản lĩnh nhứt trong nhân loại đều là những người biết điều hòa hai thứ đầu óc phân tách tổng hợp hay ít nhứt là có dồi dào óc tổng hợp. Xét cho kỹ thì hai thứ đầu óc ấy đều cần thiết: chúng bổ túc cho nhau, giúp ta vừa kỹ lưỡng vừa sáng suốt.
7. Đến đây, bạn đã có những nguyên tắc căn bản để tạo một đầu óc thông minh. Chúng ta hãy bàn sự áp dụng những nguyên tắc ấy trong cuộc sống thực tế, cuộc sống mà con người cần tỏ ra bản lĩnh mới xứng đáng với nhân vị của mình. Trước khi bàn chính những trường hợp các nguyên tắc trên được áp dụng, tôi muốn bạn nghĩ đến điều kiện tất yếu của nó là Thinh lặng. Có lẽ bạn ngạc nhiên sau khi bàn về tư tưởng, tức là nói đến lý trí, một năng lực có đối tượng khác ý chí, mà lại còn nói thinh lặng, một tác vi cần sự can thiệp của ý chí. Bạn lấy làm lạ: có lý, vì tại ta thường nghe bàn riêng biệt lý trí và ý chí. Kỳ thực hai năng lực nầy bổ túc nhau trong công tác của chúng. Ý chí không lý trí là một cuồng lực, đã không ích lợi cho người mà còn gây họa là khác. Lý trí mà không có ý chí phải té vào bịnh lý thuyết, khiến lý tưởng móc meo. Lý trí mà không có bầu khí thing lặng, con đẻ của ý chí khó bề hoạt động có hiệu lực. Có thể nói thinh lặng là của nuôi sống tư tưởng. Kirkegaard viết: « Người ta càng ít sống nội tâm, sự vật càng xem ra dễ dàng ». Sống nội tâm đây hiểu là chẳng những không nói khi không cần, mà không để tâm hồn bận rộn vì cảm tình, cảm xúc, mơ mộng, tưởng tượng. Đây không đặt vấn đề chẻ từng chân tóc kẻ tơ, nhưng thiếu thinh lặng người mắc bệnh nông cạn, xét sự vật, sự đòi ăn phớt ngoài da, có thái độ lạc quan con nít. Ai lâm chứng ấy không nên giao cho họ những nhiệm vụ lớn như giáo dục, chỉ huy. Những cây bút, những ngọn lưỡi bất hủ đều là những người ưa thinh lặng, trở về với nội tâm để suy nghĩ. Thánh Bernardin de Sienne thốt những lời ngọc nầy: « Sau khi nghe tôi giảng, anh chị em hãy bắt chước con bò, hãy nhơi, hãy nhơi, hãy nhơi ». Người ta nói Thánh Tôma mấy lúc cạn hứng về những vấn đề thần học nát óc đến đút đầu vô cửa Nhà Tạm để tìm trong cái thinh lặng chí thánh nguồn cảm hứng siêu hình. Bạn hãy nghe thêm ý kiến của Paul Claudel: « Trong từ đầu nầy đến đầu kia các cơ sở nội tâm ta, phải có một sự yên nghỉ của ngày thứ bảy, sự yên nghỉ thánh thiện, sự treo việc tế nhị và thú vị ». Nếu chịu khó lục lại tiểu sử những vĩ nhân trên thế giới, bạn có thừa gượng chứng minh giá trị của thinh lặng. Chúa Giêsu chuẩn bị ba mươi năm trời sống âm thầm, tịch liệu để truyền giáo trong ba năm. Rồi trong ba năm. Người coi đồi núi, biển hồ, rừng sâu là những nơi nuôi nấng tâm hồn. Đức Thích Ca tự giác trong nhập định chỉ có trong thinh lặng. Thánh Cam Địa rất thích đọc quyền gương Giêsu và suy nghĩ. Khổng Tử có lần thốt: « Phù nhân bất ngôn, ngôn tất hữu trúng: ôi người ta chẳng nói thì thôi, nói trúng mới nói ». Biết nói hiểu là biết thinh lặng. Các Giáo Hoàng Pie XI, Pie XII đã bao lần sống hằng giờ trong thinh lặng trước nhà tạm để nuôi dưỡng tâm hồn. Những giảng giả đại tài như Bossuet, Bourdaloue đều là những bậc có đời sống nội tâm dồi dào nghĩa là trầm mặc và trầm mặc.
Với những bằng chứng hùng biện kể trên. Bạn đã tin sắt đá rằng thinh lặng là điều kiện tất yếu của tư tưởng sâu sắc.
8. Trong cuộc xử thế, nhiều người tưởng rằng khôn là có đủ thứ mưu kế, lường thưng tráo đấu, bốc lột tha nhân, tranh hơn tranh thua từng lời ăn tiếng nói, chỉ trích bằng ác tâm, vạch lá tìm sâu, bôi lọ đời tư kẻ khác, mỉa mai, cắt nghĩa xấu việc lành thiên hạ. Không. Đó không phải là khôn. Ở đời không phải xảo trá là khôn mà thành thực là khôn. Tôi thường thấy những người vỏ quít dầy gặp người móng tay nhọn. Tôi cũng thường thấy những người càng gieo rắc rối càng đa sự, càng mưu mẹo càng gặp khổ tâm, xao xuyến, tay họa. Cái khôn kiểu trên tôi cho là khôn vặt. Khôn như vậy là tham cái đĩa bỏ cái mâm. Người bản lĩnh biết và dám thấy cái lợi trong cái hại cũng như đề phòng cái hại trong cái lợi. Lắm lúc người bản lĩnh thối lui một tấc để tiến một dặm. Con cọp, nếu đúng danh nghĩa Cọp, khi thu hình lại trong góc rừng, không có nghĩa là bạc nhược, đầu hàng hay trốn mà chuẩn bị để vồ cho chắc ăn. Hẳn bạn dư biết trong cuộc xử thế hay trên con đường đưa đến thành công, đầu óc mưu cao làm không lại đầu óc « trí dài ». Mưu cao ở đây hiểu là chắc chắn không ngu đâu, cũng tính toán, cũng manh mối, cũng ích kỷ hại nhân. Nhưng tư tưởng lời nói, hành vi nô lệ gông kềm của tình cảm bồng bột hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục v.v... Trên đường đời sự dứt khoát là đẹp là cần; nhưng dứt khoác không có nghĩa là « hoặc có tất cả hoặc không có gì hết ». Khi cần sang sông đâu phải tại vì sông khúc khuỷu, tối trời, thuyền khó đi mà ta không qua. Không nên liều lĩnh ra khơi, mà nhứt định cũng không nên trở lại. Phải lách đi, dò dẫm đi, đi từng khúc một. Biết bao nhiêu đại cuộc trên đời đều hỏng vì lối giải quyết cộc lốc, trắng trắng, đen đen ấy. Một chút men nhẫn nại gieo vào đống bột khôn ngoan, người ta sẽ có cái bánh thành công. Sự thanh toán, phá hoại để kiến tạo cái hoàn toàn mới vẫn bắt gặp lại những trở lực mới và bao giờ cũng lỗ lả hơn so với giữ căn bản cũ rồi khi cương khi nhu điều chỉnh lần lần. Không ai đi đốt cái mùng có rệp. Người ta chỉ giặt thôi. Mà muốn đầu óc già giặn thì đừng mê lợi con mà quên lợi lớn, đừng quá mê lợi lớn mà cẩu thả lợi con. Có những cái lợi đẻ ra từ cái hại và coi chừng từ trong cái lợi vọt ra cái hại. Người xưa chẳng đã nói vui quá hóa buồn là gì? Viết đến đây không làm sao tôi quên được gương bà Helen Keller, người vừa câm điếc vừa mù lòa mà nổi tiếng khắp thế giới về diễn thuyết, viết sách và đọc sách. Bà dạy cho ta đức nhẫn lại mà nhứt là đức khôn ngoan xây dựng cuộc đời. Keller thuở ấu trỉ có những ngũ quan lành mạnh. Bỗng một cơn bịnh ác nghiệt đến cướp đi ở cô thị giác, thính giác và âm giác. Cho tôi và bạn, lâm hoàn cảnh như vậy, chắc cuộc đời chắc đi xuống. Nhưng cho Keller đời vẫn lên. Bà được thụ giáo với một nữ giáo sư, cũng mắc những tai họa như bà và bà tranh đấu với các trở lực để làm cho đời mình tươi sáng hơn. Keller qua hai mươi tuổi đã thao luyện những cơ quan tê liệt khá tinh nhuệ hơn. Bà mù mà đọc sách không mấy ai đọc nhiều bằng. Điếc nhưng bà rất thính về nhạc. Câm nhưng bà diễn thuyết khắp nơi ở Hiệp-chủng-quốc. Bà lại giỏi chơi bài, thứ bài có chữ nổi, lại cũng cao cờ đầm. Thật là một gương vạn cổ chuyển bại thành thắng bằng đầu óc già giặn trong khôn ngoan, kiên nhẫn. Có nhiều việc ở trên đời, sáng suốt một chút sẽ đỡ tốn bao nhiêu công, của, thời gian mà vẫn được lợi to. Có kẻ hành động nô lệ nguyên tắc, thắc mắc từng kỷ luật chi tiết. Khi có thể cho thông qua để mưu một lợi to, họ lại nhỏ mọn nắm nguyên tắc, thành không lợi nào được cả. Câu chuyện Biện-Trang giết hổ là một bài học cho ai muốn làm việc đắc lực, nghĩa là khéo xử dụng mưu trí sẽ đỡ tốn công, của, thời giờ mà được lợi lớn. Ngày nọ Biện-Trang gặp hai con hổ vồ một con trâu. Ông định đánh bắt hổ. Có đứa bé khuyên: hai hổ béo, đang thèm mồi trâu, thế nào cũng cắn giết nhau. Bây giờ nếu ông đánh hổ, phải đối phó đến hai con. Chi bằng chờ lúc chúng giao chiến nhau xong, chỉ còn một, ông đánh dễ dàng. Làm một việc mà được hai lợi. Biện-Trang nghe phải, làm theo, thành công. Quả đức khôn ngoan rất cần thiết cho cuộc đời...
Nhiều khi đóng vai trò lãnh đạo, ta phạm những lỗi lầm vô ý thức mà nếu khôn ngoan một chút đại cuộc sẽ đâm hoa kết quả. Thiếu gì người do một duyên may nào đó, đóng vai trò điều khiển một số người, lại quên mất lý tưởng, đánh rơi mục đích mà người ta đưa mình lên. Các thuộc hạ bị bỏ bê, làm việc không thống nhứt, xa lạ với phương pháp. Họ không mấy khi được hội luận, thu lãnh những khuyến từ, bí quyết thành công, cũng không được kiểm soát và vấn đề phúc trình thì đối với họ khỏi bàn. Bạn nghĩ sao về đại cuộc giao cho những kẻ làm lớn như vậy. Tôi lại gặp một trường hợp nọ mà người lãnh đạo vì thiếu sáng suốt, việc chung bị thất thiệt. Họ hay làm cho ra bi đát những lỗi lầm cỏn con của kẻ dưới. Họ bất chấp vấn đề lựa chọn những cán bộ tài đức, trung kiên mà chỉ nghĩ đến sự lựa chọn hình thức, nghĩa là ai học hết khóa, ai quị mọp, ai không có sáng kiến gì mà khéo sống cầm chừng thì sẽ như cái máy được tuyển trạch, được trọng dụng, được bao nhiêu ân huệ. Chắc cũng như tôi, bạn dư biết bao lãnh tụ chỉ có quơn chức mà thiếu óc chỉ huy, đã giết chết bao nhiêu tay bản lĩnh bổ ích cho đại cuộc. Có khi vì óc độc tài ngu mù, vì lười biếng, vì sợ dư luận, vì bạc nhược không dám tự quyết, họ đóng vai trò cách bù nhìn, làm một thứ sâu mọt cho muôn họ. Đọc truyện tàu chắc bạn nhớ câu chuyện của Ngụy Văn Hầu và Địch Hoàng. Ngụy Văn Hầu bữa nọ cho hợp các đại thần và hỏi: quả nhân làm một vua thế nào? Các đại phu đều cung kính đáp: là minh quân. Duy Địch Hoàng tâu: « Vua không phải là Minh quân ». Ngụy Văn Hầu hỏi « tại sao », Địch Hoàng Thưa: « Vua sau khi thắng nước Trung-sơn đáng lý vì công ích phải giao cho em, lại tặng cho con còn ấu trĩ. Làm vậy là không phải Minh Quân ». Ngụy Văn Hầu bất mãn, đuổi Địch Hoàng đi. Địch Hoàng bình tĩnh đi. Lúc ấy có một đại phu khác là Nhiệm Tỏa được đặt câu hỏi trên. Nhiệm Tỏa đáp: « Vua đúng là Minh Quân ». Ngụy Văn Hầu dồn dã hỏi: « Tại sao quả nhân là Minh Quân? ». Nhiệm Tỏa tâu: « Người xưa nói hễ Minh Quân thì có trực thần. Địch Hoàng là tôi vua mà nói thẳng là trực thần. Vậy vua là Minh Quân ». Nghe thấm thía, nhà vua cho Địch Hoàng phục vị. Bạn nghĩ sao về những câu trả lời của Địch Hoàng và của Nhiệm Tỏa? thì ra nhờ óc suy nghĩ chính chắn, lời nói vừa tránh được họa vừa gây công ích.
9. Nói đến trí dài tôi muốn bạn để ý đến sự cân đo công việc trước khi bắt tay thi hành. Nói cân đo tôi vẫn dè dặt: là có rất nhiều công việc ta khó bề thấy trước hết các chi tiết. Có những công việc riêng, mới lạ, chưa ai làm thì lấy kinh nghiệm ở đâu để sắp trước chương trình, trù liệu hao tốn. Vì đó có lắm việc vừa làm vừa thí nghiệm và phải thay đổi để tiến đến chỗ khả quan. Dĩ nhiên mấy lần thay đổi là mấy lần hao công tốn của. Nhưng ngoài những thứ công việc khó bề thấy trước được đó. Có bao nhiêu việc mà nhờ óc suy nghĩ, người ta có thể cân đo trước sự thắng bại, có thể sắp trước chương trình, chuẩn bị kế hoạch, phương thế đề phòng những trở lực, tốn kém. Chúng ta ai cũng tự nhiên ưu mới lạ, có xu hướng tiến tới sự như ý. Thị dục thường lấn áp ý chí cùng lý trí, xô đẩy chúng ta hành động. Ta hãy trấn áp thị dục bằng lực lượng của ý chí. Trả lại lý trí địa vị ưu tiên của nó. Suy nghĩ chín muồi tất cả những gì ta sắp thi hành. Một khi hoàn thành, vạn bất đắc dĩ lắm mới có sự thay đổi. Nếu chịu khó kiểm điểm các công tác của chúng ta trong thời gian qua, ta chắc sẽ thấy một số công trình ta phải cải biến chỉ tại vì hành động không tính trước liệu sau. Mà đó là điều rất kỵ với người bản lĩnh. Tật gớm như cùi cho người bản lĩnh là hủ lậu. Cuộc đời của họ luôn theo đà canh tân để đi lên. Nhưng người bản lĩnh cương quyết không hành động trên bắp gân nghĩa là nô lệ tình cảm nhứt thời, thị dục chốc lát, dụ cái lợi con con mà cứ thay đổi theo cái ý vụt chạc công việc.
10. Lúc tướng Grant tấn công ở Richmond, Jubal Early xua quân đánh như chẻ tre xuống miền bắc, đến Alexandrie. Lực lượng Liên Bang định phản công ở Fort Stevens. Lúc súng bất đầu nổ như địa chấn, tổng thống Lincoln với thân hình cao lớn, lại đứng sừng sững gần một bao lơn trên mái nhà nọ, rất dễ làm mồi cho đạn. Có viên tướng nọ khuyên Tổng Thống nên lánh thân vào nhà trong. Xung quanh ông thấy người đua ngã gục chết như cây bị bão. Lincoln cứ đứng. Bỗng có tiếng hét như lôi đình: « Thằng điên, xuống vào nhà mau ». Lincoln giựt mình và ríu ríu tuân theo. Đó là huấn lệnh của một sĩ quan trẻ tuổi của Tổng Thống: ông Oliver Wendell Holmès.
Thưa bạn, lời nói của đại úy Holmès nghe chua chát hung dữ quá hả bạn? Nhưng dù sao vẫn là những lời đẹp vì chứa bên ta trong lòng tốt, lòng thành, thiện chí. Trên đường đi những âm thanh đó khó kiếm quá. Chúng chọi chọi với bản chất tự nhiên ưa đường mật của ta. Song là những huờn thuốc bổ dưỡng. Có biết bao lời nói, thưa bạn, phát xuất tự những tấm lòng rắn độc mà áo bên ngoài bằng giọng điệu ngọt bùi qua loa, xã giao. Mới nghe, người ta có cảm tưởng sung sướng như được lo lắng, giúp đỡ, an ủi. Song nếu ai non trí nghe theo, đặt nhiều tin tưởng, sau cùng phải thấm thía thất vọng bởi lẽ đơn sơ ở đời không mấy người thương ta như mẹ ta. Người dân Việt chẳng phải vô lý khi nói người đời giúp đũa mấy kẻ giúp cơm.
Có cần tôi nói ở đây những lời nói tẩm độc rắn của những kẻ định phá hoại lý tưởng của bạn không? Bạn nỗ lực trong nghèo túng tiền bạc, phương thế, lời khuyên, thời gian, sức khỏe v.v... để thể hiện chí cả về một phương diện nào đó. Người ta bôi lọ các cố gắng của bạn. Những bề mặt công trình của bạn và thiện chí của bạn, người ta lãnh đạm, không đếm xỉa đến. Giá có ai đề cao bạn thì người ta cũng tạm nhận phần hay nào đó rồi buông ra những tiếng « nhưng » để dìm bạn. Chuyện xấu bạn không có làm, người ta vẫn bịa đặt trắng trợn, đồn thổi đến thượng cấp làm kẻ nầy hại bạn, đến hạ cấp làm kẻ nầy khinh bạn. Người ta xử với bạn bằng cặp mắt vạch lá tìm sâu, có khi giả đò dịu ngọt môi mép để « cản mũi kỳ đà » công việc vì chánh nghĩa của bạn. Buồn cười là bạn gặp hàng lố kẻ nối gót sau con đường bạn đi, thua kém bạn nhiều phương diện, nhưng nhờ vận đỏ ít gặp chông gai, cảm thấy sung sướng, buông lời bình phẩm bạn. Họ bảo bạn non nớt, táo bạo, khờ dại thể nầy thể kia. Nôn ruột cười nữa là cả đám người mà địa vị xã hội rất mỏng manh lại đi cho bạn những lời dạy đời hai xu.
Còn khi xây dựng cuộc đời tương lai mà uy thế của bạn đang gặp gió may mắn ủng hộ lên như diều thì bạn có bè bạn đông như trấu. Đến đâu bạn cũng được người người coi bạn là trẻ trung, đầy mộng đẹp, chứa chan hy vọng. Người ta nói tốt bạn. Người ta hân hạnh làm quen với bạn. Rồi! Rủi vấp một trở lực nào đó, bạn ơi, cờ trở gió dễ qua mà cũng mau qua. Bạn bị người nghi ngờ đay nghiến, dèm chê. Có kẻ dám coi bạn như một thứ chiên ghẻ nếu không phải là chó ghẻ. Người ta mang kiếng đen, coi đời bạn là đời đang đi xuống, đời bỏ đi. Họ lắm lúc có cảm tưởng bạn là một chứng bịnh tinh thần hay lây. Họ cấm con cháu, bà con giao tiếp với bạn. Nhiều kẻ vì thiện tâm giao du với bạn bị mất địa vị hay quyền lợi. Còn đối với kẻ cầm quyền, có bổn phận lo cho bạn, bạn trở thành thứ cây giác, gỗ hư không xài vào đâu được. Thiện chí của bạn dù thể hiện bằng những công trình rực rỡ đến đâu, chỉ là gánh vàng quăng xuống sông Ngô. Tài đức của bạn bị khói lọ dư luận, lòng ác, thời gian làm cho mờ mịt. Chua xót nhứt là khi vì muốn phục vụ chính nghĩa hữu hiệu, bạn đem sáng kiến nỗ lực thực hiện một chương trình văn hóa hay đạo đức nào đó với tinh thần mới mẻ, hợp thời, thì thiện chí bị tâm xà của cấp trên, cấp dưới chuyển thành ác ý và đánh rơi bạn, truy kích bạn, loại bạn ra khỏi hàng ngũ mà chính bạn muốn cho nó ngày một tiến bộ, vững chắc. Bạn có thấy khía cạnh chua chát nhứt của cuộc đời không? Rồi cái nầy mới tai oái nữa. Là bạn sẽ gặp những người tự thâm tâm tin mình là đạo đức, thánh thiện, được tiếng là bậc thầy trong lãnh vực luân lý mà vẫn phá hoại cuộc đời bạn. Trong khi họ tưởng làm việc bác ái, họ gây họa cho bạn. Lời nói tâu ra tâu vô về bạn, đối với thượng cấp, tạo bầu không khí khó thở bao quanh cuộc sống của bạn. Còn nói chi đoàn lũ có địa vị vững chắc mà bất kể lý tưởng, đại cuộc, vì óc ích kỷ căn bản đã chẳng xử với bạn bằng đức bác ái mà còn coi đức công bình như rơm rác. Họ cười khoái trá khi bạn chới với trong khốn nạn. Địa vị bạn khi té ngựa chìm xuống đất đen, thì địa vị của họ theo gió thế lực lên như diều tết.
11. Đọc đời tư nhà dìu dắt môn dã-cầu khét tiếng của Mỹ, ông Connie Mack, tôi ngả đầu khâm phục nghệ thuật chàm quén những mầm nhân tài thuộc quyền điều khiển của ông. Ông rất kỵ bình phẩm công cộng và cho đó là lời châm chọc lòng tự ái. Ông đào luyện riêng từng cầu thủ bằng cách tư riêng sửa lỗi họ và nhứt là thành thực khen lao tài năng đặc biệt của họ. Chả trách sau lưng Connie có cả một quân đoàn cầu thủ môn dã cầu rầm rộ đưa uy tín ông lên, củng cố đời sống ông và tạc tên ông bất diệt vào lịch sử dã cầu thế giới. Bạn ơi! Trên đường chuẩn bị chức nghiệp bạn sẽ gặp như cỏ cú thứ nhà giáo dục có một lối giáo dục kỳ lạ. Giáo dục là về mặt tiêu cực tẩy trừ và đề phòng tật xấu, về mặt tích cực kích thích các đức tánh phát triển. Rồi khi tuyển trạch người để giao chức nghiệp phải đặt vấn đề lựa theo tài đức, theo sở năng của từng người. Họ bất chấp: ai hết năm học, là hằng lố ra trường. Hỏi bí quyết tổ chức phải không? Con số rỗng. Hỏi nghệ thuật lãnh đạo? Con số rỗng. Hỏi phương pháp phổ biến tư tưởng, dụng nhân đối phó trở lực, kiểm điểm công tác, tu nghiệp, tự học để thăng tiến? Cũng con số rỗng. Người ta có cảm tưởng họ đánh may rủi trong sự chọn người, nghĩa là cứ để kẻ thụ giáo, im lìm tự nhiên lớn lên với tật-xấu cũng như tính tốt. Khi tốt nghiệp xong ai đứng dại ló mòi gì nguy hiểm, thì đắc dụng. Một mặt họ hò hét mục đích của đại cuộc để được chiếm đoạt, để tổ chức mà họ lãnh đạo được tiến bộ, song trong khi thực hiện họ đánh rơi phương thế. Họ viện lý là khôn ngoan, nghĩa là lười biếng trá hình tàn hại bao nhiêu tay bản lĩnh của đại cuộc, để thu nhận những mầm non mới mẻ, lo o bế để rồi sau cùng cũng theo chính sách cũ rích làm những cuộc phá hoại công ích khác.
12. Sau khi đọc qua mấy hiểm hóc của nhân tâm mà bạn và tôi có thể gặp trên nẻo đường dương thế, ta nghĩ sao? Phải cần óc suy nghĩ. Ta phải già giặn lắm cuộc đời ta mới đăm hoa kết quả. Trước hết ta nên nhớ, dưới bóng mặt trời, sau khi lìa khỏi ngưỡng cửa gia đình, để dấn thân vào cuộc vật lộn không ngừng để sống, nếu ta không lo cho ta, thì đừng tin và mong ai lo cho ta cả. Chữ lo tôi muốn hiểu nghĩa lo bất vị lợi... Ta phải xây dựng đời ta, tìm cho nó một lý sống, tạo cho nó một ý nghĩa, tìm đủ phương thế để tiến lên cây thang xã hội. Đối với ác tâm của người đời, cần có vài thái độ cần thiết. Hơn một lần tôi đã nói sợ e mình là cây vông, thịt xốp tô lụa chuốt hồng gì, mụt vẫn mụt. Chớ mình là cây gỗ thì dù thế nhân bôi lọ, trét bùn, lúc xã hội cần dùng ta, chỉ đem rửa thì ta đắc dụng. Nói vậy tôi muốn nói ta đừng khinh rẻ dư luận để ta khỏi mắc bịnh chủ quan, ngoan cố, mù quáng trong lối sống của mình, nhứt là khi còn non tuổi nghèo kinh nghiệm trên đời. Nhứt định đừng vì luồng sống dư luận mà sống không lập trường, hoạt động mất lý tưởng, tiến không chương trình, thiếu phương pháp. Phải hoạt động ngược lại. Đừng để đầu óc có thời giờ nhiễm thuốc độc của ganh ghét. Cho các lời lăng mạ, bôi lọ như gió thoảng. Tin tưởng sự trả đũa của thời gian nếu ta hoạt động với chí cả và sáng suốt. Lòng người y như lá cờ. Cờ trở gió thể nào thì nó cũng đổi chiều thế ấy. Trong một tác phẩm tôi đã viết: « Trong hang cuộc đời có những cạm bẫy của thứ công trình ngấm ngầm sẽ gài dính hết những người lên mặt bất lương, những hạng người giá trị hai xu mà tiểu nhân, khinh người, kiêu ngạo... ». Vào những khi cao hứng, cõi lòng nghe lâng lâng khoái trá, bạn cũng hãy trầm nghĩ. Nếu lạc quan, hăng hái giúp bạn hoạt động đắc lực, thì bạn cũng nên đề phòng sự cuồng nhiệt. Bạn cảm thấy đời toàn bông hường chớ không có gai góc. Bạn ngó thực tế với cặp mắt cực kỳ lạc quan. Bạn ngó trên và vượt ra khỏi thực tế. Óc tưởng tượng của bạn bị dục tình khoái trá quá độ chi phối. Nó làm việc ngoài vòng kiểm soát của lý trí. Bạn bước gần đến hố nguy hiểm vì bạn ra xa thực tế lặn hụp trong biển mộng. Công việc làm ăn của bạn đổi mới coi có vẻ phát đạt, bạn tưởng sẽ thu hoạch vô cùng kết quả mỹ mãn. Bạn cảm thấy làm nhà triệu phú trong khi trong tay chưa có một đồng tiền kẽm. Sau cuộc thành công nào đó trong cuộc học hành sơ đẳng, bạn khai chí mơ mộng chiếm những cấp bằng cao đẳng, trong lúc không đủ phương tiện để lấy một mảnh bằng sơ đẳng. Chưa làm vòng mong ăn thịt, bạn thả hồn phiêu trong không biết bao nhiêu mộng thành công khi chỉ mới thấy vài phương thế. Nhưng những phương thế « nhử » ấy biết đâu sẽ còn sau lưng nó những phương thế quan-hệ hơn. Bạn liệu có đủ không?
Thưa bạn. Hãy coi chừng ảo vọng vẫn hiểu rằng bạn cần có tâm trạng khoái trá để thành công, vẫn hiểu rằng bạn phải lạc quan thấy trước kết quả công, của mình. Song bạn nên vừa tính trước thành công, vừa để ý để công việc có thể thất bại, có thể thành công ốm yếu, chậm trễ. Như trong những ví dụ trên bạn làm sao chắc « ba bó một giạ » rằng công việc của bạn sẽ đem lợi lộc dồi dào, nhanh chóng. Bạn có thể làm một triệu phú gia; nhưng rủi có giặc, rủi bạn bệnh, rủi cơ đồ bạn bị hỏa hoạn rồi sao? Được cấp bằng cao đẳng, thì « oai » lắm đấy. Nhưng cấp bằng hẳn đòi nhiều điều kiện chứ. Trí thông minh. Ý chí cương quyết. Sức khỏe. Tiền bạc. Vận may nữa. Bạn có hết ngần ấy thứ điều kiện chắc trăm phần trăm không?
Vậy tốt hơn bạn hãy suy nghĩ. Làm ruộng mà gặt lòng đồng thì chết đói. Bị những thất bại nặng nề, bạn có biết con người không già giặn phải nguy hiểm thế nào không? Họ có thể bi quan cả đời chỉ vì quá sớm lạc quan.
13. Tóm lại người bản lĩnh là người có bộ óc suy tưởng đúng đắn, biết áp dụng thuật tư tưởng trong mọi nhịp sống để hành động khôn ngoan. Chữ khôn ngoan đây đừng hiểu theo một nghĩa quá giản lược. Chắc bạn thường nghe bà mẹ khuyên đứa con sắp lên đường: « Khôn ngoan ». Tôi cũng nghe một người chị mắng đứa em nhỏ để chó táp cái bánh: « Đồ ngu ». Nghĩa là không khôn ngoan giữ ăn. Không, khôn ngoan không hiểu với nghĩa giản lược như vậy. Có người biểu khôn ngoan rộng hơn. Là khéo trả miếng bằng lời qua tiếng lại, là đa mưu trong công việc làm ăn. Là mánh lới kiếm nhiều tiền. Là cung kiến suốt cuộc đời để tìm cảnh sống ấm êm, ô tô, nhà lầu nhan sắc, chức quờn. Thánh Bảo-lộc gọi hạng người nầy là hạng người « coi bụng của mình là Thiên Chúa ». Tất cả những hình thức trên của trí tuệ có thể gọi là « mưu cao » thôi chớ chưa hẳn là « trí dài ». Đức khôn ngoan người bản lĩnh hiểu, có tính chất siêu hình, bao quát mà bạn có thể định nghĩa là một đức siêu nhiên, luân lý, điều khiển trí tuệ ta khéo chọn những phương thế tìm hạnh phúc hiện thế và vĩnh phúc siêu thế. Họ coi hạnh phúc vĩnh cửu là mục đích tối hậu của con người. Đức khôn ngoan hiểu như vậy, theo Thánh Thomas d'Aquin, có ba chức vụ « suy luận, phán đoán và tuyên lệnh ».
Với óc suy luận, theo lời khuyên của Jean de Courberive, bạn nên trở về dĩ vãng của mình và danh nhân thế giới để thu lượm kinh nghiệm. Nó làm nền tảng những mưu tính sắp tới cho tương lai. Bởi thực tế đòi buộc óc suy nghĩ của ta phải quán xuyến những khóe cạnh của các sự vật, sự việc, hoàn cảnh hiện tại. Thấy xa những trở lực, kết quả cũng cần thiết. Vậy phải nhắm tương lai. Nhưng suy luận không, mà chẳng phán quyết cách thực tiễn hay té vào bịnh không tưởng, tức lý thuyết suông. Mà khi lý trí phán đoán là chỉ vạch đường lối phải hành động. Và bao nhiêu nhơn đức khác cho được thực hiện bổ ích phải có can thiệp của đức khôn ngoan. Nó soi rọi đường trung dung là điều kiện tất yếu của mọi đức. Trên các nẻo đời, người ta khó bề gặp được hạng người có đầy đủ ba năng lực được phát triển đầy đủ: Tôi muốn nói Bộ óc sáng suốt, Ý chí gan thép và Tình cảm tế nhị. Bạn đã có bí quyết giúp bạn có trí tuệ minh mẫn. Bạn có quyền hi vọng sẽ tránh được lạc lầm trong cuộc sống cá nhân, gia đình, xã hội. Tôi thấy bạn còn cần ý chí và tình cảm, vì chỉ thông minh mà không anh dũng thì lý tưởng khô héo. Nếu có trí dài, đó là chí cả, mà không gieo thiện cảm thì đời sẽ cô độc, bị nghi kỵ, bị ghen ghét: khó thành công.
KHUÔN VÀNG THƯỚC NGỌC: « NGƯỜI BẢN LĨNH LÀ NGƯỜI CÓ BỘ ÓC TRUI GIÀ GIẶN. »
Người Bản Lĩnh Người Bản Lĩnh - Hoàng Xuân Việt Người Bản Lĩnh