You carry Mother Earth within you. She is not outside of you. Mother Earth is not just your environment. In that insight of inter-being, it is possible to have real communication with the Earth, which is the highest form of prayer.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Văn Trương
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hueanh
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2371 / 34
Cập nhật: 2016-06-17 07:59:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ượng nói nhỏ em bằng tiếng Pháp:
- Chú có tiền đấy không? Tôi thua hết cả rồi.
- Có, tôi có chín đồng đây.
Rồi nhìn thấy vẻ băn khoăn hiện rành rành trên mặt anh, Đạt bảo:
- Không cần. Bài lá chỉ mấy ván là gỡ được. Nó cho ăn cho ú, mấy chốc. Anh đừng lo.
Vượng thấy em có tiền đã vững dạ:
- Không, lo gì. Chú cầm đánh đi.
Đạt bắt cái, đổi bài lung tung. Trước khi lật quân bài, Đạt cầm nó khẽ khẽ đập vào phần bài nọc:
- Tao đây, chứ không phải ông Vượng đâu đấy nhé.
Mọi người đều cười. Mà người cười một cách khoái trá nhất là Quỳ. Quỳ lại đứng sau lưng Đạt:
- Để tôi xem anh cầm có đỏ hơn tôi không nào.
Đạt, mặt nghiêm trang:
- Chắc chắn là phải đỏ hơn cô.
Rồi vừa lên bài, Đạt vừa bảo anh:
- Bài đen, phải đánh tráo trở đi mới được. Anh thì cao thật, nhưng anh cứ để mặc tôi nhé.
- Được rồi, chú muốn đánh thế nào thì đánh.
- Tôi đánh không theo lề lối đấy.
Bà Cả Lợi vừa đếm bài, vừa bảo Đạt:
- Nhưng không phải thì phải đền.
- Thì hẳn như thế.
Bài lên chỉ có cây bát vạn là đỏ, lại có phu ngũ lục thất bát. Lẻ đôi tam văn và con tứ văn. Cánh trên đánh cửu vạn. Đạt không ăn, thò tay bốc nhất sách. Chàng đánh phăng cây bát vạn đi.
Quỳ đứng đằng sau nói ngay:
- Ồ, anh bướng quá, anh không đánh chờ ư?
- Cô mặc tôi.
- Nó lên mất ù bây giờ.
Đạt gõ vào đôi tam văn:
- Thế nhỡ nó lên cái này thì sao?
Chàng vừa nói dứt lời thì mọc lên tam văn thật.
Đạt quay sang Quỳ:
- À ai cao?
Ván ấy Đạt ù bạch đinh.
- Phải liều mới được chứ. Nhát như cô thì bao giờ ù được ván to như thế này.
Nghe Đạt nói thế, Vượng sợ Quỳ không bằng lòng, liền bảo:
- Chú đỏ thì ù, và như thế là may, chứ không gọi là cao. Phép phải đánh tam văn, chờ nhị ngũ, rồi đến lúc chạm hãy hay.
- Thì tôi biết rồi, nhưng tôi đã bảo anh đen thì đánh phải luồng cơ mà.
Rồi Đạt lật nọc, tìm suốt không có con nhị, ngũ văn nào.
- Ấy đấy, nếu không đánh thế thì lại mất ù. Non gan như cô thì ván này hỏng.
Vượng chỉ lo Quỳ giận, nhưng trái lại. Quỳ đã không giận, nàng lại còn vỗ vai Đạt mà bảo:
- Giỏi đấy! Giỏi đấy!
Sự suồng sã của Quỳ đối với Đạt làm cho Vượng khó chịu. Còn Đạt thì gắt ngay:
- Ồ, người ta mới ù một ván, đã vỗ vai là nghĩa lý gì!
Rồi khi nghe bà Xuân Thái kể chuyện lại vì Quỳ mà Vượng bỏ ù, để cho đến nỗi trắng chân mấy hội. Đạt bảo Quỳ:
- Ồ, ra thế thì đen tự cô. Bây giờ, xin cô cứ im cho tôi đánh.
Vượng lại sợ Quỳ giận:
- Ồ, cô Quỳ cao đáo để.
Đạt tàn nhẫn như... một người không yêu:
- Cao không bằng đỏ. Biết mà, vỗ vai mình một cái là bài mình xấu ngay.
Quỳ không giận, lại cười hỏi Đạt:
- Anh cũng tin dị đoan à? Tôi tưởng một khi anh đã học ở trường thuốc.
Đạt ngắt lời:
- Học trường thuốc là một việc, mà đánh bài là một việc khác. Không biết tôi có tin dị đoan hay không. Nhưng cô cứ thử coi như là tôi có tin, cô đừng nhìn bài tôi nữa xem sao nào.
Vượng sợ Quỳ giận, vội khôi hài:
- Gớm, cái chú này mới khó tính như dì ghẻ thôi. Cô đừng thèm nhìn bài của chú ấy nữa, xem sao nào.
Quỳ chẳng những không đi, còn lấy ngón tay dí vào cổ Đạt:
- Đã thế, tôi cứ đứng đây ám.
Đạt phỗng luôn hai phỗng, được chờ.
- Ám cũng không nổi.
Ván ấy, Đạt lại ù. Rồi ù luôn bốn ván nữa, ván nào cũng có cước sắc. Vượng tính nhẩm, đã được hơn tám đồng. Sự vui mừng lộ hẳn ra mặt:
- À, nếu không có chú anh đã mất mộc chục bạc đấy.
Quỳ cũng tươi cười:
- Anh ấy đỏ hơn tôi thật.
Đạt vẫn nghiêm khắc như bà mẹ chồng:
- Cái đó thì đã hẳn.
Đạt cầm cho anh ù được bốn đồng nữa thì đứng dậy xin cáo từ. Bà Xuân Thái và Quỳ nhất định giữ lại ăn cơm. Đạt nhất định không nghe, Quỳ phải cầu cứu với Vượng:
- Anh bảo anh ấy ở lại ăn cơm.
Vượng chiều Quỳ:
- Thì chú ở lại cho cô ấy bằng lòng.
Đạt lắc đầu:
- Em còn phải về học.
Quỳ năn nỉ:
- Thì ăn cơm xong rồi, anh về. Học đâu bây giờ. Ngày chủ nhật anh không nghỉ à?
Cái giọng sốt sắng và nhất là cái nhìn đầy âu yếm của Quỳ đối với Đạt làm cho Vượng bỗng thắt ruột lại. Chàng đã hiểu cái lẽ tại làm sao Quỳ bây giờ cứ đến nhà chàng luôn, đến những buổi sáng chàng đã đi làm vắng, mà Đạt thì chưa đi học. Đạt đi, đem sự vui vẻ của nàng đi theo. Từ đấy cho tới lúc ăn cơm, Quỳ cứ ngồi ở trên gác không xuống. Mà đến bữa ăn, mặt nàng cũng cứ vơ vẩn làm sao.
Sự nhận xét ấy càng làm cho Vượng tê tái. Tuy thế, nhưng chàng không thấy thù em, ghét em. Chàng chỉ thấy rằng chàng không thể địch với em được. Đạt trẻ hơn chàng, lại nay mai thi ra làm bác sĩ, tương lai thắm như hoa, như gấm. Còn chàng thì suốt đời chỉ là một anh ký khổ nhà buôn!
Chàng cũng không trách Quỳ, bởi vì Quỳ có quyền chọn một tương lai tốt đẹp. Chàng chỉ ngùi ngùi mà nhận rằng nếu chàng không vì nghĩ đến các em thì nay Quỳ đã là vợ chàng rồi. Vả, nếu chàng không sớm phải lo gánh vác gia đình để nuôi các em, thì có lẽ chàng cũng đã là một ông bác sĩ để cho bao nhiêu thiếu nữ mỹ miều như Quỳ phải thèm muốn rồi!
Những ý nghĩ ấy làm cho chàng thấy rằng những sự hy sinh trước kia đè lên đời chàng một cách nặng nề quá. Nhưng đối với tâm hồn một con người giàu lòng thương em, giàu quan niệm về nghĩa vụ như chàng, những ý nghĩ đen tối ấy không ở được lâu. Chàng đã quen quên mình rồi. Chàng tưởng tượng đến một cuộc hôn nhân của Quỳ đối với Đạt, chàng thấy nó tốt đẹp vô cùng, tốt đẹp hơn là Quỳ lấy chàng.
Chàng không còn nghi ngờ gì nữa.
Quỳ yêu Đạt lắm lắm rồi. Nhưng còn Đạt có yêu Quỳ không, điều đó còn ở trong một dấu hỏi? Mà không yêu làm sao cho được? Một người vui vẻ, đẹp đẽ và nết na như thế! Có lẽ vì Đạt biết rằng chàng yêu Quỳ, nên lãnh đạm với nàng. Rồi chàng nhận thấy rằng trong những cử chỉ ngôn ngữ của Đạt đối với Quỳ, có một vẻ “cố” làm ra ghét bỏ.
Ồ, nếu có phải thế thì chàng phải tìm cách để cho hai bên lấy nhau. Nhà bà Xuân Thái giàu, giàu lắm. Bà có thể giúp Đạt sang Pháp du học, nếu Đạt muốn học thêm. Vượng nhận thấy rằng nếu Quỳ mà lấy Đạt thì đời chàng từ đây là tẻ lạnh. Nhưng trong cái tẻ lạnh ấy, lại xen vào một cảm giác êm ấm, cái cảm giác đã gây được một hạnh phúc hoàn toàn cho Đạt.
Vì có những điều nghĩ ấy, cho nên khi cơm xong, Vượng nhất định đòi về. Việc chàng ở lại đấy không còn cái nghĩa của nó nữa rồi. Mọi người cố ép chàng chơi vài hội nữa, chàng không nghe. Mọi người giữ chàng, duy có Quỳ là không giữ. Quỳ chỉ cố giữ Đạt trong khi mọi người chẳng ai giữ Đạt cả! Bà Xuân Thái và Quỳ cùng tiễn chàng ra tới cửa. Nhưng việc Quỳ tiễn chàng bây giờ so với sự tiễn Đạt lúc nãy chênh nhau biết mấy!
Bà Xuân Thái dặn chàng tuần sau thế nào cũng đến, trong khi Quỳ bảo chàng:
- Anh có đến thì nhớ lôi cả anh Đạt đến, để anh ấy cầm bài cho anh. Anh ấy đỏ lắm đấy.
Phải nhận rằng lúc Vượng ở nhà bà Xuân Thái bước ra, chàng buồn lắm. Buồn cái buồn xé ruột của kẻ bị thất vọng trong tình trường. Đầu chàng lúc ấy thật là một chiến trường của những ý nghĩ đen tối và những tư tưởng trái ngược. Chàng cảm thấy một trống rỗng ghê gớm kéo đến chiếm đoạt trái tim.
Từ Hàng Bạc, chàng đi bộ về phía Phạm Phú Thứ. Chàng theo bản năng mà đi, chứ chàng chẳng nhìn thấy gì hết. Chàng về đến nhà thì các em chàng vừa ăn cơm xong, còn đang ngồi uống nước và nói chuyện chung quanh bàn.
Vẻ mặt tái nhợt của chàng làm cho Nhàn giật mình:
- Anh làm sao thế? Thua hay sao?
Chàng chưa kịp trả lời thì Nhàn lại nói luôn:
- Thua thì thôi. Thua thì chúng em ăn ít, tiêu ít, chứ việc gì anh phải lo ngại.
Vượng cố cười:
- Thua được thì anh có lo gì. Nhưng hôm nay anh được, được nhiều. May quá, nếu không có chú Hai lại cầm hộ mấy ván thì có lẽ anh thua thật.
Nhàn, mặt đang băn khoăn, bỗng hớn hở. Nhưng nàng vẫn nhìn anh bằng một con mắt dò hỏi. Nàng lấy linh tính mà cảm ứng, nên nàng hiểu Vượng hơn hai anh:
- Thế anh được bao nhiêu? Tại sao anh về sớm thế? Chị Quỳ và bà Xuân Thái không giữ anh à?
Vượng nói dối:
- Tại trên ấy thôi đánh.
Chàng dốc cả ví tiền ra cho Nhàn đếm:
- Ô, hai mươi nhăm đồng bảy hào. Tiền vốn của anh bao nhiêu?
- Thì có mười đồng em đưa anh.
Nhàn nhìn anh:
- Thế anh không có đồng nào à?
- Không.
Rồi sợ em biết tới chỗ hy sinh của mình, chàng nói thêm:
- Anh có mấy đồng để tiêu vặt thì anh em trên sở họ vay cả. Đấy, thôi cô giữ lấy hai mươi đồng, còn chỗ lẻ thì cho chú Hai ba đồng đó. Đó là cái công của chú.
Đạt cầm lấy ba đồng:
- Thế thì vừa may. Tôi cần hơn chục bạc để mua sách, mà đây tôi mới có chín đồng thôi.
- Ô, thế thì chú cứ để mà tiêu, bảo Nhàn nó đưa tiền cho mua sách, chứ không chú lấy gì mà tiêu.
- Tôi cũng không cần tiêu gì.
- À biết đâu. Chú bây giờ cũng phải để năm ba đồng trong túi, lỡ gặp anh em, cần phải dùng đến chúng. Mình không có thì họ có thể cười mình.
Nhàn đưa cho Đạt mười đồng, Đạt chỉ cầm có ba:
- Thôi, thế này thì tôi cũng có năm đồng để tiêu vặt rồi. Để anh giữ, lỡ chủ nhật anh có phải cần đánh tổ tôm nữa chăng.
Vượng lắc đầu:
- Thôi, từ giờ tôi không đánh nữa.
Rồi sợ các em dò biết sự thật, chàng lại vội nói:
- Đánh mà lo thua thì không thích một tí nào. Cứ không chơi là hơn cả.
Nhàn líu díu kể cho Vượng nghe cuộc đi xem chớp bóng với Thịnh. Nàng nói chuyện phim. Nàng bình phẩm các nhân vật. Trên mặt nàng, lưu thông một hớn hở của vui sống.
Vượng nhìn bộ mặt tươi cười của em, lòng rạo rực một sướng khoái. Chàng trỏ Thịnh:
- Thế chú ấy không gắt với cô chứ?
- Không, hôm nay, anh ấy chiều em lắm. Xem xong, anh ấy còn đưa em đi xem phòng triển lãm. Nhiều tranh đẹp quá. Anh ấy quen nhiều bạn lắm.
Vượng cười:
- Thế có bạn gái không?
- Có, có hai cô trông đẹp quá.
Từ lúc nãy đến giờ, Vượng chỉ muốn tìm cách nói cho Đạt biết sự nhận xét của mình ở nhà bà Xuân Thái, và để dò la ý tứ em, nhưng chàng chưa biết bắt đầu thế nào. Chàng liền nắm ngay lấy cơ hội ấy.
Chàng cố làm ra hớn hở:
- À, hôm nay... chú Đạt cũng có một cô bạn gái kháu lắm, cảm chú ấy lắm mà chú ấy không biết.
Nhàn hỏi dồn:
- Ai, ai? Anh ấy lúc nào mặt cũng lạnh thế kia thì bạn gái nào còn dám đến gần?
Vượng chưa kịp trả lời thì Đạt đã nhún vai:
- Tôi không chịu được những sự giao du với đàn bà. Họ tính tình nông nổi, và thường làm mình mất nhiều thì giờ lắm. Không phải tôi khinh, nhưng thật tôi không ưa.
- Thế chú sau này không lấy vợ à?
Đạt nhìn anh bằng một cái nhìn đầy kính phục:
- Có lẽ tôi cũng bắt chước anh để được sống cho những tình cảm cao siêu và mạnh mẽ hơn.
- À, một ngày kia biết đâu rồi tôi chả lấy vợ?
Nhàn nắm tay áo Vượng, lay lay:
- Nhưng anh hãy nói cho em biết bạn gái của anh Hai là ai đã?
Đạt khẽ đặt tay vào trán em:
- Đấy, tính tình đàn bà cứ hay tò mò như thế đấy!
Vượng nắm tay em gái:
- À, có thế họ mới là đàn bà. Mà biết đâu chính họ thần tiên ở những chỗ ấy.
Nhàn lắc mình nũng nịu:
- Nhưng ai? Anh nói đi.
- Cô Quỳ.
Mặt Nhàn đang tươi tỉnh bỗng tái lại. Tay nàng bỗng run lên. Nội nhà, chỉ duy có nàng là nhận biết mối tình u ẩn của Vượng đối với Quỳ. Nàng cảm thấy trong khi anh cười nói như thế thì lòng anh chua xót biết ngần nào. Ít lâu nay, Quỳ hỏi nàng về Đạt luôn, nàng vẫn ngờ rằng Quỳ yêu Đạt. Nàng hồi hộp nhìn Đạt, chờ câu trả lời:
Đạt nhếch mép:
- Tôi đối với cô Quỳ không có ác cảm như chú Ba, nhưng tôi xét cô ấy không thể là bạn của tôi được. Bởi vì tôi không thích những cái nông nổi, hời hợt ở bề ngoài. Mà người đàn bà nào thì cũng đến hời hợt nông nổi cả!
Nhàn hỏi ngay:
- Thế anh cũng coi em như thế à?
- A, cô là em anh thì lại khác.
Vượng cố nén đau đớn:
- Không, anh xem cô Quỳ cũng khá đấy chứ. Cô ấy có lắm tính nết của mẹ xưa kia, thứ nhất là sự dễ dãi và vui vẻ. Anh xem ra thì cô ấy có nhiều cảm tình với chú lắm. Từ lúc chú về rồi thì cô ấy như người mất hồn. Giá chú lấy cô ấy thì cũng là một cuộc nhân duyên tốt đẹp. Anh hỏi một tiếng, là bà Xuân Thái gả ngay. Nhà bà Xuân Thái giàu, sau này bà ấy có thể giúp chú nhiều việc, như bỏ tiền ra cho chú mở phòng khám bệnh chẳng hạn. Chú có bằng lòng không, để anh nói với bà ấy.
Nhàn đưa mắt nhìn Vượng, nhìn Đạt. Cũng như Vượng, nàng chỉ lo Đạt bằng lòng, mặc dầu nàng cảm thấy Vượng muốn cho Đạt bằng lòng lắm.
Đạt nghe anh nói phá lên cười:
- Anh chỉ giỏi dò tâm tính chúng tôi thôi. Có lẽ cái lòng làm anh đã khiến cho anh được sáng suốt trong cái địa hạt ấy, chứ đối với đàn bà thì sự dò xét của anh sai lầm lắm. Cô Quỳ không thể có cảm tình với tôi bởi vì tôi không làm gì để gây cái cảm tình ấy cả.
- Thì biết đâu chỉ vì chú dửng dưng mà cô ấy cảm chú. Đàn bà là bóng, khi mình tránh họ...
- Cho dù có thế đi nữa thì tôi cũng không thể lấy cô ấy được. Lẽ thứ nhất là tôi còn đương đi học, chưa đủ điều kiện để nuôi vợ...
- Ồ, thì đã có anh, chú nói dở...
- Đành rằng cái lòng anh rộng như trời như bể, nhưng gần cô ấy, tôi không thấy có một mỹ cảm gì thì anh bảo sao? Vả thật ra, tôi không chịu được đàn bà, tôi không thể chiều họ. Tôi không thể có được cái tính khoan hồng và đại lượng như anh, mặc dầu tôi đã hết sức cố học theo.
Nhàn biết rằng Đạt đã quả quyết, mà thật ra Đạt không có chút mỹ cảm gì đối với Quỳ thật, nàng liền xen vào bằng một cái cười ý nhị, rồi nhìn Vượng:
- Các anh đàn ông, xét đàn bà chúng tôi sai cả, xét chị Quỳ cũng sai lắm.
Rồi nàng nói dối:
- Chị ấy không có cảm tình gì đối với anh Hai đâu. Chị ấy thường vẫn bảo với tôi: Anh Hai lầm lầm lì lì như một con gấu, ai lấy anh ấy, chắc phải khổ lắm.
Đạt gật gật đầu:
- Đúng! Khổ cả cho người ta và khổ cả cho tôi.
Thịnh thì hỏi giật giọng:
- Thế cô ấy bình phẩm tôi thế nào?
- Anh ấy à? Thì anh bình phẩm chị ấy thế nào, chị ấy cũng bình phẩm anh thế ấy. Nội nhà này, chị ấy chỉ mến có độc anh cả thôi.
Vượng thấy trái tim mình đập mạnh, tất cả máu nóng đều xô đến thái dương. Một cái gì âm ấm như hạnh phúc bỗng kéo đến với cơ thể.
Nhàn lại tiếp:
- Chị ấy hỏi em nhiều về anh cả. Và những chủ nhật anh cả không lên chơi, chị ấy cứ trách đấy. Chị ấy thường bảo: Ai lấy được anh cả, chắc là sướng lắm.
Câu ấy là để đưa đến một kết luận nó làm cho Vượng lảo đảo:
- Có lẽ chị đã yêu anh cả, mà anh cả không biết đấy.
Vượng lòng đã sướng đê mê, nhưng cũng phản đối chiếu lệ:
- Có đâu thế. Anh già cằn mà cô ấy thì trẻ măng. Như thế thì chẳng hóa ra cô ấy dở hơi hay sao?
Đạt cau mày:
- Tại sao anh cứ có cái cảm tưởng là anh già trong khi anh mới có hai mươi tám? Tôi tưởng nếu cô Quỳ mà lấy được anh thì là một cái phúc to cho cả cô ấy, lẫn cho nhà cô ấy. Anh xứng đáng lấy bất cứ một người con gái nào, dù người con gái ấy đẹp như tiên hay giàu như vua sắt ở bên Mỹ. Những đức tính của anh thì cả vàng ở trên trái đất này cũng không mua được. Mà lòng anh thì không thể đem ví với một thứ gì. Em Nhàn nó nói đúng đấy. Anh lấy cô ấy đi. Chúng tôi đều bằng lòng thờ cô ấy làm chị. Và chúng tôi rất sung sướng có một người chị như thế. Tôi tin rằng bà Xuân Thái đã biết rõ anh, bà không cầu mong gì hơn là có được một người con rể đức hạnh như anh.
Tuy lòng rạo rực những khoái cảm, nhưng sự rạo rực ấy không làm mờ trí xét đoán của Vượng. Vẻ mặt buồn như rũ của Quỳ khi Đạt về rồi còn rành rành ở trong trí nhớ của chàng. Chàng nói một cách chua chát:
- Nhưng đức hạnh ở đời có đủ cho một người con gái đâu? Phải cho họ nhiều thứ khác. Mà những thứ khác ấy, tôi không có. Với lại, một khi các chú chưa thành đạt, em Nhàn chưa đi lấy chồng thì dù thế nào, tôi cũng không lấy vợ. Bà Xuân Thái trước kia cũng có giục tôi đôi ba lần, nhưng tôi đều từ chối. Anh em mình cứ ở với nhau như thế này chẳng sung sướng lắm rồi hay sao, cần gì phải đi tìm hạnh phúc ở tận đâu.
Nhàn với Thịnh lặng im. Vả chính hai người ích kỷ - thứ ích kỷ đáng tha thứ của tuổi trẻ nó gây ra bởi tấm lòng yêu anh - đều không muốn cho Vượng lấy vợ mặc dầu là lấy Quỳ, người mà cả hai đều có thể tin ở sự đối đãi tử tế với mình. Nhưng Đạt năm ấy đã hai mươi lăm, đã biết nghĩ xa xôi. Chàng gọi luôn Quỳ bằng chị:
- Thì anh cứ lấy chị ấy, có gì là thay đổi ở trong nhà này, hay chỉ thêm vui ra thôi! Mà thế thì anh cũng đỡ lo, vì bà Xuân Thái chắc chắn là có thể giúp chúng ta được nhiều việc. Thôi anh lấy đi, để chúng tôi được thêm một người chị.
- Không, chờ ba năm nữa, chờ khi nào chú đỗ bác sĩ lúc ấy sẽ hay. Để cho các chú... phải... vì một người khác là điều tôi không muốn.
- Nhưng trong ba năm nữa, cô ấy có người khác hỏi thì sao?
- Thì cô ấy đi lấy người ta.
- Nhưng lúc ấy thì anh đã ngoài ba mươi.
- Tôi mới có ba mươi mốt. A! Ba mươi mốt còn trẻ chán. Người Tây họ bốn mươi mới lấy vợ thì sao? Các chú cứ cố học đi, không nghĩ đến chuyện ấy nữa. Tôi cứ tưởng tượng chú Hai đỗ bác sĩ, chú Ba đỗ cử nhân luật, rồi chúng ta kéo nhau về làng thì... bác cả với chú Lý phải múa hét lên.
Viễn tưởng ấy xóa mờ trong một khắc cái hình ảnh hạnh phúc một khi chàng lấy được Quỳ. Chàng sẽ nhắm mắt để nhớ lại những ký ức:
- Tôi nhớ khi còn thầy, sau khi đã gỡ cho chú Lý những vụ kiện rắc rối, và sau khi đã mắng chú một cách tàn tệ, thầy thường bảo. “Trừ khi nào chú có cháu làm quan, chú mới có thể hống hách như thế được”.
Rồi thấy bộ mặt tiu nghỉu của chú, thầy trỏ tôi, rồi dỗ chú: “Thôi, thằng cả cố học đi làm quan để cho chú mày bặng nhặng”. Thầy cười, chú ấy cũng cười. Tôi không làm được, thì bây giờ đến các chú. Tôi chắc dù mỗi người đàn bà hiền đến đâu, một khi... tôi đã lấy họ, trong nhà cũng không được yên vui như thế này. Thôi, tôi cố chờ ba năm nữa mấy chốc. Thầy mới mất, thế mà thoáng cái đã tám năm rồi. Mẹ mất năm nay là mười một năm.
- Nhưng...
- Chả có nhưng gì cả. Bây giờ cho dù tôi có lấy vợ thì lòng tôi cũng thắc mắc làm sao. Như thế thì không khi nào tôi hưởng được một hạnh phúc hoàn toàn cả. Tôi rất lo có những sự xích mích xảy ra giữa...
Đạt ngắt lời:
- Nhưng một khi chúng em cứ kính cẩn với chị ấy như đối với anh thì làm gì có chuyện xích mích nữa?
- Nhưng nhỡ vợ tôi nó tác quái thì sao? Đến lòng mình, còn có khi không thể chắc được nữa là lòng người.
Nhàn và Thịnh đồng thanh:
- Thì chúng em nhịn.
- Tuy vì nể tôi, có chú nhịn. Nhưng đã đến thế thì cô chú không vui rồi. Tưởng tượng cô chú không vui... Thôi xếp cái chuyện ấy lại. Bây giờ sẵn tiền được đây, chúng ta kéo nhau lên bờ hồ ăn kem.
Nhàn và Thịnh vỗ tay đồng tình. Vượng nhìn bộ mặt hớn hở của hai em:
- Thế này có vui không nào, tội gì mà lại đâm lo.
Tuy rằng người ta thương em, nhưng người ta cũng không thể quên ngay được mối tình hun đúc đã trong bao nhiêu này. Thường thường, Vượng nghĩ đến Quỳ, nhưng nghĩ đến bao nhiêu, chàng thấy buồn bấy nhiêu, vì chàng biết Quỳ đã không yêu mình, mà chỉ yêu Đạt. Tuy rằng Đạt không yêu nàng, nhưng dù sao, chàng cũng không thể lấy Quỳ được nữa, lấy thế nào được người đã đem lòng yêu em mình.
Đó là cái ý nghĩ của chàng những khi nghĩ kỹ về tương lai, và trong khi chàng không gặp mặt Quỳ. Chàng thấy một cuộc nhân duyên như thế không đem lại cho người ta những kết quả đẹp đẽ. Trong ấy, xen vào một lòng ghen, nó sẽ đầu độc những ngày thân mật. Rồi thì luôn luôn hình ảnh của Đạt sẽ len vào giữa hai người. Chàng sẽ nghĩ đến Đạt để mà đau đớn, nàng sẽ nghĩ đến Đạt để mà bực tức.
Từ ngày Vượng biết Quỳ không yêu mình, chàng tự nhủ phải tìm hết cách để mà quên và chữa khỏi bệnh tương tư kia đi.
Sự phấn đấu ấy làm cho chàng thờ thẫn và võ vàng. Chàng kém ăn và kém ngủ. Nhàn thấy thế tưởng chàng ốm, cứ giục uống thuốc. Chàng lắc đầu, cười bảo em:
- Anh có làm sao đâu? Cô tưởng tượng thế! Cô muốn cho anh ốm à?
Nhàn băn khoăn:
- Anh không ốm sao người lại thế?
Chàng nhìn vào gương thấy mặt mình hốc hác đi thật.
Đã bao đêm nay, chàng đi nằm với những ý nghĩ đen tối, và luôn luôn cái hình ảnh mỹ miều của Quỳ lởn vởn vào trong giấc mơ của chàng. Chàng cố xua đuổi nó đi mà nó không đi cho. Có lắm khi đang nửa đêm, chàng vùng dậy, đầu nóng như lửa đốt.
Biết mình không thể ngủ được nữa, chàng bật đèn điện. Ánh đèn làm cho chàng tỉnh táo, chàng lại tự cười mình ngu dại. Một khi chàng đã phải trông coi các em, không thể lấy được Quỳ ngay, thì thế nào từ đấy đến ba năm nữa, chẳng có người hỏi Quỳ. Dù chàng muốn hay không thì Quỳ cũng là vợ của người khác, hà cớ mình phải làm tội mình như thế.
Chàng vừa nằm mơ thấy mình cưới Quỳ. Rồi khi quan khách về rồi, chàng vào buồng tân nhân thì gặp Đạt ở đấy đang trò chuyện với cô Quỳ. Nổi nóng, chàng cầm một con dao xông đến chém hai người. Chàng chém, chém nhiều nhát lắm. Đến khi Đạt ngã gục xuống thì chàng bừng tỉnh mộng.
Đạt lúc ấy còn đang học ở trên gác, thấy đèn sáng bèn chạy xuống. Vượng đang ngồi bó gối trên sập, nghe có tiếng chân người ở thang gác vội vã đứng dậy, vờ cầm một quyển sách để đọc.
Đạt đi xuống với một nét mặt lo sợ:
- Anh làm sao đấy? Tôi nghe như có tiếng anh kêu.
Vượng đặt sách:
- Có lẽ hôm nay tôi ăn no quá, nên cứ trằn trọc mãi không ngủ được.
- Có đâu, buổi chiều anh ăn có ba bát.
Rồi Đạt sờ trán Vượng để xem nhiệt độ, nắm cổ tay Vượng để xem mạch.
- Dạo này, anh kém sút lắm. Nếu chưa đau thì cũng sắp đau về một bệnh gì. Để mai tôi bảo một người bạn tôi ở năm thứ tư lại khám bệnh cho anh, anh ta tuy chưa đỗ, nhưng khá lắm.
Vượng mỉm cười:
- Chú cũng lại tưởng tượng giống cô Nhàn. Tôi xét tôi chẳng có bệnh tật gì cả. Trong người tôi, máy vẫn chạy tốt như thường.
Đạt nhìn anh bằng một con mắt trách móc:
- Thế thì anh có điều lo nghĩ buồn bực gì? Tại làm sao anh muốn rằng chúng tôi lo nghĩ điều gì thì phải nói thật hết với anh, mà anh lo nghĩ điều gì, anh lại không nói với chúng tôi.
Lời nói thành thật của em, một suýt nữa làm cho Vượng thú nhận hết. Nhưng may, chàng vụt nhận thấy rằng điều đó sẽ làm rối loạn sự yên vui của gia đình chứ chẳng được ích gì.
Chàng cố làm ra vẻ ngạc nhiên:
- Ô, tại sao chú lại có tư tưởng ấy? Chú bảo như tôi thì còn có cái gì lo buồn nữa? Cái lo buồn của đời tôi, nếu có, thì là tự gia đình mà sinh ra. Nay gia đình đương êm ấm như thế này, thì tôi còn có điều gì phiền muộn? Thôi chú lên gác học đi. Mà thôi cũng nên đi ngủ, học vừa chứ.
Đạt lên gác với một mối ngờ. Cái mối ngờ ấy, Vượng đọc thấy ở trong con mắt em. Chàng giận mình đã làm cho em phải lo nghĩ vì mình.
Cái duyên cớ những giấc ngủ trằn trọc của Vượng là do tinh thần cũng có, mà là do xác thịt cũng có. Ta lại phải nhận rằng cái nọ ảnh hưởng bởi cái kia.
Cái mầm lo thiếu thốn trong gia đình vẫn là một động lực nó buộc Vượng phải sống xa sự chơi bời; cái tư tưởng mình là một người anh cả phải làm gương cho các em, buộc chàng phải tránh những cuộc hành lạc. Hai điều đó, trong bao lâu, đã giúp Vượng tránh được những đêm trằn trọc do xác thịt gây nên. Nhưng từ ngày Vượng bắt đầu then, nghĩa là bắt đầu yêu hơn trước, từ ngày chàng chuyển tình yêu từ địa hạt lý tưởng ra địa hạt thực tế, thì xác thịt do sự tiếp dẫn của tinh thần bỗng vùng dậy. Rồi từ đấy, sự cần dùng vật chất và mối tình thất vọng thi nhau hành hạ Vượng.
Với mối tình thất vọng, Vượng còn có thể đem nghị lực ra để chống đỡ, viện những lý lẽ ra để lừa dối mình, chứ với sự thúc bách của giác quan chàng thấy mình bất lực. Vì thế, chàng thường phải sống những đêm đầy ác mộng. Trong những ác mộng ấy, luôn luôn có cái khuôn mặt kiều diễm, cái thân hình mềm mại của Quỳ làm cho chàng tưởng đến bao nhiêu lạc thú mà chàng không thể bao giờ tới được.
Nhiều khi chàng nghĩ đến Huệ, đến cái đêm ân ái với Huệ, nghĩa là chàng nghĩ đến sự đi hát, nhưng nhìn lên ngân sách của gia đình chỉ vừa xoắn, chàng lại không dám.
Chàng lo thiếu tiền tiêu trong nhà cũng có, chàng lo các em biết cũng có, chàng lo bị bệnh tật cũng có. Luôn luôn, bổn phận và địa vị người anh không cho phép chàng làm những điều có thể di hại đến gia đình.
Muốn giải quyết vấn đề ấy, chỉ có cách lấy vợ, mà chàng thì không thể lấy.
Người Anh Cả Người Anh Cả - Lê Văn Trương Người Anh Cả