An ordinary man can... surround himself with two thousand books... and thenceforward have at least one place in the world in which it is possible to be happy.

Augustine Birrell

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
9
“Đủ rồi, đủ rồi,” tôi nói khi sinh viên thứ mười đưa bánh cho tôi.
Chúng tôi tập trung trong sảnh tòa nhà chính. Đội ngũ giảng viên và sinh viên đến chúc mừng tôi. Các giảng viên tặng tôi một bộ ấm chén. Sinh viên hát một bài cầu nguyện cho tôi được sống lâu.
“Thưa ngài, chúng tôi hy vọng sinh nhật lần sau sẽ có thêm bà giám đốc trong trường,” Suresh, một sinh viên năm thứ nhất láu cá, tuyên bố trước mặt mọi người và làm nổ ra một tràng pháo tay rầm rộ tán thưởng. Tôi cười và xem đồng hồ. Hai giờ. Tôi chắp tay cảm ơn tất cả mọi người.
Tôi ra khỏi tòa nhà chính và đi bộ về nhà.
Chúc mừng sinh nhật! Aarti nhắn tin cho tôi.
Em ở đâu? Tôi hỏi.
Ca hai mới bắt đầu thôi. ^.^ Nàng trả lời.
Vinod gọi điện cho tôi lúc hai giờ mười lăm. Tim tôi đập nhanh.
“Chào,” tôi căng thẳng nói.
“Mấy con bé đi chiếc Tata Indica trắng. Chúng đang trên xa lộ, năm phút nữa sẽ đến trường.”
“Tôi sẽ báo với bảo vệ,” tôi nói.
“Anh trả tiền mặt chứ?”
“Được. Sao vậy, anh nhận thẻ tín dụng cơ mà?” tôi nói.
“Chúng tôi có nhận, nếu là người nước ngoài. Nhưng tiền mặt vẫn là tốt nhất,” Vinod nói.
Tôi bảo người giúp việc về khu của họ và không làm phiền tôi trong bốn giờ tới. Tôi gọi cho bảo vệ nhắc họ để cho chiếc Indica trắng vào. Tôi còn bảo họ báo tôi biết nếu có người nào khác đến gặp tôi.
Chuông cửa reo quá sớm. Tôi mở cửa trước và nhìn thấy một người đàn ông kinh dị. Hai cô gái đứng sau anh ta. Một cô mặc quần jean và cái áo nilon rẻ tiền in da báo loang lổ. Cô kia mặc áo khoác ren tím và quần nâu. Tôi có thể thấy rõ ràng là họ không được thoải mái khi mặc đồ tây. Có lẽ việc đó giúp họ được giá hơn.
Người đàn ông kinh dị mặc áo sơ mi xanh dương bóng nhoáng và quần dài trắng.
“Các em này được chứ?” anh ta hỏi tôi, thẳng thắn kiểu đàn ông.
Tôi nhìn mặt các cô gái. Trang điểm quá đậm cho buổi chiều sớm. Tuy nhiên tôi không có nhiều lựa chọn.
“Được,” tôi nói.
“Thanh toán luôn chứ?”
Tôi đã có sẵn tiền trong túi. Tôi đưa cho anh ta cuộn giấy bạc.
“Tôi sẽ đợi ngoài xe,” anh ta nói.
“Làm ơn đợi bên ngoài,” tôi nói. Người đàn ông kinh dị bỏ đi. Tôi gật đầu ra hiệu cho hai cô gái đi theo mình. Khi vào trong tôi ngồi xuống ghế xô pha.
“Em là Roshni. Anh là khách hàng à?” cô gái mặc áo da báo nói. Cô ta có vẻ tự tin hơn trong hai người.
“Phải,” tôi nói.
“Của cả hai chúng em à?” Roshni nói.
“Phải,” tôi nói.
Roshni bóp vai tôi.
“Khỏe quá,” cô ta nói.
“Em kia tên gì?” tôi hỏi.
“Pooja,” cô gái mặc bộ đồ ren tím gớm guốc nói.
“Không phải tên thật đúng không?” tôi hỏi.
Roshni và Pooja, hoặc những cô gái tự gọi mình vậy, cười khúc khích.
“Không sao cả,” tôi nói.
Roshni nhìn quanh. “Mình làm ở đâu đây?”
“Lên gác, trong phòng ngủ,” tôi nói.
“Thế đi thôi,” Roshni nói, rất tập trung vào công việc.
“Sao vội thế?” tôi hỏi.
Pooja ít lời hơn nhưng luôn có nụ cười thường trực trong lúc chờ lệnh làm gì tiếp.
“Sao phải chờ?” Roshni nói.
“Anh đã trả tiền cả buổi chiều. Ta sẽ lên gác khi đến lúc,” tôi nói.
“Thế thì bọn em làm gì từ giờ đến lúc ấy?” Roshni nói, giọng hơi gây gổ.
“Ngồi xuống,” tôi nói.
“Bọn em xem ti vi được không?” Pooja ngoan ngoãn hỏi. Cô ta chỉ màn hình ti vi. Tôi đưa điều khiển cho cô ta. Họ chuyển sang kênh truyền hình cáp đang chiếu Maine Pyaar Kiya của Salman Khan. Chúng tôi ngồi và cùng yên lặng xem phim. Nhân vật nữ nói với nhân vật nam rằng tình bạn là “không xin lỗi, không cảm ơn,” chả hiểu có ý nghĩa gì. Sau một lúc, nhân vật nữ bắt đầu hát, nhắn nhủ chim bồ câu đưa thư tới cho nhân vật nam chính. Roshni bắt đầu ậm ừ theo nhịp.
“Làm ơn đừng có hát,” tôi nói.
Roshni có vẻ giận, nhưng tôi không quan tâm. Tôi không thuê cô ta để hát.
“Mình cứ ngồi đây suốt à?” Roshni hỏi lúc ba rưỡi.
“Không sao đâu, bà chị,” Pooja nói, rõ ràng là rất mê Salman. Tôi ngạc nhiên khi thấy Pooja gọi đồng nghiệp của mình là chị, nếu tính đến chuyện sắp tới họ sẽ phải làm gì.
Phim hết lúc bốn giờ chiều.
“Giờ sao?” Roshni hỏi.
“Chuyển kênh đi,” tôi đề nghị.
Điện thoại cố định đổ chuông lúc bốn rưỡi. Tôi chạy ra nghe.
“Thưa ông, là nhân viên bảo vệ Raju đây ạ. Có một quý cô muốn gặp ông,” anh ta nói.
“Cô ấy tên là gì?” tôi nói.
“Cô ấy không nói thưa ông. Cô ấy cầm theo mấy cái gói.”
“Hai phút nữa cho cô ấy vào,” tôi nói. Tôi tính rằng nàng sẽ tới đây sau năm phút.
Tôi chạy ra mở cổng chính và cửa trước. Tôi quay sang mấy cô gái.
“Lên nhà thôi,” tôi nói.
“Gì cơ? Anh hứng lên rồi à?” Roshni cười khúc khích.
“Đi ngay đi!” tôi búng ngón tay. “Em nữa, Pooja, hay gì cũng được.”
Các cô gái nhảy dựng lên, bị sốc vì giọng điệu của tôi. Ba người chúng tôi đi lên cầu thang. Chúng tôi vào phòng ngủ, lên giường.
“Rồi, chuyện này làm như thế nào?” tôi hỏi.
“Cái gì?” Roshni nói. “Lần đầu của anh à?”
“Nói ít thôi, làm đi,” tôi nói. “Đầu tiên các cô làm gì?”
Roshni và Pooja nhìn nhau, cười thầm tôi.
“Cởi quần áo anh ra,” Roshni nói.
Tôi cởi áo sơ mi.
“Các em nữa,” tôi nói với cả hai người. Họ chần chừ một giây vì tôi để cửa phòng hé mở.
“Nhà không có ai đâu,” tôi nói.
Các cô gái cởi quần áo. Tôi quá căng thẳng để nhận biết chi tiết. Roshni rõ ràng là có thân hình nặng nề, nảy nở hơn. Thân hình nhỏ bé của Pooja khiến cô ta trông như thiếu dinh dưỡng.
“Lên giường đi,” tôi ra lệnh.
Cả hai, ngạc nhiên vì giọng điệu không thắm thiết lắm của tôi, bò vào giường như hai con mèo hoảng sợ.
“Anh muốn chúng em làm chuyện đó à?” Roshni hỏi, cố nắm tình hình. “Trò gái đồng tính à?”
“Chờ đã,” tôi nói. Tôi chạy đến cửa sổ phòng ngủ. Tôi thấy chiếc xe Ambassador trắng có đèn đỏ đỗ bên ngoài. Aarti bước ra và bấm chuông một lần. Khi không thấy ai trả lời, nàng bước vào bãi cỏ. Nàng cầm một cuốn sổ lưu niệm to và một cái hộp từ quầy bánh của Ramada. Nàng vào nhà và biến mất khỏi tầm nhìn của tôi.
40
“Anh là một khách hàng rất lạ,” Roshni nhận xét.
“Suỵt!” tôi nói trong lúc trườn vào giữa hai người phụ nữ trần truồng.
Roshi nhanh chóng bắt đầu hôn cổ tôi trong khi Pooja cúi người cởi thắt lưng tôi.
Tôi bắt đầu đếm nhịp thở. Đến nhịp thở ra thứ năm mươi tôi nghe tiếng bước chân. Bây giờ các cô gái đã thiện nghệ tháo được thắt lưng tôi và chuyển sang cởi quần. Đến hơi hít vào thứ sáu mươi thì tôi nghe tiếng gõ cửa. Đến hơi thở ra thứ sáu mươi lăm của mình tôi nghe tiếng ba người phụ nữ thét lên cùng một lúc.
“Chúc mừ... Ôi Chúa ơi!” giọng Aarti vang khắp căn phòng.
Roshni và Pooja há hốc vì sợ hãi và che mặt bằng khăn trải giường. Tôi ngồi trên giường, tỏ ra ngạc nhiên một cách thích hợp. Aarti đờ người. Các cô gái gọi, được chuẩn bị tốt hơn cho tình huống này, chạy vội vào phòng tắm.
“Gopal!” giọng Aarti lạc đi vì không tin.
“Aarti!” tôi nói và ra khỏi giường. Trong khi tôi cài cúc quần và mặc áo, Aarti lao ra khỏi phòng.
Tôi theo nàng xuống cầu thang. Nàng chạy xuống rất nhanh, đánh rơi món quà nặng nề giữa đường. Tôi tránh cái hộp bánh và cuốn sổ lưu niệm để với tới nàng. Tôi nắm được khuỷu tay nàng lúc nàng đã gần đến cửa chính.
“Bỏ tay em ra,” Aarti nói, môi gần như mím chặt.
“Để anh giải thích, Aarti,” tôi nói.
“Em bảo là đừng có động vào em,” nàng nói.
“Không phải như em nghĩ đâu,” tôi nói.
“Không thì là cái gì vậy? Em đến để làm anh ngạc nhiên và em thấy anh như thế. Ai biết được... Em chưa bao giờ thấy bất cứ cái gì, bất cứ cái gì, kinh tởm như thế trong đời mình.” Aarti nói và dừng lại. Nàng lắc đầu. Không thể diễn tả bằng lời nói.
Nàng bật khóc.
“Ủy viên Hội đồng Shukla gửi họ đến. Quà sinh nhật.” Tôi nói.
Nàng nhìn tôi lần nữa, vẫn lắc đầu, như thể nàng không tin những gì vừa nghe hay nhìn thấy.
“Đừng nặng nề quá thế. Người giàu có vẫn làm thế mà,” tôi nói.
Chát!
Nàng tát mạnh vào mặt tôi. Đau hơn cả cái tát, sự thất vọng trong mắt nàng làm tôi đau hơn nhiều.
“Aarti, em làm gì thế?”
Nàng không nói gì, chỉ tát tôi lần nữa. Tay tôi đưa lên má theo phản xạ. Trong ba giây nàng ra khỏi nhà tôi. Mười giây sau, tôi nghe tiếng sập cửa xe. Mười lăm giây sau, xe nàng rời hiên nhà tôi.
Tôi rơi xuống xô pha. Hai đầu gối tôi trở nên vô dụng.
Pooja và Roshni, đã mặc đầy đủ quần áo, từng người một đi xuống. Pooja nhặt hộp bánh và cuốn sổ lưu niệm trên bậc cầu thang. Cô ta đặt nó trên bàn trước mặt tôi.
“Anh chẳng làm gì với chúng em, sao còn gọi thêm em thứ ba nữa làm gì?” Roshni muốn biết.
“Về đi," tôi nói với họ, thấp giọng.
Họ gọi tay bảo kê kinh dị của mình. Vài phút sau tôi chỉ còn một mình trong nhà.
Tôi ngồi đó hai tiếng đồng hồ, cho tới khi bên ngoài tối dần. Người giúp việc quay lại và bật đèn. Thấy tôi ngồi đó, họ không làm phiền tôi.
Bìa cuốn sổ lưu niệm lấp lánh tỏa sáng dưới ánh đèn. Tôi nhặt nó lên.
“Câu chuyện về một cậu bé nghịch ngợm và một cô bé không nghịch ngợm lắm,” dòng chữ viết tay màu trắng trên bìa đen. Trên đó có một cậu bé và một cô bé đang cười, cả hai đều nháy mắt.
Tôi mở cuốn sổ lưu niệm.
“Ngày xửa ngày xưa, có một cậu bé nghịch ngợm lấy trộm bánh sinh nhật của một cô bé ngoan,” trang đầu tiên viết. Trên đó vẽ nguệch ngoạc một giáo viên đang mắng tôi và nàng, Aarti, đang khóc.
Tôi lật trang.
“Nhưng rồi cậu bé nghịch ngợm thành bạn của cô bé ngoan. Sau đó, sinh nhật nào của cô cậu cũng đến,” dòng chữ viết. Phần còn lại của cuốn sổ là những bức ảnh từ bảy lần sinh nhật của nàng mà tôi tham dự, từ lần thứ mười đến lần thứ mười sáu. Tôi thấy nàng và tôi đã lớn lên thế nào qua năm tháng. Sinh nhật nào nàng cũng có ít nhất một bức ảnh chụp riêng tôi và nàng.
Ngoài ra, Aarti còn tỉ mẩn thu thập những đồ lưu niệm thời phổ thông. Nàng có thời khóa biểu năm lớp bảy, trên đó nàng vẽ thêm sừng cho các giờ toán. Nàng có vé đến buổi dạ hội trường năm lớp chín. Nàng dán tờ hóa đơn nhà hàng mà chúng tôi cùng nhau đi ăn lần đầu tiên năm lớp mười. Nàng xé một trang giấy từ cuốn vở nháp của nàng, năm lớp tám, trên đó nàng viết tên tôi là người bạn thân nhất. Nàng hoàn thành cuốn sổ lưu niệm với những lời sau:
“Cuộc đời là một hành trình thật tuyệt vời khi có anh. Em mong chờ tương lai với anh - tri kỷ của em. Chúc mừng sinh nhật, Gopal!”
Tôi đã xem hết. Trên bìa sau nàng viết hai chữ cái “G&A” to thật đẹp.
Tôi muốn gọi điện cho nàng, đó là phản xạ đầu tiên của tôi. Tôi muốn nói với nàng rằng món quà của nàng thật tuyệt vời. Nàng có lẽ đã phải mất vài tuần để làm...
Cái bánh sô cô la hơi bị méo mó một chút, nhưng tôi vẫn đọc được dòng chữ:
“Bị đánh cắp: bánh của em rồi đến trái tim em,” được viết bằng bột đường trắng, bên dưới là dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật, Gopal!”
Tôi đẩy hộp bánh ra chỗ khác. Đồng hồ điểm mười hai giờ.
“Ngày sinh nhật của mi hết rồi, Gopal,” tôi nói to với chính mình, người duy nhất trong phòng.
Cho dù đã tự hứa với mình là không gọi, nhưng tôi vẫn gọi điện cho Aarti vào ngày hôm sau. Tuy nhiên nàng không nhấc máy.
Tôi thử lại vài lần suốt tuần, nhưng nàng không trả lời. Một lần nàng nhấc máy nhầm.
“Em thế nào?” tôi hỏi.
“Làm ơn đừng gọi cho em nữa,” nàng nói.
“Anh đang cố gắng đây.”
“Thế thì cố gắng nữa lên,” nàng nói và dập máy.
Tôi không nói dối. Tôi đang cố hết sức để không nghĩ tới nàng nữa. Tuy nhiên tôi vẫn còn vài thứ cần làm để thực hiện kế hoạch của mình.
Tôi gọi điện cho Ashok, chủ bút tờ Dainik.
“Anh Gopal Mishra?” ông ta nói.
“Tờ báo làm ăn thế nào?” tôi hỏi.
“Tốt. Tôi thấy anh đang đặt nhiều quảng cáo ở chỗ chúng tôi. Rất cảm ơn anh.”
“Tôi muốn nhờ anh một việc,” tôi nói với người chủ bút.
“Gì vậy?” ông ta hỏi, băn khoăn không biết tôi có nhờ chặn một câu chuyện nào không.
“Tôi muốn các ông nhận một người,” tôi nói. “Cậu ta giỏi đấy.
“Ai vậy?”
“Raghav Kashyap.”
“Phóng viên thực tập bị chúng tôi đuổi ấy à?” ông ta nói. “Ủy viên Hội đồng Shukla của anh bắt chúng tôi đuổi cậu ta mà.”
“Đúng rồi, nhận cậu ta lại đi.”
“Vì sao? Cậu ta cũng mở tờ báo riêng rồi. Cậu ta còn đăng câu chuyện lớn về Nhà máy Dimnapura cơ mà. Xin lỗi anh, chúng tôi phải đăng nó. Ai cũng phải đăng cả.”
“Không sao,” tôi nói. “Các ông có thể nhận cậu ta vào lại không? Đừng nhắc đến tên tôi.”
Người chủ bút suy tính. “Tôi có thể. Nhưng cậu ta là một tay gây rối. Tôi không muốn anh lại giận dữ lần nữa.”
“Để cậu ta tránh xa ngành giáo dục ra. Mà chính ra là giữ cho cậu ta cách xa các vụ rắc rối một thời gian.”
“Tôi sẽ cố,” người chủ bút nói. “Nhưng liệu cậu ta có tham gia không? Cậu ta có báo riêng cơ mà?”
“Báo của cậu ta tan rồi. Cậu ta đang thất nghiệp,” tôi nói.
“Được rồi. Tôi sẽ gọi cho cậu ta,” chủ bút nói.
“Tôi nợ ông một việc. Hãy dành trang đầu cho Cao đẳng Kỹ thuật Ganga vào Chủ nhật tới nhé,” tôi nói.
“Cảm ơn anh, tôi sẽ nói với bên tiếp thị.”
Một tuần sau sinh nhật tôi, Bedi đến văn phòng tôi với hai nhân viên tư vấn khác. Họ đề xuất tôi mở ngành quản lý. Trưởng khoa Shrivastava cũng đến.
“Nhu cầu học MBA đang rất lớn. Tuy nhiên đấy là chương trình sau đại học. Vậy sao không đề xuất thứ gì đấy trước đó nhỉ?” Bedi nói. Nhân viên tư vấn cho tôi xem một bài thuyết trình trên máy tính của họ. Bài thuyết trình có phân tích chi phí - lợi ích, so sánh phí chúng tôi có thể thu được so với chi phí dành cho giảng viên.
“Đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh là hay nhất. Anh có thể thu nhiều như ngành đào tạo kỹ sư, nhưng không cần cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm,” một nhân viên tư vấn nói.
“Giảng viên thì cũng dễ thôi. Nhận bất cứ ai có bằng thạc sĩ thương mại hoặc kế toán viên giám định, họ bây giờ thì sẵn lắm,” người kia nói.
Tôi lảng đi. Tôi không còn quan tâm đến việc mở rộng trường nữa. Tôi thấy việc chúng tôi kiếm thêm mỗi năm chục triệu nữa chẳng có ý nghĩa gì. Tôi thậm chí còn chẳng muốn ở trong văn phòng.
“Thú vị đấy, phải không?” Bedi nói.
“Hả? Chúng ta có thể bàn việc này lúc khác được không?” tôi nói.
“Tại sao?” Bedi hỏi. Nhưng sau đó anh ta nhìn thấy khuôn mặt ủ ê của tôi. “Phải, tôi sẽ đến sau,” anh ta đồng ý. “Hãy gặp nhau tuần sau. Hoặc bất cứ lúc nào anh có thời gian.”
Bedi và người của anh ta ra khỏi phòng.
“Giám đốc Gopal, anh không khỏe à?” trưởng khoa hỏi.
“Tôi ổn,” tôi nói.
“Xin lỗi phải nói, nhưng tuần này trông anh không ổn. Không phải việc của tôi, nhưng tôi lớn tuổi hơn. Tôi có thể giúp gì được anh không?”
“Chuyện riêng ấy mà,” tôi nói, giọng kiên quyết.
“Anh phải lấy vợ đi Giám đốc. Cậu sinh viên ấy đúng đấy,” ông ta cười.
“Ta xong chưa?” tôi nói.
Câu nói cắt đứt nụ cười của ông ta. Ngay tức khắc ông ta đứng dậy và ra về.
Di động của tôi bíp. Tôi nhận được tin nhắn từ Sailesh, giám đốc tiếp thị của Dainik:
Raghav đã nhận lời đề nghị. Ngày mai sẽ đi làm.
Tuyệt vời, cảm ơn nhiều, tôi trả lời.
Hy vọng sự hợp tác của chúng ta sẽ vững mạnh hơn nữa. Cảm ơn anh vì đã đăng ký số Chủ nhật, Sailesh nhắn lại.
41
Chiếc Mercedes đen tới tòa soạn của Dainik tạo ra một cơn xôn xao nhẹ trong đám nhân viên bảo vệ. Những chiếc xe lớn luôn tạo ra sự chú ý. Tôi bước ra và đeo cặp kính mát mới lên. Tôi đi tới chỗ nhân viên tiếp tân trong sảnh.
“Tôi đến gặp Raghav Kashyap,” tôi nói và đưa cho cô ta danh thiếp của mình.
Cô tiếp tân không tìm được cậu ta. Sailesh nhìn thấy tôi từ tầng trên bèn chạy xuống cầu thang.
“Anh Gopal à? Anh phải báo trước cho tôi chứ. Anh tới có việc gì thế?”
“Tôi muốn gặp Raghav,” tôi nói.
“Ồ, chắc chắn rồi,” anh ta nói, “làm ơn đi theo tôi.”
Chúng tôi đi tới chỗ Raghav ngồi làm việc. Một nhân viên IT đang bò dưới gầm bàn, cài đặt máy tính cho cậu ta. Raghav cũng cúi xuống để kiểm tra kết nối.
“Cậu lại về đây làm việc à?” tôi hỏi.
Raghav quay lại. “Gopal?” cậu ta nói và đứng dậy.
“Tớ đến phòng tiếp thị thì thấy cậu.” Tôi quay lại Sailesh. “Cảm ơn anh, Sailesh.”
“Không có gì,” Sailesh nói. “Gặp anh sau, anh Gopal.”
Sau khi anh ta đi khỏi, Raghav nói, “Lạ thật. Chủ bút tự gọi điện cho tớ. Đằng nào thì tớ cũng không có tiền. Tớ sẽ đi làm lại cho tới khi có đủ tiền để mở lại tờ Cách mạng 2020”.
“Bọn mình đi uống trà được chứ?” tôi nói.
“Chắc chắn rồi!” cậu ta đáp.
Chúng tôi đi ra căng tin nhân viên ở tầng hai. Các số báo cũ được đóng khung trang trí các bức tường. Vài chục phóng viên ngồi cùng máy ghi âm và sổ ghi chép, ăn bữa tối. Tôi có thể thấy Raghav không thoải mái lắm.
“Tớ quen làm việc ở văn phòng nhỏ rồi, Dainik thì khổng lồ,” cậu ta nói. Cậu ta mua hai đĩa bánh gối và trà. Tôi đề nghị trả tiền nhưng cậu ta từ chối.
“Cảm giác như mình chẳng là gì cả, phải không?” tôi nói.
“Không chỉ thế thôi đâu. Những gì vẫn làm ở Cách mạng 2020 tớ không thể làm được ở đây.”
Những thứ cậu làm ở tờ báo của cậu, tôi muốn nói với cậu ta, chính là nguyên nhân khiến nó phá sản quá sớm. Tuy nhiên tôi đến đây không phải là để hạ thấp cậu ta.
“Việc cũng được đấy chứ. Với lại cậu cũng thích làm báo mà,” tôi nói.
“Thế tớ mới nhận việc này. Đang trong giai đoạn thử việc sáu tháng.”
“Chỉ sáu tháng thôi sao?”
“Họ muốn tớ biên tập bài của những người khác. Chức danh nghe có vẻ cao hơn, nhưng tớ thích làm phóng viên. Cứ để xem.”
“Có việc thì mới sống được. Và dĩ nhiên là có việc sẽ tốt hơn nếu cậu muốn lấy vợ,” tôi nói.
Raghav cười. Chúng tôi đã nhiều năm không nói chuyện riêng tư. Tuy nhiên cậu ta không nghi ngờ thiện chí của tôi. Đó chính là điều đặc biệt của Raghav. Cậu ta có thể bới móc ra những mưu đồ bất lương nhất, nhưng ở một mức độ khác, cậu ta rất dễ tin người.
“Ai sắp lấy vợ thế?” Raghav nói, vẫn cười.
“Cậu và Aarti. Chẳng phải như thế sao?” tôi nói. Tôi tự nhắc mình phải tươi cười khi nói vậy.
Raghav nhìn tôi. Tôi chưa bao giờ nói chuyện Aarti với cậu ta. Thực sự thì, tôi chưa nói bất cứ chuyện gì với cậu ta nhiều năm nay.
“Tớ hy vọng tớ có thể nói chuyện với cậu như với một người bạn? Chúng ta đã từng là bạn bè, phải không?” tôi nói. Tôi cắn một miếng bánh gối và thấy nó cay khủng khiếp.
Raghav thở dài gật đầu. “Mọi thứ giữa tớ và Aarti không ổn lắm.”
“Thật ư?” tôi giả vờ ngạc nhiên.
“Mấy tuần rồi tớ không nói chuyện với cô ấy.”
“Có chuyện gì?” tôi hỏi.
Raghav rưới tương cà chua lên bánh gối.
“Là lỗi của tớ. Khi tờ báo bắt đầu tớ đã không dành đủ thời gian cho cô ấy. Sau đó thì bọn tớ trôi xa nhau dần. Mấy tháng gần đây trông cô ấy có vẻ xa cách,” Raghav nói.
“Các cậu có nói với nhau về chuyện này không?” tôi hỏi.
“Chúng tớ cũng đã định, nhưng vẫn chưa,” cậu ta nói.
“Cô ấy yêu cậu lắm đấy,” tôi nói.
“Tớ không biết,” Raghav nói. Cậu ta xoay xoay cái bánh trong nước chấm nhưng không ăn.
“Thật đấy. Tớ biết cô ấy từ hồi bé, Raghav ạ. Cậu là mọi thứ với cô ấy.”
Raghav có vẻ ngạc nhiên. “Thật ư?”
“Cô ấy vẫn muốn lấy cậu, không phải sao?”
“Không đúng lúc lắm. Nhìn tớ mà xem, sự nghiệp của tớ đã có gì đâu,” Raghav nói.
“Sự nghiệp của cậu khác với người khác. Cậu không thể đo nó bằng tiền. Bằng việc giúp đỡ người khác, cậu đã làm rất tốt.”
“Việc ấy tớ cũng làm hỏng,” Raghav nói.
“Cậu ổn. Cậu là biên tập viên của một tờ báo lớn. Và nếu cậu lấy Aarti, cậu còn có thể tiến xa.”
“Ý cậu là gì?”
“Cậu biết gia đình Aarti đang chịu áp lực phải vào chính trường chứ?” tôi hỏi.
Raghav im lặng.
“Cậu biết, đúng không?”
“Tớ có nghe,” cậu ta lẩm bẩm.
“Bố Aarti thì không thể, còn Aarti thì sẽ không tham gia. Có thể là con rể chăng?”
Raghav ngẩng đầu, vẻ ngạc nhiên. “Xem cậu nghĩ gì kia!”
Tôi đảo mắt. “Tớ không thông minh. Thế nên tớ phải có cách khác bù lại.”
“Cậu mà không thông minh?” cậu ta nói.
“Cậu yêu cô ấy chứ?” tôi hỏi.
“Chuyện giữa chúng tớ không ổn lắm,” cậu ta thừa nhận.
“Cậu có thể xử lý mà, tớ tin chắc. Cậu đã hấp dẫn cô ấy ngay từ ngày đầu mà,” tôi nói.
Raghav cười ngượng ngùng.
“Đừng gọi cho cô ấy. Đến khách sạn mà gặp. Nghỉ hẳn một ngày cho cô ấy. Đó là điều cô ấy muốn, thời gian và sự quan tâm của cậu. Cô ấy sẽ hoàn trả tình yêu cho cậu gấp mười lần,” tôi nói, mắt nhìn chỗ khác.
Raghav yên lặng.
“Hãy hứa với tớ là cậu sẽ đi,” tôi nói và chìa tay.
Cậu ta bắt tay tôi và gật đầu. Tôi đứng dậy ra về. Tôi nhắc lại lời của ngài Shukla: “Cuộc đời có thể không cho cậu một cơ hội hai lần đâu.”
Raghav tiễn tôi ra xe. Cậu ta gần như không để ý cái xe. “Sao cậu lại làm việc này cho tớ?” cậu ta hỏi.
Tôi vào xe. Tôi hạ cửa sổ. “Aarti là bạn bè từ nhỏ. Ngoài ra...”
“Ngoài ra cái gì?” Raghav nói.
“Ai cũng phải làm phần việc của mình,” tôi nói khi lái xe đưa tôi đi.
Sau lần đó tôi không còn giữ liên lạc với Raghav nữa. Cậu ta gọi tôi nhiều lần. Tôi hoặc không nhấc máy, hoặc giả vờ bận. Một trong những lần mà tôi nhấc máy, Raghav nói với tôi rằng cậu ta và Aarti đã bắt đầu nói chuyện lại với nhau. Tôi bảo cậu ta là mình đang tiếp thanh tra ở văn phòng và gác máy.
Tôi thề trước hương hồn bố rằng tôi sẽ không bao giờ gọi cho Aarti nữa. Nàng cũng không gọi tôi, trừ một cuộc gọi nhỡ duy nhất vào một buổi sáng sớm, lúc hai giờ. Tôi gọi lại cho nàng, vì xét cho cùng, tôi không phải là người chủ động gọi. Nàng không nhấc máy.
Những rắc rối của các cuộc gọi nhỡ và gọi lại giữa đàn ông và đàn bà xứng đáng có hướng dẫn sử dụng riêng. Tôi đoán là nàng đã gọi điện vào một lúc yếu đuối, vì thế tôi để nàng yên.
Tôi mời những tay tư vấn chán ngắt quay lại để bàn về chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh. Kế hoạch của họ rất có lý. Chúng tôi bắt đầu quá trình mở rộng sang ngành kinh doanh. Lại có thêm một số quan chức chính phủ sẽ phê duyệt kế hoạch của chúng tôi, đồng nghĩa sẽ lại có thêm vài đôi bàn tay cần được nhận đút lót. Chúng tôi biết ngành kinh doanh sẽ có lãi. Hằng năm sẽ có hàng triệu đứa trẻ bị kiểm tra, từ chối và quẳng ra khỏi hệ thống giáo dục. Chúng tôi phải chuẩn bị chài lưới sẵn sàng để bắt được chúng.
Tôi dành nhiều thời gian hơn với các giảng viên của trường, thường mời họ về nhà vào các buổi tối. Họ làm việc dưới trướng tôi, vì thế họ cười ủng hộ những câu chuyện cười của tôi và khen tôi cứ mười phút một lần. Tôi không thể gọi họ là bạn bè, nhưng ít nhất họ cũng lấp đầy không gian trống trải trong nhà.
Ba tháng đã qua, chúng tôi khai trương chương trình đào tạo cử nhân quản trị kinh doanh, được quảng bá thích hợp, chúng tôi đã kín chỗ chỉ trong vài tuần. Tôi rất ít khi rời khuôn viên trường, chỉ thỉnh thoảng đi gặp các quan chức. Trong lúc đó, vụ án chống lại ngài Shukla trở nên phức tạp hơn. Ông ta nói với tôi rằng việc xét xử có thể mất nhiều năm. Ông ta tìm cách để được bảo lãnh nhưng tòa án đã từ chối. Ngài Shukla cảm thấy Thống đốc đã phản bội ông ta, cho dù đảng đã ướm lời là ông ta sẽ được tha nếu từ bỏ chính trường. Tôi đến thăm ông ta hằng tháng, với một bản sao các tài khoản của Quỹ tín thác trường Ganga.
Một ngày, Raghav gọi tôi khi tôi đang ở nhà. Tôi không nhấc máy. Raghav tiếp tục gọi. Tôi tắt chuông điện thoại và để nó bên cạnh.
Cậu ta gửi tôi một tin nhắn: Cậu ở đâu thế Gopal, gọi không được.
Đầu tiên tôi không trả lời. Tôi băn khoăn liệu chuyện cậu ta gọi liên tục như thế có ẩn chứa rắc rối gì không, như kiểu cậu ta vừa phát hiện ra một mưu đồ khác hay gì đó.
Tôi nhắn lại: Đang họp. Chuyện gì vậy?
Câu trả lời của cậu ta như tàu cao tốc đâm sầm vào tôi.
Aarti và tớ sắp đính hôn. Muốn mời cậu tới dự tiệc thứ Bảy tới.
Tôi không thể thôi nhìn tin nhắn đó. Tôi đã muốn chuyện đó xảy ra. Nhưng, vẫn đau như cắt.
Tiếc quá, tớ không ở nhà. Nhưng chúc mừng!!! Tôi gửi tin trả lời, tự hỏi không hiểu mình có đặt quá nhiều dấu chấm than không.
Raghav lại gọi cho tôi. Tôi lờ cuộc gọi của cậu ta đi. Cậu ta gọi lại hai lần nữa, cho tới khi tôi cuối cùng cũng nhấc máy.
“Sao cậu không dự buổi đính hôn của chúng tớ được?” cậu ta hỏi.
“Này, tớ đang họp giảng viên,” tôi nói.
“Xin lỗi. Nghe này, cậu phải đến đấy.”
“Tớ chịu. Tớ đi Singapore để tìm cơ hội liên doanh.”
“Gì cơ, Gopal? Mà tại sao cậu không bao giờ gọi lại? Cả Aarti cũng nói cậu quá bận rộn mỗi khi tớ hỏi về cậu.”
“Tớ thực sự xin lỗi. Tớ bận lắm. Bọn tớ sẽ tăng gấp đôi chỉ tiêu tuyển sinh trong hai năm tới,” tôi nói.
“Cậu sẽ vắng mặt trong buổi đính hôn của người bạn thân nhất ư? Cô ấy sẽ không giận chứ?”
“Xin lỗi cô ấy hộ tớ,” tôi nói.
Raghav thở dài. “Được rồi, tớ sẽ nói. Nhưng đám cưới của chúng tớ sẽ tổ chức sau hai tháng nữa. Mồng một tháng Ba. Làm ơn ở nhà lúc đó nhé.”
“Tất nhiên rồi, tớ sẽ ở nhà,” tôi nói và khoanh tròn đánh dấu ngày trên tờ lịch.
Như một phản xạ, tôi soạn tin nhắn “Chúc mừng!” và gửi cho Aarti. Nàng không trả lời.
Tôi nhìn quanh ngôi nhà lớn, trống trải như tâm hồn tôi.
42
Mồng một tháng Ba, tôi đặt một phòng ở Taj Ganga. Căn phòng trên tầng bốn có một ban công nhỏ, nhìn ra bể bơi và bãi cỏ của khách sạn. Tôi đã lấy thẻ SIM khỏi điện thoại di động hai ngày trước. Tôi nói với nhân viên của mình rằng tôi có việc phải đi khỏi thành phố. Tôi ở trong phòng mình cả ngày. Tôi ra ban công vào lúc tám giờ tối. Trong ánh sáng nhạt nhòa của buổi chạng vạng, tôi đọc tấm thiệp lần nữa.
Ông bà Anil Kashyap
Trân trọng kính mời anh
Đến dự lễ kết hôn của quý tử
Raghav
Aarti
(con gái ông bà Pratap Brji Pradhan, Chánh án)
Vào hồi 8 giờ tối
Ngày 1/3/2010
Tại vườn Poolsides,
Khách sạn Taj Ganga, Varanasi
Tôi có thể nhìn thấy phòng cưới dưới cầu thang. Cả khu vườn được trang hoàng kín đèn hoa. Khách khứa bắt đầu đến. Ở một góc, DJ đang chuẩn bị sàn nhảy và kiểm tra âm nhạc. Một bên thảm cỏ là quầy thức ăn. Bọn trẻ nhảy nhót trên hai cái ghế trang trí đáng ra để dành cho cô dâu và chú rể trên một sân khấu nhỏ. Tòa lâu đài mô phỏng, nơi đám cưới thực sự diễn ra được phủ kín cúc vạn thọ.
Tôi đứng đó trong im lặng, lắng nghe tiếng kèn shehnai* vọng lờ mờ lên tầng bốn.
Đoàn đưa rể đến lúc chín giờ tối. Raghav ngồi trên một con ngựa. DJ vặn to nhạc. Tôi nhìn từ trên xuống những người họ hàng của Raghav nhảy múa phía trước con ngựa. Raghav mặc bộ đồ bandhgala*. Mặc dù tôi không muốn công nhận nhưng phải nói là cậu ta thật đẹp trai, kể cả khi nhìn từ xa thế này. Tôi có thể mặc đồ đắt tiền hơn nhưng vẫn không thể trông vương giả như thế được. Tôi tự xỉ vả mình vì lại so sánh.
Aarti đến đám cưới lúc chín rưỡi. Nàng từ từ đi lên sân khấu. Những tiếng xuýt xoa thán phục lan khắp đám đông khi họ nhìn thấy cô dâu đẹp nhất họ từng được chiêm ngưỡng trong đời.
Nàng nhìn tựa một thiên thần, trong bộ lehnga* trắng ngà đính kim tuyến bạc. Và dù tôi không dùng ống nhòm tôi cũng có thể nói rằng trông nàng hoàn hảo. Trong buổi lễ, những người anh em họ vây quanh Raghav và Aarti. Họ nâng hai người lên, làm họ vất vả mới đeo được vòng hoa cho nhau.
Sau lễ trao vòng hoa thì tôi không còn chịu đựng được nữa. Tôi đã muốn nhìn thấy Aarti làm cô dâu, nhưng tôi không cần phải xem trực tiếp toàn bộ lễ kết hôn.
Tôi quay về phòng, đóng cửa và kéo rèm. Tôi bật tiếng ti vi hết cỡ để át đi âm thanh tràn vào từ bên ngoài.
Tôi lắp SIM vào điện thoại. Hết tin nhắn nọ đến tin nhắn kia nhảy lên khi chiếc điện thoại thở hơi đầu tiên sau nhiều ngày.
Tôi nhận được bốn mươi tin nhắn từ các giảng viên, mười trong số đó là của trưởng khoa. Hầu hết tin nhắn nói về các vấn đề của trường. Raghav gửi cho tôi năm tin nhắn, hỏi xem tôi đã nhận được thiệp mời chưa. Tôi không đếm hết có bao nhiêu cuộc gọi nhỡ từ cậu ta. Một tin nhắn làm tôi giật mình nhất. Từ Aarti. Tin nhắn viết: Đến đi. Nếu anh thực sự muốn.
Tôi nghĩ đến việc trả lời, nhưng nhớ ra rằng nàng sẽ không dùng điện thoại trên sân khấu.
Tôi gọi cho trưởng khoa.
“Anh ở đâu thế, giám đốc Gopal?” trưởng khoa nói lạc giọng. “Chúng tôi lo quá.”
“Trưởng khoa Shrivastava... Trưởng khoa Shrivastava ơi...”
“Gopal!” ông ta gọi tên tôi, cảm thấy sự căng thẳng trong giọng tôi.
“Đưa tôi ra khỏi đây,” tôi hoàn toàn suy sụp.
“Cậu ở đâu? Cậu ở đâu thế?”
“Taj Ganga, phòng 405... tôi không muốn ở đây nữa.”
“Tôi đến đây,” ông ta hứa.
Một tiếng sau tôi đã ngồi cạnh trưởng khoa trong xe của ông ta trên đường về trường.
“Vậy, có chuyện gì...” ông ta bắt đầu nhưng rồi im lặng.
Chỉ cần nhìn mặt tôi một lần, ông ta đã hiểu rằng tôi không muốn nói chuyện.
“Trưởng khoa Shrivastava, tôi muốn làm việc thật lực. Hãy đưa trường Ganga lên tầm cao mới. Tôi muốn chúng ta có mặt trong tất cả các lĩnh vực giáo dục. Hãy làm cho tôi thật bận. Bận đến mức không còn thời gian suy nghĩ.”
“Anh đã bận lắm rồi còn gì,” ông ta trông có vẻ lo lắng.
“Nữa vào. Sao chúng ta chưa có các lớp luyện thi?” tôi hỏi. “Tiền ở đấy mà ra đấy. Tôi muốn có một đề án về các lớp luyện thi kỹ thuật và MBA. Được chứ?” tôi nói, giọng vang vang.
“Anh ổn chứ, Giám đốc Gopal?” trưởng khoa hỏi.
“Ông có nghe tôi không đấy? Tôi muốn có một đề án,” tôi nói, hét to đến mức người lái xe ngọ ngoạy không yên trên ghế lái.
“Vâng, thưa Giám đốc,” trưởng khoa nói.
Ông ta thả tôi ở nhà. Tôi đi thẳng đến quầy rượu gần bàn ăn. Tôi mở một chai Black Label mới mà chúng tôi mua cho đoàn thanh tra. Tôi rót đầy tận miệng một cái cốc. Hết. Người giúp việc đến.
“Ông đã ở đâu vậy, ông chủ?” họ hỏi.
“Tôi có việc,” tôi nói. Vị whisky đắng, nhưng tôi nuốt tất.
“Còn bữa tối ạ?”
Tôi lắc đầu. Người giúp việc ra khỏi phòng. Tôi lại giá sách và lấy cuốn sổ lưu niệm.
Tôi rót cho mình một cốc nữa. Tôi uống một ngụm hết nửa cốc, nhưng khi cơ thể tôi từ chối, tôi phải nhổ nó ra.
Tôi ngã xuống sàn. Tôi dùng cuốn sổ lưu niệm làm gối và ngủ thiếp đi.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới