As a rule reading fiction is as hard to me as trying to hit a target by hurling feathers at it. I need resistance to celebrate!

William James

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9
7
Ngay cả lúc bố qua đời tôi cũng không mất ngủ nhiều như thế. Nhưng cuộc trốn chạy của Aarti khỏi Assi đã làm tôi chằm chằm nhìn lên trần văn phòng vào lúc bốn giờ sáng hai đêm liền sau cái hôm chèo thuyền. Tôi đã quá lo lắng để có thể gọi hay nhắn tin cho nàng, mặc dù tôi không thể nghĩ được bất cứ điều gì khác ngoài nàng. Khuôn mặt nàng, đôi mắt ướt nước của nàng và đôi môi nàng trên môi tôi... Tôi không thể tập trung được vào phương án xây dựng phòng tắm cho ngôi nhà đang xây của tôi. Tôi ngồi trong các cuộc họp giáo viên như một cái xác sống, mắt không rời điện thoại.
“Cậu chờ điện thoại à?” trưởng khoa Shrivastava nói.
Tôi lắc đầu, rồi lại nhìn điện thoại lần nữa. Làm thế nào mà trời lại cho con gái nhiều quyền lực đến vậy? Làm thế nào mà họ có thể biến những người đàn ông bận bịu, có ích, đầy tham vọng thành một đống vô dụng héo hắt vậy chứ?
“Vậy anh đồng ý cho chúng tôi tiến hành kiểm tra giữa kỳ vào tuần tới chứ?” Anmol, giáo sư kỹ thuật dân dụng hỏi.
“Vâng,” tôi gắng gượng trả lời trong lúc tự hỏi tôi sẽ phải làm gì nếu nàng không bao giờ gọi điện nữa.
Vào đêm không ngủ thứ ba của tôi thì điện thoại bíp lúc hai giờ sáng.
Một tin nhắn của nàng: Đừng nhắn tin hay gọi điện gì cho em.
Cái gì khiến nàng gửi tin nhắn ấy? Tôi đã không hề gọi cũng chẳng hề nhắn tin.
Tôi đang ngồi ôm điện thoại thì nó lại bíp lần nữa.
Đừng bao giờ, tin nhắn tiếp theo của nàng nói.
Nàng không ngủ và đang nghĩ đến tôi - não bộ lạc quan, phi lý trí của tôi bắt đầu hành động. Sao nàng lại gửi những tin nhắn này? Chúng có ý nghĩa gì trong ngôn ngữ con gái? Con gái thường nói ngược lại những điều họ muốn nói, vậy điều đó có phải là - gọi cho em?
Okay, tôi trả lời. Tôi đợi một tiếng đồng hồ nhưng chẳng có hồi âm.
Sau đó tôi chìm vào giấc mơ về những buổi chèo thuyền.
Một tờ giấy cỡ A3 màu hồng nhạt rơi ra từ tờ báo buổi sáng. Tôi nghĩ đó là một tờ rơi quảng cáo cho một hãng du lịch hay lớp luyện thi nào đó. Tuy nhiên nó lại có tiêu đề lớn như một tờ báo. À há, tôi cười khẩy, nỗ lực thay đổi thế giới của Raghav đây.
“Cách mạng 2020”, dòng chữ đậm to tướng viết. Dưới đó là thư của tổng biên tập với tiêu đề “Bởi vì thế là đủ”. Tôi đọc tiếp.
Bạn nói gì về một xã hội mà những người lãnh đạo cao nhất của nó lại là những kẻ lừa đảo ghê gớm nhất? Bạn làm gì trong một hệ thống mà hầu hết những kẻ có quyền lực đều tham nhũng? Ấn Độ đã chịu đựng đủ rồi. Từ thuở ta còn thơ họ nói với ta rằng Ấn Độ là một đất nước nghèo khó. Vì sao? Có những quốc gia trên thế giới mà thu nhập bình quân của một người dân gấp năm mươi lần so với một người Ấn Độ. Năm mươi lần? Người dân của họ thực sự có năng lực gấp chúng ta năm mươi lần hay không? Có phải người nông dân Ấn Độ không làm việc chăm chỉ? Có phải sinh viên Ấn Độ không chịu học hành? Chúng ta không muốn làm việc tốt hay sao? Vì sao, vì sao chúng ta lại rơi vào phận nghèo khó?
Tôi cười vào cơn nói sảng của Raghav. Tôi nhấp một hớp chè sáng và đọc tiếp.
Chuyện này cần phải dừng lại. Chúng ta cần thanh lọc hệ thống. Che Guevara, nhà cách mạng vĩ đại, đã từng nói: “Quyền lực không phải là quả táo từ trên cây rơi xuống lòng ta. Quyền lực phải được giành lấy từ tay những người đang giữ nó.” Chúng ta phải bắt đầu một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng tái thiết hệ thống mục nát của chúng ta. Một hệ thống đưa quyền lực vào tay nhân dân và đối xử với các chính trị gia như những người lao động, chứ không phải như những ông vua.
Tất nhiên chuyện này sẽ không thể xảy ra trong một đêm. Nó cũng sẽ không xảy ra cho tới khi những đau khổ thực sự bắt đầu. Khi dân số Ấn Độ tăng lên, chúng ta sẽ cần đến nhiều trường đại học cao đẳng và việc làm tốt hơn nữa. Sớm thôi, những thứ này sẽ trở nên thiếu hụt. Người dân sẽ nhận ra ai là kẻ đang lừa đảo họ. Có thể sẽ mất mười năm. Tôi gọi đó là “Cách mạng 2020”, năm chuyện đó sẽ xảy ra, một phong trào cuối cùng sẽ rũ sạch Ấn Độ khỏi bùn nhơ. Lúc đó Internet sẽ kết nối tất cả các trường đại học trong nước. Lúc đó chúng ta sẽ đình công, đóng cửa mọi thứ, cho tới khi mọi thứ được sửa đổi. Lúc đó những người trẻ sẽ rời lớp học, văn phòng và bước ra đường phố. Lúc đó người Ấn Độ sẽ có công lý và tội phạm sẽ bị trừng phạt.
Và điều đó sẽ bắt đầu tại Varanasi. Vì thế chúng tôi đem tới cho bạn “Cách mạng 2020”.
Kính thư,
Raghav Kashyap, Biên tập viên.
Tôi cười khi nhìn thấy một tấm bản đồ Ấn Độ vẽ nguệch ngoạc phía dưới bài báo. Có một cái chấm ở Varanasi, và những mũi tên nối nó với những thành phố khác. Tấm bản đồ có gắn tiêu đề “Kế hoạch tiềm năng của Cách mạng 2020”. Ở những thành phố khác, nó liệt kê những trường đại học lớn có thể sẽ lãnh đạo cách mạng ở đó.
Kế toán của tôi vào phòng trình tôi ký kết toán tài chính cuối tháng. Vẻ mặt ngạc nhiên của tôi làm anh ta thấy khó hiểu.
“Có chuyện gì thế thưa ngài? Ngài đang đọc truyện cười ạ?” anh ta hỏi tôi.
Tôi gật đầu.
Trang báo đầu cũng có một bài điều tra về những cơ sở hỏa táng ở Varanasi bán gỗ thường như gỗ đàn hương sau khi đã phun mùi nhân tạo.
Kế toán của tôi nhìn thấy tờ giấy hồng.
“Quảng cáo phải không ạ? Hay tranh dán tường?”
“Tôi chịu,” tôi nói.
Tôi lật mặt kia tờ Cách mạng 2020 và bật cười. Trái với những lời khoa trương ở mặt tiền, trên trang cuối lại là mục mai mối. Tôi đọc to một mẩu quảng cáo.
“Cần một trinh nữ đẹp/có giáo dục/trung thực/giản dị cho kỹ sư Kayasth Brahmin, hai mươi nhăm tuổi đang có một công việc ổn định ở cơ quan nhà nước. Cô gái phải chấp thuận ở cùng nhà chồng và tôn trọng các giá trị truyền thống.”
Tôi đưa tờ báo của Raghav cho kế toán.
“Đang tìm cô nào à, thưa ngài?” anh ta hỏi.
Cảm giác của tôi thế nào thì trông tôi thế ấy - khó chịu.
“Xin lỗi ngài,” anh ta nói. “Thưa ngài, chúng ta lại có thêm đơn đăng ký nhập học,” anh ta tìm cách đổi chủ đề.
“Ta hết chỗ rồi,” tôi nói, “anh biết mà. Chúng ta đã tuyển đủ chỉ tiêu rồi.”
“Thưa ngài, nếu như Ủy ban Toàn Ấn có thể điều chỉnh thì sao.”
Tôi thở dài. “Thêm bao nhiêu nữa?”
“Năm, mười...” anh ta nói. “Nhiều nhất là hai mươi.”
“Nhận họ đi,” tôi nói. “Tôi sẽ xử lý Ủy ban Toàn Ấn khi đến lúc.”
“Vâng thưa ngài,” anh ta nói và rời khỏi văn phòng.
Tôi nhặt tờ giấy hồng lên, xé rách nó, gom đống vụn lại và vứt vào trong thùng rác.
Mỗi thứ Sáu tôi đều đi một vòng các lớp học. Tôi không cạo râu ba ngày để trông đủ già dặn như một giám đốc. Tôi vào một lớp học đang có giờ toán.
Giáo sư ngừng giảng bài khi nhìn thấy tôi. Cả lớp bốn mươi sinh viên đứng lên. Cảm giác thật tuyệt. Tôi có thể vào bất cứ lớp học nào trong tám lớp và mọi thứ sẽ diễn ra y như thế. Tiền, địa vị và quyền lực - cho dù người ta có nói chúng xấu xa thế nào đi chăng nữa - cũng làm cho ta được tôn trọng trong cuộc sống. Vài năm trước tôi vẫn còn đang van lạy ở hội chợ giáo dục để được vào học. Ngày hôm nay, hàng trăm sinh viên đứng lên chào khi tôi vào lớp.
“Xin chào ngài Giám đốc,” vị giáo sư nói.
Tôi gật đầu đáp lời. Một cậu bé mặc chiếc áo phông xộc xệch ngồi ở hàng đầu chớp mắt lia lịa khi tôi hỏi chuyện. “Em tên gì?”
“Manoj, thưa thầy,” cậu ta nói.
“Em quê ở đâu?” tôi hỏi.
“Sarnath ạ.”
“Bố mẹ làm việc ở đó à?”
“Nhà em có đất, thưa thầy. Cha em là nông dân.”
Tôi lập tức mềm lòng. “Em không muốn thành nông dân à?”
Cậu ta không trả lời, sợ rằng qua đó mình có thể bị đánh giá. Tôi hiểu.
“Có vấn đề gì ở trường này không?” tôi hỏi.
“Không thưa thầy,” cậu ta bối rối trả lời.
“Đừng ngần ngại, cứ nói tôi nghe,” tôi khích lệ.
“Nhiều tiếng Anh quá ạ, thưa thầy,” cậu ta nói. “Em không hiểu lắm.”
“Học đi. Nếu không học thế giới sẽ không cho em sống đâu. Hiểu chứ?”
Cậu ta gật đầu.
Tôi quay sang vị giáo sư. “Xin lỗi đã làm phiền ông,” tôi nói.
Giáo sư mỉm cười. Ông ta nhắc tôi nhớ tới thầy Ròng rọc ở Kota.
Một tá văn bản cần tôi xem xét sau khi tôi đi một vòng quanh các lớp về. Điện thoại của tôi bíp.
Aarti nhắn tin: Đọc “Cách mạng 2020” chưa?
Rồi, tôi trả lời.
Anh nghĩ sao? Nàng muốn biết.
Tôi không nhắn lại. Tôi bắt đầu xem xét các văn bản. Điện thoại của tôi lại bíp.
Nàng nhắn:?
Chúc làm cách mạng may mắn, tôi nói.
Cảm ơn, nàng trả lời.
Tôi tự hỏi không hiểu như vậy có phải là kết thúc cuộc nói chuyện không.
Không có gì, tôi vẫn nói.
Thế cũng tốt, nàng nói.
Cái gì? Tôi hỏi.
Là em vẫn được chào đón, nàng nói.*
Tôi không biết phải trả lời nàng tiếp ra sao. Con gái luôn nghĩ ra những tin nhắn đơn giản nhất mà lại có ý nghĩa phức tạp nhất.
Tôi bấm thêm một tin nhắn nữa: Anh xin lỗi vì buổi tối hôm ấy. Tôi đang băn khoăn không biết có nên gửi đi hay không thì điện thoại lại bíp.
Xin lỗi anh vì buổi tối hôm ấy, tin nhắn của nàng.
Tôi phải lấy hơi lạ vì sự trùng hợp này. Tôi xóa những gì đã viết và bấm lại. Không sao. Đáng lẽ anh không nên vượt ranh giới.
Tôi nhận được trả lời sau vài giây: Đừng băn khoăn chuyện ấy.
Bối rối, tôi bỏ điện thoại sang một bên.
Chính xác thì ý của nàng là gì? Vì sao con gái lại không thể thẳng thắn? Đừng băn khoăn chuyện ấy? Có phải nàng chỉ đang xã giao? Hay nàng nói là tôi hôn nàng cũng không sao và tôi đừng băn khoăn lo lắng tới chuyện ấy nữa? Quan trọng nhất là liệu chúng tôi đã đóng lại chương cũ và mở ra chương mới được hay chưa?
Tôi muốn hỏi nàng tất cả những câu ấy nhưng không dám.
Tôi cũng không muốn mọi thứ lơ lửng thế này. Một nụ hôn và sự im lặng sau đó của nàng đã tàn phá tôi. Tôi không muốn hôn nàng chỉ một lần. Tôi muốn hôn nàng cả triệu lần, hoặc bao nhiêu lần một người trong đời có thể hôn người khác. Tôi không muốn nói chuyện với nàng bằng những tin nhắn mã hóa khó hiểu. Tôi muốn lúc nào cũng có nàng ở bên.
Tôi cũng chẳng còn quan tâm quái gì tới Raghav nữa. Đằng nào thì cậu ta cũng đã phát rồ với cái tờ báo màu hồng của mình. Aarti xứng đáng có người tốt hơn, và còn ai tốt hơn tôi nữa? Trường của tôi năm nay có thể kiếm được gần mười triệu. Cho tới hết cuộc đời cách mạng trung thực khốn kiếp của mình Raghav hẳn sẽ chẳng bao giờ thấy được mười triệu của riêng cậu ta. Những ý nghĩ sục sôi này lồng lộn trong đầu tôi như những con chim nhỏ phát cuồng trong lồng.
“Thế là đủ,” tôi nói to và tự ép mình cầm điện thoại lên.
“ANH YÊU EM,” tôi bấm và để ngón cái lên nút gửi.
Nhưng tôi lại xóa tin nhắn đó đi. Tôi thay nó bằng tin mềm mại hơn “ANH NHỚ EM,” nhưng rồi cũng lại xóa nó đi.
Tôi quay lại mớ hồ sơ của mình nhưng cảm thấy khó mà đọc nổi dù chỉ một câu. Tôi nhắm mắt. Ngay lập tức, tôi nhớ tới hơi ấm của cơ thể nàng khi tôi ôm nàng trong vòng tay, những lọn tóc của nàng chạm mặt tôi trong cơn gió nhẹ và sống lại khoảng khắc khi tôi hôn nàng.
Điện thoại reo. Nàng gọi tôi. Một phần trong tôi không muốn, nhưng tôi đã nhấc điện thoại sau hồi chuông thứ nhất.
“Chào anh!” nàng nói.
“Aarti!”
“Sao cơ?”
“Hôm ấy anh đã quá đà.”
“Đừng có nói mãi chuyện ấy nữa.”
“Không sao thật à?” tôi hỏi.
“Thật mà. Anh có thích tờ báo không? Nói thật đấy nhé.”
Tôi sốc vì thấy nàng chuyển chủ đề quá ư dễ dàng.
“Một mặt là Kayasth Brahmin tuyển vợ, một mặt là siêu cách mạng. Chẳng phải kỳ quặc sao?”
“Em nói anh rồi. Đấy là cách để tờ báo tồn tại mà,” nàng nói.
“Độc giả cảm thấy thế nào về chuyện ấy?” tôi hỏi.
“Phản hồi cực tốt. Sếp cũ của Raghav ở tờ Dainik đã g... gọi điện để chúc mừng anh ấy,” nàng lắp bắp vì quá phấn khích.
“Được rồi, anh biết gì về báo chí đâu? Nếu người của Dainik thích nó thì có lẽ là nó hay,” tôi hờ hững nói.
“Anh vẫn chưa thấy gì đâu. Raghav đang chuẩn bị mấy bài ghê lắm.”
“Tuyệt vời,” tôi nói, giọng ôn tồn.
“Xin lỗi, em không định nói mỗi chuyện anh ấy. Chỉ là em quá phấn khởi vì số đầu tiên thôi. Em cũng đã đặt mấy tờ trong sảnh khách sạn rồi,” nàng thú nhận và khúc khích.
“Anh đảm bảo là khách du lịch sẽ rất muốn biết nước mình tệ hại đến mức nào,” tôi nói.
“Hay có thể họ thích việc mối lái,” Aarti nói. Buổi chiều bên sông hôm đó có vẻ đã là một ký ức xa xôi với nàng. Làm sao mà con gái lại có thể giả vờ như chẳng hề có chuyện gì xảy ra vậy nhỉ? Họ xóa được các thứ khỏi đầu mình, gạt được chúng sang một bên hay họ chỉ là những diễn viên giỏi?
“Aarti.”
“Gì vậy?”
“Nếu mà anh...” tôi nói rồi dừng lại.
“Nếu mà anh sao?” nàng hỏi.
Nàng bỏ dở ở đó. Hoặc tôi lại hèn nhát rồi nói ra những câu vớ vẩn kiểu “Nếu mà anh nói em thật tuyệt vời,” như tôi đã từng nói nhiều năm rồi. Hoặc, có thể tôi sẽ tỏ ra là người đàn ông thực thụ và nói điều tôi thực sự muốn nói, mặc cho thế có nghĩa là nàng hẳn sẽ chẳng bao giờ nói chuyện với tôi nữa. Lần này, tôi theo lựa chọn thứ hai.
“Em sẽ làm gì nếu anh hôn em lần nữa?”
“Gopal!” nàng thầm thì.
“Đừng làm ra vẻ ngạc nhiên thế. Mình đã hôn nhau rồi, nhớ không?”
“Em không biết chuyện gì đã xảy ra,” nàng nói.
Làm sao mà nàng lại không biết chuyện gì đã xảy ra được cơ chứ?
“Đừng đánh trống lảng,” tôi nói.
“Gì cơ?” Aarti nói, giọng nhuốm chút ngại ngần hiếm hoi.
“Em sẽ làm gì nếu anh hôn em lần nữa?” tôi nhắc lại.
“Em không biết,” nàng nói.
Nàng không nói vâng. Nhưng, nàng cũng không gác máy vì kinh tởm.
“Anh có thể đấy,” tôi nói.
“Đừng!”
“Chỉ có thể thôi mà.”
“Bọn mình có thể nói chuyện gì khác không?”
“Gặp nhau được không?” tôi hỏi.
“Ở đâu?” Nàng hỏi. Lại nữa, không “có” cũng chẳng “không”. Nàng cũng chẳng buồn nói khi nào. Nàng chỉ hỏi địa điểm. Kể cả khi tôi đã cảnh báo là tôi muốn hôn nàng, nàng vẫn muốn gặp tôi. Cả tá mặt cười hiện lên trong đầu tôi.
“Anh sẽ đón em ở chỗ làm. Khi nào em xong việc?”
“Sáu giờ. Nhưng không phải hôm nay nhé. Raghav mời bạn đến chơi. Số báo đầu tiên mà.”
“Tiệc tùng à?”
“Kiểu thế. Nhỏ thôi. Raghav không có tiền cho tiệc tùng. Tất cả chi vào tờ báo hết rồi.”
“Anh đưa em ít tiền nhé?” tôi nói, tận hưởng từng lời trong câu nói của mình.
“Thôi đi, Gopal. Vậy là sáu giờ tối mai chứ?”
“Anh sẽ gọi em,” tôi nói.
“À, được rồi. Bọn mình đi đâu?” nàng hỏi.
“Đâu đấy riêng tư,” tôi đáp.
Nàng ngừng một giây.
“Mà mình có thể nói chuyện,” tôi nói thêm.
“Báo em sau nhé.”
28
“Ông ở phòng 2105, thưa ông Mishra.”
Tôi đặt một phòng ở Ramanda, năm ngàn một đêm.
“Ông cần giúp xách đồ không, thưa ông?” cô gái ở quầy tiếp tân hỏi tôi.
“Tôi chỉ có cái này thôi,” tôi nói, chỉ cái ba lô của mình.
Nhân viên tiếp tân cười với tôi. Cô ta đi cùng tôi tới giữa sảnh và tới bàn quan hệ khách hàng.
“Đây là Aarti,” nhân viên tiếp tân nói, “cô ấy sẽ đưa ông lên phòng.”
Aarti ngẩng lên nhìn từ máy tính. Nàng há hốc mồm.
“Xin chào,” tôi nói, giọng lãnh đạm nhất có thể.
“Ồ, chào... ý tôi là xin kính chào,” nàng bối rối.
“Aarti, đây là ông Gopal Mishra, giám đốc Cao đẳng Kỹ thuật Ganga. Ông ấy ở phòng 2105. Làm ơn đưa ông ấy lên phòng.”
“Vâng, vâng,” Aarti nói, vẫn còn sốc.
Nàng đứng dậy. Chúng tôi tiến tới thang máy. Một nhân viên buồng cùng vào thang máy với chúng tôi. Chúng tôi không nói chuyện được. Nàng chỉ nói khi ở hành lang tầng hai.
“Gopal, anh đang làm gì ở đây vậy?” nàng thầm thì. Nàng vẫn đi trước tôi hai bước.
Tôi đã có sẵn lời bao biện. Tôi không thể nói với Aarti là tôi đặt phòng này chỉ cho chúng tôi.
“Anh có giảng viên khách mời từ London.”
“Thì sao?”
“Ông ấy hủy vào phút cuối. Bọn anh đã thanh toán tiền phòng rồi. Thế là anh nghĩ, sao mình lại không tận hưởng lòng mến khách của Ramada nhỉ?”
“Gì cơ? Lẽ ra anh phải nói với em chứ. Em đã có thể giúp anh hoàn tiền.”
“Kệ đi. Anh chưa bao giờ được ở khách sạn năm sao. Anh sẽ thử một lần xem.”
Chúng tôi đến phòng 2105. Nàng mở cửa phòng bằng thẻ từ. Nàng thật đẹp trong bộ đồng phục, chiếc sari nghiêm túc, tóc búi gọn gàng đến từng sợi.
Tôi ném ba lô lên giường.
“Anh có cần giới thiệu tiện nghi trong phòng không?” nàng hỏi.
“Không,” tôi cười. “Có người đã giới thiệu với anh rồi.”
“Anh điên rồi, Gopal,” nàng nói. “Mà em phải đi đây.”
Tôi ngồi xuống chiếc xô pha đơn trong phòng. “Ở lại đi,” tôi nói.
“Không được. Em đang làm việc.”
“Sau sáu giờ thì sao? Giờ năm rưỡi rồi.”
“Em không được ở trong phòng của khách!”
“Em biết ông khách này mà,” tôi nài. “Hai phút thôi được không?”
Nàng ra đóng kín cửa nhưng không khóa. Nàng ngồi xuống chiếc ghế cạnh bàn làm việc và nhìn tôi chằm chằm.
“Gì thế?”
“Anh không bày ra chuyện này đấy chứ?” nàng hỏi.
“Bày đặt gì? Giảng viên hủy dạy mà.”
“Tên giảng viên ấy là gì?”
“Ông Allen.”
“Ồ, thật ư? Trường nào thế?”
“Trường...” tôi ngập ngừng.
“Thấy chưa. Đừng bịa nữa.”
“Sao anh biết được trường nào? Trưởng khoa chắc biết. Tất cả những gì anh biết là bọn anh có một phòng và anh lấy nó.”
Nàng lắc đầu.
“Hãy gặp nhau ở đây sau khi em xong việc,” tôi nói.
“Bằng cách nào?” nàng hỏi. “Bị cấm đấy.”
“Em chỉ làm những việc được phép thôi à?” tôi hỏi lại.
“Không,” nàng nói, “nhưng mà...”
“Em chẳng dám đâu.”
“Không phải thế,” nàng nói và đứng dậy. “Anh biết mà.”
“Không ai biết đâu,” tôi nói. “Hoàn thành nốt công việc đi rồi đến đây. Bọn mình sẽ ăn ở đây. Khoảng một tiếng thì về.”
“Nếu nhân viên dọn phòng thấy em thì sao?”
“Em cứ trốn trong nhà vệ sinh nếu họ đến.”
“Kỳ quá.”
“Được rồi, anh sẽ gọi đồ ăn trước khi em tới. Bánh sandwich nhé?”
Nàng cắn môi dưới và suy nghĩ vài giây về đề nghị của tôi. “Được rồi,” nàng thở dài. “Nhưng anh phải đảm bảo không có nhân viên nào quanh đây lúc em đến và đi đấy.”
“Chắc rồi, anh sẽ đứng ngoài hành lang. Sẽ gọi điện bật đèn xanh.”
Nàng ra chỗ tôi và cốc nhẹ vào thái dương tôi. “Anh bắt em làm gì thế này!” Nàng nói và ra khỏi phòng.
♦♦♦
Tôi gọi một bánh sandwich vuông, bánh sô cô la và một chai vang. Tôi còn tắm vòi sen, dùng nước nóng và dầu gội nhiều hơn lượng tôi thường dùng cho cả tuần.
Nàng gọi tôi lúc sáu rưỡi. “Kiểm tra hành lang đi.”
Tôi ra khỏi phòng. “Ổn rồi,” tôi nói vào điện thoại, ngó nghiêng hai bên hành lang.
Hai phút sau, cả hai chúng tôi đã ở trong phòng với cửa khóa chặt. Nàng đã thay sang quần bò và sơ mi cài cúc dưới nhà sau ca làm việc.
“Anh ngốc quá, anh biết chứ, phải không?” nàng nói, gieo mình xuống giường, đặt một tay lên ngực. “Tim em đập nhanh quá!”
“Thư giãn đi,” tôi nói.
Nàng cười to. “May cho anh là họ vẫn chưa lắp CCTV đấy. Sau này lắp rồi thì không giở trò này được nữa đâu.”
“Vậy thì đúng lúc quá còn gì,” tôi nói. “Em đói không?”
Tôi mở cái nắp đĩa bạc đựng bánh sandwich.
“Đói chết mất,” nàng thú nhận.
Tôi có gọi thêm khoai tây rán và xa lát cùng với sandwich. “Lại đây ăn nào.”
“Em kiệt sức không đi được nữa. Em đi giày cao gót đứng tám tiếng liền rồi. Em ăn trên giường được không?”
“Dĩ nhiên rồi,” tôi nói và đưa đĩa cho nàng. Tôi rót một ly vang đỏ.
“Anh gọi cả chai vang à?” nàng hỏi.
Tôi nhún vai.
“Anh bắt đầu uống vang từ khi nào thế?” nàng hỏi tiếp.
“Ngài Shukla bắt anh thử đủ các thứ,” tôi nói.
“Anh thích vang à?”
“Anh thường uống whisky. Nhưng anh nghĩ có thể em thích vang.”
“Phải. Nhưng em không nên uống. Đây là chỗ làm của em.”
“Một ly thôi...” tôi nài nỉ.
Nàng gật nhẹ đầu và cầm ly.
“Raghav không uống nhiều. Đôi khi anh ấy chán ngắt,” nàng nói và nhấp một ngụm. “Ngon. Loại gì thế?”
“Jacob’s Creek của Úc,” tôi nói, nhấn mạnh xuất xứ. Nó làm tôi mất hai ngàn, nhưng tôi không nhắc đến giá tiền.
“Ngon quá. Sẽ ngấm nhanh đấy.”
“Thư giãn đi, lái xe của anh sẽ đưa em về nhà,” tôi nói.
Nàng cầm chặt cái bánh bằng cả hai tay và ăn như nạn nhân chết đói.
“Chậm thôi,” tôi nói.
Nàng nói, mồm vẫn đầy thức ăn. “Từ sáng đến giờ em chưa ăn gì cả.”
“Từ hồi còn đi học em đã thích nhồi nhét rồi mà,” tôi trêu.
“Vì anh có để lại gì cho em đâu!”
“Này, anh chỉ lấy trộm bánh của em mỗi một lần, mà chỉ lấy một nửa. Anh vẫn còn đang phải thụ án đây này,” tôi nói.
“Ồ, thật sao?” nàng nói. “Thầy giáo chỉ phạt anh có một học kỳ thôi mà.”
“Nhưng anh thì vẫn kẹt cứng với em,” tôi nói, trông vô cùng chán nản.
Nàng nhặt một miếng khoai tây rán trên đĩa ném tôi. Trượt. Nó rơi xuống ghế xô pha.
“Ối, nhặt nó lên đi anh. Em không thể bôi bẩn khách sạn của em được,” nàng nói.
29
Nàng hất giày rồi ngồi xếp bằng trên giường. Tôi tới rót thêm vang cho nàng.
“Em sẽ say đấy,” nàng nói nhưng vẫn chìa ly ra. Nàng nhấp một ngụm và xem đồng hồ. Đồng hồ đầu giường chỉ tám rưỡi tối.
“Em ở lại được bao lâu?” tôi hỏi.
“Tới chín giờ,” nàng nói. “Nửa tiếng nữa.”
“Mười giờ được không?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu. “Mẹ sẽ có hàng trăm câu hỏi. Trừ phi... em nói là em làm hai ca,” nàng nói thêm.
“Thế nói thế đi,” tôi lập tức nói.
“Em sẽ phải ở lại thêm tám tiếng nữa. Tới hai giờ sáng.”
“Tuyệt vời.”
“Anh điên à?” Nàng nói. “Em không thể ở trong phòng anh tới hai giờ sáng được!”
“Sao không?” tôi hỏi lại. “Có lúc nào bọn mình có được cơ hội thế này đâu?”
“Nếu bạn trai em mà biết...” nàng nói rồi im bặt. Nàng dựa vào đầu giường.
“Biết gì?” tôi lại hỏi.
Chúng tôi đã uống hết nửa chai. Tôi rót thêm cho mình.
“Biết là em ở trong phòng người đàn ông khác lâu thế thì anh ấy sẽ giết em mất,” nàng nói nốt.
“Cậu ta dám?”
Nàng cười. “Không hẳn như thế. Nhưng anh ấy sẽ thực sự phát rồ lên. Đập phá cái gì đấy.” Nàng nhặt một cái gối ném tôi, đóng vai một anh bạn trai thích chiếm hữu.
“Cậu ấy sẽ giết em nếu biết đấy là anh,” tôi nói với nàng.
“Anh ấy sẽ không biết đâu,” Aarti nói.
Tôi đứng dậy đến bên giường.
“Em sẽ làm hai ca đấy,” tôi nói, chỉ cho nàng cái điện thoại.
“Anh chắc chứ?” nàng hỏi tôi. “Đến hai giờ sáng thì em sẽ ăn hết cả đầu anh đấy!”
“Em làm thế cả đời rồi còn gì,” tôi đáp trả.
Nàng đập tôi bằng một cái gối khác. Tôi bắt được và để nó sang một bên. Nàng đặt một ngón tay lên môi, ra hiệu cho tôi im lặng. Nàng gọi điện về nhà.
“Mẹ à?” nàng nói. “Vâng, con vẫn ở chỗ làm. Hai ca, làm thế nào được?”
Mẹ nàng nói trong vài giây. Aarti tiếp tục: “Đáng ra con nhỏ Bela phải làm ca này. Nó bịa ra mấy lý do để không đến. Từ khi đính hôn nó cứ trốn việc suốt.”
Mẹ nàng lại nói gì đó. Aarti có vẻ khó chịu.
“Sao con lại phải đính hôn chỉ vì Bela đính hôn rồi? Vâng ạ... Mẹ, con sẽ mà... Vâng, được rồi... Vâng, xe khách sạn sẽ đưa con về... Chào mẹ.”
Nàng cầm điện thoại ngồi trên giường, trông có vẻ giận dữ.
“Em nghĩ một lúc nào đấy một cái công tắc trong đầu các bậc phụ huynh Ấn Độ bị bật một cái. Từ ‘học đi, học đi, học đi’ họ chuyển sang ‘lấy chồng đi, lấy chồng đi, lấy chồng đi’.”
“Em không muốn à?”
“Em sẽ lấy,” nàng nói, vỗ vỗ giường. “Sao anh lại đứng tạo dáng thế kia?”
Tôi ngồi xuống giường, thận trọng ngồi cách xa nàng một chút.
“Anh trả ối tiền thuê phòng này rồi. Thoải mái đi.”
“Sao cơ?” tôi hỏi.
“Việc của em là làm cho khách được thoải mái mà,” nàng nói và nở một nụ cười quan-hệ-khách-hàng. Cho dù có chút vết rượu vang trên răng nhưng nụ cười của nàng vẫn đẹp tuyệt vời.
Tôi cúi người tháo giày tất. “Em không phải gọi cho Raghav à?”
Nàng lắc đầu. “Anh ấy còn chẳng nhận ra ấy chứ. Anh ấy đang chuẩn bị một câu chuyện lớn mà,” nàng nói. Nàng tự rót thêm vang cho mình.
“Nếu cậu ấy gọi thì sao?” tôi hỏi.
Nàng đặt tay lên miệng tôi. “Nếu anh ấy gọi thì anh yên nhé... Em sẽ xử lý,” nàng nói.
Cái chạm của nàng như một tia lửa.
Nàng bỏ tay. “Vậy thưa ngài Giám đốc, công việc, cuộc sống, mọi thứ của ngài thế nào?”
“Mọi thứ chỉ là công việc. Điều hành trường cao đẳng chẳng dễ dàng gì,” tôi nói.
“Mỗi công việc thôi à?” nàng nhại lại mẹ, “cái gì? Anh phải lấy vợ đi? Sao tới giờ anh vẫn chưa lấy vợ?”
Chúng tôi rũ ra cười và cụng ly.
“Chắc em cũng sắp phải đính hôn rồi,” nàng nói. “Áp lực ghê lắm.”
“Raghav thì sao?” tôi hỏi.
“Rõ ràng là bây giờ anh ấy chưa sẵn sàng. Nhưng anh ấy sẽ làm nếu em ép,” nàng nói.
“Bố mẹ em đồng ý cậu ấy chưa?” tôi hỏi.
“Họ yêu anh ấy. Bố em đã phá vỡ truyền thống chính trị của gia đình để vào nhà nước. Ông ngưỡng mộ đam mê của Raghav.”
“Dù cậu ấy không kiếm ra tiền?”
“Anh ấy sẽ kiếm được. Ngày nào đó anh ấy sẽ kiếm được,” Aarti cam kết. “Mà sao anh nói cứ như họ hàng nhà em thế nhỉ?”
Nàng cầm điều khiển bật ti vi.
“Chán quá,” nàng nói khi lướt qua các kênh tin tức. Nàng dừng lại ở Kênh 5, một nữ diễn viên đang nhảy múa theo một bản nhạc được phối khí lại.
“Cô này làm lại hết môi,” nàng nói, “chỉnh mũi và có thể là chỉnh cả ngực nữa.”
“Sao cơ?” tôi giật mình vì cách chọn từ của nàng.
“Chỉnh ngực. Làm lại ngực, cho to hơn,” nàng nói.
Tôi sốc ra mặt.
“Anh là bạn thân nhất của em,” nàng nói và vui vẻ đấm vào tay tôi. “Em có thể hoàn toàn là mình bên anh.”
Nàng lại chuyển kênh và bất thình lình chúng tôi xem phim Khi Harry gặp Sally từ đoạn giữa.
“Đàn ông và phụ nữ không thể là bạn bè được,” Billy Cristal nói với Meg Ryan, mồm vẫn ngậm tăm xỉa răng.
“Đương nhiên là có thể chứ. Nhìn bọn mình xem,” Aarti sốt ruột nói và vặn tiếng to lên. “Em thích bộ phim này.”
“Em xem chưa?” tôi hỏi.
“Rồi. Còn anh?”
Tôi lắc đầu. Tôi không xem phim tiếng Anh.
“Lại đây, cùng xem đi. Em sẽ kể chuyện gì đã xảy ra trước đấy cho anh.”
Tôi xích lại gần nàng. Tôi vặn bớt ánh sáng trong phòng từ bảng điều khiển cạnh giường trong lúc nàng tóm tắt câu chuyện cho tôi. Harry và Sally mỗi người sống cuộc đời riêng của mình, gặp nhau, cãi nhau vài lần nhưng chưa từng thực sự kết thân với nhau cho dù đáng ra là phải như vậy. Chúng tôi im lặng xem phim.
“Ôi trời, bọn mình uống hết chai rồi này,” sau một lúc nàng nhận ra. Nàng lấy cái gối đặt vào lòng tôi rồi ngả đầu xuống đó cho tới hết phim.
“Anh thoải mái chứ?” nàng hỏi, ngước mắt lên nhìn tôi, mắt nàng lấp lánh dưới ánh sáng ti vi.
Tôi ngần ngừ một chút rồi nhẹ nhàng đặt tay lên đầu vuốt tóc nàng. Nàng không từ chối. Cảm giác ở bên nàng thật tuyệt vời. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn chưa tìm được khoảnh khắc nào hạnh phúc hơn trong cuộc đời mình.
“Aarti à?” tôi gọi.
“Vâng?” Nàng đáp, mắt vẫn nhìn.
“Em nằm trên lòng anh thế này ổn chứ?”
Nàng gật đầu, mắt vẫn nhìn màn hình.
“Sao hôm ở ngoài sông em lại bỏ chạy?” tôi hỏi.
“Em không muốn nói chuyện ấy. Xem phim đi đã nào,” nàng nói.
“Em có định bỏ chạy nữa không?” tôi hỏi, giọng nặng nề.
Nàng cảm nhận được sự căng thẳng trong tôi. Nàng tắt tiếng ti vi và ngồi dậy.
“Anh ổn chứ, Gopi?” nàng nói, các từ dính với nhau. Ánh sáng màn hình ti vi loang loáng trên mặt chúng tôi.
“Hãy bỏ đi ngay bây giờ đi nếu em muốn,” tôi nói, câu nói khó khăn lắm mới thoát khỏi cổ họng. “Bởi vì nếu em ở lại thêm một chút nữa trong đời anh rồi bỏ đi...”
Tôi đã nói quá nhiều. Rượu vang Úc đã tìm ra cách mở toang một trái tim Ấn Độ.
“Im đi,” nàng nói và lại đặt tay lên miệng tôi, “đúng là bà hoàng, xin lỗi, vua kịch sĩ!”
Nhưng đúng là tôi nghĩ thế, tôi không thể chịu được việc phải cách xa nàng.
“Em cũng cô đơn, Gopal ạ,” nàng nói, “cô đơn lắm.”
“Vì sao?”
“Raghav không có thời gian. Bố mẹ em thì không hiểu vì sao em muốn đi làm. Họ không hiểu được vì sao con gái của Chánh án thành phố lại phải lao động cật lực. Tất cả bạn gái của em đều đã lấy chồng, chuẩn bị sinh con mà em thì vẫn chưa. Em quá kỳ quặc.”
“Em khác biệt,” tôi sửa nàng.
“Vì sao em lại khác biệt? Tại sao em không thể bình thường - hài lòng với việc ở nhà, chờ chồng về được?”
“Như thế là không bình thường. Là lạc hậu.”
“Raghav làm em điên đầu. Em muốn ủng hộ anh ấy. Nhưng dường như anh ấy không thể làm gì cho ra hồn. Anh ấy từ chối hợp tác với một tờ báo chỉ vì muốn độc lập. Cứ thế thì sao mà anh ấy làm ra tiền được?”
“Anh nghĩ em vừa nói là sẽ có lúc cậu ấy kiếm ra tiền?”
“Em tỏ vẻ cứng cỏi thôi. Nhưng em có thể nói với anh nỗi sợ của em mà, phải không?” nàng hỏi.
“Tất nhiên rồi,” tôi nói và vuốt ve má nàng.
Chúng tôi quay lại màn hình ti vi. Một đêm Sally thấy buồn. Harry đến nhà cô. Anh ta an ủi cô. Rồi họ hôn nhau. Không biết là vì đoạn phim này hay rượu vang khuyến khích hay vì tôi cảm thấy tôi có thể sẽ không còn cơ hội nào khác nên tôi cúi xuống để hôn Aarti. Nàng ngạc nhiên ngước nhìn tôi. Nhưng, nàng không phản đối. Chỉ nhìn chằm chằm.
Tôi hôn nàng lần nữa. Lần này khẩn khoản hơn. Hai phút trôi qua không có gì rồi sau đó nàng hôn lại tôi. Chúng tôi hôn nhau lần này rồi lần nữa. Tôi hôn môi nàng, má nàng, trán nàng, cổ nàng, tai nàng rồi lại môi nàng. Tôi tắt đèn.
Khi tôi ôm nàng lần nữa, nàng nói, “Không được đâu.”
“Anh biết,” tôi nói, “nhưng anh không dừng được.” Tay tôi với lấy cúc áo nàng.
“Không được,” nàng nói và tóm chặt tay tôi.
Tôi luồn tay kia dưới áo nàng, ơn trời, đàn ông có hai tay; không thì ai còn có thể vuốt ve được nữa. Cuối cùng thì bàn tay tôi cũng đặt trên ngực nàng.
“Gopal, anh biết là chuyện gì đang xảy ra không đấy?” nàng nói.
Tôi lắc đầu.
“Bọn mình không nên...”
Tôi bịt miệng nàng bằng một nụ hôn. Nàng vặn vẹo một chút, nhưng tôi tiếp tục hôn nàng. Nàng bắt đầu đáp ứng. Đầu tiên còn chậm, sau đó đuổi kịp và cuối cùng vượt tôi.
“Thế này sai quá, Gopal ơi,” nàng hổn hển, cắn môi dưới tôi.
Tôi trả lời bằng những nụ hôn. Phim hết. Tôi nghe tiếng quảng cáo dầu gội đầu trong khi tôi kéo áo nàng cởi ra.
“Đừng, Gopal!” Nàng thì thầm nhưng giơ tay lên để tôi cởi áo dễ hơn.
Tôi cởi áo mình. Lần này khi chúng tôi ôm nhau, hơi ấm và sự mềm dịu của nàng tan vào trong tôi.
“Anh yêu em rất nhiều...” tôi nói.
“Đừng nói nữa,” nàng nói, cắt ngang câu nói lộn xộn của tôi.
Tôi đẩy nhẹ vai để nàng nằm xuống giường. Tôi cởi bỏ nốt quần áo của mình.
Nàng nhìn ra chỗ khác.
“Gì vậy?” tôi hỏi.
Nàng lắc đầu, không nhìn vào mắt tôi.
Tôi trườn vào cạnh nàng. Nàng hôn tôi nồng nàn, nhưng mỗi khi tôi dừng lại nhìn vào mắt nàng, nàng lại quay đi.
Tôi thò tay xuống cởi cúc quần jean của nàng. Nàng giữ tôi lại một lần cuối cùng.
“Em có bạn trai rồi mà,” nàng nhắc tôi.
“Anh sống với chuyện ấy nhiều năm rồi,” tôi nói.
“Em không phải loại con gái ấy, Gopal,” nàng nói trong tiếng nấc.
“Em là cô gái tuyệt vời,” tôi nói, ngón tay tôi ấn vào rốn nàng. Tôi ngừng lại để hôn. “Cô gái tuyệt vời nhất trên thế giới.”
Tôi đặt tay nàng lên người mình. Tôi lại tìm cách cởi quần nàng. Con gái mặc những chiếc quần jean bó khó cởi nhất trên thế giới. Tôi thấy không thể cởi được nó nếu không có sự trợ giúp của nàng.
“Giúp anh với được không?” tôi nói sau năm phút chật vật.
Yêu cầu của tôi làm bật lên tiếng cười khúc khích. Nàng vặn người một chút để cởi nó ra. Tôi đợi và sau đó kéo nàng sát vào mình.
“Gopal,” nàng nói và ôm tôi thật chặt. Cảm xúc bị đè nén nhiều năm bùng ra. Tôi cắn và hôn nàng trong lúc tôi với nàng hòa làm một.
Tôi biết cuộc đời mình sẽ chẳng bao giờ còn như trước nữa. Chuyện xảy ra chỉ làm mạnh thêm tình yêu mà tôi dành cho nàng. Người ta nói sau khi làm tình đàn ông thường rút lui. Nhưng tôi muốn kéo nàng lại gần, ôm ấp và giữ nàng mãi bên mình.
Ôm nàng thật chặt từ phía sau, tôi hôn tóc nàng trong lúc nàng nhìn ra phía trước với nét mặt vô cảm.
“Em thật tuyệt vời, Aarti à. Từng xăng ti mét của em đều thật tuyệt vời.”
Nàng cười nửa miệng. Tôi tì khuỷu tay nhỏm lên.
“Em có thích không?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu nhưng nhìn đi chỗ khác.
“Nhìn anh này,” tôi nói. Nàng quay mắt về phía tôi, nhưng nhìn qua tôi.
“Em ổn chứ?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu.
Chúng tôi lại nằm xuống. Một cái đèn LED nhỏ nhấp nháy trên trần nhà.
“Gì thế?” tôi hỏi, sợ rằng đấy là máy quay.
“Cảnh báo khói,” nàng nói.
Chúng tôi yên lặng trong vài phút.
“Anh không sống thiếu em được, Aarti à,” tôi nói.
“Làm ơn đừng nói thế.”
“Đúng thế mà. Anh yêu em,” tôi nói.
“Thôi mà, anh làm ơn đi!” Nàng nói và ngồi dậy, khoác tấm vải trải giường che cơ thể.
“Có chuyện gì vậy?” tôi nói, cầm tay nàng qua tấm vải trải giường.
Điện thoại của nàng bíp. Nàng nhìn tin nhắn. Nàng thở dài trong lúc nhắn tin trả lời.
“Em mặc quần áo được chưa?” nàng luồn khỏi tôi.
“Hả?” tôi nói. “Chắc rồi.”
Nàng quấn tấm vải trải giường quanh mình, nhặt quần áo và đi vào phòng tắm. Tôi bật đèn. Một mớ cảm xúc rắm rối nung nấu trong tôi.
Rõ ràng là nàng có quan tâm đến tôi, nếu không thì không cô gái nào lại làm việc mà nàng đã làm. Thế nhưng, sao nàng lại hành xử xa cách đến thế? Nàng có trông đợi tôi sẽ nói với nàng rằng tôi sẽ luôn bên nàng? Hay nàng đang hối tiếc? Chuyện này sẽ đưa chúng tôi lại gần nhau hơn hay chỉ làm chúng tôi xa nhau hơn?
Tôi trần truồng và bối rối. Tôi không thể gỡ bỏ được sự bối rối của mình, nhưng ít nhất thì tôi cũng có thể mặc lại quần áo. Nàng trở lại khi tôi đang cài khuy áo.
“Em phải về nhà,” nàng cương quyết nói.
Đồng hồ đầu giường chỉ nửa đêm.
“Em không phải ở lại đến hai giờ sáng à?” tôi hỏi.
“Em sẽ nói rằng ca trực kết thúc sớm. Dù sao thì bố mẹ cũng quá buồn ngủ để mà xem đồng hồ,” nàng đáp.
Ngồi với anh, tôi muốn nói. Tôi muốn nói chuyện. Tôi muốn nàng biết chuyện này có ý nghĩa như thế nào với tôi. Chẳng phải con gái lúc nào cũng muốn nói chuyện hay sao?
“Anh gọi lái xe được không?”
“Ở lại thêm năm phút nữa đi em,” tôi van nài. “Làm ơn đi mà?”
Nàng ra xô pha. Tôi ngồi trên giường.
“Sao em căng thẳng thế?” tôi hỏi. “Anh là Gopal của em. Em có quan tâm đến anh không?”
“Anh vẫn cần bằng chứng à?” nàng hỏi.
Tôi đến bên nàng. Cầm tay nàng. Tay nàng thật lạnh.
“Anh không muốn em cảm thấy xấu hổ vì chuyện này,” tôi nói. “Chuyện này rất đặc biệt. Bọn mình nên tự hào vì nó.”
“Nhưng em đã có người yêu,” nàng nói.
“Yêu người mà chẳng bao giờ bên em sao?”
Nàng ngạc nhiên quay nhìn tôi.
“Anh chưa bao giờ nói gì về em và Raghav. Nhưng như thế không phải là anh không nhận ra. Aarti, em xứng đáng được nhiều hơn. Em xứng đáng với mọi niềm vui trong đời.”
“Em chỉ là một cô gái bình thường, Gopal à,” Aarti nói, cắn môi.
“Một cô gái bình thường cũng cần tình yêu, sự an toàn, quan tâm và giúp đỡ. Phải không?” tôi nói.
Nàng im lặng.
“Cô gái bình thường đến lúc nào đó sẽ đi lấy chồng. Cô ấy sẽ cần phải biết rằng người chồng của cô ấy có thể chăm sóc gia đình cùng với cô ấy,” tôi nói. Tôi đã ở thế phòng ngự trong nhiều năm. Có Aarti ở bên, tôi cảm thấy tự tin chuyển sang thế tiến công.
“Em mệt rồi. Em muốn về nhà,” nàng nói và đứng dậy.
Tôi gọi lái xe. Tôi muốn tiễn nàng xuống nhà. Nàng từ chối. Nàng đến sát gần tôi trước khi ra về. Tôi trông chờ một cái hôn nhưng chỉ là một vòng tay ngắn ngủi. Cánh cửa sập lại đằng sau nàng. Mùi hương của nàng còn lại trong phòng hàng giờ và trong tim tôi hằng ngày sau đó.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới