Reading is to the mind what exercise is to the body.

Richard Steele, Tatler, 1710

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6
1
Giấy phê duyệt của Ủy ban Toàn Ấn đến đúng hạn, như Giáo sư Shrivastava đã hứa. Chúng tôi còn một bước cuối cùng trước khi mở cửa tuyển sinh. Chúng tôi cần liên kết với một trường công lập. Mangesh Tiwari, phó hiệu trưởng điều hành đã om đơn của chúng tôi nhiều tháng.
Chúng tôi ở nhà ngài Shukla. “Liên kết là chuyện đơn giản. Chúng ta chào ông ta giá gấp đôi thị trường. Mangesh đang già đi.” Bedi nói.
“Ông ta muốn bao nhiêu?” Ngài Shukla hỏi.
“Không phải chuyện tiền bạc. Ông ấy không thích chúng ta. Thậm chí còn không nghe điện thoại,” Bedi đáp.
“Giải pháp là gì?” tôi hỏi.
“Sử dụng một số quan hệ. Phi chính trị nếu có thể. Ông ấy là bạn học đại học của Chánh án thành phố chúng ta,” Bedi nói.
“Tôi biết con gái Chánh án. Bạn học phổ thông,” tôi nói.
“Được rồi, làm tất cả những gì cần làm. Tôi muốn mở cửa tuyển sinh vào tuần sau. Quảng cáo toàn trang trên tất cả các báo,” ngài Shukla nói.
“Đừng lo, Chủ nhật tuần sau cả Varanasi sẽ chỉ nói về trường Ganga mà thôi,” tôi nói.
♦♦♦
Tôi đã tự hứa sẽ không gọi cho Aarti. Tuy nhiên, tôi không còn lựa chọn nào khác.
“Xem hôm nay ai gọi thế này!” Aarti líu lo.
“Em có vẻ vui,” tôi nói.
“Thật không? Có thể vì anh gọi đấy. Em thực sự không còn lý do nào khác.”
“Sao vậy? Có chuyện gì thế?” tôi hỏi.
“Không có gì. Em phải tìm việc ở Varanasi.”
“Cũng không tệ lắm.”
“Trường anh có máy bay riêng không?” nàng hỏi.
“Vẫn chưa có,” tôi nói. “Nhưng nếu có, anh sẽ để em làm tiếp viên trưởng.”
Nàng cười. “Anh thế nào? Khi nào thì trường anh mới thực sự có sinh viên?”
“Khi bọn anh làm hài lòng được tất cả các quan chức chính phủ Ấn Độ trên đời này,” tôi nói. “Thực ra là anh gọi em có chút việc.”
“Gì vậy?” nàng hỏi.
“Anh muốn gặp bố em.”
“Thật ư? Sao lại thế?”
“Bọn anh cần giúp đỡ để liên kết được với đại học công lập.”
“Anh muốn nói chuyện với ông luôn không?”
“Không, anh muốn gặp ông trực tiếp cơ,” tôi nói.
“Thế anh có muốn gặp em trực tiếp không?” nàng hỏi. “Hay là em vẫn nằm trong danh sách đen của anh? Chỉ để gọi khi có việc khẩn cấp?”
“Hoàn toàn không phải thế. Bọn mình sẽ gặp sau khi anh gặp bố em.”
“Tất nhiên rồi, công việc trước đã,” nàng nói giọng mỉa mai.
“Việc tuyển sinh của anh đang bị kẹt, Aarti à. Việc khẩn đấy,” tôi nói.
“Được rồi, được rồi. Đợi một lát, để em hỏi bố.”
Nàng nhấc máy sau khi nói chuyện với bố. “Tám giờ sáng ngày mai được chứ?”
“Chắc chắn rồi,” tôi nói. “Gặp lại em sau nhé.”
“Lâu không thấy cậu đến chơi. Không chơi với Aarti nữa à?” Chánh án Pradhan hỏi.
Chúng tôi ngồi trong phòng làm việc của ông. Một bức chân dung to như người thật của ông nội Aarti, thống đốc bang Brij Pradhan nhìn tôi chằm chằm từ trên tường. Chánh án Pradhan - mặt lớn với những nét rõ ràng, khỏe mạnh và tự hào - nhấm nháp cà phê với tôi.
“Không phải thế đâu chú. Cháu bận quá,” tôi nói.
“Tôi có nghe về trường cao đẳng của cậu. Ngài Shukla có liên quan, đúng không?” Chánh án Pradhan hỏi.
“Vâng, hiện bọn cháu chỉ còn một bước nữa là có thể tuyển sinh,” tôi nói và trình bày vấn đề với phó hiệu trưởng Tiwari.
Ông lắng nghe tôi rồi nói, “Để tôi xem.” Ông lấy điện thoại di động gọi cho phó hiệu trưởng.
“Tiwari à? Xin chào, là Pratap Pradhan... Phải, lâu quá rồi. Anh thế nào?”
Bố Aarti bố trí một cuộc gặp giữa chúng tôi và Tiwari vào buổi chiều.
“Cảm ơn chú rất nhiều,” tôi nói và chuẩn bị ra về.
“Không có gì. Nghe này, cậu đã trả tiền cho Tiwari chưa?”
Tôi thấy lúng túng khi nói chuyện này với bố Aarti nên im lặng.
“Tôi biết ngành giáo dục hoạt động ra sao. Tiwari ăn nói trí thức, nhưng ông ấy cũng muốn có phần. Hy vọng là các cậu không để tôi phải liên quan đến chuyện này.”
“Không đâu ạ, thưa chú,” tôi nói. “Thậm chí cháu còn không xử lý những việc này. Cháu chỉ lo cho trường thôi ạ.”
“Vậy là tất cả công việc kiểu này là do người của ngài Shukla làm?” bố Aarti hỏi.
“Vâng ạ,” tôi nói trong lúc nhìn xuống đất.
“Tốt, thế thì cậu giống tôi,” ông nói. “Đủ thực dụng để không động chạm đến những người làm việc khó nói.”
Tôi gật đầu, cúi chào ông trước khi ra khỏi phòng.
“Làm ơn cho một sô cô la sữa lắc với kem,” Aarti gọi. Chúng tôi đến đúng quán cà phê ở Sigra nơi Sunil đã đưa tôi tới sau cú thất bại ở hội chợ giáo dục.
“Trà đen,” tôi gọi.
Nàng mặc bộ salwar-kameez ren màu hoa cà. Bố nàng mua bộ này cho nàng từ Lucknow. Nàng tháo chiếc khăn dupatta trắng và để nó bên cạnh.
Người phục vụ đặt ly sữa lắc của nàng lên bàn. Nàng ngậm chiếc ống hút mà không chạm tay vào chiếc ly đầy ự. “Em hay làm đổ lắm nên phải cẩn thận,” nàng nói.
Làn tóc nàng quét nhẹ lên bàn trong lúc nàng nhấm nháp món đồ uống. Cả quán cà phê nhìn nàng.
“Bọn mình chắc chắn phải làm chuyện này thường xuyên hơn,” nàng nói, “gặp nhau ngoài quán cà phê. Dù cả em và anh chẳng ai uống cà phê cả.”
“Anh không nghĩ vậy,” tôi nói.
“Tại sao? Anh không thích gặp em à?” nàng hỏi. “Bạn thân nhất của em trong mười năm mà chỉ đến thế thôi sao?”
“Raghav sẽ không thích đâu,” tôi nói.
“Gặp nhau uống cà phê thì có gì sai chứ? Với lại, Raghav quá bận để bị phiền lòng bởi những chuyện thế này.”
“Tất nhiên rồi, giờ là phóng viên lớn rồi mà. Anh đã gặp cậu ấy,” tôi nói và nhấc ly của mình lên.
“Anh có gặp à?” nàng hỏi, nhướng lông mày lên trong khi vẫn nhấm nháp ly sữa lắc.
“Cậu ấy phỏng vấn anh, cho tờ báo của cậu ấy.”
“Để làm gì?” nàng hỏi.
“Cậu bé địa phương mở trường cao đẳng.”
“Đúng mà. Một thành tích đáng nể đấy.”
“Phải, đối với một kẻ thua cuộc như anh.”
“Em đâu có ý đó,” nàng nói. “Này, anh có muốn ăn gì không?”
Trước khi tôi kịp trả lời, nàng đã gọi hai cái bánh xốp rắc sô cô la. Nếu Aarti được lựa chọn, sẽ chẳng có gì ngoài sô cô la để ăn.
“Chuyện tìm việc của em thế nào rồi?”
“Em có một lời mời. Em chưa chắc có nhận hay không?”
“Thực sao? Lời mời thế nào?”
“Thực tập sinh quan hệ khách hàng, khách sạn Ramanda. Người ta mở ở Cantonment.”
“Năm sao chứ?”
“Phải, họ đến gặp bố em có chút việc. Bố phát hiện ra có chỗ trống, em nộp đơn và bây giờ thì họ muốn em đi làm từ tháng sau.”
“Em nhận đi. Anh biết em, em không ngồi nhà được đâu,” tôi nói.
“Anh biết em rõ hơn hầu hết mọi người, Gopal à,” nàng nói, “Nhưng mà...”
“Sao cơ?” tôi hỏi.
Bánh xốp đã được đem đến nhưng nàng không động tay. Tôi nhìn mắt nàng. Chúng ươn ướt. Một giọt nước mắt chảy dài trên má nàng.
“Aarti, em không sao chứ?” tôi đưa khăn giấy cho nàng.
Nàng lau mắt và trả miếng giấy dây chì kẻ mắt lại cho tôi. “Nếu em nhận, bố mẹ em sẽ bảo - đấy là một công việc tốt, gần nhà, ở lại đây đi. Còn nếu em cứ hờn dỗi ăn vạ ở nhà, có thể họ sẽ cho em thử một hãng hàng không nào đó.”
Tôi trêu nàng. “Sao lại phải khóc lóc về chuyện ấy? Em có một công việc tốt. Em đã tốt nghiệp khóa học về khách sạn còn gì...”
“Hàng không, không phải khách sạn.”
“Được rồi, nhưng tiếp viên hàng không cũng phục vụ khách như nhân viên khách sạn mà. Và một thực tập sinh quan hệ khách hàng cũng có cơ hội phát triển tốt hơn. Hôm nay là thực tập sinh, ngày mai là nhân viên chính thức, có thể là giám đốc điều hành khách sạn một ngày nào đó. Em thông minh. Em sẽ phát triển.”
Nàng khịt mũi vài lần để kiềm chế bản thân.
“Anh nghĩ thế à?” nàng hỏi, mắt nàng còn đẹp hơn khi long lanh lệ.
Tôi không thể trả lời, tôi hoàn toàn lạc lối trong khuôn mặt kiều diễm của nàng.
“Gì thế? Chì kẻ mắt bị nhòe à?” nàng cười. “Em thật ngốc, lúc nào cũng khóc như trẻ con.”
“Không, em không ngốc. Nếu không thì sao em tìm được việc,” tôi nói.
“Thế em nhận việc ấy nhé?”
“Sao không? Nếu không thích thì bỏ. Raghav nói gì?”
“Chẳng nói gì.”
“Là sao?”
“Em chưa gặp anh ấy từ khi có lời mời đi làm. Em có gọi điện cho anh ấy, nhưng anh ấy nói em nên làm bất cứ điều gì em muốn. Tuần này anh ấy đang đến cái làng nào đấy để kiếm tư liệu.”
“Sẽ tốt cho cả hai nếu em ở lại đây,” tôi nói.
“Ờ, nhưng anh ấy cũng đâu có nói thế.”
“Anh chắc là cậu ấy nhận ra thôi.”
“Em không nghĩ là anh ấy quan tâm nhiều đến chuyện của em, trừ phi em có liên quan đến vụ bê bối tham nhũng nào đấy,” nàng nói.
Tôi cười đúng như nàng muốn. Tôi gọi thanh toán.
“Vậy là bạn uống cà phê nhé?”
“Chúng ta là bạn mà.”
“Tốt rồi. Khách sạn vẫn chưa mở cửa, nhưng đến lúc nào đó em sẽ chỉ nó cho anh. Khá to đấy.”
“Chắc chắn rồi.”
“Khi nào thì em có thể thấy trường Ganga?” nàng hỏi.
“Hai tuần nữa,” tôi đáp. “Anh hứa đấy. Gần như là xong rồi.”
Chúng tôi đi bộ ra xe nàng.
“Em cười. Em khóc. Gặp anh thật thích,” Aarti nói.
“Anh cũng vậy, dù là anh không khóc,” tôi nói.
Nàng lại cười. Nàng ôm tôi hơi lâu hơn bình thường một chút.
“Bạn cũ là bạn cũ, Gopal à. Bạn trai và những người khác cũng tốt, nhưng họ không bao giờ hiểu mình như những người bạn cũ được.”
Tôi ghét từ “bạn”, nhưng không nói gì, chỉ vẫy tay tạm biệt.
Điện thoại của tôi reo. Bedi.
“Phó hiệu trưởng gọi chúng ta đến gặp. Cú điện thoại của Chủ tịch có tác dụng đấy. Họ biết nhau từ thời trẻ con,” anh ta nói.
“Bạn cũ là bạn cũ,” tôi nói.
22
Nhân dịp khánh thành Ganga, lần đầu tiên trong đời tôi mặc vest. Tôi giám sát việc trang trí. Đêm trước ngày khai trương chúng tôi ngủ lại văn phòng tôi. Chúng tôi chuyển ba phòng học thành các trung tâm tuyển sinh. Tôi thức để đảm bảo chúng tôi có đủ mẫu biểu, bút và tờ rơi thông tin.
Ngài Shukla cũng cố gắng hết sức. Ông ta đã thuyết phục được Thống đốc bang đến dự lễ khánh thành trường cao đẳng. Hai bộ trưởng của bang cũng sẽ đi cùng Thống đốc. Nhân viên an ninh của các chính trị gia đã tới thăm chúng tôi từ hôm trước. Vì vẫn chưa có giảng đường nên chúng tôi dựng một bục diễn giả tạm bên trong lều bạt cho các bài phát biểu.
“Hai ngàn giấy mời đã được gửi, thưa ngài, tới tất cả các gia đình nổi tiếng ở Varanasi.” Ajay, giảng viên khoa hóa, nói với tôi.
Chúng tôi đã mời ăn trưa. Thế nên dự kiến ít nhất một nửa khách mời sẽ tới. Vì khoảng cách xa nên chúng tôi bố trí bốn xe buýt để đón công chúng và một tá xe con để đưa đón phóng viên báo chí.
Tôi chi một triệu mua quảng cáo toàn trang trên các tờ báo hàng đầu của thành phố trong ba ngày liên tiếp. Bạn chỉ khai trương có một lần thôi. Ngài Shukla muốn cả thành phố biết là ông ta đã xây một trường học.
Công việc kết thúc lúc năm rưỡi sáng. Tôi nằm xuống ghế xô pha trong văn phòng và ngủ thật sâu trước khi buổi lễ bắt đầu. Cú điện thoại của ngài Shukla đánh thức tôi dậy lúc sáu rưỡi. Tôi dụi mắt, mất phương hướng.
“Xin chào, ngài Shukla,” tôi nói.
“Cậu đọc báo chưa?”
Tôi nghĩ chắc ông ta đã nhìn thấy những trang quảng cáo và phấn khích gọi điện đến. Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng thì ngày này cũng đã tới. “Chưa, tôi đang ở trường. Báo vẫn chưa đến.”
“Sao lại có chuyện này?” Ngài Shukla hỏi.
Tôi tự hỏi sao giọng ông ta lại có vẻ khó chịu vậy. Có thể ông ta không phải là người quen dậy sớm, tôi nghĩ. “Quảng cáo trông cũng được đấy chứ, phải không ạ?”
“Không phải quảng cáo, đồ ngu. Tôi nói về bài báo đăng trên tờ Dainik kìa.”
Ngài Shukla chưa bao giờ gọi tôi bằng những danh xưng khó nghe. Đúng là tôi làm việc cho ông ta. Nhưng cho tới tận trước lúc này, ông ta chưa một lần lên giọng với tôi.
“Bài báo nào?” tôi hỏi lại, tay đưa lên xoa thái dương đang giần giật vì thiếu ngủ.
“Đọc báo đi rồi gọi lại cho tôi.”
“Được rồi. Quảng cáo trông thế nào?”
Chỉ có tiếng dập máy trả lời tôi.
Tôi quát gọi người lao công và bảo ông ta đi mua cho tôi tất cả các tờ báo mới. Một tiếng sau đống báo đã nằm đủ trên bàn tôi.
Tờ báo nào cũng có một trang quảng cáo màu của chúng tôi. Bức ảnh chụp khuôn viên rất đẹp. Tôi thấy tên mình ở góc cuối trang quảng cáo. Câu nói khắc nghiệt của ngài Shukla lại vang lên trong đầu tôi.
Tôi lật qua tờ Dainik. Tôi thấy bài báo đó ở trang sáu. Tiêu đề bài báo viết: “Trường cao đẳng kỹ thuật mới được mở trong thành phố - có phải bằng tiền tham nhũng? - Raghav Kashyap, Phóng viên.”
“Cái mẹ gì thế này?” tôi thốt lên với mình khi đọc tiếp.
Tôi không thể tin cậu ta lại làm chuyện đó. Vài dòng đầu tiên nghe chừng vô hại.
Varanasi, còn được gọi là Thành phố học tập, có thể tự hào về một trường cao đẳng kỹ thuật nữa của riêng mình. Cao đẳng Kỹ thuật Ganga, nằm trong khuôn viên rộng mười lăm mẫu Anh trên đường cao tốc Lucknow, mở cửa tuyển sinh cuối tuần này.
Thực sự thì Raghav cũng nhắc tới cơ sở vật chất của chúng tôi, hồ sơ giảng viên, các ngành kỹ thuật được đào tạo và quy trình tuyển chọn. Một bài báo nửa trang cũng đăng một bức ảnh của ngài Shukla và tôi. Tôi chưa bao giờ thấy ảnh mình trên báo. Tuy nhiên, tôi không thể nuốt trôi khi tiếp tục đọc.
Điều thú vị là ngài Ủy viên Hội đồng Raman Lal Shukla là một trong những thành viên quản trị của trường Ganga. Ông ta giúp tài trợ cho trường. Ngài Shukla còn sở hữu đất quanh khuôn viên của trường Ganga với giá trị ước lượng khoảng từ năm mươi đến một trăm triệu. Shukla lấy tiền tài trợ từ đâu ra? Một cách tình cờ, ông ta đã công bố về trường cao đẳng này ba năm trước, cùng lúc tên ông ta xuất hiện trong vụ lừa đảo Kế hoạch hành động sông Hằng.
Phải chăng trường cao đẳng này là một nỗ lực làm trong sạch tên tuổi của ông ta? Người ta đến sông Hằng để rửa sạch tội lỗi. Liệu có phải Shukla đang cố gắng rửa sạch tội lỗi của mình với sông Hằng?
“Con mẹ mày,” tôi văng tục sau khi đọc xong bài báo.
Tôi vò nát tờ báo. Chuyện này không thể xảy ra với chúng tôi được. Không phải vào ngày tuyển sinh. Không phải vào bất cứ ngày nào. Ngài Shukla lại gọi điện. Tôi do dự nhưng rồi vẫn nhấc máy.
“Tôi đọc rồi,” tôi nói.
“Thế quái nào mà lại có chuyện này? Cái thằng phóng viên Raghav chó chết này là đứa nào? Có thực nó từng phỏng vấn cậu không?”
“Cậu ta... là... bạn... học phổ thông của tôi,” tôi lắp bắp. “Cậu ta hứa sẽ viết một bài khách quan.”
“Thế này mà gọi là khách quan à? Nó đập vào mặt tôi ấy chứ.”
“Tôi thực sự xin lỗi, ngài Shukla. Đừng lo, những tờ báo khác không có bài này đâu.”
“Dainik là tờ báo lớn và có ảnh hưởng nhất. Thống đốc bang đã hủy chuyến đi rồi.”
“Gì cơ?” tôi sốc. “Ai sẽ khánh thành trường bây giờ? Chúng ta đã chuẩn bị tấm biển đá khắc tên ông ấy rồi.”
“Tôi không biết. Giờ thì cho lao công khánh thành nó cũng được, tôi không quan tâm,” ngài Shukla nói.
“Làm ơn bình tĩnh lại, ngài Shukla,” tôi nói. “Thực sự đấy, chúng ta phải tìm được ai đó trong ba giờ nữa.”
Ngài Ủy viên Hội đồng hít một hơi dài. “Bộ trưởng giáo dục bang vẫn đến. Ông ta có thể khánh thành trường.”
“Còn tấm biển?”
“Dán nhãn đè lên nó, Gopal ạ. Chẳng lẽ tôi phải dạy cậu mọi thứ?”
“Xin lỗi ngài Shukla. Tôi sẽ sửa.”
Tôi bắt đầu một loạt các công việc phát sinh. Hầu hết khách mời đều khẳng định sẽ đến. Một bữa trưa miễn phí luôn chiến thắng các cáo buộc tham nhũng.
“Tôi vào được không, thưa ngài?” tôi nghe thấy một giọng phụ nữ khi vừa gọi điện xong.
Tôi ngẩng nhìn. “Aarti!”
“Em có làm phiền anh không?” nàng hỏi. “Em đến sớm.”
Nàng đến lúc chín giờ, một giờ trước lễ khánh thành. Thậm chí cả khi đang bị ức chế như lúc này tôi cũng nhận thấy nàng đã rất diện cho sự kiện hôm nay. Nàng mặc bộ áo dài salwar-kameez màu xanh vỏ chai có đường viền tím và vàng.
Tôi tiếp tục nhìn nàng, miệng há hốc. “Em vào được chứ, thưa ngài Giám đốc?” nàng nói.
“Hả? À, phải, tất nhiên rồi,” tôi nói. “Trời, trông em kìa...”
“Gì cơ?”
“Trông em thật chỉnh tề,” tuyệt đẹp, đấy mới là từ tôi muốn nói.
“Ồ, em nghĩ là anh sẽ nói em thật đẹp cơ.”
“Chuyện ấy thì rõ ràng rồi, Aarti à.”
“Chuyện gì rõ ràng?”
“Em lúc nào cũng đẹp,” tôi nói.
“Phải không? Gần đây em không được nghe câu đó nhiều lắm.”
“Sao vậy? Bạn trai em không nói thế à?” tôi hỏi với chút châm chích trong giọng nói, những ý nghĩ về bài báo của Raghav vẫn chưa rời khỏi đầu tôi.
Nàng thở dài. “Trừ phi em mặc giấy báo, còn không thì em không nghĩ là anh ấy sẽ nhận ra đâu.”
Tôi cười và bắt đầu kiểm tra danh sách các hiệu trưởng trường phổ thông xem có bị quên ai không.
“Anh có vẻ bận,” Aarti nói. “Em đợi bên ngoài nhé?”
Tôi không bao giờ muốn để Aarti đi, nhưng tôi còn cả ngàn cuộc điện thoại phải gọi.
“Em ở ngoài được chứ?”
“Vâng, mẹ em đang ở đây. Bố thì không đến được. Ông đang bận công tác.”
“Ồ,” tôi nói. “Thế để anh ra chào đã.”
Chúng tôi cùng ra ngoài. Mẹ nàng ngồi trên hàng ghế đầu, một trong những người khách đầu tiên trong lều.
“Chào cô,” tôi nói, hai tay khoanh lại.
“Chúc mừng Gopal. Khuôn viên đẹp quá,” bà nói.
“Vẫn còn chưa xây xong đâu ạ,” tôi ra hiệu cho người phục vụ đem trà và đồ ăn nhẹ đến.
“Đừng lo cho mẹ và em,” Aarti nói. “Anh cứ làm việc đi. Hãy chăm sóc những vị khách cao cấp ấy.”
Nàng ôm tôi trước khi tôi đi. Tôi nhận thấy mẹ nàng nhìn tôi.
Tôi khoanh tay lần nữa và xin phép đi.
Buổi lễ khánh thành diễn ra suôn sẻ, dù rằng thiếu Thống đốc bang thì nó cũng mất đi đôi chút hào quang. Bộ trưởng giáo dục bang kéo băng trùm tấm biển của trường, tên ông ta được đè lên tên của Thống đốc bang trên phiến đá hoa cương đen. Có tiếng xì xầm trong đám báo chí về sự vắng mặt của Thống đốc.
“Thống đốc phải hủy chuyến thăm vào phút cuối vì một cuộc khủng hoảng,” ngài Shukla nói khi lên sân khấu. Bài nói của ông ta dài không quá một phút. Báo chí tranh giành nhau đặt câu hỏi. Tất cả đều muốn hỏi về bài báo trên tờ Dainik.
Tuy nhiên ngài Ủy viên né tránh tất cả các câu hỏi trên đường đi từ bục diễn giả ra cửa. “Tôi xin lỗi, không hỏi đáp gì hôm nay. Tôi phải xuống nông thôn. Người nông dân cần tôi. Ông Gopal Mishra sẽ tiếp quản từ đây.”
Trong vài phút ông ta đã rời trường bằng ô tô của mình. Ông ta gọi điện cho tôi từ đường cao tốc.
“Tôi muốn nói chuyện với tay biên tập khốn kiếp của Dainik,” ông ta nói.
“Chắc chắn rồi, tôi sẽ bố trí,” tôi đáp. “Nhân tiện, mẫu đơn tuyển sinh rất chạy.”
“Những tên khốn đó có biết ta đã cho chúng bao nhiêu quảng cáo không?” ông ta tiếp.
“Ngài Shukla, về việc tuyển sinh...” tôi nói.
Nhưng ông ta đã dập máy.
Chúng tôi hy vọng lấp đầy những chỗ còn trống bằng một chiến dịch quảng cáo.
“Chúng tôi muốn quảng cáo cả năm,” tôi nói với Giám đốc Tiếp thị tờ Thời báo Varanasi. “Chúng tôi muốn được chiết khấu nhiều hơn.”
Tôi đã bỏ cả ngày đi tới các tòa báo để đăng ký thêm quảng cáo. Tôi ngồi trong văn phòng của Amar Trivedi, Giám đốc Tiếp thị của tờ Thời báo Varanasi.
“Sao cậu không để chúng tôi làm đối tác truyền thông của cậu?” ông ta nói.
“Là sao?” tôi hỏi.
“Chỉ thêm một ít phí nữa chúng tôi sẽ đăng các bài báo tích cực về trường của cậu. Chúng tôi có tin, còn cậu được hình ảnh. Là mối quan hệ hai bên cùng có lợi.”
“Làm sao tôi biết được những bài báo này sẽ tích cực hay không?” tôi hỏi lại. Chim bị tên sợ cây cong.
“Cậu gửi bài cho chúng tôi,” Amar nói.
Tôi bảo ông ta gửi cho tôi bản đề xuất chính thức.
Sau Thời báo Varanasi, tôi đến Bansphatak viếng thăm văn phòng tờ Dainik. “Xin chào mừng anh Gopal,” Sailesh Gupta, quản lý bán hàng tờ Dainik, chào đón tôi ở lối ra vào tòa nhà.
Tôi ném cho anh ta một nụ cười cộc lốc. Chúng tôi cùng vào văn phòng anh ta.
“Anh uống gì nhé?” anh ta hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Trà? Cà phê?”
“Cho xin mấy bài báo đầy dối trá được chứ?”
“Gì cơ?”
“Sailesh, tôi đã ký cho anh tờ séc lớn nhất trong số tất cả những nơi chúng tôi đăng quảng cáo. Vậy mà anh đã làm gì? Vào đúng ngày khánh thành của chúng tôi?”
Sailesh hiểu ý tôi và nhìn đi chỗ khác.
“Tôi còn năm trăm ngàn cần chi trong tuần tới. Nói tôi nghe xem vì sao tôi không nên làm tờ Thời báo Varanasi hài lòng và đưa cho họ cái này?” Tôi khua cuốn sổ séc của quỹ ủy thác trước mặt anh ta.
“Anh Gopal,” Sailesh hạ giọng, “anh nói gì thế? Chúng tôi là tờ báo số một cơ mà.”
“Thì sao nào? Các anh chơi chúng tôi à?”
“Anh Gopal, tôi đâu có làm chuyện đó.”
“Trường cao đẳng xây bằng tiền tham nhũng! Các người cũng kiếm tiền từ chúng tôi đấy.”
“Đó là bên biên tập. Họ là những tay ngu ngốc, phi thực tế,” Sailesh nói.
Tôi đấm tay lên bàn. “Tôi muốn gặp tổng biên tập của các anh. Nếu như anh còn muốn tôi đặt bất kỳ quảng cáo gì sau vụ này.”
Sailesh liếc cuốn sổ séc của tôi. Anh ta đứng dậy.
“Đi thôi,” anh ta nói. Tôi theo anh ta lên tầng biên tập.
Trong phòng kính của mình, Ashok Kumar, tổng biên tập đang làm việc với một vài biên tập viên. Sailesh vào phòng, các biên tập viên ra ngoài. Sailesh ra hiệu cho tôi vào.
Ashok nhìn tôi từ đầu đến chân. “Cậu đến từ văn phòng của Ủy viên Hội đồng Shukla?” ông ta hỏi.
“Tôi là giám đốc Cao đẳng Kỹ thuật Ganga,” tôi nói và chìa tay. Ông ta bắt tay tôi một cách chớp nhoáng và mời tôi ngồi.
“Tôi đã thấy quảng cáo toàn trang,” Ashok bắt đầu, thoáng chút bối rối vì sự hiện diện của tôi trong phòng làm việc của ông ta.
“Ông đã đọc bài báo của các ông về chúng tôi chưa?” tôi hỏi.
“Tôi chắc là có đọc rồi. Ai viết thế nhỉ?” Ashok hỏi. Ông ta đeo kính và quay lại tìm trên máy tính.
“Ông ấy có thể không nhớ tên phóng viên,” Sailesh nói với tôi. “Ta có nên tìm theo ngày không?”
“Là Raghav Kashyap viết,” tôi nói.
“Người mới à?” Ashok hỏi, lần đầu tiên trông có vẻ lạc quan. Ông ta nhanh chóng tìm thấy bài báo trên máy tính của mình. Ông ta quay màn hình về phía chúng tôi. “Bài này à?”
Tôi gật đầu.
“Tôi phải chúc mừng phóng viên này. Người mới, nhưng các bài báo của cậu ta đã gây chú ý.”
“Nếu viết những thứ vớ vẩn thì ông cũng gây được chú ý.”
“Có chuyện gì thế anh Sailesh. Sao khách hàng của anh lại giận dữ thế? Chúng ta có một bài nửa trang về trường của họ mà,” Ashok nói.
“Vì sao lại có hai đoạn cuối? Và tiêu đề nữa?” tôi xen vào.
“Gì cơ?” Ashok nói và lướt qua bài viết một lần nữa. “Ồ, chuyện tham nhũng. Có gì to tát ở đây đâu?”
“Nó làm ảnh hưởng đến hình ảnh của chúng tôi,” tôi nói, đập mạnh hai tay lên bàn.
Ashok không đánh giá cao màn trình diễn cảm xúc của tôi. Ông ta nhìn tôi chằm chằm. Tôi bỏ tay khỏi bàn.
“Nếu cậu quan tâm tới hình ảnh đến thế thì sao lại mở trường với Ủy viên Hội đồng Shukla?” Ashok hỏi.
Sailesh nhận ra mọi chuyện không được ổn.
“Thưa ông, trường Ganga có thể sẽ là khách hàng lớn nhất của chúng ta,” Sailesh nói.
“Thế thì chúng ta không đưa tin một cách công bằng nữa hay sao?” Ashok hỏi lại.
“Các cáo buộc chưa được chứng minh,” tôi nói. “Một vấn đề đã chìm được nhắc lại sau ba năm đúng vào ngày khai trương. Thế có công bằng không?”
“Ngài Ashok, xin được nói chuyện riêng trong hai phút,” Sailesh nói.
Tôi đứng bên ngoài văn phòng trong lúc họ nói chuyện. Tôi nhìn quanh. Tôi hỏi một người làm công xem Raghav Kashyap ngồi chỗ nào. Tôi nhìn thấy cái khoang làm việc bé tí tẹo của cậu ta. Nó chiếm diện tích nhỏ hơn cái ghế xô pha trong văn phòng tôi. Tôi nhìn thấy Raghav. Cậu ta đang điên cuồng gõ máy tính, không ý thức chút gì về thế giới xung quanh.
Sailesh gọi tôi vào phòng. “Đừng lo, mọi thứ đã được dàn xếp ổn thỏa. Ông Ashok sẽ nói chuyện trực tiếp với ngài Ủy viên Hội đồng. Chúng tôi sẽ giải quyết chuyện này. Làm ơn tiếp tục duy trì mối quan hệ của chúng ta,” Sailesh nói.
“Được rồi,” tôi nói. “Còn tay phóng viên thì sao?”
“Anh ta thì sao?” Sailesh nói. “Anh ta chỉ là phóng viên tập sự.”
“Tôi muốn anh ta xin lỗi tôi,” tôi nói.
Sailesh nhìn Ashok.
“Chuyện này tùy cậu ta,” Ashok nói. Ông ta nhấc điện thoại và bảo thư ký gọi Raghav vào.
Năm phút sau Raghav gõ cửa.
“Thưa, ngài cho gọi tôi?” Raghav nói rồi nhìn thấy tôi. “Chào Gopal. Sao cậu ở đây?”
“Các cậu biết nhau sao?” Ashok hỏi, nhướng một bên mày.
“Cậu ấy đã phỏng vấn tôi,” tôi nói.
Raghav có vẻ ngạc nhiên vì lời tuyên bố ngắn gọn của tôi. Cậu ta nhận ra tôi không muốn nhắc đến bất cứ một quan hệ nào từng có.
“Có chuyện gì vậy?” Raghav hỏi, nhận ra bầu không khí nghiêm trọng trong phòng.
Sailesh nhắc lại nội dung thảo luận trước đó của chúng tôi.
“Xin lỗi?” Raghav ngạc nhiên. “Gopal, cậu muốn tớ xin lỗi cậu?”
“Các cậu đã biết nhau trước rồi à?” Ashok hỏi, dần nắm bắt được dòng chảy ngầm.
“Chúng tôi học cùng hồi phổ thông,” tôi đáp.
“Ngồi cùng một bàn. Là bạn thân,” Raghav nói. “Sao cậu không nói với họ chuyện đó?”
Sao không nói với họ mày cướp mất cô gái của tao, hả thằng khốn, tôi những muốn nói vậy. Hay mày quá ghen tị với thành công của tao đến mức viết ra một bài báo đáng khinh bỉ?
“Những lời cáo buộc tham nhũng là vô căn cứ. Và không cần phải nhắc đến chúng trong một bài giới thiệu về trường cao đẳng,” tôi nói.
“Tớ phải viết khách quan,” Raghav nói. “Shukla là tay lừa đảo nổi tiếng.”
“Vớ vẩn,” tôi lớn giọng.
“Anh Gopal, xin đừng to tiếng. Raghav, cậu cũng không cần phải quá khích trong mọi bài báo,” Ashok nói.
“Thưa ngài, tôi có viết gì đâu. Tôi còn chưa động đến việc vi phạm xây dựng trong trường.”
“Không có vi phạm nào hết. Tất cả thiết kế của chúng tôi đều đã được phê duyệt,” tôi nói.
“Vậy Shukla làm thế nào để được phê duyệt? Dẫu sao thì tớ cũng không động chạm gì đến chuyện đó.”
“Cả Kế hoạch hành động sông Hằng cũng là tin cũ rồi, Raghav,” Ashok nói. “Trừ phi cậu có bằng chứng mới, chắc chắn còn không thì nhắc lại chuyện này là vô nghĩa. Chúng ta không thể cứ tiếp tục bôi nhọ tên tuổi người khác.”
Raghav lấy tay lơ đãng vuốt tóc. “Được thôi, tôi sẽ không bới móc nữa cho tới khi tôi tìm được thứ gì đó chắc chắn. Tôi đi được chưa?”
“Cậu vẫn chưa xin lỗi anh Gopal đây,” Sailesh nói. “Trường Ganga là khách hàng của chúng ta.”
“Biên tập viên chỉ xin lỗi vì những sai lầm thực sự,” Raghav nói.
“Hoặc khi tổng biên tập bảo anh ta xin lỗi,” Sailesh nói giọng cương quyết.
Raghav nhìn Ashok. Ashok im lặng.
“Sao ngài có thể...” Raghav bắt đầu.
“Raghav, hãy làm xong chuyện này đi. Tôi còn phải ký duyệt số tới trong một tiếng nữa,” Ashok nói, quay lại với màn hình máy tính.
Im lặng trong khoảng mười giây.
“Tôi xin lỗi,” Raghav thở dài nói.
“Không sao,” tôi nói, nhưng Raghav đã lao ra khỏi phòng.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới