Nếu bạn không thể phạm sai lầm, bạn sẽ không thể làm được điều gì.

Marva Collins

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
0
Từ cửa sổ phòng làm việc, tôi nhìn thấy Raghav tiến vào khuôn viên trường. Tôi đã phải quát nạt đội thợ mộc để họ làm xong bàn ghế trong văn phòng tôi đúng kỳ hạn. Ngoài chiếc ghế xô pha cho khách còn thiếu, văn phòng tôi đã đâu vào đấy. Điều hòa đã làm việc. Tôi vặn lạnh hết cỡ để đảm bảo Raghav nhận ra. Tôi chất hồ sơ quanh mình. Cậu ta đến và gõ cánh cửa khép hờ.
“Vâng?” tôi ngẩng đầu nhìn lên.
“Bọn mình hẹn hai giờ, đúng không?” Raghav hỏi. Cậu ta mặc sơ mi trắng và quần bò xanh.
“Chào Raghav. Xin lỗi, tớ bận quá, quên cả thời gian,” tôi đáp.
Cậu ta ngồi đối diện với tôi. Tôi ngồi trên chiếc ghế giám đốc. Tôi tự hỏi không biết cậu ta có nhận ra là tôi có chiếc ghế sang trọng hơn ghế của cậu ta rất nhiều không.
Cậu ta lấy sổ tay, bút và vài tờ tài liệu ra. “Tớ có làm vài nghiên cứu, bất cứ thứ gì tớ có thể tìm thấy về trường cậu.”
“Cậu không tìm được nhiều đâu. Bọn tớ mới mở mà,” tôi nói.
“Phải, nhưng tớ tìm được khá nhiều về một trong những người quản trị, Shukla.”
“Tất nhiên, ông ấy là một chính trị gia nổi tiếng. Nhưng không thực sự tham gia vào các hoạt động của trường.”
“Nhưng ông ta có tham gia vào nhiều việc khác,” Raghav vuốt thẳng một tờ in các câu hỏi.
“Trà nhé?” tôi hỏi.
Cậu ta gật đầu. Tôi bấm chuông. Tôi bảo người lao công rót trà vào những cái cốc sứ xương mà chúng tôi để dành riêng cho những vị khách đặc biệt. Không phải vì Raghav được coi là khách đặc biệt ở đây. Nhưng tôi muốn cậu ta biết là chúng tôi có trà rót trong những cái cốc đẹp mắt.
Cậu ta nhìn quanh văn phòng thênh thang gần năm mươi mét vuông của tôi. Tôi muốn hỏi cậu ta xem ở tòa soạn có ai có văn phòng lớn như này không, nhưng tự kiềm chế được.
Cậu ta để ý thấy một mô hình kiến trúc của trường sau lưng tôi. “Tớ xem được không?” cậu ta hỏi.
“Tất nhiên rồi,” tôi nói và nhảy dựng lên. “Để tớ cho cậu xem toàn bộ cơ sở.”
Tôi giải thích cách bố trí khuôn viên trường cho cậu ta. “Ký túc xá ở đây. Bọn tớ sẽ tiếp tục thêm phòng với các lô kế tiếp. Lớp học và văn phòng khoa ở đây, tại tòa nhà chính mà chúng ta đang ngồi. Phòng thí nghiệm nằm ở một tòa nhà riêng. Tất cả thiết bị đều là nhập khẩu.”
“Tỉ lệ giảng viên thế nào?” Raghav hỏi, điên cuồng ghi chép.
“Chúng tớ nhắm tới không quá mười lăm sinh viên trên một giảng viên,” tôi trả lời, “như thế là cao hơn chỉ tiêu của Ủy ban Toàn Ấn. Một ngày nào đó chúng tớ muốn tốt hơn BHU.”
Cậu ta nhìn tôi.
“Chỉ là một mục tiêu thôi. Còn so sánh với ai được nữa?” tôi nói.
Cậu ta nhún vai đồng tình.
Trà được mang đến. Tôi bảo người lao công đem đến ít nhất năm món ăn nhẹ. Ông ta mang vào các loại hạt, bánh quy, bánh gối, khoai tây rán và hoa quả.
“Đây đâu phải uống trà. Là hẳn một bữa rồi,” Raghav nói.
“Làm ơn dùng đi. Bọn mình có thể tiếp tục phỏng vấn sau,” tôi nói trong lúc người lao công phục vụ.
Chúng tôi ăn trong im lặng. Tôi không muốn thảo luận với cậu ta bất cứ chuyện gì khác ngoài trường cao đẳng. Cậu ta cầm sổ ghi chép lên trong lúc ăn.
“Có những loại hình đầu tư nào vào trường này?” Raghav hỏi.
“Nhiều loại. Cao đẳng kỹ thuật không hề rẻ,” tôi nói và cười, tránh nêu ra bất cứ con số thực tế nào.
“Chính xác là bao nhiêu?” cậu ta lại hỏi.
“Khó nói đấy. Tớ có đất, nhưng nếu cậu phải mua thì cậu có thể hình dung ra mức giá của nó,” tôi đáp.
“Đấy là đất nông nghiệp phải không?” cậu ta hỏi tiếp.
“Phải, cậu biết mà, Raghav. Có nhớ vụ kiện tụng của bố tớ không?” tôi hỏi lại.
“Cậu đã tìm được cách lấy lại từ những người họ hàng?”
“Đúng thế, nhưng chuyện này sẽ không được đưa vào bài phỏng vấn, đúng không?” tôi nói.
“Không. Nhưng nói tớ biết đất nông nghiệp đã được chuyển đổi mục tiêu sử dụng như thế nào?”
“Bọn tớ xin, chính quyền thành phố đồng ý.”
Cậu ta tiếp tục ghi chép.
“Mọi thứ đều đã được duyệt,” tôi nhắc lại, có lẽ hơi quá phòng thủ.
“Nhờ Shukla?”
“Không,” tôi trả lời, thấy hơi khó chịu. “Vì bọn tớ làm đúng thủ tục.”
“Được rồi. Ngoài đất ra thì trường này còn tốn thêm bao nhiêu nữa?”
“Tớ không chắc là mình có thể tiết lộ con số này. Xét cho cùng thì đây là thông tin cạnh tranh. Nhưng bất cứ ai đến thăm khuôn viên của chúng tớ đều có thể thấy nó thuộc loại tân tiến nhất.”
“Hơn năm mươi triệu?” cậu ta tiếp tục. Đáng lẽ tôi không nên tham gia trò chơi thăm dò này của cậu ta.
“Phải.”
“Hơn một trăm?”
“Con số thực thì có liên quan gì?”
“Tiền từ đâu ra vậy?”
“Từ những người ủy thác và cộng sự của họ.”
“Những người cộng sự của ai? Của cậu hay của Shukla?”
“Tớ hiến đất. Ngài Shukla sắp xếp tài chính, vì lợi ích của thành phố. Bọn tớ là quỹ ủy thác phi lợi nhuận.”
“Cậu có biết ông Ủy viên Hội đồng lấy quỹ từ đâu ra không?” Raghav hỏi, mắt không rời cuốn sổ.
“Không. Và tớ không thấy lý do để phải biết. Đấy là tài sản của ông ấy và bạn bè ông ấy.”
“Cậu có biết về sự liên quan của Shukla tới vụ lừa đảo Kế hoạch hành động sông Hằng không?”
“Không, Raghav à. Tớ không muốn bình luận về bất cứ việc gì ngoài trường Ganga. Nếu cậu có đủ thông tin rồi, bọn mình có thể kết thúc cuộc phỏng vấn.”
Raghav buông bút. “Tớ xin lỗi. Phải, tớ xong rồi. Đừng lo, tớ sẽ viết một bài không thiên kiến.”
“Cảm ơn, tớ sẽ tiễn cậu.”
Chúng tôi cùng nhau đi ra cổng trường. Cậu ta đến bằng chiếc xe tay ga cũ của bố.
“Đáng ra để tớ cho xe đến đón cậu,” tôi nói. “Trời nóng quá.”
“Không sao. Tớ còn nhiều chỗ phải đến,” cậu ta nói và đội mũ bảo hiểm.
“Cậu có nhớ nghề kỹ sư không?” tôi hỏi, câu hỏi chung chung đầu tiên của tôi.
“Không hẳn. Tớ đoán là mình chưa từng trở thành kỹ sư,” cậu ta trả lời.
Tôi nghĩ là đã đến lúc tôi tung cú đấm cuối cùng. “Cậu tốt nghiệp BHU. Cậu sẽ rất ổn trong danh sách giảng viên của bọn tớ. Muốn tham gia không?” tôi hỏi. Phải, tôi có thể thuê cậu ta. BHU có thể không nhận tôi, nhưng tôi có thể nhận sinh viên tốt nghiệp của họ.
“Tớ? Làm giảng viên? Không đời nào. Với lại tớ cũng có việc làm rồi,” cậu ta nói và ngồi lên xe máy.
“Cậu không phải đến nhiều. Giúp tớ với các vụ thanh tra, và có thể sau đó tuần đến một lần.”
Cậu ta đã định nổ máy, nhưng dừng lại giữa chừng. Cậu ta nghĩ ngợi đề nghị của tôi.
“Chúng tớ trả lương cao. Có thể còn nhiều hơn tòa báo của cậu đấy,” tôi nói thêm.
Cậu ta cười và lắc đầu.
“Sao không?” tôi hỏi, thấy khó chịu vì sự từ chối dễ dàng của cậu ta.
“Tớ không thể trở thành một phần của doanh nghiệp tham nhũng,” cậu ta nói.
“Cái gì?”
“Đây là của Shukla.”
“Là của tớ,” tôi phản đối.
“Tớ biết cậu sẽ điều hành nó, nhưng ông ta mới là người đứng sau, phải không?”
“Thì sao? Sao cậu có thể gọi chúng tớ là tham nhũng? Chúng tớ vẫn còn chưa mở cửa cơ mà?”
“Nó được xây dựng bằng tiền kiếm được từ những hành vi tham nhũng.”
“Tớ đã làm việc cật lực trong ba năm, Raghav à. Ba năm, cả Chủ nhật. Sao cậu có thể tuyên bố như thế được?”
“Ông ta bị buộc tội ăn cắp hai trăm triệu từ Kế hoạch hành động sông Hằng. Tiền chính phủ dự định làm sạch dòng sông của chúng ta.”
“Chỉ là lời buộc tội. Chưa được chứng minh,” tôi nói.
“Ngay sau đó ông ta đã đầu tư rất nhiều vào bất động sản, bao gồm cả trường cao đẳng này. Không thể tin được là cậu không nhìn thấu chuyện đó. Làm sao một chính khách lại có nhiều tiền như vậy được? Gốc gác của ông ta cũng khiêm tốn.”
“Cậu có chứng minh được những hành vi sai trái đó không?”
“Vẫn chưa. Nhưng cậu có chắc là ông ta không làm gì không?” cậu ta chất vấn.
Tôi không thể kiểm soát bản thân thêm được nữa. “Cậu đang ghen tị,” tôi nói.
“Gì cơ?”
“Cậu đang ghen tị vì tớ thành công. Tớ không đáng được thành công, phải không? Xét cho cùng, điểm AIEEE của tớ thấp hơn cậu. Phải không, ngài JEE?”
“Bình tĩnh thôi anh bạn. Đây không phải chuyện cá nhân đâu,” cậu ta nói và nổ máy xe.
“Thế thì là gì, thưa ngài phóng viên?”
“Công việc của tớ là tìm ra sự thật, thế thôi.”
Trước khi tôi kịp phản ứng, cậu ta đã lao đi. Cậu ta để lại sau một đám mây bụi làm cay mắt tôi hơn bất cứ thứ gì đã làm trong suốt năm qua.
Ngày thanh tra của Ủy ban Toàn Ấn có cảm giác như một ngày đi thi. Hai mươi giảng viên của chúng tôi đến trường lúc tám giờ sáng. Những người lao công quét dọn lau sàn cho đến phút cuối cùng. Chuyên gia công nghệ thông tin bảo đảm rằng tất cả máy tính trong phòng máy đều hoạt động. Chúng tôi đặt bữa tối tại Taj Ganga cho Ủy ban Thanh tra. Ngài Shukla hứa với tôi là ông ấy sẽ đến, nhưng lại rút lui vào phút cuối vì một chuyến công tác khẩn cấp về nông thôn. Mồ hôi đọng thành giọt trên trán tôi. Tôi ra cổng trường lần thứ năm để kiểm tra xem đoàn thanh tra đã đến chưa.
“Đứng thẳng lên,” tôi quát nhân viên bảo vệ, “và nghiêm chào tất cả các vị khách.”
“Thư giãn đi, Giám đốc Gopal,” trưởng khoa Shrivastava nói, “để tôi xử lý họ.”
Tới mười một giờ họ mới đến. Ashok Sharma, giảng viên trẻ nhất của chúng tôi, cầm hoa đứng chờ dưới sảnh tòa nhà chính.
Trưởng đoàn thanh tra bắt tay tôi. “Tôi là Jhule Yadav, giáo sư, cựu giảng viên trường NIT Delhi.”
“Tôi là Gopal Mishra, người sáng lập đồng thời là giám đốc trường. Đây là trưởng khoa Shrivastava, cựu giám đốc trường NIT Allahabad,” tôi giới thiệu.
Yadav và Shrivastava nhìn nhau, thầm đánh giá nhau như hai võ sĩ trên võ đài. Chúng tôi vào văn phòng tôi và ngồi xuống những chiếc xô pha bốc mùi dầu bóng.
“NIT Allahabad?” Yadav hỏi. “Các anh có một cậu là Barua ở khoa Điện phải không? Sau đó anh ta đến Stanford.”
“Phải,” Shrivastava nói, “tôi thuê anh ta.”
“Barua là sinh viên của tôi,” Yadav nói và vỗ đùi.
Bất ngờ điện tắt. Mọi người thở dài khi bóng tối bao trùm chúng tôi. Chúng tôi có vấn đề về điện ở những làng gần đó. Chiều nào cũng bị cắt điện sáu tiếng liền.
“Chúng tôi có máy phát điện,” tôi nói và bảo người làm công bật máy.
Văn phòng trở nên ngột ngạt.
“Ta ra ngoài chứ?” một người trung niên trong đoàn thanh tra nói.
“Bất cứ lúc nào, thưa ngài,” tôi nói. Đèn neon trong văn phòng nhấp nháy khi có điện trở lại.
“Các anh có bao nhiêu máy tiện trong phòng máy thí nghiệm?” một thanh tra hỏi.
“Tám,” Shrivastava nói. “Chúng ta sẽ đi tham quan sau.”
“Ngài Shrivastava, sao lại phải đi lại trong lúc nóng bức làm gì?” Yadav nói.
“Thành viên trong đoàn của ngài đặt câu hỏi mà, thưa ngài,” Shrivastava nói.
Mọi người quay nhìn thanh tra vừa hỏi câu về máy tiện. “Anh là?” Shrivastava hỏi.
“Bhansali,” thanh tra đó trả lời.
“Anh Bhansali, tại sao tất cả chúng ta lại không đến văn phòng tôi để giải đáp các câu hỏi liên quan đến khóa học? Trừ phi các vị cần tới sáng lập viên.”
“Trông anh vẫn còn trẻ,” Bhansali nói với tôi.
“Tôi còn trẻ,” tôi nói.
“Trình độ của anh là gì?” ông ta hỏi.
“Tôi đã xây trường này,” tôi trả lời, “và tôi tuyển những giảng viên giỏi nhất.”
“Nhưng...”
Bhansali đang nói thì Shrivastava ngắt lời ông ta. “Đi thôi, thưa ngài. Tôi sẽ trả lời mọi việc,” Shrivastava nói và dẫn họ ra ngoài.
Khi mọi người đã ra hết, Shrivastava quay lại văn phòng tôi. “Bhansali là người mới. Sáu người kia sẽ không nói lời nào. Đến giờ ăn trưa rồi, phải không?”
“Phải, bên phục vụ đã ở đây rồi,” tôi nói.
“Tốt. Túi thì sao?”
“Túi?”
“Gopal, tôi có phải giải thích không nhỉ? Đây là Ủy ban Toàn Ấn.”
“À,” tôi nói. “Ý ông là phong bì. Tất nhiên rồi, tôi đã chuẩn bị sẵn.”
“Tốt. Đưa cho họ sau món tráng miệng. Bao nhiêu vậy?”
“Hai trăm cho Yadav. Và hai lăm cho những người còn lại?”
“Đưa cho Bhansali năm mươi,” Shrivastava nói. “Tráng miệng món gì?”
“Chè đậu xanh.”
“Đúng món tôi thích!” Giáo sư Shrivastava nói và ra ngoài.
Chúng tôi đã đặt một phòng riêng ở Taj Ganga cho bữa tối với đoàn thanh tra. Chúng tôi cũng mời toàn bộ giảng viên và các quan chức cao cấp của chính quyền trước đây đã từng giúp đỡ chúng tôi. Họ đến cùng với gia đình. Bữa tiệc một trăm người này đã đốt thêm một lỗ nữa trong túi tiền của trường Ganga.
Chúng tôi vẫn chưa kiếm được đồng nào. Chúng tôi đã chi ra sáu mươi triệu để xây dựng, mua thiết bị, giảng viên và tất nhiên, cả đút cho các quan chức chính quyền.
Tuy nhiên, ngài Shukla có vẻ không quan tâm.
“Thư giãn đi, chúng ta sẽ thu hồi vốn,” ngài Shukla nói. Ông ta đưa cho tôi một cốc whisky pha sô đa.
Tôi nhìn quanh phòng. “Ta đã hối lộ ít nhất là ba mươi người trong phòng này,” tôi nói.
Ngài Shukla cười.
“Ta có làm gì sai đâu? Ta chỉ muốn mở một trường cao đẳng thôi mà.”
“Không sao,” ngài Shukla nói. “Nếu chúng ta có một hệ thống đơn giản và sạch sẽ, các giáo sư này sẽ mở trường riêng của họ. Các công ty lớn và công ty phần mềm sẽ mở trường. Hệ thống rắm rối, họ không muốn động chạm đến. Và đó là chỗ chúng ta nhảy vào.”
“Khi nào thì chúng ta sẽ làm ra tiền? Hôm nay tôi đã phải chi cho thanh tra năm trăm ngàn rồi.”
“Trả thêm cho họ đi,” ngài Shukla nói.
“Ai?”
“Thanh tra.”
“Tại sao?” tôi hỏi lại. “Shrivastava nói thế là đủ. Sau một tuần nữa ta sẽ được chấp thuận.”
“Tôi không chỉ muốn họ phê duyệt mà còn phải nói tốt cho trường Ganga nữa,” ngài Shukla nói.
“Bằng văn bản?” tôi hỏi.
“Phải, và chúng ta sẽ dùng chúng để tiếp thị. Thêm mười ngàn cho các thành viên, thêm năm mươi cho trưởng đoàn. Tôi sẽ bố trí tiền mặt.”
Ông ta lấy điện thoại và gọi.
Ngài Shukla và tôi tới chỗ lấy đồ ăn. Chúng tôi lấy đầy thức ăn vào đĩa và ra một góc phòng.
“Tiền sẽ tới sau một giờ nữa,” ông ta nói với tôi.
“Sao ông lại tin tưởng tôi thế, ngài Shukla. Tôi có thể trộm tiền của ông.”
“Cậu không có gia đình. Cậu trộm tiền cho ai?” ông ta hỏi ngược lại.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới