Love is as much of an object as an obsession, everybody wants it, everybody seeks it, but few ever achieve it, those who do will cherish it, be lost in it, and among all, never… never forget it.

Curtis Judalet

 
 
 
 
 
Tác giả: Chetan Bhagat
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phạm Hồng Anh
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 15
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 10
Cập nhật: 2022-04-16 15:31:26 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
2
Chỉ có cảnh và mùi của Varanasi đón tôi ở ga. Tôi không nói với ai về sự trở về của mình, không muốn bố phí tiền đi tuk tuk máy đến ga. Ông đã nói với tôi là tổng cộng nợ lãi của chúng tôi đã lên đến hơn một trăm năm mươi ngàn. Chủ nợ cho vay nặng lãi vẫn tiếp tục tính lãi ba phần trăm một tháng.
“Con vào được đại học thì Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ sẽ cho chúng ta vay với lãi suất thấp hơn.” Bố từng bảo tôi thế.
Thậm chí những con phố bẩn thỉu, đông đúc của Gadholia với tôi cũng thật đẹp. Chẳng nơi nào như quê nhà. Và trên cả mọi thứ, tôi muốn gặp Aarti. Từng xăng ti mét của Varanasi đều nhắc tôi nhớ đến nàng. Người ta đến thành phố của tôi để cảm nhận sự hiện diện của Chúa trời, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của nàng ở khắp nơi. Tuy vậy, tôi vẫn phải về nhà với bố trước.
Tôi bấm chuông cửa.
“Gopal!” bố thốt lên, ôm lấy tôi bằng đôi cánh tay gầy guộc.
“Con nhớ Varanasi, bố à. Con nhớ nhà. Con nhớ bố.”
Ngôi nhà có vẻ lộn xộn hơn trước đây. Tôi cho là bố chỉ quét dọn được đến mức ấy thôi. Tôi cầm cái chổi lên để quét nhà.
“Thôi con, cả năm trời con mới về. Con đang làm gì thế?” bố tước lấy cái chổi từ tay tôi.
Chúng tôi ăn món xúp đậu lỏng màu vàng vàng và bánh mì dẹt khô khốc vào bữa trưa. Đồ ăn ở nhà thật ngon. Đã lâu bố không nói chuyện với ai, nên ông nói cả lúc mồm đang đầy.
“Vụ kiện không đi đến đâu cả. Ghanshyam còn không đến cả phiên xử. Bố nghĩ ông ta đoán bố sắp chết tới nơi rồi. Đằng nào thì sau đó sự việc cũng sẽ dễ giải quyết hơn,” ông nói.
“Bố nói chuyện gì vậy?”
“Ông ta đúng đấy. Phổi bố còn chịu được bao lâu nữa chứ?” ông vẫn ho trong lúc nói câu này.
“Sẽ không có chuyện gì xảy ra với bố đâu. Để con nói chuyện với luật sư.”
“Chẳng có ích lợi gì đâu. Bố không có tiền trả luật sư. Ông ta đã chẳng còn nghe điện thoại của bố nữa rồi. Quên những chuyện ấy đi. Khi nào con có kết quả thi?”
“Một tháng nữa ạ,” tôi lơ đãng nói trong lúc cố quyết xem sẽ gọi cho Aarti trước hay rửa tay trước.
Tôi quay số của nàng bằng những ngón tay dính đầy canh đậu.
“Tôi nghe,” nàng thưa máy.
“Đi bơi thuyền chiều này chứ, thưa quý cô?”
“Gopal! Anh về rồi à? Anh về nhà lúc nào?”
“Được một tiếng rồi. Bọn mình gặp nhau lúc nào đây?” tôi hỏi nàng. “Chiều nay ngoài bậc nước nhé?”
“Ừ, tất nhiên rồi. Không, đợi đã. Em phải đến trường Raghav. Anh đi cùng với em nhé.”
“Không đâu, cảm ơn.”
“Sao không? Anh ấy cũng là bạn anh mà?”
“Anh muốn nói chuyện với em trước.”
“Bọn mình sẽ nói chuyện trên đường đi. Em sẽ cho xe của bố đến đón anh. Đi nhé, được không?”
Tôi không có nhiều lựa chọn. Tôi không muốn phải đợi một ngày nữa để được gặp nàng.
“Raghav sẽ không phản đối chứ?”
“Anh ấy sẽ cảm động lắm. Là sự kiện lớn của anh ấy mà.”
“Sự kiện?”
“Em sẽ kể anh nghe khi mình gặp nhau. Trời ạ, gần một năm rồi đấy, phải không?”
“Ba trăm linh năm ngày,” tôi nói.
“Có người đã thành đầu to mắt cận trở về kìa. Hẹn gặp anh sau.”
Ngồi trên chiếc Ambassador công vụ màu trắng có đèn nháy đỏ trên nóc khiến ta cảm nhận được mùi quyền lực. Xe cộ nhường đường, cảnh sát chào chẳng vì nguyên cớ gì và bạn bắt đầu tự hỏi liệu mình có nên đi làm cho chính phủ hay không.
Chiếc xe đưa tôi đến nhà riêng của Chánh án. Nằm trong khu Cantonment, khu đất hai mẫu Anh có một con đường vào quanh co.
“Nói với cô Aarti là tôi đợi trong xe,” tôi nói với người lái xe.
Tôi không muốn nói chuyện Kota và kết quả sắp tới của kỳ thi tuyển với cha mẹ nàng.
Bộ salwar-kameez hồng của nàng xuất hiện từ đằng xa. Khi nàng lại gần, tôi nhìn mặt nàng - không trang điểm, chỉ thoa chút son bóng. Tôi chưa thấy gì đẹp hơn thế trong suốt ba trăm linh năm ngày qua. Tôi cố kiểm soát sự phấn khích của mình khi nàng mở cửa.
“Chào Aarti,” tôi nói.
“Làm gì mà long trọng thế? Lại đây nào,” Aarti nói và ôm tôi. Khăn áo đính trang sức của nàng chạm vào ngực tôi, trong khi mùi hương của nàng phả lên đầu tôi. “Trường của Raghav,” nàng nói với người lái xe và anh ta hiểu ngay.
“Rồi, cuộc sống thế nào? Anh có vui khi trở về không?” nàng hỏi.
“Là ngày hạnh phúc nhất của anh. Anh hy vọng anh sẽ không bao giờ phải rời Varanasi nữa.”
“Trừ phi đi học IIT chứ,” nàng nói và nháy mắt với tôi.
Tôi không thể trả lời.
“Sao vậy? Anh sẽ đi học IIT, phải không?”
Tôi bình tĩnh lại. “Không phải là chuyện trong tay anh. Mà thôi, sự kiện của Raghav là gì vậy?”
“Anh ấy mới cải tổ lại tạp chí của trường. Hôm nay là ngày ra mắt số đầu tiên.”
“Cậu ấy có học hành gì cho cái bằng kỹ sư không vậy? Anh chỉ toàn nghe chuyện cái tạp chí của cậu ấy thôi.”
Aarti cười. Trời ạ, tôi nhớ tiếng cười ấy làm sao. Tôi muốn ghi nó lại mà nghe đi nghe lại.
“Có chứ,” Aarti nói và lại cười tươi. “Dù em cũng gọi anh ấy là kỹ sư rởm.”
“Kỳ thực tập của cậu ấy thế nào?”
“Không tệ. Mặc dù họ không cho anh ấy viết nhiều. Họ thấy bài của anh ấy...” nàng tìm từ thích hợp, “quá cực đoan và khác biệt.”
Chúng tôi chạy xe vào khuôn viên trải dài của BHU. Những thảm cỏ được cắt xén và các tòa nhà được chăm sóc tốt làm cho nó trông như ở một đất nước khác so với phần còn lại của Varanasi.
“Hội trường G-14,” Aarti ra lệnh cho người lái xe.
Chúng tôi bước vào một hội trường năm trăm chỗ chật kín người. Một tấm biểu ngữ lớn in ảnh tờ bìa tạp chí mới treo ngang sân khấu.
Raghav đã thay đổi mọi thứ: khuôn dạng, hình thức, nội dung và cả tên tạp chí. Tờ bìa có hàng chữ BHUkamp, hay động đất*. Tôi nhận thấy cách chơi chữ thông minh tên viết tắt của trường. Khẩu hiệu của tờ tạp chí là: “Hãy rung chuyển thế giới.”
Aarti và tôi ngồi ở hàng ghế thứ hai. Ánh sáng mờ dần và âm nhạc tràn khắp hội trường. Đám đông rộ lên trong sự trông đợi.
“Raghav ở sau sân khấu,” Aarti nói với tôi. “Quá nhiều thứ phải lo liệu. Anh ấy sẽ gặp bọn mình sau.”
Một nhóm khoảng mười sinh viên lên sân khấu. Họ mặc những bộ quần áo đen từ đầu đến chân bó sát người in hình bộ xương. Đèn cực tím bật lên và những bộ xương tỏa sáng.
Bài “Người đàn ông trong gương” của Michael Jackson tràn ngập hội trường.
Tôi sẽ tạo ra sự thay đổi
Một lần trong đời mình
Đám đông gào lên vì phấn khích khi những bộ xương biểu diễn một điệu nhảy nhào lộn. Bài hát tiếp tục.
Nếu anh muốn làm cho thế giới tốt đẹp hơn
Hãy nhìn lại chính mình và thay đổi
“Đây là buổi ra mắt tạp chí hay biểu diễn nhảy nhót vậy?” tôi cười thầm.
“Đầu tiên mua vui cho khán giả đã, thu hút sự chú ý của họ rồi sau đó muốn nói gì thì nói,” Aarti giải thích.
“Hả?” tôi nhìn nàng. Khuôn mặt nàng tắm trong ánh đèn cực tím.
Tôi nhún vai. Tôi quay xung quanh nhìn đám đông. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người trong số họ đã từng ở Kota. Về mặt thống kê, một phần ba trong số họ đến từ thành phố mà tôi vừa bỏ lại sau lưng.
Tôi không thể không nghĩ: Trong tất cả những chỗ ngồi này trong hội trường, lẽ nào tôi không thể có được một chỗ?
Những bộ xương đã hoàn thành tiết mục của mình. Đám đông vỗ tay. Một người đàn ông mặc bộ vest đen bước lên sân khấu. “Xin chào BHU,” giọng nói quen thuộc của cậu ta vang khắp hội trường.
“Là Raghav,” tôi nói, ngạc nhiên vì sự thay đổi. Tôi chưa bao giờ thấy cậu ta mặc vest. Cậu ta trông như một ngôi sao nhạc rock vậy. Cơ thể cậu ta gọn gàng như thế có nghĩa là cậu ta đã tận dụng tốt cơ sở vật chất thể thao của trường. So với cậu ta, tôi thấy mình béo và già sau một năm ở Kota.
Raghav bắt đầu bài phát biểu của mình.
“Đây không phải là một trường tầm thường. Các bạn không phải là những sinh viên tầm thường. Chúng ta không thể có một tạp chí tầm thường được. Thưa các quý bà và quý ông, tôi xin giới thiệu với các vị BHUkamp!”
Đèn sân khấu chiếu lên tờ bìa tạp chí. Đám đông hò reo. Aarti vỗ tay ầm ĩ, mắt nàng nhìn không chớp lên sân khấu.
“Thế giới đã thay đổi. Trường ta, thành phố của chúng ta, đất nước của chúng ta cũng cần phải thay đổi,” Raghav tiếp tục. “Ai sẽ là người thay đổi họ? Chúng ta. Sự thay đổi bắt đầu ngay từ đây. Chúng ta sẽ rung chuyển thế giới.”
Đám đông lại reo hò, vì sự nhiệt tình sôi nổi trong giọng nói của Raghav hơn là những gì cậu ta nói.
Nhóm sinh viên biên tập của Raghav bắt đầu tụng trên sân khấu “BHUkamp, BHUkamp”. Đám đông tụng theo.
“Chúng tôi sẽ in những thứ không ai dám in. Những vấn đề ảnh hưởng đến chúng ta. Không nhảm nhí,” Raghav nói tiếp.
Nhóm biên tập xuống sân khấu và bắt đầu phân phát tạp chí.
Raghav tiếp tục bài diễn văn. “Bài trang bìa đầu tiên của chúng tôi là về tình trạng bếp ăn ở ký túc xá của chúng ta. Nhóm bí mật của chúng tôi đã thâm nhập và chụp ảnh. Hãy xem thức ăn của chúng ta được nấu thế nào.”
Tôi lật vài trang tờ BHUkamp. Có ảnh những con gián trên sàn bếp, ruồi liên hoan trên món kẹo ngọt và những người phụ bếp bẩn thỉu nhồi bột bằng chân. Một làn sóng kinh tởm tập thể lan qua đám đông.
“Eoo,” Aarti thốt lên khi nhìn những bức ảnh. “Em sẽ không bao giờ ăn ở BHU nữa.”
“BHUkamp sẽ làm cho trường của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Những tấm ảnh này vừa được gửi cho giám đốc,” Raghav nói. “Nhưng đừng nghĩ rằng BHUkamp chỉ có những thứ nghiêm túc. Chúng tôi có hàng lô chuyện cười, chuyện kể và thơ văn. Chúng tôi còn có những bí kíp cho mọi thứ, từ hẹn hò đến viết lý lịch. Chúc các bạn đọc vui vẻ. BHU muôn năm!”
Tiếng vỗ tay của đám đông kéo dài cả phút sau khi cậu ta rời sân khấu.
Raghav đẩy cái đĩa inox đựng hai miếng bánh mì về phía Aarti. “Bánh nướng bơ. Sạch đấy, anh đảm bảo,” cậu ta nói với nàng.
Sau sự kiện ra mắt, chúng tôi đến căng tin của trường. Aarti thận trọng cầm cái bánh kẹp.
“Căng tin thì ổn. Chỉ có bếp ở ký túc xá là có vấn đề thôi,” Raghav nói. “Họ sẽ dọn dẹp nó sau số này. Ăn đi, Gopal.”
Tôi gọi bánh nướng bình thường. Tôi gặm cái bánh. Raghav nhặt bánh của Aarti lên và bón cho nàng. Nàng cười. Tôi như bị lửa đốt.
“Cậu nghĩ thế nào về Kota?” Raghav hỏi tôi. “Bọn tớ có rất nhiều người từ đấy đến.”
“Nếu tớ vào được một đại học tốt thì Kota tuyệt vời. Nếu không thì đấy là nơi tệ hại nhất trên thế giới.”
“Cậu sẽ ổn thôi. Năm ngoái cậu cũng gần đỗ rồi còn gì,” Raghav xé chiếc bánh masala dosa* bằng tay phải. Tay trái cậu ta cầm tờ BHUkamp.
“Cậu thay đổi đấy, Raghav ạ,” tôi nói.
“Như thế nào?” cậu ta ngẩng lên.
“Tờ tạp chí này và những thứ khác. Tại sao?”
“Tại sao à? Tại vì tớ thích, đó là lý do tại sao,” cậu ta trả lời.
Aarti không nói gì. Nàng chỉ nhìn chúng tôi nói chuyện. Tôi tự hỏi không biết điều gì đã xảy ra trong đầu nàng. Nàng có so sánh chúng tôi không? Phải rồi, tôi làm sao sánh được với Raghav. Trừ tình yêu của tôi với nàng. Không người đàn ông nào có thể yêu nàng như tôi.
“Người ta không vào đại học kỹ thuật chuyên nghiệp để làm báo. Ở đây người ta làm việc cật lực để kiếm được một công việc tốt,” tôi nói.
“Thật là một quan điểm thiển cận. Thế còn những thứ quanh ta thì sao? Thức ăn được nấu trong môi trường mất vệ sinh. Phòng thí nghiệm với những thiết bị lạc hậu. Nhìn thành phố của chúng ta xem. Vì sao Varanasi lại bẩn thỉu như vậy? Ai sẽ là người làm trong sạch những con sông của chúng ta?” Đôi mắt đen của Raghav như cháy rực lên.
“Không phải chúng ta,” tôi đáp trả. “Sống cuộc đời của chính chúng ta đã đủ khó nhọc rồi.”
Raghav nhặt cái thìa và chĩa nó vào tôi. “Thái độ này” cậu ta nói, “chính là thứ mà tớ ở đây để thay đổi.”
“Ồ, quên đi,” tôi nói. “Không ai có thể thay đổi được gì đâu. Nhân viên ký túc xá sẽ không bao giờ nấu ăn như mẹ cậu. Và Varanasi đã là bãi rác của thế giới hàng ngàn năm nay rồi. Mọi người đến đây để rũ bỏ tội lỗi của họ. Làm quái gì có ai thèm quan tâm đến cư dân chúng ta, những người phải xử lý tất cả những thứ rác rưởi mà họ bỏ lại.”
“Này các anh, đừng có nghiêm trọng thế được không? Em chán quá rồi,” Aarti nói.
“Anh chỉ...” tôi nói.
“Anh ấy không nghe đâu. Anh ấy là Ngài Cứng đầu,” Aarti nói và véo mũi Raghav. Một cơn run rẩy chạy qua người tôi.
Raghav chìa tay ra và Aarti nắm lấy. Nàng đứng dậy và tới ngồi lên lòng cậu ta.
Raghav bắt đầu tỏ ra bối rối khi mọi người quay lại nhìn chúng tôi. Đại học kỹ thuật không thích chứng kiến việc thể hiện tình cảm nơi công cộng. Những người đang yêu đôi khi không nhận ra họ trông ngu ngốc như thế nào với thế giới bên ngoài.
“Thôi đi, Aarti,” Raghav nói, đẩy nàng ra khỏi lòng cậu ta. “Em làm gì thế?”
Nàng bĩu môi quay lại chỗ mình. “Ngài Tổng Biên Tập, đừng có mà xóa em ra khỏi đời ngài đấy nhé, được chứ?”
Tôi thấy mình như một kẻ tọc mạch ngồi đó. Tôi không muốn gặp Aarti như thế này. Tôi muốn bỏ chạy. “Mình đi được chưa?” tôi hỏi Aarti.
“Tất nhiên rồi, em phải về nhà trước mười giờ.”
Chúng tôi ăn nốt và Raghav thanh toán.
“Bố cậu thế nào?” Raghav hỏi tôi.
“Ốm,” tôi nói. “Tệ hơn từ lúc tớ đi. Tớ ngờ là ông đang giấu chuyện gì đó.”
“Chuyện gì?” Aarti hỏi.
“Ông cần phẫu thuật, nhưng lại không thú nhận chuyện đó. Ông đang cố tránh tiêu pha thêm.”
“Thật nực cười,” Raghav nói.
“Phải, nhà tớ đã được đề nghị bán mảnh đất đang tranh chấp nhiều năm trước. Kể cả bán với giá vứt đi thì cũng đủ cho bố con tớ trang trải.”
“Đấy là đất của cậu. Sao cậu lại phải bán rẻ chứ?”
“Bố tớ sẽ rất vui nếu nghe những lời cậu nói,” tôi đáp.
Người lái xe nổ máy khi nhìn thấy chúng tôi lại gần. Đèn pha chiếu sáng bãi đỗ xe.
“Vào xe đi Gopal. Em sẽ quay lại ngay.” Aarti nói.
Tôi đợi trong xe. Dù đã thề sẽ không nhìn, nhưng tôi vẫn không thể kiềm chế mà nhìn trộm. Qua lớp kính dán tôi nhìn thấy họ đi ra sau một cái cây. Họ ôm nhau. Raghav cúi đầu đưa mặt mình vào sát mặt nàng. Tôi nghĩ là tôi sẽ mửa mất.
Nàng quay lại sau năm phút. “Em có lâu quá không?” nàng vui vẻ hỏi.
Tôi im lặng. Tôi tránh mắt nàng. Nàng ra hiệu cho lái xe đi.
“Tối nay vui nhỉ?” Aarti hỏi.
Tôi gật đầu.
“Khuôn viên trường này đẹp nhỉ?” nàng hỏi khi chúng tôi đi qua cổng BHU.
Chúng tôi ngồi trong yên lặng. Dàn âm thanh trên xe đang chơi nhạc. Một bài hát của Kailash Kher về một con chim gãy cánh không bao giờ còn bay được nữa. Bài hát nói về những giấc mơ tan vỡ nhưng vẫn khuyên người nghe mỉm cười vì Chúa.
Tôi liếc nhìn mặt nàng vài lần. Lớp son môi của nàng đã biến mất. Dù đã nỗ lực không nghĩ đến, tôi vẫn không thể không hình dung ra họ trong những tình huống thân mật hơn.
“Anh ổn chứ?” Aarti hỏi.
“Hả? Ừ, mà sao cơ?” tôi trả lời.
“Sao anh im lặng thế?”
“Anh đang nghĩ đến bố.”
Nàng gật đầu thông cảm. Nhưng nàng không bao giờ có thể hiểu được rằng những kẻ thất bại, dù có thể không có cái đầu nhưng họ vẫn còn một trái tim.
13
Mấy tuần trôi qua, ngày báo kết quả thi đang đến gần. Bố có vẻ còn hồi hộp hơn cả tôi.
Một đêm tôi đưa thuốc đến cho ông, ông hỏi: “Khi nào thì có kết quả thi?”
“Tuần sau ạ,” tôi đáp.
“IIT thì sao?”
“Tuần sau nữa ạ,” tôi trả lời.
“Nếu đỗ IIT thì tuyệt quá nhỉ?” Bố nói, mắt ông sáng lên.
Tôi đắp chăn cho ông. “Bố, bác sĩ có nói bố cần phẫu thuật không?”
“Giờ thì bác sĩ nào chả cần việc làm, phải không nào?” ông nói.
“Mình có nên bảo bác Ghanshyam đưa mình khoản tiền bác ấy muốn cho miếng đất không?” tôi hỏi.
“Không ăn thua. Ông ta sẽ không nghe đâu. Vả lại ở tuổi này rồi ta còn phẫu thuật làm gì nữa?”
“Bố không bao giờ chịu nghe cả,” tôi lắc đầu và tắt đèn.
“Chưa phải là ngày tận thế đâu, Gopal. Chưa phải đâu.” Nàng cầm lấy tay tôi. “Nói gì đi chứ.”
Aarti mời tôi đến nhà vào ngày có kết quả AIEEE. Nhà nàng có kết nối Internet và bất chấp sự phản đối của tôi, nàng vẫn không muốn tôi xem kết quả một mình.
Tôi nhớ mọi thứ về khoảnh khắc đó. Miếng vải trải bàn thêu hai màu đen đỏ phủ cái bàn máy tính, cái quạt ồn ào trên đầu, những kỷ niệm chương đa dạng của chính phủ trao cho cha nàng, màu đen của cái máy tính xách tay và màn hình hiển thị xếp hạng của tôi.
“44,342” thứ hạng hiển thị không thay đổi cạnh số báo danh của tôi.
Sau cả một năm nhồi nhét những môn tôi căm ghét, sống một mình tại thành phố bụi bặm và để cha tôi chìm sâu trong nợ nần, tôi chỉ có thể tái khẳng định - tôi là kẻ thất bại.
Tôi không phản ứng. Tôi không khóc, tôi không cảm thấy giận dữ, sợ hãi, bực bội, bất cứ điều gì. Tôi nhớ là Aarti lượn vòng quanh, nói chuyện với tôi. Nhưng, tôi không thực sự hiểu được những gì nàng nói.
Tôi đứng lên như một cái xác sống.
“Anh ổn chứ?” Aarti lắc tôi. Nàng, tôi, cái máy tính, thế giới này, tất cả mọi thứ có vẻ như trong một cuốn phim quay chậm. “Còn JEE thì sao?”
"Sẽ còn tệ hơn. Anh làm bài không tốt.”
Nàng im lặng. Mà nàng có thể nói gì được nhỉ?
“Anh phải đi đã,” tôi nói.
“Anh sẽ đi đâu?” nàng hỏi tôi câu quan trọng nhất. Phải rồi, tôi có thể đi đâu được? Về nhà ư? Và nói với bố rằng tôi đã lãng phí tất cả số tiền ông vay vì tôi sao.
“Em sẽ về nhà với anh. Em có thể nói chuyện với bố.”
Tôi lắc đầu.
“Anh chắc chứ?” nàng hỏi.
Tôi không trả lời. Tôi không thể. Tôi vội vàng ra khỏi nhà nàng.
“Con đã đi đâu vậy?” bố hỏi khi mở cửa.
Tôi vào thẳng phòng mình. Bố đi theo tôi.
“Con không muốn xem kết quả thi AIEEE à?” ông hỏi.
Tôi im lặng.
“Con nói ngày hôm nay có kết quả mà.”
Tôi không trả lời.
“Sao con không nói gì?”
Tôi nhìn vào đôi mắt lo lắng của bố.
“Con có tin xấu đây,” tôi nói.
Bố thì thầm. “Gì vậy?”
“Điều tệ nhất đã xảy ra.”
“Gì hả?”
Tôi nhún vai.
“Khi nào thì có kết quả AIEEE?”
“Có rồi ạ,” tôi nói và đi sang phòng khách.
“Và?” bố đi theo và đứng ngay trước mặt tôi.
Tôi nhìn xuống. Bố chờ thêm vài giây.
Chát! Tôi thấy má mình rát bỏng. Với tuổi và sức khỏe của bố tôi, cái tát này khá mạnh. Đây là lần đầu tiên ông đánh tôi trong hơn mười năm nay. Tôi đáng phải nhận nó.
“Sao lại thế?” bố hỏi. “Con không làm gì ở Kota cả, đúng không? Không làm gì cả.”
Nước mắt dâng lên, tai tôi ù đi. Tôi muốn nói với ông rằng tôi đã làm bài tập hàng đêm, đến lớp học cả ngày, nâng cao được thứ hạng. Tôi đã có một cơ hội khá tốt để thành công. Chỉ thiếu vài điểm mà bị rớt mười nghìn bậc.
Tôi không nói gì. Tôi khóc như một đứa trẻ, tựa hồ như sự hối hận của tôi có thể làm cho ông cảm thấy tốt hơn.
“Chúng ta làm thế nào để trả nợ bây giờ?” bố nói, quay lại với những vấn đề thực tế nhanh hơn tôi nghĩ.
Con đã lên được hạng cao hơn, tôi muốn nói với ông thế. Những thầy cô giáo ở Career Path đều nói con có tiềm năng. Phải, con cũng bị phân tán tư tưởng mất một thời gian, có thể đấy là lý do con không đỗ. Dù sao chăng nữa, không phải ai đến Kota cũng đỗ hết. Vineet, cậu bạn từ Varanasi đến Kota trước tôi, cũng đâu có đỗ. Nhưng tôi chỉ chìa khuôn mặt sưng sỉa của mình ra cho bố.
“Con đang nghĩ gì vậy? Con có chút xấu hổ nào không vậy?” ông nói và ho một tràng. Người ông rung lên, rất vất vả để giữ thăng bằng.
“Ngồi xuống đi bố,” tôi nói và lại gần ôm lấy ông. Người ông ấm áp.
“Đừng lại gần ta,” ông đẩy tôi ra.
“Bố đang sốt đấy,” tôi nói.
“Đoán xem tại ai?” ông đáp trả.
Tôi không biết phải nói hay làm gì. Tôi thậm chí thấy mình không xứng đi lấy thuốc từ phòng bên đưa cho ông. Tôi để ông một mình. Khi ta hủy hoại cuộc đời ai đó, ít nhất ta cũng nên để người đó được một mình.
“Tớ đã trải qua tất cả những chuyện đó. Cậu chắc phải thảm hại lắm,” Vineet nói với tôi.
Chúng tôi ngồi trên bậc nước Assi, gần bến tàu. Tôi đã sắp xếp một cuộc hẹn bí mật với Vineet. Tôi không biết cậu ta rõ lắm. Tôi chỉ mới gửi email qua lại với cậu ta sau khi tôi đi Kota. Nhưng bây giờ cậu ta có vẻ là một người đồng hành lý tưởng. Phải, Aarti vẫn giữ liên lạc, hỏi han sức khỏe tôi và thậm chí còn đi chèo thuyền với tôi. Dù vậy, tôi chẳng có gì để nói với nàng. Tôi đã nghĩ đến chuyện nhảy xuống sông Hằng và chấm dứt đời mình. Lúc này, Raghav là người tôi tự động tránh mặt. Tôi không muốn nhận an ủi từ một anh chàng từ IIT-BHU, nhất là một người thậm chí còn có vẻ không thèm quan tâm đến cả bằng cấp của mình.
Vineet, một anh chàng tầm thường như tôi, là người tôi cảm thấy thoải mái khi ở bên. Cậu ta đã vào cao đẳng kỹ thuật. “Vậy là tớ có thể nói với mọi người là tớ học Kỹ thuật,” Vineet nói và cười. “Chỉ cần bỏ qua tên trường là được. Dù sao thì hầu hết mọi người đều chẳng biết đến nó.”
Tôi nhặt mấy hòn sỏi trên bậc thang và ném thia lia trên mặt sông thiêng.
“Cậu sẽ ổn thôi, anh bạn,” Vineet nói. “Không bao giờ ổn hoàn toàn, nhưng ít nhất sẽ ổn hơn bây giờ.”
“Cậu chọn trường tư bằng cách nào?” tôi hỏi. Có cả tá trường tư, hằng tuần đều có thêm trường mới mở.
“Tớ đến hội chợ giáo dục. Tớ dò hỏi. RSTC có vẻ tốt hơn những trường khác một chút. Nhưng tớ không nghĩ có nhiều khác biệt lắm.”
“RSTC là gì?”
“Cao đẳng Kỹ thuật Riddhi Siddhi. Những người chủ sở hữu có cửa hàng bán váy áo sari cùng tên.”
“Ồ,” tôi nói, cố tìm sự liên quan giữa các bộ sari và giáo dục.
“Tên nghe lạc hậu nhỉ, phải không? Thế nên chúng tớ gọi là RSTC, nghe khủng hơn.” Vineet cười.
“Cậu có tìm được việc sau khi tốt nghiệp không?”
“Nếu như cậu may mắn. Tỉ lệ kiếm được việc là sáu mươi phần trăm. Không tệ.”
“Bốn mươi phần trăm sinh viên không tìm được việc làm cơ à?” tôi hỏi, thấy bị sốc. Như thế còn tệ hơn Kota, tốt nghiệp mà cuối cùng chẳng có được gì.
“Thống kê đang tốt dần lên mỗi năm. Ngoài ra, cậu còn có thể xoay xở được vài công việc. Như là các trung tâm điện thoại hỗ trợ hay bán thẻ tín dụng chẳng hạn. Hãy nghĩ thoáng đi và mọi việc sẽ ổn.”
“Tốt nghiệp kỹ sư mà đi làm cho trung tâm điện thoại hỗ trợ?”
“Anh bạn, đừng có mà sốc thế. Bọn mình, cũng như hàng triệu sinh viên khác, đều là những kẻ thất bại trong cuộc đua vĩ đại của ngành giáo dục Ấn Độ. Hãy vui với bất cứ thứ gì mình có. Tất nhiên, nếu bố mẹ cậu giàu, hãy học MBA sau khi tốt nghiệp trường kỹ thuật. Một lần thử tìm việc nữa.”
“Nếu bố mẹ không giàu thì sao?” tôi hỏi.
Vineet không nói gì. Bực mình, tôi ném tất cả chỗ sỏi xuống sông Hằng. Như những sinh viên hạng thấp, những hòn sỏi chìm nghỉm và biến mất không dấu vết.
“Này, đừng có điên lên với tớ. Tớ đâu có chế ra cái hệ thống này.” Vineet vỗ vai tôi. “Ngồi rỗi càng lâu cậu càng thấy tệ. Giấc mơ qua rồi. Vào cao đẳng đi, bất cứ trường nào, ít nhất thì cậu cũng sẽ được ở bên những sinh viên khác.”
“Những kẻ thất bại khác,” tôi nói.
“Đừng trịch thượng với những kẻ như mình chứ,” Vineet nói.
Cậu ấy đúng. “Tớ xin lỗi,” tôi nói. “Chi phí cho cao đẳng thế nào?”
“Một trăm ngàn một năm trong bốn năm, có ký túc xá.”
“Mẹ kiếp,” tôi nói. “Phải bao nhiêu năm lương mới trả hết nợ, đấy là nếu may mắn có việc làm sau khi ra trường.”
“Tớ biết. Nhưng bố mẹ cậu sẽ trả tiền. Và họ được huênh hoang với mọi người là con trai họ sẽ thành kỹ sư. Cậu được tự do trong bốn năm tới. Nghĩ mà xem, cũng không phải tệ lắm đâu.”
“Nhà tớ không có tiền,” tôi nói thẳng.
Vineet đứng lên. “Đấy mới là vấn đề, anh bạn ạ.”
“Về à?” tôi hỏi.
“Ừ, trường tớ cách Varanasi hai mươi cây số. Vui lên đi. Cậu đang trong giai đoạn tệ hại nhất của cuộc đời. Từ giờ trở đi chỉ có tốt hơn thôi.”
Tôi đứng dậy, phủi bụi khỏi quần. Tôi lê bước về nhà. Đã ba ngày nay bố không nói chuyện với tôi.
Chúng tôi đi theo con ngõ hẹp Vishwanath Gali tới đường chính Gadholia.
“Hai tuần nữa sẽ có hội chợ giáo dục ở Sân vận động Dr. Sampooranand,” Vineet nói. “Đến đi, có thể cậu sẽ tìm được một trường cao đẳng rẻ hơn.”
“Làm gì có tiền. Nhà tớ nợ ngập đến cổ,” tôi nói.
“Rồi, nhưng cứ đến xem có sao đâu. Cậu có thể sẽ được giảm học phí, nhất là từ những trường mới nếu cậu có xếp hạng AIEEE kha khá.”
Tôi đi bộ về nhà. Một tiếng đi bộ ngoài không khí trong lành giúp tôi tạm thời cảm thấy khá hơn. Tôi không nên nói với bố về những trường cao đẳng đắt đỏ, tôi nghĩ. Có lẽ tôi nên nói với bố về cách tìm việc để kiếm tiền thay vì chi tiêu nhiều hơn. Nhưng đầu tiên tôi phải chấm dứt cơn dằn dỗi của ông đã.
Tôi vào phòng ông. Ông đang nằm trên giường.
“Con muốn tìm việc làm, bố à. Hãy để con đi kiếm ít tiền trước khi con quyết định chuyện đại học.”
Ông không nói một lời. Tôi tiếp tục, “Con hiểu bố đang giận. Cũng phải thôi. Có quán cà phê Coffee Day mới mở ở Sigra. Đấy là một chuỗi quán cà phê cao cấp. Họ đang tuyển nhân viên. Học xong lớp 12 là có thể xin việc rồi.”
Đáp lại, tôi chỉ nghe thấy tiếng rù rù của cánh quạt trần. “Con đã ứng tuyển rồi. Con sẽ không làm việc ở quán cà phê mãi đâu. Nhưng họ trả năm ngàn một tháng. Không tệ phải không?”
Bố vẫn im lặng.
“Nếu bố im lặng, có nghĩa là bố đồng ý đấy.”
Bố tiếp tục thờ ơ trước lời khiêu khích của tôi. Tôi muốn ông nhiếc mắng, gào thét, gì cũng được, để chấm dứt sự im lặng này.
Tôi cúi xuống ông. “Bố, đừng trừng phạt con thế nữa,” tôi nói. Tôi nắm tay ông và lắc. Tay ông mềm và lạnh. “Bố?” tôi gọi lần nữa. Người ông có vẻ cứng cứng.
“Bố?” tôi lại gọi. Cuối cùng thì tôi cũng hiểu ra: Tôi đã mồ côi.
14
Hỏa táng dễ dàng, thuận tiện là một lợi thế lớn của việc sống ở Varanasi. Ngành công nghiệp an táng thúc đẩy cả thành phố. Nhà hỏa táng điện ở bậc nước Harishchandra và bậc nước Manikarnika, nhà hỏa táng cũ và hiện vẫn được tôn kính, mỗi năm thiêu gần bốn mươi lăm ngàn hài cốt, hay hơn một trăm hài cốt một ngày. Chỉ có những trẻ nhỏ và những người bị rắn hổ mang cắn là không được hỏa táng, xác họ thường được thả thẳng xuống sông. “Kasyam maramam mukti” câu thành ngữ tiếng Sankrit này có nghĩa là “chết ở Kashi sẽ được siêu thoát”. Người Hindu tin rằng nếu chết ở đây họ sẽ tự động được thăng lên thiên đàng, bất kể đã phạm tội gì dưới trần thế. Thật kỳ diệu làm sao, cái cách thần linh tung ra lá bài bất ngờ này trước cái chết, và nhờ đó mà thành phố của tôi có cách kiếm sống.
Các cửa hiệu chuyên biệt cung cấp cho ta đủ các thứ, từ gỗ cho tới thầy tu và hộp đựng tro để bảo đảm người chết được ra đi đàng hoàng. Những tay bán hàng dạo ở bậc nước Manikarnika lùa người nước ngoài đến xem giàn hỏa thiêu và chụp ảnh rồi thu phí, để kiếm thêm thu nhập. Varanasi có lẽ là thành phố duy nhất trên quả đất nơi cái chết là một điểm thu hút khách du lịch.
Nhưng dù thành phố của tôi dạn dày kinh nghiệm về cái chết đến như thế, cá nhân tôi, cả đời lại chưa bao giờ phải đối mặt với một xác chết, chứ đừng nói đến đó lại là bố tôi. Tôi không biết phải phản ứng thế nào trước cơ thể bất động của bố. Tôi không khóc, đúng hơn là không thể khóc được. Tôi không biết tại sao. Có thể vì tôi đã quá choáng, và cạn kiệt cảm xúc. Có thể tôi chỉ còn lại một ít cảm xúc sau khi than khóc cho thảm họa thi tuyển lần hai của mình. Có thể tôi có quá nhiều việc phải làm cho đám tang. Hoặc có thể là vì tôi nghĩ chính mình đã giết chết ông.
Tôi phải tổ chức một lễ hỏa táng và sau đó là một hai lễ cúng. Tôi không biết phải mời ai. Bố tôi có rất ít bạn. Tôi gọi điện cho vài học sinh của ông, những người vẫn còn giữ liên lạc. Tôi báo cho bác Dubey, luật sư của chúng tôi, chủ yếu là vì lý do thực dụng. Vị luật sư nói với bác Ghanshyam. Ông bác tôi đã hút máu bố tôi cả đời. Tuy nhiên gia đình ông ta lại gửi lời chia buồn vô hạn. Tôi thấy vợ ông ta, bác Neeta, đứng ở bậc cửa nhà tôi. Nhìn thấy tôi, bà ta vươn tay ra và òa khóc.
“Không sao đâu bác,” tôi nói, tự gỡ mình ra khỏi vòng ôm của bà ta. “Bác không cần đến đâu ạ.”
“Con nói gì vậy? Em chồng cũng giống như em trai ta mà,” bà nói.
Tất nhiên là bà ta không nhắc đến miếng đất mà bà ta đã cướp từ “em trai” mình.
“Khi nào thì làm lễ cúng?” bà ta hỏi tôi.
“Cháu không biết,” tôi nói. “Đầu tiên cháu phải làm lễ hỏa táng trước đã.”
“Ai sẽ làm việc này?” bà ta hỏi.
Tôi nhún vai.
“Cháu có tiền để hỏa táng ở Manikarnika không?” bà ta hỏi tiếp.
Tôi lắc đầu. “Nhà hỏa táng điện ở bậc nước Harishchandra rẻ hơn,” tôi nói.
“Điện đóm gì chứ? Hỏng hóc thường xuyên mà. Chúng ta phải làm tử tế vào. Các bác ở đây để làm gì chứ?”
Ngay sau đó, bác Ghanshyam cũng đến cùng với cả gia đình. Ông ta có hai con trai và hai con gái, tất cả đều mặc những bộ quần áo đắt tiền. Trông tôi chẳng giống họ hàng của họ gì cả. Sau khi bác tôi đến, họ thay tôi làm lễ hỏa táng. Họ gọi thêm người thân và bạn bè. Họ sắp xếp mời một tu sĩ tới, người này đề nghị một lễ hỏa táng trọn gói giá mười ngàn rupi. Bác tôi mặc cả xuống còn bảy ngàn. Mặc cả đến cả tiền làm đám tang thì thật là kinh khủng, nhưng cũng phải có ai đó làm việc này. Bác tôi trả tiền người tu sĩ bằng những tờ giấy bạc năm trăm rupi mới cứng.
Hai mươi bốn tiếng sau, tôi châm lửa đống củi bao bọc thi hài cha tôi bên bậc nước Manikarnika. Dù ông đã mất, nhưng tôi vẫn cảm thấy hẳn ngọn lửa phải làm ông đau đớn lắm. Tôi nhớ lúc ông mặc quần áo cho tôi đi học khi tôi còn bé, chải tóc cho tôi... Khói bốc lên từ giàn thiêu và cuối cùng thì những giọt nước mắt của tôi cũng đã trào ra. Tôi khóc nức nở. Aarti và Raghav đến dự tang lễ. Họ đứng với tôi, im lặng chia buồn.
Nửa tiếng sau phần lớn người thân đã ra về. Tôi nhìn ngọn lửa ăn dần đống củi.
Tôi thấy ai đó vỗ vai mình. Tôi quay lại. Hai người đàn ông vạm vỡ có đôi môi dính trầu đứng ngay sau tôi. Một người có cặp ria mép rậm được vuốt vểnh lên.
“Vâng?” tôi nói.
Người đàn ông có ria mép chỉ giàn thiêu: “Mày là con lão ta?”
“Phải.”
“Tránh ra,” hắn ta nói.
“Sao vậy?” tôi hỏi.
“Lão nợ bọn ta hai trăm ngàn.”
“Bác Ghanshyam muốn trả ba trăm ngàn thôi ạ?” tôi hỏi bác Dubey, cảm thấy bị sốc.
Ông ta lật giở chỗ giấy tờ đã chuẩn bị cho tôi. “Ký vào đây, cháu sẽ có ba trăm ngàn. Bọn đòi nợ đang theo cháu. Bọn chúng nguy hiểm lắm. Bác đang tìm cách giúp cháu đây.”
Tôi xem qua chỗ giấy tờ. Tôi không thực sự hiểu lắm. “Ba trăm ngàn thì ít quá. Ngày xưa họ trả một triệu,” tôi nói.
“Phải, từ xưa lắm rồi. Hồi mà cha cháu không chịu. Giờ họ biết cháu không làm được gì. Và cháu lại cần tiền nữa.”
Tôi im lặng. Bác Dubey đứng dậy. Tôi tự hỏi không biết luật sư của tôi đại diện cho bên nào.
“Bác thấy bây giờ là lúc không dễ dàng gì cho cháu. Cứ suy nghĩ đi,” ông ta nói.
Tôi dự hội chợ giáo dục được tổ chức trong một cái lều khổng lồ được dựng lên ở sân vận động Dr. Sampooranand.
Vineet ép tôi phải đi. “Cậu cứ đến gặp anh bạn Sunil của tớ. Anh ấy là quản lý sự kiện của hội chợ nên biết tất cả những người tham gia.”
Tôi bước vào lều chính. Hàng trăm gian hàng khiến nó trông như một hội chợ triển lãm. Các trường đại học tư thục khắp cả nước đang tìm cách lôi kéo sinh viên của Varanashi. Nhân viên quản lý của những trường này đứng tươi cười.
Những tấm biểu ngữ bên trong các gian hàng trưng ra hình ảnh khuôn viên của các trường nom không khác gì các dự án bất động sản. Trong trường hợp trường vẫn chưa xây xong hẳn, những hình ảnh trưng bày là tác phẩm dựng hình của họa sĩ.
“Khi xây xong, đây sẽ là khuôn viên tốt nhất ở Uttae Pradesh,” tôi nghe một chủ gian hàng nói với một nhóm phụ huynh đang lo lắng. Anh ta bỏ qua chuyện trong khi xây dựng sinh viên sẽ phải học theo ca trong những lớp học bị vây quanh bởi máy trộn bê tông.
Những tấm áp phích lớn trưng tên trường và biểu tượng của trường. Tên trường đa dạng, nhưng thường được lấy cảm hứng từ các vị thần hoặc cha ông của những người sáng lập giàu có.
Ở những gian hàng đó, các giảng viên và sinh viên được tuyển chọn của mỗi trường chào đón chúng tôi với những cuốn sách giới thiệu bóng bẩy về ngôi trường của mình. Ai cũng mặc vest và cười tươi như tiếp viên hàng không được đào tạo đến nơi đến chốn. Hàng trăm học sinh thất bại như tôi không ngừng đi lại giữa các gian hàng. Bảy mươi phần trăm các gian hàng là của các trường kỹ thuật. Phần còn lại là các trường y, quản lý khách sạn, học viện hàng không, còn lại là một vài ngành khác như nghệ thuật.
Tôi đến gian hàng của trường Sri Ganesh Vinayak, viết tắt là SGVC vào buổi trưa - thời gian và địa điểm hẹn gặp Sunil.
Tôi nhặt một cuốn sách giới thiệu về SGVC có in ảnh những sinh viên của trường cười tươi trên trang bìa. Các cậu bé có vẻ hạnh phúc hơn và các cô bé thì có vẻ xinh đẹp hơn cả những học sinh đỗ JEE trên các cuốn sách giới thiệu ở Kota.
Bìa sau của cuốn sách giới thiệu in những lời ca ngợi cơ sở vật chất và giảng viên của trường, đủ để khiến cho một hiệu trưởng của IIT phải đỏ mặt. Bên trong cuốn sách giới thiệu một tờ danh sách ngành học. Từ khoa học máy tính cho tới luyện kim, SGVC dạy tất cả các ngành kỹ thuật.
Tôi đọc hết cuốn sách giới thiệu. Tôi đọc tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh của những người sáng lập. Tôi đọc triết lý giáo dục của trường, về sự khác biệt của họ. Những cựu binh hội chợ giáo dục khác cười tươi khi họ đi ngang qua tôi. Có vẻ tôi là người duy nhất thực sự đọc thứ tài liệu này.
Sunil tìm thấy tôi ở gian hàng của trường Sri Vinayak, đang chăm chú nghiên cứu.
“Gopal phải không?” anh ta ngập ngừng hỏi.
“Hả?” tôi quay lại. “Anh Sunil?”
Sunil bắt tay tôi thật chặt. Râu ria và kính râm che gần hết mặt anh ta. Anh ta mặc sơ mi tím và cái quần bò bó chặt với một cái khóa thắt lưng to tướng bằng bạc. “Cậu đang làm cái quái gì thế?” anh ta hỏi thẳng thừng.
“Đọc sách giới thiệu,” tôi đáp.
“Cậu có ngu không? Xem cái trang về chi phí và việc làm ấy. Hãy xem mức lương trung bình, xem phí tổn thế nào. Nếu thu nhập trong hai năm có thể bù lại được học phí thì tạm chọn nó, còn không thì đi tiếp.”
“Thế còn phương pháp giảng dạy? Học tập...”
“Kệ mẹ học tập,” Sunil nói, giật cuốn sách giới thiệu từ tay tôi. Tôi thấy lời nói và cử chỉ của anh ta có phần thô lỗ. Anh ta mượn một chiếc máy tính của một trong những sinh viên đứng bên gian hàng. “Xem này, học phí năm mươi ngàn, ký túc xá ba mươi ngàn, giả sử là thêm hai mươi ngàn nữa cho những thứ vô dụng khác mà họ sẽ bắt cậu phải mua. Vậy là cậu sẽ phải trả một trăm ngàn mỗi năm trong bốn năm. Lương trung bình sau tốt nghiệp là một trăm rưỡi ngàn. Mẹ kiếp. Đi thôi.”
“Nhưng...” tôi vẫn còn đang tính toán.
“Đi thôi. Còn cả trăm gian nữa cơ.”
Chúng tôi đến gian sau. Một tấm băng rôn đỏ và trắng đề “Tập đoàn Học viện Shri Chintumal, NH2, Allahabad”. Một tấm bản đồ nhỏ chỉ ra vị trí của trường, cách thành phố Allahabad ba mươi cây số.
“Em không thể vào học trường có tên là Chintumal được,” tôi nói.
“Im đi. Đằng nào thì cậu có bao giờ phải gọi tên trường ra đâu.” Sunil nhặt một cuốn sách giới thiệu. Trong vài giây anh ta đã tìm được trang cần đọc. “Được rồi, bảy mươi ngàn một năm. Việc sau khi ra trường lương một trăm bốn mươi ngàn. Thấy không, cái này nghe có lý hơn rồi đấy.”
Một người đàn ông béo tốt khoảng bốn mươi tuổi tới chỗ chúng tôi.
“Việc làm của chúng tôi năm nay sẽ còn tốt hơn nữa,” ông ta nói. “Tôi là Jyoti Verma, trưởng phòng đào tạo.”
Tôi không bao giờ ngờ được là một trưởng phòng lại quảng cáo trường của mình cho tôi. Ông ta chìa tay. Sunil bắt tay ông ta một cách có chủ đích.
“Phải, học phí của các ông cũng thấp hơn của họ,” tôi nói và chỉ tay sang gian hàng của Sri Ganesh.
“Con số việc làm của họ là giả. Của chúng tôi là thật, cậu cứ hỏi bất cứ sinh viên nào của chúng tôi mà xem,” Jyoti nói.
Ông ta chỉ tay về những sinh viên của mình, ba chàng trai và hai cô gái, những người mặc vest lần đầu tiên trong đời. Họ cười bẽn lẽn. Tôi lướt qua những bức hình khuôn viên trường treo trong gian hàng của Chintumal.
Một người đàn ông từ gian Sri Ganesh đến chỗ tôi. Ông ta vỗ vai tôi.
“Vâng,” tôi nói.
“Mahesh Verma từ Sri Ganesh. Chintumal có nói xấu gì chúng tôi không?”
Tôi nhìn ông ta. Mahesh, cũng tầm trên dưới bốn mươi và béo, trông rất giống Jyoti Verma.
“Có hay không vậy?” Mahesh lại hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Cậu đang cân nhắc đến Chintumal à?”
Tôi gật đầu.
“Sao không phải là Sri Ganesh?”
“Đắt quá,” tôi đáp.
“Ngân sách của cậu thế nào? Có thể chúng tôi giúp được cậu đấy,” ông ta nói.
“Gì cơ?” tôi nói. Tôi không thể tin là người ta có thể mặc cả được học phí cao đẳng.
“Nói cho tôi biết ngân sách của cậu đi. Tôi sẽ giảm giá cho cậu mười phần trăm nếu cậu đăng ký ngay bây giờ.”
Tôi quay sang Sunil, không chắc phải nói hay làm gì tiếp. Sunil thay tôi làm chủ tình hình.
“Chúng tôi muốn được giảm ba mươi phần trăm. Chintumal rẻ hơn nhiều,” Sunil nói.
“Họ thậm chí còn chẳng có một tòa nhà,” Mahesh nói.
“Sao ông biết?” tôi hỏi.
“Nó là em tôi. Nó bị phá sản và thành lập trường riêng. Nhưng kết quả tệ lắm,” Mahesh nói.
Jyoti theo dõi chúng tôi từ xa. Phải rồi, hai anh em thực sự giống nhau.
“Chúng tôi không quan tâm. Ông giảm giá tối đa được bao nhiêu?” Sunil nói.
“Đến gian tôi đi,” Mahesh ra hiệu cho chúng tôi đi theo.
“Dừng lại,” Jyoti chặn đường chúng tôi.
“Gì thế?” tôi nói.
“Sao cậu lại sang Sri Ganesh?”
“Ông ấy giảm giá cho tôi,” tôi trả lời.
“Thế cậu đã hỏi tôi về vụ giảm giá chưa? Tôi đã nói không chưa ấy nhỉ?” Joyti nói, vẻ mặt nghiêm túc. Tôi chưa gặp một thương gia kiêm trưởng phòng đào tạo bao giờ. “Anh Mahesh, làm ơn ra khỏi gian của tôi,” Jyoti nói giọng đe dọa.
“Cậu ấy là sinh viên của tôi. Chúng tôi nói chuyện rồi,” Mahesh nói và nắm cổ tay tôi. “Đi nào con trai, tên cậu là gì?”
“Gopal,” tôi trả lời trong lúc Jyoti nắm cổ tay kia của tôi. “Nhưng làm ơn đừng kéo tôi nữa.”
Hai anh em họ lờ yêu cầu của tôi đi.
“Tôi sẽ giảm giá hết mức cho cậu. Đừng đến Sri Ganesh để tàn phá đời mình. Họ còn chẳng có phòng thí nghiệm đâu. Tranh trong sách là của trường khác đấy,” Jyoti nói.
“Thưa ngài, tôi vẫn chưa biết...” tôi nói và nhìn Sunil. Anh ta có vẻ cũng bế tắc như tôi.
“Câm đi, Jyoti!” Mahesh, cho đến lúc này vẫn rất mềm mỏng, đã hét lên.
“Đừng quát nạt tôi trong gian hàng của tôi. Cút đi,” Jyoti đáp trả.
Mahesh nhìn chúng tôi căm giận. Rất nhanh, ông ta giật phăng tấm băng rôn của Chintumal.
Mặt Jyoti đỏ bừng như biểu tượng của trường mình. Ông ta bước tới gian hàng Sri Ganesh và vứt hộp sách giới thiệu xuống đất.
Tôi tìm cách chạy khỏi gian hàng. Jyoti nắm lấy cổ áo tôi.
“Đợi đã, tôi sẽ cho cậu vào học với năm mươi ngàn một năm.”
“Thả... tôi... ra,” tôi hổn hển.
Mahesh quay lại với ba người trông như côn đồ trong phim Bollywood. Rõ ràng họ là giảng viên. Họ bắt đầu xé những tấm pa nô quảng cáo của gian Chintumal. Jyoti ra lệnh cho nhân viên bảo vệ của mình đánh lại họ.
Khi tôi cố gắng thoát ra, một tay côn đồ của Sri Ganesh đẩy tôi. Tôi ngã sấp mặt xuống một cái bàn gỗ phủ khăn trắng. Một cái đinh thò ra cắt vào má tôi. Máu phủ hết một bên mặt tôi. Mồ hôi lấm tấm trên trán tôi. Cuối cùng thì tôi đã đổ cả máu và mồ hôi cho công cuộc học tập.
Sunil đỡ tôi đứng dậy. Nhìn thấy máu trên tấm khăn trải bàn trắng, tôi cảm thấy buồn nôn. Một đám đông đã tụ tập quanh chúng tôi. Tôi không nói gì và bỏ chạy. Tôi ra khỏi sân vận động và tiếp tục chạy hết tốc lực khoảng hai trăm mét trên đường lớn.
Tôi dừng lại lấy hơi thì nghe tiếng chân Sunil chạy đến sau lưng.
Cả hai chúng tôi đứng thở hổn hển.
“Mẹ kiếp,” Sunil nói. “May mà thoát được.”
Chúng tôi đến một hiệu thuốc để tôi băng má.
“Đi thôi, tôi sẽ dẫn cậu đến CCD. Nó vừa mở tuần trước,” Sunil nói.
Chúng tôi cuốc bộ tới quán Coffee Day trong khu mua bán IP ở Sigra. Sunil gọi hai ly cà phê lạnh và trả bằng tờ một trăm rupi mới cáu cạnh. Với ngần ấy tiền tôi có thể sống cả tuần.
“Cái gì vậy? Họ có trường riêng à?”
“Đó là nhà Verma từ Allahabad. Họ kinh doanh cuốc lủi. Giờ thì họ vừa mở trường đại học.”
“Vì sao?” tôi hỏi.
“Tiền. Trường tư thục kiếm được rất nhiều tiền. Ngoài ra, nó còn tạo tên tuổi cho họ ngoài xã hội. Giờ thì họ là những quý tộc trong ngành giáo dục chứ không còn là mấy tay buôn rượu lậu nữa.”
“Họ hành xử như côn đồ.”
“Họ là côn đồ mà. Anh em nhà ấy cãi nhau, tách trường và bây giờ thì họ đang tìm cách hạ nhau.”
“Em không thể học ở những chỗ đó được,” tôi nói.
“Đừng lo, bọn mình sẽ đưa cậu vào trường khác. Bọn mình sẽ mặc cả thật lực. Họ phải tuyển đủ sinh viên mà.”
“Chỉ nghĩ đến chuyện học ở những chỗ ấy em đã thấy sợ rồi. Bọn buôn rượu lậu mà lại điều hành trường học à?”
“Phải rồi, cả chính trị gia, dân xây dựng, dân cuốn thuốc lá*. Bất cứ ai có kinh nghiệm ngoài chợ đen đều làm ăn rất ổn trong ngành giáo dục,” Sunil nói. Anh ta hút hết chỗ kem bằng ống hút.
“Thật sao?” tôi hỏi. “Chẳng lẽ không phải chỉ học giả mới mở được trường hay sao? Như là các cựu giảng viên chẳng hạn?”
“Cậu điên à? Giáo dục không dành cho đội yếu bóng vía. Người ta xâu xé nhau ở khắp nơi.” Sunil nói. Anh ta rung đùi khi nói chuyện với tôi. Anh ta móc điện thoại di động ra. Điện thoại di động khi đó đã bắt đầu phổ biến nhưng vẫn được coi là biểu tượng của địa vị xã hội.
Sunil gọi cho một người có vẻ như đang trong cơn khủng hoảng. “Bình tĩnh lại đi, ông Chowbey. Ủy viên Shukla đã nhất trí với hội chợ rồi. Phải, giờ là lúc đóng cửa. Cho chúng tôi hai tiếng nữa... Chờ đã.” Sunil quay sang tôi. “Kinh doanh sự kiện, lúc nào cũng gấp gáp,” anh ta hạ giọng nói. “Tôi ra ngoài tí được chứ? Sẽ quay lại ngay.”
“Chắc rồi,” tôi nói.
Tôi ngồi một mình với ly cà phê. Tôi nhìn lướt qua đám đông. Đám trẻ giàu có mua bánh vòng và bánh quy đắt tiền để ăn với cà phê kem.
Hai gã đàn ông mặc áo khoác da bước vào CCD. Tôi nhận ra chúng là những người đã đến đám tang. Tôi dịch sang một bên ghế để tránh. Tuy nhiên chúng đã nhìn thấy tôi. Chúng đi đến bàn tôi.
“Ăn mừng bố chết à?” một tên nói. Cánh tay gân guốc của hắn đặt một cốc chè lên bàn.
“Bây giờ tôi không có tiền đâu,” tôi nói yếu ớt.
“Thế thì bọn tao sẽ hoạn mày,” tay có ria mép dọa. Bên tay phải hắn cầm một lon Coca.
“Phải cái mỗi hòn chưa được một trăm ngàn,” tay côn đồ cầm cốc chè nói. Chúng cười vang.
Sunil gọi điện xong quay lại. Anh ta ngạc nhiên khi nhìn thấy những vị khách mới.
“Bạn cậu à?” anh ta hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Bạn bố nó,” tay cầm cốc chè nói.
“Tôi từng gặp các anh rồi...” Sunil nói.
“Thành phố này của bọn tao. Bọn tao ở khắp nơi,” tay cầm lon Coca nói.
“Các anh làm cho Ủy viên Shukla, phải không?” Sunil hỏi.
“Không phải chuyện của mày,” tay cầm cốc chè nói, giọng hắn có chút lo lắng.
“Tôi đã thấy các anh ở nhà ông ấy. Chào, tôi là Sunil. Tôi là quản lý ở công ty Sunshine Events. Chúng tôi rất hay làm việc với Ủy viên Shukla.” Sunil chìa tay.
Một vài giây ngần ngại rồi chúng cũng bắt tay Sunil.
“Bạn anh nợ tiền chúng tôi. Tốt nhất là cậu ta nên trả sớm. Nếu không thì.” Tay cầm cốc chè dừng lại sau đoạn “Nếu không thì”, một phần để tạo ấn tượng, nhưng chủ yếu là do hắn không biết phải nói gì tiếp.
Sunil và tôi im lặng. Tay côn đồ để ria mép gõ chìa khóa xe máy lên bàn ba lần. Chúng bỏ đi sau vài cái trừng mắt.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nỗi sợ làm tôi đỏ mặt. “Em chẳng cần vào cao đẳng làm gì. Đằng nào thì em cũng sắp toi rồi,” tôi nói.
“Cậu ổn chứ?” Sunil nói. “Để tôi gọi thêm cà phê.”
Tôi thì muốn anh ta đưa tiền cho tôi thay vì gọi thêm cà phê, nhưng tôi giữ im lặng. Trong lúc uống cốc thứ hai, tôi kể tóm tắt câu chuyện của mình cho Sunil - tuổi thơ, Kota, sự thất bại của tôi, cái chết của bố.
Sunil đặt cái cốc đã hết sạch của mình xuống bàn cạch một cái. “Vậy là giờ cậu mắc nợ. Và không có gì để trả?” anh ta tổng kết.
“Nhà em, có thể thế. Nhưng nó cũng không đáng giá lắm. Và sau đó thì em sẽ chẳng có chỗ nào để ở.”
“Còn vụ tranh chấp đất đai thì sao?”
Tôi có kể sơ qua về vụ tranh chấp đất với Sunil. Tôi không kể chi tiết cho anh ta. “Vụ ấy lâu rồi,” tôi nói, thấy ngạc nhiên khi Sunil quan tâm.
“Đất gì?”
“Đất nông nghiệp,” tôi nói chán chường.
“Ở đâu?” anh ta hỏi.
“Cách thành phố mười cây số.”
Mắt Sunil mở to. “Khá gần đấy. Đất rộng không?”
“Ba mươi mẫu Anh. Phần của nhà em là mười lăm mẫu.”
“Bác cậu nói sao?”
“Chẳng nói gì cả. Ông ta muốn lấy hết. Rối lắm. Rất nhiều giấy tờ bị làm giả. Vụ này đã kéo dài mười hai năm rồi.” Tôi uống nốt ly cà phê. “Thế đấy, em toi rồi. Có thể họ sẽ bán nhà để lấy tiền. Cảm ơn anh đã mời cà phê.”
Tôi đứng dậy để đi về.
“Cậu định làm gì?” Sunil hỏi, vẫn ngồi nguyên trên ghế và đăm chiêu.
“Em sẽ vào một trường cao đẳng tại chức ám muội nào đấy và nhận bất cứ việc gì có thể tìm được.”
“Đợi đã, ngồi xuống,” Sunil nói.
“Gì thế?” tôi ngồi xuống.
“Tôi muốn khuyên cậu mấy thứ. Và tôi sẽ giúp cậu nữa. Nhưng tôi muốn có phần. Phần to.”
“Phần gì?” Phần của cái gì, của cuộc đời khốn nạn của tôi ư?
“Mười phần trăm. Được chứ?” Sunil nói.
“Của cái gì?”
“Của bất cứ thứ gì cậu kiếm được. Mười phần trăm vốn sở hữu trong doanh nghiệp của cậu.”
“Doanh nghiệp nào?” tôi cáu tiết.
“Cậu sẽ mở một trường cao đẳng.”
“Gì cơ?!”
“Thư giãn đi,” Sunil nói.
“Anh có hút cỏ như mấy tay tu sĩ ngoài bậc nước không đấy?” tôi hỏi. Còn cách nào khác giải thích cho sự ảo tưởng của anh ta đây?
“Xem này, cậu có đất. Đấy là phần quan trọng nhất. Đất gần thành phố,” anh ta nói.
“Em không có đất. Vụ này còn lằng nhằng không biết tới bao giờ mới kết thúc.”
“Chúng tôi giải quyết được.”
“Chúng tôi? Ai vậy? Mà đấy là đất nông nghiệp. Anh chỉ trồng trọt ở đấy được thôi. Đấy là luật,” tôi nói.
“Nước mình có những người còn cao hơn luật pháp,” Sunil nói.
“Ai vậy?” tôi hỏi.
“Ủy viên Hội đồng Shukla,” anh ta nói.
“Shukla nào?”
“Ủy viên Hội đồng của chúng ta, Raman Lal Shukla. Cậu chưa nghe tên ông ta bao giờ à?” Sunil hỏi.
“Anh có nhắc đến ông ấy qua điện thoại lúc nãy,” tôi nói.
“Phải rồi. Tôi đã tổ chức được hai mươi sự kiện dưới dự bảo trợ của ông ấy. Nếu không thì làm sao mà tôi lấy được giấy phép của thành phố? Tôi tự đưa phần của ông ấy cho ông ấy. Tôi cũng sẽ đưa cả cậu đến nữa. Vì phần của tôi,” anh ta nói và nháy mắt với tôi.
“Phần nào?”
“Phải, phần chia ấy. Mười phần trăm. Đã quên rồi à?”
“Chính xác là anh đang nói gì thế?”
“Hãy đi gặp ông Shukla. Đem theo bất cứ giấy tờ gì về đất đai mà cậu có.”
“Anh nghiêm túc đấy chứ?”
“Trông tôi có giống người thiếu nghiêm túc không?” Sunil hỏi.
Tôi nhìn mái tóc vuốt keo và cặp kính râm bóng loáng gài trên đầu anh ta. Tôi thay đổi quan điểm.
“Anh muốn em mở trường cao đẳng? Em còn chưa vào được cao đẳng mà,” tôi nói.
“Hầu hết những người mở trường cao đẳng ở Ấn Độ cũng chưa từng vào cao đẳng đâu. Bọn ngu mới đi học. Còn người thông minh sẽ sở hữu trường chúng nó học.” Sunil nói. “Tôi sẽ bố trí vào tuần sau. Và nhớ đấy.”
“Cái gì?”
Anh ta búng tay. “Mười phần trăm của tôi.”
15
Aarti và tôi có một buổi chèo thuyền thật lâu. Bộ dupatta màu xanh lá của nàng bay ngược ra sau trong làm gió sớm.
“Đã quyết định làm gì tiếp theo chưa?” nàng hỏi.
“Anh đang tìm hiểu mấy trường cao đẳng kỹ thuật tư thục.”
“Rồi sao?”
“Quá đắt và quá mờ ám,” tôi trả lời.
Tôi nghỉ tay chèo. Chiếc thuyền đứng yên giữa sông. Tôi tự hỏi liệu Aarti có sang ngồi cạnh và xoa bóp tay cho tôi không. Không.
“Thì sao? Tiếp theo là gì?” Aarti hỏi.
“Một bằng tại chức và một công việc.”
“Nợ nần thì sao?”
“Xoay xở được. Bố anh đã thanh toán gần hết rồi,” tôi nói dối. Tôi không muốn làm nàng thấy nặng nề với những đau khổ của mình và làm hỏng thời gian tôi bên nàng.
“Tốt rồi. Đừng lo, mọi thứ sẽ ổn thôi.” Nàng đứng dậy và đến ngồi bên tôi. Nàng cầm lấy tay tôi, và như đang nghĩ ngợi tới điều gì khác, nàng bắt đầu bóp khớp ngón tay tôi.
“Em hạnh phúc với Raghav, phải không?” tôi hỏi.
Tôi hy vọng là không, nhưng giả vờ là tôi muốn nàng có.
“Có chứ,” nàng nhìn tôi bằng đôi mắt lấp lánh. “Raghav là người tốt.”
Tôi rút tay về. Nàng cảm nhận được sự thất vọng của tôi.
“Anh có bao giờ bảo cậu ấy không tốt đâu.” Tôi nhìn đi chỗ khác.
“Anh ổn chứ?”
“Ừ,” tôi đáp và nặn ra một nụ cười giả tạo. “Cậu ấy thế nào rồi?”
“Đã nói với bố mẹ là anh ấy sẽ không làm nghề kỹ thuật nữa. Họ không vui lắm khi nghe thế.”
“Cậu ấy là đồ ngốc. Cậu ấy định làm gì chứ?”
“Báo chí,” nàng nói. “Anh ấy thích thế. Đó là chuyện anh ấy muốn làm. Anh ấy muốn thay đổi mọi thứ. Anh ấy cũng tham gia góp ý các chủ trương chính sách của trường.”
“Hoàn toàn ngu ngốc,” tôi nói. Tôi nhặt mái chèo và chèo tiếp. Aarti quay về chỗ mình.
Chúng tôi im lặng suốt quãng đường về. Tiếng mái chèo quạt nước là âm thanh duy nhất phá tan sự im lặng. Tóc Aarti đã dài ra đến eo. Tôi nhìn mi mắt nàng hấp háy mỗi khi nàng chớp mắt. Mặt trời lúc rạng đông dường như khiến làn da nàng tỏa sáng từ bên trong. Tôi tránh nhìn đôi môi nàng. Nếu nhìn chúng tôi sẽ muốn hôn lên chúng.
Nàng thuộc về một người khác rồi, dù não ngắn thì mày cũng nên biết điều đó. Đầu tôi biết thế, nhưng trái tim tôi thì không.
“Sao bọn mình lại lớn lên vậy Gopal?” Aarti nói. “Ngày xưa mọi chuyện đơn giản hơn nhiều.”
Tôi chưa đến nhà của một Ủy viên Hội đồng bao giờ. Chúng tôi đến tòa nhà rộng mênh mông của ngài Shukla trong khu Kachehri lúc ba giờ chiều. Xe cảnh sát đỗ bên ngoài và nhân viên bảo vệ vây quanh toàn bộ tòa nhà. Sunil tự giới thiệu ở cổng, rồi người ta cho chúng tôi vào.
Vài người dân làng ngồi trên bãi cỏ trước nhà, chờ đến lượt mình được gặp ngài Ủy viên Hội đồng. Sunil có nói ngài Ủy viên Shukla ở một mình. Gia đình ông ta chủ yếu sống ở nước ngoài vì hai đứa con trai của ngài học ở đó. Đầy cán bộ của đảng bên trong, ngôi nhà của ngài Ủy viên Shukla giống trụ sở đảng hơn là nhà ở.
Sunil dẫn theo Girish Bedi, “một chuyên gia tư vấn giáo dục giàu kinh nghiệm”. Tôi có một ba lô đựng đầy giấy tờ đất và tài liệu liên quan đến vụ tranh chấp. Nhân viên bảo vệ lục kiểm tra ba lô của tôi ba lần trước khi chúng tôi đến được văn phòng của ngài Ủy viên.
Một người đàn ông trung niên mặc trang phục trắng bóc ngồi đằng sau cái bàn gỗ lộng lẫy, bóng loáng. Dù hơi có bụng nhưng đối với một chính trị gia thì ngài Shukla có thể xem là đẹp trai. Ông ta ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống trong lúc tiếp tục nói chuyện trên điện thoại di động.
“Nói với nhà khoa học đó là Shukla muốn xem báo cáo trước. Phải, tôi cần xem nó. Đây cũng là sông Hằng của tôi. Phải, được rồi, tôi phải họp bây giờ, tạm biệt.”
Ngài Ủy viên Hội đồng lật giở chỗ hồ sơ trên bàn trong lúc nói chuyện với chúng tôi.
“Là Sunil, thưa ngài. Công ty Sunshine Events. Ch... chúng tôi tổ chức hội chợ giáo dục,” Sunil nói, giọng anh ta hơi lắp bắp, hoàn toàn trái ngược với vẻ tự tin của anh ta khi ở bên ngoài.
“Cậu có việc gì?” ngài Shukla hỏi.
“Đất, thưa ngài,” Sunil nói.
“Ở đâu? Bao nhiêu?” ngài Shukla hỏi tiếp. Mắt ông ta không rời chỗ hồ sơ khi tai ông ta lắng nghe. Các chính trị gia có thể làm việc đa nhiệm tốt hơn hầu hết mọi người.
“Ba mươi mẫu Anh, cách thành phố mười cây số trên đường cao tốc Lucknow,” Sunil nói.
Ngài Ủy viên ngừng bút giữa chừng. Ông ta ngẩng lên nhìn chúng tôi.
“Của ai?” ông hỏi. Ông ta đóng tập hồ sơ và tập trung toàn bộ sự chú ý vào chúng tôi.
“Của tôi, thưa ngài,” tôi nói. Tôi không hiểu vì sao tôi lại gọi ông ta là ngài. “Tôi là Gopal Mishra.” Tôi mở ba lô và đặt chỗ giấy tờ đất đai lên bàn.
“Còn anh?” ngài Shukla hỏi, quay sang Bedi.
“Tư vấn giáo dục. Anh ấy giúp thiết kế và mở trường cao đẳng mới. Người của chúng tôi,” Sunil đáp.
“Trường cao đẳng mới?” ngài Shukla hỏi.
“Ngài có thể lấy giấy phép chuyển đổi đất nông nghiệp sang sử dụng cho giáo dục,” lần đầu tiên Bedi mở miệng.
“Trông cậu vẫn còn trẻ,” ngài Shukla nói với tôi. “Bố mẹ cậu là ai?”
“Mất cả rồi, thưa ngài,” tôi nói.
“Hừm, thế vấn đề là gì?” ngài Shukla lại hỏi. Ngón tay ông ta lần từ vị trí của mảnh đất tới trung tâm thành phố.
“Bác tôi,” tôi trả lời.
“Nó ngay gần sân bay sắp xây,” ngài Shukla nói khi ông ta đã hình dung ra bản đồ.
“Vậy sao?” tôi hỏi lại.
Ngài Shukla cầm máy điện đàm nội bộ. Ông ta bảo nhân viên không làm phiền mình cho đến hết cuộc gặp này.
“Gopal, hãy kể tôi nghe mọi thứ về vụ tranh chấp đất này,” ngài Shukla nói.
Trong một tiếng sau đó tôi kể cho ông ta nghe toàn bộ câu chuyện. “Và thực sự là tôi còn nợ người của ông hai trăm ngàn,” tôi kết thúc cuộc độc thoại của mình.
“Cậu có muốn uống trà không? Nước ngọt?” ngài Shukla hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Cậu nợ người của tôi tiền?” ngài Shukla nói.
“Không thưa ngài, không phải người của ngài,” Sunil trả lời thay và đá chân tôi. “Anh Bedi, phát biểu quan điểm của mình đi.”
Tôi không nhận ra rằng đội cho vay nặng lãi hoạt động dưới sự bảo trợ của ngài Ủy viên, nhưng chối bỏ bất cứ liên kết công khai nào với ông ta.
“Một địa điểm lý tưởng cho trường cao đẳng kỹ thuật, thưa ngài,” Bedi nói. “Phần mười lăm mẫu của cậu ta là đủ.”
“Sao lại mười lăm? Khi có ba mươi, sao ta lại chỉ lấy mười lăm?” ngài Shukla hỏi lại.
Cảm xúc choán ngợp khắp người tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi được một người có thế lực ủng hộ. Tôi không nhận thấy ông ta đang nói “chúng ta”.
Sunil cười tự mãn với tôi. Anh ta đã đưa tôi đến đúng chỗ.
“Mười lăm là đủ, thưa ngài,” tôi nói mà không chắc là chúng tôi sẽ làm thế nào để có được mười lăm mẫu ấy.
“Ba mươi. Giữ phần còn lại dùng sau. Nó gần thành phố... Khi trường được mở và sân bay đã xây, chúng ta còn có thể xây khu dân cư hay thương mại,” ngài Shukla nói.
Tôi không thực sự hiểu ông ta nói gì nhưng tôi đoán là ông ta biết nhiều hơn tôi. Thêm nữa, có vẻ như là ông ta đứng về phía tôi.
“Nhưng làm sao ta lấy được đất?” tôi hỏi. Bác tôi đã ngồi trên mảnh đất này nhiều năm rồi.
“Để chuyện ấy cho chúng tôi,” ngài Shukla nói. “Cậu nói tôi nghe xem, cậu có điều hành được trường cao đẳng không?”
“Tôi ư?”
“Phải, bởi vì cậu sẽ là diện mạo và tên tuổi của trường. Tôi sẽ là một đối tác im lặng,” ông ta đáp.
“Nhưng bằng cách nào?” tôi hỏi. “Tôi không có kinh nghiệm. Tôi không có tiền.”
“Anh Bedi sẽ cho cậu kinh nghiệm. Tôi sẽ đưa cậu tiền để xây dựng và các thứ khác, được chứ?”
Tôi thấy ở đây có gì đó không ổn. Vì sao người ta lại tự nhiên giúp tôi? Chiêu trò gì đây nhỉ?
Sunil hiểu sự khó xử của tôi.
“Ngài Shukla, làm ơn nói cậu ta biết điều kiện của ngài. Và đương nhiên là bất cứ thứ gì ngài muốn tôi đều không phản đối.” Sunil nói và nở một nụ cười xun xoe.
“Tôi không muốn gì cả. Mở một trường cao đẳng là điều tốt cho thành phố của tôi,” ngài Shukla nói.
Không ai tin ông ta. Dù sao thì chúng tôi cũng phải chiều chuộng ông ta. “Thưa ngài, làm ơn đi,” Sunil nài. “Thế là không công bằng.”
“Tôi sẽ nghĩ về điều kiện của mình. Nhưng nhóc, nói tôi nghe, cậu có theo được không?” ngài Shukla nhìn tôi. Tôi nghĩ mình đã già đi mười tuổi dưới cái nhìn ấy.
Tôi giấu sự bối rối của mình hết mức có thể. “Sao ta không lấy lại đất và bán đi?” tôi hỏi.
“Đất từng bị tranh chấp rất khó bán,” ngài Shukla nói. “Lấy lại quyền sở hữu cho cậu là một chuyện, nhưng tìm được người mua mới lại là chuyện hoàn toàn khác.”
“Đúng vậy. Còn các vụ tranh chấp, chúng ta xử lý thế nào?” tôi hỏi tiếp.
Ngài Shukla cười. “Ta không xử lý vụ tranh chấp. Ta xử lý người trong vụ tranh chấp.”
Ngài Ủy viên Hội đồng cười, nhưng mắt ông ta cho thấy một quyết định chắc chắn. Ông ta có vẻ là người có khả năng xử lý người khác. Và hơn cả việc đòi lại đất, tôi muốn dạy cho những người họ hàng của tôi một bài học.
“Nếu ông có thể xử lý họ, ông có thể lấy bất cứ phần nào ông muốn,” tôi nói.
“Mười lăm mẫu cho tôi,” ngài Shukla nói. “Tôi sẽ giữ nó cho đến khi khu này được chuyển mục đích thành khu thương mại hay dân cư. Chúng ta sẽ xây trường trên mười lăm mẫu kia.”
“Ông muốn sở hữu bao nhiêu phần trăm của trường?” tôi hỏi.
“Cậu muốn bao nhiêu cũng được. Trường cao đẳng là quỹ ủy thác, ở đấy không có lợi nhuận,” ngài Shukla hờ hững nói.
“Thật sao?” tôi ngạc nhiên hỏi.
“Đúng vậy.” Bedi nói sau một lúc lâu. “Tất cả các trường cao đẳng đều phải được thành lập dưới hình thức quỹ ủy thác phi lợi nhuận. Không có cổ đông, chỉ có các Ủy viên quản trị.”
“Vậy tại sao người ta lại mở trường cao đẳng phi lợi nhuận?” tôi lại hỏi.
Bedi hít một hơi dài trước khi bắt đầu giải thích. “Thế này, cậu sẽ lấy lợi nhuận. Các Ủy viên quản trị có thể lấy được tiền mặt ra khỏi quỹ ủy thác dưới dạng chi phí. Hoặc nhận phí dưới dạng tiền mặt mà không vào sổ sách. Hoặc yêu cầu nhà thầu hoàn lại một phần cậu đã trả cho họ. Còn có nhiều cách khác nữa...”
Bedi tiếp tục nói cho tới khi tôi ngắt lời anh ta. “Chờ chút, đấy chẳng phải là những cách làm phi pháp hay sao?”
Tất cả mọi người im bặt.
Ngài Shukla nói sau một lúc. “Tôi không nghĩ cậu nhóc này có thể làm được. Các cậu làm lãng phí thời gian của tôi rồi.”
Bedi và Sunil ôm đầu xấu hổ. Tôi đã làm hại họ vì sự tò mò của mình về bất động sản.
“Tôi xin lỗi, tôi chỉ cố tìm hiểu thôi mà,” tôi nói.
“Gì cơ?” Bedi nói, giọng anh ta khó chịu.
“Anh nói với tôi rằng cách duy nhất để kiếm tiền từ trường đại học là sử dụng các biện pháp phi pháp? Xin lỗi, tôi không phải tỏ ra có đạo đức, tôi chỉ hỏi thôi.”
“Được thôi,” Bedi nói, “thực sự là cậu không được kiếm tiền từ đó.”
“Vậy tại sao người ta lại mở trường?”
“Vì lợi ích của xã hội, như chính trị gia chúng tôi vẫn làm,” Shukla nói.
Tất cả mọi người, trừ tôi, phá lên cười. Tôi đoán câu đùa đó hướng tới anh chàng tôi ngu xuẩn, ngây thơ.
“Nghe này Gopal,” Sunil nói, “đấy chính là quy tắc. Rất ngớ ngẩn. Giờ thì cậu nên tìm cách đi vòng qua chúng hoặc tiếp tục ngu ngơ. Sẽ phải có một quỹ ủy thác, cậu và ngài Shukla sẽ là Ủy viên. Bedi sẽ giải thích mọi chuyện.”
Bedi gật đầu với tôi. Phải, người này hiểu hệ thống và biết cách bẻ cong nó.
“Anh Bedi, làm ơn giải thích với cậu nhóc là đừng hỏi han nhiều về tính pháp lý. Nếu thế thì giáo dục không phải là việc cho cậu ấy đâu,” ngài Shukla nói.
“Tất nhiên rồi,” Bedi cười. “Ngài Shukla, lấy tiền từ quỹ ủy thác là việc dễ nhất. Thế còn các loại giấy phép và phê chuẩn cần thiết thì sao ạ? Mỗi bước đi đều phải có cách quản lý đặc biệt.”
“Đó là chuyện cậu nhóc này phải làm. Tôi vô hình trong vụ này. Tôi chỉ là một Ủy viên, để đem lại lợi ích cho xã hội,” ngài Shukla nói.
“Làm gì?” tôi hỏi.
“Đừng lo, tôi sẽ giải thích,” Bedi nói. “Cậu cần được chính quyền thành phố phê duyệt kế hoạch xây dựng và được AICTE* phê duyệt việc lập trường cao đẳng. Có kiểm tra. Phải quan tâm đến tất cả mọi người. Đấy là chuẩn.”
“Hối lộ à?” tôi hỏi.
“Suỵt!” ngài Shukla quở trách. “Đừng nhắc đến chuyện đó ở đây. Các cậu thảo luận ở ngoài đi. Giờ thì về đi.”
Chúng tôi đứng dậy đi.
“Ở lại một chút đi Gopal,” ông Ủy viên nói.
“Vâng?” tôi nói sau khi Sunil và Bedi ra khỏi phòng.
“Cậu sẽ làm những gì cần làm chứ?” ngài Shukla nói, “nếu không tôi không muốn phí thời gian của mình. Cứ nói với tôi nếu cậu muốn thôi.”
Tôi suy nghĩ một lúc. “Việc này không dễ,” tôi thú nhận.
“Thành đại gia không bao giờ dễ,” ngài Shukla nói.
Tôi im lặng.
“Cậu muốn thành đại gia chứ, Gopal?”
Tôi tiếp tục nhìn xuống. Tôi ngắm nghía những đường vân đen trắng trên nền nhà lát đá hoa cương Ý.
“Hay cậu muốn mãi là một cậu nhóc tầm thường trong lúc bạn bè vượt qua cậu?”
Tôi nuốt cục nghẹn trong họng. Tôi ngẩng lên nhìn vào mắt ông ta.
“Cậu có bạn gái không, Gopal?”
Tôi lắc đầu.
“Cậu biết tại sao không? Vì cậu không là ai cả.”
Tôi gật đầu. Hình ảnh Aarti và Raghav hôn nhau say đắm trong bãi đỗ xe trường BHU thoáng qua đầu tôi. Nếu tôi vào được BHU và Raghav đi Kota thì quyết định của nàng liệu có khác đi không? Tôi nhìn ngài Shukla. Mỗi xăng ti mét trên người ông ta đều đem lại ấn tượng không tốt. Nhưng ông ta cho tôi một cơ hội. Một công việc, một sự chấp nhận, một cơ hội khốn kiếp, đôi khi đó là tất cả những gì một người cần trong đời.
“Tôi sẽ làm. Tôi cũng chẳng phải là người duy nhất ở Ấn Độ đưa hối lộ,” tôi nói. “Nhưng tôi muốn thành đại gia.”
Ngài Shukla đứng dậy. Ông ta đi vòng qua bàn làm việc và vỗ lưng tôi. “Cậu đã là đại gia rồi,” ông ta nói, “vì cậu có tôi chống lưng. Giờ thì đi đi, và để lại thông tin về ông bác cậu cho thư ký của tôi bên ngoài kia.”
“Còn tiền tôi nợ người của ông thì sao?” tôi hỏi.
“Hai trăm ngàn? Chẳng là gì với tôi cả, quên đi,” ngài Shukla nói. Ông ta quay về bàn làm việc và mở ngăn kéo. Ông ta lấy hai tập mười nghìn rupi và ném cho tôi. “Một cho Sunil, một cho cậu,” ông ta nói.
“Sao lại cho tôi?” tôi hỏi.
“Vì cậu điều hành trường đại học của tôi, thưa ngài Giám đốc.” Ông ta cười tươi.
16
Tôi nhận mười ngàn của ngài Shukla, chỉ để thanh toán những khoản cần thiết cơ bản. Tôi tự chiều mình một việc - tôi mời Aarti ăn tối ở Taj Ganga, nhà hàng đắt nhất trong thành phố.
“Anh chắc chứ?” Aarti hỏi lại khi chúng tôi vào quán cà phê ở Taj. “Bọn mình có thể ăn đồ ăn nhanh ở bậc nước mà.”
Nàng mặc chiếc váy dài mới màu xanh dương đậm do người thân gửi về từ Mỹ. Nàng diện nó với bộ trang sức vàng mỹ ký mua ở Vishwanath Gali.
“Anh khao mà,” tôi nói.
Bồi bàn kéo ghế cho nàng. Nàng cảm ơn anh ta khi chúng tôi ngồi xuống. Aarti muốn giữ cân nhưng cũng muốn ăn bánh sô cô la. Chúng tôi quyết định ăn tối với xúp và xa lát để có thể để dành calori cho món tráng miệng.
Nàng lấy thìa ngoáy món xúp nóng. “Xin lỗi, nhưng anh kiếm đâu ra tiền cho vụ này? Bố để lại nhiều tiền à?”
Tôi cười. “Không, ông chỉ để lại nợ thôi.”
“Thế thì?”
“Anh mở công ty mới.”
“Buôn lậu à?” Aarti nghiêng đầu.
“Im đi. Anh mở trường cao đẳng.”
“Cái gì?” Aarti nói, đủ lớn để cả quán nghe thấy. “Xin lỗi,” nàng thì thầm. “Có phải anh nói là anh mở trường cao đẳng không?”
“Phải, trên mảnh đất đang tranh chấp của anh.”
“Sao được? Chẳng phải đất ấy đang kẹt hay sao? Và anh làm thế nào mà mở được trường?”
“Anh có đối tác. Đối tác tốt.”
“Ai thế?” Aarti hỏi.
“Anh sẽ nói với em sau. Bọn anh đang hoàn thiện kế hoạch.”
“Thật vậy sao?” Aarti hỏi. “Ồ, vậy là anh nghiêm túc?”
“Phải, có mười lăm mẫu ngay gần thành phố. Nếu bọn anh giải quyết được tranh chấp và chuyển đổi được mục đích sử dụng, đó sẽ là chỗ lý tưởng cho một trường cao đẳng,” tôi lặp lại lời của Bedi.
“Chà,” Aarti cười khúc khích. “Anh làm vụ này khủng quá đấy, Gopal ạ.”
Nàng chỉ có ý đùa, nhưng tôi cũng hơi chạnh lòng. “Sao thế? Em không nghĩ là anh làm được à?”
“Không phải, em không có ý ấy,” Aarti nói. “Em chỉ... ngạc nhiên.”
“Anh phải làm gì đấy trong đời chứ.”
“Tất nhiên rồi. Anh sẽ làm được hơn là gì đấy ấy chứ. Còn bác anh thì sao?”
“Bọn anh đang cố gắng hòa giải với ông ấy,” tôi đáp.
Người của Shukla, những tay đòi nợ thuê đã khởi động quá trình dàn xếp với bác Ghanshyam. Hòa giải không phải là từ có thể dùng để mô tả phương pháp của họ. Họ đã đến nhà bác tôi ba lần. Lần đầu tiên họ đổ một chai tiết dê lên ban công trước nhà ông ta. Lần thứ hai họ đâm nát tất cả xô pha và nệm giường bằng các loại dao khác nhau. Lần thứ ba, khi cuối cùng cũng mở lời, họ móc súng ra và đề nghị mua lại phần đất tranh chấp của bác tôi với giá tám trăm ngàn rupi.
Tôi không muốn kể cho Aarti nghe tất cả những chi tiết này.
“Trường cao đẳng gì?” nàng hỏi.
“Kỹ thuật.”
“Hay đấy,” Aarti nói.
“Nếu anh muốn thành người lớn, anh phải làm việc lớn,” tôi nói.
“Anh luôn là người lớn với em, Gopal à. Anh biết tại sao không?”
“Tại sao?”
“Vì anh có trái tim lớn.” Aarti vuốt nhẹ tay tôi trên bàn.
Trái tim tôi, dù lớn hay nhỏ, đã lỡ một nhịp khi nàng chạm vào tôi. Tôi nhanh chóng chuyển chủ để sang những câu chuyện xã giao. “Mọi chuyện với em thế nào? Học ở trường thế nào?”
“C-h-á-n lắm. Nhưng em sắp vào học viện hàng không.”
“Là trường gì vậy?”
“Đào tạo tiếp viên hàng không. Lớp học trông như nội thất máy bay.”
“Thật sao?” tôi đăm chiêu. “Có nhiều chuyện đang xảy ra trong ngành giáo dục quá.”
“Phải, phần lớn bọn em chỉ trở thành sinh viên thôi. Chẳng phải ai cũng mở được trường cao đẳng đâu,” nàng trêu.
Tôi cười. “Đường còn dài. Không dễ dàng gì.”
“Anh đã phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn thế trong đời. Anh sẽ làm được,” Aarti tin tưởng nói.
“Em nghĩ vậy à?” tôi hỏi.
Nàng gật đầu. Cái gật đầu của nàng là cả thế giới với tôi. Tôi muốn rủ nàng đi chơi lần nữa. Vì lẽ gì đó mà tôi nghĩ rằng với kế hoạch mở trường mới của mình nàng sẽ thiên về đồng ý. Tất nhiên là chỉ có bộ não tôi mới nghĩ ra được mớ lý thuyết mong manh này.
“Raghav thế nào?” tôi hỏi để đưa mình quay lại thực tại.
“Hơi tệ, thực sự mà nói,” nàng trả lời.
Tôi cảm thấy một luồng hơi ấm. “Vậy à? Sao thế?” tôi giả vờ quan tâm.
“Anh ấy thất bại trong cuộc bầu cử bí thư của trường.”
“Ồ,” tôi nói. “Có quan trọng không?”
“Với anh ấy thì có. Anh ấy thua vì không chịu thỏa thuận với những ký túc xá khác. Anh ấy muốn đấu công bằng.”
“Anh không ngạc nhiên khi cậu ấy thất bại,” tôi nói, chọc một miếng cà rốt.
“Anh ấy tin là người ta phải cạnh tranh công bằng và chiến thắng. Nếu không thì chiến thắng có ý nghĩa gì?” Aarti nói.
“Cuộc đời không phải lúc nào cũng như thế, phải không?” tôi nói, nhai chậm rãi.
“Em không biết. Nhưng cuộc đời đáng ra phải như thế,” Aarti nói. “Năm sau anh ấy sẽ lại tranh cử.”
“Cậu ấy có đang cố quá không vậy?” tôi hỏi.
“Có đấy, giữa các khóa học ở trường, tạp chí và bầu cử anh ấy hầu như chẳng còn thời gian cho em.”
“Và em thích thế?”
“Không, nhưng em không có lựa chọn. Nếu chuyện đó làm anh ấy vui, thì hãy cứ để như thế đi.”
Chúng tôi ăn xong bữa tối. Món bánh sô cô la được mang ra. Mắt nàng sáng lên. Nàng kéo đĩa về phía mình. “Đừng có lấy trộm bánh của em,” Nàng toét miệng cười.
“Raghav thật may mắn khi có em, Aarti à,” tôi nói.
“Cảm ơn,” nàng cười ngượng nghịu.
“Aarti, anh có thể hỏi em một việc không?”
“Gì vậy?” Nàng nhìn tôi, thìa của nàng dừng lại trên cái bánh.
“Không có gì, để lại cho anh ít bánh nếu có thể,” tôi nói và ra hiệu gọi tính tiền.
Chuông cửa đánh thức tôi dậy lúc nửa đêm. Tôi dụi mắt và mở cửa, vẫn còn dở thức dở ngủ. Bác tôi, bác gái và con trai họ, Ajay, người anh họ ba mươi tuổi của tôi đứng ngoài cửa.
“Bác Ghanshyam?” tôi hỏi. “Có chuyện gì vậy? Vào nhà đi.”
Những người họ hàng của tôi ngồi trên chiếc xô pha rách nát ở phòng ngoài. Họ không nói gì trong suốt năm phút.
“Các bác đến muộn thế này không phải vì nhớ cháu, đúng không ạ?” tôi hỏi.
“Sao cậu lại làm chuyện ấy với chúng tôi?” Ajay bật ra.
“Làm gì?” tôi hỏi. “Các bác dùng nước chứ? Hay là trà?”
“Không,” bác tôi đáp. “Gopal, phải để tâm đến nghiệp chướng của cháu chứ. Chúa trời đang nhìn đấy. Một ngày nào đấy cháu sẽ phải trả giá. Đừng làm thế với chúng ta.”
“Làm gì ạ?” tôi hỏi lại. Và tại sao họ lại đến vào lúc đêm tối này?
“Bittoo hôm nay vẫn chưa từ nhà trẻ về,” bác gái nói và bật khóc. Lần này có vẻ là nước mắt thật chứ không phải những giọt nước mắt cá sấu trong đám tang của bố tôi.
Họ đến nhà tôi vì Bittoo, đứa con trai bốn tuổi của Ajay mà tôi mới chỉ nhìn thấy một lần (ngồi trên đùi mẹ nó, trong đám tang bố tôi) bị mất tích.
“Ồ, khủng khiếp quá,” tôi nói. “Nhưng mà liên quan gì đến nghiệp chướng của cháu vậy?”
“Chính là bọn ấy, những kẻ muốn mua đất,” bác tôi nói. “Chúng ta biết bọn chúng bên phe cháu.”
“Bác nói gì vậy?”
Bác tôi khoanh tay. “Đừng làm chuyện ấy với chúng ta,” ông ta nói.
“Cháu không làm gì cả. Cũng có vài người đến gặp cháu để mua đất. Nhưng cháu bảo với họ là cháu không bán được,” tôi nói.
“Thật không?” Ajay nói.
“Em bán sao được? Đất đang bị tranh chấp mà, phải không nào?” tôi nói.
“Nhưng những kẻ đến gặp chúng ta lại không muốn mua. Chúng muốn chúng ta xử lý với ngân hàng, xử lý tranh chấp và chuyển tất cả cho cháu,” bác tôi nói.
“Lạ nhỉ. Nhưng vấn đề bây giờ là, các bác quý đất hơn hay Bittoo hơn? Đúng chứ?”
“Câm đi,” Ajay nói. “Chúng tôi biết cậu là người muốn mua.”
“Em còn không có tiền mua thức ăn kìa. Em mua đất sao nổi?” tôi gãi đầu.
“Bọn ấy là ai?” bác tôi hỏi.
“Cháu không biết. Các bác có thể báo cảnh sát,” tôi nói, “nhưng chúng nghe có vẻ giống bọn lừa đảo.”
“Tránh cảnh sát ra,” bác gái nói.
“Chúng có thể làm mọi thứ. Bittoo là đứa bé nên giấu xác nó cũng chẳng khó khăn gì. Vả lại, đây là Varanasi, vứt xác chết rất dễ,” tôi nói.
Ajay nhảy dựng lên khỏi xô pha và túm cổ áo tôi. “Tao biết mày có liên quan. Bố mày trung thực, còn mày thì không,” anh ta nói, ánh mắt điên dại.
“Bỏ tay ra ngay, anh họ,” tôi nói giọng bình tĩnh nhưng cương quyết.
Mẹ Ajay kéo tay con trai. Ajay buông tôi ra.
“Họ trả giá bao nhiêu?” tôi hỏi.
“Tám trăm ngàn,” bác tôi nói.
“Không tệ.”
“Chỉ bằng một phần giá thị trường.”
“Nhưng nhiều gấp đôi giá bác trả cháu,” tôi nói.
“Mày có liên quan,” Ajay lườm tôi.
“Về nhà đi bác, và suy nghĩ cho kỹ. Tất cả chúng ta đều yêu quý Bittoo hơn đất đai mà.”
“Sao chuyện này lại xảy ra với chúng ta?” bác gái than vãn ở cửa.
“Đều là nghiệp chướng cả. Bác Taya sẽ giải thích cho bác,” tôi cười và sập cửa.
Phải mất ba đêm không có Bittoo thì những người họ hàng của tôi mới nhận ra giá trị của cái giá tám trăm ngàn. Tôi nhận được một cuộc điện thoại từ văn phòng Ủy viên Hội đồng khi bác Ghanshyam Mishra và ông anh Ajay Mishra ký xong giấy tờ.
“Là Sharma, thư ký của ngài Shukla,” người gọi điện nói. “Ủy viên Hội đồng mời cậu dự bữa tối nay.”
“Chúc mừng,” ngài Shukla nói khi chúng tôi cụng ly whisky.
Bedi, Sunil và tôi ngồi cùng ông ta trong một phòng khách khổng lồ. Có ba khu vực bài trí khác nhau với những chiếc xô pha nhung lộng lẫy, bàn cà phê và những cây đèn và dàn đèn treo sang trọng. Ba người bồi bàn phục vụ bánh kebab, các loại hạt và bánh gối nhỏ trên những chiếc đĩa sứ lót giấy ăn. Tôi thấy hình gia đình Shukla treo trên tường.
“Nikhil và Akhil, các con trai tôi,” ngài Shukla nói. “Cả hai đang học bên Mỹ. Sẽ phải để chúng xa nhà một thời gian.” Có người nói ngài Shukla đã ly dị. Người khác nói ông ta có một gia đình khác ở Lucknow. Tôi cảm thấy mình không cần phải biết.
“Đất đai là một bước tiến quan trọng,” Bedi nói dứt khoát. “Nhưng đường còn dài lắm. Tuần tới chúng ta sẽ gặp người của chính quyền thành phố. Trong khi đó ta phải lo các thủ tục liên quan đến quỹ ủy thác.”
Bedi giải thích làm thế nào để chính quyền thành phố cấp giấy phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang giáo dục và thông qua quy hoạch để chúng tôi có thể bắt đầu xây dựng.
“Làm nhanh vụ chuyển đổi mục đích đi. Tôi không chi tám trăm ngàn mua đất trồng lúa đâu.” Ngài Shukla nói.
“Chúng tôi sẽ làm,” Bedi nói. “Họ biết ai đứng sau vụ này. Ngài không phải là người tầm thường mà, thưa ngài.”
“Đúng thế,” ngài Shukla nói giọng khinh thường với Bedi vì anh ta nói ra điều rõ ràng. “Nhưng chúng ta cũng phải quan tâm đến chính quyền thành phố phải không?”
“Vâng, tất nhiên rồi,” Bedi nói. “Chuyển đổi mục đích sử dụng. Giá trị đất sẽ tăng gấp năm lần. Không rẻ đâu.”
“Bao nhiêu?” ngài Shukla hỏi.
“Tất nhiên là giá của ngài sẽ khác. Tôi cho là khoảng một triệu.”
“Gì cơ?” ngài Shukla nói, bị sốc.
Bedi uống một ngụm lớn hết ly rượu. “Là ba mươi mẫu, thưa ngài. Với người bình thường giá sẽ là bốn triệu.”
“Thấy không, đó là lý do tại sao những người như tôi lại phải nhảy vào giáo dục. Chuyện gì đang xảy ra với đất nước này vậy?”
“Cần ngài Chánh án ủng hộ nữa. Nhưng Pradhan là người liêm khiết. Tuy nhiên, nếu để xây trường cao đẳng và chính quyền thành phố thông qua thì ông ta sẽ duyệt,” Bedi nói.
“Liêm khiết đến đâu?” ngài Shukla hỏi.
“Đủ liêm khiết để không nhận tiền. Nhưng cũng không liêm khiết đến mức ngăn người khác nhận.”
“Thế là tốt. Nếu liêm khiết, tốt nhất là hãy bí mật,” Sunil nói, lần đầu tiên lên tiếng trong buổi tối hôm đó.
“Sunil,” ngài Shukla nói.
“Vâng thưa ngài.”
“Cậu về đi. Tôi sẽ có thứ gửi cho cậu sau. Nhưng từ giờ bọn tôi sẽ tự làm dự án này,” ngài Shukla nói.
“Thưa ngài, nhưng mà...” Sunil nói.
“Cậu xong việc rồi.” Ngài Shukla nói, đưa cho anh ta một chai Johnie Walker Black Label.
Sunil hiểu ý. Anh ta cảm ơn ông ta vì chai rượu, cúi chào thấp hết cỡ cột sống cho phép và đi ra.
“Tôi biết Chánh án Pradhan, con gái ông ấy là bạn tôi.” Tôi nói với ngài Shukla.
“Ông ấy không liên quan nhiều trong vụ này. Dẫu sao thì vẫn tốt khi được ông ta ủng hộ,” ngài Shukla nói.
“Chắc chắn rồi,” tôi nói.
Ngài Shukla vào phòng ngủ. Ông ta quay lại với một cái túi nhựa nặng. Ông ta đưa nó cho tôi.
“Gì vậy?” tôi hỏi.
“Một triệu,” ông ta nói, “cho chính quyền thành phố.”
“Một triệu?” tôi hỏi lại. Tay tôi run run khi cầm chiếc túi nặng. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy, hay cầm lên ngần ấy tiền.
“Chỉ là một con số thôi,” Ủy viên Hội đồng nói. “Anh Bedi, rót cho cậu bé đi. Và cả cho anh nữa. Tôi không thích cốc không.”
“Chắc chắn rồi, ngài Shukla,” Bedi nói và gọi người bồi bàn.
“Người làm giáo dục chỉ cần tiền thôi hay họ còn muốn thứ khác nữa?” ngài Shukla hỏi Bedi.
“Ví dụ như thứ gì cơ?” Bedi hỏi.
“Gái, nếu họ muốn tiêu khiển. Tôi có một người, Vinod, có thể sắp xếp chuyện này,” Ủy viên Hội đồng Shukla nói.
“Ồ, tôi sẽ báo sau. Thường thì tiền là được rồi,” Bedi nói
“Tốt,” ông ta đổi chủ đề. “Liệu Gopal có thể tạm làm việc ở văn phòng của anh không? Cho tới lúc cậu ấy có văn phòng riêng?”
“Tất nhiên rồi, thưa ngài Shukla.”
Người phục vụ chạy tới rót cho chúng tôi.
“Giấy tờ cho quỹ ủy thác đã xong. Ta có thể ký ngay trong tuần này. Nhưng còn một câu hỏi, Gopal,” Bedi nói.
“Gì vậy?” tôi nói.
“Tên trường là gì?” Bedi nói.
Tôi chưa nghĩ đến chuyện ấy.
“Tôi chịu. Có thể là gì đấy có liên quan đến công nghệ.”
“Và thành phố của chúng ta,” ngài Shukla nói. “Để khi tới lúc, tôi có thể nói với mọi người là tôi làm việc này cho họ.”
“Cao đẳng Kỹ thuật Ganga?” tôi nói.
Ngài Shukla vỗ vai tôi. “Tốt lắm. Tôi thích cậu, Gopal ạ. Cậu sẽ tiến rất xa đấy.” Ngài Shukla đích thân rót whisky vào ly của tôi đầy đến tận miệng.
17
Tôi lật qua chỗ giấy tờ Bedi đã quăng xuống bàn tôi. Tôi ngồi trong căn phòng phụ thuộc văn phòng tư vấn giáo dục của anh ta.
“Trả tiền để lập quỹ ủy thác?” tôi hỏi.
“Phải, trả tiền đăng ký kinh doanh. Quỹ ủy thác nào cũng phải đăng ký ở đấy,” Bedi nói.
“Nhưng sao phải hối lộ? Chúng ta mở quỹ ủy thác phi lợi nhuận cơ mà?”
“Ta hối lộ vì nếu không Phòng Đăng ký sẽ ngâm đơn của ta.” Anh ta phát cáu.
Tôi thở dài chán ngán.
“Dẫu sao thì cũng chỉ tối đa là bốn mươi ngàn. Giờ thì cậu làm ơn ký vào đây được chưa?” Bedi nói.
Suốt hai giờ tiếp theo tôi ký vào từng trang trong sáu bản sao bộ hồ sơ thành lập Quỹ Ủy thác Giáo dục Cao đẳng Kỹ thuật Ganga dày bốn mươi trang. Tôi bẻ khớp tay trong lúc chờ Bedi tìm thêm giấy tờ để tôi ký tiếp.
“Gì thế này?” tôi hỏi khi anh ta đưa tôi một tập thư. Mỗi bức thư có một tập hồ sơ dày cộp đính kèm.
“Đơn của cậu nộp lên Ủy ban Cấp phép Đại học xin mở trường. Hồ sơ này có chi tiết về trường cao đẳng đang xin mở.”
Tôi đọc qua tập hồ sơ. Nó có phần mô tả các khóa học, cơ sở vật chất và kế hoạch tuyển giảng viên.
“Toàn là những thứ tiêu chuẩn, lấy từ những đơn nộp trước,” Bedi nói.
Tôi ký các bức thư. “Vậy họ sẽ gửi giấy phép đến hay thế nào?” tôi hỏi.
“Họ sẽ gửi ngày thanh tra địa điểm. Sau khi thanh tra xong họ sẽ cấp cho cậu giấy phép nguyên tắc để bắt đầu xây dựng.”
“Tôi đoán là chúng ta phải nộp tiền cho ai đó nữa để qua vụ thanh tra này?”
Bedi cười. “Cậu học nhanh đấy. Tất nhiên là ta sẽ nộp. Mỗi thanh tra một phong bì dày. Tuy nhiên, bây giờ thì ta phải nộp để có được lịch thanh tra đã. Việc trước làm trước.”
Tôi nhướng mày. “Anh đùa phải không?”
“Không, bất cứ việc gì của chính quyền, nhất là trong ngành giáo dục, đều cần có phí. Quen dần đi là vừa.”
Sau đó anh ta lập ra một danh sách cần đút lót để có thể mở một trường dạy trẻ trên cái đất nước này. Ngoài Ủy ban Cấp phép Đại học, chúng tôi phải nộp đơn lên Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật. Họ cấp phép cho các trường kỹ thuật. Ngoài ra, trường tư thục nào cũng cần liên kết với một trường đại học của nhà nước. Muốn được như vậy, chúng tôi phải được sự phê duyệt từ hiệu phó điều hành của một trường đại học quốc gia. Quan hệ của ngài Shukla và một phong bì dày sẽ giải quyết được ổn thỏa chuyện này.
“Nếu không thì ngài hiệu phó có thể gây rất nhiều khó dễ,” Bedi nói, liên tưởng đến kinh nghiệm trong quá khứ.
“Thế thì thanh tra của Ủy ban Cấp phép Đại học và Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật rốt cuộc là những ai vậy?” tôi hỏi.
“Các giảng viên đại học của các đại học công lập được chỉ định làm thanh tra. Tất nhiên là vì đây là một công việc hết sức béo bở nên các giảng viên phải hối lộ để được làm,” Bedi nói.
“Cho ai?”
“Ban quản lý cao cấp ở Ủy ban Cấp phép Đại học, hoặc ai đó trong Bộ Giáo dục. Dẫu sao thì đấy là việc của họ. Mình nên tập trung vào việc của mình. Làm ơn báo cho ngài Shukla là ta cần tiền cho tất cả những thứ này.”
Tôi gật đầu.
“Đừng quên cuộc gặp với chính quyền thành phố,” Bedi nói. “Và nhất là đừng có quên cái túi.”
“Tôi đang muốn quăng nó đi càng nhanh càng tốt đây.” Tôi nói. “Giữ ngần ấy tiền trong nhà khiếp lắm.”
“Đừng lo,” Bedi nói. “Đến đó một lần là hết sạch thôi.”
Chúng tôi đến ủy ban thành phố nằm đối diện Shaheed Udyaan lúc sáu giờ tối. Tay cán bộ bảo chúng tôi đến sau giờ làm việc. Nếu ta muốn đút tiền, nhân viên công quyền có thể làm thêm giờ nhiều hơn nhân viên của các công ty đa quốc gia.
“Xin chào, xin chào. Tôi là Sinha,” một người đàn ông đón chúng tôi trong khu sảnh không người. Ông ta dẫn chúng tôi lên cầu thang. Chúng tôi leo qua hai tầng của một tòa nhà đổ nát. Sinha, phó giám đốc, quen biết ngài Shukla đã hơn mười năm và gọi ông ta là anh.
“Nếu anh tôi muốn thì coi như chuyện ấy đã xong xuôi rồi,” Sinha nói. Ông ta không nhắc tới chuyện đại ca cần tặng tiểu đệ một món quà.
Tôi lấy bản đồ, giấy tờ đất và đơn chính thức của chúng tôi. Sinha vừa mải mê nghiên cứu chúng vừa hừm hừm.
“Chúng tôi chỉ có thể bắt đầu sau khi mảnh đất được chuyển đổi mục đích sử dụng,” tôi nói.
“Chuyển đổi mục đích thì khó đấy,” Sinha nói. “Cần được các cấp trên nữa phê duyệt.”
“Sẽ mất khoảng bao lâu?” tôi hỏi.
“Cậu có vẻ còn trẻ,” Sinha nói.
“Xin lỗi?” tôi hỏi lại.
“Thiếu kiên nhẫn, sự dại dột số một của tuổi trẻ. Cậu định mở trường cao đẳng, sao vội thế?”
“Sẽ phải mất mấy năm. Nhưng tôi muốn xong hết giấy phép đã,” tôi nói.
Bedi ra hiệu cho tôi im lặng. Sinha cười.
“Chẳng phải là các anh còn cần cả giấy phép xây dựng nữa hay sao?” tay phó giám đốc hỏi.
“Vâng,” Bedi đáp. “Nhân viên của anh có xử lý được không?”
“Gửi giấy tờ cho tôi, gửi mọi thứ về nhà. Mọi thứ.” Sinha nói, nhấn mạnh từ cuối cùng.
Tôi hiểu ra. Tôi vỗ cái túi nhựa đặt trên nền nhà. “Tôi có đem mấy thứ tới đây,” tôi nói.
“Đến văn phòng?” Sinha vội vàng đứng dậy. “Cậu có điên không đấy?”
Tôi đem tiền đến để cho thấy chúng tôi nghiêm túc thế nào trong vụ này. Rõ ràng là tôi không kỳ vọng ông ta sẽ nhận tiền mặt qua quầy giao dịch.
“Anh Bedi, dạy cậu ta cách làm việc này đi. Cậu ta sẽ là thảm họa đấy,” Sinha nói trong lúc dẫn chúng tôi ra khỏi văn phòng.
Tôi ôm cái túi nhựa đỏ, nặng trịch sát vào người.
“Nhân thể hỏi luôn, bao nhiêu thế?” Sinha hỏi khi chúng tôi đã ra ngoài.
“Một triệu,” tôi nói.
“Không đủ cho vụ chuyển đổi mục đích và quy hoạch xây dựng đâu,” Sinha nói.
“Trường cao đẳng mà, làm ơn hợp lý chút đi,” tôi nói.
“Tôi rất có tình có lý. Nhưng một triệu thì ít quá. Triệu rưỡi,” Sinha nói.
“Không giảm giá cho ngài Shukla sao?” tôi hỏi.
“Đây chỉ bằng nửa mức bình thường,” Sinha nói.
“Triệu mốt?” tôi mặc cả với ông ta như thể tôi đang mua một cái áo phông. Tất nhiên, nghĩ đến số tiền là tôi tê dại.
“Triệu hai trăm năm mươi. Xong! Đừng làm tôi bẽ mặt với đại ca,” Sinha nói.
Tôi không tranh luận thêm. Tôi còn phải nghĩ cách kiếm ra số tiền còn lại.
“Cậu mặc cả giỏi đấy,” Bedi nói với tôi khi thả tôi xuống nhà ngài Shukla.
“Cậu đập đi,” ngài Shukla nói, đưa cho tôi quả dừa trên lối vào miếng đất của trường. Một đám những kẻ nịnh bợ ông ta vây quanh chúng tôi.
Lễ động thổ đánh dấu việc khởi công xây dựng. Tôi đã chạy chọt suốt ba tháng để lấy được hai tá giấy phép để có ngày này. Giấy phép nguyên tắc của Ủy ban Cấp phép Đại học và Ủy ban Toàn Ấn về Đào tạo Kỹ thuật cuối cùng cũng đến nơi. Những đợt thanh tra cuối cùng sẽ được thực hiện khi trường sẵn sàng mở cửa. Còn bây giờ chúng tôi đã được phép khởi công xây dựng.
Điều duy nhất chúng tôi cần bây giờ là xin phép thần linh. May mắn thay việc này không cần đến tiền mặt.
Tôi cầm quả dừa trên tay và nhìn xung quanh. Aarti vẫn chưa đến.
“Làm đi, con trai,” ngài Shukla nói.
Tôi không thể đợi nàng lâu hơn nữa. Tôi đoán là ngày này không có nhiều ý nghĩa với nàng như với tôi.
Tôi đập quả dừa, hình dung nó là đầu Raghav. Khi nó vỡ ra, một mảnh vỏ quả dừa cắt vào tay tôi. Xung quanh tôi mọi người vỗ tay. Tôi cho ngón tay bị cắt vào miệng và mút vết thương.
“Cao đẳng Kỹ thuật Ganga” - hai người công nhân đóng một tấm biển kim loại xuống nền đất bùn. Tôi phải thấy cảm động hơn chứ. Dẫu sao thì tôi cũng đã cật lực hàng tháng giời. Nhưng tôi lại chẳng cảm thấy gì. Có lẽ vì tôi biết chính xác số tiền đã phải hối lộ để có được ngày này. Bảy triệu hai trăm hai mươi ba ngàn bốn trăm rupi để có được mọi thứ từ đường điện cho tới giấy phép thuê nhân công xây dựng.
Ngài Shukla mời đến hơn một trăm khách, bao gồm cả phóng viên. Chúng tôi thuê dịch vụ ăn uống phục vụ bánh gối nóng và bánh vòng trong những chiếc hộp trắng nhỏ.
Ngài Shukla chào tất cả mọi người từ một cái bệ tạm. “Ba năm nữa, giấc mơ sẽ thành hiện thực. Đây là món quà cho thành phố của tôi, nơi xứng đáng với những điều tốt nhất,” ông ta nói.
Tôi ngồi ngay hàng đầu. Tôi liên tục quay lại để xem Aarti đã đến chưa. Sau diễn văn của ngài Shukla, báo chí đặt câu hỏi. Hầu hết đều đơn giản, liên quan đến những khóa học và cơ sở vật chất của trường. Tuy nhiên có vài phóng viên khó nhằn không nể vì gì ông ta.
“Ông Shukla, ông có phải chủ của trường này không? Phần của ông là bao nhiêu?” một phóng viên hỏi.
“Tôi là thành viên ban quản trị. Tôi không có phần. Đây là cơ sở phi lợi nhuận,” ngài Shukla trả lời.
“Ai tài trợ đất và xây dựng?”
“Anh Gopal Mishra đây sở hữu mảnh đất này. Tôi muốn khuyến khích tài năng trẻ nên tôi giúp anh ta gây quỹ,” ngài Shukla nói và lấy khăn mùi xoa lau trán.
“Quỹ từ đâu vậy?” tay phóng viên tiếp tục.
“Từ nhiều nhà tài trợ. Đừng lo, có người cho tiền, chứ không phải lấy tiền đâu. Độ này báo chí hay nghi ngờ quá,” ngài Shukla nói.
“Thưa ông, có chuyện gì trong âm mưu Kế hoạch hành động sông Hằng vậy? Ông bị nêu tên trong đó,” một phóng viên ngồi ở hàng cuối hỏi.
“Chuyện đấy cũ rích và đã kết thúc lâu rồi. Không có âm mưu nào cả. Chúng tôi chi tiền để làm sạch sông,” ngài Shukla nói.
Chủ đề mới làm đám phóng viên phấn khích. Ai cũng giơ tay tìm cách đặt câu hỏi.
“Không câu hỏi nào nữa, cảm ơn các vị,” ngài Shukla nói.
Các phóng viên chạy theo khi ông ta ra về. Tôi ở lại, lo liệu cho khách được phục vụ đồ ăn đầy đủ.
Một chiếc xe tải chạy tới, chở theo gạch, cốt thép và những thứ vật liệu xây dựng khác. Đằng sau đó tôi nhìn thấy chiếc xe Ambassador có đèn đỏ trên nóc.
Aarti ra khỏi xe khi nhìn thấy tôi. “Em xin lỗi,” nàng nói. “Đã cầu nguyện xong chưa?”
“Có thể nào cầu nguyện xong nếu chưa làm lễ Aarti?” tôi nói.
Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới - Chetan Bhagat Ngày Đẹp Hơn Sẽ Tới