You can't start the next chapter of your life if you keep re-reading the last one

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Italo Calvino
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1590 / 30
Cập nhật: 2017-08-04 14:04:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ÔLiuSà là một thị trấn vùng sâu vùng xa. Cosimo tới đó sau hai ngày di chuyển, vượt qua một số chặng đường cây cối hết sức thưa thớt. Trên các tuyến đường, gần những khu vực dân cư, người dân chưa bao giờ trông thấy anh hét vang kinh ngạc, một số người còn ném đá theo sau, cho nên, anh tiếp tục chuyền đi trong lúc hết sức tránh không để mình bị nhìn thấy. Song khi đang đến gần ÔLiuSà, anh nhận ra rằng, một số người tiều phu, thợ cày, hoặc các phụ nữ nhặt ôliu, khi thấy anh, họ không ngạc nhiên chút nào, trái lại, những người đàn ông còn giở nón chào, như thể họ đã biết anh, họ buông ra những lời chắc chắn không phải là phương ngữ, với một giọng phát âm lạ tai, chẳng hạn:
– Señor! Buenos días, Señor!33
Lúc ấy là mùa đông, một phần cây cối đã trơ trụi. Ở ÔLiuSà, dọc theo khu vực dân cư, có một hàng cây sồi và một hàng cây tiêu huyền trồng song song nhau. Trong lúc chuyền tới gần, anh nhìn thấy trên cành nhánh trơ trụi có người: một, hai, hoặc ngay cả ba, trên mỗi cây, ngồi hay đứng, thái độ trịnh trọng. Qua vài cú phóng anh đã tới chỗ họ.
Họ là những người đàn ông mặc kiểu quý tộc, mũ ba góc cắm lông, áo choàng dài; các phụ nữ cũng mang vẻ quý tộc, đeo mạng che mặt, ngồi trên cành, hai hay ba người, một số đang thêu thùa, thỉnh thoảng nhìn xuống con lộ, bằng một động tác xoay nhẹ nửa thân trên và tựa cánh tay dọc theo cành cây như trên một khung cửa sổ.
Những người đàn ông buông ra các lời chào như chứa đầy niềm cảm thông cay đắng:
– Buenos días, Señor!
Cosimo cúi đầu, ngả mũ.
Một người có vẻ có thẩm quyền nhất trong họ, béo núc ních, lọt chặt giữa một chạng cây minh quyết, dường như không thể nhấc mình lên, nước da vàng bệnh gan, lộ rõ cái đốm đen nhẵn bóng của hàm râu đã cạo dù tuổi đã cao, xoay sang hỏi một người bên cạnh – hốc hác, cao lêu nghêu, trang phục đen, hai bên má cũng điểm đốm đen của một hàm râu đã cạo – kẻ lạ mặt đang chuyền trên rặng cây là ai.
Cosimo nghĩ, đã đến lúc mình nên tự giới thiệu.
Anh chuyền đến ngọn cây minh quyết của ông béo núc ních, cúi đầu chào:
– Xin tự giới thiệu, tôi là Nam tước Cosimo MưaGiông xứ Rondo.
- Rondos? Rondos? - Ông béo núc ních hỏi – ở Aragonés? ở Gallego?
– Thưa ngài không.
– Ở Catalán?
– Thưa ngài không. Tôi ở vùng này.
– Desterrado tambien?
Ông cao lêu nghêu cảm thấy mình có bổn phận phải lên tiếng thông dịch, một cách hết sức long trọng, nói:
– Hoàng thân Frederico Alonso Sanchez de Guatamurra xứ ỚtCay hỏi có phải Tướng quân cũng là một kẻ lưu vong, vì chúng tôi thấy ngài đeo bám giữa cành lá.
– Thưa ngài không. Hay ít ra, không phải lưu vong vì bất cứ chiếu chỉ nào của kẻ khác.
– Viaja usted sobre los árboles por gusto?
Và ông thông dịch:
– Hoàng thân Frederico Alonso sung sướng xin được hỏi có phải vì thú vui riêng mà Tướng quân đang thực hiện cuộc hành trình này.
Cosimo nghĩ một chút rồi trả lời:
– Tôi cho rằng, tôi thích hợp với công cuộc này, chứ không do ai áp đặt.
- Feliz usted! - Frederico Alonso Sanchez kêu lên, thở dài – Ay de mí, ay de mí!
Và ông áo đen, giải thích, mỗi lúc một long trọng hơn nữa:
– Hoàng thân rủ lòng bảo rằng Tướng quân quả là tốt phúc vì được hưởng sự tự do như thế, điều mà chúng tôi không thể không mủi lòng khi so sánh với sự gò bó của chúng tôi, dù rằng chúng tôi chịu đựng trong lúc trông vào ý Chúa.
Và ông ta làm dấu thánh giá.
Thế là, giữa những tiếng cảm thán ngắn gọn của vị Hoàng thân và bản dịch đầy tình tiết của ông vận đồ đen, Cosimo có thể dựng lại câu chuyện của cộng đồng kiều dân cư ngụ trên cây tiêu huyền. Họ là những nhà quý tộc Tây Ban Nha, nổi lên chống lại vua Carlos III vì những tương phản về vấn đề đặc quyền phong kiến, thất bại, họ bị đẩy đi lưu vong cùng với gia đình. Tới ÔLiuSà thì chuyến đi của họ bị đình trệ: thật vậy, lãnh thổ này, trên cơ sở của một hiệp ước xa xưa đã ký kết với Vua Tây Ban Nha, không thể nhận người tị nạn đến từ Tây Ban Nha, cũng như không thể để họ băng ngang. Tình trạng của các gia đình quý tộc này hết sức khó giải quyết. Song các quan viên ÔLiuSà, vừa không muốn làm phật ý các bộ tư pháp nước ngoài, lại vừa không có lý do gì để gây ác cảm với các gia đình lữ hành giàu có này, họ tiến tới một sự dàn xếp: bản hiệp ước ghi rõ từng câu từng chữ rằng, người lưu vong không được “chạm chân lên đất” của lãnh thổ, cho nên, chỉ cần họ ngụ trên cây thì họ hợp pháp. Thế là những người lưu vong leo lên cây tiêu huyền hoặc cây du bằng những cái thang do tòa thị chính cung cấp, và sau đó chúng được lấy đi. Họ đã đeo bám trên cây được vài tháng nay, phó niềm tin vào thời tiết ôn hòa, vào một sắc chỉ sắp ban của vua Carlos III, và vào sự phò hộ của Chúa. Họ mang theo một lượng đồng tiền vàng Tây Ban Nha, họ tìm mua thức ăn, và như thế góp phần vào sinh hoạt thương mại của thị trấn. Để kéo những đĩa thức ăn lên, họ cho gắn một số công cụ trục hàng. Ở một số ngọn cây thì có treo những tán che, và họ ngủ bên dưới. Tóm lại, họ biết cách xoay xở rất tốt, hay có thể nói, chính người dân ÔLiuSà đã trang bị tốt cho các gia đình quý tộc này, cũng vì những nguồn lợi đem lại cho họ. Những người lưu vong, phần mình, cả ngày không phải động đến một ngón tay.
Cosimo lần đầu tiên gặp những cư dân đồng loại ngụ trên cây, anh bắt đầu nêu lên những câu hỏi thực tiễn:
– Khi trời mưa thì các vị làm thế nào?
– Sacramos todo el tiempo, Señor!
Và thông dịch viên, linh mục Sulpicio xứ Guadalete, thuộc Hiệp hội dòng Tên, lưu vong từ khi Hiệp hội của ông bị cấm ở Tây Ban Nha:
– Được che chở dưới mái tán, chúng tôi hướng ý mình tới Chúa, đội ơn Ngài về chút sự hằng ngày dùng đủ!…
– Thế các vị có bao giờ đi săn không?
– Señor, algunas veces col el visco.
– Thỉnh thoảng người của chúng tôi trát một lớp keo lên cành để giải trí qua ngày.
Cosimo không bao giờ biết mệt trong việc khám phá ra cách họ giải quyết các vấn đề mà anh cũng đã phải đối phó.
– Và để giữ vệ sinh thì các vị làm thế nào?
– Para lavar? Hay lavanderas!
Hoàng thân Frederico nói, với một cái nhún vai.
– Chúng tôi giao đồ đạc cho các bồn giặt của thị trấn, linh mục Sulpicio thông dịch. Mỗi thứ Hai, để nói chính xác, chúng tôi thả giỏ đồ dơ xuống.
– Không, ý tôi muốn nói là để rửa ráy tắm rửa.
Hoàng thân Frederico làu nhàu nói và nhún vai, như thể đó chưa bao giờ là vấn đề đặt ra với mình.
Linh mục Sulpicio tin vào bổn phận phải thông dịch:
– Theo thiển ý của Hoàng thân, đây là những vấn đề riêng tư của mỗi người.
– Và, xin ngài thứ lỗi, quý ngài giải quyết nhu cầu đại tiểu tiện ở đâu?
– Ollas, Señor34.
Và linh mục Sulpicio, giọng luôn khiêm nhượng:
– Sự thực là chúng tôi dùng các bình vại nhỏ.
Cáo biệt Hoàng thân Frederico, Cosimo được linh mục Sulpicio hướng dẫn đi thăm một số thành viên của cộng đồng lưu vong, lần lượt tại các ngọn cây cư ngụ của họ. Tất cả các nhà quý tộc, tiểu quý tộc và các quý bà này, dù những điều kiện cư trú bất tiện không thể giải quyết, vẫn giữ một thái độ thông lệ và trịnh trọng. Một số người đàn ông, để ngồi kiểu cưỡi cành, đã sử dụng những yên ngựa, điều này khiến Cosimo rất thú vị, trải qua rất nhiều năm mà anh chưa bao giờ nghĩ đến cách thức này (cực kỳ tiện lợi nhờ hai cái bàn đạp của nó – anh nhận ra ngay tức khắc – tránh được sự mất thoải mái khi buông thõng hai chân ở hai bên, vốn chỉ sau một chốc là bị tê như kiến bò). Một số khác thì đang nhắm ống nhòm đi biển (một người trong họ mang chức đô đốc), có lẽ chỉ dùng vào việc nhìn nhau từ ngọn cây này sang ngọn cây kia, do tò mò tọc mạch. Các quý bà và quý cô tất cả đều đang ngồi trên một chiếc gối đệm, được chính họ thêu may (những người này là những người duy nhất, qua một cách thức nào đó, có làm việc), hoặc vuốt ve những chú mèo mập mạp. Về mèo, thì có một số lượng lớn trên các ngọn cây, chim cũng vậy, những con này thì ở trong lồng (có lẽ là nạn nhân của keo dính), trừ một số con bồ câu tự do, sà xuống đậu trên tay các bé gái, các cháu buồn bã vuốt ve chúng.
Trên những ngọn cây-phòng khách này, Cosimo được đón tiếp với một tinh thần hiếu khách trịnh trọng. Họ mời anh uống cà phê, rồi tức khắc bắt chuyện nói về các dinh thự họ để lại Siviglia, Granada, rồi nào là tài sản, vựa lúa, chuồng nuôi thú; và mời anh đến thăm khi họ được trở về nhận lại các chức tước của mình. Về nhà Vua, người đã trục xuất họ, họ đề cập qua một kiểu nhấn nhá vừa ác cảm cuồng nhiệt lại vừa kính trọng toàn tâm toàn ý; đôi lúc họ có khả năng tách biệt một cách chính xác nhân vật mà gia đình họ đang chống lại, và cái tước vị mà người ấy có thẩm quyền ban cho họ. Trái lại, có lúc, họ cố ý trộn lẫn hai cách nhận xét đối nghịch thành một động lực tinh thần duy nhất; và Cosimo, mỗi khi câu chuyện nhằm vào nhà Vua, không biết phải tỏ thái độ vào đâu.
Trong tất cả các động tác và câu chuyện của những người lưu vong này đều xốn xang một hơi hướm sầu muộn và tang tóc, đôi chút tương ứng với bản chất của họ, đôi chút là một sự quyết tâm tự nguyện như có lúc nảy ra cho kẻ đang chiến đấu cho một lý tưởng mà lòng tin chưa được xác định rõ ràng, và đang nỗ lực tạo ấn tượng trong thái độ.
Ở các cô gái – mà với Cosimo, qua cú liếc mắt đầu, tất cả như có phần quá rậm rạp lông tóc và quá ngăm đen màu da – có lượn là một gợi ý tràn trề sinh lực, luôn được kềm hãm đúng lúc. Hai trong các cô gái đang chơi cầu lông, từ cây tiêu huyền này sang cây tiêu huyền kia. Tích, tóc, tích, tóc, rồi một tiếng reo nhỏ: quả cầu lông đã bị rớt xuống lộ. Một chú nhóc BóngRâm nhặt lên, và để quăng lại lên cây, chú nhóc đòi hai đồng pesetas.
Trên một ngọn cây cuối, một cây du, có một cụ già, mọi người gọi cụ là El Conde: Cụ Bá tước, không đội tóc, quần áo xốc xếch. Linh mục Sulpicio, khi tới gần, thì hạ thấp giọng, Cosimo tự nhiên cũng hạ thấp giọng như vị linh mục. Cụ Bá tước thỉnh thoảng lấy tay gạt một cành cây, nhìn xuống sườn đồi, và vùng đồng bằng mảng xanh tươi mảng trơ trụi tít tắp phía xa.
Linh mục Sulpicio thì thầm vào tai Cosimo câu chuyện về cậu con trai của cụ bị giam và bị tra tấn trong các nhà ngục của vua Carlos. Cosimo hiểu ra rằng, trong lúc tất cả các nhà quý tộc kia đang làm kẻ lưu vong theo cách của họ, và lúc này lúc kia cứ hồi nhớ và lặp lại tại sao và vì sao họ đang ở đây, thì chỉ có cụ già này là đau khổ thực sự. Cái động tác vén cành như thể để thấy hiện ra một mảnh đất khác, cú nhìn vượt thoát từng chút, từng chút hơn nữa vào cái khoảng xa mênh mông gợn sóng như thể đang hy vọng rằng mình sẽ không bao giờ đụng phải chân trời, rằng mình có thể nhận ra một xứ sở dù có xa xôi cách mấy: đây chính là cái tín hiệu thực thụ đầu tiên của sự lưu vong mà Cosimo trông thấy. Và anh hiểu sự hiện diện của Cụ Bá tước là quan trọng đến mức nào đối với các nhà quý tộc ấy, nó như để gắn kết họ với nhau, mang lại cho họ một ý nghĩa. Chính cụ – người có lẽ nghèo nhất trong họ, và khi ở quê nhà, chắc chắn ít quyền thế hơn họ – đã nói với họ điều họ cần đau và điều họ nên hy vọng.
Trở lại chuyến viếng thăm, trên một cây tổng quán sủi Cosimo thấy có một cô bé anh chưa gặp. Với hai cú phóng anh đã chuyền tới đó.
Một cô gái có đôi mắt xanh phớt hồng, tuyệt đẹp, và làn da thơm mát. Tay đang xách một xô nước.
– Sao anh đã thấy hết mọi người mà lại không thấy em nhỉ?
– Em đi múc nước giếng.
Cô cười. Cái xô hơi bị nghiêng, nước trào ra. Anh giúp cô giữ lại thăng bằng.
– Vậy là em đã xuống cây?
– Không anh ạ! Có một cây anh đào cong queo ngả bóng tại cái giếng. Chúng em thả xô xuống từ trên đó. Anh đi cùng em nhé.
Hai người cùng chuyền trên một cành, vượt qua bức tường của một khoảng sân. Cô hướng dẫn anh băng qua đoạn cành anh đào. Bên dưới là cái giếng.
– Anh Nam tước, anh thấy chưa?
– Sao em biết anh là một Nam tước.
– Em biết hết, cô cười. Mấy đứa em của em đã báo cáo cho em ngay về chuyến thăm viếng.
– Hai cô chơi cầu lông phải không?
– Đúng vậy, Irena và Raimunda.
– Các cô con gái của Hoàng thân Frederico?
– Vâng…
– Thế còn tên em?
– Ursula.
– Em chuyền trên cây giỏi hơn mọi người khác ở đây đấy.
– Em leo trèo từ thuở bé: ở Granada sân nhà em có nhiều cây cao.
– Em có thể hái đóa hoa hồng kia không?
Trên đỉnh một ngọn cây, một đóa hồng nở đong đưa.
– Không, em rất tiếc.
– Tốt, vậy thì anh sẽ hái
Anh chuyền đi, và trở lại với đóa hoa.
Ursula mỉm cười, giơ tay đón nhận.
– Anh muốn tự tay anh cài cho em. Em bảo anh ở đâu nhé.
– Anh à, ở trên đầu, cám ơn anh.
Cô cầm tay anh hướng dẫn.
– Bây giờ, cho anh biết – Cosimo hỏi – em có thể chuyền tới cây hạnh kia không?
– Bằng cách nào đây? cô cười. Em không phải là một cô chim.
– Em chờ chút, Cosimo quăng một sợi dây. Nếu em để anh buộc em vào đầu dây này, anh sẽ kéo em lên đó.
– Không… không đâu… Em sợ.
Song cô cười.
– Đây là phương pháp của anh. Anh chuyền theo kiểu này từ nhiều năm nay, hoàn toàn thao tác một mình.
– Mèng ơi!
Anh kéo cô tới đó. Anh lên sau. Đó là một cây hạnh còn non và không lớn lắm. Hai người kề sát nhau. Ursula vẫn hổn hển thở, mặt đỏ bừng vì chuyến bay bổng đong đưa.
– Sợ không em?
– Không.
Song tim cô đang đập mạnh.
– Đóa hồng vẫn còn.
Anh nói và đưa tay sửa lại nụ hoa.
Thế là, áp sát bên nhau trên cây, mỗi động tác đều biến thành một vòng tay ôm.
– Ấy chết!
Cô kêu lên, rồi, anh chủ động, và, hai người ôm nhau hôn.
Tình yêu bắt đầu như thế, cậu thanh niên sung sướng và đê mê, cô con gái sung sướng, song không ngạc nhiên tí nào (với các cô gái không chuyện gì xảy ra tình cờ). Đó là tình yêu mà Cosimo hết đỗi mong chờ, mà bây giờ bất ngờ đã đến, đẹp đến mức làm sao mà người ta có thể tưởng tượng ra là nó đẹp đến thế nào trước đó. Về cái đẹp của cô con gái, điều tươi mới nhất, hãy tồn tại giản dị như thế, và cho cậu thanh niên, ở khoảnh khắc đó, có lẽ phải mãi mãi là thế.
Nam Tước Trên Cây Nam Tước Trên Cây - Italo Calvino Nam Tước Trên Cây