Tính cách không thể được hình thành trong yên bình. Chỉ có trải nghiệm mới hun đúc tâm hồn, làm rõ tầm nhìn, sản sinh ra tham vọng, và giúp đạt được thành tựu.

Helen Keller

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Tà Lão Hà
Upload bìa: Tà Lão Hà
Số chương: 30
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 850 / 49
Cập nhật: 2019-03-18 02:52:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 23: Thuận Nghĩa Lui Về Giữ Lũy Hoành Sơn Chiêu Vũ Bị Bỏ Rơi Đồn Khu Độc.
ại nói tướng bên Bắc là Phú quận công Trịnh Căn đóng đồn ở Vĩnh Doanh ngày đêm căm tức về việc tướng bờ nam là đốc chiến Chiêu Vũ đốc quân đánh bại quận Lan, quyết phải báo thù rửa hận. Quận Phú bèn lệnh cho thự vệ Triều Thạch ban đêm lén bắc cầu phao từ lũy Đồng Hôn qua bờ nam sông Lam, sai đô đốc quận Diệu đem một vạn quân bộ theo đường tắt bí mật vượt qua đồn Khu Độc tiến đánh quân Nam đóng ở lũy Ngang tại Kiệm Thạch, sai tham đốc Hằng quận công đem mười lăm chiến thuyền theo đường sông con từ Hoành cảng xã Lãng Khê tiến thẳng đến đánh úp vào phía sau đồn Khu Độc. Quân thủy bộ tương tiếp với nhau đánh ép vào để phân chia lực lượng của quân Chiêu Vũ. Như thế, quân Nam không thể chống cự được. Nếu bắt được Chiêu Vũ sẽ thừa thắng đuổi dài bắt luôn cả Thuận Nghĩa đem về kinh dâng nộp. Công ấy đáng kể là to nhất, tướng không được trễ biếng lỡ việc. Đích thân Trịnh Căn sẽ dẫn đại quân tiến theo tiếp ứng.
Nghe quận Phú cắt đặt xong mọi việc, hai tướng quận Diệu, quận Hằng tuân lệnh đem quân đi khỏi trại, nhắm phía nam mà tiến. Bỗng có quân do thám trở về cấp báo với đốc chiến Chiêu Vũ. Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong cười bảo:
- Bọn quận Diệu đáng coi là ngu xuẩn, không nhớ tới trận thua to ngày trước, dám đem quân đến đánh úp ta, tất sẽ bị ta bắt sống khiến cho quân Bắc hết dám nhìn thẳng vào quân ta!
Chiêu Vũ dứt lời bèn sai cai đội Vân Triều[504] đem một cánh quân đến lũy Ngang ở Kiệm Thạch mai phục hai bên đường núi. Nếu thấy quân Trịnh đến thì không vội đánh, cứ để cho quá nửa quân chúng đi qua. Bên Trịnh thấy không có người tất không chú ý đề phòng, đợi khi bọn chúng đã có ý uể oải mới tung quân đánh ra cắt làm hai đoạn. Quân Trịnh rối loạn đội ngũ tất phải tháo chạy. Chiêu Vũ dặn Vân Triều không đuổi theo, mà cho quân quay nhanh trở lại để phá trận quân thủy ở phía sau, tất sẽ được toàn thắng. Lại sai cai đội Triều Tô cùng bọn Tú Minh đem một đội quân đến đóng trên bờ cao ở Hoành cảng. Hễ thấy thủy quân bên Trịnh đến gần thì bắn đạn pháo liên thanh chặn đường, đợi quân của Vân Triều tiến đến, hai tướng thúc quân đánh úp vào thì quận Hằng, quận Diệu phải thua chạy.
Bọn Vân Triều, Triệu Tô tuân lệnh đem quân đi. Rồi đó đốc chiến Chiêu Vũ cho người phi báo để tiết chế Thuận Nghĩa biết.
[504] ĐNTLTB ghi về, trận này cho biết tì tướng của Chiêu Vũ đem quân đến mai phục ở rừng Thạch Hiệp (tức núi Kiệm Thạch, theo CNDC, đúng tên hơn) là Trương Văn Vân. Như vậy cai đội Vân Triều nói trong chiến dịch này là Trương Văn Vân (Triều Tô và Tú Minh, ĐNTLTB đều ghi: (không rõ họ).
Lại nói bên quân Trịnh, canh tư đêm ấy, quận Diệu đem quân tiến về phía lũy Kiệm Thạch. Gần đến lũy Ngang thấy hai bên đường đều là núi non rậm rạp, quận Diệu thột ý ngờ có phục binh, vội cho quân đi do thám trước. Quân do thám trở về báo là đã xem xét kĩ thấy hai bên đường đều không một bóng người ngựa. Bấy giờ quận Diệu mới thật yên lòng cho quân tiến vượt lên. Quân vừa mới đi được quá nửa dặm đường bỗng nghe từ trong núi tiếng súng nổ vang, tiếp đó quân Nguyễn reo hò rung chuyển trời đất xông ra chặn đánh. Quân Trịnh bị giết nhiều vô số. Lúc ấy quận Diệu mới biết tướng bên Nam là Vân Triều đã ém quân mai phục ở đây, đành phải cố sức tung quân ra chống cự. Nhưng đoàn quân kẹt vào hẻm núi, bị cắt làm hai đoạn, đầu đuôi không tiếp ứng được cho nhau. Chẳng bao lâu, phía đông trời đã rạng hồng, quận Diệu biết là không thắng nổi vội dẫn quân tiến về phía lũy Lũng Trâu.
Bấy giờ tướng giữ lũy bên quân Nam là cai cơ Hùng Uy[505] bị đánh bất ngờ vội dàn quân chống cự, nhưng thế không địch nổi đành bỏ lũy chạy về phía hạ đạo. Quận Diệu bèn xua quân chiếm lấy lũy Lũng Trâu. Tham đốc bên Trịnh là quận Hằng, thự vệ Hiển Dương chỉ huy thủy quân tiến đến Hoành cảng ở xã Lãng Khê. Đội thuyền của thự vệ Hiển Dương chỉ huy thủy quân tiến lên trước, bất ngờ bị quân của cai đội Triều Tô mai phục trên bờ nổ súng bắn xuống rất gắt. Chiếc thuyền của Hiển Dương vỡ tan làm ba mảnh. Thủy quân Trịnh rối loạn thua to, phải bỏ thuyền lên bờ chạy trốn về đồn cảng Phúc Châu, rồi sai lính về Vĩnh Doanh cấp báo với quận Phú.
[505] Tên tước của Trường Phúc Hùng.
Trịnh Căn nghe tin báo cả giận xuống lệnh dừng binh để bàn định kế sách tiến đánh. Rồi đó Trịnh Căn sai người ruổi ngựa về kinh đô bẩm trình lên Tây Định vương xin quân tiếp ứng, tính việc giành lại phần đất đã mất.
Đến trung tuần tháng mười, tiết chế Thuận Nghĩa từ khi thấy cai cơ Hùng Uy thua trận trong lòng rất lo buồn, thường sai người đi khắp các doanh trại để dò xét lòng quân. Thuộc hạ trở về mật báo với tiết chế Thuận Nghĩa:
- Các tướng sĩ mới về hàng và binh dân người Nghệ An xì xào bàn tán ước hẹn với nhau làm nội ứng quay về với quân Trịnh, ý định sẽ thừa cơ nổi dậy chống đánh như việc bọn Triệu Tuấn ở trạm Trần Kiều ngày xưa[506].
[506] Trần Kiều: tên dịch trạm (ở phía đông bắc huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam, TQ) nơi quân sĩ cuối đời Chu Cung Đế đi đánh Khiết Đan, khoác hoàng bào suy tôn Triệu Khuâng Dậu làm hoàng đế.
Thuận Nghĩa im lặng thầm nghĩ: "Lòng quân chán nản, lòng dân li tán thì tình thế cũng khó mà kiềm chế được." Rồi Thuận Nghĩa cho gọi các tướng đến dinh tiết chế họp bàn.
Tiết chế Thuận Nghĩa nói:
- Bọn chúng ta được hưởng ơn dầy của chúa, vâng mệnh đem quân đánh phạt họ Trịnh ở Đàng Ngoài, chỉ muốn khôi phục Trung đô, tiêu trừ nghịch đảng, dựng lại non sông. Ấy là ý nguyện bình sinh của bọn chúng ta. Nhưng nay thời thế có khác, ý dân lòng quân như thế, các ông tính xem thế nào?
Trấn thủ Đại Thắng[507] nói:
- Phép dùng binh đem quân đi đánh cõi ngoài cốt ở chỗ mau chóng, bất ngờ, đánh ở chỗ kẻ địch không phòng bị tất giành được thắng lợi vẹn toàn. Nếu do dự thì không xong việc. Xin tiết chế cấp tốc tra xét, nếu quả thấy trong quân có kẻ phản loạn thì phải xử trảm ngay bêu đầu thị chúng. Quân dân khiếp sợ thì pháp lệnh được tuân hành. Pháp lệnh được tuân hành thì chỉ cất quân một lần là giành được thắng lợi, có gì phải lo sợ đâu.
[507] Tức Tống Hữu Đại.
Tiên phong thủy quân Vân Long[508]tiếp lời:
- Đại Thắng tôn huynh bàn rất phải. Xin tiết chế cứ làm như vậy, rồi thủy bộ cùng tiến, chỉ một hồi trống là thu được thành công, rạng tỏ danh tiếng anh hùng đất Nam Việt, khiến cho bè đảng họ Trịnh hết dám coi thường quân ta.
[508] Tức Tôn Thất Tráng.
Bấy giờ đốc chiến Chiêu Vũ nghe bọn Vân Long nói thế nói:
- Hai tướng quân vừa nói đó chỉ là phép hành binh thôi chứ việc dụng binh thì điều cốt yếu trước hết là phải xét thiên thời. Nhưng thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa. Nhân tâm hòa thì làm xong việc lớn, đánh là thắng, giành là được. Người làm tướng cần phải biết năm điều: kẻ nhân không tham sát, kẻ nghĩa làm việc thuận lí, kẻ lễ lấy công chính xử mình, kẻ trí xét việc từ khi chưa thấy rõ, kẻ tín giữ nghiêm lệnh suốt bốn mùa. Giữ đúng được cả năm điều ấy thì thiên thời, địa lợi, nhân hòa tự nhiên đều có cả. Thời cổ, Thang, Vũ hành binh không giết mà ba quân theo về. Kiệt Trụ hành quân hiếu sát mà quân dân phản lại. Nay xét kĩ thì dầu có chém giết cũng không ích gì. Chi bằng ta hãy chia quân giữ vững đồn trại, lấy ơn mà cố kết lòng người, lấy tín mà chiêu vỗ gần xa, giúp nghèo cứu khổ, cấp lúa gạo cho dân đói có ăn, như thế thì chẳng mấy ngày dân chúng đều theo về. Dân chúng đã theo về thì họ sẽ đồng lòng dốc sức, chỉ cử sự một lần là xong việc lớn, không phải lo ngại gì.
Trấn thủ Đại Thắng nghe Chiêu Vũ nói tỏ ý bực tức, bèn nghiêm giọng đáp:
- Ông đốc chiến bảo thế nào là chém giết vô ích? Phàm kẻ làm tướng phải lấy việc sát phạt làm quyền. Kinh sách đã nói: "Binh bất trảm bất tề" (Quân không chém thì không thể làm cho đều nhau được). Làm tướng mà không chém là không dũng. Chém giết là để ra uy. Không có uy lực thì không cai trị được. Như thế sao lại nói chém giết là vô ích?
Tham mưu Cống Đầu[509] nói:
- Tiểu sinh xin có lời bàn như sau: Từ xưa các bận thánh vương cất quân điếu phạt, cốt lấy nhân nghĩa làm đầu mà còn lo dân chúng không tuân phục. Huống chi ngày nay quân ta đã đánh ra địa giới Đàng Ngoài, nếu không lấy nhân nghĩa để cố kết mà lại muốn chém giết thì cũng ví như muốn làm bụi cây mà lại xua đuổi chim sẻ, muốn làm việc nước mà lại xua đuổi cá tôm. Như thế thì làm sao mà thủ thắng được với thiên hạ? Vả lại, quân ta đông mười vạn, lương thực phải đài tải ở xa ngoài ngàn dặm. Thế mà chần chừ chậm trễ không lấy sự đánh nhanh làm thượng sách, khiến cho quân sĩ mỏi mệt. Mưu kế mới đã chẳng có thêm mà lòng mong đất nhớ quê lại không cùng một. Đó là điều tiểu sinh lấy làm lo lắng. Hiện nay lòng quân thay đổi mà thế địch thì còn vững, đánh nữa tất là khó khăn mà giữ cũng không phải dễ. Chi bằng hãy rút quân về, sẽ tính bước sau. Mong quý tướng xét kĩ.
[509] Tức Vũ Đình Phương, người giữ chức tham mưu trong quân doanh của tiết chế Thuận Nghĩa.
Tiết chế Thuận Nghĩa nghe các tướng bàn bạc mỗi người một ý khách nhau, bèn đứng dậy nói to rằng:
- Hai ông Đại Thắng, Vân Long nói rất hợp ý ta. Còn ý của hai ông đốc chiến và tham mưu theo binh pháp mà xét thì rất có lí, nhưng một tiến một thoái, quân đi ngàn dặm mệt mỏi, cơ hội chưa biết đến bao giờ mới có. Chi bằng phải quyết chiến một trận để rạng danh anh hùng. Các ông nên tận tâm gắng sức để quyết một phen thắng bại, chớ nên do dự nữa.
Các tướng ai nấy cáo từ trở về bản trại sẵn sàng đi lệnh.
Bấy giờ tiết chế Thuận Nghĩa nghe lời bàn của đốc chiến Chiêu Vũ lấy làm phật ý tức giận. Bề ngoài tuy nói đánh gấp, bên trong ngầm có ý muốn rút quân về, nhưng giấu kín không nói ra, ngày đêm băn khoăn nghĩ ngợi, giấc ngủ không yên.
Lại nói bên Trịnh, Phú quận công Trịnh Căn lấy làm hổ thẹn việc Chiêu Vũ bày mưu đánh bại quận Diệu, quận Hằn muốn báo thù lại. Một ngày trong tháng mười một, cho gọi các tướng đến hội họp bàn việc chia quân tiến đánh quânNam. Sai đô đốc Hào quận công Lê Thì Hiến làm tiên phong, tham đốc Chiến quận công làm tả hữu vệ trận, các tướng khác mỗi người chỉ huy một vạn quân, Trịnh Căn tự mình dẫn hai vạn quân làm hậu đội, quân thủy quân bộ tiếp liền với nhau. Đến ngày mười chín vào giờ Tý[510] các tướng theo hiệu lệnh dẫn quan thẳng tiến về phía đồn trại của quân chính đạo bên Nam ở Lũng Gió.
[510] Tức là lúc nửa đêm.
Bỗng có quân do thám về báo tin bên quân Nam tiết chế Thuận Nghĩa đã chia quân đón đánh. Quân hai bên giao chiến từ giờ Dần đến giờ Mùi[511], ước hơn hai trăm đợt chưa phân thắng bại. Chợt có cơn gió lốc cát bụi mù trời nổi lên từ phía đông bắc thổi về bên quân Nam ở phía tây. Thế là quân lính bên Nam không ng rõ hiệu lệnh, không nhìn thấy cờ hiệu bèn tan rã chạy trốn. Tiết chế Thuận Nghĩa ngăn cản không nổi, tự biết không thắng được, bèn bỏ lũy Lũng Gió rút quân về đóng ở lũy Dinh Việt để mưu tính bước sau.
[511] Từ sáng sớm đến hai giờ chiều.
Bấy giờ quận Phú Trịnh Căn đem quân vào chiếm lũy Lũng Gió. Các tướng Trịnh vào trong trướng chia ngôi thứ cùng ngồi, ai nấy đều tự báo dâng công. Trịnh Căn cả mừng bèn hậu thưởng cho các tướng và ủy lạo ba quân. Trịnh Căn sai đô đốc Diễn ở lại giữ lũy Lũng Gió rồi đem quân trở về Vĩnh Doanh để trù tính đánh trận khác.
Lại nói bên quân Nam, tiết chế Thuận Nghĩa từ khi mất lũy Lũng Gió càng thêm buồn giận bội phần, biếng ăn quên ngủ, thường một mình ngồi trong trướng nghĩ ngợi mưu kế đánh giặc. Lại nghe người tâm phúc mật báo rằng: Các tướng sĩ binh dân mới về hàng có kẻ đã chạy trốn về với quân Trịnh, có kẻ ngầm mưu làm nội ứng, lòng người xao xuyến lắm mối, xin tiết chế sớm tìm cách đối phó để rút khỏi phải lo sau. Thuận Nghĩa thấy vậy bèn quyết ý rút quân về Nam, chỉ lo mưu kế tiết lộ làm hỏng việc lớn.
Đến ngày hai mươi bảy tháng ấy[512], tiết chế Thuận Nghĩa truyền lệnh giả cho tướng các đạo sửa soạn đem quân đánh qua bờ bắc sông Lam một lần nữa để thừa cơ tiến thẳng ra lấy Trung đô. Thuận Nghĩa lại sai người về triều xin Hiền vương đem đại quân ra tiếp ứng. Rồi đó tiết chế Thuận Nghĩa gọi họp các tướng để cắt đặt việc hành quân: sai trấn thủ Thống Đức tiếp ứng cho trấn thủ Đại Thắng đem quân tiến thẳng đến Lũng Gió đánh vào phía sau quân quận Diễn, đánh thắng được thì đưa quân ra trước ở bờ nam sông Lam để cùng thủy quân vượt sông lớn đánh gấp vào Vĩnh Doanh, không cho quân địch kịp ngoái đầu. Sai tiết chế thủy quân Dương trí làm tiên phong. Cai cơ Vân Long đem chiến thuyền đến đóng ở cửa sông, hễ nghe tiếng súng hiệu thì cho thuyền cập bến chở quân của Đại Thắng và Thuận Đức qua sông sang bờ bắc. Lại truyền lệnh cho đốc chiến Chiêu Vũ tiếp ứng cho cai cơ Hùng Uy đem quân bản bộ cùng với quân ba đạo hợp làm một, hẹn đến khắc đầu canh ba ngày hai mươi tám người ngậm tăm, ngựa rọ mõm tiến đến đánh gấp phá lũy Lũng Trâu rồi nhanh chóng vượt sông ra đánh Vĩnh Doanh bắt sống quận Phú, thừa thắng tiến thẳng ra Trung đô. Các tướng tuân lệnh thi hành.
[512] Tức tháng mười một đã nói ở trên.
Lệnh truyền ra như thế, nhưng lại nói nhỏ dặn riêng các tướng sửa soạn hành trang khí giới để đến canh b ngày hôm ấy ai nấy tự dẫn quân rút về địa giới phía nam châu Bố Chính, các cánh quân hẹn gặp nhau ở lũy Hoành Sơn. Nghiêm lệnh không được tiết lộ kế hoạch hành quân để khỏi bị quân địch lợi dụng. Các tướng đều tiếp được mật báo, chỉ riêng không báo cho đốc chiến Chiêu Vũ biết việc rút quân về nam.
Các tướng nghe truyền mật lệnh đã xong, chợt có quân thám báo từ Vĩnh Doanh trở về báo rằng: Trịnh Căn nghe tin quân Nam lại sắp đánh sang, cả giận nói: "Bọn Thuận Nghĩa không ghi nhớ trận thua hôm trước, nay còn dám đem quân đến khinh nhờn ta chăng? Nếu bọn chúng đến đây, ta thề phải bắt gọn hết." Nói đoạn quận Phú sai quân dàn trận đợi sẵn.
Đến giờ Dậu (chập tối) ngày hai mươi tám tháng mười một quân Nam bỏ không đồn trại nhưng vẫn có hiệu lệnh tù và và trống cầm canh như cũ để làm kế nghi binh. Rồi đó cho các đạo quân thủy bộ đều bí mật lên đường trở về châu Bố Chính. Chợt có bầy ong rừng tỏa ra kín đất mù trời, bay xả vào giữa hàng quân mà đốt cắn. Quân Nam rối loạn bưng đầu bịt tai mà chạy không dám ngoảnh lại. Các binh lính người Nghệ An nhân khi lộn xộn kêu nhau tìm đường lẩn trốn. Có kẻ mang cả khí giới chạy về nhà, cũng có người đem nộp đao kiếm xin về quê hương bản quán. Các hàng quân vợi đi đến quá nửa, các viên suất đội không thể nào ngăn cản được. Kẻ nào không tuân lệnh bị bắt chém đầu ngay, thây chất đầy đường, tiếng gào la thảm thiết không ngớt.
Chỉ thấy:
Cuốn cờ im trống, người người chán nản rã rời;
Kéo giáo lê qua, ai nấy mong về quê quán.
Vù vù ong rừng bay đến, đuôi vàng đầu xám đầy trời.
Nọc độc đốt bừa, cánh dài lưng eo rợp đất.
Kẻ bị đốt hoặc choáng người đau điếng, hoặc kêu la tựa móng sắc hổ vồ.
Trùm áo trận, người người lánh trốn; vắt chân cao ai nấy chuồn nhanh.
Mới hay thiên ý rõ ràng, chớ bảo sức người ngăn được.
Thời chăng?
Cơ chăng?
Đều do vận cả.
Bấy giờ bên quân Bắc, Phú quận công Trịnh Căn chia binh dàn trận đợi sẵn, nhưng mãi đến canh ba vẫn không thấy bên quân Nam có động tĩnh gì. Chợt có quân thám mã trở về báo tin các tướng bên Nam đã dẫn quân đi đâu không rõ, đồn trại đều bỏ không, chỉ có đốc chiến Chiêu Vũ vẫn đóng quân ở đồn Khu Độc, không hiểu là có ý gì.
Trịnh Căn nói:
- Đấy là quân Nam đó. Đến nay quân ta hãy tạm im để khỏi mắc mưu bọn chúng.
Sáng hôm sau Trịnh Căn truyền lệnh cho các tướng đem quân qua sông, chỉ tiến từ từ không được vội quá, ai trái lệnh xử trảm!
Các tướng tuân lệnh đưa quân vượt sang bờ nam sông Lam. Quân lính được chỉ tiến thong thả, đến gần trước trại địch thì dừng chân nghe ngóng, không được khinh xuất tiến vào vì nghi ngờ bên Nam có đặt phục binh.
Lại nói chuyện bên quân Nam, đốc chiến Chiêu Vũ theo lệnh của tiết chế Thuận Nghĩa trở về bản doanh chỉnh điểm người ngựa chiến thuyền, đến đầu canh một cho quân thổi cơm ăn để canh ba nghe hiệu lệnh thì tiến phát. Truyền lệnh đâu đó xong xuôi, Chiêu Vũ khoác áo trận ngồi trong trướng chờ đợi. Chợt nghe trống tuận đã điểm canh ba mà hiệu lệnh của đại quân thì không thấy động tĩnh, Chiêu Vũ chột dạ lấy làm ngờ, vội sai thám mã đi nghe ngóng tin tức. Quân thám mã trở về báo tin rằng tiết chế Thuận Nghĩa cùng các tướng chỉ huy các đạo thủy bộ từ chập tối hôm qua đã dẫn quân về Namrồi. Hiện giờ quân Trịnh đang tiến qua bờ nam sông Lam, cờ xí ùn ùn che kín mặt đất, quận Phú cho quân chiếm lại các nơi, phóng hỏa thiêu trụi doanh trại cũ của quân Nguyễn rồi chia quân đóng cụm san sát nhau xung quanh đồn. Tình thế hiện nay quân địch rất đông, quân ta thì ít, chưa biết chống cự ra sao.
Đốc chiến Chiêu Vũ nghe xong liền rảo bước ra sân quan sát bốn phía, thấy lửa cháy sáng rực như ban ngày, khói tro bốc cao mù mịt. Chiêu Vũ ngửa mặt nhìn trời mà than rằng:
- Chiêu Vũ tôi thờ chúa Nguyễn chỉ biết lấy trung nghĩa, hòa ái làm đầu, đồng tâm hiệp lực cùng các tướng, khó khăn cùng chia, ngọt bùi cùng hưởng. Ngờ đâu lại sinh ra sự bất hòa[513], anh em mưu hại lẫn nhau. Nếu muốn rút quân về thì cứ nói thật, hẹn ngày cùng đem quân lên đường. Cớ sao lại để Chiêu Vũ tôi trên nhờ hoàng thiên che chở, dưới đội ơn các bậc tiên chúa phù trì, kính xin chư vị thần linh bảo hộ cho muôn sự vẹn toàn để được thấy lại điện của Nguyễn vương. - Nói đoạn chắp tay hướng lên cao không mà lạy.
[513] Bất hòa giữa hai tướng Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Hữu Dật chỉ huy quân Nguyễn trong chiến dịch đánh ra phía Nam Nghệ An năm 1660 là sự việc có thật mà các sách sử quan phương của nhà Nguyễn ít nhiều đều có ghi.
Rồi đó Chiêu Vũ bảo quân sĩ:
- Ta cùng các ngươi được hưởng ơn lớn của triều đình, đội hồng phúc của chúa Nguyễn, đồng tâm khôi phục giang sơn, hơn sáu năm nay đã giành được bảy, tám châu huyện của Nghệ An. Chí hướng của bọn ta là muốn thừa thắng cuốn chiếu đuổi dài tiến ra thu phục kinh đô Thăng Long, ngõ hầu vẻ vang cho đất tổ, cùng nhau chung hưởng thái bình. Không ngờ các tướng có lòng ghen ghét ta, bỏ ta mà rút về trước. Thật đáng tiếc để mất cơ hội, biết đến bao giờ mới có dịp tốt như ngày nay? Ta cùng các người đều tận tâm hết sức, tình nghĩa ví như cha con, anh em, thế cùng sống chết giúp giùm lẫn nhau, quyết một trận sống mái với quận Trịnh để đền đáp ân sủng của chúa thượng. Nếu lực yếu không chống cự nổi, ta thề chết ở chốn chiến trường để được hưởng lễ vật tế thờ chứ không lo riêng cho thân mình!
Các tướng nghe Chiêu Vũ nói, ai nấy đều cảm động ứa lệ nói rằng:
- Minh công đã quyết không tiếc sinh mệnh khôn sánh ngàn vàng để báo đền ơn nước thì bọn thuộc hạ chúng tôi là hạng cỏ cây cát bụi, đâu dám tiếc thân mình! Xin được cùng minh công một phen quyết chiến với quân giặc, nào có phải lo sợ gì!
Mọi người nghiến răng thề tử chiến. Đốc chiến Chiêu Vũ cả mừng, bèn truyền phát mệnh lệnh sai các tướng cầm quân đánh địch. Các tướng tâm phúc là Vân Long, Tú Minh quỳ xuống thưa:
- Bọn chúng tôi đầu óc ngu xuẩn, dám xin thô thiển trình lên minh công xét rằng: bọn chúng tôi thường nghe binh pháp nói: "Bảo toàn được nước là tốt nhất, làm tan nước thì kém hơn, bảo toàn được quân là tốt nhất, làm tan quân thì kém hơn. Trước nay chúa thượng trọng dụng minh công, tin yêu như tâm phúc, dựa cậy như rường cột, ngày đêm không quên... cùng minh công suốt đời gắn bó để đồng tâm hiệp lực dẹp trừ gian tặc, khai sáng trời Nam, cứu vớt sinh dân trăm họ, quét sạch tiếm ngụy ở Đàng Ngoài, cùng lưu danh sử sách, để tiếng thơm muôn đời. Ấy là đức độ của bậc thánh quân, trung thần. Nay minh công quyết chia binh tử chiến thì không được ích gì với quốc gia. Làm như thế trên thì phụ ơn của chúa thượng, dưới quên đức tổ tông, không phải là chí khí của bậc anh hùng hào kiệt... Huống chi người xưa từng nói: Bậc danh tướng giỏi dùng thao lược, mưu trí điều khiển để giúp vua, chứ không phải thờ vua bằng cách hủy quân hại mình. Mong minh công xét kĩ, nên sớm rút quân về, cùng các tướng hội ngộ để khỏi lời khen chê của người đời sau."
Đốc chiến Chiêu Vũ thầm nghĩ lời nói của bọn Vân Long cũng có lí lẽ, bèn truyền lệnh cho quân sĩ cứ ở trong doanh trại vui vẻ ca hát, gõ trống gảy đàn. Một mặt truyền mật lệnh sửa soạn rút quân.
Bấy giờ bên quân Bắc, quận Phú Trịnh Căn đã chia quân bao vây xung quanh đồn Khu Độc. Nhưng dò xét chỉ nghe từ các trại quân trong đồn vang tiếng trống đàn ca hát. Trịnh Căn ngờ rằng Chiêu Vũ lại có mưu kế gì nên không dám khua quân tiến vào.
Thế là Chiêu Vũ liền cho quân bỏ đồn Khu Độc bí mật rút ra ngoài nhằm hướng Đèo Ngang đi gấp. Trịnh Căn dò biết sự thực, vội thúc quân đuổi theo. Nhưng quân Trịnh sợ gặp phục binh chỉ tiến từ từ không dám đuổi gấp.
Quân Chiêu Vũ đi qua cánh đồng xã Bạt Trạc đến xã Nga Khê[514]. Dọc đường hàng tướng là cai đội Lễ Toàn và cai đội Hiển Trung đoạt lấy khí giới đem gia thuộc chạy về quê nhà. Đốc chiến Chiêu Vũ sai tì tướng Vân Triều đem quân đuổi theo bắt lại được, nhân tiện cũng đón luôn những tên quân ốm yếu và cha mẹ vợ con binh lính đi theo cánh quân thượng đạo bị rớt lại dọc đường.
[514] Nga Khê: tên xã thuộc huyện Thiên Lộc (nay là Can Lộc) tỉnh Nghệ Tĩnh.
Đến ngày hai mươi chín, Chiêu Vũ đem quân về đến lũy Hoành Sơn cùng gặp gỡ các tướng. Tiết chế Thuận Nghĩa thấy Chiêu Vũ đem quân trở về toàn vẹn, thầm nghĩ bữa trước trót nghe lời của mấy viên thuộc tướng, nhất thời rút quân về không báo tin cho Chiêu Vũ, tự xét là mất thể thống của tiết chế, cho nên nét mặt có vẻ hổ thẹn.
Thuận Nghĩa gượng gạo nói với Chiêu Vũ:
- Các tướng có dừng lại chờ đợi khá lâu. Sao đốc chiến về muộn thế?
Chiêu Vũ giả tảng không đáp, quay sang kể cho các tướng nghe những chuyện đoàn quân của mình vượt nguy ra hiểm gian nan thế nào. Rồi đó các tướng chia quân giữ lũy đóng trại nghỉ ngơi.
Lại nói bên quân Bắc, Trịnh Căn đem đại binh ngày đem vượt đường đuổi gấp đến trước lũy Hoành Sơn. Quân hai bên gặp nhau đánh lớn một trận, từ xế chiều đến chập tối súng nổ vang không ngớt, tên đạn bay đan chéo khắp trời. Bên Trịnh hao binh tổn tướng không thắng nổi, Trịnh Căn phải hạ lệnh lui quân ra xa ngoài hai mươi dặm đóng trại nghỉ ngơi để tính bước sau. Nhưng thấy bên Nam quân lính đánh giữ rất hăng mạnh nên quân Trịnh không dám tiến gần. Cả đôi bên chỉ dương binh hư trương thanh thế.
Tiết chế Thuận Nghĩa thấy đại binh quân Trịnh rất đông, đến canh ba đêm ấy bèn truyền mật lệnh cho tướng chỉ huy các đạo dẫn quân lui về lũy Nhật Lệ ở phía nam hạ trại nghỉ ngơi, chỉ để đốc chiến Chiêu Vũ, cai cơ Hùng Uy cầm quân ở lại giữ lũy Hoành Sơn chặn đường không để quân Trịnh đuổi theo.
Đốc chiến Chiêu Vũ bèn sai cai cơ Hùng Uy đem một đội quân dàn trận ở Bình Lâm xã Phù Lộ[515] để làm thế nghi binh, đợi hiệu lệnh. Nếu thấy có hiệu lửa nổi lên ở Cửa Ròn thì mau chóng rút quân về Đò Phố giữ núi Lệ Đệ để ngăn chặn quân Trịnh vượt qua địa giới. Lại lệnh cho đội trưởng Tài Minh, cùng bộ thuộc là Tú Minh đem quân đến Cửa Ròn phóng hỏa đốt đồn trại, nhà kho để làm hiệu, cùng lúc phá luôn cầu Ròn rồi đưa quân về đợi ở xã Thanh Hà.
Bọn cai cơ Hùng Uy tuân lệnh, đem quân đi ngay. Đốc chiến Chiêu Vũ tự đem quân đến đóng ở xã Đại Đan. Thấy bên mình ít quân, Chiêu Vũ lập kế sai quân chặt cây để nguyên cả cành lá mỗi người kéo hai cây mà đi đi lại lại ở trong rừng khiến cho bụi bay mù mịt. Lại sai quân trèo lên treo cờ trên cây cao. Cờ hứng gió bay phần phật khắp nơi khiến cho quân Trịnh từ xa trông thấy tưởng là cả đội quân trăm vạn, khi thì xuất hiện ở phía đông lại biến khuất ở phía tây, hoặc thấy quân đi về phía nam mà đột nhiên lại ruổi gấp về phía bắc, như có viện binh rầm rập kéo đến, ấy là phép thần cơ biến hóa khôn lường.
[515] Bản sao chép là: "tại Phù Lưu Bình Lâm". Bình Lâm chưa rõ là tên thôn hay là tên cánh rừng. Phù Lưu là tên xã thuộc huyên Can Lộc (Nghệ Tĩnh) quá xa với địa bàn cần nghi binh, ngờ bản sao chép nhầm từ chữ "Phù Lộ" là tên xã ở gần bờ bắc sông Gianh, nơi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã đến đóng doanh năm 1656.
Bỗng có quân do thám bên Trịnh về phi báo với Phú quận công Trịnh Căn rằng:
- Quân Nam hiện còn chiếm giữ xã Đại Đan.
Trịnh Căn hỏi:
- Quân của tướng nào? Binh mã bao nhiêu?
Quân thám mã thưa:
- Số quân không nhiều, chưa rõ ai là chỉ huy.
Trịnh Căn bèn sai quận Dĩnh đem năm nghìn quân tiến thẳng đến xã Đại Đan bắt cho được Nam tướng đem về, không để tên quân nào chạy thoát, ai có công sẽ được trọng thưởng.
Quận Dĩnh vâng lệnh đem quân thẳng tiến đến xã Đại Đan dàn trận đánh gấp, ý muốn bắt sống ngay Namtướng để rạng mặt anh hùng. Bỗng có tiêu binh cưỡi ngựa về báo: "Tướng bên Nam cầm quân đóng ở xã Đại Đan là đốc chiến Chiêu Vũ." Quân Bắc nghe tin đều lo lắng sợ hãi. Quận Dĩnh ngẩng đầu nhìn về phía xa thấy trong rừng đất bụi cuống tung mù mịt khắp nơi, ngờ có phục binh ẩn nấp, không rõ số quan nhiều ít thế nào. Đang lúc ấy bỗng thấy về phía Cửa Ròn lửa cháy ngùn ngụt, khói bốc lưng trời. Quận Dĩnh cả kinh, luống cuống hô quân tháo chạy. Quân Bắc ai nấy tìm nơi trốn tránh.
Bấy giờ đốc chiến Chiêu Vũ thấy vậy vỗ tay cả cười mà nói:
- Ta mới chỉ tạm thi hành một mưu kế nhỏ để đánh lừa quân giặc đó thôi! Quận Dĩnh nhất thời hoảng hốt, chưa đánh đã chạy trước, quân lính xéo đạp lên nhau mà chết rất nhiều. Ấy là trời giúp quân ta giết giặc vậy.
Thấy hiệu lửa đã phát ở Cửa Ròn, Chiêu Vũ bèn lệnh cho cai cơ Hùng Uy rút quân lui về. Chiêu Vũ một mặt truyền quân sĩ bắn chặn để khống chế không cho quân địch đuổi theo, một mặt đốc thúc quân lính của bản doanh lui về đóng ở xã Hỉ Duyệt châu Bố Chính bên bờ nam sông Gianh.
Khi tướng cầm quân các đạo đã gặp nhau, kiểm duyệt binh mã rồi sai người về triều báo tin việc rút quân. Hiền vương bèn sai phái viên ở ti tướng thần là Tú Lâm đem tiền bạc, vải lụa đến các đạo quân ban cho các tướng để đền đáp công lao và khen thưởng ba quân tướng sĩ. Rồi đó Tú Lâm truyền đạt lệnh chỉ của Hiền vương: "Chúa thượng gửi lời chào các ông, bảo rằng chúa tôi gặp gỡ, trên dưới đồng lòng, ai cũng muốn cất quân một lần thu được thành công trọn vẹn. Nhưng ngặt vì thời cơ chưa đến, ta nên nuôi dưỡng quân sĩ, hun đúc nhuệ khí, rèn tập cho thật tinh thông. Nay dù sự việc đã như thế cũng chớ nên ngả lòng."
Tiết chế Thuận Nghĩa và các tướng cùng vái vọng tạ ơn, vâng lĩnh chỉ dụ. Rồi các tướng trở về bản doanh chiêu tập binh mã, sửa soạn quân nhu để mưu đồ lần sau cử sự. Người đương thời có thơ rằng:
Anh hùng trời trao mệnh
Trí giỏi lại thông minh
Đức dầy yên bờ cõi
Tài cao quân giặc lánh
Mưu lược biết thế vận
Ơn trị thấu dân tình
Mây lạnh trời lại sáng
Nghìn thu hưởng thái bình.
Ngđời sau lại có thơ vịnh đốc chiến Chiêu Vũ:
Với kẻ bo bo vốn chẳng đồng,
Dùi mài thao lược rất tinh thông.
Thờ vua khai sáng cơ đồ lớn,
Giữ phận xông pha lập chiến công.
Quân tử có người chê Thuận Nghĩa,
Tiểu nhân đâu dám mắng Vân Long.
Sáu năm đánh trận công phu bấy,
Còn giấc Nam kha để hận lòng!
Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí - Nguyễn Khoa Chiêm Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí