People have a hard time letting go of their suffering. Out of a fear of the unknown, they prefer suffering that is familiar.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 22 -
ồi, trên đường quay về khoang bếp, tôi gặp Ray Duer đang lững thững đi tới. Cuối cùng, sau hàng tháng trời, chúng tôi lại giáp mặt nhau. Anh đã cạo râu và rửa ráy, trông anh lại như ngày nào, trừ đôi ủng chăn bò của anh - nhìn chung vẫn là Ray Duer mà tôi đã biết trong vài giờ ngắn ngủi, đã yêu, đã thổn thức vì tình, vẫn là người tôi đã dâng trọn trái tim của mình, chỉ để được ném trả thẳng vào mặt.
Anh sững lại.
Tôi sững lại và mọi bộ phận trong người tôi cũng như ngừng hoạt động.
Anh chào điềm đạm: "Chào Carol".
"Chào ông".
Khi không mang cặp kính gọng sừng, mắt anh đẹp vô cùng, nhưng cũng lạnh lùng đầy vẻ dò xét, tựa như anh tò mò nhìn tôi chỉ vì mục đích nghiên cứu khoa học, tựa như muốn biết các bộ phận trong người tôi hoạt động ra sao. Anh nói: "Anh muốn nói chuyện với em. Em ngồi đây một lát thôi, được không?"
"Thưa ông rất tiếc, chúng tôi đang gặp trục trặc trong hệ thống điện ở khoang..."
Khi nói điều đó, tôi nghèn nghẹn ở cổ và cảm thấy ngượng với mình. Sao tôi cứ phải cự tuyệt anh mãi - như kiểu một cô gái hư hỏng? Tôi vẫn chưa thành người, vẫn chưa lớn lên được lấy vài phân trong suốt hàng ngàn năm cô đơn ư?
Anh cười hồ hởi, cứ như trên cơ sở các dữ liệu khoa học thu thập được cho thấy nhận định của anh là chính xác thì lại là sự né tránh, lại bắt đầu với câu thật dễ thương: "Tiếc quá thưa ông" như trước. Anh bảo: "Chẳng có gì đâu. Anh chỉ muốn nói với em là tối qua anh đã quyết định không đi chuyến này". Anh lại cười: "Song Luke Lucas lại nghĩ khác. Anh không trách ông ấy, chung quy là tại anh cả, thế thôi".
"Ray..."
"Đừng lo. Anh sẽ không làm phiền em nữa".
"Em rất mừng..."
Anh nói cộc lốc: "Anh nghĩ em sẽ thấy mừng" và bắt đầu lách người qua chỗ tôi.
Tôi nói, cố giữ giọng thật nhỏ: "Sao anh không để em nói nốt? Em mừng là Luke đã nghĩ khác. Em mừng vì anh có mặt ở đây. Khi em nói mừng là có ý như vậy".
Anh quay lại, có vẻ tức giận như thể tôi đã giễu cợt anh, song anh không thể không thấy sự thật. Chúng tôi nhìn nhau, thế giới như ngừng hoạt động. Anh nói: "Carol!" nhưng tôi phải tạm rời anh. Tôi đã nói rõ lòng tôi, tôi không thể nói gì thêm trước mặt mọi người mà lại không oà lên khóc một cách lộ liễu được. Vả lại cũng cần để anh giữ kín trong một giờ tới, khi máy bay đang bay với tốc độ của âm thanh về phía bờ biển nước Pháp. Ở đó, chúng tôi chỉ có hai người với nhau và có thể nói với nhau hàng giờ mà không sợ bị cái đám chăn nuôi bò kia dỏng tai lên nghe lỏm.
Kay vẫn đang chuẩn bị đồ uống. Cô ta không nhìn tôi, không nhận thấy giọng nói của tôi đã thay đổi - giá là Alma chắc đã nhận thấy ngay điều đó. Và đột nhiên khi đứng đó, nhìn cô ta mải mê làm việc, hình ảnh cô bạn Donna của tôi lại hiện lên trong đầu, và ai đó như Thompson mà cũng không chắc là Thompson bảo: "Lạy Chúa, rất mừng cô ta không có mặt ở đây". Thật đúng là bội bạc. Đã bao lần trên các chuyến bay tới New Orleans, Washington và New York tôi đã nghĩ: Ôi, giá như có Donna cùng đi trên chuyến bay này, hai đứa sẽ tha hồ mà chạy nhảy. Ôi Donna, cô bạn tốt. Một cô gái dễ thương là thế. Xinh đẹp, vui nhộn và hồn nhiên là vậy. Tôi nhớ nó như nhớ cánh tay trái của mình.
Song không phải hôm nay, không phải trên chuyến bay này. Tôi sẽ không thể chịu được cảnh nó õng ẹo lượn lờ quanh đám 70 người to khoẻ vạm vỡ này, cho dù một phút cũng không chịu đuợc. Tôi tự bảo: "Dẹp đi, Thompson. Rồi cô đến nhà thờ mà xưng tội". Song quả thật đây là lần đầu tiên tôi không hề thấy nhớ nó, không hề thích thấy có nó ở đây, lúc này, vui vẻ, tươi trẻ, hồn nhiên và nghịch ngợm. Đây là lúc cần có Kay Taylor và Janyce Hinds người cùng một mẫu; và Mary Ruth Jurgens, người mà giá có Nữ hoàng Anh đi trên chuyến bay cũng chẳng buồn để mắt nhìn.
"Cậu đang mơ màng cái quái gì thế, Carol?", Kay hỏi. Đừng đứng đực ra đấy, mang đồ uống đến cho khách đi chứ".
"Ôi, đầu óc tớ để đâu ấy".
"Nào, tỉnh lại đi. Bác sĩ Duer ra sao rồi?"
"Ông ta vẫn khỏe".
"Hỏi xem ông ta có uống cà-phê không. Có lẽ ông ta cần đấy. Và đừng có lề mề. 3h rồi, chúng ta sắp phải phục vụ đồ ăn nhẹ đấy".
Tôi bưng hai khay ra khỏi khoang bếp. Lô ghế đầu lại ầm ĩ, giọng Luke lại càng át hết cả người khác và tôi tự hỏi không biết đã đến lúc Jurgy nên đến gặp ông ta và dịu dàng, dễ thương nói với ông yên lặng một chút chưa. Tôi đoán nó cảm thấy không nên can thiệp khi ông đang vui vẻ với đám bạn bè, làm thế có thể ông bị mất mặt. Song một cuộc viếng thăm xã giao đâu có sao. Ông ta quả thật quá to mồm.
Tôi không dám đến gần Ray trước khi đem đồ uống cho tất cả mọi người. Tôi không tự kìm mình được, người tôi lại run lên. Anh chăm chú nhìn khi tôi đến gần.
Tôi hỏi: "Ông có dùng cà-phê không ạ?"
Anh không trả lời. Anh nhìn tôi ngờ vực. Tôi không trách anh. Đó đâu phải là câu để hỏi người mà bạn yêu.
Tôi nói: "Xin ông hiểu cho. Cô Duprez chỉ thị chúng tôi phải hết sức trịnh trọng trong suốt chuyến bay này. Tôi không được phép cởi bỏ áo khoác nữa. Ông có dùng cà-phê không, thưa ông?"
"Đừng gọi tôi là ông".
"Đâu được, thưa ông".
"Hãy trả lời thẳng câu anh hỏi nhé. Em có vui lòng ăn chiều với anh khi tới Paris không?"
"Em rất vui lòng, thật đấy. Nhưng em nghĩ đến Paris chắc là quá muộn. Giờ của Pháp khác giờ bên ta, anh nhớ chứ?"
Mắt anh vẫn có vẻ canh chừng: "Vậy thì bữa tối vậy".
"Vâng", tôi đáp. "Không gì làm em sung sướng hơn".
"Ở nhà hàng Maxim", anh bảo, và trước khi tôi kịp trả lời anh, trong khoang có chuyện lộn xộn.
*
Vẫn lại là Luke. Ông ta thật sự phát khùng. Đôi mắt màu xanh nhạt của ông như lồi ra sau cặp kính gọng vàng. Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt. Ông ta luôn mồm hò hét, chửi rủa, một tay vẫn ôm khư khư bình rượu, tay kia lôi xềnh xệch một người. Đó là Barney ngồi chơi bài ngay cạnh Luke, một người to lớn hiền lành mà tôi ít để ý đến. Luke túm cổ áo ông ta mà lôi, nên con quỷ đáng thương đó chẳng làm gì được. Những ngón tay xương xẩu của Luke chẹt ngang cổ họng làm ông ta ngạt thở. Rõ ràng Barney hoàn toàn không thể gỡ ra được.
Mọi người nhốn nháo. Luke gầm lên, còn Barney thở dốc, chân tay chới với ở phía sau. Tôi hét to: "Xin các công dừng lại và ngồi xuống đi", rồi nói vội với Ray: "Anh cứ ở yên đây". Sau đó tôi chạy lại chỗ Luke.
Tôi bảo: "Luke, dừng lại".
Ông ta đã hoá rồ. Ông hình như không nhìn thấy tôi.
Tôi cố kéo tay ông khỏi cổ họng Barney.
Giọng ông khản đặc: "Tránh ra, cô bé. Cái thằng chó đẻ hôi thối này dám nói xấu Mary Ruth của tôi. Hắn sẽ phải xin lỗi cô ấy, phải liếm giày của cô ấy, nếu không tôi sẽ giết hắn".
Thật đáng sợ, vì người ta chỉ ăn nói kiểu này trong các phim vô tuyến thời xưa, chứ trong đời thực thì hầu như không có. Thế nhưng đây đang là đời thực, trên chiếc máy bay phản lực chở khách bay với tốc độ hơn sáu trăm dặm một giờ, ở độ cao cách mặt đất 30 000 fut. Có Chúa mới biết cái anh chàng Barney này là ai, ở đâu đến, và rất có thể anh ta đã nói xấu Mary Ruth - ở cái lô ghế đầu này có thể xảy ra bất cứ chuyện gì, mà đám đàn ông đã mụ người đi vì rượu. Chỉ có điều, anh ta dễ dàng chết vì chuyện đó.
Tôi bắt đầu hét ầm lên vì chuyện khủng khiếp quá, nhưng ông ta không nghe, không thấy tôi, vẫn cứ xăm xăm bước tới tựa như không có tôi, mồm gầm gừ, đầu lắc lắc cho mồ hôi khỏi vào mắt, tay vung bình rượu làm gậy mở đường. Rồi tôi nhận ra Ray đã ở ngay sau tôi và tôi vội hét: "Ray! đừng. Đừng dính vào chuyện này". Nhưng cũng ngay lúc ấy tôi thấy Frank Hoffer đang chạy lại phía chúng tôi, theo sau là Kay Taylor. Chắc nghe thấy tiếng huyên náo, cô ta lao ngay vào buồng lái. Lạy Chúa, cô ta đã không để phí một giây.
Frank quát: Lucas! Này Lucas!".
Luke đứng phắt lại, mắt nheo nheo. Ông ta kéo mạnh Barney, đẩy anh ta xa khỏi tầm tay của Frank. Lúc này ông ta càng phát khùng lên, gân guốc nổi cuồn cuộn.
"Có chuyện gì thế hả?", Frank hỏi. Ông ta sấn vào, đưa mắt nhìn Barney một lát: "Lạy Chúa, ông định giết ông ta hay sao? Buông ông ta ra, đồ ngốc".
"Ông cơ trưởng, về chỗ lái máy bay đi".
Frank gọi: "Ray", và Ray len lên phía trước tôi.
Luke từ từ quay đầu sang hai phía mắt nhìn hai người. Trông ông ta như một con khủng long già, to cao lừng lững, đang nổi cơn điên, rất nguy hiểm, mắt dán vào hai người, biết rằng hai kẻ thù bé nhỏ này đang áp sát ông ta. Ông ta bảo: "Hai người tránh ra. Đừng làm chuyện ngu ngốc nữa."
Frank bảo: "Buông anh ta ra".
"Mẹ kiếp, đừng hòng", Luke nói và lại dúi mạnh Barney xuống sàn.
Frank hét: Ray, túm tay kia của ông ta" và cùng một lúc họ nhào vào. Họ túm chặt nhưng không giữ nổi ông ta. Ông ta hình như thừa sức đẩy họ bật ra. Frank rối rít gọi: "Mấy ông vào giúp với nào", và một vài người dùng dằng đứng dậy. Họ bảo: "Thôi nào, Luke, dẹp đi ông bạn", song ông ta trợn mắt lên với họ, mồm sùi bọt mép.
"Hãy vì Chúa, túm tay ông ta lại", Frank hét. "Giật cái bình khỏi tay ông ta".
Hai người khác cố túm tay ông ta.
"Chiếc bình, lấy chiếc bình", Frank nói với họ. "Lấy nó đi. Ông ta sắp vung nó lên đấy".
Bốn người cố sức ghìm ông ta xuống. Ông ta khoẻ như vâm. Cặp kính gọng vàng trễ xuống tận mũi, mồ hôi chảy ròng ròng, nhãi nhớt túa ra ở miệng, ông ta vẫn túm chặt cổ áo Barney, người gồng lên cưỡng lại 4 người. Ông ta khuỵu xuống độ một insơ, rồi một insơ nữa, rồi đầu gối dần khuỵu xuống. Đột nhiên ông ta buông Barney ra, dùng khuỷu tay huých túi bụi vào 4 người.
"Giật lấy cái bình", Frank hét toáng lên.
Họ cố túm chặt, song hình như ông ta càng khoẻ hơn, càng gân guốc và say máu hơn. Ông ta hít mạnh rồi vùng thoát khỏi cả 4 người. Ông ta bảo: "Lạy Chúa, đây là cái các ông không khi nào có thể lấy được của tôi". Hai cánh tay gân guốc của ông giơ cao chiếc bình trên đầu, và ông dùng hết sức ném mạnh nó vào cửa sổ gần nhất.
Trong 4 ngày học về máy bay phản lực, chúng tôi cũng biết đôi chút về những cửa sổ này. Không phải vì mỗi tuần chúng tôi có nhiệm vụ phải lau chúng một lần, hoặc có thể tháo rời nó ra chẳng hạn, song đó là một mục trong các bài học của chúng tôi. Tất cả các cửa sổ dọc hai bên sườn máy bay đều có ba lớp kính đã được gia cố thật chắc: tấm kính ngoài, lượt kính giữa và lượt kính trong cùng gắn thật kín cho không khí không thể lọt nổi vào, được vít lại bằng các chốt lò xo, các vít, và có Trời biết là bằng gì nữa. Hình như trên đời không có thứ gì có thể đập vỡ được cả ba lớp kính ấy, thế mà cái ông Luke say rượu to như con khủng long già ấy hầu như lại làm được. Chiếc bình rượu bằng đá đập vỡ tan lớp kính trong, lớp kính giữa và làm rạn lớp kính ngoài cùng. Và rồi có lẽ vì nó đập vào mấy cái chốt lò xo ở bên trong, nó bật trở lại, rơi xuống ghế, rồi lăn xuống sàn.
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer