Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Bernard Glemer
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 23
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 946 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1 -
ôi nghĩ mình đúng là ngốc nghếch, như anh bạn N.B của tôi trước đây đã bảo. Chẳng hạn, sau khi gói ghém xong đồ đạc, thấy hãy còn nhiều thời gian, tôi liền xuống hiệu thuốc ở góc phố Mac Dougal gọi điện tạm biệt mẹ tôi. Tôi làm thế để làm gì?
Mẹ tôi sống trong ngôi nhà cũ ở Greenwich, có vườn rộng đầy cây cỏ rêu phong và một lạch nước nhỏ chảy qua vườn, đẹp như tranh vẽ.
Tôi nói với mẹ tôi "Mẹ ơi, tạm biệt mẹ. Con đi đây"
"Đi hả con", mẹ tôi hỏi với giọng hãy còn ngái ngủ."Sớm thế à? Ôi, con gái đáng thương của mẹ, hãy hứa với mẹ con sẽ tự chăm sóc lấy mình cẩn thận đi con".
"Vâng, thưa mẹ"
"Hứa là con sẽ không làm chuyện gì rồ dại nhé"
Ôi! đàn bà mới thật là ngốc nghếch làm sao! "Vâng ạ"
Rồi nghe mẹ tôi cười thật là ngọt và nói "À, con yêu của mẹ. Vì bây giờ con lại có việc làm, mẹ đã báo ngân hàng ngừng khoản trợ cấp cho con. Thế được chứ con?"
"Được, mẹ ạ" tôi trả lời.
Thế là mất toi luôn khoản 250 đôla tôi vẫn nhận được vào ngày đầu của mỗi tháng. Mẹ tôi báo ngân hàng đình lại khi tôi có việc làm ở quầy bán đồ chơi, ở cửa hàng Macy, khi tôi làm cho hãng anh em nhà Lever và khi tôi làm tại phòng trưng bày tranh ở phố 57. Chuyện đó cũng chẳng sao, vì tiền bạc đối với tôi cũng không quan trọng, song cái cách xử sự của mẹ làm tôi khó chịu. Ông Cooper, luật sư của gia đình đã có lần nói rõ với tôi mọi chuyện: bất luận trong hoàn cảnh nào, hàng tháng mẹ tôi đều phải cấp cho tôi 250 đôla. Nhưng có tranh cãi với bà cũng vô ích, vì bà chẳng chịu nghe ai bao giờ.
Sẵn máy điện thoại, tôi quyết định gọi cho Tom Ritchie ở hãng quảng cáo. Đây lại là một việc dại dột nữa. Cái từ này mới hay làm sao! Nó có thể giải thích được mọi chuyện.
"Ritchie đây" anh ta trả lời điện thoại, giọng vồ vập, và tôi hầu như có thể hình dung thấy anh ta đang ngồi ngay ngắn trước bàn làm việc, vẻ thản nhiên mà lại ranh ma, lạnh lùng đấy mà cũng sôi nổi đấy.
"Chào anh, Tom", tôi nói.
"Ồ, em đấy ư?"
"Vâng"
"Em gọi cho anh thế này tuyệt quá"
"Em đi bây giờ, Tom ạ. Em muốn chào tạm biệt anh"
"Nghĩa là em vẫn giữ cái ý nghĩ điên rồ ấy của em?"
"Vâng", tôi trả lời.
"Sao em vẫn cứ ngu thế", anh ta bảo, và bắt đầu tranh cãi với tôi. Tôi ráng nghe chừng nửa phút, rồi dập máy. Tôi chỉ muốn tạm biệt anh ta một cách thân tình như giữa những người bạn cũ, nhưng anh ta lại chỉ muốn làm tôi bực mình. Không ai có thể quan hệ theo kiểu đó được, khi người kia hành động như Hitle.
Lẽ ra tôi đừng nên gọi điện cho anh ta, hoặc gọi cho mẹ tôi, mà cứ lẳng lặng ra đi, không cho ai biết, để lại đằng sau tất cả, như lúc đầu tôi dự tính. Trên đường trở về phòng, tôi cứ tự trách mình sao lại có thể quá mềm lòng như vậy. Mặc xác cái anh chàng Tom Ritchie ấy, tôi nghĩ. Anh ta đã cướp đi đời trinh nữ của tôi, nay lại còn định lấy nốt linh hồn tôi nữa. Mặc kệ mẹ tôi, vì bà đã đối xử với tôi có ra tình mẹ con gì đâu.
Angel đang ngồi đợi trong phòng, cùng Eena, giúp tôi thu dọn đồ đạc. Eena người phục phịch, chẳng có co quắp gì ngay cả khi mặc coóc-xê và giọng trầm như giọng Chaliapin, nghe gai cả người.
"Chào anh, Angel", tôi nói.
"Chào", anh ta đáp. "Xong cả rồi chứ?"
"Vâng", tôi trả lời.
Anh ta người nhỏ bé, còm nhom, râu mọc lún phún và lạy Chúa, trông bẩn bẩn thế nào ấy trong bộ com-lê màu nâu nhạt rộng thùng thình. Ôi, anh chàng Angel nhỏ bé đáng thương! Nghe đâu anh từ Cuba hay một nước nào đó đến Mỹ, biết làm thơ, mà thỉnh thoảng vẫn được người ta cho đọc ở quán cà phê Overnite. Khi đọc, anh có cái tật cứ muốn lưu ý người nghe bằng cách giơ tay và đánh những dấu câu vào không khí. Tôi còn nhớ, một lần anh đã đọc lên bài thơ làm tặng riêng tôi. Bài thơ có tựa đề "Cô gái có cặp mắt bằng yên"; anh gần như sái tay sau khi đọc xong bài thơ. Đoạn cuối cùng đại loại thế này:
Hãy yêu đi
Sao cơ??? Hãy yêu lần nữa!!!
Trong bóng đêm
Nước mũi chảy dài
Tiếng kêu rên vọng lại!!!!!!
Nhưng, coi chừng! Ôi! cô gái!
Có! Đôi mắt! Bằng yên!
Anh là thuốc nổ!!!!!!
Anh là trận động đất!!!!!!
Anh !!!!
Em????
Bài thơ gây chấn động rất mạnh trong người nghe, đặc biệt là bốn dấu chấm hỏi cuối cùng. Ai cũng hiểu bài thơ nói về tôi, và khi Angel ngồi xuống, hoàn toàn kiệt sức, một vài tay phá quấy trong tiệm cà phê huýt sáo ầm ỹ, cứ như tôi đã truyền bệnh thương hàn cho anh chàng thi sĩ hom hem ấy. Thế là mặc dù kiệt sức, Angel lại phải nhảy lên, say sưa bảo vệ cho phái nữ, rồi đưa tôi cầm hộ chiếc kính râm, và thế là mọi người lại để cho tôi yên. Thực tình, tôi chẳng để tâm đến chuyện cặp mắt bằng yên ấy. Bao nhiêu người đã bảo là tôi có cặp mắt bằng yên, nhưng chuyện ấy có gì đáng nói, vì theo chỗ tôi thấy, mắt ai mà chẳng bằng yên. Vậy thì tại sao lại chỉ làm thơ riêng cho trường hợp của tôi? Thompson với cặp mắt bằng yên, đó chính là tôi.
"Mình mang rượu đến" Eena nói, giọng gầm gừ như chú chó Bun. "Mình không thể để cậu đi suông tình được"
"Ồ, đừng" tôi bảo. "Eena, cậu chẳng cần phải thế". Cô ta là người hào phóng, ruột để ngoài da, mặc dù có vấn đề về nhân cách- tôi luôn cảm thấy tiếc cho cô ta.
Cô ta quấn chai rượu trong chiếc túi giấy màu nâu để tôi không biết là loại rượu gì. Tất nhiên tôi đoán được, đó là loại Old Paralysia mà cô ta thường dùng. Tôi không muốn uống, vì không muốn ra đi mồm toàn mùi ruợu, nhưng lại nghĩ còn hai tiếng nữa mới tới giờ bay, thì lúc ấy mùi rượu chắc cũng hết. Thế là ba đứa chúng tôi ngôi xuống trên chiếc xô-pha ba chân của tôi, trong khi Eena nói như hét vào tai bên phải, còn Angel thầm thì bên tai trái tôi. Họ đều là chỗ bạn bè, và là những người bạn tốt, song tôi hầu như chẳng nghe được họ nói gì. Tôi ngồi thẫn thờ nhìn quanh, bụng nghĩ:" Lạy Chúa, tôi đã sống cả sáu tháng trời ở đây, trong gian buồng tồi tàn này, chiều dài 20 fut, rộng 8 fut, trần long vách lở, thảm trải đầy vết nhạy cắn, thiếu khí trời, không có ánh sáng lọt qua chiếc cửa sổ vàng xỉn, và cũng không hơi ấm toả ra từ chiếc lò sưởi han gỉ. Mà để làm gì? Để phát hiện ra một Thompson đích thực, hoặc để nếm qua cái diễm phúc thánh thiện ư? Tại căn phòng này, tôi đã có những bữa tiệc vui, đă nghe mồm Angel đọc thơ và chấm câu bằng tay. Đủ mọi hạng người đã cười đùa, la hét ở đây, nằm ngủ trên sàn nhà này, nôn mửa ra đấy và có lần họ đã đổ dầu máy lửa định đốt cuốn Thơ ca Anh của Oxford của tôi. Tất cả, từ căn phòng tồi tàn tới những cuộc vui ầm ĩ thâu đêm suốt sáng ấy chắc chắn đã tác động sâu sắc đến tôi. Nhưng đến mức nào?
Những chuyện ấy nhìn chung cũng chẳng đến nỗi nào. Tôi mới chỉ dùng hết một phần bốn mươi tư sinh lực để tìm lấy sự hoàn thiện bản thân ở làng Greenwich. Đúng khi tôi đang đầy những suy tư sâu sắc ấy, Charlie Hộ Pháp bước vào mà không gõ cửa, miệng cười rộng toác đến mang tai, và hai cánh tay trần cuồn cuộn bắp thịt.
"Này, em vẫn chưa đi à?" Hộ Pháp hỏi tôi.
"Chưa, em chưa đi"
Eena mời "Hộ Pháp, làm một ly chứ?"
"Uống cái thứ thuốc độc ấy ư?", anh ta bảo vậy.
Anh đến bên ghế xô-pha, lấy tay xoa đầu tôi, làm tôi có cảm giác như chiếc gầu xúc đất của máy đào móng nhà chọc trời đang cào tóc tôi vậy. Lần đầu tiên thấy anh, tôi hầu như ngất xỉu trên hè đường. Anh đứng dựa lưng vào tường dọc phố Mac Dougal, chân bắt chéo, hai tay đút trong túi quần thụng. Trông anh cao to lừng lững, đến nỗi tôi có cảm tưởng như bức tường sắp đổ đến nơi. Da anh đỏ au, tóc vàng hơn tóc tôi, mắt cũng xanh hơn; cái dáng vẻ Bắc Âu từ đầu đến chân ấy của anh làm tim tôi như ngừng đập. Những bắp thịt cuồn cuộn kia! Nụ cười mê hồn ấy! Đôi mắt xanh thăm thẳm làm sao! Tôi xin nói ngay, tôi không phải cô gái đầu tiên ăn phải bùa mê cháo lú của anh. Với anh, chuyện đó thường xảy ra luôn. Tôi dám nói anh có thể mỗi giờ thay một cô, nếu anh muốn. Song anh lại không muốn. Anh đã giải thích cho tôi tại sao lại như vậy, ngay buổi đầu tiên chúng tôi ở bên nhau. Chúng tôi ngồi uống cà phê trong một quán nào đó, và một lát sau anh bảo không thể ngồi hết đêm ở đó, tại sao chúng tôi không kiếm một chỗ khác mà trò chuyện, ví dụ như phòng tôi chẳng hạn. "Tại sao lại không?", tôi đáp, rồi cùng anh bước trong bóng đêm nặng trĩu mùi của phố số 4 khu phía Tây mà cứ tưởng như đang đi vào cõi cực lạc. Tôi chưa hiểu gì nhiều về đàn ông, trừ mấy phút ngắn ngủi tồi tệ với Tom Ritchie ở cuối vườn tại Greenwich. Còn bây giờ, tôi đã là một cô gái hơn 21 tuổi, làm sao tôi có thể bỏ qua một cơ hội chung đụng tuyệt vời với một người như Charlie Hộ Pháp mà vòng bụng chỉ có 15 insơ. Không một cô gái nào có thể làm được như vậy. Tôi gần như mê mẩn khi chúng tôi trèo 4 bậc cầu thang để lên phòng. Tôi không sao mở được cửa vì cái chìa khoá cứ tuột khỏi tay tôi, nhưng cuối cùng, mọi trở ngại cũng qua, chúng tôi ngồi bên nhau trên chiếc xô-pha ba chân, và tôi chờ đợi bầu trời kia sẽ đổ sụp xuống đầu mình. Trong lúc ấy, Hộ Pháp lại giảng giải cho tôi bài học trứ danh của anh về ảnh hưởng của việc Làm Tình đối với cơ thể người đàn ông. Trời ạ, đúng là Hộ Pháp đã mở mắt cho tôi. Đối với đàn bà, Làm tình là một chuyện bổ béo, nó làm họ đỏ da, thắm thịt. Nhưng với đàn ông, nó còn tồi tệ hơn là tự sát, nó là cái chết kéo dài chậm chạp. Nó hút cạn sinh lực của người đàn ông, chưa nói gì đến những chất khác như canxi, phôtpho, natri. Nó làm xương cốt rã rời, làm cơ bắp tã ra như mớ giẻ rách phất phơ trong gió. Nó tiêu hao ý chí, phá huỷ tế bào thần kinh, làm lục phủ ngũ tạng rệu rã như bún rối. Anh kể cho tôi nghe sự thật khủng khiếp đó bằng một giọng đầy hiểu biết, đến nỗi nghe xong, tôi bắt đầu căm ghét cả bản thân mình. Tôi cảm thấy mình như con điếm ở thành Babylon: mày là một sinh vật tởm lợm xấu xa, dám nghĩ đến chuyện biến các cơ bắp tuyệt đẹp của Charlie Hộ Pháp thành giẻ rách, hút cạn kiệt chất phôtpho của anh ấy!
Đó là mảng đời tình ái của tôi ở làng Greenwich.
*
Uống cạn cốc rượu, tôi nói:" Thôi xin lỗi các bạn nhé, mình phải đi bây giờ cho kịp chuyến bay".
"Carol này" Eena nói "Cậu không cần đi Albuquerque làm gì. Mà sao cậu cứ muốn đến đó là thế quái nào nhỉ?"
"Đây là dịp may hiếm có của mình", tôi đáp.
Trừ mẹ tôi và Tom Ritchie, tôi nói với mọi người rằng tôi đến Albuquerque để làm người mẫu. Tôi không thể nói toạc ra rằng tôi không chịu nổi cuộc sống ở đây nữa, và tôi phải đi khỏi nơi này. Tôi nói với Hộ Pháp: "Anh mang mấy cái vali này ra tắc xi giùm em."
Anh nhìn tôi bằng đôi mắt xanh thẳm, ngây thơ: "Ấy chết, không được đâu. Anh bị đau lưng, chả nhấc nổi thứ gì cả".
Lẽ ra tôi phải biết điều ấy. Anh lúc nào cũng sợ hết hồn về chuyện có thể làm hỏng những cơ bắp quý giá của mình.
"Để mình mang cho" Eena vừa nói, vừa nhấc một vali kẹp vào nách trái, rồi hai tay xách luôn hai chiếc khác, trông nhẹ như không. Tôi mang hộp đựng mũ và cái ví xách tay. Hộ Pháp theo sau, miệng huýt sáo, còn Angel đi sau Hộ Pháp, miệng rên rỉ than vãn, làm tôi có cảm giác như đang đi dự đám tang của chính mình. Chúng tôi vẫy được tắc xi ở đại lộ số Sáu. Sau khi hành lý được xếp vào xe, Eena ôm chầm lấy tôi và hôn lên khoé môi. Tôi cảm thấy má mình ướt đầm nước mắt của Eena. Tôi chỉ kịp nói: "Đi nhé" với Charlie Hộ Pháp, nhưng không kịp nói gì với Angel.
Tôi dặn người lái xe đưa tôi đến bến hàng không đón khách ở khu phía Đông, rồi ngả người trên ghế và thở phào nhẹ nhõm. Thật là kỳ diệu: vừa chia tay với Eena, Charlie Hộ Pháp, Angel và cái làng Greenwich ấy chưa được một phút, tôi bỗng có ngay cảm giác dễ chịu và phấn khích lạ thường, hệt như cảm giác của người bị ngạt mũi, bỗng nhiên lại hít thở được. Tôi muốn hát thật to, vì đã bỏ lại đằng sau căn phòng tồi tàn và cuộc sống túng quẫn, vì không bao giờ còn phải giả bộ thích thú với cái dơ dáy và thiền đạo, với cái tồn tại hay không tồn tại, trước những bài thơ nặng mùi như thùng rác ở phố Mac Dougal. Rất có thể đó chỉ là cảm giác tâm sinh, song về lâu dài mà nói, lối sống ấy không thích hợp với người con gái. Hay chí ít, đấy cũng là điều tôi đã hiểu ra: toàn bộ chuyện đó chỉ là một quãng đời nhàm chán.
Tới một ngã tư, người lái xe quay đầu lại hỏi:" Cô đi máy bay phải không?"
Câu hỏi thật nực cười. Tôi tự hỏi không biết anh ta muốn gì. Tôi trả lời: "Vâng, tôi đi miền Nam". Giống như loài vật tránh rét, tôi nghĩ.
"Từ sân bay Idlewild hay La Guardia?"
"Idlewild"
Anh ta liền bảo:" Này cô, từ bến đón khách, cô sẽ phải đi xe buýt ra sân bay, đúng không? Rồi còn phải thuê người chuyển hành lý nữa chứ. Vì vậy, nếu cô trả thêm tí ti nữa, tôi sẽ đưa cô ra thẳng sân bay. Cô chỉ việc ngồi nghỉ thoải mái. Thế chẳng đáng sao?"
"Ông bảo tí ti là bao nhiêu?"
"Thôi, tôi cứ nói thẳng thế này nhé", anh ta đáp. "Từ đây ra tận sân bay, xin cô cho 5 đôla".
"Được thôi"
"Được hả", anh ta hỏi lại, có vẻ ngạc nhiên vì tôi chấp nhận cái giá ấy mà không mặc cả.
"Chắc chắn được mà"
"Gặp được người biết điều kể cũng thích", anh ta nói. "Nhiều người còng lưng mang lấy đồ chỉ để tiết kiệm vài chục xu mẻ".
Hừ, biết điều, tôi nghĩ bụng. Ôi, anh bạn, giá mà anh biết. Dù sao cái giá anh đòi cũng phải chăng, và nó lại hợp với tâm trạng tôi lúc này. Mỗi khi bắt đầu một quãng đời mới, cũng cần chịu chơi một chút. Đập phá đi! Xả láng nào, cho dù chỉ là thuê tắc xi ra tận sân bay, trong khi có thể dễ dàng đến đó bằng xe buýt. Trong trường hợp này, tôi hoàn toàn có đủ tiền để làm như thế. Túi tôi rủng rỉnh. Trong ví xách tay có 50 đôla, cộng với 150 đôla bằng séc du lịch, chưa kể số dư 218 đôla còn gửi nhà băng phòng khi cơ nhỡ cùng một số tín phiếu nữa. Đây là số tiền còn lại, nói theo đúng nghĩa đen, sau khi tôi phóng tay mua sắm quần áo mới, hầu hết là mua ở cửa hàng Lord va Taylor, vì lẽ bước vào cuộc sống mới, tôi cần phải có trang phục mới từ đầu đến chân. Quần áo đang dùng đã sờn hoặc bị nhạy cắn hết cả, trừ chiếc áo khoác lông hải ly, nhưng tôi lại chẳng dùng đến nó ở miền Nam là nơi tôi sắp đến. Khi cộng sổ xem hết bao nhiêu, tôi hơi lạnh người trước con số 433 đôla 87 xu. Thôi thì bỏ ra ngần ấy cũng đáng.
Chuyến bay 21A rời sân bay vào 2h25 . Tôi đến cửa 12 sớm nửa giờ, và mới chỉ lác đác có vài người ở đó. Nhưng khi tôi đứng vào hàng, người ở đâu kéo đến ngày càng đông, đến nỗi tôi tự hỏi: chả lẽ một chiếc máy bay mà chứa hết từng này người ư? Tôi cho là không, trừ phi máy bay có thể co giãn như cao su.
Quãng ngoài 2h, người ta bắt đầu cho hành khách ra máy bay. Khi đến lượt tôi, gã nhân viên soát vé loắt choắt, mặt quàu quạu nhìn tờ giấy màu xanh của tôi rồi nói cụt ngủn:" Mời ra sau đợi cùng mấy cô kia"
"Những cô nào ạ"
"Cứ ra sau đợi", ông ta trả lời bốp chát."Lúc nào đến lượt, chúng tôi sẽ gọi".
Tôi lách ra khỏi đám đông về phía sau thì thấy ba cô mà cái gã cục súc kia vừa mới nhắc tới. Không lẫn đi đâu được, họ đều cao to, xinh xắn và ăn mặc dễ thương. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt buồn buồn, và tôi cũng buồn buồn nhìn lại.
Cô gái cao nhất trong ba cô hỏi tôi: " Thế nào, cậu cũng bị gạt ra à?"
"Mình nghĩ thế"
Cô ta hỏi lại cho chắc:" Cậu cũng tới trường huấn luyện ở Miami chứ?"
"Mình cũng nghĩ là như thế, cho đến khi bị cái lão khọm ấy gạt lại".
"Chúng ta cùng hội cùng thuyền cả", cô ta nói. "Xin mời nhập bọn. Mình là Donna Steward, còn hai cậu này à, tên các cậu là gì ấy nhỉ?"
"Mình là Annette Morris", cô tóc hung trả lời. Cô kia bảo: "Tớ là Mary Ruth Jurgens". Cô này da trắng xanh, tóc vàng, vẻ thờ ơ và mắt màu tro lạnh lùng. Cả hai cô đều xinh, nhưng Donna Steward còn đẹp hơn triệu lần. Tóc cô ta đỏ hoe, đôi mắt xanh ngọc đẹp tuyệt vời và tính tình cởi mở, dễ gần.
Tôi nói tên, rồi hỏi:" Có cậu nào biết ở đây có chuyện gì thế?"
Donna trả lời:" Chuyện cơm bữa của các hãng hàng không ấy mà. Họ cứ bấn xúc xích lên. Tớ đoán là họ cho hành khách lên trước, rồi nếu còn chỗ thì nhét bọn mình vào". Cô ta cười vui vẻ. "Nếu không còn chỗ cũng chẳng sao, mình sẽ rất vui lòng ngủ qua đêm ở New York.
"Sao vậy?" tôi hỏi.
"Vì mình chưa bao giờ được đến đây chứ còn sao nữa", cô ta trả lời. "Mình chỉ là cô gái nhà quê bình thường ở bang New Hampshire".
Tôi bảo:" Mình thì đã sống mãi ở New York rồi, giờ xin mời cậu"
"Nếu bọn mình phải ở lại đây đêm nay- Donna cười rất tươi- cậu sẽ dẫn mình đến thăm thành phố nhé. Cậu thông thạo những chỗ chơi bời ở đây chứ?"
"Đương nhiên"
Donna bóp nhẹ tay tôi, và chúng tôi là bạn của nhau từ giây phút ấy.
"Này, các cậu nhìn kìa", Annette gọi.
Chúng tôi quay lại nhìn và tất cả đều tròn xoe mắt. Trước mắt chúng tôi là một cô gái đẹp không thể tưởng được, đẹp tôi chưa từng thấy. Cô ta có khuôn mặt trái xoan tuyệt mỹ, da trắng mịn, mắt vàng trong như mắt mèo, còn mái tóc đen mượt xõa xuống ngang lưng. Cô ta ăn mặc lộng lẫy như một diễn viên điện ảnh, chiếc váy đen chật căng lại bồng lên ở hông, chiếc mũ trang điểm thêm mấy chiếc lá màu vàng. Nhưng cái gây ấn tượng mạnh mẽ nhất lại chính là cái vẻ khêu gợi đầy nữ tính toát ra từ cô ta.
Khi đến chỗ bọn tôi, cô ta giơ tay chào rất điệu: "Đây rồi! Các bạn đang chờ máy bay tới trường huấn luyện ở Miami chứ gì?"
Tôi đoán mò, nhưng trong trường hợp này không phải là không có cơ sở. Cảm giác của tôi bao giờ cũng chính xác trong những việc như thế này. Vì thế, tôi trả lời bằng tiếng Ý:" Đúng, chúng tôi đang chờ ra máy bay. Mời bạn tới đây với bọn tôi. Cho phép tôi tự giới thiệu: tôi là Carol Thompson".
Cô ta nhìn tôi từ đầu đến chân với vẻ thích thú lạnh lùng, như thể nếu cho tôi vào nồi ninh mười hai tiếng cho nhừ là có thể ăn được. Tôi hơi ngạc nhiên tại sao cô ta lại không vạch mồm xem răng của tôi. Cô ta bảo:" Ra thế đấy! Cô cũng nói được tiếng Ý".
Tôi cho là thế. Tôi mới chỉ vừa nói với cô bốn câu bằng tiếng Ý. Vì vậy tôi trả lời: "Được".
Cô ta nghiêng đầu nhìn tôi rồi hỏi: "Cô học đâu cái thứ tiếng Ý rẻ tiền ấy?"
Tôi trả lời, vẫn bằng thứ tiếng mà tôi cho là mình nói thạo: " Ở Florence. Ở đó bác tôi có một Cử hàng" Tôi luôn nghĩ, một khi đã muốn làm nhục nhau thì cứ việc thẳng thừng, không phải vòng vo làm chi cho mệt.
Rõ ràng tôi nói vẫn hơi quá xa xôi, cô ta bảo:" Giọng ấy không phải của vùng Florence, mà là một giọng rẻ tiền. Mình ở Rôma. Tên mình là Alma Di Lucca".
Donna đột nhiên hỏi chen vào bằng một giọng nanh ác đến lạnh lùng:" Chắc không phải nữ bá tước Alma Di Lucca chứ?"
Alma lặng người. Mũi tên nhỏ đó đã trúng đích. Cô ta không nhìn Donna, mà cũng không trả lời. Tôi nghĩ thầm: "Được đấy! Biết tay nhau chưa! Mới có một phút mà đã có chuyện rồi. Chắc sẽ thú vị lắm đấy.
Donna ngáp dài, rồi bảo: "Mình phải làm gì để giết thời gian chứ các cậu. Ai chơi bài nào?".
Một lát sau, người đàn ông hay cáu gắt ấy đến chỗ chúng tôi. Ông ta nói:" Xin lỗi đã bắt các cô phải chờ, nhưng tôi không còn cách nào khác". Ông đọc lướt mấy tờ giấy rời: " Ta xem nhé, các cô tất cả mấy người?"
"Chúng tôi có 5 người", Alma trả lời. "Ai đếm cũng chỉ có 5 thôi".
"Còn thêm ai nữa không?"
"Thêm ai nữa là việc của các ông chứ không phải của chúng tôi", Alma bảo. "Bây giờ chúng tôi lên máy bay, đến nơi chúng tôi cần đến được rồi chứ?"
Rõ ràng ông ta không nghe thấy những gì cô ta nói. Ông ta dùng bút chì đánh dấu lên tờ giấy đang cầm, rồi cau mày. Sau đó ông lại nhìn chúng tôi, lại gạch gạch xoá xoá, rồi lại cau mày. Trông ông ta thật tội nghiệp và hình như đang phải tính toán, nghĩ ngợi. Chúng tôi gồm ba cô gái hết sức dễ thương, cộng với một cô gái Ý đẹp mê hồn và tôi, thế mà ông ta chỉ coi chúng tôi như những kiện bông đầy mối mọt. Lúc này, lần đầu tiên tôi mới thấy được những đòi hỏi của các hãng hàng không đối với nhân viên của họ.
Cuối cùng ông ta bảo: "Thôi được, các cô có thể lên máy bay. Các nhân viên phục vụ trên đó sẽ bố trí chỗ cho các cô. Các cô hãy lên cầu thang phía đuôi".
"Đuôi là đâu nhỉ?", Annette hỏi.
"Ở phía sau máy bay", ông ta thất vọng thốt lên. "Lạy Chúa, cô không biết đuôi là ở đâu sao?"
Alma bốp chát:" Nếu biết, cô ấy đã không phải hỏi. Xin ông nhã nhặn cho một chút, nếu không tôi sẽ báo cáo chuyện này với ông Benjamin cho mà xem".
Lời đe doạ ấy làm ông ta hoảng. Khi qua khỏi cửa 12, tôi hỏi Alma:" Này, ông Benjamin là ai thế?".
"Một người rất được việc, quan chức lớn trong hội đồng quản trị của hãng. Rất quan trọng". Rồi cô ta tủm tỉm cười :"nhưng chỉ là cái bóng, tớ bịa ra từ trí tưởng tượng. Thế mà ai cũng sợ hết hồn. Tớ nói tên ông ta ra một cái là họ co giò mà chạy."
Tôi chẳng bao giờ nghĩ ra việc ấy cả. Chà, cô bé này cần phải được nhận bằng sáng chế. Đằng sau mỗi người mà có một ông Benjamin nào đó thì cuộc đời có lẽ đỡ khốn khổ hơn.
Đến gần chiếc Boeing to tướng, tôi cứ mê mẩn như người mất hồn. Chiếc máy bay khổng lồ đang nhẫn nại đứng chờ chúng tôi, cánh chéo dài về phía sau, các động cơ nhô hẳn ra phía trước, cái đuôi nổi rõ trên nền trời xám lạnh. Trông nó giống như một đoá phong lan rừng khổng lồ, tôi nghĩ, hay giống như chú cá trắng cực lớn bị chiếc Bumơrăng xuyên qua bụng, hoặc tức cười hơn, như con ngựa giống Arập đứng trên cái cân bàn khổng lồ. Tôi những muốn bay lên mà vỗ về mũi nó một cách thân thương. Tôi yêu những chiếc máy bay, bao giờ tôi cũng yêu thương chúng, để mỗi khi gần chúng, tôi lại cảm thấy người nhũn ra như bún.
Mary Ruth Jurgens và Annette lên cầu thang trước rồi đến Alma, tôi và Donna. Ở đầu cầu thang, một nhân viên khác mặt mày cau có khoác áo mưa xem vé của chúng tôi, rồi lẳng lặng để chúng tôi qua. Một cô chiêu đãi viên đứng đợi ở cửa cabin, và vừa thoáng thấy cô ta, tôi lập tức có cảm giác như mình vừa từ khu Casbah đến thẳng đây. Với tôi, đó là giây phút bẽ bàng nhục nhã bởi bên cạnh cô ta, tôi thấy mình chỉ là cái thứ ăn mày ở làng Greenwich. Bộ đồng phục màu huyết dụ là phẳng lỳ, mái tóc gọn gàng dưới chiếc mũ rất xinh, nước da và bàn tay trắng mịn, trông cô ta bóng lộn như một đồng bạc mới bóc tem.
Cô ta xem vé của chúng tôi. "Được rồi" cô ta nói và đưa trả lại. Sau đó cô nói nhỏ: "Hai cô ngồi ở lô vé hạng nhất phía trước. "Hạng nhất ư?" chúng tôi hỏi. " Những cô bạn tôi thì sao?"
"Họ ngồi ở lô ghế hạng ba. Có được chỗ nào, chúng tôi thu xếp chỗ đó".
Cô ta ra hiệu bảo chúng tôi vào cabin. Một cô khác vẫy bảo chúng tôi đi tiếp về phía trên. Cô ta bảo: "Các cô cứ đi nữa đi" và thế là chúng tôi đi mãi, cảm thấy như đây là chuyến đi dài nhất trong đời. tôi nghe tiếng gọi khàn khàn của Alma nhưng không trả lời được, vì hễ bước vào máy bay là tôi cứ như kẻ mất hồn. Tôi chỉ còn thấy lối đi hẹp giữa hai hàng ghế phía trước mặt dài như vô tận, bồng bềnh trong ánh xanh da trời và màu trắng dìu dịu. Sau đoạn đường dài như một dặm, một cô khác hướng dẫn chúng tôi đi tiếp, và rồi cô thứ tư đưa chúng tôi tới ghế ngồi. Tôi thấy mình ngồi cạnh một người đàn ông mặc complê màu xám nhạt, cravatte màu xanh nhạt và nhìn chung, màu sắc quần áo ông ta hợp với màu sơn bên trong máy bay. Tôi cảm thấy hài lòng. Tuyệt.
Trước khi máy bay cất cánh, trong khoang mọi người rì rầm nói chuyện và tôi lắng tai nghe thích thú. Một cô chiêu đãi viên nói rất có duyên trên hệ thống truyền thanh, chào mừng tất cả hành khách trên máy bay phản lực Boeing 707, chuyến bay 21A của hãng hàng không quốc tế Magna. Cô giới thiệu tên những chiêu đãi viên khác và tên cô, sau đó vui vẻ giới thiệu những đặc tính và các chi tiết mới lạ và thú vị về loại máy bay chúng tôi đang đi, rồi giảng giải rất lâu về chuyện dưỡng khí. Trước nay tôi không để ý lắm đến chủ đề này.
"Dào ôi, lại dưỡng khí!", người đàn ông ngồi cạnh tôi lẩm bẩm.
"Dạ, ông bảo sao?"
"Dưỡng khí chỉ cần thiết trong các ca phẫu thuật", ông ta lại nói tiếp". Giọng ông khàn khàn, mà lại thô thô, nên tôi tự hỏi liệu mình có nghe nhầm hay không. Tôi nhìn ông ta; ông ta nhìn, bắt gặp ánh mắt của tôi liền quay đi. Nhưng tôi nghĩ đã có cơ sở để đoán xem ông ta là người như thế nào. Mặt ông gầy gò, đầy vẻ khắc khổ nhưng rất nhạy cảm. Tôi liếc nhìn những ngón tay ông, ngón tay dài và thon. Có lẽ là bác sĩ phẫu thuật, tôi nghĩ thầm, chỉ có bác sĩ phẫu thuật mới có thể nói ôxy dùng cho phẫu thuật chứ.
Một cô chiêu đãi viên tay cầm mặt nạ thở ôxy đi dọc theo các hàng ghế, giới thiệu cách sử dụng. Ở trần máy bay, trên mỗi hàng ghế, ngoài ngọn đèn đọc sách và cửa thổi gió mát cho mỗi người còn có một cửa ngầm giấu rất khéo; khi cửa này mở ra, mặt nạ thở ôxy sẽ rơi xuống treo lủng lẳng trước mặt và hành khách có thể dùng nếu cần. Chỉ mỗi việc là giữ cho mặt nạ ép sát mũi và mồm, rồi hít thở bình thường. Thật không còn gì dễ dàng hơn.
Cách thức ấy hoàn toàn mới mẻ đối với tôi, và có lẽ tôi đã tròn xoe mắt vì ngạc nhiên. Người đàn ông ngồi cạnh tôi thấy thế liền bảo: "Đừng sợ, họ loè cô đấy. Toàn nói nhăng nhít cả".
"Tôi đâu có sợ, thật mà"
"Thế thì tốt, cô đừng lo. Chẳng sao đâu".
Ông ta mỉm cười với tôi, vẻ thân tình, cốt để tôi an lòng. Ông ta cũng tử tế, chuyện trò với dụng ý tốt đấy chứ, tôi thầm nghĩ. Nó làm tôi thay đổi cách xét đoán lúc đầu về ông ta. Mặc dù ông ta có những nét thanh tú và đôi tay mềm mại, nghe ông ta nói thì không thấy giống bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ nha khoa thì đúng hơn. Chỉ có bác sĩ nha khoa mới hay bảo mọi người an tâm, đừng lo lắng gì.
Mấy phút sau, máy bay từ chỗ đậu từ từ lăn bánh ra phía đường băng. Chúng tôi chờ đợi, và đột nhiên máy bay như sống lại. Người đàn ông ngồi cạnh tôi khoanh tay trước ngực, nhắm mắt ngủ, đúng như lời ông ta khuyên tôi. Máy bay bắt đầu chạy nhanh dần, rồi lao đi với tốc độ phi thường. Sau đó không ai có cảm giác là máy bay đã ở trên không, xuyên qua sa mù trắng mỏng và những đám mây vàng rực. Phía dưới chúng tôi là mặt nước màu xanh, những dải đất nhỏ và những cụm nhà bé tý. Tôi thầm nghĩ: đây quả thật luôn luôn là điều thần diệu nhất trong thế giới này. Hãy tưởng tượng bạn ngồi trong toa tàu sang trọng được gắn thêm đôi cánh, thêm động cơ vào đôi cánh ấy, và toa tàu kia vụt bay lên, thực sự bay lượn ở trên không. Người ta đã giảng giải cho tôi cả ngàn lần tại sao máy bay có thể bay lượn được, nhưng các số liệu khoa học ấy vẫn không làm tôi hiểu nổi. Nó bay được hẳn phải do phép màu nào đó.
Năm Cô Gái Trường Bay Năm Cô Gái Trường Bay - Bernard Glemer