Bí mật của thiên tài là có được tinh thần của trẻ con khi mình đã lớn, có nghĩa là không bao giờ mất nhiệt huyết.

Aldous Huxley

 
 
 
 
 
Thể loại: Truyện Ngắn
Biên tập: Bach Ly Bang
Số chương: 4
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 870 / 1
Cập nhật: 2015-07-17 09:55:10 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ôi mua một hộp mứt để dành cho mấy ngày tết. Tôi trút vài miếng ra một mảnh giấy và gói lại cho thằng Ngọt. Tôi nghe vui hơn bao giờ. Và không hiểu sao, cái ngày mà tôi đem gói mứt đi cho thằng Ngọt, tôi lại quẹo vào con đường có nhà in mà ba tôi làm trong đó. Tôi muốn nhìn thấy ba tôi dù biết rằng công việc của ba tôi vẫn không thay đổi. Quả thật ba tôi cũng đang vác những bao lịch nặng trĩu từ trong nhà in ra sân. Nhưng đúng lúc tôi ló mặt vào, là lúc ba tôi té quỵ trên nền gạch. Tôi đã biết là ba tôi không có đủ sức khỏe để làm công việc này mà!!! Bao nhiêu năm sống với nghề trí óc, ba tôi đâu có bắp thịt rắn chắc và gân cốt dẻo dai để mà khiêng vác. Tôi bỏ ngã xe đạp chạy vào sân đỡ ba tôi dậy. Ba tôi mệt mỏi thấy rõ, nhưng vẫn cố nói với tôi:
- Đến đây làm chi vậy Tú? Về đi.
Tôi bật khóc. Có nhiều ánh mắt nhìn tôi lạ lùng. Tôi chỉ biết khóc và nâng ba tôi dậy. Tôi lẻ loi giữa sân nhà in cũng như ba tôi lẻ loi giữa cảnh sống thiếu thăng bằng này vậy thôi.
…Đến một lúc tôi phải đi về.Và ba tôi vẫn tiếp tục làm công việc của mình. Cái máy, dù chậm chạp, cũng phải chuyển vận. Đời người, dù lặng lẽ, cũng phải sống. Tôi không bỏ ý định đi tìm Ngọt. Nó cũng như bao ngày ôm thùng cà rem đi rong trên đường. Tôi tìm thấy nó dễ dàng. Chắc nó thấy mắt tôi đỏ hoe nên hỏi ngay:
- Khóc… nữa?
Tôi không đáp, đưa gói giấy cho nó. Nó ngơ ngác:
- Cái… gì vậy?
- Mứt.
Đôi mắt ngây dại kia thoáng một chút vui vẻ. Ngọt nói:
- Mứt… có cay hông?
- Không. Mứt bí, mứt khoai, ngọt lắm. Ăn đi!
Tôi vỗ về Ngọt như nói với một đứa con nít. Tôi mở gói giấy ra. Đôi mắt Ngọt sáng lên. Nó cúi xuống đặt thùng kem bên cạnh, rồi bốc lấy một miếng mứt, cho vào miệng.
Khi Ngọt sắp sửa ăn miếng thứ hai, tôi bỗng thấy mặt nó biến sắc. Nó nói vội vàng:
- Giữ… giữ… giùm tiền cho Ngọt…
Không kịp cho tôi phản ứng gì cả, Ngọt té lăn ra đất, giãy giụa. Tay chân nó co giật lia lịa và hai mắt nó trợn trắng. Những người qua đường dừng lại và bu quanh cảnh tượng đó. Từ trong túi áo của Ngọt, những đồng tiền rơi ra, lăn lông lốc. Lũ trẻ nhỏ và bọn con trai lớn chỉ đợi có thế, đổ xô đến lượm tiền. Tôi hoảng sợ lượm cất lại cho Ngọt, nhưng không kịp tay với bọn kia. Tôi phẫn nộ hét la như một đứa con trai. Không ai nghe tôi nói. Dường như mấy bà bán hàng rong đã quen với cảnh này – cảnh thằng Ngọt bị giật kinh phong hàng bữa. Tôi biết rồi, mỗi lần như thế là Ngọt bị mất hết tiền. Và trên đường về của Ngọt, không có ai cướp bóc, mà là Ngọt đã vãi tiền ra cho người ta lượm, thế thôi!
Ngọt giãy giụa không biết đến mấy phút, mà tôi nghe lâu như cả ngày. Cánh tay cụt của nó lắc mạnh trong cơn vật vã. Nó lăn lóc dưới đất trông thật thảm hại. Tôi không biết làm gì cho nó. Tiền của Ngọt đã bị lượm hết.
**
Tôi ngồi xuống bên Ngọt. Nó đã qua cơn vật vã. Nó trở lại bình thường như tôi vẫn thấy. Tôi nghe Ngọt kể lể. Giọng nó thất thanh nhưng hay ho và tội nghiệp hơn cả giọng đọc truyện trong máy thâu thanh. Lời nó mộc mạc nhưng cảm động hơn cả câu văn chải chuốt của các “ông văn sĩ”. Chuyện của nó ngắn ngủi mà đúc kết bằng cả những đoạn đời khổ ải kinh hoàng. Ba má Ngọt và một đứa em của nó chết vì bị pháo kích. Ngọt còn một ông nội già nua và một đứa em nữa. Ngọt cũng bị cụt tay trong cơn hãi hùng đó. Sự mất mát về thể xác còn kéo theo sự hư hỏng thần kinh. Ngày nào Ngọt cũng bị giật kinh phong một lần nhưng vẫn ráng đi bán kem để nuôi ông nội và em. Hết rồi! Chuyện của Ngọt chỉ có thế.
Tôi cảm thấy hai mắt tôi ứ đầy lệ. Tôi đã lớn chưa, mà sao đã thấm thía nỗi buồn vui cay đắng ở đời, và ý nghĩa của sự cần lao? Sự cần lao của ba tôi, và của Ngọt, sao mà chua chát quá! Tôi sẽ làm gì để thay đổi được cho ba tôi, cho Ngọt? Khi ba tôi té quỵ trong sân nhà in, khi Ngọt giãy giụa trên đất bẩn, là khi tôi cảm thấy đời sống không phải là một mùa xuân. Tôi thấy Tết đối với tôi là giả tạo, là gượng ép. Nỗi sung sướng của tôi, nếu có, sẽ là một cái tội bên cạnh sự đau khổ này.
Ngọt lượm mấy miếng mứt vung vãi trên đất cho vào miệng. Nó tự nhiên và vô tư quá! Nó đưa cho tôi một miếng mứt bí:
- Ăn đi! Ngọt… lắm!
Tôi nghe lời nó, cắn một miếng mứt. Tôi muốn khóc thật ngon. Và lần thứ hai, tôi có ý nghĩ muốn mình trở thành nhà văn.
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(Bán nguyệt san Tuổi Hoa, số Xuân Giáp Dần 1974)
Mứt Đắng Mứt Đắng - Nguyễn Thị Mỹ Thanh