Có người biết cách biến những trở ngại trong cuộc đời mình thành những bệ phóng, nhưng cũng không ít người lại biến chúng thành những viên đá chắn lối đi.

R. L Sharpe

 
 
 
 
 
Tác giả: Ma Văn Kháng
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Son Vo Di
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4816 / 77
Cập nhật: 2016-04-22 16:50:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 -
ừa tỉnh giấc, đã nghe thấy tiếng ủng cao su của ông Chánh ở ngoài hành lang, Trọng vội thu xếp chăn màn, sách vở tài liệu, rồi kéo hai cái bàn trở về vị trí cũ của nó. Tối qua, Trọng vào bệnh viện thăm Nam về muộn, lại tiếp tục đọc, ghi chép và viết đơn xin vào Đảng theo hướng dẫn của ông Chánh, nên tỉnh dậy đã hơn bẩy giờ.
Tay lóc xóc chùm chìa khoá, ông Chánh bước vào cửa, vừa thấy Trọng đã cất tiếng reo:
- A! Trọng! Đêm qua ngủ mát quá nhỉ! Cậu thế mà sướng nhất đấy! Nhà tớ, tiếng là lắp ghép nhưng xa quá, đạp xe rã cả chân. Mà nước nôi đến khổ, gánh suốt.
Sướng nhất! Sướng cái gì khi phải ngủ trên những cái bàn làm việc ghép lại, khi không có một góc riêng tư. Giá như nhà ba gần thì Trọng đã về ở với ba, dẫu rằng như thế thì khổ cả hai cha con vì chật chội quá. Còn ông Chánh, nhất là Hưng, độc thân mà riêng một buồng rộng hăm bẩy mét vuông. Thành phố đang khó khăn về nhà cửa. Ước ao có được một căn buồng như thế như ước ao có được một toà lâu đài. Hưng làm thế nào kiếm được một căn buồng như thế? Chính Hưng tuyên bố: phải biết theo thời thế. Hưng biết mọi cái xấu xa tồi tệ và Hưng chịu uốn mình chấp nhận.
- Nhưng mà bác Chánh ạ, tôi ở ngoài đê là chính, mấy khi ở cơ quan mà cần nhà với cửa.
Trọng đáp vừa thật thà vừa có ý châm biếm.
Ông Chánh quay lại, chỉ nhận ra phần chân thật của anh kỹ sư, tặc lưỡi:
- Cậu nghĩ thế cũng phải. Với lại, Trọng à, cậu nên nghĩ là cậu đang ở thời kỳ phấn đấu...
- Thế sau thời kỳ phấn đấu, được vào Đảng rồi, thì sao?
- Hà hà... cậu chúa là hay lý sự rắc rối... Nhưng cậu nên nhớ là, chính cậu Hưng đã phấn đấu theo cách tôi chỉ bảo nên đã đạt kết quả.
Ông Chánh cười, lờ đi câu trả lời. Phần vì bí, phần vì ông đang bận. Ông còn đang bận kiểm tra dấu ở mấy cái tủ. Con người tay hòm chìa khoá của cơ quan này tính vốn cẩn thận. Tủ nào cũng có khoá, tất nhiên, và khoá nào khi ra về ông cũng lấy giấy bao lại kín mít. Ông bảo: để cho kẻ gian nó có ngó cửa sổ vào nó cũng không biết khoá kiểu gì để chế tạo chìa khoá giả. Tủ khoá chắc chắn rồi ông còn để dấu. Dấu là một mảnh thuỷ tinh, cái kim băng gài rất khéo léo và kín đáo, ở một kẽ hở nào đó; nếu có ai mở tủ thì lệch dấu ngay. Cách này là để đối phó với nội bộ(!).
Cái cử chỉ soát lại dấu yểm ở mấy cái tủ của ông Chánh làm Trọng phật ý, mặc dầu anh đã cố gạt đi. Cũng may, không có sự lệch dấu nào. Và ông Chánh đã bước tới ghé sát Trọng, đột ngột:
- Này cậu Trọng, tôi nói là nói thật mà, các cậu cứ đem ra đàm tiếu là không nên.
- Bác bảo sao?
- Tôi vào thăm ông Nam, ông ấy nói hết với tôi rồi. Ông ấy bảo phải lo nơi ở cho cậu, đừng có giải thích thô sơ như tôi vẫn hay nói, cánh trí thức trẻ nó cười cho. Ông ấy còn góp cho tôi nhiều ý kiến nữa. Nhưng tình thực là thế. Là cái hồi mới tiếp quản thành phố này, hai vợ chồng tôi ở đúng chỉ có sáu mét ca-rê.
- Là cái chuồng béc-giê của một thằng quan Tây!
- Đúng thế! Cậu được cơ quan cho ở như thế này là còn sướng chán. à, mà bao giờ cậu định cưới vợ đấy? Tôi biết mặt cô ấy rồi. Tên là Loan nhỉ?
Tôi đến thăm ông cụ cậu, thoáng cái biết ngay là cô ta. Trường túc bất chi lao. Khớ đấy, bốn điểm cộng. Hà hà...
“ Lại một điệp khúc nữa!” Trọng nghĩ vui vui và có ý coi thường ông. Nhưng Trọng đã lầm.
- Này, cậu Trọng - Ông Chánh đã đổi giọng ghé sát hơn mặt Trọng – Mình muốn tâm sự với cậu một tí. Vừa rồi mình đến kiểm tra khúc đê Nhị Lang. Chẳng hiểu thế nào mà các cụ ở cơ sở cứ nhầm mình là ông trưởng ban, còn ông trưởng ban họ lại cứ tưởng là anh văn phòng. Thế có chết cười không chứ!
- Chắc là tại cái cặp da Hưng cho bác mượn.
- Đâu có cặp da. Mà cái chính là tư thế, tác phong. Cậu có thấy không, đi cơ sở, ăn thua trước hết là cái tướng mạo, sau nữa là điệu bộ, cách nói năng. Không nói thì thôi, chứ đã nói là phải dứt khoát, phải làm cho cấp dưới ngớ ra, phải “ chịu thầy” mới được. Thế mới có uy tín mà làm việc, cậu ạ.
- Uy tín là do năng lực, phẩm chất chứ đâu có phải tự tạo ra như cách ấy được.
- Thì đã đành. Nhưng, thủ thuật cũng quan trọng chứ! Mình chỉ tiếc - Ông Chánh gãi gáy – Năng lực mình có hạn. Chứ nếu mình được cái tài như ông Nam thì... á, cậu vào thăm ông Nam rồi chứ. Mình vào chiều qua. Gớm bạn bè ông ấy lắm quá. Chỉ không thấy con gái. Ông này kỵ phụ nữ hay sao! Lạ thật! Ông Nam nghiệp bá đấy, mà sao lận đận đủ mọi bề? Mình như ông ấy mình chẳng chịu ngồi ở chức trưởng phòng đâu. à, mình phải đi tìm mấy tờ báo để gửi vào cho ông ấy đây.
- Bác định vào thăm anh Nam bây giờ à?
- Không! Chốc nữa, có một cậu đeo kính trắng, bạn ông ấy, rẽ vào đây, lấy đem đi. Tay này nghe đâu là bạn học, lại mới đi Nga làm cái phó tiến sĩ về.
Vừa lúc ấy các cô ở tổ đánh máy đã lẹp kẹp guốc dép bước vào phòng. Và Hưng, ôm cái cặp da hấp tấp gần như chạy vào khuôn cửa vừa mở ở đầu phòng đằng kia.
- Chết cha thật! Anh Chánh ơi, anh đang làm gì thế?
- Chào thủ trưởng Hưng - Đang lúi húi ở bàn báo nghe tiếng gọi hớt hải của Hưng, ông Chánh bật ngay dậy rất bất ngờ và sau đó hạ giọng rất khiêm nhường – Tôi đang soạn mấy tờ báo để gửi cho anh Nam mà anh.
- Ông trưởng ban đang giục toáy lên kia kìa. Báo cáo sơ kết, báo cáo khoa học của phòng đâu? Tôi tìm mãi vẫn chưa thấy, không hiểu bố Nam để đâu! Anh giúp tôi một tí. Sao, lại phải gửi báo hàng ngày vào cho ông Nam nữa cơ à!
Hưng đi thẳng đến cái bàn của Nam, loại bàn trưởng phòng, chân có gắn tủ. Ông Chánh vội mở cái tủ đựng tài liệu ở góc phòng. Chưa bao giờ Hưng lại tỏ ra sốt sắng đến như thế: Hay là Hưng được giao trách nhiệm thay thế Nam và giữa Hưng và ông Chánh đã hình thành một mối quan hệ mới mẻ? Ông Chánh chả vừa tâng Hưng lên vị trí thủ trưởng đó thôi!
- Anh Chánh đã thấy chưa? Bố Nam này luộm thuộm thiếu khoa học và hồ đồ không chịu được – Hưng lục ngăn kéo, mở tủ, lôi ra các cặp giấy, bới lộn – Quái lạ, chẳng thấy đâu là thế nào! Hừ, bản thảo Lịch sử đê điều. Tổng kết về các hiện tượng nứt đê. Cách sử lý kè sụt... Vớ vẩn!
Trọng đưa mắt nhìn Hưng, chợt rực lên một ý nghĩ, lại cố dìm đi. Chẳng lẽ người ta lại có thể trở nên đê tiện một cách nhanh chóng đến như thế. Vả lại, vụ vỡ cống Lợi Toàn thì đã rõ ràng như ban ngày rồi, làm sao lấp liếm được!
Ông Tiếu đã tới, đang bô bô bên tổ máy chữ. Lại chuyện con mèo tam thể bị mất, nồi áp suất dầy năm ly và lương chuyên viên hai. Trọng xếp tài liệu, sách vở, cái áo mưa vào túi bạt. Ông Chánh vừa sang, kéo ghế, ngồi xuống, vừa lục đống tài liệu của Nam vừa thì thào cái gì đó với Hưng. Trọng thần mặt nghĩ mung lung. Còn mấy việc phải làm xong để mai đi cơ sở. Tìm thêm một số tài liệu cho anh Nam. Gặp Loan, nói vài lời. Đến thư viện. Đưa đơn cho ông Chánh, phó bí thư.
Ông Chánh vừa đứng dậy, Trọng liền bước tới, chìa cái phong bì, mặt đỏ rân rân, lí nhí.
- Bao giờ cậu lên đường - Ông Chánh nhận cái phong bì đựng lá đơn của Trọng, hất hàm hỏi.
- Sớm mai, tôi đã mua được vé ô tô rồi.
Ông Chánh nhăn mặt, vẻ khó chịu, chắc là vì cách nói thiếu thưa gửi của anh kỹ sư.
Trọng quay về bàn mình. Nhưng, Hưng đã nhổm lên, bất ngờ:
- Này, cậu Trọng. Hoãn lại chuyến đi ít ngày đã.
- Sao thế?
- Tôi phải nắm lại kế hoạch công tác của cậu.
Hưng nói, lạnh lùng. Trọng quay lại, ngây ngây mặt. Sao lại có thể nhanh như thế! Hôm qua Hưng còn là một gã trai hay bông phèng, ăn nói văng mạng và cá mè một lứa với Trọng. Không để ý đến thái độ của Trọng, Hưng điềm nhiên tiếp:
- Chúng ta phải chấn chỉnh lại cách làm việc, không thể để luộm thuộm thế này được!
“ Chắc là Hưng mới được đề bạt.” Trọng nghĩ, cắn môi, nhún nhường:
- Đề tài “ Tìm và diệt tổ mối trong thân đê” anh Nam giao, vả lại tôi đã báo cáo tiến trình công việc với phòng nhiều lần rồi.
- Nhưng mà bây giờ tôi phải nắm lại.
- Thì anh cứ việc tìm hiểu.
- Cậu không thể nói như thế được!
- Anh cũng không nên xúc phạm tới anh Nam.
Hưng nghển cổ, hơi bị bất ngờ:
- A! Xúc phạm! Thế nào là xúc phạm? Mà cậu đã hiểu biết ông Nam đến đâu nào?
- Anh ấy là cấp trên của tôi.
- Đừng nên để tình cảm cá nhân chi phối.
- Tôi duy lý!
- Thế thì cậu nên tìm hiểu cho kỹ ông Nam nhé. Đừng quá hàm hồ. Chúng ta là những người làm công tác khoa học. Tiêu chuẩn cao nhất là sự thật, là chân lý.
- Tôi chỉ sợ anh không chịu được sự thật – Trọng đứng dậy, không vừa, - Và tôi đề nghị không nói sau lưng bạn.
- Tôi nói công khai.
Gay go rồi. Cuộc đấu khẩu có thể trở nên gay gắt. Các cô đánh máy ngừng việc, quay lại, nghe ngóng. Ông Tiễu vừa nhảo đi đâu. Ông Chánh vội chen vào giữa hai cái bàn. Tay ông gõ mạnh cái phong bì có lá đơn của Trọng vào rìa bàn, như đánh nhịp:
- Cậu Trọng! Đừng nóng. Anh Hưng nói thế là có ý đúng đấy. Cậu phải tỉnh táo mới được!
- Tôi tỉnh táo chứ.
- Thế cậu có công nhận là chúng ta phải đưa toàn bộ công việc vào nề nếp không? Anh Nam ốm, ta càng không nên vì thế mà lỏng lẻo ý thức.
- Sao bác lại có thể nói như thế nhỉ? - Trọng gắt – Tôi có công việc của tôi. Đề tài này tôi đang làm. Mà gấp lắm rồi. Mùa lũ đã bắt đầu. Công việc cần mà lại bị cản trở là thế nào.
Ông Chánh ngả người, dang hai tay, cười hề hề:
- Đấy, cậu lại nổi nóng rồi. Ai cản trở cậu? – Rồi hạ giọng xuống một cung bậc, ông tiếp:
- Này, Trọng ơi, nhớ là đang ở thời kỳ phấn đấu nhé. Mà đây lại là nghị quyết liên tịch của phòng và tổ đảng cơ mà!
Trọng ngồi rũ xuống bàn ngay sau câu nói của ông Chánh. Đắc thắng, ông Chánh quay sang phía tổ máy chữ, vang vang:
- Ồ kìa, các cô, dàn nhạc chơi đều đi chứ!
Ba cái máy chữ đổ như mưa rào. Ngoài trời, mưa lắc rắc. Ông Chánh cúi xuống tiếp tục lục đống giấy tờ ở các ngăn tủ của Nam. Hưng lại lôi một ô ngăn kéo, rút ra một chồng tài liệu, cúi xuống ngó nghé, rồi rút tụt cái ngăn kéo không ra, dỗ dỗ xuống sàn gác. Hưng sẽ ngồi ở cái bàn này. Mặt Hưng vẫn cau cau, bực dọc:
- Hừ, cứ đạo đức giả mãi, làm như mình trong sáng, lý tưởng lắm. Thời buổi này làm gì có những chuyện đó!
Chừng như nghe không rõ, ông Chánh ngẩng lên, hai mắt nở to, đón ý:
- Anh bảo gì cơ, anh Hưng?
Hưng hơi nghiến răng:
- Tôi bảo rằng... con người ta, anh quái nào chẳng vụ lợi, không ít thì nhiều. Và nói chung, ai cũng vì mình cả thôi!
- Tôi không hiểu...
- Đấy, ông cứ thử nghĩ về mình xem. Có phải bao giờ ông làm một việc gì, trước hết, ông cũng nghĩ rằng ông được một cái gì nhờ việc đó không?
Mưa Mùa Hạ Mưa Mùa Hạ - Ma Văn Kháng Mưa Mùa Hạ