They say love is blind…and marriage is an institution. Well, I’m not ready for an institution for the blind just yet.

Mae West

 
 
 
 
 
Tác giả: Cát Lan
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1895 / 7
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 -
ừ ngày bà Hồng Lan về nước đến nay, Phú Gia không hề trao đổi điều gì với Pha Lê. Thật ra, cô cũng không thể vì chuyện đó mà chết đi. Chỉ hơi buồn một chút và cô giải khuây bằng cách xin phép ông Bình cho cô lấy chiếc xe cà tàng mà ông sắp quăng vào nghĩa địá học lái.
Ngọc Bạch vừa thấy đã vội la lên:
− Này, điên vừa thôi chứ! Muốn học người ta mướn xe hoặc nhờ xe, chứ chiếc đó cũ quá.
Pha Lê trả lời gọn lỏn:
− Em không dám mượn xe của chị với Thế Phan, càng không dám lấy xe của ba nuôi. Nhưng bề ngoài không quan trọng, chỉ cần máy nổ tốt là được. Mai, em nhờ chú Ba đem nó đi rửa.
Ngọc Bạch chợt nhớ tới Phú Gia nên hỏi:
− Thế tên tài xế của ba mình đâu?
− Anh ta đi làm việc khác rồi.
− Hổm rày ba tự lái xe, có khi nhờ Hồ Hải, vậy mà tao quên. Này! Sao hôm nay mày nổi hứng tập lái xe chi vậy?
− Em muốn học cho biết.
− Mày nhát như thỏ, chạy đi đâu cho được.
Thấy Pha Lê ham như vậy, ông Bình cho thợ tới sửa, sơn mới toàn bộ rồi đem nó đến điểm học lái xe, để mỗi chiều sau giờ làm việc là Pha Lê được hướng dẫn sử dụng.
Được một tháng, cô quen dần, tự lái xe đi làm và về nhà, nhưng cũng chưa dám chạy những con đường mà cô chưa đi. Thấy thế, Ngọc Bạch rủ rê:
− Tao không ngờ này bạo phổi như vậy. Thế có muốn cùng tao đi khiêu vũ không. Đừng có nói với tao là mày đi học ban đêm đó. Hai tháng nữa mới nhập học đó cưng.
− Học cho biết cũng được. Nhưng chị lấy xe hơi của chị cho em chở.
Ngọc Bạch khoanh tay ngó lên trời:
− Điệu này chắc tao phải dán lên xe hai chữ “tập lái” quá. Mà hôm nay mày chạy thì mai mới tới.
− Em sẽ cố gắng và nhất định sẽ tiến bộ ngay ạ.
− Tao thấy mày như con ong thợ cần cù chăm chỉ trong mọi việc. Nhưng ở trên đời này, mình tính không bằng ông trời tính. Ý tao nói là mỗi người có số kiếp riêng. Như tao từ nhỏ đến giờ đều ăn ngon mặc đẹp, không phải vất vả như một số bạn bè khác.
− Vâng. Em thấy tướng của chị rất sang và hình như chị không phải lo, đã có người sắp sẵn cả rồi. Còn em thì khác, không thể so sánh với bất kỳ ai được.
Hôm nay em theo chị chơi, chứ đừng nói gì học nhảy. Em dốt lắm, không tự nhiên được.
− Mày không dốt nhưng nhút nhát. Mạnh dạn lên. Nhiều khi phải vượt qua chính bản thân mình thì mới có cơ hội sống tốt được. Nhưng nói về cơ bản thì mày đã có nhiều văn bằng để đảm bảo cho tương lai rồi, những chuyện vặt vãnh này không biết cũng không sao.
Ngồi vào tay lái, Pha Lê thích thú khi được Ngọc Bạch hướng dẫn cách sử dụng. Có khi cô la hét rân trời vì nhắc nhở Pha Lê. Kết quả là Pha Lê hết hồn quá, thắng gấp, làm đầu mỗi đứa u một cục.
Thế nhưng không khí nhộn nhịp của vũ trường làm Ngọc Bạch quên ngay.
Chẳng mấy chốc, cô hoà vào niềm vui nơi đây. Pha Lê được một cô gái tập nhảy. Do sự tận tình của cô ta và vì chính bản thân Pha Lê cũng biết âm nhạc, cho nên cô cũng hoà theo nhịp thở của vũ trường chứ không lạc lõng như đã từng nghĩ trước khi nơi này. Thế là hai chị em, mỗi tuần đều đi với nhau mấy lần và nó trở thành thói quen suốt mấy tháng nay.
Một hôm, ông Bình hợp cả nhà lại, bắt đầu lên chương trình cho công việc mới. Ông tuyên bố chính thức thành lập một siêu thị lấy tên Sài Gòn. Hồ Hải và Ngọc Bạch đều nắm giữ các chức vụ quan trọng. Riêng Pha Lê không được ông nhắc tới, vì ông cho là cô tiếp tục học.
Bà Tuyết lắng nghe rồi hỏi một câu không ăn nhập vào đâu, nhưng nó lại là mấu chốt của công việc:
− Thế còn hai công ty mà ông nhắc tới hôm trước, chẳng phải nó đang hoạt động hay sao. Thế ai là giám đốc?
Ông Bình trả lời thẳng vào sự thật:
− Đó là kế hoạch của Phú Gia, nhưng tôi ngần ngừ không đầu tư cho nó, và cũng may là nó được một người ngoại kiều về trợ giúp. Từ đó tôi không biết đến nữa. Tôi thích mua bán sinh lợi ngay trước mắt. Tất nhiên là làm ăn lớn như vậy phải có giám đốc điều hành đàng hoàng, và tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng. Kế hoạch dự trù được phê chuẩn và xây dựng xong.
Bà Tuyết cười khẩy một tiếng, rồi quăng nhẹ tờ tạp chí lên bàn. Chương mục công ty đang phát triển của nguyệt san Kinh Tế tháng này là đầu tư nguồn nhân lực, có trích bài phát biểu của tiến sĩ Đại Phú, in hình Phú Gia trong bộ veston mày đen trên trang bìa.
− Thế này là thế nào? Có phải đây là một người lái xe đã theo xách cặp táp cho ông từ nhỏ, và khi ông làm thủ tục cho thằng cháu Hồ Hải yêu quý của ông thì Phú Gia đã theo cậu ấm này ra nước ngoài để tiện chăm sóc hay không? Thế bây giờ Phú Gia đã đứng đầu hai công ty” Đầu tư nguồn nhân lực” và” sản xuất linh kiện điện tử Hoàng Gia”, ngang bằng với những doanh nhân trên đất nước này hay sao? Hồ Hải, hãy giải thích đi.
Hồ Hải không ngần ngại nói thẳng:
− Qua bên đó, hai đứa tụi con chỉ được một chi phí nên phải vừa học, vừa làm. Phú Gia rất siêng học nên chỉ cần phân nửa tiền đầu tư của nhà này gởi sang là nó có thể sống, học và làm việc. Nhưng con thì không như thế, con chỉ học được nửa chừng thôi.
Ngọc Bạch xanh mặt lắp bắp:
− Anh nói gì? Vậy ra hôm đó là tiệc mừng anh trở về, nhưng không phải anh đậu tiến sĩ mà là Phú Gia. Thế nhưng sao anh ấy lại im lặng làm tài xế cho ba trong suốt khoảng thời gian dài?
Ông Bình lên tiếng:
− Tôi đã biết chuyện này từ lâu rồi, nhưng không thể trách Hồ Hải, vì ngay từ đầu, tôi cũng nhận ra chí khí của Phú Gia. Còn Hồ Hải, nó thương bạn nên cũng nhờ bạn giúp sức, hỗ trợ qua lại với nhau từ nhỏ, riết rồi thành thói quen.
Phú Gia lại có chỉ số thông minh đặc biệt và quen làm chịu học. Cũng không hẳn là tôi tài trợ cho Phú Gia hết, còn có một Mạnh Thường Quân nữa. Nhưng chuyện đã rồi, không trách ai làm gì. Tôi tin rằng Hồ Hải cũng từng học, cũng đã có những nhận xét riêng về nền kinh tế trong và ngoài nước, bây giờ đem áp dụng thực tế là được. Bấy lâu nay cũng vì thất chí mà Hồ Hải thường đi chơi.
Tưởng chừng bấy nhiêu đó đã đủ, bây giờ sự thật đã phơi bày, cũng không cần giấu giếm ai nữa, lo làm việc đi. Chỉ tiếc là đứa mình muốn cho nó học thì lại không học, đứa không cần lo thì học như điên, như muốn ngốn cả thế giới này vào đầu. Con Ngọc Bạch và Pha Lê cũng là một điển hình.
Bà Tuyết cũng không vừa:
− Thái độ của ông làm tôi hài lòng đó. Trước khi trách người thì hãy trách mình đi đã. Nếu từ xưa đến giờ, ông không gây ra chuyện thì tôi cũng không buông xuôi việc như thế này.
Ông Bình xua tay:
− Thôi mọi người về phòng ngủ đi. Chuyện đã bàn rồi.
Quay sang Ngọc Bạch và Hồ Hải, ông nói như than:
− Tụi bây lo làm việc mà sống, đừng có bày đặt yêu đương. Thủng thỉnh rồi ai nấy đều phải có gia đình, nhưng bây giờ chuyện nào cần thì phải làm trước.
Ông Bình nhìn Pha Lê một cái rồi bước đi, không nói thêm một lời. Bây giờ cô mới nhận ra một điều, là dường như ông ta nuôi cô vì một trách nhiệm nào đó chứ không phải là kẻ bàng quang, rộng tay giúp người. Mọi việc xảy ra trong cái nhà này, ông đoán biết từ lâu, nhưng không hề trách cứ ai cả, cứ bình thản đón nhận và tìm cách xử lý. Nhưng hôm nay mục đích của câu chuyện là việc mở siêu thị và việc đi du học của Hồ Hải, nên cô bị bỏ qua một bên. Mừng muốn nín thở. Thế nhưng Pha Lê có chút yên tâm vì cả nhà không ai biết cô là người của hai công ty đó. Họ cứ ngỡ là cô đang học và thực tập bên ngoài do ông Bình xin cho. Hơn nữa lúc này, cô chỉ về nhà buổi tối nên không phiền với ai, cô lại tỏ ra thân thiện với Ngọc Bạch nên không khí trong nhà vẫn vui vẻ bình thường không có chuyện gì.
Hồ Hải bỏ đi ngay sau đó. Bởi anh biết Ngọc Bạch sẽ nói gì, ít nhất là cũng cằn nhằn hết mấy ngày.
Thế Phan thấy cô em họ đứng bất động tựa một bên lan can nên đến an ủi:
− Anh thật không ngờ Hồ Hải lại vụng về như thế. Rất tiếc anh chỉ là một bác sĩ, không thể phụ giúp gì được cho ba em, mà lúc sau này anh thấy dì Tuyết cũng không được vui.
Ngọc Bạch không muốn bộc bạch với Thế Phan - người mà trước đây cô từng dị ứng, vì mẹ cô rất tin tưởng Thế Phan.
Thực ra một người có tài như anh dễ dàng tự lập cho mình, chứ không phải tối ngày nuôi hoài bão và chí lớn tại ngôi nhà này.
Ngọc Bạch lảng chuyện:
− Chuyện giữa anh và Pha Lê ra sao rồi?
− Giậm chân tại chỗ. Cứ sáng sớm là mạnh ai ấy đi. Chiều về anh thấy cô ta đi theo em chơi, lấy đâu mà nói chuyện.
Ngọc Bạch bật cười:
− Thiếu gì cách gặp nhau. Chẳng hạn như anh tìm hiểu nơi nó đi làm, rồi gởi tặng một vài thứ cho nó, dò xem thái độ thế nào. Hoặc có thể chặn đường Pha Lê lại gây chuyện chẳng hạn.
− Anh không thích hạ mình như thế. Tại sao anh phải lên tiếng trước trong khi Pha Lê lại thấp kém hơn anh.
Ngọc Bạch nhún vai:
− Vậy thì hãy chờ xem!
Thế Phan nhướng mày ra vẻ bất cần:
− Anh không tin là Pha Lê khôn ngoan, cô ta rất khờ. Mà những người như vậy thường không quên những khoảnh khắc đẹp. Phải nói là Pha Lê rất đẹp, em có hiểu không?
Ngọc Bạch nhăn mặt:
− Anh định nói chuyện gì thế? Nói xấu à? Phải bảo vệ người mình thương chứ, có đâu lại gieo vào đầu người ta những chuyện riêng tư cho người khác tò mò. Nhưng chưa chắc anh đã đạt được ý muốn của mình, cho nên anh là người nhớ nó, còn nó thì ghê tởm anh. Pha Lê là đứa con gái rất lành tính. Ngay từ khi nó bước vào nhà này, em có nhận xét như vậy và bây giờ vẫn đúng.
Thế Phan nổi quạu:
− Nếu Pha Lê là em gái của em thì sao? Đừng có ngu! Nên biết, tài sản này sẽ bị chia đôi đó.
Ngọc Bạch nhận ra có cái gì đáng sợ trong đáy mắt của Thế Phan, như anh đang hình thành một dự tính nào đó.
− Em không lo. Tài sản này đều do mẹ đứng tên, và là của hồi môn ông ngoại cho mẹ nhân ngày vu quy. – Cô đùa – Em đừng phải chia đôi với anh là được.
Thế Phan tranh luận:
− Em là con gái, trước sau gì cũng phải theo chồng, nếu trúng người đàng hoàng thì đỡ. Em coi chừng Hồ Hải, nó nướng hết vào sòng bạc đó.
− Cám ơn anh đã nhắc nhở. Nhưng em đảm bảo tính Hồ Hải không giống tính anh. Tuy anh ta học không bao nhiêu. Hồ Hải có chơi cũng biết dừng lại đúng lúc.
− Em bênh cho người dưng à?
− Thì đã sao nào?
Ngọc Bạch quay lại, vô tình thấy cuốn tạp chí trên bàn:
− Em không tin là mẹ phát hiện ra chuyện này, mà là chính anh đã đưa mẹ em xem, phải không?
− Em nói đúng đó. Chuyện lạ mà. Chưa hết, anh còn biết chuyện của bà Hồng Lan. Trước đây, bà là đứa con hoang, đi giúp việc cho gia đình người ta lấy tiền ăn học, cho đến khi gặp ông chủ.
Ngọc Bạch quay ngoắt lại:
− Chính anh đã cho mẹ tôi biết chuyện này.
− Ờ, thì anh phải cho dì Tuyết hay chứ, để tiện việc đối phó.
− Mẹ tôi làm mệt rồi lên cơn đau tim từ hôm đó đến nay.
− Bà thật sự bị ám ảnh khi nhìn thấy Pha Lê.
− À! Thì ra, hôm đó anh là người mà mẹ cho thừa kế trên các khoản tài sản, nên anh mới đi rút tiền lời hàng năm về được một trăm triệu cất giữ, nhưng bị trộm lấy mất.
− Em nói chính xác đó, bởi đừng có chủ quan mà mất trắng, em cưng ạ. Anh có bổn phận phải nuôi dưỡng và chăm sóc cho em suốt đời, vì dì Tuyết đã nhờ luật sư làm giấy nhận anh làm con nuôi từ lâu, nên anh là người hợp pháp thừa kế gia sản này. Rồi có lúc em sẽ ngoan với anh thôi.
Ngọc Bạch ngửa mặt lên trời cười lớn:
− Nhưng ông trời không giúp anh. Số tiền đó đã mất. Mẹ tôi tuy không nghi ngờ anh, nhưng bà cho đó là điềm xui xẻo nên đã huỷ di chúc và sang tên người thừa kế lại cho tôi. Cách đây một tháng, có luật sư tìm tôi lấy giấy chứng minh nhân dân, và bảo tôi điền vào mấy chỗ còn bỏ trống để làm di chúc thừa kế tài sản.
Ngọc Bạch tiếp tục đoán:
− Anh định phủ đầu bằng cách làm cho con bé nhơ nhớp không thể ngẩng mặt lên với đời?
Thế Phan không chối, vì anh và Ngọc Bạch quá hiểu nhau, cho nên anh gật đầu thừa nhận ngay.
− Nhưng hiện tại là anh đang nhớ Pha Lê, đúng không? Kết quả ngược lại, trông anh rất thảm hại.
Thế Phan không nói thêm một câu nào, anh lững thững vào nhà.
Ngọc Bạch dường như không chịu nổi áp từ ba phía. Chuyện của Hồ Hải không học mà được, cả nhà mừng rỡ tin tưởng đón tiếp như thật, anh lừa dối cô; chuyện Thế Phan định chiếm đoạt tài sản, và bây giờ đến lượt Pha Lê là con của ba. Ngọc Bạch nghe như đất dưới chân mình bị sụp đổ. Cô chạy như bay về phía phòng ông Bình. Nhưng cô kêu ơi hỡi cũng không thấy trả lời. Tức quá!
Cô tông vào cửa một cái rầm nghe đau điếng.
Có tiếng quát khẽ trên cao, ông Bình đang leo trên cái thanh sắc treo ngôi sao lên trần nhà.
− Chuyện gì thế?
− Ba ơi! Ba xuống đây, con nói chuyện này nghe nè.
Thấy ông Bình còn nấn ná, Ngọc Bạch liền rung cái thanh sắc mấy lượt.
− Từ từ, cái gì mà dữ vậy? Nhà cháy à?
− Ba! Ba nói cho con biết đi. Pha Lê có phải là đứa con rơi của ba không?
Ông Bình tụt xuống đến ngồi vào chiếc đồng bằng sứ, ông rót trà ra chung, chờ nó nguội, ông hớp một ngụm rồi nói khẽ:
− Nó là con của ba.
Ngọc Bạch uất ức:
− Tội nghiệp mẹ. Thế mà bấy lâu nay, con trách lầm mẹ. Nhưng sao mẹ không nói với con điều đó?
− Vì mẹ đã tha thứ cho ba. Hơn nữa chuyện đó qua lâu rồi. Nếu con không thích thì không nhìn nhận nó. Ba không ép, vì con là chị nó. Sở dĩ ba hay la rầy con là vì ba thương và quan tâm đến con nhiều.
Ngọc Bạch cúi đầu:
− Con cũng không ghét bỏ nó, nhưng ba phải hứa với con một chuyện.
− Con nói đi!
− Ba không cho nó một cái gì trong nhà này cả. Hãy để cho con đến với nó bằng tình cảm, chứ không phải đối phó thêm một người.
− Được, ba hứa. Tài sản này là của con. Nếu sau này con muốn cho nó một tí gì hay không thích giao du với nó là tuỳ ở con. Nhưng con phải hứa với ba là không được ỷ lại. Của cải do tay mình tạo nên vẫn hơn.
− Vâng. Nhưng con muốn hỏi ba câu này, ba có thương nó không?
− Không so sánh với con được. Cha mẹ con cái sống với nhau từ nhỏ, có cực khổ, gian truân, sung sướng bên nhau thì tình thương đó mới đậm đà. Còn chuyện quá khứ dẫu có nói thương thì cũng chẳng được bao nhiêu. Hiện tại mới là tất cả.
Ngọc Bạch mỉm cười:
− Thế thì con yên tâm rồi. Thật ra, con không có chị em, nên cũng rất muốn có người bầu bạn. Nhưng con muốn nó đến với con thật sự vì tình cảm hơn là bất kỳ thứ gì khác.
− Ba cũng muốn như thế.
Ngọc Bạch ngân ngấn nước mắt, cô biết nguyện vọng của ba là nuôi dưỡng Pha Lê nên người, và ông rất vui về điều ấy. Tuy nhiên cô cũng có chút ích kỷ là muốn ba trọn vẹn là của cô và thương duy nhất có mỗi mình cô thôi.
Ngọc Bạch đi về phòng, cô liếc nhìn ngang phòng của Pha Lê. Tối om. Tự dưng cô muốn nhìn em gái ngủ yên ra làm sao nên ghé lại.
Cửa phòng khép hờ không đóng, mùng buông ngang mặt trông nó rất vô tư.
Phải nói là Pha Lê quá xinh đẹp. Đôi mi nặng trĩu viền quanh đôi mắt thẳng đứng, chóp mũi thóp lại vừa tẩm, đôi môi xinh xắn lúc nào cũng chúm chím thật dễ thương ... Nói chung là cô em gái này rất xinh đẹp, dễ thương mau mắn.
Đích thực là em gái của Ngọc Bạch rồi.
Pha Lê vừa choàng tỉnh, cô chợt thấy ánh trăng chiếu vào tận giường thì bỗng như cô nhớ lại và hốt hoảng ngồi lên:
− Ai đó?
− Chị đây.
− Có việc gì không, chị Ngọc Bạch?
− Không, chị chỉ tiện đường ghé qua em. Nhưng sao em không buông mùng mà cũng không khoá cửa phòng lại. Làm thân con gái, phải cẩn thận một chút, biết chưa?
Pha Lê ngồi lên:
− Em nghĩ lan man một chút rồi ngủ quên. Sao hôm nay chị thức khuya vậy?
Ngọc Bạch cười:
− Bây giờ mới sập tối mà cô nương. Mà này nhà mình sắp mở siêu thị lớn đó. Em có cần việc gì cứ nói với chị. Không biết em ra ngoài làm những việc gì, nhưng theo chị thấy, làm với người ngoài căng thẳng lắm, không như trong nhà đâu. Hơn nữa, nhà ta cũng rất cần người.
Pha Lê có suy nghĩ:
− Em rất thích công việc đang làm, nhưng nếu tới cuối tháng mà không ký hợp đồng chính thức thì em sẽ xin về.
Ngọc Bạch cười thân ái:
− Không sao, đó là do chị cảm thấy lo lắng. Khờ như em thì rất dễ bị người ta ăn hiếp. Nhưng nếu chỗ nào thích hợp thì em cứ làm.
− Hôm nay chị có vẻ vui?
Ngọc Bạch thở dài:
− Lý ra chỉ phải buồn mới phải, nhưng thôi, con người ai cũng có duyên số riêng trách ai được bây giờ. Em biết không? – Ngọc Bạch nói như tâm sự - Chị không ngờ, người mà mình hằng trông mong, cũng như cả gia đình đang kỳ vọng lại không phải là anh Hồ Hải. Một phần nào đó chị cũng từng hy vọng vào anh ta. Thế nhưng Hồ Hải không phấn đấu để rồi bỏ lại sau lưng tất cả. Trong khi đó, một người về nước âm thầm, không cần ai đưa đón, không cần một ai biết tới ... Anh ta ngồi giữa mọi người, có thể nhận xét và biết hết mọi điều nhưng không buồn thanh minh. Vì anh ta có lý tưởng riêng, cho nên mọi xa hoa vật chất tầm thường không cho là quan trọng. Ba đã thích một người như thế nên mới nuôi Hồ Hải cho ăn học nên người. Cuối cùng, Hồ Hải thành kẻ lừa đảo, dù lòng chị muốn tha thứ, và ba cũng bất lực, không lẽ đem anh ta ra xử bắn nhưng cũng không tránh khỏi chuyện buồn. Chị hư quá phải không em?
Nêu nhe chị không dệt mộng làm ca sĩ thì giờ đây ba đâu phải thất vọng trong khuynh hướng đào tạo cho công ty nhà một người có năng lực hoàn thành nghiệp lớn, mà không phụ thuộc vào người khác? Phú Gia thường đi cùng em, thế mà em cũng không biết anh ta ư?
− Em cứ ngỡ anh ta là tài xế của ba, tuy nhiên em vẫn thấy ngờ ngợ về cung cách Phú Gia. Em chỉ dự đoán là nếu anh ta cố gắng sẽ là một ông chủ lớn sau này. Nhưng Phú Gia là một người của công việc, anh ta không dễ chịu như Hồ Hải đâu. Con người nhiều khi chỉ cần có một thứ hơn là cần một lúc nhiều thứ.
− Là cái gì?
− Em ao ước có một người thương em thật lòng. Nhưng mới ra đời, em sớm thấy chuyện như thế và biết không phải là không có, nhưng mình không gặp được tri kỷ.
− Còn chị thì ngược lại, chị thấy không có gì là tuyệt đối cả. Tình thương dẫu có cũng chỉ là chừng mực nào đó thôi, tương lai mới là quan trọng. Nếu lâm vào cảnh nghèo đói hay bệnh tật mà không có tiền cũng không thể ngoi lên được.
Pha Lê vẫn bảo vệ lý lẽ của mình:
− Thì chính những lúc đó, con người mới cần vào tình thương. Như mỗi lúc chị buồn chị có thể nhào vào lòng mẹ, khóc vòi vĩnh với ba. Như thế là hạnh phúc lắm rồi, không phải nhà không giàu có, nhưng ba lại muốn giàu hơn, vì ba thương chị muốn cho tương lai chị được sung sướng. Nhưng với em, khi vui hay buồn thì chỉ có một mình, và em chỉ vui sướng khi thấy mình đạt thành tích trong học tập, đó cũng là niềm vui duy nhất để em có thể sống, cho nên em phải phấn đấu từng ngày.
− Em giống như một loài cỏ dại.
− Vâng. Nhưng lòng chị đang bất ổn đúng không?
− Chị muốn nói chuyện với Phú Gia một lần. Hay nói đúng ra, chị muốn làm bạn với Phú Gia. Chị mến mộ người ấy.
− Em hiểu.
Ngọc Bạch cười tươi:
− Mong là em ủng hộ chị.
− Vâng.
Ngọc Bạch đứng lên:
− Không phiền em nữa. Chúc ngủ ngon nhé!
Ngọc Bạch ra khỏi phòng nhanh như một cơn lốc. Mười phút sau, Pha Lê vừa khép cửa thì bà Tuyết đi tới. Cô gật đầu chào. Bà nhìn cô một thoáng rồi nói nhỏ:
− Ngọc Bạch dễ tin người quá, nhưng tôi không tin là người đàn bà ấy chịu thua cuộc. Nhưng có làm cho lắm thì cũng không níu kéo được quá khứ trở về.
Kết quả của một mối tình giành giật là phải ôm hận ra đi, bỏ con lạc loài, bôn ba khắp xứ. Bây giờ giàu có thì sao? Được cái gì nào? Không dám nhận con, chồng cũng không phải là của mình. Bởi người đàn ông đó vẫn làm cho của cải nhà này sinh sôi nảy nở, vẫn ở trong cái gia đình này, vẫn tôn trọng vợ con. Trong khi mẹ con cô mấy chục năm qua sống không ra người. Ai có thể cam đoan rằng chuyện quá khứ không thể lặp lại. Cho nên, cái thân phận lẽ mọn đời nào cũng có nhưng được gì đâu. Ta chẳng hề tự ái mà giận dỗi bỏ đi, cho người khác nhảy vào. Hồng nhan bạc phận là chỗ đó. Sắc đẹp luôn làm cho nó tưởng chừng có thể có được tất cả để rồi phải nhận một vai diễn trong bi kịch của cuộc đời.
Bằng mọi giá, cô phải nghe lời Ngọc Bạch. Nếu cô làm cho nó buồn, ta sẽ không tha cho đâu.
Ánh mắt bà ánh lên tia lửa dữ dội khiến Pha Lê ngẩn ngơ. Cô không hiểu gì hết. Nhưng bà Tuyết không màng đến chuyện Pha Lê có hiểu những lời bà nói hay không, bỏ đi một nước. Pha Lê nhìn theo dáng dấp sang trọng của bà chủ mà lòng hoang mang không dứt. Bà ta luôn lẫn lộn chuyện quá khứ và tương lai. Cũng có thể là một ám ảnh, dù rằng bà luôn bảo vệ được mái gia đình của mình. Nhưng có ai đoan chắc rằng bà ta không đau khổ, không bị hối hận giày vò triền miên. Và sự thất bại của Hồ Hải, sự nhầm lẫn của Ngọc Bạch càng làm cho bà ta điên tiết lên.
Pha Lê lờ mờ hiểu được những chuyện đã xảy ra nơi đây. Hình như cô vô tình là một thành viên trong gia đình này, nhưng lại là nỗi khổ của người khác, cứ ngỡ rằng cô tuân theo sự sai khiến của một ai đó. Tự dưng Pha Lê nghe buồn khi nghĩ rằng mình có thể tìm được một mái ấm nơi đây. Rằng sống nơi đây không khó khăn, khắc nghiệt như đã tưởng nhưng lại nặng nề từng ngày. Thế tại sao cô phải đeo mang nó, không thoát ly khỏi nó. Cô cũng có thể vừa học, vừa làm. Có thể sống ung dung hơn khi không gặp lại họ trước khi mọi thứ nơi đây trở nên quá khắc nghiệt với cô.
Nhưng liệu khi rời bỏ nơi này, cô có hèn hạ quá không? Có phủi sạch ơn nghĩa bao nhiêu năm qua ông Bình đã kỳ vọng ở cô không? Cô mang ơn ông ta sâu nặng như thế, liệu sự ra đi của cô lúc này đem đến cho ông cú sốc như chuyện của Phú Gia vừa qua không?
Những cái chấm hỏi lớn dần theo Pha Lê vào giấc ngủ.
Mùa Lá Bay Mùa Lá Bay - Cát Lan