Vẻ hào nhoáng sang trọng là thứ mà mọi người luôn ao ước, nhưng chính sự trưởng thành trong khó khăn mới thực sự làm người ta ngưỡng mộ.

Francis Bacon

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 34
ị cấm trại trong thời gian hưu chiến Tết, Lãng không hề bực bội, vì trong túi không có tiền. “Tiền lính, tính liền”! Lãng “tính” quá sớm, nợ nần bạn bè hơi nhiều, được lĩnh lương tháng 1-68, phải trả ngay những món nợ không thể không trả được, để còn giữ chút uy tín mà mượn những lần sau. Rồi cuộc tấn công của cộng sản vào thủ đô “quần thảo” Lãng hơn một tuần lễ không được nghi ngơi. Đơn vị Lãng vừa giải phóng được vùng Phú lâm, thì được gửi ra Miền Trung giải phóng Huế. Những chiếc C123 chở các đơn vị thiện chiến nhất của binh chủng Lãng ra căn cứ Phú bài “giải phóng quế hương”. Bốn tiếng đó nếu bình thường không đủ sức mạnh để Lãng xúc động, nhưng vào lúc này, lúc chưa biết số phận gia đình mình ra sao, lúc từng đụn khói đen bốc lên từ những khu phố, những con đường Lãng quen thuộc từ thời mới sinh, tự nhiên trở nên quyến rũ lạ kỳ. Sức quyến rũ không bắt nguồn từ những ý niệm đơn giản như bổn phận, trách nhiệm… Nó tự nhiên hơn nhiều, nó thoát ra ngoài những luận lý qui ước, nó hiển nhiên không cần phải giải thích. Lãng không phải là mẫu người rắc rối ngồi lặng hằng giờ để phân tích tìm hiểu lòng mình. Hai tiếng “quê hương” đối với Lãng đơn giản là những kỷ niệm không bao giờ phai nhòa trên mỗi góc phố, mỗi ghế đá công viên, mỗi nhịp cầu Trường tiền, mỗi quán nghèo bán bánh bèo ở Nam giao, kể cả những đợt sóng lăn tăn trên sông Hương, những xác lá rơi trong Đại nội, kể cả những tối rượu say mềm, những chiều sống điên dại quên đời…
Ðơn vị của Lãng giải tỏa được khu vực Gia hội trước khi vào trại Mang cá để bắt đầu đẩy các lực lượng địch ra khỏi Thành nội. Lãng khá tiếc là tuyến hành quân của mình không đi qua căn nhà thân yêu của gia đình, lòng cứ thắc mắc không hiểu căn nhà đó vẫn còn, hay đã bị thiêu cháy hoặc sập đổ như phần lớn các căn nhà khác. Huế tiều tụy tang thương hơn là Lãng tưởng. Dưới lằn mưa đạn pháo kích, cây cối gãy đổ, những cành nhãn cành mít bị chém lìa khỏi thân mẹ, nằm ngổn ngang trên lối đi. Hai bên đường, dày đặc những nấm mộ.Một số xác chết vô thừa nhận nằm căn phình dưới một tấm chiếu hoặc tấm vải cũ, đôi xác chết bị chó đói và heo sổng chuồng gặm mất một phần tay chân. Không khí tanh nồng, mặc dù khí hậu lạnh lẽo giảm bớt phần nào mùi xú uế bốc lên từ các tử thi.
Người thân đầu tiên Lãng phải bật khóc khi gặp được là Ngữ. Khi đại đội của Lãng vào được Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1, họ được đón tiếp như những người hùng. Những người lính bị vây khốn sống sót được cho đến lúc viện binh tới ôm chầm lấy họ, nghẹn lời vì xúc động. Lãng được một nhóm bốn năm người bu quanh tíu tít hỏi thăm tình hình bên ngoài.
Lãng hãnh diện, hăng hái kể quá lên vài phần sự thực, để hưởng những ánh nhìn thán phục, những tiếng xuýt xoa. Lãng đang hăng hái kể, chợt một người lính thân hình cao khều, mặt mũi hom hem đến gần, giọng đầy kinh ngạc ngờ vực:
- Ủa! Lãng đấy phải không?
Lãng ngưng ba hoa, ngỡ ngàng nhìn người lạ ăn mặc không giống ai: chân đi đất, cái quần nhà binh bị rách ở đầu gối và cái áo sơ mi cụt tay dân sự màu trắng bẩn thỉu. Lãng phải mất cả nửa phút mới nhận ra anh.
Hai anh em ôm chầm lấy nhau, và trước mắt mọi người, cả hai vừa vỗ lên lưng nhau, vừa khóc như mưa!
Ngữ dẫn em ra xa chỗ đám người đang tụ tập, thảng thốt hỏi, giọng nghẹn đi vì lo âu:
- Em có ghé qua nhà không? Ba má ra sao?
Lãng cũng thút thít đáp:
- Em không biết! Tuyến hành quân của em ở tận phía dưới. Tiếc là đại đội em không được giao cho việc đánh thốc lên phố.
Ngữ thất vọng, nôn nóng hỏi:
- Nhưng em có nghe nói khu nhà mình ra sao không? Hôm qua có mấy người trong này ra ngoài được bảo ở đâu cũng tan nát hết. Ðúng vậy không?
Lãng gật đầu. Ngữ lặng người, đứng yên một lúc nhìn mãi đôi chân trần lấm lem dơ bẩn. Lãng cố bịa chuyện để an ủi anh:
- Em nghe nói khu vực nhà mình bị hư hại ít thôi. Người chết cũng ít, vì nhiều gia đình có đào hầm núp.
Ngữ nói:
- Nhưng nhà mình toàn đàn bà con gái, ba thì già yếu. Hơn ba tuần nay nằm trong này anh lo không ngủ được. Khu vực bị thiệt hại nặng nhất ở đâu?
Lãng đáp ngay theo ý mình:
- Khu Phố. Với lại khu Ga.
- Khu Hỏa xa cũng bị nặng à?
Nghe giọng lo lắng bất thường của Ngữ, Lãng kinh ngạc nhìn anh. Rồi Lãng hiểu. Nhưng Lãng không dám mỉm cười, cố ý dàu dàu nét mặt tả oán:
- Phải, khu Ga chắc còn bị thiệt hại nặng hơn cả khu Trần Hưng Đạo nhiều, vì bọn chúng cố thủ ở đó để kiểm soát cầu Bạch hổ và con đường lên Kim long. Nghe nói chúng cũng dùng đường lên Thiên an để giải những người bị bắt lên Khu.
Ngữ đưa bàn tay trái lên vuốt vuốt mái tóc rối và bẩn không nói gì. Lãng quen tính anh, biết đó là dấu hiệu Ngữ lo lắng hoang mang tột độ. Ngữ bắt gặp cái nhìn xoi mói của em, hỏi sang chuyện khác:
- Em ở Sài gòn ra hôm nào?
- Mới cách đây hai hôm.
- Trong đó ra sao? Nghe nói cũng ác liệt lắm phải không?
Lãng ngửng mặt lên, giọng hãnh diện:
- Còn phải nói! Tụi em “quét dọn” nguyên một vạt hông từ Ðồng Ông Cộ, Xóm Gà, Cư xá Phú lâm A, Cư xá Phú làm B, hãng pin Con Ó… Chưa kịp lau mồ hôi, thì vù ra ngay đây! Ủa, mà anh về Huế hôm nào?
Bấy giờ, Lãng mới kịp thắc mắc tại sao Ngữ đang ở Pleiku lại có mặt tại trại Mang cá này. Ngữ kể gọn chuyện được phép đặc biệt về ăn Tết ở Huế, sơ lược chuyện nhà những ngày áp Tết và mồng Một. Lãng nói:
- Vậy là ba má cũng chưa biết tin tức của anh trong này.
Có lệnh tập họp tất cả đơn vị của Lãng. Lãng nói vội với Ngữ:
- Anh ở đâu chốc nữa em lại tìm?
Ngữ biết có chỉ dẫn cho một người chưa hề đặt chân tới Mang cá như Lãng cũng vô ích, nên nói:
- Anh chờ Lãng cũng được. Đi tập họp đi!
Bộ Chỉ huy Sư đoàn 1 được giải tỏa, tạo ra những phản ứng trái ngược nơi những người lính bị vây khổn lâu ngày.
Như một sợi dây căng thẳng quá lâu, tinh thần một số người được dịp chùng lại. Họ vui mùng vì thoát chết, và ngay sau đó, bắt đầu mang trở lại đủ mọi vướng mắc của đời sống bình thường. Hầu hết quân nhân có gia đình tại Huế và vùng phụ cận đều nhấp nhổm tìm đủ cách biết tin tức gia đình. Cuộc chiến còn tiếp diễn, nhưng với họ, cuộc chiến đã chấm dứt. Họ tự xem như đã làm đủ phận sự. Công việc còn lại là phần những người mới đến, những quân nhân lực lượng Dù, Thủy quân Lục chiến… Từ một khối ý chí thống nhất, lực lượng tử thủ Mang cá rã thành những bộ phận rời rạc, uể oải. Những quân nhân được nghỉ phép trình diện hôm mồng Một ở Bộ Chỉ huy, rồi bị vây khổn, sau bao ngày sống và chiến đấu như những anh hùng, bây giờ tự xem như không còn trách nhiệm gì nữa.
Chỉ có một số nhỏ sĩ quan và quân nhân tiếp tục cầm súng chiến đấu cạnh những người bạn Dù, bạn Thủy quân Lục chiến, do nhiều động cơ khác nhau.
Trung tá Thanh và Ngữ ở trong số đó.
Thành thật mà nói, Trung tá Thanh là người có tinh-thần-trách-nhiệm-bất-đắc-dĩ. Ông không có tài giao thiệp, ăn nói không biết uyển chuyển thức thời để được lòng thượng cấp, nên chỉ biết lấy sự cần cù làm việc và tinh thần trách nhiệm đúng đắn làm vũ khí tự vệ. Ông thấy bỏ ngũ để chạy đi tìm vợ con như một số sĩ quan khác là không đúng. Ông thông cảm cho họ, không dám chê họ là bọn hèn nhát ích kỷ, nhưng phần ông, ông phải chu toàn trách nhiệm. Và ông xem công việc của mình chỉ mới bắt đầu, chứ chưa chấm dứt.
Ông còn có một lý do khác, tầm thường hơn, nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ tới quyết định của ông. Thái độ khinh nhờn của viên thiếu tá Mỹ đối với quân lực VNCH làm ông bất mãn. Ông phải chứng tỏ cho viên thiếu tá đồng minh thấy rằng nếu đi đường dài, những người Việt Nam nhỏ bé, trang bị thiếu thốn, ăn uống kham khổ như những chiến hữu của ông sẽ dai sức và kiên nhẫn hơn những ông bạn đồng minh giàu có hùng mạnh.
Ông không muốn viên thiếu tá Mỹ cười vào mặt ông, khoe khoang rằng sau khi giải tỏa hữu ngạn, quân đội Mỹ phải ra tay, Việt cộng mới bị đánh bật ra khỏi tả ngạn sông Hương.
Lá cờ Mỹ đã phất phới (dù chỉ một đêm) trên cột cờ Tòa Hành chánh.
Ông không muốn một lá cờ Mỹ khác phất phới trên đỉnh Kỳ đài. Cho nên, dù chưa biết tin tức vợ con ở Phú cam sống chết ra sao, ông vẫn ở lại.
Ngữ ở lại vì thầm khâm phục tinh thần trách nhiệm của Trung tá Thanh, và vì gặp Lãng.
Sau khi tập hợp phân công, Lãng trở lại chỗ cũ tìm anh. Ngữ bảo em:
- Lãng hỏi thăm các cánh quân hành quân qua khu mình xem tình hình nhà ta ra sao.
Lãng đáp:
- Em có hỏi, nhưng tụi nó chỉ bảo là nhà cửa khu Gia hội không hư hại nặng như trên phố Trần Hưng Ðạo, Phan Bội Châu. Anh về thăm nhà đi!
Ngữ ngần ngại nói:
- Người ta ùa nhau về thăm nhà. Bỏ đi bây giờ, kỳ lắm!
Lãng thực tế hơn:
- Anh đâu phải lính Sư đoàn 1 mà kỳ!
- Nhưng anh đã góp phần giữ được chỗ này cho tới hôm nay.
Lãng cười, thầm chê anh lãng mạn không đúng chỗ. Ngữ hiểu lầm em chê mình không thiện chiến mà cố tỏ bản lãnh, nên tìm một cách giải thích khác:
- Vả lại, anh phải ở lại để giúp Trung tá Thanh. Anh kính phục ông ta. Đằng nào thì ở nhà mọi việc đã xong rồi. Giải tỏa Thành nội chỉ một hai ngày, lúc ấy về cũng không muộn.
Nhờ những kinh nghiệm có được khi đánh bật quân cộng sản ra khỏi Sài gòn Chợ lớn, Thủy quân Lục chiến Việt Nam tăng viện đã mau chóng mở các đợt phản công, đẩy lui bộ đội Bắc Việt ra khỏi Thành nội. Cho đến phút chót, các toán bộ đội vẫn cố giữ lấy các chỗ chiếm được trong Thành. Họ có nhiều thì giờ để đào công sự, trí súng tại các cao điểm, lựa chọn những vị thế thuận lợi. Việc giải tỏa không phải dễ. Đơn vị của Lãng phải tận dụng M79, lựu đạn để phá tường chiếm từng căn nhà một. Phía trước, ngay bên kia bức tường còn nguyên, là bất trắc. Đằng sau, là đổ nát. Các động tác lặp đi lặp lại: núp sau một bức tường để quan sát nhanh tình hình, bẻ gập khẩu M79 lại nạp đạn, đưa lên nhắm vào một khoảng tường, bấm cò, chạy tới núp cạnh lỗ trống vừa khoét được trên bức tường, rút chốt một quả lựu đạn “tái tảo thanh” những kẻ sống sót bên kia, rồi nhảy vội qua, khẩu súng M16 sẵn sàng nhã đạn vào bất cứ thứ gì di động.
Nói như vậy không có nghĩa là đơn vị Lãng không gặp những điều bất ngờ. Buổi trưa giải tỏa khu nhà dọc hai bên đường Mai Thúc Loan, Lãng ở cùng toán với sang, Tiểu đội phó. Họ có tất cả ba người. Trước mặt, là một ngôi nhà ngói biệt lập có rào quanh bằng một bức tường xây bằng những tấm gạch xi măng đúc cao quá tầm người. Sang phá được một lỗ trên bức thành ấy, một lỗ không được lớn lắm chỉ vừa đủ một người chui qua.
Sau khi thẩy cầu vồng hai quả lựu đạn qua bên trên bức thành cao, Sang mạnh dạn chui qua tường trước. Lãng thấy Sang cố rướn người mà không chui qua lọt, phần thân dưới và hai chân cứ vùng vẫy hoài. Lãng vội đến giúp đẩy Sang qua. Thân thể Sang như không còn xương sống, rũ gập xuống. Sang đã chết. Lãng và một người bạn nữa nắm hai chân rút xác Sang trở lại, thấy địch đã bắn nát đầu anh Tiểu đội phó, mặt mũi không nhận ra được nữa.
Cái chết ấy như chất men đắng làm cả tiểu đội say lên! Họ không còn biết bất trắc, nguy hiểm là gì nữa. Và như những người đi chông chênh trên một đầu tường cao mà không hề thấy độ sâu hai bên bước chân, họ không vấp ngã, không bị tên bay đạn lạc.
Chính đại đội của Lãng chiếm lại được điện Thái hòa và Kỳ đài. Lúc Ngữ và Trung tá Thanh đến, xác bộ đội Bắc Việt còn nằm rải rác trên sân chầu trước điện Thái hòa. Trong điện, nhiều tiếng hò hét cười đùa vang ra tận ngoài sân rộng. Bốn năm người lính Thủy quân Lục chiến trẻ, trong đó có Lãng, đang giành nhau ngồi lên cái ngai trên bệ rồng. Một người lính nhỏ thó, tóc dài chấm ót hình như bị một vết thương nhẹ trên đầu, chiếc khăn tay bẩn dỉ máu buộc ngang trán để lộ một chỏm tóc xơ bên trên như đuôi gà trông ngộ nghĩnh.
Giọng Lãng hét lớn át cả tiếng của đồng đội:
- Ðể thằng Chinh ngồi một chút cho nó khoái, đỡ thấy đau!
Một người lính khác cãi lại:
- Nó ốm o ngồi không oai! Để cho tao!
Chưa ai ngồi được lên ngai vì không ai nhường cho ai cả! Lãng nói:
- Tụi bay từ từ! Trước sau gì cũng được làm vua vài phút. Hãy để cho thằng Chinh lên trước!
Thấy có người lạ bước vào điện, cả nhóm lính quay ra. Trong điện hơi tối, nên họ bị lòa không nhận mặt được hai người lạ. Trung tá Thanh cười lớn, rồi hỏi:
- Ai xung phong được vào điện trước nào?
Lãng nhận ra Ngữ, vui mừng, reo lên:
- Anh Ngữ, vào đây. Làm sao có được cái máy ảnh chụp tụi này vài kiểu làm kỷ niệm.
Trung tá Thanh đến gần ngai vàng, chặc lưỡi than:
- Ờ, tiếc nhỉ!
rồi ông nhìn cái bệ thấp trên đó đặt ngai vàng, nhận xét:
- Trông xoàng quá. Mình tưởng chốn cửu trùng phải cao vòi vọi. Hóa ra chẳng có gì đặc biệt. Ơ kìa! Ai phá hư cả cái ngai thế này?
Ngữ vội nhìn xuống cái ngai vàng, thấy mặt nệm đã bị ai đó lấy dao rạch nát nhiều chỗ. Lãng nói:
- Chắc là tụi bộ đội! Tụi em vào đây, đã thấy cái ngai hư nát như thế rồi.
Lúc đó, bên ngoài điện Thái hòa có nhiều loạt súng nổ dòn, đồng thời với nhiều tiếng reo hò.
Mọi người giật mình ngồi thụp xuống thủ thế theo thói quen, nhưng nghe tiếng reo cười, họ yên tâm, chạy ùa ra cửa điện. Họ không tìm lâu đã thấy nguyên do của niềm vui chung. Trên Kỳ đài, lá cờ lớn của Mặt trận Giải phóng Miền Nam từ từ hạ xuống. Bầu trời vẫn u ám, không có lấy một chút gió, nên lá cờ rũ xếp giấu cả màu sắc.
Cả trung tá Thanh, Ngữ và tiểu đội của Lãng bỏ chiếc ngai rách, bỏ cung điện xác xơ âm u, chạy băng qua cái sân chầu ảm đạm để lên Kỳ đài. Một loạt đạn AK nổ từ phía sau điện. Anh lính to con chạy bên cạnh Lãng ngã xuống. Mọi người nằm xuống ngay giữa sân chầu trống trải. Lãng lết lại gần người bị thương, còn toán lính kia nhanh nhẹn nhổm dậy, men theo bờ tường thấp bao quanh sân chầu hành quân ngược lại, tìm cho ra tên bắn lén.
Người lính bạn Lãng đã tắt thở, đúng vào giờ phút cuối cùng của chiến thắng. Trung tá Thanh, Ngữ, và Lãng quì gối im lặng nhìn người xấu số, nghẹn lời không ai thốt được câu nào. Toán truy kích đi khuất sau điện Thái hòa, một lúc, có vài loạt súng lại nổ. Lãng nói nhỏ với Trung tá Thanh và Ngữ:
- Xong rồi!
Quả nhiên, ba người bạn của Lãng trở lại! Chinh, người lính bị thương ở đầu bảo Lãng:
- Một thằng nhóc bị bỏ lại. Nó lơ ngơ như thằng khùng, chết tới đít mà chẳng hiểu là đồng đội nó rút hết rồi!
Chinh liếc nhìn xác người đồng đội, hỏi Lãng:
- Nó “đi” rồi hả?
Lãng đáp:
- Ừ!
Chinh nói:
- Đ.M. “Ði” gì sớm vậy!
Hai người lính kia chạy lại nhìn người chết, không nói gì.
Ngữ chứng kiến liên tiếp nhiều cái chết gần một tháng qua, nhưng mỗi lần chứng kiến là mỗi lần xúc động, nhất là trường hợp vừa thấy người đó đang sống, rồi đột ngột bị đạn, trút hơi thở cuối cùng trước mắt chàng.
Trên Kỳ đài, nhiều loạt súng nổ dòn dã. Lá cờ vàng nhỏ từ từ được kéo lên đỉnh, khuôn khổ lá cờ quá bé so với chiều cao và bề lớn của Kỳ đài. Nhưng điều đó không quan trọng gì! Không ai bảo ai, mọi người đứng cả dậy, nghiêm người hướng mặt về phía lá cờ.
Ngữ cảm thấy lòng nao nao. Nước mắt Ngữ chảy lặng lẽ trên gò má. Lần đầu tiên trong đời chàng thấy lá cờ ấy vô cùng thiêng liêng, huyền nhiệm. Ngữ đã từng đứng nghiêm nhìn lá cờ từ từ được kéo lên cao biết bao nhiêu lần! Những sáng thứ hai chào cờ đầu tuần trong đời học sinh. Những buổi lễ cờ xí vàng cả khán đài danh dự, làm nền cho những bài huấn thị hoa mỹ. Những lá cờ giấy phát không cho các em học sinh đứng xếp dọc hai bên lề đường để phất chào một chiếc xe bóng nhoáng có quân cảnh hộ tống… Lá cờ theo Ngữ suốt mọi chặng đường, nhưng Ngữ chỉ xem đó là một món trang trí không thể thiếu. Ngữ không hề tò mò tìm hiểu xuất xứ hoặc ý nghĩa của lá cờ đó. Lá cờ đã có sẵn trước khi Ngữ vào tuổi hiểu biết, như một sự đã rồi! Ngữ không thấy thân thiết với nó, vì không góp gì nhiều để bảo vệ nó. Ðôi lúc dường như nó cũng không cần ai bảo vệ. Nó cao sang, nó tự tại! Phải chờ cho tới lúc này, phải bị đẩy vào cảnh nghiệt ngã, lấy máu chính mình bảo vệ lá cờ đó, Ngữ mới thấy thấm thía, quí giá giây phút được nhìn lá cờ nhỏ phất phơ trên đỉnh Kỳ đài. Ngữ hãnh diện góp phần mọn vào giờ phút lịch sử này, như những bạn đồng đội đã chết hay còn sống sót đã góp phần của họ.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động