Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 27
ôm mồng Ba, sau khi Trung tá Garner hướng dẫn đại đội TQLC Mỹ Alpha 1/1 giải tỏa được khu MACV, nhiều người Việt ở vùng quanh đó đã trốn được khỏi sự kiểm soát của Cộng sản đến lánh nạn tại đây. Trong số đó, có bốn dì phước ở khu Jeanne d’Arc.
Viên trung tá Mỹ dùng thứ tiếng Pháp còn rơi rớt lại trong trí nhớ của ông từ thời học trung học để hỏi các dì phước tình hình địch ở bên trong khu Jeanne d’Arc. Số ngữ vựng Pháp Văn của ông quá ít ỏi, ông lại đọc theo giọng Mỹ nên cuộc đối thoại giống như giữa hai người điếc. Nhưng cuối cùng ông cũng biết đại khái: bên trong khu Jeanne d’Arc, khoảng 100 bộ đội Bắc Việt đã chiếm ngụ và bố trí súng ống ở các lớp học và một số phòng thuộc khu nội trú. Ông nhờ các dì phước vẽ bản đồ các phòng ốc bên trong. Dì phước giỏi tiếng Pháp nhất giảng giải một hồi dài cho ông nghe. Ông chẳng hiểu gì cả. Thôi, có được tấm họa đồ cũng quí rồi. Điều quan trọng nhất ông đã biết: là quân số địch khá đông.
Trong khi đó, Ðại đội Alpha chỉ còn không đầy hai trung đội rưỡi, và những người chỉ huy giỏi hoặc đã chết, hoặc bị thương, chỉ còn lại Trung úy Smith và Thượng sĩ Stanley. Những công ốc chung quanh khu MACV vẫn còn do quân Bắc Việt kiểm soát. Từ các mái nhà cao, địch vẫn nhắm bắn sẻ vào khu MACV, biến khu này thành một thứ bia bắn sẻ ngon lành. Tình trạng ấy không thể kéo dài.
Mấy hôm sau, Trung tá Garner có cho một vài tiểu đội hoặc cả trung đội dùng M-72 và súng cối bắn thủng tường để tảo thanh các căn nhà sát cạnh khu MACV. Những chuyến tảo thanh ấy đều thành công. Có điều khó nghĩ là quân số dưới tay ông ít quá. Họ chiếm được một căn nhà, hoặc hai, ba căn nhà, cho tới tối phải rút về. Sáng hôm sau, địch lại bắn sẻ từ căn nhà cũ. Tình trạng nhì nhằng này không thể kéo dài được. Nạn bắn sẻ y như cuộc chiến trong rừng rậm sẽ giết lần giết mòn cả quân số ít ỏi lẫn tinh thần chiến đấu của các đại đội của ông. Ông biết rõ tâm trạng những Thủy quân Lục chiến dưới quyền. Họ kiêu hãnh xuất thân từ một binh chủng chọn lọc nhất của quân đội Mỹ. Nhưng sức mạnh thân thể của họ, khả năng chiến đấu của họ, sự can đảm và tháo vát nhanh nhẹn trong chiến đấu của họ chẳng khác nào một lưỡi gươm bén chém vụt vào khoảng không, khi ném họ vào rừng sâu để truy tìm những du kích như một trò cút bắt kéo dài. Những anh lính chuyên nghiệp không tìm ra được kẻ thù để thi thố, hoặc có tìm ra cũng chỉ là một chú du kích oắt con hỉ mũi chưa sạch, một chị đàn bà ăn mặc rách rưới giấu lưu đạn trong rổ rau, một ông lão run rẩy bị bắt quả tang đang chôn mìn…
Phải chờ tới lúc này những người lính thiện chiến ấy mới được đánh một trận đúng sách vở: kẻ thù hiện rõ ràng, chiến tuyến phân minh. Những bài học từng thực tập đến nhuần nhuyễn ở quân trường được dịp thi thố. Trung tá Garner suy từ mình để hiểu rằng tuy quân số đại đội Alpha l/1 và đại đội Fox 2/5 ít, nhưng mỗi người lính dưới quyền ông hiện nay đều là những quân nhân gan dạ nhất, giỏi dan nhất.
Ông yên tâm thảo kế hoạch giải tỏa cả khu Jeanne d’Arc, Kho bạc và Bưu điện, bắt đầu từ mồng Năm Tết.
Cuộc hành quân lùng diệt từng nhà theo đúng chiến thuật đánh trong thành phố được trung tá Gamer giao cho đại đội Fox 2/5 của Đại úy Bronx. Trung tá không phác họa nhiều mục tiêu, chỉ muốn thử lại một tính toán về chiến thuật, muốn những Thủy quân Lục chiến quen thuộc hơn nữa với lối đánh đục tường đột kích. Kết quả khá bất ngờ, và bẽ bàng. Ðại đội Fox 2/5 chiếm lại được Bệnh viện Huế sau một cuộc chạm súng gay go. Một số lính Bắc Việt bị giết ngay trong bệnh viện. Ðại úy Bronx đến nơi đúng vào lúc viên trung sĩ trung đội phó đang hăm hăm chỉa khẩu M 16 vào lưng hai người Việt đang bị buộc phải giơ tay úp mặt vào tường. Viên trung sĩ thấy vị chỉ huy của mình tới, mừng quá kêu ầm lên:
- Hai thằng bắn lén đây đại úy! Quân khốn nạn! Cái thằng già chó đẻ này dám leo lẻo xưng là thị trưởng thành phố Huế!
Người bị gọi là “thằng già chó đẻ” không hề nói dối. Viên tỉnh trưởng kiêm thị trưởng Huế Thừa thiên bị mắc kẹt trong vùng Cộng sản chiếm, phải trốn trên máng xối suốt một tuần lễ, nhịn đói nhịn khát, nhịn cả thở mạnh để sống còn. Người kia là trung úy Tôn thất Mân, bạn mạt chược tâm đắc của ông!
Đại đội TQLC Alpha 1/1 được lệnh tấn công khu Jeanne d ‘Arc vào hôm mồng Sáu Tết. Trung tá Garner đưa cho trung úy Smith và thượng sĩ Stanley hai tấm họa đồ chi tiết toàn khu nội trú và, các lớp học tu viện và nhà thờ Jeanne d’Arc, căn dặn:
- Hãy cẩn thận! chúa che chở cho các anh!
Trung úy Smith xếp tấm họa đồ đút vào túi áo trận, mỉm cười tự cho phép nói đùa một câu với thượng cấp:
- Chúa cũng che chở cho chúng nó nữa! Chúng nó núp dưới bóng chúa suốt năm ngày rồi.
Thượng sĩ Stenley thấy Trung tá Garner làm mặt nghiêm, không dám cười. Trung tá nghiêm nghị nói với Smith:
- Nhưng rồi cuối cùng Chúa ở về phía chúng ta. Vì chúng ta tin ở Chúa.
Trung úy Smith biết Trung tá là một tín hữu Công giáo nhiệt thành, nên không muốn đùa cợt quá xa vào một vấn đề nhạy cảm. Anh theo đạo Tin lành, nhưng không tin tưởng mấy vào Đấng Quan Phòng. Thay vào đó, anh mơ hồ tin rằng có một thứ Trật tự Tự nhiên nào đó xếp đặt tất cả mọi thứ, theo một tiêu chuẩn hoặc nguyên tắc vượt lên trên tiêu chuẩn thông thường của con người phàm tục. Cố gắng giải thích nó chỉ vô ích, nên tốt hơn hết là sống hết mình và chờ đợi thản nhiên mọi sự xảy ra. Lập luận quá đơn giản này, đối với Trung úy Smith, lại có kết quả kỳ diệu. Anh lạc quan, yêu đời, không bị sa vào những băn khoăn siêu hình, không bị cuốn hút vào những từ ngữ cao vời mông lung. Nhờ thế, anh không bị lôi vào những cuộc biểu tình, những buổi “ngồi lì”; những đêm ca hát, hò hét phản chiến của bạn bè. Anh chẳng có lập luận nào để chỉ trích những người bạn đại học của anh. Anh cho rằng họ cũng là một phần của cái Trật tự Tự nhiên. Phần anh, bằng trực giác, anh nghĩ mình cứ theo đúng thứ trật tự xã hội. Anh nghĩ có một “Cuộc Phân công” qui mô nào đó xếp đặt sẵn mọi vai trò. Cho nên sau khi Trung tá Garner đứng đây ngầm bảo anh có thể ra khỏi phòng và bắt đầu hành quân, anh đứng nghiêm đưa tay chào thượng cấp, rồi quay đi. Anh nháy mắt với Thượng sĩ Stanley, nói nhỏ với người bạn mới quen gốc Georgia:
- Chúa bị chúng nó bất ngờ đến núp dưới chân, chẳng lẽ đá văng chúng nó đi. Nhưng chịu đựng năm ngày, lâu quá rồi. Bây giờ Chúa đang chờ chúng ta tới.
Stanley thích chí cười hô hố, hàm răng trắng nhởn nổi rõ trên nước da đen cháy. Stanley gật gù, đôi vai nhún nhẩy như đang uốn éo theo nhịp nhạc, đáp lại:
- Nhưng gay go đây! Chúng nó nấp trong Nhà Chúa, lại đông quá!
Họ vừa dẫn trung đội của mình ra khỏi khu MACV thì đã bị ngay những loạt bắn sẻ từ các ngôi nhà đã tảo thanh hôm trước. Một người thuộc trung đội của Smith bị thương ở cánh tay phải. Bộ giáp cứu mạng một anh Thủy quân Lục chiến da đen khác. Chỉ còn một cách dùng M 72 và M 79 bắn thủng tường để tiến về phía khu Jeanne d’Arc, cách khu MACV không đầy 100 thước. Họ tiến quân chậm, vất vả “quét dọn” kỹ những căn nhà đã chiếm được để yên tâm khỏi bị bắn lén từ sau lưng. Trung tá Garner cứ mười lăm phút một dùng điện đài thăm dò mức tiến quân tới đâu. Ông hơi sốt ruột, hỏi Trung úy Smith:
- Có cần pháo yểm trợ không?
Trung úy Smith đáp:
- Khi nào bố trí xong trước mục tiêu sẽ xin pháo!
Ðoạn đường chim bay không đầy 100 thước phải đi mất hơn ba tiếng đồng hồ. Cuối cùng, Trung úy Smith cũng dẫn được trung đội tới giáp bờ thành khu Jeanne d’Arc. Anh dùng máy liên lạc xin bắt đầu pháo vào Jeanne d’Arc để tấn công. Loạt rocket đầu tiên rơi vào đất địch mở đầu một loạt những B40, cối, AK từ bên trong bắn ra. Không ai bị thương tích gì. Nhưng một quả cối yểm trợ từ MACV rơi nhằm đội hình của trung đội Smith. Ngay sau đó lại một quả cối khác rơi lạc. Hai Thủy quân Lục chiến bị thương vừa rên la vừa chửi thề ầm ĩ. Trung úy Smith cho Trung tá Garner biết để MACV điều chỉnh lại tọa độ. Phía bên kia đường, Ðại đội Fox 2/5 của Ðại úy Bronx cũng đang tiến tới bao vây Ty Ngân khố và Bưu điện. Súng nổ dòn dã phía đó một chặp thật rát, rồi im. Những loạt cối yểm trợ bây giờ rơi đúng vào khu Jeanne d’Arc, làm tắt bớt những họng súng AK hướng về phía trung đội của Smith. Viên trung úy vừa định phát tay ra lệnh cho đội tiền xung vượt qua con đường nhựa thì tự nhiên mắt anh cay cay, rồi nước mắt ràn rụa. Một mùi hăng hắc khó chịu tràn ngập không khí. Cái gì thế này? Anh hỏi bên Đại đội Fox 2/5, mới biết bên đó vừa dùng lựu đạn cay để buộc những lính Bắc Việt cố thủ trong Kho bạc kiên cố phải ra đầu hàng. Đại úy Bronx quên mất là gió đã thổi hết hơi cay về phía trung đội của Trung úy Smith.
Trung úy Smith dụi cặp mắt đỏ ngầu, khi Hạ sĩ Gonzales, người cầm đầu toán tiên xung bò lại gần, và nói đùa:
- Chúa muốn chúng ta hãy từ từ.
Anh hạ sĩ gốc Mễ cũng nhíu nhíu đôi mắt cho bớt cay, cười dòn đối lại:
- Không! Chúa bắt chúng ta khóc đưa ma chúng nó đấy. Vì lòng Chúa nhân từ. Xin được như nguyện!
Trung úy Smith hỏi, lần này nghiêm trang:
- Ðã sẵn sàng chưa?
- Rồi.
- Tụi này bắn che cho. Sẵn sàng nhé!
Smith phất tay ra hiệu. Hàng loạt M 16 bắn xối xả về phía thánh đường để cho toán tiền xung của Gonzales băng qua đường. Súng AK bên trong vẫn vãi đạn như mưa. Cả toán bốn người qua được mục tiêu không hề hấn gì. Họ núp ngay ở chân bức thành bên phải cổng ra vào thánh đường khu Jeanne d’Arc. Hạ sĩ Gonzales quay về phía Trung úy Smith cầm cú tay đưa lên ra dấu chiến thắng. Rồi cả bốn vừa bắn vừa xông vào cổng thánh đường. Họ chạy gần tới giữa sân thì một tiếng nổ lớn ở ngay chỗ toán tiền xung vừa tới. Smith ngơ ngác chưa hiểu, thì anh Hạ sĩ Truyền tin bên cạnh la lớn:
- Chúng nó núp trên nóc thánh đường quăng lưu đạn xuống.
Trung úy Smith bậm môi cố dằn đau đớn và tức giận. Anh liên lạc với Trung tá Garner. Bên kia đầu dây, giọng viên trung tá đầy băn khoăn:
- Có chắc từ trên nóc thánh đường không?
- Chắc chứ! Chúng kiểm soát được cả mặt trước.
Giọng viên trung tá cương quyết hơn:
- Ðược rồi. Tôi sẽ gửi xe tăng tới giải quyết.
Chiếc M-48 gầm rú tiến tới đối diện thánh đường khoảng 20 phút sau. Pháo tháp từ từ quay nửa vòng, họng khẩu đại liên 90 ly từ từ nghếch lên ngay hướng mái cao của thánh đường.
Những loạt đạn 90 ly quạt bay mái ngói cao, để trơ những thân kèo gỗ. Thêm vài loạt 90 ly nữa, chóp thánh đường đổ sụm như một thứ đồ mã. Mặt tiền bên phải xây bằng gạch cũng quị xuống, khói và bụi vôi tỏa mù che lấp những khung cửa thấp vòng cong gothic. Những ngọn dừa cao hai bên thánh đường cũng bị vạ lầy, từng tàu dừa khuỵu xuống rơi trên mắt đất.
Tiếng AK tự vệ bên trong khu Jeanne d’Arc yếu hẳn!
Trung đội của Smith đồng loạt xông vào cổng thánh đường. Từ lúc đó không còn ai chỉ huy ai được nữa. Cũng không còn ai tự chỉ huy được mình. Mọi người như người say ở giữa một cơn bão cuốn, chỉ biết bắn vào bất cứ thứ gì di động trước mắt. Nhất là vật di động mặc y phục mầu sậm và có dáng thấp bé. Chỗ an toàn sắp đặt chân tới phải là chỗ đã được chất nổ khai quang.
Tiếng súng giao tranh nổ dòn dã trở lại khi trung đội Thủy quân Lục chiến của Trung úy Smith kiểm soát được một dãy lớp học, và núp sau những cánh cửa lớp để bắn trả những lính Bắc Việt còn núp ở dãy bên kia sân trường. Trung đội của Stanley bọc hậu chiếm khu nội trú. Tiếng AK thưa thớt dần. Không khí khu Jeanne d’Arc đột nhiên êm ả một cách kỳ dị ma quái.
Người ta bắt đầu khiêng những người bị chết và bị thương ra phía thánh đường. Chiếc mái trống hoác để mặc cho ánh sáng buổi chiều mù chiếu lên bức tường granito trang trí giống như những viên gạch xếp ngang xếp dọc. Cây thánh giá vẫn còn nguyên giữa những lỗ lớn do đạn đại liên 90 ly phá thủng.
Trong số những người may mắn chỉ bị thương sau cuộc giao tranh đẫm máu và cuồng nộ, có Quỳnh Như. Nàng bị đạn ở bắp vế. May mắn viên đạn chỉ xuyên qua thịt chứ không chạm đến xương.
Chỉ mười lăm phút sau khi Ðại đội Alpha 1/1 chiếm lại được khu Jeanne d’Arc, tiếp theo chiến thắng của Ðại đội Fox 2/5 ở khu Bưu điện và Ngân khố, đám phóng viên ngoại quốc đã nhanh chân bu tới chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn. Hai phóng viên Pháp bám lấy hai linh mục ngoại quốc may mắn sống sót, một linh mục người Pháp, một người Bỉ. Họ xin hai vị linh mục đến đứng ngay dưới cây thánh giá để chụp hình. Các phóng viên Mỹ bận lo phỏng vấn các Thủy quân Lục chiến bị thương nằm trên băng ca, thấy các đồng nghiệp người Pháp lanh tay, cũng bỏ phỏng vấn đến bấm máy ảnh lia lịa. Chưa hết! Họ còn yêu cầu các dì phước và vị linh mục tuyên úy người Việt đứng chụp hình chung ngay trước thánh đường đổ nát.
Quỳnh Như nằm trên một chiếc băng ca nhà binh xếp ở góc trái tòa giảng, cố cắn răng để chịu đựng vết thương. Lúc mới bị đạn, nàng chưa cảm thấy gì. Chỉ có cảm giác nong nóng hơi buốt ở bắp vế. Ít phút sau, nàng bắt đầu chóng mặt, và cơn đau như đã thấm nên lên đến tột độ, đến nỗi nước mắt sống cứ trào ra, hai thái dương căng thẳng, đầu óc như sắp nổ tung. Rồi cơn đau lại hạ, trở lại cảm giác tê dại lâng lâng như uống nhằm loại rượu cực mạnh. Mắt nàng bị hoa, nhìn mọi vật di động quanh mình như những bóng ma trơi.
Một người lính Thủy quân Lục chiến đã cắt ống quần lụa của Quỳnh Như và buột băng cầm máu. Nguyên một ống chân trái trắng xanh để trần trên băng ca, Quỳnh Như quên cả ngượng nghịu vì phải phơi bày một phần thân thể trước ống kính các phóng viên báo chí và truyền hình.
Tai nàng chỉ nghe những tiếng lao xao như tiếng ồn vang lại từ một chợ phiên. Hình như người ta đang cãi nhau về điều gì đó, tiếng Pháp chen lẫn với tiếng Anh. Mắt nàng lại lòa đi vì một tia flash của máy chụp hình. Rồi một giọng Mỹ hơi quen làm nàng giật mình mở mắt. Ai đó cúi xuống nhìn nàng, giọng hốt hoảng:
- Chúa ơi! Quỳnh Như đây mà! Phải Quỳnh Như không?
Quỳnh Như hồi hộp lo âu, tiếng gọi “Quỳnh Như” lơ lớ của một người ngoại quốc đột nhiên khiến nàng tủi thân, thấy mình gặp nạn vào giữa lúc nhìn quanh không có cha mẹ, anh chị, bạn bè nào thân thuộc để chăm sóc, lo lắng. Nàng bật khóc. Người ngoại quốc càng hốt hoảng hơn, la lớn:
- Bob, lại đây! Quỳnh Như bị thương rồi!
Bấy giờ Quỳnh Như mới nhận ra Dale. Người bạn phóng viên của Dale cũng chạy lại. Bob ngồi xuống bên Quỳnh Như, bối rối xin lỗi:
- Thật bậy! Tôi chụp hình cô mà không nhận ra. Cô bị thương ở đâu? Dale, cậu chạy ra gặp Trung úy hỏi việc tải thương thế nào. Phải chở gấp Quỳnh Như về Phú bài, hay tốt hơn hết là vào Ðà nẵng. Thôi, cậu ngồi đây. Để tôi đi lo việc này cho!
Bob vội vã chạy ra phía trước thánh đường. Dale cầm tay Quỳnh Như lo lắng hỏi:
- Quỳnh Như có đau lắm không?
Nàng thút thít khóc vì tủi thân và vì cảm động, không trả lời được. Quỳnh Như chỉ gật đầu. Dale nhìn ra phía ngoài nôn nao chờ Bob trở lại. Anh run run hỏi cô học trò:
- Sao hôm sáng mồng Một Quỳnh Như bảo sẽ về nhà bạn ăn Tết?
Quỳnh Như vẫn còn nghẹn nước mắt, chỉ biết lắc đầu. Dale lại hỏi:
- Vết thương có nặng lắm không?
Quỳnh Như chợt nhớ, muốn rút cái chân bị thương lên để che lại, nhưng không cựa quậy được. Nàng cảm thấy yếu đuối đến nỗi không nhấc tay lên nổi. Vẻ bạc nhược càng khiến cho Dale lo sợ. Anh ta nhìn ra phía ngoài, ray rứt nói:
- Chẳng biết tại sao Bob nó lâu trở lại vậy?
Bob trở lại ngay sau đó với tin vui: xe tải thương đã đến, và ngay lúc đó sẽ chở những người bị thương ra bãi đáp trực thăng trong khuôn viên trường Ðại học Sư phạm.
Dale cầm tay Quỳnh Như bảo:
- Tôi sẽ đi với Quỳnh Như. Cô yên tâm. Bob phải ở lại đây lấy tin. Nhưng tôi sẽ đi với cô vào Đà nẵng.
Quỳnh Như cảm động, cảm thấy lòng dịu lại. Nàng đưa lưỡi liếm đôi môi khô, cố nuốt nước bọt để dễ nói hơn. Miệng đắng chát, Quỳnh Như cố nói với Dale:
- Anh có nước không?
Dale sốt sắng đáp:
- Có chứ. Để tôi… Nhưng không được. Mất máu nhiều uống nước không tốt đâu. Đây rồi. Người ta bắt đầu chở thương binh đi. Quỳnh Như rán nhé! Có tôi đi theo, hãy yên tâm!
Trung tá Garner huy động tất cả mọi loại xe hiện có ở MACV để chở số người bị thương và số người chết khỏi khu Jeanne d’Arc, ưu tiên một là những người bị thương để kịp trực thăng vận về bệnh viện dã chiến Lai khê, tiếp đến mới chở xác Thủy quân Lục chiến về phi trường Phú bài, sau chót mới tới những người dân bị nạn và các lính Bắc Việt bỏ xác tại Jeanne d’Arc.
Những việc liên quan đến quân đội Mỹ dĩ nhiên có bộ phận lo cho ông. Nhưng việc cứu cấp những thường dân Việt Nam, việc tổ chức đời sống và tiếp tế lương thực cho đồng bào tị nạn tạm cư tại trường Ðại học Sư phạm, nhất là việc “giải quyết” các xác chết vô thừa nhận cả thường dân lẫn lính Bắc Việt, đối với ông quá bế tắc. Ông có thể liên lạc với Phú bài, Ðà nẵng để xin phương tiện. Nhưng không tìm ra những người để giao công việc cứu trợ phức tạp. Khi Ðại đội Fox 2/5 giải thoát được viên Thị trường Huế và người bạn của ông, Trung tá Garner mừng rỡ, vì đã tìm ra người có thẩm quyền nhất của chính quyền VNCH để giao trả trách nhiệm dân sự này.
Ông thất vọng. Viên Thị trưởng dường như chưa qua được cơn hãi hùng suốt năm ngày nằm nín thở trên máng xối. Đã thế ông ta lo lắng thấy rõ, vì chưa biết vợ con lưu lạc phương nào, còn sống hay đã chết. Trung tá Garner cố nén sự khinh nhờn, đối đáp với viên Thị trưởng bằng những lời lẽ lịch sự, ân cần. Ông hứa:
- Vâng, khu vưc bà nhà và các cháu bị kẹt sắp được giải tỏa. Chúng tôi sẽ cố gắng. Khi nào có tin vui, chúng tôi sẽ tin cho ông biết ngay. Về việc tổ chức lại khu tạm cư ở trường Sư phạm, Trung tá nghĩ sao?
Viên Thị trưởng chán nản đáp:
- Tôi chẳng biết nghĩ sao cả! Tôi không có cái gì trong tay hết! Không phương tiện, không người!
Trung tá Garner cau mày nói:
- Chúng tôi cũng không có người. Hiện Trung úy Clark phải bỏ trung đội để lo việc này.
Viên Thị trường không nói gì, nét mặt dàu dàu. Trung tá Garner nổi lòng độc ác, muốn nhân dịp hỏi về tin đồn viên Thị trường bị đột kích khuya mồng Một đúng lúc ngài đang mải mê chơi mạt chược. Nhưng ông dằn lại được. Viên Thị trưởng suy nghĩ một lúc, rồi nói:
- Tôi sẽ cố hết sức. Tôi sẽ nhờ một người bạn phụ tôi việc này. Ông bạn cũng được các ông giải thoát một lượt với tôi.
Trung tá Garner buột miệng nói, không dằn được nữa.
- À, ông bạn mạt chược của Trung tá chứ gì?
Thấy việc chuyển thương binh lên những chiếc xe GMC cao nghêu khó khăn chậm chạp, Bob chạy đi lấy chiếc Jeep trắng thuê từ hôm trước Tết. Dale bế xốc Quỳnh Như lên ngồi ở ghế trước với mình, rồi bảo Bob chạy thục mạng ra bãi trực thăng. Bob không biết hướng, định chạy về phía ngược lại. Dale la lên:
- Quay lại ngay, khu đó Cộng sản còn đầy nhóc. Mày muốn lãnh đạn phỏng?
Họ đem được Quỳnh Như tới sân trực thăng sớm sủa, hy vọng được chở đi vào chuyến thứ nhì. Dale xoa tay bảo bạn:
- Thôi được rồi! Mày chạy trở lại săn tin săn ảnh đi. Vụ này mày may mắn mà không làm cho xôm trò, chủ báo đuổi mày như chơi!
Bob cười, nheo mắt tinh nghịch với Dale, rồi bảo Quỳnh Như:
- Chúc cô chóng bình phục. À quên, cho tôi chụp thêm tấm ảnh. Dale đứng sát vào một chút. Nhìn xuống, nhìn xuống Quỳnh Như đi nào. Thế thế! Thằng này không biết điều chút nào! Mày phải làm ra vẻ lo lắng một chút chứ sao hớn hở quá thế! Ðược rồi! Xong. Tao chạy đi lo việc nhé!
Dale ở lại một mình bên Quỳnh Như, tự nhiên lúng túng. Anh càng lúng túng hơn khi mấy đứa trẻ tạm cư trong trường Đại học Sư phạm bắt đầu tò mò, tụ tập đến nhìn cảnh lạ mắt. Người lính Mỹ canh bãi đáp trực thăng đuổi, chúng vẫn không đi. Phải chờ tới lúc có tiếng trực thăng vang dội trên trời, và nhiều loạt súng do Cộng sản bắn từ phía phố Trần Hưng Ðạo qua bên này, lũ trẻ mới chịu chạy vào trường Sư phạm.
Chiếc trực thăng tải thương đầu tiên hạ xuống bãi đáp. Cánh quạt xốc bụi lên, cuốn quay thành một trận bão mù. Từ chỗ tấm “tăng” thấp, người ta bắt đầu khiêng băng ca những Thủy quân Lục chiến bị thương ra chỗ trực thăng. Dale khom người lấy cánh tay áo che mặt chạy ra bãi xin viên phi công cho Quỳnh Như đi chuyến này. Thất bại! Những Thủy quân Lục chiến này bị thương nặng, ở trong tình trạng khẩn cấp phải chở ngay về Phú bài. Dale xin cho Quỳnh Như đi được chuyến thứ hai. Mừng quá! Nhưng viên phi công nhất định không cho Dale đi theo. Quỳnh Như theo dõi cuộc nài nĩ dài dòng, cuối cùng phải bật cười khi nghe Dale la lớn:
- Cô ta là vị hôn thê của tôi, không cho tôi đi theo săn sóc sao được!
Dale thành công! Chuyến trực thăng tải thương đáp xuống bay lên giữa một bầu trời u ám lấm chấm những tia đạn thù. Khi đã bay khỏi vùng hiểm nguy, Dale mới dám cúi xuống nhìn thẳng vào mắt Quỳnh Như. Quỳnh Như hỏi nhỏ giữa tiếng trực thăng gầm rú và tiếng gió thổi:
- Anh nói dối, nhưng nói dối dễ thương lắm!
Không chắc gì Dale nghe thấy. Nhưng có lẽ Dale hiểu Quỳnh Như muốn nói gì, và từ đó đến lúc chiếc trực thăng đáp xuống bệnh viện Lai khê, anh không dám nhìn thẳng vào mắt Quỳnh Như nữa.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động