I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 24
áu Lăng được trả lại đơn vị cũ vào hôm mồng Chín! Không khí sinh hoạt trong căn nhà tôn ven sông trở nên “khẩn trương” hơn. Dĩ nhiên Thuấn không còn được giữ vai trò thủ trưởng nữa. Sáu Lăng chủ tọa liên tiếp ba cuộc họp nội bộ để “báo cáo” về ”tình hình ta và địch”, “nhiệm vụ trước mắt”, “yêu cầu công tác”…
Thuấn buồn xo khi phải ngồi yên nghe một người khác am hiểu tình hình đem tin tức mệnh lệnh từ cấp cao về truyền lại. Nhưng những điều Sáu Lăng nói khiến Thuấn mừng rỡ. Chị Miềng trở lại nghiêm trang giữ mình, tránh không muốn đứng riêng hay trò chuyện ngả ngớn thân mật với Thuấn như trước, nên hễ rảnh là Thuấn lại tìm Ngô tâm sự.
Sau buổi họp đầu học tập về tình hình mới, nhiệm vụ mới, Thuấn vui vẻ bảo Ngô:
- Thích quá! Tôi cứ tưởng chỉ chiếm Huế ít lâu rồi rút để tạo tiếng vang ở nước ngoài, không ngờ địch nó yếu thật. Gần mười ngày rồi chúng nó có dám oanh tạc “khu giải phóng” đâu! Chúng nó sẵn máy bay con Ma, Thần Sấm, sẵn hải pháo ngoài Hạm đội Bảy, muốn dội bao nhiêu bom đạn vào đây chẳng được! Nhưng chúng nó nín khe, chẳng dám làm gì cả! Chúng nó không hẳn đã nhịn thua chúng ta, nhưng phải kiêng mặt Liên Xô, Trung quốc. Hà hà! Cái ngon của ta ở đó. Ta nhỏ, ta yếu, nhưng gài một đòn, là kẹt cả lũ! Chúng ta “giải phóng” Huế lâu dài, thích nhỉ!
Ngô không dám nói điều mình ngờ vực, chỉ ậm ừ gật gù cho qua chuyện. Thuấn hăng hái nói:
- Nếu “giải phóng” được mãi, tôi sẽ lập nghiệp ở đây. Tôi thích thành phố này.
Ngô cảm thấy hãnh diện cho thành phố mình sinh ra lớn lên, nên vui
vẻ hỏi lại:
- Anh thích cái gì?
- Mọi thứ! Cây cối, nhà cửa. Ở đây người ta được ở rộng rãi nhỉ! Chả bù với Hà nội…
Thuấn ngập ngừng, chợt nhớ có điều không nên thành thật với Ngô. Thuấn cố giấu vẻ bối rối, nói tiếp:
- …Thích nhất là con sông. Chỉ tiếc mình ở gần sát bên sông mà không bơi lội vùng vẫy thỏa thích được! Tôi mơ có được một căn nhà riêng nhỏ như căn nhà này thôi. Cũng sát bờ sông như ở đây. Có tí vườn con trồng ít rau cải thiện! Có chỗ làm giàn bầu giàn mướp. Chái sau làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà.
Ngô cảm động nghe anh bộ đội phác họa giấc mộng khó thành, cố dằn cảm xúc hỏi đùa:
- Thế còn cô vợ? Chịu lấy vợ Huế không?
Thuấn cười hinh hích:
- Chịu đứt đuôi con nòng nọc đi chứ. Các cô gái Huế đẹp… đẹp y như gái Hà nội.
Ngô tò mò hỏi:
- Nếu một mai hòa bình, được chọn giữa Huế và Hà nội, anh chọn nơi nào?
Thuấn do dự không trả lời ngay. Anh bộ đội nhìn Ngô dò dẫm, sợ vướng phải một cái bẫy nguy hiểm. Thật lâu, về sau, tự nhiên Thuấn rút cái ví ni lông ra, lấy mẩu giấy báo hôm trước Thuấn vô ý đánh rơi ngoài vườn. Dù đã rút mẩu giấy báo ra khỏi ví, Thuấn vẫn còn ngập ngừng chưa quyết định dứt khoát nên hay không nên đưa cho Ngô xem. Ngô tò mò, nhưng giữ ý, chỉ ngồi yên chờ. Thuấn thấy không thể lùi được nữa, đưa mẩu báo cho Ngô, nói nhỏ:
- Anh đọc đi!
Mẩu báo đăng tin một vụ án mạng bi thảm được đem xử tại Tòa án Nhân dân Hà nội. Bị cáo can tội giết con, lãnh án 15 năm tập trung cải tạo. Bố mẹ làm công nhân tại xí nghiệp dược phẩm bận bịu suốt tuần nên giao cho đứa con gái 9 tuổi mang sổ hộ khẩu và tem phiếu ra phòng lương thực mua gạo. Phòng lương thực đóng cửa để kiểm kho, hẹn sẽ bán vào hôm sau. Trên đường về, cô bé mải mê chơi đánh thẻ với bạn, vất cuốn số hộ khẩu ở đâu không biết. Ðến lúc nhớ, tìm mãi không ra. Sợ quá, đến giờ bố mẹ đi làm về, cô bé chui xuống gậm giường trốn. Ông bố hay chuyện, tìm con để đập cho một trận nên thân nhưng tìm mãi không ra. Cuối cùng, ông nghe tiếng thút thít dưới gầm giường. Phần mệt nhoài vì phải đạp xe đạp đi khắp nơi tìm con, phần sợ bao nhiêu chuyện phiền phức sẽ xảy đến vì mất sổ hộ khẩu và tem phiếu, ông quát gọi đứa con ra chịu phạt. Cô bé sợ hãi, không chịu chui ra. Ông bố lấy cán chổi thọc vào gầm giường cho con bé phải ra. Ông nghe tiếng thút thít, tiếng nức nở, tiếng van xin tha tội. Nhưng con bé cứng đầu nhất định không chịu chui khỏi gầm giường. Hơn thế nữa, về sau nó không thèm cả van nài hay khóc lóc nữa! Ông bố giận tràn hông, lấy hết sức nhấc cao cái giường rộng đặt trong xó buồng hẹp chồng chất đồ đạc. Đứa con đã chết. Cán chổi đã vô tình thọc trúng vào chỗ nhược của cô bé xấu số.
Ngô đọc xong mẩu tin, bàng hoàng không nghĩ ngợi chuyện ấy có thể xảy ra. Ngô nuốt nước bọt, cố dằn xúc động, hỏi nhỏ:
- Mất sổ mua gạo thì xin sổ khác, việc gì đến nỗi…
Thuấn cắt lời Ngô:
- Anh không hiểu được đâu! Lôi thôi lắm!
- Anh quen với gia đình này à?
- Chú thím tôi đấy!
Ngô im lặng, không dám nói gì thêm. Thuấn cũng im lặng, đút mẩu báo trở lại vào chiếc ví. Thuấn nói:
- Nói cho đúng ra, thì mất sổ cũng không đến nỗi phải sợ hãi thái quá như chú tôi. Dĩ nhiên rất phiền, nhưng không đến nỗi nào. Chú tôi gần như người thất thường, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến gạo. Gần hết gia đình nội của tôi đều chết đói năm 45, chỉ trừ có bố tôi và chú tôi.
- Ai gửi cho anh mẩu báo?
- Thím tôi giấu hết, cả chuyện em Thùy bị nạn và chú tôi vào tù. Một đứa bạn học cắt báo gửi cho tôi. Không biết Nhã nó biết tin chưa!
- Nhã nào?
- Thằng con đầu chú tôi. Nó cũng đi bộ đội Trường sơn. Cũng vì “căn bệnh gạo” mà chú tôi với thằng Nhã gần như từ nhau, không thư từ liên lạc gì cả. Chú có lý, mà thằng Nhã cũng có lý.
Không chờ Ngô hỏi, Thuấn dừng lại một chút, rồi kể tiếp:
- Hồi mới đi nghĩa vụ chống Mỹ, Nhã nó không chịu đựng được kỷ luật huấn luyện nên dại dột lén bỏ ngũ trốn về nhà. Chú tôi sợ quá, sợ bị cúp tem phiếu lương thực, nên không cho Nhã được ở trong nhà lấy một giờ, dẫn ngay lên Huyện đội. Thím tôi khóc năn nỉ hết lời cũng không được.
Rồi không hiểu nghĩ sao, đột nhiên Thuấn đổi giọng vui, đổi luôn cả hướng câu chuyện:
- Giải phóng lâu dài được Huế, thích nhỉ! Anh làm mối cho tôi lấy một cô vợ Miền Nam đi!
Từ lúc Sáu Lăng về, công việc của tổ công tác thay đổi hẳn. Bớt những cuộc thẩm vấn lẻ tẻ để “thanh lọc”, và thêm vào những việc phân loại, xếp hạng qui mô theo số đông. Cả Sáu Lăng và Thuấn đều khoan khoái bảo là công tác đã chuyển hướng theo lối “đại trà”. Ngô chẳng hiểu “đại trà” là cái gì, chỉ hiểu đại khái là cái gì lớn, cái gì tổng quát nhờ căn cứ vào chữ đại. Nhưng tại sao lại có chữ trà ở đây. Hỏi Thuấn (Ngô không bao giờ dám nói chuyện tay đôi với Sáu Lăng), Thuấn giải thích:
- Ðại trà là sản xuất theo qui mô lớn, qui mô công nghiệp, khác với lối sản xuất manh mún riêng lẻ. Không cày ruộng theo từng khoảng bằng chiếc chiếu, mà dùng máy cày cả cánh đồng như ở Liên xô. Gieo giống, thu hoạch cũng đều làm bằng máy như Liên xô đang làm.
Ngô cãi:
- Ở Âu châu hay ở bên Mỹ cũng thế!
Thuấn bị chạm tự ái, gân cổ cãi:
- Nhưng bọn tư bản dùng máy móc để bóc lột, còn Liên xô dùng máy móc để phục vụ cho giai cấp công nông.
Ngô không muốn tranh cãi thêm, im lặng. Chàng đủ khôn ngoan để giữ im lặng trong những lúc cần thiết. Ngô cũng bớt hỏi những câu nguy hiểm, chỉ lẳng lặng tuân hành.
Công việc của Ngô làm chung với Thuấn hoặc Sáu Lăng cũng khá giản dị. Theo bản kiểm kê dân số do các cán bộ từng khu phố lập được, Ngô đọc tên tuổi, nghề nghiệp từng người cho Thuấn hoặc Sáu Lăng xếp loại. Sáu Lăng giải thích rằng tình hình đã biến chuyển thuận lợi nên đã tới lúc “xây dựng và ổn định chính quyền cách mạng”, và nhờ các bảng phân loại này, mà cách mạng sẽ tìm được những người “tiến bộ” để xây dựng “hạ tầng cơ sở của cách mạng”.
Ngô muốn hỏi những người bị xếp vào thành phần “không tiến bộ” sẽ bị xử trí như thế nào, nhưng không dám hỏi. Vẻ phấn khởi tự tin của cả Sáu Lăng, Thuấn lẫn chị Miềng khiến Ngô cảm thấy cô độc hơn trước, khép kín hơn trước. Ngô như người đi lạc vào một thế giới không phải của mình, một thế giới quá đơn giản ngăn nắp, người ta xếp dẹp gọn ghẽ cảm xúc và suy nghĩ cho phù hợp với từng nhu cầu, buồn rồi vui hoặc vui rồi buồn chuyển mạch tự nhiên không vướng víu, lan man.
Một hôm ngẫu nhiên Ngô đọc danh sách khu vực thầy Văn ở. Trong đám chữ nguệch ngoạc khó đọc trên xấp giấy ca rô khổ lớn, tên của Nam, Ngữ, Quế, Lãng, và tên ông bà Văn đập ngay vào mắt Ngô. Chàng khựng lại quên cả đọc tiếp. Sáu Lăng phải giục:
- Ðọc tiếp đi chứ! Trần Văn Thanh, 40 tuổi, buôn bán… Họ có ghi buôn bán thứ gì không?
Ngô phải định thần một lúc mới nhận diện được mặt chữ, chỗ đang đọc dở. Chàng bối rối đáp:
- Họ viết gì khó đọc quá. Đây rồi. Buôn bán nông cơ.
Sáu Lăng gắt giọng hỏi lại:
- Cái gì?
- Nông cơ là máy bơm nước, máy cày tay hoặc phân bón…
- Tư bản thứ gộc đây. Họ có ghi trước đây hắn làm gì không?
- Không!
- Làm ăn đến kỳ! Ðược phép buôn máy cày phân bón, nắm “tư liệu sản xuất”, phải là tay có nhiều tiền và có thế. Không CIA thì cũng cảnh sát mật vụ. Không cảnh sát mật vụ thì cũng sĩ quan cao cấp ngụy. Tại sao để hắn lọt sổ cho tới bây giờ?
Sáu Lăng loay hoay viết gì đó trong cuốn sổ tay, rồi hất hàm bảo Ngô:
- Đọc tiếp đi!
- Lê thị Hai, buôn bán.
- Quái, sao buôn bán linh tinh nhiều thế! Không ai trực tiếp sản xuất cả, chỉ trung gian bóc lột. Buôn bán thứ gì?
- Không thấy ghi. Chỉ nói ở chợ Ðông ba.
- Bao nhiêu tuổi?
- Hai mươi sáu.
- Hai mươi sáu mà không có chồng con gì à?
- Không thấy gì cả. Chỉ thấy số nhà 112 chỉ có một mình Lê thị Hai…
- Nhất định có man khai. Phụ nữ chừng ấy tuổi không thể ở riêng một mình để buôn bán. Không sống với chồng, thì với cha mẹ. Dứt khoát chị này có chồng lính ngụy đã trốn thoát, hoặc còn trốn ngay tại nhà.
Ngô cãi lại:
- Nhưng trong danh sách có ghi “độc thân” rõ ràng.
- Tin sao được người địa phương. Chúng nó bao che cho nhau! Anh đưa danh sách tôi xem nào!
Ngô bị chạm tự ái, gần như vất xấp danh sách về phía Sáu Lăng ngồi. May Sáu Lãng không chú ý, vồ lấy xấp danh sách đọc kỹ. Có lẽ không thể tìm thêm điều gì khả nghi, Sáu Lăng hạ giọng:
- Thôi cho qua. Tên là Nguyễn thị Hai, chắc là nhân dân lao động nghèo. Đọc tiếp!
Ngô băn khoăn vì vài ba tên tiếp theo đã bị gạch đi. Ngô chìa tờ giấy ca rô về phía Sáu Lăng hỏi:
- Sao họ đã xóa đi rồi?
Sáu Lăng đáp gọn:
- Đã giải quyết rồi. Chỉ đọc những tên chưa bị xóa.
Ngô cố hoãn binh vì đã tới chỗ ghi gia đình thầy Văn. Chàng hỏi:
- Lần trước, khi anh chưa về, cũng có trường hợp đã xóa đi rồi sau dưới khóm xin ghi lại. Như trường hợp…
Giọng Sáu Lăng gắt gỏng:
- Nhưng danh sách này chính tôi lo. Anh cứ yên tâm.
Ngô đành phải đọc đến tên những người thân mến. Chàng lo thầm vì lý lịch, nghề nghiệp của từng người được ghi rất cẩn thận, chứng tỏ gia đình ông Văn bị những người hàng xóm ganh tị, không để cho sót bất cứ yếu tố bất lợi nào. Từ việc bà Văn và Quế vào thầu cung cấp rau quả cho quân đội Mỹ trong Ðà nẵng, Ngữ làm việc với Đại tá Tỉnh trưởng Thừa thiên, Lãng đi lính thứ dữ hết Dù tói Thủy quân Lục chiến, cho cả đến việc “ông Văn dạy học ở một trường tôn giáo”. Những chi tiết có thể cứu vãn an ninh cho ông Văn vào lúc này, như hoạt động của Nam, liên hệ giữa Nam và Tường, không hề được nhắc tới. Sáu Lăng phán:
- Cả một gia đình phản động. Lão này cứng đầu cứng cổ lắm!
Ngô quên cả dè dặt, vội hỏi:
- Sao anh biết?
- Chính tôi “làm việc” với lão mấy lần. Lần đầu lão khoe khoang, bảo là có tham gia kháng chiến chống Pháp, đem tên một số bạn bè cũ ra hỏi những người này bây giờ đã làm chức gì rồi. Tôi giả vờ lắng nghe, để cho lão kể từ lúc theo đoàn Nam tiến vô nam cho tới lúc đánh nhau với giặc Pháp ở Ninh hòa. Tới lúc đó, tôi hỏi: “Sao nữa? Rồi tại sao phản bội Tổ quốc đào ngũ về thành?” Lão cứng họng. Lão nói bị mất liên lạc đành phải tìm sinh kế làm ăn. Tôi cười, quay lão về hai đứa con lính ngụy. Lão đổ bướng cãi chầy cãi cối. Nếu không thương hại tuổi già, tôi đã cho còng ngay từ hôm đầu rồi!
Ngô cố làm ra vẻ vô can, hỏi:
- Mấy lần sau, ông ấy có bớt bướng bỉnh không?
Sáu Lăng cười khỉnh:
- Bớt cái gì! Tội lén nghe đài địch rành rành ra đấy, mà không chịu nhận. Bị truy, lão đâm lì. Ngồi nhìn lên trần nhà không thèm nói năng gì cả. Sau đó tôi chuyển đi lập tổ công tác khác, không biết anh em giải quyết trường họp lão ra sao. Ho làm ăn tệ quá. Tên lão vẫn còn sờ sờ ra đây!
Ngô buột miệng nói:
- Tôi quen ông Văn. Ông ấy là thầy cũ của tôi.
Nói xong, Ngô ngạc nhiên vì những gì đã nói. Nhưng lòng chàng tự nhiên nhẹ nhõm, chàng không còn áy náy hối hận hoặc ấm ức như trước nữa. Sáu Lăng quay phắt lại, nhìn Ngô đăm đăm. Ngô nhìn thẳng vào mắt Sáu Lăng, nói chậm và rõ từng tiếng:
- Vâng. Ông ấy là thầy cũ của tôi. Tôi quen biết rất rõ gia đình này. Có thể nói là thân thiết với mọi người trong nhà.
- Anh thân cả với thằng gì… à thằng Ngữ?
- Vâng.
- Nó trốn ở đâu?
- Làm sao tôi biết được. Các anh vào, tôi mới được giải thoát khỏi lao Thừa phủ.
Sáu Lăng vỗ trán, giọng thân mật hớn hở:
- Chết mất! Tôi thật lú lẫn! Anh bị chúng giam hai năm làm sao biết được. Thôi! trường hợp gia đình này ta cần gác lại để tìm hiểu thêm. Không nên để cho lầm lẫn, nhất là những người quen biết với anh. Ta nghỉ một chút đã. Cơm nước xong, lại tiếp!
Tối hôm đó có chạm súng dữ dội ở khúc sông ngay sau nhà, nên công việc tạm ngừng lại. Tất cả mọi người đều phải ra núp ở các hố cá nhân. Bộ đội, thanh niên võ trang không biết từ đâu đổ về vùng này, tiếng súng lớn súng nhỏ nổ như pháo Tết đêm giao thừa. Bên kia sông, từng đợt đại bác lẫn đạn súng cối bắn qua. Một quả cối rơi ngay phía trước căn nhà tôn, làm sập hẳn chái phía trái sát gốc nhãn.
Giao tranh kéo dài cả giờ đồng hồ mới tạm ngưng, chỉ còn lác đác những tiếng súng nhỏ lẻ tẻ. Người ta giải thích là có một toán lính Mỹ định dùng phao bơi qua tập kích khu Gia hội, nhưng đã bị du kích ở dọc theo sông phát hiện.
Mặc dù không còn bắn nhau gắt gao, nhưng lệnh trên vẫn buộc mọi người ở yên tại vị trí phòng thủ. Ngô dựa lưng vào vách hầm ẩm ướt, sương lạnh ngắt, nên cảm thấy khó thở. Gần lờ mờ sáng, mọi người mới được vào nhà.
Sáu Lăng ra lệnh dọn dẹp hồ sơ để dời tới một căn nhà khác an toàn hơn. Ðúng lúc không hề chờ đợi, Tường lại tới thăm Ngô. Như người sắp chết đuối vớ được cái phao, Ngô bỏ hẳn công việc chạy ra đón Tường, mừng rỡ hỏi:
- Sao cả tuần nay mày không xuống đây?
Tường vỗ vai bạn như an ủi một đứa em, đáp:
- Tao lu bu đủ thứ chuyện! Nhất là bây giờ di chuyển không được dễ dàng như trước. Nhà tao bị bắn sập, mày biết chưa?
Ngô hốt hoảng hỏi:
- Nhà nào?
- Nhà cũ ở đường Trần Hưng Ðạo. Cả dãy phố bị thiệt hại nặng lắm.
Ngô buồn rầu nói nhỏ.
- Tao ở dưới này như người bị quản thúc, không đi đâu được cả. Tình hình ra sao?
Vừa lúc đó, Sáu Lăng đi ra ngõ nghiêm mặt hỏi Tường:
- Ðồng chí cần việc gì?
Tường chau mày, nhưng vội thay đổi nét mặt, niềm nở hỏi lại:
- Anh Sáu quên tôi rồi à? Tư Vịnh đây!
Sáu Lăng vẫn dấm dẳng:
- Chắc anh Tư muốn “liên hệ công tác” với anh Ngô?
Rồi quay về phía Ngô, Sáu Lăng nói:
- Xong việc anh vào lo cột hồ sơ của anh lại, rồi ta còn đi.
Chờ Sáu Lăng quay lưng đi vào nhà khá xa, Tường mới nói:
- Sao anh ta trở chứng thế? Trên Khu, tao với anh ta cùng học một nhóm, chứ có xa lạ gì đâu. Hay mày công tác không tốt?
Ngô không đáp thẳng câu hỏi, bảo Tường:
- Thầy gặp nguy hiểm, mầy biết chưa?
- Thầy nào?
Ngô trách móc:
- Thầy Văn chứ còn thầy nào nữa! Hôm qua địa phương họ đưa danh sách những gia đình bị xếp vào loại xấu lên cho Sáu Lăng. Họ báo cáo thầy đủ thứ chuyện, kể cả chuyện thằng Ngữ. Họ bảo nó còn trốn trong nhà. Lâu nay mày có ghé thăm… ghé thăm thầy hay không?
Tường đáp:
- Hôm qua tao có ghé, nhưng đúng lúc súng nổ cả nhà ra hầm núp, chẳng được nói chuyện gì nhiều.
- Nam ra sao?
- Vẫn vậy!
- Tao chẳng hiểu mày nói gì. Vẫn vậy! Làm như không hề có gì xảy ra cả! Sao mày giấu?
- Tao có giấu gì đâu! Thôi, để lúc khác nói chuyện đi. Tao ghé thăm mày, và nói riêng cho mày biết hãy cố tích cực công tác hơn nữa. Mày khơi khơi quá, đã có nhiều đồng chí “có ý kiến” về mày.
Ngô nổi giận:
- Tao phải làm sao cho họ vừa lòng? Sai gì làm nấy, còn đòi gì nữa. Tuy tao chẳng thích thú gì với cái trò bắt nạt đe dọa người ta này.
Tường cũng nổi cáu:
- Mày đòi đổi công tác à? Chẳng lẽ mày muốn làm công tác “xử lý” bọn phản động?
Ngô nghe lần đầu hai tiếng “xử lý” dùng theo một nghĩa không quen thuộc, nhưng chàng hiểu Tường muốn nói điều gì. Chàng nhìn bạn đăm đăm. Khuôn mặt Tường trước đây vốn đã ốm, bây giờ trông càng ốm hơn. Hai gò má nhô cao, nước da xanh tái. Cái cằm nhọn phủ đầy râu lởm chởm. Mái tóc dài dơ dáy bị hơi sương làm ướt kết thành từng mảng trông xơ xác. Cặp mắt mất ngủ lờ đờ, những gân máu đỏ quá nhiều trên tròng trắng khiến cái nhìn của Tường thêm hung dữ. Bất giác Ngô lo ngại! Chàng hoang mang không hiểu đêm qua trong cảnh dắt dìu nhau tránh đạn dưới hầm trú ẩn, Tường có vô tình hay cố ý nấp chung một hầm với Nam và đứa con bất đắc dĩ hay không. Nếu có, họ đã nói với nhau những gì. Trong ánh sáng chập choạng của lửa đạn, họ nhìn thấy nhau ra sao? Nam có thấy được đôi mắt đỏ ngầu, đôi gò má nhô cao, hàm râu lởm chởm, nước da tái của Tường như Ngô đang nhìn thấy không? Ngô cảm thấy nghẹt thở, xâm xoàng, phải cắn môi lấy hết ý chí định thần một lúc mới bình tĩnh trở lại. Ngô nói lảng sang chuyện khác:
- Mày có biết tin gia đình tao ra sao không?
Tường lắc đầu:
- Tình hình bên đó gay go hơn bên này. Nhiều đơn vị đã đứt liên lạc. Thôi, Sáu Lăng lại quay ra kia kìa. Mày rán giữ mình. Tao đi nhé!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động