Đừng để tâm đến thất bại mà chỉ nên nhìn vào những sai sót của mình.

Ngạn ngữ châu Phi

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 21
Ðại đội Hắc báo của đại úy Huệ mở đường máu rút từ phi trường Tây lộc về Bộ Chỉ huy, tuy bị thiệt hại khá nặng, nhưng quân số còn lại đã góp phần quan trọng cho việc giữ vững Bộ Chỉ huy Sư đoàn. Đại úy Huệ từng làm việc và thân thiết với Trung tá Thanh, nên bên phía tuyến phòng thủ Trung tá Thanh phụ trách, một nửa là quân nhân Hắc báo, một nửa là lính văn phòng và những “khách thập phương” đi phép như Ngữ. Hai sĩ quan chỉ huy biết rõ khả năng của thuộc cấp, nên những “điểm nóng” được giao cho anh em Hắc báo. Loại tài tử như Thành, như Ngữ… được giao cho những chỗ dễ hơn, có nhiệm vụ “giám sát” và “yểm trợ” nhiều hơn là trực tiếp đương đầu với các đợt xung phong của địch.
Tuy nhiên, tình hình biến chuyển từng lúc, địch lại ở thế chủ động, được thay quân và tiếp tế tự do, nên “tuyến đầu” không còn được xác định rõ rệt. Chỗ trước đó một hôm an toàn ngày hôm sau đã trở thành điểm nóng. Nhất là từ lúc địch phá được một đoạn thành rào quanh căn cứ, ổ đại liên của Ngữ và Thành trở thành quan trọng. Trung tá Thanh biết rõ điều đó, nên có ý chuyển hai chú lính tài tử đi nơi khác. Ông bỏ ý định này khi trở lại văn phòng. Thành và Ngữ thiện chiến hơn ông tưởng. Thêm một điều khác khiến ông yên tâm: là ở hai thanh niên đó, ông nhận ra cái gì khác hơn một bộ máy bấm cò. Cả hai đều ít nói, đều không biểu lộ ồn ào khi vui và rầu rĩ ra mặt khi buồn. Nhưng trong cách hành động, cách nói năng, cách lựa chọn, ông thấy họ có một tinh thần trách nhiệm cao. Họ là loại thuộc cấp ông yên tâm khi giao cho họ công việc gì. Có thể họ thất bại, hoặc kết quả chưa tới, nhưng những điều họ làm được, họ đã làm với tất cả thành tâm và nhiệt tình.
Trung tá Thanh không có nhiều thì giờ trò chuyện với Ngữ và Thành. Thành làm ở Ban Quân xa nhưng lái xe Dodge 4 nên chưa từng làm tài xế cho ông. Với Ngữ, ông mới gặp lần đầu, khi khoảng hành lang hẹp an toàn trước văn phòng ông trở thành chỗ tạm trú cho một số binh lính tử thủ. Mặc dù trong cảnh tử thủ, cấp bậc không còn đặt nặng nữa, nhưng ông vẫn cố giữ một khoảng cách vừa phải nào đó với cấp dưới. Ông có thân mật hỏi gia thế của từng người, những lúc vô tình gặp họ. Những câu hỏi ngắn, rời rạc. Những lời đáp dè dặt, cho phải phép. Viên trung tá ác cảm với Ngữ khi biết chàng bị biện pháp kỷ luật vì vụ Phật giáo hai năm trước, cho rằng Ngữ chỉ là một thứ “thư sinh mặt trắng” được sống nhàn nhã quá bày trò xuống đường hò hét làm xáo trộn trật tự, kết quả chỉ làm lợi cho Cộng sản. Rồi một sĩ quan ngẫu nhiên tiết lộ cho ông biết Ngữ có viết lách, và viết khá lắm. Ông nhìn Ngữ một cách thân ái hơn. Ông hỏi Ngữ viết những gì? trên báo nào? Ngữ đỏ mặt nói quanh, bảo “chỉ viết lách lăng nhăng cho vui vậy thôi”. Biết Ngữ không muốn đi xa hơn, Trung tá Thanh dừng lại. Nhưng ông không khó chịu. Ông bồi hồi nhớ lại thời làm báo xuân ở trung học, thời ông kiêu hãnh được giao cho chức trưởng ban báo chí trong ban chấp hành học sinh trường Nguyễn Trãi suốt ba niên khóa liền. Cậu học sinh đệ nhị cấp hồi đó, mỗi năm được cầm một tập giấy và cây bút Bic lên phỏng vấn thầy hiệu trưởng, thầy giám học, thầy tổng giám thị về rất nhiều vấn đề quan trọng. Xin thầy cho biết ý kiến về vai trò của người học sinh trước vận mệnh đất nước? Nền giáo dục hiện tại đã đáp ứng được nhu cầu lịch sử của dân tộc hay chưa? Những gì cần làm để tương quan thầy trò ngày nay được tốt đẹp? Mỗi năm chỉ vào dịp xuân về, trưởng ban báo chí mới có cơ hội được đặt những câu hỏi nặng ký như vậy, và vì các thầy rất ít có dịp được phỏng vấn, nên các câu trả lời cũng rất nặng ký. Các thầy căn dặn cho xem lại bản ghi cuộc phỏng vấn, thêm chỗ này, sửa chỗ nọ. Trưởng ban báo chí cao giá như ông chủ bút cao giá trước các cộng tác viên biên tập.
Nhưng niềm hãnh diện ấy chưa hấp dẫn bằng việc đi khám phá những “tài năng văn chương” mới. Nghe danh Thúy Lan làm thơ hay từ lâu rồi. Cho tụi này một bài báo xuân đi. Có phải Thu Nga viết bài “Xuân Nhớ Mẹ” trên báo xuân năm ngoái không? Giấu kỹ lắm, nhưng ai không biết! Cho một bài tùy bút mùa xuân nhé! Hầu hết các “tài nãng mới” đều là các cô đệ tam đệ nhị đệ nhất, cô nào cũng đẹp như mơ, nên cuộc khám phá phát hiện tài năng mới cho mùa xuân dù nhì nhằng rất mất thì giờ nhưng cũng rất thích thú. Bên nam sinh cũng có nhiều tài năng mới dư sức viết các bài lý luận chính trị nẩy lửa, các truyện ngắn đầy đủ tiếng súng và tiếng khóc. Anh trưởng ban báo chí khỏi cần mất công tiếp xúc năn nỉ, nhưng lại được cái oai làm người chọn bài.
Trung tá Thanh sưu tập những số báo xuân học đường in ronéo ấy, giữ gìn cẩn thận như những kỷ vật đẹp, tuy không hề dám cho vợ con biết những bài viết ngây ngô dạo nọ do mình viết ra. Bà vợ vô tâm đã vứt hết bộ báo ấy trong khi dọn nhà từ trại gia binh lên cư xá Chí hòa. Khi thấy mất, ông đau lắm, nhưng không dám than thở nửa lời. Ông âm thầm cảm phục và ghen tị với những cậu học trò mê làm báo làm văn làm thơ hơn ông. Cho nên buổi tối hôm ấy, gặp Ngữ đang ngồi một mình ở chân cầu thang, ông mời Ngữ vào văn phòng mình. Ngữ lấy làm lạ, hơi lo âu khi theo Trung tá Thanh vào căn phòng con bề bộn giấy tờ. Chàng không hề chờ đợi một cuộc “mạn đàm văn học” giữa khung cảnh căng thẳng và tang tóc như vậy.
- Cậu muốn biết tình hình chung chứ gì? Nói chung, khá! Ðịch có “tổng tấn công” thật đấy, nhưng không hề có “tổng nổi dậy”. Lần đầu tôi nghe ba tiếng “tổng nổi dậy” trên đài Hà nội, nhịn cười không được. “Tổng tấn công” cả ba chữ đều là tiếng Hán Việt. Còn “nổi dậy” là chữ Việt thuần túy, đặt chữ ”tổng” ở trước nghe kỳ cục. Những toán cảm tử đột kích khắp các nơi đều đã bị bao vây. Sài gòn Chợ lớn: Vẫn còn đánh nhau, nhưng không trầm trọng như ở đây. Bên hữu ngạn các chốt địch đã bị giải tỏa gần hết. Nhưng tả ngạn thì địch vẫn còn làm chủ. Chúng nó tự do đi lại, tiếp quân tiếp lương tiếp vũ khí để bao vây mình. Chúng ta hiện đang chịu áp lực nặng nhất trên toàn quốc. Vài trăm người chống lại mấy ngàn người. Có thể cả tôi lẫn cậu bỏ thân tại đây. Nhưng nếu có chết, cũng phải chết cho đàng hoàng. Chúng ta có đủ thì giờ để sống cho đàng hoàng, và chết đàng hoàng. Cậu viết lách được, thử viết cái gì để lại cho những người đến nhặt xác chúng ta đọc. Cho họ biết chúng ta vẫn gắng sống đàng hoàng cho đến phút cuối.
Ngữ không chờ đợi để nghe những lời tâm sự thiết tha như vậy, bàng hoàng xúc động, không đáp ngay.Trung tá Thanh tưởng Ngữ không muốn nói chuyện thân mật với ông, hơi thẹn, nên nói vớt:
- Tôi không bi quan đâu! Tôi tin mình giữ được Mang Cá cho đến lúc quân ta giải phóng được cả Huế. Nhưng những giây phút thử lửa như thế này hiếm lắm! Cậu nên nhớ để sau này viết lại.
Ngữ lấy được bình tĩnh, nói:
- Vâng, tôi sẽ viết về Trung tá.
Trung tá Thanh giật mình, rồi ông hân hoan ra mặt. Giọng ông lúng túng:
- Cậu nói đùa? Tôi làm được cái trò trống gì?
Ngữ nhắc lại câu ông Thanh vừa nói:
- Trung tá giữ được đàng hoàng cho tới phút cuối!
- Cậu nghĩ thật như thế?
- Vâng.
Trung tá Thanh tò mò:
- Cái gì khiến cậu nghĩ vậy?
- Thật khó nói!
- Cậu sợ tôi mất lòng chứ gì?
Trung tá Thanh nói xong mới thấy câu mình hỏi phản nghĩa với câu khen tặng của Ngữ. Ông vội chữa:
- Nhiều khi cậu đánh giá tôi sai đấy. Nhưng thử nói vì sao đi!
Ngữ bớt e ngại, hỏi lại:
- Vì sao Trung tá không “lánh nặng tìm nhẹ”, nói cho đúng hơn là “lánh chết tìm sống” như một số người khác?
Trung tá Thanh cười:
- Tại vì tôi cũng sợ chết. Cậu đừng cười! Tôi cũng sợ chết chứ. Chết đi, bỏ vợ con lại cho ai! Nhưng đã đến nước này, chỉ có sáng suốt liều chết mới mong sống còn. Một mình mình liều chết chỉ toi mạng lảng nhách. Phải tổ chức, đốc thúc, khuyến khích để mọi người cũng liều chết. Tối hôm qua có mấy người định trốn, cậu biết không?
- Thưa không! Ai thế?
- Không quan trọng. Họ cũng sợ chết như mình, có điều họ chọn lầm đường thoát. Họ gặp nạn sớm quá!
- Họ chết rồi sao?
Trung tá Thanh lắc đầu chán nản:
- Hai bên hườm súng chờ sẵn, họ chạy ra chỉ làm bia cho cả hai thứ đạn găm vào người. Không biết sáng nay bên đó đã kéo xác được chưa.
Ngữ ngồi im một lúc, rồi nói:
- Tôi phục Trung tá ở sự chân thành. Có lẽ nhờ đó mà Trung tá vững chãi, bình tĩnh, trong mọi trường hợp.
Trung tá Thanh không giấu được sung sướng. Ông nhấp nháy đôi mắt, mỉm cười nhìn Ngữ thật lâu. Ông hỏi:
- Nếu có dịp, cậu chịu về làm việc với tôi không?
Ngữ vội hỏi:
- Việc gì ạ?
Trung tá Thanh cười:
- Chưa gì cậu đã sợ tôi dẫn cậu đi làm chuyện bậy bạ! Nhưng nói đùa đấy. Cậu thuộc Quân đoàn 2, lại đang bị kỷ luật, khó xin về lại đây lắm. Tôi lại không có thế lực gì cả, lo thân mình chưa xong.
- Sao Trung tá không xin chuyển về Sài gòn?
Trung tá Thanh bật cười:
- Đúng là lính ấm ớ, cậu chẳng hiểu gì cả. Tôi bị Sài gòn vất ra đây, lại còn hỏi chuyện xin về Sài gòn. Nhưng trong cái rủi có cái may. Gặp được ông Tướng Tư lệnh thế này, coi như may mắn. Làm việc với ổng tuy cực, nhưng không phí công!
Ngữ nổi hứng kể cho trung tá Thanh nghe chuyện mình viết về một ông tướng vùng, truyện “Vòng hoa dành cho ngài lãnh tụ”. Kể cả những phiền lụy vì mẩu truyện ngắn ngủi ấy. Trung tá Thanh thích thú vỗ vế cười:
- Cho đáng đời cậu! Chữ nghĩa trong thời buổi tao loạn này có gươm có dao, cậu thêm thắt mắm muối mà lại để rõ nơi chốn, thời gian, tất có người nhột. Ðược lắm! Cũng hung hăng y như hồi tôi viết xã luận cho báo xuân Nguyễn Trãi…
Rồi viên trung tá đỏ mặt kể lại “thời cầm bút sớm sủa” của mình.
Sáng hôm sau, toán binh sĩ trú tạm trước văn phòng Trung tá Thanh được lệnh chuyển sang một chỗ khác. Trung tá Thanh giữ Ngữ lại làm phụ tá cho mình, nên Ngữ nhường bộ quần áo và phần thuốc lá được phân phối cho Thành. Hai người bạn mới thân nhau không kịp nói gì, đã phải ai đi đường nấy.
Buổi trưa, trực thăng Mỹ hạ xuống được bên trong vòng thành Bộ Chỉ huy, dù súng nhỏ của địch nhắm bắn như mưa bấc. Bộ Chỉ huy có thêm một sĩ quan liên lạc của quân đội đồng minh, ngoài đại tá Adkisson đã có mặt bên cạnh Tướng Tư lệnh Sư đoàn từ đầu.
Thiếu tá Thủy quân Lục chiến Stevenson ở ngay bên cạnh phòng Trung tá Thanh để hai người dễ dàng phối hợp công tác. Ông mang đến những tin vui cụ thể và chi tiết về tình hình bên hữu ngạn. Nhưng dường như thiếu tá Stevenson cũng mang tới cho Trung tá Thanh những phiền muộn. Ngữ thấy gương mặt viên trung tá trở nên đăm chiêu, cau có. Trung tá Thanh được Tướng Tư lệnh Sư đoàn giao cho nhiệm vụ thông báo cho viên thiếu tá Mỹ tình hình quân sự chung quanh Bộ Chỉ huy, tình hình quân số và đạn dược vũ khí để quân đội đồng minh yểm trợ cuộc phản công đã được dự trù.
Nhưng viên thiếu tá đồng minh thua Trung tá Thanh đủ một con giáp thích nói hơn là nghe, thích nêu những điều phải làm hơn là cân nhắc những điều có thể làm được. Trung tá Thanh bảo với quân số vài trăm người ô hợp, thiếu chuẩn bị, và vũ khí hạn chế, cho tới nay quân lực VNCH vẫn còn giữ được căn cứ Mang Cá, hoàn toàn kiểm soát được dọc dài tường thành phía tây bắc, nhờ thế quân tiếp viện có thể tiến theo ngả Bao vinh phản công địch chiếm lại Thành nội. Nhờ bất thần đưa gần hai trung đoàn lọt vào Thành nội nên địch vẫn uy hiếp nặng dọc tường thành hướng đông bắc và đông nam, nhưng bên ngoài tường thành bảo vệ Mang Cá ở mặt tây nam, quân phòng thủ đã mở được những cuộc phản kích đáng kể. Viên thiếu tá Mỹ nhóp nhép nhai kẹo cao su, vừa lơ đãng nghe Trung tá Thanh thuyết trình vừa dùng tay trái vẽ hình chú vịt Donald lên mảnh giấy trên mặt bàn. Ðến khi Trung tá Thanh hỏi Thủy quân Lục chiến Mỹ sẽ làm gì để phối hợp giải phóng khu tả ngạn, viên thiếu tá thôi nhai kẹo, chồm tới phun phần cao su thừa vào giỏ rác, rồi thản nhiên đáp:
- Chúng tôi sẽ tự làm lấy.
Trung tá Thanh không hiểu, hỏi lại:
- Ông nói gì?
Viên thiếu tá bắt đầu nói những câu “đáng lẽ phải thế này, đáng lẽ phải thế nọ”. Thế là hai người to tiếng với nhau!
Ngữ không được nghe những lời hai viên sĩ quan đối đáp nên không hiểu vì sao Trung tá Thanh nổi giận. Về sau, đọc một cuốn sách Mỹ viết về trận Mậu Thân, chàng hiểu. Viên thiếu tá đã tuyên bố như sau về những đồng đội quả cảm của chàng:
”Tôi rất kính phục tướng Trưởng và hầu hết các sĩ quan VNCH trong bộ tham mưu của ông. Quân VNCH tử thủ tại Bộ Chi huy Sư đoàn 1 đã có những vị chỉ huy giỏi, và họ chiến đấu giỏi. Nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy. Cá nhân tướng Trưởng là một vị chỉ huy kiên quyết, cứng cỏi đối với các sĩ quan thuộc quyền cũng như đối với binh sĩ, một người chân thành, đầy tinh thần hợp tác. Nhưng tôi dám quả quyết với các ông rằng chỉ nhờ lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ mà Huế được giải phóng. Mặc dầu nhiều binh lính VNCH đã hi sinh, và những người khác thì chiến đấu dũng cảm, nhưng sau thời gian bốn ngày tử thủ, số thiệt hại của họ thấp xuống. Họ chỉ muốn nằm yên tại chỗ để tránh thiệt hại thêm.”
Ngữ đã giận dữ xé vụn mảnh báo. Về sau, chàng phải tìm mượn lại tờ báo ở thư viện để photo gửi cho trung tá Thanh.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động