We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 20
gữ mệt quá, vừa đặt lưng xuống chiếc ghế bố ẩm ướt đã ngủ say lúc nào không hay. Chàng chỉ giật mình thức dậy khi một quả cối của địch rơi ngay trước tòa nhà hai tầng cách phía trái Bộ Chỉ huy Sư đoàn. Chỗ tạm trú an toàn của những quân nhân được thay phiên nghỉ ngơi là tầng dưới các tòa nhà vững chắc ấy, đề phòng đạn pháo kích của địch. Chiếc ghế bố Ngữ nằm đặt dưói tấm “đan” cầu thang xi-măng nên khi căn phòng bị rúng động vì tiếng nổ gần, những mảng xi-măng mỏng cùng cát vữa rơi cả khắp người chàng. Trong lúc vội vàng ngồi bật dậy theo phản xạ tự nhiên, đầu Ngữ va thật mạnh vào tấm “đan” cầu thang.
Mặc dù bị đau điếng, Ngữ vẫn vội vã đưa tay chụp khẩu garant đêm hôm trước chàng dựng ở cạnh ghế bố. Khẩu súng không còn ở đó. Ðịnh quay hỏi Thành, chàng mới thấy Thành không còn nằm trên tấm ni-lông trải trên xấp giấy báo ở chỗ đêm qua nữa.
Bên ngoài, địch vẫn tiếp tục pháo kích. Tiếng đạn xé gió rú lên từng cơn, chen lẫn tiếng những quả đại bác nổ khi tới đích và tiếng súng nhỏ. Đợt pháo kích thưa dần, nhưng phía tử thủ bắn trả ngày càng dữ dội. Ngữ tìm lại được cảm xúc ngây ngất rạo rực của những ngày lâm trận trước kia, bứt rứt không có súng để góp sức với đồng đội. Chàng đoán, và đã đoán đúng, là Thành đã lấy khẩu garant của Ngữ ra công sự. Hộp ration C hai người ăn hết hôm trước còn đó, mẩu bao thuốc lá Camel năm điếu bị vò nhàu thành cục nằm ngay dưới chân Ngữ. Chàng thèm thuốc, và chán nản nghĩ đến cảnh phải đi xin từng điếu những người bạn mới thân khá bủn xỉn và lạnh lùng. Chỉ mới mấy ngày bị vây hãm, thuốc lá đã khan hiếm. Mọi ngưòi hút gấp đôi gấp ba số lượng bình thường để dằn bớt sự căng thẳng, để đánh lừa sự mệt nhọc.
Ngữ nhớ đến cuộc cãi vã dữ dội sáng hôm qua giữa Trung tá Thanh và Ðại úy Bính Tiếp liệu về chuyện thuốc lá. Sau khi bán nhu yếu phẩm cho binh sĩ trực thuộc Bộ Chỉ huy Sư đoàn vào dịp Tết, bên Quân tiếp vụ còn được mấy chục thùng thuốc Ruby Quân tiếp vụ bán ế. Sau thời gian bàng hoàng vì bị tấn công bất ngờ, băn khoăn lo âu giữa một tình thế tranh tối tranh sáng, những người bị vây hãm dần dà lấy lại được nhịp sống bình thường. Lúc ấy, thuốc lá mới trở thành nhu cầu số một, trên cả lương khô. Những tay nhanh nhẩu lanh lẹn thấy trước điều đó đã lén khuân mất mấy thùng thuốc lá, cho tới khi người chịu trách nhiệm là Ðại úy Bính khám phá ra, số thuốc lá tồn kho chỉ còn 17 thùng.
Ðại úy Bính tay súng liều lĩnh xăm mình nhưng đông thời cũng là một tay kế toán chi li cẩn trọng. Ông đã ngoài bốn mươi, suốt cuộc đời binh nghiệp bù đầu với những con số kế toán nên từ hạ sĩ quan vừa nhờ cần cù vừa nhờ tự học đậu bán phần tú tài để leo lên được cấp bậc đó, ở vào tuổi này, đã là sự cố gắng phi thường của ông. Ðây là lần đầu tiên ông cầm súng, lần đầu tiên sống khác với nếp sống văn phòng ông sống lâu nay. Ông đột nhiên trở nên hăng hái đến liều lĩnh, xông vào những chỗ nguy hiểm vì giận bọn địch cũng có, mà vì không biết đó là nguy hiểm cũng có. Nhưng khi khám phá số thuốc lá bị mất, ông trở lại nguyên vẹn bản tính một anh thủ kho cần mẫn, có lương tâm. Ông giận run, đi lùng khắp nơi truy tầm cho ra tang vật hay thủ phạm. Ông trở thành trò cười của mọi người, một đề tài chế giễu khi thương hại khi độc ác giữa lúc mọi người đang cần một đề tài ngộ nghĩnh nào đó để quên nỗi lo âu. Vài quân nhân và hạ sĩ quan bày luôn cả một “âm mưu” để chọc giận ông. Một anh binh nhất làm ra vẻ thiện chí đến thì thào cho ông Bính biết chỗ giấu mất thùng thuốc lá, cũng như địa điểm, thời gian bọn phạm kỷ luật họp nhau để tẩu tán hàng ăn cắp. Đại úy Bính tin ngay, báo cho Trung tá Thanh phòng Hai.
Trung tá Thanh chỉ đủ kiên nhẫn lắng nghe viên đại úy một phút, sau đó bực dọc gạt đi:
- Thôi, hơi đâu bận tậm ba cái lẻ tẻ!
Ðại úy Bính nhíu mày khó chịu, nhưng chưa nói gì. Trung tá Thanh bận đọc các báo cáo của Truyền tin, thấy ông Bính vẫn đứng đó chưa chịu đi, hất hàm hỏi:
- Còn gì nữa?
Ðại úy Bính không thể chịu đựng thêm. Ông to tiếng trách Trung tá Thanh bao che bọn ăn cắp, và đe sẽ trình nội vụ lên Trung tướng Tư lệnh.
Trung tá Thanh giận quá, quát:
- Anh nghe đây: Ðây là lệnh! Anh đem ngay số thuốc lá còn lại trong kho phát đều cho mọi người, không phân biệt cấp bậc, không phân biệt biết hút hay không biết hút.
Ðại úy Bính không vừa:
- Trung tá nghe đây: Là người sẽ ở tù nếu để mất quân nhu, tôi không tuân lệnh!
Cả hai đều to tiếng, nên các quân nhân ở tạm quanh phòng làm việc phòng Hai, trong đó có Ngữ, đều nghe rõ. Đại úy Bính nói xong, không thèm ở lại giây nào, vùng vằng bỏ đi. Ngữ thấy Trung tá Thanh từ trong phòng bước ra, mắt đổ lửa. Ông hầm hầm không nói gì, nhìn quanh một lượt đám quân nhân đang nằm ngồi bừa bãi bên ngoài hành lang, có vẻ như đang tìm một nạn nhân để trút giận dữ. Ông không tìm ra ai, hoặc tìm ra nhưng kịp nhận thấy cư xử như vậy giữa cảnh sống chết có nhau thế này là lố bịch. Cuối cùng, ông càu nhàu:
- Các cậu bừa bãi quá. Như cái tổ chuột!
Tiếng súng mỗi lúc một dày! Ngữ cảm thấy bứt rứt, ngồi bần thần trên đầu ghế bố. Chàng không thể định rõ nguyên cớ tâm trạng bứt rứt ấy. Có thể do đêm qua Ngữ đã thức quá khuya và mệt nhoài vì lo chôn cất thượng sĩ Trú. Có thể do thèm thuốc lá mà không tìm ra được lấy một mẩu thuốc tàn! Cũng có thể, Ngữ hy vọng vậy, là Ngữ cảm thấy mình không làm tròn trách nhiệm. Dù trải qua trên năm năm binh nghiệp, trong đó hai năm trực tiếp chiến đấu và ba năm làm lính văn phòng, Ngữ vẫn thấy tinh thần đồng đội là một ý niệm phức tạp, không hề đơn giản và tự nhiên chút nào.
Ngữ nghe nói ở các binh chủng thiện chiến như Thủy quân Lục chiến, Dù, Biệt động quân… do thường xuyên kề cận với cái chết nên tình chiến hữu rất thắm thiết, nhiều khi những người cùng đơn vị có thể xả thân chết cho nhau.
Sau khi tốt nghiệp trường hạ sĩ quan, Ngữ được đưa về làm lính Địa phương quân, chịu trách nhiệm an ninh ở một quận nằm dọc theo quốc lộ 1 và gần núi. Suốt thời gian đóng chốt giữ đồn, tiểu đội của Ngữ chưa hề tham gia trận đụng độ qui mô nào. Chỉ có những cuộc tuần tiểu nhỏ, và vài ba cuộc phục kích không đem kết quả lớn lao đến độ được Chi khu hoặc Tiểu khu tuyên dương. Không phải Ngữ và các đồng đội được sống an nhàn và an toàn. Tiểu đội đó đã có một người chết, và bốn người bị thương. Bị thương nặng nhất là Ngữ. Nhưng những người bị thương vong đều gặp nạn trong lúc bất ngờ, do bắn sẻ hay mìn. Kẻ thù vắng mặt, và những vụ vãi đạn giận dữ vào khu rừng âm u bên kia chốt chỉ cốt cho hả giận, chứ chưa hề có một kẻ thù hay nỗi nguy hiểm cụ thể nào để các đồng đội của Ngữ phải sát cánh. Ðôi khi, trong thâm tâm, Ngữ vẫn khinh rẻ cuộc đời lính Ðịa phương quân thiếu hấp dẫn và buồn nản của mình. Giá được chiến đấu trong một cuộc chiến qui mô có trực thăng vận, có pháo binh yểm trợ, có trận tuyến, có chiến hào, có những đợt tấn công biển người và phản công biển người như trên màn ảnh, Ngữ còn thấy hứng thú!
Sau khi bị thương, Ngữ may mắn khỏi phải cưa chân, và giấy chứng thương đưa được chàng về văn phòng. Ngữ càng thấy đời lính tầm thường hơn nữa. Việc làm văn phòng ở Tiểu khu, với cung cách quan nha kiểu cách và những nghi lễ rườm rà còn dễ nản hơn cả đời lính Ðịa phương quân giữ đồn. Ngữ trở thành một anh công chức già cạo giấy, một anh tùy phái để quan to sai vặt, một anh viết diễn từ theo lệnh. Những ràng buộc của nhiệm vụ không có gì thiêng liêng, nên Ngữ tự an ủi: Bấy nhiêu công việc ở Tiểu khu như một món nợ cơm áo phải trả, muốn yên ổn tinh thần phải biết khoanh những việc đó lại trong vòng đúng mức vừa tầm, không tệ quá mà cũng không khá quá. Hãy dành hết năng lực cho đời sống tâm hồn của riêng mình. Việc viết lách hoặc chuyện trò với bạn bè trở thành một lối thoát, một cái cớ để tự cao ngấm ngầm.
Phải chờ tới lúc bị vây hãm trong vòng rào Bộ Chỉ huy Sư đoàn, ai nấy đều phải cầm súng để sống còn, với những kẻ thù đang hiện diện đông đảo chung quanh và lúc nào cũng rình rập tiêu diệt chàng, Ngữ mới thấm thía thế nào là tình đồng đội. Những câu hỏi thừa thãi từng khiến chàng khốn khổ trước đó, bỗng dưng biến mất. Ðiều quan trọng là sống sót, là phải giết kẻ hăm hăm muốn giết mình. Những người cũng cầm súng tử thủ với Ngữ lần này hoàn toàn bình đẳng trước mối đe dọa chết người, không phân biệt già trẻ, cấp bậc. Thang giá trị mới là một thứ thang giá trị hợp lý hợp tình: Chỉ thực sự có giá, những ai góp phần hữu hiệu vào cuộc tử thủ. Cảnh bị vây hãm giống như một canh bạc, ở đó bản chất mỗi người lộ rõ, không thể che giấu được. Lon lá không thể che được nỗi bạc nhược. Dao to búa lớn không thay thế được lòng can đảm. Cái chết như một viên đá đen thử vàng phân biệt rõ được cái thực cái giả. Mọi sự trở nên đơn giản, và Ngữ thầm cảm ơn hoàn cảnh đã đưa đẩy để chàng được sống trong một thứ trật tự lý tưởng, ở đó lòng chân thành và lòng can đảm được ngoi lên trên vị trí trung bình.
Càng nghĩ, Ngữ càng cảm động vì lòng tốt của Thành. Vì tinh thần trách nhiệm không phô trương của các bạn đồng đội. Khoảng hành lang hẹp vắng tanh. Người nào cũng đang ở vào vị trí chiến đấu, chỉ có Ngữ, kẻ vô tích sự, kẻ vô trách nhiệm, kẻ gan thỏ sợ chết ngồi núp an toàn ở đây!
Ngữ đứng dậy, phủi lớp bụi bám trên tay áo và vạt trước do vụ đào huyệt đêm qua, rồi men theo các bức tường xi măng xuống phía các công sự trực chiến.
Vì chưa từng chuẩn bị trở thành một căn cứ phòng thủ trước các cuộc tấn công, nên Mang Cá thiếu hẳn hệ thống giao thông hào an toàn. Bị bao vây bất ngờ, những người bị vây hãm, sau thời gian ngắn hoảng hốt ngỡ ngàng, đều nhận ra ràng chỉ có lòng can đảm mới cứu nổi chính mình. Phải chấp nhận sự thiếu thốn, sự trống trải của địa hình. Từ những chỗ tạm trú khá an toàn tại các tòa nhà xây xi măng cốt sắt, muốn tới một mô núp thuận tiện để bắn trả lại địch, nhiều khi phải liều mạng chạy qua những khoảng trống trải nguy hiểm. Giao thông hào không kịp đào, vừa không đủ dụng cụ, vừa vì không đủ sức. Tình thế còn mù mờ chưa biết lúc nào mới được tiếp viện, giải cứu, nên phải dành sức để ấn ngón tay trỏ lên cò súng.
Ngữ phải băng qua nhiều bãi đất trống hoặc một số doanh trại bị đạn pháo địch phá sập mới tới được chỗ quàng xác đêm trước. Căn nhà tôn ngay cạnh đó, sáng nay bị pháo địch bắn trúng đích, cháy sập, khói lửa còn nghi ngút. Hình như nhà xác đã được chuyển đi nơi khác vì một phía vách ván bị hơi nổ xô sập. Bên trong, ngoài ba chiếc băng ca vấy máu và mấy bộ quần áo lính dơ dáy vất bừa bãi, không còn ai! Ngữ ngơ ngẩn đứng nhìn cảnh đổ nát càng cảm thấy áy náy như tâm trạng người đào ngũ giữa lúc đồng đội đang liều chết giữ đồn. Chàng càng nôn nao hơn nữa khi tiếng súng nổ dày hơn. Dường như địch sắp mở một cuộc xung phong khác, vì đạn súng cối và đại liên bắn như mưa vào Bộ Chỉ huy Mang cá.
Từ chỗ quàng xác đến công sự toán của Ngữ phụ trách là một bãi đất trống trước đây dùng làm sân bóng chuyền và sân tập thể dục. Ngữ quên cả nguy hiểm chạy băng qua khoảng trống trải đó. Chàng thành cái bia ngon lành cho bọn bắn sẻ, nhưng Ngữ hết còn biết rõ những gì đang diễn ra chung quanh. Đạn bay vèo quanh chàng. Từ các công sự bao cát phía trước, nổi lên nhiều tiếng hô hoán bực dọc, nhiều cậu chửi thề. Ngữ không nghe thấy gì. Chàng đến được chỗ Thành và Trung tá Thanh đang núp mà không hề hấn gì, thật là phép lạ!
Trung tá Thanh giận dữ quát:
- Mày điên rồi hả?
Bấy giờ Ngữ mới biết sợ! Tim chàng đập liên hồi, dọc xương sống nổi gai ốc, mắt kinh hãi nhìn lại khoảng sân bóng chuyền trống trải mình vừa vượt qua. Ngữ đáp, giọng run run:
- Xin lỗi Trung tá, tôi ngủ quên! Ðáng lẽ…
Trung tá Thanh ngắt lời Ngữ:
- Thôi lại lo khẩu M60 kia. Nhắm vào góc trái, chỗ chúng nó vừa thụt B40 phá sập hàng rào. Chúng nó định tràn vào chỗ đó!
Rồi ông quay sang phía Thành:
- Chờ ngớt bớt, cậu về nghỉ một chút lấy sức.
Thành không nói gì, đem thùng đạn đại liên đến cho Ngữ. Ngữ trách móc:
- Sao không thức tôi dậy?
- Anh ngủ say quá!
- Từ sáng đến giờ có thiệt hại gì không?
- Ban Quân xa của tôi bị hai “con” nữa! Bị lảng xẹt! Khiêng một ông bên Quân y bị thương, vừa về đến chỗ nhà xác thì bị một quả cối. Ông bị thương không hề gì, hai anh tải thương lại đi đứt!
- Tính ông Trứ nữa là ba.
Thành cải chính:
- Bốn. Một anh hạ sĩ vướng ngay sáng mồng Hai khi lái xe về tới cổng căn cứ. Đã ăn gì chưa?
- Chưa. Nhưng không thấy đói!
- Có hộp cá và bao gạo sấy đằng kia. Nhưng không có nước. Chốc nữa tôi về được, mang nước ra cho.
Vừa lúc đó, Trung tá Thanh nói lớn:
- Coi chừng chỗ khóm mít. Tự nhiên chúng nó im tiếng súng, là có điềm lạ. Có thể lại sắp giở trò gì đây.
Không biết ông trung tá tìm đâu được cái ống dòm, nên nấp đằng sau công sự, cứ lâu lâu ông lại đưa ống dòm lên quan sát phía địch. Ngữ thấy cảnh ấy có cái gì khác thường, gần như kiểu-cách không đúng lúc. Như dùng nỉa để xăm miếng xoài chua nhậu rượu đế! Ngữ thấp giọng hỏi Thành:
- Sao Trung tá Thanh ra đây?
Thành liếc nhanh về phía ông Thanh, nói nhỏ:
- Ông sợ thiếu tay súng bắn giỏi.
Trung tá Thanh bỏ ống dòm xuống, định nói gì đó với Ngữ và Thành, nhưng cuối cùng, ông không nói gì. Một chiếc trực thăng UHIB sà thật sát qua căn cứ, tiếng cánh quạt xé gió pha lẫn với tiếng động cơ gầm rú, tưởng chừng như tầm bay sát ngay trên đỉnh đầu mọi người. Bất giác cả ba cúi thấp đầu xuống tránh. Chiếc mũ sắt của Thành rơi xuống, lăn lông lốc trên nền đất ẩm của hào phòng thủ. Trung tá Thanh vui mừng nói:
- Dám bay sát như vậy, khá lám! Chác bên ngoài biết rõ súng phòng không chúng nó không có gì đáng ngại.
Nhiều loạt đạn súng nhỏ của địch bắn với theo chiếc trực thăng đã bay xa. Rồi ba, bốn chiếc trực thăng khác lượn trên cao không phận Thành nội. Những trực thăng võ trang này xạ kích các đơn vị Cộng sản ở bên kia Bao vinh, và xa hơn về hướng Tây lộc, tiếng đạn nổ liên tục nghe giống y tiếng những con heo tranh ăn đang gầm gừ trước máng cám.
Chờ độ nửa giờ không thấy địch bắn phát súng nào, Trung tá Thanh bảo Thành:
- Cậu có mệt về nghỉ một chút lấy sức. Ðể đây tôi với Ngữ lo cho!
Thành do dự, rồi đáp:
- Về trong đó buồn chết!
Ở các công sự lân cận, tiếng lao xao cười nói bắt đầu rôm rả. Như không khí giờ nghỉ trưa ở một cơ quan hành chánh trong thời thanh bình. Trung tá Thanh bỏ nón sắt xuống, đưa ống tay áo nhà binh gạt mồ hôi trán, bảo Thành:
- Nhưng đằng nào cũng phải về đem ra đây ít nước. Vào phòng tôi lấy thêm hai hộp ration C.
Thành không cảm thấy hào hứng khi nghĩ phải trở về chỗ tạm trú nằm khoèo một mình, tìm cách nấn ná:
- Hay Trung tá về lo công chuyện, để hai anh em tôi giữ hai khẩu đại liên này cho.
Viên trung tá đâm ngần ngừ. Toán tiếp tế đạn lần theo những giao thông hào sơ sài và những chướng ngại vật ngăn đạn lần lượt đem thêm đạn tới cho các ổ chiến đấu. Ban đầu, họ còn dè dạt. Nhưng khi bốn chiếc trực thăng võ trang bỏ các mục tiêu xa quay về xạ kích ngay bên ngoài chu vi Bộ Chỉ huy Sư đoàn, thì họ yên tâm hơn. Không khí bên trong căn cứ trở nên rộn rịp, người ta đi thẳng lưng, dáng khoan thai bình tĩnh. Trung tá Thanh bảo Thành:
- Anh về đem nước và đồ hộp ra, cho tôi yên tâm cái đã. Anh ra, tôi sẽ về.
Toán tiếp đạn mang luôn cả nước và một ít lương khô cho các công sự, khiến cho Thành lại do dự không muốn về.
Trung tá Thanh giục:
- Mặc kệ! Ðược thêm để dự trữ, không sao. Hai hộp ration tôi để trong hộc bàn, phía tay trái.
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động