This will never be a civilized country until we expend more money for books than we do for chewing gum.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 35
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2797 / 81
Cập nhật: 2015-08-13 18:33:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ả ngày mồng Hai, Ngô và năm người kia phải theo Dần áp giải những người bị bắt, đưa họ tập trung về tòa công ốc trước đây là Tòa Đại biểu Chính phủ tại Miền Bắc Trung phần. Nay văn phòng Tòa Đại biểu đã dời về Đà nẵng nên tòa công ốc này được biến thành nhà khách vãng lai dành làm nơi tạm trú của các viên chức cao cấp đi công tác tại vùng giáp giới tuyến.
Trong những người bị bắt, vài người có quen với Ngô. Nhưng hoàn cảnh đưa đẩy họ đến những vị trí khác biệt, nên cả Ngô lẫn những người quen đều chỉ lặng lẽ gật đầu chào nhau, rồi vờ như chưa hề biết nhau. Khẩu AK Ngô cầm trên tay, cái băng vải đỏ, đã đủ để mọi người quen Ngô xếp chàng vào hàng ngũ kẻ thắng thế, kẻ có quyền sinh sát. Người quen tỏ ra lễ độ một cách khách sáo đối với Ngô, dùng sự khách sáo lễ độ ấy như một khoảng cách cần thiết để dò chừng đường đi nước bước, cư xử cho thích hợp giữa lúc tính mạng như chỉ mành treo chuông này. Ngô áy náy, gần như đau xót khi thấy bị xếp lầm vào phe kẻ lạ. Ðã thế, kẻ lạ cũng cảnh giác với chàng, bằng nhiều cách nhắc nhở cho chàng biết thân phận tầm gửi qua đường của mình. Khẩu AK trên tay Ngô mỗi lúc mỗi thêm nặng, nhưng chàng không dám bỏ nó. Như người mới tập đi xe đạp sợ ngã cứ đăm chiêu mím môi ghìm cứng lấy ghi-đông, Ngô không dám vất súng bừa bãi như những bộ đội Bắc Việt hoặc du kích địa phương. Gương mặt Ngô bình thường vốn đã lầm lì, sự bứt rứt khó chịu do sợi dây vô hình cột chặt chàng với khẩu AK càng khiến cho nét mặt Ngô có vẻ cô hồn hơn. Nhiều người bị áp giải sợ Ngô đến nỗi mỗi lần cần nói với Ngô điều gì, giọng nói của họ lập cập hào hển như mắc nghẹn. Trạng thái bực dọc ấy chỉ được giải tỏa phần nào khi Ngô gặp Tường ở trước Viện Ðại học. Gặp trong vô tình ngẫu nhiên, trong ngỡ ngàng lạ lẫm, vì không hề chờ đợi là có ngày gặp lại nhau.
Ngô không nhận ra Tường ngay lúc mới gặp. Chàng có quá nhiều điều canh cánh bên lòng nên không đủ tâm trí đâu nhìn rõ mọi vật chung quanh. Chưa kể căn nhà nằm ngay trong tầm mắt cứ chờn vờn mời gọi, trách móc.
Lúc đó, Ngô đang cùng với Hậu đưa một giáo sư Đức về khu cư xá để lấy quần áo đến địa điểm tập trung mới. Vừa từ trong khu cư xá đại học ra đường, Ngô đứng khựng lại vì một chiếc Jeep mầu trắng phanh thật gấp ngay trước mặt Ngô. Một ông bộ đội mặt xương xương mang kính cận nhoài người ra khỏi băng sau, gọi lớn:
- Ngô! Ngô! Có phải Ngô đấy không?
Ngô ngơ ngác chưa hiểu làm thế nào một người lính Bắc Việt lại biết tên mình, thì người lạ đã nhảy xuống khỏi xe. Mãi đến lúc ấy, Ngô mới nhận ra Tường. Cả ông giáo sư người Đức dạy Y khoa cũng nhận ra người tổ chức những cuộc xuống đường hội thảo từng làm gián đoạn các bài giảng cơ thể học của ông tại Đại học Y khoa Huế. Quên cả dè dặt, người Đức tiến đến gần Tường, giơ tay bắt và chào Tường bằng tiếng Anh.
Tường hỏi:
- Giáo sư đi đâu đây?
- Không biết. Các giáo sư ngoại quốc ở cư xá được lệnh tập trung để họ hỏi điều gì đấy.
Rồi giáo sư chỉ về phía Tòa Đại biểu hỏi Tường:
- Anh có quen với những người bên ấy không?
Tường lắc đầu:
- Không. Tôi làm việc với giáo sư Hảo. Giáo sư còn nhớ giáo sư Hảo không? Chúng tôi hẹn nhau sẽ về lại Huế. Nay chúng tôi về được đây rồi!
Giáo sư người Ðức bảo:
- Christophe mà biết anh về, chắc anh ta mừng lắm.
Tường mừng rỡ hỏi:
- Anh ta còn dạy ở Huế à? Còn ở đây không?
Ngô chen vào đáp thay giáo sư người Đức:
- Ông ấy cũng phải trình diện bên kia. Hiện chờ tại Tòa Đại biểu.
Tường tắt ngay nụ cười, lúng túng định nói gì đó, nhưng nhanh chóng chuyển câu chuyện sang hướng khác.
- Thôi, chúng mình sẽ còn gặp nhau nhiều. Giáo sư yên tâm đi trình diện, không có việc gì đâu. Làm sao gặp lại mày hở Ngô. Mày ở đơn vị nào?
Ngô cười, vỗ vào cây súng AK, bảo:
- Tao cũng không biết nữa. Ðang ở tù, đột nhiên súng nổ ran, cửa tù mở, rồi được giao cây AK này.
Tường liếc nhìn về phía chiếc xe khi nghe tài xế bóp còi. Tường nói nhanh:
- Bây giờ đến chiều tối mày ở chỗ Tòa Ðại biểu chứ gì?
- Chắc thế!
- Tao sẽ liên lạc với mày ngay. Sẽ tìm cách cho mày công tác với bên tao hay bên anh Hảo. Thôi, tao đi đã!
Chiếc Jeep rồ máy, vụt chạy nhanh về phía khu Morin. Ngô hy vọng thoát được tâm trạng lạc lõng tranh tối tranh sáng, lần đầu trong ngày thấy lòng nhẹ nhõm bớt.
Từ lúc gặp Tường cho đến tối, Ngô cứ thấp thỏm mong ngóng Tường trở lại. Chàng không chịu đựng nổi tâm trạng lơ lửng, bập bồng như người mộng du giữa ban ngày. Chàng ao ước được đứng ở một vị trí rõ ràng, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy Ngô đến một vị trí kỳ dị: phe cầm tù chàng trở thành tù nhân, nhưng chính chàng cũng là một loại tù nhân khác, tù nhân bị bao vây giữa ngờ vực. Những người bị bắt, bị toán can phạm võ trang áp giải ngờ vực cảnh giác đối với chàng đã đành. Mà cả những người đến giải thoát Ngô cũng không hề xem chàng là người đáng tin cậy. Nhất là sau vụ trốn thoát của cụ Sáng!
Sau khi giải giao hai giáo sư người Ðức cho Tư Hiếu, Dần đem Ngô và cụ Sáng đi nhận và áp giải thêm một số người bị bắt khác tập trung về Tòa Đại biểu. Ba người đến một tòa biệt thự xây cất theo lối cổ gần bờ sông An cựu. Có lẽ đây là một ngôi nhà quyền quí từ thời triều Nguyễn nên cổng ra vào xây bằng vôi có đắp hình sông núi cây cỏ công phu. Tấm bình phong chắn ngang lối vào có chạm một con cọp đang nhe răng, nét chạm và đắp hình chứng tỏ người thợ trang trí là một điêu khắc gia vô danh nhưng có chân tài.
Những người bị giải giao không phải toàn người thuộc gia đình cư ngụ tại đây, mà đã được tập trung từ vùng lân cận. Dần gặp một thanh niên nội tuyến nhận người, rồi giao cho Ngô và cụ Sáng dẫn đi. Phần Dần, anh ta còn nấn ná đứng lại nói gì đó với người thanh niên kia.
Cụ Sáng hăng hái đi trước dẫn đường, Ngô đi sau toán năm người bị bắt. Họ đi khỏi con đường hẹp rợp bóng nhãn để bắt đầu ra đường tráng nhựa rộng hơn dẫn lên Tòa Ðại biểu. Cụ Sáng đi nhanh hơn thường lệ, lâu lâu quay lại nhìn những người bị bắt, hăng hái thúc giục họ đi nhanh để tránh trường hợp có trực thăng đến oanh tạc. Tuy giục giã thế, nhưng cụ vẫn không chậm bước để chờ. Tới lúc quay lại lần chót, không thấy Dần, cụ quăng khẩu AK, ù té chạy. Ngô kinh ngạc không biết phải làm gì, muốn ngăn ông bạn tù lại vì sợ nguy hiểm cho cụ nhưng không biết phải ngăn làm sao. Đang lúng túng hoang mang, Ngô nghe một loạt súng nổ từ phía sau lưng. Ngô cảm thấy lạnh ở xương sống, nghĩ vội có lẽ toán bị bắt đi sau đã cướp súng và bắn về phía mình. Ngô không dám chắc mình có bị gì không, nghĩ nhanh có thể mình đã vướng đạn, vì cảm giác lành lạnh cứ chảy dài trên sống lưng. Đám người bị bắt cũng sững sờ đứng dừng lại. Trước mặt họ, cụ Sáng chạy thêm một vài bước, rồi ngã sấp xuống, thân thể lăn lộn quằn quại. Ngô nghĩ nhanh “Mình không việc gì”, và từ đó mới sáng suốt nhìn rõ hơn cảnh cụ Sáng oằn mình hấp hối. Dần cầm khẩu AK từ phía sau chạy qua mặt Ngô, tới gần chỗ cụ Sáng nằm. Tấm thân nạn nhân vẫn không thôi quằn quại. Dần chúi mũi súng xuống, bóp cò. Cụ Sáng nằm bất động. Giọng Dần hổn hển giận dữ, gần như quát lên:
- Ði tiếp đi! Muốn đứng lại để trốn hả?
Toán người bị bắt líu ríu bước tiếp. Ngang qua xác cụ Sáng, không ai dám nhìn xuống. Kể cả Ngô!
Cả ngày không ăn uống gì nhưng Ngô không thấy đói. Chàng cảm thấy khao khát một cách chung chung mơ hồ, nhưng không phải là khát nước. Có cái gì đè nặng lên đầu lên vai Ngô, cảm giác nghèn nghẹn khó chịu cứ bám lấy cổ họng. Trời chạng vạng, nhiều chiếc trực thăng nhấp nháy đèn bay thật cao trên bầu trời thành phố, lúc ở trên không phận hữu ngạn, lúc ở không phận tả ngạn. Ánh đèn chớp trong lớp sương đêm mịt mù chỉ phát ra được những tín hiệu vô vọng, những hứa hẹn mông lung! Cả những người tù cũ được giải thoát lẫn những người tù mới đều mù mờ không hiểu tình thế ra sao. Trực thăng còn bay trên trời, chứng tỏ chính quyền Quốc gia, quân đội VNCH vẫn còn đó. Nhưng những chiếc Jeep nhà binh hoặc dân sự đủ loại, kể cả xe đạp, xe Honda, xe Mobylette bộ đội và du kích lái từ nơi này tới nơi khác liên lạc với nhau chứng tỏ địch đã chiếm được hầu hết các khu của Huế. Họ vào đàng nào, và quân đội VNCH, quân đội Mỹ đang làm gì để giải cứu Huế, không ai biết. Cán bộ, bộ đội, du kích, nội tuyến liên lạc với nhau chỉ nói thì thào ở chỗ cách xa họ. Cái chết tức tưởi của cụ Sáng hồi chiều ám ảnh mọi người, ý định trốn thoát hết còn lởn vởn trong óc. Nói cho đúng ra, nếu thoát được, họ không biết chắc chỗ tới có phải là nơi địch chưa chiếm hay chưa. Không ai liều lĩnh dại dột đến nỗi liều chết thoát khỏi một nhà tù để rồi chạy vào cổng một nhà tù khác.
Lúc 10 giờ tối, Tường đến tìm Ngô. Tường lấy đâu được một chiếc Vespa Ý màu trắng, nên giống y hình ảnh ông giáo sư ngày trước, trừ bộ đồ màu cứt ngựa rộng thùng thình và nhăn nheo. Ngô mừng quá, định a vào Tường hỏi chuyện, nhưng Tường giơ tay ngăn lại, bảo:
- Ðể tao vào “liên hệ” với đồng chí Tư Hiếu đã. Mày chờ tao một chút, không lâu đâu.
Tường vào bên trong tòa công ốc. Chừng mười lăm phút sau, Tường trở ra cổng, dẫn theo một thanh niên da dẻ trắng trẻo như con gái. Tường xoa tay nói:
- Mày giao súng cho em này. Xong rồi!
Ngô mừng quá, giọng líu ríu vì lưỡi đơ ra:
- Thật không? Mày chở tao về chỗ mày à?
Tường cười:
- Thật chứ!
Tường đến chỗ để Vespa, cầm ghi-đông nhắc nhẹ để gập lại cái chân chống, đạp cần đề máy. Vì không quen xe, phải đạp đến bốn năm lần máy mới nổ. Ngô vội quàng chân ngồi lên yên sau, nôn nao muốn chạy cho thoát khỏi chỗ này. Ngô sợ có những trục trặc hoặc đổi ý vào phút chót, nín thở chờ cho Tường xoay tay số, nhả thắng chân, rú ga, rồi phóng xe ra đường. Chạy được một đoạn khá xa, Ngô mới vui mừng reo lên:
- Cảm ơn Trời! Mày đến cứu được tao ra, mừng hết lớn!
Tường không nói gì, chăm chú lái xe vì không dám bật đèn. Trời vẫn lạnh căm, nhưng Ngô không hề run. Ngô chồm người về phía trước hỏi Tường:
- Bây giờ mình đi đâu đây?
- Qua Thành nội.
Ngô chợt nhớ, vội đập lưng bạn nói lớn:
- Dừng xe lại.
Tường đạp thắng, chiếc Vespa khựng lại đột ngột. Tường hỏi:
- Cái gì vậy?
- Mày quày xe lại cho tao về thăm nhà được không? Từ hồi mày đi, tao bị giam, chưa được về thăm gia đình lần nào.
Tường suy nghĩ một lúc, rồi bảo:
- Ðể mai mốt hãy tính. Thiếu gì dịp. Bây giờ phải chở mày gấp về bên đó nhận công tác đã.
Nói xong, Tường tiếp tục cho xe chạy. Ngô không biết nói gì hơn, im lặng ngồi nhìn bóng đêm bao phủ đây đó. Tường nghĩ bạn phật ý, quay lại bảo:
- Mày còn phải học tập nhiều nữa mới biết phân biệt được đâu là chính đâu là phụ, đâu là cơ bản đâu là nhất thời.
Ngô không đáp lời bạn, vì xe đang qua cầu. Những nhịp cầu sắt đen điu thấp thoáng vút qua, vút qua. Gió sông thổi hắt hơi lạnh lên, lần đầu Ngô cảm thấy lạnh đến run rẩy. Phải cố ghì lấy hai hàm răng cho cứng, Ngô mới hỏi được bạn:
- Mày đã ghé lại nhà cũ chưa?
Tường đáp, không quay lại:
- Tao biết thầy me tao đã vào Sài gòn rồi. Biết trước lúc về đây.
Họ đang đi qua phố chính. Qua khu Lạc sơn, sắp đến cầu Gia hội thì Tường lái sang phía trái, đi xuống đường Huỳnh Thúc Kháng.
Ngô lại hỏi:
- Mày không đi thăm Nam à? Nam có đứa con, mày biết chưa?
Tường im lặng không trả lời. Ngô nhắc lại câu hỏi. Tường vẫn giữ im lặng. Họ không nói với nhau gì nữa, cho đến lúc xe qua cửa Đông ba để vào Thành nội.
Vì chạy chậm, lâu lâu lại phải dừng lại cho các toán bộ đội võ trang kiểm soát, nên họ đến căn nhà tôn ở đường Ông Ích Khiêm sát bờ thành lúc gần 12 giờ khuya. Trong nhà, ngoài sân lố nhố nhiều bóng người đi ra đi vào, súng ống đeo đầy người. Không khí này thật mới mẻ đối với Ngô. Ngay cả thời kỳ sôi động nhất của biến động Phật giáo, thời kỳ Ngô gia nhập Thanh niên Quyết tử, không khí vẫn có vẻ tà tà, khơi khơi. Cầm súng, mang đạn, đeo lựu đạn, phất cờ, thì thào chuyền lệnh, đóng chốt chờ địch… cũng có đủ đấy! Nhưng mọi sự vẫn diễn ra như một cuộc tập trận giả, như một trò chơi lớn kéo dài hơi lâu… cho đến khi ở tù thật! Bây giờ, mới chạm mặt với cuộc diện mới có một ngày, Ngô ngợp vì mọi sự diễn ra nhanh quá, cái chết cũng gọn đến phũ phàng, như cái chết của cụ Sáng.
Tường dẫn Ngô vào một căn phòng hẹp leo lét một ngọn nến có lẽ lấy từ bàn thờ xuống. Tường hỏi một người đang nằm trên chiếc giường hẹp trong phòng:
- Thủ trưởng đâu rồi?
Người đang nằm không ngồi dậy, vẫn nằm yên đáp cộc lốc:
- Vừa đi!
- Đồng chí ấy bảo bao giờ trở lại?
- Không biết!
Tường quay lại bảo Ngô:
- Thôi. Mày nghỉ tạm ở đây đã. Sáng mai hãy hay. Ăn uống gì chưa?
Câu hỏi của Tường nhắc nhở, làm cho Ngô bắt đầu cảm thấy đói cồn cào. Ngô nuốt nước miếng đã đặc quánh nơi cổ, nói:
- Chưa. Có gì ăn không? Từ sáng tới giờ không thấy đói.
Giọng Tường kinh ngạc:
- Chứ bên Tư Hiếu không lo cơm nước cho tụi mày à?
Ngô không đáp. Tường nói, giọng bớt hăng hái:
- Thôi được. Tao đi lấy cho mày vài lát bánh tét. Bình trà ở chỗ kia. Không. Chỗ đầu giường, trên “cái ghế gỗ. Ðấy đấy. Uống cho bớt khát rồi tao đem bánh tới cho. Hay mày đi với tao xuống dưới bếp, tao cũng tìm cái gì ăn.
Họ dọ dẫm đi xuống nhà dưới cho khỏi vướng phải những người nằm ngủ, hoặc vũ khí vất ngổn ngang trên lối đi. Cuối cùng, hai người tìm được một khoảng nhà rộng đủ để ngủ qua đêm riêng biệt, không làm phiền người khác hay bị người đi lại quấy rầy. Tường không tìm được dao hoặc dây nhợ tét bánh, lột lá xong bẻ đôi nửa khúc bánh tét chia cho Ngô và mình.
Ngô ngoạm miếng bánh trong đêm tối, cố nuốt miếng bánh dẻo và lạnh xuống cổ. Khi đã có vài miếng dằn cơn cồn cào, Ngô mới bắt đầu nói chuyện với Tường. Ngô hỏi:
- Mày biết hết tin nhà rồi chứ?
- Ðại khái những chuyện chính. Như gia đình tao đã vào Sài gòn.
- Sao khi nãy tao hỏi chuyện Nam, mày không trả lời?
Tường im lặng, ho húng hắng. Ngô hỏi tiếp:
- Mày biết Nam có con với mày không?
- Mới biết gần đây thôi!
- Mày xuống Gia hội thăm hai mẹ con Nam chưa?
- Chưa!
- Sao vậy?
Giọng Tường cáu kỉnh:
- Mày tưởng tao về đây để chỉ cốt thăm gia đình hay sao? Nếu ai cũng như vậy cả…
Tường không nói hết câu. Ngô thấy bạn nổi cáu, lấy làm lạ, im lặng không hỏi nữa. Một lúc sau, thấy không khí nặng nề quá, Ngô nói:
- Tao ở tù không biết đích xác chuyện gì xẩy ra bên ngoài, nhưng lâu lâu mạ tao hay con Diễm vào thăm nuôi có kể lại đôi chuyện. Nam sinh được cháu gái, nghe nói lúc mới sinh mẹ con đều ốm yếu, nhưng nay đã khá hơn nhiều. Quỳnh Như đậu vào Sư phạm Anh văn, kể cũng đỡ phần cho thầy mẹ mày. À quên, Tết này Quỳnh Như không về Sài gòn, kẹt lại đây. Mày biết không?
- Sao mày biết?
- Mạ tao vào thăm tao hôm trước Tết bảo vậy.
- Như nó ở đâu?
- Ở khu nội trú Jeanne d’Arc.
- Vùng đó hình như ta kiểm soát được rồi. Ðể mai tao hỏi lại xem.
- Vậy vùng Gia hội đã “kiểm soát” được chưa?
- Rồi!
- Tại sao mày không ghé thăm… thầy Văn?
Ngô hỏi đến lưng chừng câu, thấy mình lặp lại câu hỏi cũ, nên nói tránh đi một chút ở phần cuối. Tường lại im lặng một lúc, cuối cùng, hạ thấp giọng có vẻ phân bua:
- Mày hiểu cho, trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng nầy, không phải muốn làm gì thì làm. Cũng như mày, vì tình bạn, tao nói thật, mày nên cẩn thận khi nói điều gì. Tốt hơn hết, càng ít nói ít hỏi càng hay. Bên ông Tư Hiếu hỏi tao nhiều về mày. Mới từ sáng tới tối, mà họ đã thắc mắc như vậy, mày phải cảnh giác.
Ngô bực, hỏi lại:
- Họ nghi tao cái gì? Sai đâu làm đó, nghi cái gì nữa?
Tường không đáp, chỉ nói:
- Thôi ngủ đi.
Ngô sống qua một ngày đầy biến cố nên thân thể rã rời, hai vai mỏi và đầu gối tê cứng, nhưng vì đầu óc căng thẳng nên chỉ nằm lơ mơ không ngủ được. Tường nằm im bên cạnh Ngô, ngay trên nền xi măng. Ngô phục bạn dễ ngủ, cho tới lúc nghe Tường nói gì đó như nằm mớ. Rồi hình như có tiếng thở dài, Ngô không chắc lắm, vì lâu lâu, gió bên ngoài thổi thốc vào đám lá chuối, âm thanh xào xạc làm át cả tiếng ngáy, tiếng cựa mình trăn trở trong nhà.
Quá khuya khá lâu, hỏa châu từ đồn Mang Cá bắn liên tiếp lên trời, nên từng chặp, thứ ánh sáng vàng ủng hắt vào chỗ Ngô và Tường nằm. Một lần, ánh hỏa châu đủ sáng để Ngô nhìn thấy rõ khuôn mặt Tường. Và chàng khám phá rằng Tường mở mắt trong đêm. Thấy Ngô nhìn mình, Tường giả vờ ngáp như vừa choàng thức dậy vì ánh hỏa châu, rồi quay mặt về hướng khác.
Ngô nằm thao thức được thêm chừng nửa giờ nữa, thì trước nhà có nhiều tiếng lao xao. Nhiều tiếng chân chạy thình thịch chen lẫn tiếng súng đạn va chạm. Cả Tường và Ngô ngồi bật dậy. Ngô lơ ngơ không biết phải làm gì trong lúc Tường nhanh tay chụp lấy khẩu súng để bên cạnh.
Hai người chạy ra phía trước. Những bộ đội trẻ canh gác trước cổng dẫn vào hai người lạ: một người đàn ông dắt chiếc xe đạp và một người đàn bà đang bước đi nặng nhọc theo sau. Tay trái người đàn ông vẫn còn xách tòn teng cái đèn bão.
Một chú bộ đội nói giọng Nghệ an:
- Hai người này đi tìm cô mụ đỡ đẻ, thủ trưởng ơi!
Nhiều tiếng bàn tán nổi lên cùng một lúc:
- Hết lúc sinh hay sao chờ lúc này mà sinh?
- Tìm đâu ra bà mụ lúc này?
- Trông bà ấy chắc là “sắp” rồi. Không khéo sinh rơi mất!
Lúc đó, một trái hỏa châu bay vụt lên, xé không khí nghe cả tiếng veo véo, nổ bụp trên cao, rồi tỏa ánh sáng màu cam xuống nhóm người đang đứng trước nhà. Ngô nhìn nét mặt người đàn bà mang thai sắp lâm bồn, thấy quen quen. Trái hỏa châu rơi xuống thấp hơn, ánh sáng lóe ra thêm sáng. Khuôn mặt người chồng hiện rõ. Ngô suýt tí nữa kêu lên, may nhớ kịp hoàn cảnh phức tạp, chỉ vỗ nhẹ vào tay Tường thì thào:
- Vợ chồng thằng Cường. Rõ khổ! Khéo chọn lúc! Mày tìm cách giúp cho nó đưa vợ đến nhà hộ sinh, không bà ấy đẻ rơi bây giờ.
Tường hỏi lại:
- Mày có biết nhà hộ sinh ở đâu không?
- Hỏi bà Dung, nhất định bà ấy biết.
- Tao ra bây giờ chưa tiện. Nhưng để tao nói anh em đưa chuyền cho hai vợ chồng đi an toàn.
Vợ Cường sinh ngay đêm ấy, khi vừa tới nhà một người bạn quen làm nữ hộ sinh. Một cháu gái. Và đặt tên Dạ Châu, để kỷ niệm ánh hỏa châu đưa cháu gái vào đời trong đêm hãi hùng ấy của Huế!
Mùa Biển Động Mùa Biển Động - Nguyễn Mộng Giác Mùa Biển Động